Mô Phật!
Bảo Thành xin kính chào tất cả quý Thầy, quý Cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi. Tới giờ chúng ta đồng tu với nhau, mời các bạn quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con có đủ Trí Tuệ quán chiếu để thấu rõ tất cả các Pháp là Vô Thường sanh – diệt, là Khổ, là Vô Ngã, Niết Bàn.
Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái, với một tư thế ngồi buông thư, nhẹ nhàng, chúng ta hãy thanh tịnh, gạt bỏ những lo âu, phiền muộn trong ngày, trở về với hơi thở Chánh Niệm vào ra. Đưa tâm của chúng ta trở về cội nguồn của Trí Tuệ, không có dính mắc, trong suốt, và năng lượng Trí Tuệ và Từ Bi có sức mạnh vượt qua tất cả mọi giông bão, chướng ngại của cuộc đời.
Trong khi chúng ta hít thở Chánh Niệm và trì 02 mật ngôn, mỗi người chúng ta sẽ có cơ hội đón nhận thật nhiều năng lượng tha lực Phật điển Từ Bi để thắp sáng Trí Tuệ của mình. Cho nên, chúng ta hãy buông thư, thanh thản, nhẹ nhàng với tâm chân thật, chí thành đảnh lễ để đón nhận.
“Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con có đủ Trí Tuệ để quán chiếu thấy rõ thực tướng của các Pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã, Niết Bàn.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng và phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Mô Phật!
Các bạn thân mến! Chỉ đơn giản trong hơi thở vào ra, an trú trong Chánh Niệm Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, Bảo Thành đã được đón nhận tràn đầy năng lượng tha lực Phật điển Từ Bi từ mười phương Chư Phật, nhiên liệu Từ Bi đó thắp sáng Trí Tuệ của Bảo Thành để nhìn xuyên qua những lời khai thị của Đức Thế Tôn, thẩm nhập từ từ như lòng đất thấm nước mưa, để hạt giống chí nguyện Giải Thoát có cơ hội thấm vào, thể nhập vào với đất trời, với Trí Tuệ của Phật và lòng Từ Bi của Ngài, nhất định sẽ trổ một cây có tàng lá sum suê, tạo cho chính Bảo Thành một bóng mát để nương vào năng lượng Từ Bi và Trí Tuệ, từ từ bước qua những giông bão của cuộc đời. Với năng lượng tràn đầy hiện tại ngay nơi đây, Bảo Thành thật hạnh phúc trao gửi tới tất cả các bạn nguồn năng lượng siêu thế, vô biên Từ Bi, Trí Tuệ của Phật.
Đúng vậy! Mỗi sớm mai hoặc mỗi một ngày dù thời gian khác biệt giữa Bảo Thành và các bạn, dù các bạn đang trực tiếp hiện tại bây giờ trên hai kênh YouTube và Facebook hay gián tiếp sau này xem lại, thì năng lượng vô biên của lòng đại Từ đại Bi từ Chư Phật vẫn luôn hiện hữu giữa chúng ta. Và nếu như chúng ta có thể bỏ qua tất cả mọi ngăn ngại trong văn tự, trong không gian, thời gian, kiến thức, ý thức hệ, chân lý, Đạo giáo chúng ta theo, thì nhất định Bảo Thành và các bạn sẽ đưa tới cung bậc giao thoa âm hưởng Từ Bi và Trí Tuệ, để chúng ta hạnh phúc ngay trong lúc này mà tâm của mỗi người chúng ta chẳng hề có sự ngăn ngại, khủng hoảng, bực bội, sân, giận và tham. Năng lượng siêu xuất Từ Bi đưa chúng ta tới cảnh giới của sự tịch tĩnh, không dính mắc. Trí Tuệ của Đức Bổn Tôn Như Lai thắp sáng cho ta thấy được đường để đi. Thật hạnh phúc!
Và mỗi khi chúng ta tu tập, đồng tu như thế này cũng đều có thể tăng trưởng năng lượng đó và hồi hướng cho nhau, cũng như gửi năng lượng Từ Bi – Trí Tuệ tới tất cả những ai đó chúng ta đang nghĩ tới, chúng ta đang quan tâm, tới tất cả mọi chúng sanh.
Cuộc sống của mỗi người chúng ta là một chuỗi dài của từng giây phút đi qua của cuộc đời, nó tới nó đi và nó không bao giờ dừng lại ở đó, tới lui Vô Thường, sanh – diệt, nhanh chóng trong từng giây, do đó chúng ta chẳng thể cứ loay hoay trong đống sình lầy của cuộc đời mà quên đi tận hưởng nguồn sung sướng vô cùng của từng giây quý trọng hiện hữu ta đang sống, để tăng trưởng sự đối nghịch với bất thiện là thiện pháp, để tận hưởng niềm vui và hạnh phúc và để làm sao đó, chúng ta tăng trưởng kho phước báu thiện lành, để rồi dù ngày tháng có lui tới thì ai ai trong chúng ta cũng hạnh phúc mà thôi.
Sự đồng tu rất quan trọng bởi chúng ta sách tấn lẫn nhau, sự đơn độc như những hạnh độc giác một mình tu. – Có.
Ngày xưa thật dễ bởi đất trời còn hoang sơ, còn có những nơi ẩn náu xa lìa xã hội mà có thể chẳng cần phải trầm mặc trong cảnh thiên nhiên mà chúng ta tận hưởng không khí thái bình nơi không có dấu chân người, sự ồn ào của xã hội, để dễ đi vào cảnh giới thinh không, lặng tĩnh. Ở đâu còn có những nơi hoang sơ nhẹ nhàng đó nữa? Từ những góc rừng tưởng chừng không có ai tới cũng đã bị phá, từ những cái núi tưởng chừng chẳng ai ghé qua cũng đã bị đập biến thành đá để rồi họ buôn bán. Xã hội, con người đã tràn lan khắp nơi, mang sự ồn ào của thế sự tới ngay trong Thiền môn, nhà Chùa, nơi thanh tịnh. Nhưng không sao bởi vì đó là sự tiến bộ của con người theo chiều hướng ảnh hưởng của nghiệp lực, cộng nghiệp chung. Ta không ngồi đó để trách cuộc đời đã tạo ra giông bão, chẳng còn yên tĩnh, mà ta phải tư duy trở về một miền đất mà dù cho xã hội có đổi thay thì nơi đó vẫn bình yên, nơi đó vẫn tĩnh lặng. Sự thinh không hợp nhất có thể liên quan gắn kết với Phật và chúng ta thật dễ, đó chính là Chánh Niệm của hơi thở, để bước ngược lại dòng đời, đi vào an trú trong Tâm Phật thật tịch tĩnh, an vui.
Các bạn! Chủ đề hôm nay: “Giông Bão Cuộc Đời”.
Mỗi chúng ta hiện tại có một cuộc đời để sống, và mỗi cuộc đời của mỗi người chúng ta luôn luôn có thật nhiều giông bão kéo tới. Vậy dù bắt đầu bước vào cuộc đời đi nữa, có nghĩa từ 18, đôi mươi cho tới khi tuổi đã lớn lắm rồi, nhìn kỹ lại, khác tuổi tác nhưng thiếu gì những giông bão đã lui tới trong cuộc đời. Những giông bão của những cuộc tình, những giông bão về kinh tế tài chính, những giông bão về sự đổi thay của xã hội, của ý thức hệ, của chiến tranh, của ước mơ, của nhiều lắm, của những cái có rồi chỉ một đêm biến mất, của những cái tưởng chừng chẳng bao giờ sờ được nữa nhưng nó ập tới, tay chưa chạm vào nó đã bỏ ta ra đi.
Giông bão luôn tới với một cuộc đời. Khi thái tử Tất Đạt Đa còn ở trong cung vương với vua cha, giông bão vẫn luôn tới với Ngài, từ những sự tranh chấp vụn vặt, nhỏ bé của hàng vương tộc là những vị thái tử, những cuộc nội chiến của dòng vương đế đó trong cung đình, không phải âm thầm không ai thấy mà dưới con mắt bình thường ai cũng thấy, bởi các bậc thái tử của dòng dõi vương tộc, dòng họ Thích thời đó, ai cũng muốn là người được lên ngôi vương và thái tử Tất Đạt Đa, có nghĩa là Đức Phật sau này đã được đặt vào vị trí nối ngôi cha, cho nên thái tử luôn luôn gặp biết bao nhiêu giông bão, ghen ghét, tranh giành, đoạt quyền, đoạt vị đưa tới sự ẩu đả, thậm chí sẵn sàng triệt tiêu nhau mà thái tử phải đương đầu mỗi ngày. Cụ thể trong Kinh vẫn nói tới đó là một người anh em họ của Tất Đạt Đa, cũng là một thái tử thuộc dòng họ Thích và luôn luôn tranh đấu tạo ra biết bao nhiêu giông bão từ thuở nhỏ, tới tuổi lập gia đình thì cũng tranh giành một vị công chúa thái tử được cưới, rồi vương quyền, tình, tài, danh vọng, địa vị, cho tới khi thái tử, là Đức Phật đó, Tất Đạt Đa đã từ bỏ tất cả để đi sau khi diện kiến những đau khổ Sanh – Lão – Bệnh – Tử, để mong sao tìm ra chân lý thoát khổ đó, và khi chứng đắc thành Bậc Đại Giác Ngộ, Đề Bà Đạt Đa cũng lại đi theo, sẵn sàng bỏ cả cung đình bám sát theo Đức Phật và nhận Đức Phật là Thầy, xưng là Đệ tử nhưng với mục đích luôn luôn ám hại, tạo giông bão cho Đức Phật. Từ những việc thả đá trên núi cho lăn vào Đức Phật cho chết, từ những việc thả con voi điên khùng ra để dẫm nát Đức Phật, cho tới việc liên thông với vua Tịnh Lưu Ly để giết chết toàn bộ gia tộc của dòng họ Thích, rồi lại liên kết với vua A Xà Thế để hãm hại Đức Phật, mãi mãi, mãi mãi.
Đề Bà Đạt Đa luôn luôn tạo ra giông bão từ thời Đức Phật còn là thái tử Tất Đạt Đa cho tới khi đi tu thành Phật, ông ta tạo ra giông bão và cuộc đời của Đức Phật phải đón nhận thật nhiều, chưa kể đến những đệ tử của lục phái thời đó hoặc Bà La Môn. Nói chi tới một người anh em họ là Tất Đạt Đa thôi, còn biết bao nhiêu những cuộc trần ai khoai củ mà Đức Phật đã đương đầu từ những vị Bà La Môn, thử thách, muốn trù dập, muốn giết Đức Phật, muốn hại Đức Phật, vu khống hàm oan đủ điều, chôn xác chết để vu khống cho Đức Phật giết người đến bắt Phật, độn bụng lên rồi vu khống Đức Phật làm cho mang thai để bêu xấu Phật, ôi thì đủ thứ, là quỷ ma dèm pha Ngài. Nhưng Ngài vẫn vững chãi, trong cuộc đời tự giác, ánh sáng của đuốc Tuệ Như Lai tỏa sáng tới những vùng đen tối Tâm thức của những con người gian ác, bất thiện, và những con người đó tưởng chừng không thể quay trở lại, đã nhận được ánh sáng minh Tuệ của Ngài mà hồi đầu để bước lên bờ Giác Ngộ. Chính ngay như vua A Xà Thế đã bắt tay với Đề Bà Đạt Đa để hại Phật mà cuối cùng cũng đã quy y với Phật, thọ lãnh Giáo pháp của Ngài mà hồi đầu tu tỉnh giấc. Chính ông Vô Não, một kẻ cướp giết người vô số đó, vậy mà ánh minh Tuệ của Đức Phật cũng đã thức tỉnh ông ta. Còn có biết bao, biết bao con người khác nữa kể sao cho hết.
Giông bão đã tới với cuộc đời của Đức Phật và cuộc đời của thái tử trước khi thành Phật nhiều không thể kể được, mà giông bão nào cũng lớn, lớn một cách kinh khủng, kinh khủng như Đức Phật mất cả dòng tộc của mình, bị quân nước khác kéo tới giết chết, mất cả quốc gia, mất cả vương tộc, mất cả dòng họ, nếu đứng trên phương vị của con người, chẳng có ai có một nỗi niềm đau đớn tột cùng nếu có như Đức Phật, bởi bị phản bội, vu khống hàm oan rồi giết chết hết dòng tộc của mình, nhiều lắm, nhiều lắm, bao nhiêu thứ ở trên đời gọi là khổ, gọi là giông bão thì Đức Phật đều đã đón nhận tới với cuộc đời của Ngài. Nhưng Ngài vẫn tự tại, Ngài vẫn hạnh phúc, Ngài vẫn an nhiên, đuốc Tuệ của Ngài không lu mờ mà càng sáng tỏ hơn để soi dẫn cho muôn người còn chìm mình trong bóng tối của ghen ghét, của hận thù, Tham – Sân – Si, và rồi những người đó dần dần nhận ra, từ bỏ tất cả những gì họ đã cưu mang, sử dụng để hại Phật, để đặt để bản thân của họ vào một phương vị mới, tức là tìm về miền đất Chân Như để nhận diện thật rõ: “Chỉ có Đấng Giác Ngộ mới có thể khai thị cho mỗi chúng sanh, chuyển hóa giông bão của cuộc đời thành biển trời mênh mông vô tận của hạnh phúc và bình an. Còn không sóng khổ của cuộc đời sẽ nhận chìm tất cả mọi người vào trong tâm Tham – Sân – Si mà thôi”.
Đó là nói sơ sơ về cuộc đời của Thế Tôn thôi. Còn cuộc đời của mỗi chúng ta có bao nhiêu giông bão của những cuộc tình tới lui. Tình là tình cảm giữa cha và con, dĩ nhiên phận làm con nương theo điều giáo dưỡng của cha mẹ, một lòng Hiếu đạo nhưng chẳng phải được giáo dưỡng như vậy mà chúng ta chưa một lần lầm lỡ đã tạo giông bão cho cha mẹ, hoặc vì bất như ý mà cảm giác cha mẹ đã tạo giông bão cho chúng ta, chính vì chưa có một chỗ nhìn rộng hơn, thoáng hơn để giữa cha mẹ và chúng ta có một sự hiểu biết linh thông trong tình yêu thương, bởi mỗi một người, bởi mỗi một thế hệ luôn luôn có cách nhìn, hành xử, suy nghĩ khác nhau. Sự khác biệt đó cho nên tình thương thay vì tới với nhau, hòa mình như những đợt gió nhỏ tạo thành bão thì sự đối nghịch của tư tưởng, ý kiến đã xoáy khi chạm vào với nhau tạo thành giông bão của cuộc đời. Đó là tình cha, tình mẹ, rồi đến tình cảm giữa vợ chồng cũng có giông bão.
Sự ngăn ngại, sự thiếu thông cảm, lắng nghe nhau hoặc vì lý do cái tôi quá lớn để rồi lời nói của vợ, lời nói của chồng chúng ta chẳng thông nhau, có sự nghịch lòng nghịch ý, chướng lỗ tai, gai con mắt, thế là tay chân vung vẩy, mồm miệng tuôn ra những lời không hay, tình cảm từ đó mà giãn cách, giãn đến mức chúng ta phải ly thân, ly thân cuối cùng đi tới ly dị, ly dị còn chưa xong, cuối đời còn ly biệt mãi mãi. Thế mà thuở xưa khi yêu nhau, đã ký vào hợp đồng Tâm thức cộng khổ, sung sướng, hạnh phúc, thăng trầm, đau khổ, bệnh hoạn, vui sướng, khỏe yếu luôn có nhau nâng đỡ bởi vì một tình yêu chung thủy, nhưng hai chữ “chung thủy” đó chẳng còn sự chung nữa bởi từ những lời nói, hành động, suy nghĩ hình như ai cũng thủ chấp cái tôi, cái nhìn của mình để cho chung thủy kia không còn là chung thủy, không còn là chung thủy. Mà cái chung đó dần dần bị xé nhỏ thành cái riêng tư, cái góc riêng tư của mỗi một con người, chẳng có thể quay mặt nhìn về một hướng để đồng bộ, cho nên sự chung thủy đó biến thành đại hồng thủy nhận chìm tất cả tình yêu giữa vợ và chồng.
Giông bão của tình người, giông bão của bạn bè, đó là nói đến tình. Còn khi nói đến quyền lực ở đời, giông bão lên voi xuống chó, lúc đang làm quan thoáng cái thành người bị truất phế, giông bão của mất nhà mất cửa, mất xe cộ, mất tiền tài, mất địa vị, mất đi nhân cách, mất đi luôn thanh danh của ta, những cái mất, mất đó có thật là của ta hay không, ta phải suy nghĩ cho thật kỹ bởi Phật đã nói vạn pháp Vô Thường sanh – diệt, có nhân duyên nó hiện hữu cho ta sờ, ta chạm, ta cảm giác, duyên đã đi thì dù có khư khư ôm lấy nó cũng tuột khỏi lòng bàn tay của ta, hiểu được hai chữ “Vô Thường” ta mới nhận ra rằng phải biết trân quý tình yêu thương nhau khi còn có cơ hội hiện hữu gần, tiếp xúc bằng tình thương chân chất của người con Phật, thì muôn sự khác biệt sẽ hòa mình thành những nốt nhạc đồng âm, đồng tiết tấu với nhau, để hòa nhịp trong những cung bậc thăng trầm khác biệt của tư tưởng, ý kiến, suy nghĩ và hành động, để giữa vợ chồng, giữa cha mẹ, con cái, giữa chúng ta và bạn bè, giữa những người giao tiếp trở thành những khúc đồng ca nhịp nhàng, tươi vui, nhộn nhịp vô cùng.
Ở đời sự việc gì cũng phải học hỏi và tu tập, tâm được tu, tâm được làm chủ, tư tưởng được huấn luyện và tư tưởng được làm chủ đúng Pháp thiện, nhất định những điều gọi là giông bão chỉ là gió thổi nhẹ để cho buồm căng lên mà đi. Còn nếu không khéo thì gió nhẹ sẽ lật ngược con thuyền đang đi về phía trước.
Các bạn thân mến! Ai trong chúng ta cũng có hằng hà biết bao nhiêu những nỗi niềm đau đớn khi giông bão đi tới cuộc đời. Nhìn kỹ trong cuốn nhật ký nơi tâm, biết bao nhiêu những dòng tâm tưởng chúng ta đã ghi lại khi giông bão tới, và đúng như thế, khi giông bão tới, ai không có sự chuẩn bị, chúng ta sẽ bị quật ngã xuống đau đớn khôn xiết mà khó có thể vực đứng dậy trở lại, còn những ai có sự chuẩn bị thì nhất định giông bão tới sẽ cho họ một kinh nghiệm, một sự trải nghiệm để vững chãi, để thành công dù là bị té xuống thật đau, nhưng cái đau của sự vấp té, đau của sự quật ngã, đau của sự giông bão kéo tới trù dập, sau đó nó sẽ qua đi, và rồi cuộc đời của họ lại đứng vững, giông bão rồi sẽ qua đi, bão tố rồi sẽ qua đi. Sau cơn mưa trời đã tạnh, sau bao nhiêu bão tố của cuộc đời, giông bão của cuộc đời, rồi nó cũng sẽ tạnh, rồi cũng sẽ lặn mất, và rồi chúng ta nếu có sự chuẩn bị lại đứng dậy như chồi cây vươn lên khỏi băng giá sau mùa đông để khoe mình dưới nắng trời.
Các bạn! Giông bão luôn luôn tới, chỉ có thể lấy lòng Từ Bi, năng lượng tình thương và Trí Tuệ như Đức Phật thì mọi giông bão của cuộc đời sẽ thắp sáng thêm ánh minh Tuệ, sẽ tỏ lộ rộng hơn tới tận hư không, và chúng ta là Phật tử tại gia hiểu được chân lý của Đức Phật dạy vạn pháp Vô Thường, nếu mà nắm giữ thì chúng ta sẽ khổ nên ta chẳng ôm ấp những cái tới đi, nhưng những gì gọi là phước báu hiện hữu ngay bây giờ, ta biết ứng dụng một cách tột đỉnh để mang lại hạnh phúc trao cho nhau.
Hạnh phúc là đây, ngay chỗ này, tại hơi thở Chánh Niệm vào ra với Tâm đại Từ đại Bi thì mọi giông bão tới như gió thổi vào cho ngọn lửa bay cao, như gió thổi thêm để căng cánh diều cho bay mãi, để sẽ hứng gió, hứng giông bão cuộc đời để dưới sự được tu, được luyện, tâm ta sẽ lèo lái cánh buồm của cuộc đời đi tới và cập đúng bờ, đúng bến hạnh phúc mà ta mong muốn.
Trí Tuệ và Từ Bi rất quan trọng. Trí Tuệ tới từ sự Chánh Niệm hơi thở thể nhập vào Bản Thể Chân Như, Tâm Tánh Thiện Lành, Phật Tánh qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, để chúng ta có một cái nhìn Viên Dung Tuệ Giác, có cái nhìn Viên Giác Toàn Diện để thấy rõ vạn pháp là Vô Thường và chính trong sự vô thường đó sẽ tạo ra khổ nếu ta dính mắc. Và vạn pháp đều Vô Ngã, không có tướng không có ngã, nếu ôm ấp chấp vào ngã, vào thường, là vô thường mà ôm vào thì ta sẽ khổ, chính là Vô Ngã mà cứ ôm vào Ngã tướng, tôi đó, tôi đó thì ta sẽ khổ, và để chuyển hóa mọi khổ đau ta phải nhìn thấu được vạn pháp là Vô Thường, ta phải thấu hiểu được vạn pháp là Vô Ngã. Mà con đường để thấu, để hiểu, để nhìn thật rõ đó chính là con đường thể nhập vào miền đất Chân Như Phật Tánh của chúng ta qua mật ngôn Chánh Niệm hơi thở NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang và mật ngôn Từ Bi quán Mu A Mu Sa.
Hai mật ngôn này là phương tiện tuyệt hảo, là phương tiện siêu thế cho những ai có phước báu, căn cơ phù hợp nhân duyên để tu tập. Các bạn nhớ, cho những ai có phước báu, căn cơ, nhân duyên phù hợp để tu tập, còn những ai không có phước báu, nhân duyên phù hợp với Pháp môn Thiền Mật song tu, Thất Bảo Huyền Môn, Từ Bi quán Mu A Mu Sa và Tánh Thấy, Nhìn, Biết của Lăng Nghiêm NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang thì còn có biết bao nhiêu những phương thức, những phương pháp khác mà Phật đã dạy, nếu họ có phước báu với thể loại phương tiện Pháp môn nào, họ nhất tâm để đi tới sự miên mật tu tập thì người đó cũng dần dần chứng đắc đến sự hạnh phúc và bình an.
Giông bão cuộc đời luôn luôn tới nếu chúng ta nhìn với con mắt của con người thế sự chấp trược vào những điều ta muốn và khước từ những điều ta không muốn, còn giông bão cuộc đời ngược lại dưới con mắt của người được tu tập sẽ là ngọn gió, sẽ là nhiên liệu, sẽ là đỉnh núi, sẽ là mặt trời, sẽ là mặt trăng, sẽ là tinh tú để cho chúng ta tiếp hiện giữa cuộc đời này năng lượng Từ Bi và Trí Tuệ của Phật, nó chẳng còn là gì để cản bước chúng ta đi như trong câu Tâm Kinh Bát Nhã: “vượt qua, vượt qua, vượt qua đi”, bởi vì ta có Trí Tuệ của Phật thắp sáng trong ta, mọi giông bão của cuộc đời là yếu tố quan trọng để ta tiếp hiện Chân hạnh phúc của Phật, cái Nhìn Viên Giác của Ngài để đi vào thế sự cuộc đời ngổn ngang muôn bề khác biệt mà ta vẫn thong dong và tự tại, an vui và hạnh phúc .
Giông bão của cuộc đời dưới con mắt của người tu và hiểu rõ nó không có điều gì đáng sợ để than, để khổ, mà là niềm hạnh phúc vô biên khi nó tới, bởi nương vào điều đó, gọi là giông bão đó, ta thấu hiểu cuộc đời chân lý Vô Thường, Vô Ngã, hiểu thấu được Khổ để chúng ta lìa khổ, bởi thấu được vô thường, chúng ta bỏ khổ, xóa khổ, bởi thấu được vô ngã mà có thể đặt chân lên thềm của Niết Bàn thì đó là hạnh phúc, an vui ngay trong từng hơi thở Chánh Niệm vào ra. Có gì để lo xa xôi?
Giông bão của cuộc đời vẫn còn có, vẫn còn canh cánh trong trái tim, Tâm thức của hàng triệu, hàng triệu những con người trong những tháng ngày này.
Hôm nay, Bảo Thành nói tới một chút xíu những vết thương đau thật là đau của hàng triệu, triệu con người trong những tháng ngày này, dù rằng ngày xa xưa ấy đã tới, đã tới 46 năm trời, tức là gần nửa thế kỷ, nhưng nó chẳng bao giờ phai mờ được trong Tâm thức và trái tim của hàng triệu, triệu, triệu những con người miền Nam.
Nói tới đây, trong lòng của hàng triệu những con người đó, và hàng triệu con người đó, Bảo Thành cũng là một trong số họ, vẫn còn có những vết hằn của biết bao nhiêu sự mất mát, mất cha, mất mẹ, mất ông bà, mất huynh đệ, tỷ muội, anh chị em, mất đồng đội, mất nhà cửa, mất ruộng vườn, mất cả chân lý mình đi theo, mất cả quốc tổ mình yêu thương, mất tất cả, để rồi phải bỏ nơi mình yêu thương ra đi với hai bàn tay tưởng chừng đã có, nay tuột mất hết, tay trắng, trắng tay làm lại cuộc đời, và sự mất mát đó như một vết dao đâm mà không ai có thể quên được nếu ở trong tình cảnh như vậy, đồng bộ với hàng triệu, triệu trái tim con người cách đây 46 năm xưa.
Và khi nói tới những ngày này đây, cận kề ngày kỷ niệm ai cũng đau đớn khôn xiết, và rồi họ lại thốt lên những lời nguyện, lời thề mà đôi khi thật khó thực hành, bởi một thời lịch sử đã qua đi, cái còn lại duy nhất cho những người hồi đó đương đầu với thời cuộc là một trái tim còn nghĩ về quê hương, cha mẹ, về chân lý, về sự tự do hiện hữu.
Nhưng hôm nay, chúng ta dưới con mắt của nhà Phật, Đức Phật đã nhìn thấy vạn Pháp Vô Thường sanh – diệt, một lần nữa lấy kính Vô Thường của Đức Phật dạy để nhìn thấu một đoạn lịch sử của kiếp người dân tộc Việt đã đi qua, chỉ một đoạn thôi các bạn, chứ còn tính bao nhiêu ngàn năm là biết bao nhiêu khúc ruột, biết bao những giai thoại, lịch sử thăng trầm, xương cốt phơi đầy đồng, máu chảy thành sông, nhưng trong một giai thoại thật ngắn trong lịch sử hiện đại thì dưới lăng kính của các Pháp Vô thường sanh – diệt thì ở tuổi đời sau gần nửa thế kỷ phải chứng kiến cảnh đó, mỗi người chúng ta phải ngồi lại để nhìn thấu, để chúng ta thấy rằng, ta nên chọn lựa phương pháp nào cho cuộc đời của chúng ta trong những tháng ngày còn lại, biết tận hưởng hạnh phúc và thắp sáng đuốc Tuệ, trong nhà Phật gọi là truyền đăng, truyền lại ánh sáng đó, trong đời gọi là truyền lại hơi thở của sự sống và Trí Tuệ, kiến thức nhìn thấu để những tầng lớp sau này, con cháu của chúng ta biết phân biệt rõ nhưng bằng tinh thần của nhà Phật, để những bước đi của những người hay quốc độ chúng ta ở, chẳng lặp lại một lần nữa cho xương phơi ngoài đồng, máu chảy thành sông, cho nước mắt tuôn tràn và cuộc đời đau đớn mãi khôn nguôi.
Giông bão cuộc đời luôn tới với mọi người, ở quốc gia này hay quốc gia kia, trên toàn bộ thế giới và ngay ngày hôm nay, giông bão của những cuộc chiến dưới những ý thức hệ, giữa những thể chế chính phủ, kinh tế, thị trường, con người với con người, tôn giáo với xã hội, có thể ta không nhìn thấy mà thôi, nhưng nó vẫn đó, nó vẫn đang bừng cháy, và đặc biệt như ở trong nước Mỹ này, cuộc chiến vẫn còn đang kéo dài giữa sự bất đồng tư tưởng, sự kỳ thị chủng tộc hay phân biệt chủng tộc, sự chân thật như thế nào, người ở ngoài cuộc khó thấy, chỉ người bên trong mới biết được.
Người học Phật là chẳng phải chúng ta bị cảnh bên ngoài khi tác động vào sáu căn để cho chúng ta sôi sục dòng máu căm phẫn, mà người học Phật là qua sáu căn nhìn thấy cảnh trần bên ngoài, sự ở bên ngoài, mà dù sự động ở bên ngoài thì vẫn giữ cho tâm, sự ở bên trong tĩnh lặng bởi chúng ta được tu, tu dưới con mắt của Đức Phật dạy, đó là Vô Thường, đó là Khổ, đó là Vô Ngã. Và với ý nghĩa đó, mọi giông bão cuộc đời sẽ trở thành nhiên liệu cho chúng ta thắp sáng Trí Tuệ, sẽ là nhiên liệu như gió thổi căng cánh buồm Từ Bi để cập bến yêu thương.
Giông bão tới từng con người hay nói chung tới cộng đồng, xã hội, muôn điều xảy ra đều là giông bão nếu chúng ta không biết thực hành cho đúng.
Mời các bạn đặt bàn tay phải và bàn tay trái vào với nhau để chúng ta trì niệm mật chú.
“Chúng con đã hiểu thật rõ giông bão của cuộc đời dưới con mắt của Phàm phu sẽ làm cho đau khổ, nhưng dưới con mắt học Phật chỉ là Vô Thường. Chúng con sẽ nhìn bằng Giáo pháp của Phật để nhận ra Vô Thường, tăng trưởng sự sống bằng lòng Từ Bi và yêu thương.”
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng và phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (07 biến)
Hồi hướng:
Mô Phật! Chúng ta đồng tu xong rồi. Mời các bạn chắp tay vào hồi hướng công đức.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Con nguyện xin Chư Phật mười phương ban rải năng lượng tình thương thắp sáng đuốc Tuệ để chúng con quán chiếu thấy rõ các Pháp là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã và Niết Bàn và nhìn thấy rõ được tất cả giông bão của cuộc đời chỉ là nhiên liệu thắp sáng tình yêu thương, lòng Từ Bi của chúng con.
Nếu có được chút công đức nào, xin hồi hướng tới các nguyên thủ các quốc gia để họ thành lập chính sách hòa bình cho thế giới.
Hồi hướng cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược chế tạo ra được vắc xin, thuốc trị bệnh.
Hồi hướng tới các bác sĩ, y tá, y sỹ, nhân viên cứu trợ, cứu tế trên thế giới chữa lành các bệnh nhân.
Hồi hướng cho tất cả những ai còn đau khổ và phiền não tìm được hạnh phúc và an vui nơi Pháp Phật nhiệm mầu.
Hồi hướng cho tất cả mọi Chư hương linh theo thiện nghiệp mà tái sanh cảnh lành.
Xin Chư Phật mười phương Từ Bi chứng minh.