Search

Bài 2078. Không Thể Trốn Tránh | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Tịnh Hương đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Tới giờ đồng tu, mời các bạn cùng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng con và gia trì cho chúng con có đầy đủ trí tuệ để thiền quán chiếu thấy rõ các pháp là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn.

Chúng con cũng nguyện hồi hướng công đức đồng tu tới quê hương Việt Nam của chúng con và các nước Á Đông đang bị đại dịch hoành hành có đầy đủ phước báu để dịch mau qua, đời sống trở lại bình thường.

Con xin Chư Phật từ bi chứng minh.

Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho lòng Từ Bi.

Chúng ta hãy theo lời Đức Phật dạy, lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi nuôi dưỡng phẩm tánh cao cả là trí tuệ. Chánh Niệm hơi thở là sự thực tập mỗi ngày để chúng ta qua Chánh Niệm hơi thở này, thể nhập vào tự tánh Chân Như, gắn kết với mười phương Chư Phật, thắp sáng đuốc tuệ và khai mở lòng từ bi, quán chiếu các pháp vô thường sanh – diệt đang xảy ra trong thân tâm của chúng ta từng giây phút. Luôn luôn nghĩ tới những người yêu thương như các đấng bậc sinh thành, gia đình, cộng đồng, xã hội, mọi chúng sanh. Chúng ta đồng hồi hướng tới muôn người ân điển từ bi của Chư Phật.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật!

Các bạn thân mến! Ngày hôm nay và trong tuần này, trên toàn thế giới, người theo đạo Phật đều kỷ niệm về ngày Chuyển Pháp Luân bài Pháp Luân đầu tiên Đức Phật giảng dạy tại Vườn Nai cho năm anh em Kiều Trần Như về Bốn Sự Thật của cuộc đời con người. Trong tinh thần ngày Đức Phật khai thị bài pháp đầu, một bài pháp mà là cốt lõi của suốt con đường đi hoằng truyền giáo pháp của Đức Phật trong 45 năm, Ngài đã dùng Bốn Điều Sự Thật này nhắc nhở cho chúng sanh, đó là chân lý của Tứ Thánh Đế, chân lý của Khổ, của Tập tức là nguyên nhân tạo ra Khổ, Diệt tức là Niết Bàn, sự tự tại, sự hạnh phúc. Có khổ, có hạnh phúc và cuối cùng là con đường Đạo là Bát Chánh Đạo, tám con đường tu luyện hàng ngày của chúng ta. Để chúng ta có thể chuyển hóa khổ đau, truy tìm ra nguyên nhân tạo khổ để chứng đắc được Niết Bàn tại thế trong cuộc đời.

Là những người sinh trong thời kỳ mà nhiều sự rắc rối, rối loạn từ muôn hình vạn trạng do bàn tay con người, thế lực của con người tạo ra, làm thay đổi muôn sự tự nhiên, lẽ phải, chân lý để mong cầu đạt được những sự ham muốn Tham – Sân – Si của chính mình, thì rất cần thiết trong thời đại này, ta phải chuyên chú vào Bốn Sự Thật trong bài pháp đầu tiên Đức Phật dạy. Nếu không hiểu được chân lý Bốn Sự Thật của Tứ Thánh Đế, chúng ta dù có tu pháp môn nào, dù có đọc Kinh tới đâu, dù có theo trường phái Phật giáo Đại Thừa, Nguyên Thuỷ hoặc là Mật Thừa, Tịnh Độ, Thiền Tông, tất cả, tất cả cũng trở thành vô ích nếu không nắm rõ được vấn đề này. Những điều siêu mầu nhất thường là những điều đầu tiên Đức Phật khai thị. Bài pháp đầu tiên là chìa khóa để giải thoát khỏi luân hồi, những năm sau là Ngài diễn giải chìa khoá đó làm sao để ứng dụng với từng căn cơ, nghiệp thức, trí tuệ của từng người, từng vùng, từng miền, từng dân tộc, từng quốc độ, từng phong tục tập quán, ngôn ngữ.

Các bạn! Một trong Bốn Điều Sự Thật đó là Khổ và một trong sự khổ hôm nay chúng ta nói tới đó là Sinh – Lão – Bệnh – Tử. Và một cái trong Sinh – Lão – Bệnh – Tử nói đến, đó là sự chết. Sự chết, Tử là chết, đúng như chủ đề các bạn gửi về: “Không Thể Trốn Tránh”. Sự chết có mặt mọi nơi, nó xảy ra mọi lúc, mọi thời gian trong cuộc đời, ai cũng thường nhìn thấy nhưng mấy ai có được khái niệm sâu sắc rằng sự chết không ai có thể trốn tránh được. Từ những bậc vua cho tới thứ dân, người giàu đến kẻ ăn xin bên vệ đường, từ những loài hoang thú, cỏ cây, muôn sự ở đời ta thấy, ta chạm, ta cảm được đều phải chết và cái kết của muôn sự sống là cái chết, chẳng ai trốn tránh được. Đức Phật cũng phải thị hiện qua cái chết. Các vị Thánh Tăng thời xưa cũng phải thị tịch qua cõi chết. Các vị Bồ Tát không có khác. Các vị hoà thượng, thượng toạ, các vị đại đức, Ni sư tôn kính tới hàng Phật tử cũng như quý vị không phải là Phật tử mà chỉ là con người sống trên hành tinh này từ muôn thuở của những ngàn năm xưa mà ta không thể biết được cho tới mãi mãi suốt cuộc đời hành tinh này còn tồn tại thì sự sống của con người và muôn loài không ai và không một loài nào có thể trốn tránh được sự chết. Không ai trốn tránh được!

Trong Kinh Pháp Cú Đức Phật dạy, dù trốn lên trên trời hay vào trong hang động sâu, trong núi thẳm hay trốn xuống vùng thật sâu đáy biển dưới lòng đất, phương trên phương dưới, Đông – Tây – Nam – Bắc, mười phương tám hướng, chỗ nào cũng vậy, ẩn dật, ẩn hình, trú ngụ ở nơi không ai mà ta nghĩ rằng có thể tới được thì cũng không thể trốn tránh được sự chết. Chúng ta biết được không thể trốn tránh mà sao chúng ta không dám trực diện? Phật giáo, đặc biệt Đức Phật khai thị, sự chết không phải là điều đáng sợ để chúng ta mặt mày ủ rũ, sầu muộn, buồn để ngồi đó chờ chết mà không làm một việc gì đó chuẩn bị cho sự chết đang tới.

Bảo Thành kể về một chuyện thật, rất thật, rất trung thực để nói về sự chết có đáng sợ hay không và người tu phải như thế nào để sự chết trở thành một tòa sen bước lên, tọa ở trong đó, hưởng được phúc lạc hiện tại. Và ngày ngồi tọa thiền cho tòa sen khai mở, ta tiếp cận được với trí tuệ của Chư Phật và hiển lộ được tánh Phật không phải lúc đó mà ngay từ bây giờ.

Ngày hôm qua, Bảo Thành cùng Sư cô Bảo Cơ vào buổi chiều đi tới viếng thăm một bác Phật tử mà Bảo Thành đã có phước đức, nhân duyên hội kiến làm việc, sinh hoạt trong Phật Pháp gần 20 năm qua từ khi đi tới thường trú nơi mảnh đất gọi là Tổ Đình Chùa Xá Lợi cho tới ngày hôm nay. Bác đã lớn tuổi. Trở về những năm tháng xưa, hình ảnh sâu đậm nhất về bác mà Bảo Thành còn nhớ mãi đó là vào một buổi chiều khi trời mưa thật lớn, một nhóm Phật tử khi đó chỉ tụng Kinh trong một mái nhà của chuồng bò nơi đây, khi bước ra khỏi chuồng bò, mưa tầm tã, bác đưa cho Bảo Thành một mớ dù che mưa và nói rằng: “Thầy ơi! Tặng thầy những cây dù này để tránh mưa, tránh nắng cho Thầy và cho Phật tử”. Nhìn những cây dù thật nhỏ gọn gấp vào, trong lòng vui lắm. Bởi có lẽ nhờ những cây dù này, mưa kia sẽ không làm ướt, nắng kia sẽ không làm cho nhức đầu và Phật tử lui tới cũng có cái che, cái đậy khi trời mưa, trời nắng. Rồi bác và Bảo Thành cứ thế sinh hoạt trong chùa, chẳng nói nhiều đâu. Chẳng nói nhiều!

Lúc đó bác độ khoảng chừng 50 mấy gần 60 tuổi, bác thường xuyên tới chùa, chẳng nói gì, lễ Phật xong là bác tìm những xe cắt cỏ, ngồi lên đó một mình cặm cụi cắt cỏ hàng tuần, nhờ vậy mà cỏ trong sân chùa được gọn gàng, xanh, tươi, đẹp và được dọn dẹp rác rưởi. Vào những buổi lễ Phật, bác thường gõ mõ, gõ chuông, bác thường ngồi đó tụng niệm Kinh một cách nhẹ nhàng, khuôn mặt lúc nào cũng tươi vui, trầm tĩnh, chẳng thắc mắc, chẳng hỏi và cũng chẳng nói nhiều. Muôn việc trong chùa công quả với tâm thật nhẹ nhàng, chuyện gì cần, bác tự động biết và khởi tâm ý làm việc một cách thật hoan hỷ. Thời gian trôi qua cho tới một hôm bác bị đụng xe, những người con của bác phát hiện bác tuổi đã lớn, chân tay đã run, chẳng thể lái xe tới chùa được nữa. Và thế là cách đây ba năm, bác không thường xuyên tới chùa.

Sư cô Bảo Cơ và Bảo Thành lâu lâu ghé thăm bác. Thỉnh thoảng đứa con của bác chở bác tới chùa để lễ Phật, nhưng có lẽ cuộc sống ở Mỹ, những người con cũng bận rộn công việc, cho nên thưa dần thưa dần và bác chẳng thể tới chùa.

Các bạn thân mến! Vào khoảng bốn ngày trước, Bảo Thành nghe được một cú điện thoại của người con của bác gọi vào nói với Sư cô Bảo Cơ và Bảo Thành rằng bác đã bị bệnh ung thư máu giai đoạn cuối tái phát quá nhanh, quá mạnh, bây giờ đang nằm ở nhà thương đặc biệt, chờ một vài ngày nữa sẽ đưa về nhà tịnh dưỡng chờ ngày ra đi. Nghe thấy như vậy, Bảo Thành thấy bàng hoàng. Bởi vì tình người mà, khi trực diện với sự chết, người xuất gia như Bảo Thành luôn luôn nhớ nhắc nhở mình phải tỉnh giác, và từ đó luôn luôn hồi hướng, cầu nguyện cho tất cả hàng Phật tử tại gia và muôn người khi trực diện với sự thật không thể trốn tránh là sự chết phải luôn luôn tỉnh, sống một đời sống tỉnh giác.

Hôm qua Bảo Thành và Sư cô tới thăm bác, mặt của bác vẫn tươi cười, ánh mắt, nụ cười, lời nói của bác sang sáng làm gợi nhớ về một chuỗi kỷ niệm gần 20 năm thành lập chùa mà bác đã làm việc công quả cống hiến tịnh tài, tịnh vật, trí lực và đạo lực nơi miền đất Tổ Đình Chùa Xá Lợi này.

Thông thường tới thăm người bệnh, truyền thống Phật giáo của chúng ta là tụng một thời Kinh cầu an để cho bệnh nhân được an trú trong tiếng Kinh tiếng kệ, trở về với nguồn cội của tánh Phật. Nhưng hôm qua, Bảo Thành không tụng Kinh cũng không niệm Phật bởi vì biết được bác có tâm tỉnh giác từ ngay thuở tới chùa hồi xưa cho tới bây giờ. Giây phút ngồi đối diện, nhìn trong ánh mắt long lanh sáng ngời của bác, Bảo Thành nói với bác như vầy: “Những câu hỏi trong Kinh thường dạy về Đức Phật ngày cuối về thăm vua cha, cha của Phật tức là vua Tịnh Phạn lúc đó đang chuẩn bị chết, hấp hối. Đức Phật chỉ hỏi vua Tịnh Phạn rằng tâm thái như thế nào và giảng bài nghiêng về bên phải hoặc nghiêng về bên trái thì khi chết ta sẽ sanh về bên phải hoặc là bên trái. Rồi hướng dẫn cho cha của mình là nương vào Chánh Niệm hơi thở theo thiện nghiệp mà tái sanh. Phật chẳng nghĩ mình là Phật về thăm cha trong lúc chết mà tụng cả một thời Kinh từ sáng đến tối, ngắn hoặc dài để cầu an cho cha là vua Tịnh Phạn. Ngài chỉ ngồi đó trong sự an lạc và từ bi, nhắc nhở cho vua cha Chánh Niệm, hướng tới điều thiện, tái sanh cảnh lành”. Và hôm qua Bảo Thành cũng mượn những lời dạy của Phật mà hỏi bác là: “Bác có cần nói một điều gì trong phút cuối gặp thầy hay không?”. Bác mỉm cười và nói rằng: “Không còn gì để nói”, nhưng cười thật tươi.

Câu hỏi thứ hai Bảo Thành lại hỏi: “Tâm của bác đã rỗng lặng và chẳng còn gì phải không?”.

Bác trả lời: “Tâm đã rỗng, chẳng còn gì, rỗng lắm rồi”. Thinh không rỗng lặng!

Bảo Thành lại hỏi: “Bác có còn chút phiền não gì không?”.

Bác cười và nói: “Hạnh phúc và lành thay, chẳng có chút gì phiền não”.

Bảo Thành lại hỏi: “Vậy bác có còn có chút chướng ngại gì cần phải nói để giải tỏa phút cuối không?”.

Bác nói: “Chẳng còn gì chướng ngại”.

Câu hỏi kế tiếp: “Vậy có còn điều gì làm cho bác phiền não, đau khổ muốn nhắn nhủ, nhắc nhở con cháu và thầy không?”.

Bác nói: “Đã không! Không có chướng ngại và chẳng có một điều gì quái ngại, cũng không có điều gì làm cho bác bị khủng bố”. Bác nói như vậy và bác nói một câu thật gọn theo lời dạy của Phật: “Tứ Đại Giai Không. Tới tay trắng, đi trắng tay. Thân này là giả” và bác cười sảng khoái nói một câu thật nhẹ: “Con đã sẵn sàng!”.

Và chỉ có như vậy chứ đâu cần cầu an, đọc Kinh, tụng niệm, trì chú, niệm Phật. Bởi suốt cuộc đời của bác là một chuỗi dài công hạnh thực tập, Pháp hành thực tập cho nên giây phút này là kết quả của sau một cuộc hành trình đã thực tập, và đây là bài thi cuối cùng để bước lên tòa sen. Tâm của bác đã được làm chủ. Sự hoan hỷ đã hiển lộ. Tâm thái tĩnh lặng, tỉnh giác ngay chỗ môi miệng, lời nói, ánh mắt và nụ cười của bác, ai cũng thấy rõ. Bác gái, các con của bác cùng đứng với Bảo Thành. Bác chẳng sợ một điều gì gọi là chết. Bảo Thành nói với bác: “Nếu như bây giờ chuẩn bị cho ngày cuối, bác có đóng góp ý kiến gì không?”. Bác ấy nói thật nhẹ: “Được! Ngày cuối của con chẳng cần gì rộn ràng Kinh kệ. Tổ chức thật gọn, thật ngắn, chẳng cần hòm, chỉ cần bỏ vào thùng giấy rồi thiêu, mang về chùa, 49 ngày xong rồi thì Thầy hoan hỷ xả bỏ đống tro cuối cùng của thân Tứ Đại này xuống dòng suối được gọi là suối Kim Cang trước cổng chùa”. Bảo Thành và bác đã đặt cho dòng suối đó là suối Kim Cang. Trong suốt, tự tánh Chân Như hiển lộ ngay giây phút đó. Bác muốn được thả tro bụi của cuộc đời Tứ Đại dưới dòng suối Kim Cang chảy mãi về biển Đông.

Các bạn thân mến! Câu chuyện kể sơ qua để nói rằng cốt lõi của con người là sự chết phải đi qua, là sự thật không thể trốn tránh, khác biệt là tâm thái chúng ta chuẩn bị như thế nào để sống cho đến khi chúng ta chết có được sự tỉnh giác như bác. Chẳng run sợ trước sự chết, biết rõ mình sẽ ra đi, chuẩn bị sẵn sàng bằng sự buông xả tất cả, chẳng lo âu, chẳng phiền muộn. Như trong Tâm Kinh Bát Nhã, Ngài Quán Thế Âm nói rằng “Tâm vô quái ngại”, đã được hỏi bác. “Tâm vô quái ngại cố”, đã được hỏi bác. “Tâm vô hữu khủng bố”, đã được hỏi bác. Bác trả lời: “Đều nhẹ nhàng, không có gì nữa, không rồi, rỗng rồi” và như vậy tức là bác đã “Viễn ly được điên đảo mộng tưởng”, sự chết tới như một ngưỡng cửa bước lên tòa sen của Niết Bàn tự tại an nhiên, chẳng phải là cửa tử đau đớn, rên xiết, sợ hãi, run sợ bởi sắp sửa mất cuộc sống nữa. Đây mới là chìa khóa để chúng ta tu tập!

Đã không trốn tránh được thì Đức Phật đã dạy cho chúng ta có một sự chuẩn rõ ràng, chẳng đợi đến chết, giây phút đó để thỉnh Sư thầy, Sư cô, các bậc hòa thượng, thượng tọa, đại đức, Tăng Ni, giáo đoàn này, giáo đoàn kia tới để cầu an. Mà cầu an chính là từng giây từng phút sống Chánh Niệm trong đời sống. Để tâm an từng giây từng phút, quán chiếu mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, thấu rõ được Bốn Sự Thật, chân lý Đức Phật dạy là Khổ. Trong pháp quán chiếu vạn pháp đều vô thường, bám víu vào sẽ khổ và giả sử như bác bám víu vào sự sống, bác sẽ khổ vô cùng trong giây phút cuối này. Nhưng bác không khổ là bởi vì bác đã thấy được Tứ Đại Giai Không, tức là vô thường, duyên giả hợp nên bác không khổ. Mặc dù sự chết cận kề từng giây phút. Nằm trên giường bệnh biết rõ sự chết tới, không khổ bởi vô thường đã hiểu thông.

Các bạn! Trong mật ngôn số hai NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang giúp cho chúng ta thấu được cảnh luân hồi sanh tử, hiểu được Khổ là một trong Tứ Thánh Đế Đức Phật dạy, thấu được vô thường, Tứ Đại Giai Không để không còn bám víu, chấp trược vào, từ đó trong từng giây phút Chánh Niệm hơi thở sống đúng ý nghĩa để tâm tỉnh giác luôn hiện diện trong cuộc đời. Chánh Niệm là tỉnh giác. Chỉ cần Chánh Niệm được là bạn đã tỉnh giác từng giây phút, mà tỉnh giác tức là Phật hiện tiền. Chúng sanh mê, Phật là giác, ta sống Chánh Niệm là sống hiện diện với tâm Phật, là sống tiếp cận với Chư Phật, là sống an lạc và an vui. Chẳng cần phải sợ chết, chẳng cần phải trốn tránh, đó là sự hiển nhiên sẽ xảy ra và sẽ luôn luôn tới với muôn người. Phật dạy cho chúng ta quán chiếu Chánh Niệm hơi thở để nhìn xuyên suốt các pháp vô thường để không còn khổ. Bác ấy, một Phật tử lão thành nơi Chùa Xá Lợi đã thành tựu được sự an lạc và lời dặn dò trong phút cuối của bác thể hiện được cái tâm đã được làm chủ và sự liễu thông các pháp vô thường sanh – diệt, Tứ Đại Giai Không, chẳng gì lưu luyến. Tới nhẹ nhẹ như một cơn gió pháp, đi cũng nhẹ nhẹ như ánh hừng dương tỏa nắng của bậc giác ngộ che bóng cho chúng ta trong suốt cuộc đời.

Các bạn! Chúng ta hãy nhìn vào sự chết trong cuộc đời, đừng sợ mà hãy hãnh diện là ta sẽ chết và sự chết này luôn luôn tới với muôn người. Bởi vì điều hãnh diện đó có một nền tảng vững chắc nơi chính Đức Phật khai thị, dạy dỗ và nhắc nhở chúng ta thực tập hàng ngày đó là Chánh Niệm tỉnh giác. Chỉ cần Chánh Niệm tỉnh giác thôi các bạn! Chánh Niệm tỉnh giác, Chánh Niệm tỉnh giác và chỉ có vậy! Pháp môn nào cũng đưa chúng ta đi tới sự thành tựu của Chánh Niệm tỉnh giác. Dù là Đại Thừa, Nguyên Thuỷ, Mật Thừa, dù là pháp môn nào đi nữa thì cũng phải đưa tới sự Chánh Niệm tỉnh giác. Và để đạt được Chánh Niệm tỉnh giác, chúng ta hiểu được vô thường sanh – diệt từng sát na, quán chiếu, trải nghiệm, thấy thật trong cuộc sống nơi thân, nơi tâm, nơi muôn sự vật hiện diện trong cuộc đời, và phải quán chiếu để thấy được trong vô thường này, nếu không hiểu và cho nó thường hằng bất biến, tồn tại muôn thuở thì sẽ tạo ra cái khổ. Chấp thủ là nguyên nhân tạo ra khổ. Chấp vào thân này là có thật, tâm này là có thật ngã, mọi cảm xúc là có thật, nhà là có thật, xe là có thật, cuộc đời là có thật, vợ chồng là có thật, con cái là có thật, cho nên phút cuối sẽ đau khổ. Hoặc chẳng cần đến phút cuối mà trong mỗi ngày sinh hoạt, chúng ta sẽ bị tổn thương trong cái cho là thật khi nó chỉ là huyễn giả như lời bác nói, thầy nhắc lại lời của Kinh đó là “Tứ Đại Giai Không”.

Không thể trốn tránh sự chết! Sự chết không chừa một ai. Ở tại chùa đang trong nghi thức cầu siêu 49 ngày cho một em bé mới bốn tháng. Sự chết tới với cả trẻ thơ, thậm chí chưa sinh đã chết. Em mới bốn tháng. Cha mẹ của em kể cho Bảo Thành, ông bà của em kể cho Bảo Thành là cháu nó kháu khỉnh, đẹp, nhẹ nhàng, tươi. Ai ôm, ẵm, cháu nó cũng cười, nói, nhưng mà rồi chỉ một giấc ngủ trưa và rồi ra đi, chẳng một chứng bệnh, chẳng một đau đớn. Chỉ một giấc ngủ ban trưa và đã ra đi mãi mãi.

Không thể trốn tránh sự chết! Đức Phật dạy lấy sự chết quán chiếu, và sự chết là một trong Bốn Sự Thật của cái Khổ: Sinh – Lão – Bệnh – Tử, Tử là khổ, là chết. Nhưng nếu hiểu được vô thường sanh – diệt thì cái chết này không còn tạo ra khổ mà cái chết là động lực để chúng ta vun trồng Pháp Thiện trong từng giây phút của cuộc sống. Chẳng phải là để đánh bóng Phật giáo mà để xiển dương hiển lộ lẽ thật nơi Phật tánh vốn đang có trong mỗi người chúng ta.

Các bạn! Không thể tránh và không thể trốn, hãy trực diện với muôn điều chết từng ngày trong cuộc sống, chẳng phải chỉ sự chết mà còn là chết về tình, những mối tình cảm giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái, cộng đồng, xã hội chết dần chết dần bởi những tạo tác của quy luật duyên khởi tới rồi đi, sanh rồi tự diệt. Chết trong nền kinh tế, trong công ăn việc làm, từng thứ, từng thứ, chết về sự già nua. Ngay cả xe cộ cũng già nua rồi nó cũng chết, nó tắt máy, cây cối nó cũng héo úa, già nua nó chết. Muôn sự chết cứ hiển bày trước mặt, không trốn tránh thì không có gì phải sợ, hãy nhìn thật rõ đó là bài dạy đầu tiên Đức Phật dạy về Khổ: Sinh – Lão – Bệnh – Tử, năm anh em Kiều Trần Như nghe qua một cái liễu thông, giác ngộ, chứng đắc. Chúng ta phải quán chiếu để có được sự chứng đắc. Chứng đắc ở đây không phải là thành Thánh, thành A La Hán mà chứng đắc được sự an lạc khi nhìn rõ và thấu được sự chết như bác Phật tử kia. Bác thật sự đã chứng đắc. Chứng đắc ở đây không phải bác trở thành Bồ Tát, Thánh Hiền hay thành Phật mà bác đã thành tựu được sự làm chủ tâm ngay trong giờ phút đang đối diện với sự chết và tin chắc trong giờ lâm chung bác thật là tỉnh. Bác chẳng cần tiếng Kinh tiếng kệ, lời giáo dưỡng của Phật bởi vì cả cuộc đời bác đã tụng Kinh, bác đã hiểu Kinh, bác đã nhớ lời giáo dưỡng của Phật và bác đã mang vào thực hành, cho nên từng hơi thở thật ngắn, thật vụn vặt chẳng còn như xưa, vẫn là tiếng Kinh tiếng kệ, giáo lý chân truyền của Phật lưu chuyển trong thân xác của kiếp người vẫn còn tại thế trong giờ phút cuối. Chẳng đợi đến phút cuối để Kinh kệ rình rang, máy dĩa bật lên, niệm Phật inh ỏi để rồi chuông mõ. Không!

Đức Phật dạy cho chúng ta tu là làm chủ tâm và để làm chủ được tâm phải hiểu rõ được vô thường, hiểu rõ được vô thường thì sẽ hết khổ. Chết là một trong những con đường tạo ra khổ thật nhiều, không những người chết mà cho những người còn sống. Nếu chúng ta quán chiếu thì khi đối diện với người thân ra đi, ta hạnh phúc vô cùng. Và nếu như chúng ta thực tập quán chiếu sự chết để thấu rõ được vô thường sanh – diệt, khổ chẳng có, thì khi ta chết, ta cũng hạnh phúc, tĩnh lặng trong êm ái, nhẹ nhàng, tràn đầy phước báu và phúc lạc cho ta để tái sanh theo cảnh thiện và cho những người trong gia đình thương yêu của chúng ta hiện diện trong sự hoan hỷ, chẳng nước mắt, chẳng rầu rĩ. Và đúng, ngày hôm qua, bác đã nói với Bảo Thành cùng các con cái sắp đặt những nghi thức gọn gàng, chẳng rườm rà, đi thẳng vào tâm tịch tĩnh và có một ngày, một ngày cuối, một ngày tiễn đưa trong sự an lạc thật gọn, chẳng màu sắc, hoa trái, hòm, chuông, mõ mà chỉ cần giữ tâm ý thanh tịnh, nhớ về một chân lý Đức Phật dạy đó là chết là khổ, thấy vô thường, Tứ Đại Giai Không, lòng luôn hoan hỷ, Chánh Niệm từng giây, sống ngay bây giờ, tại đây và mỗi một giây phút dù sự chết có tới thì tâm của bác vẫn còn sống, không bao giờ chết bởi tâm đó, tâm được làm chủ, tâm được làm chủ là tâm Phật, mà tâm Phật là bất sanh – diệt, bất cấu – tịnh, bất tăng – giảm thì có gì gọi là chết đâu. Bác không chết và mãi mãi không chết bởi tâm bác đã làm chủ.

Các bạn không thể trốn tránh sự thật là cái chết nhưng nếu chúng ta tu tập thật sự, Chánh Niệm hơi thở, tâm được làm chủ thì chúng ta sẽ không bao giờ chết bởi chúng ta thể nhập vào thể tánh của Phật, thể tánh ấy bất sanh – diệt, bất cấu – tịnh, bất tăng – giảm, thể tánh thấu và hiểu để buông xả toàn thể cuộc sống của con người. Thân xác này, kiếp sống này, vật chất ta có được, tình cảm ta có được, cảm xúc ta tương tác, hiểu thấu nó là Không, nó là Tứ Đại Giai Không, nó là Vô Thường, nó là Vô Ngã, có gì bám víu đâu, cho nên có gì gọi là Khổ, có gì gọi là Sanh, có gì gọi là Tử, có gì gọi là Diệt, có gì gọi là Bệnh, là Già đâu. Tâm Kinh Bát Nhã nói rõ, mật ngôn thứ hai NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang Chánh Niệm hơi thở sẽ giúp cho các bạn và Bảo Thành liễu thông được chân lý này rõ hơn để sống hạnh phúc. Sống hạnh phúc và mang kiếp người này thành tựu được pháp an lạc. Sống hạnh phúc bởi ta Chánh Niệm để làm chủ được tâm, tâm không phóng dật, tâm không buông lung, tâm được làm chủ. Nếu mỗi người chúng ta ý thức được điều này, đi vào sự thực tập thì muôn sự khổ ở đời của các bạn sẽ dần dần giảm đi và hạnh phúc sẽ tới. Bởi khổ không có, phước tăng trưởng theo công hạnh Chánh Niệm hơi thở thì những điều xui xẻo, những điều tai họa chẳng có cửa để đi vào cuộc đời của các bạn. Không những cho bạn mà còn cho gia đình, cho mọi người thân. Khổ, tai hoạ không bao giờ ghé tới. Dù cho vòng xoay của Sinh – Lão – Bệnh – Tử cứ xoay vần từng khắc từng khắc, bạn nhìn thấy như âm thanh tích tắc của đồng hồ, chẳng một chút mủi lòng đau khổ mà hạnh phúc vô cùng bởi tích tắc của âm thanh thời gian trôi qua là từng Chánh Niệm hơi thở đưa ta đến thể nhập vào Chân Như tự tánh sự tỉnh giác.

Chúng ta cần phải tu Chánh Niệm hơi thở NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, quán chiếu Tam Pháp Ấn: Vô Thường, Khổ, Vô Ngã để thành tựu được Niết Bàn tại thế. Các bạn! Trong mật ngôn này dạy cho chúng ta toàn bộ Tánh Biết của Lăng Nghiêm thẩm thấu vào như giọt nước, chẳng cần phải diễn giải trong nước có gì, chỉ cần tưới nước vào hạt giống, hạt giống thấm được nước là hạt giống nảy mầm. Phân tích dài dòng văn tự dày cộm như vậy chẳng có lợi ích gì. Chỉ cần đổ vào từng giọt nước của Tánh Biết vào trong tất cả những cảm xúc, trạng thái của đời sống con người thì liền thẩm nhập được chân lý của Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Để chúng ta không còn quái ngại, không còn chướng ngại, không còn bị khủng bố để mỗi người chúng ta làm chủ được tâm, viễn ly được tất cả những mộng tưởng điên đảo của cuộc đời, theo chân ba đời Chư Phật thành tựu được sự an lạc ngay trong cuộc sống.

Thế giới ngày nay đương đầu với muôn sự sợ hãi, cái chết kề cận khắp nơi, đại dịch lan tràn, lòng người hoảng loạn. Hãy tĩnh tâm thể nhập vào trong Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, Tứ Đại Giai Không để thể nhập vào Phật tánh Chân Như qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Để dù cho trời có sập xuống, sự chết có cận kề như bác Phật tử kia, miệng vẫn tươi vẫn cười, mặt vẫn sáng, ánh mắt vẫn long lanh, tình thương vẫn tràn đầy. Biết tới cuộc đời này và biết sắp xếp cho mình ở giây phút chuyển nghiệp ra đi, tái sanh cảnh thiện lành.

Các bạn! Không thể trốn tránh! Hãy thực tập Chánh Niệm để an vui ngay bây giờ, đừng đợi đến phút cuối để cầu cạnh ai đó tụng Kinh cầu an hồi hướng cho ta. Từng giây phút Chánh Niệm tu tập là từng giây phút ta đang cầu an cho chính mình. Từng giây phút Chánh Niệm hơi thở là từng giây phút ta đang cầu siêu cho chính mình. Từng giây phút Chánh Niệm hơi thở không những là cầu an, cầu siêu mà ta đang xây dựng từng nấc thang để bước lên cảnh giới Niết Bàn an nhiên tự tại để thể nhập vào tòa Chân Như, Pháp Bảo của Như Lai, tòa sen không nhiễm hôi mùi sình lầy của Ngũ dục, của Tam độc.

Hãy đặt bàn tay phải Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái Từ Bi, chúng ta cùng vận hành bảy biến vi diệu âm Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Thưa Phật! Kỷ niệm ngày Chuyển Pháp Luân trong năm 2021, chúng con cùng nhắc nhở nhau về một sự thật Phật đã dạy, đó là sự chết, không ai có thể trốn tránh được. Nay hiện diện trước ba ngôi Tam Bảo, thực tập Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu Tam Pháp Ấn: Vô Thường, Khổ, Vô Ngã qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, chúng con nguyện xin Chư Phật mười phương gia trì để chúng con có đầy đủ trí tuệ quán chiếu thấy rõ, thấu để buông, để xả, để làm chủ tâm trong trạng thái Chánh Niệm. Để an trú trong sự an lạc từng giây từng phút và thấu rõ sự chết là ngưỡng cửa bước vào Niết Bàn, chẳng run sợ, chẳng đau khổ.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy cùng hồi hướng.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu này tới muôn loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn