Search

Bài 2083. Rừng Đang Thay Lá | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Minh đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Giờ tu đã tới, mời các bạn cùng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi và gia trì cho chúng con đủ trí tuệ để quán chiếu thấy được các pháp Vô Thường sanh – diệt trong từng sát na, Khổ, Vô Ngã và Niết Bàn.

Chúng con cũng nguyện cầu ba ngôi Tam Bảo ban tràn đầy hồng phúc tới quê hương Việt Nam của chúng con và các nước Á Đông cùng trên thế giới đang phải đương đầu với đại dịch. Nguyện cho muôn người trên thế giới này, đặc biệt là Việt Nam có đầy đủ phước báu chuyển hóa cộng bất thiện nghiệp để đại dịch mau qua và sự bình an tới với muôn người.

Chúng con thành kính xin Chư Phật chứng minh.

Mời các bạn đặt bàn tay phải, bàn tay tượng trưng cho Trí Tuệ và lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Mỗi một ngày đồng tu, mỗi một giây phút đang sống, ta luôn nhắc nhở bản thân lời Đức Phật dạy là lấy trí tuệ làm sự nghiệp và lấy từ bi nuôi dưỡng trí tuệ của mình. Từ bi và trí tuệ là hai nguồn năng lượng vi diệu giúp chúng ta chuyển hóa tất cả mọi khổ đau của cuộc đời để có sự trải nghiệm và thành tựu được hạnh phúc, bình an.

Hãy cùng trở về với Chánh Niệm hơi thở, đồng trì mật ngôn Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, hãy tiếp nhận năng lượng từ bi của Phật và thắp sáng đuốc tuệ để tự lực đứng dậy quán chiếu thấy thật rõ các pháp sanh – diệt vô thường xảy ra trong từng giây phút của hiện tại.

Chúng ta cùng hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở rất từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật!

Các bạn thân mến! Lại một ngày nữa vừa đi qua, và trong ngày hôm nay, ngay tại bây giờ, có một số các bạn đang ngồi nuối tiếc cho một ngày đã trôi qua, cố đưa tay với lấy thời gian như muốn giữ lại nhưng chẳng được. Nhưng lại có bạn đang ngồi đưa cả hai bàn tay xua đuổi thời gian, và ngày hôm nay phải đi cho thật nhanh. Có người muốn níu kéo, lại có người muốn đẩy đi xa bởi tâm trạng, cảm xúc của mỗi một ngày nơi chúng ta khác biệt.

Ngày vui thì muốn níu kéo lại mãi mãi, ngày buồn thì muốn đẩy cho thật nhanh. Ai có thể chiều được những cảm xúc của chúng ta để giữ thời gian hay đẩy thời gian đi thật nhanh? Nếu có ông trời thì chắc ông trời cũng phải mệt bởi vì tâm trạng thay đổi quá nhanh và dòng thời gian đi thì cứ đi mãi chẳng trở về, sự nuối tiếc của con người luôn có, nhưng chẳng bao giờ trong sự nuối tiếc đó, ta ngồi lại, tĩnh tâm quán chiếu để tự nhắc nhở bản thân rằng sao cứ phải nuối tiếc mà không sống tỉnh thức hưởng trọn ân phước của từng giây phút trôi qua để khi nó qua rồi không còn nuối tiếc, hoặc khi đang xảy ra chẳng vội vàng đẩy lui. Bởi trong từng khoảnh khắc của cuộc đời, mỗi một các bạn và Bảo Thành sống thanh tịnh. Dù áng mây đen có phủ ngang bầu trời thì ít nhất cũng nhận ra mây đen có lợi ích đặc biệt, bởi áng mây đen đó sẽ đổ mưa, mang lại sự sống cho thế gian. Còn như áng mây hồng trôi qua làm cho bầu trời đẹp hơn thì cũng nhận ra giá trị của tinh thần sảng khoái bởi bầu trời quang đãng. Mây đen hay mây hồng đều có lợi ích nếu ta thanh tịnh nhận được giá trị của từng áng mây khác màu. Khung thời gian trôi qua, cảm xúc của con người cũng khác màu thực sự, từ màu cảm xúc của niềm vui đến màu cảm xúc của giận hờn, đau khổ. Nhìn cho thấu thì vui và buồn đều có giá trị đích thực trong cuộc sống của mỗi người chúng ta.

Chủ đề: “Rừng Đang Thay Lá”, có lẽ nếu các bạn sống trong xứ sở chỉ có hai mùa mưa và nắng thì không có cơ hội nhìn thấy lá trên cây thay đổi từ xanh ngả vàng, rụng xuống rồi trơ trọi trên bầu trời, cây chẳng có lá, để khi xuân vừa về lại đâm chồi nảy lộc, mọi người đều nhìn thấy một sự sống vươn lên mà chỉ sống trong bốn mùa mới thấy được điều đó. Nơi nào có bốn mùa thì nơi đó có sự trải nghiệm được của thời gian trôi qua, nơi nào có hai mùa cũng có sự trải nghiệm thời gian trôi qua nhưng cảm nhận khác biệt lắm. Ta chẳng nói đến lá trên rừng thay đổi trong chủ đề ngày hôm nay khi các bạn gửi về một chủ đề nên thơ, thật đẹp: “Rừng Đang Thay Lá”.

Các bạn! Thuở xưa, khi ông A Nan là thị giả của Phật, nói đúng hơn là trợ lý của Phật, lúc nào cũng đi sát bên Đức Phật để chăm sóc, để lo lắng, dàn xếp những cuộc lễ hội hay giảng dạy, tiếp cận với mọi người. Ông A Nan là trợ lý của Phật, chăm sóc cho Phật nhiều năm. Thời gian cứ trôi qua và ông ta nhớ làu làu tất cả những lời Đức Phật dạy, không thiếu một chữ. Ông A Nan có trí nhớ siêu phàm, từng lời Đức Phật nói ra, ông ta đều ghi nhớ trong lòng, ông là đệ nhất trí nhớ thời đó, không ai có thể so sánh bằng, và sau này khi Đức Phật tịch diệt, ông ta chính là người mang lại lợi ích là kể và trì tụng, truyền tụng lại lời của Phật để ghi chép thành Kinh. Lúc đó, Phật có lẽ đã ngoài 60, ở khoảng giữa 60, 70, 70 mấy tuổi, vào một hôm, ông A Nan ngồi bên Đức Phật sau một cuộc hành trình dài, Đức Phật bị đau chân, thị giả liền bóp chân cho Đức Phật. Lúc này, ông ta nhìn kỹ bàn chân của Đức Phật, bắp chân của Đức Phật, đôi chân của Đức Phật đã nhăn nheo, đã già, đã yếu, đã đau, đã nhức. Ông ta liền nói với Phật rằng: “Thưa Phật! Con còn nhớ thời xưa Đức Phật trẻ, đôi chân của Đức Phật như những vó ngựa tung hoành khắp nơi, chẳng bao giờ mệt, chẳng bao giờ đau. Thế mà thời gian trôi qua quá nhanh, nay nhìn kỹ lại, đôi chân của Ngài đã nhăn nheo, đã nhức, đã mỏi, và mỗi một cuộc hành trình, con lại phải bóp chân để giúp cho Ngài đỡ đau”. Ta dừng lại ngay câu nói đó để thấy rằng rừng đang thay lá, tức là dòng thời gian đang thay đổi thật nhiều đối với một con người hiện hữu trên trái đất này.

Đức Phật không khác gì chúng ta. Năm tháng trôi qua, tuổi đời mòn dần theo thời gian, sức khỏe cũng chẳng còn như thuở trẻ và mỗi người đều nhận rõ tuổi già đã đang tới từng ngày trong cuộc sống của chúng ta. Già là một trong Tứ Thánh Đế Đức Phật dạy về Khổ, trong Khổ có Sanh – Lão, sinh ra rồi già, già là một trong những chứng khổ mà ai ai cũng sợ. Mỗi một sớm mai chúng ta thức dậy, nhìn vào gương để rửa mặt, trang điểm, bất chợt nhìn thấy một dấu nhỏ trên vầng trán hoặc một nếp nhăn trên khóe mắt, hoặc một sợi tóc điểm bạc, ta rùng mình sợ hãi và nói thầm: “Có phải chăng ta đã già, tóc trên đầu đã thay màu, lá trên rừng đã đổi thay?”. Ai trên đời mà không sợ già, không hẳn chỉ có phụ nữ, đàn ông cũng vậy. Sợ lắm, sợ đến mức mà ai ai cũng kiêng cử, không dám nói đến cái già. Và rồi chúng ta cứ từ từ phủ nhận sự già không hiện diện trong cuộc đời, lúc nào cũng nghĩ rằng mình còn trẻ, còn khỏe, còn tươi, còn mãi mãi sống trên đời để rồi cứ làm những chuyện như của một thời còn rất xuân, còn rất trẻ. Chúng ta dần dần chẳng dám nhìn thấy những điểm nhắc nhở cho chúng ta về thời gian đã trôi qua, tuổi già đang tới. Mỗi khi soi gương, nhìn vào mặt, chúng ta che lấp, chúng ta sợ và không dám trực diện. Nhưng chẳng phải không trực diện và sợ thì sự già không tới với chúng ta. Những ai là người có tâm lý không muốn già nên cứ che giấu mãi, cho tới lúc chúng ta đang tự lừa gạt bản thân của mình. Để bất chợt một lúc nào đó, tưởng như một trai trẻ khỏe mạnh, nâng một vật hơi nặng, xương sống đau mới ngỡ ra rằng tuổi già đã tới quá nhanh, lưng kia không còn trẻ, khiêng gì nó cũng đau. Và thật nhiều lúc ta muốn vươn lên, chạy như một trẻ thơ nhưng chỉ vài bước, thở hổn hển, nhận ra rằng tuổi đời đã trôi qua, trên đầu tóc đã điểm sương, làn da nhăn nhó, xuân thời đã tiêu tan.

Các bạn! Không phải đang nhiên mà Đức Phật nói về cái già bởi vì Ngài là bậc giác ngộ, Ngài thấu rõ cái già sẽ làm cho con người khổ. Không phải là già nhìn nó mất đi những cái đẹp của tuổi trẻ, nhưng khi già, không những nét thanh xuân của thuở xưa không còn lưu dấu mà sự xuống cấp trầm trọng của xương cốt, của sức khỏe, của tư tưởng, kiến thức, của suy nghĩ và lỗ tai cũng như thế. Lỗ tai dần nghe không rõ, mắt dần mờ đi, tóc dần bạc trắng, xương cốt rụng rời, hơi thì ngắn ngủn. Và rồi việc gì làm cũng quên trước quên sau, mọi sự chậm lại, chúng ta sẽ rất buồn khi cái già tới với chính mình. Đức Phật giác ngộ nhìn thấu được cái già mang đến bao nhiêu sự khổ đau cho con người, Ngài quán chiếu để hiểu xem tại sao, và cuối cùng, Ngài trả lời với ông A Nan khi ông A Nan hỏi rằng: “Ngày xưa, Ngài trẻ, Ngài khỏe, bây giờ già, đau yếu, đi đâu cũng mệt mỏi, con phải bóp cho Ngài”. Ngài mới nói với ông A Nan rằng: “Ngày xưa, ta trẻ ta khỏe, ta biết. Ngày nay, ta già ta yếu, ta đau, ta cũng biết. Tánh biết khi còn trẻ và tánh biết khi già chẳng lệ thuộc vào thời gian để tánh biết già đi hay trẻ ra. Tánh biết vẫn bền vững, không già không trẻ, bất tăng bất giảm. Tánh biết của tuổi trẻ, tánh biết của tuổi già vẫn là tánh biết”. Đó là toàn bộ ý nghĩa thâm diệu trong Kinh Lăng Nghiêm mà Đức Phật dạy cho ông A Nan. Và qua đó truyền dạy cho chúng ta tánh biết, thiền tánh biết.

Mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là thiền tánh biết qua Tâm Kinh Bát Nhã và Lăng Nghiêm để thể nhập vào trong trí tuệ, nhìn thấu được dòng thời gian trôi qua, có già, có trẻ của thân xác sẽ khổ. Nếu hiển lộ được tánh biết thì già hay trẻ, tánh biết cũng chẳng thay đổi bởi những dòng tâm cảm của buồn – vui, sướng – khổ lẫn lộn.

Các bạn! “Rừng Đang Thay Lá” là ý nghĩa nói đến cuộc đời của chúng ta, trải qua từng trạng thái của xuân, hạ, thu, đông, bốn mùa thay đổi. Hiểu thấu được sự thay đổi là nhìn rõ được vô thường, quán chiếu được sự vô thường sanh – diệt tới lui là thấu rõ được nguyên nhân của cái già và thầm nhắc nhở mình chẳng để lệ thuộc cái già, cái trẻ để tạo ra những cảm xúc vui – buồn, sướng – khổ bởi ta luôn tịch tĩnh trong tánh biết, cái biết của Chánh Niệm, cái biết của trí tuệ, biết của mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, biết bất sanh – diệt, bất cấu tịnh, bất tăng giảm. Tánh biết đó thấy được ngũ uẩn là không, thấy được thân tứ đại này là giả hợp, thấy muôn điều mà ta có thể thấy, có thể sờ, cảm giác và nhìn đều là giả hợp, tới lui, sanh – diệt. Từ đó mà tánh biết hiển lộ, trí tuệ bừng tỉnh để chúng ta sống an nhiên.

Tại sao cũng trong một ngày, các bạn thấy có những sự việc ta níu kéo hoài, mà cũng trong một ngày, có những sự việc ta xua đuổi thời gian đi cho thật nhanh bởi không thích như là đuổi quỷ, đuổi tà, trừ ma, trừ ác. Thật lạ phải không các bạn? Nói đến ngày hôm nay, quán chiếu sự già là thấy dòng thời gian thay đổi trong vô thường để cho mỗi người chúng ta chiêm nghiệm và thấy rằng, tuổi già thật sự không phải là một mấu chốt gây ra đau khổ cho chúng ta, mà đau khổ ở chỗ chính là ta không có tánh biết hiện diện trong từng giây phút của cuộc sống. Ta chỉ níu kéo quá khứ hoặc mơ tưởng đến những điều của huyễn giả, tánh biết lu mờ, từ đó mà dòng thời gian trôi qua như con thoi chẳng bao giờ trở về. Để mỗi khi phát hiện ra, dòng thời gian đã có dấu chân chim khắc ghi trên khuôn mặt, dòng thời gian ẩn hiện trong đôi mắt, ta mới bỡ ngỡ, bâng khuâng, thấy muôn điều mơ ước ta chưa thành tựu. Đừng để mình rơi vào trạng thái lơ lơ lửng lửng như những nhà thơ bị tửng mà chúng ta phải sống, sống một cuộc sống hiện hữu trong từng giây phút Chánh Niệm, nhìn rõ lời Đức Phật dạy trong Tứ Thánh Đế, già là sự khổ nếu chúng ta không thực tập sự quán chiếu sâu sắc.

Dĩ nhiên, trong cuộc nói chuyện này, có các bạn còn rất trẻ đang nghe hoặc sẽ nghe, nhưng không phải các bạn trẻ là sự già chưa tới với các bạn. Thời gian trôi qua mỗi giây mỗi khắc, cái già cận kề như tên trộm không mời, nó đào tường, đào vách, tự đi vào chễm chệ, ngồi trong nhà của chúng ta. Khi phát hiện ra thì nó đã lấy mất đi tất cả tuổi thanh xuân và bao nhiêu mơ ước của cuộc đời. Để rồi ta chỉ nhìn tên trộm của tuổi già mà thầm nói chuyện với nó trong sự hối tiếc: “Tại sao ngươi lại tới lấy đi tuổi thanh xuân của ta mà chẳng để lại một chút gì hoan hỷ, hạnh phúc cho cuộc đời?”. Tên trộm lúc đó chỉ cười khà khà và nói rằng: “Ta chẳng phải là trộm, ta là hiện thân của sự thực, nhưng vì ngươi chẳng bao giờ dám nhìn ta, cho nên nghĩ rằng ta là kẻ trộm. Ta là hiện thân của sự thực, là của Thánh Đế thứ nhất Phật dạy: Khổ, trong cái Khổ đó, Phật nói thật rõ về sự già.

Hãy trực diện với tuổi già là một hiện thực xảy ra trong từng giây phút để chúng ta quán chiếu như lời Đức Phật dạy trong Tam Pháp Ấn, nghĩa là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Nếu các bạn không quán chiếu sự vô thường trong cuộc đời và trong vô thường đó sẽ tạo khổ bởi vì ta luôn nghĩ nó tồn tại mãi, sinh ra một tuổi thì một tuổi suốt đời, trẻ trung thì trẻ trung muôn kiếp. Cứ nghĩ nó thường hằng như vậy, không thay đổi, từ đó mà khi nó thay đổi, ta khổ. Vậy thì già là một trong những điểm mà ta không bao giờ muốn diện kiến, muốn nó xảy ra bởi ta nghĩ rằng khi sinh ra, tuổi trẻ là luôn luôn tồn tại mãi mãi, sức khỏe luôn luôn có, tuổi trẻ có sức khỏe, có sức bật để vươn lên đỉnh cao của cuộc sống. Nhưng không! Nó qua đi và rồi ta nuối tiếc, đau khổ.

Những lời của Đức Phật dạy là chân lý cao cả và để thể nhập được điều đó, ta phải thực hành thì mới thấy rằng nó mang lại lợi ích cho chúng ta. Đừng sợ thời gian trôi qua và đừng sợ cái già lui tới. Và tất cả mọi hiện tượng của tinh thần, kiến thức cũng như cơ thể vật lý của chúng ta sẽ già đi, yếu đi, chậm đi và mất dần những tánh năng linh hoạt của tuổi trẻ, đó là sự hiển nhiên sẽ phải xảy ra. Nhưng Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu sự vô thường để nhìn thấu cái già trong cuộc đời thì bạn sẽ không khổ, Bảo Thành sẽ không khổ. Mỗi một lần nhìn trong gương, soi trong gương thấy trên tóc điểm bạc thì chúng ta lại nhận ra một vì sao, một tinh tú mới được tạo thành, đang soi sáng cho tâm nhìn rõ tận hư không kia muôn điều kỳ diệu. Còn nếu không, một sợi tóc ngả màu vàng, màu bạc là bao nhiêu phiền ưu, lo lắng để rồi sự lo lắng đó kéo theo những vết nhăn trên đuôi mắt, trên vầng trán, trên khuôn mặt. Sầu thì phải đi theo với bi, sầu bi mà kéo dài thì những cái lằn, những dấu nó đua nhau, nó tranh chấp nhau, nó thị hiện, bạn sẽ rất mau già.

Chánh Niệm hơi thở không phải là chống già, chống lão hóa của thân, của tâm hoặc của những hiện tượng vật lý, mà quán chiếu trong vô thường thấu rõ được cái già sẽ giúp cho tánh biết của chúng ta hiển lộ thật rõ và nhận ra rằng tánh biết không bị lão hóa theo thời gian. Tánh biết rất quan trọng, bởi bạn biết từ đầu, bạn biết khúc giữa và bạn biết đoạn cuối của cuộc đời, tánh biết liên tục như vậy và luân chuyển theo dòng thời gian của Sanh – Lão – Bệnh – Tử, tánh biết đó sẽ đi cùng với bạn để tái sanh. Cho nên, nếu tánh biết được sáng, được rõ thì sự tái sanh của bạn qua từng dòng thời gian của kiếp luân hồi là một sự tiến hóa đi lên để thành tựu ngôi vương Phật.

Các bạn ơi! “Rừng Đang Thay Lá”, thời gian đang trôi qua, vạn vật đang đổi thay, ta phải nhận thấy thật rõ tuổi đời sẽ cao lên và thân xác sẽ dần dần chẳng còn như tuổi thanh xuân, đâu còn như một con nai tơ nhảy vờn quanh trên khu rừng nữa, mà nó sẽ trở thành con nai già, nhẹ nhàng trên lá vàng thu xào xạc, xào xạc nỗi bâng khuâng của tuổi đời. Không! Tất cả mỗi một ngày trôi qua, mỗi một giây phút trôi qua, dù như lá vàng có rơi xuống, ta đạp lên cũng chẳng xào xạc, bâng khuâng bởi ta nhận rõ tánh biết trong Chánh Niệm hiển lộ và ta nhìn rõ được muôn pháp, vạn pháp, muôn sự ở đời vô thường sanh – diệt, có sanh có tử, có già có chết, có bệnh. Cho nên, chúng ta quán chiếu vô thường thì các bạn sẽ không bị ràng buộc trong dòng thời gian của già nua, mà cái già tới với các bạn là niềm vĩnh phúc bởi bạn nhận thấy chân lý của Đức Phật dạy thật rõ Sanh – Lão, tức là sinh ra phải có già. Nhưng cái già đó chẳng làm cho tánh biết già, bởi bạn luôn luôn, luôn luôn thực tập Chánh Niệm hơi thở NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, dùng trí tuệ để quán chiếu, tánh biết đó không bị thời gian kéo lôi đi làm cho già nua, tánh biết đó luôn trong suốt như thể tánh của kim cương. Để từ đó có thể tiếp được ánh sáng của mặt trời mà phản ánh trở lại sự trong suốt đó, làm cho ánh sáng của tánh kim cương, tánh biết của chúng ta hữu dụng hơn để rồi mỗi người tràn đầy phúc lạc trong cuộc sống.

Đặc biệt trong giai đoạn, giai đoạn mà chúng ta muốn xua đuổi thời gian trôi qua thật nhanh như đuổi ma, đuổi tà, đuổi quỷ ở Việt Nam hiện tại. Vì sao? Vì chúng ta, người Việt Nam đang phải đương đầu với đại dịch hoành hành. Mỗi một ngày biết bao nhiêu con người lại bị lây nhiễm vi trùng Covid tràn lan khắp nơi. Chưa bao giờ trong thời kỳ kỷ nguyên mới, nói thật rõ là trong thế chiến thứ nhất, thế chiến thứ hai và trong những cuộc nội chiến của Việt Nam xảy ra cả một ngàn năm, cả một trăm năm, cả một thời gian dài, dù là cảnh khổ cỡ nào, chúng ta chưa bao giờ thấy lòng người lại mở rộng như ngày hôm nay khi đại dịch tới.

Các bạn thấy rõ được điều đó, dù thế giới có đổi thay, dù rừng có đang thay lá thì tình yêu thương, bao dung rộng lớn của người Việt Nam vẫn không bao giờ mất. Đại dịch đã quét và đang bùng nổ ở Việt Nam cũng chính là lúc mà trong gian truân mới thấy được tình thương vĩ đại của lòng người Việt Nam chúng ta. Tất cả các tôn giáo đã cùng với nhau, tất cả mọi người đã bắt tay nhau, đã tự cung tự cấp, dâng hiến của cải, vật chất, có những cửa hàng 0 đồng, có những nơi sẵn sàng phát đồ ăn, lương thực cho mọi người cần tới. Một việc làm vĩ đại của sự quan tâm tới tất cả mọi người chẳng có một sự phân biệt Nam, Trung, Bắc hoặc các tôn giáo khác biệt. Phải chăng trong lúc này ta muốn xua đuổi thời gian trôi qua thật nhanh để đại dịch hết, nhưng ta có nghĩ rằng, chính trong đại dịch này, chúng ta mới thấy được trong hoạn nạn mới thấy được tình thương cao cả, mới thấy được mầu nhiệm vốn có trong trái tim của người Việt, đó là sự quan tâm, sự yêu thương thực sự vốn có, không bao giờ khô cạn và mất đi. Ta thấy khắp nơi, từ những khu phố nhỏ, từ những phường, từ những gia đình, từ những người Phật tử hay không phải Phật tử, mỗi một người theo tôn giáo của họ, có niềm tin riêng, nhưng mỗi một người hiện tại đều có khả năng làm được những việc tuy rất nhỏ nhưng thể hiện tình thương. Mang và gom những điều gì có được để trao lại cho những người cần tới.

Một sức bùng nổ của đại dịch cũng là một sự khai mở tình thương bao trùm để cho mọi thế hệ hiện tại trong Việt Nam thấy được giá trị cao cả của đời sống, chẳng phải là những giây phút huy hoàng của thành công về vật chất mà là những giây phút nồng ấm của tình thương nơi mọi người biết quan tâm, yêu thương đến nhau. Chúng ta không nói đến chính phủ, chuyện đó là chuyện của chính phủ, nhưng chúng ta nói đến mọi người dân, mọi tổ chức, mọi nhóm trong sinh hoạt của cuộc sống đã biết nghĩ đến nhau và thấy sự vô thường sanh – diệt vui – buồn, sướng – khổ, có đó rồi mất đó hiện hữu thật sự để thấy được chân giá trị của lòng từ bi, của tình thương bao bọc. Màu xanh chuyển thành màu vàng rụng xuống, từng cuộc đời nằm xuống để chúng ta thấy rằng đó là vô thường sanh – diệt. Lòng bao dung, sự quan tâm, lòng bố thí biết dâng hiến trọn vẹn cho nhau chẳng bao giờ rụng rơi khỏi trái tim và khỏi tấm lòng người Việt chúng ta. Người Việt chúng ta trong hiện tại thật tuyệt vời! Xóm trên, xóm dưới, mọi nơi, mọi chỗ đều mở rộng cánh cửa để hỗ trợ cho nhau, để đồng diều nhau vượt qua giai đoạn thử thách kinh khủng nhất trong suốt chiều dài lịch sử của Việt Nam chúng ta, đại dịch.

Các bạn thân mến! Trong tất cả những điều tưởng rằng nó mù tịt đen tối như áng mây đen cũng có sự lợi lạc nếu nhìn rõ từng giọt mưa rơi xuống. Trong vùng tối đen của đại dịch, ta thấy rõ được từng giọt nước tình thương của mỗi người, mỗi nơi lưu truyền mang lại sự sống để khai mở sức mạnh vốn có trong trái tim, và chính vì như vậy mà đại dịch nhất định sẽ qua mau. Mùa xuân khi tới, đâm chồi nảy lộc, khi dịch đi qua, lòng người sẽ thơi thới nhẹ nhàng, và lúc đó, chúng ta đã thấy được giá trị của tình yêu, của sự bố thí, của lòng bao dung, của sự quan tâm đối với nhau. Khi gian truân, khi khó khăn, khi nguy hiểm mới thấu được lòng người, và lúc này, chúng ta đã thấu được lòng người Việt Nam. Việt Nam của chúng ta có tấm lòng cao cả! Bởi vì người ở trên, hình như trong chính phủ chưa sắp xếp thì người ở dưới, Phật tử, dân chúng đã biết lo nghĩ, chăm sóc cho nhau rồi. Bởi chính phủ có khi nào lo sâu sắc đâu, có chăng là làm sau khi người dân đã đứng dậy làm việc đó mà thôi.

Cảm ơn tất cả và thành tâm tri ân tất cả những tấm lòng của người Việt trong lúc khó khăn này đã nhìn thấy sự thay đổi của dòng thời gian, hiểu thấu được cảnh vô thường, để rồi từ đó với tánh biết yêu thương người như thể thương chính mình bằng những nghĩa cử, hành động thật cao đẹp, mang gạo, mang đồ ăn, mang rau quả tập trung và kêu gọi, mời gọi, giới thiệu và thúc đẩy hành động đó phát triển mỗi ngày một lớn hơn ngay trong giai đoạn mà toàn bộ bị ngăn chặn, nghiêm cấm nhưng chẳng ai có thể nghiêm cấm được lòng từ bi, tình yêu thương và giúp đỡ muôn người. Đó là một nghĩa cử cao đẹp nhất của người Việt trong giai đoạn này mà lần đầu tiên trong lịch sử của kỷ nguyên mở rộng, những bạn trẻ và những chư vị lớn tuổi có cơ hội nhìn thấy trong sự thầm lặng của dòng giống Việt vẫn còn trái tim từ bi, lòng bao dung và tình thương cao cả. Dù phải trải qua biết bao nhiêu thăng trầm biến đổi của cuộc đời nơi đất nước, của chiến tranh, của những ý thức hệ, của những cuộc chiến nhưng trong lòng của người Việt khi gặp khó khăn vẫn có tình thương để tự lo và chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau. Đây chính là ý tưởng cao đẹp mà chân lý đó luôn luôn có. Bởi ngày nay, các bạn trẻ cũng như các chư vị lớn tuổi đã thấu rõ được sự vô thường tới lui, còn có – mất không để từ đó chẳng ngồi đó mà than van, chẳng ngồi tại chỗ mà sợ hãi, chúng ta không mở toang cửa ngục tù của sự sợ hãi do đại dịch nhốt chúng ta vào mà để một cú điện thoại hoặc một sự vận động trên mạng mang lại một nguồn suối từ ân khơi mở dần, khởi nguồn dậy để trợ lực, giúp đỡ cho biết bao nhiêu con người đang đau khổ ngoài kia.

Các bạn thân mến! Chúng ta hãy nhớ rằng Đức Phật dạy già là khổ, nhưng không phải ta ngồi đó mà than. Mỗi một giây phút trong cuộc đời đều có giá trị thật cao, hãy Chánh Niệm hơi thở và ứng dụng trong từng giây từng phút của cuộc sống vào những việc thiện lành và những việc có ý nghĩa để chúng ta không nuối tiếc dù thanh xuân đã trôi qua. Và để cho thân này dù có già, khi thân già này chính là kho chứa được thật nhiều của cải của phước thiện lành thay mà ta đã làm được, tích lũy bằng công đức và phước báu. Đừng sợ hãi sự già bởi tánh biết của lòng bao dung, tánh biết của tình thương, của tâm từ bi không bao giờ già theo năm tháng.

Hãy mở rộng vòng tay, sống hiện hữu ngay trong từng giây phút, với ra thật xa để nâng đỡ những người lầm than, đau khổ. Hãy mở rộng trái tim để có sức chứa muôn người vào trong đó, dùng tánh biết và sự Chánh Niệm trí tuệ và từ bi để sưởi ấm muôn người đang lạnh lẽo trong sự hoảng sợ của đại dịch. Hãy cùng nhau vượt qua, bởi vì một ngày mai chẳng phải là hy vọng, mà thực sự, ngày mai trời lại sáng, sau cơn mưa trời sẽ sáng. Cuộc đời vô thường, trở về an trú trong tâm từ bi và trí tuệ, nhất định đại dịch sẽ qua mau.

Người Việt thật cao cả bởi có cả một tấm lòng bao dung vô lượng, biết thương yêu, biết chăm sóc và đùm bọc nhau, đặc biệt trong lúc đại dịch này!

Chúng con nguyện xin Chư Phật gia hộ để chúng con tinh tấn Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu vô thường, không sợ sự già, chẳng sợ sự chết, mở rộng lòng yêu thương, chăm sóc cho tự thân trong Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu thật rõ các pháp vô thường để mở cửa ngục tù, bước ra để giúp đỡ những ai con có nhân duyên tiếp cận, gần gũi.

Hãy đặt bàn tay phải và bàn tay trái vào với nhau.

“Thưa Phật! Trong Tứ Thánh Đế, già sẽ mang lại sự đau khổ cho muôn người, quán vô thường trong Tam Pháp Ấn, thấu rõ được điều đó, Chánh Niệm trong hơi thở từng giây phút để thể nhập vào tánh biết, để thẩm nhập vào thể tánh chân như. Tuổi già là một bông hoa đang nở giữa cuộc đời, một tòa sen để con an ngự nơi đó. Xin Chư Phật gia hộ để chúng con tăng trưởng tánh biết qua thiền quán trí tuệ và từ bi.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Mô Phật! Chúng ta hãy cùng nhau hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu hôm nay tới tất cả những đất nước đang có đại dịch.

Nguyện xin Chư Phật gia hộ để đại dịch mau qua, thế giới trở nên bình an, người dân sống hoan hỷ và hạnh phúc. Con xin Chư Phật chứng min

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn