Search

Bài 2069. Vui Sống Hồn Nhiên | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Tịnh Ý bút ký

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Giờ đồng tu đã tới, mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo, giữ tâm thanh tịnh để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện Chư Phật mười phương ban rải năng lượng tình thương xuống muôn loài chúng con và gia trì cho chúng con có đầy đủ trí tuệ quán chiếu thấy rõ các pháp là Vô Thường sanh – diệt từng sát na, là Khổ, là Vô Ngã, là Niết Bàn.

Trong buổi đồng tu hôm nay, chúng con đều hướng về quê hương Việt Nam và các nước Á Đông đang bị đại dịch hoành hành, nguyện xin Chư Phật gia hộ để đại dịch mau qua, cũng thành tâm hồi hướng cầu an cho một bé thơ, cháu của các bạn đồng tu của chúng con có đầy đủ phước báu gặp thầy, gặp thuốc chăm sóc để vượt qua cơn bệnh trầm kha. Chúng con cũng thành tâm hồi hướng cho hương linh cậu của Bé Ba vừa vãng sanh. Nguyện xin Chư Phật từ bi chứng minh.

Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Trí tuệ và từ bi là hai điều cốt lõi mà mỗi người chúng ta học Phật cần phải luôn luôn chú ý thực tập, huân tu để thành tựu được trí tuệ và từ bi. Với mật ngôn Mu A Mu Sa, thành tâm nhiếp vào trong hơi thở của Chánh Niệm, một lòng khiêm tốn đón nhận, mỗi người chúng ta sẽ tiếp nhận được tràn đầy năng lượng từ bi của Phật để tưới tẩm vào tâm bồ đề. Cũng với Phật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có nghĩa nguyện xin Chư Phật thắp sáng đuốc tuệ, khai mở tâm trí cho chúng ta. Với trí tuệ – từ bi quán, phẩm hạnh cao cả của Mẹ hiền Quan Thế Âm, mỗi người chúng ta trong giờ phút tu tập Chánh Niệm hơi thở này, nhất tâm đón nhận, thành kính đón nhận thì nhất định sẽ đón nhận được thật nhiều năng lượng siêu thế.

Hãy nghĩ tới tất cả những người thương yêu của chúng ta, các đấng bậc sinh thành, bạn đời, gia đình và thân bằng quyến thuộc, người thân, cộng đồng và xã hội, chúng sanh và muôn loài, ta hồi hướng cho tất cả đều có sự bình an và hạnh phúc, tự tại và an vui.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật!

Các bạn thân mến! Chúng ta cứ đi tới đi lui trong cõi hồng trần bao nhiêu kiếp nhưng mấy ai nghĩ rằng chúng ta đã như vậy? Một cách thật hiển nhiên, ta nghĩ rằng cuộc đời này sinh ra làm sao biết được kiếp trước, làm sao nhìn thấy được kiếp sau, vậy mà cứ loay hoay tìm tòi những chuyện đã đi qua, thuộc về kiếp trước để rồi vươn mãi, vươn mãi về tương lai tìm một chút bóng của một kiếp nào đó trong cõi mù mờ của tương lai chẳng hề có thể bắt gặp được. Đó là nói chuyện về tiền kiếp và tương lai nhưng cuộc sống của con người, không biết có phải sinh ra trên đời vì một nhân duyên nào đó trong một thế giới hồn nhiên vô tận của đời sống sinh ra bởi cha mẹ, ta dần dần trốn tránh sự hồn nhiên, thơ ngây ấy để đi vào trong cõi mà ta cứ phải bận rộn, ta không được hạnh phúc, an yên và rồi cứ lại đào bới biết bao nhiêu phiền muộn cho chính mình.

Chủ đề: “Vui Sống Hồn Nhiên”, cứ thử hỏi mỗi người chúng ta làm sao có thể hồn nhiên vui sống trong cuộc đời nhiều biến động? Nói thẳng và rõ ràng trong ngày nay, ngay tại đất nước Việt Nam của chúng ta, bao nhiêu cơn đại dịch đã xảy ra trên thế giới và dần dần kéo tới quê hương. Dịch bệnh tràn lan như vậy, các tỉnh thành, các khu phố, con người giãn cách, đóng cửa phong kín cuộc đời, ra ngoài đường thầm nhìn sự nhộn nhịp của những tháng ngày qua, giờ thì vắng bóng, con đường trở lên lạnh lùng hơn, xe cộ thưa thớt, người đi cũng chẳng còn. Không phải từ những thôn làng nơi miền quê mà nơi thành phố kinh kỳ như thành phố lớn Sài Gòn, như những thành phố lớn ta sống hình như đang có một màn u ám, sợ hãi phủ kín, bủa vây bởi những tin tức hôm nay ở chỗ này có nhiều dịch, hôm nay thì ở chỗ kia có nhiều bệnh lây lan cấp một, cấp hai, tin tức liên tục. Nhà nước, chính phủ đưa ra những luật ngăn cấm đi lại để ngăn chặn lây lan và cứ thế, cứ thử hỏi làm sao ta có thể vui sống hồn nhiên được?

Nếu nói vậy có phải nghịch lý với cuộc đời không? Nếu nói chúng ta đừng lo lắng, hãy hồn nhiên thì quả thật, điều đó nghịch lý. Hình như đây là cách suy nghĩ của nhiều người, và đôi khi ta còn hỏi lại: “Hãy chứng minh làm sao có thể hồn nhiên trong bão tố của đại dịch?” Và đúng vậy! Chúng ta đã bị lôi cuốn vào sự lo âu, phiền não, sự sợ hãi bởi nó là sự thật, bởi đây, đó có người này, người kia đã nằm xuống vĩnh viễn bởi đại dịch. Hồn nhiên làm sao đây?

Rồi nói tới những thân nhân, người quen của chúng ta, chẳng phải đại dịch mà lỡ lâm bệnh trầm tra, bệnh nặng, bệnh hiểm, ta làm cha mẹ, làm ông bà, làm người thân, người quen thì làm sao hồn nhiên đối với người thân đó đang lâm bệnh như vậy? Chúng ta có một người thân gần gũi cũng là một vị thầy cư sĩ có một người cháu còn rất nhỏ, còn rất thơ, đúng hơn là còn rất hồn nhiên trong tuổi thơ trong trắng như thiện thần hạ giới, vậy mà sinh ra, nhân duyên nào đó mang một bệnh u ở trong não, cả một năm qua chúng ta hướng tới em, hồi hướng để em có đầy đủ phước báu chuyển hóa và vượt qua và em đã đi mổ khối u đó. Những ngày tới sẽ ra sao đều phải nương vào hùng lực của Tam Bảo và giới hạnh của ông bà, cha mẹ, Cửu Huyền Thất Tổ và phước đức tự thân của em. Tuy nhiên, mỗi người chúng ta vẫn có thể hồi hướng cho em. Có điều trong tâm trạng của cha mẹ, ông bà, chú bác, người thân của em, người quen biết như chúng ta hỏi sao có thể hồn nhiên với căn bệnh đó? “Thật là nghiệt tới với một đứa trẻ còn thơ có làm nên tội gì đâu?” Đó là cách nói của nhân gian: “Còn trẻ còn thơ, hồn nhiên như thế, tội lỗi gì đâu mà phải mang trọng bệnh?”. Hồn nhiên làm sao được?

Rồi bất chợt như hôm nay, Bảo Thành lại nghe được một tin là người thân của Bé Ba, một trong những đồng môn tu tập của chúng ta có ông cậu vừa từ bỏ cõi chơi của cuộc đời hồng trần này đi về đâu, về đâu hỡi nào ai có biết? Thân bao năm lại trở về với lòng đất sâu, rồi một mai khi nhớ tới thì tấm thân của người cậu mà ta có thể nhìn thấy hôm nay đã hóa thành đất, thành bụi, thành tro. Có đó rồi mất đó! Là thân tộc, là người con cháu trong gia đình, làm sao để vui sống hồn nhiên nếu một người thân yêu của chúng ta đã ra đi?

Chỉ ba cảnh nói như vậy, đại dịch và khối u của một bé thơ cùng với một người mới chia tay đã là phiền, là đau, là khổ, là lo âu thì tìm đâu ra một cuộc sống để vui, để hồn nhiên? Chưa nói tới biết bao chuyện lo lắng canh cánh trong lòng mỗi một ngày trôi qua của cuộc đời bận rộn lo cơm ăn, áo mặc, lo cho sự sống nhà cửa, lo cho kiếp nhân sinh làm người. Làm sao để hồn nhiên vui sống trong một cõi đời tạm bợ như một gác trọ giữa biển khơi muôn trùng sóng cuốn tới, gác trọ mong manh, sóng kia ập tới sẽ cuốn trôi xuống lòng biển cả. Chúng ta càng nghĩ càng thấy cuộc đời mong manh, càng suy tư càng tư duy cho đúng thì càng phải thấy cuộc đời vô thường trong sanh – diệt từng sát na. Hỏi đâu tìm được vui? Hỏi đâu sống để hồn nhiên? Mở mắt ra một buổi sớm, cà phê chưa uống, những giọt sầu, giọt đắng đã tới trong trái tim. Bước chân đi gai góc, hầm hố chông gai như cứ chực sẵn để xô đẩy chúng ta xuống. Bao nhiêu khối đau trong lòng chưa lành, chưa hết, vết thương mới lại loang màu máu của nhớ nhung, của sân hận, của buồn tủi thì tìm đâu ra để vui sống hồn nhiên?

Chúng ta hãy đi về lời của Đức Phật dạy, Ngài nhìn thấy sự bất ổn vô thường sanh – diệt, Ngài nhìn thấy sự tới lui mà con người không thể làm chủ được sự sống cũng như sự chết để lăn trôi trong luân hồi đau khổ, sự hồn nhiên vốn có nơi tự tánh biến mất bởi chúng ta không nhận ra, nhưng hãy lấy một hình ảnh thật đặc biệt trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Đức Phật dạy cho chúng ta là hãy sống hồn nhiên và để cuộc sống hồn nhiên nơi tự tánh của chúng ta. Và để sống hồn nhiên, muốn vui sống hồn nhiên như vậy thì mỗi người chúng ta phải trở về với tự tánh, mà tự tánh của chúng ta là tự tánh của Diệu Pháp Liên Kinh đã dạy, tự tánh của trẻ thơ trong Phẩm Anh Nhi nói thật rõ sự hồn nhiên của trẻ thơ. Các đấng bậc sinh thành nên con cái, làm ông bà, làm cha mẹ, chúng ta có một sự trải nghiệm khi người con được sinh ra ở cuộc đời, nhìn trên khuôn mặt của trẻ thơ dù cất lên tiếng khóc vẫn rất hồn nhiên. Da thịt thơm mùi đức hạnh của cha mẹ. Từng tạo tác, từng nhấp môi, từng nháy mắt, từng bàn tay thật là tuyệt vời như đôi cánh của thiện thần vươn ra, ta thấy: “Ôi! Sao đứa trẻ hồn nhiên, đẹp như thế?”. Chẳng một chút lo âu, phiền muộn và sợ hãi dù cất tiếng khóc chào đời nhưng tiếng khóc đó hồn nhiên vô tận, êm ái lắm, đẹp lắm. Và khi trẻ thơ sinh ra, cất lên tiếng khóc thì niềm vui sướng của người mẹ dù sanh con có đau đớn cỡ nào cũng có niềm vui tột cùng bay đến tận trời bởi hôm nay, ta đã nhìn thấy một người con ta cưu mang 09 tháng 10 ngày trong bụng. Người cha đứng bên cạnh cũng hạnh phúc ngất ngây bởi đã nhìn thấy người con, dù người con đang khóc để chào đời, tiếng khóc chào đời đó chẳng như người ta diễn giải là tiếng khóc đau đớn hoặc tiếng khóc chào cho một kiếp người trầm luân mà là tiếng khóc hạnh phúc. Người ta cứ lẫn lộn khóc là buồn nhưng tiếng khóc của trẻ thơ vẫn hồn nhiên ngây ngất, vẫn thanh tịnh, trong sáng. Toàn bộ cuộc đời của trẻ thơ thật là hồn nhiên vui sống, chẳng một chút lo âu, sợ hãi. Lớn dần, lớn dần, dù có bệnh cũng hồn nhiên, dù có đau cũng hồn nhiên, muôn sự đời có biến động thăng trầm, có đó, mất đó, được đó nhưng em bé vẫn luôn hồn nhiên, chẳng khi nào hiện trên nét mặt sự lo âu, sợ hãi bởi vì sao? Bởi vì em đã có mẹ có cha, cha như thái sơn che chở, mẹ như biển trời mênh mông vô tận ôm ấp, dìu dắt, hướng dẫn, nuôi nấng, chăm sóc và trong vòng tay của mẹ, trong ánh mắt của cha, sự hồn nhiên ngây thơ của em được vui sống trọn vẹn như một bé thơ.

Trong Kinh Diệu Pháp nói về hạnh Anh Nhi, sự hồn nhiên vui sống của trẻ thơ chính là tự tánh Phật mà mỗi người chúng ta khi càng lớn càng xa. Cho nên để vui sống hồn nhiên ta phải trở về với tự tánh Phật mới có được cuộc sống hồn nhiên để vui sống trong cuộc đời muôn sự biến đổi, biến động liên tục không thể ngờ. Nhưng có điều khi lớn lên, ta xa cha, xa mẹ, ta nào còn được cha mẹ thương yêu, ôm ấp, che chở và dìu dắt, bảo bọc cho nên làm sao hồn nhiên? Ta đã có gia đình, có vợ có chồng, ta có nhà cửa, con cái và rồi ta lại vùi đầu vào trong sự lo lắng, công ăn việc làm, miếng ăn miếng uống, cơm áo gạo tiền, muôn sự ở đời bon chen đủ thứ, lo âu, phiền muộn, hồn nhiên tìm ở đâu ra để mà vui sống các bạn? Vậy mà trong cuộc sống của chúng ta đôi khi đau quá, thất bại quá, tuyệt vọng quá thì tự an ủi mình: “Thôi, hãy hồn nhiên mà sống”. Đôi khi chúng ta còn khuyên bạn bè của mình trong những lúc đau đớn, khắc khoải của cuộc đời: “Thôi bạn ơi, hãy vui sống hồn nhiên. Bỏ qua đi!” Cách nói đó nghe thì dễ, thực hành khó nhưng khi nói cũng nguôi đi một chút đau đớn trong lòng bởi có sự an ủi. Và ngược lại khi ta đau đớn, bạn bè cũng đôi khi nhắc nhở chúng ta: “Thôi bạn à, bỏ đi, hãy vui sống hồn nhiên cho trọn một kiếp người”. Cũng chỉ là một kiếp người thôi nhưng chúng ta chọn sống hồn nhiên hay chọn cách sống đau khổ, lo âu và phiền muộn?

Em bé sinh ra đâu có chọn cách sống hồn nhiên bởi tự thể của tánh Phật vốn có và sự chăm sóc, bảo bọc của cha mẹ nên em luôn hồn nhiên còn em bé nhiều tuổi như Bảo Thành, em bé nhiều tuổi như các bạn, chúng ta có còn sự hồn nhiên không? Còn, nếu chúng ta nhìn thấy em bé nhỏ nhắn trong lòng chúng ta thì nhất định dù tuổi cao ngất trời, kinh qua bao nhiêu sự thăng trầm trong cuộc đời, ta vẫn còn tánh hồn nhiên của một tuổi thơ của một em bé đang hiện diện và sống trong một thân xác có chiều dài của năm tháng đã trôi qua, khắc trên chiều dài của tháng ngày ấy, biết bao nhiêu nỗi buồn khổ vẫn còn đó để ta nhìn, nhớ lại nhưng thật trong tâm, ta vẫn rất hồn nhiên như trẻ thơ nếu chúng ta có mẹ có cha. Mẹ cha ở đây hiện hữu trong cuộc đời là cha mẹ, đấng bậc sinh thành cũng là một nguồn sống tuyệt vời để chúng ta vui sống hồn nhiên nhưng mẹ cha ở đây là một cách nói cao siêu hơn trong Phật Pháp. Nhờ có cha, nhờ có mẹ mà đứa trẻ, đứa bé được hồn nhiên cho tới khi nó lìa bỏ sự chăm sóc, bảo bọc của mẹ, dấn thân vào cuộc đời tự lo âu nên tánh hồn nhiên vui sống sẽ chết dần để rồi bao nhiêu phiền não, đau khổ ập tới, trên khuôn mặt biết bao nhiêu những nếp nhăn, biết bao những dấu chân chim khắc khoải còn in. Vậy cha mẹ của chúng ta trong Phật Pháp là ai?

Các bạn! Cha của chúng ta chính là trí tuệ của Đức Bổn Sư, Bậc Giác Ngộ. Khi còn bé, em bé thơ đó nương vào cha, nương vào mẹ. Khi còn làm người trong kiếp nhân sinh trôi nổi, biến động liên tục khó ngờ trong biết bao nhiêu dòng nghiệp thức nhân quả nhiều đời, ta phải nương nhờ vào cha, tức là trí tuệ của Chư Phật cho nên trong đạo Phật, trí tuệ là người cha vững chãi muôn đời. Nếu không có trí tuệ thì nhất định sự hồn nhiên của tự tánh, kiếp sống trong nhân sinh sẽ khổ, hồn nhiên sẽ mất, nói gì đến mà vui sống. Cho nên chúng ta, những người con học Phật phải luôn luôn nương nhờ vào trí tuệ của Chư Phật và tu tập thiền định quán chiếu để thắp sáng trí tuệ của mình bởi trí tuệ là Đức Bổn Sư, nếu ta khơi dậy trí tuệ của mình qua sự tu tập trong Chánh Niệm của hơi thở thì Đức Bổn Sư, Bậc Thầy Vô Thượng của Nhân – Thiên, của người, của trời sẽ hiển ngự trong cuộc đời để ta nương vào Ngài mà tiến về phía trước vượt qua hằng hà chông gai, thử thách để luôn luôn vui sống trong sự hồn nhiên bởi ta có trí tuệ, bởi ta có ánh sáng trí tuệ của Chư Phật. Nếu chúng ta học Phật mà không có trí tuệ thì chẳng khác gì đứa trẻ thơ sinh ra chẳng có cha, mồ côi cha nó sẽ khổ, hồn nhiên chẳng có, khóc thầm trong đêm.

Các bạn! Biết bao nhiêu Pháp môn, biết bao nhiêu lời giảng, biết bao nhiêu những điều chúng ta nói nhưng nếu chúng ta không chú trọng đến trí tuệ của nhà Phật, trí tuệ để nhìn rõ các pháp là vô thường sanh – diệt, nhìn rõ sự vô thường đó sẽ tạo khổ, và khi nhìn rõ rồi thì ta thấy rằng Pháp vô thường, ta vô ngã, muôn sự ở đời xoay vần biến động, ta chẳng bao giờ khổ, sự hồn nhiên vẫn còn đó bởi tự tánh Phật chẳng bị cuốn trôi vào trong sự vô thường để tạo khổ, ta đã thấu được cảnh vô thường nên chẳng bao giờ tạo ra ngã. Cho nên chúng ta phải luôn luôn tu tập trí tuệ quán qua Chánh Niệm hơi thở để thắp sáng trí tuệ của chúng ta. Chúng ta thỉnh Phật trụ vào cuộc đời và nương vào trí tuệ của Ngài qua sự hướng dẫn, khai thị qua Kinh sách hướng dẫn cách tu tập để chúng ta đánh thức vùng trí tuệ vốn có nơi tự tánh đã bị mù lòa che lấp bởi tánh Tham – Sân – Si và bất thiện nghiệp, ta phủi sạch đi thì ánh sáng của tự tâm trí tuệ của ta sẽ bừng sáng.

Các bạn! Trí tuệ là cốt lõi trên con đường tu. Trí tuệ là cha và từ bi là mẹ. Mẹ của chúng ta là gì? Là Pháp của Chư Phật bởi các pháp của Chư Phật dạy cho chúng ta đều là những Pháp từ bi và trí tuệ. Trí tuệ là Phật, từ bi là Pháp, trí tuệ là cha, từ bi là mẹ, ta có cha mẹ là trí tuệ, ta được bảo bọc bởi trí tuệ, ta được hộ mạng bởi trí tuệ, ta được gia hộ bởi trí tuệ của Phật và trí tuệ của tự tánh Phật. Ta được đùm bọc, ta được nuôi nấng, ta được mớm bằng Pháp tình thương, từ bi của Chư Phật thì sao không thể vui sống hồn nhiên được? Có cha là trí tuệ, có mẹ là Pháp từ bi thì muôn muôn đời chúng ta vẫn là trẻ thơ trong vòng tay của Pháp Phật, trong ánh mắt từ bi và trí tuệ của cha. Từ bi quán, trí tuệ quán là đưa chúng ta trở về với tự tánh, gạt bỏ sự lo âu, phiền muộn biến động vô tận trong cuộc đời để chúng ta có đời sống hồn nhiên. Hồn nhiên không phải là vô tư, ngây thơ đến mức không còn làm gì, chẳng lo lắng gì mà hồn nhiên trong tự tánh Phật, tức là muôn sự biến động, vạn sự lui tới, ta vẫn có đầy đủ trí tuệ để nhìn xuyên thấu và có đầy đủ từ bi để che chở cho những bước chân đi vào cuộc đời thì dù đại dịch có tràn lan trên thế giới, sự vui sống hồn nhiên bởi có trí tuệ và từ bi sẽ nhìn thấu được nhân quả cộng hưởng chung của nhân loại trên thế giới hiện tại nơi kỷ nguyên mới này.

Có trí tuệ và từ bi thì dù như em bé có bệnh u não trên đầu, ta cũng thấy và hiểu được vạn pháp vô thường sanh – diệt, thấu được tới rồi đi, bệnh rồi hết. Nghiệp chướng, nhân quả, phước báu để ta vui sống hồn nhiên, tích lũy năng lượng từ bi và ánh mắt từ bi đó cộng với trí tuệ đồng hành trên sự tu tập mỗi ngày bằng Pháp Thiện, bằng Chánh Niệm để hồi hướng, hiến tặng cho em thì khối u não kia có gì làm cho chúng ta phải sợ hãi đâu? Nếu như ta là cha, là mẹ, là ông, là bà, là những người thân của em bị bệnh u não, nhất định chúng ta phải lấy trí tuệ và từ bi làm đầu, lấy trí tuệ là cha, lấy từ bi là mẹ. Phật là cha, ta nương vào Phật, quy y Phật là nương vào Phật, Phật là cha, là trí tuệ, quy y Pháp là nương vào Pháp, Pháp là mẹ, Pháp là từ bi, là con đường dẫn dắt chúng ta vượt lên trên, bước lên trên, đặt bàn chân nhỏ bé thơ ngây mà chẳng hề sợ hãi bão tố, chông gai, chẳng hề hùm beo, cọp dữ săn rình mọi nơi bởi ta có cha và mẹ, có trí tuệ và từ bi. Ta vẫn luôn vui sống hồn nhiên trong cuộc đời ngược xuôi, trong cuộc đời bão tố liên miên.

Trở về với tự tánh là trở về với trí tuệ và từ bi. Trở về với tự tánh là trở về với Phật và Pháp để chúng ta có một đời sống hòa hợp với thiên nhiên và tự tại thì chúng ta mới vui sống hồn nhiên. Và để có một đời sống hồn nhiên, vui sống tự tại là trở về với Tăng. Quy y với Phật – Pháp – Tăng là trở về với trí tuệ và từ bi, với sự hòa hợp giữa trí tuệ và từ bi trong Phép quán của Chánh Niệm hơi thở mỗi một ngày để tánh thơ của chúng ta không phai mờ, vùi lấp trong những lo âu ngắn ngủi của kiếp người.

Các bạn! “Vui Sống Hồn Nhiên” là có thật! Dù bạn một tuổi hay bạn 100 tuổi, dù bạn đã lăn trôi trong vô lượng kiếp, nếu hiểu thấu được Phật là trí tuệ để chúng ta lấy trí tuệ làm đầu, làm tiêu chuẩn trên con đường tu tập, nếu hiểu thấu Pháp là mẹ, là từ bi thì ta nương vào Pháp tiến tới sự từ bi và nếu hiểu được Tăng là sự hòa hợp giữa từ bi và trí tuệ, là con đường chuyển nghiệp, là con đường để sống với hạnh Anh Nhi trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, sống như trẻ thơ thì nhất định Bảo Thành và các bạn sẽ vui sống hồn nhiên và chỉ có vui sống hồn nhiên như thế dù tuổi đã 100 hay lớn lắm rồi thì trong cách sống hồn nhiên như vậy, vui sống hồn nhiên như vậy, chúng ta đang trở về với tự tánh Phật và để vui sống hồn nhiên cần phải trở về với tự tánh Phật. Tự tánh Phật đó, cách trở về đó phải nương vào trí tuệ và từ bi. Để có trí tuệ ta phải nương vào lời dạy, giáo huấn của Đức Phật, phải nương vào Phật, để có từ bi ta phải nương vào Pháp phương tiện mà Chư Phật đã ứng dụng, hướng dẫn cho chúng ta. Thiền quán chiếu trí tuệ – từ bi là Pháp phương tiện vi diệu để đưa chúng ta trở về với tự tánh vui sống hồn nhiên mà rong chơi trong cuộc đời tràn đầy những bất thiện nghiệp nhiều đời ta đã tạo.

Các bạn! Có được điều đó. Nhìn trên khuôn mặt của chúng ta vẫn còn nét hồn nhiên ngây thơ nhưng bị những nét lo âu, phiền muộn phủ ở bên ngoài như lớp bụi mà thôi. Nó chẳng phải là thật bởi tự tánh Phật mới là thật, còn Tham – Sân – Si chỉ là giả, là huyễn giả mà thôi. Nó là vô thường sanh – diệt còn tự tánh Phật bất tăng bất giảm, bất cấu bất tịnh, bất sanh bất diệt. Nếu cứ rong ruổi theo vô thường sanh – diệt của Tham – Sân – Si, ta sẽ bị những đợt sóng hơn thua, tranh giành, tham dục, tham ái, tham tài, tham tiền, nó cuộn, nó xoáy, nó dìm ta xuống ngộp trong nước Tham – Sân – Si thì hồn nhiên chẳng có, vui sống cũng chẳng được, khổ lắm. Còn nếu chúng ta trở về với tự tánh Phật, nương vào Đức Phật là trí tuệ, nương vào Pháp là từ bi phương tiện, nương vào Tăng là sự hòa hợp giữa trí tuệ và từ bi thì nhất định Bảo Thành và các bạn sẽ lại trở về để vui sống hồn nhiên, sẽ lại trở về với tự tánh của mình mà Đức Phật đã khai thị, hướng dẫn, dạy dỗ, giới thiệu, chỉ bảo một em bé luôn luôn hồn nhiên bởi còn rất thơ, bởi được sự bảo bọc của mẹ. Chúng ta cũng vậy, nếu như chúng ta thực hiện đúng Pháp của Phật là những Pháp phương tiện từ bi và trí tuệ, ta sẽ có Long Thần và Hộ Pháp, Chư Thiên gia hộ cho chúng ta như cha mẹ bảo bọc, gia hộ, gia trì, che chở, giúp đỡ, hộ mạng, hộ thân, chẳng có gì để sợ, ta sẽ trở lại như một tuổi thơ, như một đứa trẻ để vui sống hồn nhiên, chạy nhảy trong cuộc đời đầy chông gai và thử thách, chẳng có chút gì lo lắng và sợ hãi.

Các bạn! Chúng ta nếu hiểu thấu được như vậy thì cần phải chú tâm vào sự tu tập từ bi và trí tuệ. Thiền Mật song tu, Thất Bảo Huyền Môn với 02 mật ngôn chúng ta đang học Mu A Mu Sa là từ bi quán và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là trí tuệ quán, 02 mật ngôn này đưa chúng ta trở về với Chánh Niệm hơi thở để quán chiếu trí tuệ và từ bi. Công dụng của 02 mật ngôn này là kích hoạt năng lượng từ bi vốn có của chúng ta để gắn kết với năng lượng tình thương, từ bi của Chư Phật từ mười phương. Công năng tuyệt vời của mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là thắp sáng trí tuệ trong ta vốn có nơi tự tánh Phật và thỉnh năng lượng từ bi cùng với trí tuệ của Bậc Minh Tuệ là Đức Phật thắp sáng vào trong ta. Sự liên kết chặt chẽ giữa phận người sinh ra bởi nghiệp chướng và ánh minh tuệ từ bi của Bậc Giác Ngộ trên mười phương cõi giới, ta thừa hưởng được gia tài vô giá của Phật là Pháp, là Chư Tăng, là trí tuệ, là từ bi, là sự hòa hợp và ta luôn luôn được bảo bọc, được che chở. Cuộc đời được hộ mạng và chúng ta luôn luôn được chăm sóc, chẳng có gì phải suy nghĩ. Người có trí tuệ nhìn thấu vạn pháp, người có từ bi có khả năng dung nhiếp tất cả những sự việc xảy ra trong đời mà chẳng bao giờ khổ.

Trí tuệ như mặt trời, từ bi như thế giới vô tận, hư không vô tận. Trong hư không vô tận có tất cả và không có gì có thể làm cho hư không vô tận chật chội và không có một chuyện gì xảy ra trên đời làm cho trái tim của chúng ta chật chội nếu như trái tim của chúng ta là trái tim từ bi, biết yêu thương. Từ bi mênh mông như biển trời, từ bi như tình mẹ, tình mẹ mênh mông như biển trời. Từ bi rất quan trọng, trí tuệ rất quan trọng. Ta có thể thấy được sự ẩn hiện trí tuệ nơi người cha, đấng sinh nên chúng ta, ta có thể thấy hương từ bi nơi thân của người mẹ, cuộc sống của người mẹ sinh nên chúng ta. Cha mẹ của chúng ta cũng là hiện thân của trí tuệ và từ bi mà Chư Phật đặt để vào đó để cho những người con luôn luôn nhớ rằng hiếu đạo là con đường đi về để đón nhận từ bi và trí tuệ để vui sống hồn nhiên, để trở về tự tánh, để bình an và tự tại, để hạnh phúc viên mãn ngay trong cuộc đời này, chẳng đợi đến kiếp sau, chẳng moi đến kiếp đã qua đi.

Vui sống tự nhiên là được và là một hiện thực, một chân lý. Nếu như mỗi người chúng ta thấu hiểu được con đường để vui sống tự nhiên chính là con đường phải trở về với tự tánh, con đường trở về với tự tánh chính là con đường trở về với Chánh Niệm hơi thở trong Pháp quán từ bi và trí tuệ, thể nhập vào tự tánh Phật, thể nhập vào trí tuệ của Đức Phật, thể nhập vào lòng từ bi của Chư Phật, nương vào Phật, nương vào Pháp, nương vào Tăng, giữ Năm giới cấm, tu tập miên mật trong Chánh Niệm hơi thở, thắp sáng được đuốc tuệ, lan tỏa hương từ bi, vui sống hồn nhiên và chúng ta trở về với tự tánh chẳng có phiền muộn, lo âu và sợ hãi thì dù đại dịch đang lan tràn, dù bệnh hoạn đang tới, dù sự chết đầy trước mặt, ta vẫn luôn luôn hồn nhiên như đứa trẻ hạnh Anh Nhi, hạnh của trẻ thơ trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Đức Phật đã dạy.

Đừng tự chọn một con đường tự làm cho mình già nua, cằn cỗi để sống trong lo âu và phiền muộn. Hãy chọn con đường Đức Phật dạy, hãy trở nên như trẻ thơ vui sống một cách hồn nhiên để trở về với tự tánh Phật. Hãy trở nên như trẻ thơ là trở về với tự tánh nương vào Phật – Pháp và Tăng. Hãy trở nên như trẻ thơ là trở về với tự tánh để vui sống hồn nhiên bằng sự quán chiếu trí tuệ và từ bi qua Pháp Thiền Chánh Niệm hơi thở. Các bạn! Nếu cuộc đời của các bạn mất đi sự hồn nhiên, tràn đầy lo lắng và phiền muộn về mọi mặt của cuộc đời thì hãy thực tập Chánh Niệm hơi thở từ bi – trí tuệ quán, phẩm hạnh cao cả của Đại Sĩ Quan Thế Âm đã tu tập và thành tựu, truyền lại cho chúng ta, nhất định các bạn sẽ được tâm tự tại, tâm vô quái ngại, tâm không còn sợ hãi, không còn bị khủng bố bởi tất cả mọi hiện tượng của các pháp vô thường sanh – diệt trong cuộc đời mà các bạn sẽ luôn vui sống bởi ba đời Đức Phật đều tu như thế.

Chúng ta nếu tu tập từ bi và trí tuệ, từ bi – trí tuệ quán trong Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu để nhìn rõ, để nhìn thấu, để hiểu, để biết vạn pháp là vô thường sanh – diệt, là khổ nếu bám víu, vạn pháp là vô ngã, là khổ nếu tự ngã cứ dâng cao. Vui sống hồn nhiên là có được trong mọi lứa tuổi của cuộc đời nếu mỗi người hiểu thấu. Ba đời Chư Phật đều tu tập trí tuệ – từ bi quán, thấu rõ được ngũ uẩn là không, các pháp là Vô Thường sanh – diệt, là Khổ, là Vô Ngã để rồi thành tựu Niết Bàn ngay tại thế vui sống hồn nhiên.

Các bạn! Chúng ta sao không chọn con đường vui sống hồn nhiên mà cứ lăn trôi trong sầu muộn, đau khổ để rồi chết tức tưởi, khắc khoải trong từng giây của cuộc đời?

Mời các bạn đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau.

“Thưa Phật! Ngài đã dạy hãy trở nên như trẻ thơ, nương vào cha là trí tuệ, mẹ là từ bi. Đức Phật là Bậc Trí Tuệ, là cha của chúng con, Pháp của Ngài là từ bi, là mẹ của chúng con. Chúng con có cha trí tuệ, mẹ từ bi, quán chiếu trí tuệ – từ bi quán là luôn có cha mẹ, nhất định chúng con sẽ hòa nhập vào ánh sáng của tự tâm, tình thương của tự tánh để trở về với tuổi thơ an nhiên và tự tại, bất sanh – diệt, bất cấu – tịnh, bất tăng bất giảm. Nguyện xin Chư Phật luôn gia hộ cho chúng con trên con đường tu tập trí tuệ – từ bi quán để vui sống hồn nhiên, trở về với tự tánh.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Mô Phật! Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu nếu có tới muôn loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Xin Chư Phật chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn