Search

Bài 2079. Không Phải Của Mình | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Minh bút ký, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Hôm nay lý do kỹ thuật, mạng wifi có vấn đề trục trặc, Bảo Thành phải điều chỉnh một chút nên vào hơi trễ, nhưng dù trễ chúng ta vẫn tiếp tục đồng tu ngày hôm nay. Và hôm nay chỉ có trên Facebook bởi YouTube có vấn đề, sau đây khi làm xong sẽ điều chỉnh lại.

Giờ đây, mời các bạn chúng ta cùng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện Chư Phật mười phương ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài chúng con và gia trì khai mở trí tuệ để chúng con quán chiếu thấy rõ các pháp là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn.

Chúng con cũng hồi hướng xin Chư Phật gia hộ cho Việt Nam quê hương của chúng con mau vượt qua đại dịch, mọi người an vui, trở lại cuộc sống bình thường.

Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Chúng ta hãy trở về với Chánh Niệm hơi thở, tịch tĩnh buông thư, thành kính đón nhận năng lượng từ bi để thắp sáng trí tuệ của chúng ta. Trong khi Chánh Niệm hơi thở, đồng trì mật ngôn, mỗi người chúng ta sẽ đón nhận được năng lượng vào thân tâm. Hãy nghĩ tới các đấng bậc sinh thành, gia đình và xã hội, cộng đồng, hồi hướng cho muôn loài năng lượng từ bi này.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến, trong cuộc sống, chúng ta luôn luôn có những điều xảy ra không như ý muốn, ví dụ như ngày hôm nay, trong chương trình này, ta có những vấn đề ảnh hưởng bởi mạng lưới, cho nên Bảo Thành và các bạn trễ thời gian nhưng chúng ta vẫn tu bởi cuộc đời đối với sự tu không bao giờ trễ. Chỉ cần chúng ta chuyên chú thực hành những điều gì chúng ta đã phát nguyện từng ngày từng giây phút, đôi khi sớm một chút không sao, trễ một chút cũng không sao, chỉ cần chúng ta giữ chương trình tu một cách bền vững, không bỏ cuộc thì nhất định chúng ta sẽ có được những kết quả như ý muốn của chúng ta. Mà các bạn thấy hiện tại bây giờ mạng tương đối ổn định, chắc chắn các bạn đã nghe được những gì Bảo Thành đang nói và chúng ta bắt đầu đi vào sự đồng tu.

Cái mà chúng ta thấy, chủ đề hôm nay đọc được trên màn ảnh là “Không Phải Của Mình”. Ở trên đời có nhiều sự không phải của chúng ta, dù chúng ta cố gắng hết sức, cũng không bao giờ nắm bắt, nắm giữ được, thành tựu được, nhưng những gì thuộc về chúng ta, tự động nó tới. Đó là cách nói bình thường. Hình như trong cuộc sống, cách nói này an ủi chúng ta một phần và cũng làm cho chúng ta ổn định tâm lý sau những sự việc xảy ra không như ý. Nhưng đối với chân lý Đức Phật dạy, những điều Đức Phật dạy thì không có một cái gì thuộc về mình hoặc không thuộc về mình để rồi những gì ta nói rằng: “Thuộc về ta sẽ tự động tới, không thuộc về ta sẽ không bao giờ tới”. Mà cái có, có như phương tiện, tới như phương tiện đều là phước báu, nhân quả thiện – ác từ những thiện nghiệp hoặc ác nghiệp chúng ta tạo ra mỗi một ngày. Do đó trong cuộc sống, nhìn rõ được theo tinh thần quán chiếu Tam Pháp Ấn, Vô Thường có nghĩa chẳng phải sự việc gì ở trên đời cũng đều là không để cho một số người nghĩ rằng đời là tứ đại giai không, không cần gì hết, sống buông thả, không có chủ đích, sống không cần nghĩ tới ngày mai.

Có! Có thật nhiều người tu một thời gian và nghĩ rằng, ngay cả thân này cũng không thuộc về ta, phương tiện như nhà cửa, xe hơi, như công ăn việc làm, như vợ như chồng, như cha mẹ, vật chất, của cải, sự việc ta đang sinh hoạt trong xã hội này đều không có, chẳng thuộc về ta và từ đó, họ mất hết tinh thần, sống buông thả và cuộc đời của họ dần dần đi tới chỗ nhụt hết ý chí, chẳng còn sức mạnh tiến tới và cũng chẳng còn ý thức sống để làm người, lang thang, lếch thếch như một người vô hồn. Đó không phải là cách nghĩ đúng về những cái như chủ đề hôm nay nói: “Không Phải Của Mình”.

Khi quán chiếu vạn pháp vô thường sanh – diệt trong từng sát na là chúng ta phải hiểu được thật rõ lời Đức Phật dạy, tất cả các pháp hữu vi, nghĩa là ta có thể nhìn thấy, sờ thấy như nhà cửa, xe hơi hoặc những công việc ta tương tác hằng ngày, hoặc như đấng bậc sinh thành, cha mẹ, gia đình, bạn bè, xã hội. Các pháp hữu vi như cây cối, như trời đất, trăng sao, như những vật ta có thể chạm vào và cảm xúc, nhìn thấy, ngửi được, nghe được, đó là pháp hữu vi, đều do lý duyên khởi, nhân duyên, do phước báu tới và đi, nó tới để tạo thành hữu vi, nó đi nó biến thành vô vi. Các pháp hữu vi và vô vi hiển lộ theo phước báu nhân quả, theo duyên khởi tác động giữa nhân quả của ta tạo ra do sự tu, công đức và phước đức, đồng thời những nhân duyên theo như lời Đức Phật dạy, Thập Nhị Nhân Duyên tác động vào mà từ đó hình thành nên muôn hình muôn vẻ trong cuộc sống. Nhưng nó không thuộc về ta, cái ta mà ta nghĩ là ta đó, là cái ta của tinh thần tự ngã, chụp vội vàng những hình ảnh ở bên ngoài, những điều ta ưa thích tạo nên nhân cách riêng của mình để gọi đó là ta, cái ta đó không bao giờ tồn tại và cái ta đó chẳng thuộc về mình. Bởi mấy ai ở trên đời, theo dòng thời gian của lịch sử cũng như theo sự trải nghiệm riêng của mỗi người chúng ta, đã nhận ra rằng cái ta của người nào đó vẫn tồn tại khi họ không còn thân này nữa hay không? Chẳng còn! Có chăng là danh tiếng của họ. Có hai thể loại, một là danh tiếng của những bậc Thánh hiền nhân, hai là danh tiếng của những kẻ cực ác còn tồn tại trên thế gian. Chỉ có danh tiếng mà thôi! Còn về phần con người đó, chẳng còn gì tồn tại, có chăng là một linh vị, một tấm bia hoặc những câu chuyện còn nói về một nhân vật trong lịch sử, trong quá khứ.

Các bạn, cái gì thuộc về ta và cái gì không phải của chính chúng ta? Trong Tam Pháp Ấn: Vô Thường và Vô Ngã, nếu quán chiếu thấy được chính những gì gọi là tự ngã của chúng ta tự lắp ghép, tự ghép vào, tự ôm lấy tạo nên một cái ta đó, thật ra không có. Bởi nó sanh – diệt từng giây từng phút, biết bao nhiêu người vỗ ngực xưng tên, rồi thời gian trôi qua, vô thường lui tới, tất cả những vỗ ngực tự xưng là có này, có kia chẳng bao giờ tồn tại. Điều này hiển nhiên, ai cũng thấy, cũng thấu nhưng mấy ai có sự trải nghiệm sâu sắc để đi vào đời sống tâm linh, hiểu thấu được lẽ vô thường để đừng tạo dựng những ngã tướng, bản ngã của mình dựa trên thế giới vật chất, thế giới của hữu vi và vô vi.

Đức Phật nhắc cho chúng ta thấy rằng ngay cả các pháp của Chư Phật dạy để chúng ta thực tập đi tới sự giải thoát khỏi đau khổ, thành tựu được tỉnh giác, giác ngộ để không còn đi vào con đường tái sanh luân hồi nữa, cũng là vô thường sanh – diệt, cũng chỉ là phương tiện, phương tiện tới và đi, có và không, chẳng phải là thường hằng để chúng ta ôm giữ mãi mà chỉ là phương tiện như con thuyền đưa chúng ta qua bờ bên kia và khi đã tới bờ, ta buông bỏ phương tiện đó. Chẳng ai tới bờ lại vác thuyền lên trên đầu. Đó là những bài Kinh Chư Phật thường hay nhắc nhở để cho chúng ta biết rằng, phương tiện là phương tiện đưa chúng ta tới sự giác ngộ. Từ Kinh nói về phương tiện của pháp như con thuyền đưa ta tới bờ bên kia thì toàn bộ thế giới vật chất như thân này, như những mối quan hệ trong xã hội, như vật chất ta có, nhà cửa, xe hơi, như những vấn đề sở hữu về trí tuệ, tinh thần đều chỉ là phương tiện chứ đừng khi nào nghĩ nó là không. Không thể nghĩ rằng thuyền là không, mà thuyền là thực sự có, nhưng cái có đó do nhân duyên giả hợp trong cõi vô thường mà nó hiển lộ như phương tiện để qua sông, chớ cho nó là có, thường hằng để ôm ấp cái thuyền khư khư đi mãi. Tất cả, ngay cả thân người, mạng sống này, hơi thở này, sắc tướng này, kiến thức của chúng ta, muôn sự được gọi là có này cũng chỉ là phương tiện mà thôi. Nó nằm trong quy luật của vô thường sanh – diệt, chẳng bao giờ tồn tại mãi, hiểu thấu được điều đó là ta đã buông đi hằng hà sa những gánh nặng của tội lỗi, bất thiện nghiệp làm cho chúng ta nghĩ sai, tạo ra khổ. Khổ sẽ chẳng còn nếu hiểu thấu rằng cuộc đời này chỉ là phương tiện.

Nay đi vào chi tiết hơn để mỗi người chúng ta thấy rằng, tuy là phương tiện, chiếc thuyền là phương tiện đưa qua sông, ta cần phải bảo dưỡng cái thuyền, còn không giữa dòng sông sóng cuộn, nó thủng, nó hư, nó mục, ta sẽ bị chìm xuống và khó tới bờ bên kia. Là kiếp con người, thân này, thế giới vật chất và tất cả những sự thành tựu về kiến thức được gọi là sở hữu phương tiện. Đừng nghĩ rằng ta sở hữu và nó thuộc về ta, nó chỉ là những phương tiện mà nay ta có, cần ứng dụng cho phù hợp để làm lợi lạc cho kiếp người và cho tất cả mọi chúng sanh có được sự hạnh phúc và bình an. Cho nên chuyển góc độ nhìn, chuyển sự suy nghĩ đúng đắn theo tinh thần của Đức Phật dạy gọi là Chánh Kiến, Chánh Tư Duy. Chúng ta không đi vào con đường bỏ phế cuộc đời bởi nghĩ rằng tất cả chỉ là không, không có gì thuộc về ta và không phải của ta, cái này cái kia để rồi sống bê tha. Có những con người lâm vào tình trạng đó nên chẳng hoàn thành trách nhiệm làm người, quên luôn phương tiện vi diệu của kiếp người để rồi kiếp người này như chiếc thuyền mục cuộn tròn, xoay mòng mòng giữa dòng xoáy của cuộc đời rồi bị nhận chìm xuống khi một cơn lũ kéo tới.

Ở đời có biết bao nhiêu cơn lũ của sự thử thách luôn tới với mỗi người chúng ta, nếu chúng ta không bảo trọng để luôn luôn giữ cho thân làm người này, về thân khỏe mạnh, tinh thần trong sáng thì phương tiện của kiếp người này sẽ lu mờ, mục nát, khó có thể sử dụng tới bờ bên kia gọi là giác ngộ. Vậy thuở xưa khi Đức Phật tu Khổ hạnh cùng với năm anh em Kiều Trần Như, Ngài đã bỏ phế cả thân này, nhịn ăn nhịn uống, chẳng thuốc chẳng thang, coi thường thân bởi nghĩ rằng tu Khổ hạnh để bóp, vắt thân này thì nó sẽ lòi ra một điều gì đó gọi là giác ngộ tâm linh. Cuối cùng, Ngài thấy Khổ hạnh chẳng phải là con đường, mà con đường Trung đạo, tức là sống phù hợp với kiếp người nhưng chẳng lãng phí bởi đắm chìm trong ngũ dục mà sống trọn vẹn với kiếp người để mang kiếp người này ứng dụng đúng như lời Phật dạy là phương tiện vi diệu để đi tới sự thành tựu giải thoát khỏi luân hồi.

Cho nên, “Không Phải Của Mình” là chủ đề nhắc nhở cho chúng ta thấy, thấy gì? Thấy tất cả các pháp là vô thường, vô ngã, chẳng có gì trên thế gian này là thuộc về của ta. Bởi có gì là thuộc về của ta nữa đâu? Một mai ta nằm xuống rồi, ta có gì mang theo? Dù ở đời nếu nói: “Bạn có gì?”, ta có thể liệt kê ra thật nhiều, nhưng rồi sự liệt kê đó cũng chẳng thể mang theo xuống mồ sâu. Do vậy, Đức Phật nhắc nhở cho chúng ta ở cuộc đời này, thân người khó tìm, khó có nhưng thân người vi diệu vô cùng. Và chính thân người này có khả năng siêu thế thành tựu được kiến thức về cuộc đời cũng như kiến thức về tâm linh, thông được những lời Chư Phật khám phá ra khi Ngài giác ngộ, khai thị cho chúng ta, giới thiệu, truyền dạy cho chúng ta để chúng ta ứng dụng ngay ở kiếp người này mà thoát khỏi mê, đi tới sự giác ngộ, đạt tới bờ giác, hết khổ, hết luân hồi và sanh tử.

Trong điều đó, Đức Phật thường nhắc về tinh thần của ngũ dục. Ngũ dục là tiền tài, danh vọng, địa vị của chúng ta, rồi đến nhà cao, cửa rộng, đến sự ăn uống, ngủ nghỉ, những thứ phục vụ theo nhu cầu của đời sống. Phật không nói chúng ta phải bỏ tất cả như một cuộc đời của người Khổ hạnh năm xưa mà Phật dạy cho chúng ta rằng, những điều đó chỉ là phương tiện, nó chẳng thuộc về ta, nhưng nó là phương tiện hiển lộ, có ở trong đời do phước báu nhiều đời ta tu mà nó có. Như phương tiện của chiếc thuyền hoặc cái bè đưa ta qua sông. Bởi trên đời này, mọi người thường hay nói rằng, nếu trong thân xác bệnh hoạn, khó có thể được an vui, một tinh thần u tối, khó có thể tu tập. Cho nên thân xác khỏe mạnh thì tinh thần trong sáng, an vui, sự điều hòa khí huyết, Chánh Niệm hơi thở dễ thực tập và dĩ nhiên, con đường tu của chúng ta dễ tinh tấn. Do đó, tất cả những gì trong khả năng mà mỗi người chúng ta có thể thu nhập được ở kiến thức thuộc về kiếp con người trong xã hội này phục vụ cho nhu cầu của cuộc sống một cách tối thiểu cần có để bảo vệ phương tiện thân làm người, sống trong xã hội này, rất cần sự quan tâm một cách đúng đắn. Nhưng vẫn luôn luôn phải nghĩ rằng, tất cả phương tiện đó không phải của mình, bởi cái của mình mà có thể mang theo suốt cuộc đời này chẳng là nhà cao cửa rộng, kim cương, hột xoàn, tiền tài, danh vọng, địa vị, chức quyền hoặc những thứ bạn có thể ghi lại, chép lại, nói được, sờ được, cảm nhận được mà cái thuộc về bạn, bạn có thể mang theo chính là nghiệp, có thiện nghiệp và ác nghiệp. Ngoài ra, tất cả đều phải để lại trong trần gian này, nó nằm vào cảnh giới vô thường sanh – diệt, có đó mà chẳng còn nữa đâu. Ngay thân xác này có mà là không, cho nên nếu các bạn đắm đuối, ôm lấy thân này, cuộc đời này, bản ngã này, cho là có, bạn sẽ tạo ra muôn muôn sự khổ đau cho các bạn.

Sự quán chiếu vô thường qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang giúp cho mỗi người chúng ta tiếp cận được trong thế giới vật chất này bằng trí tuệ và lòng từ bi, thấu hiểu được tất cả những gì đang hiện hữu trong cuộc đời này chỉ là phương tiện để chúng ta không đắm chìm trong ngũ dục, trong Tam độc: Tham – Sân – Si. Mà chúng ta vận hành tất cả những gì tới lui trong cuộc sống, có được do nhân duyên, phước báu bằng ánh mắt của trí tuệ nhìn thấu đó là phương tiện để ứng dụng một cách hài hòa trong mọi cảnh của cuộc sống để thành tựu được chí nguyện giải thoát trên con đường tu tập mỗi ngày của chúng ta, đó mới là điều quan trọng. Do đó, các bạn nên nhớ rằng các bạn đã từng nói với những người khác hoặc chúng ta thường hay hỏi rằng: “Bạn có gì?” và rồi chúng ta liệt kê: “À! Ta có nhà, ta có xe, ta có công ăn việc làm, ta có vợ, ta có chồng, ta có gia tộc, ta có quốc gia, ta có tất cả”, nhưng thật ra, những cái đó không thuộc về ta và chẳng phải của ta.

Bảo Thành nhắc đi nhắc lại để chúng ta thấy và chú ý rằng cái thuộc về ta, cái thuộc về ta chính là nghiệp và tất cả những thứ khác không phải của ta. Nếu bạn hiểu thấu được điều này thì muôn sự có được do phước báu là phương tiện đó, bạn sẽ xem thật nhẹ và bạn sẽ ứng dụng một cách diệu dụng, phương tiện hơn để làm cho cuộc sống của các bạn có được sự bình an và hạnh phúc. Người hiểu thấu được vạn pháp vô thường sanh – diệt và vô ngã sẽ không tạo ra những nhân gây ra khổ đau và phiền não, người đó sẽ ứng dụng phương tiện diệu dụng từ vật chất đến kiến thức để mang lại một đời sống hạnh phúc, bình an cho bản thân của họ và cho cả thế giới cũng như cho cộng đồng, xã hội sống cận kề. Và họ có dư thời gian để Chánh Niệm hơi thở, trở về với đời sống tâm linh, họ là người khôn khéo, không bận rộn, đắm chìm trong công việc làm chỉ đi kiếm tiền sống nuôi thân hoặc thỏa mãn cho vấn đề mua sắm. Nhưng họ làm việc, họ có khả năng làm việc một cách rất chất lượng với sự tư duy và kiến thức cao để thành tựu được trong cuộc sống. Có khả năng kiếm tiền, thành tựu được danh phận trong cuộc đời nhưng dù tiền bạc, danh phận trong cuộc đời, quyền lợi họ có, họ cũng ứng dụng phù hợp như phương tiện một cách thật hài hòa để mang lại hạnh phúc cho muôn người và vẫn tiếp cận với con đường giáo lý của Phật để thành tựu sự giải thoát cho bản thân.

Một gương lịch sử thời Đức Phật thật rõ như ông Cấp Cô Độc, ông ta thành tựu về vật chất, giàu có một thời ở đó, ông ta và thái tử Kỳ Đà là hai người thật giàu. Nhưng hai vị đó khi tiếp cận với Phật, hiểu được phước báu ngàn đời đã làm cho ông ta có được gia tài thật lớn trong hiện kiếp khi cùng sinh ra thời Đức Phật. Và ông ta càng ngày càng sung túc, càng giàu có hơn, tự tại, an nhiên bởi vì ông ta thấu được những sự giàu có đó là do phước báu và phước báu đó là do sự duyên khởi tạo thành do những thiện nghiệp nhiều đời, nay nó hiển lộ trong cuộc đời được phục vụ lại, và ông ta đã ứng dụng thật đúng với pháp của Phật. Bởi ông ta, ông Cấp Cô Độc và ông thái tử Kỳ Đà đã thường xuyên nghe Đức Phật giảng nên đã hiểu thấu được vạn pháp vô thường sanh – diệt và tinh thần vô ngã, từ đó ứng dụng vật chất của cuộc đời một cách hợp lý để cứu nhân độ thế và hoằng dương Pháp Bảo. Biết cúng dường Tam Bảo để có chỗ ổn định cho Đức Phật truyền dạy, hướng dẫn, giáo hóa chúng sanh và luôn luôn biết ứng dụng vật chất có được để cứu độ và san sẻ tình thương đối với những kẻ bất hạnh cũng như xây dựng cộng đồng và xã hội.

Cho nên chủ đề: “Không Phải Của Mình” chẳng phải rằng chúng ta sống mặc kệ cuộc đời, mà hiểu thấu những gì ta có được đều do phước báu bởi thiện nghiệp ta đã tạo. Nhưng tất cả những điều đó chỉ là phương tiện như thuyền bè đưa ta qua sông. Cho nên trên dòng sông của cuộc đời, ta phải luôn luôn bảo trọng, phải tu dưỡng, phải bảo dưỡng con thuyền, cái bè đó để khi tới bờ, ta lên bờ mà đi, chẳng ôm theo thuyền. Trong dòng sông của cuộc đời, muôn sự lênh đênh, thân kiếp người này là con thuyền, là cái bè đưa ta tới bờ giác ngộ bởi thân kiếp làm người có biết bao nhiêu thứ chúng ta thành tựu được từ kiến thức để có được vật chất, có được đời sống tinh thần cao, tất cả, nó không thuộc và chẳng phải của ta, nhưng nó do thiện nghiệp, phước báu tạo thành nên nó là phương tiện tuyệt diệu để ta luôn luôn ứng dụng một cách trân trọng, đúng chỗ, đúng nơi để tăng trưởng. Có mà sử dụng đúng, có nhiều hơn, hạnh phúc hơn, tốt đẹp hơn và giúp được nhiều người hơn, đặc biệt là giúp cho chính tự thân của chúng ta có được thật nhiều cơ hội để tiếp cận với những điều Đức Phật dạy và tu tập một cách thật rõ ràng, thành tựu được một đời sống tâm linh trong sáng.

Nói đến đây, chúng ta đã thấu rồi! Tất cả thế giới hiện hữu, ta đang sờ, đang nhìn, đang chạm và đang nói được, đang thấy được đều không phải của chúng ta. Cái của chúng ta chính là nghiệp, ác nghiệp và thiện nghiệp. Thiện nghiệp và ác nghiệp tới từ Thân – Ngữ và Ý. Thân – Ngữ – Ý tương tác trong cuộc đời này phải làm sao để loại trừ ra được ba cái tâm độc của chúng ta đó là Tham – Sân – Si. Khi không đắm chìm trong Tham – Sân – Si, hiểu thấu là vạn pháp vô thường thì muôn sự ta có ở đời chính là phương tiện diệu dụng để ứng dụng vào đời sống, mưu cầu một đời sống hạnh phúc, bình an và có được một đời sống tu tập viên mãn. Cho nên các bạn nhớ, trong mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, mỗi người chúng ta phải thường xuyên trì niệm mật ngôn này trong Chánh Niệm hơi thở. Mật ngôn này có nghĩa là trí tuệ quán. Trí tuệ quán. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là trí tuệ quán. Chỉ có trí tuệ mới giúp cho chúng ta nhìn thấu được vạn pháp vô thường và chỉ có trí tuệ mới giúp cho chúng ta hiểu thấu trên đời này, thế giới vật chất không phải của chúng ta, mà cái thuộc về chúng ta chính là thiện nghiệp và ác nghiệp. Để từ đó, mỗi một tư tưởng khởi lên trong tâm, mỗi một lời nói ta bắt đầu phát ra, ứng dụng trong đời sống, mỗi một hành động ta tạo tác, luôn luôn cẩn trọng, nghiêng về pháp thiện để có được phương tiện diệu dụng, thành tựu được phước báu để đời sống tâm linh của chúng ta có đầy đủ trí tuệ và từ bi, vượt bể khổ của cuộc đời, tới được bến giác ngộ và an vui, không còn trầm luân trong cõi sanh tử nữa.

Nếu các bạn coi trọng tất cả thế giới vật chất này và luôn nghĩ rằng nó thuộc về ta và của ta thì các bạn đang tạo khổ cho chính mình. Bởi một mai khi cận kề với sự chết, bạn sẽ nuối tiếc vô cùng cái nhà to, công sức đã tạo bao nhiêu năm qua, nuối tiếc gia tài kếch xù, nuối tiếc vợ, nuối tiếc chồng, con cái, sự nghiệp, danh vọng, quyền lực và địa vị, và trong giây phút lìa cõi trần này, tức là cận tử nghiệp kéo tới, sự nuối tiếc, tham muốn vật dụng, tham dục, ái dục còn tràn đầy thì nhất định bạn sẽ có, có được gì? Có được cửa địa ngục mở rộng để đưa các bạn tái sanh vào cảnh khổ, Tam Đồ khổ. Điều có đó, chẳng ai mong muốn!

Hãy nhớ, luôn luôn giữ cho mình có một cái nhìn bằng ánh mắt trí tuệ qua sự miên mật tu tập thiền quán trí tuệ, một pháp môn gọi là trí tuệ quán, pháp môn của Mẹ hiền Quan Thế Âm dạy cho chúng ta, để chúng ta quán chiếu thật rõ tất cả các pháp sanh – diệt tới lui trong cuộc đời, thấu lý vô thường đó để không bám chặt, bám víu, ôm ấp mà để chúng ta thực hiện được cái diệu dụng phương tiện, ứng dụng để biết buông, biết bỏ, nhìn thấu để bước nhẹ nhàng qua mọi phương tiện, thành tựu được một đời sống an lạc trong Pháp Bảo của Như Lai mà ta có phước báu tiếp cận và tu tập.

Chủ đề hôm nay nhắc nhở cho Bảo Thành và các bạn luôn luôn Chánh Niệm hơi thở và luôn luôn quán chiếu bằng trí tuệ để chúng ta nhận rõ cái gì thuộc về ta. Nhắc lại thêm một lần để Bảo Thành và các bạn nhớ, cái thuộc về các bạn, cái thuộc về Bảo Thành chính là nghiệp. Nghiệp tới từ đâu? Từ Thân – Ngữ – Ý. Do đâu mà tạo ra? Do Tham – Sân – Si và rồi chính Tham – Sân – Si đắm chìm trong ngũ dục, tức là về tiền, tình, quyền lực, nhà cửa, vật chất, sự chiêu đãi trong ăn uống, ngủ nghỉ, đó là năm thứ do tâm Tham – Sân – Si đắm chìm trong đó tạo ra nghiệp. Nay thấu rõ được ngũ dục là phương tiện nên tránh xa Tham – Sân – Si thì ngũ dục kia là phương tiện bằng trí tuệ nhìn thấu, ứng dụng phù hợp, mang lại cho chúng ta đời sống bình an. Miễn sao Vô Tham, Vô Sân, Vô Si thì tất cả năm dục, tức là tiền tài, danh vọng, tình cảm của con người, nhà cửa, sự ăn uống, ngủ nghỉ đều là phương tiện nếu biết ứng dụng một cách phù hợp bằng trí tuệ, nó sẽ mang lại lợi lạc vô cùng.

Biết bao nhiêu người thành tựu về những điều đó, ứng dụng đời sống này mang lại lợi lạc vô cùng cho muôn người, vậy nên, mỗi người chúng ta thường phải nhắc nhở mình Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu bằng trí tuệ để làm sao đó, chúng ta có thể khai mở tâm từ bi bằng cách liên kết với mười phương Chư Phật để tĩnh tọa trong cuộc đời bận rộn qua từng giây phút của cuộc sống bằng hơi thở Chánh Niệm để nhìn thấu tất cả mọi hiện tượng tới lui trong cuộc đời chỉ là phương tiện, không phải thuộc về ta, không của ta. Để tới hai tay trắng, đi bằng hai bàn tay trắng nhưng có cả biết bao nhiêu phước báu bằng thiện nghiệp hiện hữu trong cuộc đời ngắn ngủi của kiếp người, ứng dụng đúng phương tiện làm người vi diệu thành tựu để mang theo đi tái sanh. Chúng ta khi chết là đi tái sanh, cái theo chúng ta để tái sanh chỉ có thiện nghiệp và ác nghiệp. Chưa nói đến sự giải thoát lên cõi Phật Đà, Di Đà Tiếp Dẫn Đạo Sư đưa chúng ta về cảnh giới Tây Phương mà nói rằng mỗi người chúng ta phải chủ động thắp đuốc lên mà đi bằng trí tuệ để thành tựu được từ bi và trí tuệ, mới tạo ra được phước báu bởi những thiện nghiệp ta thường làm, thường hành trong mỗi ngày để khi giã từ cuộc đời này, ta theo thiện nghiệp đó mà tái sanh về cảnh thiện lành, tiến hóa từ từ theo công hạnh tu, đến khi có đủ khả năng giải thoát, thành tựu và giác ngộ thành Phật.

Các bạn! Không phải của mình thì đừng ôm ấp, đừng nắm bắt, đừng chấp vào sẽ mang họa, khổ vào thân. Nhớ, tất cả chỉ là phương tiện thiền quán trí tuệ để ứng dụng phương tiện phù hợp mang lại đời sống an vui cho ta và cho muôn người.

Hãy đặt bàn tay phải Trí Tuệ và bàn tay trái Từ Bi vào với nhau.

“Thưa Phật! Vạn pháp vô thường, vô ngã, khi hiểu được điều đó, chúng con đã lìa xa khỏi khổ đau và phiền não và nhận ra tất cả thế giới vật chất này không phải của chúng con, cái chúng con có thể mang được chính là nghiệp, thiện nghiệp và ác nghiệp. Nguyện thành tâm, chí thành tu tập Chánh niệm hơi thở trí tuệ từ bi quán để gạn lọc, buông bỏ tất cả mọi ác nghiệp lâu đời đã tạo để chuyên chú tinh tấn trên con đường thiện nghiệp tạo được phước báu và công đức như tư lương đi vào cuộc hành trình tái sanh về cảnh thiện lành. Xin Chư Phật gia hộ cho chúng con.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta cùng hồi hướng.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu hôm nay tới muôn loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Bảo Thành xin tri ân, cảm niệm ân đức và cảm ơn các bạn đồng tu đã vượt qua sự thử thách về mạng internet để tiếp tục đồng tu ngày hôm nay. Cảm ơn các bạn thật nhiều!

Mô Phật!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn