Search

Bài 2059: Chỉ Biết Có Riêng Mình | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Lượng bút ký, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi!

Chúng ta đã trao gởi cho nhau những lời chào bằng tình thương và trí tuệ, giờ đây, mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật và Mẹ hiền Quan Thế Âm rải Cam Lồ Tịnh Thủy xuống các nước Á Đông và quê hương Việt Nam của chúng con để cho đại dịch tiêu tan, sự chết chóc và hoang mang không còn.

Chúng con thành tâm kêu mời, thỉnh nguyện quý Ngài gia hộ và gia trì theo như ý nguyện của muôn người chúng con.

Mô Phật!

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi, hãy nhiếp tâm quay về với Phật tánh, đi vào hơi thở của Chánh Niệm, chúng ta hãy cùng nhau trong buổi đồng tu này, thỉnh nguyện Chư Phật từ mười phương ban rải năng lượng tha lực Phật điển từ bi, yêu thương và trí tuệ, gia hộ một cách đặc biệt cho dân tộc Việt Nam của chúng ta và tất cả các nước Á Đông, cũng như trên toàn thế giới. Nguyện xin sự gia trì của Chư Phật và Bồ Tát, những nhà khoa học gia về ngành dược, ngành y chế tạo thật nhiều vắc xin hỗ trợ và đặc biệt hỗ trợ cho những nhà lãnh đạo trên thế giới vì tình thương biết hợp tác với nhau, chia sẻ vắc xin và nâng đỡ những đất nước còn yếu kém về y học.

Hãy hít vào bằng mũi, chúng ta đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì niệm mật ngôn:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Các bạn thân mến! Hôm nay, chúng ta đi thẳng vào chủ đề, chủ đề “Chỉ Biết Có Riêng Mình”. Hình như khi nghe đến chủ đề này, mỗi người chúng ta chạnh lòng bởi vì bị va chạm, nhưng chúng ta là người học Phật, phải bỏ qua những cảm xúc của tự ái dồn dập để nhận diện ra rằng Bảo Thành và các bạn sống trên đời thường học hỏi thói quen là chỉ biết có riêng mình mà thôi, ít có khi nào nghĩ rộng hơn, vượt ngoài cái tôi, cái mình mà chỉ nghĩ đến bản thân một mình. Từ những chuyện rất đơn giản, chúng ta cũng chỉ biết có riêng ta, riêng mình, cho tới những chuyện đa dạng, phức tạp trong cuộc đời liên quan tới tình, liên quan tới đồng tiền, đến danh vọng, địa vị, đến cách ăn, cách nói, cách sống, cách ở đời, chúng ta hầu hết vẫn quy về cái tôi, cái bản thân của mình và hầu hết, chúng ta chỉ nghĩ cho riêng mình mà thôi. Còn có những ai nghĩ đến cộng đồng, nghĩ đến xã hội, nghĩ đến tha nhân thì chúng ta thường gán cho họ là “ăn cơm nhà mà vác ngà voi”, nghĩa là ăn cơm thì ăn cơm ở nhà mà lo chuyện thiên hạ để làm gì?

Nguyên nhân từ đâu mà chúng ta bị ảnh hưởng từ tâm ích kỷ chỉ có riêng mình? Đó chính là bởi vì sự sợ hãi. Các bạn nhìn kỹ, chúng ta sẽ thấy, đó là tâm sợ hãi. Ta sợ thua kém bạn bè về tình cảm giữa con người với con người. Khi va chạm trong xã hội, mối liên hệ giữa người với người, ta vẫn sợ rằng ta đi ra ngoài, ta không được ai kính trọng, thương yêu, còn người kia có thể là bạn ta hoặc người ta quen, được nhiều người mến mộ, chính vì sự sợ người hơn ta và sợ ta thua người trong sự quan hệ đó đã tạo cơ hội cho tánh ích kỷ trỗi dậy, hòa mình vào tánh sợ hãi tạo nên tư tưởng chỉ có riêng ta, riêng mình một cõi mà thôi. Rồi làm sao? Trong cách suy nghĩ của sự sợ hãi cùng với tâm ích kỷ trỗi dậy đó, những mối giao hảo tình cảm của con người, ta đã thể hiện qua tư tưởng, lời nói và hành động những thiếu chuẩn mực của đời sống con người, những ngôn ngữ chia rẽ, đâm thọc, kéo bè kéo nhóm rồi lại tự hòa mình vào trong trí tưởng tượng ma quái, u mê của mình, dựng chuyện, dựng phim, dựng lên muôn điều không có với mục đích duy nhất là làm sao cho tất cả tình thương của những người này đối xử với những người chúng ta không ưa, không thích đó, hiểu ra rằng người kia là xấu, bởi những câu chuyện ta tạo dựng lên để đánh phá, để đâm thọc, chia rẽ, để làm cho tình cảm của họ dần dần chẳng còn bền vững, đồng thời tự tâng bốc bản thân lên cao. Một mặt là đánh phá để cho họ không còn gần nhau, một mặt là tự tôn mình lên để tạo mối quan hệ mới, thắm thiết hơn, mục đích cũng chỉ vì tình cảm, mà trong tình cảm đó, nó liên quan đến danh dự, đến danh phận, địa vị, rồi nó liên quan đến đồng tiền và quyền lực. Những thứ này nó ẩn núp, trộn vào với nhau, khó có thể nhìn thấy nhưng thật ra, Bảo Thành và các bạn không rõ mà thôi. Bởi vì chúng ta không rõ được là do chính vì sự u mê. Chính nhất cử nhất động trong cuộc sống của chúng ta, hầu hết chỉ nghĩ đến mình, riêng mình, nghĩ đến cái tôi và từ đó càng ngày càng ích kỷ. Mà khi chúng ta chỉ nghĩ đến mình bởi sự ích kỷ đó, nó tạo dựng, ẩn lúp trong tâm sợ hãi, nhưng chúng ta lại không biết sợ tạo nghiệp. Ta sợ người ta hơn ta về tình, về tiền, về danh vọng, địa vị, hơn về mọi mặt trong cuộc sống nhưng ta lại không sợ tạo ra nghiệp. Bởi chúng ta không hiểu rằng điều người ta có được trên đời này đều là do phước báu tạo dựng bởi ba nghiệp, nghiệp từ Thân – Ngữ – Ý thanh tịnh mà ra phước và đức, tạo được công đức, phước như vậy nên họ thừa hưởng điều thuận lợi kia, còn chúng ta, chính vì sợ người hơn ta mà chẳng sợ tạo nghiệp, miệng lưỡi, tư tưởng hành động cứ tuôn ra những lời nói, suy nghĩ và hành động quá ư là tạo nghiệp, từ đó càng tổn phước và đây không phải là phương pháp tốt để cho chúng ta có thể chiếm được cảm tình, chiếm được danh dự, có được uy quyền trong cuộc sống và thêm tiền đâu các bạn ơi. Đó là phương pháp hoàn toàn sai.

Nếu chỉ biết sống cho riêng mình bởi tâm sợ hãi để rồi chúng ta tranh giành, dùng cái nhìn ngang trái, bất thiện để đối xử với họ mà chẳng sợ tạo ra nghiệp là các bạn đang tự hại bản thân của mình. Chúng ta, Bảo Thành, các bạn cứ lầm lạc trong cách suy nghĩ như vậy, do đó kho phước báu nhiều đời tích lũy được trong kiếp này bị chúng ta bào mòn, chúng ta phá vỡ và nếu không khéo thì một ngày kia Bảo Thành và các bạn sẽ trở thành những con người tự phá sản kho phước báu của mình bằng tâm sợ hãi xen lẫn với sự ích kỷ, trộn hòa vào với tâm tham sân. Có đủ hết các bạn! Chính là bởi vì cái tôi. Cái tôi đó chưa được nhìn rõ là cái tôi không có, cái tôi đó chưa được nhìn rõ là bởi vì mắt ta bị mờ, còn nhìn rõ cái tôi thực tế là không, cái tôi là vô thường sanh – diệt thì chúng ta, mọi người sẽ sống chan hòa, rộng lượng hơn, yêu thương hơn, từ tốn, khiêm nhường và biết chia sẻ, biết sống cùng đồng hành với mọi tha nhân, mọi con người ta đang có phước báu đồng hành, gặp gỡ, tiếp cận trong cuộc sống này.

Cuộc sống rất cần cách suy nghĩ mới, chúng ta phải mạnh dạn, đừng chỉ nghĩ cho riêng mình. Tư tưởng riêng của mình, suy nghĩ riêng của mình, cách hành động riêng tư của mình thường thường cứ như vậy, chúng ta nuông chiều cái riêng tư của mình đó, nó tạo thành một sự cống cao ngã mạn tột cùng mà không ngờ rằng nó dần dần biến thẳng thành những khối ung thư, cản trở sự tự tại an vui của ta. Nó sẽ làm cho ta thêm giận mà bớt vui, bớt an lạc, thêm buồn, sầu khổ và bớt đi sự bình an trong cuộc sống, hở một chút là ta hay giận hay hờn, hở một chút là ta hay, hay làm sao các bạn biết không? Hay nổi điên, nổi khùng. Chính là bởi vì ta thủ chấp cái riêng của ta, cách suy nghĩ riêng của ta, cách hành xử riêng của ta, cách làm việc riêng của ta, điều đó cũng nói lên sự thiếu tôn trọng những người khác. Những người khác dù là bằng tuổi, thấp tuổi hay những người khác đáng cha, đáng mẹ hoặc là những bạn lớn tuổi hơn, những bạn thân hữu trong cộng đồng hoặc những bậc trưởng thượng làm thầy, hoặc có mối quan hệ trong mọi sự cộng tác về Phật pháp, tâm linh hay về đời sống tinh thần, xã hội, chúng ta sẽ coi thường họ bởi vì tôn vinh cái riêng tư của mình, cái tôi của mình và chúng ta để cho cái riêng tư, cái tôi đó sở hữu toàn quyền cuộc sống của chúng ta. Đó là một hình thức cống cao ngã mạn.

Từ cái từ thật là đơn giản “chỉ nghĩ cho riêng mình”, nay nó đi sâu vào tánh sợ hãi, tánh ích kỷ, rồi sự tự tôn tự đại, cống cao ngã mạn, rồi nó còn liên quan chằng chịt đến sự hay khinh người, coi thường người khác. Nó chằng chịt đến mức tìm càng tìm thì thấy những khối ung thư đầy đủ mọi thứ xấu ở trong đó. Chỉ biết cho riêng mình rất nguy hại, không tốt. Đụng một cái là ta nhảy tung lên, quậy trời quậy đất bởi chạm vào cái tôi. Ta vốn chỉ biết cho riêng mình mà thôi. Theo ý ta là được, không theo ý ta thì ông trời cũng phải sợ.

Đức Phật đã nhìn thấy những điều đó. Cái riêng tư đó, chẳng qua là thể hiện sự ham muốn, sự mong cầu. Cho nên, những nguyên nhân tạo ra khổ, Phật nói: “Những điều không được như ý thường tạo ra khổ”. Không như ý mình nên mình nổi quạu, nổi điên, nổi khùng, mình tạo ra khổ và nghiệp. Những điều cầu mà không được như ý mình cũng tạo ra nghiệp. Ta chỉ muốn theo ý của ta, ta cầu Phật, Thần, Thánh hay cũng cầu mọi người phải làm theo ý của ta. Cái gì cũng chỉ có ta, có riêng mình, dần dần có thể gom vào chỉ một chữ duy nhất, ta là kẻ độc tài, độc trị tư tưởng, suy nghĩ và chỉ biết có một mình chễm chệ trên ngai vàng của cái tôi cống cao ngã mạn trong cuộc đời. Hầu hết những ai rơi vào tánh trạng tâm lý như thế là những người không có kiến thức nhiều, bởi mọi thể loại kiến thức về khoa học, không gian, y tế, kinh tế, xã hội đều phải dựa trên nền tảng kiến thức của sự dung thông trong tình yêu. Nếu bạn thiếu đi tình thương chân thật của người con Phật thì mọi thể loại kiến thức ở đời như Bảo Thành vừa nói chỉ là những mồi thuốc nổ để nổ banh xác các bạn trong cuộc đời, giết chết cuộc sống an lạc của các bạn. Nếu mọi nguồn kiến thức đó không dựa trên nền tảng như Bảo Thành vừa nói, đó là tình yêu thương và đối xử với nhau bình đẳng, tôn trọng mọi người, đừng tôn vinh cái riêng của mình quá. Sống, hãy để cho nhau một chút bình an và cùng nhau tôn trọng, hòa hợp trong mọi ý kiến nếu làm chung, hòa hợp trong cộng đồng nếu sống chung, để chúng ta bớt đi cái riêng tư của mình, đừng nghĩ cho riêng mình nữa, mà hãy nghĩ cho cả một tập thể, một cộng đồng mà chúng ta có phước báu đồng hành trong cõi này.

Trong cuộc sống, người Phật tử chúng ta có một tấm gương thật lớn của một bậc Đại Sĩ thể hiện, Ngài không bao giờ nghĩ cho riêng Ngài, đó chính là Mẹ hiền Quan Thế Âm thể hiện tâm đức của người mẹ, hiện thân trong người mẹ thật của chúng ta. Mẹ Quan Âm chẳng phải ở xa tận chân trời tìm không thấy, mẹ hiện hình trong thân xác Phàm phu của mẹ chúng ta. Nhớ, Mẹ Quan Âm tầm thinh cứu khổ, Mẹ biết lắng nghe, Mẹ biết san sẻ. Vì sao Mẹ làm được điều đó? Bởi Mẹ hiểu được vạn pháp là vô thường, Mẹ quán chiếu ngũ uẩn là không, các pháp vô thường. Mật ngôn số 02, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang đưa chúng ta thể nhập vào trí tuệ của bậc Đại Sĩ Quan Thế Âm, nhìn vạn pháp vô thường sanh – diệt, nhìn rõ vô ngã để không bám víu vào những cảm giác của ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức để rồi mường tượng ra cái tôi riêng mình, từ đó không thấu được vô ngã, chẳng hiểu được vô thường, bám víu vào cái thường hay hư mất, chẳng có, hão huyền đó để tôn vinh, hóa ra chỉ là tiếng rống trong vườn hoang của Địa Ngục mà thôi.

Ta thường niệm Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát, ta thường niệm Nam Mô Tầm Thinh Cứu Khổ Quan Âm Bồ Tát, ta thường niệm Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát nhưng cách trì niệm hồng danh của bậc Đại Sĩ này chỉ là thuộc lòng như con sáo, con vẹt chứ chưa thẩm nhập được ý nghĩa Ngài được tôn vinh là Đại Sĩ Bồ Tát chính bởi vì Ngài đã quán chiếu thấu suốt được ngũ uẩn đều là không, đều là vô thường sanh – diệt, đều là vô ngã, từ sự quán chiếu và hiểu thấu được điều đó nên Ngài có khả năng lắng nghe tất cả mọi loài khi đau khổ, Ngài có khả năng hóa diện dưới mọi hình tướng, thân tướng khác biệt để đồng hành với chúng sanh, không có ngăn ngại, không có chướng ngại, để từ đó dắt dìu chúng sanh qua bể ải, nguồn mê tới bờ giác ngộ. Điểm son đặc biệt nơi Mẹ hiền Quan Âm chính là chỗ Ngài hiểu thấu được vạn pháp vô thường và Ngài đã hiểu thấu được vô ngã, không còn chướng ngại. Chính chỗ hiểu thấu đó mà không có chướng ngại nên Ngài có thể hòa nhập vào dưới mọi hình tướng của chúng sanh. Chúng sanh có khả năng cao hay thấp, có trình độ hay không có trình độ, là người hay là quỷ ma, hay là Súc Sanh, dưới bất cứ một dạng nào của lục đạo luân hồi, căn cơ, nghiệp chướng khác biệt hằng hà sa, Ngài chẳng có ngăn ngại và chướng ngại, Ngài đều có khả năng hóa hiện phù hợp, biến hiện phù hợp, bởi Ngài đã thấy được ngũ uẩn đều là không, các pháp đều là vô thường, vô ngã và Ngài đã đạt tới tình yêu vô thượng, năng lượng tình yêu vô thượng đó, Ngài hòa vào trong đó để rộng tay, có ngàn mắt ngàn tay. Tình yêu thương của Ngài như biển trời mênh mông tận hư không, trải rộng tới vô biên thế giới, đến vô cực, để tất cả mọi chúng sanh có nỗi thống khổ nào, chỉ vang vọng trong tâm của chúng sanh thôi, Ngài đã nghe thấy và tới, thể hiện bằng tình yêu thương và đức hạnh đó đã nói với chúng ta rằng, Mẹ Quan Âm chẳng bao giờ biết chỉ có riêng Mẹ mà thôi. Mẹ đã không còn là mẹ, mẹ chỉ còn một khối duy nhất là từ bi và trí tuệ, năng lượng đó biến thể muôn hình vạn dạng phù hợp với muôn thể loại chúng sanh để độ. Chúng ta có chướng ngại là chúng ta không hiểu được điều cao cả của Mẹ, từ đó mà chúng ta chỉ biết có riêng mình để tạo ra chướng ngại giữa những mối tình cảm, quan hệ từ trong xã hội đến gia đình, từ vợ chồng đến con cái, cha mẹ, đến muôn muôn những con người ta tiếp cận trong những mối giao hảo cuộc sống. Ta thường ngăn ngại, ta thường bực mình, ta thường khó chịu, và mỗi một lần như vậy, sợ hãi, ích kỷ, tâm Tham – Sân – Si, lòng tự cao, tự đại của chúng ta lại dâng trào như núi lửa ngàn đời nay bị phá vỡ không theo một trật tự nào hết, thiêu cháy, thiêu rụi tất cả, để cái khổ duy nhất chỉ có ta phải chịu mà thôi.

Chỉ có riêng mình là tánh thật xấu, mà nếu như vậy thì dù bạn có thầm kêu Mẹ hiền Quan Thế Âm bao nhiêu ngàn kiếp đi nữa thì bạn vẫn luôn luôn khổ, bởi nhân từ bi và tình thương, nhân của lòng độ lượng, nhân hiểu thấu vô ngã, hiểu thấu vô thường chẳng có thì Mẹ hiền Quan Âm có ban rải Cam Lồ tình thương xuống cho bạn, chẳng khác gì nước đổ xuống lá môn, không bao giờ thấm vào được, chẳng khác gì nước đổ xuống đầu con vịt, chẳng bao giờ thấm vào bởi độ trơn của sự chai lì, của cống cao ngã mạn, độ trơn của tánh ích kỷ, của sự độc trị, độc tôn của các bạn chẳng thể thấm nhuần được chân lý yêu thương, và từ đó mọi điều các bạn thấy, các bạn nhìn, các bạn cảm, bạn luôn luôn cho nó là có, không thấu được vô thường nên cứ giữ mãi nhưng chẳng bao giờ giữ được, càng tăng tốc trong sự sợ hãi, khủng hoảng cho riêng mình để tạo khổ cho riêng ta. Điều đó có!

Những ai có tánh chỉ biết cho riêng mình là những con người thật sự quá ích kỷ, những con người đó ích kỷ đến mức sẵn sàng can tâm làm những việc độc ác, nguy hại cho muôn người. Họ có thể thể hiện được những ngôn từ bất thiện tuôn ra như những đợt sóng cuồn cuộn để cuốn trôi tất cả những người không làm cho họ được thỏa mãn cảm xúc cá nhân của họ. Bao nhiêu lâu bạn chiều chuộng cảm xúc riêng tư, cá nhân của họ thì bấy nhiêu lâu họ càng tự tôn, tự cao và coi mình như ông vua ở trên đời, coi mình như một đấng đã giác ngộ, toàn quyền sai khiến những người khác, nhưng nếu bạn không làm thỏa mãn cảm xúc, cảm giác của họ thì họ sẽ nổi điên, nổi khùng, và rồi, họ sẽ phá tan hoang tất cả, không biết sợ. Cho nên người chỉ biết cho riêng mình đôi khi đi đến độc đoán, nguy hại cho xã hội, cho tình bạn, cho con người, cho cộng đồng.

Người học Phật, chúng ta phải thấu được hồng danh Nam Mô Tầm Thinh Cứu Khổ là bởi vì Đại Sĩ Quan Thế Âm quán chiếu, thấu triệt được vạn pháp là vô thường, vô ngã, thấu triệt được ngũ uẩn nghĩa là tổng hợp được cảm xúc, nhận thức của con người qua não bộ và thân tâm, qua các giác quan đều là không, là vô thường tới lui nên Ngài tự tại ở mọi cảnh giới và luôn luôn hiển lộ bằng từ bi và trí tuệ nên có thể hóa hiện dưới tất cả mọi thân tướng để độ cho chúng sanh. Hiểu được ý nghĩa này thì cuộc đời của Bảo Thành và các bạn sẽ không còn chướng ngại bởi chúng ta có thể sống phù hợp với mọi hoàn cảnh trong cuộc sống, dù hoàn cảnh đó không như ý, dù hoàn cảnh đó không phù hợp với chúng ta, nhưng bởi trong chúng ta có nhân của từ bi và trí tuệ, có cái nhìn thấy rõ các pháp là vô thường, nhìn rõ là có ngã sẽ tạo khổ, có ngã và cho nó luôn tồn tại thì tạo khổ cho ta, nhìn thấu được điều đó rồi thì ta có thể thể hiện dưới mọi cung cách một cách khiêm tốn, một cách từ bi và trí tuệ để hòa nhập vào với tất cả đại chúng, với muôn người mà dù họ có như thế nào đi nữa, ta cũng không bao giờ mảy may đau buồn, sầu muộn để cho cái gọi là chạm vào tự ái, lòng tự tôn dâng lên, mà trong ta luôn luôn lan tỏa tình yêu thương và biết san sẻ với muôn người.

Chúng ta thường niệm Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát trong mọi nghịch cảnh của cuộc đời và Mẹ hiền đã ứng hóa thân dưới mọi hình tướng, từ trong tâm, từ trong tư tưởng, từ trong hành động hòa nhập vào với những con người đang sống chung để thể hiện lên tình yêu thương cao quý đó để giúp đỡ chúng ta vượt qua. Mẹ hiền Quan Thế Âm là gương của một đấng biết sống cùng với tha nhân. Sống để yêu thương, sống để chia sẻ, sống không có riêng tư, riêng mình, sống không có độc tôn tư tưởng, độc trị suy nghĩ, sống không có ngăn ngại, sống không có một điều ngăn cách, sống có thể hòa mình vào với tất cả, tâm rộng thênh thang, không bờ không cõi, không hàng rào kẽm gai.

Các bạn! Ta là người con Phật, ta tu theo Phật, ta niệm Mẹ hiền Quan Âm, niệm niệm là ghi nhớ công đức của Mẹ, niệm niệm hồng danh của Mẹ là nhớ đến gương của Mẹ để sống như Mẹ thì ta sẽ được tự tại, còn không cứ vô cớ, nói đến điều đúng, ta cũng đùng đùng nổi giận, nổi sân, quay lưng làm ngơ, nói đến điều sai mà hợp ý ta thì ta cuồng say trong đó, thể hiện, ra vẻ ta đây. Sống trên đời cần phải phối hợp hài hòa với nhau trong những điều chân lý, trong những điều đã được thông cảm và hiểu theo những lẽ phải của cuộc đời.

Sống phải biết lẽ phải, phải biết tôn trọng, đừng chỉ biết có riêng mình. Mặc dù ở đời vẫn có những câu nói: “Hãy làm theo những điều mình làm”, nhưng những điều mình làm đó phải phù hợp với lẽ phải và chân lý sống chung với nhau, đừng chỉ cho riêng mình để khi đụng tới, ta nhảy đỏng lên, khi đụng tới, bắt đầu ta giận, ta buồn, đâm ra mất đi ý nghĩa cao cả của tình bạn, của tình người, tình Pháp lữ đồng hành, tình Tăng đoàn, tình người con Phật. Chúng ta nhớ, luôn luôn biết hòa mình lắng nghe, sai ta góp ý, đúng ta thực hiện với tâm không ngăn ngại, chỉ có tình thương như thế, chúng ta dẹp bỏ được cái riêng tư, riêng mình. Chúng ta phá vỡ được cái tôi, tự tôn, tự ái. Ta không để cho sự sợ hãi thua kém người khác lấn chiếm cuộc đời của chúng ta, ta tăng thêm niềm tự tin, dõng mãnh đi vào đời. Ta không để cho sự ích kỷ đóng băng trong tâm thức mà ta để cho tình yêu tan chảy tới muôn nơi, muôn chỗ. Ta không để cho cái mình, cái riêng, cái tôi, tự cao ngã mạn che mắt làm mờ để không thấy được pháp giới của vô thường sanh – diệt, của vô ngã mà cứ tạo khổ cho chính mình, rồi mang cái khổ đó đổ cho nó truyền nhiễm đến với những người xung quanh chúng ta.

Hãy noi gương Mẹ hiền Quan Thế Âm, hãy cố gắng tỉnh thức trong Mu A Mu Sa, nghĩa là trong lòng từ bi vốn có nơi tánh Phật, hãy sống và thắp sáng trí tuệ của mình trong NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, đó chính là bản thể của Phật tánh. Từ bi và trí tuệ là bản thể của Phật tánh vốn có ở trong ta, nếu chúng ta biết thắp sáng, nếu chúng ta biết đánh thức nó dậy, nếu chúng ta biết để cho trí tuệ và từ bi của Phật tánh có cơ hội thấm vào cuộc đời thì ta sẽ trở nên một với Mẹ hiền Quan Thế Âm, có khả năng thấu được tinh thần của vô ngã, vô thường, có nhận diện ra được tất cả mọi sự đi qua ngũ uẩn, cảm xúc, cảm giác, kiến thức, tư tưởng của chúng ta đều là không thật, để từ đó ta có một trái tim vô biên rộng lớn, biết yêu thương chân thật, biết lắng nghe và hiểu thấu, biết hòa mình vào với mọi cảnh giới để yêu thương mà chẳng một mảy may giận hờn, ích kỷ, nhỏ bé. Vậy mới xứng là người niệm hồng danh của Mẹ hiền Quan Thế Âm, và chỉ một niệm Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát thì Mẹ hiền Quan Thế Âm Bồ Tát liền quang giáng xuống cuộc đời của các bạn, thể nhập vào trong cuộc đời của các bạn và các bạn sẽ trở thành hóa thân của Mẹ hiền Quan Âm, nối dài bàn tay và ánh mắt yêu thương, từ bi của Ngài để mang tình yêu trải rộng tới cùng, khắp các tha nhân của chúng ta.

Sống như vậy mới thật sự có ý nghĩa! Sống như vậy mới thật sự là người am tường được chân lý của Mẹ hiền Quan Thế Âm, mới xứng danh là người tụng niệm hồng danh Nam Mô Mẹ hiền Quan Thế Âm.

Đặc biệt, trong tình cảnh nguy hại và đáng sợ nhất, đen tối nhất của Việt Nam hiện nay, trong kỷ nguyên mới, thời kỳ này là thời kỳ của Việt Nam bị bệnh đại dịch lan tỏa. Trong cuộc đời của Bảo Thành và có lẽ trong cuộc đời của các bạn Việt Nam chúng ta, chưa bao giờ đương đầu với một cơn đại dịch ngoài chiến tranh tàn khốc, nội chiến giữa miền Nam – miền Bắc, giữa các giặc ngoại xâm phương Bắc, nước ngoài cả hàng ngàn năm, ngàn năm vốn có, nhưng trong thời đại của chúng ta ít nhất chỉ thấy được cuộc chiến của những giặc phương Bắc xâm chiếm Việt Nam, hoặc là nội chiến, anh em Nam – Bắc giết hại nhau, khủng hoảng, sợ hãi có, nhưng chưa bao giờ trong kỷ nguyên mới mà Bảo Thành và các bạn chứng kiến cơn đại dịch đã kéo về Việt Nam, để cho toàn bộ các tỉnh thành, các thành phố, các nơi đều phải đóng băng, đóng cứng, ngăn chặn lại với nhau, không cho phép nhau đi. Toàn nước bị đứng lại, không có một sự chuyển mạch của sự sống, lòng người hoang mang, sợ hãi. Nay nghe tiếng đại dịch xuất hiện ở đây, lan tràn cả một nhóm thật đông, mọc lên như nấm, tỏa ra mười phương, biết sao đây? Ai ai cũng sợ hãi, và nhất định các cơ sở tôn giáo từ Phật giáo, Thiên Chúa giáo, các cơ sở tâm linh, tôn giáo khác biệt, từ những con người có đời sống tâm linh hay không, vẫn thường niệm Mẹ hiền Quan Thế Âm hay những đấng họ tôn thờ hoặc Chư Phật để nguyện xin các Ngài cho chúng ta có được trí tuệ và sức mạnh vượt qua. Trí tuệ để chế tạo ra thuốc, trí tuệ để biết sống hài hòa với những luật được đưa ra, biết giữ đúng luật để tạo ra những phương thức mới có khả năng ngăn ngừa bệnh dịch lây lan.

Lần đầu trong cuộc đời đất nước của Việt Nam chúng ta, sau những ngày tháng được gọi là bình an thì nay đang sợ hãi. Chúng ta hãy ngưỡng cầu lên Mẹ hiền Quan Thế Âm, đừng chỉ biết cho riêng mình nữa, hãy sống mở rộng bởi vì chúng ta không biết được lúc nào chúng ta sẽ ra đi. Và hãy sống trọn vẹn trong tinh thần của Chánh Niệm yêu thương, đừng sống ích kỷ cho riêng mình, sống mở rộng trái tim, sống với Mẹ hiền Quan Thế Âm, sống từ trong nội tâm với tâm thức Mẹ hiền Quan Âm để chúng ta thực sự sống có ý nghĩa cao cả. Sống cho muôn người, sống cùng với tha nhân, đừng sống cho riêng mình.

Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, trong đại dịch này, con người ý thức được mạng sống của mỗi chúng sanh mong manh, dễ vỡ, tới lui chẳng ai hay, và từ đó họ thấy được khả năng của tình yêu, sự trợ giúp, mở rộng vòng tay nâng đỡ nhau có ý nghĩa cao cả, và đây là tinh thần của Đức Phật dạy, đây là gương của Mẹ hiền Quan Thế Âm. Đây chính là lúc mỗi người chúng ta phải sống đúng với chân lý mà Đức Phật truyền dạy cho chúng ta. Đây chính là lúc mỗi người chúng ta phải sống đúng với giới hạnh, phẩm hạnh cao quý Mẹ hiền Quan Thế Âm để chúng ta trở thành những con người biết yêu thương thật sự, để chúng ta trở thành những con người có phẩm hạnh cao quý, để chúng ta trở thành hóa thân của Bồ Tát Quan Thế Âm, để chúng ta không còn chỉ biết có riêng mình mà chúng ta biết sống cùng với tha nhân, cùng với con người để cơn đại dịch mau qua. Sống không còn ngăn ngại giữa tình cảm, giữa màu sắc, giữa tất cả mọi thân tướng khác biệt, kiến thức khác nhau, tôn giáo, niềm tin, ngôn ngữ. Đừng để những điều đó ngăn ngại!

Chúng ta thật nhỏ bé, mong manh! Chúng ta thật nhỏ bé, mong manh! Nhỏ còn hơn vi trần hạt bụi, một cơn gió thoảng, thân này còn đâu, vậy nên đừng chỉ biết có riêng mình, hãy sống cùng với tha nhân.

Hãy sống cùng với tha nhân! Sống noi gương đức hạnh của Mẹ hiền Quan Thế Âm, sống để tu dưỡng đạo hạnh, nâng cao phẩm cách, đầy đủ công đức để chuyển hóa đại dịch chung với nhau nơi quê hương, quốc tổ của chúng ta. Muôn người hãy hướng về, hãy xây dựng công đức của mình. Biển đức hạnh cần phải mênh mông hơn để đại dịch được đẩy lùi, xua tan vùng đen sợ hãi.

Đừng sống chỉ biết có riêng mình. Hãy sống cùng với tha nhân!

Mời các bạn đặt bàn tay Trí Tuệ vào bàn tay Từ Bi, chúng ta cùng đi vào 07 biến vi diệu âm.

“Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát!

Chúng con ngưỡng cầu lên Mẹ và noi gương của Mẹ, sống thấu được ngũ uẩn là Không, hiểu biết rõ Vô Thường, Vô Ngã để chẳng còn ích kỷ sống cho riêng mình và biết sống cùng với tha nhân. Đặc biệt trong cơn khủng hoảng đại dịch nơi quốc độ Việt Nam của chúng con, xin Mẹ hiền Quan Thế Âm hãy thương tới dân tộc Việt Nam, mang Cam Lồ gửi xuống muôn người để bệnh dịch được tiêu tan, bóng của đen của sợ hãi không còn tồn tại, lửa ánh sáng của trí tuệ và hy vọng luôn luôn được thắp sáng, dẫn đường cho dân Việt Nam của chúng con thoát khỏi nạn đại dịch này.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Xin chúng ta cùng hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Chúng con nếu có được công đức nào, xin hồi hướng cho quê hương, quốc tổ Việt Nam của chúng con mau vượt qua cơn đại dịch này.

Xin Chư Phật chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn