Bảo Minh đánh máy, Bảo Phước biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!
Giờ đồng tu đã tới, mời các bạn cùng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Chúng con nguyện xin Chư Phật gia trì, hộ mạng và ban rải năng lượng tình thương, thắp sáng trí tuệ, soi dẫn để Việt Nam quê hương của chúng con, mọi người đều sống Chánh Niệm, tịch tĩnh để đồng nhau tăng trưởng phước báu vượt qua đại dịch.
Xin Chư Phật chứng minh.
Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi.
Phật dạy hãy lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát và lấy từ bi nuôi dưỡng trí tuệ. Thiền Mật song tu trong lúc này, lấy Chánh Niệm hơi thở để thiền từ bi và thiền trí tuệ, gọi tắt là thiền trí tuệ – từ bi, hay còn gọi là trí tuệ – từ bi quán, thiền Chánh Niệm. Mật hạnh cao siêu của Mẹ hiền Quan Âm trong Phẩm Phổ Môn nói thật rõ về thiền trí tuệ và từ bi thể nhập vào với Chánh Niệm hơi thở, mỗi người chúng ta trì mật ngôn từ bi Mu A Mu Sa và trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang sẽ lãnh nhận được tràn đầy năng lượng yêu thương và trí tuệ bừng khai. Chúng ta hãy thành tâm khiêm tốn đón nhận và nguyện ban rải tới muôn người, đặc biệt tới quê hương Việt Nam, người thân yêu trong những vùng đại dịch hoành hành hiện tại.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Mô Phật! Các bạn thân mến! Đi thẳng vào chủ đề ngày hôm nay, một chủ đề mà khi nói tới, ai cũng phải chột dạ bởi trong chúng ta vốn có mầm mống thường hay, thường hay làm như vậy. Chủ đề: “Vu Khống Trắng Trợn”. Nhất định Bảo Thành và các bạn trong cuộc đời, không những kiếp này và nhiều kiếp qua đã từng sống trong vô minh không thấy, không rõ, không hiểu, không biết, không thông, không ngộ nhưng vẫn nói những điều có thành không, không thành có, vu khống cho biết bao nhiêu người một cách trắng trợn để rồi Bảo Thành và các bạn tạo quá nhiều nghiệp, lăn trôi trong biển sanh tử, đau khổ nhiều đời. Chủ đề này càng nói càng cảm thấy xấu hổ, càng cảm thấy phải sám hối. Mỗi người chúng ta phải thành tâm sám hối về những điều gì mà tự thân đã vu khống trắng trợn cho muôn người, cho bạn bè, cha mẹ, vợ chồng, con cái, người thân, thậm chí chúng ta còn vu khống trắng trợn tới những bậc thiện tri thức, những vị thầy, những bậc xuất gia hay những người chẳng quen ở trên đường, dù chưa bao giờ gặp cũng sẵn sàng vu khống một cách trắng trợn. Mầm mống vu khống vốn có trong mỗi một con người. Bởi ta sinh ra bởi bất thiện nghiệp, trong đó có mầm đố kỵ. Sự đố kỵ do cái tâm tồn tại ở bên trong, hòa lẫn với sự tự cao, tự tôn, cho nên ta sẵn sàng vỗ ngực xưng tên, vu khống trắng trợn cho muôn đời, cho mọi người, cho cuộc đời.
Chúng ta bắt đầu hỏi: “Thời Đức Phật, Thế Tôn có bị vu khống trắng trợn hay không và bằng cách nào Ngài đã đối xử và đương đầu với sự vu khống trắng trợn đó?”
Ta hãy trở về với Kinh của Phật, thời Đức Phật, thời xa xưa khi Đức Phật còn sống, Ngài đang trú xứ tại Chùa Kỳ Viên vườn Cấp Cô Độc và Thái tử Kỳ Đà, Ngài giảng pháp ở đó mỗi một ngày. Ngài ở miền xa, nay tới đây kinh thành, vùng này có thật nhiều các vị sư phụ ngoại đạo cũng như thuộc các tông phái khác thời Ấn Độ, Hindu thời đó. Và dĩ nhiên, các bậc thầy đó thường được các Phật tử cũng như những người theo tôn giáo, tín ngưỡng đó cung phụng, cúng dường quá nhiều tiền bạc và danh của họ càng ngày càng cao. Nhưng kể từ khi Đức Thế Tôn tới Chùa Kỳ Viên thường trú, giảng đạo, lời chân thật của Bậc Giác Ngộ dần dần thấm vào trong lòng của Phật tử, của những con người tới nghe Đức Phật dạy trong vùng đấy.
Thuở xưa họ nghe các vị thầy kia, chưa được an, chẳng được vui, nay nghe Đức Thế Tôn giảng trong Chùa Kỳ Viên, họ kéo tới thật đông mỗi ngày và nghe giảng. Những vị thầy kia bắt đầu sanh tâm đố kỵ và sự tự tôn bị chạm vào, lòng cao mạn dâng cao. Và rồi từ đó, họ ngồi với nhau bàn kế để làm sao hạ gục Đức Phật, triệt tiêu Đức Phật, còn không, Đức Phật còn ở đó thì lôi kéo mọi người theo. Và thật sự lúc đó, sự sinh hoạt phồn thịnh của Chùa Kỳ Viên nơi Đức Phật trú ngụ quá thịnh vượng, quá đông bởi lời chân lý được khai thị, mọi người đều an vui. Chính vì điều đó mà người ta cứ tới với Đức Phật, với Chùa Kỳ Viên, sự sinh hoạt rầm rộ. Các vị thầy ngoại đạo, các vị thầy Hindu thời đó, Bà La Môn không thích, nên họ tính kế hại Phật và cuối cùng, họ đã chọn ra một người phụ nữ, người đó tên là Tôn Đà Ly. Người phụ nữ Tôn Đà Ly này nhận trách nhiệm của các bậc thầy kia.
Mỗi sáng sớm khi các Phật tử tới Chùa Kỳ Viên nghe giảng và thỉnh pháp của Chư Phật thì cô Tôn Đà Ly lại từ trong chỗ Đức Phật đi về. Người ta hỏi: “Này cô Tôn Đà Ly, cô đi đâu?” thì cô ta chỉ nói rằng: “À! Ở trong thất của Đức Phật cả đêm rồi đi về”.
Rồi mỗi khi vào những buổi chiều, khi những người đó nghe pháp xong đi về, cô ta lại tỏm tẻm đi tới Kỳ Viên nơi Đức Phật ở, trang điểm lộng lẫy, phấn son thơm lừng, đẹp lắm. Người ta lại hỏi: “Cô Tôn Đà Ly, cô đi đâu?”, cô ta lại nói: “Vào mỗi buổi chiều, tôi tới hương thất của Đức Phật để ở đó qua đêm”.
Và sự việc như vậy lặp đi lặp lại nhiều lần. Cho tới một hôm, các thầy ngoại đạo, nhóm ngoại đạo và các vị thầy Bà La Môn khác thuê một nhóm du đãng, trả tiền cho họ bắt chặn cô Tôn Đà Ly, giết chết, vứt xác cô ta vào thùng rác gần nơi Đức Thế Tôn trú ngụ trong Chùa Kỳ Viên. Thế rồi nhóm thầy ngoại đạo này và các bậc thầy Bà La Môn la thật to lên bởi không thấy cô Tôn Đà Ly về và đi tới Chùa Kỳ Viên mỗi ngày sau đó. Họ lên trình với vua rằng cô ta đã bị mất tích. Vua hỏi: “Vậy thì các người có nghi ngờ gì?”, họ đồng thanh trả lời: “Cô Tôn Đà Ly thường ngủ qua đêm với Đức Phật trong Chùa Kỳ Viên, ngày nào cũng tới, ngày nào cũng đi, nhưng hôm nay đã mất, xin vua cho phép để tới đó tìm kiếm, lục soát”.
Vua ra lệnh: “Được!”. Cả nhóm kéo tới Chùa Kỳ Viên hạch hỏi Đức Phật và kéo ra thùng rác thấy xác của Tôn Đà Ly chết trong đó liền mang tới vua trình bày rõ ràng tông tích và nói rằng các đệ tử của Phật đã nhận ra và biết rằng đây là một điều xấu hổ, tồi tệ bởi Đức Phật đã ở với cô Tôn Đà Ly, giấu không được nên giết hại. Vua nghe vậy liền tra cứu và cho mọi người tập trung để hỏa thiêu thân xác Tôn Đà Ly.
Dân chúng tới, còn các đệ tử của Phật chẳng ai tới. Người ta la ó, chê bai Đức Phật, và từ đó nhóm người này đi trao truyền, rao giảng và thả những lá rơi bằng miệng tới mọi nơi để nói rằng Đức Phật không phải là một bậc đáng tôn kính, ăn ở với người ta xong giết hại. Loan truyền thông tin đó hạ nhục Đức Phật, dân chúng kêu than, khắp nơi đều nói xấu về Đức Phật. Và dĩ nhiên, những người đi theo các bậc thầy ngoại đạo kia, những bậc thầy Bà La Môn kia và những người ghét Phật hớn hở vô cùng. Nghe nói như vậy, họ nhảy mừng bởi hôm nay mới tìm ra điểm yếu, điểm xấu của Đức Phật và nghĩ Đức Phật xong rồi, chẳng ai tới nữa đâu. Mục đích của họ đố kỵ, ghen tuông và muốn triệt tiêu Đức Phật nên vu khống như vậy.
Từ đó, khi gặp các đệ tử của Phật, họ luôn la ó, chửi bới. Các đệ tử của Phật mới tới nói với Phật rằng: “Thưa thầy! Bây giờ làm thế nào, sự việc đồn đãi như thế?”. Phật mỉm cười trầm tĩnh và rất từ bi nói với các đệ tử hãy thương xót những người đó và Ngài nói một bài kệ như vầy:
“Nói láo đọa vào địa ngục Có làm nói không làm Cả hai chết đồng đẳng Làm người nghiệp hạ liệt”
Và Ngài mỉm cười truyền trao bài kệ cho các chúng đệ tử.
Nhà vua sau đó sai thám tử đi dò la tin tức để truy lùng đúng tội phạm, bắt đúng người để xử. Bọn du đãng sau khi nhận được tiền của những vị thầy kia để làm sứ mệnh giết người, vu khống trắng trợn kia đi làm một bữa nhậu thỏa thích. Rượu vào rượu ra, chén tới chén lui, say mèm, bắt đầu lộ ra chân tướng nói rằng anh này, anh kia giết người được thưởng quá nhiều tiền, thôi uống cho say. Thế là thám tử nhà vua bắt được và kéo bọn họ về. Trước mặt nhà vua và quan triều, họ đã nhận lỗi vì các thầy ngoại đạo thuê để bịa chuyện như vậy để vu khống trắng trợn cho Phật tại Chùa Kỳ Viên. Sau đó họ bị nhốt tù và họ bắt buộc từ miệng lưỡi phải nói sự thật về sự vu khống này, và thế, Đức Phật và mọi người đã được giải oan. Sự vu không đã tan biến, mọi người đều tin yêu Đức Phật.
Chủ đề này đã đưa chúng ta về một câu chuyện thực tế mà Đức Phật, bậc thầy của nhân loại, của muôn loài đã phải đương đầu khi còn ở trong trần gian thì phận người nhỏ bé như Bảo Thành và các bạn sinh sống trong cuộc đời sao lại không nhiều lần phải gặp những người khác vu khống trắng trợn cho chúng ta? Bởi chúng ta cũng từng vu khống mà! Đó là nghiệp báo trở lại mà thôi.
Nhưng hôm nay, ít nhất theo câu chuyện trong Kinh, ta lần mò về trong hoàn cảnh của kiếp người chúng ta, giữa tâm Tà của chúng ta biến hiện thành những con người không ưa thích tâm Chánh, Tà tâm không thích Chánh tâm cho nên trong mọi sự làm việc của mỗi người, Tà tâm tạo ra vọng niệm và thường thì thầm, nhắc nhở chúng ta không sao đâu khi làm sai. Khi ta làm sai, khi ta vu khống, khi ta nói bậy, Tà tâm thì thầm nói với ta rằng: “Không sao, có một lần mà có sao đâu, có chút xíu mà có sao đâu, thêm chút nữa đi rồi ngày mai tu, ngày mai sửa”. Như còn nhỏ ta ngủ, không chịu dậy đi học và nướng thêm chút nữa, trong cuộc đời cũng như thế, khi làm sai, ta cứ làm tiếp và tự thì thầm bởi Tà tâm nói rằng: “Không sao”. Thế là ta cứ trượt dài trên miền sai trái đó, tạo nghiệp vô cùng. Đó là nói riêng với ta có tâm Tà, trở thành người phản nghịch với Chánh tâm, thường hay vu khống những sự việc đúng thành sai, sai thành đúng một cách trắng trợn để giết chết Chánh tâm của mỗi người. Nhưng thực tế trên đời, vẫn có những con người đố kỵ chúng ta. Khi nhìn thấy các bạn thành công hoặc Bảo Thành thành công, mọi người thành công hoặc làm một việc gì có lợi cho gia đình, xã hội, cộng đồng thì họ đố kỵ, ghen ghét bởi họ không làm được, họ không thích, họ không ưa.
Khi bạn bè chúng ta tới vui vẻ trong mỗi sự việc tốt đẹp để làm những việc thiện, hoặc khi một ngôi chùa, sự sinh hoạt của Bảo Thành hoặc của quý thầy được nhiều các bạn đồng tu, các bậc thiện tri thức, các thân hữu cộng đồng phát tâm tu học thì có một số thầy, có một số bạn, có một số người không ưa không thích, đố kỵ. Và rồi dĩ nhiên, họ không bị những vị thầy Bà La Môn thuê nhóm du đãng mà họ bị Tà tâm của họ, tâm đố kỵ của họ xúi dại, dụ dỗ để họ bán mất lương tâm, sẵn sàng lui tới làm quen với các bạn, thể hiện như thân thiện lắm, lui tới gần gũi với các chùa, với quý thầy, thể hiện rằng ta biết, ta ở đó, rồi cuối cùng quay ngược lại vỗ ngực xưng tên ta thường lui tới đó và biết chuyện này, chuyện kia, chung quy cũng là những chuyện như Đức Phật bị hại, chỉ có những tội có thể sỉ nhục những bậc thiện lành đó là tà dâm, đó là giết người, đó là trộm cắp, đó là say sưa, đó là nói dối, trong năm giới đó mà thôi. Những chuyện vu khống trắng trợn như vậy xưa, xưa như trái đất, xưa như mặt trời, xưa như vũ trụ hình thành vậy mà vẫn có những người giả nhân giả nghĩa mặc áo Tôn Đà Ly, sẵn sàng lui tới, miệng nói rằng: “Tôi ở đó, tôi thường xuyên tới với Phật, tới và ở đó”. Thì họ cũng dùng chiêu thức đó, họ nói rằng: “Tôi thường chơi với người bạn này. À! Tôi biết người bạn kia, tôi biết chuyện này, chuyện kia. À! Tôi ở chùa đó, tôi gần gũi với thầy đó, tôi biết chuyện, và đây là sự thật”. Và rồi họ vu khống trắng trợn về những chuyện tà dâm, chuyện hại người, chuyện nói dối, chuyện sát sanh, họ vu khống những điều trong năm giới đó, vị thầy đó, bạn đó, người đó phạm vào, mục đích là bởi vì tâm đố kỵ, ganh đua, cái tôi quá lớn để mù mờ trong cõi vô thường tạo khổ, để làm sao? Để họ làm cho mọi người không tin vào Đức Phật thời xưa. Đó là Tôn Đà Ly đã làm! Và ngày nay, họ tạo những sự vu khống trắng trợn đó để cho cộng đồng, thân hữu, Phật tử, các bạn bè không muốn tới nữa. Họ muốn phá và triệt tiêu các tổ chức sinh hoạt trong cộng đồng, tổ chức sinh hoạt trong chùa chiền, tổ chức sinh hoạt nơi bạn bè và mái ấm gia đình. Gia đình chúng ta cũng bị vu khống thật nhiều bởi những người có tâm bon chen, đố kỵ, nói xấu vợ, nói xấu chồng với chồng, với vợ để phá vỡ gia can. Và y như thế, họ nói xấu các thầy, các cô, các chùa để phá vỡ trật tự sinh hoạt tốt đẹp nơi chùa. Sự vu khống trắng trợn này không phải chỉ có thời Đức Phật mà mãi mãi luôn luôn có, vì sao? Vì tâm đố kỵ, vì tự cao, vì cái tôi quá lớn.
Họ luôn luôn nói trên miệng rằng họ thương xót, họ cảm thấy thương cho những cộng đồng, những người dân, những bạn bè tiếp xúc với chùa đó, thầy đó, sinh hoạt với người này, người kia đã bị lừa dối bởi người đó xấu lắm, phạm giới dâm dục, phạm giới trộm cắp, phạm giới sát sanh, phạm giới nói dối, phạm giới uống các chất say, năm giới họ đổ thừa, vu khống trắng trợn, bởi vì sao? Họ trà trộn vào trong đó, họ tới nơi đó để cho người ta thấy như cô Tôn Đà Ly thường tới với Phật. Họ trà trộn vào sinh hoạt của chùa, sinh hoạt của các bạn, của gia đình, tiếp cận thân thiết để như một nhân chứng sống cụ thể ở trong đó. Nhưng thật ra, họ hoàn toàn không biết gì bởi tâm đố kỵ, bởi tâm tự cao, tự đại, miệng luôn nói thương xót người khác, không muốn mọi người phải sa đà vào quỹ đạo sinh hoạt của Tà đạo, của những vị thầy phạm giới xấu xa, phạm giới tà dâm, giết người, hại người, nói dối, ăn cắp, năm giới cấm các chùa đó phạm hoài, năm giới cấm các thầy đó phạm hoài. Họ luôn luôn đi tuyên truyền, đi thả tờ rơi, và phương tiện ngày nay, họ không đi từ chỗ này tới chỗ kia kêu rếu, bêu riếu nữa mà họ thả ở trên mạng, trên Facebook, trên Zalo, trên những thông tin cộng đồng để vu khống trắng trợn các bậc tôn túc, các chùa và vu khống các bạn, mọi người cá nhân. Họ còn mang chuyện đó lên trên mạng, trên Facebook đàm luận, tranh luận, đấu tranh và hạ nhục những người họ không thích trong tâm đố kỵ.
Chắc chắn các bạn đã có sự trải nghiệm đâu đó vì ai đó và ai đó đã làm cho bạn phải đau khổ vì sự vu khống trắng trợn của họ. Ngày nay không thiếu các hạng người như vậy, họ thường len lỏi đâu đó trong cuộc sống, tiếp cận gần chúng ta và rồi đi ra ngoài, bắt đầu bêu riếu để vu khống trắng trợn chúng ta. Tất cả các chùa đều thường gặp những người Phật tử như vậy. Không những thế, còn phải đương đầu với các vị xuất gia đức cao trọng vọng thường lui tới, lấy miệng mình là bậc chân tu, thanh tịnh khẩu ra chứng minh cho những chuyện hoàn toàn vu khống trắng trợn, viết những lời sai trái, nói những lời hoàn toàn không có, tạo chuyện, dựng chuyện để phá vỡ vòng sinh hoạt và yêu mến của cộng đồng Phật tử đối với ngôi chùa đó, đối với vị thầy đó. Hiện tượng này xảy ra ở khắp năm châu và ở tất cả các tôn giáo, không hẳn chỉ có Phật giáo. Bởi lấy gương chính Đức Phật đã bị thì chúng ta nói rằng không ai mà không bị sự vu khống trắng trợn như vậy. Vẫn luôn luôn có những con người vì tâm ích kỷ đã làm mù lòa lương tri, đã làm mù lòa Chánh Kiến, họ chẳng còn Chánh Tư Duy, sẵn sàng để cho nghiệp dẫn một cách trắng trợn để nói láo, rồi như Đức Phật dạy, sẽ bị đọa địa ngục.
Có làm thì nói là không, người nói láo, người có nói không, người không nói có, cả hai hạng người này đều là hạng người đồng đẳng với nhau, khi chết đều bị đọa vào địa ngục và nghiệp của họ là hạ nghiệp, hạ liệt, xấu xa, thấp kém, trí tuệ không có.
Khi đương đầu với những sự vu khống trắng trợn trong cuộc đời như cô Tôn Đà Ly đã làm điều đó, chúng ta nhớ rằng Đức Phật thương xót cho họ. Chúng ta tu Thiền Mật là tu từ bi và trí tuệ, người có trí tuệ, có lòng từ bi thường thương xót mọi chúng sanh như phẩm hạnh của Mẹ hiền Quan Âm. Dẫu vẫn biết trong cuộc đời ngang trái, những người khoác áo cà sa hay khoác áo Phật tử, hay khoác áo là bạn bè thân tín của chúng ta, thường vì sự đố kỵ, ghen tuông, tự tôn, tự ái, tự cao, tự đại, thường hay lân la, gần gũi với chúng ta rồi ghép chuyện vu khống. Ngày nay phương tiện truyền thông quá nhanh, họ đặt lên trên mạng và thế, bấm một cái, hàng hà những người ở phương xa trên thế giới đều biết. Vậy nên trên thế giới mạng ngày nay, họ chửi nhau như chó với mèo, họ vạch lưng cho người khác xem, họ tạo chuyện, dựng chuyện để bôi xấu, hạ nhục, hạ gục nhau bằng những ngôn từ thật kém cỏi, bằng những ngôn từ xúc phạm trắng trợn, những ngôn từ thô lỗ, thô tục, thô ác. Dù vẫn biết họ là Phật tử vẫn luôn luôn xưng tên ta là người làm thiện, làm tốt, tu, vẫn xưng tên ta là bậc Tỳ kheo hoặc là những Sư cô, vẫn xưng tên ta là người này người kia, khoác áo nâu sòng, đầu tròn, áo vuông, trịnh thượng vô cùng. Hoặc bạn bè thân thích, người có kiến thức đó, nhưng những ngôn ngữ ứng dụng của họ vu khống trắng trợn trên mạng, trên Facebook hoặc nói thật thô ác và thô tục đến một cách tầm thường, đến một cách hạ liệt, hạ đẳng.
Rất may, rất may là hàng Phật tử chúng ta và Bảo Thành đã có một bậc thầy cao siêu là Đức Phật đã đương đầu trải nghiệm thực tế với sự vu khống trắng trợn của cô Tôn Đà Ly và những bậc thầy ngoại đạo, cũng như các vị thầy Bà La Môn giết người vu khống trắng trợn. Ngày nay giết người vu khống trắng trợn sẽ bị bắt bởi không thể thoát khỏi vòng pháp luật. Nhưng họ sẵn sàng giết chết lương tri, lương tâm của họ để vu khống, giết chết danh phẩm của tình bạn, của tình người, tình vợ, tình chồng, cha mẹ và tình thầy trò, cũng như giết chết các bậc tôn túc chùa chiền hoặc những sinh hoạt của cộng đồng. Họ vu khống trắng trợn, họ chụp mũ, họ nói sai, họ nói khống, họ thêm họ bớt, họ dựng chuyện vì tâm đố kỵ, vì cái tôi quá lớn. Rồi lại tỏ ra thương xót muôn người nên phải làm như vậy thôi. Họ lại chứng minh họ là anh hùng tay không bắt giặc, đi vào vùng lửa đạn để cứu muôn người thoát khỏi nạn bị lừa gạt, nhưng chính họ mới là người đang lừa gạt lương tri của họ, lương tâm của họ. Có lẽ không ai biết, nhưng trong bóng tối, sự ngủ trở về, vắt tay lên trán, họ sẽ nhận ra họ đã vu khống trắng trợn như vậy, họ đã làm sai, họ đã lừa gạt lương tâm của họ, họ đã giết chết nhân phẩm của họ, họ biết, họ biết nhưng đã làm rồi biết sao đây? Sám hối? Làm bậy rồi sám hối chẳng có nghĩa gì nếu chúng ta tiếp tục làm điều đó. Sám hối chỉ có giá trị khi chúng ta nhận thức được điều đó đã sai, vu khống cho mọi người. Nếu chúng ta vu khống cho ai mà người đó còn sống, còn tiếp cận được, chúng ta phải xin lỗi họ, sám hối với họ một cách trực tiếp, đồng thời ngưng hẳn sự đó, sự vu khống đó và rồi tăng trưởng phước thiện, tu thì mới có thể rửa gội được sự vu khống trắng trợn, nghiệp chướng kia, còn không thì như Phật nói, sẽ bị đọa vào địa ngục. Bởi miệng niệm Phật mà luôn tuôn ra những lời thô ác, vu khống trắng trợn cho chùa, cho quý thầy, cho bạn bè, cho mọi người, nhưng vẫn vỗ ngực xưng tên ta là anh hùng cứu muôn người, cứu đồng bào, cứu những người đang bị lậm, bị ngu, bị lừa gạt cho nên họ vẫn đóng vai là người hùng trong thiên hạ. Họ biết họ đã sai, bởi họ biết những điều họ nói chỉ dựa dẫm trên tâm mù lòa của vọng niệm, vọng thức và của những cái chấp trong sự đố kỵ để từ đó họ đã để cho con ma từ trong địa ngục hiện hình nói láo, vu khống, có nói không, không nói có, trắng trợn vô cùng.
Đức Phật dạy, nếu phải đương đầu với những người đó, Phật đã hành, đã dạy cho chúng ta, hãy thương xót họ, hãy thương xót hồi hướng cho họ để họ có thể phản tỉnh, ngừng lại. Và một mai thấu rõ, họ có sự tỉnh táo, có sức mạnh, có dũng lực để họ vượt qua, họ sám hối. Chúng ta nhớ, mỗi khi chúng ta còn sống trên cuộc đời, phạm lỗi đến ai đó, chúng ta phải mạnh dạn tới với những vị thầy đó, với những con người đó để xin lỗi. Bởi tất cả những việc thiện ta làm, bởi tất cả những công hạnh ta tu và những điều ta thực hành sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng ta không biết xin lỗi nhau khi phạm. Khi chúng ta không biết sám hối thì chẳng bù lại được những lỗi lầm và sai trái ta đã thực hành đâu. Hãy nhớ lời Đức Phật:
“Nói láo đọa vào địa ngục
Có làm nói không làm
Cả hai chết đồng đẳng
Làm người nghiệp hạ liệt”
Hỡi những ai từng vu khống các bậc tôn túc, các chùa chiền, hỡi những ai từng vu khống trắng trợn bạn bè, tình thân để phá vỡ hạnh phúc gia đình, hỡi những ai từng vu khống để tình bạn bị xa cách, chia lìa, để tình người trở thành đối mặt, hiềm khích, biến bạn thành thù. Chúng ta không giấu được lương tâm của mình, không giấu được lương tâm của mình! Phật dạy, nếu làm như vậy bị đọa vào địa ngục, đọa vào địa ngục. Có nói có, không nói không, sống với tâm chân thật mới xứng đáng là người tu, là Phật tử, là người bạn, là con người. Mà nếu chúng ta là các bậc xuất gia, đắp y nhà Phật thì chẳng xứng đáng nếu có nói không, không nói có, vu khống. Chiếc áo cà sa không làm nên thầy tu, chỉ có tâm thanh tịnh và thiện nghiệp, đức hạnh ta làm dù chẳng khoác áo cà sa.
Đừng đố kỵ sự sinh hoạt phồn thịnh của Phật, chùa Kỳ Viên, cũng như đừng đố kỵ sự sinh hoạt phồn thịnh của các chùa nào đó, của vị thầy nào đó, hoặc đố kỵ bởi sự sinh hoạt, tiếp cận của bạn bè đông đủ hoặc có tiếng thơm trong cuộc đời, đâm ra dựng chuyện vu khống, phá nát gia can, tình bạn, phá nát chùa chiền. Chẳng thể làm được bởi Tà không thắng được Chánh. Tà ngữ, Tà tâm, Tà hành động nơi những con người có tâm đố kỵ, vu khống trắng trợn sẽ quay ngược lại đánh chết danh dự, nhân phẩm của chính họ, như Phật nói, nói láo đọa địa ngục hoặc họ sẽ bị đọa vào địa ngục của sự dằn vặt lương tâm, của sự đố kỵ, của tâm ghen tuông của miền u tối, tâm thức của vọng niệm, vọng thức. Họ là những con người đang bị lửa địa ngục trong tâm thiêu đốt từng ngày, từng giờ, chân tay lúc nào cũng mó máy, rung động, sợ hãi, thần thức lúc nào cũng u mê, chỉ mượn đá ném người giấu tay, đứng sau đâm thẳng vào người, vu khống trắng trợn. Gương này Đức Phật đã gặp, khuyên chúng ta nhớ câu kệ:
“Nói láo đọa vào địa ngục
Có làm nói không làm
Cả hai chết đồng đẳng
Làm người nghiệp hạ liệt”
Trong cuộc đời, nếu tu Thiền Mật Tông, tu trí tuệ và từ bi, mỗi người chúng ta phải có tâm sống chân thật, có nói có, không nói không, chớ nên vu khống. Không những chỉ có Thiền Mật, tất cả những các pháp môn của Phật và tất cả các tôn giáo khác không nói cao thấp thì gốc của mọi tôn giáo đều xiển dương tâm chân thật và đều khuyên chúng ta đừng vu khống trắng trợn hại người, hại chùa, hại nhà thờ, hại cộng đồng, hại tình bạn, hại gia đình, hại hạnh phúc của muôn người. Hãy sống chân thật và lời khuyên trân trọng với những ai đó còn đang hiện diện trong cuộc đời, còn đang khỏe, có trí tuệ nhận thức thật rõ rằng ta đã phạm vào tội vu khống cho bạn bè, cho người thân, cho chùa, cho quý Tăng và Ni, nhất định nếu vị đó nhận thức rằng bạn bè còn đó, chùa chiền còn đó, Tăng Ni đó còn đó thì phải có cái dũng diện kiến họ bằng phương tiện nào đó, xin lỗi và sám hối mới sạch được tội. Thì sau đó, những pháp thiện thực hành mới được chứng minh và thành tựu công đức, còn không, còn không chỉ như con dã tràng xe cát biển đông, không tạo được gì công đức mà càng ngày càng tạo nghiệp bởi trong trái tim, lồng phổi chứa đầy sự đố kỵ và đã từng phạm tội vu khống trắng trợn như Đức Phật nói: “Nói láo vu khống như vậy đọa vào địa ngục”.
Những ai làm chuyện đó đã bị đọa vào địa ngục của tâm thức và đang bị lừa gạt bởi ma quỷ của tâm sân. Hãy dừng lại, đừng vu khống trắng trợn nữa, trở về với tâm chân thật, sống với pháp thiện lành, thà không có tất cả nhưng có được tâm chân thật còn hơn có được mà sống với sự hổ thẹn của tâm vu khống trắng trợn, ích kỷ, gièm pha, giết người giấu tay.
Các bạn! Chúng ta có quyền lựa chọn một đời sống tốt đẹp hơn.
Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay Từ Bi, thành tâm đón nhận, nguyện xin Chư Phật ban rải năng lượng từ bi, thắp sáng đuốc tuệ để chúng ta nhận rõ được bao nhiêu kiếp qua, chúng ta đã vu khống trắng trợn cho nhiều người. Biết hổ thẹn, biết sám hối, biết xin lỗi và biết quay đầu trở về với tâm chân thật, sống thực hiện thiện pháp để tăng trưởng đời sống đạo hạnh, đức hạnh, có được phước báu chuyển bất thiện nghiệp nhiều kiếp để tìm được phước giải thoát, thoát khỏi sanh tử, diện kiến được Chư Phật ngay trong cuộc đời này.
Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Chúng ta đồng hồi hướng.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu hôm nay để sám hối về những nghiệp đã tạo ra do sự vu khống trắng trợn trong cuộc đời từ nhiều kiếp qua, nguyện Chư Phật chứng minh.
Và nếu tạo được công đức nào, xin hồi hướng cho quê hương Việt Nam của chúng con mau thoát khỏi đại dịch và cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.
Mô Phật!