Bảo Minh đánh máy, Bảo Phước biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!
Tới thời chúng ta tu, xin mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Thưa Phật! Trong buổi đồng tu hôm nay, nếu tạo dựng được chút phước báu và công đức nào, chúng con nguyện hồi hướng cho quê hương Việt Nam của chúng con và tất cả các nước Á Đông cũng như trên thế giới đang bị đại dịch có đầy đủ phước báu đón nhận năng lượng tha lực Phật điển từ bi của mười phương Chư Phật và thắp sáng đuốc tuệ nhìn rõ vạn pháp vô thường để hết khổ và nguyện xin Chư Phật gia hộ cho đại dịch mau qua.
Xin Chư Phật từ bi chứng minh.
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ, tay trái tượng trưng cho lòng Từ Bi.
Đức Phật dạy hãy lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát và lấy từ bi nuôi dưỡng trí tuệ. Chúng ta thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở, đón nhận năng lượng từ bi của mười phương Chư Phật nuôi dưỡng trí tuệ của chúng ta để có được một sự nghiệp giải thoát vững chãi từng ngày, từng giây, từng phút. Tha lực Phật điển Mu A Mu Sa và tha lực trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang sẽ lan tỏa tới tất cả mọi người chúng ta trong từng giây phút tu tập Thiền Mật song tu, hãy nghĩ tới tất cả những người yêu thương, các bậc sinh thành, gia đình, cộng đồng, xã hội, quốc gia, thế giới. Chúng ta hãy cùng nhau đón nhận năng lượng từ bi và trí tuệ của Phật và đồng rải năng lượng này tới tất cả, nguyện cho mọi chúng sanh thoát khổ và nguyện cho đại dịch mau qua.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Mô Phật! Các bạn thân mến, hôm nay chúng ta đi thẳng vào chủ đề được gửi về đó là “An Vui Là Giải Thoát”. Hai chữ “giải thoát” trong đạo Phật ai cũng từng nghe qua. Các bạn Phật tử tại gia, chúng ta cũng nghe, hiểu, biết hai chữ “giải thoát”. Có lẽ chúng ta thấy rằng sự giải thoát chỉ có thể xảy ra cho những ai thành tựu được sự giác ngộ cao như Đức Phật giải thoát, như các Bậc Thánh Tăng giải thoát, hoặc Chư vị Bồ Tát là những Đấng đã được giải thoát, còn như Bảo Thành và các bạn, chắc có lẽ hai chữ “giải thoát” không có cửa cho chúng ta đi vào. Càng ngày chữ “giải thoát” càng được tô điểm muôn màu muôn sắc, đậm nét huyền bí, cao siêu và làm cho chúng ta cứ phải xa dần, xa dần và cảm nhận thật khó có thể với tới cái tầm giải thoát đó.
Trong thời gian giãn cách, tình cảm của con người sẽ bị giãn ra từ từ tạo thành một nếp sống mới. Sau này, khi gặp nhau, chẳng còn như thuở xưa tay bắt mặt mừng, hớn hở kề cận mà sẽ có một thói quen mới là giãn cách. Quan niệm về sự sống và những cảm xúc của con người trong tương tác cũng khác dần để rồi có lẽ, sự gần gũi của con người sẽ định nghĩa ở chỗ cần phải có một khoảng cách nhất định, đó là sự gần gũi trong tôn trọng. Giải thoát cũng theo chiều dài lịch sử của con người phát triển, tô điểm thêm, từ đó mà khó có ai nghĩ rằng chúng ta sẽ thật gần với cái tầm giải thoát thật sự. Dần dần có những định nghĩa khác biệt mà chúng ta chẳng còn quan tâm, mà tự nói: “Thôi! Sự việc gì xảy ra thì tùy, hai chữ “giải thoát” diệu vời, cao xa, khó ai có thể với tới, nghĩ làm chi? Có chăng là đợi đến khi chết, may ra giải thoát được khỏi sự sống đau khổ của kiếp người trần trụi này”, thế nên khi có ai đó chết đi, ta cũng chúc cho họ vừa giải thoát. Nếu chết vì bệnh thì giải thoát khỏi cơn bệnh, nếu chết vì đau khổ thì giải thoát khỏi đau khổ, nếu chết trong kiếp người lầm than thì cũng giải thoát khỏi kiếp lầm than đó và hai chữ “giải thoát” như được định nghĩa rằng là khi chết đi, ta được giải thoát. Có lẽ nó có nhiều ý nghĩa, phân tích hoài không hết. Nhưng đúng ra, chỉ đối với hàng Phật tử tại gia của chúng ta, không nói tới những bậc cao học, hàm vị cao, những bậc trưởng thượng có cái nhìn xuyên suốt, tư tưởng bao la, ngôn ngữ diệu vời, giải thích thật rộng mà chúng ta chỉ gói trọn trong những suy nghĩ rất bình thường của Phật tử chúng ta tại gia trong một cảnh giới làm việc liên tục, bận rộn tối ngày cho gia đình, cho vợ chồng, cha mẹ và rồi lo cho con cái trưởng thành. Xoay vần, vần xoay công việc như thế thì sự giải thoát nên hiểu ở chiều hướng như thế nào thật rõ và thật dễ để thấu đáo được chân lý Đức Phật dạy để chúng ta dù thật sự rất bình thường, nhỏ bé, bận rộn trong cuộc đời vẫn có thể giải thoát được ngay trong cuộc đời với kiếp người chỉ là Phật tử bình thường hoặc những con người thật bình thường như Bảo Thành và các bạn?
Đức Phật dạy, mọi loài, mọi vật đều muốn được an lành và hạnh phúc, gọi tắt là an vui. Ai cũng muốn, từ con vật cũng muốn an vui, con người cũng như vậy, cỏ cây cũng muốn an vui. Rồi chính vì sự an vui đó không hiện diện trong cuộc đời nữa là bởi chúng ta lo lắng cho cuộc đời quá nhiều. Lo cơm, lo áo, lo sự việc, lo công danh, lo tiền tài, lo vật chất, lo đến những mối giao lưu tình cảm giữa người với người, vợ chồng, cha mẹ, lo nhiều thứ chi tiết lặt vặt, lo không biết ngày mai ta thức dậy có còn khỏe, có vui hay buồn, lo ngày mai trời mưa hay trời nắng, lo đủ mọi thứ. Cuộc đời của con người ngắn nhưng mà lo thì lại dài hơn cả cuộc đời, lo dữ lắm. Và chính sự lo lắng lặt vặt nhiều quá, nó cứ nối với nhau thành những sợi dây rồi cột chặt mình trong sự lo lắng và sợ hãi.
Giải thoát đối với Bảo Thành trong chủ đề ngày hôm nay và nói với các bạn đồng tu tại gia đơn giản, giải thoát là mỗi người chúng ta nhận thức thật rõ mình đang ở trong cuộc đời này, trong môi trường sống này, đang ở trong quốc độ, thành phố, địa phương nơi ta sinh hoạt, sinh sống, đang ở trong gia đình và mọi sự hoạt động bình thường hàng ngày, ta phải nhìn rõ xem có sự gì ta đã tự ràng buộc để tạo thành lo lắng. Giải thoát đơn giản mang ý nghĩa là cởi trói mọi sự ràng buộc để giải thoát ta khỏi sự ràng buộc đó. Để sự lo lắng, sầu muộn, đau khổ và phiền não không còn, để ta được tự do, ta được vui và được an. Đó là giải thoát. Đừng nghĩ đến sự giải thoát thân mạng này thành Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, đừng nghĩ đến sự giải thoát là đi vào Niết Bàn. Cởi trói khỏi mọi ràng buộc trong cuộc đời, những chuyện li ti, lặt vặt cho tới những chuyện ta gọi là lớn để tạo khổ. Khi cởi trói sự ràng buộc đó, ngủ được an giấc, thức dậy thì an vui, sống trong sự an lành, vậy chính là sự giải thoát. Đừng tô điểm, đừng nhồi nhét cho sự giải thoát quá cao. Bước đầu của sự giải thoát là cởi trói mọi sự ràng buộc gây ra đau khổ mà không thực hành được thì làm sao nói đến sự giải thoát khỏi luân hồi sanh tử? Các bạn cứ sinh ra rồi luân hồi, thì làm sao? Luân hồi sanh tử, cụm từ quá cao.
Giải thoát khỏi ràng buộc là tự cởi trói mình khỏi sự ràng buộc để an vui mà làm không xong thì nói chi đến khi chết đi về cảnh giới Tịnh Độ Tây Phương, A Di Đà Thánh Chúng, Tam Thế hay đi nhập vào Niết Bàn hay hữu dư? Tất cả những điều đó chỉ là ngôn ngữ đặt ra cho những bậc cao học mà thôi. Chúng ta có thể nghiên cứu nếu có thời gian để đi cao về Văn tuệ tức là nghe, đọc, hiểu, liễu nghĩa Kinh là văn để mở trí tuệ, Kinh văn của Phật để mở trí tuệ rồi đi đến tư duy để có Tư tuệ, rồi đi đến sự tu rốt ráo là Tu tuệ. Tam học, điều đó thật tốt, Phật luôn luôn khuyến khích mọi người. Nhưng trở về với Phật, phận con người trong kiếp nhân sinh bận rộn, Phật tử tại gia, chúng ta nhớ hai chữ “giải thoát” đầu tiên là bắt đầu từng bước nhìn rõ ta đang ở trong hoàn cảnh bị ràng buộc, cột trói bởi những thứ gì, phải gỡ nó ra, tức là tự giải thoát mình khỏi sự ràng buộc đó, ta sẽ được an vui và dấu chỉ của sự an vui chính là Niết Bàn tại thế.
Trở về với lời của Đức Phật dạy, các bạn nhìn cho kỹ, chung quy mọi sự ràng buộc của chúng ta không nằm ngoài ba sợi dây thừng được bện bởi những chi tiết nhỏ nhặt, ba sợi dây thừng đó là Tham, sợi dây thừng Tham đầu tiên to. Tham tiền, tham tài, danh vọng, địa vị, tham quyền lực, tham tình, tham ái, tham dục, đủ thứ tham được bện thành một sợi dây thừng dày lắm, dây thừng vô hình các bạn ơi. Rồi sân, sân vì người ta nói những điều mình không ưng, sân vì ta muốn làm giàu mà không thành tựu, sân vì tình cảm của họ đối đãi với ta không như ý muốn, sân vì nhà không cao, cửa không rộng, xe không có, gạo không đầy, tiền không dư, áo không đẹp. Sân dễ lắm! Sân từ trong bếp sân ra ngoài, sân từ bên ngoài vào bên trong. Tham – Sân rồi Si, bởi vì tham rồi sân cho nên đầu óc tối mù, chẳng biết gì, dưới ánh mặt trời mà chẳng thấy đường để đi, quờ quạng, đụng chạm lung tung, gây ra phiền não, rắc rối cho mọi người. Ba sợi dây thừng đó bện vào chi tiết từ sự vụn vặt sáng thức dậy không có ly cà phê như ý của vợ, của chồng hoặc của ai đó đã cáu, đã giận, đã bực, đã bội. Nếu mà nói thì không biết nói tới bao giờ! Chúng ta tựu trung là ba sợi dây thừng Tham – Sân – Si đó vào chữ “tham”, tham dục, tham ái, tham tài, hai chữ có tham nhưng mà là tham dục, tham tài, tham tiền, tham quyền. Chữ “tham” đi đầu tất cả để rồi không được như ý, ta sân, ta si. Từ những sự ràng buộc đó, ta không còn sống thiểu dục tri túc, sống nhẹ nhàng và vốn liếng thời gian cuộc đời trong ngày 24 tiếng cũng như từng giây phút, ta cột chặt vào sự lo lắng đó. Thế sao có được an vui? Và như vậy ta lại kéo mình vào trong sự luân hồi, tức là luân phiên, đáo đi đảo lại chỉ trong những sự vụn vặt như vậy, khổ mãi trong ngày, nói chi là giải thoát, giải phóng khỏi những sự ràng buộc đó. Nếu không ý thức được thì mỗi một ngày, ta không khác gì tự nhả tơ cột chặt lấy mình, tự lấy dây cột chặt. Nếu các bạn bị xiềng xích bởi dây sắt, bởi gông cùm, những thứ đó có thể cắt đứt được, cưa đứt được nhưng nếu các bạn tự cột trói mình bằng những sợi dây vô hình của Tham – Sân – Si thì thật khó gỡ nếu không nhìn rõ.
Trong Thiền Mật song tu, chúng ta quán chiếu các pháp vô thường để thấu rằng những cái gì ta ham muốn, nó vô thường sanh – diệt, chẳng thể bền vững mãi. Cho nên, chỉ có tâm thiểu dục tri túc, biết đủ là dư để phụng dưỡng đời sống theo tinh thần của nhà Phật và để san sẻ yêu thương tới muôn người. Các bạn! Sống như vậy, giữa mọi hoàn cảnh, chẳng phải là tiêu cực lùi lại, chẳng làm gì mà là có ước vọng cao hơn, mượn tất cả những phương tiện do phước báu của chúng ta thành tựu được vừa đủ cho cuộc đời, còn dư san sẻ đến mọi người. Nếu các bạn nhìn kỹ được điều đó thì thật ra, thật là dễ gỡ thôi.
Trong Tam Pháp Ấn quán chiếu Vô Thường, Vô Ngã, cái ta nhìn rõ Vô Thường thì chẳng có gì tích góp, thâu giữ, bám víu mà chúng ta biết tận hưởng từng giây phút của cuộc đời, tăng trưởng phước báu, dư dả phước điền để trao tặng cho tất cả mọi người. Cởi trói được mọi sự đó, ta sẽ vui lắm. Như sự ràng buộc vào cách ăn, cách ở, cách suy nghĩ, tri kiến, kiến thức riêng của ta, ta đã từng áp chế những phương pháp đó, những cách suy nghĩ, làm việc, hành xử như vậy tới muôn người để rồi đóng khuôn, đóng thùng, nhốt họ vào trong đó, nhưng họ có sự tự do, quyền tự do của họ, họ chẳng chịu chui vào cái hòm cổ tri kiến, cách làm việc, suy nghĩ, kiến thức của ta, ta đâm ra bực bội. Những điều nhỏ nhặt như vậy thôi, nếu chúng ta gỡ bỏ, tôn trọng sự sống của muôn người để cho họ có quyền tự do ngôn luận, nói chuyện và làm việc và chúng ta hiểu thấu họ bằng tình thương, hiến dâng thì chẳng có sự ràng buộc giữa ta và người. Và ta và người, ở giữa chỉ có tình thương mà thôi.
Hầu hết, chúng ta không an vui là tự cột chặt vào cách suy nghĩ, cách suy diễn, cách hành xử của mình và luôn luôn muốn mọi người phải như ta. Cho nên ta vui, ta vui với điều người ta làm theo ý ta, ta buồn ta khổ với những điều họ chẳng theo, thế là sợi dây Tham cột chặt và ta sẽ khổ theo năm tháng, bởi trên đời, chẳng một ai phục tùng ý tưởng của ta hết. Bởi mỗi người, họ đã bị lệ thuộc ý tưởng riêng của họ rồi. Cho nên ngoài sự cởi trói sự ràng buộc giữa ta với người, ta còn phải cởi trói sự ràng buộc của ta với chính ta. Cởi trói ba sợi dây Tham – Sân – Si, nhìn cho kỹ từng ngày, sống hạnh thiểu dục tri túc, sống vừa đủ để có dư mà hiến tặng, và dĩ nhiên cách sống đó phải thể nhập vào trong Chánh Niệm hơi thở với tâm từ bi – trí tuệ để thấy rõ mới có thể tự cởi trói, bởi nếu không nhìn thấy từng cái gút mắc ta cột chặt vào thì sao có thể gỡ? Quán chiếu bằng tâm từ bi, bằng trí tuệ, từ bi – trí tuệ quán giúp cho chúng ta thấy thật rõ những gút mắt, những cái gút mà ta đã siết chặt, cột chặt ta lại, ta gỡ ra, ta giải phóng ta khỏi sự ràng buộc của tự thân, ta cởi trói để giải phóng ta khỏi sự ràng buộc của muôn sự nhỏ nhặt, vụn vặt, tiểu tiết, chi li, chấp trược của cuộc đời. Ta sẽ tự tại như con nai nhảy ở trên rừng, nhẹ nhàng giữa đồng cỏ xanh mà không một chút phiền não, đau khổ.
Làm được điều đó, bởi lời của Đức Phật dạy thật rõ ràng trong cuộc sống, đặc biệt trong lúc này, đại dịch lan tràn, nhất định chúng ta sẽ bị nhiều luồng tư tưởng trái chiều cột chặt chúng ta lại, làm cho chúng ta càng đau khổ, dễ cáu, dễ giận và dễ bị những xu hướng nói chuyện của người khác xô đẩy chúng ta vào chiều hướng suy nghĩ của họ để rồi chúng ta rối loạn tâm thần, làm điều không đúng, gây ra phiền não, đau khổ cho ta và cho người. Tuyệt vời trong giai đoạn khó khăn, giãn cách, mỗi người phải ở một chỗ, chúng ta hãy dành thật nhiều thời gian Thiền Mật song tu, quán chiếu trí tuệ và từ bi gọi là trí tuệ – từ bi quán nhìn xuyên suốt bằng trí tuệ trong Chánh Niệm hơi thở, mang tâm từ bi rải xuống cuộc đời và rải tới muôn người để chúng ta có cơ hội thật tĩnh, thật tịnh nhìn rõ mọi khúc mắc từ xưa đến nay ta đã tự cột chặt vào cuộc sống gây cho sự bất hòa giữa tình nghĩa vợ chồng, con cái, cha mẹ, bạn bè, người thân, xã hội, công việc. Ta cởi trói hết!
Nếu đã bị nhốt ở nhà trong thời gian giãn cách thì còn có gì để cột mình nữa đâu? Hãy tự do trong bốn bức tường của căn nhà hay trong nhà bếp, trong chốn ở nhưng được tự tại, nhẹ buông thì ta chẳng khác gì ngồi một chỗ mà có thể bay bổng tới mười phương trời, diện kiến Chư Phật, Thập Phương Chư Bồ Tát, Thánh Hiền ở muôn nơi.
Giải thoát có nghĩa là cởi trói mọi sự ràng buộc, giải thoát có nghĩa là cởi trói khỏi mọi sự ràng buộc để ta bắt đầu giải phóng tự thân khỏi những gút mắc nhỏ nhặt đó trong cuộc đời, chẳng bám chấp, níu kéo, tự tạo khổ cho mình để thành tựu được sự an vui. Và trong từng giây phút các bạn làm được điều như vậy có nghĩa các bạn đã bước vào ngưỡng cửa của Niết Bàn tại thế. Đừng tô điểm, vẽ vời hai chữ “giải thoát” cao siêu, nhiệm mầu mà phải bước qua cửa tử mới có thể đạt được, để rồi chú tâm vào trong cõi sinh tử rằng: “Cố như này, cố như kia để chết được giải thoát về cõi Tịnh Độ”. Tâm chưa tịnh, chẳng tự tha, tự độ, lấy gì cõi Tịnh Độ ta có thể về được khi chết đi? Cho nên cõi Tịnh Độ chính là chỗ ta cởi trói mọi sự ràng buộc bởi tham ái, tham dục trong cuộc đời, ngay hiện tại nơi đây để tự do và giải phóng mình khỏi sự ràng buộc đó để sống an vui, đó chính là giải thoát. Và đó chính là bước vào cõi Tịnh Độ ngay bây giờ, ở đây, tự độ, tự tha, tự giác, giác tha, giác hạnh.
Tuyệt vời ở chỗ đó! Nhìn rõ được như vậy mới thấy được lời Đức Phật dạy có công năng giải thoát ta khỏi đau khổ và giải cứu ta khỏi miền u mê, tăm tối. Giải thoát không cao siêu, diệu vời như Kinh, như sách như người ta diễn giải hằng ngày, hằng tháng không hết, hãy tóm gọn lại trong hai chữ “giải thoát” đối với Phật tử tại gia chúng ta là gì? Là cởi trói khỏi mọi sự ràng buộc lẫn nhau bằng cái tâm chấp thủ của mình. Cái gì cũng chấp, đó là một cái vòng cột chặt, gút nó lại, khó mà an vui. Nay hãy nhìn kỹ, cởi ra, đừng cột chặt giữa ta và người trong gia đình, ta và bạn bè, xã hội hoặc cha mẹ, những người thân nữa. Đừng cột chặt bởi suy nghĩ một chiều của ta, bởi tư tưởng, nhận thức của chính ta, bởi kiến thức của ta bởi muôn người đều khác biệt bởi căn duyên khác nhau, mỗi người đều có quyền tự do phát triển đời sống tâm linh cũng như đời sống vật chất của họ, hãy tôn trọng một cách tuyệt đối, đừng ràng buộc lẫn nhau.
Khoảng trống giữa ta và người là tình yêu, là từ bi, là trí tuệ, giữa người và ta là trí tuệ và từ bi thì chẳng có gì ràng buộc lẫn nhau. Và đó chính là sự giải thoát cho nhau để tận hưởng được sự an vui ngay tại đây, trong cuộc đời này, kiếp sống này. Cho nên thời gian giãn cách của xã hội trong đại dịch cũng là thời gian mà chúng ta hãy nhìn lại tự thân, quán chiếu trong Thiền Mật song tu Chánh Niệm hơi thở từ bi – trí tuệ quán để nhìn rõ tự thân của mình xem mình đã cột mình hoặc là cột người vào những điều gì trong cuộc sống? Ta đã cột chồng, cột vợ, cột cha, cột mẹ, cột bạn bè hay cột chính bản thân của mình làm cho quạu quọ, khó chịu, cáu kỉnh, sân hận thì gỡ nó ra.
Trên đời quán chiếu vô thường, vạn pháp vô thường, không có gì tồn tại mãi thì chẳng có gì phải cột chặt vào. Mỗi ngày tự tạo ra sợi dây của tham dục, tham ái cột chặt vào sẽ khổ. Hãy gỡ ra và đừng để cho cái ta vịn vào đó để phình ra quá lớn, gây ra chướng ngại trong cuộc sống của chính mình.
Hãy gỡ ra để cho cái ta được nhỏ lại, xẹp đi và biến mất để giữa người và ta, khoảng trống giữa hai con người, giữa muôn muôn người là trí tuệ và từ bi thì nhất định các bạn và Bảo Thành sẽ an vui, và đó là ý nghĩa của sự giải thoát.
Thành tựu được điều đó, một phương tiện thiện xảo mà xưa đến giờ truyền lại cho ngày hôm nay mà chúng ta thực hành đó chính là Thiền Mật song tu, Thất Bảo Huyền Môn, trí tuệ – từ bi quán có nghĩa là thiền trí tuệ và thiền từ bi. Thiền trí tuệ và thiền từ bi có công năng diệu dụng siêu phàm nhập Thánh giúp cho các bạn có thể thoát ra khỏi sự ràng buộc của cuộc sống trong tham ái, tham dục, cởi trói bạn khỏi Tham – Sân – Si, nhận diện rõ cuộc đời là vô thường, vô ngã để chẳng chuốc khổ đau và phiền não vào thân, nhưng bước vào Niết Bàn an vui ngay trong cuộc đời, dù ngắn ngủi hoặc ngay trong cơn đại dịch làm cho chúng ta khủng hoảng thì cũng chẳng có gì phải lo lắng bởi ta đã tự cởi trói từ bên trong ra tới bên ngoài, đời sống của ta sẽ hạnh phúc vô cùng và đời sống của muôn người, thế giới xung quanh ta sẽ là một cảnh giới an vui bởi ta đã được giải thoát khỏi mọi sự ràng buộc của cái tôi, của cái bản ngã, bởi thấu rõ được vạn pháp vô thường sanh – diệt và hiểu thấu Tam Pháp Ấn là Vô Thường, Vô Ngã nên cái ngã không có thì chẳng còn sự ràng buộc. Mà muốn không có cái ngã thì hãy cởi trói khỏi mọi sự ràng buộc ngay từ trong cách ăn, cách uống, cách ở, cách nói chuyện, cách mặc, cách làm việc, cách giao tiếp, đừng quá chấp trước vào để rồi tự cột trói mình vào đó tạo khổ.
Tôn trọng sự tự do của muôn người và để cho muôn người được phát triển theo căn duyên, phước báu của họ. Tập nhìn đời bằng đôi mắt từ bi và trí tuệ, ta sẽ đón nhận người vào trong cuộc sống bằng trí tuệ và từ bi, chẳng ngăn ngại bởi những sự ràng buộc cột trói lẫn nhau thì an vui ngay trong đời sống sẽ hiển lộ từng giây từng phút trong cuộc đời. Xá chi mà tạo khổ cho mình, gây khổ cho nhau, hãy cởi trói khỏi mọi sự ràng buộc để tự giải thoát bản thân.
Đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau.
“Thưa Phật! Từ muôn đời, muôn kiếp, chúng con không nhìn rõ bằng trí tuệ và từ bi nên mọi sự nhỏ nhặt như những sự sợi tơ bện thành sợi dây thừng cột trói chặt chúng con và mọi người vào ngưỡng cửa của địa ngục Tham – Sân – Si để tự thiêu, tự đốt, tự hại, tự gây phiền não, đau khổ. Nay đã hiểu thấu, nguyện theo trí tuệ – từ bi của Ngài để cởi trói mọi sự ràng buộc, sống trong an vui và được giải thoát khỏi mọi tham dục, tham ái của cuộc đời.
Xin Chư Phật gia hộ, gia trì cho chúng con.”
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Mời các bạn hồi hướng công đức.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
Chúng con nguyện hồi hướng công đức hôm nay tới tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo và hồi hướng cho quê hương Việt Nam chúng con mau thoát khỏi đại dịch.
Xin Chư Phật chứng minh.