Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!
Giờ đồng tu đã tới, mời các bạn đồng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Thưa Phật! Chúng con nguyện xin Phật, xin Chư Bồ Tát, Thánh Hiền ban rải năng lượng tình thương xuống mọi loài chúng sanh, thắp sáng đuốc tuệ để chúng con cùng thiền quán chiếu bằng trí tuệ và từ bi nhận rõ các pháp là Vô Thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn.
Hôm nay, chúng con cũng đồng hồi hướng về quê hương Việt Nam của chúng con, xin Phật gia hộ cho việt Nam của chúng con mau thoát khỏi đại dịch, bệnh tật tiêu trừ, quốc thái dân an.
Chúng ta đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi.
Tu tập là bữa ăn của đời sống tâm linh nuôi dưỡng thần thức tâm linh, trí tuệ và lòng từ bi của chúng ta. Sự chuyên chú, miên mật tu tập sẽ giúp cho trí tuệ bừng khai, năng lượng từ bi tràn đầy, có sự gắn kết mật thiết với Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền trong đời thường. Hãy nghĩ tới cha mẹ, ông bà, những người thân, trong gia đình cũng như ở ngoài xã hội, chúng ta hãy đồng rải năng lượng yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ của Chư Phật nơi mình và mọi người.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Các bạn! Cuộc sống của mỗi người chúng ta, ai ai cũng có tánh tự cao. Bảo Thành và các bạn thường hay tự cao, bởi vậy trong cuộc sống, nhiều lần chúng ta có sự trải nghiệm thất bại, đau đớn, tự kỷ, cô đơn, sầu muộn, bực bội, sân, giận, tham, chính bởi vì sự tự cao. Ai cũng có, không ai tránh khỏi.
Tự cao len lỏi vào trong cuộc đời ở mọi sinh hoạt trong cuộc sống. Ngay trong tình yêu đôi lứa, chồng vợ cũng có tánh khí tự cao đối với nhau, bởi lẽ đó mà thường xảy ra cự cãi, tranh chấp, bất hòa, không thuận. Trong gia đình, anh chị em đôi khi cũng có kẻ tự cao cho nên tình huynh đệ, tỷ muội, anh chị em cứ lục đục mãi. Trong bạn bè, nhóm gần gũi với nhau cũng có người tự cao rồi làm cho kẻ khác tự cao hơn tranh giành, đấu đá, xào xáo, khó chịu, đâm ra chia rẽ. Xã hội của con người, sự tự cao như ngọn lửa ngầm vùi trong đống tro tàn tưởng rằng đã hết, nhưng cục than đó, khi gió thổi qua một cái liền bén lửa bốc cháy. Tự cao là cục than, mầm mống của sân giận. Tự cao là đứa con ruột của tâm sân và tham, được ủ và ngủ ngầm trong tâm thức của ta.
Một trong sáu điều Đức Phật dạy rằng sẽ gây ra đau khổ, phiền não cho mỗi người chúng ta đó là tự cao, có nghĩa là Mạn. Sáu điều đó là gì? Là Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi và Ác kiến. Nghi là nghi ngờ. Ác kiến là những tư tưởng độc ác luôn luôn cuồn cuộn khởi lên trong tâm. Mạn là mạn nghi, tức là nghi ngờ, mạn là cống cao, tự cao thì chữ “tự cao” là một trong sáu điều mà Đức Phật khẳng định thật rõ nó vốn có trong chúng ta và sẽ tạo nhiều khổ đau. Do đó, người tu tuệ giác và lòng từ bi là người như biết trồng bông, chăm sóc cho vườn hoa của chúng ta. Không để cho cỏ gai của sự tự cao mọc, lấn chiếm để rồi những bông hoa ta trồng trong vườn hoa tâm linh không thể ngoi lên đón ánh mặt trời mà trổ bông, trổ hoa thơm đẹp được.
Lời dạy của Đức Phật thật ra ứng dụng được trong nghệ thuật sống để trí tuệ bừng khai, để có kiến thức rộng lớn với lòng bao dung, từ bi để lợi ích hơn cho cuộc đời. Đừng nghĩ quá xa! Hôm nay chúng ta nói về Phật tử tại gia, không nói đến những bậc tu quá cao để giải thoát luân hồi sanh tử ở một cõi nào đó mà chỉ nói tới làm sao cởi bỏ được tánh tự cao để tâm thiện có cơ hội trỗi dậy. Để từ đó chúng ta có thể gạn lọc những cái nhân tạo ra đau khổ, phiền não. Cuộc đời thêm vui một chút, thêm hạnh phúc một chút. Để vợ chồng, gia đình, mọi người sống an vui, đó là điều thật quý trọng trong đời rất thường. Nếu chưa làm được điều đó, dù là đã có gia đình hay là độc thân mà chưa thể có được sự bình an, hạnh phúc trên cõi đời này bởi biết kiềm chế tánh tự cao hoặc nói theo cách bình thường là biết nhổ đi những cỏ gai tự cao đang mọc đầy trong vườn tâm của chúng ta. Nếu không nhổ đi những cỏ gai thì hoa trí tuệ – từ bi sao có cơ hội vươn lên được? Người trồng hoa phải biết chăm sóc, phải biết lượm sỏi, lượm đá, nhổ cỏ, bón phân, tưới nước. Chúng ta tu tuệ và tu từ bi, nếu chúng ta không biết chăm sóc vườn chân tâm từ bi – trí tuệ, lượm sỏi đá và nhổ cỏ gai của tự cao đi thì chúng ta chỉ uổng công mà thôi. Làm việc mà không hiểu thấu, trồng hoa mà không biết chăm sóc, tu mà không biết sửa soạn như thế nào thì cái đó, chúng ta gọi là tu bừa, tu bừa như vậy gọi là 50, 50, chẳng có khẳng định được sự tiến lên trong công hạnh tu tập. Năm ăn năm thua như vậy thì sự tu ở đời như người đi đánh bạc, cá độ, một là mất, hai là không. Tu không phải là hên hoặc là xui, mà tu là con đường thực sự, thực sự thành tựu. Bởi trong tu hành, đơn giản, hành là hành động, tu là sửa, chúng ta phải có một hành động cụ thể sửa, sửa cái gì? Những lỗi lầm. Hành động cụ thể! Và hành động cụ thể như vậy để sửa lỗi lầm như vậy gọi là tu hành. Đơn giản! Ta không gán ghép vào những từ ngữ cao cao để rồi hụt hẫng mà nghĩ đơn giản chút xíu để hiểu thấu. Để rồi ta có một sự chuẩn bị, có một sự hành động rõ ràng và sự nhìn sâu để thấy cái sai của chính mình, sửa, thì tất yếu bạn sẽ hạnh phúc và an lạc.
Chúng ta thấy được hậu quả và tai hại của tánh tự cao. Chắc chắn mỗi người chúng ta có sự trải nghiệm của bản thân và có sự trải nghiệm khi va chạm với những người tự cao như thế nào. Và chúng ta hiểu thấu được một phần, không cần nói nhiều phải không các bạn? Nghĩa là người tự cao thường luôn cho mình cái gì cũng đúng để từ đó chê bai những người khác. Bởi họ luôn luôn thấy rằng họ là người đầy đủ kiến thức, đầy đủ về vật chất, cuộc sống có đủ hết, lúc nào cũng cảm giác như vậy, chỉ là cảm giác thôi các bạn. Và từ đó họ luôn luôn cự cãi, tranh luận, biện luận, luôn luôn cho cả thế giới này dưới tầm mắt của họ và cả thế giới này ai cũng sai. Đụng đâu là họ cãi, đụng đâu là họ tranh luận, đụng đâu là họ luôn thấy bàn dân thiên hạ sai, sai đầy hết để họ phải đi sửa sai cho người khác. Và đôi khi họ nói họ sửa mà họ không có một tác động cụ thể bằng sự thực hành rõ để giúp đời, rồi họ chỉ ngồi than, than rằng họ không thể làm gì khi thấy người ta sai.
Tự cao hay gây tranh luận, cãi cọ. Tự cao gây ra sự việc đó là chúng ta không muốn nhìn mặt nhau. Người tự cao thường đi đến sự cô đơn. Người đó hay nóng giận nhiều lắm. Nhiều lắm, nhiều thứ nói về hậu quả của tự cao mà có lẽ nói một ngày không thể hết. Hôm nay chúng ta chỉ nói đơn giản rằng, sự tự cao là cỏ gai mọc trong vườn chân tâm, để hoa trí tuệ và từ bi khó có thể ngoi lên được. Cho nên thực hành Thiền Mật, tu tuệ giác trí tuệ và từ bi, nhất định chúng ta phải nhìn rõ một loài cỏ gai đang mọc đầy rẫy trong tâm của chúng ta. Và chúng ta không nên để cho cỏ gai đó mọc lên mãi, cỏ gai đó là tự cao. Và thật sự không nên tự cao các bạn!
Lúc nảy, Bảo Thành đã nhắc tự cao là một trong sáu điều gây ra đau khổ, phiền não cho chúng ta và cho tất cả mọi chúng sanh. Nhắc lại, thứ nhất là Tham, Tham; Sân; Si là ba cái, cái thứ tư là Mạn tức là tự cao, cái thứ năm là Nghi ngờ, cái thứ sáu là Ác kiến. Phật nhắc, Phật hiểu, Phật giác ngộ và Phật quán chiếu thấy rằng trong tâm của chúng ta, đám cỏ gai của sự tự cao này mọc nhiều lắm, không cần trồng, không cần chăm sóc, bỏ bừa một chút là nó sẽ bắt đầu mọc bao trùm hết tâm của ta. Cho nên trí tuệ bị lu mờ và các bạn biết, trí tuệ đó dần dần bị lún sâu xuống dưới, cỏ trùm lên trên.
Trở lại cuộc sống bình thường để chúng ta biết chăm sóc một chút cho vườn kiểng chân tâm trí tuệ và từ bi của mỗi người. Để chúng ta nhận cho khéo một chút rằng loại cỏ gai của sự tự cao này thường tồn tại ở chỗ nào. Nó thường tồn tại ở ba chỗ. Chỗ thứ nhất là ở tuổi trẻ, bởi vì sao? Khi chúng ta tuổi còn trẻ, thường hay tự cao tự đại, thường hay sống trong những quan niệm, chủ kiến chủ quan, thường dễ bị chạm vào tự ái, tự tôn, cho nên đụng một cái không hài lòng là bực mình, rồi từ đó nảy mầm tự cao. Kinh nghiệm ai cũng từng trải qua một thời tuổi trẻ, thời mà đầu còn cứng hơn đầu bò, lúc đó Bảo Thành còn nhớ, còn trẻ đầu cứng lắm, nói đúng hơn là cứng đầu. Thầy Tổ, cha mẹ, ông bà, quý Thầy, quý Cô thường hay nhắc nhở chúng ta, nhưng chúng ta bị chạm tới là bực bội bởi nghĩ rằng tư tưởng, hiểu biết của mình bao trùm và những người kia dù là Thầy hoặc dù là những bậc lớn tuổi thì vẫn thua ta. Ai cũng từng có sự trải nghiệm như vậy. Tuổi trẻ rất ngông cuồng, sống chủ quan, phóng khoáng, không có kiềm chế. Nhưng trong tuổi trẻ của chúng ta, thông thường, ai cũng có nhiều lần thất bại về mọi mặt. Phật dạy có ba chỗ vùng đất ưu tú cho cỏ gai tự cao thường hay mọc, đó chính là nơi tuổi trẻ. Cho nên các bạn nào tuổi còn trẻ phải nhớ rằng, Phật nhìn thấu chúng ta, Phật nhắc nhở rằng tuổi trẻ là vùng đất có đầy đủ độ ẩm để cỏ tự cao, cỏ gai đó các bạn, mọc lên bao trùm. Do đó, những người tuổi trẻ, Phật khuyên chúng ta phải nhận ra rằng tự cao là loài cỏ gai và là một trong những loài cỏ sẽ làm cho đau khổ và phiền não. Do đó, quan tâm, nhìn thấu, chúng ta nhổ bớt nó đi, nhổ từ từ, dọn sạch thì các bạn tuổi trẻ nhất định sẽ thành công.
Ai là tuổi trẻ mà không trải qua những lúc bực mình, khó chịu, thậm chí nhiều lúc còn muốn cuốn gói, tức là mang quần áo bỏ nhà ra đi, từ bỏ bạn bè, sẵn sàng bỏ hết, bỏ hết bởi nghĩ rằng ta bị kiềm tỏa, ta bị cột chặt, xiềng xích và ta nghĩ rằng ta có đầy đủ khả năng tự sống tự lập rồi, nên cắt đứt đi mọi sự xiềng xích đối với cha mẹ, ông bà, người thân và bạn bè để vươn mình bay thật xa và đặt cuộc sống vào một trục lộ đầy những mơ mộng hão huyền. Và đúng, có nhiều người đã thoát ly toàn diện chính vì sự chủ quan trong cái mầm sống của tư tưởng tự cao đã trỗi dậy ở lứa tuổi tuổi trẻ cho nên thường dễ bỏ cuộc, dễ bỏ nhà, bỏ cha bỏ mẹ, bỏ tình bạn, bỏ tất cả để nghĩ rằng một mình mình có thể làm được. Dĩ nhiên không phải các bạn tuổi trẻ một mình không làm được gì, nhưng với cái tư tưởng như vừa nói, thì sự thành công, xác suất thành công của tuổi trẻ thật là khó. Cây muốn mọc lên cần phải nương nhờ vào đất, sự thành công của tuổi trẻ cần phải nương nhờ vào tình thương bao bọc, che chở của những người có kiến thức và dày dặn kinh nghiệm như ông bà, cha mẹ, quý Thầy, quý Cô và những bậc trưởng thượng lớn tuổi. Để tất cả những ước mơ, những hành động, suy nghĩ của chúng ta có chỗ dựa vững chãi để trưởng thành và thành tựu thì sẽ nhanh và tránh được sự thất bại trong cuộc đời.
Một miền đất nữa ngoài tuổi trẻ ra, một miền đất nữa mà cỏ gai của sự tự cao thường mọc lên um tùm và dễ dãi, tức là những người thường ít bệnh. Khi chúng ta không có bệnh tật, chúng ta ỷ vào sức khỏe của mình, làm bừa, làm bãi, làm sai. Trong Mười Điều Tâm Niệm thì một trong những điều của Mười Điều Tâm Niệm Đức Phật dạy là nếu thân không bệnh thì dễ sinh ra tham Dục. Vì sao? Thân ta không bệnh, ta tự cao, ta tham Dục, tức là ta đắm chìm vào mọi thứ. Điều đó có, Đức Phật dạy rồi, cho nên thân không bệnh rất nguy hiểm. Những người khỏe mà không bị bệnh, ít bị bệnh thường bao giờ cũng là chỗ cho sự tự cao mọc dậy, trỗi lên.
Một chỗ nữa cũng là vùng đất tốt cho sự tự cao mọc lên nhanh, đó là cuộc sống và mạng thọ. Những người sống lâu thì luôn luôn thích hứa rằng: “Ta sống lâu ta không bao giờ chết, ta sống lâu ta không chết, ta sống lâu thôi” thường sinh ra những ác kiến, bởi ỷ vào đó.
Tất cả tuổi trẻ, sống lâu và thân không bệnh tật là vùng đất trù phú cho sự tự cao trỗi dậy, mọc lên. Hiểu thấu được ở ba hoàn cảnh như vậy, ba vùng gọi là đất đai phì nhiêu cho cỏ gai tự cao dễ trỗi dậy, người khôn ngoan tu tuệ và từ bi thấu được, cần phải học cách làm sao nhổ được cỏ gai đó đi. Để chúng ta có thể mượn cái tuổi trẻ làm sức bật đưa tới sự thành công. Mượn cái thân ít bệnh để thành tựu pháp thiện, và mượn cuộc sống dài lâu để khởi tâm với chí nguyện giải thoát tu tập. Chứ đừng để uổng phí cuộc đời trong tuổi sống dài lâu, thân ít bệnh và tuổi trẻ phung phí làm bậy.
Nhớ rằng lời Đức Phật, hiểu đơn một chút, tức là đơn giản một chút, là nghệ thuật sống cho tâm an vui, bớt khổ, bớt phiền não. Các bạn thường nói: “Ôi cha! Phiền não quá”, “Phiền quá, phiền quá”, “Phiền quá bạn ơi”, “Phiền quá cha mẹ ơi”, “Phiền quá anh em ơi”, phiền quá người này người kia, chúng ta thường hay than phiền nhưng chúng ta lại không nghe lời Phật hướng dẫn để nhận ra sự phiền đó là do nguyên nhân của tâm ngã mạn, tự cao. Hiểu thấu, như biết được người ta dạy cách trồng hoa thì nhớ dọn dẹp cho sạch. Thấu được lời Phật, trồng hoa từ bi – trí tuệ để tâm bớt phiền não, đau khổ thì nhất định chúng ta phải nhổ cỏ gai tự cao đi. Và ba vùng đất ẩm ướt đầy đủ phân, nước, khí hậu thuận để nó mọc lên đó là vùng đất của tuổi trẻ, vùng đất của thân ít bệnh, vùng đất của người sống lâu.
Đây nói đơn giản, không nói xa, chứ thật ra nó còn nhiều, nhiều thứ nguyên nhân gây ra. Nhưng chúng ta nói gọn lại một chút để có một chỗ mà thực hành được. Chỗ chúng ta thực hành được!
Thứ nhất, các bạn thấy người tự cao thường tạo khổ cho muôn người, bởi vì họ luôn chống kình với mọi người, không bao giờ chấp nhận ý kiến của người khác. Từ đó mà họ dần dần thiếu hụt đi kiến thức ở đời, cũng như kiến thức trên con đường tu. Chỉ một chút xíu một giọt nước đổ vào cuộc đời của họ là họ cảm thấy hết khát rồi. Chỉ một chút xíu kiến thức lọt vào trong tầm ngắm của họ là họ có thể thổi phồng lên như bong bóng. Nhưng họ đâu ngờ rằng, cơ thể chỉ với một giọt nước không thể hết khát được, một chút kiến thức ở đời không thể gọi là quá lớn. Nhưng thường thường, người có tánh tự cao, chúng ta thường vấp té vào đó để khước từ những lời hay ý đẹp, những sự hướng dẫn của những bậc có kiến thức giác ngộ hoặc những người có trải nghiệm trong cuộc sống. Và tánh tự cao đó đưa đến cho chúng ta là gì? Chúng ta ít được những vị khác giúp đỡ, khai dẫn để mở mang trí tuệ, kiến thức cho chúng ta. Bởi lúc nào ta cũng vỗ ngực xưng tên. Cho nên hành động đó thường xua đuổi những bậc thiện tri thức đi xa và hành động đó thường tách rời ta rời xa khỏi sự lắng nghe để học hỏi, mà ta chỉ nghe được cái cống cao ngã mạn của mình mà thôi.
Trong chế độ phong kiến thời xưa, người ta bắt mọi người phải tôn thờ, phục tùng người có quyền lực tối cao như ông vua. Mọi người phải hy sinh cả cuộc đời, nếu không là bị chém. Tánh tự cao, tự tôn đó tự nâng mình lên làm vua để rồi bắt bớ mọi người phải phục tùng, thuần phục, quỳ lạy chúng ta. Cái này không xa, trong Bảo Thành có, trong các bạn có! Tánh tự cao đã được ta tôn lên làm vua. Nhưng không phải là vua của một nhóm nhỏ mà là thiên tử, vua của trời của đất, ngạo nghễ, đi tới đâu là muốn mang quyền lực của chính mình áp đảo người khác. Như vậy thì trí tuệ và lòng từ bi không bao giờ có! Nói như thế là để mỗi người chúng ta kiểm tra lại một cách thật rõ phương pháp nghệ thuật chăm sóc đời sống tâm linh để bừng khai trí tuệ và tràn đầy năng lượng từ bi, yêu thương, gắn kết với Chư Phật, để phiền não được đoạn diệt, đau khổ được tiêu trừ. Cần phải có hành động và cần phải có một cái nhìn thấu để chúng ta sửa. Bảo Thành và các bạn tu, không phải rằng mang cuốc, mang xẻng qua đào bới nhà người ta ở mảnh vườn đầy cỏ gai, mà ở chỗ trở về với vườn bông chân tâm của chính mình, nhìn kỹ và học cách chăm sóc từ Phật, nhận diện ra cỏ gai nó mọc ở vùng nào và bắt đầu xắn tay áo lên, sửa những lỗi lầm của ta. Nhìn cho rõ lỗi lầm, sửa. Và một trong những lỗi lầm thường có trong chúng ta làm giảm sự bừng tỉnh của trí tuệ và làm tiêu hao phước đức cũng như năng lượng từ bi không phát triển được, đó chính là sự tự cao.
Trong chủ đề hôm nay khuyên chúng ta không nên tự cao, có nghĩa là phải sống khiêm tốn để trí tuệ của chúng ta được bừng khai. Để bừng khai trí tuệ của mình. Cũng như thực tế trong vườn bông trí tuệ – từ bi, không nên để cho cỏ gai của sự tự cao mọc um tùm trong ba miền đất của tuổi trẻ, của người ít bệnh, của người có cuộc sống dài lâu. Chứ thật ra chúng ta, ai cũng bệnh, ai cũng lớn tuổi, ai cũng có thể đi bất cứ lúc nào. Nhưng bởi vì ta không quán chiếu Vô Ngã, thấu được điều đó mà ta vịn vào cái ngã tướng của chúng ta, cho nên lúc nào chúng ta, dù 100 tuổi vẫn thấy rằng ta còn khỏe, còn trẻ mà tu cái gì?
Bạn có nghe những người lớn tuổi nói chưa? “Ôi! Tôi còn khỏe, tôi còn trẻ mà tu cái gì? Sau này tôi tu, giờ tôi cứ xả láng đi”. Câu đó hình như ở trên miệng thường hay nói.
Người ta nói rằng: “Ôi bạn ơi! Đừng làm chuyện đó”.
Mình nói: “Ôi! Tôi khỏe mà, ăn thua gì ba cái chuyện này mà xi nhê chi. Không sao hết”.
Người ta nói rằng: “Thôi bạn ơi! Mình đi tu hoặc mình làm cái gì tốt, hoặc mình làm một điều gì cho nó hay chút xíu”.
Mình nói: “Ôi! Ăn thua gì tôi, đời sống của tôi còn dài dữ lắm, để từ từ đi, khi nào tôi về hưu, khi nào tôi vầy, tôi kia”.
Lúc nào mình cũng nghĩ như vậy chứ không hẳn là người tuổi trẻ, không hẳn là người không bị bệnh, không hẳn là người biết mình sống thọ đâu. Cái tâm lý của mỗi người chúng ta luôn nghĩ mình còn rất trẻ, luôn nghĩ mình không bao giờ bị bệnh và luôn nghĩ mình thọ mạng dài lâu, chẳng quán chiếu Vô Thường, từ đó vịn vào cái ta là có, lúc nào cũng trẻ, lúc nào cũng không bệnh, lúc nào cũng sống lâu. Tức là cái ta của ta bền vững như vậy, cho nên mọi chuyện tốt, ta gạt bỏ qua hết, cứ chờ chờ để rồi sống một cách phóng túng, sống một cách buông tuồng, sống chờ đến phút cuối rồi hẵng tu, hẵng sửa.
Nhìn lại thì trí tuệ của những vị như vậy và lòng từ bi của những vị như vậy như hai hạt giống được phong kín trong những lớp nhựa, bịch nhựa rồi quăng vào trong quá khứ, chẳng thể nào được mở ra, đặt vào lòng đất đầy đủ đất, nước, gió, lửa, khí hậu ôn hòa để mọc lên. Cho nên nơi họ thiếu trí tuệ và thiếu tình thương. Nhưng dư cái gì? Dư sự độc tôn, cường quyền, sức mạnh, đàn áp, sân giận và tham. Chúng ta nhìn rõ nghệ thuật sống để chăm sóc vườn hoa tâm linh bằng cách thấu rõ được tâm lý của chính ta. Quay lại nhìn, hiểu được mình, thấu được mình, thấy được mình để có những hành động cụ thể ngăn chặn, chuyển hóa thì mới ngõ hầu đạt được trí tuệ và lòng từ bi. Còn không ta chỉ có ngồi dưới gốc cây sung mà chờ sung rụng. Không có! Nếu đã thấy được trái ngon thì trèo lên cây bằng hành động đó, hái xuống mà đưa vô miệng ăn. Tu hành là sửa những lầm lỗi bằng hành động cụ thể thì sẽ có được hoa thơm, trái ngọt. Hoa thơm là từ bi, trái ngọt là trí tuệ. Rất thực tế, rất thực tế các bạn ơi! Chúng ta đồng tu mỗi ngày không phải là cứ ngồi đây như, như gì? Như anh Cuội ngồi gốc cây sung mà chờ sung rụng. Không! Chúng ta tiến hành sự tu, quán chiếu bằng trí tuệ, tiếp nhận năng lượng từ bi, nhìn nhận lỗi lầm và những sự sai trái.
Hôm nay chúng ta nhìn thẳng vào cuộc đời của mỗi người chúng ta, đón nhận một cái nhìn sáng suốt để nhận thấy sau khi sự quán chiếu, tức là truy tìm thấy rõ trong ta có sự tự cao. Mà tự cao là mầm mống đúc kết bởi tâm Tham, Sân. Là một trong sáu điều của sự tạo tác ra đau khổ và thường ẩn núp trong cuộc đời có tư tưởng nghĩ mình luôn trẻ, nghĩ mình luôn khỏe, nghĩ mình sống lâu. Ba tư tưởng đó tạo cho sự tự cao, cỏ gai tự cao này có đất sống, có vùng để ẩn thân mọc lên nhanh lắm, vậy nên trí tuệ và từ bi thật khan hiếm.
Nhận thức được điều đó, để tâm ý rằng ta còn trẻ, ta còn khỏe, ta không bao giờ bệnh, ta sống lâu đó cần phải chuyển hóa. Chuyển hóa làm sao? Quán chiếu đời Vô Thường. Khi đã quán chiếu, hiểu thấu được cuộc sống của ta là Vô Thường, ta mới nhận ra ta chẳng còn trẻ. Khi quán chiếu nhận thấy cuộc sống là Vô Thường, ta mới thấy rằng ta không có khỏe. Khi quán chiếu đời sống là Vô Thường mới thấy rằng ta không sống trường thọ. Để từ đó ta đi qua sự quán chiếu Vô Ngã, không vịn vào tâm ý rằng ta khỏe, ta trẻ, ta không bệnh, ta trường thọ và yêu cái thân này, cái xác này, con người này, những lý luận, kiến thức lượm lặt này, nó là một chủ thể, một chủ ngã. Cho nên trong mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, quán chiếu sâu rộng để thấy rằng lời dạy của Phật trong công hạnh tu hành thật rõ, là biết chăm sóc vườn hoa trí tuệ và từ bi của chúng ta một cách cặn kẽ và nhận diện ra được trong tâm ý ba vùng đất mà cỏ tự cao thường hay mọc, đó chính là tâm ý tuổi còn trẻ, còn khỏe, không bệnh và sống thọ. Để chuyển cái tâm ý này, nhận diện cho rõ thì thực tế Phật dạy rồi, và ta đã tu luyện, sẽ tu luyện, ta đã tu luyện hơn nửa năm rồi, và sẽ tu luyện một năm trời để quán chiếu. Quán chiếu bằng trí tuệ và từ bi để nhận thức ra được Vô Thường, Vô Ngã, bởi Vô Thường, Vô Ngã là tạo ra khổ và phiền não. Mà chính vì ta không nhận ra Vô Thường, Vô Ngã ở chỗ ta tự cao, cho mình là trẻ, là khỏe, là sống lâu, không bệnh, không bao giờ chết, từ đó hình thành một cái chủ ngã. Nhìn rõ như vậy thì chúng ta biết rằng, khi đặt hai hạt giống, hai mầm từ bi và trí tuệ vào miền đất tâm đó thì ta phải nhớ siêng năng tưới tẩm bằng công hạnh tu tập, quán chiếu trong Chánh Niệm và có hành động cụ thể, nhổ cỏ gai tự cao đi, chứ còn không tu chẳng thành tựu được đâu.
Có các bạn tu rồi nói: “Ôi! Tôi tu một thời gian, không có được cái gì. Không có trí tuệ cũng không có từ bi, vẫn sân, vẫn bực bội, không nhìn thấu” chính là bởi vì bạn đã tu, đang tu và vẫn tu nhưng bạn lại không nhổ cỏ tự cao đi.
Các bạn cứ thử trồng một bông hoa, gieo hạt giống, vứt thí ở đó thì nó chẳng ra hoa, nếu có ra cũng èo uột. Các bạn thử trồng một hạt giống rau cỏ hoặc bầu bí gì, vứt thí ở đó thì cỏ cũng mọc um tùm. Hạt giống trí tuệ và từ bi chỉ vứt thí ở đó, mới thảy ra là muốn mọc thành quả, thành cây, kết trái bình an, hạnh phúc. Nhìn thấu thì không thể! Cả một công trình như người nông dân phải biết xem xét, quán chiếu Chánh Niệm hơi thở, nhìn rõ khi tâm cống cao ngã mạn khởi lên là phải nhổ ngay. Và để chuyển hóa được mầm mống tự cao ngã mạn thì luôn luôn phải quán chiếu cái Vô Ngã, tức là không có một chủ ngã nào. Vô Thường là sanh – diệt tới lui để chúng ta không chờ, không ỷ. Chờ vào để sau này tôi mới làm, ỷ vào sức khỏe và không bệnh để rồi cho cái tự ngã trỗi dậy.
Nghệ thuật hôm nay đơn giản thôi, đừng đi quá xa, nhìn gần một chút xíu là nhìn rõ trong tâm của các bạn và của Bảo Thành xem xem có cỏ gai tự cao hay không? Nếu có thì chúng ta nhổ bằng cố gắng Chánh Niệm hơi thở từ bi – trí tuệ quán, nhận rõ rằng trong ta có mầm mống tự cao và tự cao là một trong sáu điều tạo ra khổ mà Đức Phật gọi, thứ nhất là Tham, thứ hai là Sân, thứ ba là Si, thứ tư là Cống Cao Ngã Mạn đây, thứ năm là Nghi Ngờ, thứ sáu là Ác Kiến. Hiểu được sáu điều này rồi, chúng ta, hôm nay chú tâm vào một điều tức là tự cao. Cỏ có sáu loại cỏ, loại gai góc, loại độc dược tạo ra khổ, thì hôm nay độc dược và cỏ gai mà chúng ta muốn dành riêng để nhìn thấu ở trong ta vốn có, đó là sự tự cao và thường nhắc nhở rằng: “Ta không nên tự cao! Ta không nên tự cao! Chánh Niệm hơi thở, từ bi – trí tuệ, nhìn rõ được nó, quán chiếu Vô Thường, nhận rõ Vô Ngã và từ đó có hành động cụ thể là sửa”.
Nếu bạn đã từng tự cao làm cho vợ, cho chồng, cho con cái, cha mẹ hoặc bạn bè, người thân đau khổ, phiền não, tránh xa thì sửa ngay. Tức là “Thôi! Bây giờ khiêm tốn”, thiếu chi một lời xin lỗi nếu bạn đã tự cao vỗ ngực xưng tên làm tổn thương người khác. Còn sống thì không xin lỗi, chết rồi hồi hướng để chuyển nghiệp, tại sao? Chúng ta cứ đợi đối tượng ta gây đau khổ, phiền não, đối tượng ta xử tệ với họ, đối tượng mà ta cống cao ngã mạn làm cho họ khổ, chết rồi mới tới phần mộ thắp ba nén nhang, mua vài trái cây, bông quả, quỳ xuống rồi bắt đầu nói: “Thôi bạn ơi, ông ơi, bà ơi, cha ơi, mẹ ơi tha thứ cho con”. Khi các đấng bậc sinh thành, vợ chồng, bạn bè, người thân hoặc các vị Thầy, những người chung sống với chúng ta, hoặc những người nào mà ta đã tạo ra bởi sự tự cao gây khổ cho họ, sự bất kính đối với họ, còn sống rành rành như kia thì hãy dũng cảm lên, hãy dũng cảm lên.
Ngày xưa tới với nhau khó dữ lắm, cho nên chúng ta ngại, không tới để xin lỗi bởi vì cuộc đời trong dòng trôi đã đẩy ta và người đó đi xa bởi tánh cống cao ngã mạn. Nhưng ngày nay dù xa vạn trùng, từ Việt Nam hay ở Mỹ như Bảo Thành đây nữa, thì các bạn cũng có thể nhắn tin: “Bạn ơi! Xin hãy tha thứ cho mình. Lúc đó mình còn trẻ, mình sơ ý”, hoặc là: “Cha mẹ ơi!…”. Một lời xin lỗi trên phone, trên lời nhắn, trên Facebook, trên Facetime, trên Viber, thông tin đại chúng, phương tiện, ngồi một chỗ, ta có thể tiếp cận với muôn người. Thì lời xin lỗi tức là hành đó, hành động cụ thể, xin lỗi và tha thứ cho nhau vì tánh cống cao ngã mạn, vỗ ngực xưng tên mà gây ra sự chia rẽ, hiểu lầm, đau khổ.
Ta phải làm ngay trong lúc này khi quán chiếu thấy, đó mới gọi là tu hành. Tu là sửa, hành là hành động cụ thể. Trong cái tu này, ta quán chiếu nhìn thấy rõ những lỗi lầm, ta sửa bằng hành động cụ thể, thì “Bạn ơi! Bắt phone nhắn tin, gọi đi. Hoặc là bước tới một bước, tiếp cận người đó, một cái tâm khiêm tốn nói lời xin lỗi và hãy bắt đầu trở lại”. Đó chính là tu hành!
Bạn làm được như vậy là bạn đã chuyển hóa sự tự cao, bạn làm được như vậy là bạn đã có dũng lực thể hiện lòng khiêm tốn để bừng khai trí tuệ của bạn. Có lợi cho bạn thật nhiều! Bởi chỉ cần hành động thôi, hành động như vậy thôi, không những có lợi cho trí tuệ của bạn bừng khai mà còn giúp lan tỏa yêu thương và làm cho người được nghe, được tiếp cận bởi chúng ta khi gây khổ thời xưa đó, nhẹ lòng. Họ an, họ vui, họ hạnh phúc, không những cho mình và cho người nữa. Nếu như vậy thì khi còn sống đây, hãy quán chiếu trong Chánh Niệm, dùng từ bi và trí tuệ nhìn cho thấy rõ đi. Hãy biết xin lỗi nhau, sống đời khiêm tốn, đừng vỗ ngực xưng tên, lúc nào cũng xem mình như Tề Thiên Đại Thánh bay lên trên trời, nghĩ rằng phá trời phá đất. Không!
Đừng để tâm ý ta còn trẻ, ta còn khỏe, không bao giờ chết. Cái ngã như vậy, cái chủ ngã đó thường là vùng đất cho sự tự cao tăng trưởng thật nhanh, gây ra đau khổ cho muôn người.
Hôm nay gợi ý như thế để trong sự thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở, chúng ta tu từ bi – trí tuệ quán để khởi lên ánh sáng vươn khỏi tầm bao phủ của sự tự cao, nhìn thấu được bản thân, nhìn rõ những lỗi lầm, có sức mạnh thay đổi ngay, sửa ngay bằng hành động cụ thể để sống một đời sống khiêm tốn cho trí tuệ của ta bừng khai, cho từ bi của ta lan tỏa.
Chúng ta nhất định phải làm được điều này. Nhất định!
Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau. Mời các bạn!
“Thưa Phật! Ngài là Bậc Thầy của chúng con, Ngài đã nhắc rằng tự cao là một trong sáu nguyên nhân tạo ra đau khổ và phiền não. Tự cao có cơ hội mọc thật nhanh, che phủ trí tuệ, cột chặt từ bi của chúng con trong ba ý niệm nghĩ rằng mình luôn trẻ, khỏe, không bao giờ bệnh và sống lâu trăm tuổi. Tâm ý đó luôn có trong mỗi người, trong mỗi chúng sanh.
Nay nhận thức thật rõ trong công hạnh tu hành để cho hoa, hoa đức hạnh, hoa từ bi – trí tuệ có thể ngược chiều gió vẫn bay. Chúng con nguyện nhổ cỏ gai tự cao khỏi miền đất tâm. Xin Chư Phật gia hộ để chúng con thành tựu được điều này bằng một đời sống khiêm tốn, mạnh dạn, sẵn sàng xin lỗi với tất cả những ai vì sự tự cao của chúng con đã gây ra đau khổ, ngăn cách và chia rẽ.”
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Chúng ta hãy hồi hướng.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con nguyện hồi hướng tới muôn loài chúng sanh đồng thành Phật đạo và hồi hướng cho quê hương Việt Nam chúng con mau thoát khỏi đại dịch.
Mô Phật!