Search

Bài 2029: Mỉm Cười Khi Đau Đớn | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Thành kính chào tất cả quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn, kênh Facebook Chua Xa Loi. Tới giờ chúng ta đồng tu, mời các bạn cùng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con có đủ Trí Tuệ quán chiếu thấy rõ các Pháp Vô Thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã và Niết Bàn.

Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Mỗi một ngày, chúng ta không để cho cuộc đời trôi qua uổng phí, bởi ngày nào cũng như ngày nào, công việc vẫn thế cuộc đời vẫn xoay, phước báu tới làm cho con người khác biệt bởi đón nhận được ánh Từ tâm, biết tự chủ, tu tập, tu luyện, sàng lọc thân tâm để có một cuộc sống hạnh phúc hơn theo chân lý Đức Phật khai thị. Thiền Mật song tu Chánh Niệm hơi thở là một Pháp môn phương tiện đưa chúng ta trở về cội nguồn của chân tâm, với hơi thở Chánh Niệm siêu thế nhẹ nhàng, tịch tĩnh, hòa mình vào với năng lượng đại Từ đại Bi của Chư Phật, thắp sáng đuốc Tuệ để chúng ta quán chiếu thật sâu sắc, nhìn rõ các Pháp sanh – diệt. Trong hơi thở này, mật ngôn Mu A Mu Sa sẽ giúp cho chúng ta trở về để cảm ứng với năng lượng Từ Bi chân thật qua thân và tâm, và qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang sẽ giúp cho chúng ta bừng tỉnh để thấy rõ được các Pháp Vô Thường sanh – diệt tới lui, thể hiện đi qua sáu căn mà thân tâm của chúng ta cảm nhận. Với một lòng thành kính, chí thành và tâm chân thật, chúng ta hãy hòa nhập vào với hơi thở này để Bảo Thành và các bạn cùng lan tỏa, san sẻ năng lượng tình thương tới với nhau. Chúng ta hãy bắt đầu.

“Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng đại Từ đại Bi xuống cho muôn loài chúng con và gia trì cho chúng con có đầy đủ Trí Tuệ để quán chiếu thấy thật rõ các Pháp là Vô Thường sanh – diệt, là Khổ, là Vô Ngã, Niết Bàn.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật!

Chúng ta hãy gửi đến nhau, gửi đến tất cả các bạn yêu thương của chúng ta, đến cha mẹ và tất cả những ai đó chúng ta có cơ hội đi vào cuộc đời của họ hoặc là họ đã ở trong cuộc đời của chúng ta năng lượng của tình thương, nụ cười và sự san sẻ tràn đầy hạnh phúc và tin yêu trong mỗi ngày.

Các bạn thân mến! Ở trên cõi đời này không có một việc gì tự nhiên mà nó hiện ra, bởi đúng như lời Đức Thế Tôn đã dạy, từ những hạt bụi li ti cho tới những hành tinh hoặc những điều gì đó mà ta gọi là kỳ diệu, tinh vi đều do một nhân duyên chi phối bởi định luật Nhân và Quả tác động mà hình thành. Nhân Quả là một luật nó vi tế, siêu thế, chỉ có những ai có được hơi thở thật trầm, thật tĩnh trong Chánh Niệm thì chúng ta đều có sự cảm nhận và thấy rõ được giá trị mà Đức Phật đã khai thị cho chúng ta hiểu thấu được chân lý của Nhân Quả. Khi thấu được chân lý Nhân Quả, ai cũng sẽ hạnh phúc. Thời gian vẫn cứ trôi nhưng chẳng thể kéo ta vào sầu muộn, ai oán, sợ hãi bởi những điều được và mất, có và không, thắng và bại, hơn và thua, hạnh phúc và đau khổ. Không phải chuyện gì nó cũng như thế và không phải chuyện gì cũng không như thế. Nếu chúng ta thấu hiểu được thì chuyện thế thế hoặc không như thế đó chẳng phải là chuyện gắn trên vai kêu lỉnh kỉnh, làm cho tâm hồn day dứt, đau khổ.

Đức Phật tới và Ngài đã giác ngộ là bởi vì Ngài nhìn thấu được chân lý Nhân Quả, từ đó hạnh phúc, an lạc với con mắt Trí Tuệ nhìn rõ để bước ra khỏi cuộc chơi Nhân Quả, đứng ở ngoài Nhân Quả, chẳng để cho Nhân Quả chi phối trong sanh – diệt. Đó là Bậc Đức Thế Tôn, Bậc Thầy, Bậc Toàn Giác hiểu thấu, còn các bạn và Bảo Thành, nhìn lại cuộc sống của chúng ta, chúng ta là Phàm phu, là Phật tử tại gia, biết bao nhiêu chuyện chúng ta đụng chạm, chúng ta va chạm mỗi ngày. Những chuyện như đối xử cho đúng nghĩa, đúng tình, đúng Hiếu đạo với cha mẹ, với tình vợ chồng, con cái, rồi ở ngoài xã hội biết bao nhiêu chuyện ta phải lo toan. Trong muôn sự va chạm đó, nhất định dòng cảm xúc của chúng ta không phải lúc nào cũng an vui, hạnh phúc mà có thật nhiều lúc bàn chân nhỏ bé, ngây thơ của ta đã đạp lên gai và trái tim tưởng như hồn nhiên đã bị dao đâm vào bên trong, để bàn chân rách nát bởi gai, để trái tim rỉ máu bởi những cơn đau. Và rồi khi đau đớn tới, mỗi người chúng ta thường là khóc, là than, là oán, là đau khổ hơn và thọ đau khổ đó rồi lại than, lại oán, rồi lại tăng trưởng đau khổ đó mỗi ngày, mỗi giờ để cuộc sống của chúng ta đã khổ rồi bởi chẳng thể tìm được một lối ra từ trong đau khổ, cứ chìm mình mãi và tự đưa đẩy, nhảy xuống, dìm mình trong đống sình lầy của đau đớn. Và hình như một điều rất tự nhiên nơi cơ thể và cảm xúc của con người khi chạm vào sự đau đớn đó thì nước mắt của chúng ta tuôn trào, hay nước mắt, giọt lệ nó đi liền với sự đau đớn, nó gắn chặt chẽ với sự đau khổ. Đối diện với đau đớn, đau khổ đó là hạnh phúc, là bình an và cũng có một sự thể hiện gắn kết với hạnh phúc và bình an, chẳng phải là giọt lệ mà đó là nụ cười.

Khi hạnh phúc ta cười. Chẳng phải khôn, hiểu được hạnh phúc để ta cười mà trẻ thơ khi còn rất bé, mới sanh ra đã khóc bởi hoảng hốt, bất chợt mở mắt và tương tác với xung quanh môi trường, nhận thấy, dù chưa rõ nhưng ít nhất biết rằng mình đang ở một không gian, thời gian chưa có sự chuẩn bị để tìm hiểu nên nó hoảng hốt và khóc. Để rồi khi được người Mẹ ẵm vào trong lòng, hai tiếng thật nhẹ Mẹ gọi “Con ơi”, và lúc đó Mẹ đã mỉm cười thật là tươi qua cả một cơn dài đau đớn quằn quại khi sanh con ra. Rồi cái đau của người Mẹ nhờ nụ cười, nhờ sự mỉm cười hạnh phúc vô song khi thấy mặt của con, mọi cơn đau của Mẹ đều tan. Mẹ là người đầu tiên đã mỉm cười khi đau đớn bởi cuối của cơn đau đớn, kết thúc của cơn đau đớn chính là hạnh phúc của Mẹ bởi con đã chào đời, và sự khởi đầu sự sống của người con là sợ hãi trong một thế giới mênh mông, vô tận, sự thể hiện đó chính là tiếng khóc. Nhưng sự mỉm cười để làm tươi tâm hồn, cái đau tan biến của người Mẹ nó truyền cảm hứng vào cho người con để trong sự sợ hãi đó, tiếng khóc chào đời kia dần ngưng bặt và em bé bắt đầu theo Mẹ truyền cảm giác hạnh phúc để rồi em cười. Em đã nhìn thấy Mẹ, em đã cười. Từ cảm xúc thoát ra khỏi bụng Mẹ, thấy sợ hãi, rồi nằm trong vòng tay Mẹ, cảm ứng được nụ cười hạnh phúc của Mẹ, em lại tìm thấy Mẹ đang cười, em đã hết khóc.

Giáo lý của Phật có phải là cao siêu, nằm ở ngoài sự hoạt động của con người hay không? Có phải giáo lý của Ngài là nằm ở trong sự hoạt động của những Bậc Thánh, Bậc Tiên, những vị Giác Ngộ Toàn Hảo ở một cảnh giới nào đó thật xa với tầm với của nhân loại, có phải vậy không các bạn? Nếu như vậy thì Đức Phật đang đặt để chúng ta vào một lời hứa của Ngài dắt ta về một miền đất hứa vô tận mà chẳng có ai có cơ hội chạm vào mảnh đất hứa đó. Thế Tôn không hứa bởi mọi sự khai thị của Ngài nó thật rõ và thật hiển nhiên ngay trong vòng sinh hoạt tại cõi nhân thế này.

Chân lý Khổ là không hiểu, thấu thì hạnh phúc. Phật dạy cho chúng ta mọi phương tiện để chuyển hóa khổ đau ngay trong lúc này, kiếp này, tại đây, hiện tại để tận hưởng hạnh phúc và an lạc. Đây là cốt lõi thật rõ. Ai học giáo lý của Phật, ai tu con đường Pháp môn phương tiện của Phật mà chẳng thể chứng đắc được niềm hạnh phúc, an vui, buồn rầu rĩ, sân và hận, cuộc đời cứ như thống khổ đè ở trên đầu để chờ một ngày mai khi kiếp này đã tan, chết về lòng đất, tái sanh cõi khác mới cầu về nguồn hạnh phúc thì đó chỉ là ảo tưởng của những người chưa thực sự nhận ra chân lý khai thị của Đức Phật. Phật không đợi cho chúng ta chờ đến kiếp sau. Mẹ chẳng đợi cho con lớn, nhưng khi mới chỉ lọt lòng Mẹ, Mẹ đã ôm con, Mẹ cười sau cơn đau đớn và nụ cười của Mẹ đã xóa tan đi sự đau đớn của chính Mẹ, và xóa tan đi sự sợ hãi, bơ vơ của con, để Mẹ và con cùng nhìn nhau mỉm cười, mỉm cười hạnh phúc. Trên thế giới này, không có một cái gì cao đẹp và hạnh phúc bằng giây phút mầu nhiệm mà người Mẹ mới sanh con, để rồi giây phút đầu tiên trong cuộc đời của người con được Mẹ ôm, Mẹ nhìn, Mẹ cười.

Đức Phật không khác gì người Mẹ hiền yêu dấu của chúng ta, Ngài đã tới và thấy chúng ta đã sanh ra trong vòng nghiệp chướng đau khổ, quằn quại, bơ vơ, không thấy hướng đi. Và Ngài đã tới như người Mẹ trong chính lúc sanh ra trong cuộc trần đau khổ, bất thiện, uế trược, Ngài đã đưa vòng tay Nhân ái của Ngài đó, ôm mỗi chúng sanh vào lòng, ầu ơ câu hát đầu tiên để ru ta vào những cảm ứng năng lượng Từ Bi để ta không còn sợ hãi, bơ vơ ở giữa đời của mình mà cảm nhận được hơi ấm của Phật, của tình yêu. Để chúng ta qua nụ cười vi tiếu, mỉm cười siêu thế của Ngài đó, tìm lại được Cha, tìm lại được Mẹ, tìm lại chỗ có thể trụ ở trong tâm qua năng lượng tình yêu để vững chãi mãi mãi ngàn đời không sợ hãi.

Các bạn! Chủ đề “Mỉm Cười Khi Đau Đớn”, mấy ai trong chúng ta hiểu được giá trị của cái đẹp ngày hôm nay? Hầu hết Bảo Thành và các bạn trong khi những cơn đau đớn tới với cuộc đời, đau đớn về đa phương tiện, nhiều mặt và nhiều hình thức. Có nhiều kiểu đau, đau bởi vì mất. Mất gì? Mất tình, mất cha, mất mẹ. Mất gì? Mất công danh, sự nghiệp. Mất gì? Mất nhà cửa. Mất gì? Mất tất cả. Những cái mất đó, ta đau. Chung quy Đức Phật dạy Ngũ dục, đó là tiền, tình và tài, nhà cửa và sự cung phụng trong ăn uống là những điều ta phải tiếp cận hằng ngày trong cuộc sống của kiếp nhân sinh, mất đi ai cũng đau đớn lắm. Chưa nói sâu về những mất thuộc về tâm, nhưng đại khái chúng ta thực sự đau đớn khi mất đi một điều gì mà ta cho nó là thuộc về của ta. Để rồi trong cái mất đó, ta oán trách, ta sầu muộn, ta đau khổ, ta khóc than, ta than cháy cả cái phone, ta than cháy cả bàn phím đánh lên trên những trang mạng của xã hội, ta than tím cả người, lịm cả môi, héo hắt nụ cười, thâm tím quầng mắt, tiều tụy thân xác, rút ngắn cuộc đời, khô cằn ước mơ. Đau khổ là thế, đau đớn là thế, nhưng đau đớn đó ta khóc, cũng có những sự đau đớn ta cười, nhưng mà cười một cách tím rịm trái tim, cười một cách đau khổ vô cùng. Như trong những dòng ca từ của một nhạc sĩ nào đó nói rằng, hình như có lẽ là bài “Thói Đời”, “Trong thói đời cười ra nước mắt, ai chưa qua chưa phải là người”.

Đúng! Ngoài cái khóc của sự ai oán, đau khổ trong đau đớn, ta còn cười ra nước mắt, nhưng thật sự nếu chưa ai được một lần nhìn thấy bản thân đau đớn, khóc lóc, cười trong đau khổ của những giọt lệ trầm luân thì thật sự chưa có sự trải nghiệm ý nghĩa làm người. Chúng ta không đi vào để tôn vinh cái khóc, cái cười ra nước mắt, chúng ta đi tới một cái thiền để nhận diện thật rõ trong Chánh Niệm của từng tạo tác, dù là khóc hay là cười. Nếu giữ được Chánh Niệm trong hơi thở, cười, khóc trước mọi hoàn cảnh được – mất, sướng – vui hay đau khổ – phiền não đều tạo ra một nguồn năng lượng siêu thế để chuyển hóa, để làm cho chúng ta hết đau, hết khổ. Không phải đang nhiên chúng ta khóc mà ta cười, mà phản ứng của cơ thể tự nhiên với hệ thống thần kinh não bộ hoạt động, cười và khóc còn kích thích não bộ có thể thả ra, nhả ra những hoóc môn làm cho cân bằng trạng thái cảm xúc, làm cho nhẹ nhàng. Đôi khi khóc trong đau đớn lại làm cho tâm can nhẹ nhàng, dễ chịu. Cười và khóc là những hình thức ngày nay các nhà khoa học tâm lý, bác sĩ tâm lý, trị liệu đã khai thác như một ngành trị liệu qua những hình thức thực tập để cho chúng ta có cơ hội làm chủ, kích hoạt thần kinh theo chiều hướng tốt đẹp, chữa lành và làm dịu đi những vết đau của chúng ta.

“Mỉm Cười Khi Đau Đớn” là một chủ đề thật lớn và đẹp.

Mỉm cười không phải chỉ trang điểm cho chúng ta đẹp, chúng ta tươi. Dĩ nhiên, điều đó là tuyệt rồi!

Bảo Thành rất thích cười, rất thích mỉm cười bởi mỗi khi Bảo Thành mỉm cười, Bảo Thành cười, nhìn ở trong gương thấy mình tươi, mình đẹp và ngay lúc mình tự mỉm cười dù với mình, chẳng có việc gì, rất bình thường nhưng lại thấy thần kinh thư giãn, hơi thở nhẹ nhàng, thân xác buông thư.

Đúng là nụ cười kỳ diệu!

Chúng ta thấy tất cả các tôn tượng của Phật hoặc những hình dáng của các vị Bồ Tát đều thể hiện sự nghiêm trang trong sự mỉm cười vi tiếu, nhẹ nhàng. Rất nghiêm trang, tràn đầy Hùng lực của sự tỉnh giác nhưng không phải nghiêm nghị, các Ngài luôn mỉm cười và có khi nào các bạn hỏi: “Sao Chư Phật, Bồ Tát, các Bậc Thánh Tăng lại đặt giá trị của sự mỉm cười trước mọi hoàn cảnh trong cuộc sống?” Nếu nói riêng thôi, một góc trời đau đớn của ta thì mỉm cười khi đau đớn là một vị thuốc kỳ diệu chữa lành sự đau đớn, bởi nụ cười và sự mỉm cười nó tăng trưởng một nguồn năng lượng siêu thế, để bồi dưỡng cho chúng ta chữa lành tất cả những cảm xúc đau đớn, những vết thương và nỗi niềm đau khổ.

Sự mỉm cười có công năng vi diệu mà chẳng cần chúng ta phải dày công tu luyện, bởi vốn dĩ làm người, ngay cả súc sanh cũng biết cười, chó mèo, cỏ cây cũng biết cười. Và nếu như chúng ta thấy được giá trị siêu thế của nụ cười để chúng ta biết mỉm cười khi đau đớn tới với mình là các bạn đang biết quan tâm đến chính mình, là các bạn thực sự thương chính mình. Nếu mình không quan tâm đến chính mình để thực tập và biết mỉm cười khi đau đớn thì mình chẳng thương mình, mình không quan tâm đến mình, mình không thương mình, làm sao ta có thể quan tâm và thương đến những người khác như cha mẹ và những người trong gia đình?

Mỉm cười là liều thuốc bổ. Ông bà vẫn thường nói: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, chúng ta vẫn nói cho vui, nói cho nghe, nói cho thuận tai nhưng chẳng thấu hiểu. Ta sẽ áp dụng nụ cười vào tất cả mọi sinh hoạt trong cuộc đời bởi nó bằng mười thang thuốc bổ, cười khi vui, cười khi buồn, cười khi đau đớn, phiền não, cười trong hạnh phúc và bình an, cười trong mọi khung cảnh của thời gian, mọi hiện tượng xảy ra trên thế giới này, bởi nụ cười là thuốc bổ tâm linh giúp cho thân điều dưỡng tốt nhất.

Mỉm cười đặc biệt hơn nữa là mỉm cười trong Chánh Niệm. Rất tuyệt vời!

Mỉm cười trong Chánh Niệm khi đau đớn là chúng ta có được khả năng tiếp hiện năng lượng siêu thế của Bậc Giác Ngộ để chuyển hóa mọi nghiệp thức ta đã tạo ra. Chỉ mỉm cười khi đau đớn mà mỉm cười trong Chánh Niệm thôi đã chuyển được nghiệp rồi, sao chúng ta không ứng dụng vào đời sống mà cứ than, cứ oán để rồi cung than, cung oán đó nó làm ô nhiễm cuộc đời của những người mà ta biết họ? Than oán làm chi để cuộc đời đầy oán khí, để muôn người kề cận bị ô nhiễm oán khí đó, mà oán khí nó bao phủ hết cuộc đời ta và người thì thế giới này u ám.

Hãy thực tập mỉm cười khi đau đớn trong hơi thở Chánh Niệm vi diệu âm gắn kết với niềm hân hoan, hạnh phúc để tiếp hiện năng lượng Từ Bi, tha lực Phật điển của Phật để ánh sáng Tuệ Giác được bừng sáng, để ta thấy thật rõ những nỗi niềm đau đớn vô tận của ta, để ta tự mỉm cười trong Chánh Niệm hơi thở, để ta tự chữa lành, bởi bất cứ một cảm xúc đau đớn nào đi vào cuộc đời đều là do nguyên nhân của những nghiệp bất thiện ta đã tạo ra. Nếu biết mỉm cười, tức là biết chuyển hóa nghiệp bất thiện đó của quá khứ hoặc của hiện tại, để thanh tẩy, gội rửa cho tâm hồn hạnh phúc và bình an.

“Mỉm Cười Khi Đau Đớn” là mỉm cười để chúng ta liền liền với Chư Phật chẳng xa, để chúng ta cận kề với Chư Phật chẳng xa, để kiếp sống của chúng ta được Phật ôm vào lòng như người Mẹ ôm con khi mới sanh ra, để truyền cảm hứng, sức sống vi diệu qua nụ cười và ánh mắt đầu tiên như một sự bừng tỉnh rớt vào trong trái đất, cuộc sống này nhưng ta vẫn có mẹ, chẳng cô đơn. Và trong bao nhiêu kiếp trời chúng ta trầm luân, đau đớn, vẫn hạnh phúc vô cùng bởi kiếp này ta có phước báu biết mỉm cười khi đau đớn, biết học mỉm cười nơi Đức Thế Tôn khi chúng ta nhìn vào dung nhan của Ngài, khi chúng ta nhìn vào tất cả các Hạnh đức của Ngài đã thực hiện ở trên cõi trần vẫn còn lưu lại trong Kinh. Và để chúng ta cảm nhận rằng, dù sinh sau đẻ muộn trong một kiếp trần đau khổ, xa, không gặp Phật nhưng vẫn diện kiến được chân lý của Phật hiện hữu trong Kinh sách qua lời dạy của các Bậc Thầy có thiện duyên nói cho ta nghe, để dẫn đưa ta về sự thực tập mỉm cười để cảm nhận rằng ta vẫn có Phật và Phật luôn ôm ta vào lòng như người Mẹ, và Phật luôn mỉm cười để chữa lành những sự đau đớn của ta. Phật luôn ôm ta và mỉm cười để truyền năng lượng tình thương, cảm hứng trong cuộc đời trầm luân này, để thấy rõ dù có trầm luân, đau khổ trong biển trời vô tận của bất thiện thì sự mỉm cười trong Chánh Niệm hơi thở kia sẽ đưa chúng ta nhẹ lướt sóng mà đến bờ hạnh phúc, bình an.

Hãy sống ngay trong hiện tại và trong từng giây phút của Chánh Niệm hơi thở.

Hãy thực tập hạnh mỉm cười khi mỗi mai sớm dậy, hơi thở vẫn nhẹ nhẹ đi vào trong lòng phổi, thở ra ta biết mỉm cười san sẻ yêu thương, ta cảm ơn và tri ân Chư Phật, Chư Bồ Tát nhiều đời, cha mẹ, Cửu Huyền Thất Tổ là ta vẫn còn hiện diện trong hơi thở và tâm mỉm cười để tưới tẩm năng lượng yêu thương tới cho ta, tới cho muôn người để bắt đầu một ngày mới hay bắt đầu một giấc ngủ an lành đi sâu vào sự tỉnh thức của Chánh Niệm mỉm cười. Để khi mọi đau đớn tới, ta mỉm cười, đau đớn sẽ biến mất, ta mỉm cười để đau đớn không còn ghé mà chỉ đi ngang rồi biến mất.

Chánh Niệm có công năng vi diệu lớn lắm. Vậy mới đúng như lời ông bà thường nói: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, một sự mỉm cười bằng Chánh Niệm có thể chuyển hóa và thay đổi toàn diện những bất thiện nghiệp nhiều đời ta đã tạo nên. Trong hơi thở Chánh Niệm Mu A Mu Sa, ta hít vào thật sâu, thở nhẹ nhàng, ta trì mật ngôn Mu A Mu Sa là ta trở thành ứng hóa thân của Thế Tôn, là ta tiếp hiện được hạnh phúc để mỉm cười trong hơi thở, để lan tỏa Chánh Niệm Từ Bi tới muôn người, để cái Nhìn Viên Thông NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang xuyên suốt qua màn đêm u tối của Vô Minh nơi kiếp người để thấy rõ mà thông lộ đi tới sự an lạc. Từ đó, trên cuộc hành trình đồng hành với Phật, ta luôn có Phật ở bên đời, như con luôn có Mẹ ôm ấp, che chở, dìu dắt, như con luôn có Mẹ mớm cho từng miếng ăn, miếng sữa, như ta luôn có Mẹ mớm cho ta từng ánh mắt, nụ cười, từng lời ăn tiếng nói, từng những kinh nghiệm, kiến thức đi vào cuộc đời và những chân lý của Đức Phật để cho ta hiển hiện trên cõi trần gian này, không phải là để trả nợ cho kiếp trần ai đau khổ mà để tận hưởng hạnh phúc qua chân lý biết mỉm cười trong Chánh Niệm.

Các bạn thân mến! Mỉm cười có năng lượng vi diệu. Điều này thật sự. Nếu các bạn biết tập mỉm cười trong Chánh Niệm là hít vào, thở ra nhẹ nhàng, mỉm cười và trì chú Mu A Mu Sa, hít vào đưa xuống bụng thở ra nhẹ nhàng, mỉm cười và trì mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, môi miệng các bạn sẽ trở thành một ngưỡng cửa mở rộng. Tươi, tươi lắm! Tươi còn hơn hoa, thơm còn hơn hoa. Biết mỉm cười cuộc đời sẽ tươi, đau đớn sẽ tận diệt. Và biết mỉm cười trong Chánh Niệm nữa thì ta sẽ chuyển hóa được nghiệp, ta sẽ vượt được khó khăn, ta sẽ đi tới những ước mơ cao đẹp và có sự thành tựu thành công lớn.

Nụ cười không mất tiền mua các bạn ơi! Vốn có trong cuộc đời mà ai ai cũng có, người giàu, người nghèo nụ cười chẳng khác bởi nó không phải được đặt trên giá trị của tiền bạc, công danh, sự nghiệp, quyền chức mà nụ cười đặt trên giá trị của sự tỉnh thức Chánh Niệm. Nếu bạn biết cười trong tỉnh thức Chánh Niệm với hơi thở để tiếp nhận năng lượng Từ Bi của Phật và để gửi năng lượng yêu thương đó tới cho muôn người, nếu bạn biết mỉm cười trong hơi thở Chánh Niệm Từ Bi là bạn biết thắp sáng đuốc Tuệ để vượt qua màn đêm tăm tối và để dẫn đường cho ta cũng như để truyền sự sáng đó tới những mảnh đời khác thì nhất định ta và người sẽ cùng đồng hành trong sự sáng, trong sự sáng của ánh Minh Tuệ nơi Đức Thế Tôn. Mà ai có thể tiếp được ánh sáng đó, ai có thể mang sự sáng đó vào cuộc đời thật sự, ai? Đó chính là những người biết mỉm cười trong Chánh Niệm hơi thở Từ Bi quán, đó chính là những người biết mỉm cười, mỉm cười trong Chánh Niệm hơi thở của Trí Tuệ – Từ Bi quán Mu A Mu Sa, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

 Cười lên, cười lên để xóa tan màn đêm u tối. Mỉm cười khi đau đớn để nghiệp chướng được tiêu tan, mỉm cười trước muôn hình vạn trạng của sự đời tới lui gây ra khổ, để đời của ta là một thảm cỏ xanh không hầm hố, chông gai, nhẹ nhàng bước lên hoặc là ngã lưng ngắm trời mây bao la.

Mỉm cười thật là kỳ diệu! Bạn hãy ngưỡng lên bàn thờ nhìn tôn tượng của Phật, Ngài mỉm cười thật là khẽ, thật là nhẹ, thật là kín nhưng rất tươi, trang nghiêm. Và nụ cười của Phật có Hùng lực, Hùng lực đó, chỉ nhìn nụ cười của Ngài thôi, ta đã ấm lòng rồi, và nếu như chúng ta biết bắt chước thực tập sự mỉm cười trong Chánh Niệm hơi thở như Đức Phật thì đau đớn, đau khổ và phiền não không có cửa tồn đọng trong Tâm thức hoặc ghé ngang, bám dính vào cuộc đời của các bạn.

Mỉm cười có sức mạnh, có năng lượng các bạn ơi! Khi các bạn biết mỉm cười trong Chánh Niệm hơi thở là các bạn biết tạo ra cho mình nguồn năng lượng vô biên, siêu thế, năng lượng của Từ Bi và Trí Tuệ. Chánh Niệm hơi thở Từ Bi – Trí Tuệ quán, Chánh Niệm hơi thở Từ Bi – Trí Tuệ quán là của Mẹ Quan Âm, của Chư vị Bồ Tát, của những Bậc Giác Ngộ, nếu ta biết mỉm cười, mỉm cười trong Chánh Niệm Từ Bi – Trí Tuệ quán thì ta là Bồ Tát hiển lộ trong cõi đời trần ai đau khổ này và mọi đau đớn của ta, mọi đau đớn của người thân, mọi đau đớn trong xã hội sẽ dần dần triệt tiêu, biến mất, chỉ còn lại là một dãy ngân hà mênh mông vô tận của hạnh phúc và bình an.

Hãy trở về với sự mỉm cười trong Chánh Niệm Từ Bi quán Trí Tuệ.

Hãy tới với Phật để Phật ôm ta vào lòng và tặng cho ta cách mỉm cười bằng Chánh Niệm hơi thở Từ Bi quán Trí Tuệ.

Đau đớn của ta, đau đớn của người chẳng còn làm cho ta phiền muộn, sợ hãi. Mỉm cười không hẳn chỉ là mười thang thuốc bổ như ông bà ta nói mà mỉm cười có công năng vi diệu bởi sự mỉm cười của ta không phải mỉm cười của sự hiển nhiên do phản ứng cảm xúc của thân tâm con người mà mỉm cười của ta là một sự mỉm cười có sự tu luyện và làm chủ trong Chánh Niệm hơi thở Từ Bi – Trí Tuệ quán. Nó như sóng hải triều âm dâng lên tận cung trời Đâu Suất để có cơ hội gặp được Phật, Chư Thiên, Long Thần, Hộ Pháp, để có cơ hội đồng hành với Chư Bồ Tát cao quý.

Nếu các bạn không biết thực hiện và không biết thực hành, không biết tu luyện mỉm cười trong Chánh Niệm hơi thở là bạn đang đánh mất một kho tàng vô giá mà Đức Thế Tôn đã tới trao tặng cho chúng ta. Có nghĩa như người con đã lọt khỏi lòng Mẹ mà tuột khỏi vòng tay yêu dấu của Mẹ, đứa trẻ đó sẽ đau khổ bởi nó mồ côi, bởi nó cô đơn, bởi nó từ đó đã xa rời khỏi Mẹ, nó chẳng còn nhìn thấy ánh mắt của Mẹ, nó chẳng còn sờ được làn môi tươi mỉm cười của Mẹ, nó chẳng còn cảm ứng được năng lượng yêu thương của Mẹ, nó đang rời xa sự sống và đi dần vào cõi chết, chìm trong đau khổ.

Thấu được điều đó, hiểu được giá trị mỉm cười trong Chánh Niệm hơi thở Từ Bi – Trí Tuệ quán là hiểu thấu lòng đại Từ đại Bi của Mẹ hiền Quan Thế Âm tầm thinh cứu khổ. Nay chúng ta biết mỉm cười trong Chánh Niệm Từ Bi – Trí Tuệ quán là ta trở thành ứng hóa thân của Mẹ hiền Quán Thế Âm để tầm thinh cứu khổ chính mình, chuyển hóa mọi đau đớn, mọi bất thiện nghiệp ta đã tạo ra nhiều đời và xóa tan đi cái cộng nghiệp bất thiện giữa ta và muôn người, để người và ta song hành trong cuộc đời nhìn nhau biết mỉm cười trong Chánh Niệm hơi thở Từ Bi – Trí Tuệ quán. Thật là tuyệt vời!

Các bạn! Chúng ta hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau, thực hiện sự mỉm cười Chánh Niệm hơi thở Từ Bi – Trí Tuệ quán.

“Thưa Phật! Chúng con sẽ theo hạnh của Mẹ hiền Quan Thế Âm, thực tập sự mỉm cười trong Chánh Niệm hơi thở Từ Bi – Trí Tuệ quán của Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để mọi đau đớn của chúng con chấm dứt, mọi bất thiện nghiệp tiêu tan để hừng đông bừng dậy, dải ngân hà hạnh phúc sáng tỏ để con bước ra khỏi Vô Minh và sống hạnh phúc với muôn người trong hiện tại, để chúng con luôn luôn biết mỉm cười trong Chánh Niệm khi mọi sự đau đớn đi ngang qua cuộc đời.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng, phình ra, thở từ từ, hóp bụng lại, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Mô Phật! Các bạn chúng ta đã đồng tu xong rồi, mời các bạn chắp tay vào hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

 NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con để chúng con biết quán chiếu thấy rõ được các Pháp là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn để chúng con biết mỉm cười khi đau đớn bằng Chánh Niệm hơi thở Từ Bi – Trí Tuệ quán.

Có được chút công đức nào trong sự đồng tu hôm nay, nguyện hồi hướng tới các nguyên thủ các quốc gia để họ biết ngồi xuống thành lập chính sách hòa bình thế giới.

Hồi hướng cho tất cả các ngành khoa học gia ngành y, ngành dược có trí tuệ chế tạo ra vắc xin, thuốc trị bệnh.

Hồi hướng cho các bác sĩ, y sỹ, y tá, nhân viên cứu trợ luôn luôn chữa lành các bệnh nhân.

Hồi hướng cho những ai đau khổ và phiền não, mất thăng bằng trong cuộc đời tìm được hạnh phúc, bình an và sự thăng bằng qua Pháp Phật nhiệm mầu.

Hồi hướng cho tất cả các Chư vị hương linh theo thiện nghiệp mà tái sanh cảnh lành.

Chúng con xin mười phương Chư Phật Từ Bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn