Bảo Tuệ Minh bút ký
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi.
Đã tới giờ chúng ta đồng tu, mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo: Phật – Pháp – Tăng để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con có đủ Trí Tuệ quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã, Niết Bàn.
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi và Trí Tuệ.
“Muôn sự ở đời mãi mãi không bao giờ hết, chỉ có Chánh Niệm hơi thở trở về với cội nguồn của Từ Bi – Trí Tuệ, ta sẽ có cách ứng dụng mọi sự ở đời thành những phương tiện diệu dụng mang lại lợi lạc cho tự thân và cho muôn người yêu thương. Hãy trải lòng thành kính đón nhận năng lượng Từ Bi của Phật chiếu rọi vào trong tâm, trong thân của ta. Hãy nhìn thật rõ các pháp Vô Thường sanh – diệt.”
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Mô Phật! Các bạn, cuộc đời của chúng ta ai ai cũng rất sợ phải đi xa và phải đi ra khỏi chỗ mình cảm nhận được là phù hợp, là bình an, là nơi chốn ta ưa thích, là chỗ ta yêu mến. Những gì chúng ta có, nó hình thành một thói quen và rồi ta nhận như là chúng thuộc về ta, là của ta, ít có khi nào chúng ta sẵn sàng bước ra khỏi cảm xúc thuộc về ta để nhìn những cái không thuộc về ta. Với chủ đề: “Chuyện Một Chuyến Đi”, cuộc sống của chúng ta quanh thế giới này bao nhiêu chuyện thay đổi và có biết bao nhiêu cảnh giới, biết bao nhiêu nơi chốn mà chúng ta mong ước được đi một lần để chứng kiến tận mắt những cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ hoặc những nơi chôn nhau cắt rốn của ông bà, cha mẹ gọi là nơi đất Tổ xưa chưa một lần được đặt chân trở về, hoặc là một chuyến đi thăm bạn hay một chuyến đi cầu Đạo Giải Thoát. Có biết bao nhiêu chuyến đi mà mỗi người chúng ta đã đi và mỗi một chuyến đi như vậy thường để lại trong ta biết bao nhiêu những kỷ niệm, vui có, buồn có. Dù là kỷ niệm vui buồn ta đã đi và kỷ niệm của những chuyến đi đó, nó vẫn gói gọn trong những cảm xúc rất người, để dần dần một kiếp người trôi qua và những chuyến đi đó không phải là những chuyến đi thật sự đánh thức, làm cho chúng ta thức tỉnh về cuộc đời. Thậm chí, có những chuyến đi mang lại đau thương, phiền lụy và đôi khi có những chuyến đi hạnh phúc tràn đầy để ta cứ lưu luyến mỗi một ngày có cơ hội trở lại đó, và có những chuyến đi mãi mãi không bao giờ quay lưng trở lại, những chuyến đi xa, những chuyến chia tay, chuyến đi nghẹn ngào trong nước mắt, chuyến đi mà người ở đau lòng, người đi thì nhức nhối con tim.
Những chuyện đi của cuộc đời nếu họa vần làm thơ thì muôn thuở chẳng hết, nhưng có một chuyến đi rất đặc biệt, chuyến đi ra khỏi sự sung sướng, hạnh phúc, chuyến đi ra khỏi sự ưu đãi được sanh ra, đặt để vào nơi cung điện, nơi mà người ta gọi là cung vàng điện ngọc cao quý vô cùng, nơi mà muôn người phục vụ, chăm sóc, có đầy đủ hết. Ngài đã ra đi, Ngài đã chuẩn bị cho mình một chuyến thật sự đi ra khỏi chỗ đó, chỗ mà muôn người muốn chen đi vào, chỗ mà muôn người muốn dấn thân dù phải đổ máu, chết cũng phải một lần được vào bên trong, đó chính là cung điện của nhà vua. Thái tử Tất Đạt Đa, Ngài đã rời khỏi cung điện, chẳng ngó ngàng tới ghế của vua, chức quyền mà từ trên nhìn xuống thì hằng hà sa số dân phải tuân phục. Chuyến đi đó đã để lại cho chúng ta Bậc Giác Ngộ. Ngài đi đâu? Ngài đi từ những cái đẹp nhất, tốt nhất, những cái mà Ngài có sẵn, vương quyền, danh vọng, địa vị, của cải, vật chất, sắc đẹp, có hết nhưng Ngài vẫn đi một lần thoát ra khỏi chỗ đó để trở thành như bao nhiêu con người bình thường. Nhìn trong tứ chúng thiên hạ nơi bốn thành, thấy được sự chết, thấy được sự bệnh, thấy được sự già và thấy được sự sanh ra trong bốn cái gọi là Sanh – Lão – Bệnh – Tử luông tuồng xoay chuyển, nhập vai chúng sanh để Khổ. Chuyến đi ấy là chuyến đi đổi đời của Ngài và cũng là chuyến đi để mang lại ánh Minh, ánh Giác Ngộ chân lý lưu truyền lại cho hậu thế ngày nay. Một chuyến đi mà khi nhìn thấy sự chết, thái tử đã tự hỏi: “Tại sao phải chết, nguyên nhân gì dẫn đến sự chết?”, chuyến đi mà thấy sự bệnh hoạn, đau khổ, Ngài liền hỏi: “Tại sao phải bệnh hoạn?”, một chuyến đi mà ta phải già nua, xấu xí, hom hem, không thể tự lo cho mình được, Ngài lại hỏi: “Tại sao lại già, nguyên nhân và cuối cùng sanh ra là để già đi, để bệnh và để chết?”
Một chuyến đi cũng nhìn như bao nhiêu con người chúng ta đã thường nhìn trong suốt cuộc đời nhưng chỉ có Ngài, chuyến đi ấy, Ngài đã nhìn rõ tận tường, sự chết, sự sanh ra, sự bệnh hoạn, sự già nua, để trong tâm tư của Ngài nung nấu một tinh thần tìm hiểu xem sao kiếp nhân sinh phải xoay vần như thế? Sanh ra là để chết, để bệnh, để già, tại sao cứ phải đi theo vòng tròn quanh quẩn? Đó là chuyện một chuyến đi của một thái tử để rồi không phải chuyến đi đó chỉ ngừng ở những câu hỏi. Ngài lại tiếp tục một chuyến đi nữa, một chuyến đi mà gặp biết bao nhiêu chướng ngại từ người thân, từ vua cha, từ vợ, từ thân tộc của nhà vua, biết bao nhiêu con người chướng ngại đó, họ không để cho Ngài thực hiện một chuyến đi lần thứ hai. Bao nhiêu sự hứa hẹn lại dồn vào, bao nhiêu sự quyến rũ lại rỉ rả ở bên tai, nhưng sự thao thức đối với câu hỏi: “Tại sao con người sanh ra để chết, để bệnh, để già?” Câu hỏi đó đã làm cho biết bao nhiêu sự cản trở từ gia đình, từ vương quyền, ngay cả có lính gác canh 24 tiếng một ngày, 07 ngày trôi qua, liên tục như thế nhưng Ngài nhất định phải làm thêm một chuyến đi nữa, một chuyến vượt thành, vượt qua muôn trùng chướng ngại ở bên trong, vượt qua cửa thành ưu đãi có đầy đủ để đặt bước chân của mình trên từng nẻo đường quán chiếu lẽ thật mà con người phải chịu.
Chúng ta không khác Ngài, chúng ta thấy muôn sự ở đời xoay vần, nào là khổ, nào là phiền não, lẫn lộn bên mùi ngọt của sung sướng. Chưa nếm được, tận hưởng niềm vui thì đã tuột mất khỏi tầm tay, chưa vươn tới ước mơ đã bị gục ngã trong mồ sâu, huyệt đạo, chưa thành tựu những điều ham muốn, chân đã run rẩy, khó đi, chập chững, chưa với được những vì sao ở trên trời thì lấm tấm ở trên đầu, tóc đã điểm sương. Và từ đó, chúng ta nhìn thấy muôn sự khó mà chùn chân, giữ bước, chỉ trụ vào ở chỗ cho ta cảm xúc an toàn, cho ta cảm giác mà ta thích. Phật không trụ vào nơi để có cảm xúc an toàn, cảm giác thích là bởi vì Ngài có tình thương lớn, thấy chúng sanh sanh ra, thấy chúng sanh chết, thấy chúng sanh khổ vì bệnh, vì già, Ngài không thể ngồi ở nơi vương quyền đó để hưởng phước, Ngài đã bước ra thực hiện một chuyến đi thứ hai. Trong chuyến đi đó, Ngài đã mang tâm nguyện Giải Thoát, chí nguyện thanh cao, tầm Thầy tầm Sư để học đạo, và cuối cùng Ngài dưới cội Bồ Đề đã thấy rõ chân lý của vạn pháp Vô Thường sanh – diệt, của muôn sự Khổ tới từ những sự Vô Thường đó và muôn sự Khổ tạo ra chính là bởi vì Ngã tướng của con người. Cho nên, cuộc đời của con người chỉ thấy khổ, thấy não, thấy phiền, chỉ thấy Địa Ngục, Ngạ Quỷ và Súc Sanh nhưng chẳng bao giờ được một lần nếm thử mùi vị Giải Thoát, đặt chân lên thềm hoa bước vào cõi Niết Bàn. Ngài đã bừng tỉnh trong nhiều năm tu luyện và Ngài đã thật sự giác ngộ. Và để cho những chuyến đi đầu tiên bước ra khỏi thành và chuyến đi vượt thành để trở thành Bậc Giác Ngộ, đó là những chuyến đi mà mỗi người chúng ta phải suy nghĩ. Noi theo gương của Đức Bổn Sư, những chuyến đi vĩ đại như thế đã để lại cho muôn ngàn chúng sanh về sau có một điểm sáng ở trong tâm, có một ngôi sao để nương vào, dẫn vượt qua màn đêm u tối. Còn chúng ta? Chúng ta có làm một chuyến đi thoát ra khỏi những cảm xúc ta yêu mến, ta thích thú? Chúng ta có làm một chuyến đi vượt qua những bức tường thành của tâm chấp trược, thủ chấp? Chúng ta có muốn trèo qua bức tường để vượt qua và làm một chuyến đi thật xa, xa khỏi những bất thiện nghiệp mà ta đã ôm ấp? Chúng ta có làm một chuyến đi, đi ra khỏi vòng suy nghĩ, tư duy và góc độ nhìn của ta để một lần ta đặt chân lên chỗ người ta có thể đứng, nhìn về cùng một hướng, đồng cảm, đồng tâm và đồng nhìn về một chỗ để ta và người không còn chỗ dị biệt, thông dung trong tâm Từ Bi, yêu thương, để những sự cỏn con, tranh chấp, phiền lụy, những cái tôi vụn vặt, những sân giận nhỏ bé, những lòng ghen tuông, những trắc ẩn, nỗi niềm đau khổ của chúng ta được ánh Minh Tuệ, được Trí Tuệ nhìn cho rõ để phủi bụi phiền não, sống thong dong?
Phật đã hai lần thực hiện một chuyến đi, để rồi chuyến đi cuối là chuyến đi lìa khỏi thân xác cuộc đời nhưng chẳng phải bước vào sự chết nghìn thu vĩnh viễn mà chuyến đi cuối là chuyến đi thứ ba, Ngài bước qua cửa tử để biến cửa tử mà muôn người sợ hãi phải bước vào thành ngưỡng cửa đi vào Niết Bàn. Chẳng phải để hứa hẹn cho chúng ta mà đó là một sự thực chứng là Ngài đã bước qua cửa tử để đi vào Niết Bàn và để lại cho chúng ta một cái gương rằng: “Sự chết không có gì là đáng sợ”. Quán chiếu Vô Thường ta phải nhìn thấu được sự chết đang xảy ra trong từng giây phút cuộc đời để không sợ, để hạnh phúc bởi vì sự chết là một con thuyền, là một phương tiện đưa chúng ta đến đỉnh cao viên mãn, đạt được sự Viên Giác toàn diện. Sự chết là con thuyền vượt khổ. Nếu nhìn thấu được chân lý Vô Thường như thế, ta chẳng thể khổ bởi một mai khi nằm xuống, tư lương của cuộc đời ta chuẩn bị sẵn, con thuyền của sự chết sẽ có đầy đủ, đầy đủ những công đức, những phước hạnh mà khi còn sống Bảo Thành và các bạn đã thật sự biết chăm lo cho chính đời sống tâm linh, để ngày cuối ra đi trong cõi Vô Thường là ngày hồng phúc.
Chuyện một chuyến đi của chúng ta có để lại được gì hay không? Có những chuyến đi ta tầm Sư học Đạo và ta đã có đủ phước duyên để gặp Thầy, gặp những Bậc Thiện Duyên Trí Thức hoặc những bạn tri kỷ đồng hành trong cõi nhân thế này, để điểm một cái, để khai thị một chút hoặc là để chia sẻ một đôi lời, ta lĩnh hội được những điều mới mẻ, mang lại cho cuộc đời đầy lửa khói của sân hận, chiến tranh nơi con người với con người trở nên thái bình, ấm áp bởi hương vị của Thiền, Thiền định.
Các bạn! Các bạn có dám làm một chuyến đi thoát ra khỏi những kiến chấp của mình, những kiến thức của mình, những điều ta cho nó là chân lý của ta, bạn có dám bước ra để nhìn sự thật, thực tướng muôn sự bên ngoài hay không? Nếu thái tử ngày xưa chỉ biết hưởng phước, ngồi ở trong cung vàng điện ngọc thì ngày nay sao có Bậc Giác Ngộ? Nếu thái tử ngày xưa chỉ ngồi cho muôn người phục vụ đồ ăn, nước uống, chải chuốt rồi ăn chơi thì làm sao thấy được sự khổ của chết, của già, của sanh, của bệnh? Và nếu như, mỗi người chúng ta khư khư ôm lấy những suy nghĩ của chính chúng mình, nếu như mỗi người chúng ta khư khư thủ chấp những thành kiến, những kiến thức, những suy nghĩ, cách hành xử, cách làm việc, cách nhìn của riêng ta và riêng ta một cõi mà thôi, thì cuối cùng chúng ta sẽ luẩn quẩn như Trịnh Công Sơn “Một cõi đi về”, cõi đó là cõi thủ chấp với những điều chúng ta ưa thích, để vầng trăng dù có sáng cũng chẳng soi tỏ cho ta đi vào trong đêm tối tìm được điều kỳ diệu.
Pháp của nhà Phật không nằm ở ngoài những vùng tối của Tâm thức bất thiện, nó nằm ngay kề cạnh ở đó. Niết Bàn không xa sự đau khổ, an lạc không xa sự phiền não, và sự trường sinh bất tử không xa được cõi chết đâu, nó kề cạnh như vậy. Chúng ta hãy làm một chuyến đi, một chuyến đi thật sự bước ra khỏi những gì thuộc về ta. Đừng để cho chuyến đi cuối của người thương yêu như cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, con cái hoặc những người thân, đừng để cho chuyến đi cuối của họ tức là chuyến đi lìa bỏ cuộc trần này để ta cũng một chuyến đi nữa đưa người về dưới lòng đất, để di ảnh của họ treo trên bàn thờ, họ mỉm cười viên mãn bởi đã thoát khỏi sanh tử còn ta thì nhung nhớ khóc, khóc hoài thâu đêm. Đừng để chuyến đi đó xảy ra một cách tệ hại như vậy! Ta vẫn còn khỏe, ta vẫn còn có Trí Tuệ, ta vẫn còn có sự tư duy trong sáng và tràn đầy Từ Bi yêu thương, hãy làm một chuyến đi thật sự bước ra khỏi vùng tối của cái tôi để hòa mình vào với tình yêu thương nơi những con người đang sống chung với chúng ta. Đó là ai? Đó là cha mẹ, đó là vợ chồng, đó là muôn người ở trong xã hội ta tương tác hằng ngày. Nếu ta có thể bước ra, vượt qua và làm một chuyến đi vượt qua cái tôi của chính mình thì chúng ta sẽ trở thành con người hạnh phúc nhất, bởi chuyến đi đó chẳng kéo lê thê lết thết cái tôi chình ình đằng sau mà là mang theo một phẩm vật cao quý đó chính là tình thương. Trong tình thương ta phải vượt qua cái tôi của mình, trong tình yêu ta phải vượt qua bản ngã của chính mình, và trong cuộc đời muốn có được hạnh phúc và sự bình an, ta phải vượt qua tầm nhìn hiện hữu, cố thủ, chấp vào những điều hảo huyền để nhìn rõ được thực tướng của muôn sự ở đời là sanh – diệt, là Vô Thường.
Chuyện một chuyến đi chẳng phải là chuyến tàu hoàng hôn hay chuyến đò đi xa, người ở lại thì lưu luyến còn người đi thì lạnh ngắt con tim. Những chuyến đi là những chuyến đi của con người thôi! Chuyến đi đó lặp đi lặp lại, đau đó rồi sẽ hết, vui đó rồi cũng tàn, buồn đó rồi cũng phôi pha, nhưng có những chuyến đi là chuyến đi cuối của cuộc đời, chuyến đi đó không thể coi thường. Nếu bạn không làm một chuyến đi, một chuyến đi để cho cuộc đời này được thấm đầy đủ nước, nước Từ Bi, nước Ân Điển, nước Tình Thương, nước Giải Thoát, nước Cam Lồ thì cuộc đời của bạn sẽ khô khan vô cùng, như sa mạc cằn cỗi, chẳng còn ý nghĩa gì nữa.
Hãy sống và thực hiện một chuyến đi thoát ra khỏi vòng chấp thủ, cái tôi chướng ngại để lan tỏa tình thương, để dấu chân ta và dấu chân người đồng về một hướng, in dấu vào cuộc đời, khắc ghi những giây phút và từng hơi thở Chánh Niệm đón nhận năng lượng Từ Bi, nhìn rõ các Pháp Vô Thường để dẹp tan đi bản ngã của chúng ta. Để cuộc đời không còn những tiếng than, để cuộc đời không còn có những chướng ngại che chắn ta với người, và để cho muôn người và ta chẳng có những bức hàng rào ngăn cản ta tới, người tới.
Hãy làm một chuyến đi thật sự để thực hiện được chân lý yêu thương bằng lòng vị tha và bao dung, bằng một cái nhìn của tình thương đích thực để không bị bất cứ một điều gì tạo ra chướng ngại, ngăn cản.
Hãy dẹp tan bức tường của cái tôi, hãy nhìn thấu dù ta có thủ kỹ đến cỡ nào thì sự Vô Thường cũng sẽ tới thôi. Vạn pháp Vô Thường sanh – diệt, thân xác này rồi cũng sẽ tan rã, trở về với bụi cát. Cuộc sống này rồi cũng sẽ ra đi vĩnh viễn. Ta đã từng nhiều lần và cứ từng người, từng người trong cuộc đời của chúng ta, ta đã nhìn thấy, ta đã có nhiều chuyến đi chứ không phải một chuyến đi – chuyến đi đưa tiễn người về lòng đất muôn thuở, vậy mà chúng ta cứ tưởng rằng ta sẽ mãi mãi sống, chẳng bao giờ chết để chẳng bao giờ dám nghĩ về ngày ta chết bởi sợ lắm, nó xui. Và từ đó, sự xui đó đã nâng cao tốc độ cuồng tín, mê tín dị đoan để cầu sống, tới đâu cũng cúng kiếng, van xin mà chẳng hiểu được Vô Thường chẳng ai có thể thay đổi được và chúng ta cần phải tuân thủ theo định luật Vô Thường đó như vòng của bánh xe xoay vần mà tích lũy được chiều hướng tiến lên về phía trước.
Chúng ta nhớ, một vòng xoay sanh tử là một vòng xoay đánh dấu bao nhiêu phước hạnh, công đức ta tạo ra, đừng khư khư ôm lấy cái tôi của mình để chết chôn vùi vào trong lòng đất thở than cũng chẳng ai thấu được lòng mình. Chuyện một chuyến đi của mỗi người chúng ta là rất cần, để đổi đời, để thay đổi tư duy, để nhìn rõ kiến thức của ta còn hạn hẹp, để thông và thể nhập vào một chân lý cao rộng hơn của Như Lai đã hiển lộ trong thế gian nhưng vì chúng ta chấp, chúng ta lơ là, chúng ta coi thường, chúng ta kênh kiệu, chúng ta chảnh chọe, chúng ta coi mình là biết hết cho nên những lời đơn giản của Thế Tôn chẳng bao giờ một lần ta thực nghiệm, chẳng bao giờ một lần ta thực tu để có sự trải nghiệm trong Pháp vị Giải Thoát mà chỉ như những xâu chuỗi đeo ở trên tay, những vòng hoa choàng lên trên cổ, khoe là ta có Phật, khoe là ta biết Pháp, khoe là ta có tụng Kinh, khoe ta là Phật tử, khoe ta là Bậc tại gia, Bậc xuất gia mà ở trong lòng của chúng ta hầm lửa Sân vẫn hừng hực đốt cháy, mà trong lòng của ta hầm lửa của ghen tỵ, của tức giận, của Tham, của Si, của rất nhiều đen tối, bất thiện vẫn sôi sục như con mối hằng đêm gặm nhấm, khi ngủ nó vẫn còn vang ra tiếng kêu của lòng tham vô đáy, của tánh sân vô tận và của cõi tâm đen tối, mịt mù. Tại sao?
Hãy làm một chuyến đi thật sự như thái tử bước ra khỏi cái tôi của mình. Cái tôi của chúng ta chính là cung điện đấy, là bởi vì cái tôi nên bao giờ cũng cảm thấy hãnh diện, nó được trang điểm, trang trí, sơn phết cho thật đẹp, sơn son thếp vàng bằng những ý tưởng mộng mơ. Cái tôi chính là cung điện. Đối với mình thì cái tôi là cung điện, đối với Bậc Giác Ngộ, con mắt của tình thương, cái tôi chính là gì? Là mồ huyệt, là mồ sâu, là Địa Ngục.
Các bạn! Đức Phật làm một chuyến đi thoát ra khỏi cái tôi của mình nơi cung điện và một chuyến đi nữa vượt thành tầm cầu chân lý, chúng ta phải vượt qua bốn bức tường thành của cái tôi và dẹp tan đi ba tên giặc Tham – Sân – Si. Cái tôi của Hỷ – Nộ – Ái – Ố, Tham – Sân – Si, nó kiềm tỏa, nó giam cầm mà ta tưởng sướng, ta phải vượt qua nó, hãy làm một chuyến đi thật sự nhìn thẳng vào trong con mắt của người ta yêu thương để thấy được sự yêu thương của người đối với ta, ta trân quý trong cõi Vô Thường sanh – diệt, kẻ tới người đi, người yêu thương của chúng ta hay bản thân chúng ta sẽ phải đương đầu với một chuyến đi vĩnh biệt ngàn thu. Vậy thì sao ta không làm một chuyến đi vượt qua cái tôi để mở rộng trái tim và tình thương yêu thương những người đang hiện hữu trong cuộc đời, người đó là cha mẹ, người đó là vợ, là chồng? Hãy làm một chuyến đi vượt qua tất cả những vùng tối, hãy làm một chuyến đi vượt qua tất cả những sự ghen tuông, giận hờn, vụn vặt, nhỏ bé. Hãy rộng lượng, hãy mở rộng trái tim. Hãy thỉnh Mẹ Quan Âm, hãy triệu thỉnh Chư Phật vào cuộc đời để ta được đồng hành trên cùng một chuyến đi với Phật, với Bồ Tát, Thánh Hiền. Và ta lại thực hành một chuyến đi dưới ánh Minh Tuệ của Bậc Giác Ngộ để thấy rõ giá trị của cuộc đời nơi các Pháp Vô Thường không. Nếu như chúng ta có một cái nhìn đúng đắn, rời xa, vượt qua khỏi bức tường thành của cái tôi để chứng thấy vạn pháp Vô Ngã, Vô Thường thì nhất định ta sẽ trân quý vô cùng những ai còn đang có phước duyên hiện hữu, tiếp cận, gần gũi với chúng ta để chúng ta mang trái tim Từ Bi để nghênh tiếp những vị khách đó, những con người đó, để chúng ta mang tâm của sự tỉnh thức, của sự tỉnh giác, để không để cho cái tôi, sân, giận, kiến thủ, chấp trược của mình ngăn ngại ta tới để san sẻ yêu thương.
Hãy thực hiện một chuyến đi thật sự như thái tử, rời khỏi cái tôi của mình, cung điện của mình, rời khỏi suy nghĩ của mình, những điều ta cho là đúng, rời khỏi góc độ ta nhìn cuộc đời. Ta nhìn cuộc đời bằng tư kiến, chấp thủ, ghen tuông, giận hờn thì nhìn cuộc đời qua góc độ đó là góc độ đen tối, là giận hờn, là đau khổ dữ lắm. Hãy nhìn cuộc đời qua góc độ của ánh mắt yêu thương Từ Bi của Mẹ hiền Quan Thế Âm, và hãy nhìn cuộc đời qua bước chân an lạc của Thế Tôn đặt trên mặt đất này qua chân lý Ngài đã giảng dạy.
Chuyện một chuyến đi của cuộc đời, thật sự ai cũng đã có, ai cũng đã có nhiều và rồi ai cũng sẽ phải đương đầu, nhìn thấy chuyện một chuyến đi đưa tiễn người về, người về ở đây không phải về nhà mà về với đất mẹ muôn thuở. Và cũng chuyện một chuyến đi để người ta khiêng ta ra đồng hoặc đưa vào lò hỏa thiêu. “Còn gì ngày cuối đâu em, thân kia sắt lọng chỉ còn một đống tro”. Hãy nhìn cho thấu để thoát ra khỏi cái tôi và thực hành một chuyến đi viên mãn trong sự tỉnh giác, mở rộng tâm Bồ Đề, có ánh nhìn yêu thương thật sự chan chứa và bao dung, tha thứ. Rất cần!
Nhìn rõ vạn pháp Vô Thường, nhìn rõ ngày cuối của cuộc đời nơi mỗi người chúng ta đang kề cận sát đây, không xa đâu. Bởi không ai biết được con ma Vô Thường khi nào, lúc nào, thời nào nó tới. Không ai biết được giờ nào, lúc nào, giây nào, phút nào chúng ta sẽ chết. Đừng ngồi đó chờ chết để sợ, để hoảng mà hãy sống trong từng giây phút bằng Chánh Niệm yêu thương, bằng Chánh Niệm hơi thở Từ Bi để đồng hành với Phật, với Bồ Tát. Để một chuyến đi tới trong cuộc đời mang thân xác làm người này và một chuyến đi rời bỏ thế gian này, ta bước về ngôi nhà vĩnh phúc, Niết Bàn, an vui.
Hãy thực hiện chuyến đi tới trái đất, hành tinh này, làm kiếp người này một cách tối ưu nhất theo chân lý mà Đức Phật đã dạy.
Mời các bạn đặt bàn tay Từ Bi và Trí Tuệ vào với nhau.
“Thưa Phật! Chúng con nhất định sẽ có một chuyến đi viên mãn từ bỏ khỏi nơi chốn của cái tôi, của bản ngã, của sự chấp trược, Sân – Si của muôn sự cho là của mình để có thể tới được những người yêu thương bằng chân tình, bằng lòng thành kính, bằng sự san sẻ. Nguyện xin Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền luôn gia hộ cho chúng con thắp sáng đuốc Tuệ, quán chiếu thật rõ, thấy được Vô Thường, Vô Ngã, thấu hiểu được Khổ để ngay trong kiếp này tận hưởng sự trải nghiệm của Niết Bàn, an vui nơi gia đình, nơi cha mẹ, nơi vợ chồng, nơi xã hội, nơi những người thân.”
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Mời các bạn chắp tay vào hồi hướng công đức.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương và thắp sáng đuốc Tuệ để chúng con quán chiếu thấy rõ các Pháp Vô Thường, Vô Ngã, Khổ, Niết Bàn.
Nguyện hồi hướng tới các nguyên thủ các quốc gia trên thế giới biết thành lập chính sách hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Hồi hướng cho tất cả các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược chế tạo ra vắc xin và thuốc trị bệnh đại dịch. Hồi hướng cho tất cả các bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ chữa lành và cứu giúp mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới. Đặc biệt hồi hướng cho đất nước Ấn Độ, quốc tổ, quê hương Việt Nam và tất cả các nước đang bị đại dịch hoành hành. Hồi hướng cho tất cả mọi người đau khổ, phiền não tìm được an vui nơi Phật Pháp. Hồi hướng cho tất cả Chư vong linh tái sanh cảnh lành theo thiện nghiệp của chính mình. Cầu xin Chư Phật mười phương Từ Bi chứng minh.