Bảo Lạc đánh máy, Bảo Phước biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi! Tới giờ chúng ta tu, xin mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo: Phật – Pháp – Tăng để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Đệ tử chúng con thành tâm nguyện xin Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống muôn loài và gia hộ thắp sáng đuốc tuệ để hàng đệ tử chúng con biết tu hành quán chiếu thấy rõ các pháp là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn.
Chúng con cũng hồi hướng và nguyện cho đất nước Việt Nam chúng con cũng như các nước Á Đông có đầy đủ phước báu vượt qua chướng ngại, bệnh dịch tiêu tan.
Hồi hướng cho những bé thơ đang lâm bệnh, trọng bệnh cũng đầy đủ phước báu và sự gia hộ của Chư Phật, Bồ Tát mà vượt qua, tiêu tan bệnh tật.
Xin Chư Phật chứng minh.
Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi.
Chúng ta hãy trở về với hơi thở, Chánh Niệm trong từng giây với cái nhìn thật rõ tự thân và tâm với tánh biết, chúng ta đồng hành với tất cả mọi cảm xúc, mọi suy nghĩ ngay bây giờ, tại đây, lúc này.
Với tâm thành kính và khiêm tốn, ta đón nhận năng lượng tình thương ban rải xuống cho chúng ta. Chúng ta đón nhận trí tuệ của Chư Phật thắp sáng nơi miền đất tâm. Chúng ta nghĩ đến tất cả mọi người yêu thương trong gia đình, đấng bậc sinh thành, người thân yêu, bạn bè, tất cả, mang ân điển từ bi của Phật đón nhận được bằng tâm từ bi, yêu thương rải tới tất cả mọi người, mọi chúng sanh.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Các bạn thân mến! Trong sự đối đãi hằng ngày của cuộc sống, có những lúc ta thật sáng trí và đối xử với nhau thật tốt nhưng cũng có những lúc ta bị sao đó để rồi sự ứng xử giữa ta và người không được tốt, gây ra sự hiểu lầm và tạo ra phiền muộn cho nhau. Hình như những điều như vậy vẫn xảy ra trong cuộc đời của mỗi người. Để rồi khi hối tiếc, ta cảm thấy rằng sao lúc đó mình lại như thế để đối xử với họ không phù hợp, làm cho người thương yêu phải chạnh lòng, đau khổ. Vẫn biết sau đó, ta hối hận, ta sám hối, ta xin lỗi, ta sửa, nhưng mỗi một lần chúng ta làm cho nhau đau là một lần người yêu thương bị tổn hại đến sức khoẻ. Tổn hại đến sức khoẻ của thân và tổn hại đến tinh thần. Và nếu như chúng ta cứ lặp lại nhiều lần như vậy trong cuộc sống thì người thân của chúng ta hay người quen của chúng ta sẽ bị tổn hại và bào mòn đi sức khoẻ thân tâm một cách rõ ràng. Nếu không nhận ra thì vô tình ta đang hãm hại người mà ta yêu, người ta mà thương. Không những thế mà ta còn mù mờ đến mức làm những việc, nói những lời, suy nghĩ những tư tưởng tạo ra sự tác hại nghiêm trọng cho bản thân mà chúng ta không hay. Do đó mà ở trên đời ta thường nói: “Giá mà tôi biết, chắc tôi không có làm”.
Đúng! Bảo Thành và các bạn vẫn nói với bản thân rằng: “Lúc đó không biết, chứ nếu biết thì không bao giờ, không bao giờ xảy ra”. Mà hình như chúng ta đã lặp đi lặp lại cách nói này rất nhiều lần nhưng chúng ta cứ phạm sai lầm với người yêu thương và với chính mình.
Chủ đề “Chiếc Cầu U Mê”, chúng ta trong cuộc sống, theo lời Đức Phật dạy đi vào cuộc sống của con người, nhận rõ ta là người. Chư Phật dạy, chúng sanh tức là chúng ta, là mê, còn Chư Phật là giác. Giữa Phật và chúng sanh khác nhau ở chỗ ta mê, Phật giác. Phật giác, ta mê. Giác tức là tỉnh thức, Phật tức là đấng đã thức tỉnh còn chúng ta là người vẫn còn u mê, u mê lắm. Nếu không u mê thì trong cuộc đời sẽ không có khổ, nếu không u mê thì ta sẽ không có lầm lỡ tạo ra những điều phiền muộn cho nhau. Và nếu không u mê, ta sẽ nhìn rõ mọi lời nói, việc làm. Nhìn rõ mọi lời nói, việc làm, tư tưởng tức là chúng ta Chánh Niệm được từng giây. Nhưng vì u mê, Thất Niệm, không có Chánh Niệm, ta cứ phạm vào biết bao nhiêu chuyện, mà những chuyện đó phần nhiều tạo ra những năng lượng tiêu cực, bất tịnh cho ta và rồi lây nhiễm cho người khác.
Với tinh thần của Đức Phật dạy, “Duy Tuệ Thị Nghiệp” có nghĩa lấy trí tuệ, lấy tuệ giác làm sự nghiệp và sự nghiệp của chúng ta là xây dựng, kiến lập trí tuệ, tuệ giác của nhà Phật. “Duy Tuệ Thị Nghiệp” cũng mang ý nghĩa rằng, chỉ có trí tuệ mới có thể chuyển hoá được nghiệp chướng. Bởi vậy lấy sự nghiệp của cuộc đời để xây dựng trí tuệ, trí tuệ là sự nghiệp của chúng ta và duy chỉ có trí tuệ mới có thể chuyển hoá được nghiệp chướng.
Soi lại cuộc đời của chúng ta, chúng ta theo những tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Ta mở rộng đến tất cả các bạn, có thể là những tôn giáo bạn, những niềm tin, tín ngưỡng khác. Nói chung, dù là Phật giáo hay các tôn giáo khác, ít có cơ hội mà chúng ta đi sâu vào những gì chúng ta tin, học, mà hầu hết là chúng ta chỉ đi theo. Mà chỉ đi theo là biết rồi! Ta không phải là đầu, ta không thể làm chủ mà ta chỉ đi theo những điều gì được nói, được truyền, được nghe nhưng ít có khi nào thẩm định bằng trí tuệ. Chính vì chỉ theo khi nghe mà chúng ta càng lầm lạc vào trong cõi u mê, và cứ như vậy, biết bao nhiêu kiếp qua, chúng ta cứ từng ngày từng ngày xây chiếc cầu u mê nối dài từ kiếp này qua kiếp khác, lần mò trên chiếc cầu u mê đó để lại lội ngược cuộc đời chờ xuống địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cõi u mê Tam Đồ khổ, thật là đáng buồn. Nhưng chúng ta có biết đâu. Ta như người điếc, ta như người mù, ta như người câm. Chẳng biết gì, chẳng sợ gì!
Các bạn thân mến! “Chiếc Cầu U Mê” là có thật. Bởi sống trong cõi mê chưa được tỉnh thức, mỗi người chúng ta, từng việc làm chẳng khác gì đang lượm gạch xây cầu u mê cho dài. Từng lời nói chẳng khác gì như xi măng đúc vào những viên gạch cốt sắt để cho nhịp cầu u mê được thêm vững chắc. Từng tư tưởng chẳng khác gì như anh thợ xây khéo léo biết xếp đặt các vật liệu đúng và rồi xây dựng nên chiếc cầu u mê, dài, bền vững từ kiếp này qua kiếp sau.
Nói về chính cuộc đời của mỗi người chúng ta trong hiện tại, chính vì các bạn và Bảo Thành cứ u mê để rồi lạc vào cõi mê muội, lầm vào trong mê tín và dị đoan. Cả cuộc đời Đức Phật dạy cho chúng ta lấy trí tuệ làm sự nghiệp, lấy trí tuệ để chuyển hóa nghiệp chướng. Nhưng mấy ai trong chúng ta tập trung vào sự tu tập để rèn luyện cho mình có trí tuệ của nhà Phật theo đúng như tinh thần Bát Chánh Đạo là Chánh Kiến? Hầu hết, ta không sử dụng Chánh Kiến. Ta quên đi rằng ta có chất liệu của Phật, ta có viên minh châu quý giá trong đời, ta có phẩm cách cao cả và ta có đủ khả năng để vượt qua u mê, thắp sáng trí tuệ soi rõ tất cả từng giây phút trong cuộc đời.
Đức Phật dạy, Ngài là Bậc Giác Ngộ, Ngài là Phật, chúng sanh còn mê là Phật sẽ thành. Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói về kẻ ăn mày, ăn xin suốt cuộc đời là chính vì anh ta không nhận ra ở nơi bản thân có viên dạ minh châu để cuộc đời cứ nghèo khổ. Chính vì chúng ta không nhận ra rằng ta có Phật Tánh là viên dạ minh châu thật sáng để cho trí tuệ bừng lên. Cho nên, ta cứ u mê hoài như kẻ ăn xin trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, lần mò xin từng chút cơm thừa canh cặn của những nghi lễ mê tín dị đoan. Hầu có được công danh, sự nghiệp, hầu để chuyển hoá những tai hoạ, hầu để đạt được những điều mơ ước. Để rồi trong cơm thừa canh cặn của cuộc đời của những nghi thức Phàm phu tạo ra, nó dày đặc mây mù của mê tín dị đoan. Thế mà chúng ta vướng vào quá sâu.
Đức Phật dạy thật rõ, Phật cũng không thể chuyển hóa nghiệp cho chúng sanh mà Phật chỉ có thể giới thiệu, hướng dẫn, dạy dỗ chúng sanh con đường để tự thân chuyển hóa nghiệp của mình. Đó chính là con đường tu tập trí tuệ nhìn rõ nghiệp tạo ra từ đâu? Thân – Ngữ – Ý. Và ngay từ Thân – Ngữ – Ý đó, là ba chỗ mà chúng ta phải chú tâm nhìn vào để chuyển hóa nghiệp của mình ngay trong hiện tại, tức là không tạo nghiệp, và rồi tạo phước để lấy phước báu đó chuyển hoá phần nghiệp ác, bất thiện nhiều đời ta đã tạo. Thế nhưng mấy ai trong chúng ta thực tập điều đó?
Ta cứ đi xin ông trời, ta cứ đi xin Đức Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền. Thậm chí xin hoài mà không được thì đâm ra xin Chư Thần linh, Chư vị Thánh. Ta đi cầu Thánh, cầu Thần chưa xong, còn cầu âm binh, thần linh, ma quỷ, linh hồn, hương linh để giải nghiệp cho chúng ta. Rồi lầm lạc vào biết bao nhiêu những nghi thức mê tín dị đoan, giải tam tai, đại hạn. Rồi chúng ta dâng sớ giải hạn, cầu này cầu kia, nếu không được thì nhập cốt, nhập đồng, lên bóng, đủ thứ để mong chuyển được nghiệp. Chuyển được nghiệp để có gì? Để có tiền, có tài, danh vọng, địa vị. Và cứ như vậy, ta càng lậm vào trong sự u mê. Nhịp cầu của chiếc cầu u mê xây dựng càng bền vững, càng chắc chắn trong nhiều kiếp nhiều đời để rồi trên đó phủ đầy màu sắc của mê tín dị đoan như lớp sương dày đặc để chúng ta cứ chui đầu đi trên chiếc cầu đó, lọt thỏm xuống vùng địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh mà không hay.
Các bạn cứ nhớ lại và nhìn thẳng vào mình đi! Chắc chắn Bảo Thành và các bạn đã từng u mê nhiều lắm, từng mê tín dị đoan nhiều lắm. Lời chân lý của Đức Phật là dùng trí tuệ làm sự nghiệp và dùng trí tuệ để chuyển hóa nghiệp thức của mình, nhưng chúng ta không ứng dụng trí tuệ. Ta có phẩm tánh cao cả đó là Phật tánh, ta không ứng dụng Phật tánh vào cuộc sống mà ta ứng dụng tánh ma tánh thú, tánh của Tham – Sân – Si, tánh của u mê, vô minh để cứ lao đầu vào trong đó. Rồi tự lấy dao, lấy tên tẩm độc của sân hận, si mê, tham đắm, tham dục, tham ái, tham tài, tham tiền tự đâm vào trong tim. Vậy mà cứ thế làm mãi, làm hoài không ngừng. Làm xong nhưng chẳng thể an vui trong cuộc đời thì lại mê tín dị đoan, đi cầu cạnh thần linh, ma quái, đi cầu cạnh hương linh, quỷ thần, đi cầu cạnh đủ mọi thứ. Chính vì lòng mong cầu sai trái đó mà ma vương, thế lực ma quái, u mê lại dựng lên hình ảnh mê tín dị đoan dẫn chúng ta, dìu chúng ta vào những sự đổ ngã của tâm thức. Và rồi kết quả là sầu muộn, khổ đau muôn đời. Cuộc chơi của luân hồi tái sanh trong những cảnh khổ cứ thế như người nhào bột làm bánh, chiếc bánh đó chẳng phải là bánh ngon mà là chiếc bánh u mê của tâm thức đen tối, càng ăn càng mê, càng ăn càng u mê và đen tối.
Trí tuệ rất quan trọng trong cuộc sống người con Phật. Chúng ta phải trở lại một lần nữa, đọc cho kỹ lời của Đức Phật dạy: “Duy Tuệ Thị Nghiệp”, hãy lấy trí tuệ là sự nghiệp của cuộc đời và hãy lấy trí tuệ để chuyển hóa nghiệp. Không có một cách nào, nghi thức nào có thể chuyển hóa nghiệp của các bạn và của Cửu Huyền Thất Tổ cũng như của những người thân đã mất. Đừng nghĩ rằng một nghi thức lễ, chẩn tế, sám hối, cầu kinh hoặc gì gì đó của ai đó là có thể chuyển được nghiệp của ông bà, cha mẹ, Cửu Huyền Thất Tổ nhiều đời và của chúng ta. Chỉ có chính tự thân của mình mới có thể chuyển nghiệp của mình. Vậy thì ông bà, cha mẹ, Cửu Huyền Thất Tổ cũng phải chính các ngài mới có thể chuyển nghiệp của các ngài. Cho nên, hãy dùng trí tuệ tu luyện đúng Chánh Pháp theo tinh thần Bát Chánh Đạo, lấy Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, hai cái đó thực tập miên mật trong Chánh Niệm của đời sống để chuyển nghiệp của chúng ta và dĩ nhiên cách tu như vậy sẽ chuyển được nghiệp của ông bà. Không phải ta tu mà ta chuyển nghiệp của Cửu Huyền Thất Tổ mà bởi vì ta tu tuệ tâm, tuệ giác, tuệ nhãn, trí tuệ đó như bóng đèn, như mặt trời được sáng thì ông bà, cha mẹ, Cửu Huyền Thất Tổ nếu như có phạm vào những nghiệp nhiều đời tăm tối, sống trong u mê cũng nương vào ánh sáng trí tuệ của ta mà thấy được, rồi nghe được, nhìn được để rồi theo những lời khai thị của Phật mà thực tập.
Các bạn dù không thấy đường bởi sống trong vùng tối, nhưng nếu nhà ai đó có ngọn đèn tỏa sáng ra thì ta cũng có thể nương vào ánh sáng đó để đi. Sự tu bằng trí tuệ là ánh sáng có thể tỏa ra và sự hồi hướng trí tuệ trong công hạnh tu tập đó, chính là phước báu vô lượng để cho ông bà, cha mẹ, Cửu Huyền Thất Tổ và cho tất cả những người yêu thương và mọi chúng sanh có thể nương vào ánh sáng trí tuệ của ta khi thông dung với tuệ giác của Chư Phật mà nhận biết ra những điều sai trái để sửa. Chứ không phải một nghi thức lễ của các Chư Thầy, Chư Tổ hoặc các vị Sư Cô, Đại Đức, Tăng Ni hợp vào tán tụng để rồi nghiệp được giải. Nếu tin như vậy là sai!
Nhưng nếu chúng ta nhìn thấy bằng trí tuệ thì nương vào trí tuệ của sự hoà hợp của Tăng thân, của chúng ta hoà hợp trong một nghi thức nào đó, nghi thức đó không phải là chính yếu. Nhưng chính vì sự hiện diện của các Đấng ấy và của chúng ta như từng bóng đèn trí tuệ được thắp sáng chung, mà những người thân ta hồi hướng, nương vào ánh sáng Đại Hùng Đại Lực Đại Minh Tuệ của cả một Tăng thân và Phật tử hoà hợp trong sự tỉnh giác, rồi những người yêu thương của chúng ta nhận ra được cái sai, cái đúng để sửa. Chứ không phải Chư Tăng, Chư Ni hoặc chúng ta chỉ đọc tụng như vậy là nghiệp của những người thân đều sạch. Nếu tin như vậy là sai!
Nhưng nếu chúng ta dùng trí tuệ để quán chiếu, nương vào ánh sáng trí tuệ của Tăng thân, của các Bậc Hòa Thượng tôn kính, của các Bậc Đại Đức, Tăng Ni. Chính vì trí tuệ của các Ngài cộng với trí tuệ của sự tu tập nơi ta mà người thân nương vào ánh sáng trí tuệ đó, nhận biết ra điều sai, tự thân cải sửa mà thoát ra khỏi sự ràng buộc của nghiệp thức. Đó mới là niềm tin chính đáng bằng Chánh Kiến. Còn nếu như chúng ta chỉ trả tiền cầu, mời các vị tới làm lễ để giải nghiệp, đó là sai, xây nhịp cầu u mê càng dài.
Chúng ta cần phải hiểu rõ, đây chỉ là một khía cạnh trong cuộc sống. Còn biết bao nhiêu những khía cạnh khác. Như để tăng trưởng phước báu thành tựu về những sự lợi lạc trong cuộc sống hiện thân trong kiếp người. Như về tiền, về cuộc sống tình cảm giữa cha mẹ, con cái, vợ chồng, thân bằng quyến thuộc. Về danh phẩm của cuộc đời, về tất cả mọi mặt đều phải được tích lũy từ những phước báu do trí tuệ nhìn rõ, thực hành thật sâu Pháp Thiện của nhà Phật từ Thân – Ngữ – Ý mà có. Không có Chư Thần, Chư Thiên, quỷ thần linh, hương linh, một vị nào có thể ban tặng cho các bạn, có thể trao tặng, mang tới, cho các bạn. Chỉ có các bạn mới có thể tạo ra được điều đó. Hãy nhớ Đức Phật dạy trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa rằng, chúng ta đã có viên dạ minh châu tức là tánh Phật hiển lộ thật sáng. Đó chính là trí tuệ của Phật ở trong chúng ta. Chỉ cần chúng ta thực hành đúng tinh thần của nhà Phật, sống một đời sống Chánh Niệm, giữ Năm Giới cấm để bảo vệ viên dạ minh châu không bị bùn lầy, chất dơ phủ lên. Rồi hành Thập Thiện, tức là chúng ta mài, phủi, rửa, gội cho sạch những bụi bặm nhiều kiếp qua nó đã lấp, che, đã phủ lên viên dạ minh châu tánh Phật để viên dạ minh châu này được sạch sẽ, không còn bụi bặm dơ dáy của bất thiện nghiệp nhiều đời tạo ra mà tỏa sáng trí tuệ. Đây chính là điều cốt lõi.
Hãy đón nhận trở lại lời của Phật dạy rằng, mỗi người chúng ta đều có viên dạ minh châu, mỗi người chúng ta đều có phẩm chất cao cả đó là tánh Phật rồi. Khi các bạn dùng đúng tinh thần đó và tu tập cho có Chánh Kiến, Chánh Tư Duy trong Chánh Niệm hơi thở, giữ giới, hành thiện. Đơn giản cứ như vậy, các bạn sẽ thấy được tánh Phật hiển lộ và trí tuệ sẽ bừng sáng. Rồi các bạn sẽ nhìn rõ mọi việc, mọi tạo tác trong từng giây phút, trong từng hơi thở. Để rồi các bạn không còn đi sâu vào những vùng u mê qua chiếc cầu u mê nhiều đời ta tạo nên từ Thân – Ngữ – Ý do những hành vi, lời nói, tư tưởng bất thiện ta tạo. Ta sẽ phá vỡ được chiếc cầu u mê đó để có thể vượt sóng u mê, lướt trên sóng u mê tới bờ giác ngộ hưởng sự phúc lạc của cuộc đời ngay trong kiếp này.
Mu A Mu Sa là từ bi, từ bi tức là nhiên liệu vi diệu để cho trí tuệ có thể tồn tại mãi. Cho nên trong mật ngôn Mu A Mu Sa có nghĩa là ta nương nhờ vào năng lượng tình thương, ta nương nhờ vào Hùng Lực Đại Từ Đại Bi của mười phương Chư Phật để khởi lên tâm từ bi, tạo nguồn nhiên liệu vi diệu thắp sáng đuốc tuệ cho chúng ta.
Mu A Mu Sa có nghĩa là quán từ bi. Mu A Mu Sa có nghĩa là từ bi quán, mà từ bi quán tới từ phẩm hạnh của Mẹ hiền Quan Thế Âm, của Bậc Đại Sĩ Thiên Thủ Thiên Nhãn Ngàn Mắt Ngàn Tay. Nếu các bạn tu tập từ bi quán, quán chiếu từ bi, đón nhận từ bi của Chư Phật, Đại Hùng Đại Lực siêu thế của Chư Phật, năng lượng tuyệt vời đó sẽ giúp cho chúng ta đánh thức được nguồn từ bi vốn có trong tánh Phật của chúng ta. Thế thì các bạn sẽ có một nguồn nhiên liệu siêu thế để từ đó thắp sáng đuốc tuệ của mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Hai mật ngôn này có nghĩa là từ bi – trí tuệ quán. Mu A Mu Sa là từ bi, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là trí tuệ. Chúng ta trong những hơi thở Chánh Niệm, trì hai mật ngôn này là chúng ta quán chiếu từ bi và trí tuệ. Đó là đi vào trong Chánh Niệm của hơi thở, nương vào từ bi của Phật, trí tuệ của Phật để khơi nguồn từ bi của ta và thắp sáng trí tuệ của ta. Để từ đó ta có Chánh Kiến, Chánh Tư Duy nhìn rõ và thẩm định tất cả mọi việc ta làm trong cuộc đời đúng tinh thần của nhà Phật, để tăng trưởng phước báu, công đức của ta trong việc giữ giới để bảo vệ viên dạ minh châu không bị xâm lấn bởi những bất thiện nghiệp. Và để cho chúng ta làm cho viên ngọc minh châu đó toả sáng qua việc thực thiện Pháp Thiện của nhà Phật.
Thiện Pháp có công năng làm cho viên minh châu sáng ra hơn, tỏa sáng hơn. Giữ giới có công năng bảo vệ viên minh dạ châu không rơi vào vùng tối của u mê, mê tín dị đoan. Các bạn và Bảo Thành cứ khổ chính là bởi vì không ứng dụng viên minh châu ta đã có. Không đi vào, thẩm nhập vào Phật tánh của mình, nên suốt cuộc đời cứ đi vào mê tánh của thú tánh, của Phàm tánh. Và như thế, chiếc cầu u mê cứ được chúng ta gia công, ra sức xây dựng mỗi ngày. Lầm lạc như thế, chui đầu vào mê tín dị đoan, cầu cạnh đủ thứ, cúng kiến đủ thứ, xin xỏ đủ thứ. Lầm vào những pháp của thế gian để xin, để cầu, để có, mà càng như vậy thì chiếc cầu u mê càng vững chắc, càng dài và ta lại càng lao đầu chạy thật nhanh trên chiếc cầu u mê đó, thì bao nhiêu tai họa, bao nhiêu nghiệp chướng sẽ tới với chúng ta là chuyện rất bình thường.
Hãy tu bằng trí tuệ. Hãy trở về Chánh Niệm hơi thở. Hãy tu tập công hạnh của Mẹ hiền Quan Thế Âm từ bi – trí tuệ quán, quán chiếu tâm từ bi, tâm hạnh cao quý nhất. Tâm hạnh từ bi là tâm hạnh có sức mạnh phi thường để đẩy lùi tất cả mọi dòng nghiệp thức đen tối nhiều đời và rồi tạo ra một nguồn nhiên liệu siêu thế để rồi Phật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có nghĩa là tu trí tuệ quán, quán chiếu trí tuệ. Chính vì chúng ta quán chiếu tức là chúng ta nhìn vào, thẩm nhập vào trí tuệ và từ bi nơi vốn có do viên ngọc minh châu tự tánh Phật ở trong ta, thì mọi người chúng ta sẽ thấy thật rõ, sẽ thấy được thật nhiều điều kỳ diệu, siêu nhiên được gọi là huyền bí. Huyền bí là bởi vì xưa giờ ta không thấy, rồi ta cứ lầm lạc trong cõi mê tín dị đoan. Còn nếu ta đi vào miền trí tuệ, thắp sáng lòng của chúng ta bằng viên dạ minh châu, thắp sáng lòng của chúng ta bằng tâm từ bi và trí tuệ thì chúng ta sẽ thấy được tất cả. Thấy được chính mình! Nếu ai không thấy được chính mình, chẳng thể thấy những điều ở bên ngoài. Nếu ai chưa tỏ được chính mình, chẳng thể tỏ thông những điều ở bên ngoài.
“Chiếc Cầu U Mê” là có thật! Bảo Thành và các bạn đã xây dựng, kiến lập chiếc cầu u mê trong nhiều đời nhiều kiếp, nối dài từ địa ngục cho tới kiếp người rồi lại vòng xuống địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Và mỗi một lần trong tâm tưởng của chúng ta nghĩ những điều bất thiện là chúng ta đang củng cố, tu bổ cho chiếc cầu u mê đó vững chắc hơn. Mỗi một lần chúng ta không làm chủ được ngôn ngữ thực hành trong cuộc đời để những lời thô ác, xỉa xói, đâm thọc, thị phi, hơn thua, tranh giành, thêm bớt là ta đang củng cố và xây dựng cho chiếc cầu u mê dài thêm. Những lần mà tự thân tác thành nên những hành động gây đau lòng, đau khổ, gây ra những phiền muộn cho nhau, bất an, có thể sát hại hoặc là làm hại đến sinh mạng của người khác, chúng sanh khác là ta cũng đang củng cố, xây dựng chiếc cầu u mê cho chắc, cho vững, cho bền và cho dài mãi suốt cuộc đời từ kiếp này qua kiếp sau. Và mỗi một lần chúng ta làm như vậy là mỗi một lần ta đổ sình lầy, bụi bặm chồng chất lên viên dạ minh châu, phủ lấp tánh Phật để ta trở thành kẻ mù loà, câm điếc, bị mê tín dị đoan nghi thức của dân gian, tín ngưỡng của những người chưa giác ngộ dẫn đường cho chúng ta lao đầu vào bể khổ.
Những hủ tục văn hoá tín ngưỡng nhiều đời, mặc dù nó được truyền thống, được gọi là văn hoá tín ngưỡng, truyền thống thì Phật dạy, dù là văn hoá tín ngưỡng truyền thống nhiều đời nhưng nếu thẩm định bằng trí tuệ, thấy nó sai, ta cũng phải phủi bỏ. Chứ không phải chúng ta tôn vinh một truyền thống nghi thức, ý thức hệ nhiều đời đã sai. Ta không trở thành người tôn sùng, thần tượng văn hoá, truyền thống. Người đi theo Phật, học Phật là người phải dùng trí tuệ để thẩm định lại tất cả. Những cái được gọi là ngàn năm, trăm ngàn năm đã lưu truyền, nếu dùng trí tuệ thẩm định lại thấy sai, ta vẫn còn phải buông, phải bỏ. Đó mới là đúng người con Phật chân chánh. Đó mới chính là người theo Phật chân chánh, học Phật chân chánh, bởi dùng trí tuệ để quán chiếu, để soi, để nhìn, để thẩm thấu cái sai cái đúng. Còn nếu ta không dùng trí tuệ, ta chính là một gã hề đi trên chiếc cầu u mê, lượm rác bất thiện chất chồng vào trong tâm để tự đọa đày cuộc đời của mình trong Tam Đồ khổ mà chẳng hay.
Các bạn thân mến! Cuộc sống không như chúng ta tưởng là dài vô tận để rồi làm gì thì làm, đợi đến phút cuối mới sửa. Nhiều người trong chúng ta thường nói: “Thôi! Cứ đợi mai mốt có điều kiện sẽ tu. Mai mốt rãnh rồi sẽ tu. Mai mốt ổn định rồi sẽ tu. Mai mốt thành công xong rồi sẽ tu. Mai mốt hoàn thành trách nhiệm ở đời rồi sẽ tu”, nhưng vô thường, ai biết được?
Pháp quán chiếu NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là trí tuệ quán sẽ giúp cho chúng ta thấy được Tam Pháp Ấn của Đức Phật dạy là Vô Thường, nó không nhường một ai, không nể một ai, ai nó cũng sẽ tới. Từ con người, chúng sanh cho tới vạn vật, cây cỏ, đất đá, hành tinh và vũ trụ, vô thường đều lui tới trong từng giây phút. Vậy ai có thể biết được tí nữa sẽ ra sao để rồi hứa hẹn với mình, bản thân mình và những người thân những điều huyễn ảo phủ màu sắc tuyệt đẹp của mỹ từ?. – Không, chẳng ai biết được!
Cho nên, vô thường có thể lui tới bất cứ lúc nào. Vẫn cười cười nói nói đó, thế rồi biết làm sao, ra sao tí nữa?. Cho nên đừng như vậy! Hãy cố gắng sống theo lời của Đức Phật, Chánh Niệm từng hơi thở, vô thường sẽ nhường bước bởi vì chỉ có ánh sáng của trí tuệ, của năng lượng từ bi mà thôi. Ánh sáng của trí tuệ và năng lượng của từ bi mới làm cho vô thường phải nhường bước, tránh xa để ta bước vào Niết Bàn, cảnh giới an vui mà nơi đó sẽ Thường Hằng Ngã Tịnh mãi mãi. Bất sanh diệt, bất cấu tịnh, bất tăng giảm, cảnh giới của Niết Bàn tự tại và an vui trong cuộc đời.
Nếu như các bạn có những sự trải nghiệm trong tất cả những nỗi khổ, trong tất cả những sự đau đớn của cuộc đời thì nhớ, đó chính là các bạn cứ lao đầu trên chiếc cầu u mê tăm tối. Nếu các bạn biết quay trở lại, tìm ra viên ngọc minh châu trong Chánh Niệm hơi thở, nếu các bạn biết quay trở lại để thể nhập vào Phật tánh mà Phật đã khai thị trong hơi thở Chánh Niệm từ bi – trí tuệ quán, phẩm hạnh cao quý mà Đức Phật đã mời Ngài Quan Thế Âm dạy cho chúng sanh, thì chúng ta thực tập điều đó, chiếc cầu u mê sẽ tự tan vỡ. Và cái vòng cầu vồng của Trí Tuệ Bát Nhã sẽ hiển lộ, sáng 07 màu sắc thật đẹp để chúng ta thoát khỏi cảnh khổ của thế gian. Cái khổ từ nơi tự thân, khổ từ trong gia đình, khổ từ muôn sự ở đời sẽ dần dần tan biến, phước báu sẽ tràn ngập bởi chúng ta làm đúng lời Phật dạy, tìm ra được viên minh châu, thể nhập vào Phật tánh, biết giữ Năm Giới, biết hành Thập Thiện, biết Chánh Niệm hơi thở và biết sống thật sự trong từng giây phút bằng Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, bằng tinh thần của Bát Chánh Đạo. Không u mê, không tín ngưỡng, không mê tín dị đoan dưới bất cứ một hình thức nào. Bởi Phật nói: “Duy Tuệ Thị Nghiệp” có nghĩa lấy sự nghiệp của cuộc đời để xây dựng trí tuệ. Trí tuệ là sự nghiệp của cuộc đời và chỉ có trí tuệ mới xoay chuyển được nghiệp chướng của chúng ta. Và chỉ có trí tuệ của chúng ta khi đã thắp sáng, ta hồi hướng cho ông bà, cha mẹ, Cửu Huyền Thất Tổ thì nương vào trí tuệ đó, mọi người sẽ thành tựu và thành công trong cuộc đời.
Các bạn thân mến! Đây là những điều mà hôm nay chúng ta chia sẻ. Là những điều mà hôm nay mỗi người chúng ta cần phải thẩm nhập được.
Chiếc cầu u mê, đừng nối dài nữa. Phá tan nó đi bằng trí tuệ và từ bi! Mời các bạn đặt bàn tay phải Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái Từ Bi, chúng ta quán chiếu 07 biến vi diệu âm.
Thưa Phật! Chỉ có trí tuệ mới có thể thay chuyển được nghiệp chướng và chúng con sẽ lấy trí tuệ làm sự nghiệp của cuộc đời để phá vỡ cầu u mê để không lầm lạc vào mê tín dị đoan.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Mời các bạn chúng ta hồi hướng công đức.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu hôm nay nếu có, tới tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo và đặc biệt cho quê hương Việt Nam của chúng con mau thoát khỏi đại dịch.
Xin Chư Phật chứng minh.