Search

Bài 2102. Khổ Chỉ Vì Chấp | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Minh đánh máy, Bảo Phước biên tập.

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Tới giờ ta đồng tu, mời các bạn cùng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con có đầy đủ trí tuệ để quán chiếu các pháp Vô Thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn.

Chúng con cũng nguyện xin Chư Phật gia trì cho Việt Nam quê hương của chúng con, mọi người tinh tấn, Chánh Niệm từ bi – trí tuệ, hành thiện để cùng nhau cộng hưởng thiện nghiệp chuyển lùi đại dịch.

Nguyện cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sanh được an lạc.

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi.

“Duy Tuệ Thị Nghiệp” có nghĩa lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát và lấy từ bi để nuôi dưỡng trí tuệ, đây chính là lời khai thị và hướng dẫn của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

Trong thời gian giãn cách, cách ly vì đại dịch là lúc để chúng ta cùng đồng sức cầu nguyện, tu tập thiện pháp đẩy lùi dịch bệnh và giúp cho nhau tìm lại cuộc sống an lạc. Cũng chính là lúc mỗi người chúng ta có thể ngồi xuống quán chiếu để thấu rõ bao nhiêu năm qua, chúng ta có điều gì sơ sót hoặc quên, chưa đầu tư thời gian vào mà cứ miệt mài trên những miền xa của sự tham cầu, ham muốn cho đời sống vật chất. Hãy lắng tâm lắng nghe và hãy quay về với ánh sáng tự tâm trong Chánh Niệm hơi thở từ bi và trí tuệ quán. Chúng ta hãy khiêm tốn, chúng ta hãy thành tâm chí thành đón nhận năng lượng tới với thân tâm của mình và nguyện hồi hướng, ban rải năng lượng từ bi – trí tuệ của Phật tới với tất cả những người chúng ta yêu thương.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật!

Các bạn thân mến! Chúng ta đồng hành với nhau trong sự đồng tu với mục đích duy nhất là sách tấn, khuyến khích để thúc đẩy mỗi người trong hoàn cảnh khó khăn, bận rộn của đời thường cùng trở về. Không phải nơi Thiền tự, nơi Tổ đình, Am thất hay tựu chung những pháp hội lớn, nơi chúng ta có thể dự những nghi thức đông đảo Tăng, Ni và Phật tử, mà là chính tại tự thân nơi chốn mình đang sinh sống sau một ngày bận rộn hoặc bắt đầu một ngày mới tùy theo thời gian và hoàn cảnh quốc độ các bạn đang ở. Để làm gì? Để chúng ta đồng lòng, đồng tâm ngồi xuống tĩnh lặng trở về. Trở về với chân tâm, với Pháp Thiện, với tự tánh và trở về với những gì Đức Phật dạy cho chúng ta để chúng ta học hỏi, thực hành, ngõ hầu mang lại hạnh phúc, an vui cho chính mình, gia đình và cộng đồng, xã hội.

Trong từng ngày đồng tu như thế này, với hơi thở Chánh Niệm vào ra, với sự tịch tĩnh ngắn hoặc dài trong thời gian cho phép của mỗi một người bởi nhân duyên và phước báu khác biệt. Tuy có đồng tu, nhưng thời gian tập trung ngắn dài có khác. Về hình thức khác biệt, nhưng chẳng thể khác biệt về sự lĩnh hội, đón nhận được năng lượng từ bi của Chư Phật và năng lượng trí tuệ thắp sáng tâm thức của chúng ta. Dù rất ít, rất hạn hẹp để đồng tu nhưng nhất định có cách trở như thế nào thì mỗi người chúng ta đều có thể đón nhận được năng lượng từ bi – trí tuệ của Phật tràn ngập trong thân tâm từng giây từng phút hít thở Chánh Niệm, đồng trì mật ngôn từ bi quán Mu A Mu Sa, trí tuệ quán NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Hiển nhiên, thật hiển nhiên, với thiền trí tuệ và từ bi, chúng ta đã dần bước trên con đường Bồ Tát hạnh, theo gương đạo hạnh của Mẹ Hiền Quan Âm để thực tập, để năng lượng từ bi như Hải Triều Âm vang vọng trong cuộc đời xua tan đi tất cả mọi vọng ngữ mà những âm thanh rên siết của tiền kiếp trong quá khứ bất thiện nghiệp ta đã tạo.

Sự đồng tu có năng lượng vi diệu, bởi sóng Hải Triều Âm của Chánh Niệm từ bi – trí tuệ sẽ vỗ vào những ngọn núi lớn của bất thiện nghiệp. Dần dần xói mòn và đẩy lùi đi, tạo cho chúng ta nhận thức ra ngọn núi đã sập xuống, núi bất thiện nghiệp đã tan và bên kia là chân trời, là hừng dương để chúng ta đón nhận ánh sáng mới nơi tự tâm nhận được rằng Pháp Thiện từ bi – trí tuệ nhiệm mầu vô cùng. Đồng hành với Chư Phật, với Chư Bồ Tát, thể nhập vào các pháp nhiệm mầu cao siêu, thực hành trong những tạo tác và động tác, hành vi thật đơn giản, hít thở Chánh Niệm từ bi – trí tuệ, hành thiện giúp đời, nhất định mỗi người chúng ta sẽ tạo được thành quả cao vời mà hạnh phúc luôn có trong cuộc đời.

Chủ đề hôm nay nói “Khổ Chỉ Vì Chấp”, điều này hiển nhiên nhưng mấy ai có thể nhận ra đâu. Bởi khi chấp thì sân, khi sân thì si cho nên bao nhiêu cái khổ tới, ta không bao giờ nhận ra được là chính vì ta quá chấp. Ta quá chấp, chữ “ta” ở đây là vẫn còn ngã tướng, chấp ở đây là vẫn chấp vào những điều xảy ra luôn luôn tồn tại, chưa thấu được vô thường, từ đó mà ta cứ khổ, khổ vì chấp, chấp vì ngã, chấp vì các pháp chẳng hiểu thấu là vô thường, cho là tồn tại nên ta khổ hoài.

Trong Kinh Trung Bộ và Kinh Tăng Chi Bộ cũng như Kinh Pháp Cú, thật nhiều những bài giảng rải rác trong suốt cuộc đời của Đức Phật, Ngài chú trọng vào chữ “chấp”. Khai thị, hướng dẫn, đưa nhiều ví dụ cụ thể liên quan tới đời sống của con người để cho Phàm phu như chúng ta, tối căn nhưng có thể qua câu chuyện ngụ ngôn, dụ ngôn của Đức Phật nói về những hình ảnh trong đời thường mà ta có thể bừng tỉnh, giác ngộ, hiểu thấu chữ “chấp” nguy hại như thế nào.

Chấp sẽ tạo khổ. Phật còn dạy trong Kinh Pháp Cú, chấp không những tạo khổ mà chấp còn có nhiều kiểu để tạo nhiều kiểu khổ. Trong tất cả chúng sanh, chấp sẽ đọa chúng ta vào địa ngục của sân giận. Chẳng phải đợi tới kiếp sau, mà ngay trong kiếp này, người chết chính là người đã chấp vào tất cả để chìm đắm trong địa ngục của trần gian đau khổ, phun lửa độc và giận dữ, giết chết cuộc đời từng giây phút và hãm hại muôn người sống xung quanh. Để không khí dày đặc của sự thật gần gũi, lưng đấu lưng mà không bao giờ gặp mặt nhau. Bởi chấp làm cho con người trở thành lạnh lùng như những băng giá, dù rất gần nhưng không thể có đủ hơi ấm sưởi cõi lòng của nhau khi sống chung. Cho nên thường tách biệt bồng bềnh trên sóng gió của bể đời rồi không biết trôi về đâu. Chẳng là một dòng chảy để hòa quyện vào với nhau trong sự thông cảm và yêu thương mà tách rời một cách rời rạc như những tảng băng trôi trong biển, trên sông. Để rồi khi tông vào một vật cứng nào đó, tức là tư tưởng, ý kiến trái chiều của ai mà họ không chấp nhận, thì bản thân của họ vỡ toang ra như tảng bằng tông vào núi khi nước biển và sóng biển dồn tới.

Cuộc đời sóng gió thật nhiều, khi những cơn sóng gió trái nghịch của cuộc đời tới thì người cố chấp như tảng băng sẽ tông vào tất cả những vật gần gũi và làm cho bản thân của họ khổ mà thôi.

Khổ vì chấp, toàn bộ giáo lý của Đức Phật nói thật rõ về chữ “chấp”. Chấp vào muôn sự ở đời xảy ra là có, là thật, là tồn tại, từ đó không hiểu được vô thường. Chấp vào tư kiến, kiến thức, suy nghĩ, cách hành xử, nói chuyện, kiến thức, chấp vào tất cả những gì mà mình hoạt động trong cuộc đời đều đúng và người khác là sai. Từ đó mà dần dần ngăn cách giữa ta và muôn người. Và khoảng cách giữa ta và người là hầm lửa, là hố sâu của vực thẳm, chông gai sẵn sàng chờ đón những người xung quanh mà chính ta chấp đó, đẩy họ xuống để họ chết. Chấp sẽ đọa chúng ta vào địa ngục, khổ đau vô cùng.

Cái chấp như con nhộng chấp vào tự thân của nó, nó hãi hùng nhìn mặt trời, nó sợ muôn người xâm hại nó. Bởi nó nghĩ rằng nó yếu đuối, nhưng nó vẫn còn thế mạnh là có thể bảo vệ, từ đó nó cứ nhả tơ ở trong tâm ra, rồi đan thành kén bao trùm lấy thân xác của nó, chật chội vô cùng. Nó nhả tơ ra, nhốt mình vào trong cái kén tăm tối. Người chấp là người tự nhả ra những tư kiến, những ý tưởng của tất cả những điều gì họ không hợp với người này, người kia, của tất cả những gì họ tôn vinh bản thân của họ, cho là tuyệt chiêu cao cả, vĩ đại, lớn lao, đúng và những người khác là sai. Những cái chấp đúng của họ và cái sai của người phối hợp tạo thành cái kén bê tông cứng ngắc nhốt họ vào trong đó. Và rồi họ cứ rống lên những chữ đau khổ, họ rống lên những âm thanh rên xiết, khắc khoải ở trong chính nhà tù của tự thân bằng nhiên liệu đúng nơi họ, sai nơi người chỉ vì chấp mà thôi.

Điều này xảy ra thật nhiều trong đời sống của tập thể, ngay cả tập thể chỉ có hai người là vợ chồng hoặc là yêu thương nhau như tình nhân thì cũng luôn luôn có cái chấp sở hữu nơi mỗi một con người. Và nhả tơ như con nhộng để xây kén bao phủ, tự nhốt mình. Phối hợp với cái sai ta cho họ là sai, hòa nhập với cái ta cho là đúng, xi măng cốt sắt đổ dày ở giữa, ngăn cách dần dần, tình cảm lạnh, nguội và rồi tan vỡ.

Cái chấp rất nguy hại! Chấp như anh chàng miền quê chẳng biết gì, thấy nhà người ta nhà cao cửa rộng, lâu đài, còn mình nghèo mà lại không có khiếu kiến trúc sư, chẳng quen biết được những người có thể chỉ cho xây dựng, thế là lấy đất, lấy đá, mua chút xi măng về xây lâu đài của mình. Anh ta đứng ở bên trong xây, chẳng có giàn giáo cho nên cứ đứng ở đó mà xây. Xa quá, tường rộng thì khó xây nên cứ thế rồi xây vòng vòng và xây. Xây riết, cuối cùng xây xong thì quên rằng đã không làm cửa. Cho nên tự nhốt mình vào trong lâu đài tối tăm của tà kiến, của biên kiến, của những sở chấp nơi bản thân.

Người chấp thường đưa đến hậu quả là đau khổ bởi vì họ dễ nổi nóng, sân giận, phá vỡ những mối giao hảo giữa người với người. Người chấp tạo khổ vô cùng bởi vì sao? Bởi vì họ luôn luôn thấy mọi người là sai, chỉ có họ mới đúng, từ đó khi họ gặp thấy những ai phù hợp với khái niệm, kiến thức, suy nghĩ, hành động, ứng xử của họ thì họ liền tôn vinh, thần tượng hóa những người đó và biến người đó thành tượng, thần, thần tượng nay đọc ngược lại thành tượng thần để quỳ xuống tôn thờ. Nhưng mỗi khi họ quỳ xuống tượng thần để tôn thờ, họ quỳ bằng tâm thủ chấp của họ làm cho đầu của họ quá mạnh thì thần tượng kia liền vỡ ra bởi lúc đó phát hiện rằng chẳng phải người thần tượng biến thành tượng thần kia đúng như ý mình.

Trên đời ai có cũng thần tượng, từ đó thành tượng thần để tôn thờ thì thường đổ vỡ sau khi phát hiện ra một chút gì không hợp với ta. Và từ đó là nổi quạu như núi lửa, phun lên, thiêu cháy tất cả. Người chấp thường nóng giận, bực bội, tính tình thô, hay đập bàn đập ghế, hay nói to tiếng, hay vung vẩy, hay căm phẫn, hay trả thù, hay thù dai, hay hại người, và hay moi móc vào những điều không hợp với ta và cho họ luôn luôn sai, và cảm thấy ta như là người có tình thương, tội nghiệp mọi người, tội nghiệp, tội nghiệp. Và cứ như thế, suốt cuộc đời chỉ dành thời gian moi móc những điều không hợp với ta và cho họ là sai. Hay nói đúng hơn theo quan niệm của người chấp, suốt cuộc đời họ dành ra thời gian để đi tìm cái sai của người khác. Nên suốt cuộc đời, họ như con nhộng nằm trong kén, chẳng thể thấy ánh mặt trời. Người chấp khổ cho tự thân, khổ cho gia đình, khổ cho xã hội và tạo nghiệp đọa địa ngục trần gian ngay lúc này, chẳng đợi đến kiếp sau.

Trong Kinh Đức Phật dạy, những người chấp là những người cứng đầu. Những người chấp như vậy thường tôn thờ thần tượng, thờ ngẫu tượng, thờ tượng thần, tượng thánh, thờ những tôn tượng mà tôn vinh lên thần tượng quá đáng để rồi phục vụ người thần tượng hóa đó, biến mình thành nô lệ cho bản chất cứng đầu của kiến thức hạn hẹp, chấp thủ nơi riêng ta. Người đó sẽ biến mình thành những ốc đảo cô quạnh, lạnh lùng, băng giá và nhốt mình trong sự tràn ngập của sự sân hận để tự dìm mình xuống tới chết mà không hay. Nhưng họ luôn luôn, người chấp như vậy thường luôn luôn nghĩ rằng thương người, muốn cứu người, muốn phổ độ chúng sanh, muốn giúp đời. Đức Phật nói thật rõ trong Kinh Pháp Cú, như một người lọt xuống sình lầy, tự thân không thể cứu lấy mình, làm sao có thể cứu người khác? Các bạn cứ hình dung, nếu bạn lọt xuống sình lầy rồi, càng vùng vẫy thì càng chìm, càng vùng vẫy càng chìm, càng vùng vẫy càng chìm, lấy đâu có thể cứu người khác cũng đang rớt xuống đống sình lầy như vậy?

Người chấp không thể cứu người, không thể khai thị, không thể học đạo. Đức Phật nói trong Kinh, người chấp thường không dễ nghe những lời khai thị của các bậc đạo sư, tức là của các Chư Phật, Bồ Tát, Thầy, Tăng chúng, thiện tri thức. Họ như Hỏa Diệm Sơn, đụng vào là cháy cả làng mạc và gây hại cho muôn sự sống. Cho nên họ ít có cơ hội tiếp cận được cái mới của đạo giác ngộ, để đi ngược về với bờ giác, để sống hạnh phúc an vui. Mà họ cứ xuôi dòng tư kiến, chấp thủ của cuộc đời để đắm chìm trong dòng trôi nổi vận mệnh của khổ và mê. Phật dạy như vậy thật rõ, thật rõ các bạn!

Chúng ta, những người học Phật, miên man về những ví dụ trong Kinh, những lời khuyên bảo ở đời chắc có lẽ tự thân đã hiểu thấu. Chấp là tự đào hố mồ sâu, bê tông cốt sắt nhảy vào chôn thân. Chấp là đổ dầu vào lửa khiến muôn người khổ. Chấp là thần tượng hóa quá đáng những điều không đúng để giam mình vào cái kén của những kiến thức sơ sài mù tịt trong vô minh, giết chết muôn đời trong luân hồi đau khổ. Chấp làm tan rã tình bạn, tình cảm gia đình ly tán, bạn bè chia xa. Chấp tai hại vô cùng, chấp đọa địa ngục, Phật nói không sai. Bạn cứ thử nghĩ đi, người chấp thì chẳng ai gần gũi. Người lúc nào cũng chấp, hở một chút là chấp, bởi họ không thấu được rằng Đức Phật đã thấy, lời khai thị Phật đã nói rành rành cho mọi người thấu là chúng sanh nghiệp và phước khác biệt, chẳng ai đồng với ai, cho nên không thể áp dụng một khuôn mẫu nào đó để bắt người khác phải theo, phải phù hợp, phải làm đúng. Chỉ có trí tuệ và từ bi quán chiếu sâu, đi trở về với sự Chánh Tư Duy để nhìn thấu và đón nhận như Ngài Phổ Hiền dạy hằng thuận chúng sanh.

Người chấp không biết hằng thuận. Luôn luôn biết nghịch, đối nghịch với mọi người, và cả cuộc đời như con chuột chui rúc chỗ này chỗ kia khoét tường, khoét vách đi vào những chỗ sở thích, tư kiến riêng của mình, ăn uống no nê. Nhưng chỉ là kiếp con chuột đào hang, đào lỗ, coi chừng bị mèo nó bắt. Mèo là gì? Là Tham – Sân – Si. Coi chừng bị những cái bẫy nó gài sập là chết, bẫy đó là Ngũ Dục, bẫy đó là vô minh của tánh chấp như mây đen phủ dày không thấy ánh mặt trời. Do đó người tu phải trở về như câu “Duy Tuệ Thị Nghiệp”, lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi để nuôi dưỡng trí tuệ, để ta một ngày nào đó nhả tơ kiến chấp bao vây mình bằng cái kén, thì nay phải dùng hết sức bình sinh trong Chánh Niệm hơi thở trí tuệ và từ bi, để làm chi? Để cắn cái kén, cắn nó ra, xé nát nó ra, để dù là thân nhộng cũng phải một lần cắn cái kén của tự thân do kiến chấp, do tà kiến, do ta chấp dệt lại, thêu lại, xây lại, nhốt mình vào để bay ra.

Các bạn! Con nhộng đó sẽ cắn kén khi nó nhận thức ra nó cần phải bay, và nó cắn nát cái kén chui ra trong thời gian nhất định, thâu nhiếp năng lượng từ mặt trời, từ không khí, từ mẹ, gọi là mẹ đất cha trời, nói đơn giản như câu người dân thường thường nói tức là thiên địa hợp nhất, âm dương hòa hợp, nhìn rõ sự thật. Để rồi từ trong thân con nhộng đó vươn mình, rùng mình trổ ra đôi cánh bay lên trên trời như con bướm.

Các bạn! Chúng ta phải cắn nát cái kén của chấp thủ để vươn mình bay lên. Người biết phá vỡ cái chấp là người có tâm sẵn sàng đón nhận sự khác biệt và sẵn sàng đón nhận sự khai thị của các bậc đạo sư là Chư Phật, Chư Bồ Tát. Như miền đất khô cằn, nay mưa đổ xuống, biết đón nhận để làm chất sống cho một mầm mới, mầm từ bi vươn lên. Khổ vì chấp, hiểu thấu bằng cách quán chiếu trong trí tuệ và từ bi để thấu rõ các pháp vô thường, không thường hằng để đừng chấp vào đó nữa. Phá vỡ những tư tưởng, kiến thức của ta không tồn tại muôn đời, bởi đó như là sao xẹt qua rồi biết mất nên đừng ôm ấp những ánh lập lòe trong tư tưởng, trong tưởng thức, trong tưởng tượng để tự gây khổ và xâm hại đến quyền tự do của những người khác. Trong vũng sình không thể tự thoát thì làm sao cứu được người, trong cái kén tối tăm, không thấy ánh mặt trời, sao có thể dẫn đường cho người khác?

Người học đạo, đặc biệt là những chân lý Đức Phật khai thị, chẳng phải mò mẫm, mù mờ trong sự thần tượng hóa những ai đó, những vị được đặt tên như đạo sư nhưng chỉ là con người bình thường mà ta cho quá cao cả bởi họ nói phù hợp với những điều ta thích, phù hợp với những điều ta ưa chuộng, để từ đó ta thần tượng họ. Thần tượng xoay ngược thành tượng thần để tôn thờ. Đã gọi là tượng thì chẳng thể tồn tại muôn đời, nhất định sẽ có một ngày bể và đổ vỡ. Bởi không có cái tượng nào bền mãi. Dù có là Thần, thần tượng biến thành tượng thần nguy hại vô cùng, làm cho chúng ta mê tín, mù lòa, không còn ánh sáng trí tuệ để nhận ra nhân duyên khác biệt của từng người. Để từ đó sẵn sàng đón nhận ánh hừng dương, bóng chiều tà của hoàng hôn, như cây giữa đất trời vươn lên tận hư không để trổ hoa bông trái, mà họ lầm lũi như con giun, con dế chui xuống hầm cầu, chui xuống những lời bất thiện, những nơi tăm tối của vô minh để rồi làm sao? Giết chết tự thân của họ trong khổ.

Nhận thức được điều đó, mỗi người chúng ta phải thấy rằng theo Phật là theo bằng trí tuệ, bằng từ bi, biến trí tuệ thành ánh sáng để nhìn rõ vạn vật, vạn pháp là vô thường, là khổ, không có ngã tướng. Lấy từ bi làm nhiên liệu thật sự biến thành hành động để nâng đỡ cuộc đời của chính mình vượt qua chướng ngại. Như người khôn biết kết bè để vượt sóng qua bờ kia, còn không cứ chìm mãi trong dòng khổ của cuộc đời.

Lúc này đây, lúc mà mỗi người chúng ta phải ứng dụng trí tuệ và từ bi vào hành động cụ thể của cuộc đời, bởi thế giới này, con người này, xã hội này, kỷ nguyên này tràn ngập đau khổ bởi đại dịch. Chúng ta phải quay về với trí tuệ và từ bi, đừng nhốt mình vào trong những câu chữ chấp quá cứng vào những điều ta cho là đúng. Để rồi ngồi đó như những con mọt sách hoặc là những vị thần gõ phím viết những lời phô trương kiến thức của mình hoặc những điều ta cho là đúng trên bàn phím, đăng lên trên các thông tin đại chúng gây hoang mang và sợ hãi. Và biến từ bi – trí tuệ trong sự Chánh Niệm hơi thở thành những hành động cụ thể để biết ứng xử với muôn người kề cận với chúng ta như thế nào trong cuộc sống đại dịch hiện tại.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Tuyệt vời! Chúng ta hãy hành thiện tích đức trong Mười Điều Thiện Đức Phật dạy, trong Lục Độ Ba La Mật Đức Phật cũng dạy, bố thí nhất thiết chúng sanh là một vị Phật tương lai. Khi chúng ta giúp đỡ những con người bất hạnh, đau khổ khốn cùng, cách ly và giãn cách trong những xóm trọ, trong những nhà nghèo, trong những trung tâm, họ không có đồ ăn, không có áo mặc, không có nước uống, không có thuốc để trị bệnh mà chúng ta gom sức lại cùng với nhau, “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”, ba bốn người chúng ta, một tập thể nhỏ có thể làm nên những chuyện ngoài sức tưởng tượng. Nhưng không ngồi đó để tưởng rồi thần tượng bản thân, biến ta thành tượng. Khi ta thần tượng bản thân hoặc ai đó thì ta biến bản thân thành tượng thần hoặc một ai đó thành tượng thần, mà đã là tượng thì bất di bất dịch, nằm một chỗ mà chễm chệ ở trên tảng núi của kiến chấp do chính mình tạo ra mà tưởng cao ngất trên trời, một cơn gió của nghịch cảnh thổi tới liền đổ xuống vực sâu chân núi, vỡ toang, chẳng còn gì.

Các bạn nhớ, hãy biến thành hành động cụ thể là hãy yêu thương nhau và nhìn thấy Phật nơi mỗi chúng sanh. Ai có trí tuệ đều nhận biết được các vị Phật tương lai ẩn tàng trong thân tướng của mỗi một chúng sanh. Và biết làm thiện như một phẩm vật cao quý nhất từ trí tuệ nhìn thấu các pháp vô thường, vô ngã, từ trí tuệ biết khơi nguồn từ bi biến thành hành động cụ thể như cúng dường. Cúng dường những cái gì? Cúng dường Pháp Thiện tối thiểu với khả năng phước báu cho phép của ta. Như những hương hoa, những phẩm vật cao quý nhất dâng lên cho mười phương Chư Phật.

Lục Độ Ba La Mật nói điều tuyệt vời nhất là cúng dường nhất thiết Chư Phật trong hạnh bố thí. Thời gian dần trôi, Vu Lan gần tới, chỉ còn trên một tuần nữa là tới ngày 22/08 dương lịch, có nghĩa là ngày rằm tháng bảy, chúng ta sẽ có lễ hội Vu Lan ở khắp nơi trên thế giới, nơi mà có Phật giáo, có tín đồ Phật giáo. Ngày báo hiếu, ta làm gì đây? Chỉ đợi đến ngày đó tới Chùa dâng sớ cầu siêu, sám hối, cúng kiếng mà xong sao? Không! Ngay trong giây phút này không trễ mà cũng không muộn, nhưng ít nhất chúng ta hiểu thấu thì hãy biến thành hành động cụ thể. Hãy dùng trí tuệ và từ bi biến thành hành động cụ thể để cắn kén chui ra, vươn mình bay lên mặt trời. Hãy mang trái tim yêu thương và trí tuệ sưởi ấm cõi lòng để cho tảng băng lạnh cứng trong cái chấp của ta tan ra, hòa nhập với dòng chảy của cuộc đời, như một dòng sông xuôi về biển cả, hòa nhập về với cõi tịnh, với cõi chân như để nếm vị mặn của giải thoát.

Đừng cứng nhắc, đừng chấp! Cuộc đời quá ngắn, thời gian quá nhanh, không nên để ý tới những cái sai của người ta để mang phô trương, trưng bày cho người ta xấu hổ mặt mũi. Bởi khi ta càng moi móc cái sai của người, chẳng khác gì ta thể hiện cái chấp của ta mà thôi. Chúng sanh khác biệt căn cơ, nhân duyên hoàn toàn khác, hằng thuận chúng sanh. Chư Phật mười phương, Bồ Tát, Thánh Hiền đều hành một cái pháp như vậy nên hóa thân mọi nơi, mọi cõi phù hợp với tất cả chúng sanh để san sẻ, để dìu dắt, để sách tấn và khuyến khích chứ không gièm pha, không dìm hàng bằng cách moi ra những cái sai của người khác.

Trên đời này ai không sai, ta cũng sai. Ta và người đang bị nhận chìm trong cái đống hoặc là trong cả một vùng sình lầy của Tam độc: Tham – Sân – Si, của Ngũ Dục: tiền, tình, tài, danh vọng và địa vị chưa thể thoát ra được, sao có thể cứu người đây? Cho nên nhất định những người đang chìm trong vùng sình lầy này cần phải sát cánh với nhau trong sự thông cảm, nắm chặt tay nhau, vươn tay ra cho thật rộng để độ bị dìm xuống, chìm xuống, nó chậm lại, từ đó soi sáng trí tuệ, tìm phương tiện thiện hảo đón nhận sự khai thị của Chư Phật mà từ từ bước lên trên vũng sình lầy của Tham – Sân – Si, của tiền, tình, tài, danh vọng, của địa vị. Nếu làm được điều đó thì chúng ta phải ngăn chặn sự chấp trược của bản thân đang thần tượng hóa những ai mình cho là đúng để biến mình và mọi người thành tượng thần để tôn thờ và bắt người khác tôn thờ, phụng dịch chúng ta. Phá ngay tượng thần đó đi thì ánh sáng, ánh tự minh ở bên trong sẽ soi sáng cho ta thấy đường để vượt qua chướng ngại của sình lầy của cuộc đời. Đi ngược dòng thời gian không đắm chìm vào dòng chảy của bể khổ, của mê muội mà đi ngược đường trở về với bến giác và bình an, hạnh phúc.

Các bạn! Ta nhìn thấy, ta hiểu mà! Ngay trong thời đại này hãy cố gắng. Những ai đã từng chấp thủ biến mình thành thần tượng hoặc tượng thần để cúng kiếng bản thân của mình bằng những lời hay ý đẹp, tôn vinh chính mình và người khác mà ta cảm thấy phù hợp thì hãy nhắc nhở bản thân rằng, ta không phải là Thần, mà ta cũng không phải là tượng, đừng biến mình thành tượng, người ta đập bể là tan, mà hãy biến mình thành con người bình thường, khiêm tốn. Nhận thấy sai để sám hối, hiểu núi này cao còn có núi kia cao hơn. Ngoài trời còn có trời, núi cao còn có núi cao hơn, hiểu thấu được như vậy để thấy ta thật nhỏ bé. Thật thật như vậy thì mới có thể có khiêm tốn, và chỉ có sự khiêm tốn nhận thức ra cái sai, sám hối thật rõ thì trí tuệ mới bừng khai, Chánh Niệm mới có thể ứng dụng để nguồn từ bi, nguồn suối từ bi tuôn chảy ra.

“Duy Tuệ Thị Nghiệp” là chỉ có trí tuệ mới là sự nghiệp giải thoát, hiểu được điều đó, ta dùng trí tuệ để giải thoát chứ không dùng thần tượng, ngẫu tượng hoặc là tượng thần, hoặc tôn vinh người này, người kia là những bậc cao cả để làm chí nguyện giải thoát mà ta dùng trí tuệ chính Đức Phật đã khai thị, chỉ có trí tuệ mới có thể giải thoát được chúng ta. Chấp là mê, người đó không có trí tuệ. Chấp là gì? Là luôn bơi móc những cái sai của người, luôn giận dữ, luôn nói những lời nặng, đau lòng. Luôn xỉa xói và tôn vinh mình lên. Thấy ai cũng sai rồi đặt mình vào chỗ đó để cứu vớt những người sai. Những người đó là những người chấp, chấp thì vô minh, vô minh và chấp như vậy như người đang lặn ngụp trong đống sình lầy, chẳng cứu được thân, sao cứu được người? Nhận thức ra được điều đó, ta mới có thể thực tập.

Trong Pháp Thiền, Thiền Mật song tu, thiền trí tuệ và từ bi, cốt lõi của sự đồng tu nơi mỗi chúng ta là để khơi nguồn từ bi vốn có trong Phật tánh, thắp sáng tuệ giác vốn có trong Phật tánh, và nương vào Đức Phật, Chư vị Bồ Tát, Thánh Hiền để khơi nguồn từ bi, thắp sáng đuốc tuệ để quán chiếu vạn pháp vô thường sanh – diệt, tới lui để quán chiếu là vô ngã không chấp. Để từ đó lìa khổ, lìa phiền não tới được bờ giác ngộ, chẳng phải đợi đến chết mà ngay trong lúc này nếu chúng ta có thể bước ra khỏi cái kén của kiến chấp bấy lâu nay ta đan xen, nhốt mình vào thì xé nó ra. Dù yếu đuối như con nhộng thì đầy đủ năng lượng của trí tuệ và từ bi, nó có thể rùng mình vươn lên mọc thành cánh và bay lên trên trời. Khung trời cao rộng của Pháp Thiện từ những chai nước, từ những kí gạo, từ những mớ rau, trao tặng tình thương tới cho muôn người, hỏi han bệnh tật, chia sẻ chính là lúc bạn rùng mình vươn lên để có nội lực thâm hậu khi đón nhận tình thương, trí tuệ của Phật để vươn đôi cánh bay tận lên trời cao. Bạn đã tự cắn kén ra mà đi. Bạn đã làm tan chảy ốc đảo băng giá của cuộc đời. Bạn đã gắn kết với muôn người, thông cảm bằng tình thương đích thực. Bạn là người đang Chánh Niệm từ bi và trí tuệ. Bạn có tràn đầy hạnh phúc. Bạn là khởi nguồn của yêu thương. Bạn là ánh sáng của tự tâm soi đường vượt qua vô minh tới bờ giác. Bạn là tình thương và bạn là tình yêu chân thật trong cuộc đời.

Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau.

“Thưa Phật! Chúng con đã hiểu chấp là mê, mê là vô minh, sẽ tạo khổ. Chúng con nguyện cắn nát cái kén để vươn cánh bay lên trời cao đón ánh trí tuệ của Phật, mang yêu thương rải xuống muôn nơi. Chúng con nguyện từ bỏ thần tượng, ngẫu tượng, biến mình thành tượng thần hay biến ai đó thành tượng thần để tôn thờ, để trở về với tự tâm trí tuệ – từ bi, khiêm tốn, sống chân thật, gắn kết với muôn người trong gia đình, xã hội để lan tỏa yêu thương.

Nguyện hành Pháp Thiện, san sẻ tình thương đến những mảnh đời bất hạnh để xây dựng đi lên và thay đổi cuộc sống một cách hoàn hảo hơn mỗi ngày. Để bình yên, hạnh phúc luôn có ở trong cuộc đời của chúng con.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Mô Phật! Chúng ta hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con hồi hướng công đức đồng tu hôm nay nếu có tới tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo. Và hồi hướng cho quê hương Việt Nam của chúng con mau thoát khỏi đại dịch.

Xin Chư Phật chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn