Search

Bài 2076. Đừng Giữ Mãi Hận Thù | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Tịnh Diệu bút ký, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Mời các bạn cùng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống muôn loài chúng con và gia trì cho chúng con quán chiếu thấy thật rõ các pháp là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn. Mô Phật! Chúng con cũng thành tâm cầu nguyện xin Chư Phật gia hộ cho Việt Nam quốc tổ của chúng con, cùng tất cả các nước Á Đông và trên thế giới đang bị đại dịch có đầy đủ phước báu để dịch chóng qua, lòng người an hòa, sống bình an và hạnh phúc.

Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Chúng ta hãy lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát và lấy từ bi làm nhiên liệu đưa ta tới sự thành tựu giải thoát. Trí tuệ và từ bi cần phải được thành tựu trong sự thanh tịnh quán chiếu Chánh Niệm từng giây phút trong cuộc sống. Hãy buông thư nhẹ nhàng, hãy trở về với Chánh Niệm của hơi thở, chúng ta hãy cùng nhau thành kính, một lòng khiêm tốn đón nhận năng lượng từ bi của Phật và thắp sáng tuệ tâm, nhìn thẳng vào trong hơi thở, quán chiếu thật rõ vạn pháp vô thường sanh – diệt. Hãy nghĩ tới tất cả những người yêu thương trong cuộc đời và hồi hướng năng lượng từ bi tới với họ.

Chúng ta cùng hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật! Trong từng giây phút hơi thở vào ra, Chánh Niệm nhìn rõ thân tâm của chúng ta, và mật ngôn Mu A Mu Sa, chúng ta trì niệm trầm bổng, nhẹ nhàng hòa quyện với hơi thở, đưa chúng ta gắn kết chặt chẽ với năng lượng tình thương, từ bi của mười phương Chư Phật. Chỉ đơn giản là Chánh Niệm để nhìn cho rõ tánh biết viên thông một cách toàn diện quán chiếu thân tâm, chẳng mảy may chấp trược, bám víu hoặc dựa trên một nền tảng triết học, triết lý, lý luận, mà tịnh yên, nhìn, để cho tánh biết vượt ngoài, vượt qua và vượt lên trên tất cả mọi bức tường thành của kiến thức, của những điều ta đón nhận, chấp nhận, những điều ta thích, những điều ta bám víu, ôm ấp. Chúng ta với tâm thái như vậy, Chánh Niệm, năng lượng tình yêu, từ bi của Phật sẽ thấm nhuần vào trong thân tâm của chúng ta, thân và tâm của chúng như mảnh đất, thửa ruộng, nước mưa rơi xuống, thửa ruộng và mảnh đất đó sẽ thấm nhuần nước, và từ nước với đất, hòa quyện với nhau, tăng trưởng sự sống vốn có nơi miền đất ấy. Thân tâm của chúng ta là miền đất Phật có sẵn những hạt giống Bồ Đề được gieo trồng bởi những pháp thiện tạo thành phước báu nhiều đời đã ở trong, nay mỗi một giây một phút, Bảo Thành cùng các bạn Chánh Niệm hơi thở vào ra, quán chiếu tịch tĩnh, trì mật âm Mu A Mu Sa, năng lượng từ bi sẽ kích hoạt trở lại chủng tử Bồ Đề vốn có nơi ta, và tánh biết nhìn thật rõ tâm khởi lên những niệm thiện, thân rung chấn bởi năng lượng từ bi. Còn với mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang thì thửa ruộng đầy nước Cam Lồ tình yêu của Chư Phật, thân tâm của chúng ta lại còn đón nhận được ánh sáng minh tuệ, ánh sáng của mặt trời trí tuệ nơi bậc giác ngộ. Quá đầy đủ! Có từ bi, có trí tuệ, mảnh đất tâm nơi cuộc đời của chúng ta sẽ tràn đầy năng lượng từ bi và trí tuệ để quán chiếu trong tánh biết Chánh Niệm, thấy, thấy thật rõ, thấy được mình, thấy được tất cả. Chỉ có tánh thấy không còn dính mắt thì tánh thấy ấy trong suốt như kim cương, làm cho chúng ta không có ngăn ngại, không có chướng ngại và để chúng ta thẩm nhập thật sâu vào tâm tánh của Phật.

Các bạn! Có những chuyện kỳ diệu một cách thật phi thường, năng lượng siêu thế tới với chúng ta qua những hành động cụ thể rất bình thường bằng hơi thở. Tâm lý của chúng ta là đi tìm những điều gì cao, hay, tuyệt mật nhưng những cái cao, hay và tuyệt mật đó lại là những điều rất bình thường mà Chư Phật đã đặt để trong cuộc đời qua các pháp phương tiện truyền lưu cho chúng ta. Nhưng chúng ta nào có nhận ra được, bởi bị sự hấp dẫn hào nhoáng nơi sắc tướng của các phong tục màu sắc được đặt để bởi những con người tạo nên những lý luận triết học, Phật học cao thâm huyền bí nơi những Phật ngữ để rồi họ đưa chúng ta, dẫn chúng ta vào miền ảo vọng và cài đặt chúng ta vào một sự tin tưởng tuyệt đối vào một đấng nào đó như có một chủ ngã để ban ơn, cứu độ. Ta thấy được điều này qua các truyền thống Phật giáo, dù là Nam truyền hay Bắc truyền, dù là Đại Thừa, Nguyên Thủy hay Mật Thừa cũng vẫn có, vẫn có những đường, hướng đưa chúng ta lệ thuộc vào một đấng, bởi vì sao? Bởi vì đó là nhân cách của Phàm phu con người khi thủ đắc một phương tiện, một điều gì đó, dù là con đường chân lý nhưng vẫn có tâm mong cầu rằng con đường chân lý của ta đi và thực tập phải bao trùm tất cả và muôn người phải quy đồng về một mối để tu tập. Từ đó mà nhiều đời trải qua, ai ai cũng biến cái tâm họa sĩ thêu dệt, pha màu, pha sắc, hỗn độn, trộn lẫn để cuối cùng chính người đó cũng không thể nhìn ra được màu nguyên chất thì làm sao hậu thế có thể tìm thấy rõ con đường để đi? Có chăng chỉ là một mớ lộn xộn của những màu sắc trộn lẫn. Cái tinh anh, nguyên thủy của Phật tánh hình như đã biến dạng, biến gen, thay đổi, chẳng thể nhìn trở lại thực tướng nguyên thủy, bản thể bất tăng – giảm, cấu – tịnh của Phật tánh nữa. Bởi sự sanh – diệt luôn luôn diễn ra và lòng người luôn tô điểm cho những điều huyễn giả, diệt – sanh đó. Như chúng ta cứ rượt đuổi, bắt bóng khi hoàng hôn tà xuống, nhưng rồi bình minh lên, chẳng có cơ hội đón ánh sáng của mặt trời. Chúng ta đã rong ruổi, đeo đuổi và cứ chập chờn như bóng ma, bắt hoài những bóng dáng của quá khứ hào nhoáng của một vị nào đó được gọi là chứng đắc mà quên rằng đấng mà chúng ta quy y chính là Phật, con đường chân lý của ta cần phải học đó chính là giáo truyền của Chư Phật dạy. Rồi từ những điều suy nghĩ như vậy, người ta ràng buộc ta vào một quy luật rằng muốn thấy Phật, muốn biết Phật phải qua một đấng trung gian nào đó và đấng trung gian đó dần dần thay thế Đức Phật. Lời Phàm phu của đấng trung gian đó từ từ được ép, được thêu, được dệt, được bôi, được sơn, đánh bóng. Mà ông bà ta thường nói ngày xưa câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, tôn giáo, sự tu tập ngày nay đã sơn phết quá nhiều màu sắc từ những sự lý luận, tranh luận, từ những sự suy diễn nên gỗ tốt được che phủ bằng sự hào nhoáng diễn đạt, thông biện hoặc những điều tin tưởng tuyệt đối vào những gì họ có thể nhìn thấy nhưng họ lại không sẵn sàng lột vỏ những lớp hào nhoáng người ta đắp lên để thấy được bản thể tự tánh rõ ở bên trong.

Có một câu chuyện là sự thật, chúng ta cũng có thể nhìn thấy và nhận ra bởi đây là sự thật bên Thái Lan. Có một pho tượng trong một ngôi chùa thật lớn ở Thái Lan được tôn kính trong chánh điện. Và đối với Phật tử cũng như các khách du hành, du lịch, hành hương nhiều năm qua luôn luôn chiêm bái bảo tượng và thấy rằng đó là bảo tượng Phật tuyệt đẹp. Thế rồi, vào một ngày sơ ý, những người lau chùi, sửa sang tượng đã làm cho bức tượng đó bị bể. Ai cũng sợ hãi vô cùng bởi bấy lâu nay, người ta đã tôn thờ, sùng bái bảo tượng đó. Đẹp quá mà nay đã làm bể! Nhưng không ngờ rằng, chính trong tượng thật đẹp người ta tôn kính, nay bị bể lại lòi ra một tượng cổ bằng vàng ngàn xưa đã để lại. Và theo như lịch sử tìm tòi và hiểu biết, trong những triều đại chiến tranh nguy hại, pho tượng vàng đó, các nhà sư sợ rằng có thể là nhóm này, nhóm kia hoặc có những con người lòng tham vô độ trong chiến tranh có thể chiếm đoạt pho tượng này, cho nên đã đắp lên, phủ lên pho tượng vàng một lớp xi măng mới và tạc thành một tôn tượng mới. Và từ đó, không ai còn có cơ hội nhìn thấy pho tượng Phật bằng vàng bên trong, ngoại trừ những vị sư năm xưa. Thời gian trôi qua, các vị sư đó cũng viên tịch nhưng tôn tượng vẫn tồn tại, pho tượng vàng ẩn ở bên trong, pho tượng đất lộ ở bên ngoài. Đến khi nó vỡ toang mới nhận ra: “À! Bên trong pho tượng đất là một pho tượng bằng vàng”. Đây là sự thật, các bạn có thể lên Google để tìm hiểu về pho tượng này bên Thái Lan.

Từ ngàn năm xưa, Đức Phật đã nhìn thấy mỗi một kiếp người chúng ta đã tự trét bùn vào tâm Phật. Bùn của sắc dục, của tham ái, của tham tiền, tài, danh vọng, địa vị, tham ăn, tham uống, tham ngũ dục của tam độc Tham – Sân – Si hòa trộn những chất bùn nhơ, hôi thối, sặc mùi, đắp lên Phật tánh của chúng ta để tạo nên một hình hài mới, hào nhoáng và lấy biết bao nhiêu màu sắc trong cuộc đời tô điểm, trang trí như một vẻ đẹp đáng được tôn vinh cho muôn người nhìn thấy và sùng bái, tạo nên một cái ngã mới. Và cứ như vậy, không ai và chính bản thân của chúng ta cũng không và chẳng bao giờ có cơ hội nhìn thấy tượng vàng bên trong, tức là Phật tánh của chúng ta nữa.

Các bạn suy nghĩ một chút, có khi nào các bạn cảm nhận được Phật tánh chưa? Chắc có lẽ những loại đất sét sình lầy hôi thối của tham dục, của tam độc quá dày và rồi phảng phất chẳng phải là hương trầm của tòa sen Phật tánh mà toàn là mùi xú uế, ô nhiễm của cuộc đời. Chẳng có ai tự lau chùi mình hết! Cuộc đời là luôn luôn nhìn thấy điểm xấu của người khác. Cho nên chẳng bao giờ ta lau chùi để một lần đập vỡ những bùn dơ, rác rưởi đắp lên Phật tánh của ta để thấy rõ được tâm Phật. Vì sao? Vì con người của chúng ta vốn đắm chìm trong tâm sân, sân đó biến dạng thành hận thù, và mỗi người chúng ta cứ luôn luôn giữ mãi hận thù. “Đừng Giữ Mãi Hận Thù” là chủ đề của ngày hôm nay. Chúng ta có nhiều sự hận thù rất vụn vặt, nhỏ bé tạo cho con người của chúng ta không còn đáng giá một đồng xu. Ta giữ mãi những hận thù mà đôi khi chỉ là những lời trách móc của ai đó hoặc những lời ta không ưng ý, hoặc là những hành động không phù hợp của người với người. Vậy mà cứ ôm hận ngàn thu, chết xuống mồ sâu mà mịt mù hương khói của tâm hận, hận mãi ngàn năm. Một đời trả không hết, nhiều đời tái sanh để tiếp tục tìm nhau mà trả, thế mới gọi là oan gia trái chủ. Cứ đời đời oán trách, tìm kiếm để mà đòi, đòi nợ.

Tại sao chúng ta giữ mãi hận thù là bởi vì chúng ta đắp bùn dơ, rác rưởi, xú uế của ngũ dục phủ lên trên Phật tánh quá nhiều, quá dày như pho tượng bên Thái Lan. Nhưng pho tượng Phật bên Thái Lan còn có người lau chùi để rồi sơ ý làm bể, còn chúng ta, chẳng chủ động lau chùi cuộc đời để rồi bao nhiêu năm qua, đắp thêm, đắp thêm, nó càng dày càng dày và rồi Phật tánh càng dần biến mất.

Giữ mãi hận thù nguy hại vô cùng! Lớp bùn của hận thù sẽ mau cứng như xi măng, và nó lại hấp dẫn những oan gia trái chủ nhiều đời tới với chúng ta. Ai mà giữ mãi hận thù, tâm sân càng trỗi dậy thường xuyên và oan gia trái chủ thường gõ cửa, chẳng mời họ cũng sẽ tới, và khi đó, phiền não, đau khổ thật nhiều. Chúng ta là người học Phật, thấu rõ rằng hận thù không bao giờ tốt, hận với hận thì suốt đời không bao giờ có thể hóa giải được, chỉ có tình thương, lòng từ bi, bao dung mới có thể hóa giải hận thù. Nhưng chúng ta cứ ôm mãi hận thù mà thôi!

Nhớ một chút chuyện trong cuộc đời, xảy ra giữa cha mẹ, vợ chồng hoặc người thân, ai đó trong cuộc đời, chỉ một chút xíu không hài lòng là đã ôm hận, đêm ngủ mà cứ thì thầm, thì thầm mãi: “Tôi hận, tôi hận và tôi hận”. Tại sao những lời cao đẹp, thần chú của Phật, đại minh chú của Phật, chân lý của Phật, ta không thầm nhắc nhở nhiều lần mà cứ ôm vào trong mối hận, đưa vào sâu trong tâm và cứ vỗ ngực nói thầm: “Tôi hận, tôi hận”? Hận gì? Hận để đau khổ, hận để oán, hận để phiền não, hận để già nua, hận rồi mang bệnh, hận rồi chết, hận rồi đột quỵ, hận rồi…, rồi làm sao? Toàn là tai hại, xui xẻo tới với ta. Thế mà cứ hận, thế mà cứ hận! Là bởi vì ta yêu chuộng vẻ bên ngoài của tự ngã tô điểm, lượm lặt từ những kiến thức vụn vặt hay những điều ưa thích, đắp lên và rất sợ mất chúng. Vẫn biết là hư ảo nhưng ở trên đời, mấy ai dám bước ra khỏi chỗ an toàn của mình, chỗ an toàn của mình là vỏ ốc của hư ảo mà ta chui vào, cuộn tròn trong đó, người ta gọi là tôm mượn hồn. Ta thấy con tôm mượn vỏ ốc để nó sống và lâu ngày, nó tưởng con ốc là nó. Ta đã mượn những kiến thức hư ảo, huyễn giả của cuộc đời, đắp lên trên người, cuộn tròn ở trong đó, và lâu ngày đã biến chúng thành chân lý giải thoát, nhưng đâu ngờ, đó chỉ là rác rưởi trầm luân trong cõi luân hồi mà thôi.

Đừng giữ mãi hận thù các bạn ơi! Để có thể chuyển hóa hận thù và không còn giữ nữa, và để có thể một lần tự lau chùi hình tướng từ những kiến thức ta đã tạo nên bởi sắc tướng của văn chương, của những mỹ thuật thẩm mỹ Phật pháp huyễn giả do con người tạo dựng thì chúng ta phải mạnh dạng đập bể vỏ ốc đó đi. Làm sao người ta có thể dám đập bể những điều gì bọc ở bên ngoài? Chỉ vì sơ ý, người ta lau chùi mới bể tượng Phật và thấy pho tượng vàng bên trong, nhưng chúng ta, theo như lời Phật thì không phải sơ ý nữa mà phải cố tình đập vỡ, đập tan, đập nát tất cả những gì ta mặc và tô điểm qua những vẻ ở bên ngoài từ ngôn ngữ, niềm tin, tín ngưỡng, truyền thống, văn hóa. Nếu thấy nó đã cũ, đã sai, không phù hợp thì phải mạnh dạn đập bể nó đi, để đi trực chỉ, thẳng vào chân tâm pho tượng vàng muôn thuở, vô lượng kiếp hiện hữu ở bên trong. Phật chỉ cho chúng ta cách đập bể một cách nhẹ nhàng mà êm ái, chẳng đau đớn, đó chính là Chánh Niệm hơi thở, từ bi và trí tuệ quán.

“À! Không cần phải đập bể nữa mà là nhìn xuyên qua cuộc đời này, thấy được pho tượng vàng của Phật tánh vẫn ở bên trong”. Kỹ thuật về khoa học ngày nay thật cao, người ta đã ứng dụng tia sáng laser để có thể chiếu vào, xuyên qua tất cả để nhận thấy mãi bên trong. Hồi xưa trong y học, mổ còn phải cắt, thậm chí đôi khi còn phải cưa xương để mổ. Ngày nay, khoa học tiến bộ quá nhiều, người ta mổ xẻ bằng tia laser. Tia laser chiếu vào và bắn vỡ hoặc mổ, hoặc thiêu đốt. Cách mổ này không cần phải mổ xẻ quá nhiều và giúp cho bệnh nhân có thể mau lành, mau khỏe. Khoa học tiến bộ nhanh lắm, ngày nay người ta đã dùng ánh sáng đó để tìm hiểu tất cả, từ khoa học, về y học, khoa học không gian học, khoa học về công nghiệp, nông nghiệp, tất cả mọi lĩnh vực khoa học đều ứng dụng những sự khám phá siêu việt từ ánh sáng để mang ánh sáng ứng dụng vào đời sống, lợi lạc cho muôn người.

Đức Phật là nhà khoa học đã tìm ra một thể loại ánh sáng siêu việt, siêu thế đó là ánh sáng của trí tuệ, ánh sáng đó được thắp lên bởi nhiên liệu từ bi, ánh sáng trí tuệ có thể xuyên qua màn đêm tối từ vô lượng kiếp và xuyên qua thân Phàm phu tục tử, nghiệp chướng nhiều đời của chúng ta để cho chúng ta nhìn thấy thật rõ phẩm tánh cao cả của Phật ở trong ta. Và muôn sự hận thù dù có che khuất đi thì ánh sáng trí tuệ của Chánh Niệm trí tuệ quán sẽ giúp cho chúng ta nhìn qua được cả một khối băng hà của hận thù nhiều kiếp để thấy được một vị Phật trong ta. Từ bi quán sẽ luôn luôn tiếp liệu cho trí tuệ bền vững để soi chiếu vào miền tăm tối, phá vỡ mọi hận thù trong ta. Khi các bạn hít thở vào ra trong Chánh Niệm, trì mật ngôn Mu A Mu Sa, muôn điều hận thù của các bạn ngàn năm, vô lượng kiếp ôm ấp dần dần sẽ được bạn nhận thật rõ và bạn phủi đi một cách thật nhẹ nhàng, thềm tâm thức sẽ sạch, không còn là ảo tưởng nữa, không còn là khó khăn nữa. Các bạn thực nghiệm sẽ có một sự trải nghiệm vi diệu qua từ bi quán Chánh Niệm hơi thở Mu A Mu Sa. Khi các bạn thực tập, dần dần những sự hận thù nhỏ lớn, nó biến mất, và trong trái tim của bạn có tràn đầy năng lượng yêu thương. Sự bao dung, rộng lượng, tha thứ được phát triển một cách rất tự nhiên, không miễn cưỡng, cộng thêm với thiền trí tuệ quán NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, bạn có cái nhìn của ánh sáng trí tuệ như ánh sáng laser, có thể xuyên suốt qua mọi chướng ngại để thấy rõ giá trị tuyệt vời nhất của con người đó chính là lòng từ bi, đó chính là Phật tánh vốn có trong ta.

Đừng giữ mãi hận thù các bạn ơi! Bởi hận thù không tốt cho sức khỏe. Người tu Thiền Mật song tu, thiền định cho vững thì tướng hảo thay đổi, sáng, đẹp. Người ôm ấp hận thù nhiều, tướng sẽ suy đồi theo năm tháng, xập xệ theo từng giây phút. Các bạn cứ thử thực tập Thiền Mật song tu đi, các bạn của bạn, người thân của bạn dần dần sẽ nhận ra tướng hảo của bạn càng ngày càng sáng càng đẹp. Còn nếu bạn không tin mà cứ ôm hận thù trong lòng, không những người ngoài mà chính bản thân của các bạn nhìn vào gương cũng thấy khuôn mặt cau có, nhăn nhó, thâm tím và rồi chẳng còn chất sống, tối tăm, u ám, không có một chút gì gọi là sáng đẹp. Không nói để cho chúng ta nghĩ những điều huyễn giả đó, biến nó thành thật, nhưng đây là sự thật.

Hồi xưa, ông Mục Kiền Liên thấy một trong những đệ tử của Chư Phật đi ở trên đường, Ngài Mục Kiền Liên thấy được tướng hảo của vị đó trang nghiêm lộ hào quang nên mới quỳ xuống hỏi vị đó rằng: “Thưa Ngài! Thầy của Ngài là ai mà có thể dạy cho Ngài có tướng hảo tuyệt vời như thế?”. Và rồi người đó đã giới thiệu Thầy của họ chính là Đức Phật. Ngài Mục Kiền Liên lúc đó chỉ là một vị Bà La Môn, đã trở về báo cho ông Xá Lợi Phất, hai huynh đệ nói chuyện với nhau rằng đã tìm thấy một vị Thầy cao cả, và rồi hai anh em của họ là Xá Lợi Phất cùng Mục Kiền Liên đã diện kiến Đức Phật và xin được thọ giáo quy y thành đệ tử hàng đầu của Chư Phật.

Đó! Phật pháp nhiệm mầu ở chỗ, nếu bạn tu, bạn sẽ thay đổi được tướng hảo bởi vì từ trong tâm nó đã sạch, nó lộ, nó hiển lộ ra bên ngoài. Còn pháp Tà tức là pháp hận thù, là pháp cũng đi từ bên trong ra nhưng nó làm thô cứng dáng vẻ đẹp của chúng ta, rồi dần dần nó biến chúng ta trở thành như xác ướp của Ai Cập. Biết di động, biết nói, biết làm nhưng chỉ là xác ướp. Khuôn mặt thì lạnh như băng, ánh mắt thì sâu lõm vào như vũng sâu của địa ngục, trên môi miệng như hầm hố, toàn là rắn độc, gai góc, hung ác. Con người thì thô lỗ, bệnh hoạn, đi đâu, gặp đâu cũng là sân, là giận. Hình như hạn người đó các bạn thường thấy trong cuộc đời, là bởi vì họ ôm giữ mãi hận thù. Có những con người bạn gặp chỉ một lần, có thể trực tiếp hay gián tiếp trên phim ảnh, bạn thấy sao tướng hảo của họ đẹp, chính là bởi vì họ thể nhập vào trong Chánh Niệm hơi thở, tu đúng pháp cho nên họ hoan hỷ, họ đa phương tiện thể nhập vào trong cuộc đời, để gặp ai họ cũng vui. Ngoại trừ những con người ôm hận ngàn năm, khi gặp họ, chẳng thể có cơ hội nhìn thấy cái đẹp của pháp mà chỉ nhìn thấy được khói ám của tâm sân nơi cõi lòng trỗi dậy mà thôi.

Đừng giữ mãi hận thù các bạn! Người tu Thiền Mật song tu, từ bi – trí tuệ quán sẽ thay đổi được tướng hảo từ ngay ở trong tâm, và người đó sẽ có khả năng nhìn xuyên suốt thân nghiệp chướng nhiều đời của mình để khám phá ra pho tượng vàng, tức là Phật tánh vốn có ở trong bởi lớp bùn dơ bất thiện nghiệp phủ kín, đắp lên do tâm tham dục, tham ngũ dục, tâm Tham – Sân – Si, tâm độc chúng ta tạo nên, phủ kín.

Các bạn! Ánh mắt của trí tuệ, năng lượng của từ bi sẽ giúp cho Bảo Thành và các bạn thấy cuộc sống nhẹ nhàng, bớt lao nhọc, thấy cuộc đời nhiều phước báu, bớt họa và giúp cho chúng ta thường xuyên có cơ hội gặp những bậc thiện tri thức và rất ít gặp những kẻ tiểu nhân xấu xa, oan gia trái chủ ghé ngang cuộc đời. Tu là sửa và nếu như sửa mà không có trí tuệ – từ bi thì sửa đó chẳng khác gì mang rác ở ngoài chất đống vào bên trong. Tu là sửa thì cần phải có trí tuệ và từ bi mới có thể mang rác từ trong để ra bên ngoài để một lần cầm cái chổi Chánh Niệm với hơi thở tịch tĩnh, buông thư, quét nhẹ nhàng mà rác rưởi trong tâm ngàn đời phủ kín sẽ chẳng còn ở nữa. Người ta gọi ở chùa thì quét lá đa. Đúng vậy! Chúng ta tu là trở về với ngôi chùa của tự thân, Chánh Niệm hơi thở là cái chổi vi diệu thần thông siêu thế, trí tuệ và từ bi quán là năng lượng vi diệu để chúng ta di chuyển cây chổi Chánh Niệm, quét nhẹ nhàng ở trong ngôi chùa chân tâm và dĩ nhiên, những cái lá của tam độc: Tham – Sân – Si, Hỷ – Nộ – Ái – Ố của ngũ dục sẽ dần dần được chúng ta quét sạch và nơi thềm chân tâm ấy sẽ sáng, sẽ sạch, sẽ đẹp. Nhà sạch thì mát, nhà chân tâm sạch sẽ bởi ta tinh tấn, siêng năng quét, nó sẽ mát rượi, mà khi nhà chân tâm được mát thì cuộc sống, tướng hảo sẽ thay đổi, phước báu sẽ tới và tai họa sẽ đi. Điều này có!

Nếu bạn nói: “Tôi tu mà họa tới” chính là bởi bạn chưa biết quét và dọn dẹp sạch sẽ rác rưởi nơi ngôi nhà chân tâm của các bạn bằng Chánh Niệm hơi thở, bằng từ bi và trí tuệ quán. Bạn chỉ đi theo Phật tu để cầu cạnh thành tựu một điều gì đó bằng cách bám víu vào các bậc bổn tôn phương pháp thờ lạy, cúng kiến hoặc tôn sùng, thần tượng cá nhân để nương vào vị đó ban cho chúng ta mà không nương vào trí tuệ và từ bi để tự đứng dậy thắp đuốc lên mà đi, mà luôn luôn lệ thuộc vào một người thứ ba, kẻ Phàm phu mắt chưa được mở, trí tuệ chưa được sáng, chưa có chứng đắc, hứa khả những điều như kẻ đi buôn hứa khả lời nhiều mà chưa một lần biết buôn bán là gì thì chuyến đi buôn đó, nhất định sẽ lỗ và cuộc đời của bạn nếu sa ngã vào con đường như vậy thì coi như kiếp này lỗ lớn rồi, lỗ rồi, không có lời.

Các bạn! Đừng ôm mãi hận thù. Đức Phật dạy cho chúng ta và đạo Phật hướng dẫn cho chúng ta là xóa bỏ mọi thể loại hận thù dù to hay dù nhỏ, bởi hận thù chính là thể hiện cái tôi, bản ngã. Trong trí tuệ quán NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, ta thiền để quán chiếu vô ngã, hiểu thông được vô ngã bằng trí tuệ, chúng ta sẽ chẳng còn ôm hận thù bởi vì khi đã vô ngã, thấu được chân lý vô ngã rồi thì ta chẳng còn quan tâm đến những điều như ý hoặc không như ý. Vậy nên trong câu nói: “Những điều bất như ý là khổ”, mà đã không có ngã tướng thì những điều bất như ý cũng như một cơn gió nóng vào trưa hè thổi ngang qua, ta cảm thấy, ta biết được, ta nhận ra, ta Chánh Niệm rồi nó sẽ qua.

Các bạn! Nếu quan tâm đến sức khỏe của một đời sống bình yên, an lạc cho chính mình, cho gia đình, cộng đồng, xã hội, cho người mình yêu thương, nhất định chúng ta phải quán chiếu tinh thần vô ngã qua trí tuệ quán NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để chúng ta thẩm thấu được năng lượng vi diệu từ bi Mu A Mu Sa, từ đó mà phá vỡ bản ngã, cái tôi của mình để mọi sự hận thù không còn chỗ dung chứa trong lòng, trong thân, trong tâm của chúng ta. Và mỗi một ngày trôi qua, trí tuệ quán NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, ánh sáng trí tuệ sẽ càng lớn dần để bạn nhận rõ và hận thù sẽ dần dần tiêu tan, sắc diện của bạn sẽ sáng, sẽ đẹp, con người của bạn sẽ thong dong và tự tại, đi tới đâu cũng thơm lừng hương giới đức, chẳng một lời thô ác lọt từ môi miệng ta ra. Chẳng than chẳng trách, chẳng thị phi, chẳng nói lỗi người, nhẹ nhàng và êm ái bởi có cái tôi đâu mà thấy được lỗi người? Còn ai hở miệng lỗi người, bàn ra bàn lại cho to xóm làng là người đó vẫn còn bản ngã, thấy cái đúng của mình và muôn người người khác chỉ là sai cho nên trong lòng của họ ôm mãi hận thù, sắc diện của họ càng ngày càng tối tăm. Ngôn từ của họ toàn so sánh hơn thua và thị phi thì tràn ngập trong cuộc đời. Từ những lời nói đến chữ viết, từ những hành động và trong cuộc sống của họ, khi tiếp xúc một chút xíu với họ, bạn sẽ cảm nhận ra trong lòng của họ, nơi con người ấy tràn đầy sự hận thù bởi khi họ nói, họ nghĩ, họ làm và họ sống, ta sẽ nhận ra, ta sẽ nhận ra họ không có một chút gì bao dung và không có một chút gì biết tha thứ, họ chỉ biết bản thân của họ, bản ngã của họ, cái tôi của họ quá lớn nên hận thù của họ quá nhiều.

Các bạn! Đừng giữ mãi hận thù nữa các bạn! Đừng giữ mãi hận thù, hãy tha thứ và bao dung để cuộc đời thêm bình an, và mỗi một giây phút trôi qua, Chánh Niệm trong trí tuệ và từ bi để ta luôn luôn an hưởng được sự lành thiện vốn có nơi Phật tánh. Đừng để, đừng để đến mãi ngàn sau mới nhận ra, trễ rồi. Hãy tỉnh thức, hãy tu tập và hãy Chánh Niệm để sống ngay bây giờ!

Mời các bạn đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau.

“Thưa Phật! Hận thù với hận thù ngàn năm không hết, chỉ có bao dung và tha thứ, tình yêu mới có thể xóa đi tất cả mọi hận thù. Trí tuệ là ánh sáng giúp cho chúng con nhìn rõ mọi hận thù còn cưu mang ở trong lòng. Từ bi là năng lượng siêu thế gội rửa mọi hận thù vốn có trong tiền kiếp. Nguyện xin Chư Phật gia hộ trong hơi thở Chánh Niệm từ bi – trí tuệ quán, chúng con liễu không pháp Phật nhiệm mầu để sống với sắc diện của Phật tánh, hiển lộ quang minh và tự tại.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Mô Phật! Nguyện hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu hôm nay tới muôn loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Xin Chư Phật chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn