Bảo Thành kính chào tất cả quý Thầy Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi. Chúng ta đã vừa trao cho nhau những lời hỏi thăm và chúc phúc. Gửi đến nhau năng lượng tình thương của Phật. Bây giờ, đã tới giờ chúng ta đồng tu, hãy chắp tay lại và quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi xuống muôn loài chúng con và gia trì thắp sáng Trí Tuệ để chúng con quán chiếu thấy rõ được vạn pháp Vô Thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn.
Các bạn hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Ngay trong giây phút này, chúng ta nhận định thật rõ phiền não, lo âu luôn ngự trị trong lòng chúng ta, nếu chúng ta không biết buông, hãy buông tất cả, chỉ trở về với hơi thở tự nhiên, thể nhập vào năng lượng yêu thương của Phật, hồi hướng cho nhau và chúc phúc cho nhau trong sự tĩnh lặng.
“Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi xuống cho mọi loài chúng con và gia trì thắp sáng đuốc Tuệ để chúng con biết im lặng như Chánh Pháp, tạo thành nguồn Hùng lực Từ Bi vô biên, hồi hướng tới muôn người yêu thương và thấu rõ được các Pháp Vô Thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã và Niết Bàn.”
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Mô Phật!
Các bạn thân mến! Chỉ có 07 biến Chánh Niệm hơi thở vào ra trong sự tĩnh lặng buông thư, trải lòng mở rộng trái tim với lòng thành kính chân thật, Bảo Thành và các bạn đón nhận năng lượng Từ Bi của Chư Phật ban rải xuống thân tâm của mỗi người chúng ta. Và thành kính cung nghinh đuốc Tuệ từ Bậc Đại Giác thắp sáng trong tâm trí để Bảo Thành và các bạn nương theo bến thuyền Từ nơi Bậc Minh Giác và đưa ngọn đuốc Trí Tuệ của Ngài dẫn đường đi tới, vượt qua muôn trùng thử thách để tận hưởng cuộc sống là đây, ngay cõi trần thế, giây phút này trong sự tự tại, hạnh phúc.
Phật ngôn Mu A Mu Sa với hơi thở Chánh Niệm trầm lặng, nhẹ nhàng, thư thái. Nhất định thân tâm của các bạn cũng như Bảo Thành đón nhận được thật nhiều năng lượng chuyển rung làm cho chúng ta cảm ứng được với tình thương của Phật luôn hiện hữu, kề cận bên cuộc đời của chúng ta. Dù cho chúng ta có lầm lỗi, có sai lạc, có tạo ác nhưng vẫn còn Chân tâm hướng tới Đấng Vô Thượng và nương vào Hùng lực Từ Bi đó tuôn tràn xuống trong từng giây phút Chánh Niệm để chúng ta như ông sãi ở Chùa, quét và dọn sạch những vẩn đục trong tâm. Mỗi ngày quét một chút, mỗi ngày lượm một chút, tâm thái sẽ nhẹ, tinh thần sẽ trong sáng, bình yên ở ngay chỗ mà ta biết quét rác, bình yên tới ngay chỗ ta biết dọn sạch và bình yên hiển ngự trong từng giây, từng phút của mỗi một hơi thở vào ra trong sự tự tại, biết buông. Và dĩ nhiên Phật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang thắp sáng đuốc Tuệ cho chúng ta từ Bậc Đại Giác, Bậc Thầy Vô Thượng Thiên – Nhân soi sáng để chúng ta không quét rác trong u tối, mù mờ, không lượm rác ở trong tăm tối, quẩn đục mà chúng ta dưới ánh sáng Minh Tuệ của Bậc Đại Giác, Đức Phật chúng ta nhìn thật rõ trong từng hơi thở, rác rưởi còn bám víu, còn dính mắc trong tâm. Lấy Từ Bi của Ngài dọn cho nó sạch, nó đẹp, và dĩ nhiên đời của các bạn và cuộc sống của Bảo Thành sẽ yên tịnh, sẽ vui.
Các bạn thân mến! Với chủ đề: “Im Lặng Là Hùng Lực”, ta phải suy nghĩ, im lặng, im lặng như thế nào là Hùng lực của Như Lai và im lặng như thế nào là đáng sợ, là ghê tởm, là phá vỡ, là triệt tiêu, là sát hại, là phạm Giới, nguy hiểm?
Có nhiều sự im lặng cũng đồng một trạng thể là im lặng nhưng ý nghĩa khác nhau. Im lặng như thời Đức Phật chỉ cầm một cái bông, trong Kinh nói, Phật đưa lên bông sen như vậy thôi, chỉ im lặng không nói một lời nhưng Ngài Ca Diếp đã tận hưởng được sự im lặng Hùng lực, Minh Triết, Trí Tuệ tỏa sáng và Ngài Ca Diếp đã mỉm cười như đón nhận được Đại Thủ Ấn Trí Tuệ Viên Mãn, thông suốt tất cả dù không một lời từ Thế Tôn nói ra. Im lặng là Hùng lực của Bậc Trí Tuệ và sự im lặng là Hùng lực đó truyền trao đuốc Tuệ tới cho những ai lĩnh hội được với tâm thành kính, chân thật. Đó là sự im lặng trong Kinh nói về Đức Phật, còn nói tới những Thiền viện tu về Thiền thường có một tôn tượng của Đức Phật biểu tượng cho câu Kinh này là Ngài ngồi cầm bông sen. Ngài Ca Diếp năm xưa thấy sự im lặng và nhìn bông sen để được thọ Ấn Trí Tuệ Viên Mãn, Giác Ngộ, còn chúng ta đã tới Thiền viện bao nhiêu lần và chúng ta đã lướt qua những tôn tượng như thế trên mạng, có ấn tượng gì còn lưu dấu trong tâm chúng ta hay chẳng qua chỉ là một hình vậy mà thôi? Khác biệt là ở chỗ: “Cũng sự im lặng, ai liễu ngộ được hay ai chẳng bao giờ thông?”
Sự im lặng của Thế Tôn là đại Hùng đại Lực truyền trao Pháp Ấn Trí Tuệ Viên Mãn, khai mở một con đường sáng bởi Ngài là Bậc Giác Ngộ, Ngài im lặng, lắng nghe, thông cảm, che chở và truyền trao đến ai đó khi diện kiến với Ngài trong sự im lặng của Ngài, nhưng trên môi miệng của Ngài vẫn nở một nụ cười hàm tiếu vi diệu. Năng lượng Từ Bi của Ngài thoát ra, hòa quyện với vô tận hư không pháp giới, người đó sẽ cảm thấy mình nhỏ bé, tan biến mất và hòa mình trở nên một với nguồn năng lượng vô biên Từ Bi của Ngài, lúc đó sẽ thấu được biển Tuệ của Như Lai.
Ở trên đời có nhiều sự im lặng. Con cái, cha mẹ nói hoài không nghe, cha mẹ im lặng là bởi nghĩ đứa con nó không có chịu nghe, có nhiều điều tàng ẩn trong sự im lặng đó, buồn, tức, giận, con hổng nghe rồi từ đó cha mẹ im lặng, im lặng một cách ghê sợ để rồi người con cảm thấy sợ hãi, tránh xa, lùi dần vào bóng tối, đôi khi lầm lạc trong những con đường tội lỗi. Khi bất đồng ý kiến với cha mẹ trở nên im lặng, lầm lì, sự im lặng này đó là sự khinh thường cha mẹ, và từ đó chia rẽ, tách rời tình cha nghĩa mẹ. Cũng có sự im lặng là ghét bỏ bởi chỉ bất đồng ý kiến hay một chuyện gì đó không tương hợp. Như giữa vợ chồng, chồng làm một điều gì đó, vợ giữ im lặng chẳng muốn nói, sự im lặng đó có chút hương khói của sự khinh thường, ruồng bỏ, giận hờn, tức tối, sân tham. Một sự im lặng ghê gớm. Như là sự im lặng đó thể hiện tâm tánh rằng mình đang đảo chánh, mình đang cấm vận và bức thành đảo chánh, cấm vận đó như một bức tường cứ cao dày mãi để cho tình nghĩa giữa vợ chồng giãn cách xa xôi cho tới mức xa mặt cách lòng.
Gần mà không thấy được nhau,
xa xôi vạn dặm tìm đâu để thấy người?
Ngược lại cũng có những người chồng giận vợ y như thế, rồi cũng xây tường, xây quách để ngăn chặn nhau trong sự im lặng ghê gớm để tình vợ tình chồng nó khô, nó buồn, nó tan vỡ, đến khi nhận ra, hàn gắn không được.
Im lặng vì giận hờn, vì ghen tuông, vì tức giận, vì buồn, vì bất đồng ý kiến, vì khinh khi, vì nói hoài họ không nghe. Im lặng vì không tôn trọng, vì thấy rằng họ không đúng, họ thiếu kiến thức, họ dở hơn mình, họ nhỏ bé hơn ta. Im lặng là bởi vì ta là đấng ở trên, họ là kẻ ở dưới, im lặng nó len lỏi vào trong sự phản ứng của mỗi người chúng ta cũng chính là bởi vì ta vẫn còn tôn trọng cái tôi của mình. Chính cái tôi, chính bản ngã mà ta thường nói ta có quyền im lặng hoặc là kẻ khác phải im khi ta nói. Có hai chiều mà thôi, hai chiều đó đều phục vụ cho cái tôi của mình. Im lặng bởi ta khinh thường, ta ghét, ta giận, rồi ta không đồng ý, ôi đủ hết mọi thể loại im lặng và họ phải im lặng lắng nghe bởi ta là người, ta, ta, ta, cái ta, cái tôi quá lớn. Ta có quyền im lặng một cách ghê gớm giết chết tình cảm của những mối giao hảo trong cuộc đời, trên, dưới, bằng tuổi, ngang lứa hay cùng là một người trong thôn xóm, trong gia đình, có thể là tình Thầy trò, và họ phải im lặng là bởi vì cũng cái tôi. Những sự im lặng một chiều như vậy sẽ làm cho thế giới rối loạn, bất ổn, làm cho con người thiếu đi sự thông cảm và hiểu biết, gây ra sự ngăn cách và tan vỡ. Hầu hết trên thế giới này, tình cảm giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái, tình cảm giữa bạn bè, giữa những người quen biết hay tình cảm giữa Thầy trò, đồng môn, Pháp lữ bị vỡ toang, toang hết, không thể hàn gắn lại được chính là bởi vì hiện diện trong tâm của mỗi một con người cái tôi, cái ngã còn quá cao. Để rồi ở trong tâm cứ thì thầm tiếng “mình nói mà họ không nghe, thôi! ta im”, hoặc là mình nói mà họ không chịu im để mà nghe tôi, ta. Cũng vì một chữ “tôi”, cũng vì một chữ “ta”, cũng vì một chữ “ngã” đó mà rồi chúng ta im lặng. Sự im lặng đó là sự im lặng khủng khiếp bởi chẳng thể thông cảm, chẳng thể chia sẻ, chẳng thể phá vỡ sự ngăn cách mà tạo ra muôn điều đau khổ cho nhau.
Cái im lặng đó không nên thực tập, không nên đi theo chiều hướng đấy. Ta phải im lặng như Mẹ hiền Quan Âm. Im lặng để tầm thinh cứu khổ, để đồng cảm, để thông cảm, để lắng nghe. Mẹ hiền Quan Thế Âm, Ngài lắng nghe mọi chúng sanh để đồng cảm, để thông cảm với mọi hoàn cảnh của từng chúng sanh để ứng hóa, để ứng hóa mọi phương tiện phù hợp với từng chúng sanh, để có thể đồng hành đi vào, để có thể đưa tay đồng cảnh, đồng tâm và thông cảm, ôm ấp, che chở, dìu dắt. Một sự im lặng trong Chánh pháp của sự tỉnh giác, sự im lặng để lắng nghe, hiểu thấu, sự im lặng để rồi thông cảm và chia sẻ. Đây chính là sự im lặng được gọi là Hùng lực. Chỉ có Bậc Minh Triết, chỉ có Bậc Trí Tuệ, chỉ có những ai, chúng sanh nào đó thấu hiểu được lợi lạc của sự im lặng trong Chánh Pháp, trong Chánh Niệm, trong năng lượng Từ Bi mới thấy rằng Phật đã truyền dạy cho chúng ta trong sự im lặng, lắng nghe và cảm thông. Trong cuộc sống hằng ngày, giữa cha mẹ, con cái, nếu biết im lặng trong sự lắng nghe thì đối tượng ta đang lắng nghe bằng tâm Từ đó có cơ hội chia sẻ hết cõi lòng, sự thổn thức ngổn ngang của họ, để rồi trong sự lắng nghe bằng tâm Từ Bi yêu thương Mu A Mu Sa, bằng Trí Tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, người im lặng và lắng nghe kia biết thông cảm, nhìn rõ những khúc mắc mà đối tượng đang nói cho ta nghe để có thể dắt dìu họ gỡ bỏ, tháo gỡ. Đây mới chính là sự im lặng cần có.
Chẳng phải ta nói, họ không nghe, ta nói, họ không hiểu rồi cuối cùng phong kín tâm hồn, bế quan tỏa cảng để rồi không muốn nghe, im lặng. Im lặng đó không đúng, im lặng đó nó vẫn còn có cái tôi, có cái sự phấn khích của sự khinh thường, coi thường đối tượng, nâng mình lên. Trong sự im lặng của Mẹ hiền Quan Thế Âm, im lặng trong Chánh Niệm hơi thở, im lặng trong tình thương để ta có thể nghe xuyên suốt những nỗi niềm thổn thức của từng người, để ta thông cảm, chia sẻ và gỡ rối tơ lòng của nhau khi bị dính mắc, cưu mang những phiền ưu, ai oán như một nỗi niềm gì đó mà tự thân của họ khó có thể gỡ. Im lặng như vậy là tuyệt vời!
Đặc biệt giữa hai vợ chồng, sự im lặng bằng tình thương, bằng Từ Bi, bằng lắng nghe, bằng Trí Tuệ để thông cảm và chia sẻ, không phải từ những lời nói phải cao trọng ý nghĩa, huyễn hoặc mà ngay cả những cảm xúc rất tầm thường của loài người như khi đau đớn, khi buồn giận, khi khó chịu, bực bội, khi hạnh phúc, khi hoan hỷ, mọi cảm xúc mà đối tượng là vợ, là chồng đang phải trực diện. Nếu ta là chồng, vợ biết im lặng lắng nghe trong tình thương, lòng Từ Bi để san sẻ và thông cảm thì dù mọi cảm xúc đang va chạm vào trong Tâm thức của vợ, của chồng nói cho ta nghe, ta chính là cửa Niết Bàn để đưa họ bước vào sự thênh thang, rộng lớn hơn, để trái tim của họ không bị rối quẩn trong những cảm xúc đó. Đây là sự im lặng của Hùng lực tháo gỡ những vết thương lòng, sự rối rắm của người ta yêu thương. Im lặng trong Chánh Niệm, trong hơi thở Mu A Mu Sa. Im lặng trong biển Tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, đây là sự im lặng có một năng lượng siêu thế để hóa hiện thân tâm của ta đồng bộ để cùng đồng hành với người đang tâm sự, chia sẻ, để khi phù hợp, ta thắp sáng đuốc Tuệ, ta lan tỏa yêu thương để người kia cảm nhận được sự lắng nghe bằng tình thương của ta, cảm nhận được sự thông cảm của ta mà mọi mệt nhọc, lo phiền của họ chẳng còn đọng trong thân tâm. Đây là sự lắng nghe cho lòng của nhau được nhẹ nhàng.
Không dễ nếu không thực tập bởi ai trong chúng ta cũng tôn vinh cái tôi của mình đến mức mà khi người ta chưa nói, mình đã chặn họng. Mình nói, buộc họ phải ngồi im để nghe. Chúng ta vẫn nói bằng tâm sân và giận, chúng ta phải nói bằng tâm, cái tâm này ghê gớm dữ lắm, là độc quyền cả trái đất, độc quyền của muôn loài, cái tâm mà muốn làm chủ luôn tất cả mà chẳng thể biết được chính mình để làm chủ mình. Cái tâm của sự độc tôn, độc ngã để rồi cuối cùng ta độc hành trên trái đất này bơ vơ, buồn lắm. Không nên!
Trở về với mối tình của cha mẹ, của người thân, của bạn bè, ít nhiều gì các bạn và Bảo Thành cũng từng có những sự trải nghiệm thực tế nơi chính mình. Chúng ta nhiều lần quá im lặng một cách kinh khủng để làm tan vỡ tất cả những mối tình giữa ta và người, tình cảm bởi vì tôi của Bảo Thành và các bạn quá lớn. Sự im lặng như vậy, sự im lặng với tôi như vậy là một sự im lặng đáng sợ, không phải là Hùng lực để đưa đến sự Giác Ngộ thông cảm và yêu thương mà là một sự ghê tởm bởi đã làm tan vỡ trái tim của từng người. Các bạn thử hỏi có khi nào các bạn đã im lặng với người thân chưa? Im lặng đến chai lì, im lặng đến lạnh giá, im lặng đến khô cứng, im lặng đến đổ vỡ, tan nát rồi mỉm cười rướm máu trên môi thỏa mãn trong sự im lặng của ta đã làm cho đối tượng phải khuất phục trong đau đớn và khổ. Đó là im lặng trong hận thù, im lặng trong ghen ghét, im lặng trong tôi, sự đáng sợ. Phải gạt bỏ sự im lặng đó mà tiến tới, tiến tới một cái độ cao hơn của sự im lặng trong Chánh Niệm, trong tỉnh thức, trong biển Tuệ, trong yêu thương, trong thông cảm và chia sẻ. Đây chính là im lặng của Mẹ hiền Quan Âm, đây chính là im lặng của Đấng đại Hùng đại Lực Như Lai ngày xưa chỉ cầm một bông hoa sen im lặng mà Ngài Ca Diếp hiểu được. Ngày nay, nếu như chúng ta im lặng mà trên môi miệng có thể nở một nụ cười thông cảm, một nụ cười không có dính mắt, chan chứa tình yêu thương và trên đầu tỏa sáng biển tuệ của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang thì sự im lặng của chúng ta là Hùng lực tiếp nối và tiếp hiện Trí Tuệ của Phật, Từ Bi của Phật để ta và người cùng có thể đồng hành xuyên suốt cuộc đời này dù một ngày hay 100 năm trong sự thông cảm và hiểu biết, để trái tim của ta, trái tim của người chẳng còn ngã. Đúng là quán chiếu Vô Ngã vi diệu vô cùng khi tâm ở trong ta không còn có ngã thì hai trái tim, khi muôn trái tim chẳng còn chủ ngã mà chỉ còn có năng lượng yêu thương thì chẳng còn gọi là trái tim nữa mà gọi là pháp giới Tâm Không. Rất là tuyệt vời, các bạn thân mến!
Hãy cố gắng thực hiện sự im lặng bằng Tánh lắng nghe nơi tâm Từ Bi hiển lộ giao thoa với Phật và nơi Trí Tuệ hiển minh của Phật thắp sáng trong ta, để ta thông cảm với tất cả mọi người khi từ trong thâm sâu cùng cốc trái tim của họ có muôn trùng những nỗi niềm thổn thức cần phải nói ra cho ta lắng nghe bằng yêu thương, thông cảm. Hãy nghe bằng tình yêu, hãy nghe để thông cảm và hãy nghe để san sẻ thì nhất định đối tượng kia sẽ nhẹ lòng và dần dần họ sẽ được thắp sáng. Không cần biết thuộc dạng chân lý gì nhưng nếu xa vời tình yêu thương, lắng nghe và thông cảm thì chân lý đó là chân lý của chủ ngã, của độc tôn, của người luôn luôn tự cho mình là trên hết. Còn chẳng cần một chân lý gì hết, chỉ cần biết lắng nghe bằng tình thương và thông cảm thì mọi thứ vớ vẩn, rắc rối ở kiếp người này đều có thể trổ bông kết trái, tỏa hương thơm tới mười phương Chư Phật. Những chuyện bình thường thôi cũng có kết quả vi diệu.
Hãy nghe bằng tâm Từ, bằng sự thông cảm, hãy nghe trong sự im lặng của Chánh Niệm hơi thở. Đó là chính là sự im lặng không cần phải giãi bày, giải thích, không cần phải mang chân lý hiển lộ qua những từ ngữ ta nói, qua những chữ viết, qua sự thể hiện cái tôi. Chỉ cần lắng nghe trong sự im lặng của Chánh Niệm, của tình thương mà ta hồi hướng, của sự liên kết mật thiết bằng ánh sáng của Bậc Tuệ Giác đang chiếu tỏa trong lòng của ta tới với muôn người. Sự im lặng đó trên môi vẫn mỉm cười, trong lòng vẫn nở như hoa, tâm thái thì nhẹ nhàng bay bổng, người người khi gần ta sẽ cảm nhận, cảm ứng được sự thanh tịnh đó. Là im lặng của biển trời, của biển Từ, của biển Tuệ mênh mông vô tận đưa muôn người thoát khỏi bãi sình lầy của phiền ưu họ đang bị rớt xuống.
Im lặng trong Chánh Niệm hơi thở Mu A Mu Sa là sự im lặng Hùng lực của năng lượng Từ Bi, im lặng trong Chánh Niệm hơi thở NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là sự im lặng Hùng lực thắp sáng đuốc Tuệ dẫn đưa mọi người thoát khỏi bể khổ của cuộc đời. Im lặng đó cần được tán thán và cần được sự đồng tâm thực tu với Pháp hành này mỗi ngày. Dù chỉ 07 biến, 14 biến, dù chỉ nghe một lời của con người hay ai đó nói vào bằng sự im lặng trong sự Hùng lực Chánh Niệm Mu A Mu Sa, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang lắng nghe thông cảm và Trí Tuệ – Từ Bi thì sự im lặng của chúng ta sẽ là nhịp cầu để đưa mọi người tới diện kiến Đức Phật, các Chư vị Bồ Tát, Thánh Hiền Nhân, và ít nhất cũng tới được sự giao thoa nơi Tâm thức của mỗi người chúng ta để bớt khổ.
Đời đã quá khổ, đã quá nhiều thử thách, mang và tạo gánh nặng cho nhau để làm gì? Cho nên, những ai im lặng không trong Chánh Niệm Từ Bi và Trí Tuệ, không trong thông cảm và lắng nghe mà im lặng nghiêng về cái tôi, sự khiển trách, im lặng nghiêng về sự giận, cái sân, khó chịu, khinh thường, miệt thị thì chúng ta hãy dẹp bỏ ngay, bởi bao nhiêu lâu im lặng như vậy thì sự tan vỡ nó càng lớn. Thế giới còn có thể bị sụp đổ nữa nếu cứ im lặng kiểu đó thì tình cha nghĩa mẹ, vợ chồng, con cái, người thân và bạn bè sao có thể giữ lại được? Mà nếu nó đổ vỡ trong sự im lặng kinh tởm, ghê gớm như thế thì ta đã làm trái tim của muôn người và ta đã làm cho trái tim của chúng ta tê liệt, không còn hoạt động, thần trí lu mờ và ta đã tạo cơ hội cho tâm ác của chúng ta làm chủ cuộc sống và biến tâm thiện làm nô lệ cho ác ma.
Hãy im lặng trong Chánh Niệm hơi thở Từ Bi – Trí Tuệ quán để tạo thành Hùng lực thắp sáng đuốc Tuệ thông cảm và lắng nghe, để cho người người có nhân duyên tới gặp chúng ta, biết chúng ta, giao lưu với chúng ta sẽ thừa hưởng được năng lượng Từ Bi của Phật để họ khởi nguồn tình yêu thương mà tái tạo lại cuộc sống trong mọi vẩn đục để thanh lọc cho tinh tuyền hơn, để cuộc sống của họ có diễm phúc hơn, hạnh phúc hơn, phước báu hơn. Chỉ như thế đã đủ lắm rồi, chẳng cần phải làm gì cầu kỳ, cao siêu. Đặc biệt đối với hàng Phật tử tại gia chúng ta, mỗi một bước chân đi vào cuộc đời lam lũ làm việc, va chạm dưới mọi góc cạnh, nếu biết im lặng trong sự lắng nghe và cảm thông trong Từ Bi quán, Trí Tuệ quán, Chánh Niệm hơi thở thì sự im lặng của ta sẽ làm thế giới thái bình, làm cho muôn muôn người được an yên và làm cho trái tim của ta bớt đau, bớt khổ. Và làm cho nụ cười của ta tươi hơn, khuôn mặt rạng rỡ hơn, thân tâm của chúng ta sẽ phát hào quang Từ Bi và Trí Tuệ.
Các bạn cứ thử đi! Nếu các bạn thực hiện được sự im lặng lắng nghe và thông cảm bằng Từ Bi quán Trí Tuệ, nhất định mỗi một sớm khi bạn soi gương, bạn sẽ thấy ngay con người, hình bóng soi trong gương đó là ta đó, có hào quang lan tỏa và năng lượng sự sống mới tràn đầy. Không những thế, cỏ cây, hoa lá, thú vật và người trong gia đình cũng có thể cảm ứng tương ưng với năng lượng hào quang đó để họ cũng tươi, cũng vui và cũng chính vì thế, sự im lặng trong Chánh Niệm hơi thở Từ Bi quán, im lặng để lắng nghe, thông cảm đó làm cho chúng ta sống hài hòa, sống hạnh phúc, sống thọ và tăng trưởng phước báu.
Mọi nhọc nhằn trong cuộc đời giữa chồng, giữa vợ, giữa người trong thân tộc và gia đình, bạn bè ta giao tiếp sẽ chẳng còn là những sự ám ảnh trong cuộc đời của họ. Bởi cuộc đời của họ đã có ta là bạn, đã có ta là người biết im lặng trong cảm thông, im lặng bằng Trí Tuệ, bằng tình yêu để lắng nghe. Hãy thực hiện hạnh này, đây là Đức hạnh, đây là Mật hạnh của Mẹ hiền Quan Thế Âm, đây chính là sự im lặng Hùng lực của Thế Tôn cầm bông sen mà trao truyền Trí Tuệ, Mật Ấn Trí Tuệ Viên Thông, Đại Thủ Ấn Viên Giác cho Ngài Ca Diếp, chẳng một lời. Pháp Chân truyền của Phật, Pháp Từ Bi – Trí Tuệ chẳng thể mang ngôn ngữ và lời nói của Phàm phu chế tạo ra mà có thể diễn tả được. Mà chỉ có một trái tim, một Tâm thức rộng mở, biết im lặng để giao thoa, đón nhận trong tâm thành kính, chân thật, thì nhất định biển Tuệ từ Bậc Giác Ngộ sẽ dâng trào truyền hẳn qua cho những ai có tâm thái như thế. Chẳng cần phải dài ngày, dài tháng, dài năm, vô lượng kiếp miệt mài trong những văn tự, tìm hiểu thấu nghĩa.
Các bạn có nhớ? Người xưa, người Á Đông mình viết là viết bằng mực đen mà hay gọi là mực tàu. Hồi xưa, cục cứng như vầy, một ông Thầy đồ mà có thể suy nghĩ ra rồi cầm cây viết mà viết thì phải có một đệ tử, một học trò mài, mài cục mực đen đó ra, rồi bắt đầu pha chút nước, rồi bắt đầu chấm vào để viết. Viết thì đẹp thật nhưng công cực khổ quá, phải mài hoài. Ngày nay, nói một cái trên phone, chữ nó hiện ra liền tại vì nói một cái, nó chuyển thành chữ. Thậm chí mà cảm ứng, nghĩ một cái nó cũng đã hiện hình. Bởi vậy có những kỹ thuật quét qua tròng mắt, quét qua điện não mà có thể hiểu được nhau. Tại sao chúng ta lại biến mình trở thành người học trò để mài riết những con chữ ở trong Kinh, trong sách để lệ thuộc và trở thành nô lệ cho chữ nghĩa diễn giải bởi những Bậc chưa Giác Ngộ, mà chẳng thể nhập vào sự im lặng Hùng lực của Bậc Minh Tuệ là Phật, đón nhận bông sen Giác Ngộ Ngài truyền trao như người xưa đã làm đó là chính là ông Ca Diếp.
Trên đời này không có chuyện gì mà chỉ có người đó độc quyền tư tưởng hoặc làm được. Nếu ông Ca Diếp có thể làm được, lĩnh hội được và đón nhận được biển Tuệ của Như Lai trong sự im lặng Hùng lực của Thế Tôn thì nhất định chúng ta, không nhiều thì ít, cũng có thể và có cơ hội đón nhận được sự Chân truyền của Đại Thủ Ấn Trí Tuệ Viên Giác trong sự im lặng của Thế Tôn. Chắc chắn! Và ngược lại, nếu chúng ta im lặng đúng Chánh Pháp, im lặng đúng Chánh Niệm hơi thở Trí Tuệ – Từ Bi quán, lắng nghe và thông cảm, yêu thương và tha thứ thì nhất định, người mà được ta lắng nghe, im lặng đó sẽ đón nhận được không phải là Đại Thủ Ấn Trí Tuệ mà đón nhận được tình thương của chúng ta, để họ ấm lòng, bớt phiền bớt não, bớt đau bớt khổ, để đứng vững trên sự đổ nát, vấp ngã, để có thể vịn vào bờ vai yêu thương Từ Bi của ta, song hành đi tiếp những đoạn đường còn lại trong kiếp nhân sinh.
Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau, chúng ta đi vào 07 biến Chánh Niệm hơi thở Từ Bi – Trí Tuệ quán.
“Thưa Phật! Ngày xưa, trong sự im lặng Hùng lực của Thế Tôn trên tay cầm một bông sen, Ngài Ca Diếp đã mỉm cười bởi nhận được sự lắng nghe, thông cảm của Bậc Minh Tuệ, từ đó thọ được Đại Thủ Ấn Trí Tuệ Viên Mãn. Trong cuộc sống, nay nghe được, chúng con đã hiểu, nguyện một lòng im lặng, lắng nghe trong thông cảm bằng Chánh Niệm hơi thở Từ Bi – Trí Tuệ quán, để tất cả những người yêu thương của chúng con cũng đón nhận được năng lượng tình thương của Phật và nền Minh Triết, Trí Tuệ của Như Lai để sống an hòa và hạnh phúc trong mỗi ngày, mỗi phút giây đang hiện diện trên cõi đời này.”
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Chúng ta đã đồng tu xong rồi, mời các bạn chắp tay vào hồi hướng công đức.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Con nguyện xin Chư Phật mười phương ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con để chúng con biết quán chiếu sự im lặng trong Chánh Niệm hơi thở Từ Bi – Trí Tuệ, lắng nghe, thông cảm để san sẻ và dìu nhau vượt qua mọi chướng ngại trong cuộc đời.
Nếu có chút phước đức nào thành lập được trong ngày hôm nay, nguyện hồi hướng tới các nguyên thủ các quốc gia để họ cũng biết ngồi xuống lắng nghe trong Chánh Niệm tỉnh giác để thành lập chính sách hòa bình cho thế giới.
Chúng con cũng hồi hướng tới các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược để họ chế tạo ra được thật nhiều vắc xin, thuốc trị bệnh đại dịch.
Hồi hướng cho các bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ, cứu tế trên toàn thế giới giúp đỡ và chữa lành nhiều bệnh nhân.
Hồi hướng tới tất cả những ai còn đau khổ, phiền não tìm được hạnh phúc và an vui nơi Pháp Phật nhiệm mầu.
Hồi hướng cho Chư vị hương linh theo cảnh Pháp Thiện mà tái sanh cảnh lành.
Nguyện Chư Phật mười phương Từ Bi chứng minh.