Search

Bài 2112. Vầng Trăng Trên Lụa | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Tịnh Hương đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì thắp sáng đuốc tuệ để chúng con biết quán chiếu thấy rõ thực tướng của Vô Thường, của Khổ, của Vô Ngã, Niết Bàn.

Chúng con cũng nguyện xin Chư Phật gia trì cho quê hương Việt Nam của chúng con và toàn thế giới nói chung mau thoát khỏi đại dịch.

Nguyện hồi hướng cho tất cả chư vị hương linh, Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà, cha mẹ, chư hương linh quá vãng trong những năm đại dịch vừa qua đều nương bóng Đại Từ Đại Bi Đức Tiếp Dẫn Đạo Sư mà tái sanh cảnh thiện lành.

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái trái tượng trưng cho Từ Bi.

Lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi thắp sáng đuốc tuệ và lan tỏa yêu thương.

Hãy trở về với Chánh Niệm hơi thở từ bi – trí tuệ quán. Hãy đón nhận năng lượng siêu thế của Chư Phật. Hãy hồi hướng cho nhau. Và hãy luôn liên tưởng tâm thức của mình gắn kết với Chư Phật, lan tỏa đến các đấng bậc sinh thành, đến gia đình, cộng đồng, xã hội, nhân loại.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật!

Các bạn thân mến! Hôm nay, chúng ta đi vào cái đẹp của con người thường ca ngợi trong văn chương, trong Kinh điển, trong thơ, trong mộng, trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Có lẽ nó gắn kết thật gần gũi như những ngày qua chúng ta nương vào tướng đó như một thời điểm của sự vận hành trong không gian nhớ về ân nghĩa sinh thành, cái đẹp đó là gì? Đó chính là vầng trăng.

Chủ đề “Vầng Trăng Trên Lụa” rất thơ, rất mộng, rất đẹp. Lụa thì được thêu dệt lại bằng tơ của tằm, mềm mại, đẹp mà còn có thể vẽ vầng trăng trên đó thì nhất định giữa lụa và tranh hài hòa với nhau là đẹp mê ly làm cho hồn ta lạc vào cõi thơ, rong chơi nơi cõi mộng, chắc khó có thể tìm được về sống thực tại và Chánh Niệm.

Có lẽ người Việt Nam cũng như Á Đông gắn kết thật gần gũi với vầng trăng bởi trăng dẫn đưa con người tìm hiểu về mùa màng, về ngày tháng. Chúng ta đặt ra ngày âm lịch là dựa trên vầng trăng và rồi trăng thật gần gũi với chúng ta.

Thuở nhỏ, ai mà không chạy dí đuổi theo vầng trăng khi rằm, khi tỏ lộ và ai không cười, không vui khi trăng cứ dí chạy theo bước chân của tuổi thơ thật hồn nhiên. Rồi có biết bao nhiêu những mặt trăng trong dân gian, những câu chuyện được kể. Đến Cuội kia mà còn có thể lên được mặt trăng, các bạn thấy không? Ngồi trên gốc cây đa nơi mặt trăng mà ngắm chị Hằng. Có phải chăng người Việt chúng ta quá tài giỏi để có người không biết bằng phương pháp nào, chẳng cần phi thuyền mà có thể hiện thân trên mặt trăng. Nếu nói cho đúng văn chương thì mặt trăng có lẽ thuộc về dân tộc Việt Nam bởi ông Cuội đã lên được mặt trăng và dấu chân người Việt đã in hẳn trên mặt trăng dưới gốc cây đa rồi. Nói thì cứ nói, mộng mơ thì cứ mộng mơ và văn chương vẫn như thế. Trong những người làm thơ, những thi sĩ thì thích mặt trăng dữ lắm. Như nhà thơ, thi sĩ Lý Thái Bạch thấy mặt trăng đẹp nhưng mặt trăng mà ông ta thấy đó là thấy trong lúc say sưa với rượu để rồi nhìn xuống đáy hồ thấy mặt trăng mà tưởng thật. Bởi vì say, nên nhảy xuống vớt mặt trăng đó để tặng cho người mình thích nhưng rồi hồ nước kia đã vùi chôn ông mãi mãi. Nói thêm một xíu nữa trong nền văn chương của Việt Nam, người ta còn mang mặt trăng ra để bán. Trên đời này, ai bán trăng trước người Việt?. Hàn Mặc Tử đã rao bán: “Ai mua trăng, tôi bán trăng cho?”. Rồi thì trăng vẽ trên hình, trên lụa, đủ thứ, đẹp.

Nhưng không phải vì như vậy mà chúng ta thấy rằng mặt trăng không gắn kết với đời sống tâm linh của Phật giáo. Các bậc thiền sư ngày xưa trong thiền định vẫn luôn luôn thấy trăng gần gũi với Chánh Định trong sáng, đẹp, dịu hiền, thanh cao như đêm rằm, ta ngửa lên trời nhìn thấy. Như rằm Vu Lan, thấy trăng về, nhớ đến ân đức cội nguồn.

Phật giáo của chúng ta gắn kết thật gần gũi với mặt trăng. Rằm tháng tư là ngày lễ Tam Hợp, lễ Phật Đản mà danh từ ngày nay gọi là Vesak. Tam Hợp tức là kỷ niệm cả ba ngày lễ đồng vào rằm tháng tư. Ngày Đức Phật sanh ra đúng vào ngày rằm tháng tư, ngày Đức Phật giác ngộ đúng vào rằm tháng tư và ngày Đức Phật nhập Niết Bàn cũng chính vào ngày rằm tháng tư. Ba ngày rằm đó đồng vào rằm tháng tư, ba ngày trọng đại của Đức Thế tôn sanh ra, giác ngộ và nhập Niết Bàn, gọi ba Tam Hợp mà ngày nay trên thế giới đồng kỷ niệm ngày lễ đó gọi là Vesak (Tam Hợp).

Không biết là ngẫu nhiên hay như thế nào mà mặt trăng gần gũi với con người, đặc biệt là người Việt chúng ta và mặt trăng lại liên kết với đạo Phật của chúng ta để rồi trong cuộc đời của Đức Phật, Ngài thường mang mặt trăng ra để ví dụ trong những lời khai dẫn, khai thị.

Trong Kinh A Hàm Đức Phật dạy, tâm trí tuệ và từ bi như vầng trăng không bị những vờn mây đen che lấp và người có trí tuệ – từ bi là người biết hành thiện như biết ngắm trăng từ mùng 01 tới ngày 15. Và người không có trí tuệ – từ bi làm việc ác như người nhìn mặt trăng từ ngày 15 đến ngày 30. Nói như vậy, các bạn phải biết lịch trình chu kỳ mặt trăng vận hành xung quanh mặt trời cùng với trái đất của chúng ta.

Người trí tuệ – từ bi hành thiện là người phát hiện ra trí tuệ và tâm từ bi như trăng khuyết thật là nhỏ bên trong tâm của chúng ta và người đó miên mật Chánh Niệm theo dõi, quán chiếu, nhìn theo để mùng 01 qua đi, thấy mùng 02 trăng sáng hơn, lớn hơn một chút. Mùng 03, mùng 04, mùng 05 cho tới ngày rằm thấy rõ từng bước tâm hiển lộ trí tuệ và từ bi từ khuyết, từ sơ cho tới tròn, cho tới viên mãn. Còn người không có trí tuệ và từ bi, làm việc ác là người chỉ chớp nhoáng thấy cái đẹp của mặt trăng đúng ngày 15 rồi bị mây đen của cuộc đời tham ái, tham dục của cuộc đời sân si, giận hờn dần dần che khuất đi, để rồi trăng sáng đêm rằm dần dần che dần che dần cho tới 30 tối mù, chẳng thấy đường để đi. Đó là vầng trăng trong Kinh A Hàm Đức Phật dạy. Nó rõ quá rồi!

Còn vầng trăng trên lụa của chúng ta là gì? Người Phật tử của chúng ta, người thường trong cuộc đời của chúng ta không nhìn được chứ đừng nói rằng đã nhìn thấy như người có trí tuệ – từ bi từ ngày mùng 01 tới ngày 15 đâu. Nếu nhìn được nửa chu kỳ của một tháng vận hành, thấy một nửa ánh sáng mặt trăng từ khuyết đến rằm đã là hạnh phúc. Mà nếu như có cơ hội, lại nhìn thêm một nửa nữa của mặt trăng từ 15 đến 30 dần tối rồi thoắt lên lại sáng, lại tối, lại khuyết, lại tròn, lại tròn khuyết, khuyết rồi tối thì chúng ta nhất định sẽ thấu được vô thường sanh – diệt.

Chúng ta không kham nhẫn chuyện vận hành tự nhiên của mặt trăng bởi khi còn đang đứng trên mặt đất cho nên đã thâu tóm mặt trăng như anh thợ buôn muốn thâu tóm tất cả trên thiên hạ để nâng giá lên. Các bạn biết, ngay trong mùa dịch, nếu không kiểm tra rõ ràng, nhiều người buôn bán thâu gom tất cả, nâng giá lên để kiếm lời, lợi dụng dịch để kiếm lời. Trong tất cả những chuyện đó, vừa nói ra là có. Bên Mỹ Bảo Thành ở, năm ngoái vào mùa dịch, người ta đồn rằng sẽ bị đóng cửa toàn bộ rồi không có đồ ăn, nước uống, giấy vệ sinh, thế là nhiều người bỏ hết tiền ra, đi mua hết, tóm vào. Thậm chí trong đó có những người đi buôn bán, bỏ tiền đầu tư, mua nước khử trùng, rửa tay, giấy vệ sinh chất đầy trong chỗ để xe, nhà cửa bởi nghĩ rằng khi ngăn chặn, cách ly, mọi chuyện sinh hoạt đời thường bị đóng cửa, họ sẽ mang ra bán để có lời. Có người đã làm việc đó ở nước Mỹ, mua một bán một trăm, lời dữ lắm, lợi dụng thời điểm đó. Nhưng rồi té ngửa là bởi vì nước Mỹ không đóng cửa như người ta nói, hàng hóa vẫn giao thông và sự cung cấp những điều cần thiết trong sinh hoạt đời thường vẫn đầy đủ cho nên những người lợi dụng buôn bán kia bị ế và bị lỗ thật đau đớn. Còn những người sợ hãi lúc đó mới ngộ ra rằng họ đã bị lừa. Bỏ biết bao nhiêu tiền mua giấy vệ sinh chất đống trong nhà. Mua đồ khử trùng, mua đồ ăn dùng không hết, tiêu không hết, sử dụng không hết, dư.

Chúng ta đã thâu tóm mặt trăng và tự làm hoạ sĩ vẽ trên nền lụa của tâm. Của tâm mơ mộng, của tâm mông lung, của tâm phóng dật, của tâm chạy theo không phải như thuở nhỏ với mặt trăng mà tâm của u mê, vô minh chạy theo sự ham muốn, tham dục của cuộc đời, Ngũ Dục, Tam Độc: Tham – Sân – Si đuổi rượt theo và rồi bắt được nó, nhét vào trong tâm, vẽ vầng trăng của tham dục, tham ái lên trên đó để mỗi ngày ngắm, ngắm tới nghiền luôn, chịu không nổi nữa. Cái này có!

Các bạn cứ nghĩ đi, các bạn có bao nhiêu, các bạn nghiền ngẫm, các bạn sẽ thấy các bạn thực sự đã bị nghiền một vài thứ trong cuộc đời. Những thứ đó đều nằm trong Tam Độc và Ngũ Dục. Và đó là vầng trăng của chúng ta. Chúng ta không có cơ hội theo dõi từ mùng 01 đến ngày rằm để thấy sự sáng mà chúng ta đã đắm chìm, lóe lên tia sáng của gì? Của tham vọng ở trong đầu, lần mò theo bóng tối, đi ngược vào đêm 30 để rồi tối mù trong vô minh, lầm lỗi.

Tại sao chúng ta biến tâm ta thành lụa của những tham vọng cuộc đời? Điều đó, chúng ta sẽ như Kinh A Hàm nói, tâm như vầng trăng, bị mây đen che và khỏa lấp đi, chẳng thấy gì. Chúng ta phải trở lại với lời giáo dưỡng của Đức Phật để ta có thể nhìn thấu rõ được lễ Tam Hợp, ngày giác ngộ, ngày sinh và ngày nhập diệt đều vào đêm trăng tròn. Trăng tròn không phải là mặt trăng – một thế giới vật chất ảnh hưởng đến sự giác ngộ của Phật, nhưng trong văn chương Phật giáo của dân gian vẫn luôn ngưỡng mộ cái đẹp của mặt trăng, mặt trăng nơi Đức Phật dạy trong Kinh A Hàm và trong ngày lễ Vesak Tam Hợp đó là mặt trăng của trí tuệ và từ bi. Dù bạn sinh ra, bạn cũng phải nhận thấy mặt trăng trí tuệ và từ bi đã vốn có, để rồi giác ngộ, nhận diện được nó luôn luôn ở trong ta, vầng trăng trí tuệ và vầng trăng từ bi hiện hữu đến khi hơi thở cuối cùng lìa cuộc đời, chúng ta cũng phải biết và thấy rõ rằng vầng trăng trí tuệ và từ bi luôn ở trong ta, không bao giờ xa ta.

Kinh A Hàm nói thật rõ! Chúng ta cần phải trở về với Chánh Niệm hơi thở, thiền từ bi và trí tuệ, từ bi – trí tuệ quán tức là một cái nhìn để thấu rõ được thực tướng của vầng trăng trí tuệ – từ bi. Ta hãy nhìn mặt trăng từ trái đất, ngày mùng 01 bắt đầu khuyết, 15 nó tròn, nhưng chúng ta tới cái tròn đó rồi thì xoay qua ngày 16, 17, 18 tới 30, nó tối dần tối dần và chúng ta đã chấp nhận bóng tối, cứ nghĩ rằng trăng tròn, trăng khuyết, trăng tối, trăng đen, nhưng thật ra, vầng trăng trí tuệ và từ bi không bao giờ khuyết, không bao giờ đen tối như đêm 30 mà luôn sáng một cách thanh tịnh, tại sao? Quán chiếu sẽ thấy!

Nhưng bây giờ không cần quán chiếu nữa, khoa học đã chứng minh điều đó, mặt trăng không bao giờ bị khuyết và mặt trăng không bao giờ bị tối bởi mặt trăng tự thể là sáng. Tối, khuyết, tròn hay rằm là sự xoay vần giữa trái đất và mặt trăng xung quanh quỹ đạo của mặt trời. Vầng trăng trí tuệ và từ bi của chúng ta nếu quán chiếu thấu rõ thì chẳng bao giờ vô minh đen tối vùi lấp như vầng trăng kia. Chỉ cần chúng ta thoát ra khỏi ý tưởng cột chân chặt vào trái đất này thì chúng ta thấy rõ ràng trong khi quán chiếu từ ngàn năm xưa, Phật đã nhận ra. Mặt trăng luôn tròn, luôn sáng, luôn đẹp và sự thiền trong Chánh Niệm để chúng ta nhìn thấy rõ vầng trăng trí tuệ và từ bi bên trong tâm, không bao giờ bị khuyết, nó luôn luôn sáng, tỏ lộ trong cuộc đời, chỉ vì chúng ta đã giật lụa trong Tam Độc, lụa Tam Độc mà tưởng là lụa. Đó là vải đen cấu nhiễm, uế trược của Tham – Sân – Si, của tiền, tình, tài, danh vọng và địa vị của sự ganh đua, hờn giận, của sự mong muốn để rồi vẽ vời vầng trăng tham ái lên trên đó, ngắm riết cho nghiền suốt từ kiếp này qua kiếp sau mà chẳng thể một lần nhận rõ vầng trăng trí tuệ và từ bi bên trong bởi tưởng rằng nó đã bị lu mờ đêm 30.

Không! Trí tuệ và từ bi vốn có khi sinh ra như Đức Phật và vốn tỏ lộ khi chúng ta quán chiếu rõ để giác ngộ, và vẫn luôn luôn đồng hành với chúng ta khi hơi thở cuối cùng thở ra. Lễ Vesak nói Đức Phật sinh ra, giác ngộ và Ngài từ bỏ cuộc đời này vào đúng đêm trăng rằm thanh tịnh thì chúng ta, vầng trăng trí tuệ và từ bi đã hiện hữu từ vô thủy vô chung và luôn luôn ở trong ta, chẳng bao giờ lu mờ, chỉ có điều ta chẳng nhìn vào để đón nhận vầng trăng trí tuệ và từ bi mà chỉ ngắm lên vầng trăng ở trên trời, vẽ cuội vẽ hưu để trở thành anh Cuội bay lên mặt trăng trong tưởng thức ngồi gốc cây đa, ngắm nàng Hằng Nga. Rồi chúng ta lại say mê tiếp trong những thú vui cuộc đời như Lý Thái Bạch chuốc rượu cho say, đắm mình nhảy xuống hồ ôm vầng trăng lên tặng người. Rồi chúng ta có lẽ vì một điều gì đó đau khổ trong cuộc đời đó, mang vầng trăng để rao bán: “Ai mua trăng, ta bán trăng cho?” đó là Hàn Mặc Tử. Còn là người Phật tử thì khác quan niệm của anh Cuội, của Lý Thái Bạch, của Hàn Mặc Tử hoặc của những người văn chương thơ mộng, mà chúng ta đi vào vầng trăng trí tuệ và từ bi của các vị thiền sư để ngược dòng thời gian thấm thía vầng trăng mà trong ngày lễ Tam Hợp Đức Phật đã sinh ra, giác ngộ và từ bỏ cuộc đời, nhập Niết Bàn. Đó chẳng phải mặt trăng mà con người cứ ngắm ở trên kia, đó chính là mặt trăng được ẩn dụ trong Kinh của các vị thiền sư thường thiền định trong Chánh Giác của Chư Phật hiện tiền trên thế gian. Vầng trăng trí tuệ và từ bi, vầng trăng không vẽ trên nhung lụa của tham ái, của Tam Độc, của tiền của tài, của danh vọng, của sự mơ ước của cải, vật chất trong thế gian này mà đó chẳng phải là mặt trăng, đó là xẻng để đào hố sâu, chôn cốt người của chính ta trong muôn kiếp luân hồi sinh tử.

Hôm nay cũng đang ở trong mặt trăng vẫn còn đẹp của ngày rằm tháng bảy lễ Vu Lan, chúng ta hiếu đạo với cha mẹ, chúng ta thực hành chân lý và lời khai thị của Phật là chẳng phải chỉ đến rằm tháng bảy đẹp vô cùng mới tưởng nhớ đến ân đức sinh thành của Cửu Huyền Thất Tổ, cha mẹ, ông bà để rồi hôm nay 16, 17, nó đang tròn và khuyết dần tới 30 tối tăm đó. Tình thương, lòng hiếu đạo chẳng sáng như mặt trăng rồi khuyết dần mà phải luôn luôn sáng. Nếu như lòng hiếu đạo và tình thương đó mà ta nhìn nhận rõ nó khởi nguồn từ vầng trăng trí tuệ và từ bi viên mãn thì chẳng bao giờ khuyết. Nó luôn tròn và tỏ lộ một cách thanh tú, đẹp. Mà làm được như thế thì ta phải thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở theo Đức Phật dạy để ta thiền trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là vầng trăng trí tuệ, Mu A Mu Sa là vầng trăng từ bi, từ bi và trí tuệ là hai mặt của vầng trăng vốn có trong tâm của chúng ta. Nếu các bạn Chánh Niệm hơi thở, nhìn cho rõ, quán chiếu cho thấu tận tường, các bạn thấu tận tường vầng trăng trí tuệ và từ bi ở trong tâm luôn sáng và hiển ngự khi sinh ra, khi thấu đạo cũng như khi chết đi trong cuộc đời, ta mới thấy rằng lời Phật nói thật đúng.

Đừng rong ruổi theo những cái đẹp mê hồn của cuộc đời bởi xây dựng do những ước mơ của lòng tham muốn trong ái dục, trong sắc tướng, trong tiền tài, danh vọng, địa vị để rồi chúng ta tái tạo vầng trăng trên lụa Tham – Sân của cuộc đời để cuối cùng vầng trăng trên vải lụa Tham – Sân – Si của cuộc đời kia biến thành tấm khăn tẩm liệm thân xác của chúng ta.

Các bạn suy nghĩ thật kỹ! Để giữ đạo hiếu vuông tròn như trăng rằm tháng tư, vầng trăng của trí tuệ và từ bi, mỗi một ngày trôi qua, ta phải thoát ra khỏi, không bám, không chấp, không cố hữu trong tư tưởng kiến thức của Phàm phu để chúng ta có thể rời những cảm giác mà ta thủ đắc đó là mình để nhìn rõ vầng trăng trí tuệ và từ bi xoay vần trong tâm, không bao giờ tối đen như đêm 30 của mặt trăng ta nhìn thấy trên trời. Trăng trên trời dễ thấy, Cuội còn lên được. Trăng trên trời dễ vớt, Lý Thái Bạch còn vớt được. Trăng trên trời dễ bán, Hàn Mặc Tử còn bán được. Nhưng trăng ở trong tâm, trăng trí tuệ và từ bi, chỉ có những bậc tu đi đến sự giác ngộ như Phật và các bậc thiền sư hoặc chúng ta trở về thể nhập trong Chánh Niệm hơi thở, nhất định sẽ nhìn trọn vẹn vầng trăng trí tuệ và từ bi. Để từ đó không phải chỉ có rằm tháng bảy mà trong chúng ta nhìn thấy rằm tháng bảy luôn luôn hiện hữu trong từng nhịp thở của chúng ta, chẳng phải đợi đến tháng bảy thật sự vào mùa Vu Lan. Bởi trong từng nhịp thở của chúng ta, vầng trăng trí tuệ và từ bi soi rõ để chúng ta nhận rằng, trong hơi thở đó, sự vận hành của máu huyết vẫn mang máu huyết của cha mẹ luân lưu trong từng tế bào nuôi sống cuộc đời qua hơi thở Chánh Niệm và từ bi. Thấy được điều đó, ta thấy cha mẹ, Cửu Huyền Thất Tổ từ muôn đời thân xác chẳng còn nhưng vẫn hiện hữu trong tâm của chúng ta. Đi thử ADN sẽ thấy rằng dòng máu của ta là dòng máu của cha của mẹ, của ông bà, của dòng tộc. Vậy vầng trăng trí tuệ và từ bi trong Chánh Niệm hơi thở, thiền từ bi Mu A Mu Sa và thiền trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang sẽ đưa chúng ta nhìn thật rõ để có cơ hội ngắm vầng trăng trí tuệ và từ bi trong tâm để nhận rõ rằng mỗi một ngày, mỗi một giây, mỗi một sát na trong Chánh Niệm là rằm Vu Lan, là báo hiếu và ta luôn luôn cảm nhận được thực sự thực tướng của sự sống bất diệt trong tâm, chẳng dựa trên sắc tướng của thân này mặc dù đã trở về với cát bụi, Tứ Đại hết duyên trở về, nhưng thần thức trong sáng như vầng trăng trí tuệ và từ bi vẫn luôn hiện hữu. Ông bà ta, cha mẹ ta, Cửu Huyền Thất Tổ của ta vẫn ở trong dòng máu nối truyền từ đời này qua đời kia, chỉ cần thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở, thiền từ bi – trí tuệ, ta sẽ nhìn xuyên suốt vầng trăng trí tuệ và từ bi luôn tỏ lộ và sáng. Và khi nhìn được điều đó, khi nhìn thấy vầng trăng trí tuệ và từ bi thì tất cả mọi tà niệm, ác niệm đều tan biến bởi không thể có hai niệm trong một giây, một phút, một sát na. Nếu Chánh Niệm nhận rõ được vầng trăng trí tuệ và từ bi ở trong ta thì bóng tối của vô minh trong ngày 30 sẽ sáng trưng thôi, bởi nó đâu hiện hữu nữa.

Các bạn! Đây là một tin vui cho chúng ta. Các bạn đừng xua đuổi vô minh, đừng đẩy lùi những giây phút đau khổ, buồn chán, mà các bạn chỉ cần ngắm vầng trăng trí tuệ và từ bi vốn có ở trong ta thì những màu sắc của buồn vui, sướng khổ, những cảm xúc của đời người sẽ được thăng hoa bởi ánh sáng của mặt trăng trí tuệ – từ bi chiếu soi vào, ta đều nhìn thấy: “À! Đó là một phần của đời sống con người, nhưng ta không lệ thuộc vào nó”. Bởi trên đời có sự khổ nhưng không có người khổ. Khổ là bởi vì ta bám vào sự khổ đó để chấp. Trên đời có sự đau nhưng không ai bị đau. Chẳng qua là ta bám vào sự đau đó để rồi than đau khổ mà thôi. Vầng trăng trí tuệ và từ bi chẳng lệ thuộc vào đâu. Chỉ cần nhìn cho thật rõ bằng thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở, sống ngay trong Chánh Niệm hơi thở, biết vầng trăng trí tuệ – từ bi hiện hữu là sự nối truyền từ vô lượng kiếp qua nơi ông bà, cha mẹ, Cửu Huyền Thất Tổ, ta sẽ nhận ra giá trị của cuộc sống. Để từ đó, ta nhìn vào trong tâm của chúng ta, thấy rõ vầng trăng trí tuệ và yêu thương, để làm sao? Để ta thông cảm, ta yêu thương.

Các bạn! Để thông cảm và yêu thương để hiểu thấu bởi vầng trăng trí tuệ và từ bi sáng, không bao giờ bị lu và từ đó, ta luôn nhìn thấy mọi người, ta luôn luôn nhìn thấy mọi người là hình ảnh của trí tuệ và của từ bi, hình ảnh của bậc giác ngộ hiện hữu trong con người đó. Đừng khùng điên trong cuộc đời hỗn tạp, đặc biệt là đại dịch làm cho con người sợ hãi. Ta chỉ cần bình tĩnh và hơi thở Chánh Niệm sẽ mang đầy đủ Oxy, dinh dưỡng vào trong thân để ta có thể kìm hãm sự sợ hãi đại dịch. Các bạn đừng mang đại dịch như loài rượu say chuốc vào cho sợ hãi để khùng điên nhảy xuống hồ sâu của tham dục như Lý Thái Bạch hốt vầng trăng lên để ôm. Chúng ta cũng đừng loạn sự suy nghĩ như Cuội nghĩ rằng trên mặt trăng, ngồi dưới gốc cây đa để ngắm chị Hằng Nga. Ta cũng đừng để cho bao nhiêu sầu muộn bi ai của kiếp người đau khổ này như Hàn Mặc Tử để rồi rao bán mặt trăng: “Ai mua trăng, ta bán trăng cho?” mà ta phải đi theo sự hướng dẫn của Phật để thấy rằng vầng trăng trí tuệ – từ bi vốn có khi sinh ra, vốn có khi thẩm nhập được, vốn có khi ta lìa cuộc đời, Tam Hợp khi sinh, khi hiểu thấu cuộc đời và khi lìa đời đều nhận biết vầng trăng trí tuệ – từ bi vốn luôn luôn, luôn luôn hiện hữu ở trong ta. Nó chẳng sáng từ mùng 01 cho tới ngày rằm rồi lu mờ từ ngày 15 cho tới 30 đen tối. Đó là cái nhìn của thế gian, cái nhìn hạn hẹp của những tư kiến, của những vọng kiến, vọng tưởng. Nhưng cái nhìn viên dung là cái nhìn vào bên trong để tìm vầng trăng trí tuệ và từ bi, chẳng nhìn lên trên trời để mơ ước vầng trăng trên kia như những nhà thơ. Cái nhìn vào bên trong là nhìn của các bậc thiền sư, bậc thiền giả của Phật tử chúng ta thể nhập vào trong Chánh Niệm để quán thiếu thấu rõ trí tuệ và từ bi qua Mu A Mu Sa, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Vầng trăng trí tuệ là vầng trăng của mật ngôn số hai NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Vầng trăng từ bi là vầng trăng phát lên hào quang yêu thương lan tỏa đến muôn cõi trần gian u tối đó là Mu A Mu Sa. Thiền trí tuệ và thiền từ bi, từ bi – trí tuệ quán là từ bi Mu A Mu Sa, trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, pháp phương tiện diệu dụng Thiền Mật song tu sẽ giúp cho chúng ta lìa xa vọng tưởng để không đắm chìm trong vầng trăng của thế tục được vẽ trên lụa là của Tham – Sân – Si, Hỷ – Nộ – Ái – Ố của tiền của tài, của danh, của vọng mà tìm về, tìm về tâm chân thật Phật tánh để thấy rõ vầng trăng trí tuệ và từ bi ở trong ta. Thấy được điều đó là thấy được cha mẹ, ông bà, Cửu Huyền Thất Tổ. Thấy được điều đó là thấy được Đức Phật. Thấy được điều đó là thấy được Bồ Tát, Thánh Hiền. Thấy được điều đó là thấy được tình người bao dung, thông cảm và yêu thương. Còn không thấy được điều đó, ta như người đắm chìm trong ganh ghét, ganh đua, so sánh, bon chen, giận hờn để thấy hào nhoáng của mặt trăng ngày đêm rằm, đắm chìm trong nhung lụa để rồi dần khuyết đi, khuyết đi, khuyết đi, khuyết đi và đắm chìm trong vô minh của đêm 30.

Người tu trong Chánh Niệm hơi thở là thấy rõ mặt trăng trí tuệ – từ bi không khuyết để họ không bị lung lạc do những dục lạc của thế gian. Tâm họ bền vững, vững chãi như thái sơn, thong dong như mây trời, tự tại trong Chánh Niệm hơi thở. Người đó, muôn sự ở đời chẳng dính vào tai, muôn sự trái ngang chẳng gai con mắt, tâm luôn an nhiên và tự tại. Các bạn! Đó là vầng trăng trí tuệ và từ bi Mu A Mu Sa, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng ta đừng tự biến mình thành họa sĩ để dệt lụa trong tham ái, tham dục, trong mơ mộng của tưởng thức, vẽ vầng trăng đắm chìm ở trong đó để ôm ấp, ghiền đến mức biến vầng trăng trên lụa, tấm lụa đó thành vải liệm xác của chúng ta, trôi xuống mồ sâu của luân hồi sanh tử. Bỏ đi! Nó lỗi thời rồi. Nó không hợp nữa. Đại dịch này, đừng ôm ấp những ý tưởng như vậy, chôn sống cuộc đời trong vải liệm vầng trăng trên lụa mà hãy trở về sống chân thật để thấu rõ vô thường sanh – diệt, nhìn vào trí tuệ và từ bi bên trong trong Chánh Niệm hơi thở để thấy rõ rằng trong cuộc đời vô thường sanh – diệt của các pháp vẫn còn thường hằng, không bao giờ sanh diệt, cấu tịnh, tăng giảm, đó là vầng trăng trí tuệ và từ bi. Thấy được rõ vầng trăng đó, bạn là người bất sanh diệt, bất cấu tịnh, bất tăng giảm. Thể nhập vào trong đó, bạn sẽ thành Phật.

Chúng ta hãy nhớ điều đó, thực hành cho rõ, nhất định sẽ có được thật nhiều lợi lạc dù vẫn mang kiếp Phàm phu lang thang trong cõi đời uế trược nhưng chân của chúng ta không bao giờ dính bụi và bùn nhầy của sự hôi thối thế gian bởi tâm hương của chúng ta luôn nhìn rõ được trí tuệ và từ bi ở trong mình.

Vesak, ngày lễ Phật Đản, Vu Lan ngày lễ trăng tròn, trăng thực sự tròn đó là trăng trí tuệ và từ bi. Sinh ra đã có trí tuệ – từ bi. Ngộ được cuộc sống này trong đau khổ hoặc hạnh phúc cũng có trí tuệ và từ bi. Chết xuống lỗ mồ sâu, trí tuệ và từ bi vẫn có, không bao giờ sanh diệt, cấu trược, tăng giảm, đó là Tâm Kinh Bát Nhã nói thật rõ về vầng trăng trí tuệ và từ bi, bạn đã có thì các bạn không có đau khổ gì làm cho các bạn phiền não, sợ hãi nữa để phải rao bán vầng trăng như Hàn Mặc Tử. Bạn đã có trí tuệ và từ bi, bạn sẽ không chuốc vào cuộc đời những chất say của tham ái, tham dục, của Tham – Sân – Si, Hỷ – Nộ – Ái – Ố, của tiền tài, danh vị như Lý Thái Bạch để say để nhào xuống hồ vớt trăng lên. Bạn cũng chẳng phải người giải đãi không muốn làm gì, nhập vào tưởng thức như anh Cuội ngồi dưới trần gian mà tưởng mình trên mặt trăng ngắm chị Hằng Nga. Bạn là hơi thở của trí tuệ và từ bi, bạn là Phật tử và bạn như lời Phật nói là Phật sẽ thành nếu thể nhập vào trong trí tuệ và từ bi bằng Chánh Niệm hơi thở, chúng ta sẽ đồng đẳng Phật tánh với nhau.

Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào để chúng ta trở về với bảy biến hơi thở thiền trí tuệ – từ bi quán.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Thưa Phật! Vầng trăng của ảo tưởng vẽ trên lụa của tham ái nhiều đời chúng con đã đam mê. Nay thấu rõ trăng chẳng khuyết như từ ngày 15 cho đến đêm 30 tối. Trăng cũng chẳng sáng từ mùng một đến ngày rằm bởi trăng luôn tỏ lộ trong tâm đó là trăng trí tuệ và từ bi. Xin gia hộ cho chúng con thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở thiền trí tuệ và từ bi để nhận diện được mặt trăng trí tuệ – từ bi vốn có và luôn có và hiện hữu trong tâm của chúng con.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu hôm nay nếu có tới tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo và tới quê hương Việt Nam của chúng con cũng như toàn thế giới mau thoát khỏi đại dịch.

Xin Chư Phật chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn