Bảo Minh đánh máy, Bảo Phước biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!
Tới giờ đồng tu, chúng ta hãy cùng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi xuống cho muôn loài chúng sanh và thắp sáng trí tuệ cho chúng con để chúng con quán chiếu thấy được vạn pháp và Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã, Niết Bàn.
Thưa Phật! Việt Nam quê hương của chúng con và trên thế giới đại dịch lan tràn, nguy hại vô cùng. Nguyện xin Chư Phật luôn gia trì cho tất cả mọi chúng sanh có đầy đủ trí tuệ và từ bi để có được dũng lực đương đầu và vượt qua đại dịch, ngõ hầu tìm về với sự an lạc của tự tâm trong từng giây phút Chánh Niệm của cuộc đời.
Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng tay trái tượng trưng cho Từ Bi.
“Duy Tuệ Thị Nghiệp”, lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi để nuôi dưỡng Trí Tuệ, đó là lời Đức Phật dạy. Chánh Niệm hơi thở, trì mật chú Mu A Mu Sa gắn kết với Chư Phật mười phương là nương vào đại Hùng đại Lực của các Ngài để chúng ta có đầy đủ lòng Từ Bi nuôi dưỡng Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Quán chiếu trong Chánh Niệm hơi thở, nhìn thật sâu, thật rộng để thấy rõ vạn pháp trong cuộc đời là Vô Thường sanh – diệt, tới lui để thấy rõ mọi chấp thủ, bám víu vào các pháp Vô Thường sẽ tạo ra khổ, và để liễu thông được tinh thần Vô Ngã, thành tựu được an vui.
Trong khi Chánh Niệm Từ Bi, ta sẽ tiếp được năng lượng vi diệu của Từ Bi và Trí Tuệ. Hãy nghĩ tới tất cả những đấng bậc sinh thành đang hiện hữu trong cuộc đời với chúng ta, hồi hướng đến quý Ngài. Trong mùa Vu Lan sắp tới, cũng hướng đến cha mẹ, ông bà, Cửu Huyền Thất Tổ quá vãng nhiều đời, hồi hướng công đức tới để chư vị thân yêu của chúng ta đã quá vãng, nương bóng Từ Bi, Hùng Lực của Chư Phật mà tái sanh cảnh lành.
Chúng ta cũng nhớ tới gia đình nhỏ bé, vợ chồng, con cái, người thân, cộng đồng, xã hội, những người đang đói khát bởi giãn cách, đau khổ vì bệnh hoạn, nghèo túng vì ngăn chặn, hãy hồi hướng tất cả công đức đến với họ. Và hãy dùng dũng lực của người có Trí Tuệ Và Từ Bi, tinh thần Bi – Trí – Dũng chuyển hóa thành hành động cụ thể dù rất nhỏ để mang đến hạnh phúc cho muôn người với khả năng ta có.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Mô Phật! Có nhiều bạn hỏi: “Chúng ta đang tu tập Thiền Mật song tu là tu gì? Gọi là Pháp hành thì thực hành gì? Gọi là Thiền, Thiền gì đây? Gọi là Mật, Mật ở chỗ nào?”
Thưa các bạn! Đây là pháp môn Thiền Mật song tu, trong Thiền có Mật, trong Mật có Thiền. Mật là những điều vượt ngoài sự hiểu biết của con người. Thiền là nhìn trong sự tỉnh giác, quán chiếu để khám phá và nhận diện ra những điều ta chưa hiểu, chưa thấu.
Thật là rõ bởi Đức Mẹ hiền Quan Âm dạy cho chúng ta theo lời Đức Thế Tôn dẫn ý pháp môn thiền trí tuệ và từ bi, phẩm Phổ Môn gọi là trí tuệ quán, từ bi quán. Nếu chúng ta tu Thiền Mật song tu với hai mật ngôn Mu A Mu Sa là thiền từ bi và mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là thiền trí tuệ, trong một hơi thở Bảo Thành và các bạn nhiếp tâm thể nhập vào tự tánh, nương vào hùng lực từ bi – trí tuệ của Chư Phật mười phương để có thể khơi nguồn trí tuệ và lan tỏa yêu thương tới cho chính mình và nhân loại nói chung.
Dĩ nhiên đối với những ai có nhân duyên thực tập sẽ thấy được sự ứng dụng thực tế vào cuộc đời trong pháp Thiền Mật này. Bởi cũng đúng mà, Đức Phật nói Ngài không thể độ được những người không có duyên và các pháp môn đều được Ngài khơi nguồn như một phương tiện truyền đạt cho những người có nhân duyên khác nhau. Bởi vậy pháp môn nào cũng hay, cũng đưa chúng ta tới thành tựu được sự an lạc, từ bi – trí tuệ và hạnh phúc nếu như ta có nhân duyên với pháp môn đó, còn như không có nhân duyên, ta mày mò, ta thực tập suốt cuộc đời cũng chẳng thành tựu được. Do đó, suốt 45 năm trời Đức Phật truyền dạy đã đi khắp mọi hang cùng ngõ hẻm tạo một cơ hội tiếp xúc với mọi chúng sanh và các hàng tứ chúng trong đệ tử để hướng dẫn tận tường các pháp phương tiện phù hợp, ngõ hầu cho người thực thụ được những pháp môn đó, mang ứng dụng vào cuộc đời có thể chuyển hóa đau khổ và phiền não, thành tựu được sự an vui và hạnh phúc trong cuộc đời. Vi diệu vô cùng, vi diệu lắm!
Trí tuệ và từ bi là hai chữ, hai chữ này là nói lên cả một sự tu tập, cả một công hạnh để thành tựu được cái dũng mà thông thường ở đời, những người Phật tử chúng ta quen thuộc và người ở đời cũng vậy, thường gọi là Bi – Trí – Dũng. Còn sự tu tập của chúng ta ngoài chữ Bi còn có chữ Từ, gọi là từ Bi, Trí Tuệ và Dũng Lực.
Chủ đề “Không Có Dũng Lực” nói tới một phần đời sống của chúng ta. Bảo Thành và các bạn lăn trôi trong trầm luân đau khổ nhiều đời chính bởi vì không tích lũy được kiến thức tu tập để thành tựu trí tuệ và từ bi. Do đó nhiều đời nhiều kiếp, nhiều năm tháng qua, chúng ta không có dũng lực trong cuộc sống, và từ đó mà chúng ta có những thái độ hờ hững với cuộc đời. Trong mọi công việc của cuộc sống đời thường cũng như trong sự tu đi tới sự tỉnh giác, có những điều được nghe, được thấy, có những điều được biết, ta thật dễ dàng hứa hẹn nhưng không bao giờ thực hành bởi sợ, đó chính là dấu hiệu báo cho mọi người biết Bảo Thành và các bạn không có dũng lực. Bởi hứa mà không thực hành tức không có dũng lực trong tư duy bằng trí tuệ và không có sức mạnh của từ bi. Từ đó mà chúng ta chỉ hứa rồi xoay lưng bỏ mặc làm ngơ suốt cuộc đời. Không những thế, Bảo Thành và các bạn sống hình như không dám làm chủ mọi suy nghĩ và làm việc bằng tâm yêu thương cuộc đời thật sự để biến ước mơ, suy nghĩ thành sự thật, mà chúng ta không có dũng lực, do đó thường chỉ hùa theo những điều người khác làm, người khác nói, sống không có lập trường, mất chủ định để cứ phiêu bạc trong cõi trầm luân như cánh buồm không có người lái để định hướng, gió thổi tứ phương, chập chờn trên sóng của phiền não và đau khổ.
Và cũng từ không có dũng lực đó, chúng ta không biết trụ lại trong cuộc đời để tái tạo lại sức mạnh để vượt qua thử thách. Khi gặp thử thách, ta dễ bỏ cuộc, chạy trốn và chúng ta cũng thật dễ lâm vào con đường tù túng bản thân bởi sự sợ hãi trong những quá khứ đã thất bại. Do đó, những ước định làm việc trong thời kỳ tới, tương lai hay đang vạch kế hoạch hiện tại, ta lùi bước bởi cứ nhìn vào sự thất bại của quá khứ mà không dám làm, lùi lại, như con tôm núp trong vỏ ốc sợ hãi, ăn bám vào cái vỏ, vỏ ốc của quá khứ. Cứ từ đó, chúng ta suy nghĩ ra không có dũng lực còn biết bao nhiêu hệ lụy trong cuộc sống. Chúng ta dễ bị người khác điều khiển, mất đi phương hướng tự lập trong cuộc sống và thường dễ bị tự ái dồn dập bởi lúc nào cũng run sợ trước mọi thử thách và những bước tiến trong tương lai. Thường lùi về phía sau ôm ấp, phủ lên người những điều gọi là trong không gian an toàn của cuộc sống nơi quá khứ, cho nên chúng ta đã trở thành con ma của tiền kiếp bởi có khi nào lột xác để thấy được ánh sáng của tương lai đâu. Ẩn mình trong quá khứ, lui dần về bóng tối, dễ sân giận, sợ hãi và dễ đâm ra những lời thất thối Bồ Đề Tâm hay làm cho người khác nản chí bởi chính mình là người không có dũng lực.
Chắc chắn mỗi người chúng ta đã từng trải qua, đã từng trải qua những giai đoạn mà ta mất hoàn toàn sức mạnh của nội tâm, của trí tuệ để chúng ta phó mặc cuộc đời muốn về đâu thì về. Câu trên môi thường hay nói: “Thôi kệ nó, mặc kệ, muốn sao cũng được”. Sao nào cũng là sao! Sao nào cũng là sao! Sao ở trên trời, sao rơi xuống đất, sao lận đận thế này. Vậy mà chẳng bao giờ chúng ta chịu đứng lên, chính bởi vì chúng ta không có dũng lực của cuộc đời.
Dũng lực không phải tự nhiên trổ sinh như cây chuối, cây bưởi, cây cam, cây quýt để chúng ta hái ăn. Và đúng, nó là thành quả, nhưng phải trải qua sự trồng trọt như trái cam, trái quýt, trái bưởi để có rồi hái mà ăn thì chúng ta phải ra công trồng, chăm sóc. Dũng là kết quả của sự tu tập bằng công hạnh thiền trí tuệ và từ bi. Người tu thiền trí tuệ và từ bi theo phẩm hạnh của Mẹ hiền Quan Âm, chúng ta sẽ có đầy đủ dũng lực, đó là kết quả tinh anh của sự gia công bồi đức, làm việc thiện, luyện thiền Chánh Niệm, soi sáng tâm trí. Bởi hồng danh của Mẹ hiền Quan Thế Âm thường đọc bằng đại Từ đại Bi, đại Hùng đại Lực, Mẹ Quan Âm có hùng lực vô song mà từ đó Ngài đã có đến 12 đại nguyện tới mọi cảnh giới của tất cả mọi chúng sanh đau khổ cỡ nào cũng sẵn sàng hóa hiện dưới mọi hình thức thân tướng phù hợp để độ mà chẳng có một chút gì sợ hãi.
Trong Tâm Kinh Bát Nhã, chúng ta thấy phẩm hạnh của Mẹ hiền Quan Thế Âm là viễn ly mọi điên đảo mộng tưởng để tâm không bao giờ khủng bố. Cho nên thiền trí tuệ và thiền từ bi, với hạnh tu tập thường xuyên, miên mật, chúng ta sẽ thể nhập vào năng lượng đại hùng đại lực của Mẹ hiền Quan Âm để có thể nhẹ nhàng viễn ly những điên đảo mộng tưởng của cuộc đời. Để tâm của chúng ta không còn bị vướng mắc, bị trở ngại, bị khủng bố bởi tất cả mọi hoàn cảnh, thử thách ngược chiều, trái ý trong cuộc đời xảy ra. Thành quả này thật là rõ, đã được chứng minh bằng công hạnh trong phẩm Phổ Môn mà Mẹ hiền Quan Âm đã tu và truyền lại cho chúng ta. Cho nên Thiền Mật song tu, thiền trí tuệ và từ bi rất quan trọng, bởi bao nhiêu kiếp qua chúng ta quá nhút nhát, không có dũng lực để vượt qua nên cứ bước một bước thì té sâu xuống cả hàng trăm vạn dặm của quá khứ tiền kiếp lăn trôi trong đau khổ. Cho nên kiếp này, nếu có nhân duyên nghe được phẩm Phổ Môn, thấu hiểu được thiền trí tuệ và từ bi qua Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, Thiền Mật song tu, Thất Bảo Huyền Môn, ra công tu tập, bồi phước đức bằng thiện hạnh, quán chiếu bằng trí tuệ, Chánh Niệm, từ bi thì nhất định Bảo Thành và các bạn sẽ có đầy đủ dũng lực, sẽ trở thành hóa thân của Mẹ hiền Quan Âm.
Bước vào cổng chùa, thông thường, ta thấy một vị Hộ Pháp và một vị Tiêu Diện, hai hình ảnh của hai vị này đều là hóa thân của Bậc Đại Sĩ Quan Thế Âm. Tướng hiền lành nhưng uy dũng vô cùng của Ngài Hộ Pháp, tướng dữ dằn nhưng sức mạnh vô song của Ngài Tiêu Diện, đều là hóa thân của Đại Sĩ Quan Thế Âm. Chúng ta, chúng ta tu trí tuệ và từ bi, tu thiền tình thương và thiền trí tuệ, từ bi quán, trí tuệ quán, Mu A Mu Sa, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là chúng ta rèn luyện cái dũng lực vô song của Mẹ hiền Quan Âm ngay trong cuộc đời.
Nhớ lại một thuở xa xưa thời Đức Phật, có một vị cao Tăng, đại đệ tử của Chư Phật có hạnh Bồ Tát chứng đắc nên Ngài có dũng lực vô cùng, tên của Ngài nhắc tới, ai cũng nghe, ai cũng hiểu và ai cũng phải tán thán công hạnh Bồ Tát đầy uy dũng của Ngài, đó là Ngài đại đệ tử Phú Lâu Na. Câu chuyện này Bảo Thành thường nhắc lại trong các bài giảng và thường kể, nhưng nó vẫn tuyệt vời nếu như chúng ta cứ nghe đi nghe lại để thẩm vào ở trong năng lượng uy dũng, trang nghiêm trí tuệ – từ bi của Ngài, ta mới thấy được lời dạy của Đức Phật có công hiệu vô cùng cho đời sống. Không phải của những bậc Thánh Tăng mà là của hàng Phật tử tại gia chúng ta trong cuộc sống rất bình thường.
Ngài Phú Lâu Na chuẩn bị đi vào một thành phố, một nơi thôn xóm đó mà dữ ác, thô lỗ. Phật hỏi: “Này ông! Nếu ông tới đó, làng đó dữ dằn, thô ác kinh khủng lắm thì ông thấy sao?”.
Ông Phú Lâu Na nói: “Thưa Thầy! Con tới đó, họ có dữ cỡ nào nhưng con thấy họ vẫn hiền bởi vì họ chưa đánh đập con bằng tay chân, họ chưa chửi con bằng miệng.”
Phật hỏi: “Này ông! Nếu ông tới đó, họ đánh đập ông thì sao?”.
Ông ta lại nói: “Thưa Phật! Họ vẫn rất là hiền. Sau khi con quán chiếu thì con chỉ thấy rằng họ chỉ chửi bới và dùng tay đánh đập thôi, chứ chưa dùng gậy đánh con đổ máu, gãy tay gãy chân”.
Phật lại nói: “Nhưng nếu ông tới đó, họ dùng dao đâm ông, dùng gậy đập gãy chân tay của ông, ông thấy sao?”.
Ông ta lại nói: “Thưa Phật! Con quán chiếu, con thấy họ vẫn thật hiền bởi họ mới dùng dao để đâm con, dùng gậy để đánh con thôi, chứ họ chưa giết con.”
Phật lại nói: “Ồ! Nếu mà người ta giết ông thì như thế nào?”
Ông ta lại quán chiếu và nói rằng: “Thưa Phật! Con quán chiếu thấy họ vẫn còn hiền lắm, bởi vì họ chỉ giết chết cái thân xác thối, nghiệp chướng của con mà thôi, để con thoát khỏi sự đau khổ.”
Chuyện này ở trong Kinh, đây không phải là chuyện thường, cách nói của ông Phú Lâu Na không phải là cách nói của người bình thường hoặc người dị thường, khùng điên mà là cách nói của một Bậc Đại Sĩ có uy dũng trong trí tuệ và từ bi. Người có trí tuệ và từ bi là người có dũng lực nhìn thấy được mọi sự ứng xử nơi chúng sanh khác biệt nơi căn duyên để có thể bước vào thể nhập Ta Bà độ chúng mà không ngăn ngại, không sợ hãi, không chướng ngại, không khủng bố để có thể viễn ly mọi điên đảo mộng tưởng nơi chúng sanh tạo ra như sóng cồn đại dương, như sóng thần ập tới mà họ vẫn tịch tĩnh bước vào giữa muôn trùng thử thách, giữa muôn trùng hầm chông, núi lửa, gai góc, rắn độc, hùm beo, động đất, thiên tai, đại dịch, họ chẳng sợ. Đó chính là cái dũng của tâm có trí tuệ và tâm có từ bi.
Bài học này rất cần cho chúng ta nhắc lại, đối với thân phận Phật tử, nói chung cuộc sống hằng ngày, nếu chúng ta tu thiền trí tuệ và từ bi, chúng ta dám nói dám làm bởi có trí tuệ nói, suy nghĩ, tư duy và có năng lượng từ bi nên chúng ta dám hành động. Cho nên chúng ta không bao giờ thất hứa với chính lòng mình và thất hứa với những điều phù hợp chân lý khi chúng ta nghe qua và hứa khả. Chúng ta không chạy trốn và sợ hãi để sống một đời sống tự lập, vươn lên đứng dậy như một ốc đảo để tự thắp đuốc mà đi. Để đừng cứ hùa theo những phong trào này nọ, bị người ta điều khiển mà chúng ta tự thắp đuốc mà đi bởi tu thiền trí tuệ và từ bi. Cho nên trong cuộc sống, nhất định các bạn sẽ có lập trường vững chắc mà trong nhà Phật gọi là Bồ Đề Tâm bất thối. Dịch ra chữ đời thường gọi là lập trường vững chãi dựa trên sự suy nghĩ, tư duy và tình yêu thương của chính bản thân đối với cuộc sống. Thế nên luôn luôn biết tạo ra nhiều cơ hội để thành tựu trong cuộc sống về mọi mặt.
Và rồi chúng ta tu thiền trí tuệ và từ bi, người Phật tử còn có tâm từ ái biết lan tỏa yêu thương, biết san sẻ, biết kính trọng đời sống, biết tôn trọng muôn người, biết cảm thông và tránh xa được sự tự ái dỏm để không tạo ra những sự thị phi trái chiều, những luồng suy nghĩ nghịch ý bất thiện tổn phước, hao đức của chúng ta.
Thiền từ bi và thiền trí tuệ công dụng vô cùng cho đời sống Phật tử tại gia cũng như cho muôn người. Nếu có phước duyên tu tập, người đó sẽ thấy được sự ứng dụng của dũng lực trong trí tuệ và từ bi. Để như câu Kinh Pháp Cú Đức Phật dạy, tự đứng dậy, vươn lên như đỉnh núi cao, như đỉnh núi xanh vững chãi, và tự thong dong như mây trời, chẳng bao giờ có một gợn sóng sợ hãi. Dũng lực trí tuệ và từ bi đó giúp cho mỗi người chúng ta bình ổn đời sống trong sự an yên và hạnh phúc. Và dũng lực này rất cần ngay trong thời gian đang giãn cách đại dịch. Bởi lòng người bây giờ sợ hãi quá, đại dịch tới, một kiếp người từ kiếp này qua kiếp kia chưa chắc đã có cơ hội đương đầu với nghịch cảnh đại dịch như ngày hôm nay, và trong đại dịch cũng chính là trong môi trường để chúng ta xem thử dũng lực trong sự tu tập đạo pháp của Phật, sự tu luyện Thiền Định, Thiền Mật và tất cả các pháp môn như thế nào.
Chúng ta thấy, trong câu chuyện đời sống thường ngày, bình thường, có biết bao những tấm gương có sức mạnh vô song của tình thương, của trí tuệ, đó chính là trí tuệ và từ bi. Chỉ là người bình thường thôi, đó là tất cả mọi người mẹ trên thế gian này, dù là loài người hay loài thú thì những người mẹ luôn luôn có một trái tim yêu thương cao tột và trí tuệ vươn lên, hướng dẫn các con. Để chứng tỏ điều đó, trong cuộc sống có những mẫu chuyện thực tế là có những người mẹ bị bệnh ung thư, thời kỳ cuối mà đang mang thai, hoặc thời kỳ mới, thời kỳ thứ hai, thứ ba, phải xạ trị, phải trị liệu bằng những phương thức khoa học nguy hiểm, hại đến thai nhi. Vậy mà những người mẹ đó tư duy, suy nghĩ bằng tình thương nên đã sẵn sàng không hóa trị, không xạ trị để cho bào thai có cơ hội lớn lên mà không bị ảnh hưởng bởi những chất hóa học. Để khi người con được sinh ra, chào đời cất tiếng khóc thì cũng chính là lúc người mẹ ung thư đó vẫy tay bãi biệt muôn người, trên môi miệng mỉm cười tươi như một tòa sen. Mẹ, mẹ yêu thương các con đến mức mà sẵn sàng hy sinh. Thay vì giành lấy cuộc sống của mình bằng phương pháp khoa học xạ trị, hóa trị, nhưng các Ngài đã sẵn sàng hy sinh cả thân mạng cho người con. Sau khi suy nghĩ, lòng yêu thương, từ bi đã được thể hiện.
Những câu chuyện như vậy có nhiều lắm. Trong cuộc đời còn có những người mẹ sẵn sàng nằm xuống giữa những hầm gai, hầm lửa, xông vào nơi thú dữ để bảo vệ con cái. Sắp đến mùa Vu Lan, nhớ đến mẹ, ta thấy được công hạnh của những người mẹ, và tiêu biểu trong Phật giáo, Mẹ hiền Quan Thế Âm là phẩm chất cao quý nhất được gom vào từ tất cả hóa thân của Mẹ nơi những người mẹ bình thường của loài người. Mẹ của chúng sanh, Mẹ của đại hùng đại lực, Mẹ có từ bi và trí tuệ, Mẹ có dũng lực để hóa thân như Ngài Tiêu Diện, Hộ Pháp dưới mọi hình tướng để hóa độ chúng sanh. Cho nên Mẹ hiền Quan Thế Âm đã từ bỏ và gạt đi được tất cả mọi điên đảo mộng tưởng để cái tâm không bao giờ có chướng ngại trong cuộc đời.
Giãn cách, đại dịch chính là lúc mà mỗi người chúng ta thể hiện dũng lực. Chẳng phải là bịt miệng, bịt mắt, điên khùng lao vào nơi những trung tâm đại dịch để làm từ thiện, bởi vì đó là lòng từ bi mà thiếu đi trí tuệ thì từ bi đó sẽ hại thân và hại người. Cần phải có trí tuệ! Dũng lực là một sức mạnh của tâm trí tuệ và từ bi, không phải là sức mạnh của cơ bắp, của tình thương mà thiếu đi trí tuệ. Cho nên dũng lực của người tu Phật trong ba chữ “Bi – Trí – Dũng” là sức mạnh của sự rèn luyện và công phu tu tập đó.
Chúng ta đã thấy trong chiều dài của lịch sử từ nhà Lý, nhà Trần, biết bao nhiêu vị vua đã có sức mạnh, dũng lực phi phàm, dùng trí tuệ và từ bi để bảo vệ quốc gia, giữ cho con dân Việt có được đất nước Việt Nam như ngày hôm nay. Và trong tình trạng đại dịch ngày nay, chúng ta thấy biết bao nhiêu người có trí tuệ và từ bi hóa thân làm người nữ và người nam, đắp lên mình những màu áo của Tăng, Ni, Phật tử. Tăng, Ni, Phật tử và những bậc nữ tu sĩ các tôn giáo khác hoặc những bậc Linh mục, dù dưới một hình thức tôn giáo nào đi nữa thì khi họ mặc vào cái áo che chắn, bịt khẩu trang che kín thì nào chúng ta có còn có cơ hội nhận ra rằng màu áo của nhà tu con Phật hay nhà áo của nhà tu Thiên Chúa, hay các tôn giáo hay người bình thường nữa đâu, bởi ai cũng bọc kín, che mặt.
Nhưng chúng ta có thể nhận ra các Ngài, các Đấng ấy bằng những nghĩa cử thanh cao, bằng những lời nói chan chứa đầy tình thương và bằng trí tuệ biết phòng hờ, che chắn mình khỏi lây nhiễm để có một sự phụng hiến cho tha nhân một cách tuyệt đối nhất, mang lại an vui. Biết bao nhiêu các Thầy, các Sư cô đã lăn xả vào vùng đại dịch để giúp các bác sĩ trị bệnh, tiếp ứng cơm ăn, áo mặc hoặc lăn xả vào các vùng cách ly, đến các trung tâm dưỡng lão, nơi các bệnh viện, trung tâm mồ côi, neo đơn, hay những xóm hoặc những khu nhà trọ, hay những nơi cách biệt chẳng ai tới để cung cấp những thực phẩm tối thiểu cho đời sống hằng ngày. Thấy ở trên đường có cả các Ma sơ, các Linh mục, tất cả mọi tập thể trong các tôn giáo và không tôn giáo, nói chung dân tộc Việt Nam chúng ta đang là hóa thân của Mẹ hiền Quan Âm trên mọi nẻo đường của tổ quốc, đó là dấu chỉ của cái dũng do tâm có trí tuệ và từ bi của công hạnh thực tập, tu tập dù dưới bất cứ một hình thức pháp môn hay tôn giáo nào đều đáng kính, đáng ca ngợi.
Trong những ngày tháng qua, Bảo Thành thường nhắn tin và tiếp chuyện với quý Thầy, quý Sư cô và các Ma sơ, các Cha cũng như các Phật tử, mỗi người mang một phẩm vị, một thân phận, một hoàn cảnh nhưng khi khẩu trang đã đeo vào trên miệng, toàn thân đã bọc kín, với tâm trí tuệ và từ bi, cái dũng đó được thể hiện qua hành động và ngôn từ, như những bậc thiện thần đi tới khắp nơi hóa độ chúng sanh bằng những phẩm vật thật nhỏ do có sự tiếp ứng của quý Phật tử xa gần, nhiều nơi trên thế giới qua sự cúng dường tịnh tài. Để rồi chư vị ấy, các vị ấy đã cúng dường thân, tức là pháp thí, thân thí, tài thí, trí tuệ thí tới mọi nơi để mang tịnh tài của quý vị chuyển hóa thành những phẩm vật hoặc những phương tiện hữu dụng trong giai đoạn này. Chúng ta trong giai đoạn này đại dịch, từ những người không có dũng lực trong vô lượng kiếp trầm mình trong đau khổ lại một lần nữa được thể hiện cái dũng qua tâm trí tuệ và từ bi chẳng phân biệt tôn giáo, pháp môn. Chẳng khác gì hoa sen, sen Việt, sen Nhật, sen Tàu, sen Ấn Độ, sen gì cũng là sen, đều có khả năng vươn mình từ bùn nhơ trỗi dậy và nở hoa nhưng không hôi tanh mùi bùn.
Còn thời gian đâu trong hoàn cảnh đại dịch để phân biệt tôn giáo, pháp môn, phân biệt người xấu, kẻ tốt. Dũng lực của chúng ta là đứng dậy thắp đuốc tuệ, khơi nguồn từ bi biến thành hành động cụ thể để ứng dụng vào đời sống cho ta được hạnh phúc, cho người được bình an. Người có dũng lực trong giai đoạn này là người biết bảo vệ mình, giữ những luật lệ của sở y tế, của chính phủ nơi những địa phương nơi mình cư trú để an toàn cho bản thân, an toàn cho muôn người. Người có dũng lực là người không bị cám dỗ bởi những thú vui đời thường trong sự tù túng khi cách ly, giãn cách trong mùa đại dịch. Họ hoan hỷ, tự tại, không bị điên đảo mộng tưởng, nhập vào cõi mộng của quá khứ trong những bữa tiệc, trong những cuộc vui để rồi bức xúc khó chịu, vươn ra bên ngoài. Đó chính là quên, quên thân mình và chẳng thương lấy mình.
Người có dũng lực phải biết thương mình và thương mọi người bằng sự hiểu thấu nơi trí tuệ để ứng dụng mọi phương thức khoa học của sở y tế cũng như của xã hội đưa ra để chúng ta biết ngăn ngừa. Thiểu dục tri túc trong lúc này rất cần, thắt lưng buộc bụng rất cần để mọi người cùng đẩy lùi đại dịch và tái tạo lại một đời sống mới sau cơn dịch tràn đầy hạnh phúc. Đây là lúc thắp đuốc tuệ, khơi nguồn từ bi bằng dũng lực. Dũng lực nhỏ bé mà chúng ta có thể làm là biết bảo vệ đời sống của mình, tuân thủ theo những luật của địa phương, tránh xa sự cám dỗ, hấp dẫn của những cuộc vui trong quá khứ để chúng ta có thể tịch tĩnh, an vui trong Chánh Niệm hơi thở của từ bi và trí tuệ. Đây chính là cái dũng của trí tuệ và từ bi của người con Phật, của người tu Thiền Mật song tu, thiền trí tuệ và từ bi.
Đừng để trở về với đời sống của quá khứ khi Bảo Thành và các bạn đều là những người không có dũng lực. Dũng lực của trí tuệ và từ bi công dụng vô cùng trong mọi góc độ của cuộc sống, giúp cho bạn lập trường, có sự phân định thật rõ, vững chãi trong đời, nói dám làm, bởi lời nói của ta có suy nghĩ, có Chánh Tư Duy và rồi chúng ta không bao giờ bỏ cuộc. Nếu đã minh định một con đường để đi, tư duy cho thật rõ, nhất định trí tuệ đó sẽ soi sáng để chúng ta tiếp tục đi không bỏ cuộc. Và chúng ta sẽ là người biết thúc liễm thân tâm, miệng sẽ không bao giờ nói những lời thô tục, thô ác, thị phi, đâm thọc, biết nói đúng để tăng trưởng phước báu và thiện hạnh. Và rồi mỗi người chúng ta, nếu có công hạnh tu tập, nhất định sẽ như những loài hoa, hoa Giới, hoa Tuệ, hoa của Thiền Định, hoa của Chánh Niệm, hoa của từ bi, hoa của trí tuệ sẽ tỏa sáng trong tất cả mọi hoàn cảnh trong cuộc đời dù nghịch hay thuận.
Hãy luôn luôn suy nghĩ về phẩm hạnh Mẹ hiền Quan Thế Âm đại hùng đại lực hóa thân muôn nơi để giúp đời. Chúng ta đều có khả năng như Mẹ hiền Quan Thế Âm, bởi chúng ta đang thực hiện thiền tình thương là thiền từ bi và thiền trí tuệ thì nhất định chúng ta có cái dũng như Mẹ hiền Quan Âm, đại hùng đại lực như những vị Bồ Tát, Thánh Hiền, như những vị giác ngộ là Phật. Bởi trong ta cũng có Phật tánh và ta sẽ là Phật trong tương lai thì Phật sẽ là trong tương lai đó sẽ có thể phát huy được dũng lực, đại hùng đại lực từ phẩm tánh Phật đó bằng tu thiền trí tuệ và từ bi.
Hãy làm tất cả những gì có thể làm bằng trí tuệ và từ bi biến thành hành động cụ thể để bảo vệ, giữ sự an toàn cho tự thân và gia đình. Cống hiến những việc nhỏ nhất có thể làm, gửi những lời hoặc những thông bạch, hoặc những điệp chứng trong cuộc đời để sách tấn mọi người dấn thân vào công cuộc mang lại tình thương, xua tan đi bóng đêm của sự sợ hãi, thắp sáng trí tuệ, khơi nguồn từ bi cho đời sống của muôn người trong thời gian đại dịch này được an, được hạnh phúc và được bình yên.
Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau.
“Thưa Phật! Chúng con đã không có dũng lực để lăn trôi trong cuộc đời trầm luân đau khổ, nay qua pháp thiền Chánh Niệm trí tuệ – từ bi quán của Thiền Mật song tu, Thất Bảo Huyền Môn, chúng con đã thấy rõ phẩm hạnh cao siêu của Mẹ hiền Quan Thế Âm có thể viễn ly được mọi điên đảo mộng tưởng, tâm chẳng còn quái ngại, chướng ngại và bị khủng bố trong tất cả mọi hoàn cảnh. Cũng y dũng trang nghiêm trong trí tuệ – từ bi ấy của Mẹ hiền Quan Âm, chúng con nguyện thể nhập vào trong sự tu tập và hồi hướng công đức cho mọi loài.”
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Mô Phật! Chỉ còn mấy tuần nữa là Lễ Vu Lan tới, chúng ta hãy cùng nhau hồi hướng công đức.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Lễ báo hiếu về cha mẹ đang tới, chúng con nguyện ăn chay, niệm Phật, tu tập Chánh Niệm hơi thở từ bi – trí tuệ quán, hành thiện giúp đời trong mùa đại dịch để tạo thành phước đức và nguyện hồi hướng cho muôn chúng sanh thoát khổ, thoát phiền, thoát não, thoát khỏi bệnh tật.
Xin Chư Phật chứng minh cho lời hồi hướng của chúng con.
Mô Phật!