Search

Bài 2082. Bất Chợt Ra Đi | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Minh bút ký, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Tới giờ đồng tu, mời các bạn chúng ta cùng hướng tâm của mình về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con thành kính nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải đại hùng đại lực năng lượng tình thương xuống với người dân Việt Nam của chúng con và các nước Á Đông đang bị dại dịch để tất cả mọi người đều buông bỏ việc ác, quay về với tâm thiện, thể nhập trong Chánh Niệm hơi thở, tu tâm dưỡng tánh trong những ngày này, tăng trưởng phước đức, chuyển hóa cộng nghiệp bất thiện để đại dịch mau tiêu tan, muôn người trở lại với đời sống bình an. Xin Chư Phật chứng minh.

Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Chúng ta luôn ghi nhớ rằng, lời Đức Phật dạy lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi để nuôi dưỡng trí tuệ. Thiền quán chiếu trí tuệ và từ bi, pháp môn phương tiện vi diệu của Đại Sĩ Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn linh diệu và hiển linh giúp cho chúng ta tìm trở về con đường chân chánh để luôn an vui và hạnh phúc. Chúng ta hãy hướng tâm của mình tới Phật và nghĩ tới tất cả những người trong gia đình, đấng bậc sinh thành, vợ chồng, con cái, thân bằng quyến thuộc, cộng đồng và xã hội, thành tâm nguyện cho muôn người sống tỉnh giác, tích phước, tu tâm, chuyển hóa tâm thiện biến thành hành động cụ thể để luôn bình an trong từng giây, từng phút.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật!

Các bạn thân mến! Với chủ đề hôm nay: “Bất Chợt Ra Đi”, có lẽ trong chúng ta, bản thân đã có một sự trải nghiệm đương đầu với sự bất chợt ra đi của người thân trong gia đình. Như có người khi thức dậy thì người chồng có thể đã ôm hết quần áo, gia tài đi mất, chẳng nói một lời, người vợ sống đời cứ phải nhớ, nhớ thương người chồng, tìm hoài mà không biết rằng nguyên nhân gì chồng lại cuốn gói ra đi. Đó là một sự bất chợt ra đi để cho người ở lại bỡ ngỡ, bàng hoàng, tìm hiểu nhưng không thấy, không ra được nguyên nhân để cả cuộc đời cứ đau khổ. Lại cũng có người khi thức giấc, tìm một ly cà phê uống mà không thấy bởi thường ngày vợ hay pha. Vì sao? Vì đêm đó vợ cũng cuốn gói ra đi, âm thầm trong lặng lẽ. Sự bất chợt ra đi của vợ hoặc của chồng không những để lại cho chồng, vợ, người còn lại, con cái phải suốt cuộc đời không biết phải làm sao, chẳng thể hiểu được.

Đời có những sự trái ngược, nhiều nguyên nhân đưa đến sự bất chợt ra đi để chia tay nhau mãi mãi. Rồi chúng ta lại có người làm con, thấy cha mẹ, có thể là cha, là mẹ cũng bất chợt bỏ nhà ra đi. Đi đâu, nguyên nhân gì không ai hiểu, nhưng rồi phận làm con cứ chờ mong. Cha mẹ cứ bỏ đi có thể vì nhiều lý do của cuộc sống không hạnh phúc, hoặc là có điều gì đó, nó gây cấn, âm ỉ từng ngày cho tới lúc người ta, giữa màn đêm, phải cuốn gói ra đi. Trong tình bạn, cũng có người bạn ngoảnh mặt làm ngơ, âm thầm không nói một lời, đi biền biệt chẳng thấy về. Rồi trong tình thầy trò, cũng có người học trò cũng âm thầm xoay lưng, bỏ mặc tất cả, ra đi mãi mãi. Trong tình đồng môn cũng như thế, pháp lữ đồng hành, tình của con người. Có! Chúng ta có những người bất chợt ra đi. Tất cả sự bất chợt ra đi đó, đúng ra, đều nằm trong sự tính toán của người đã quyết định ra đi một cách âm thầm vì muôn vạn những lý do khác biệt trong đời sống, chẳng ai hiểu được, bởi những người tự ra đi, bản thân của họ cũng chẳng hiểu được nội tâm rối rắm của họ như thế nào. Nhưng chắc chắn, họ đã có một dự định, dự định kéo dài hàng tháng, hàng năm tính toán cho cuộc ra đi không trở lại. Cũng có những dự định bất chợt kéo đến trong một giây, một phút bàng hoàng tâm thần, nhìn không rõ, cuốn gói vội vàng ra đi. Cũng có người tử tế một chút xíu, chuẩn bị sẵn sàng rồi, đi rồi mới nhắn tin hoặc gọi về, hoặc để lại lá thư cho người ở lại đọc. Tất cả những cuộc bất chợt ra đi đó, một bên có sự tính toán, tùy theo hoàn cảnh, còn một bên thì bỡ ngỡ vô cùng bởi người ra đi trong sự bất chợt đó để lại sự bàng hoàng, đau đớn. Đó là nói trong tất cả những mối tình của cha mẹ, vợ chồng, bạn bè, tình pháp lữ, đồng môn, tình của thầy trò. Ngoại trừ những ai có cái tâm định được, thì sự bất chợt ra đi của ai đó, dù là sự tính toán thiện hay ác, hợp hay không hợp cũng chẳng để lại một dấu vết đau lòng, một nỗi niềm rối rắm trong tâm người ở lại, bởi người đó biết được, tới và đi đều do nhân duyên.

Nhưng sự bất chợt ra đi như hoàn cảnh ta vừa nói không phải là chủ đề chúng ta nói tới ngày hôm nay, bởi sự ra đi đó có tính toán, có mưu toan, có dự định, có suy nghĩ, có kế hoạch và đồng hành cùng với cảm xúc của người muốn ra đi. Ta không nói tới sự bất chợt ra đi như vậy, ta nói đến sự bất chợt ra đi đúng như tinh thần của Đức Phật dạy về quán vô thường, tức là sanh – diệt. Cái chết thật kinh hoàng và đáng sợ cho muôn người nhưng Đức Phật dạy cho chúng ta phải trực diện sự chết, quán chiếu đời sống của con người là vô thường sanh – diệt từng giây phút, nó thật sự bất chợt ra đi mà không một ai trong chúng ta có đủ cơ hội để dự định, để tính toán, để xếp đặt, để suy nghĩ hành trang mình mang đi là gì cho cuộc hành trình vĩnh viễn rời khỏi trái đất này. Và sự bất chợt ra đi này để lại cho biết bao nhiêu con người hoảng sợ vô cùng, đau đớn, khổ. Chúng ta thấy có những con người quen, đang cười, đang vui, đang sống thảnh thơi nhưng rồi bất chợt ra đi, bất chợt ra đi. Có thể ra đi trên giường, đang nằm ngủ vào ban ngày hoặc ban đêm. Cũng có thể ra đi trong khi đang lái xe, tông xe chết. Cũng có người bất chợt ra đi khi đang đứng, đang nằm, đang ngồi, đang ăn, đang nói, đang hoạt động. Sự bất chợt ra đi này thật kinh khủng bởi không ai có kịp thời gian chuẩn bị cho mình. Như sự bất chợt ra đi của tình bạn, tình vợ chồng, tình đồng môn, tình thầy trò, khi chỉ chia tay, rời bỏ nơi chốn đang ở, đang sinh hoạt để đi tới một nơi khác. Sự bất chợt ra đi của sự chết để lại trong lòng của muôn người ở lại vết rạn nứt từng giây phút khi còn sống mà không có một điều gì có thể hàn gắn lại vết rạn nứt trong trái tim.

Bảo Thành có những người quen bất chợt ra đi để lại trong lòng đau đớn lắm. Và dĩ nhiên, ở nơi chùa thường hay có những khóa lễ cầu siêu, và có những cảnh của một sự bất chợt ra đi để lại biết bao nhiêu sầu muộn cho thân nhân. Một hoàn cảnh mới xảy ra gần đây tại Chùa Xá Lợi đó chính là một cặp vợ chồng còn rất trẻ, sanh ra được một bé trai kháu khỉnh vừa tròn 04 tháng, rất khỏe. Bé trai dễ thương, nội ngoại đều yêu quý bé trai này. Nhưng trong một giấc ngủ vào một buổi chiều, bé nhẹ nhàng ra đi và chẳng trở lại nữa. Một sự bất chợt ra đi của một thiên thần nhỏ sinh ra trong cuộc đời vừa tròn 04 tháng, trong kiếp hiện tại, chưa có dấu tích của những bất thiện nghiệp, bởi tiếng khóc và tiếng cười như hòa chung một âm hưởng của hạnh phúc nội ngoại, của cha, của mẹ. Chân chưa đi, đạp lên gai góc của Tham – Sân – Si, miệng chưa nói để tạo ra ác ý, ác khẩu, tư tưởng chưa khởi lên những luồng tư tưởng nghịch chiều, trái ý tạo ra nghiệp. Có chăng là thọ mạng đã tới bởi phước báu của kiếp trước tích tụ đến kiếp này, hiện thân chỉ một thời, vỏn vẹn trong 04 tháng rồi đi. Nhưng đối với người còn lại như cha mẹ, ông bà và người thân, đó là một sự bất chợt ra đi để lại trong tâm của người thân biết bao nhiêu đau đớn. Màn đêm như sụp xuống, trái đất như vỡ toang, đau, khổ, sầu, bi oán.

Ta trở về với lời dạy của Đức Phật quán đời sống của kiếp người là vô thường để chúng ta thấy mạng sống của con người mong manh, dễ vỡ. Nói như vậy không phải hù dọa. Đây là một sự việc rất cần chúng ta quan tâm trong đời sống, nhìn sâu, suy nghĩ, tư duy bằng Chánh Kiến để nhận ra một phần của kiếp người chúng ta hiện thân trong đời này, đó là sự chết. Khi chúng ta sinh ra trên đời, đó là sự sống được hiển lộ, khi chúng ta từ giã cuộc đời, đó là sự chết. Giữa sống và chết chẳng ai biết được lúc nào, khi nào, giờ nào, mà thật sự nhìn cho thấu, Đức Phật đã dạy: “Đời sống con người ngắn chỉ bằng một hơi thở, mong manh vô cùng”. Quán chiếu điều này để thấy rằng đời sống mong manh vô thường sanh – diệt như thế để ta thấy được giá trị khi còn đang sống. Để có một sự lựa chọn đúng với Chánh Tư Duy để có Chánh Hành Động qua Chánh Kiến nhìn thấu, để mang đời sống dù rất ngắn của chúng ta biến thành một phương tiện vi diệu tạo nguồn vĩnh phúc, tạo nguồn phúc lạc, phước báu cho tự thân và hồi hướng, trao tặng cho những người yêu thương. Chứ không thể như những loại người mà chúng ta vừa nói, bất chợt ra đi vì nhiều lý do, chẳng để lại một lời giải thích, để cho người còn lại cả cuộc đời tìm kiếm, không hiểu vì sao.

Sự ra đi trong sự chết là một sự thực của Tứ Thánh Đế, nói về Thánh Đế đầu tiên là Khổ. Sanh – Lão – Bệnh – Tử, chết là khổ, khổ cho người chết và khổ cho người sống. Tại sao người chết khổ? Bởi vì sự chết thật đau đớn vô cùng, nếu thân xác không đau đớn thì thần hồn cũng đau đớn bởi bỡ ngỡ. Theo Kinh Địa Tạng, phẩm thứ 07 thì người chết khủng hoảng, sợ hãi, và trong 49 ngày, người đó sẽ bị trải qua một sự trải nghiệm chết đến 07 lần, mỗi một lần thật chật vật, cả thần thức đó đau khổ tột cùng. Rồi biết bao nhiêu oan gia trái chủ trở về kéo đi, biết bao nhiêu bất thiện nghiệp tạo ra trong cuộc đời kéo trượt vào trong luân hồi sanh tử. Sự bất chợt ra đi của sự chết chẳng một ai chú tâm quán chiếu để có một sự chuẩn bị rõ ràng, để sự chết không phải là đau khổ mà trở thành một cuộc hành trình trở về với Niết Bàn. Đức Phật dạy quán chiếu vô thường về kiếp sống con người là để chúng ta ý thức được sự chết, ra đi một cách bất chợt không ai có thể làm chủ nếu chúng ta không tu tập, còn nếu chúng ta tu tập thật sự thì sự chết, ra đi cũng chỉ là một cuộc hành trình mà mỗi người chúng ta có thể tự sắp xếp cho mình đầy đủ tư lương thiện lành và hành trang đi về cõi Phật, biết được ngày giờ chết. Biết được ngày giờ chết các bạn! Bởi chết chẳng phải là cái kết cuối cùng để đời đời không còn gì xảy ra mà chết chỉ là một điểm son chuyển hóa cuộc đời từ kiếp này qua kiếp sau, tái sanh về cảnh giới thiện lành hơn.

Chuyện biết được sự chết là có thật! Chúng ta đã từng nghe những mẫu chuyện thường kể có bậc này, đấng kia hoặc cha mẹ của họ biết trước được giờ chết. Điều này có thật, bởi Bảo Thành đã chứng kiến. Nói thật gần, trong Chùa Xá Lợi, Sư bà Sa di Bảo Hoa, ngày thọ giới vào Lễ Vu Lan năm ngoái, Sư bà nói: “Thưa Thầy! Con sống không được bao lâu, chỉ qua năm là con sẽ ra đi”, Sư bà nói trong sự hoan hỷ, không phải sầu muộn, sợ hãi. Là người xuất gia, từng nghe những mẩu chuyện và trải nghiệm thấy được thật nhiều vị như thế, và Sư bà thực sự đã mất đi vào năm nay, đúng vào ngày Phật Đản. Nhưng trước khi mất, Sư bà thường nói với đứa con trai cả là anh Thiện Đạt là phải nhắc nhở với Thầy: “Con phát nguyện sao, ngày mai hoặc lúc nào khi ra đi biết được ngày giờ và nếu như hội đủ phước báu để một chút gì đó để lại như ấn tích, để con cháu nương theo những pháp môn của Phật mà tu cho đúng”. Và Sư bà nói: “Con phát nguyện để lại một chút xá lợi như một lòng thành kính nhất để cho con cháu của gia tộc, của gia đình nhìn vào đó mà tinh tấn tu học” và rồi Sư bà đã mất trong ngày Lễ Phật Đản. Chủ nhật vừa rồi là đúng 49 ngày, con cháu của Sư bà quyết định mở hũ tro cốt ra trước mặt Thầy để xem bà có để lại xá lợi hay không. Trong đống tro còn lại của hũ cốt đổ ra từ từ, cả một tiếng đồng hồ tìm trong đó, cuối cùng đã nhận được 03 viên xá lợi còn lưu dấu. Con cái phủ phục, xúc động vô cùng bởi lời của Sư bà đã biến thành hiện thực. Đây là một mẫu chuyện thực sự xảy ra trước mắt của Bảo Thành đã chứng nghiệm, đã thấy. Gia đình, tang quyến, mọi người đều hoan hỷ vô cùng.

Tuần trước, Bảo Thành và Sư cô Bảo Cơ tới thăm một bác Phật tử, bác bị ung thư máu, đang chờ ngày cuối ra đi, bác chẳng biết sợ gì. Nhưng có một mẫu chuyện tuyệt vời bác kể trong lúc đang nằm ở trên giường có sự hiện diện của Thầy, Sư cô và toàn thể các con cháu của bác, bác nói, hồi xưa ông cụ của bác tu về Phật giáo, thiền quán Chánh Định, biết trước được ngày mất, ngày đi. Ngày đó ông cụ tắm rửa sạch sẽ và nói với con cháu rằng: “Cha sắp sửa đi rồi, các con chớ có đi xa, hãy kề cận. Giờ cha đi tắm rửa, rồi vào sẽ đi”. Và rồi ông cụ tắm rửa xong, ngồi xếp bằng, nghỉ ngơi, ra đi một cách nhẹ nhàng. Đây không phải là sự bất chợt ra đi mà là một sự ra đi có dự định, có tánh biết, có sự chuẩn bị, dù đó là một sự chết.

Ông cụ của Bảo Thành, năm 2017, Bảo Thành đi về thăm ông cụ trong chuyến cuối, ông cụ nói: “Đêm nay, 03 giờ rưỡi sáng, cha sẽ đi”. Ngỡ ngàng, đau khổ lắm bởi cha nói giờ đó cha đi. Nhưng phải đến 03 giờ rưỡi hơn cha mới đi, bởi vì có người chị cả từ Mỹ bay về quá trễ, cha vẫn đợi đó, trễ 20 phút. Người chị về thì toàn anh em, chị em mang ông cụ về nhà. Lúc đúng 03 giờ rưỡi sáng, nằm tại nhà thêm 20 phút nữa, ông cụ âm thầm ra đi một cách thật nhẹ nhàng. Đây cũng là một sự ra đi có chuẩn bị, có sự biết, có sự tỉnh giác. Và chúng ta thường nghe được thật nhiều những mẫu chuyện như vậy. Hoặc những vị Phật tử hay chỉ là ông bà, người quen biết, sống một đời sống thiện lành, thanh tịnh, trong sáng, chân thật. Để biết được cuộc thế, cuộc đời trong hồng trần tới lui, sự chết chẳng phải là cái sợ mà là một chuyến đi để tái sanh nên các Chư vị ấy có sự chuẩn bị, miệng vẫn mỉm cười để bước qua cửa tử gọi là sự chết mà không bao giờ đau khổ và sợ hãi. Đôi khi còn để lại những dấu tích chứng đắc của sự tu tập như Sư bà Sa di Bảo Hoa để lại xá lợi.

Các bạn! Quán chiếu vô thường sanh – diệt để nhìn thật rõ đời sống con người mong manh, tới – đi không ai biết. Nhưng sự tới – đi không ai biết của sự chết đó, là chỉ nói tới với những con người tất bật lo cơm ăn áo mặc, trang hoàng cuộc sống bởi tài vận, tham dục, tham ái của cuộc đời mà chẳng bao giờ dành chút thời gian chăm sóc cho đời sống tâm linh thiện lành, sống chân thật. Đối với những vị có sự chuẩn bị, chăm sóc cho đời sống tâm linh như thế, thì sự chết không thể bất chợt tới để họ ra đi trong sự tức tưởi, mà sự chết là đã có sự chuẩn bị, họ tỉnh, họ biết và họ có một thời gian dài để sắp xếp cho cuộc hành trình đi vào cảnh tái sanh. Do đó, quán chiếu vô thường sanh – diệt là chúng ta có một sự chuẩn bị thật rõ bằng trí tuệ của tánh biết nhìn thấu được cuộc trần này để sắp xếp cho mình một chuyến đi xa, tái sanh mà không hề đau khổ, nhưng lại còn để lại muôn vàn phước báu cho những người ở lại, như gia đình, thân tộc, người quen.

Sư bà Sa di Bảo Hoa ra đi trong sự nhẹ nhàng biết trước và để lại xá lợi, phúc lộc vô cùng cho con cháu. Nếu chúng ta biết quán chiếu, biết tu tập thì Thiền Mật song tu mật ngôn số hai NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là một pháp tu thiền quán trí tuệ để chúng ta tăng trưởng được sự tỉnh giác bằng trí tuệ để nhìn xuyên suốt, thấu được cảnh đời, không còn sầu muộn, đau khổ, đắm chìm trong tham dục, tham ái. Sống thì thở vội vàng, ăn thì vội vã, mặc thì trời ơi, không biết như thế nào, choàng lên là chạy là đi, lo toan muôn sự ở đời rồi bất chợt ra đi trong tức tưởi, sự chết tới để lại đau khổ.

Hãy cho mình một cơ hội thực hành lời của Phật để cuộc hành trình trở về với cõi Phật là một sự không phải bất chợt ra đi, mà là một sự đã chuẩn bị sẵn trên cuộc hành trình tới đích hạnh phúc viên mãn. Chánh Niệm hơi thở trí tuệ quán NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang giúp cho chúng ta có khả năng thấy, biết rõ ràng để thấy được giá trị đích thực của đời sống mong manh, dễ vỡ, vô thường của chúng ta. Bao nhiêu lâu còn có hơi thở vào ra, là bấy nhiêu lâu chúng ta còn tạo ra thật nhiều phước báu bằng những hành động cụ thể của tâm lành thiện từ Phật tánh, để mang lại lợi lạc cho muôn người và chính ta.

Các bạn! Trong thời đại dịch, nước Mỹ trên nửa triệu người ra đi một cách bất chợt, để lại cho biết bao nhiêu con cháu, thân tộc, người quen trong gia đình sợ hãi và đau đớn, oán trách. Đại dịch đang tới, đã tới và sẽ luôn luôn tới bởi vì con người sống trên cuộc đời này, từ vô lượng kiếp tạo nhiều bất thiện nghiệp, cộng thêm kiếp này mưu toan quá nhiều, tranh giành quá lớn, tạo ra muôn trùng những cộng nghiệp bất thiện để rồi có những sự xảy ra nằm ngoài tầm tay kiểm soát, tạo ra cái kết đau khổ cho muôn người. Ta không thể để cho đời sống bất chợt ra đi mà không có sự chuẩn bị. Là người Phật tử, chúng ta không sợ sự chết bởi hiểu thấu pháp thiện lành của Chư Phật dạy quán chiếu bằng trí tuệ để nhìn xuyên qua, trí tuệ nhìn xuyên qua tâm như tâm Kim Cang, không một vẩn đục, bùn nhơ, thấy thật rõ vận mệnh của cuộc đời để xếp đặt cho mình trong cuộc hành trình trở về với Niết Bàn.

Thiền Mật song tu NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang quán chiếu trí tuệ để thấu rõ được kiếp người này, tức là ta sẽ có nhiều cơ hội tạo được công năng thiện lành, tạo phước báu và công đức. Người khôn ngoan thì chẳng phải giận hờn, chẳng phải ai oán, bất đồng ý kiến, chẳng phải là vì cãi cọ, không như ý, chẳng phải do những dự định của riêng mình không được hành trong đời sống đó rồi cuốn gói bất chợt ra đi. Không phải! Đó chỉ là bởi vì những cảm xúc nhất thời của ai đó chưa suy nghĩ cho kỹ, cho nên nửa đêm cuốn gói ra đi, không bao giờ để lại một lời. Chúng ta không phải để cho sự chết như một kẻ trộm muốn tới là tới, muốn đi là đi, muốn đào tường khoét vách, lấy mạng sống của ta đi mà không để lại một dấu tích gì. Ta là người tới bằng Chánh Pháp, có Chánh tâm, chẳng phải là kẻ trộm, do đó ta tới là tới trong tiếng cười của cha mẹ đưa ta vào cuộc đời, trong niềm hạnh phúc vô biên lớn, có sự chuẩn bị bởi cả cuộc đời được tới bởi cha mẹ, nhân duyên, phước báu của nhiều kiếp, nhưng khi đi là do tự thân đã chuẩn bị. Đừng sợ chết, dù là cái chết bất chợt của thiên hạ xảy ra hằng ngày, nhưng đối với chúng ta, nếu chỉ có một giây một phút trở về với Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu bằng trí tuệ thì nhìn rõ vạn pháp vô thường sanh – diệt, chúng ta sẽ có được cơ hội biết được ngày giờ chúng ta ra đi. Để làm gì? Để chúng ta biết được điều đó mà có sự chuẩn bị thật tốt. Để cuộc đời của chúng ta mang sứ mệnh ban vui cứu khổ, mang sứ mệnh sống đúng như lời Đức Phật dạy đó chính là kiếp người khó kiếm, phương tiện làm thân người thì vi diệu, nhưng nó vẫn phải theo quy luật vô thường sanh – diệt. Cho nên, bao nhiêu lâu ta còn vi diệu ở đời bằng hơi thở thì ta phải biến hơi thở Chánh Niệm thành phép lạ để biến hóa những khổ đau, phiền não hiện tại trong cuộc đời mà hóa hiện những phúc lạc, an vui tới cho muôn người.

Hãy sống bằng chân lý đó, hãy thực hiện Thiền Mật song tu, hãy tu thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở, trí tuệ quán từng giây phút trong cuộc sống khi đi, khi nằm, khi ngủ, khi nói, khi ăn, mọi sinh hoạt của cuộc đời, mọi lúc, mọi nơi, tỉnh giác, tánh biết, nhìn thấu, rõ. Có vậy ta luôn an vui giữa cuộc đời sóng cồn của thử thách, của bão tố, của đau khổ, của phiền não có bất chợt ập tới thì ta vẫn tịch tĩnh bởi ta là người tỉnh giác. Chánh Niệm hơi thở trí tuệ quán giúp cho chúng ta trở thành người sống tỉnh giác để biết. Tánh biết trong Lăng Nghiêm Đức Phật dạy giúp ích cho mọi người, sống cần phải có tánh biết.

 Các bạn thân mến! Hiện tại chúng ta đang sống trong một thời kỳ khủng hoảng của đại dịch toàn cầu, chẳng phải nơi Việt Nam đâu, toàn cầu. Và chính vì đại dịch toàn cầu đó mà mọi người đều nhận ra rằng cuộc sống thật mong manh, và đã nghe, chứng kiến được có biết bao nhiêu người quen từ xa hay từ gần, hay chẳng quen mà chúng ta cũng biết đó, họ bất chợt ra đi. Trên nửa triệu người ở Mỹ và trên thế giới này cộng lại thì không biết bao nhiêu có thể kể nếu con số được liệt kê cho chính xác. Trong vỏn vẹn gần 02 năm, biết bao nhiêu con người đã bất chợt ra đi trong ngỡ ngàng, sợ hãi.

Chúng ta có phước báu tu tập lời của Đức Phật, không thể để cho sự bất chợt ra đi của ai đó làm cho chúng ta run sợ, hoảng sợ, khủng hoảng. Hãy vui lên để sống một đời sống lạc quan, chẳng phải mù mờ trong những hy vọng hão huyền mà bởi vì lời Phật dạy, chúng ta mang vào thực hành thiền quán trí tuệ để nhìn thấu kiếp sống vô thường, vạn pháp vô thường, ta có tánh biết, ta có sự tịch tĩnh, ta có Chánh Định. Để dù cho muôn sự ở đời có xảy ra không như ý thì ta vẫn an tâm bởi ý của ta luôn luôn trụ vào trong ý thiện lành. Do đó, bài pháp hôm nay chia sẻ về sự bất chợt ra đi, chẳng nói đến sự ra đi bất chợt của những mối tình vụn vặt, giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái, tình bạn, tình thầy trò, tình đồng môn, pháp lữ mà nói về sự bất chợt ra đi của mạng sống con người.

Sự chết không đáng sợ! Phật dạy hãy quán chiếu sự chết. Bảo Thành mời gọi các bạn hãy dũng cảm lên trong Chánh Niệm hơi thở, nhìn qua sự chết của chúng ta để thấy rằng ai có thể làm chủ được sự chết? Có! Người tu hành trí tuệ quán sẽ làm chủ được sự chết, tức là làm chủ được tâm và làm chủ được sự tái sanh. Phật dạy thật không sai bởi đã có biết bao nhiêu Chư vị đã thực hành và họ đã làm chủ được sự chết. Khi tái sanh họ đã biết trước, còn để lại xá lợi như Sư bà Sa di Bảo Hoa.

Chúng ta trong cuộc đời này, ngắn gọn lắm, nhưng không phải vì ngắn, vì gọn như vậy thì bất chợt tới, bất chợt đi vì cái chết không ai biết được ngày giờ để rồi chúng ta lăn xả vào thú vui lục dục của cuộc đời để muốn làm gì thì làm bởi ai cũng nói: “Chỉ có một kiếp người, sống thì cứ xả láng rồi chết”. Đó là cách nói một cách tiêu cực của những người chưa thấy được chân lý. Còn đã thấy được mặt trời chân lý của Đức Phật truyền dạy rồi, thì từng giây phút sống trong kiếp người mong manh, vô thường sanh – diệt lui tới, ta vẫn tạo được thật nhiều phước báu và phúc lạc để ban vui cứu khổ cho tự thân và cống hiến niềm vui và sự hạnh phúc cho muôn người. Trong từng giây phút của cuộc sống, bằng cách Thiền Mật song tu, Chánh Niệm trí tuệ – từ bi quán để có thể làm chủ dược hơi thở và cảm xúc, để từ đó làm chủ được mạng sống của mình và luôn luôn trong từng giây phút đều áp dụng lời khai thị của Phật để mọi hành động luôn là những hành động, tư tưởng, lời nói thiện tạo thành phước báu cho mình được hưởng và cống hiến cho muôn người, hồi hướng cho Cửu Huyền Thất Tổ.

Sự bất chợt ra đi của sự chết không còn sợ nữa bởi ta đã làm chủ được trong hơi thở của Chánh Niệm.

Các bạn! Hãy đặt bàn tay phải vào bàn tay trái, lấy Từ Bi và Trí Tuệ để chúng ta thể nhập vào trong Chánh Niệm hơi thở từ bi – trí tuệ quán.

“Thưa Phật! Chúng con đã nghe qua những câu chuyện về những Chư vị biết trước được ngày giờ chết, chúng con đã chứng kiến Sư bà Sa di Bảo Hoa ra đi để lại xá lợi như một sự tu tập chứng ngộ hiểu biết trong hạnh kham nhẫn, chịu đựng tất cả mọi cảnh bằng tâm từ bi. Nguyện trong kiếp này, kiếp người mong manh, sanh – diệt vô thường, ngắn gọn chỉ bằng một hơi thở, chúng con vẫn có thể tạo được phước báu, chuyển hóa bất thiện nghiệp, tăng trưởng phúc lạc cho tự thân và muôn người. Nguyện Chư Phật gia hộ cho tất cả mọi người luôn an vui trong từng giây phút bằng Chánh Niệm hơi thở trí tuệ và từ bi quán.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện hồi hướng công đức cho quê hương Việt Nam chúng con mau thoát khỏi đại dịch để mọi người trở về đời sống bình an.

Nguyện xin Chư Phật chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn