Bảo Tịnh Diệu bút ký
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý thầy, quý sư cô cùng các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi. Tới giờ chúng ta đồng tu, mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương và thắp sáng đuốc tuệ để chúng con thấy rõ được vạn pháp Vô Thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn. Đặc biệt hôm nay, chúng con hướng về Việt Nam quê hương của chúng con và những đất nước Á Đông đang bị đại dịch kéo vào màn đêm sợ hãi, xin Chư Phật gia hộ để Việt Nam quê hương và những nước Á Đông của chúng con có đầy đủ phước báu gia trì của Chư Phật mà thoát qua cảnh đại dịch. Xin Chư Phật chứng minh.
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ, bàn tay trái tượng trưng cho lòng Từ Bi. Khởi đầu muôn sự, ta lấy trí tuệ và từ bi quán chiếu để nhận diện, thấu rõ. Với mật ngôn Mu A Mu Sa khi trì, mỗi người chúng ta sẽ đón nhận được năng lượng từ bi của Chư Phật ban rải xuống thân tâm của chúng ta. Trong hơi thở Chánh Niệm đón nhận năng lượng chuyển hóa vào thân tâm giúp cho chúng ta thấu rõ được cuộc đời của mình. Mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang sẽ thắp sáng đuốc tuệ, trí tuệ sẽ bừng sáng để ta nhìn rõ. Trong khi Chánh Niệm hơi thở và trì 02 mật ngôn này, nhiều điều kỳ diệu qua năng lượng chuyển tới thân tâm sẽ xảy ra, với một lòng thành kính, chúng ta đón nhận, giữ hơi thở đều đặn Chánh Niệm từng giây phút, sự lợi lạc sẽ tới với mọi người chúng ta.
Chúng ta hãy hướng tới những người yêu thương, tất cả mọi chúng sanh, lan tỏa năng lượng tình thương của Phật và thắp sáng đuốc tuệ cho muôn loài.
Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở ra từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Mô Phật! Các bạn thân mến! Hôm nay vì trục trặc kỹ thuật nên Bảo Thành bắt đầu chương trình Pháp thoại và đồng tu hơi trễ.
Các bạn! Cuộc đời của chúng ta luôn luôn có nhiều sự trễ nải xảy ra. Một cuộc hẹn hò dù chuẩn bị thật kỹ đôi khi cũng trễ, một cuộc đi phỏng vấn làm việc, đôi khi chuẩn bị kỹ rồi, bất chợt một sự việc gì xảy ra chúng ta lại đi trễ. Có thể là một chuyến đò, một cuộc hành trình hay chỉ là một chuyến đi chúng ta thường hay bị trễ và những sự trễ như vậy đôi khi làm chúng ta bị mất cơ hội trong cuộc đời. Nhiều lắm, biết bao nhiêu cái trễ. Nhưng nhìn nhận cho thật kỹ thì những sự trễ nải như vậy thật nhiều lúc làm chúng ta bực mình, khó chịu. Như buổi sớm đánh thức con cái dậy đi học, nó trễ một chút xíu mà đôi khi ta kiềm không được, ta nóng giận, ta giận dữ, hoặc là một chuyện gì đó mà trễ một chút xíu cũng giận dữ. Đó là một phần của sự sống tác động làm Bảo Thành và các bạn dễ bị giận dữ. Còn biết bao nhiêu những sự việc khác nữa, nó ở ngoài tầm tay mà chúng ta cứ xem như: “Ôi! Không biết tại sao nó xảy ra như vậy và với tôi nó cứ như vậy để tôi phải giận dữ hoài”. Biết bao nhiêu thứ! Nhiều lắm! Và có lẽ Bảo Thành và các bạn là những người giàu kinh nghiệm bởi một sự trải nghiệm thực sự trong cuộc sống là chúng ta đã từng bị những cơn giận dữ của chính mình để nổi loạn, nổi cuồng để tạo ra biết bao nhiêu những chuyện bẽ bàng cho cuộc đời, gây ra đau thương, hận rồi bắt đầu giận hờn, hận thù giữa người với người, thậm chí còn làm cho tan nát cuộc tình, tình bạn, gia đình, giữa cha mẹ, con cái. Chúng ta phải thú nhận thật rõ rằng mỗi người trong chúng ta thường giận dữ hoài mà thôi! Mà cứ hết đợt này đến hết đợt kia ta nhận ra, ta thấy, ta xấu hổ, muốn ngừng nhưng những cơn giận dữ đó cứ tới hoài. Nghĩ cho kỹ thì đây là một vấn đề cần phải thực tập nhìn sâu để nhận diện ra những cơn giận dữ này tới từ đâu.
Các bạn! “Giận Dữ Hoài” là chủ đề chúng ta chia sẻ ngày hôm nay trong Pháp thoại này để làm sao đó phương pháp thực tập, tu tập Chánh Niệm như thế nào để sự giận dữ của Bảo Thành và các bạn dần dần giãn và dần dần biến mất, hay nếu không biến mất thì nó cũng ít lui tới trong cuộc đời để Bảo Thành và các bạn thêm vui, bớt phiền não. Nếu các bạn không nhìn thấy các bạn đã từng trải qua những cơn giận dữ trong cuộc đời thì thật khó có thể chuyển hóa. Hãy lắng đọng tâm hồn của mình, hỏi chân thật với chính mình một câu hỏi cần phải có sự trả lời: “Các bạn có khi nào giận dữ chưa?”. Nếu các bạn trả lời: “Có” thì các bạn nhìn lại những sự giận dữ đã từng trải qua, kết của nó là gì? Là sự đổ vỡ về tình cảm, là sự đau khổ của trái tim?
Bây giờ đi sâu một chút xíu, ta sẽ thấy được cái lợi và cái hại của những cơn giận dữ. Theo thống kê trên thế giới, hầu hết mọi sự ly dị, phân ly giữa hai vợ chồng đều tới từ những nguồn cơn giận dữ thật nhỏ bé trong gia đình, không biết kiềm lại, hóa giải, đưa đến sự xung đột bùng nổ, nổi loạn để rồi tình thương của hai con người không còn nhìn thấy nơi nhau. Mỗi khi nhìn thấy nhau toàn là lửa sân giận bốc tới và rồi người yêu thương thuở nào ta mơ ước để mang về sống chung, nay trở thành như kẻ thù. Thêm nữa, người ta còn tìm ra rằng sống trong sự giận dữ đó làm cho gia đình tan nát, con cái trở nên hung dữ, từ bỏ cha mẹ, dễ phạm tội, dễ lâm vào những con đường ác, không làm chủ được bản thân, dễ bị những kẻ lừa gạt trong đời sai khiến để làm nên những chuyện tày trời. Vợ chồng, con cái, cha mẹ, bạn bè, những môn xã hội học nghiên cứu tại sao những mối tình cảm như vậy đổ vỡ và họ tìm ra đó chính là nguyên nhân của sự giận dữ, mà hầu hết chúng ta ít chú ý, thường hay viện cớ vào những chuyện khác đổ thừa lỗi cho nhau, nhưng mấy ai trong chúng ta nhìn thấu để thấy rằng sự giận dữ trong ta và sự giận dữ của người tương tác hằng ngày cùng hợp tác với nhau để xé nát mối tình thương của con người với con người? Đó là xã hội học, còn đối với Phật học, sự giận dữ là thể hiện của tánh sân, sự giận dữ là thể hiện của ma vương, sự giận dữ là thể hiện biến hình của Địa Ngục, rất hung tàn, rất nguy hại và sẽ tạo ra biết bao nhiêu bất thiện nghiệp kèm theo đó bởi Thân – Ngữ – Ý trong sự sân giận dữ bị mất làm chủ, tư tưởng sẽ bộc phát những luồng tư tưởng độc ác, miệng lưỡi sẽ tuôn ra những ngôn từ thô ác, nguy hại và chân tay, thân xác sẽ tạo ra những hành động nổi loạn, khủng bố, nguy hại đến sức khỏe, đến thân mạng, đến sự sống của chính mình và của người khác. Nhưng chúng ta phải nhận rõ thật sự rằng ta vẫn cứ giận dữ hoài. Những cơn giận như cuồng phong, bão tố và những cơn giận thật nhẹ nhàng cứ lui tới, ghé vào cuộc đời để chúng ta cứ mệt, để tình cảm của gia đình chúng ta, người thân của chúng ta cứ bị gián đoạn, giãn cách rồi đi tới lìa xa, không gặp nhau. Giận dữ hoài chính là tâm sân đã làm chủ cuộc sống của chúng ta.
Theo những nhà tâm lý học thì sự giận dữ, nóng giận của con người là do sự yếu đuối, mỏng manh của mỗi người chúng ta và do sự tự bảo vệ đời sống ta cho là của ta, ta cho ta là như vậy và ta dễ vỡ, dễ bể, dễ bị tan nát vào những sự va chạm cho nên ta thường nổi nóng, nổi giận như là một điều gì đó để tự bảo vệ mình. Đó là tâm lý, và rồi những nhà tâm lý học nghiên cứu chúng ta, chuyển hướng suy nghĩ qua những đối tượng khác để những nguồn cơn giận dữ đó dần dần được thuyên giảm, nhẹ nhàng và biến mất. Đó là cách thay đổi, thay đổi đối tượng để tâm có thể phát huy được khả năng nhìn, để từ đó mà cơn giận mất đi. Nhưng theo tinh thần của Đức Phật, Ngài dạy chúng ta là phải Chánh Niệm để nhìn rõ thật sự nguồn cơn, gốc của tâm giận dữ để từ đó chúng ta chuyển hóa thì mới tận được gốc, còn không thì chỉ là thấy nắng chỗ này, mình đi chỗ khác tránh nắng mà thôi.
Các bạn! Giận dữ theo như Đức Phật nhìn thấy đó là do sự nội kết của tâm của chính chúng ta do những chuyện không như ý, những chuyện không thành công, những chuyện chúng ta thường là bởi vì có tánh tham, tánh sân, tánh si, thường là bởi vì cho mình là như vậy, thường đặt để mình ở một cương vị, một địa vị nào đó và không bao giờ cho ai đụng chạm tới, cho nên khi họ đụng tới, ta bắt đầu giận dữ bởi ta cũng không biết ta cho ta là ai như thế nào nên chẳng thể bảo vệ, do đó giận dữ như một phương thức để bảo vệ cái mà cho ta là ta. Đó là cái tôi, bảo vệ cái tôi nên dễ giận. Mình đã hình thành một cái tôi nơi những cái không thuộc về tôi. Đức Phật dạy, toàn thân này, những điều gì mà ta cảm xúc được, ta biết được, ta nhận thức được đều nằm trong ngũ uẩn, tức là năm tập thể của những sắc pháp cảm xúc của con người, tư tưởng, suy nghĩ hình thành để rồi ta lại ngộ nhận đó là ta, cho nên những ai chạm vào cảm xúc, chạm vào tư tưởng, chạm vào thân xác, chạm vào kiến thức, suy nghĩ là chúng ta giận dữ thật nhanh, nhưng những cái đó đâu thuộc về ta, đâu phải là ta. Trong Pháp quán NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang giúp cho chúng ta nhận thấy được tinh thần vô ngã rất cao siêu, khi nhìn thấu được tinh thần vô ngã thì nguồn cơn giận dữ của chúng ta sẽ bị tắt ngay, không còn và được chuyển hoá bởi còn có cái ngã, có cái tôi nên sự giận dữ luôn luôn có, còn nếu thấu được tinh thần vô ngã, không có cái tôi thì cái tôi nó đã mất, nó đã được dung thông với mọi người, hòa tan như nước, hòa tan như gió, như không khí, chẳng có sự chênh lệch sai đúng, cao thấp để từ đó cơn giận sẽ chẳng có cơ hội để lui tới đâu.
Các bạn! Giận dữ là tánh sân. Nói về góc độ tai hại của sự giận dữ, giận dữ tới từ hai cái, từ nguyên nhân ở bên trong do chính ta, của cái tôi và nó xảy ra theo một nguyên nhân từ bên ngoài tác động, có thể là người thân, người bạn, môi trường. Tới một chỗ môi trường không phù hợp là khó chịu, dễ giận dữ, gặp một người ăn nói không phù hợp những điều ta mong ước là cũng dễ giận dữ, đi một quán ăn mà người phục vụ đó chỉ sơ ý làm một điều ta không thích, ta cũng dễ giận rồi, gặp một người bạn chỉ sơ ý ăn mặc, nói năng hoặc làm một điều gì đó ta cũng dễ giận dữ, kinh nghiệm này Bảo Thành và các bạn có dư để bàn tới bởi chúng ta từng giận dữ vì nhiều nguyên cớ ở bên ngoài. Nhưng đó là do sự đồng bộ ở bên trong, cái tôi quá lớn và sự quá yếu đuối, mỏng manh của chính mình, không đủ khả năng làm chủ cảm xúc, tư tưởng, suy nghĩ cho nên dễ bị bên ngoài tác động để ta giận dữ hoài. Giận dữ, nếu nói về hình thức đơn giản, tác hại là gây ra sự đổ nát, chia rẽ, phân ly bởi trong sự giận dữ thường xảy ra sự cuồng nộ của tư tưởng, căm thù, trả thù xen lẫn sự sân giận, ghen tuông. Sự giận dữ còn tạo nên sự cuồng nộ của những ngôn ngữ bất thiện tuôn ra, để rồi lời đó sắc bén quá, đã thốt ra rồi kéo vào không được, tình cảm giữa con người không bao giờ có thể hàn gắn. Sự giận dữ còn thể hiện nơi sự cuồng nộ của thân đập bàn, đập ghế, thậm chí có thể đánh đấm và bách hại đến sinh mạng của người khác lẫn của mình. Cho nên, sự giận dữ rất nguy hại cho sức khỏe, và nếu chúng ta cứ giận dữ hoài thì nhịp đập của tim sẽ tăng ở một cường độ quá mạnh, quá nhanh để rồi nhồi máu cơ tim, đột quỵ dễ chết. Không những như thế, khi giận dữ môi tím thâm lại, dù có quét lên bao nhiêu lớp son đỏ thì vành môi đó vẫn là một vành môi tím thâm, mắt cũng thâm quầng lại, mặt cau có, giận dữ, bao nhiêu sự khổ đổ sụp xuống trên đầu của chúng ta. Giận dữ sẽ giết chết chúng ta. Về mặt tâm lý, giận dữ nguy hại đến tâm, về mặt sinh lý, nó ảnh hưởng thật nhiều. Giận dữ làm rối loạn cơ phận hoạt động của thân, làm cho sinh lý của chúng ta bất ổn, gây cho sức khỏe bị tổn hại, nguy hiểm. Về mặt tâm linh, giận dữ tổn phước báu bởi tạo nghiệp từ Thân – Ngữ – Ý.
Đầu tiên, ta phải nhìn nhận rằng giận dữ là hoàn toàn thua. Nếu để cho cơn giận dữ cứ lui tới như một vị khách không mời chễm chệ trong cuộc đời của chúng ta là xong rồi, cuộc đời vỡ toang, không còn gì để hàn gắn được nữa. Và nếu như cuộc sống của chúng ta, cuộc đời này cứ để cho vị khách giận dữ kia lui tới thường xuyên, làm chủ luôn cuộc đời thì ta, thứ nhất là mất đi lòng Hiếu đạo, tri ân đối với cha mẹ đã đặt để ta trong thân này làm người mà chẳng thể làm chủ được, để cho những cơn giận chiếm cứ, bách hại, gây ra hư hết cuộc đời. Đó là một tội đồ, chẳng khác gì tội giết cha, giết mẹ. Trong ngũ nghịch, giết cha giết mẹ là tội đọa vào Địa Ngục, mà giận dữ hoài chính là một hình thức giết chết cha mẹ của chúng ta, giết chết luôn tự thân thì Địa Ngục là cửa sẽ mở rộng đưa chúng ta đi xuống. Nhìn lại để thấy được rằng sự nguy hại của giận dữ ở muôn mặt từ sức khỏe đến công ăn việc làm, tình cảm, sự sống của chúng ta, chúng ta luôn luôn khó chịu và bực mình và rồi bệnh tới, tiền mất tật mang, gia đình ly tán, bạn bè trách móc. Giận dữ làm chúng ta càng trở nên băng hoại, dễ gây tội ác và dễ lăn xả vào những điều tạo ra nghiệp mà không một chút gì gọi là thấy xấu hổ, bị chai lì trong cảm xúc. Những người giận dữ thường lao đầu vào làm những chuyện sai, gây ra tội ác thật nhiều, tánh khí người đó thất thường, nhất định người đó sẽ không còn ai muốn gần gũi. Nói về mặt mà Đức Phật dạy thì sự giận dữ chính là tâm sân, mà sân là Địa Ngục, chúng ta đã đồng lõa cuộc sống của mình và đồng hóa ta với cảnh giới của Địa Ngục ngay khi còn là thân xác làm người. Phước báu chẳng bao giờ còn, tai họa luôn rình rập chúng ta mọi lúc và mọi nơi.
Lớn hay nhỏ thì cũng có những cơn giận dữ khác biệt, các bạn có giận dữ, Bảo Thành có giận dữ, nay trở về với lời dạy của Đức Phật trong Tam Pháp Ấn, quán chiếu vô ngã để chúng ta trong Chánh Niệm hơi thở nhìn thật rõ sự tác hại của giận dữ và chúng ta sẽ không cho phép sự giận dữ này được đặt tên: “Giận dữ hoài” mà chỉ một lần tới, hai lần tới rồi bái biệt, chia tay, không bao giờ tới với chúng ta nữa thì hay hơn là chúng ta cứ để giận dữ hoài trong cuộc đời.
Nếu phân tích về cái xấu, cái sai của giận dữ thì đầy hết, ta không đi vào chỗ đó mà ta đi vào là làm sao chuyển hóa được sự giận dữ. Có thật nhiều phương pháp Đức Phật dạy nhưng phương pháp Chánh Niệm hơi thở để nhận diện rõ giận dữ của chúng ta, chỉ biết ta giận thôi cũng đã tăng được nội công thâm hậu để chuyển hóa rồi.
Các bạn nói: “Nếu giận mà biết giận thì làm được gì?” – “Không, không! Bạn chưa có kinh nghiệm thực tu, thực chứng.”
Phật dạy thấy giận biết giận. Đây là sự khởi đầu của tánh biết, biết ta đang giận, mặc dù trong khi ta đang giận đó, ta có thể đập bàn, đập ghế, chửi, đánh đập nhưng phải biết được ta đang chửi, ta đang giận dữ, ta đang la, mắng. Theo tâm lý thì khi giận dữ như vậy, người ta có thể ở trong phòng la hét một mình cho đỡ giận hoặc đập phá gì đó để đừng bách hại đến sức khỏe của người khác để nguôi cơn giận, nhưng như vậy chưa hết được bởi chỉ thỏa mãn cơn tức giận của cơ thể mà thôi. Còn nếu như các bạn có thể biết, nhận biết được cơn giận dữ nó đi lên và ta đang giận dữ. Chỉ cần biết thôi chưa làm gì, biết và khi các bạn biết như vậy thôi thì các bạn đã có sức mạnh của tánh biết, tánh biết tăng trưởng sức mạnh của tâm linh, tạo được phước và sẽ chuyển hóa được cơn giận. Kế tới, nếu bạn đã biết mà biết điều hòa hơi thở Chánh Niệm để tánh biết càng tăng trưởng thì sự giận dữ kia sẽ dần dần biến mất. Chỉ đơn giản là hít thở nhẹ nhàng trong Chánh Niệm, dùng tánh biết để nhận ra cơn giận dữ của ta đang khởi dậy, chỉ đơn giản vậy mà đã hết rồi. Nếu thật sự đây không phải là phương pháp tốt đẹp, Đức Phật sẽ không dạy Chánh Niệm hơi thở và tánh biết trong Kinh Lăng Nghiêm để tăng trưởng tinh thần vô ngã để nhìn rõ tánh giận dữ của chúng ta. Phật dạy cho chúng ta bất cứ một Pháp môn phương tiện nào cũng đều là sự trải nghiệm đích thân của Ngài đã thực chứng và thành tựu, không phải nghĩ rồi nói, muốn nói gì thì nói, cho nên, những điều Đức Phật dạy là những Pháp thực chứng do Ngài đã trải qua. Chánh Niệm hơi thở với tánh biết nhận ra được sự giận dữ của chúng ta đang khởi lên và nhận ra sự giận dữ của người khác đang khởi lên. Dù ta không giận dữ mà ta Chánh Niệm hơi thở với tánh biết, ta nhận ra bạn của ta, cha của ta, mẹ của ta, vợ của ta, chồng của ta đang giận dữ. Cũng chỉ nhận biết vào hơi thở Chánh Niệm đó thôi, ta cũng có năng lượng vi diệu để tăng trưởng phúc lạc cho mình và còn đối trị, làm giảm đi sự căng thẳng và sự giận dữ của bạn bè chúng ta, của người thân chúng ta, đó là chúng ta đang hỗ trợ cho họ. Điều đó có!
Nếu các bạn thực hành cho hay, cho đúng như lời Đức Phật dạy xem như rất bình thường đó, đến mức mà nhiều người coi thường, không để ý nhưng hít thở điều độ một cách điều hòa, Chánh Niệm thấy, biết thật rõ giận vừa khởi nguồn, ta thấy nó khởi lên, nó đang tuôn ra, ta thấy nó tuôn ra, ta biết nó tuôn ra. Ta thấy được nó, ta theo kịp được nó, ta nhìn nhận ra nó thì tự nhiên nó xấu hổ, nó biến mất. Giận là cảm xúc của ta, nếu ta điều hòa hơi thở trong Chánh Niệm và nhận diện ra nó, nó sẽ cảm thấy xấu hổ mà tắt lịm đi.
Các bạn thử đi các bạn sẽ thấy nó vi diệu đến chỗ nào! Mỗi khi các bạn giận, các bạn hít thở thật đều, các bạn nhìn nó: “Ôi! Tôi biết rồi, giận nó đang tới”. Chỉ như vậy thôi, bạn cứ nhìn cơn giận của bạn nó đang tới bằng Chánh Niệm hơi thở và biết thật rõ nó đang tới thì tự nhiên nó tắt ngay, tại vì tánh giận, sân si của chúng ta nó cũng biết xấu hổ các bạn ơi! Các bạn nhìn thấy nó, biết được nó và thở đều đặn Chánh Niệm thì nó xấu hổ nó chui mất, còn các bạn không nhận ra nó thì nó sẽ luồng chỗ này, lách chỗ kia xâm hại cuộc đời của chúng ta. Còn nói đến Thiền Mật song tu thì vi diệu hơn nữa bởi trong Chánh Niệm hơi thở với tánh biết của Lăng Nghiêm nhìn rõ, ta còn bật đèn lên để thấu rõ, đèn đó là đèn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, mật ngôn này là trí tuệ, là ánh sáng giúp cho chúng ta thấu, nhìn thấu, nếu nhìn trong cảm xúc, nhìn bằng mắt thường và nhìn bằng tánh biết cảm nhận của con người thì cái nhìn chỉ là một phần nhưng cái nhìn của chúng ta có sự thắp sáng bởi trí tuệ tới từ Chư Phật qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, không những bạn điều hòa được Chánh Niệm hơi thở một cách thật tuyệt diệu, tuyệt vời mà bạn còn có một tánh biết xuyên suốt nhìn rõ được nguyên nhân tạo ra sự giận dữ đó là gì. Trong tương tác giữa hai con người, đôi khi ta không nhận ra sự giận dữ của ta do đâu nhưng với mật ngôn này và Chánh Niệm hơi thở, bạn có khả năng nhận ra được nguyên nhân sự giận dữ của ta hoặc của người, có thể là từ lời nói, suy nghĩ và hành động để từ đó chúng ta biết giữ lại lời đó, hành động đó để không đổ thêm dầu vào lửa cho cơn giận bùng phát không thể dập tắt. Cho nên, mọi sự giận dữ trong đời, nếu các bạn giữ được Chánh Niệm hơi thở với tánh biết của mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, đồng hành thêm mật ngôn Mu A Mu Sa là nhìn bằng trí tuệ Chánh Niệm của hơi thở để biết được cơn giận đang tới trong ta, đang khởi trong ta và trong người, đồng thời lại đổ vào trong ta và trong người năng lượng của tình thương, từ bi. Nếu từ bi và trí tuệ là hai nguồn năng lượng vi diệu giúp chúng ta có cái nhìn viên thông sự giận dữ khởi nguồn từ nơi ta và từ nơi người để từ đó dùng tình thương để nhìn nhau, đối xử với nhau thì mọi sự giận dữ sẽ không có cơ hội nảy mầm ở trong ta.
Các bạn nên nhớ, giận dữ làm thiêu rụi mọi phước báu, gây ra sự chia rẽ trong gia đình, phá vỡ hạnh phúc nơi con người và làm tổn hại đến sức khỏe về sinh lý, về tâm lý và về tâm linh, cả ba mặt đều hại, đều thua một cách toàn diện, đều sụp đổ. Cho nên phải nhận diện ra rằng giận dữ là sự nguy hại, nó là hiện thân của tâm sân, đừng cho phép mình giận dữ hoài, hãy tập Chánh Niệm hơi thở quán chiếu thật sâu, mang từ bi để quán chiếu sống hòa hợp với muôn người, mang trí tuệ để thắp sáng để nhìn thấu trong từng hơi thở vào ra, ta trì mật ngôn Mu A Mu Sa tiếp nguồn năng lượng tha lực từ bi của Phật rải xuống cuộc đời của ta, để từ đó ta có thể rải tâm từ mà ta nhận được của Phật tới những người thương yêu. Trong hơi thở Chánh Niệm, trì mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, ta như ngọn đèn được thắp sáng, thắp sự sáng của Bậc Giác Ngộ vào đèn cầy của chúng ta để từ đó ta truyền sự sáng tới cho mọi người và ta luôn luôn nhìn người bằng ánh mắt của tình thương, ta luôn luôn tác động tới cuộc đời của ta và cuộc sống của muôn người bằng hành động của người có trí tuệ trong yêu thương, trong từ bi thì sự giận dữ vốn có của kiếp người sẽ không còn cơ hội để len lỏi, để phá và ngủ ngầm ở trong ta gây ra tác hại nữa mà chúng sẽ biến mất ngay tại chỗ. Chỉ cần Chánh Niệm hơi thở với tánh biết xuyên suốt bằng tình thương và trí tuệ thì mọi sự giận dữ tưởng chừng như cứ mãi giận dữ hoài xảy ra trong đời sẽ không còn chốn nương thân trong cuộc sống chúng ta. Như vậy là bạn đã không còn yếu đuối, mỏng manh, dễ vỡ, dễ tan. Như vậy, bạn đã không còn cái tôi bởi bạn chỉ cần hòa mình vào với tình thương của Phật, bạn chỉ hòa mình vào với ánh sáng trí tuệ của Phật, bạn chỉ cần hòa mình vào trong hơi thở của Chánh Niệm và với tánh biết xuyên suốt trong tình thương, trí tuệ ấy thì muôn sự và muôn nguyên nhân tác động từ bên ngoài cũng như từ bên trong tạo ra sự giận dữ của bạn sẽ không còn cơ hội để khởi mầm.
Bạn có còn nhớ những lần bạn giận dữ với cha mẹ, bạn đã làm cho cha mẹ đau lòng đến cỡ nào? Bạn có còn nhớ những lần bạn giận dữ với vợ hoặc chồng, bạn đã làm cho vợ hoặc chồng đau khổ như thế nào? Bạn có còn nhớ những lần bạn giận dữ với con cái thì bạn đã làm cho con cái đau khổ cùng cực như thế nào? Bạn có còn nhớ những lần chúng ta giận dữ với người thân, với bạn đồng nghiệp, với bạn đồng tu nó nguy hại như thế nào? Giận dữ cái cây thì cái cây đó bị chém sạch, giận dữ cái nhà đôi khi đốt nhà. Giận vật thì vật hư, giận người thì người chết, mà giận ta thì tái tím tâm hồn, phước thì tiêu tan, nghiệp sẽ tràn vào. Cho nên, sự giận dữ là một điều phải khẳng định hoàn toàn không tốt được nằm gọn trong tánh sân mà Phật dạy: “Tam độc: Tham – Sân – Si”. Giận dữ hoài là tánh sân đã mọc rễ trong ta nên nảy mầm chiếm cứ cả cuộc đời, nguy hại lắm cho nên các bạn hãy cố gắng, chúng ta cùng đồng tu để thể nhập vào thể tánh biết một cách trong suốt từ Chánh Niệm hơi thở qua tình thương và trí tuệ thì sự giận dữ của các bạn và sự giận dữ của Bảo Thành sẽ tan biến thật nhanh, sống trọn vẹn một kiếp người mang ân nghĩa được cha mẹ tác thành, ta phải biết tri ân, mang sự ân đức của các vị Thầy, bậc thiện tri thức dạy dỗ cho chúng ta, ta phải biết tri ân bằng cách thực tập làm chủ được bản thân, chuyển hóa sự giận dữ bằng Chánh Niệm của hơi thở, bằng tình thương và trí tuệ thì như vậy ta mới tăng trưởng thêm phước báu và xứng đáng là người con Hiếu đạo với cha mẹ và biết tri ân, cảm niệm đức độ của những Bậc Thánh, của những Bậc Thầy đã đi qua cuộc đời giáo dưỡng chúng ta trên con đường thực tu cũng như trên con đường học hỏi kinh nghiệm, kiến thức của cuộc sống. Người như vậy luôn luôn hạnh phúc và bình an, người như vậy luôn luôn khỏe. Cho nên, cuộc đời của chúng ta nói về cả hai mặt xã hội và đời sống trong nhân quần mà ta thường tương tác hằng ngày cũng như đời sống cá nhân của mỗi người, xã hội và cá nhân đều có cả ba mặt về sinh lý, tâm lý và tâm linh. Người khôn thì biết dưỡng phần sinh lý của mình cho ổn định để cơ thể của chúng ta không bị rối loạn, tạo ra những chứng bệnh vô cớ tác hại lên thân. Người hiểu thấu thì luôn điều chỉnh tâm lý của mình luôn luôn an hòa để không bị ảnh hưởng bên ngoài cũng như bên trong, giúp cho tâm thái lúc nào cũng bình thản, hạnh phúc. Người tu đạo luôn luôn giữ cho đời sống tâm linh thấu rõ được chân lý của Phật và tu tập trưởng đức hạnh của mình. Và khi các bạn trưởng dưỡng Chánh Niệm hơi thở từ bi – trí tuệ quán Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là bạn đang bước trên con đường làm chủ bản thân của mình trở về với tự tánh Phật viên thông và giúp cho chúng ta nhận ra được giá trị cao quý hơn của chúng ta mà chúng không nên bỏ qua, và để cho sự chiếm cứ của sự giận dữ của ta đó chính là sự nhẹ nhàng, sự từ ái, sự dễ thương, đó chính là tình yêu, đó chính là sự san sẻ với muôn người, đó chính là một đời sống bình an, phúc lạc vốn có đầy đủ trong chúng ta nơi tự tánh Phật ở nơi đây, cuộc sống của kiếp này. Cao quý vô cùng!
Đừng đánh mất sự cao quý của tánh Phật, phẩm cách của một vị Phật tương lai để vùi đầu trong cơn giận dữ hóa mình thành Địa Ngục thiêu cháy tất cả những người thương và thiêu rụi tất cả phước báu của chúng ta.
Các bạn! Cuộc sống của con người không dài cũng không ngắn nhưng từng giây phút nếu các bạn ý thức được bằng tánh biết trong trí tuệ và tình thương thì muôn sự ở đời các bạn làm tưởng chừng như vô nghĩa sẽ tạo được phước báu, còn nếu trong cuộc sống ngắn ngủi mà các bạn không sống được bằng trí tuệ và tình thương, hành động trong Chánh Niệm từng giây phút thì muôn sự tưởng chừng cao quý các bạn dốc sức vào để làm cũng biến thành hư không và gây ra nguy hại cho cuộc sống của các bạn và mọi người.
Hãy nhận diện sự giận dữ không tốt, nó là tánh sân gây nên đổ vỡ hạnh phúc gia đình, làm cho mọi người đau khổ và gây ra bệnh hoạn cho thân, cho tâm và tổn phước báu của chính ta và của những người xung quanh. Hãy trở về với lời dạy của Phật, cố gắng thực tập đời sống Chánh Niệm, tăng trưởng tánh biết, nhìn rõ tinh thần vô ngã, đừng để cái tôi thể hiện quá để rồi ta cứ giận dữ. Cái tôi quá lớn là cái ngã quá lớn, cái ngã là cái tôi, cái tôi, cái ngã khi nó quá lớn, sự giận dữ rất dễ. Giận dữ nhỏ thì tan nát gia đình, vợ chồng, con cái, cha mẹ ly biệt, ly thân, mà giận dữ lớn nếu có quyền lực trong chính phủ, trong các quốc gia có thể gây ra chiến tranh. Nếu làm kinh tế mà giận dữ thì sẽ thất bại, nếu tu mà giận dữ, chẳng thành công. Giận dữ ở mọi phương diện nếu có mặt sẽ gây ra thất bại và khổ đau, khổ đau cho ta và khổ đau cho nhiều người.
Hãy cố gắng chuyển hóa sự giận dữ của chúng ta, có chăng chỉ một vài lần mà thôi, đừng để giận dữ như một thương hiệu thường lưu hoài trong tâm của chúng ta. Hãy trở về với Chánh Niệm hơi thở bằng tình thương và trí tuệ, tánh biết để chuyển hóa cái ngã, cái tôi để trở về với tinh thần vô ngã của Đức Phật dạy, để tâm được rỗng lặng, được an nhiên, được tự tại, hạnh phúc và bình an. Và chúng ta cũng hãy mở rộng vòng tay tha thứ cho tất cả những ai đã từng giận dữ chúng ta.
Hãy đặt bàn tay phải Trí Tuệ vào bàn tay trái Từ Bi, vận hành 07 biến vi diệu âm.
“Thưa Phật! Chúng con hiểu thấu được giận dữ là tánh sân, sân là Địa Ngục, nguyện một lòng trở về với Chánh Niệm hơi thở, đón nhận tình thương từ bi của Phật, thắp sáng đuốc tuệ nhìn rõ trong tánh biết qua Chánh Niệm hơi thở để nhận diện được mọi nguồn cơn giận dữ khởi lên trong tâm của chúng con và nơi các người bạn thân yêu trong cuộc đời để chúng con biết mang tình thương và trí tuệ hỗ trợ, che chở để chuyển hóa sự giận dữ đó và nhìn rõ cội nguồn của sự giận dữ đang khởi lên.”
Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Các bạn ta đã tu xong rồi, mời các bạn chắp tay vào hồi hướng công đức.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu này nếu có đến quê hương, quốc tổ Việt Nam của chúng con và các nước Á Đông đang bị đại dịch.
Nguyện xin mười phương Chư Phật luôn gia hộ cho tất cả những nước đang bị dịch cũng như gia hộ cho những nhà khoa học gia về ngành y, ngành dược biết chế tạo ra vắc xin thuận với người dân Á Đông để cứu giúp. Nguyện cho thế giới cùng hướng về giúp đỡ những người dân Á Đông chúng con. Nguyện cho tất cả những người làm chính quyền biết nhìn rõ để bỏ đi cái tôi, mang tinh thần phục vụ và tìm nhiều phương pháp hỗ trợ cho đất nước của mình. Nguyện cho muôn người trên thế giới đồng hướng và hỗ trợ.
Xin Chư Phật từ bi chứng minh cho chúng con.