Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi. Tới giờ chúng ta đồng tu, mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con có được Trí Tuệ nhìn rõ và quán chiếu thật sâu, hiểu về các Pháp đều sanh – diệt Vô Thường, Khổ, Vô Ngã và Niết Bàn.
Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi.
Chúng ta hãy nhẹ nhàng trở về với thân tâm, hãy trung thực, hãy chân thật để có thể hòa nhập vào với Chánh Niệm hơi thở, lắng nghe mọi cảm xúc vui – buồn, sướng – khổ, đúng – sai và thành tâm đón nhận năng lượng tình thương tưới tẩm vào cuộc sống thăng trầm mỗi ngày của chúng ta.
Chúng ta hãy cố gắng nương vào Hùng lực Trí Tuệ của Phật nhìn cho rõ vạn sự khác biệt, đen hay trắng, đúng hay sai, thích hay không đều chỉ là cảm xúc của chúng ta. Hãy nhìn vào, với Tánh Nhìn như vậy sẽ có một sức mạnh để nhận biết. Chúng ta hãy cùng nhau nhìn để nhận biết, cảm nhận.
“Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con đón nhận được tha lực Phật điển đại Từ đại Bi để quán chiếu, nhận biết rõ các Pháp là Vô Thường sanh – diệt, là Khổ, là Vô Ngã, Niết Bàn.”
Hít vào bằng mũi, chúng ta đưa xuống dưới bụng phình ra, thở rất từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Mô Phật! Hôm nay ngày thứ hai, tại nơi đây Tổ Đình Chùa Xá Lợi ở tiểu bang Maryland, Mỹ quốc. Ngày hôm qua, sau một ngày nắng thật ấm, bầu trời thật đẹp, trong suốt màu xanh và có mây màu trắng hòa quyện tuyệt đẹp, phối hợp với cảnh ở trong chùa, cũng như mọi nơi, giữa mây trời, nước, cỏ cây, hoa và con người. Có lẽ một ngày chủ nhật thật bình yên và hạnh phúc mà mọi người đã được tận hưởng, nhưng sáng nay, sự trong sáng của ngày hôm qua chẳng còn hiện diện, màu mây trời xanh và trắng chẳng còn hòa quyện, cây cối cũng chẳng nhẹ nhẹ theo gió, bởi ở trên trời, những đám mây đen đã phủ kín, vẩn quanh những màu trắng đục làm cho bầu trời buổi sớm chẳng có ánh bình minh. Thấy u ám!
Một số người cảm thấy buồn bởi trời u ám và nhiều người cảm thấy vui khi trời xanh trong. Trời có xanh trong, cảnh vật cũng đẹp mà trời có u ám sẽ làm cho lòng người hình như cũng giảm bớt cường độ cảm xúc của niềm vui để bắt đầu trùng xuống, trầm mình trong những nốt u buồn, ai oán. Đó là cảm xúc của mỗi người, ai không có? Vậy cảm xúc vui và buồn, bản thân của những cảm xúc đó chẳng có gì đúng và sai, chẳng có gì là tội, là nghiệp, ác nghiệp hay thiện nghiệp, nó chỉ là cảm xúc của con người, ai trong chúng ta cũng có những cảm xúc riêng tư khác biệt bởi mấy ai trong cuộc đời này giống nhau đâu? Cho nên, những dòng tâm tư, cảm xúc khi tương tác với cảnh trời, với con người, với môi trường hoặc với những tư tưởng, suy nghĩ, những ước mơ, nó có khơi lên niềm vui, nỗi khổ, có những lúc trầm lắng, buồn buồn chút chút thì có gì sai bởi ta là con người, cảm xúc đó rất thường và luôn luôn đúng bởi chúng phải đồng hành với cảm xúc của mình.
Nhưng có thật nhiều cách để đồng hành với cảm xúc để chúng ta thăng hoa cuộc sống và nếu ta không biết cách thì những dòng cảm xúc đó sẽ cuồn cuộn cuốn trôi để ta bị lặn ngụp trong những cảm xúc đó, chợt đến chợt đi, lên xuống chóng mặt, hao tổn Chân khí, làm cho tê tái cõi lòng và làm cho cuộc đời thêm buồn, bớt vui.
Ta sẽ phải cố gắng làm chủ vườn Tâm thức như một vườn hoa ta mới trồng, biết nhặt cỏ gai, biết lượm gạch, lượm đá, biết cho thêm đất, bón phân và tưới nước bởi ta là người biết chăm sóc, vườn hoa kia nhất định sẽ đẹp, còn ta bỏ, bỏ đó, bỏ phế đó không chăm sóc mà cứ cầu mong nó phải nở hoa, nở bông thì chẳng có, bởi cỏ gai sẽ mọc thật nhanh, quấn chặt những bông hoa và đất đá sẽ làm cho rễ của hoa kia chẳng thể bám sâu, và rồi những loài hoa thật đẹp như những ước mơ bạn gieo vào đó sẽ chết dần, đó chính là bởi vì bạn chưa dành thời gian để nghiên cứu chăm sóc vườn bông, vườn hoa của chính ta.
Không sao! Thật nhiều lần chúng ta không biết chăm sóc cuộc đời của mình. Không sao hết!
Thật nhiều lần chúng ta sai. Không sao!
Thật nhiều lần chúng ta vấp té vào những vùng đam mê, vào những vùng đau khổ đó nhưng phải trải qua những kinh nghiệm như vậy thì cuộc đời mới tăng thêm giá trị. Không mấy ai tới mà có thể nhận thức được giá trị của mặt trời khi sáng và chẳng mấy ai buồn khi hoàng hôn lặng xuống biển đâu. Dù lên hay xuống, cuộc đời là như thế, nhưng mỗi một khúc thăng trầm lên xuống ta có sự trải nghiệm để chúng ta chuyển hóa thì đời sẽ vui, còn không, ta sẽ bị nhận, bị chìm, bị dìm và bị đuối sức dần.
Ai trong chúng ta cũng khác hoàn toàn nhưng trở lại câu vừa nói, hôm nay thứ hai, trời u ám, mây đen và mây trắng đục hòa quyện nhưng thực ra đó là một điềm lành bởi vì, chính vì nhờ mây đen, gió thật nhẹ mà kết tụ lại trên bầu trời tạo thành những giọt nước từ cung trời cao nhẹ nhàng rơi xuống, đó gọi là mưa. Mưa không như nước lũ nhưng mưa thật nhẹ, nhẹ như những giọt nước Cam Lồ rơi xuống tưới tẩm cho vạn vật, sinh linh như một lần nữa được thấm vào với nguồn nước từ trời để vươn mình trỗi dậy sau những ngày nắng hạ. Cuộc đời của chúng ta, thấy mây trong xanh thì thích, thấy mây đen u ám thì buồn, nhưng giữa trong xanh cũng có niềm vui của nó, giữa u ám và đen hòa quyện cũng có lợi lạc riêng tùy do chúng ta đón nhận như thế nào. Tâm thái chuẩn bị để đón nhận, đón nhận những trong trẻo hay u ám, hay đen hay sáng, hay được hay mất đều phải do tâm của chúng ta có sự chuẩn bị. Cái tới cái đi, cái thích cái không, cái có, cái được, cái yêu cái ghét, cái giận cái hờn đều là những cung bậc tả – hữu, thiện – ác thăng trầm để tô điểm cho cuộc đời thêm vui. Nhưng nếu như có sự thay đổi như vậy mà bạn buồn, chẳng qua là bạn chưa biết, chưa biết ứng dụng vào để sống, đó là lỗi của bạn, đó là lỗi của Bảo Thành bởi chúng ta không thể đặt để quyền lực của ta vào trong trái tim của ai hoặc vào đất trời để sai khiến, điều khiển họ phải phục vụ, thực hiện theo ý của ta, mà ta có quyền trở vào, đặt cho mình một chủ quyền mới để tác động vào cuộc đời, thay đổi số mệnh, thưởng lãm muôn sự tới lui chính trong cảnh giới Vô Thường sanh – diệt. Dù cái tới thật là đẹp rồi đi trong chóng vánh nhưng vẫn vui. Cái tới đi chẳng làm cho ta buồn bởi ta biết tận hưởng từng giây phút, từng sát na trong cuộc sống với Chánh Niệm của hơi thở.
Các bạn! Thật đúng! Chúng khác biệt hoàn toàn, cảm xúc khác biệt, nghiệp chướng khác biệt, và chẳng ai đồng bộ giống nhau nên chúng ta đừng khi nào đặt để một thước đo chung cho mọi người phải như thế này hoặc phải như thế kia mà chỉ có một con đường duy nhất là ta hãy làm chuyện “phải” cho chính ta để lương tâm được thanh thản.
Với chủ đề: “Thích Hả Giận”, hình như khi nghe, Bảo Thành cũng khoái bởi vì cuộc đời chúng ta, ai ai cũng thích hả giận cho nguôi đi cõi lòng đang sầu muộn. Trên đời, từ những Bậc Thánh hoặc cha mẹ, ông bà, con cháu, người người, ngay cả thú vật, cây cối cũng vậy, thường vẫn thể hiện Tánh giận dữ. Nhưng hình như cái kiểu thích hả giận cũng làm nhẹ lòng chúng ta. Theo tâm lý học, khi chúng ta giận mà làm hả giận được, tức là cho giận nó tuôn ra, ta sẽ nhẹ lòng. Nhưng phương pháp để hả giận phải nghiên cứu ứng dụng thì lòng sẽ nhẹ và thoải mái. Nó có thật nhiều phương pháp để hả giận nhưng từ những ý thức được vấn đề giận dữ nếu biết hả giận với một phương pháp tối ưu, ta sẽ có được lợi lạc.
Chúng ta thường là hả giận bằng cách xả những cơn nóng, bực tức, khó chịu lên những người ta yêu thương xung quanh. Vẫn biết rằng ta yêu, ta thương, ta mến, ta là người có tình thương, chăm sóc, tới để gần gũi, chia sẻ nhưng mà rồi sự chăm sóc, gần gũi, chia sẻ đó, nó có một cái giá ta đã định mặc cho phải như thế thì tình thương của ta mới tới, còn nếu nghịch ý, ta sẽ hả giận. Như vậy, hình như ta đã trả giá cho cái được gọi là tình thương. Trong tình thương không trả giá, không có yêu cầu, chẳng có thâu vào đối với những chuyện ta trao ra bởi tình thương chỉ biết trao đi như tình thương của mẹ, của cha chỉ biết trao đi, cho mãi đến tận cuối đời. Tình thương của ta đối với người, nó phải lồng vào tình thương bao la như mẹ, cha, tình thương đó là tình thương lớn, tình thương của những con người học Phật cần phải thành tựu, còn nếu không tình thương của chúng ta là tình thương có điều kiện và tình thương đó, nếu có điều kiện như điều ta mong ước vẫn là chỉ mặc vào cái áo hai chữ “tình thương” khoác lên để che đậy sự ích kỷ mà thôi.
Các bạn ích kỷ cũng không có xấu bởi Bảo Thành thật ích kỷ, các bạn cũng ích kỷ, chúng sanh mà, ai không ích kỷ, ai không sân giận? Các khác biệt là ta có ích kỷ nhưng đã được phước duyên học được Phật và Đức Phật dạy cho chúng ta một nghệ thuật trang điểm và nghệ thuật cắt tỉa sự ích kỷ để biết trang trí đúng chỗ địa vị, đúng chỗ, đúng thế, nó đẹp. Đôi khi chỉ là một cọng cỏ hay một nhánh bông dại ở đường, người có nghệ thuật cắm bông, cắt tỉa và cắm vào một bình bông, thế là có một bình bông thật đẹp bởi người đó biết cắt, biết tỉa, biết cắm đúng thế, dù nếu để ở vệ đường cành bông dại đó, cành cỏ, cành cây đó chẳng thể thể hiện được cái đẹp. Sự ích kỷ và sự giận dữ của chúng ta, nếu theo như sự dạy dỗ của Phật, chúng ta biết cách cắt tỉa và biết dời thế giận, thế ích kỷ của cá nhân, đặt vào đúng chỗ tình thương thật sự bởi ai trong chúng ta vốn cũng đều có tình thương, tức là con mắt nghệ thuật xoay chuyển thế đứng của ích kỷ, của tham giận, của tham si để thành những bình bông thật đẹp dâng cúng cho Phật, hoặc ít nhất cũng là hiến tặng cho nhau trên hai chữ “tình thương” khởi nguồn cho một cuộc tới khi tiếp cận cùng với mọi người.
Nhưng ở trên đời, thật sự chúng ta thích hả giận là bởi vì chúng ta chưa thấm nhuần chân lý trang trí nội tâm bằng nghệ thuật hiểu thấu được Tánh giận, Tánh sân, lòng ích kỷ để trang điểm bằng ngôi lời của Phật thì ta bỏ phế, bỏ mặc để ta nhào nặn cuộc đời bằng tâm ích kỷ, bằng tâm giận để hả hê cho riêng cõi lòng mình mà thôi.
Chẳng phải trong cuộc sống, giữa cha mẹ và chúng ta với nhau mới có sự liên kết huyết thống là tình cha nghĩa mẹ, hoặc anh chị em, mà giữa cỏ cây, bông hoa, thế giới, nhìn cho sâu rộng ý nghĩa cao đẹp của Đức Phật dạy, chúng ta đều có sự gắn kết, liên hệ trong dòng máu của người con Phật bởi cội nguồn của chúng ta chẳng phải tới từ tâm giận, ích kỷ mà tới từ Tâm Từ Bi.
Trong Kinh Vu Lan, Đức Phật một thuở nọ đi vào một khu rừng, chỉ thấy một đống xương trong khu rừng đó thôi mà Ngài đã nhỏ lệ khóc. Thầy A Nan hỏi Phật: “Thưa Thầy! Sao Thầy thấy xương mà khóc?”. Đức Phật nói: “Con ơi! Thầy thấy trong đống xương này là cha mẹ, là huynh đệ và cũng có xương của chính ta chết mà có được chôn đâu, nó phơi ở rừng sâu, núi thẳm. Thật là buồn!”
Phật nhìn thấy mối liên hệ giữa Ngài và muôn chúng sanh. tâm đó là tâm biết trang điểm sự ích kỷ, còn không, có chi để buồn, để sầu muộn đối với một đống xương trắng ở trong rừng? Chúng ta cũng như thế, phải có một cái nhìn xuyên suốt qua tất cả mọi cảnh giới ích kỷ của mình để thấy rằng ta và người, dù là cha mẹ với con cái, với vợ chồng hay anh chị em, hay là một người gọi là người dưng ở bên ngoài, nhìn cho đúng tinh thần của Đức Phật dạy, chúng ta luôn có một sự quan hệ thật sự trong dòng huyết thống của Tâm Từ Bi chứ không phải huyết thống của dòng máu của họ Trần, họ Nguyễn, họ Lê hoặc họ gì đó, mà chúng ta có một sự huyết thống liên hệ mật thiết với nhau bởi chúng ta là dòng họ Thích Ca, dòng họ của những con người có chí nguyện đi tới sự Giải Thoát.
Bảo Thành đã thật nhiều lần và các bạn cũng như vậy, ta thường hả giận, và sự hả giận đó thường là đập tay hoặc nói những câu thật nặng hay vu vơ nhưng hàm ý như dao, như gươm, như giáo, như đinh. Súng ống bắn một lần có thể chết một người nhưng lời nói sắc như dao, nhẹ như gió, ngọt như mật có thể giết chết nhiều đời, nhiều năm, nhiều kiếp bởi nó ngọt như mật nhưng nó đay nghiến như thế nào, nó làm cho chúng ta đau khổ. Ta đau khổ bởi ta thốt ra những lời với tâm tưởng đó và làm cho môi trường cũng như người ta thương yêu cũng đau khổ như thế, vậy thì đâu gọi là tình thương, chỉ là ích kỷ cho riêng mình mà thôi.
Chẳng đúng nhưng nếu học được thì ta biết trang điểm cuộc đời sau những cơn giận lui tới, cắt tỉa cho đúng thành những bình bông dâng lên cúng Phật.
Ích kỷ chẳng có đúng cũng chẳng có sai bởi đã là Phàm phu là phải có giận và có ích kỷ. Nhưng chúng ta phải học một nghệ thuật cao hơn, trang trí nội tâm theo đúng như lời Đức Phật cắt tỉa cành, cây của sự giận dữ, cắt tỉa cành, cây của sự ích kỷ, cắm vào đúng bình bông của Mu A Mu Sa Tâm Từ và tưới tẩm vào đó Trí Tuệ nhìn thấu, nhìn rõ cái thế của ích kỷ, của giận bằng NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Ta có một bình bông giữa cỏ dại, giữa hoa dại. Đẹp mà!
Khéo một chút thôi các bạn, chúng ta phải học cho khéo.
Bảo Thành sai nhiều, các bạn cũng sai nhiều nhưng chúng ta phải học kinh nghiệm để khéo hơn, để lần sau có sai, những cái sai đó không còn là sai mang tới sự đắng lòng cho mọi người mà là sai có sự nhìn thấu của ta. Sai có cái nhìn để định vị rõ để ta biết cắt tỉa, đừng để cái sai, ích kỷ, cái giận của ta trổ thành gai góc mà phải để cho cái giận, ích kỷ, cái sai của ta được cắt tỉa gọn gàng trước khi mang lên hoặc hiển lộ, thể hiện trong cuộc sống. Nó phải là một bình bông với cành và hoa tỉa gọn, cắm đúng vào Tâm yêu thương và Từ Bi.
Bảo Thành có lòng ích kỷ lớn, có sự tham giận, tham dục, tham ái lớn, các bạn cũng vậy bởi ta là Phàm phu, nhưng chúng ta vẫn có khả năng trang điểm cho tốt đó các bạn.
Cố gắng học, cố gắng nghiên cứu để chúng ta trở thành một nhà nghệ thuật cắm hoa, cắm bông thật đẹp trang điểm cho cuộc đời. Cây bông nào, cây hoa nào? Bông hoa của tham giận, bông hoa của ích kỷ, biết cắt tỉa đều đẹp. Hôm nay nói đến sự thích hả giận là nói đến sự lỗ mãng của một con người vốn là Phàm phu, nói đến sự lỗ mãng, ích kỷ riêng tư của Bảo Thành và của các bạn. Với mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, chúng ta lại một lần nữa có cơ hội nhìn sâu vào Tánh ích kỷ, tâm thích hả giận của chúng ta, và với Phật ngôn Mu A Mu Sa, chúng ta lại một lần nữa được tưới tẩm năng lượng Từ Bi để thật sự xứng đáng là học trò, là đệ tử của Phật. Một đệ tử học cắm hoa cho cuộc đời thêm đẹp. Vườn bông ta có thứ gì, ta cắm thứ đó. Nhìn vào vườn bông của Tâm thức tràn đầy sự ích kỷ, hả giận. Không sao! Không sao bởi ta có cái bình, bình đó là bình Mu A Mu Sa và ta có cái kéo để tỉa, đó là kéo NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, chỉ cần nghĩ rằng chúng ta nhìn và nhận thức rõ, và những người sống xung quanh ta biết nâng đỡ, dìu dắt nhau vượt qua. Ý thức được chuyện đó thì muôn sự ghen ghét, ích kỷ ở đời, sự giận dữ, hả giận ở đời sẽ tạo cho chúng ta chứ không riêng gì các bạn hoặc Bảo Thành có thêm một cơ hội làm mới cuộc đời, có thêm cơ hội thay đổi bản tâm của mình, có thêm một cơ hội để lên lớp.
Học sẽ lên lớp, học sẽ tiến, vẫn biết nhiều lúc chúng ta ngồi ở lớp đó hoài, nhiều lúc chúng ta lại lùi lại nữa nhưng không sao, sự học cứ thế mà tiến lên bởi ta có Thầy Tổ, ta có Phật, ta có Thánh Hiền hiển ngự, có phước báu với Tam Bảo bởi đã quy y, thọ Giới hoặc là hàng Phật tử tại gia, hoặc là chưa nhưng mà ít nhất cũng đã học, và bởi chúng ta có thân bằng quyến thuộc, có chị em, huynh đệ, có anh em, có tình bằng hữu, có Pháp lữ đồng hành, đồng duyên, đồng phước đang đi trên con đường thật nhiều những thử thách. Vậy mỗi khi ta té xuống hoặc người té xuống, không có gì gọi là đau khổ, không có gì gọi là phải chê bai hoặc trù dập, đẩy người khác xuống mà hãy đưa tay nâng đỡ dậy bằng nhiều phương tiện khác biệt. Có thể những phương tiện ngọt ngào hay những phương tiện chát chúa, đau đớn nhưng ít nhất đó cũng là một phương tiện để đánh thức nhau trỗi dậy mà vươn lên, chứ đừng cam tâm để hả giận cho Tánh ích kỷ riêng mình mà giết chết đi mối giao hảo hằng vô lượng kiếp tích lũy được bởi phước báu để kiếp thân này trong cuộc đời này ta mới gặp lại nhau. Theo lời Phật dạy, nếu lần này ta ra đi, hỏi bao giờ và đến kiếp nào chúng ta mới có cơ hội gặp nhau? Mới có cơ hội gặp nhau là cha, là mẹ, là vợ, là chồng, là anh chị em, là tình bằng hữu, Pháp lữ hoặc là tình Thầy trò hoặc là tình người đi trên một đoạn đường? Khó lắm! Hằng hà vô lượng kiếp mới có cơ hội gặp nhau, nhưng vẫn biết thế đó thì trong kiếp này dù là ngắn ngủi cũng có hằng hà vô số lần chúng ta đắm chìm trong ích kỷ và sự sân giận. Không có gì phải ngại bởi ta là Phàm phu nhưng hạnh phúc thay, kẻ Phàm phu như Bảo Thành và các bạn đó, bất thiện nghiệp thật nhiều, ích kỷ nhiều, sự hả giận thật nhiều nhưng vẫn có Phật ở trong tâm, có mặt trời Trí Tuệ soi sáng cho chúng ta.
Phật luôn nói rằng: “Con ơi! Hãy đứng dậy”. Và trong tình nghĩa giữa người, giữa anh chị em Pháp lữ đồng hành, tình Thầy trò hay tình bạn, huynh đệ, chúng ta vẫn gửi một thông điệp thật nhỏ, thật nhẹ có thể theo hình thức này, hình thức kia để nhắc nhở và nâng đỡ nhau.
Bạn có chủ động đứng dậy hay không, đó vẫn là sự lựa chọn của bạn, không ai có thể sai khiến, điều khiển bạn, ngoại trừ bạn có thể làm chủ bằng sự nhận thức thật rõ để vươn mình đứng dậy sau những tháng ngày u ám của sự gục ngã, ích kỷ và sân giận. Đời mà, là bể khổ nhưng ít nhất ta cũng phải khéo như một người biết đặt miếng ván để lướt trên bể khổ rong chơi bốn bờ, không phải để quên lãng cuộc trần đau khổ nhưng đạt tới mục đích cao thượng hơn.
Ai trong chúng ta thật sự cũng thích hả giận, bởi chính sự hả giận đó mà giữa tình cha nghĩa mẹ bị tan vỡ, ai cũng muốn, cũng chấp vào, cũng bám vào rằng ta đúng, người sai. Sự hả giận đó rất thường, đó là thói thường của cuộc đời, Bảo Thành có, các bạn có. Chính vì ta không nhận ra nên tình cha nghĩa mẹ tan vỡ, vợ chồng ly dị, con cái ly tán, tình bạn chẳng còn, mối giao hảo đổ vỡ đời đời.
Hãy khéo một chút! Đó là sự tự nhắc nhở bản thân sống phải khéo. Và mỗi ngày phải học, ta có phước. Đồng tu tức là đặt mình thật khiêm tốn xuống để chia sẻ từng góc độ cảm xúc của đời người trong một ngày, để chúng ta khéo hơn mỗi một ngày. Chúng ta vẫn thường bị vấp té vào sự không khéo léo, điều đó bình thường nhưng cần phải học, cần phải để ý.
Phật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là ngọn đèn, ngọn đuốc soi vào những lần vấp ngã không khéo léo đó, để với Phật ngôn Mu A Mu Sa, ta có tình thương lớn hơn để ta sửa, ta khéo, ta trang trí những bông hoa dại ích kỷ, những cành cây gai góc của sự giận dữ thành một bình bông đẹp. Cho nên, không có gì phải hổ thẹn cho những lần cho chúng ta đã hả giận làm cho cha mẹ buồn, làm cho vợ chồng ly tán, con cái chẳng còn, tình bạn không có. Đã gọi là cha mẹ mà, đâu có trách chúng ta, đã là vợ chồng mà, sao có thể bỏ nhau được, đó là tình bạn mà, đó là con cái, đó là bằng hữu mà, đâu thể chỉ một lần ta giận, ta bỏ, đâu thể một lần người ta ích kỷ mà ta khước từ, trù dập họ bởi ít nhiều gì chúng ta cũng đã tới bằng tình thương chân thật, thật chơn phương, nhẹ nhàng, thật chất phát, đơn giản, không cầu kỳ.
Ích kỷ thì ai cũng có, giận dữ thì ai cũng dư nhưng tình thương thật sự ta không thiếu. Vậy hãy mang tình thương đối xử với nhau thật sự để trang trí sự ích kỷ cho nó thăng lên một cấp độ mới, để tô điểm lòng hả giận của chúng ta cho nó đẹp đẽ hơn, đấy là nghệ thuật sống mà Đức Phật dạy cho chúng ta. Hàng Phật tử tại gia của chúng ta va chạm thật là nhiều và muôn muôn những điều xảy ra đó tạo ra thật nhiều những cảm xúc thật phức tạp trong cuộc đời, nhưng dù cảm xúc đó có phức tạp cỡ nào, nó cũng tới từ tâm tham giận và tâm ích kỷ. Và đúng! Hai cái đó thật nhiều, nhưng ta không thiếu tình thương. Các bạn phải nhớ!
Nhất là với Phật ngôn Mu A Mu Sa, là ta thỉnh Chư Phật mười phương ban rải năng lượng tình thương xuống cuộc đời thì ta không thiếu tình thương đâu. Nhưng các bạn biết rồi, là người mà, là người mà! Không sao! Chỉ cần mỗi một lần như thế ta tự nhắc nhở: “Ta vẫn luôn đón nhận năng lượng tình thương của Phật tới với cuộc đời và chúng ta không thiếu tình thương”. Chính vì hiểu thấu rằng ta không thiếu tình thương nên chúng ta sẽ hàn gắn lại những vết thương lòng, chính vì hiểu rằng chúng ta không thiếu tình thương nên chúng ta sẽ chữa lành tất cả mọi vết thương mà ta và người đã tạo cho nhau để ít nhất những miếng vải bị rách nát kia được khâu vá, chắp nối. Dù là khâu vá, chắp nối nó cũng trở thành một mảnh vải, tức là giữa những tình người bị hoen ố, bị đổ vỡ, bị hư nát bởi bao nhiêu lần giận dữ và ích kỷ đó được chiếc kim của Trí Tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang và sợi chỉ Mu A Mu Sa tình thương khâu lại để kết lại. Không sao! Dù là chắp vá đó, nó cũng thành Pháp y của Như Lai, bởi Pháp y của Như Lai là từng mảnh vụn tan vỡ của cuộc đời được khâu lại bằng lòng Từ Bi.
Chỉ có lòng Từ Bi, sợi chỉ Từ Bi đó và chỉ có kim Trí Tuệ mới có thể khâu và đan kết lại tất cả sự vỡ vụn bởi những cảm xúc ích kỷ, tham giận của mỗi chúng ta. Để chúng ta một lần nữa, một lần nữa lại được liên kết trong tình thương chân thật.
Dĩ nhiên, các bạn biết mỗi khi sân, khi giận, ích kỷ, bao nhiêu những tư tưởng như những ước mơ tưởng rằng cao lớn, nó thêu dệt, nó thúc đẩy, nó nâng chúng ta lên làm cho chúng ta bay bổng nhưng không phải là bay bổng như đôi cánh của thiện thần dệt những ước mơ cao mà chỉ là những cái sừng của ác quỷ đang đâm thấu vào tâm can, làm cho trái tim rỉ máu, đau đớn. Để rồi ta cứ tự thì thầm những điều này, điều kia. Không sao các bạn! Sự thì thầm đó cũng có lợi ích bởi trong sự thì thầm đó, mình thì thầm với riêng mình thì cũng sẽ lọt vào những tiếng nói của lương tâm, của Chánh tâm, của Phật Tánh, của lương tri con người, và gì? Tâm tánh thiện lành người con Phật.
Cung trầm bổng của cuộc đời có thể bay cao vút sau những lần đã hiểu thấu để thông giọng mà nâng lên trong những cung nốt thật cao hơn. Đời là thế nhưng nếu hiểu và tu tập thật sự, Bảo Thành và các bạn sẽ khéo hơn mỗi ngày. Cho nên, nếu có hả giận, nếu có ích kỷ vẫn phải luôn nhớ rằng là: “Ta là người, bạn là người”, không sao, chỉ cần nhắc nhở thêm một chút xíu nữa: “Ta có gì? Ta có dư sự ích kỷ, ta có nhiều sự tham giận nhưng ta không thiếu tình thương”. Nếu các bạn hiểu được điều này, các bạn sẽ vượt qua để không nhiều lần khứa vào trong trái tim của những người đang đồng hành với chúng ta và làm cho cuộc lữ thứ đó mong manh, dễ vỡ hơn.
Hãy tự nhắc nhở: “Ta có dư lòng ích kỷ, có tràn đầy tâm tham giận nhưng không thiếu tình thương”. Đúng! Ta không thiếu tình thương. Và mỗi ngày chúng ta vẫn ngồi đồng tu với nhau và nói với Phật rằng: “Phật ơi! Xin Ngài hãy ban rải mưa tha lực Phật điển đại Từ đại Bi, xin Ngài hãy ban rải năng lượng tình thương xuống với muôn người, chẳng phải cho riêng ta”. Do đó, không hẳn ta đau mà tất cả những người xung quanh ta luôn luôn không bao giờ thiếu tình thương, và tình thương đó sẽ hàn gắn mọi vết thương của cuộc đời.
Ngày hôm qua, ta đã làm gì cho nhau đau, ngày hôm qua, ta đã giận và hả giận chưa? Rồi, đau rồi!
Vết đau ngày hôm qua và sự hả giận ngày hôm qua như trong Pháp quán vạn pháp Vô Thường và Tâm Vô Ngã thì nó có còn đâu nữa, chỉ còn duy nhất Tâm Từ Bi là tồn tại. Sau khi mưa, trời lại sáng, sau những buổi ích kỷ, hả giận, làm nhau đau, trời lại sáng, Trí Tuệ lại mở ra và tâm ta bừng khai, hiểu thấu, lúc đó ta lại sắn tay áo lên, mang kéo Trí Tuệ của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, tưới tẩm vào tất cả những gai góc trong cuộc đời nước đại Từ đại Bi Mu A Mu Sa và bắt đầu cắt tỉa, trang điểm thành một bình bông mới. Đôi khi không cần phải nói ra mà cứ làm cho chính bản thân của mình được tươi, được vui, được trẻ và được hạnh phúc, tự tại, đó cũng là một điểm báo cho người đối diện nhận ra rằng họ đã biết trang điểm cho cuộc đời, còn nếu không thì khuôn mặt của ta sẽ cau có, nụ cười sẽ tắt lịm và lúc nào nhìn cũng đăm chiêu, chẳng có một chút gì thay đổi để rồi tăng trưởng trái tim, thay vì nó nóng bỏng của tình thương mà trở thành băng giá như Bắc cực.
Các bạn! Cuộc sống, nghệ thuật sống đó, ta đã được Phật dạy, nghệ thuật sống đó, chúng ta đã được Phật truyền, chúng nhất định phải trở thành một người học nghệ thuật cắm bông biết cắt tỉa tâm ích kỷ để đừng hả giận cho những sự ích kỷ của riêng mình. Dòng máu huyết thống với tình người đó chỉ là bình thường trong kiếp nhân sinh nhưng dòng máu huyết thống của dòng họ Thích Ca, tức là dòng máu của chí nguyện vươn lên để thành tựu của Từ Bi – Trí Tuệ và hạnh phúc, dòng máu đó mới là dòng máu chính của chúng ta. Nếu nhìn thấy dòng huyết thống của chí nguyện Giải Thoát Trí Tuệ và Từ Bi gắn kết giữa chúng ta, những con người thật xa lạ, vô lượng kiếp nay mới có thể gặp vẫn có thể kết lại thành một cái bè để đồng hành trên những sự thăng trầm hoặc những cung bậc lên xuống của cuộc đời để đúng như ý nghĩa của tình thương.
Trong tình thương, khi người ta té mình nâng dậy, khi người ta buồn mình tiếp cho người ta vui, khi người ta giận mình làm cho người ta ngụi, khi họ ích kỷ mình làm cho họ nhận ra. Chúng ta phải như vậy! Mỗi người phải tự chủ được phần đó. Đừng để gai góc ích kỷ của mình nó mọc trồi ra để đâm vào mọi người, đừng để Tánh hả giận của mình bung ra như bom nguyên tử ô nhiễm môi trường. Chúng ta ý thức được điều đó. Dĩ nhiên, Bảo Thành vẫn thường nhắc lại rằng Bảo Thành và các bạn vẫn luôn luôn bị lầm chấp che mờ lý trí để rồi chúng ta đã làm sai thật nhiều. Sai mà nhìn thấu là nương nhờ vào Hùng lực Trí Tuệ của Phật NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, giận dữ và ích kỷ nhưng sẽ khơi lại tình thương bằng mật ngôn Mu A Mu Sa.
Hãy cố gắng thực tập hơi thở Chánh Niệm để tăng trưởng tình thương, gắn kết với Chư Phật.
Hãy cố gắng thực tập hơi thở Chánh Niệm để thắp đuốc Tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, để nhiều lần vấp ngã, ích kỷ, tham giận trong cuộc đời của Bảo Thành và của các bạn không làm cuộc đời của chúng ta tan vỡ, đổ nát, không làm cho tình cảm của chúng ta bị cắt đứt toàn diện mà làm cho chúng ta hiểu nhau hơn, thông cảm với nhau để vươn lên, để sống rộng hơn, mênh mông hơn, để trái tim một lần nữa được vá bằng năng lượng tình yêu, khâu bằng Trí Tuệ, để trái tim không còn những vết thương mà chỉ còn năng lượng Từ Bi lan tỏa, rộng mênh mông như biển trời.
Đời sống cần phải nhìn như vậy để hạnh phúc và hãy nhớ cố gắng học để trở thành một người biết trang điểm cho cuộc đời bằng hoa dại của lòng tham giận, hả giận, bằng gai góc của sự ích kỷ. Gai ích kỷ cũng có thể cắt tỉa để trang điểm cho đẹp, những cành cây của tâm tham giận, hả giận kia, nếu biết cắt tỉa đúng thì bình Từ Bi và Trí Tuệ chính là nơi chúng ta có thể cắm gai góc ích kỷ và cành cây tham giận kia để trang điểm cho đẹp. Khéo thôi các bạn! Chỉ khéo một chút. Người con Phật thật khéo, người học Phật thật khéo, chúng ta thật sự thật khéo bởi ta có một Bậc Thầy thật khéo đó là Đức Bổn Sư, bởi ta có một Bậc Thầy thật kiên nhẫn đó là Đức Bổn Sư, bởi ta có một Bậc Thầy Trí Tuệ đó là Đức Bổn Sư. Đã có một vị Trí Tuệ, kiên nhẫn và thật khéo như vậy là Thầy của chúng ta, nhất định chúng ta sẽ là những đệ tử, những học trò biết trang điểm cho cuộc đời bằng gai góc của ích kỷ, bằng những cành cây của tâm tham giận để không còn thích hả giận, làm cho nhau đau lòng nữa mà biết nhìn lại sau những cơn giận, và những gai góc ích kỷ đâm chồi, cắt tỉa đúng mức, trang điểm cho đẹp, xứng đáng là đệ tử của Phật.
Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau, chúng ta trở về 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
“Thưa Phật! Chúng con là Phàm phu luôn thích hả giận để tôn vinh lòng ích kỷ của mình, nhưng Phật đã không khước từ, vẫn tới và khai thị cho chúng con. Nay chúng con nhận ra, hứa một lòng thật khéo biết cắt tỉa những gai góc của ích kỷ và những cành cây tham giận, trang điểm vào bình bông để nhìn rõ chân giá trị của tình người, mang tình thương mà đối xử với nhau, dìu dắt vượt qua những thăng trầm trong cuộc đời. Và chúng con nguyện xin Chư Phật luôn ban rải năng lượng tình thương xuống cho chúng con để chúng con có đầy đủ Trí Tuệ quán chiếu và nhìn thấu, nhìn rõ các Pháp là Vô Thường, Vô Ngã.
Vô Thường tới rồi lui Vô Ngã chẳng có chủ Đau khổ kia là gì? Hãy buông bỏ mà vui. Xin Chư Phật gia hộ.”
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Mô Phật! Chúng ta đã tu xong rồi, mời các bạn chắp tay vào, chúng ta hồi hướng công đức.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Chúng con nguyện xin Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi và thắp sáng đuốc Tuệ cho chúng con để chúng con nhận rõ các Pháp Vô Thường sanh – diệt trong từng sát na, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn, để từ đó nhìn rõ cuộc đời và giá trị đang sống để chuyển hóa mọi tâm tánh hả giận cũng như ích kỷ thành những bông hoa đúng vị đúng thế, đúng phương đúng hướng trang điểm cho cuộc đời, để cho cuộc sống nhân sinh của chúng con khi đối xử với nhau thêm những hương vị yêu thương đúng nghĩa khi chúng con có cơ hội đồng hành trên kiếp người này.
Nếu có chút công đức nào chúng con xin hướng tới các nguyên thủ của các quốc gia cũng biết bỏ qua những sự khác biệt, ngồi xuống thành lập chính sách hòa bình cho thế giới.
Hồi hướng cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược chế tạo ra được thuốc trị bệnh và chữa lành mọi người.
Hồi hướng cho các bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ chữa lành các bệnh nhân.
Đặc biệt, chúng con hồi hướng tới đất nước Ấn Độ đang gặp phong ba bão tố, đại dịch hoành hành có được trợ lực của thế giới và sự giúp đỡ của chính phủ để vượt qua cơn đại nạn.
Hồi hướng cho Chư hương linh theo thiện nghiệp mà tái sanh và những ai còn đau khổ, phiền não tìm được hạnh phúc, bình an trong Pháp Phật nhiệm mầu.
Xin Chư Phật mười phương Từ Bi chứng minh.