Bảo Minh bút ký
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi.
Chúng ta hãy cùng đồng tu với nhau và mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo: Phật – Pháp – Tăng để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì thắp sáng đuốc tuệ để chúng con quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn. Chúng con cũng thành kính nguyện xin Chư Phật gia hộ cho quê hương Việt Nam, quốc tổ của chúng con và các nước Á Đông đang bị đại dịch hoành hành, nguyện xin Chư Phật, Chư Bồ Tát gia hộ để đại dịch qua mau, lòng dân ổn định.
Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Chúng ta hãy trở về với tự thân của mình, nương vào Chánh Niệm hơi thở để tâm thanh tịnh, buông bỏ vạn duyên, thành tâm đón nhận tha lực Phật điển đại từ đại bi của Phật và nương vào trí tuệ mười phương Chư Phật để chúng ta được tỉnh thức trong từng giây phút của cuộc đời. Với mật ngôn Mu A Mu Sa chúng ta trì khi hơi thở vào ra sẽ đón nhận được thật nhiều năng lượng của tình thương và mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang với tâm thành kính, tuệ giác của chúng ta sẽ dần dần được bừng tỉnh.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Mô Phật! Các bạn! Chỉ 07 biến trì mật chú Mu A Mu Sa, hoà nhập vào trong Chánh Niệm hơi thở, Bảo Thành cảm ứng được tràn đầy năng lượng tình thương của Phật vào thân, vào trái tim, vào tâm hồn. Trí tuệ sáng ra, nhận rõ muôn sự ở đời ngay trong giây phút này, thấy được cái tới, cái lui, quan trọng hơn là tánh thấy nhìn nhận ra được mình đang vui và hạnh phúc, đang tràn đầy sung mãn năng lượng của tình thương, thấy khỏe, thấy tươi dù có biết bao những chuyện xảy ra không như ý nhưng nhìn thấu nên thấy nhẹ trong tâm. Chẳng một chút bực mình, khó chịu, trong lòng mình chẳng một chút cảm thấy chướng ngại dù có những chuyện xảy ra không như ý mà ta phải lặp đi lặp lại nhiều lần để từ từ vượt qua để làm những chuyện ta có thể làm. Chắc chắn các bạn trong một thời 07 biến trì niệm Chánh Niệm cùng hơi thở, cũng như Bảo Thành, các bạn cũng đón được năng lượng chuyển vào trong thân tâm, thấy lòng vui, thấy tâm an, thấy cơ thể có sự rung chấn bởi năng lượng tiếp vào và thấy tâm mình sáng. “Có công mài sắt có ngày nên kim”, chúng ta biết mài giũa tâm của mình trong công phu tu tập, nhất định nó sẽ trở nên sáng như kim cương. Chúng ta biết lau chùi tâm của mình mỗi ngày bằng sự tu tập Chánh Niệm của hơi thở, tiếp năng lượng tình thương của Phật và thắp sáng tinh thần trí tuệ của chúng ta bằng chân lý Đức Phật khai thị, nhất định không một ai trong chúng ta sẽ phải sống trong vùng tối của tâm thức lầm lạc của cuộc đời. Và nhất định như chủ đề ngày hôm nay, sẽ tung đôi cánh thiện lành của mình để bay lên bầu trời cao rộng để đạt được những ước mơ đúng với chân lý mà Đức Phật đã dạy.
Các bạn! Chủ đề: “Tung Cánh Bay”, đây là một cách nói để thấy rằng chúng ta có cơ hội để thành tựu được thật nhiều công việc trong khi còn mang thân xác làm người. Nhưng vì đâu mà biết bao nhiêu những mơ ước, biết bao nhiêu những điều chúng ta muốn thành công, muốn tiến tới nhưng không thể tới, công cũng không thành? Chúng ta phải nhìn lại nhiều lần để thấy nguyên nhân vì đâu, nói theo cách văn chương có lẽ đôi cánh của Bảo Thành và các bạn, chúng ta đã tự cột chặt vào rồi, chưa tự cởi trói cho mình để có thể tung đôi cánh đó bay và khi chúng ta tự cột chặt mình vào, càng vùng vẫy, dùng hết sức thì đôi cánh của chúng ta, sức lực của chúng ta, trí tuệ của chúng ta sẽ cạn dần theo năm tháng, và phía trước biết bao nhiêu mơ ước chẳng bao giờ chúng ta có thể thành công. Mơ ước sống trong xã hội sẽ giàu có, thành công, hay mơ ước đi tới một đời sống bình an nơi cõi lòng, nơi tâm linh cũng khó có thể thành nếu như mỗi một ngày ta không tự cởi trói cho chính ta mà ta cứ tự cột chặt mình vào. Đôi khi nghĩ đi phải nghĩ lại, chúng ta thường thấy người ở bên ngoài cột ta vào những điều họ mong muốn, xỏ mũi ta như xỏ mũi con trâu nhưng chẳng có khi nào ta nhìn kĩ và nhận ra, chẳng phải là người ở bên ngoài trói buộc ta, chẳng phải là người ở bên ngoài xỏ mũi ta mà chính chúng ta.
Có một thời Đức Phật nói với ông A Nan khi cầm lên một cái khăn, kêu ông ta thắt gút lại và rồi nói với ông ta: “Bây giờ làm sao cho cái khăn đó thẳng thớm, nhìn cho đẹp trở lại bình thường?”. Ông ta suy nghĩ và rồi nói: “À! Phải gỡ những gút mình đã cột chặt lại”. Phật nương vào ví dụ đó và dạy cho ông ta: “Tâm của con người cũng như thế, nếu ta có những gút mắc trong cuộc đời mà ta tự thắt chặt mình vào y như cái khăn đó thì ta phải cởi từng gút ra từ từ, từ từ rồi khăn đó mới có thể thẳng thớm được”. Tâm của con người có biết bao nhiêu những mối mà chúng ta đã cột chặt, ghì và siết nó lại trong đó, nếu không tự gỡ thì chúng ta cột chặt tâm thức Phật của chúng ta bằng những ước mơ tầm thường, đau khổ của Địa Ngục. Nhất là các bạn trẻ nếu như các bạn có những ước mơ cao, chúng ta phải nhìn rõ xem tâm cần phải được bồi dưỡng, tâm cần phải được làm chủ, cần phải được tu luyện. Đừng để những kiến thức, tư tưởng Phàm phu bình thường của cuộc đời biến thành những sợi tơ, những sợi dây bằng sắt xiềng xích tâm của chúng ta lại trong những kiến thức, những mặc định, những chấp trược, những cái tôi của mình thì nhất định, nếu như vậy, không bao giờ các bạn thành tựu được ước mơ của mình. Ai trong chúng ta không phải chỉ có một thời mà muôn đời có hằng hà sa những ước mơ và những điều cao vọng thật lớn. Đó là con người, luôn luôn như vậy. Ước mơ và những cao vọng đó như ngọn lửa hy vọng thắp sáng niềm hy vọng vào những ước mơ chân chính, đúng chân lý của Phật dạy là hy vọng tuyệt đối như ánh hừng dương treo trên không trung cho ta thấy đường đi, còn những ước mơ không đúng chân lý của nhà Phật chính là những sợi dây thừng, dây cước, chính là những sợi dây sắt xiềng xích tâm thức của chúng ta lại và rồi chúng ta luẩn quẩn một chỗ, khó có thể thoát thì dù biết bao nhiêu những điều mơ ước kia chẳng phải là lửa và ánh sáng của hy vọng mà là lửa của lòng sân hận, tham muốn. Cho nên, sự lựa chọn là làm sao để biến tất cả những điều ta mơ ước thành sự hy vọng chân chính thì nhất định mỗi người chúng ta sẽ thành công, còn nếu không, chỉ những điều ham muốn đó mà gọi là ước mơ thì không phải, nó sẽ trở thành dây trói của cuộc đời.
Các bạn và Bảo Thành đã từng một thời nhìn lại thấy tù túng bởi đi đâu cũng không thoải mái, tư tưởng nghĩ sao cũng không vượt trội hơn được, cách hành xử hay bị đụng chạm, cách làm việc khó có thể cởi mở rộng hơn để tiến thân trong cuộc đời, rồi đời sống tâm linh luẩn quẩn chấp trược khó thoát. Những điều đó các bạn không dễ nhìn thấy được, hầu hết khi bị dính vào trong đó, ta thường đổ thừa rằng ta bị một thứ gì đó ở bên ngoài cản trở chúng ta, mấy ai ở trên đời theo gương của Chư Phật nhìn lại bản thân, thấy rõ để tự cởi cho mình đâu, luôn luôn đổ thừa cho một thế lực bên ngoài đã cột chặt chúng ta, và từ đó chúng ta tạo ra những hình tượng, tạo ra những cảnh giới, tạo ra những chuyện này chuyện kia và cho rằng ở bên ngoài có một thế lực ma quái đang cột chặt chúng ta, cột chân chúng ta, cột thân xác chúng ta, cột suy nghĩ, tư tưởng tâm linh của chúng ta và chúng ta không thể thoát được. Cuối cùng, xuôi theo định mệnh của những lời nói cũng từ bên ngoài, chúng ta đã thuần phục những cảnh giới ma mị của lòng tham con người tạo dựng nên, để từ đó ước mơ đã không còn trở thành những sự hy vọng sống chân lý mà ước mơ đã biến thành lòng tham cùng tận để từ đó tâm can rối loạn, thần trí tối tăm, sức khỏe càng ngày càng càng yếu và tinh thần không được tươi vui.
Tung cánh bay là được dù không có cánh. Nhớ lại thuở xa xưa, Đức Phật ngồi một chỗ mà có thể lên tới cung trời để thuyết pháp cho mẹ của mình. Đức Phật ngồi một chỗ mà tư tưởng chân lý của Ngài được khai thông tới tận hư không. Ngài có cánh đâu mà Ngài có thể đi xa như thế? Ngài có cánh đâu mà những chân lý của Ngài có thể mở rộng đến tận hư không? Các bạn! Ngài không có đôi cánh như chúng ta tưởng tượng như cánh chim, cánh của thiên thần nhưng Ngài đã có được tâm sáng để tự cởi trói bản thân của mình, tâm thức của mình khỏi mọi sự ràng buộc của những kiến thức, của những kiến chấp Phàm phu, cái không đúng của những tư tưởng luẩn quẩn chỉ vòng quanh trong Ngũ dục: tiền, tình, tài, danh vọng và địa vị. Ngài đã gỡ hết mọi gút mắt của cuộc đời, bốn nút thắt chặt nhất của cuộc đời mà Ngài đã gỡ được đó là nút Sanh – Lão – Bệnh – Tử. Ngài đã nhìn thấu và Ngài đã gỡ, và từ đó những hố sâu của Tham – Sân – Si, những vực sâu của Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh là chỗ bằng phẳng, không phân biệt để Ngài có thể tự tới tự đi, rải tình thương tới cho muôn loài chúng sanh hiện hữu trong từng cảnh giới bởi Ngài là Đấng đại từ đại bi có đôi cánh của tâm thức không còn bị ràng buộc, cột chặt bởi suy nghĩ, tư tưởng, kiến thức, chấp thủ Ngũ dục của Phàm phu. Chúng ta cũng như thế, sự ở đời chẳng phải là số mệnh cột chặt chúng ta nhưng chúng ta đã dệt sợi dây số mệnh của cuộc đời bởi những âm thanh số mệnh, mệnh số sinh ra là phải như vậy, bởi những cung mình sinh ra, tuổi tác, năm tháng, ngày giờ mình sinh ra rồi những chuyện mê tín dị đoan, người ta đã nhồi sọ, bện thành một sợi dây chằng chịt thật cứng cột chặt suy nghĩ của chúng ta, tư tưởng và cách sống của chúng ta, và từ đó ta chỉ luẩn quẩn trong vấn đề cầu sao giải hạn, cầu những vị nào giải những mệnh số đen tối, giải những chuyện kia mà không thấy được như Phật hỏi làm sao để cái khăn thẳng thớm trở lại chỉ bằng gỡ những gút ta đã gút nó lại.
Mệnh số, số mệnh, những cách ăn nói của cuộc đời theo tướng số, những cách cài đặt của con người theo những chuyện như vầy, như kia làm ta bị ràng buộc, dần dần nó cột chặt chúng ta, nói đúng hơn là hai từ “mê tín”, ta mê, không nhìn thấy nên tin, tin trong lúc mê muội gọi là mê tín, còn tin trong sự tỉnh giác và thấu rõ, cái đó không gọi là tin nữa mà gọi là chứng thấy và được khai ngộ. Bảo Thành và các bạn nhất định chưa thấy rõ đâu, cho nên thật nhiều vấn đề trong cuộc sống, ta vẫn mù mờ để rồi trong mê mù mờ đó, ta tin vào cái này tin vào cái kia và cứ như thế tâm ta càng bị rối, thần trí của chúng ta càng bị tối. Làm sao? Làm sao chúng ta có thể thành tựu được cuộc sống bình thường như bao nhiêu con người khác về muôn mặt để sống bình an? Làm sao để thành tựu đời sống của tâm linh khi mà biết bao những suy nghĩ vụn vặt của chúng ta, biết bao nhiêu những điều chúng ta bám víu, chấp vào cứ càng ngày, càng ngày bện thật chặt, cột chặt từ chân, cột chân tới đầu gối, siết vào hai tay, còng thật sát, tròng lên trên cổ, xỏ vào trong mũi, cột chặt tâm, suy nghĩ của chúng ta bị nhốt chặt vào trong những điều đó. Bạn có khi nào thử để ý khi nghe thấy một tư tưởng mới, một suy nghĩ mới, một phương pháp mới, một cách sống mới, chúng ta thường hay do dự là bởi vì ta đã lập trình tư tưởng và cách sống riêng của chúng ta, đó cũng là một hình thức xây dựng và bồi dưỡng cái tôi quá lớn. Lớn lên phải trưởng thành, ta gom, ta góp, ta tích lũy những kiến thức ta đọc, ta nhìn, ta học, ta thấy để tạo nên cho mình một chỗ đứng riêng cho bản lãnh được gọi là tôi hiểu, tôi có, kiến thức của tôi. Đó gọi là ta xây dựng bản ngã bởi những cái hư không như sương khói của cuộc đời. Vậy mà vẫn thích! Nó là không, nó là khói sương, nó là hư huyễn mà vẫn bám chặt vào, chẳng muốn bỏ bởi vì bỏ nó đi rồi ta sợ mình mất tất cả, nhưng nhớ rằng, chúng ta tới từ hư không và trong hư không đó có tất cả, có đủ chỗ cho muôn sự tới và lui. Nhưng chúng ta không nhận ra ta tới từ hư không, vơ vét cho nhiều, từ những dòng kiến thức, suy nghĩ, từ những cảm xúc, từ những cách nhìn, va chạm trong cuộc đời, từ những suy diễn, những lập luận, những điều hiểu biết được gọi là có trí tuệ cao hay thấp, ta cứ lượm và lượm vào, thâu vào mà chẳng hay rằng những điều đó chỉ là những sợi tơ được bện chặt tạo thành dây cột chặt chúng ta. Đức Phật tới trong cuộc đời là Ngài muốn chúng ta nhìn thấy rằng chúng ta không phải chỉ có ước mơ, chúng ta không phải chỉ là những người nuôi hy vọng mà chúng ta thật sự sẽ thành tựu được sự an lạc và đầy đủ phương tiện trong cuộc đời theo như phước báu của mỗi người thành lập được do Pháp thiện. Sống để hạnh phúc bình an, sống để vui, để khỏe, sống để đón nhận và san sẻ và sống để bước lên thành Phật như Đức Phật. Đây không phải là hy vọng, là một điều sách tấn hão huyền mà là một sự thật Đức Phật đã chứng ngộ. Chúng ta sẽ tung được đôi cánh để bay lên bầu trời cao rộng để chứng ngộ được những điều Đức Phật nói. Nếu như mỗi người chúng ta nghe theo Đức Phật, tự thân của mình nhìn cho thật rõ, phải bình tâm tu tập để tâm của chúng ta được luyện, được nhìn thấu được mọi gút mắt ta đã cột chặt từ vô lượng kiếp qua và ngay cả trong kiếp này. Gỡ nó ra, gỡ nó ra các bạn ơi, nhìn cho rõ những gút mắt đó, những nút thắt đó, những sự ràng buộc cột chặt ta vào. Hãy nhìn cho rõ bằng tánh biết của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, bằng nhận thấu được vạn pháp là Vô Thường sanh – diệt thì không có lý gì chúng ta cứ cột chặt mình lại. Gỡ nó ra, nhìn cho thấu bởi tinh thần Vô Ngã để chúng ta không bám víu vào bất cứ một thể loại kiến thức, những cái gì ta có thể nhìn, ta tưởng tượng, ta suy diễn để cột chặt chúng ta lại, để tự xưng rằng ta là như vậy, ngã tướng như thế. Hãy thực hành nhìn cho thấu! Nhìn cho thấu vạn pháp Vô Thường, nhìn cho thấu không có bản ngã bởi vì bám víu vào cái ngã, bám víu vào các pháp cho là có thường hằng vĩnh cửu thì tạo ra muôn trùng những đau khổ tới với chúng ta và làm sao chúng ta có thể bay lên được.
Các bạn! Hãy nghe lời Đức Phật khai thị, hãy trở về với tự tâm thanh tịnh của Chánh Niệm hơi thở, hãy thắp sáng trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, hãy tĩnh lặng và nhìn cho thấu. Như ông A Nan được Đức Phật hỏi làm sao cho khăn đó được thẳng thớm trở lại thì Phật trả lời phải gỡ những gút mà ta đã gút lại. Hãy nhìn thử xem các bạn đã tự cột chặt các bạn vào loại tư tưởng gì, suy nghĩ gì mà ở đời thường nói là chấp, chấp là những nút gút mà chúng ta đã siết chặt cuộc đời mình vào trong đó để khi những người thương yêu như cha mẹ, vợ chồng, người thân làm một chuyện gì không như điều ta mong muốn, đụng đúng vào nút gút của chúng ta thì chúng ta sân, chúng ta giận và lửa sân đó đốt cháy tâm can của chúng ta từng giờ, từng giây và từng phút. Các bạn có cảm thấy khó chịu khi nhìn thấy một người không đáp ứng nhu cầu của mình không? Các bạn có cảm thấy khó chịu và bực mình khi nhìn thấy những điều không ưng ý không? Những điều không ưng ý, những điều ta mong cầu mà không thành tựu, những người yêu thương mà phải chia tay. Các bạn! Những điều mà ta mơ ước như vậy, như kia mà nó không như ý, đó là những gút mắt, nó thắt gút và cột chặt chúng ta lại chính là bởi vì những điều đó chẳng phải nó mang lại đau khổ, phiền não cho ta mà bởi vì ta xây dựng bản ngã, cái tôi của mình dựa trên những quan niệm, định mức của kiến thức và những điều ưa thích của chính mình.
Kiến thức của Phàm phu như con cá lòng tong bơi lội trong hồ, bỡn cợt với bèo mây mà thôi! Kiến thức của Chư Phật như con cá kình vẫy đuôi một cái tạo sóng gió, bơi qua biển Đông tới bờ bên kia. Kiến thức của Phàm phu chấp thủ ràng buộc như con chim se sẻ chỉ biết bay ở bờ dọc hàng rào tìm sâu để ăn, đắm chìm trong cảnh giới như vậy là đã đủ. Kiến thức của Bậc Giác Ngộ như con chim phượng hoàng sải đôi cánh thật dài, cưỡi lên trên mây, bay tới bờ bên kia của biển Đông để hưởng ánh hừng dương khi mọc và bay về bờ Tây để nhìn hoàng hôn khi xuống. Đó là kiến thức của Bậc Giác Ngộ. Các bạn muốn là con cá lòng tong lội ngược lội xuôi trong vũng sình lầy để rồi con cò vô tình bay tới gắp các bạn đi hay không? Con cò đó là Vô Thường, con cò đó là sanh diệt, con cò đó là cái mạng tới với cuộc đời thọ mạng. Các bạn có muốn rong chơi bên bờ hồ của cuộc đời với Ngũ dục, với bèo mây, với bùn lầy, với hương khói của một đống sình trong thân xác Tứ Đại thối, hư, chết từng giây từng phút để con cò Vô Thường của sanh tử tới, các bạn lại một lần nữa trở về nơi nguyên thủy đó là Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh hay không? Hay các bạn muốn là con cá kình thoát khỏi vũng sình lầy hôi thối của thân Tứ Đại, vùng vẫy ở biển Đông, bơi qua bờ bên kia đón ánh hừng dương chào buổi hoàng hôn? Các bạn muốn thành con chim se sẻ chỉ tìm sâu ở bờ dọc để rồi một con chim ưng hạ cánh xuống, bạn chết ngay dưới tầm tay gian ác của sân hận hay các bạn muốn thành con phượng hoàng sải đôi cánh, lướt trên trời tới bờ kia đón ánh bình minh, ngược trở lại bờ Tây đón ánh hoàng hôn và nhận thấy Đức Di Đà hiện diện nơi cõi bờ Tây? Các bạn có muốn cởi trói tất cả những ràng buộc với tâm chấp thủ, tâm thủ chấp, tôi được xây dựng bởi những kiến thức Phàm phu như con cá lòng tong hay như con chim se sẻ hay không? Để các bạn trở thành phượng hoàng hay con cá kình vùng mình một cái là thành tựu muôn ước mơ và tâm thái luôn luôn vượt qua những chướng ngại của cuộc đời, an vui và hạnh phúc. Tung đôi cánh bay tức là chúng ta, mỗi người hãy tự cởi trói cho chính mình. Mỗi một chúng ta có những thể loại tư tưởng, có những cách hành xử trong cuộc đời, có những cái tôi riêng biệt được xây dựng bởi những chấp trược hằng ngày dày cộm lên, dài còn hơn Vạn Lý Trường Thành ngăn cách, không để cho tâm của chúng ta có thể vươn mình bay lên để lãnh nhận được chân lý của Chư Phật, để được tự do tung tăng giữa bầu trời mênh mông vô tận, giữa hư không pháp giới, giữa sự nhẹ nhàng. Các bạn bay lên tức là siêu Phàm, thoát khỏi cõi Phàm, còn không chỉ là con se sẻ mà thôi. Tung cánh bay lên là siêu Phàm nhập vào cõi Thánh còn không chỉ là con lòng tong bơi lội trong vũng sình hôi thối của thân xác, của đam mê của lục dục, sắc dục, tài dục, danh phận, địa vị, của những cái mà suốt cuộc đời cưu mang, thâu lượm rồi khi cái kết cuối cùng, chia tay với cuộc đời này, ta chẳng thể mang theo được.
Hãy tự cởi trói cho mình! Hãy tự để cho mình được tự do tung cánh bay lên để đón ánh mặt trời chân lý của Đức Phật qua Pháp quán Thiền Mật song tu đón nhận sự ban rải tình thương của mười phương Chư Phật qua mật ngôn Mu A Mu Sa, thắp sáng đuốc tuệ của chúng ta để thấy đường mà đi qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để từ đó thấy rõ và có tình thương, có từ bi của Chư Phật đánh thức cuộc sống của chúng ta, để con mắt Phàm phu này có cái nhìn của một Bậc Thánh, con mắt của con chim se sẻ có nhìn của con chim phượng hoàng duỗi cánh mà bay. Con mắt của Phàm phu chúng ta là con mắt của cá lòng tong bị che mờ bởi sình lầy hôi thối của thân xác này, của Ngũ dục này sẽ là con mắt của con cá kình dù sóng gió ba đào có ập tới ngoài biển khơi, nó vẫn nhìn xuyên suốt, đủ sức mạnh dõng mãnh, không có chướng ngại nào, không có ngăn ngại nào, không có một sự khủng bố nào từ tất cả mọi hiện tượng trong cuộc đời bởi nó đã được cởi trói, nó được thỏa mãn, nó được thỏa thích với chính tự thể nơi tâm Phật vốn có của chúng ta. Tâm Phật của chúng không nhỏ và hạn hẹp như con cá lòng tong, cái nhìn đó là cái nhìn của Phàm phu. Tâm Phật của chúng ta không bé nhỏ như cái nhìn của con chim se sẻ, tâm của chúng ta cao lớn và cao rộng, tâm Phật của chúng ta rộng mênh mông vô tận, tận hư không pháp giới.
Hãy tự cởi trói cho mình! Hãy tự trở lại như ông A Nan nhìn lại tự thân của chính chúng ta. Bảo Thành và các bạn đã tự cột trói cuộc đời của mình vào những hệ thức tư tưởng nào, hệ thống tư tưởng nào, ý thức hệ nào, sở thích nào, chấp nào để xây dựng nên cái tôi của mình? Hãy nhìn thật rõ, gỡ nó ra, đừng ràng buộc tâm Phật vào cái tôi hạn hẹp của loài cá lòng tong hay loài chim sẻ nữa, hãy cởi trói để chúng ta được tự do bay lên như phượng hoàng, bơi như con cá kình, không sợ bởi ta không phải là cái tôi vụn vặt của những kiến thức, tư tưởng, chấp thủ bị cột bấy lâu nay đó. Các bạn không thấy bị ràng buộc, tù túng để rồi khi trở về nhà, lời cha lời mẹ vừa nói lên một cái là ta đã bực mình, khó chịu, đó chính là cái tôi đã bị ràng buộc trong kiến thức, suy nghĩ riêng của chúng ta. Để khi về nhà gặp vợ, gặp chồng hoặc gặp bất cứ một người thương nào hoặc ra xã hội cũng vậy, chỉ một chút xíu thôi là dễ bực mình, khó chịu, mà sự bực mình, khó chịu, oái oăm đó làm cho chúng ta trở nên khổ sở và cay đắng hơn mà thôi. Có hại cho sức khỏe, có hại cho tinh thần bởi tâm sân, tâm giận, tâm bực mình dễ nổi cáu, cuồng nộ và sự cuồng nộ của chúng ta dễ khởi lên những tư tưởng xấu xa, những ngôn từ bất thiện và hành động lỗ mãng, tạo cả ba nghiệp từ Thân – Ngữ – Ý.
Lỗ rồi! Lỗ lắm! Mỗi lần như vậy chẳng có lời gì, chẳng có lợi lạc gì. Mỗi lần như vậy thì ta đã trở về vũng sình hôi thối của thể loại kiến thức ta chấp thủ, tự xây dựng cho mình một vực sâu tăm tối, nhào đầu xuống dưới đó để tái sanh trở lại mang thân phận trong Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh. Hãy tung đôi cánh bay lên và nhìn thấu được chân lý của Chư Phật qua trở về với hơi thở Chánh Niệm tự tại quán chiếu, quán chiếu lòng từ bi để đối nhân xử thế bằng mắt thương nhìn đời, để san sẻ yêu thương một cách chân thật, bình đẳng tánh trí. Hãy trở về với Chánh Niệm hơi thở thắp sáng ánh tự tâm để ngọn đuốc minh tuệ của Chư Phật thắp sáng trong ta, để từng bước chân trong cuộc đời, ta đều thấu rõ được từng nhịp chân thiện lành. Hãy tập sáng ánh sáng chân tâm trong cuộc đời để từng cái nhìn, từng hành động của chúng ta luôn là mang tới niềm vui cho ta và cho tất cả mọi người đang sống gần gũi với chúng ta. Ai trong chúng ta cũng có thể bay lên tận cung trời vô tận trên kia để diện kiến được Phật, được Bồ Tát, Thánh Hiền nếu biết tự cởi trói và sự ràng buộc của chúng ta ra. Ai trong chúng ta cũng có thể ngồi một chỗ mà đi cả bốn phương, tọa thiền một chỗ mà có thể thể nhập vào thế giới tận hư không, diện kiến muôn điều mầu nhiệm và kỳ diệu của trời đất, của Phật nếu chúng ta biết cởi trói bản thân của mình khỏi những tư tưởng kiến chấp, khỏi những điều đam mê của lục dục, của những sợi dây bất thiện nhiều đời ta tự cột chặt chân tay, xỏ mũi và tròng vào trong cổ, cột chặt tâm thức của chúng ta. Nếu làm được điều đó, các bạn sẽ thấy hạnh phúc vô cùng và để làm được điều đó thật đơn giản như lời Phật dạy: “Hãy trở về với Chánh Niệm hơi thở, hãy thực tập phẩm hạnh cao quý Pháp môn mà Ngài Đại Sĩ Quan Thế Âm Bồ Tát đã tập đó là quán chiếu từ bi – trí tuệ”. Từ bi – trí tuệ quán là một Pháp quán vi diệu vô cùng bởi quán chiếu từ bi sẽ hàn gắn tất cả mọi những vết thương từ muôn kiếp ta đã tạo dựng, gây ra cho ta và cho người. Những vết thương ngàn đời như vậy, quán chiếu từ bi, quán chiếu tâm từ và tâm bi, đủ năng lượng để làm lành mọi vết thương đau đớn trong cuộc đời. Nếu các bạn có những vết thương lòng đối với vợ với chồng, với cha với mẹ, con cái, với bạn, với xã hội, với ai ai đó không cần biết, nếu vết thương đó nó cứ chảy máu, chảy mủ làm cho đau nhiều lần, nhiều đời, nhiều năm không thể lành lại được và để rồi nó biến thành ung thư, mụn nhọt gây ra sự đau khổ cho ta và cho người thì các bạn chỉ cần trở về với hơi thở Chánh Niệm từ bi quán Mu A Mu Sa, năng lượng tình thương của Chư Phật sẽ được tiếp đến các bạn, các bạn sẽ tiếp nhận được năng lượng tình thương đó, vết thương, khối ung thư của những tâm thức Phàm phu đen tối, bất thiện đó liền được lành lại và bạn sẽ được khỏe.
Nếu các bạn trong cuộc sống, các mối quan hệ trong cuộc đời, nhìn không rõ, không thấu để giải quyết những vấn đề khúc mắt trong cuộc sống, từ vấn đề kinh tế đến gia đình, tình thương đến xã hội, tất cả mọi mặt, bạn hãy bình tâm trở lại, trở về với Chánh Niệm hơi thở, thắp sáng trí tuệ của các bạn qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, không khác gì như được trở về nhà và có công tắc sẵn, bật đèn lên, nó sáng lên, bạn sẽ nhìn rõ, không bị vấp té vào những tư tưởng vụn vặt, kiến thức chấp trược của cuộc đời, sân hận, bon chen mà chúng ta sẽ nhìn thấu, nhìn rõ bởi tâm của ta không còn đen tối nữa, nó sáng rồi. Tâm của chúng ta không còn những vết hằn của đau khổ nữa, nó đã được hàn gắn, nó đã được chữa lành bởi tình thương của Chư Phật. Năng lượng tình thương là năng lượng vi diệu, ánh sáng trí tuệ là ánh sáng vi diệu giúp cho chúng ta, Phàm phu của chúng ta, con người của Bảo Thành và các bạn một lần nữa lại tung cánh bay, bay lên để thấy rằng không phải là hy vọng, không phải là ước mơ mà thấy được chân lý hiển lộ rõ ràng, chứng ngộ được điều kỳ diệu Đức Phật dạy, không còn trong cõi mê để tin tưởng để trở thành mê tín mà chúng ta đã chứng thấy, ngộ thấy và nhận ra lời Đức Thế Tôn dạy, lời Đức Phật khai thị chính là chân lý hiện hữu mà mỗi người chúng ta, mỗi chúng sanh đều có khả năng thành tựu được nếu biết tự cởi trói cho chính mình.
Hãy nhìn lại bản thân của chúng ta, mỗi một giây, mỗi một phút hòa mình vào năng lượng tình thương Mu A Mu Sa, hãy nhìn lại bản thân của ta từng giây từng phút trong Chánh Niệm hơi thở thắp sáng ánh từ tâm, ánh minh tuệ của Chư Phật qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để chúng ta nhìn thấu được, nhìn rõ được, hiểu được để buông, để cho con đường ta đi rộng thênh thang vô tận không có sự cản trở của bất cứ một thể loại nào hết. Buông bỏ bởi nhìn thấu thì vạn sự thủ chấp tan rã. Các bạn! Buông bỏ được hận thù chỉ có thể nếu đón nhận được tình thương. Cho nên hãy đón nhận tình thương của Phật, hãy đón nhận năng lượng từ bi của Phật, trí tuệ của Phật để mọi hận thù tàng ẩn, ngủ ngầm muôn đời trong chúng ta từ vô lượng kiếp qua phải tan rã không còn chỗ ẩn náu ở trong thân tâm của ta. Hãy thắp sáng trí tuệ của chúng ta qua trí tuệ của Phật để chúng ta nhìn thấu vào từng ngõ ngách đen tối nơi cuộc đời lầm chấp nhiều kiếp của chúng ta, để chúng ta gỡ từng gút mắt, từng thắt nút để cái khăn chân tâm của chúng ta một lần nữa duỗi cho thẳng, được thẳng thớm và để cho đôi cánh thiện lành của chúng ta một lần nữa như con chim phượng hoàng ngự trên mây, bay lên tận chín tầng mây vượt qua hằng hà sa những ngọn núi cao để tới được bờ Đông mà đón ánh hừng đông, ngược một cái, về bờ Tây để chào ánh hoàng hôn. Muốn đi là đi, muốn tới là tới nhẹ như cánh chim phượng hoàng. Để cuộc đời của chúng ta như con cá kình chẳng phải lòng tong mà lội trong vũng sình của thân xác hôi thối. Vẫy một cái là tạo sóng ngoài biển, vươn mình một cái là cũng tới bờ Đông, ngược lại bờ Tây. Đông, Tây, Nam, Bắc, mười phương, bốn hướng, chỗ nào cũng tự tại, thong dong, không có chướng ngại. Muốn như vậy, muốn có một cái tâm thoải mái, tự do và hạnh phúc, vươn lên và tung đôi cánh bay để đồng hành cùng với Phật thì ít nhất mỗi người chúng ta phải nhận thấy bao đời bao kiếp và ngay trong cuộc sống này, chúng ta đã tự cột chặt mình vào những điều chúng ta tin tưởng và những điều chúng ta thu lượm bằng những điều chúng ta lượm lặt, toàn là cái tâm chấp thủ mà thôi. Cởi ra, tự cởi trói cho mình, gỡ nó ra và nhận ra chân lý nhân duyên trong nhà Phật. Đều là nhân duyên! Mỗi chúng sanh nghiệp chướng khác biệt, mỗi con người nhân duyên đều khác, đón nhận nhân duyên của mỗi người như họ đã tới trong cuộc đời để họ và ta cùng đồng hành trên một con đường, con đường của chân lý Đức Phật đã rải xuống, ban cho chúng ta để đón nhận được tình thương và trí tuệ để thấy mỗi người dù khác biệt đến cỡ nào cũng luôn luôn đẹp, cũng luôn luôn cao trọng bởi trong ta không có cái tâm chấp thủ, bởi trong ta có cái tâm đối xử bình đẳng đối với muôn loài muôn vật và bởi trong ta đã biết thắp sáng ánh tự tâm bằng chân lý, ánh minh tuệ của Phật, bởi trong ta tràn đầy năng lượng tình thương từ bi của mười phương Chư Phật. Ta tung cánh bay, đừng cột chặt mình lại nữa!
Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và bàn tay Từ Bi vào với nhau, chúng ta trở về với 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
“Thưa Chư Phật! Từ muôn đời chúng con đã tự trói chặt mình vào những kiến thức lầm chấp tạo thành chấp thủ dày cộm, biến thành cái tôi vụng trộm giam mình vào trong ngục tù của thân Tứ Đại, nay hiểu đã thấu, xin được thắp sáng ánh sáng giác ngộ của Phật vào cuộc đời và thành kính đón nhận năng lượng từ bi của Ngài để nhìn thấu, nhìn rõ, tháo gỡ mọi gút mắt, mọi ràng buộc của tự thân và tâm để được tự do tung cánh bay, đón ánh hừng dương trí tuệ của Phật và nhìn ánh hoàng hôn vi diệu của Ngài Di Đà ở phương Tây.”
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Chúng con nguyện thành kính hồi hướng công đức đồng tu hôm nay cho quê hương, quốc tổ Việt Nam thân yêu của chúng con và các nước Á Đông đang bị đại dịch tìm thấy được các phương thức khoa học hiện hữu trong cuộc đời để người dân khắp nơi vùng Á Đông thoát khỏi sự sợ hãi, trở lại cuộc sống bình thường.
Xin mười phương Chư Phật luôn chiếu soi, ban rải năng lượng từ bi và trí tuệ gia hộ cho các nước Á Đông, nhất là Việt Nam quê hương của chúng con.
Xin Chư Phật chứng minh.