Bảo Tịnh Ý đánh máy, Bảo Phước biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!
Kính mời mọi người cùng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống muôn loài chúng sanh và thắp sáng đuốc tuệ để chúng con quán chiếu thấy rõ các pháp Vô Thường, Khổ, Vô Ngã và Niết Bàn.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát Ma Ha Tát.
Nguyện xin Chư Phật gia trì cho quê hương Việt Nam của chúng con và trên toàn thế giới mau thoát khỏi đại dịch.
Nguyện xin trong ngày Vu Lan này, hồi hướng mọi công đức lên Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà, cha mẹ, người thân quá vãng nhiều đời được siêu sanh Tịnh Độ.
Nguyện cho song thân phụ mẫu, muôn người còn đang sống trên trái đất này với chúng con tăng trưởng phước báu, bớt phiền, bớt não, tinh tấn tu học.
Chúng ta hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi.
Lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi nuôi dưỡng trí tuệ và lan tỏa yêu thương.
Luôn luôn quán tưởng tới cha mẹ, người thân trong cuộc sống, cộng đồng và xã hội. Luôn luôn gắn kết với Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, nương bóng ánh minh tuệ, tránh xa màn vô minh.
Hãy mang tâm tánh thiện lành phụng hiến cho tha nhân, mang tất cả phước báu nếu có được rải đến muôn loài, hồi hướng đồng thành Phật đạo.
Hít vào bằng mũi, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú. Chúng ta cứ vận hành chu kỳ hít thở như vậy và đồng trì mật chú mỗi một lần hít vào thở ra, Chánh Niệm hơi thở, dùng tâm quán chiếu toàn bộ mọi hiện tượng đang ở cùng với chúng ta:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Các bạn! Trong sự đồng tu hôm nay cũng nhất tâm hồi hướng, xin Chư Phật gia trì cho bà nội của cô giáo Thùy Dương có đầy đủ phước báu, thân tâm thường an lạc trong pháp Phật.
Các bạn thân mến! Chúng ta đi thẳng vào chủ đề hôm nay để chia sẻ, chủ đề “Chân Thật Với Chính Mình”. Hình như cái mệnh đề “Sống Với Mình”, “Chân Thật Với Mình”, “Thể Hiện Chính Mình” và “Hãy Là Mình” thường được mỗi người chúng ta nhắc tới trong cuộc sống như là một cái mệnh lệnh hay một sự khuyến khích chúng ta sống để thể hiện cá tính, cảm xúc của riêng mình. Cá tính, cảm xúc của riêng mình! Mà đôi khi chúng ta nương vào cái mệnh đề sống để thỏa mãn cảm xúc và thể hiện cá tính bản thân mình đó, đã tạo ra thật nhiều chướng ngại, thậm chí đổ vỡ tình cảm trong gia đình và bạn bè. Nếu ở nơi công sở thì có thể mất việc, bạn làm việc với chúng ta khó có thể đồng hành. Bởi khi tin tưởng vào mệnh đề là “Phải Sống Với Chính Mình”, “Chân Thật Với Chính Mình”, “Thể Hiện Mình”, thật ra nó chỉ là một khối u của sự bướng bỉnh ở trong đầu để bảo vệ cái tôi, cái chủ ngã của mình. Cho nên, Bảo Thành và các bạn khi bảo vệ được chủ ngã, cái tôi của mình thì ai không thích. Cho nên nếu được nói rằng “Hãy Sống Là Mình”, “Thể Hiện Chính Mình” và “Chân Thật Với Chính Mình” đó chẳng qua là những câu mà bản thân ta đang lừa gạt chính mình mà thôi. Bởi có ai biết được mình như thế nào?
Chúng ta cứ vội vàng như họa sĩ mù, lựa chọn những màu sắc mà không thể thấy được, bởi đôi mắt nào còn nhận ra. Hòa trộn vào nhau bằng những tâm cảm, cảm xúc khi va chạm trong cuộc sống, vẽ lên những hình hài mường tượng ở trong tâm và rồi cho đó là mình, cho đó là ta, vỗ ngực ành ạch ành ạch khi có chuyện xảy ra, nói một câu trắng trợn và sòng phẳng với muôn người, không cần biết người đó là đấng ở bên trên như cha mẹ hay những bậc trưởng thượng, hoặc người đó ngang hàng như vợ chồng hoặc là bạn bè, thậm chí đối với trẻ con, ta cũng nói: “Tôi như vậy”. Và cái tôi như thế, chúng ta đi đâu cũng muốn thể hiện và sống cho cái tôi của mình, mượn những chữ thật là đẹp: “Hãy Chân Thật Với Chính Mình” và “Sống Với Chính Mình”.
Các bạn thấy, chúng ta là người học Phật, câu nguyện thường xuyên của chúng ta là mật chú số hai NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, tức là thiền trí tuệ. “Duy Tuệ Thị Nghiệp”, lời Phật dạy lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát và lấy từ bi thắp sáng đuốc tuệ, lan tỏa yêu thương. Nếu chúng ta không thiền trí tuệ và lan tỏa từ bi yêu thương, sao có cơ hội nhìn rõ chính mình?
Qua mật ngôn số hai, ta học về Tam Pháp Ấn, quán vạn pháp Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, vậy mà chúng ta cứ thỏa mãn cảm xúc, cảm giác của riêng mình, sống cho chính mình và chân thật với cái gọi là mình đó để thỏa mãn những ước vọng, những cảm xúc, những suy nghĩ, những hành động thì sự quán vô ngã chưa được và ta chưa đi đến cái thềm chân tâm thực sự, vẫn còn ôm ấp một cái chủ ngã hình thành cho sự vụn vặt của những cảm xúc giác quan, thỏa mãn giác quan của chúng ta mà thôi. Nhưng khi giác quan này, Đất; Nước; Gió; Lửa hình thành cơ thể này xuôi theo trở về cát bụi khi nhân duyên giả hợp tan biến, giác quan còn đâu, vậy thì dĩ nhiên là cảm xúc tận diệt, bao nhiêu năm tháng ta vùi đầu vào trong sự chăm sóc, nuông chiều, thỏa mãn cảm xúc giác quan kia, hóa ra tay trắng hoàn trắng tay, như dã tràng xe cát biển đông, chẳng được gì.
Tư duy trong thiền trí tuệ để chúng ta thẩm định lại những quãng thời gian của cuộc đời đã trôi qua, thấy rõ ngày hôm nay ta cho mình là ai? Ta cho mình là như thế nào? Và thấy rõ mệnh đề “Chân Thật Với Chính Mình” là chân thật như thế nào? Chúng ta nói chân thật với chính mình, nhắc lại để cho Bảo Thành và các bạn cùng nghe thật rõ. Nói “Chân Thật Với Chính Mình” nhiều lần lắm ở chúng ta, nhưng thật ra mọi người trong chúng ta đã từng lừa gạt và lừa dối chính mình trong bao nhiêu kiếp qua và trong hiện kiếp này. Mình là ai? Để rồi phải sống với chính mình? Hãy nhìn đi các bạn!
Gặp một chuyện rắc rối vượt không qua thì đổ thừa cho mệnh số của mình là như vậy: “Thôi! Chân thật với chính mình, dừng lại, chẳng cố gắng nữa”. Đụng một chuyện xích mích với cha mẹ, vợ chồng hoặc người thân hoặc ai đó, bực bực bực, cãi lý cãi quẩn không thành công, khó chịu, vỗ ngực: “Tôi là như vậy, tôi sống thật với tôi, tôi sống chân thật với tôi” và cứ cái tôi đó như những trái bong bóng được người đi bán rong ngoài đời cho trẻ con chơi đỡ buồn, ta chụp vài trái thổi phồng lên căng cứng ở trước mặt, che kín đôi mắt, thấy gì nữa đây?
Suy nghĩ đi các bạn! Có phải chăng đã lâu rồi Bảo Thành và các bạn đang lừa dối chính mình, tự an ủi mình bằng những lời phỉnh nịnh bản thân là hãy chân thật với chính mình mà nào mình có biết mình đâu. Nay mới ngỡ ngàng vô cùng bởi mật chú số hai dạy về Tam Pháp Ấn trong hai chữ “Vô Ngã”, đã gọi là Vô Ngã thì còn có gì là mình để chân thật với cái mình vụn vặt như những họa sĩ mù pha trộn những cảm xúc của giác quan thành những hình hài, tướng sắc để đắm chìm trong đó, muôn đời tạo thành thân nghiệp chướng trong ba nẻo luân hồi đau khổ là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Chẳng đợi chết đâu, ngay trong kiếp này, chúng ta đã nhốt mình vào trong địa ngục của tâm Tham – Sân – Si để tái sanh thành ngạ quỷ để đói khát cảm xúc và giác quan của ta. Từ đó, ta chỉ phục vụ giác quan mà thôi. Rồi ta biến thành súc sanh gầm gừ, tranh giành. Đủ mọi thứ. Điều đó có mà! Đâu cần đợi tới kiếp sau để suy đoán. Nhân quả tại tiền, cuộc sống đối xử với mình như thế nào thì thể hiện ngay. Tâm ta vẫn còn có thú tánh thì sinh thành thú, tâm ta vẫn còn sân là địa ngục ở đó, tâm ta vẫn còn đói khát những cảm giác thì ngạ quỷ ngay kia, tìm gì đến kiếp sau?
Rất cần suy nghĩ trong Đạo Phật là Chánh Kiến và luôn luôn phải Chánh Niệm hơi thở để cho mình có sự tịnh tĩnh, sống hiện tại, dùng trí tuệ nương vào trí tuệ của Phật đánh thức trí tuệ của tự thân để chúng ta nhìn thấu để không phỉnh lừa bản thân. Các bạn cố gắng, trong sự tu cũng như sự sống của cuộc đời, cố gắng vượt qua những điều ta cần phải làm, cũng đừng giải đãi để rồi cho ta là như vậy.
Trong Kinh Đức Phật dạy về 04 loại ngựa: Loại ngựa xuất sắc và loại ngựa giỏi, loại ngựa bình thường và loại ngựa dốt, tối căn. Phật dạy như vầy, loại ngựa xuất sắc thì khi người chủ đưa cây lên, nó chỉ thoáng thấy cái cây, cái roi là nó đã phóng đi ầm ầm. Thoáng thấy, thoáng nghe cái hơi là cái roi sẽ đánh lên người nó, chưa đánh mà chỉ thoáng thấy là nó chạy thật nhanh, người ta gọi là loại ngựa xuất sắc. Loại ngựa giỏi là loại ngựa mà khi cái cây vừa chạm lên da thật là nhẹ, nó cảm giác được, nó liền phóng tới. Còn loại ngựa bình thường là loại ngựa đánh một cái, chạm vào da đau, nó bắt đầu chạy. Còn loại ngựa tồi, loại ngựa xấu, đột căn là phải đánh cho thật mạnh đến khi nó đau thấm vào xương tủy, nó mới bắt đầu di chuyển.
Nghe qua câu chuyện 04 loại ngựa, nhất định chúng ta thích ngay, ám chỉ bản thân mình là loại ngựa xuất sắc để chỉ nhìn thấy cái bóng thôi là biết chuyện gì xảy ra, hóa ra mới trở thành đồng bóng, các bạn thấy không? Hóa ra mới trở thành vị này người kia, thể hiện ta là người đẳng cấp cao siêu. Thứ nhất là dựa, gá vào những hồng danh của những đấng giác ngộ, Chư Thần, Chư Thánh để nói Phật, Thần Thánh, Bồ Tát, vị này vị kia gá vào cuộc đời, mượn ta để độ chúng sanh. Đó là loại ngựa gọi là xuất sắc, chỉ thấy thoáng qua thôi, đeo hình bắt bóng, sơ sơ mà tưởng tượng đó các bạn. Vậy thì các bạn có còn muốn bạn là loại ngựa xuất sắc nữa hay không? Kiểm chứng bằng trí tuệ, bạn sẽ thấy rằng, chẳng ham muốn khi ngồi thiền muốn trở thành người xuất sắc, thấy trong tưởng thức mơ hồ như hình bóng, vội chụp lại, nhận đó là mình. Thấy trong cuộc đời này, những bậc đạo sư cao cả, những bậc thiền sư, những đấng gọi là cao trọng hơn cả Phật, khi chúng ta vội vàng bám chặt lấy chân, cột chặt cuộc đời của ta vào vị đạo sư đó, thoáng thoáng nghe qua như lời quảng cáo, tô vẽ cho hay, mập mờ trong mộng, vậy mà sướng. Để bán cả cuộc đời, trói cổ vào hồng danh của vị gọi là đạo sư cao cả kia. Rồi nhập vào sự nhập nhằng của mê tín dị đoan. Xuất sắc như vậy hay sao? Ta không cần, ta chẳng màng loại ngựa xuất sắc như vậy đâu các bạn! Thoáng thoáng qua đã cho là như vậy, để rồi thoáng thoáng qua thấy bóng thấy hình, nhận đó là mình, nhận đó là người để tôn sùng, thần tượng, sùng bái những chuyện không đúng, mờ mị thì lấy gì để có thể có sự tự tại trong Chánh Niệm hơi thở?
Thiền không cần thấy bóng bắt hình, thiền là bằng trí tuệ để thấy rằng tất cả đều là vô ngã thì chẳng có cái ngã nào thoáng tới như bóng để ta ôm, ta tôn thờ. Cũng đừng biến mình trong khi thiền thành người xuất sắc như vậy, hoặc thành người giỏi đó là mới chạm vào thôi là biến tướng thành ông này bà kia rồi.
Ở trên đời, ta cứ khẳng định như thật những chuyện vừa chạm tới. Chạm tới bằng giác quan, bằng tai, mắt, mũi, họng, bằng da thịt, bằng tư tưởng thì thổi phồng lên, còn không thì kéo dài ra như kẹo kéo. Nếu không nữa thì lại nhét vào miệng viên kẹo dừa, nhai cho nó dính cái răng, nói cho nó ngọt xớt, khẳng định thật rõ: “Tôi đã chạm vào được điều đó rồi”, nhưng hóa ra chỉ như anh mù chạm vào voi mà thôi. Chạm vào cái tai, tưởng là cái quạt, nói con voi to như cái quạt. Mù chạm mà! Không có trí tuệ thì mọi sự va chạm dù như con ngựa giỏi cũng chỉ là va chạm trong cái điểm mù, người ta gọi điểm mù là điểm tối, là vô minh, cạn kiệt vô cùng. Thế mà ở đời vẫn có những con người lấy lông gà gắn vào, biến thành lông thiện thần bay lên trên trời, vỗ cánh kêu thật to bởi đã chạm vào được. Chỉ chạm vào cảm xúc của giác quan mà thôi các bạn!
Vô ngã thì chẳng biến mình thành xuất sắc hay dựa vào chữ “giỏi” để thoáng thấy chút xíu mà tưởng tượng cho to. Vô ngã cũng chẳng cần phải thiền để trở thành người bình thường để khi chạm vào việc gì đó như con ngựa bình thường là đánh một cái, thấy đau rồi mới chạy. Đừng để xảy ra chuyện như thế, đau trong lầm lỗi, nhẹ nhẹ cảm xúc, đau trong giác quan, đau trong sự va chạm của sự thất bại, của sự trông đợi, của những sự trái chiều trong cuộc sống rồi mới vươn mình trỗi dậy. Đó là loại ngựa tầm thường chứ không phải bình thường đâu các bạn. Rất tầm thường! Bởi tất cả chúng ta vẫn còn mê muội thật là nhiều trong sự thỏa mãn giác quan, nuông chiều cảm xúc, nhận cảm xúc là mình, nên ai chạm vào ta thì tự ái dồn dập. Tự ái như bánh bèo đấy các bạn, bèo nhèo lắm, không hay. Thậm chí mà chúng ta còn cứ khẳng định: “Thôi! Tôi không giỏi, tôi không xuất sắc, tôi cũng không bình thường, tôi là người tối căn” để rồi cứ để cho sự việc thấm vào trong xương trong tủy đó, mới nhận ra đó là mình.
Thật ra tất cả những cái từ xuất sắc, giỏi cho đến bình thường, cho đến tối căn cũng chỉ là những cảm xúc rất con người mà thôi. Trong Thiền học, trong đời sống tu, thiền trí tuệ, chúng ta không để cho tâm của mình tự nhận và đặt vào trong từng vế của 04 loại ngựa này, mà chúng ta phải trở về với tinh thần vô ngã, không gượng ép mình là xuất sắc, giỏi, bình thường hay tối căn để chấp nhận một cái định mệnh như kinh nghiệm của cuộc đời gán ghép cho chúng ta. Mà chúng ta thiền trí tuệ là để thể nhập và hiểu thấu được Phật dạy. Phật dạy, để có thể thoát khổ, tức là thoát khỏi cái tư tưởng cho ta là một cái ngã, bản ngã, chủ ngã nào đó để rồi nghĩ rằng ta sẽ không bao giờ tận diệt mà cứ như vậy tạo ra biết bao nhiêu khổ, luân hồi sanh tử hoài. Để thoát khỏi sanh tử cũng như để hiểu thấu được những điều đó tạo ra khổ, ta phải quán chiếu bằng trí tuệ trong Chánh Niệm hơi thở và cuối cùng, ta mới hiểu được tinh thần vô ngã và cái mà Đức Phật muốn thắp sáng trong ta là trí tuệ và muốn gìn giữ trí tuệ đó bằng năng lượng từ bi để ta có thể nhìn thấu được tinh thần vô ngã.
Không thấy sang bắt quàng thành họ phải không các bạn? Không thấy là xuất sắc hay là giỏi, là bình thường hay tối căn để rồi nhồi nhét mình vào trong đó, biến tướng trở thành những điều chỉ là những cảm xúc qua những giác quan va chạm vào những hiện tượng trong cuộc đời. Suy nghĩ kỹ một chút xíu để chúng ta từ nay phủi đi tất cả những cái gì gọi là danh tướng, công hầu, tên tuổi hoặc những cái gì đó ta cho là mình. Đặc biệt trong thời gian này, biết bao nhiêu người vỗ ngực xưng tên này kia đó, thử hỏi cái khổ của những vi trùng đại dịch có nhường bước những đấng đó đâu? Thành – Trụ – Hoại – Không thì cần phải quán chiếu cái vô ngã mới thấu hiểu được bản sắc của chính ta. Bản sắc của chính ta và cái gọi là ta đó, tạm gọi để nói lên cái hình hài này chính là trí tuệ và từ bi. Do đó “Chân Thật Với Chính Mình” là sống bằng từ bi và trí tuệ thì bạn chân thật với chính bạn. Nếu bạn sống và được soi sáng bằng thiền trí tuệ và thiền từ bi, bạn mới chính là người chân thật với chính bạn. Bởi người chân thật với chính mình là người tràn đầy năng lượng yêu thương lan tỏa tới muôn người, phụng hiến tha nhân và mọi loài chúng sanh. Đó chính là mình, từ bi. Và trí tuệ là thắp sáng để nhìn thấu, nhìn rõ tất cả mọi mầm mống ung thư của ác nghiệp, tiềm ẩn những loại vi trùng đại dịch lây lan vô cùng. Thấy được điều đó, chúng ta mới buông bỏ tất cả những gì gọi hào nhoáng bằng cái vỏ, bằng ngôn ngữ, bằng sự tự phong hoặc người ta phong cho mình hoặc chưa hiểu thấu đáo để rồi đưa mình lầm lẫn, đắm chìm vào trong biển rừng ngôn ngữ mầu nhiệm.
Khi các bạn vào thăm trong bệnh viện tâm thần, các bạn thấy những người hoang tưởng, họ nói những chuyện cao siêu lắm, họ nói những chuyện mà ta không ngờ rằng văn ngữ của họ cao siêu, nhưng hỏi cho rõ ràng thì họ là những người bị tâm thần. Các bạn có khi nào tiếp xúc với những người tâm thần chưa? Bảo Thành thường đi cùng với các bạn đồng tu tới các trại tâm thần để hỗ trợ cho họ ăn. Thực ra, đối với họ, cái gì cũng không quan trọng, chỉ cần đồ ăn là được rồi. Có nhiều người họ nói những tư tưởng cao siêu lắm, nhưng mà họ là những người bị bệnh tâm thần. Coi chừng Bảo Thành và các bạn đang bị bệnh tâm thần, sống hoang tưởng trong cái nhà thương điên của chính tự thân này, ta nhốt vào, nói sảng nói hoảng hoài.
Sống cần phải thẩm định bằng trí tuệ, mà để thẩm định được trí tuệ đó có hay không thì nhìn vào năng lượng từ bi, từ ái của mỗi người. Trí tuệ không thể có nếu thiếu năng lượng từ bi. Cái này thật là rõ!
Từ bi là chất liệu để thắp sáng trí tuệ, mà nếu từ bi không có thì như cái đèn không có dầu, lấy gì mà sáng? Giả sử có thấy thì cũng chỉ là những kiến thức mà thôi.
Con người vốn thích chơi trò chơi chế tạo ra những ngôn ngữ toàn mang ý nghĩa của điểm tối mù không ai đọc hiểu được. Các bạn cứ thấy đi, Bảo Thành và các bạn đọc một đoạn Kinh, một lời diễn giải được ghi chép lại của Tổ hoặc của Phật do người thường biên soạn thì họ bắt đầu ngồi suy nghĩ, vận dụng tư tưởng rồi áp chế vào, nhồi nhét vào những thể loại ngôn ngữ gọi là cao siêu, huyền bí, đọc hoài không hiểu, nghĩ hoài không thông. Ngôn ngữ đó là ngôn ngữ được chế tạo bởi đúng ngay cái điểm tối tức là xuất phát từ vùng vô minh của con người. Cho nên chúng ta đã mù mà đọc những chữ mù từ trong vô minh kéo ra, hình thành nên những âm thanh, đọc cho nhau nghe, vậy mà sướng các bạn ơi. Đọc càng không hiểu càng thấy nó huyền bí, càng thấy nó sướng. Để rồi cả cuộc đời, những điều gọi là huyền bí, không hiểu đó, nó gọi là tạng Mật. Mật Tông, Mật, không hiểu gì hết. Rồi cứ nhắm mắt phải tin tưởng theo những bậc đạo sư và hết mình với bậc đạo sư bởi vì bậc đạo sư đó còn hơn cả Thầy nữa, hơn cả Phật nữa. Mà có người vẫn đắm đuối theo, trong khi Đức Phật nói: “Hãy nương vào Pháp”.
Sau khi Đức Phật tịnh diệt rồi, chúng ta phải nương vào Pháp, dùng trí tuệ quán chiếu mà thực hành. Khi Đức Phật còn sống, Phật không bao giờ muốn có một vị giáo chủ, ai đó thế chân Phật làm một đấng cao cả để ta tôn sùng mà Ngài khuyến khích chúng ta dùng trí tuệ để quán chiếu những lời được ghi lại gọi là của Phật dựa trên Tam Pháp Ấn, có nghĩa là tinh thần của Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn. Nhưng ngày nay, phong trào của cuộc sống dồn dập như bão tố tràn ngập nhiều quá, ta sợ, rồi ta vội vàng, ta lại sợ nó vụt khỏi tầm tay, không còn cơ hội để có nữa. Những lời quảng cáo hoa mỹ, những lời hay thêu dệt, sơn son thếp vàng, cẩn ở trong những ngôn ngữ tàng ẩn của Mật truyền, bí truyền, nghe thấy hấp dẫn vô cùng. Mà thử hỏi rằng dưới cái danh ảo đó, nào mấy ai đã hết khổ, hết phiền, hết não đâu. Vậy làm sao gọi là “Chân Thật Với Chính Mình”? Cái mình đó chỉ là cái mình của những cảm xúc, của những cảm giác do chính ta đắm đuối, nuông chiều giác quan của chính mình mà thôi.
Thần tượng hóa rồi trở thành Thần giáo, Thánh giáo, Tiên giáo, có trở thành Phật đạo đâu? Phật đạo là con đường trí tuệ và từ bi. Tâm Kinh nói bất tăng bất giảm, bất cấu bất tịnh, bất sanh bất diệt, thấm được điều đó, quán chiếu tinh thần vô ngã để hiểu được pháp vô thường, khi ta thấu được trong Tâm Kinh rằng ngũ uẩn giai không, tức là tất cả những cái uẩn của chúng ta, tức là cảm giác của chúng ta khi giác quan va chạm vào cảnh trần (tức cảnh đời) nó tạo ra đều là không, để không vướng vào những cảm xúc, cảm giác cho đó là mình.
Bất kỳ ai nói điều gì, các bạn phải tư duy đó! Bảo Thành nói nhưng chúng ta phải Chánh Tư Duy bằng Chánh Kiến thì mới thấm được, mới hiểu được. Như hạt giống thấm vào nước, vào đất nó mới tự phá vỡ cái ngã của hạt giống ra để nó mọc thành cây. Người xưa nói, nếu hạt giống mà không thối rữa đi thì làm gì có cây, có hoa, có trái cho đời sau. Nếu chúng ta không làm thối rữa cái mầm mống tự nhồi nhét để tạo nên hình hài của cái tôi, cái ngã thì chẳng thể có cái mầm Bồ Đề trỗi lên được. Làm sao có mầm sen nở hương ngát giữa cuộc đời? Không có!
Phương pháp Phật dạy thật rõ để phá vỡ cái bản ngã của mình là nhận diện được sự vô thường trong cuộc sống bằng Chánh Niệm hơi thở, đón nhận được năng lượng từ bi của Phật, thắp sáng đuốc tuệ thấu rõ ngay tại chỗ. Trong thời gian đại dịch tưởng như nguy hiểm nhưng đây chính là ngọn đuốc minh tuệ của Phật thắp sáng vào cuộc đời để cho mọi người chúng ta dù không tu, không Tịnh, không Thiền, không Chánh Niệm cũng đã đầy đủ phước báu vuông tròn để nhận thức thật rõ cuộc đời là vô thường, mong manh dễ vỡ, từ đó hiểu được rằng vạn pháp đều vô thường. Để không nói rằng hứa hẹn ngày mai bởi ai biết được ngày mai ra sao mà hứa hẹn. Biết bao nhiêu những lời ước, lời hứa với mình, với nhau, với cuộc đời, với cha mẹ, với vợ chồng, con cái thì chúng ta thấy rằng chẳng còn cái sổ ghi lại hợp đồng vĩnh viễn tồn tại để thứ lớp thực hiện những lời hứa đó. Đại dịch đã cho chúng ta thấy đời sống vô thường và vô ngã thật rõ!
Vậy thì nhìn trong cơn hoảng loạn của đại dịch, nếu người tu Phật, người con Phật, người Phật tử hay tín đồ Phật giáo dưới mọi hình thức ngôn ngữ gọi sao cũng được, ta mới thấy rằng trong sự tăm tối này lại là ánh sáng của trí tuệ điểm cho mọi người nhận thức mà chẳng cần tôn giáo là Phật giáo nữa. Mọi người, tuy khác biệt tôn giáo, có niềm tin hay không có niềm tin thì hiện tại đều lắng đọng và nhận thức thật rõ kiếp sống trong nhân sinh này là vô thường sanh – diệt, tới lui khó ngừa. Từ đó mà cái quý nhất trong cuộc đời này có phải là bán cả tuổi trẻ, bán cả cuộc đời trong kiếp người này để lao đầu vào điểm tối, quờ quạng, mù mờ, vơ vét những thứ hư mất, hư ảo hay không? Hay là lắng đọng một chút để thể nhập vào ánh sáng trí tuệ, lan tỏa yêu thương?
Trí tuệ và từ bi, thiền trí tuệ và từ bi, trí tuệ – từ bi quán, Chánh Niệm trong hơi thở là pháp cao siêu nhiệm mầu, pháp phương tiện của Mẹ hiền Quan Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu Nạn chúng sanh. Trong thời gian đại nạn, dại dịch này, chúng ta trở về với nguồn ân của Chánh Niệm hơi thở để thiền trí tuệ và thiền từ bi. Để thực hiện pháp quán chiếu từ bi và trí tuệ của Mẹ Thiên Thủ Thiên Nhãn thì tức khắc ta thể nhập vào bản thể của Đức Thiên Thủ Thiên Nhãn có ngàn mắt ngàn tay dung nhiếp được vạn sự đang xảy ra trong chướng ngại của đại dịch để tịch tĩnh, an nhiên, bớt não, bớt phiền, bớt khổ và phá vỡ cái định kiến rằng “ta có thực sự” trong mớ kiến thức, chấp kiến như lấy cát, lấy đất sét nhồi lại thành hình hài của ta.
“Người ơi, hãy nhớ mình là bụi tro.” “Mình ơi, hãy nhớ mình sẽ trở về với cát bụi mà thôi,” vậy thì trong cát bụi này, nếu nó sáng ra và rồi nó có năng lượng yêu thương thì dù là cát bụi vẫn có giá trị hơn là trong thân bụi cát mà đầy sân hận, tăm tối.
Thiền trí tuệ, thiền từ bi, chúng ta sẽ nhận thức được vạn pháp là vô thường sanh – diệt, là vô ngã để không lao đầu vào trong cái khổ nữa. Và trong cái Thiền Mật song tu, thiền trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang và thiền từ bi Mu A Mu Sa thì giúp cho chúng thật sự sống chân thật với chính mình. Nói rõ hơn chữ “mình” hôm nay tạm gọi để chúng ta có chỗ để nói chuyện, mình ở đây chính là trí tuệ và từ bi, nếu các bạn sống từ bi và trí tuệ tức là bạn đang chân thật với chính bạn. Còn nếu bạn đang sống mà sân giận, mà ác độc, mà tham si, mà đắm chìm trong những vụn vặt của ngũ dục, vơ vét cả cuộc đời thì bạn đang lừa dối bản thân của bạn.
Các bạn cứ thấy đi! Bao nhiêu những công năng gọi là nội lực thâm hậu của Kinh điển mà các bạn đọc được trên Kinh sách còn ghi, mà tuổi trẻ hoặc những người yêu thích kiến thức khi đọc được thích lắm, sướng lắm. Thấy trong đại dịch, dịch đang tới ta mới thấy rõ ràng những điều đó không còn ứng dụng được nữa. Vậy nên trong cả cuộc đời của Đức Phật Ngài luôn luôn nhắc nhở chúng ta phải thiền trí tuệ và thiền từ bi. Và trên các cái chùa, am thất chúng ta thường tới vẫn còn ghi, một là ghi bằng chữ Hoa hoặc chữ Nho hoặc chữ Việt thật là rõ: “Duy Tuệ Thị Nghiệp”, “Từ – Bi – Hỷ – Xả”. Thiền trí tuệ và từ bi là pháp phương tiện hàng đầu trong thời Mạt Pháp. Kiếp người vô thường ngắn ngủi thì lấy gì để chúng ta vỗ ngực xưng tên, gọi này gọi kia nữa các bạn? Hãy nhắc nhở mình là cát bụi, là bụi tro để thật khiêm tốn, đừng là con ngựa xuất sắc, ngựa giỏi, ngựa bình thường hay ngựa tối căn nữa, mà hãy là trí tuệ và từ bi. Trí tuệ và từ bi!
Trong thảm họa đại dịch lan tràn trên thế giới và khủng hoảng vô cùng tại Việt Nam chúng ta, giãn cách, cách ly, ta nhận thức được giá trị của cuộc đời chỉ bằng một hơi thở mà thôi. Vậy thì trong hơi thở đó, nói cho thật rõ, ta chính là hơi thở. Ta chính là hơi thở bởi hơi thở ra là ta chết, cho nên hơi thở đó là ta. Đã gọi là hơi thở thì là ta, người xưa còn gọi là thần khí. Thể nhập vào thần khí tức là thể nhập, hòa mình vào với Chánh Niệm của hơi thở như Đức Phật dạy, thở. Thở hòa nhập vào bằng Chánh Niệm và biết nhận thức thật rõ ánh sáng của trí tuệ soi tỏ để thấy được ngũ uẩn là không, các pháp vô thường, vô ngã để bớt khổ, bớt não, bớt phiền, phá vỡ đi cái ngã tướng, đó chính là chúng ta đã tìm lại chính mình. Ta là hơi thở mầu nhiệm của Chánh Niệm để thắp sáng trí tuệ và lan tỏa từ bi yêu thương. “Chân Thật Với Chính Mình” là trở về sống với Chánh Niệm hơi thở để thắp sáng trí tuệ, để lan tỏa yêu thương, nếu bạn làm được được điều đó thì bạn và Bảo Thành thực sự đã chân thật với chính bản thân của mình. Còn ngoài ra những thứ khác đều là đang lừa gạt, phỉnh nịnh, lừa dối. Không có sự lừa dối, phỉnh nịnh nào ghê gớm bằng tự lừa dối và phỉnh nịnh chính mình. Ai càng lừa dối mình thì cái ngã càng cao, ai càng phỉnh nịnh mình thì ngã tướng càng lớn thì người đó càng nhào đầu vào trong điểm tối, đắm chìm trong vô minh, càng khổ, càng day dứt. Không ai có thể nhận ra mình đang lừa phỉnh, lừa dối mình bằng chính ta.
Các bạn suy nghĩ kỹ đi! Bảo Thành và các bạn đã nhiều đời nhiều kiếp và trong kiếp này đã lừa phỉnh, lừa gạt và lừa dối mình rồi. Hãy tỉnh thức, hãy tỉnh thức và tỉnh giác bằng cách thực hiện Chánh Niệm hơi thở, nương vào Mu A Mu Sa là từ bi và trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Nương vào hai mật ngôn này để tiếp cận với Phật gọi là gần đèn thì sáng.
Ngày nay thật là dễ hiểu nếu như bạn xài mạng internet, wifi thuộc loại gọi là wireless (mạng không dây), bạn thấy nếu bạn càng xa chỗ phát sóng thì mạng của bạn càng yếu, thông tin tới càng chậm, xa quá không có mạng và rồi chẳng bắt được thông tin gì. Bạn tự động biết bạn phải tới thật gần chỗ phát sóng để có sóng internet, để được phủ sóng mạng, từ đó mà bạn có thể cài đặt, cài xuống hoặc đưa lên. Cài xuống là đón nhận, đưa lên là phát nguyện. Chúng ta phải tiếp cận thật gần để phủ sóng trí tuệ và từ bi nơi Đức Phật qua hai mật mã NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang và Mu A Mu Sa. Đó là mật mã Mu A Mu Sa bấm vào máy vi tính nơi não bộ của chúng ta. Mu A Mu Sa, bạn có mật mã đó được mở ra gắn kết với năng lượng từ bi của Phật, bạn đã được phủ sóng từ bi. Bạn bấm vào mật mã NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang thì mạng lưới của bạn được thắp sáng, thông tin được cài đặt, năng lượng trí tuệ thẩm nhập vào thân tâm và từ đó bạn đã đang nằm trong vùng phủ sóng trí tuệ – từ bi của Phật, gần với mạng lưới toàn cầu siêu việt mà từ vô lượng kiếp qua Phật đã luôn luôn đặt để trong tận hư không pháp giới để những ai nhận thức rõ và có đầy đủ phước báu, nhân duyên, biết được mật mã này để cài đặt mình vào trong vùng phủ sóng để có được trí tuệ và từ bi để nương vào tha lực của Phật, phát triển tự lực để sống chính là mình, chân thật với mình. Và điều khẳng định cuối cùng trong định nghĩa mình là ai? Là trí tuệ và từ bi. “Chân Thật Với Chính Mình” tức là từ bi và trí tuệ.
Từ bi – trí tuệ quán, thiền trí tuệ và từ bi, phương tiện cao siêu, nhiệm mầu của Mẹ Thiên Thủ Thiên Nhãn. Hỡi những ai có phước báu, nhân duyên nghe qua, hãy cho mình một cơ hội để thực tập pháp môn này để từ đó quán chiếu thấy vạn pháp vô thường, vô ngã để lìa xa khổ và phiền não trong cuộc đời và đặt chân vào thềm chân tâm, miền đất chân như, trải nghiệm hạnh phúc, yêu thương của Niết Bàn tại thế.
Hãy đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái.
Thưa Phật! Chúng con đã mù mà thích làm họa sĩ quờ quạng trong vô minh điểm mù của cuộc đời, sơn son thếp vàng, trộn lẫn màu sắc tạo thành muôn sắc tướng, quỳ xuống tôn thờ, thần tượng hóa để thỏa mãn những cảm xúc, cảm giác của những giác quan, từ đó mà luân hồi sanh tử, đau khổ khó thoát, phiền não khó qua.
Nay hiểu thấu “Chân Thật Với Chính Mình” là trở về với Chánh Niệm hơi thở, thẩm nhập vào từ bi và trí tuệ, thấu được pháp vô thường, vô ngã, đoạn diệt được phiền não và đau khổ.
Xin Chư Phật gia trì để chúng con được phủ sóng toàn cầu bằng trí tuệ – từ bi của Ngài. Để chúng con gần ngọn đèn minh tuệ của Phật, của Bồ Tát, Thánh Hiền để thấy, để thấu, để hiểu, để buông, để thành tựu sự an lạc trong cuộc sống này.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Chúng ta hãy hồi hướng công đức.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát Ma Ha Tát.
Chúng con nguyện xin hồi hướng tới Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà, cha mẹ, người thân đã quá vãng được siêu sanh Tịnh Độ và cho tứ ân phụ mẫu tại tiền cũng như mọi người trong thân tộc, bạn bè, cộng đồng, xã hội, chúng sanh trên thế giới tăng long phước thọ, bớt phiền bớt não, tinh tấn tu học, sống đời an yên và hạnh phúc.