Search

Bài 2087. Than Thở Giảm Tuổi Thọ | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô

Bảo Minh đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Giờ tu đã tới, mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Trong buổi đồng tu hôm nay, chúng con thưa với Phật rằng Việt Nam quê hương của chúng con và các nước Á Đông đang bị đại dịch quét ngang qua, làm cho con người và đời sống trở nên khó khăn, tràn đầy bóng tối, đau khổ và sợ hãi. Chúng con thành tâm nguyện xin Chư Phật mang năng lượng tình thương, ánh sáng của trí tuệ ban rải xuống để muôn người thấy rõ cuộc sống là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã để Chánh Niệm từ bi tu tập, mở rộng lòng yêu thương, thành tựu sự trải nghiệm Niết Bàn an vui ngay trong thời gian đại dịch này.

Xin Chư Phật chứng minh và gia hộ.

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn trái tượng trưng cho Từ Bi. Dẫu cho ở bất cứ một hoàn cảnh nào, không gian nào, quốc độ nào, chúng ta vẫn luôn luôn ghi nhớ lời Đức Phật và thực hành miên mật đó là lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát khỏi luân hồi sanh tử và lấy từ bi để nuôi dưỡng, thắp sáng trí tuệ của mình. Trong Thiền Mật song tu, Thất Bảo Huyền Môn, chúng ta đang thực hành pháp thiện, quán chiếu trí tuệ và từ bi, thiền trí tuệ và từ bi là pháp thiền của Mẹ hiền Quan Thế Âm giúp cho chúng ta tăng trưởng đời sống hạnh phúc hiện tại trong kiếp này. Chúng ta hãy nương vào hơi thở, ngồi xuống nhẹ nhàng nơi chốn ở của mình, buông thư toàn thân tâm, hướng tới ba ngôi Tam Bảo: Phật – Pháp – Tăng, một lòng thành kính và khiêm tốn đón nhận năng lượng tình thương của Chư Phật ban rải xuống và thắp sáng đuốc tuệ nội tâm, quán chiếu cho rõ để thấy trong từng giây phút của hiện tại, thấu được vô thường sanh – diệt, chuyển hóa được khổ đau, phiền não và phá tan đi bản ngã riêng tư của mình, thành tựu được sự an lạc của tự thân.
Chúng ta hãy nghĩ tới tất cả những người yêu thương của mình đang hoảng loạn, sợ hãi bởi đại dịch. Thể nhập vào Chánh Niệm, hồi hướng tình thương tới muôn người bằng công hạnh Thiền Mật và bằng những sự hoạt động thực tế, từ thiện xã hội để chia sẻ cùng với nhau.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến! Với chủ đề hôm nay đó là: “Than Thở Giảm Tuổi Thọ”, có lẽ hình như các bạn chưa bao giờ chú ý đến là mỗi người chúng ta đã tự làm tổn tuổi thọ của mình, có nghĩa là làm cho đời sống của mình ngắn dần trở lại. Bởi mỗi ngày, biết bao nhiêu lần Bảo Thành và các bạn đã than thở quá nhiều. Đúng! Than thở sẽ làm giảm tuổi thọ của chúng ta. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học về y tế trên toàn cầu, người ta đã đưa ra chỉ số và kết luận rằng những người chết ủ hoặc những người chết mà chưa tới tuổi thọ trung bình thường là những người có cuộc sống ảm đạm, tiêu cực, đắm mình trong sự than thở. Dù cuộc sống của họ ngắn, mạng thọ không dài, nhưng trong suốt chuỗi thời gian ngắn ngủi ấy, những người đó thường hay than thở và cuộc sống của họ u ám. Thậm chí, họ còn làm ô nhiễm môi trường sống của tinh thần, thể chất nơi cộng đồng, xã hội và gia đình của họ. Làm cho muôn người xung quanh khó chịu, bực mình và dễ tạo ra những hành động sai trái, tổn phước thọ. Thậm chí, có thể tạo ra một môi trường xô xát để rồi đưa đến những hành động gây thêm nhiều đau khổ cho nhau. Còn những ai không than thở, chỉ số khoa học nói thật rõ, thường vui tươi, sống một cách tích cực, suy nghĩ cao thượng thì những người đó thật nhẹ nhàng, không than thở, sống ở môi trường trước nghịch cảnh và thử thách, họ luôn suy nghĩ một cách tích cực, cao thượng, tìm thấy những con đường giải quyết vấn đề bởi họ là những người rộng lòng yêu thương, có tâm bao dung rộng lớn, mỉm cười trước mọi sự việc xảy ra và biến cố trong đời. Và họ sống thọ. Đây là điều đúng, người ta đã tìm ra điều đó qua bao nhiêu năm trời nghiên cứu.

Ta không đi sâu vào chiều hướng của khoa học bởi lời của Phật còn thâm sâu hơn những nhà khoa học mới khám phá ra. Từ ngàn xưa, khi giác ngộ, Ngài đã nhìn rõ sự than thở của mỗi người chúng ta như khói đen u ám trong tâm, phủ lên từng tế bào, làm cho tuổi thọ của chúng ta giảm dần. Bởi khi than thở, ta tạo nghiệp mà không ngờ rằng ta tạo nghiệp, để phước báu cạn dần, thọ mạng cũng dần dần bị khô cạn. Than thở giảm tuổi thọ.

Bảo Thành kể cho các bạn nghe một câu chuyện ngắn về một mẫu người than thở. Có một người đệ tử đi tới một vị Thiền sư học đạo, và rồi người đệ tử đó thật ngắn gọn nói với Thiền sư rằng: “Thưa Thiền sư, Phật ở đâu?”

Thiền sư quán chiếu nhân duyên của người đệ tử này và một câu hỏi ngắn gọn từ đệ tử, Ngài trả lời gọn gàng, ngắn hơn, chỉ tay về hướng Đông và nói rằng: “Phật ở hướng Đông, anh cứ đi về hướng đó sẽ gặp được Phật”.

Anh chàng liền quỳ xuống cảm ơn Thiền sư và cất bước lên đường đi theo hướng Đông để gặp Phật.

Một ngày trôi qua, mặt trời mọc rồi mặt trời lặn, rồi lại một ngày mặt trời mọc rồi mặt trời lặn, rồi lại một ngày bình minh tới, hoàng hôn tới, xoay vần như thế. Anh chàng này chưa gặp Phật, trong lòng bắt đầu mông lung suy nghĩ: “Không biết vị Thiền sư kia có chỉ đúng đường không mà ta đã đi về hướng Đông rồi mà chưa gặp Phật”. Anh ta bắt đầu lại tiếp tục đi nhưng trong lòng ngao ngán nghĩ rằng vị Thiền sư kia chắc chưa chứng đắc, lại tiếp tục đi, Phật cũng chưa được gặp, lại biết bao nhiêu luồng tư tưởng lại xuất hiện trong đầu và nghĩ rằng: “Không biết vị Thiền sư kia là thật hay giả, ta gặp đúng người hay không?”. Lại tiếp tục đi và cũng chưa gặp, rồi lại nghĩ: “Không biết vị Thiền sư đó chỉ đúng hay chỉ sai, hay ta thực sự đã lạc đường đi tìm Phật rồi.”

Anh ta kiểm tra lại thì thấy rõ ràng Thiền sư nói đi về hướng Đông và anh ta cũng đi về hướng của mặt trời, hướng Đông đấy mà không gặp. Cuối cùng, anh ta tự than trách với bản thân trên suốt dặm trường đi tìm Phật về hướng Đông: “Ta thật vô phước gặp được một vị Thiền sư không đúng pháp, chẳng thọ pháp, chẳng đắc pháp, chỉ cho ta đi về hướng Đông để gặp Phật mà đi hoài không gặp, có lẽ ta đã gặp sai người và đi lạc đường rồi, lạc quá xa, lạc quá xa”.

Anh ta cứ than thở như vậy riết, riết, riết thì bất chợt mặt trời mọc lên, dưới ánh hừng dương, anh ta gặp được một vị Phật đang hiện ra trước mắt, anh ta ngỡ ngàng chạy tới. Chẳng đảnh lễ, chẳng quỳ lạy và chẳng hoan hỷ rằng ta đã gặp được Phật đúng như lời chỉ của vị Thiền sư mà chạy tới níu kéo cà sa của Đức Phật và nói rằng: “Thưa Phật! Con thật vô phước gặp được một vị Thiền sư hỏi pháp để đi tìm Phật nhưng vị Thiền sư đó chắc có lẽ không phải là Thiền sư, chỉ sai đường hay chưa chứng đắc, đắc pháp để rồi chỉ cho con đường để đi tìm Phật mà con đi hoài lạc mãi, lạc mãi trong cuộc đời”.

Đức Phật mới nói rằng: “Này anh kia, chuyện gì đã xảy ra, nói cho ta nghe?”.

Anh ta lại than thở: “Thưa Phật! Con vô phước gặp một vị Thiền sư chưa chứng pháp, chưa đắc pháp, chỉ sai đường, lặn ngụp bao nhiêu ngày tháng, con mới có thể gặp được Ngài.”

Phật nói: “Như vậy là sao?”, anh ta lại nói: “Thưa Phật! Vị Thiền sư con gặp và thọ giáo chẳng phải là Thiền sư, chưa đắc pháp, chưa chứng ngộ, chỉ sai con đường nên con đi quá cực khổ, cho tới bây giờ mới gặp Phật”.

Sau ba lần Đức Phật mới nói với anh ta rằng: “Anh thật là vô phước trong cuộc đời, gặp một vị Thiền sư chưa chứng pháp, chưa đắc pháp chỉ cho anh một con đường thật sai để anh đi lạc mãi mới gặp ta. Đi về phương Đông gặp được ta. Còn nếu như anh mà có phước, gặp được một bậc Thầy đúng, chỉ cho anh con đường đúng, đi hoài, chắc có lẽ chẳng bao giờ gặp được ta. Nhưng anh quá vô phước, gặp một người Thầy sai, chỉ lạc đường mà gặp được ta. Anh lạc đường trong cuộc đời gặp được Phật ở phương Đông.”

Câu chuyện chỉ tới đó nhưng ám chỉ rằng người có tánh than thở trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi thành tựu, khi gặp những cơ hội, khi chứng đắc, khi tới thì cái đầu tiên của người đó, dấu hiệu đầu tiên của người đó là than thở. Cho nên gặp Phật rồi mà còn than thở là lạc đường, là sai để rồi Phật nói: “Anh thật vô phước gặp được một vị Thầy chỉ sai đường để anh lạc đường gặp được ta.”

Có lẽ trong cuộc sống, Bảo Thành và các bạn đã nhiều lần đi để tìm gặp bản thân của mình. Phương Đông chẳng phải là hướng để đi tới gặp Phật, mà phương Đông theo ý nghĩa của loài người là phương hướng mặt trời mọc, là hướng của trí tuệ và từ bi. Chẳng phải cứ lần mò về phương Đông mà gặp, ám chỉ của vị Thiền sư là đi về hướng có trí tuệ khai mở lòng từ bi, nhất định sẽ diện kiến được Đức Phật. Nhưng ở cuộc đời mấy ai thấu nghĩa điều đó. Nghe được phương Đông, liền xoay lưng chạy tới để rồi than thở suốt cuộc đời.

Đó là một mẫu chuyện thật nhẹ tùy theo suy nghĩ của mỗi người để chúng ta tìm ra một cách tư duy, hiểu thấu để thực hành Phật pháp. Nhưng hôm nay, miên man vào trong cuộc đời để thấy những dấu hiệu của sự than thở nơi mỗi người chúng ta thường tạo cho gia đình khó chịu, người yêu thương, cha mẹ, vợ chồng, thân bằng quyến thuộc lục đục và đời sống của chúng ta ảm đạm, đen tối, tiêu cực. Và lâu dần sự than thở đó sẽ đè nặng lên tâm thức của chúng ta, tạo ra sự trầm cảm, khuôn mặt u ám, thân xác tiều tụy và mỗi sớm mai thức dậy, miệng chưa mở ra là đã than đã thở.

Người hay than thở mất đi sự tôn trọng đối với cha mẹ, người thân bởi vì luôn luôn mang sự sầu muộn, nỗi niềm của bản thân, những điều ta gặp mà không vượt qua được. Tại sao mất đi sự tôn trọng? Bởi vì khi ta than thở với tất cả mọi người là ta thiếu đi ý thức, ta đã đối xử với những người đó một cách thậm tệ bởi ta coi họ như cái sọt rác để đổ rác than thở, ưu phiền của ta vào tâm não của họ.

Các bạn! Khi than thở, bạn đã đối xử với người yêu thương, người quen của ta như sọt rác để đổ rác vào đầu của họ. Đây là cách ứng xử không phù hợp. Ta đối xử với người như vậy là ta tạo ra nghiệp, tổn phước báu, đồng thời khi than thở, ta hay khống chuyện lên cho dữ dằn, ta phạm giới thứ tư: nói dối. Rồi phạm luôn sự thị phi, lâu dần ta trở thành kẻ ích kỉ, ta trở thành người độc tôn tư tưởng, độc quyền và sở hữu cách suy nghĩ, than thở để ràng buộc người khác phải suy nghĩ, hành xử và làm việc theo như điều ta mong muốn và khép kín tầm nhìn của ta như con ốc chui vào vỏ, chẳng một lần vươn ra để nhìn thấy bầu trời cao rộng. Chỉ nhìn thấy một màu đen tối, u ám trong tâm thức cho nên chẳng thể thông cảm bởi hiểu thấu được cuộc sống xung quanh mà chỉ vùi đầu trong đống than đen, thở hoài khí độc, ô nhiễm môi trường, mất đi sự tôn trọng người khác, đối xử với muôn người như sọt rác. Để từ đó lộng hành trong ý tưởng của riêng mình, cột chặt tròng cổ, hơi thở ngắn dần, tiều tụy thân tâm, tuổi thọ bị thuyên giảm, sức khỏe cũng chẳng còn. Than thở nguy hại vô cùng! Nếu người vợ cứ than thở nhiều làm cho người chồng khó chịu, và ngược lại, chồng cũng thế.

Trong cuộc sống, trong môi trường xử thế ở đời, người than thở thường đánh mất Chánh Niệm, thường đánh mất đi cơ hội để tiếp xúc muôn người và khám phá ra thế giới kỳ diệu xung quanh, người đó không có cơ hội tăng trưởng phước báu mà luôn luôn tự làm giảm phước báu của mình và thọ mạng nhất định sẽ ngắn dần, dấu hiệu thường là bệnh trầm cảm, bệnh tật nhiều, khuôn mặt u ám, lời nói nặng nề, hay oán trách, tặc lưỡi, hay chê bai, trách móc, hay than và hay thị phi, đâm thọc, hay gièm pha, hay khống chuyện, hay vu khống, hay hàm oan và thường có thói quen coi thường người khác, nâng cao chủ kiến của mình như con ốc chẳng một lần thò ra khỏi vỏ để nhìn thấy thế giới này còn có muôn điều đặc biệt.

Người hay than thở chẳng khác gì con ốc, lâu lâu mới ngoi đầu ra một lần, nhưng lại nhả ra khói ô nhiễm. Nếu chúng ta sống cùng với người hay than thở, mặt trời bị sập, trái đất bị nổ tung, không khí môi trường ô nhiễm, lúc nào cũng u ám, khó chịu. Cho nên, than thở là những điều tuyệt đốt không nên dấn thân vào để nhảy xuống, chìm mình vào trong đó. Không tốt, không tốt!

Chúng ta sống là người học Phật, là Phật tử, Đức Phật dạy không những đưa chúng ta giải thoát khỏi luân hồi sanh tử về tới Niết Bàn mà còn giúp cho chúng ta hiểu được ý nghĩa sống làm người để giải thoát cuộc sống này từ đau khổ, phiền não, tận hưởng sự an vui và hạnh phúc ngay bây giờ. Và Ngài còn dạy cho chúng ta cởi trói cuộc sống mình khỏi những tư tưởng tiêu cực, không tốt để sống hạnh phúc. Chính vì điều đó, trong Tam Pháp Ấn, Ngài dạy chúng ta quán chiếu Vô Thường và Vô Ngã. Các bạn nhớ, người than thở thường độc tôn tư tưởng của họ, khép kín trong khung cửi của những tư tưởng vụn vặt, nhỏ bé rồi cứ xoay đi xoay lại dệt thành những tấm vải mơ mơ màng màng trong ảo giác, rồi tự cột lên trên đầu, che kín đôi mắt, bịt luôn lỗ tai, chẳng thấy gì, lại nhét vào trong miệng, thở không ra. Cứ như thế, họ nhai đi nhai lại những điều không đúng và họ thêu dệt những câu chuyện, những sự việc hoàn toàn theo chiều hướng hoang tưởng bởi họ thiếu tầm nhìn xa, họ cạn kiệt kiến thức và sự tư duy của họ chỉ nằm trong vùng đen tối như vỏ ốc mà thôi.

Chúng ta học Phật nhớ rằng, đời sống của con người hiện tại này chẳng phải là điều quan tâm đến ngày sau chết về cõi Tịnh Độ, chết về cõi Phật. Chẳng ai có thể về cõi Tịnh Độ được các bạn, chẳng ai có thể về cõi Phật được các bạn ơi, chẳng ai có thể thành Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền được nếu ngay trong cuộc sống làm người này, họ không sống bình an và hạnh phúc, họ không sống để Chánh Niệm, tư duy cởi trói mình khỏi sự đau khổ của cuộc đời, khỏi những tư tưởng không đúng để có được Chánh Kiến thì làm sao nghĩ đến chuyện cứ mài dùi Kinh sách của nhà Phật về cõi Tịnh Độ, Tây Phương, Niết Bàn để thành Phật, thành Thánh? Dù các pháp môn có vi diệu tới đâu, thọ nhận được mà chưa tự cởi trói cho mình thì như một anh chàng bị giặc đuổi, phải đi ra khỏi nhà, trốn qua bờ bên kia, anh ta phải lội qua sông, nhưng mấy mươi năm trời thương tiếc cho của cải của gia đình đã tạo dựng được bởi công lao khó nhọc nên anh ta có đến ba cái bịch thật lớn đựng toàn của cải, tròng lên trên vai rồi nhảy xuống dòng sông, lội qua bên kia, phía sau là giặc đang đuổi theo.

Anh ta bơi một hồi thì anh ta đuối sức, sắp sửa bị chìm xuống dòng sông thì lại kêu: “Phật ơi! Cứu con”.

Phật hiện ra và nói: “Con ơi! Ta tới đây để cứu theo lời cầu của con. Thôi, con hãy gỡ bỏ ba cái bịch kia xuống đi cho nhẹ nhàng rồi ta dìu bước lên trên bờ bên kia. Những tên giặc đằng sau chẳng thể đuổi kịp được đâu”.

Anh ta nói: “Thưa Phật! Con chỉ cầu Phật cứu con thôi, chứ còn ba cái bịch này công lao khó nhọc cả cuộc đời con tần tảo làm ăn, đây là tiền, đây là vật chất, đây là vàng bạc, châu báu của con, làm sao có thể bỏ được. Con chỉ cầu Ngài cứu con qua bờ bên kia, xin hãy cứu con.”

Phật nói: “Hãy buông ba cái bịch đó đi, ta sẽ dìu ngươi lên trên bờ.”

Lần thứ ba, giặc chạy tới, ba cái bịch quá nặng và anh ta dần dần sợ hãi, chìm xuống dòng sông.

Cuộc đời của chúng ta bị những tên giặc của Ngũ dục, của tiền tài, danh vọng, địa vị, của sự ăn uống và ngủ nghỉ, đó là năm tên giặc của Ngũ Dục. Rồi chạy qua bờ bên kia để thoát nạn thì lại cột vào đầu thêm ba tên, ba tên tướng cướp hung ác nữa là Tham – Sân – Si. Miệng thì lẩm bẩm cầu Phật mà chẳng bỏ Tham – Sân – Si, chạy làm sao thoát khỏi Ngũ dục để tới bờ bên kia?

Các bạn! Cuộc đời của chúng ta, giặc tới là than thở, Phật nói bỏ đi, buông đi lại than thở công lao khó nhọc. Cuộc đời của chúng ta đã khoác lên mình ba thứ Tham – Sân – Si đè nặng đôi vai, để từ đó khi nhìn con người, chỉ phán xét theo ý tưởng của mình rồi than thở, trách móc. Người hay than thở là người thiếu Chánh Tư Duy, họ không nhìn thấy đường để tự giải cứu bản thân, chỉ có tâm Tham – Sân – Si cầu Phật độ cho họ tới bờ mà ba túi Tham – Sân – Si kia, ba tên giặc nguy hiểm kia, ba tên tướng cướp nguy hiểm kia, họ không chịu buông. Hằng ngày than thở, đâm thọc, chê bai, bảo buông họ không buông, đụng tới là họ than họ thở, họ thị phi, họ truyền nhiễm những tư tưởng thật tiêu cực trong cuộc đời, làm ô nhiễm tâm thức và họ đối xử với những người xung quanh như sọt rác để quẳng rác để nhẹ lòng họ mà không nhẹ bởi vì họ đã làm cho môi trường sống của họ bị ô nhiễm quá độ. Tâm ô nhiễm trong ba đường Tham – Sân – Si, người ấy thường hay than thở và người than thở, tâm càng ô nhiễm thì chẳng có cơ hội có sự tư duy theo Chánh pháp để làm phước thiện, tăng thêm thọ mạng của mình. Người than thở thường lầm vào sự chê bai, đâm thọc, nói khống, vu khống, hàm oan, giới thứ tư là giới nói dối, nói thị phi, người đó tổn phước, phạm giới, nhất định tuổi thọ chẳng có dài.

Do đó, trong Thiền Mật song tu của chúng ta, Đức Phật dạy cho chúng ta thiền trí tuệ và từ bi trong Chánh Niệm hơi thở để khởi nguồn cho năng lượng tích cực lan tỏa trong cuộc sống. Dù trong bất cứ một hoàn cảnh nào, ta cũng luôn luôn Chánh Niệm từ bi và trí tuệ. Thiền từ bi và thiền trí tuệ giúp cho chúng ta chuyển hóa mọi oan khí, mọi cấu nhiễm của tâm thức còn ở, ngủ ngầm trong tâm để chúng ta giải phóng cuộc đời của mình, thừa hưởng năng lượng tình thương của Phật, sống có trách nhiệm với bản thân và đối xử với mọi người bằng lòng nhân ái, bao dung. Chẳng phải coi họ như sọt rác để độc tôn tư tưởng như con ốc vùi mình trong cái vỏ, chẳng một lần ngoi đầu ra thấy ánh mặt trời và tận hưởng những điều kỳ diệu xung quanh của cuộc sống mà chỉ khư khư ôm lấy sự hiện diện của mình và mớ kiến thức vụn vặt của cuộc đời như rác rưởi lượm được, đưa trên đầu làm ô nhiễm bản thân, than thở suốt cả cuộc đời và đưa ra sự độc đoán, tư tưởng hay cấm đoán người khác rồi than phiền, than trách, kêu trời, kêu đất. Những người như vậy thường không sống thọ, tinh thần u ám bởi mỗi một lần than thở là tích lũy thêm những năng lượng tiêu cực vào trong từng tế bào, làm giảm tuổi thọ, thường hay bệnh tật, bệnh từ tâm đến thân, người đó thường đi vào con đường cuồng ngạo, coi thường muôn người, cho nên gặp ai cũng than cũng thở, than thở giảm tuổi thọ.

Các bạn! Chúng ta phải gội rửa ngay cái tánh này bằng cách Chánh Niệm hơi thở, thiền từ bi và thiền trí tuệ. Thiền quán từ bi và trí tuệ là một pháp, một pháp cao siêu nhiệm mầu, pháp phương tiện của Đại Sĩ Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Thế Âm, Mẹ hiền luôn tầm thinh cứu khổ muôn loài chúng sanh trong muôn cõi, hóa thân của Ngài rộng đến mức có thể tiếp cận đến mọi loài mọi vật một cách phù hợp để chúng ta có thể đón nhận Ngài đi vào cuộc đời để thay đổi cuộc sống, để hạnh phúc và bình an.

Trong thế giới nhỏ bé ngày nay tại Việt Nam quê hương của chúng ta, đại dịch đang lan tràn, nhất định sự hoảng sợ đã bao trùm trong tâm thức của mọi người và nhất định chúng ta sẽ được nghe những lời than thở, than thở trên mạng, trên Facebook, từ trên phone, tin nhắn, nơi cộng đồng, bạn bè và mọi người. Hoàn cảnh đại dịch lan tràn như vậy mà sự than thở của nhau còn kéo dài như tiếng còi của xe lửa vang lên hoài mà không dứt thì nhất định làm cho mọi người cảm thấy sầu muộn, bi ai, đen tối và đi vào ngõ cụt của sự suy nghĩ, sự tư duy chẳng còn, tâm hướng thượng chẳng có để dần dần làm cho càng lo âu, lo âu bệnh hoạn càng nhiều, tinh thần sợ hãi, trầm cảm sẽ tới với chúng ta. Do đó, trong hoàn cảnh này là hoàn cảnh đặc biệt mà mỗi người chúng ta áp dụng lời của Đức Phật dạy, Chánh Niệm hơi thở, Chánh Niệm trong đời sống, chúng ta thiền quán trí tuệ và từ bi để nhìn thấy hướng đi trong từng giây, từng phút ngay trong đại dịch, ngay trong nghịch cảnh, ngay trong vùng đen tối nhất để chúng ta bước ra khỏi cái vỏ ốc của sự than thở bao trùm, hưởng tận ánh bình minh như người đệ tử đi về hướng Đông thay vì phải đi về hướng có trí tuệ bừng sáng để thấy Phật, chẳng than thở, nhưng rất phước báu gặp được Phật nhưng chẳng suy nghĩ, tư duy cho rõ về trí tuệ. Cũng gặp được Phật đó, nhưng gặp được Phật rồi than, rồi trách chứ chẳng gặp Phật để thọ pháp của Phật hướng dẫn để thành tựu sự an lạc, gặp Phật mà còn than thở.

Trên đời, biết bao nhiêu người như chúng ta đã gặp được pháp môn cao siêu nhiệm mầu, đã gặp được các bậc Thầy, các bậc Đạo sư khai thị đạo pháp để đi về hướng Đông, tức là hướng có trí tuệ để gặp Phật, nhưng rồi trên con đường đi về hướng Đông, chẳng suy nghĩ hướng Đông là mặt trời tượng trưng cho trí tuệ và từ bi thì lại chỉ đi tìm hướng Đông theo phương hướng định vị của loài người để rồi cứ than cứ thở. Và nếu như có tiếp cận được sự trải nghiệm hạnh phúc và an vui thì cũng lại than thở cho người khác, và sự than thở đó lại bao trùm lên những giây phút hạnh phúc, an vui, nhỏ bé và dần dần tiêu diệt niềm vui hạnh phúc đó đi. Chúng ta phải tránh sự than thở, hướng Đông là hướng trí tuệ, thiền quán trí tuệ và từ bi là Thiền Mật song tu, cao siêu và nhiệm mầu, hiểu được thâm nghĩa đó, mỗi người chúng ta ứng dụng trong Chánh Niệm hơi thở từng ngày, nhất định trong cơn đại dịch, trong cơn nguy khó không chừng hiện tại, chúng ta sẽ thấy đúng hướng để thoát ra bằng an trú trong Chánh Niệm tự tại, tạo cho mình một môi trường sống tích cực, lan tỏa hương Giới – Định – Huệ để cho muôn người có cơ hội khởi nguồn yêu thương. Sống để sự trải nghiệm về niềm vui và hạnh phúc hiện tại trong cơn nguy khó này. Tránh sự than thở bởi những ai than thở là những người luôn luôn muốn đầu độc người khác theo tư tưởng của cái não ngắn cụt của riêng mình, của tư tưởng tù túng trong kiến thức hạn hẹp mà thôi. Còn người có Chánh Tư Duy, có tầm nhìn xa hiểu rộng theo đúng Bát Chánh Đạo của Chư Phật để có Chánh Kiến, Chánh Hành Động, Chánh Ngữ, chẳng bao giờ than thở, luôn luôn ứng dụng phương tiện diệu dụng vào mọi hoàn cảnh, hướng ý để cho mọi người thoát ra khỏi cơn nguy biến trong cuộc đời.

Đại dịch lan tràn, mọi người đừng than thở nữa, hãy thể nhập vào Chánh niệm hơi thở, thiền quán trí tuệ và từ bi để chúng ta tăng trưởng năng lượng tích cực, lan tỏa tới mọi người bằng tình yêu thương và sự thông cảm đối với nỗi đau khổ của muôn người đang đương đầu. Thấu hiểu được niềm đau, nỗi khổ của muôn người, thấu hiểu được sự tuyệt vọng là đồng cảm, là thông cảm, là từ bi, là một pháp quán tuyệt vời trong pháp hành biết san sẻ cụ thể bằng những lời nói tích cực, bằng những hành động cụ thể, pháp thiện hiến dâng chứ chẳng phải là sự than thở đâu các bạn.

Cho nên, trong đại dịch này, các bạn tránh than thở và trong cuộc sống của kiếp người, những ai còn đang than thở mỗi ngày bởi những chuyện vụn vặt nhỏ bé, hãy suy nghĩ kỹ để có sức mạnh từ bỏ sự than thở, làm giảm tuổi thọ của mình bằng cách sống tích cực hơn trong Chánh Niệm từ bi – trí tuệ quán, làm cho vùng tối của cuộc đời bừng sáng bởi trí tuệ, làm cho sự khô cạn phước báu của mình tràn đầy năng lượng yêu thương để chúng ta có thọ mạng dài lâu với sự trải nghiệm hạnh phúc, bình an trong từng giây phút Chánh Niệm hiện tại của cuộc đời.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, lấy Trí Tuệ và Từ Bi quán chiếu.

“Thưa Phật! Bởi chúng con thiếu Chánh Tư Duy nên thường sống tiêu cực, than thở trong mọi hoàn cảnh, nay hiểu thấu, Chánh Tư Duy có hướng nhìn xa, có tầm nhìn rộng để cởi trói mọi ràng buộc của cuộc đời, để thoát ly mọi tham dục, tham ái để gặp Phật biết Pháp, để biết Pháp hành Pháp, hành Pháp để giải thoát. Xin Chư Phật gia hộ cho chúng con. Đặc biệt gia hộ cho quê hương Việt Nam chúng con, mọi người chấm dứt sự than thở, sống tích cực, yêu thương, lan tỏa, san sẻ, yêu thương và từ bi, trí tuệ và bao dung.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Trong sự đồng tu hôm nay, nếu có được phước báu nào, chúng con nguyện hồi hướng cho quê hương Việt Nam của chúng con và tất cả các nước Á Đông đang bị đại dịch có đầy đủ phước báu để vượt qua sự nguy biến này.

Xin Chư Phật chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn