Search

Bài 2032: Mẹ Ơi! Mẹ Đâu Rồi | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi. Đã tới giờ chúng ta đồng tu, mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật Điển đại Từ đại Bi xuống muôn loài chúng con và gia trì cho chúng con có đủ Trí Tuệ sáng suốt, quán chiếu và thấy rõ tất cả các Pháp là Vô Thường sanh – diệt trong từng sát na, các Pháp là Khổ, là Vô Ngã, là Niết Bàn.

Hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Chúng ta hãy buông bỏ tất cả mọi danh phận, buông bỏ tất cả những điều khoác vào đôi vai gầy của chúng ta, cứ nhẹ nhàng trở về hơi thở kỳ diệu, siêu thế, bình thường mà Đức Phật đã khai thị, thành tâm đón nhận năng lượng tình thương của Phật, thắp sáng đuốc Tuệ nhìn cho kỹ, nhìn cho rõ mọi tạo tác khởi lên từ tâm thân của chúng ta. Chỉ nhìn mà thôi, với Tánh Nhìn xuyên suốt như vậy, chúng ta sẽ có một năng lượng vi diệu để xuyên thấu màn Vô Minh, hiểu rõ mọi hiện tượng đang, đã và sẽ xảy ra trong cuộc đời, và giữ được sự thăng bằng của tâm, giúp cho chúng ta an lạc, thư thái.

“Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con sáng suốt, có Trí Tuệ nhìn thật rõ các Pháp là Vô Thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật!

Các bạn thân mến! Trong cuộc đời, một tuần có 07 ngày, một năm có đến 365 ngày, đời người của chúng ta có bao nhiêu ngày vần xoay trên cuộc dương thế này là bấy nhiêu ngày ta có sự trải nghiệm về sự yêu thương, sự đau khổ, sầu bi, ai oán, hạnh phúc. Mọi tầng lớp của cảm xúc nơi chúng ta khi tương tác với cuộc đời từng ngày hoàn toàn khác biệt, không có ngày nào giống ngày nào, không có một dòng cảm xúc nào giống dòng cảm xúc nào. Cũng như từng lớp mây trên trời không có lớp mây nào giống lớp mây nào. Sự khác biệt đó là bởi vì mỗi chúng ta có nhân duyên, có phước báu, có nghiệp chướng khác biệt. Giữa thế giới dao động vô chừng không ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra, Đức Thế Tôn đã giác ngộ ngay trong cõi Vô Thường sanh – diệt đó, để chỉ thật rõ cho chúng ta thấy chân lý của sự Vô Thường lui tới, hiện hữu thật rõ trong kiếp người. Để mỗi người chúng ta nhìn thấu Vô Thường đó sanh – diệt từng giây phút, từng sát na.

Sự Vô Thường tới với chính ta, thân xác này, khi sinh ra còn trẻ còn thơ, lớn một chút thay đổi từ từ, cõi Vô Thường lui tới nào ai hay?

“Mới đó còn nói còn cười, hôm nay lặng tiếng, mồ xanh cỏ rồi.”

Đó là nói về ta. Còn cha, còn mẹ, còn bao nhiêu những người thân, những bạn bè cũng thế.

“Cười cười, vui nói cả đêm, sáng ra thức giấc, người còn có không?”

Thế! Vô Thường nhanh chóng như vậy, thoảng thoảng đi qua, từng lớp người đã nằm xuống, bao nhiêu người thân yêu chẳng còn hiện hữu trong cuộc đời, bao nhiêu người ta tôn kính cũng chẳng còn hiện hữu. Những cảm xúc vui thật là vui ngày hôm qua níu kéo mãi nó cũng chẳng còn, những đau khổ, ai oán, lầm than nó cũng chẳng ở đó để cho ta dựa vào mà rơi lệ. Cái tới cái đi, Vô Thường sanh – diệt chớp chớp như tia sấm sét trên trời huyễn ảo lui tới vô chừng, khó tưởng, nhưng chỉ một giây phút trôi qua thôi, lòng cảm thán của mỗi một con người chúng ta vẫn luôn luôn dâng tràn niềm ai oán, thương đau.

Đức Phật dạy để thấu hiểu Vô Thường không phải để chúng ta coi thường tất cả những sự đang hiện hữu trong cuộc đời, đừng quán chiếu Vô Thường để lầm trong con đường Tà đạo, thấy “Vạn Pháp Vô Thường nên không cần gì cả bởi vì có gì tồn tại để mà níu kéo, để mà xây dựng, để mà làm điều tốt. Người tốt kẻ xấu, người giàu kẻ nghèo, kẻ có trí tuệ hay kẻ bình thường rồi cũng chết, là hết. Ta có gì để mà nhớ, để mà tiến lên?”, đó là cách suy nghĩ tiêu cực, không đúng!

Phật không dạy cho chúng ta thấu rõ được chân lý Vô Thường để đi vào ngõ cụt của tâm cùng đường, bí lối để chúng ta làm những chuyện không hay trong cuộc đời. Phật dạy Vô Thường để chúng ta trân quý những điều gì đang có đủ phước báu hiện hữu trong giây phút này với chúng ta, và để chúng ta thấy rằng dù phận đời có mong manh, nhỏ bé, tầm thường như hạt cát cũng phải ngoi lên đón ánh hừng dương để tỏa sáng với tâm thiện lành của chính mình.

Vẫn biết cuộc đời là Vô Thường, thân xác là Vô Thường, vạn pháp là Vô Thường, nhưng cái hay của chân lý Đức Phật dạy là có cái này phải có cái kia. Phật vạch và chỉ cho chúng ta, khai thị cho chúng ta thấy thật rõ Vô Thường để từ đó ta nhận thấy cái Thường hằng bất sanh diệt hiện hữu sát cạnh cái Vô Thường sanh – diệt biến mất kia. Trong cái biến mất của Vô Thường vẫn có cái Thường hằng bất diệt. Chẳng phải Vô Thường là hết, là mất nhưng trong chân lý Đức Phật dạy, có đen là phải có trắng, có khổ đau thì phải có hạnh phúc, có Vô Thường thì phải có Thường Lạc. Đó mới là chân lý kỳ diệu, siêu mầu mà mỗi người con Phật khi tỏ ngộ sẽ luôn luôn trực diện, dũng cảm nhìn thẳng vào những Vô Thường sanh – diệt để thấy rõ Vô Thường đó sẽ giúp cho chúng ta khởi lên một tầm nhìn mới, thấy được sự Thường Lạc.

Thân xác là Vô Thường, cảm xúc đau khổ, sướng vui là Vô Thường, vậy thì gì là Thường Lạc? Đó chính là tình yêu. Mà tình yêu có thể gọi là Thường Lạc bất sanh – diệt, mãi mãi luôn luôn ở đó Thường hằng bất biến theo dòng thời gian thăng trầm, đó chính là tình yêu của mẹ. Hai chữ “tình yêu” này không phải là tình yêu đôi lứa, tình yêu giữa con người với con người nặng nghĩa, nặng tình trong cuộc đời mà là tình yêu vượt lên trên tất cả, tình yêu có thể hiến dâng cả mạng sống của mình cho người mình yêu, tình yêu có thể chết cho người mình yêu, tình yêu có thể lóc thịt, cắt xương và có thể vắt máu cho người con uống để trở thành một con người tốt. Tình yêu hiến dâng tất cả, tình yêu không dính mắc, tình yêu vô bờ vô bến, tình yêu như biển trời, tình yêu mênh mông vô tận, tình yêu đó chỉ có ở trong người mẹ hiền yêu dấu của chúng ta.

Tình yêu đó dù cho mẹ đã ra đi ngàn đời vô lượng kiếp thì năng lượng tình yêu nơi người mẹ ấy sẽ mãi mãi vĩnh viễn tồn tại trong tận hư không pháp giới để giúp cho phận làm con của chúng ta lại được nhiều lần tái sanh trong dòng sữa yêu thương của mẹ yêu.

Với chủ đề mà chúng ta vừa nghe qua một bài hát ca sĩ Thanh Hà vừa hát, đó là chủ đề của ngày nói Pháp hôm nay: “Mẹ Ơi! Mẹ Đâu Rồi”.

Ta cũng chỉ có một mẹ mà thôi. Có người vẫn còn mẹ, có người mẹ đã ra đi mãi mãi chẳng còn. Nhớ thuở thật xưa khi còn bé lắm, còn nằm ở trong nôi, và mỗi khi bóng của mẹ xa thôi, ta đã khóc, dù chưa biết nói thì tiếng khóc đó vẫn hàm ý nói thật nhẹ vào trái tim của mẹ đó, dù ngôn ngữ chỉ là sự nức nở, khóc thương nhưng mẹ hiểu con đang khóc và hỏi rằng: “Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi”. Bởi chợt tỉnh, không thấy mẹ, con khóc và trong tiếng khóc đó cũng vang vọng và được chuyển dịch thành ngôn ngữ yêu thương: “Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi”. Để rồi ta lớn lên, ta vui chơi, bất chợt nhìn lại không thấy mẹ ta cũng nói: “Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi”. Và rồi những bước chân chập chững đi vào trường, mẹ dắt tới và rời tay, mẹ xoay đi trở về nhà, ta cũng quay quắt lại khóc và kêu: “Mẹ ơi! Mẹ đi đâu”. Và cứ thế trong dòng đời trôi lăn, bấp bênh trong cuộc đời thay đổi, đổi thay, chẳng có một thứ tình cảm nào trên dương thế này mà người con như chúng ta có thể tìm thấy để bù đắp cho tình yêu của mẹ dành cho cuộc đời mỗi phận làm con.

“Mẹ ơi, mẹ đâu rồi, mẹ có còn đây trên thế gian này để dìu bước con đi qua những thăng trầm của cuộc đời? Mẹ ơi, mẹ đâu rồi, mẹ có còn đây để đưa bàn tay ấm áp, yêu thương, ôm ấp, che chở và an ủi phận người côi cút khi gặp những chuyện trái ngang? Mẹ ơi, mẹ ở đâu?”

Những ngôn từ này làm cho trái tim của muôn người rung động, đặc biệt là những ai mà mẹ đã đi xa, xa lắm rồi. Xa đến mức mà khi chúng ta tưởng nhớ lại mẹ, hình như chỉ còn phưởng phất hình dáng của nắm tro, chỉ còn một chút tro cốt của mẹ bay theo hương khói của cuộc đời, thế mà chúng ta vẫn mượn hương khói của cuộc đời để tìm lại tro cốt của mẹ, tạo nên một hình hài người mẹ yêu dấu trong cuộc đời.

“Mẹ Ơi! Mẹ Đâu Rồi” chẳng phải nói về mẹ để chúng ta lưu luyến một cái tình gì đó, nhưng nói về mẹ để thấy giá trị của cõi Vô Thường là một chân lý, để chúng ta nhìn thẳng vào Vô Thường, chân lý Đức Phật khai thị đó để nhận ra Thường hằng bất biến đó là năng lượng yêu thương của mẹ.

Mẹ sẽ không bao giờ đi, mẹ vẫn luôn luôn hiển ngự trong cuộc đời, mỗi dấu chân của người con in vào cuộc đời dù cho có chông gai, thử thách thì dưới bàn chân của con, tình yêu của mẹ vẫn lót ở dưới để cho chân con không rỉ máu, để cho trái tim con không thổn thức và cho tâm của con luôn trong sáng. Đó là tình mẹ. Mẹ là thể hiện của tấm lòng của một vị Bồ Tát, mẹ thể hiện ứng hóa thân của một vị Phật để đưa chúng ta vào đời trong những bước đầu nơi kiếp con người.

“Mẹ Ơi! Mẹ Đâu Rồi”. Các bạn! Con đường học Phật không phải là con đường nhìn vào Vô Thường để coi thường tất cả, nhưng nhìn vào Vô Thường, thấu chân lý Vô Thường để còn nhận ra Thường hằng luôn hiện hữu song song với cảnh giới Vô Thường lui tới, đó chính là năng lượng Từ Bi. Hai chữ “tình yêu” của mẹ phải gọi là lòng Từ Bi bao la biển trời. Mẹ, tình yêu của mẹ, lòng Từ Bi của mẹ bao la như biển trời, không thể so sánh được đâu.

Mẹ là biển trời của lòng Từ Bi, mẹ mang nước Từ Bi tẩy rửa những ai oán, lầm than, đau khổ của phận người chúng con. Mẹ! Mẹ có còn không? Nếu như chúng ta vẫn còn mẹ, chúng ta phải quán chiếu thật rõ thân xác của mẹ chỉ tạo trong những cảnh giới Vô Thường sanh – diệt từ Đất, Nước, Gió, Lửa. Một mai, chữ “một mai” này có thể 100 năm, cũng có thể 60 năm, cũng có thể một ngày, một giây, một phút, hai chữ “Vô Thường” hiện hữu nơi thân xác của người mẹ nhưng tình yêu của mẹ vẫn Thường hằng từng giây phút, vẫn luôn luôn yêu thương, chăm sóc, lo lắng, an ủi, che chở và đùm bọc, dắt dìu chúng ta.

Nếu các bạn còn mẹ, hãy nhớ: “Mẹ ơi! Mẹ hãy ở đây, tình yêu con đó, của chúng ta đây, luôn luôn nghĩ về mẹ tràn đầy như tình yêu của mẹ đối xử với chúng ta”. Phải nhớ như thế, để mẹ là nhịp cầu thăng hoa đưa chúng ta tới cảnh giới an lạc của lòng Từ Bi, mà trên thế gian, ngôn ngữ đời có thể nói để diễn tả đó là hy sinh mạng sống của mình vì người mình yêu. Ai làm được điều đó? Chỉ có mẹ mà thôi. Chỉ có mẹ. Mẹ là tất cả của đời con, mẹ là bầu trời bao la vô tận, mẹ là dòng sông êm ả tiếng dế kêu đêm hè. Mẹ là gì? Mẹ là hơi ấm nuôi chúng ta, dìu dắt chúng ta, mẹ là bàn tay đưa chúng ta, nâng chúng ta lên. Mẹ là tình yêu cao quý lắm, mà phận người khi làm con có lẽ thật nhiều, nhiều lúc lắm, Bảo Thành và các bạn đã không nếm được hương vị tình yêu ấy của mẹ, để rồi trong năm tháng gian truân của cuộc đời, ta đã bỏ bẵng, ta đã quên mẹ, ta đã rời xa, nhưng hôm nay học chân lý Vô Thường, quán chiếu để nhận rõ ràng sự hiện hữu của mẹ chỉ tồn tại trong phước duyên giả hợp khi còn mà thôi. Khi Vô Thường tới, mẹ sẽ chẳng còn đâu, nếu chúng ta còn có mẹ, không yêu thương mẹ, nếu chúng ta còn có mẹ, không nghĩ về mẹ, không quán chiếu để thấy sự Vô Thường lui tới nơi thân xác của mẹ thì làm sao nhận ra được Thường hằng mà tình yêu của mẹ đã dành cho chúng ta?

Trên đời có nhiều cảnh ngộ, có kẻ chết khát bên dòng sông, chúng ta đang chết khát tình cảm bên dòng sông Từ ái của mẹ vẫn còn hiện hữu trong cuộc đời, vậy mà chúng ta không thừa hưởng, uống nước tình thương đó của mẹ để được sống.

Bảo Thành đã mất mẹ, mất lâu lắm rồi, từ năm 1992 tới giờ, gần 30 năm, qua năm là 30 năm rồi. Nhưng từng giây phút trong cuộc đời với hơi thở nhẹ vào, nhẹ ra vẫn cảm ứng được tình thương của mẹ vẫn hiện hữu mãi trong trái tim. Dù ngày mẹ ra đi, con không thể về thăm mẹ, ngồi bên giường, con không thể về thăm mẹ để nhìn vô ánh mắt yêu thương, nhưng khi mẹ ra đi, năng lượng tình yêu của mẹ vẫn vượt sông vượt núi và sự ngăn trở từ quốc độ này sang quốc độ khác tới được với con, và trong từng bước của cuộc sống này, biết bao nhiêu thử thách, biết bao nhiêu con đường chông gai, hầm hố, thử thách té lên té xuống, mẹ vẫn dìu con qua bão tố của cuộc đời. Đó là kinh nghiệm của bản thân. Thân xác của mẹ đã không còn nhưng đời sống Đức hạnh, tâm linh, tình yêu của mẹ đã trở thành ứng hóa thân của một vị Bồ Tát sát cạnh cuộc đời, lúc nào cũng sẵn sàng chạm vào những điều sai, nhắc nhở cho Bảo Thành biết sửa, biết nhận, biết nhìn và biết thầm lặng chuyển hóa để thành tựu được sự an lạc cho tự thân bởi vì mẹ luôn yêu thương chúng ta để cho chúng ta thành tựu được sự an vui trong cuộc sống.

Đức Phật dạy quán Vô Thường để nhận ra Chân giá trị yêu thương là tối quan trọng trong cuộc đời, để chúng ta trân quý tình người, đặc biệt nhất là trân quý người mẹ của chúng ta khi còn có phước báu hiện diện trong cuộc đời này với chúng ta. Đừng vì những sự bất đồng ý kiến, đừng vì cái tôi, ích kỷ riêng của mình, đừng vì những sự đeo đuổi những giấc mộng hão huyền trong cuộc sống mà chúng ta đã quên đi sự Thường hằng bất biến sanh diệt đó là tình yêu của mẹ.

Thấy rõ Vô Thường để trân quý, đừng để cho ngày tháng trôi qua một cách vô vị, trầm mình trong những sự đeo đuổi để xa tầm tay yêu thương của mẹ. “Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi”, đừng để đến phút cuối của cuộc đời khi đống tro tàn của mẹ, một cơn lốc xoáy qua không còn nữa, ta than khóc và kêu: “Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi” mà hãy để ngay trong giây phút này, dù ta còn mẹ hay không còn mẹ thì mỗi người chúng ta đã thấm nhuần tư tưởng Vô Thường của Phật và luôn luôn nhận rõ trong cõi Vô Thường của thân xác đó còn một cái Thường hằng bất biến chính là tình yêu, lòng Từ Bi của mẹ.

Mẹ là tất cả của đời con, mẹ đã hy sinh cho chúng ta, mẹ dám chết, mẹ hy sinh giọt máu và hơi thở cuối cùng, mẹ sẵn sàng lóc da, mẹ sẵn sàng hiến dâng cả cuộc đời tận hiến đến xương tủy cốt lõi, miễn làm sao con của mẹ được hạnh phúc. Chúng ta hôm nay đã được hạnh phúc, hạnh phúc là bởi vì không phải ta có tiền tài, danh vọng, địa vị, quyền cao, chức trọng, hạnh phúc là bởi vì ta đã nếm được hương vị Giải Thoát từ Pháp của Đức Phật truyền dạy. Đây là cội phúc mà chúng ta cần phải trở về từ Tam Bảo, khai thông tất cả, hiểu cõi Vô Thường, trân quý tình mẹ.

“Mẹ ơi! Mẹ ở đâu” và “Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi”, nhất định các bạn dù còn trẻ hay đã lớn tuổi nếu còn mẹ đã từng kêu khi trở về không thấy mẹ và nói thật to rằng: “Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi”. Những câu nói này thân thương đến mức mà ai cũng phải nhiều lần trong đời đã từng thốt ra: “Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi”. Ta tìm mẹ, dù mẹ vẫn còn sống, có thể mẹ đang trong nhà bếp nấu cho chúng ta một món ăn ngon, khi trở về không thấy mẹ, vào cửa trước ta đã gọi rồi: “Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi”. Những tiếng này ngọt ngào còn hơn mía lau, còn hơn đường phèn, tươi mát hơn dòng sông ở miền quê buổi trưa hè ta đắm mình xuống để tắm.

Mẹ! Mẹ là tất cả. Dù bây giờ mẹ không còn nữa khi trở về trong căn nhà của cuộc đời mênh mông vô tận, ta vẫn thấy trống vắng bởi không còn mẹ, ta vẫn thốt lên từ tâm nhớ về mẹ và gọi rằng: “Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi”. Hãy để những ngôn từ này thấm vào trong tim, nhận thức thật rõ Vô Thường của cõi đời hồng trần để từ đó trân quý từng giây phút ta còn có mặt hiện hữu đối với nhau trong thế giới Ta Bà sanh – diệt, để chúng ta trân quý, bồi dưỡng để trao cho nhau tình thương thực sự như người mẹ thương chúng ta.

Đức Phật dạy cho chúng ta quán chiếu Vô Thường để nhận ra cái Thường hằng bất biến. Đức Phật dạy cho chúng ta trân quý mẹ và Đức Phật cũng dạy cho chúng ta quán chiếu tất cả mọi chúng sanh, mọi thân bằng quyến thuộc, mọi con người mà chúng ta tiếp cận như người mẹ hiền, và qua thân xác cuộc đời, cách ứng xử của người đó, ta nhận ra giá trị của sự Thường Lạc trong tình yêu thương đối xử với nhau không có một chút dính mắc, không có một cặn bã của tham ái loài người mà có hương hoa của tâm hồn Siêu Thoát khỏi cõi Phàm tục dính mắc, chấp trược. Tất cả mọi người trong thế gian đều là ứng hóa thân của mẹ, và ứng hóa thân của mẹ tức là thể hiện lòng Từ Bi của Mẹ hiền Quan Thế Âm. Nhất định trong những lúc khốn cùng trong cuộc đời, chúng ta đã ngưỡng lên trên trời và hỏi: “Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi”. Đó là ta thỉnh Mẹ Quan Âm và Mẹ Quan Âm thì tầm thinh cứu khổ như mẹ hiền trong nhà chỉ một tiếng “Mẹ ơi!” thì mẹ đã “Ơi!” rồi.

Các bạn cứ thử đi, nếu các bạn còn mẹ, các bạn về nhà gọi “Mẹ ơi!” thì nhất định mẹ ở đó, mẹ sẽ nói “Ơi! Mẹ đây”. Phải không các bạn? Thật là tuyệt vời!

Trong Vô Thường sanh – diệt lui tới vẫn có cái luôn luôn Thường hằng an trú ở trong tâm và nhất định khi các bạn thống khổ trong cuộc đời, ngưỡng cầu lên Tam Bảo và nói rằng: “Mẹ ơi!”, mẹ ở đây là Mẹ Quan Thế Âm thì từ cõi trời thật là xa, xa vô tận, tình thương của Mẹ hiền Quan Thế Âm sẽ vang vọng lại trong Tâm thức của chúng ta như một câu thật bình thường, đơn giản, chân chất, đó là: “Ơi! Mẹ đang ở đây”. Mẹ ở đâu? Mẹ ở trong trái tim của những người con biết yêu thương Mẹ, Mẹ ở trong trái tim của những người con biết san sẻ yêu thương, không góc cạnh, gai góc trong những sự phân biệt, khác giữa người và ta, giữa ta và người. Trái tim chúng ta không có thành quách để giữ những điều ta mơ tưởng, trái tim của chúng ta bằng phẳng từ cõi mà ta có thể đặt được bàn chân ngay chỗ an trú, mênh mông vô tận đi mãi không bao giờ tới, đó là tới cả chân trời, chân mây vô tận kia thì trái tim của ta cũng rộng và thênh thang như trái tim của Mẹ, để ứng hóa thân của Mẹ hiền Quan Thế Âm có thể biến hiện trong từng tạo tác, hơi thở, suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta.

Đức Phật dạy quán Vô Thường không phải để sống tiêu cực mà để chúng ta nhận ra rằng trong Vô Thường đó, nếu mỗi người để ý thì là một kho tàng vô tận, kho tàng của tình thương, mà trên đời này cái gì cũng sẽ qua đi ngoại trừ tình yêu sẽ bất diệt mà thôi. Tình yêu nơi ngôi lời của Bậc Giác Ngộ là lòng Từ Bi, đại Từ đại Bi, chẳng phải tình yêu giữa nam nữ, giữa thân xác Ái dục của Phàm phu, tình yêu mà hôm nay chúng ta, Bảo Thành và các bạn sử dụng đó là lòng đại Từ đại Bi chỉ có ở trái tim Mẹ hiền mà thôi. Nhất định các bạn cứ gọi đi: “Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi” thì ở xa lắm sẽ có tiếng: “Ơi! Mẹ ở đây”, đó chính là Mẹ hiền Quan Thế Âm. Ai có niềm tin sâu sắc về với Mẹ, ai có niềm tin sâu sắc về Mẹ hiền Quan Thế Âm được ứng hiện trong thân xác của mẹ của chúng ta thì nhất định chúng ta sẽ có một sự cảm ứng linh thông, thông Tuệ với Trí Tuệ Viên Giác nơi Bậc Giác Ngộ và Chư vị Bồ Tát.

Đạo Phật không cầu kỳ, rất thường trong những cảm xúc của đời người nhưng đưa chúng ta tới một cảnh giới phi thường, vượt qua những cái rất thường, rất tầm thường để tới những cái phi thường, diệu kỳ. Điều đó có, mà chỉ có trái tim và Trí Tuệ của ai nằm yên trong năng lượng Từ Bi của Chư Phật, nhất định sẽ có chiều sâu của sự cảm ứng để thẩm thấu được tình yêu chân thật giữa người và người, đặc biệt thể hiện qua trái tim của người mẹ đã mang chúng ta đặt để vào cuộc đời này với muôn muôn những điều kiện thuận lợi để cho chúng ta làm người, học được kiến thức, trưởng thành và biết được Phật Pháp như ngày hôm nay.

Các bạn hãy kêu thử ở trong tâm đi: “Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi”, nhất định trong tâm của các bạn sẽ nghe được tiếng: “Ơi! Mẹ đang ở đây”. Các bạn thử đi, hãy nói ở trong tâm: “Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi” thì trong Tâm thức sâu thẳm của các bạn sẽ nghe bởi vì Mẹ sẽ: “Ơi! Mẹ ở đây” vang ở trong tâm của chúng ta. Mẹ luôn hiện hữu trong cuộc đời dù mẹ có ở rất xa, cũng như mẹ Bảo Thành đã 30 năm trời xa cõi trần này, thân xác đã trở về với bụi đất, mồ xưa cũng chẳng còn xanh, cát bụi còn trơ trắng ở đó, xương thì cũng chỉ còn là đó phơi theo sương nắng mỗi ngày nhưng tình yêu của mẹ vẫn hiện hữu, mẹ luôn hiện hữu trong cuộc đời. Mẹ là Phật, mẹ là Bồ Tát, mẹ hóa thân trong thân của sự Vô Thường và qua thân xác của mẹ hiền nơi gia đình, ta nhận ra Mẹ hiền Quan Thế Âm ứng hóa thân Bậc Thiên Thủ Thiên Nhãn ngàn mắt ngàn tay hiện hữu trong cuộc đời để săn sóc cho những sự yếu đuối mà kẻ Phàm phu như Bảo Thành và các bạn thường phạm và vấp ngã.

Đừng sợ! Ta đã có Mẹ. Vấp ngã, Mẹ sẽ dìu ta đứng dậy. Chỉ cần các bạn nhận thức được điều đó để chúng ta đứng dậy và trưởng thành hơn sau nhiều lần vấp ngã. Mẹ không bao giờ từ bỏ chúng ta dù cho hàng trăm hàng ngàn lần vấp ngã, Mẹ vẫn tới bởi Mẹ luôn luôn: “Ơi! Mẹ ở đây, Mẹ ở đây để che chở” nên trong cuộc đời của chúng ta khi học Phật, đừng gói gọn trong hai chữ “Vô Thường” để coi thường tất cả những mối giao hảo tình cảm của con người. Vẫn biết trong cõi đời này, tình giữa người với người mong manh lắm, nó chỉ là Vô Thường tới lui nhưng quán chiếu sâu sắc thì chúng ta không còn Vô Thường ở chỗ đến mức coi thường, khinh thường những mối tình cảm trân quý, nhất là tình yêu của mẹ, nhưng chúng ta sẽ đi tới sự phi thường bởi nhận thức trong cảnh giới Vô Thường sanh – diệt của mẹ có một điều Thường Lạc đó chính là tình yêu, lòng Từ Bi của mẹ.

 “Mẹ Ơi! Mẹ Đâu Rồi”.
 Một mai mẹ đã xa rồi,
 Con đây côi cút thân phận mồ côi,
 Tìm đâu thấy bóng mẹ hiền,
 Ngồi đây trông ngóng cả đời sầu bi. 

Chúng ta sẽ sầu bi vô cùng bởi vì một khi mẹ đã ra đi, mà trong quãng thời gian còn có mẹ, ta sống không đúng với ý nghĩa quán chiếu Vô Thường để yêu thương mẹ thì khi mẹ ra đi rồi, ta sẽ buồn lắm. Cả cuộc đời luẩn quẩn trong góc tối, trong góc khuất của cuộc đời kêu mẹ mãi mà mẹ chẳng thể tới, nỗi sầu bi, ai oán sẽ dâng trào. Nhưng nếu ngày hôm nay các bạn hãy trở lại tắm gội cho sạch sẽ, bỏ đi những đám bụi trần vương vấn trong cuộc đời này, để một lần được thanh tịnh, tinh tuyền như người con thuở xưa mẹ đặt vào lòng đời, để trở về ôm lấy mẹ và nói những chữ thật nhẹ: “Mẹ ơi! Mẹ ở đây”.

Con đã tìm thấy mẹ rồi! Mẹ hiện thân trong những mối giao hảo giữa tình bạn, tình người, tình Thầy trò, tình đồng môn, tình Pháp lữ, tình nhân sinh. Mẹ không hẳn chỉ là mẹ bởi mẹ là tượng trưng cho lòng Từ Bi, mẹ là tượng trưng cho tình yêu thương, tình yêu thương biết tận hiến, biết hy sinh, dám chết vì người mình yêu, dám hy sinh vì người mình yêu, dám bỏ tất cả vì người mình yêu thì tình yêu đó chỉ có ở nơi mẹ. Và nếu như mỗi người chúng ta thực tập được tình yêu ấy của mẹ, thì chúng ta trở thành ngôi tòa Pháp Bảo Như Lai để cho Mẹ hiền Quan Thế Âm hiển ngộ ở nơi đó với ngàn mắt ngàn tay, chữa trị những vết thương lành ở trong tâm của chúng ta đã bị rách nát bởi những bất thiện nghiệp và an ủi biết bao nhiêu phận đời đau khổ ở ngoài kia.

Đừng vì một sự riêng tư mà co thắt trái tim nhỏ bé trở thành bóng tối như một cục than, lúc nào lửa cũng hừng hực thiêu cháy những người khác, mà hãy biến trái tim mình không trở thành cục than đen tối mà trở thành ngọn lửa của Trí Tuệ, thắp sáng cho muôn người đang cùng đường, bí lối trong những bí hiểm của cuộc đời bởi tâm tham chấp và bị nhốt vào, chưa thoát ra.

Các bạn! “Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi”. Các bạn gọi đi, các bạn kêu đi, các bạn sẽ nghe được tiếng của mẹ.

Hãy trở về nhà ngày hôm nay, hãy nhìn vào đôi mắt của mẹ, các bạn thử gọi thầm ở trong tim “Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi”. Các bạn sẽ thấy đôi mắt của mẹ lóe lên như một vị tinh tú ở trên trời, sáng vô ngần.

Mẹ là tinh tú trên trời cao, hằng đêm soi sáng dẫn đường con đi,

Mẹ là ánh trăng Rằm, vần quanh đây đó để con vui vào đời.

Mẹ đó, mẹ là tất cả. “Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi”. Mẹ hiện hữu trong cuộc đời, mẹ là lòng Từ Bi, mẹ là Mẹ hiền Quan Thế Âm, lúc khốn cùng trong cuộc đời, lúc tuột xuống những cảm xúc mà tưởng chừng như xác chết, cô đơn, héo úa, hãy gọi “Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi” thì trên không gian vô tận kia, trên không trung đó sẽ có một tiếng vang vọng, truyền vào trong Tâm thức của Mẹ hiền Quan Thế Âm đó là: “Ơi! Mẹ ở đây”. Và chỉ một tiếng: “Ơi! Mẹ ở đây” thì bao nhiêu nhọc nhằn, đau khổ, tủi hận, cô quắc của cuộc đời liền tan biến, như mây mù đã tan để mặt trời bừng sáng cho Tâm thức nhẹ nhàng, cho lòng được an yên.

“Mẹ Ơi! Mẹ Đâu Rồi”.

Mời các bạn đặt bàn tay Trí Tuệ và bàn tay Từ Bi vào với nhau để chúng ta tìm lại người mẹ yêu dấu ngay trong trái tim của chúng ta qua hơi thở Chánh Niệm. Mời các bạn!

“Thưa Phật, Ngài dạy cho chúng con quán chiếu cảnh giới Vô Thường, các Pháp sanh – diệt, để trong sự Vô Thường đó, chúng con trân quý từng giây phút sát na Vô Thường, nhận diện ra được lòng Từ Bi, tình yêu thương hiện hữu nơi mỗi người để trân quý, đặc biệt là tình nghĩa của mẹ hiện thân trong gia đình, Mẹ Quan Thế Âm hiện thân nơi mỗi người, nơi trái tim của chúng con, để chúng con không thảm thiết kêu: “Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi” mà hân hoan nhận ra: “Mẹ ơi! Mẹ đang ở đây, ở ngay trong trái tim này”, nhận ra sự Thường Lạc nơi năng lượng yêu thương, nơi lòng Từ Bi của Mẹ. Xin soi dẫn cho chúng con biết trở về để yêu thương mẹ trong cảnh pháp giới Vô Thường, để được sống, được yêu và được thở với hơi thở Chánh Niệm Mu A Mu Sa, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng và phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Mô Phật! Chúng ta đồng tu xong rồi. Mời các bạn chắp tay vào hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi xuống cho muôn loài chúng sanh, khai mở Trí Tuệ và gia hộ để chúng con quán chiếu thấy rõ cảnh giới Vô Thường để nhận ra cõi Thường hằng nơi tình yêu của Chánh Pháp.

Nếu có được công đức nào tu tập trong ngày hôm nay, nguyện hồi hướng tới các nguyên thủ các quốc gia để họ ngừng chiến tranh, tạo ra các chính sách hòa bình cho thế giới.

Hồi hướng cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược chế tạo ra được vắc xin, thuốc trị bệnh thật nhiều.

Hồi hướng tới các bác sĩ, y tá, y sỹ, nhân viên cứu trợ, cứu tế trên thế giới chữa lành các bệnh nhân.

Hồi hướng cho những ai còn đau khổ, phiền não tìm được Pháp Phật nhiệm mầu để có được được an vui, hạnh phúc.

Hồi hướng cho Chư hương linh theo thiện nghiệp mà được tái sanh cảnh lành thiện.

Xin mười phương Chư Phật Từ Bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn