Hồng Nghĩa bút ký, Bảo Phước biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!
Giờ đồng tu đã tới, mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài chúng con và gia trì cho chúng con có đầy đủ trí tuệ quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn. Chúng con cũng nguyện xin trong sự đồng tu này, hồi hướng cho quê hương Việt Nam và tất cả những nước Á Đông đang bị đại dịch có đầy đủ phước báu, dịch bệnh chóng qua, muôn người an hòa, hạnh phúc. Xin Chư Phật chứng minh.
Chúng ta hãy đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, Trí Tuệ và Từ Bi.
Hãy trở về với hơi thở Chánh Niệm, hãy luôn luôn quán tưởng lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi làm nhiên liệu thắp sáng trí tuệ của chúng ta. Từng hơi thở vào ra, trì mật ngôn Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, mỗi một người chúng ta sẽ đón được thật nhiều năng lượng, hãy để cho năng lượng chuyển vào thân tâm, dùng tánh biết quán chiếu thật rõ, nhìn thật sâu để thấu.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Các bạn! Đức Phật luôn nhắc nhở cho chúng ta từ những ngày đầu khi Đức Phật giáo hóa chúng sanh tại Vườn Nai, thuyết pháp Tứ Thánh Đế cho 05 anh em Kiều Trần Như, cho tới phút cuối, hơi thở chẳng còn thì Ngài vẫn luôn luôn lấy trí tuệ và từ bi là con đường để tiếp cận với chúng sanh. Trong suốt chiều dài của 45 năm trời tại thế, từng lời của Đức Phật dạy, từng bước chân an lạc của Đức Phật đặt xuống nơi nào thì ở đó, ngôi lời của Đức Phật biến thành trí tuệ, bước chân an lạc của Ngài lan tỏa từ bi, chúng sanh bớt khổ, bớt phiền não, chúng sanh có được tánh thấy nhìn xuyên suốt để chuyển hóa mọi khổ đau và phiền não.
Chúng sanh thời Đức Phật có đầy đủ phước báu kề cận với Đức Phật để nghe giảng, xa thì cũng cảm ứng được với năng lượng của Chư Phật, nhưng không phải thời đó, ai ai cũng có cơ hội lĩnh hội được những điều huyền nhiệm của Chư Phật để tu luyện thấy rõ thực tướng của các pháp vô thường sanh – diệt, khổ. Hầu hết, chỉ có những ai đó có đầy đủ phước phần, có đầy đủ phước báu và có lòng thành, chí nguyện hướng đến sự giải thoát thì lời của Đức Phật, sự hiện diện của Đức Phật mới làm cho người đó dần dần nhận thức ra và dấn thân trên con đường chuyển khổ đau, phiền não thành tựu được hạnh phúc trong cuộc đời.
Với chủ đề “Đánh Mất Cơ Hội”, trong cuộc sống hiện tại thời nay, biết bao nhiêu sự phát triển rầm rộ, ngay cả trong ngôn ngữ nói chuyện ngày hôm nay, mỗi một ngày trôi qua, lại có những thể loại ngôn ngữ được ứng dụng bởi những tầng lớp trong xã hội. Có những ngôn ngữ mới, được sáng tạo ra cho những tầng lớp văn hoa, trí thức ứng dụng với nhau, cũng có những ngôn ngữ bình dân trao đổi bình thường trong cuộc sống của những người dân lao động. Ngôn ngữ là một nghệ thuật nằm trong phạm trù văn hóa, luôn luôn lưu chuyển, thay đổi phù hợp với cảm xúc và sự thể hiện con người của mỗi một thời đại, nó không cứng ngắc. Vẫn biết là có những thể loại ngôn ngữ luôn luôn làm khuôn, làm mẫu cho chúng ta ứng dụng, nhưng nó biến hóa. Cũng thể loại ngôn ngữ đó, cũng chữ viết đó, nhưng ý nghĩa khác lắm, tùy theo người thể hiện. Và đi vào cảm xúc của con người đa chiều như thế cho nên lời của Đức Phật đến với chúng sanh không cứng ngắc, rập khuôn mà luôn luôn phù hợp với căn duyên, sự hiểu biết, trí tuệ và phước báu của từng chúng sanh. Để lời Phật, sự khai thị của Phật, những sự giáo dưỡng của Phật có lợi lạc cho chúng sanh đó. Chúng ta thường đi chùa, tụng thật nhiều Phẩm Phổ Môn nói về Ngài Quan Thế Âm, đều thấy hạnh nguyện của Đức Quan Thế Âm, hạnh nguyện của Ngài bao trùm tận hư không, hạnh nguyện đó thể hiện bằng lòng từ bi tầm thinh cứu khổ, cứu khổ chúng sanh trong mọi thế giới. Và để cứu khổ cho mọi chúng sanh, Ngài đã lấy năng lượng từ bi hóa hiện thành nhiều thân tướng ứng hóa cho phù hợp từng căn cơ, phước báu của chúng sanh, đồng hành, dẫn độ, khai thị. Ngài không rập khuôn, mang một mẫu hoặc một hình hài, thân tướng để đi tới với chúng sanh. Bởi vậy, ngay về hình hài của Mẹ Quan Thế Âm, mỗi một dân tộc ở Á Đông đều có một hình hài khác biệt do nhân duyên, phước báu mà Mẹ hiền Quan Âm ứng hiện thân ở nơi đó và có thật nhiều tên như Bạch Quan Thế Âm, Lục Quan Thế Âm. Hoặc chúng ta có thể nói tới sự hiện diện của Ngài Quan Âm qua nhiều hình tướng khác nhau. Có thể cần thì Ngài hóa hiện ra là một người phụ nữ để có thể giáo hóa chúng sanh. Nếu cần, Ngài cũng có thể hiện, hóa ra một quan thần, một vị vua, một Tỳ kheo, hoặc một vị Tỳ kheo Ni. Thực tế, Ngài hóa hiện muôn hình vạn trạng cho vừa với tầm nhìn của mọi chúng sanh để Ngài đi tới, mang tâm từ bi hiện diện ngay trong đời sống bình thường. Cho nên, cuộc sống của mỗi người chúng ta trên tinh thần Đại Thừa, tinh thần Bồ Tát Hạnh, hạnh Bồ Tát là hạnh cao cả của Đại Thừa và cũng vì Phẩm Phổ Môn nói rõ, dưới con mắt của Phàm phu chúng ta chỉ nhìn thấy những điều cần thiết cho sinh hoạt của cuộc sống cho nên ít có cơ hội để nhận ra sự hiện diện của Mẹ hiền Quan Âm gần gũi trong đời thường của mỗi người. Bởi trong tâm, hình ảnh của Ngài Quan Âm theo sự tưởng tượng phải là cao cả, phải quyền uy, phải từ bi, phải là từ trên trời giáng xuống, phải là thần thông, có sức mạnh chứ đâu ngờ rằng Mẹ hiền Quan Âm tới với loài người chúng ta bằng thân tướng của những con người có thể san sẻ tình thương và chuyển hóa khổ đau cho chúng ta bằng những phương tiện rất người.
Đánh mất cơ hội là có thật! Nói trong cuộc đời thôi, chúng ta đã đánh mất biết bao nhiêu cơ hội để thành tựu, để thành công. Nơi học đường, nhiều bạn bè cũng đánh mất cơ hội để có bằng cấp, học tới nơi tới chốn. Nơi xã hội, chúng ta đánh mất cơ hội thật nhiều để thành tựu công danh sự nghiệp, để có được cái này, có được cái kia. Trong cuộc sống, có biết bao điều ta đã đánh mất cơ hội để rồi phải lao đao vào cảnh lên voi xuống chó, có được mất không, hoàn toàn trắng tay tay trắng. Ai ai trong chúng ta đôi khi cũng than phiền với bản thân: “Thật là buồn! Chỉ sơ ý một cái là mất cơ hội”, mà người xưa nói: “Cơ hội ngàn năm một thuở”. Đúng! Cơ hội ngàn năm một thuở là cơ hội nói về thế giới vật chất mà chúng ta mong cầu thành tựu được, thế giới cần phải thu lượm kiến thức để thành tựu vật chất thì cơ hội tới, đôi khi cũng ngàn năm một thuở. Nhưng nói về cơ hội mà Đức Phật dạy cho chúng ta, tức là cơ hội để có thể đón nhận được lời giáo huấn của Phật để vượt qua luân hồi đau khổ thì thật khó bởi chỉ có mang thân người mới có đầy đủ phương tiện vi diệu để chúng ta tu tập để thoát khổ, thoát luân hồi. Mà Đức Phật nói rằng: “Có được thân người thật khó, thật là khó”. Thế nhưng, chúng ta đang là con người hiện hữu, chúng ta ít có khi nào suy nghĩ có được thân người như ngày hôm nay, đủ đầy căn lành, phước báu mà có khi nào chúng ta trân quý đâu. Để rồi chúng ta cứ lăn xả vào những điều làm hao mòn thân xác, tinh thần và sức khỏe, và cứ giơ tay vươn mãi đến những điều huyễn mộng của cuộc đời, vun đắp cho đầy túi tham của vật chất, của tài danh, của những điều mà không phải chỉ có Đức Phật đã chỉ, mà chúng ta nhận thấy thật rõ là không thể giữ và mang theo được. Những điều đó đều là hư ảo, chỉ có tồn tại trong thế giới mà khi chúng ta còn mang thân người, còn một mai thân người mất rồi thì bao nhiêu công sức cuộc đời chúng ta dồn vào để tìm, để giữ, để có cũng chẳng thể mang theo.
Đã bao nhiêu lần các bạn và Bảo Thành đã chứng kiến thực tế trong cuộc sống, một người nằm xuống, trắng tay tay trắng, như thuở ban đầu tới với trái đất này cũng tay trắng trắng tay. Chúng ta không nói như vậy để thấy rằng cuộc sống quá ủy mị, quá tiêu cực để rồi từ bỏ tất cả, nhưng nói như vậy để thấy được giá trị đích thực của đời sống con người không phải chỉ nằm trong giá trị của vật chất, vật lý mà là của tâm linh. Đời sống của con người có thể như cái cây, nếu như không có rễ bám sâu vào lòng đất thì chẳng có thể hút được tinh túy của trời đất mà tăng trưởng sự sống cho cây. Đời sống về vật chất, tinh thần, kiến thức làm người sẽ chẳng thể tồn tại nếu không có rễ tâm linh bám sâu vào cuộc đời, cung cấp những chất liệu vi diệu làm cho kiếp người trở thành hoàn mỹ hơn.
Các bạn! Chúng ta ít có khi nào nghĩ đến cái rễ tâm linh, gốc của đời sống con người là đời sống tâm linh. Đôi khi chúng ta cũng có nghĩ đến đời sống tâm linh hài hòa với đời sống của kiếp người, nhưng cũng chỉ như cái cây trơ trọi trên đất mà chẳng bao giờ chăm sóc, tưới tẩm thì dù cây có rễ, cuộc đời có đời sống tâm linh thì cũng nằm sơ sài trên bề mặt của hình tướng, chưa có sâu sắc đi vào sự thực hành viên thông để thẩm thấu. Nghĩa là chúng ta không chịu tưới tẩm, như người trồng cây có rễ, có cây mà chẳng chịu tưới, cây khô, cây chết. Đời sống tâm linh của chúng ta nếu như chỉ chạy đuổi theo những phong trào của những khóa tu, những thời tụng Kinh hoặc chạy theo những phong trào của những thể loại ngôn ngữ hấp dẫn lôi kéo thì chẳng khác gì như trồng cây mà không tưới, một cơn nắng hạn đi qua, cây chết ngay. Một sự thử thách ập tới, đời sống tâm linh liền lìa bỏ, bám víu theo mê tín dị đoan.
Nói về đời sống tâm linh để mỗi một người chúng ta không đánh mất cơ hội mang thân người hiện trong kiếp này thì chúng ta cần phải tu tập. Tu tập là một tạo tác rất quan trọng như hành động của người trồng cây biết tưới tẩm. Đời sống tâm linh là cốt, là gốc, là rễ của cây, đời sống của con người là hoa lá thể hiện qua phước báu. Nhìn một cái cây xanh lá, trổ bông, kết trái, nhìn một cuộc đời đầy đủ phước báu, thành tựu được vật chất, danh vọng, địa vị đúng khuôn mẫu của tinh thần nhân quả, thấu triệt được tinh thần vô ngã và vô thường để không khổ thì đúng là người đó đã có gốc rễ tâm linh vững chắc và thường xuyên được chăm sóc, tưới tẩm bằng công hạnh tu luyện.
Các bạn! Mang thân người khó lắm. “Đánh mất cơ hội trong kiếp này, rồi kiếp sau, đời đời lăn trôi cho đến bao giờ chúng ta mới có cơ hội để thành người nữa?” Đây là câu hỏi mà mỗi người phải tự hỏi. Phật dạy thật khó, thật khó, khó vô cùng để có được thân người nên khi chúng ta có được thân người, chúng ta đừng coi thường, chúng ta đừng bỏ mặc để mất đi cơ hội tiến lên một bước hoàn thiện cuộc sống cho vững chãi bằng đời sống tâm linh được tu luyện, bằng đời sống mà tâm của chúng ta được thực hành giáo lý của Phật để được làm chủ tâm, để từ đó tâm quán chiếu thấy được muôn pháp hiện hữu trong cuộc đời vô thường sanh – diệt và nếu nắm giữ, ôm ấp nó, ta sẽ tạo ra muôn trùng khổ đau, và thấy được cuộc đời ta đây và muôn pháp đều là vô ngã, không có một chủ ngã nào để cho ta nương nhờ, dựa dẫm vào. Nếu cứ bám vào một chủ ngã để cầu cạnh hoặc tự ngã để xưng hô, ta tạo ra khổ cho chính mình. Đừng để mất cơ hội làm người bởi kiếp sau chẳng ai có thể biết được mình sẽ làm người được nữa hay không.
Phật dạy thật là khó, thật là khó! Để làm con người và để mang thân kiếp con người khó còn hơn con rùa mù ở dưới sông một ngàn năm trồi lên một lần mà chui vào được bọng cây đang trôi trên dòng sông. Các bạn cứ tưởng tượng như trong Kinh nói: “Như con rùa mù ngàn năm mới trồi lên trên mặt nước một lần và chui được vào bọng cây đang trôi trên dòng sông”. Có bao nhiêu cơ hội để con rùa mù ngàn năm mới trồi lên trên mặt nước một lần và chui được vào bọng cây, đó là bấy nhiêu cơ hội mà các bạn có thể được làm người. Khó, khó vô cùng! Thật khó cho con rùa mù ngàn năm mới trồi lên trên mặt nước một lần mà phải tìm, chui được vào bọng cây cũng đang lênh đênh trên mặt nước, và thật khó cho chúng ta, vô lượng kiếp luân hồi sanh tử mới có đầy đủ phước báu mang được thân người. Đừng đánh mất cơ hội mang thân người trong kiếp này để rồi trong vô lượng kiếp nữa, trầm luân đau khổ, chẳng thể có được thân người nữa đâu. Do vậy, đừng đánh mất cơ hội thành tựu Pháp Bảo. Có được thân người là thấy được sự hiện hữu Phật tánh ở trong ta, có được thân người là có được cơ hội tiếp cận với Phật tánh, có được thân người là có được cơ hội để thành Phật.
Nếu các bạn nhìn cho kỹ, các bạn sẽ trân quý kiếp người này vô cùng, và từ đó quán chiếu cảnh giới vô thường theo mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để mình thấy rằng trong một đời sống vô thường sanh – diệt tới lui từng giây phút, chẳng ai biết được ngày sau, giờ sau, giây phút sau sẽ ra sao. Để chúng ta biết trân quý, ứng dụng lời Đức Phật dạy, giữ đúng năm giới một cách trọn vẹn, tin sâu vào ba ngôi Tam Bảo: Phật – Pháp – Tăng và mang công hạnh hành trì, niệm Phật, trì chú, tịnh tâm quán chiếu cho thật rõ từng giây phút, tích lũy phước báu để thân người hiện tại là cơ hội mà chúng ta thành Phật một cách nhanh chóng, dễ dàng nhất, không tuột khỏi tầm tay trong kiếp này.
Các bạn! Đạo Phật, ngoài vấn đề hiểu biết sơ qua về những ngôn ngữ, về những giáo lý, về Kinh điển nghiên cứu, về lời truyền dạy của các bậc thượng tọa, đại đức, Tăng, Ni hay các Chư vị hòa thượng, Chư Tổ thì cốt lõi là cái rễ cây của đời sống tâm linh có bám sâu vào những chân lý, những lời giáo dưỡng của Phật và hút vào trong thân tâm để bổ dưỡng, nuôi dưỡng thân tâm của ta hay không? Nghĩa là ta phải ứng dụng, thực hành chứ không phải là sự hiểu biết, nói suông, phải ứng dụng được.
Nếu nói hay thì ta không nói hay bằng máy, nếu nhớ thì không nhớ bằng Google có đầy đủ thông tin, dữ liệu. Nhưng dù có ôm cả Tam Tạng Đại Kinh ở trong máy, máy chẳng thể thành Phật. Đức Phật dạy, dù một lời, một câu mà mỗi người chúng ta hiểu thấu, ứng dụng và hành được trong cuộc sống thì ta đã thành tựu được Pháp Bảo an lạc và hạnh phúc, Niết Bàn đang hiện diện trong cuộc đời. Cho nên, mỗi người chúng ta phải đặt sự chú trọng mỗi một ngày trong đời sống này là cần phải thực hành giáo lý của Phật, ứng dụng vào trong đời sống nơi mối quan hệ giữa người với người.
Thông thường, ngồi ngay trong chùa, đọc thời Kinh, ta hiểu thấu, ta ứng dụng được ngay ở nơi chùa, nhưng khi va chạm trong cuộc đời, tánh sân trỗi dậy ngay. Không phải chỉ có Phật tử mà các bậc xuất gia là Tăng, là Ni, dù tuổi hạ lạp đã cao nhưng trong giáo lý của nhà Phật, họ viên thông, liễu nghĩa, giảng nhiều lắm, hay lắm, thông lắm, mà khi đụng chuyện ở đời thì vẫn sân si như mọi người, huống hồ chi là Phật tử tại gia chúng ta. Nếu học giáo lý của nhà Phật mà chỉ như nước sơn sơn ở vỏ bên ngoài thì chẳng như ông bà đã nói: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Giáo lý của Phật chẳng phải là son phấn để sơn phết, tô điểm, mà là sự thực hành cần phải có để mang lại hạnh phúc và bình an.
Tại sao các bạn và Bảo Thành cứ đau khổ, cứ gặp trắc trở, cứ gặp oan gia trái chủ? Tại sao các bạn và Bảo Thành cứ gặp thất bại, phiền não, đắng cay? Tại sao các bạn và Bảo Thành trong đời sống cứ bấp bênh và biết bao nhiêu sự không may xảy tới? Tại sao các bạn và Bảo Thành lại thiếu thốn phước báu như thế? Chính là bởi vì các bạn và Bảo Thành không thường xuyên miên mật tu tập mà chỉ lấy giáo lý của Đức Phật như những gì được gọi là cao đẹp bằng ngôn ngữ để thể hiện như son phấn tô điểm cho cuộc đời mà chẳng thẩm vào trong tâm qua Pháp hành để mang lại lợi lạc.
Thời xưa, thời nay và mãi mãi, con người vẫn thích mang những chân lý đẹp ra để nói, để khoe, để trang điểm cho kiến thức của mình nhưng chẳng ai dày công tập luyện, tu. Từ đó, lời bác ái vẫn nói, lời từ bi vẫn nói, nhưng khi xảy ra chuyện thì chân tay như hổ mang, rắn rết, phun độc, cắn vào người có thể gây thiệt hại cho sinh mạng người khác.
Có những vị thực sự tu, Kinh điển hay, tán tụng lời Phật, khuyến tu mọi người phải như này, phải như kia nhưng đụng chuyện thì nơi miệng họ tuôn ra biết bao nhiêu những ngôn ngữ thô ác, khi đụng chuyện thì bàn tay họ múa dao, múa kiếm trên những nét chữ giết hại con người bằng tâm phóng dật, vu khống, vu oan, tạo dựng chuyện, vậy mà họ vẫn hãnh diện. Thật là làm ô nhục cho các bậc thầy đã dạy chúng ta. Thật là làm nhục nhã cho những điều ta đã nói hay mà không thực hành được.
Bảo Thành và các bạn thường phạm vào lỗi này, chúng ta nói được mà không hành động được. Chúng ta cứ nói đừng thị phi nhưng thực ra chúng ta bơi móc hơn con gà bới đất. Chúng ta đã nói không được dùng những lời thô ác nhưng ngôn từ ta sử dụng dao búa hơn ở chợ. Chúng ta đã nói đừng khởi lên những ý tưởng xấu xa nhưng rồi tâm phóng dật như hỏa tiễn phóng tới mọi nơi. Chúng ta nói mọi tạo tác cần phải thúc liễm để đừng tạo ra những hành động thô, ác gây đau khổ, vậy mà tay chân vung vẩy, toàn là gây ra đổ máu, toàn là gây ra đắng lòng cho những người kề cận hoặc những người ta mới gặp dù chỉ một lần.
Các bạn! Những lần như vậy chính là những lần chúng ta đã đánh mất cơ hội thể nhập vào Phật tánh ở bên trong. Do vậy trong cuộc sống, được mang thân kiếp con người thật khó như con rùa mù ngàn năm mới một thuở trồi lên mặt nước, làm sao có thể chui vào bọng cây cũng đang lênh đênh trên sóng gió của bể khổ?
Chúng ta phải nhìn và hiểu được điều đó mới thấy được giá trị cao quý mang thân kiếp làm người, để chúng ta tịnh khẩu, tịnh tâm, tịnh thân. Nếu có nói phải nói những lời cần phải suy nghĩ, ứng dụng đúng ái ngữ theo khuôn mẫu của ngũ giới. Nếu khởi tâm, cũng phải khởi tâm từ và tâm trí tuệ. Nếu hành động, cũng phải hành động bằng bao dung và thương yêu. Lời nói phải đi đôi với hành động. Đạo Phật ngoài nguyên lý là phải Văn – Tư – Tu, học giáo lý, nghiên cứu Kinh điển là Văn, cần phải có sự Tư Duy để đi vào chiều sâu, Tu là hành vào sự Tư Duy đã nhìn, đã thấy, đã thấu thì thực hành mới có thể mang lại sự lợi lạc, còn không thì chỉ là con mọt gặm nhấm sách vở mà thôi.
Chúng ta ở trong một thời đại mà có quá nhiều sự việc xảy ra liên tục hàng ngày, quá nhiều thông tin, quá nhiều những kiến thức, khoa học sáng chế từng giây từng phút phục vụ cho đời sống vật chất và tinh thần của con người, vậy nên, chúng ta thật dễ quên và xao lãng đời sống tâm linh. Rất cần sự nhắc nhở nơi tự thân, nhắc nhở nơi những bậc thiện tri thức, nhắc nhở nơi cộng đồng hoặc các bạn đồng tu để chúng ta thấy rằng đời sống trọn vẹn của một kiếp người, ngoài thế giới của tinh thần và vật chất thì rất cần trụ vững trong đời sống tâm linh. Đời sống tâm linh là gốc rễ của đời sống con người, thiếu đi gốc rễ, cây sẽ khô héo và đổ, thiếu đi đời sống tâm linh thì kiếp người coi như đã bị hư mất và chúng ta chẳng có cơ hội để thành tựu điều cao cả nữa. Và sự không thành tựu được đời sống tâm linh thì chẳng có phước báu, muôn sự ở đời mơ ước hoặc tính toán, ta khó có bề thành tựu được chúng.
Phước báu là nền tảng để thành tựu tất cả, mà để có phước báu thì phải công hạnh tu tập lời của Phật, tăng trưởng đời sống tâm linh bằng cách Chánh Niệm hơi thở, lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi để nuôi dưỡng và thắp sáng trí tuệ. Trí tuệ và từ bi, chỉ có trí tuệ và từ bi mới làm cho chúng ta không phải mù, quờ quạng như con rùa bơi lên mặt nước. Khi có trí tuệ và từ bi, ta không bị rơi vào những sự huyễn hoặc, mê tín dị đoan, ta không bị những thế lực ma quái đắm chìm trong cái tôi, bản ngã, thủ đắc những điều chưa biết, dẫn dụ chúng ta vào ngõ cụt của cuộc đời, đưa vào vùng tăm tối vô minh và rồi lăn trôi luân hồi vô lượng kiếp khó thoát ra.
Trí tuệ rất quan trọng. Để có trí tuệ, ta cần trở về với Chánh Niệm, thiền quán chiếu theo Tam Pháp Ấn của Chư Phật dạy, có nghĩa là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Quán chiếu được Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, thấu hiểu được thì Niết Bàn hiển lộ trong cuộc đời.
Chánh Niệm hơi thở với mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang giúp cho chúng ta quán chiếu tập trung vào để tăng trưởng trí tuệ của chúng ta. Trí tuệ là cốt lõi để giải thoát. Nếu niềm tin của chúng ta tin vào một Pháp môn cao siêu, huyền bí của các bậc Tổ Sư hay những bậc Bổn Sư, Bổn Tôn cao cả hoặc Đạo Sư nào đó không cần biết, nếu chỉ là niềm tin như bị xỏ mũi dẫn đưa vào thì đó chẳng phải là trí tuệ. Nếu như vậy thì Đức Phật sẽ không phải tốn 40 mấy năm trời để giảng đạo, Ngài chỉ cần nói: “Các con chỉ cần tin vào ta là được cứu độ và giải thoát”. Phật chưa bao giờ nói rằng phải tin vào Phật, ngay cả lời của Phật thì Phật cũng không. Phật giáo là một tôn giáo không có Đấng để cho chúng ta dựa vào, tôn thờ, cứu rỗi. Không có một thượng đế để ban ơn, trừng phạt, mà Phật giáo là con đường của trí tuệ. Cho nên, trong mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là con đường đưa chúng ta thể nhập về với Phật tánh, lấy từ bi, tâm từ bi để nuôi dưỡng, thắp sáng trí tuệ, nhìn thấu suốt để không trở thành con rùa mù, mà không đánh mất cơ hội trong cuộc đời.
Chúng ta sẽ không bao giờ đánh mất cơ hội, các bạn. Bởi chúng ta luôn luôn lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi là nhiên liệu nuôi dưỡng và thắp sáng trí tuệ. Đây là con đường thiền quán của mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, nếu các bạn tu tập đúng thì các bạn sẽ tăng trưởng được phước báu, muôn sự ở đời nhờ phước báu đó mà bạn sẽ thành tựu, khổ đau dần sẽ tiêu tan, sức khỏe sẽ bền vững, niềm vui sẽ dâng trào và cuộc sống của các bạn sẽ hạnh phúc và an lạc.
Các bạn, hãy đặt bàn tay phải – bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái – bàn tay Từ Bi.
“Thưa Phật! Chúng con từ vô lượng kiếp đã đánh mất thật nhiều cơ hội thành tựu Pháp Bảo để có Trí Tuệ và Từ Bi. Nay có nhân duyên hiểu thấu, quán chiếu vạn pháp Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, thấy được cuộc đời mong manh trong kiếp người khó tìm được này, nên nguyện một lòng tăng trưởng Trí Tuệ, thiền Chánh Niệm, quán chiếu thật rõ để khai mở Từ Bi, sống cho đúng nghĩa, để cơ hội thành Phật nhất định phải được thành tựu, đúng như những gì Chư Phật đã dạy dỗ và khai thị.”
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Mô Phật! Chúng ta đồng tu xong rồi. Mời các bạn chắp tay vào hồi hướng công đức.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu này nếu có, đến tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.
Xin Chư Phật mười phương từ bi chứng minh.