Search

Bài 2092. Ai Cũng Sai, Chỉ Mình Đúng | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Tịnh Ý đánh máy, Bảo Phước biên tập.

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Tới giờ đồng tu, mời các bạn cùng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Thưa Phật! Việt Nam của chúng con và các nước Á Đông đang phải đương đầu với đại dịch tràn lan, sự chết đã tới với quê hương, bệnh hoạn đầy rẫy, mọi người hoảng sợ, trong lòng đen tối, không biết phải làm sao. Xin Chư Phật mười phương ban rải năng lượng tình thương, thắp sáng đuốc tuệ để chúng con tinh tấn tu Chánh Niệm tăng trưởng phước báu, chuyển hóa tất cả bất thiện nghiệp nhiều đời nhiều kiếp đã tạo ra để đại dịch mau qua.

Xin Chư Phật từ bi chứng minh.

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi.

Trong giây phút Chánh Niệm này đây, mỗi người chúng ta hãy khiêm tốn và quán chiếu sự nhỏ bé của phận người mong manh trong đời, mang toàn bộ trí lực trở về với hơi thở, nương vào tình thương của Phật thắp sáng đuốc tuệ, quán chiếu bản ngã của mình để theo lời Đức Phật dạy là quán chiếu với tinh thần vô ngã để tâm được rộng lớn thênh thang tận hư không, để trí tuệ được bừng sáng thấy rõ vạn pháp, muôn hiện tượng ở đời đều vô thường. Và chúng ta cũng thành tâm đón nhận năng lượng tình thương và đuốc tuệ của Phật để tìm lại sự an tịnh ngay trong cuộc đời đang chao đảo bởi đại dịch, an trú trong Chánh Niệm là trở về với bổn tánh hiện hữu vốn có nơi ta.

Hãy nghĩ đến quê hương của mình, nghĩ đến cha mẹ, những người thân yêu, cộng đồng, xã hội. Nguyện rải tâm từ bi mà đón nhận được từ Chư Phật, nguyện rải ánh sáng trí tuệ tiếp nhận được từ mười phương tới muôn người, muôn chúng sanh.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật! Các bạn, chủ đề ngày hôm nay là một chủ đề rất thực tế bởi khi nói tới, Bảo Thành và các bạn đều có những hình thức suy nghĩ và đối xử như vậy trong cuộc sống bao nhiêu năm qua. Chủ đề hơi dài: “Ai Cũng Sai, Chỉ Mình Đúng”. Thêm một chữ nữa cho nó rõ hơn là ở trên đời này: “Ai Cũng Sai, Chỉ Mình Ta Đúng”. Bảo Thành suy nghĩ, tư duy thấy xấu hổ bởi thật ra trong cuộc đời, thật nhiều lần vấp ngã vào cách suy nghĩ như vậy rồi cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, thấy không hay bởi gây phiền lòng cho người khác, thấy không đúng bởi tạo cho mình nhiều phiền não, gây chia rẽ, rồi từ từ thấy bạn bè, người thân cứ xa lánh mình. Khi nhận ra là bởi vì mình ương ngạnh, mình tự cao, lúc nào cũng tô điểm cho tư tưởng, suy nghĩ, hành động của mình, nâng tầm quá cỡ vượt ngoài giá trị thực sự và tạo cho mình thật nhiều cơ hội tranh chấp, hý luận, bàn luận, đấu đá, gièm pha, đè bẹp tất cả mọi suy nghĩ, cách nhìn, cách sinh hoạt của người khác. Bởi cũng chính Bảo Thành khư khư ôm lấy suy nghĩ rằng ta là người giỏi, thông thái, ta biết tất cả, ta thông mọi thứ và ta luôn luôn đúng, còn những người tiếp cận khi nói, khi chia sẻ hoặc khi làm một việc gì đó, ta đều thấy họ hoàn toàn sai cho nên thường bị dính vào chỗ gọi là xỏ mũi mình, kéo vào trong công việc của người khác. Xen vào chuyện của người ta một cách không có trật tự và tôn trọng bởi mang tư tưởng ta đúng họ sai, lấn át đủ điều.

Ngày nay ngồi quán chiếu trong từng hơi thở Chánh Niệm, tư duy, nhìn về một thời quá khứ thấy xấu hổ bởi nhất định những người đã biết Bảo Thành, tiếp cận với Bảo Thành từ thuở bé cho tới bây giờ chắc có lẽ không ít đâu, nhiều các bạn, nhiều người cũng cảm nhận một thời dĩ vãng đã qua, Bảo Thành là một con người thật sự cứng đầu cứng cổ, tự tôn tự đại, luôn luôn chỉ biết bản thân mình là đúng, mọi người là sai. Mà có lẽ không phải chỉ có một mình Bảo Thành là như vậy. Sống, là kiếp con người, chúng ta thường thấy suy nghĩ, hành động của mình, không biết từ thuở nào nhưng đã là người, dù là những bậc lớn tuổi, những bậc trượng phu, Thánh Hiền hay những bậc có kiến thức cao, thiện tri thức hay là những con người bình thường trong xã hội cũng phải bồng bềnh trong những giai đoạn của kiếp nhân sinh, trưởng thành trong những cái sai, vấp té của chính mình, mà điều vấp té nhiều nhất chính là chỗ tự cao nơi tự ngã, cho mình luôn đúng, mọi người luôn sai. Tư tưởng sống như vậy len lỏi vào trong đời sống. Từ trong một gia đình nhỏ bé, mới đầu chỉ có vợ chồng thuận hảo yêu thương. Khi yêu mà! Đường cong vẹo cũng thẳng tắp, nước đục cũng hóa thành trong, sóng gió cũng êm xuôi tại vì lòng thuận cho nên thuận buồm xuôi gió. Hai con người có thể từ bỏ gia đình, cha mẹ, mọi sinh hoạt đang có, bước lên thuyền đài của tình yêu, êm ái vô cùng, nhưng rồi khi đã ngồi trên ngôi thuyền cùng với nhau, rời bến để đi ngao du tứ hải, trời thì không có gió, nước thì không có sóng nhưng con thuyền của gia đình cứ chòng chành, nghiêng ngả là bởi chính từ chỗ ngồi cùng với nhau đó, vợ chồng lúc đó lại không thể cùng nhìn về một hướng. Chiều suy nghĩ của chúng ta đa chiều và nghịch ý, sự hành động của chúng ta cuộn tròn trong cái của riêng mình và đặt cho mình một đặc quyền là người phối ngẫu cùng thuyền phải luôn luôn đón nhận mình như ta là thế, và cuối cùng trên con thuyền đời đó, hai người bắt đầu khoanh vùng, rào kín để bảo vệ, bảo vệ đất đai, bảo vệ vùng riêng tư của suy nghĩ, của làm việc, rồi tự cấp cho mình một sổ đỏ chủ quyền hành động, suy nghĩ, bỏ biết bao nhiêu cây phong kín, rào kín bởi sợ người bên cạnh lấn chiếm đến đời tư, xâm hại. Từ bỏ hết để đi vào cái chung, từ cái chung chia rẽ, rào kín, thành ra thuở xưa 2 thành 1, bây giờ một gia đình thành quá nhiều sự khác biệt, đổ vỡ bởi những ngang trái nghịch ý, không thuận, chỉ có ta đúng vợ sai, chỉ có ta đúng chồng sai nó xây thành những bức tường thành ngăn chặn và thật khó, thật khó có thể vượt qua. Tình bạn, tình gia đình, tình nhân loại giữa con người với con người chẳng gặp nhau bao giờ, nhưng nếu có cơ hội gặp nhau thì cũng đã mang sẵn tư tưởng ta đúng, người sai.

Trên thế giới này, không nói đến con người mà nói đến các tổ quốc, các đất nước. Có những tổ quốc, những đất nước thật nhỏ, thật bé, nhưng khi nói đến cả một nền văn minh lịch sử của đất nước đó, hầu hết mọi người dân trong đất nước đó đều đứng thẳng lên, tự hào về nguồn gốc văn hiến của dân tộc mình và luôn luôn lấy nền văn hiến của dân tộc mình đặt lên trên một tầm cỡ có thể che kín cả mặt trời, để từ đó thấy các quốc gia khác toàn thua kém. Điều đó có! Tự hào dân tộc, tự hào nền văn hiến, phong tục tập quán của mình, tự hào về bản thân, kiến thức, suy nghĩ, sự tự hào đó chẳng phải là sự tự hào trong kiến thức thanh tịnh của sự tư duy bằng Chánh Kiến nhưng là sự tự hào được mượn bởi hai cái danh tự hào mà tự thể của nó là tự cao. Người tự cao không có tầm nhìn rộng và xa, chẳng thấy được thực tướng của mọi hiện tượng, thường thổi phồng quá đáng, nâng cấp giá trị vượt ngoài quá xa, sống trong ảo tưởng, tạo khổ cho bản thân, gây chia rẽ và phiền não luôn luôn xâm chiếm cõi lòng của họ. “Ai cũng sai hết! Trên đời này chỉ có ta là đúng thôi” hình như đã trở thành một thương hiệu cho mỗi một người. Bởi vậy chúng ta cứ như con khỉ vỗ vào ngực: “Tôi nói đúng”, vỗ ầm ầm như mang kiến thức, sự hiểu biết, cách suy nghĩ và hành xử của mình áp đặt vào chung hết.

Có một câu chuyện mà chúng ta nên nghe qua. Nó thực tế, chẳng phải là chuyện mà là sự thật của cuộc đời, nếu các bạn chưa làm thì hãy họp nhau lại. Các bạn ngồi nói chuyện sơ sơ là bàn luận, là nói rồi, mà thường thường, trong tất cả mọi sự nói chuyện nếu không có sự tôn trọng bằng tâm lắng nghe nhau, đối xử bình đẳng thì hầu hết trong mọi cuộc nói chuyện, ta thường đi tìm cái sai của bạn hoặc tìm cái sai của ai đó, và cứ thế như người tạc tượng không biết đục, không biết búa, không biết nhìn ra hình hài mà cứ đục, cứ đẽo tạo nên biết bao nhiêu những hình thù xấu xí của người đang đối diện hoặc những người khác bởi chúng ta khéo vu khống, khéo tạo ra rồi khéo tạo nên những điều sai, không đúng của mỗi người, bởi chỉ có ta là đúng. Hầu hết những cuộc nói chuyện là bàn vào cái sai của người khác bởi ta nhìn họ thật sai.

Và trong những cuộc thí nghiệm đừng bàn tới chuyện của người khác, mỗi người cầm một trái bong bóng rồi lấy hết sức bình sinh thổi hơi vào trong bong bóng đó, loại bong bóng bự đó các bạn, thổi càng mạnh càng nhiều càng căng thì bong bóng càng phình lớn. Và khi các bạn cầm trái bong bóng phình lớn bởi đã thổi hơi từ phổi vào và để trước mặt, các bạn nhất định sẽ không nhìn thấy những người bạn khác bởi trái bong bong bóng đã được thổi phồng lên. Trái bong bóng chính là cái tôi của mình. Suy nghĩ của cái tôi, hành xử của cái tôi, cách làm việc của cái tôi, ta tôn vinh quá đáng, ta mang toàn bộ sức lực của cuộc sống thổi phồng vào cái tôi là trái bong bóng, và rồi cái tôi nó thổi quá to, nó chiếm hết tầm nhìn, chẳng còn thấy ai. Dù là những người bạn thân ngồi bên cạnh nhưng nếu mỗi người cầm một trái bong bóng của cái tôi thổi cho to lên thì không ai có thể nhìn thấy ai, ngoại trừ nhìn thấy chính mình và mắt đã bị mù, chân tay thì quờ quạng, rồi từ đó cứ sấn lên phía trước để áp đảo người khác bởi vì không nhìn thấy người mà chỉ nhìn thấy ta, trong lòng sợ hãi, đó cũng là tánh bảo thủ. Mà thường thường tánh bảo thủ này bị ghép vào thời phong kiến. Bảo thủ là chế độ phong kiến nhưng không phải những người trong chế độ phong kiến đều bảo thủ. Bởi thời xưa, có ông tổ, ông bà của mình cũng thời phong kiến, cũng một lòng nhân hậu thương yêu con người nhiều lắm, bởi sống hiền như đất, nhẹ như gió thoảng ngoài đồng không bị vướng vít, ngăn ngại. Ngày nay sống trong thời đại văn minh thường chê thời đại phong kiến, nhưng thực ra, chúng ta đã phong kín tư tưởng của mình bằng cái tôi thổi phồng, nâng cao nó chướng lên quá mức để rồi chẳng còn gặp nhau ở điểm chung. Mang cái tôi cắm cọc, cắm hàng rào rào kín lại không cho ai bước gần. Họ hơi chạm tới là mọc sừng mọc gai và cái tôi cứ thổi phồng như thế thì sao biết được người suy nghĩ làm sao?

Rồi lại thực nghiệm chính cái tôi đó như trái bong bóng thổi phồng, các bạn xả hơi ra thì nó liền xẹp ngay, và thế là ta lại nhận ra những người bạn đang đứng xung quanh chúng ta.

Nếu như không lấy cái tôi của mình chế tạo thành bong bóng mà để hơi thở trong lồng ngực dù có nhiều tới đâu đi nữa, thở nhẹ ra trong hư không pháp giới thì nó hòa quyện với không khí từ trời, bởi vì không khí ta có thể thổi ra từ phổi cũng là không khí từ trời đồng nhau hít vào rồi thở ra. Kiến thức, suy nghĩ của chúng ta, văn hóa của chúng ta, văn hóa trong đối xử, trong gia đình, trong ăn uống, trong mọi thể loại đều lấy từ nguồn kiến thức của nhân loại để lại. Thế mà vơ vét được một chút thì mang bong bóng của cái tôi thổi phồng lên, coi thiên hạ không ra gì, mọi người đều sai, chỉ ta là đúng. Còn nếu như biết rằng tất cả mọi kiến thức, những gì ta cho là hay nhất ở trên đời này có được đều là của ông bà, cha mẹ tích lũy, của Cửu Huyền Thất Tổ tích lũy, của nhân loại tích lũy nhiều đời mà có được, ta có đủ phước duyên lĩnh hội một phần để tăng trưởng đời sống. Nếu không có cái tôi thì ta lấy của trời, ta nhả ra hư không, mọi người đồng hưởng bằng cái tâm bình đẳng thì chẳng có bong bóng của cái tôi ngăn ngại trước mặt mà lại có cơ hội được một tầm nhìn xa, rộng để hiểu thấu muôn người mênh mông vô tận để không còn ích kỷ nữa.

Ở Việt Nam quê hương chúng ta, thuở xưa cách đây 50, 60, 70 năm, đất nhà người và đất nhà mình nối liền với nhau, chẳng bao giờ thấy hàng rào. Chó, gà nhà bạn có thể qua nhà mình vui, mình bước qua là tới nhà bạn, đôi khi có vài cụm chuối hoặc có vài cây ổi, cây xoài trồng lẫn lộn hai bên đều hưởng, vui lắm. Nhưng dần dần lòng con người ích kỷ, một phân, một tấc của người mà ta cứ lấn qua lấn qua rồi ai cũng sợ lấn đất, thế rồi từ đó rào kín, phong tỏa. Nhưng khổ là khi ta rào kín, phong tỏa lại không có sổ đỏ của sở nhà đất phân định rõ ràng đất mình ở đâu, cho nên khi rào lên, lấn qua bên kia mười mấy thước, lấn qua bên này mười mấy thước, trước sau phình rộng ra, rồi hàng xóm cũng như vậy, đâm ra cãi nhau, đánh nhau. Mà đất chiếm cho nhiều theo sổ đỏ tự ấn định, chẳng phải của sở đất làm thì đó là ta tự phong mình chủ quyền quá lớn. Ngược lại trong tương lai hiện tại ở Mỹ, ở những vùng quê, ở những vùng con người sống với nhau, chủ quyền của một miếng đất được phân định thật rõ bởi sở nhà đất có sổ đỏ và chẳng có hàng rào nhưng chẳng ai lấn được đất của ai trong sự tôn trọng nhà mình và nhà người để có thể có tầm nhìn mênh mông rộng lớn. Chúng ta là người học Phật, chúng ta có sổ đỏ, sổ đỏ tâm linh do Đức Phật cấp cho chúng ta, được vẽ thật rõ ràng Đông, Tây, Nam, Bắc, các hướng, được vẽ thật rõ, chẳng ai xâm chiếm được, chẳng cần phải rào, mọi người đều có thể tới tận hưởng được. Sổ đỏ đó phân định bằng mấy chữ đơn giản là “bình đẳng tánh trí”. Giữa ta và người đều bình đẳng tánh trí. Nếu đã bình đẳng rồi thì có chi đâu mà cần phải tô điểm kiến thức của mình? Đã gọi là bình đẳng tánh trí rồi thì có chi đâu mà phải đội mình lên trên cao để đứng chễm chệ trên hư không, nhìn xuống chẳng vững, run chân té xuống, gãy xương các bạn ơi. Người tự nâng lên quá cao đánh mất đi giá trị thực tế của mình, chẳng còn cái tâm bình đẳng tánh trí, những người như vậy kiến thức hạn hẹp, nhỏ bé.

Ai cũng sai, chỉ mình ta đúng đều có trong dòng máu của mỗi người chúng ta bởi chúng ta tái sanh trong những ác nghiệp nhiều đời, tự tôn tự đại. Nay chúng ta nương vào lời dạy của Đức Phật, mật ngôn số 02 NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là quán chiếu trong tinh thần vô ngã, mà đã quán chiếu trong tinh thần vô ngã thì nhất định phải đón nhận sổ đỏ của Đức Phật trao truyền, đó là bình đẳng tánh trí. Mỗi một cuộc đời của chúng ta, tất cả mọi thứ, từ các nền văn hóa, kiến thức, đời sống đến tâm linh, phước báu hiện tại, mọi người với nhau đều bình đẳng tánh trí và mỗi người đều có nhân duyên chạm vào một phần tánh trí bình đẳng đó để ứng dụng cho cuộc sống. Do đó, chúng ta không phải rào, ngăn chặn lại bằng cái tôi như bong bóng thổi phình lên để che đậy tầm nhìn của chính mình mà cứ quờ quạng gây cho nhau nhiều phiền não rồi bắt đầu chia rẽ, rời xa nhau. Nếu cứ như vậy thì trái bong bóng kia, bong bóng của cái tôi, của tự ngã sẽ đưa ta dần vào hoang mạc, dần vào ốc đảo chẳng có ai, nơi đó tăm tối, không có mặt trời bởi cái tôi sẽ dẫn dần ta vào trong vô minh. Do đó chúng ta phải quán chiếu, quán chiếu tức là nhìn và suy nghĩ, suy niệm, tư duy thật rõ vô ngã, không có một ngã tướng nào tồn tại bởi trong thế giới vô thường sanh – diệt biến đổi từng giây phút, từ đó mới thấy được ta nhỏ bé, tầm thường. Chẳng cần phải thể hiện nâng cao mà chỉ cần đón nhận trong tinh thần bình đẳng để rồi biết lắng nghe, thông cảm và chia sẻ thì hạnh phúc, an lạc ngay từ đó mà khởi sinh trong tâm của mỗi người. Nếu chúng ta tầm cầu hạnh phúc và cầu Bồ Tát, Thánh Hiền, thắp vài nén hương, dâng vài bình bông, hoa trái để đặt điều kiện có được bình an và hạnh phúc mà chẳng thấu được tinh thần vô ngã, dẹp bỏ nó đi thì làm sao có được hạnh phúc và bình an bởi ai ai sau khi cầu Phật, cầu Bồ Tát, Thánh Hiền, dâng hương, dâng trái, dâng hoa, về nhà thì cũng thế, chỉ mình đúng còn thiên hạ là sai, với tâm thái như thế, hạnh phúc, bình an sao có? Cửa Phật vừa bước ra, lồng phổi đã căn phồng và rồi làm sao? Giận dữ, sầu não đủ thứ tràn về. Bước vào cửa Phật thì khấn vái lung tung, bước ra cửa đời thì tranh chấp đủ thứ. Cho nên tư tưởng ai cũng sai, chỉ mình đúng đó, chúng ta thường bị kẹt vào bởi chưa có đủ phước duyên suy nghĩ cho thật kỹ, quán chiếu cho thật rõ tinh thần vô ngã, vạn pháp vô thường của nhà Phật, cho nên lúc nào cũng thấy tầm cao của mình có giá trị tuyệt đối, nhưng hóa ra, ta chỉ là loài tầm gửi ăn bám vào kiến thức của nhân loại để tồn tại, mong rằng có một chút gì đó hạnh phúc trên cõi đời.

Đức Phật nói thể loại ăn bám kiến thức ở đời thường hay chanh chua, tranh chấp, vậy nên Đức Phật mới đặt nặng trí tuệ, quán chiếu trí tuệ, trí tuệ quán, pháp môn cao siêu, nhiệm mầu của Bậc Đại Sĩ Quan Thế Âm Bồ Tát NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, thiền trí tuệ giúp cho chúng ta hiểu thấu tinh thần vô ngã, vô thường để đối xử với mọi người theo lời của Chư Phật, đó là bình đẳng tánh trí. Mỗi người đều có một sổ đỏ chủ quyền, tánh bình đẳng và sự bình đẳng đó không hơn không kém, bất sanh – diệt, bất cấu – tịnh, bất tăng bất giảm, bình đẳng với nhau. Chỉ như vậy mà quán chiếu rõ được thì ta sống sẽ tùy duyên và người sống cũng sẽ hằng thuận với sự tùy duyên đó, hạnh phúc và bình an luôn hiện hữu trong cuộc đời.

Không phải chỉ Bảo Thành và các bạn, ai ai cũng bị vướng vào sự tôi của mình, cái tôi của mình, tư tưởng rằng mình luôn luôn đúng, hay hơn mọi người. Thế nên trong cuộc đời luôn luôn có sự chê bai, chê bai trong cuộc đời, ta đúng người sai, cái gì cũng vậy, và trên con đường tu tập Pháp Phật cũng như thế. Người học Tịnh Độ chê bai Thiền Tông, người tu Thiền Tông chê bai Tịnh Độ, chê bai Mật Thừa, chê bai Thiền Mật, rồi ai học pháp môn nào thì nâng tầm quá đáng, dù chẳng bỏ công sức ra tu tập cho thấu đáo, giác ngộ. Mon men được một vài là bắt đầu rào kín, phong kín tư tưởng của mình, xem như ta là tất cả, chê bai toàn bộ các pháp môn khác mà chẳng hiểu rằng tùy duyên, pháp môn nào cũng đưa chúng ta đến sự giải thoát nếu đạt được tới mức. Nhưng chúng ta cứ ép pháp môn này là đúng. Chúng ta thấy một thời quá khứ người ta ép hôn không? Cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đó. Chế độ phong kiến ngày xưa là mới sinh ra, hai bên này gặp nhau đã hứa hẹn và rồi cột duyên con cháu từ thuở mới sanh. Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, ép duyên, ép hôn, ngày nay ai chấp nhận chuyện đó đâu? Bởi mỗi một người đều có nhân duyên gặp nhau, có duyên nợ thành vợ chồng, tôn trọng tình yêu, cho nên chế độ phong kiến áp đặt, đặt đâu ngồi đó không còn tồn tại nữa, vậy mà trong nền kiến thức của Phật học, Đức Phật dạy thật rõ bình đẳng tánh trí của các pháp không hơn không kém, nhưng chúng ta lại mang thể chế phong kiến áp đặt vào, đặt đâu người ta phải ngồi đó, tôn lên pháp môn quá lớn, chê bai, gièm pha, đấu đá đủ thứ trong hàng Phật tử và bậc xuất gia cũng có. Đau lòng!

Chúng ta phải suy nghĩ trên tinh thần các pháp đều vô ngã, đều vô thường thì các pháp phương tiện dù có tuyệt đỉnh võ lâm cao tới đâu thì cũng đều là vô ngã, vô thường sanh – diệt, chỉ là phương tiện hiện thời, nhân duyên phù hợp, mượn đó mà đi, xong rồi bỏ, có gì đâu mà khư khư ôm lấy?

Có câu chuyện dân gian mà chắc có lẽ các bạn đã nghe nhiều lần nhưng Bảo Thành muốn mượn để thấy rằng sự suy nghĩ chỉ có ta là đúng, người là sai cần phải quán chiếu, suy nghĩ lại, đó là cái tôi đó các bạn. Quán chiếu rõ sẽ biết và hạnh phúc. Ta đón nhận hạnh phúc của người với cái nhìn như nhìn, nhìn như Chánh Pháp, Chánh Pháp chính là Chánh Tâm, cái nhìn có Chánh Kiến, biết tôn trọng sự bình đẳng tánh trí của nhau. Câu chuyện về thằng Bờm. Thằng Bờm có cái quạt mo, phú ông xin đổi ba bò chín trâu, Bờm cười Bờm chẳng lấy đâu, rồi phú ông lại xin đổi một bè gỗ lim, Bờm cũng lắc lư chẳng muốn, đến khi đổi nắm xôi Bờm cười. Đứng ở trên phương diện câu chuyện chỉ kể sơ sơ về một nắm xôi mà Bờm cười, nó đổi luôn cái quạt mo. Nhưng lúc đầu đổi cái quạt mo với ba bò chín trâu thì Bờm không muốn. Người ngoài nói Bờm ngu quá trời. Cái quạt mo có giá trị là đâu? Quạt mo dừa, mo cau có gì đâu mà nhiều tiền? Ba bò chín trâu thì trời ơi thành triệu phú rồi. Làm nghề nông mà, ba con bò, chín con trâu là không biết bao nhiêu mà kể. Bờm ngu quá. Và đứng trên chủ kiến, quan niệm hành xử của mình, ta coi Bờm là ngu, và từ đó ta có thể tạo ra biết bao nhiêu những cuốn truyện về thằng Bờm nó ngu và có nhiều câu vặn qua bóp lại để nâng cao tầm nhìn của mình, chưa kể đến một bè gỗ lim, lại viết biết bao nhiêu chuyện Bờm sai, Bờm khờ.

Nắm xôi chẳng có là gì, ba bò chín trâu, một bè gỗ lim kia thì có biết bao nhiêu là xôi ăn cả đời không hết. Nhưng đối với Bờm thì đúng lắm, Bờm chẳng tham ba bò chín trâu, cũng chẳng thèm bè gỗ lim bởi hiện tại bụng đói, cần nắm xôi là đủ rồi. Vậy thì ai đúng ai sai? Nhân duyên của Bờm chỉ cần đánh đổi quạt mo với nắm xôi vì Bờm thật là đói. Những người có kiến thức cao chê Bờm ngu. Ba bò chín trâu mà không lấy. Trên đời ai cũng muốn mình có kiến thức cao, cho nên ai mò mẫm trong những chuyện rất bình thường, sự thực tập bình thường, cuộc sống bình thường, đối xử bình thường, ta coi họ quá tầm thường. Ta thấy được giá trị của ba bò chín trâu, bè gỗ lim, còn Bờm thì kiến thức hạn hẹp nên chỉ thấy được nắm xôi, từ đó mà tranh chấp từ cách làm việc, hành xử. Rồi trong Phật Pháp, tranh chấp trong từng pháp môn, từng cách tu tập, cái gì cũng sai, của người là sai, của ta là đúng, và cứ thế, tinh thần vô ngã đã bị gạt qua một bên, và tinh thần phong kiến, nâng cao cái tôi, phong tỏa tất cả. Sổ đỏ trí tuệ Phật giao cho chúng ta là tinh thần đối xử bình đẳng tánh trí không còn nữa, mà ta lấn chiếm qua miền đất chân tâm của người khác, rào kín, lấn hết, không để cho họ một phân đất trong cái tâm hiện hữu chánh lạc vốn có nơi họ. Ta lấn chiếm hết, gây ra chiến tranh đau khổ.

Các bạn! Hãy nhớ Đức Phật dạy tinh thần vô ngã thì phải quán chiếu sự bình đẳng tánh trí, mọi chúng sanh đều bình đẳng tánh trí. Khi biết chúng sanh đều bình đẳng tánh trí thì các pháp đều bình đẳng bởi các pháp chỉ là phương tiện, chẳng cao chẳng thấp, cho nên đừng chấp pháp, đối pháp không chấp pháp, đối cảnh không chấp cảnh, đối tâm, đối người không chấp, vạn pháp đều là hư không vô thường sanh – diệt, vạn pháp đều vô ngã và giữ được tâm bình đẳng tánh trí thì nhà nhà hạnh phúc, mọi người an vui, tâm tuệ sẽ được sáng và ta sống luôn luôn biết mỉm cười.

Chỉ câu chuyện của Bờm thôi mà phân tích không biết đến bao giờ mới hết, nhưng ai thấu hiểu được tâm trạng của Bờm, Bờm đói, Bờm cần nắm xôi là đủ rồi. Còn các bạn có kiến thức, chúng ta đói khát quyền lực, đói khát tiền, đói khát tình, đói khát sức mạnh ở đời cho nên luôn luôn so sánh, muốn hơn muốn hơn, có 01 đòi 10, có 10 đòi 100, có 100 thổi phồng như bong bóng, căng quá, nó nổ ra, rồi hại đến bản thân. Cái tôi của mình luôn luôn muốn hơn muốn hơn và từ đó coi thường mọi người, chỉ ta là đúng, muôn người luôn sai, trong gia đình sẽ đổ vỡ, trong xã hội sẽ đấu tranh, trong tình bạn sẽ tan nát, trong cuộc đời sẽ khổ đau chỉ vì chỉ biết mình mà thôi.

Nhớ lại lời Phật, quán chiếu tinh thần vô ngã, các bạn nhớ trì mật chú NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Diệu lực của mật chú này là thắp sáng đuốc tuệ để ta nhìn rõ được vạn pháp đều là vô ngã, để từ đó phát huy được tinh thần bình đẳng tánh trí Phật dạy, để ta chứ không phải ai khác, để ta sống hạnh phúc và bình an, và để muôn người kề cạnh ta luôn luôn an vui và hạnh phúc. Cuộc đời chỉ có vậy là đã đủ rồi! Khi con người bình an và hạnh phúc, mọi phương tiện của cuộc đời sẽ theo phước mà tới, theo trí tuệ mà được thành tựu, theo từ bi mà khởi nguồn phát triển. Hãy sống với tinh thần này, đừng mang áp chế tinh thần phong kiến lấn chiếm muôn người để ngồi chễm chệ trên ngai vàng của cái tôi như bong bóng được thổi phồng, nó sẽ bể các bạn ạ! Và cái tôi càng thổi phồng càng nâng cao thì càng che kín tầm nhìn của chúng ta và ta càng trở thành người không biết gì, và từ đó bắt đầu ồn ào, tranh luận, hý luận, đấu đá. Người đã có tinh thần bình đẳng hiểu được vạn pháp đều là vô ngã, vô thường thì trở nên càng khiêm tốn, càng nhẹ nhàng, tâm hồn trong sáng và tướng hảo càng thanh thoát. Hãy sống với tinh thần trong sáng và tướng hảo thanh thoát để từng bước chân trong cuộc sống đi tới đâu chúng ta rạch bỏ tất cả mọi hàng rào ngăn ngại, tâm vô quái ngại, tâm không có chướng ngại, tâm biết hòa mình trong tinh thần bình đẳng tánh trí và chúng ta biết lắng nghe trong sự khiêm tốn. Nơi đâu mà ai biết lắng nghe trong sự khiêm tốn là người đó luôn luôn biết tôn trọng người khác và người đó có cái tôi thật nhỏ, thật bé mà đôi khi chẳng có thì nơi ấy có sự bình an.

Chúc mọi người bình an trong sự biết lắng nghe với sự khiêm tốn để nhà nhà người người luôn hạnh phúc.

Hãy nhớ sổ đỏ đã được khắc khi thật rõ, chẳng cần phải rào, có Phật chứng minh ranh giới giữa ta và người là sự bình đẳng tánh trí, chẳng lớn, chẳng to chẳng nhỏ, chẳng cao chẳng thấp, ranh giới giữa ta và người, ranh giới giữa ta và muôn loài chúng sanh là bình đẳng tánh trí, ranh giới giữa các pháp là bình đẳng pháp. Nhớ được điều đó, quán chiếu vô ngã, tâm luôn an vui.

Hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi.

“Thưa Phật! Chúng con đã biết bình đẳng tánh trí là ranh giới của tâm rỗng lặng, vô ngã, thấu được vô thường, chẳng chấp trược hơn thua, thong dong và tự tại, an nhiên và hạnh phúc. Nguyện Chư Phật luôn gia hộ để tuệ giác được bừng sáng, từ bi được lan tỏa, muôn người sống với tinh thần bình đẳng tánh trí. Đối pháp không chấp pháp, đối cảnh không chấp cảnh, đối người, đối tâm không chấp, sống an nhiên tự tại, lan tỏa yêu thương.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Mô Phật!

Chúng ta hãy đồng nhau hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu hôm nay tới muôn loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Xin Chư Phật chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn