Search

Bài 2070. Thần Tượng Hóa Cảm Xúc | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Tuệ Minh bút ký

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi. Giờ đây chúng ta đã thanh tịnh rồi, mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện Chư Phật mười phương ban rải năng lượng tình thương xuống muôn loài chúng sanh và gia trì để chúng con có đầy đủ nghị lực tu tập Thiền quán với trí huệ, nhìn rõ vạn pháp Vô Thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn.

Chúng con thành tâm hướng nguyện cho quê hương Việt Nam của chúng con và các nước Á Đông đang bị đại dịch đầy đủ phước báu chuyển mọi nghiệp chướng, đại dịch tiêu tan. Đồng hồi hướng cầu an cho một bé thơ là cháu của Bảo Tịnh Đức gặp Thầy, gặp thuốc bệnh tật tiêu trừ, mau được khỏe mạnh. Nguyện xin Chư Phật từ bi chứng minh.

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi, lấy trí tuệ và từ bi khởi lên những niệm thiện hướng về ba ngôi Tam Bảo, thể nhập vào thể tánh chân như qua hơi thở Chánh Niệm. Mu A Mu Sa là từ bi, năng lượng từ bi của Chư Phật, Phật ngôn này giúp cho chúng ta gắn kết mật thiết với Chư Phật mười phương. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là Phật ngôn chuyển tải năng lượng trí tuệ thắp sáng tuệ đăng giúp cho chúng ta nhìn thấu vạn pháp. Chúng ta hãy cùng nhau thành kính đón nhận năng lượng của Chư Phật qua hơi thở Chánh Niệm.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật! Các bạn! Hôm nay, Bảo Thành đang ngồi trong chánh điện Tổ Đình Chùa Xá Lợi tại tiểu bang Maryland có sự hiện diện của Sư cô trụ trì Bảo Cơ và cô Eileen cùng với Bảo Nghy. Sau một chuyến đi tới một ngôi chùa ở tiểu bang khác khoảng 3 tuần, hôm nay thứ 6, Bảo Thành lại trở về, trong lòng có những cảm giác hạnh phúc vô biên bởi dù đi đâu, chỗ nào đi nữa thì nơi chính vẫn là nơi mình thường trụ. Ngôi Tổ Đình này có năng lượng, năng lượng của tình thương, của Chánh Niệm, của sự thường trụ trong các pháp vô thường xoay chuyển vận hành từng ngày, từng tháng, từng năm. Những năng lượng đó vẫn luôn luôn hiện hữu bởi giữa ta và nơi đây có sự gắn kết trong duyên, trong nhân quả và phước báu.

Cảm xúc! Con người luôn có cảm xúc. Cảm xúc với môi trường khi tương tác, cảm xúc với con người, cảm xúc với muôn vật, sự tương tác giữa người với người, giữa người với vật, giữa người với môi trường. Năng lượng giao thoa, cảm xúc dâng trào. Trong những dòng cảm xúc đó có vui có buồn, có đẹp, có xấu, có ưng ý cũng như có những bất như ý. Mỗi một con người chúng ta có hàng biết bao nhiêu những dòng cảm xúc lui tới mỗi một ngày, mà nhiều khi trong cuộc đời, ai trong chúng ta có thể kiểm soát được hết tất cả mọi dòng cảm xúc của mình đâu?

Với chủ đề: “Thần Tượng Hóa Cảm Xúc”, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về cảm xúc của con người, chúng ta không nên trốn tránh cảm xúc của chính ta, của mọi người. Cảm xúc được mất, cảm xúc được yêu thương hay cảm xúc bị ghét bỏ, cảm xúc được nhận được hay bị khước từ. Đức Phật dạy theo lý nhân duyên luôn luôn có một cặp, được và mất, vui và buồn, khen và chê, tốt và xấu, bất cứ một cái gì cũng có một cặp đối ứng, thuận nghịch và trong sự thuận nghịch, đối ứng của cuộc đời tạo ra những dòng cảm xúc khác biệt nhau. Mà con người chúng ta, khi cảm xúc vui – buồn, sướng – khổ, được – mất, tốt – xấu, đẹp, khen – chê, đủ mọi thứ, hầm bà lằng như chè thập cẩm tới với chúng ta thì mọi thứ hương vị của cảm xúc đó lại thấm vào trong tâm, chiếm mất tất cả và rồi cảm xúc đó dần dần dẫn đưa chúng ta, làm chủ chúng ta. Và hầu hết Bảo Thành cũng như các bạn sống dần dần lệ thuộc vào cảm xúc để có một ngày vui, lệ thuộc vào cảm xúc để có một ngày buồn. Có những con người tìm cảm xúc vui nhưng cũng có những con người thích tìm những cảm xúc thật buồn mà người Việt Nam, giới trẻ hay nói buồn như con chuồn chuồn. Nó không thèm bay. Buồn đến mức ngồi một chỗ, không thèm đi, mặt buồn lắm. Vui! Vui hớn hở như mặt trời, cả đêm cả ngày không chịu ngủ, miệng cứ cười, mắt cứ sáng trưng.

Cuộc đời của chúng ta lệ thuộc vào quá nhiều những cảm xúc để rồi những cảm xúc đó vận hành cuộc đời, nó dẫn cuộc đời chúng ta cứ bồng bềnh mãi theo cảm xúc như ngồi trên một cái bè mà không thể làm chủ, lâng lâng trên sóng gió của sông nguồn, đến khi cái bè mục nát, ta chẳng còn chỗ dựa, chìm xuống dòng sông, chết ngộp, đuối sức. Cảm xúc chỉ là một cái bè hư huyễn mà Đức Phật dạy: “Mọi cảm xúc, mọi cảm thọ đều huyễn giả” có nghĩa là nó không có thật nhưng chúng ta cứ mơ tưởng những cảm xúc, những cảm thọ đó là thật để dựa dẫm, bám víu để sống. Mượn cảm xúc, cảm thọ hư huyễn đó như một cái bè để vượt sóng khổ của cuộc đời nhưng đã gọi là huyễn giả, không thật thì cảm xúc kia đâu phải là cái bè vững chãi, bền vững để ta dựa, ngồi trên đó mà lướt sóng khổ, đi tới sự an vui cho nên càng ngày ta càng khổ. Bè huyễn giả của cảm xúc, của cảm thọ tan dần trong từng giây, từng phút và từng phút giây của cuộc đời, ta dần chìm xuống, chìm sâu vào những cảm xúc huyễn giả vui – buồn, được – mất, khen – chê. Khổ như những lớp bùn, như những lớp sóng phủ dần lên ta, sức đuối dần nhưng bè đã tan, ngộp nước, chết đuối, vong mạng là chuyện thường.

Trên đời, đừng nói rằng ta không chết vì cảm xúc đâu các bạn! Nếu chúng ta không hiểu được cảm xúc là huyễn giả, là vô thường để dùng trí tuệ quán chiếu thì chính những cảm xúc mà chúng ta có được, cộng thêm sự tưởng tượng, thần tượng hóa cảm xúc một cái buồn thật nhỏ, khoét sâu vào, thần tượng hóa nó thành đau, thành khổ, khổ đau một cách triền miên, khổ đau một cách ghê gớm hơn, nó thấm sâu đi vào trầm cảm, loạn tâm mà kết liễu cuộc đời bằng những phương thức thật đau lòng. Chuyện này xảy ra hằng ngày trên thế giới. Ngay cả trong thời văn minh như vậy, người ta vẫn chưa thấu hiểu được cảm xúc chỉ là sự hư giả, vô thường và vẫn tác động, phối hợp nhịp nhàng để thần tượng hóa nó, làm cho chính mình đau khổ.

Mỗi một ngày theo sự nghiên cứu trên thế giới về y học, con người chết dần, chết mòn trong thân xác vẫn còn di động bởi trầm cảm. Và người ta trên thế giới khi bị trầm cảm làm cho băng hoại đời sống của tâm linh và tinh thần, đi tới cái kết là diệt luôn thân mạng của mình bằng những phương pháp thật là quái gở. Đâu đó vẫn thoảng thoảng ta nghe thấy một người đã ra đi bởi trầm cảm. Trầm cảm là một hiện tượng của sự thần tượng quá đáng cảm xúc của chúng ta, nó thấm sâu vào rồi dần dần tạo thành những làn sóng cảm xúc vô tận, cuồn cuộn trong tâm, lúc nào cũng dẫn đưa ta chìm vào trong đó để rồi ta sống mà như bóng ma chập chờn, như bóng đèn gần hết dầu, một cơn gió nhẹ thoảng qua, cuộc đời nằm xuống, thế là đã xong.

Thần tượng hóa cảm xúc có thật! Hầu hết những ai có những dòng cảm xúc quá lớn mà còn thần tượng nó thì nó có nhiều tai hại. Một chuyện thật nhỏ xảy ra trong cuộc đời, nếu như không hiểu mọi cảm xúc, cảm thọ là huyễn giả như lời của Đức Phật dạy trong cách nhìn rõ vô thường sanh – diệt thường gây ra sự rắc rối trong cuộc đời. Giữa tình người, giữa tình bạn, trong thân tộc, trong gia đình, ta tưởng tượng, thần tượng nó lên để những cảm xúc buồn đó trở thành khối ung thư, tạo ra sự ngăn ngại và rồi làm cho tình cảm rạn nứt, không còn. Thế nên ta mới thấy được tại sao tình cha mẹ phải chia tay, tình người bạn đời không còn nối gót đến trăm năm, tình của con người không trọn hảo trong sự lành lặn của tình thương chính là bởi vì chỉ một chút chạm vào điều ta không ưng, điều ta không thích, điều ta không hài lòng, điều mà ta cho là đúng đó tạo nên những cảm xúc trái chiều như hai người đi xe ngược chiều, gặp đèn đỏ cũng chẳng chịu dừng bởi vì thần tượng cảm xúc quá mức, rồ ga, phóng nhanh, vượt ẩu, chẳng thắng, nhằm thẳng đối tượng mà tông vào, thế là xong. Mồ hoang lại lạnh, cốt người chơ vơ. Chết rồi còn đâu nữa.

Những chuyện tan vỡ trong cuộc đời cũng chính bởi vì ta thần tượng cảm xúc của mình. Thần tượng hóa cảm giác, cảm thọ của mình, đưa nó tới một chỗ bề quá cao, nâng khỏi tầm với của nhau để rồi không bao giờ còn nhìn thấy nhau. Dù chỉ là một sự va chạm thật nhỏ trong ngôn ngữ sử dụng hằng ngày, trong những hành động không phù hợp, trong ánh mắt hình như có chút gì đó gai góc, sờn lòng, thấy vậy nhỏ đó, bé đó mà biết bao nhiêu những sự cao đẹp ta đã cống hiến, ta đã trao tặng, ta đã cùng nhau xây dựng liền đổ sụp, chẳng còn chỗ đứng. Thần tượng hóa cảm xúc sẽ gây đau khổ trăm chiều. Đức Phật dạy: “Mọi cảm xúc là cảm thọ, mọi cảm thọ là huyễn giả”. Cảm thọ từ âm thanh nghe bằng tai, cảm thọ từ hình ảnh nhìn bằng mắt, cảm thọ từ cái chúng ta có thể ngửi được, nếm được, chạm được, nghĩ tới trong năm uẩn nơi sáu căn của chúng ta tạo ra muôn muôn hằng hà sa số những cảm xúc, những cảm thọ khi tương tác. Tương tác với muôn loài, muôn vật dù là vô hình hay hữu hình cũng luôn tạo ra cảm xúc. Phật dạy mọi cảm xúc, mọi cảm thọ đó đều vô thường sanh – diệt, nói đúng hơn là đều là huyễn giả, chẳng thật, không nên bám víu để tạo chỗ đứng, để rồi dần dần xây dựng một ngã tướng, một chủ ngã để biến mình thành bản ngã đó, cống cao ngã mạn, đắm chìm trong những dòng triều của cảm xúc. Triều cường của cảm xúc lên xuống bất thường, những cảm xúc như dòng triều của nước, đôi khi mang rác rưởi, đôi khi trong, đôi khi đục, những dòng cảm xúc trong – đục luôn tới với chúng ta. Đã làm người, chẳng thể cứ để cho dòng cảm xúc trong – đục của cuộc đời nhận chìm mãi đâu. Làm chủ cảm xúc là khi chúng ta nhận biết cảm xúc và cảm thọ chỉ là huyễn giả vô thường, không bám víu mới xây dựng một cuộc sống thật sự đúng nghĩa an vui và hạnh phúc. Chỉ một chút cảm xúc sơ sơ thì muôn sự đã hư, hư trong cái hảo, cái huyền, cái vô thường đó các bạn.

Khi nói đến cảm xúc của tâm linh thì nó còn băng hoại đời sống của tinh thần, tâm linh đến cỡ nào?! Một người đi viếng thăm một Thánh địa của Phật giáo hay một Thánh địa của một tôn giáo nào đó trên thế giới, tạo được cảm xúc giữa con người hiện tại tương tác với những điều gì linh thiêng về một vị Thánh Tăng nơi Thánh địa đó, vì một đấng giáo chủ hoặc một đấng quyền năng tin tưởng nào đó tạo nên những dòng cảm xúc rung động rồi thần tượng hóa, biến cảm xúc đó, thần tượng cảm xúc đó, biến thành những cái chủ ngã của đấng giáo chủ của trời, của đất, của Phật, Thánh, Bồ Tát, của vị này vị kia, xưng hùng xưng bá, vỗ ngực xưng tên, ban ơn cầu phước, phát lộc cho muôn người. Các bạn cứ để ý đi, nó chỉ là cảm xúc của con người mà thôi. Nó chỉ là cảm thọ và cảm xúc, cảm thọ đó, Phật đã dạy đều là huyễn, không thật trong cảnh giới vô thường sanh – diệt. Vậy mà đã có biết bao nhiêu con người chấp vào đó, cảm xúc đó, cảm thọ đó, cho là thật để xây dựng một nền tảng giáo lý, tôn giáo, tín ngưỡng của mình để đưa mình lên tầm cao rằng: “Ta đã chứng đắc, ta đã thành hoặc ta có đấng ở trên thể nhập vào thân xác này để như người có thẩm quyền ban bố, thi ân, bố đức, trao truyền những cái lợi trên trời, làm theo ý riêng của họ để trục lợi về tiền, về danh. Huyễn càng huyễn, giả càng giả, lộn giả thành chân, mang điều huyễn cho là thật, mang điều giả cho là thật, lặp đi lặp lại làm lu mờ trí tuệ của muôn chúng sanh chưa được khai thị, để rồi cãi nhau, nhào mình trèo lên thuyền huyễn giả của cảm xúc mà chìm dần trong sóng của những nhân duyên tác hợp do bất thiện nghiệp nhiều đời, đến khi nhận ra thì xương trắng đáy mồ, lòng sông kia cạn cả thì mới thấy dưới đó có biết bao nhiêu con người đã chết chìm trong dòng sông cảm xúc, cảm thọ huyễn giả của con người.

Các bạn vẫn nhìn thấy có những người đã thần tượng cảm xúc qua các giác quan để phô trương thanh thế, nói rằng là Phật, là Bồ Tát hiển thân hoặc là Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, Chư Thiên, ông trời nhập vào để làm những việc hoang tưởng, mù lòa. Chỉ là cảm xúc mà thôi! Chỉ là cảm thọ huyễn giả mà thôi!

Chúng ta ở Việt Nam có cơ hội tới biết bao nhiêu quán cà phê, bây giờ, làm sao các bạn ở Việt Nam có cơ hội nếm được chất cà phê nguyên chất? Hầu hết, mọi quán cà phê có những thủ thuật, phương thức pha trộn để cái chất thật của cà phê ngày nay không còn. Uống cà phê thì không còn là chất thật, không còn dưỡng chất, cái chất đã mất rồi. Chỉ còn tên là cà phê nhưng hương vị được pha trộn bởi nhiều thứ phù hợp với tâm lý và sở thích của từng khách tới. Và những hương vị pha trộn đó dẫn đưa người khách xa dần cái chất, cái hương vị nguyên thủy của cà phê.

Các bạn! Cảm ứng với tâm Phật là cái chất của sự sống trong tâm linh nhưng mấy ai chuẩn bị cho mình trong Chánh Niệm hơi thở, phá chấp bởi nhìn rõ được vô thường, bỏ chấp, buông hết bởi nhìn rõ được có ngã sẽ tạo khổ để trở về chất nguyên thủy của Phật tánh? Cảm ứng được, cảm thông được, liên thông được, tuệ thông được những năng lượng vi diệu của thực chất tánh Phật không còn, bởi chúng ta như những quán cà phê dựa trên nền tảng tâm lý để câu khách, câu like, để rồi pha trộn cảm xúc của mình vào, pha trộn cảm thọ của mình vào, làm cho chất Phật, chất tâm của miền đất chân như biến tướng, dị hóa. Đi tới chỗ mà ngay chúng ta cũng không còn nhận ra được chính mình thì lấy gì làm nền tảng vững chãi để tìm hiểu về bản tâm vốn có nơi ta? Một chút xíu cảm xúc của cuộc đời rồi vẽ rồng, vẽ rắn, nâng bổng lên như bong bóng bơm hơi vào cho bay bổng, nhìn lên trời thấy ngây thấy ngất bởi đỉnh đỉnh trên trời nhưng đâu ngờ khi cao quá, nó nổ tung, banh xác, rớt xuống, không ai còn nhìn thấy. Có những con người thần tượng hóa cảm xúc, thổi cho phồng lên, bay thật cao, nổ banh xác. Điều này có trong xã hội.

Chúng ta học Phật chẳng phải là thổi phồng. Nhìn như nhìn, thấy như thấy, không thể thần tượng cái nhìn, cái thấy, cảm xúc của chúng ta mà để giảm tối thiểu sự thần tượng hóa cảm xúc để đi lạc đường vào con đường Tà đạo. Để dần thẩm nhập được Chánh đạo của Phật, chúng ta phải dùng phương tiện của Chánh Niệm hơi thở trong mọi giây phút của cuộc đời, hòa nhập với thể tánh chân như, Chánh Niệm từng giây từng phút để cảm xúc của chúng ta không nhập vào trong tưởng thức, dần tưởng tượng quá đáng rồi thần tượng nên cảm xúc thành một vị thần, cảm xúc tưởng tượng riết rồi chúng ta thành một vị Phật, một vị Bồ Tát, một đấng nào đó. Nhiều người tu có những dòng cảm xúc lui tới qua thân bởi sáu căn, bởi ngũ uẩn rồi bắt đầu nói đến những chuyện huyễn giả, mắt đã mờ bởi bụi trần dính vào, mắt đã lu bởi hồng trần sơn phết nhiều màu sắc vậy mà nói cọp, nói beo, nói voi, nói đủ mọi thứ, nhìn gà hóa cáo mà diễn giả như thật. Vậy nên chúng ta mới thấy đời nó rối!

Đừng thần tượng hóa cảm xúc! Mà để như vậy thì mỗi người chúng ta phải chú tâm vào sự tu tập thật sự. Chánh Niệm hơi thở giữ cho chúng ta không bị cảm xúc của thân để đánh mất cái chất, phẩm chất cao quý của Phật. Chánh Niệm hơi thở giúp cho chúng ta có sức mạnh nhìn xuyên qua màn sương mù dày đặc của những cảm xúc mà muôn đời ta đã thần tượng, của những cảm thọ mà muôn đời ta đã ôm ấp, của những huyễn giả ta xây dựng thành sự thật. Khi trở về với Chánh Niệm, mọi thần tượng cảm xúc, mọi huyễn giả của cảm thọ đều rơi rụng, tan biến. Cộng thêm với luồng gió mát của ân điển từ bi nơi Chư Phật, thềm chân tâm sẽ được phủi sạch những lớp bụi của cảm xúc mà ta thần tượng nhiều đời, những lớp rác rưởi của cảm thọ huyễn giả mà ta đã phủ lên từ muôn kiếp. Cộng thêm bật lên đèn trí tuệ của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, chúng ta sẽ có tánh thấy và tánh biết. Thấy, biết thật rõ vạn pháp vô thường, thấy, biết thật rõ là vô ngã để muôn sự khổ ở đời, phiền não trong cuộc sống không trở thành những con vi khuẩn, vi trùng nguy hiểm thâm nhập vào trong tâm, trong cơ thể tạo nên những chứng bệnh nguy hại, không có thuốc chữa. Đau tim, đau phổi, đau gan, đau tay, đau mắt còn có thuốc chữa nhưng nếu mình tự nhồi độc vào trong tâm thì thật là khó chữa. Thật là khó chữa mà phải tự thân mình nhận ra mới có thể gạn lọc những chất độc của những cảm xúc thần tượng quá đáng, của những cảm thọ huyễn giả quá nhiều. Thọ là huyễn giả, mọi cảm thọ đều là giả hư, đều là vô thường. Mọi cảm xúc đều là vô thường sanh – diệt, chẳng thật.

Đừng thần tượng! Ngồi ngồi chút xíu, nói hươu nói cuội, thở thở vào ra, nói trời nói đất, tu tu chẳng tới mà nói chuyện trên trời bởi vì chúng ta tin vào sự trải nghiệm của ngũ uẩn, của giác quan mà ngũ uẩn, giác quan đó vẫn còn nằm trong cái tầm, hệ thống của Phàm phu Tham – Sân – Si, chứ nếu chúng ta Chánh Niệm hơi thở, cũng ngũ uẩn đó, cũng giác quan đó, cũng lục căn đó, rời khỏi tầm xa chấp thủ của Phàm phu, đặt vào phương tiện của Bồ Tát, Thánh Hiền thanh tịnh thì ngũ uẩn và lục căn đã được thanh lọc một cách tinh tuyền, trong suốt để nhìn qua mọi chướng ngại của tri kiến, của kiến thức, của chấp ngã, chấp thủ, của vô thường sanh – diệt, của vô ngã, khổ chẳng tới bởi ta đã nhìn như nhìn, thấy như thấy, biết như biết, thong dong và tự tại, an nhiên và hạnh phúc, tươi vui mỗi ngày, cái sầu chẳng đọng trên môi miệng, cái buồn chẳng vưởng vất trên khóe mắt, mặt sẽ vui, người sẽ khỏe, muôn bão tố cuộc đời có bay tới, chẳng một chút mảy may bụi bặm dính vào bởi thềm chân tâm được luồng gió mát của từ bi Mu A Mu Sa thổi sạch rồi.

Trong suốt như kim cương bởi thềm chân tâm được mặt trời trí tuệ của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang chiếu soi để ta nhìn rõ từng hạt bụi li ti của những cảm xúc thần tượng quá đáng. Ta nhìn rõ từng hạt bụi li ti của những cảm thọ huyễn giả nhiều đời ta đã ôm, đã chấp, đã bám. Cần phải tẩy xóa mọi cảm xúc thần tượng đã nhiều đời nhiều kiếp, cần phải chuyển hóa những cảm thọ huyễn giả nhiều đời đã ôm ấp. Giữa con người với con người thấu rằng mọi cảm xúc huyễn giả lui tới sanh – diệt thì những sự va chạm tạo cho mình những cảm xúc vui – buồn, sướng – khổ, được – mất, thích hoặc không thích sẽ thoáng qua mà thôi. Để rồi không buồn vu vơ, không sướng ngây ngất với những điều vô tưởng đó. Phải sống một đời sống chân thật, nhìn thật rõ qua sự quán chiếu của mật ngôn số 02 NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, thực tập tánh biết của Lăng Nghiêm, cái nhìn của Bát Nhã Tâm Kinh thấu suốt được ngũ uẩn là không, hiểu được các pháp là vô thường sanh – diệt, thấu được là vô ngã để chúng ta chuyển hóa khổ đau và phiền não, chứng đắc được và có sự trải nghiệm được an vui, hạnh phúc, Niết Bàn tại nơi đây. Chúng ta đồng một thể tánh Phật và đều có khả năng chuyển hóa để thành tựu. Phật là bậc thầy dạy dỗ, chỉ dẫn cho chúng ta đầy đủ mọi phương pháp, có khoa học, có tâm linh, nếu các bạn chuyên chú học hỏi, chúng ta sẽ từng ngày từng giờ lột bỏ tất cả mọi lớp áo hào nhoáng của sắc tướng cuộc đời ta đã đắp lên để lộ ra Pháp y chân thật của đất tâm để nhìn thấu được áo cà sa giác ngộ của Phật nơi tâm tánh thiện lành của kẻ Phàm phu như chúng ta. Chẳng đợi đến khi chứng đắc bởi có gì là sở chứng, có gì là chứng đâu.

 Tâm Phật hiện hữu
Phủi sạch là xong
Nhìn thấy được rồi
An nhiên và tự tại.

Không phải Phật đang nhiên mà nói đến tánh biết của Lăng Nghiêm, toàn bộ Kinh Lăng Nghiêm nói về tánh biết phân biệt rõ hư huyễn, cái giả, cái thật từ những cảm xúc, cảm thọ. Chúng ta không nói đến những cái cao siêu mà nói đơn giản để chuyển hóa những niềm vui chợt tới, chợt đi thành cái chất lượng của cuộc sống an nhiên và tự tại, để chuyển hóa những cảm xúc đau khổ, giận hờn để giữ vững được mối tình cảm trân quý, trong sáng giữa con người với con người, giữa tình cha và mẹ, giữa bạn đời và bạn hiền, con cái trong cuộc sống. Rất cần! Ta là con người, ta có cha có mẹ, đấng bậc sinh thành, ta là con người, ta có chồng có vợ, có bạn bè, có xã hội liên đới, chẳng phải là cắt đứt tất cả để đi vào miền đất chân như tịch tĩnh của cái gọi là bỏ đời vào đạo mà ta đi trong đời mà thấy được đạo ở mọi nơi, mọi chỗ. Chẳng nên sống một cách tiêu cực, nhìn vào những cái xấu để chê chán cuộc đời mà nhìn vào những tích cực nơi thân người có phương tiện thiện xảo để tinh lọc, tịnh hóa thân tâm, đạt được sự siêu xuất trong cõi đời thường để sống trong cõi ô trược mà tâm vẫn thanh tịnh, lòng vẫn an vui.

Có nhiều phương pháp để chúng ta quán chiếu nhưng phương tiện vi diệu mà Bảo Thành, Chư Tổ của Thiền Mật song tu, Thất Bảo vẫn luôn luôn nhắc nhở mọi người phải chú tâm đến đó là Thiền quán trí tuệ. Trí tuệ – từ bi quán là Pháp quán cao siêu của Mẹ hiền Quán Thế Âm, của Bậc Thiên Thủ Thiên Nhãn, Đại Sĩ Quan Âm đã dạy cho chúng ta quán chiếu bằng trí tuệ và từ bi. Trí tuệ – từ bi quán để thấu rõ ngũ uẩn là không, để thấu rõ vạn pháp vô thường, để thấu rõ không có một ngã tướng nào ở tất cả các pháp. Ngay trong thân xác làm người này cũng trở nên vô ngã để không bám víu, tạo ra khổ đau và phiền não.

Có gì để bám? Có gì để chứng đắc? Có gì để thành tựu? Chỉ có nơi cuộc đời này là phương tiện vi diệu để gạn lọc những cảm xúc ta đã thần tượng, những cảm thọ huyễn giả ta đã ôm ấp. Hãy một lần, hãy một lần như ông sãi ở chùa, khoác màu áo nâu sồng, từ bỏ những ham vui của cuộc đời, thể nhập vào Chánh Niệm chân như, cầm cái chổi của Thiền Mật song tu, quét nhẹ nhàng trên thềm của tâm thức những chiếc lá của cảm xúc, của cảm thọ đang vương và đang rớt, đang phủ kín thềm tâm thức của chúng ta. Ở chùa thì quét lá đa, hãy làm một ông sãi ở chùa để quét lá bụi bặm cảm xúc của những thần tượng quá đáng, của những cảm thọ huyễn giả. Quét sạch đi các bạn ơi! Cứ từ từ mà quét rồi thềm chùa chân như sẽ sạch, ngôi chánh điện của tâm thức sẽ lại hiển lộ trong đó có Phật, có Bồ Tát, Thánh Hiền, có viên dạ minh châu sáng tỏ nơi Phật tánh tự tâm. Nhưng phải quét các bạn, phải quét rác! Quét sạch mọi cảm xúc ra đã thần tượng, quét sạch mọi cảm thọ huyễn giả ta đã ôm ấp. Sẽ lành thay, sẽ hạnh phúc thay nếu chúng ta biết đứng dậy quét rác trong tâm.

Mật ngôn Mu A Mu Sa là phương tiện vi diệu bởi gắn kết với Chư Phật mười phương bằng năng lượng từ bi, năng lượng của tình thương cho ta có sức mạnh không phân biệt, tâm không có phân biệt và mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có ánh sáng trí tuệ của chân tâm để với tâm không phân biệt và phương tiện chiếu sáng của miền đất tự tâm bằng trí tuệ, ta nhìn thấu vạn pháp vô thường, ta nhìn rõ mọi cảm xúc tới và đi là huyễn giả, mọi cảm thọ là huyễn giả để rồi không ngồi đó mà tưởng tượng như tượng voi, thần tượng quá đáng. Người nào càng thần tượng cảm xúc quá nhiều càng sống xa thực tế, rơi vào trầm cảm. Trầm cảm có nhiều hình thức. Trầm cảm quá mạnh như sóng dồn tới thì đi tới kết liễu của cuộc đời, bệnh tâm thần, làm cho cuộc sống hoang phế, không còn lợi ích. Trầm cảm mà ngầm ngầm một chút xíu thì dễ sống hoang tưởng, xưng vương xưng tướng. Trầm cảm một cách mà gọi là lăn tăn thì sống lơ, sống lửng như người trời, mà ở đời người ta gọi là người giời thích phán cái này, phán cái kia. Đung đưa theo gió nhặt vàng, chuông mõ rình ràng, thế sự vẫn quay.

Cuộc đời cũng như vậy đó! Các bạn thấy ngày nay thật nhiều người dễ nhập vai, dễ đóng vai bởi thần tượng hóa những cảm xúc của mình khi tương tác qua những dòng năng lượng tiêu cực của bất thiện nghiệp để rắn hóa rồng, để chép hóa rồng, để giun dế dưới mồ sâu lại một lần nữa vươn lên như rồng bay ở cõi trời, phun ra những lời bất thiện mà tưởng là châu ngọc, lợi ích cho dân gian. Chúng ta phải nhìn rõ, đừng thần tượng cảm xúc của mình, hãy trở về với tự tánh qua phương tiện của Chánh Niệm hơi thở mà Đức Phật đã dạy, hãy thể nhập vào năng lượng tình thương của Phật, năng lượng từ bi. Chỉ có từ bi mới có thể gội rửa sạch sẽ những cảm xúc vụn vặt của cuộc đời, những cảm thọ của cuộc đời. Chỉ có trí tuệ mới nhìn thấu, mới biết thấu, mới nghe thấu để hiểu rõ vô thường sanh – diệt, vô ngã để thấy không có gì bên trong cũng chẳng có gì bên ngoài để dựa vào, tâm phải rỗng, phải trong suốt như kim cương để thấy rõ cái huyễn và cái giả, cái thật và cái không thật. Lộn giả thành chân là có thật, người ta mang giả để biến thành thật là có thật bởi vì ta mù, ta điếc nên người  ta nói gì cũng nghe.

Trong Phật pháp, Phật đặt nặng ở chỗ mỗi người chúng ta cần phải tu để đạt đến trí tuệ. Trí tuệ để nhìn thấy ngũ uẩn là không, trí tuệ để quán chiếu vạn pháp vô thường sanh – diệt, vô ngã. Phải hiểu được tánh biết, tánh thấy như vậy thì mỗi người chúng ta sẽ tràn ngập năng lượng từ bi và yêu thương, cuộc sống nhất định khổ đau chẳng còn.

Đừng thần tượng hóa cảm xúc bởi trong cuộc đời làm người, nếu các bạn thần tượng hóa cảm xúc quá đáng thì tình cảm giữa người bạn đời với bạn dần dần bị rạn nứt bởi cảm xúc đó là cảm xúc một chiều của tâm bất thiện bám víu. Chẳng phải là cảm xúc dung thoa trong sự thông cảm, hiểu biết để trụ vào sự tịch tĩnh an vui, mang niềm vui tới cho nhau mà là cảm xúc của sự phân biệt, đặt cho mình cái tôi quá lớn, ưu tiên quá lớn để có thể điều khiển người khác phục vụ cho cảm xúc của riêng mình rồi ngồi đó mà thần tượng, ngồi đó tưởng tượng, tưởng riết rồi thành Thần, thành Tiên, thành Thánh, thành Phật.

Trên đời là như thế! Mọi cảm thọ là huyễn giả, mọi cảm xúc là vô thường, chẳng có, đừng thần tượng quá đáng để tạo khổ cho mình và gây phiền não cho muôn người. Những ai muốn có một cuộc đời hạnh phúc và bình an cần phải thể nhập vào thể tánh chân như qua hơi thở Chánh Niệm, quán chiếu bằng trí tuệ và từ bi hiểu thấu các pháp là vô thường sanh – diệt, vô ngã để không bị khổ và phiền não chiếm cuộc đời. Đoạn mọi tri kiến, mọi sở kiến, đừng để cho những kiến thức, những sự hiểu biết Phàm phu của mình tạo thành những bức tường thành như Vạn Lý Trường Thành ngăn cách ta với người. Hãy phá vỡ tất cả mọi bức tường thành của những cảm xúc thần tượng quá đáng của những cảm thọ ta ôm ấp nhiều đời để ta một lần nữa không còn có chướng ngại bước qua, bước qua, bước qua tất cả, vượt lên, vượt lên tất cả để trở về với miền đất chân như. Y như Bảo Thành trở về Tổ Đình, niềm vui sướng dâng tràn bởi đã vượt qua hàng trăm dặm đường xa trên bầu trời, ngồi trên máy bay để lại trở về, đặt bàn chân nơi đất Chùa Xá Lợi, nơi mà mình đã thường trụ.

Để các bạn có thể lên được máy bay của Chánh Niệm hơi thở Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để trở về ngôi chùa của tự tâm để các bạn lại một lần nữa đặt bàn chân lên tâm Phật mà các bạn đã thường trụ từ vô lượng kiếp qua để không còn bám víu, thần thượng những cảm xúc, ôm ấp những cảm thọ huyễn giả làm cho cuộc đời thành hoang tưởng, trầm cảm, đau khổ và bất an thì hãy thực tập, hãy tu, hãy tự đứng dậy thắp đuốc mà đi.

Mời các bạn đặt bàn tay Trí Tuệ và bàn tay Từ Bi vào với nhau.

“Thưa Phật! Chúng con đã sống chìm đắm trong những dòng cảm xúc nhiều đời, thần tượng quá đáng và ôm ấp khư khư giữ mãi những cảm thọ huyễn giả làm dơ bẩn chân tâm. Nay hiểu thấu, nguyện thành sãi ở chùa mang chổi Chánh Niệm Mu A Mu Sa, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang quét sạch để nhìn rõ, để nhìn thấu, để biết vạn pháp chân thực là Vô Thường, Vô Ngã.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)  

Hồi hướng:

Mời các bạn hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con hồi hướng công đức đồng tu hôm nay nếu có đến tất cả mọi chúng sanh nguyện đồng thành Phật đạo.

Mô Phật!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn