Search

Bài 2004: Nguồn Gốc Khổ Đau- Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Tịnh Minh đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý thầy, quý sư cô, cùng các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn, trang facebook Chùa Xá Lợi. Đã tới giờ chúng ta đồng tu, mời tất cả các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Mu A Mu Sa; Nam-Mô Ta-Mô Ta-Mô Đa-Ra-Hoang. Các bạn hơi thở của câu mật ngôn số hai được chia thành bốn đoạn, phần âm đầu tiên là “Nam-Mô”, hơi thở đi từ dưới luân xa số 1, số 2 tới vùng đan điền khí hải, phần số hai “Ta-Mô” chúng ta đi từ luân xa số 3 tới số 4 rồi phần thứ 3 “Ta-Mô” ta đi từ số 4 tới số 5 tức là đi tới cổ, phần thứ 4 “Đa-Ra-Hoang” đi từ nhân trung tới đảnh đầu, hơi thở chia làm bốn đoạn như vậy “Nam-Mô” là một; “Ta-Mô” là hai; “Ta-Mô” là ba; “Đa-Ra-Hoang” là bốn vận hành như câu “Mu A Mu Sa”. Cho nên khi hít thở câu số hai chúng ta hít vào và vận hành trì chú y như câu số 1. Chúng ta đã thực tập câu số 1 và vận hành khí trong suốt một năm, mang y chang như vậy để dẫn khí cho câu số hai, cứ từ từ chúng ta tập cho thấm nhuần được cách vận khí, điều khí, đón nhận năng lượng.

Các bạn thân mến, mật chú câu số hai “Nam-Mô Ta-Mô Ta-Mô Đa-Ra-Hoang” có diệu lực tương tác với năng lượng từ bi, quán chiếu tình thương để chúng ta rời xa vọng tâm, tức là cái nhìn của vọng kiến. Tâm vọng tạo thành vọng kiến, kiến là nhìn bằng tâm vọng để thể nhập vào chân tâm của chúng ta khai mở chánh kiến. Trong suốt chiều dài tu tập ta sẽ luôn luôn rời xa vọng tâm, vọng kiến thể nhập vào chân tâm và có được chánh kiến nhìn rõ vô thường, khổ, vô ngã và niết bàn.

Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho từ bi vào lòng bàn tay trái để chúng ta vận hành bảy biến vi diệu âm số một và số hai:

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con để chúng con quán chiếu thấy rõ thực tướng vô thường, khổ, vô ngã, niết bàn. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm trì mật chú: Mu A Mu Sa; Nam Mô Ta Mô Ta Mô Đa Ra Hoang.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì Phật lực để chúng con quán chiếu thấy rõ các pháp là vô thường, khổ, vô ngã, niết bàn. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm trì mật chú: Mu A Mu Sa; Nam Mô Ta Mô Ta Mô Đa Ra Hoang.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con để chúng con quán chiếu thấy rõ thực tướng của các pháp vô thường, khổ, vô ngã, niết bàn. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm trì mật chú:

Mu A Mu Sa. Nam Mô Ta Mô Ta Mô Đa Ra Hoang (7 biến)

Mô Phật. Các bạn những buổi đồng tu của chúng ta đều đi vào sự công phu để thành tựu được chánh niệm hơi thở từ bi quán, rời xa vọng tâm, đi thẳng vào chân tâm để không dính mắc vào vọng kiến, để dùng chánh kiến nhìn rõ tất cả các pháp vô thường, khổ, vô ngã và niết bàn. Sự diễn giải theo từng đề mục của mỗi ngày để mớm cho chúng ta một con đường suy nghĩ đôi chút, đi vào đời sống thường bận rộn của phật tử tại gia. Cho nên trong một giờ tu tập ta có ba thời trì chú hai mươi mốt biến và ở giữa chúng ta chia sẻ những đề mục đi vào kinh một chút xíu. Không đi sâu để đào bới tích trữ những kiến thức lưu giữ những tạng kinh vào trong đầu mà hiểu thấu được đôi chút thực hành ứng dụng tại chỗ để thành tựu được sự an lạc niết bàn trong cuộc đời của chúng ta.

Chủ đề hôm nay chúng ta quán chiếu: Nguồn Gốc Khổ Đau, nguồn gốc khổ đau trong thánh đế thứ hai gọi là Tập, Khổ là thánh đế thứ nhất trong bài kinh tứ thánh đế là bốn điều, điều thứ nhất là Khổ, điều thứ hai là Tập tức là nguyên nhân nguồn gốc của khổ đau, điều thứ ba là có thể Diệt được khổ đau đạt tới niết bàn bằng bát chánh đạo. Khổ Tập Diệt Đạo. Chúng ta hãy cùng với Bảo Thành đi sơ qua lời dạy trong kinh một cách thật khái quát, cô đọng, dễ nghe, dễ nhớ và dễ thực hành. Thực ra ở trên đời, tất cả những khổ đau tới với chúng ta ít có khi nào chúng ta đầu tư thời gian để nhìn thấu được nguồn gốc của nó, để từ đó ta như người khùng điên đổ thêm xăng dầu vào đống lửa sân để nó cháy hừng hực, thiêu cháy hết tất cả những mối giao hảo trong cuộc đời, tình cha tình mẹ, vợ chồng con cái rồi những người thân dần dần đốt cháy hết, chỉ vì cứ đổ xăng dầu vào thêm, trong lúc sân giận không thấu hiểu được nguồn gốc khổ đau.

Các bạn, trong Thập Nhị Nhân Duyên, Đức Phật dạy vô minh sinh ra hành, hành này tức là nói đến hành động của thân, của ngôn ngữ, của tư tưởng là cội nguồn bắt đầu tạo ra nghiệp và khổ đau, hành là bắt đầu tạo ra khổ đau. Nhưng vì vô minh, vô minh có nghĩa là mắt bị mờ không nhìn rõ không nhìn tỏ không nhìn thấy. Chính điều không thấy không rõ, không tỏ không biết đó, phàm tánh của chúng ta sanh ra chấp, cho nên khi từ chỗ không thấy đi vào từ những suy nghĩ, ta cũng chấp chặt ở trong đó, từ những ngôn từ lời nói ta chấp cứng, rồi những hành động ta chấp không bao giờ rời xa. Chấp là nguồn cội của đau khổ, chấp là bởi vì không thấy rõ mê mờ.

Các bạn, trong kinh Bát Nhã nói về Ngài Quán Thế Âm. Ngài dùng cái nhìn của chánh kiến để thấy rõ năm uẩn của chúng ta đều là không nên Ngài giải thoát, thấu được cái khổ, nguồn gốc gây ra khổ, nên Ngài luôn an vui. Và Ngài biết được nguồn gốc khổ đau đó, khi tiếp xúc với chúng sanh Ngài chữa lành bệnh nhân từ trong tâm đến thân. Nhưng phàm phu chúng ta, trong uẩn, trong năm uẩn đó, ta vô minh không nhìn rõ, chấp có, chấp chặt vào nó, để từ đó bắt đầu xảy ra bao nhiêu chuyện rắc rối trong cuộc đời. Đầu tiên ta chấp vào sắc pháp, tức là cái nhìn mờ không rõ tưởng sắc pháp của thân này là có thật thân tôi. Từ thân tôi này, luôn luôn nghĩ thân này tồn tại mãi mãi cùng với trời đất, thậm chí còn có những tôn giáo chấp vào sắc pháp của thế gian một mai khi được ai cứu rỗi sẽ sống lại với cái thân đó. Họ còn chấp chặt đến mức mà luôn luôn nghĩ thân này tồn tại dù phải chết chôn vào lòng đất tan rã thành cát bụi và bụi tro. Dù họ vẫn nhắc nhở nhau, người ơi hãy nhớ thân là bụi tro, nhưng ngày cuối cùng hi vọng vẫn muốn trở về với thân xác từ bụi tro thành hình nhân, từ hình nhân ta thành bụi tro cát bụi rồi lại trở thành cái thân người như xưa, đó là chấp chặt vào sắc thân.

Chính chấp chặt vào sắc thân này ta bắt đầu khổ. Khi bệnh, khi già rồi khi chết, bệnh một chút thì thân này khổ lắm bởi yêu thân quá. Già một chút thì rầu rỉ thôi ôi tốn biết bao nhiêu tiền đi bác sĩ thẩm mĩ để sửa, phấn son bôi lên để xóa đi dấu khắc của thời gian. Sắc, sắc thân ta chấp chặt, chấp vào làn da ánh mắt, chấp vào cái môi đẹp, bàn tay, thân xác, từ đó tăng thêm ái dục, đọa vào trong luân hồi chẳng thể thoát ra. Ta chấp thật chặt vào sắc thân của ta, rồi ta lại chấp chặt vào sắc thân của người ta thích, và ta cũng chấp chặt vào sắc thân của người ta ghét, cứ lẫn lộn vòng xoay. Như con chó nhìn thấy cái đuôi và cứ xoay vòng quanh vòng quanh để tìm đuôi đó cắn cho bằng được mà có khi nào nó cắn được cái đuôi đâu. Cứ thế ta xoay vòng trong luân hồi chẳng thể thoát như con chó cứ xoay vòng cắn đuôi của nó.

Rồi ta còn chấp chặt vào uẩn thứ hai tức là thọ uẩn, tức là cảm thọ cảm xúc của chúng ta, ta luôn nghĩ rằng cảm xúc của chúng ta là đúng, dễ bị tự ái. Khi người ta nói một cái gì mà cảm xúc dâng trào theo chiều hướng ngược lại, các bạn biết rồi nó tắt nghẽn ở cổ nói không ra, nó tràn khí lên trên ngực thở không có được, nó bí hơi nó dồn máu mặt đỏ gay, cảm xúc mà,cảm xúc dâng trào, cảm xúc mạnh mẽ cảm xúc vui cảm xúc buồn, cảm xúc của sân của hận của thù. Biết bao nhiêu luồng cảm xúc đó ta chấp chặt ta cho là đúng, người ta làm một chút xúi gì đó mà chạm tự ái cảm xúc dâng lên, ta cho người đó thực sự đang ghét đang hại đang làm này làm kia cho nên cảm xúc mới dồn dập như thế, còn ngược lại nếu cảm xúc vui sướng thì ngã vào vòng tay họ thương yêu, ôi họ thương yêu ta, cảm xúc thực sự nó lừa gạt ta nó không có thật. Trong thọ uẩn, Đức Phật dạy Ngài Quán Thế Âm nhìn thấy mọi cảm xúc đều là huyễn giả, nó không có thực nên Ngài không khổ và chúng ta đã không thấy cảm xúc là huyễn, ta cho là thật chính đó là gốc của khổ đau.

Từ cảm xúc đó nó gắn liền với tâm tưởng tượng gọi là tưởng thức, tâm tưởng, từ tâm thọ nó đi vào tâm tưởng đó. Tâm tưởng đó nó như anh đạo diễn vẽ vời như họa sĩ thêm màu thêm sắc, rối chẳng gỡ được, khổ càng khổ, thêm vui càng đắm đuối, khổ và vui đều chỉ là nguyên nhân cho những cảm xúc bất chợt tới rồi đi bởi các pháp đều vô thường nên khổ lại tới với chúng ta.

Từ đạo diễn của tâm tưởng đó nó liên kết với tâm hành, tâm hành của tư tưởng tâm hành của ngôn ngữ, tâm hành của hành động, ta tạm gọi là ba nhân viên phục vụ cho đạo diễn và ba nhân duyên đó chính là những tài tử diễn những vai tuyệt vời, hòa mình vào những gì đạo diễn của tâm tưởng. Tâm hành và tâm tưởng quay cuồng ta, ta lại cho là thật, người ta nói một câu chạm vào tự ái, cảm xúc dâng trào, ngồi tưởng tượng có ba đạo diễn của tư tưởng, lời nói, chân tay vung vẫy. Lời nói bắt đầu thô ác, suy nghĩ bắt đầu nghịch lý rồi. Đó, đạo diễn và những diễn viên bắt đầu tương tác để rồi nó quay thành phim vào tâm thức của chúng ta, chiêu ngược trở lại và ta nhìn người ta bằng cảm thọ. Cảm thọ vui ta yêu ta mến hết mình vì họ, cảm thọ buồn ta ghét ta đau. Cái vui, cái mến, cái buồn, cái đau nó cũng chỉ tới ngắn hạn trong một tích tắc rồi biến mất, và để lại gia tài thật lớn suốt đời mang theo đó là nỗi khổ của cuộc đời.

Trong cuộc sống, lấy ngay trong uẩn này để thấy rằng bao nhiêu rắc rối với tình nghĩa của cha mẹ và con cái cũng ở chỗ này đây. Chỉ một lời nói của cha mẹ tương tác với người con mà người con cảm thọ, tâm thọ cảm giác cảm xúc mà nghịch lý một chút xíu thì tự ái dâng trào ứ ở trên cổ, bắt đầu cãi, bắt đầu lí luận bắt đầu tranh giành, bắt đầu thương bắt đầu ghét, bắt đầu hận bắt đầu sầu, làm cho tình nghĩa giữa con cái và cha mẹ bất hòa. Giữa vợ chồng cũng thế, chấp chặt vào cảm xúc của mình, vợ đôi khi tạo tác một điều gì người chồng bị tự ái cảm xúc ra nặng đến mức mà như cột dây vào cổ rồi bó chặt vào cục đá thả xuống dòng sông chìm. Vậy mà không chịu gỡ ra để thoát lên cứ la ú ớ chửi mắng vợ. Ngược lại, vợ cũng có thể như vậy. Cuộc sống con người tương tác chúng ta chấp chặt vào cảm xúc rồi hòa mình vào sự tưởng tượng quá đáng làm cho chuyện quá lớn. Tâm như họa sĩ vẽ màu, vẽ sắc, vẽ rồng, vẽ rắn, để rồi còn thuê thêm ba người nữa là từ thân ngữ ý của tâm hành tác động vô. Trời ơi, xã hội loạn hết gia đình ly tán, vợ chồng ly thân, con cái chẳng hợp, xã hội thì luôn luôn chiến tranh. Bởi ta chấp vào năm uẩn này, chấp vào sắc thân này là thật, những cảm thọ, những tư tưởng của ta, những suy nghĩ lời nói của ta. Ta nói ra bao giờ ta cũng cảm nhận là đúng, ta không bao giờ chấp nhận ta nói sai. Ở đời mấy ai vỗ ngực ta đã sai, ta đã sai, và luôn luôn vỗ tay khen ta đã đúng ta đã đúng, chứ không nhận lỗi và cứ như thế ta khổ. Thế mà ta là người theo Phật, tụng kinh Tâm Kinh Bát Nhã Quán Thế Âm, quán chiếu ngũ uẩn là không nhưng ta lại đi ngược lại lời dạy của Ngài, ta cho ngũ uẩn là có để ta trầm luân trong biển khổ.

Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm Đức Phật dạy cho chúng ta cái thấy, cái thấy của chân tâm, cái thấy của chánh kiến, để biết rằng chân tâm thấy được tánh Phật là bất sanh diệt, bất cấu tịnh, bất tăng giảm, nhưng ta không thấy được đều đó. Ta thấy bằng vọng tâm, bằng vọng kiến, nên mờ mờ là chấp, chấp chặt vào đó, bám chặt vào đó luôn cho là có, thấy sơ sơ là ôm rồi là ấp rồi, là ủ để nó nở ra một rừng nấm, nấm độc giết hại người. Ta thấy bằng vọng tâm. Ta không thấy bằng chánh tâm. Ta thấy bằng vọng kiến. Ta không thấy bằng chánh kiến.

Trong Kinh A Hàm Dức Phật dạy năm người mù sờ voi để thể hiện rằng chúng ta chỉ thấy bằng vọng tâm, tức là con mắt mù lòa, nhưng thật vội vội vàng vàng, vơ đũa cả nắm diễn tả cả một bầu trời nhưng thật sự chỉ chạm vào một điểm trong hư không mà ngồi đó diễn tả cả tận hư không pháp giới, điên đảo mộng tưởng quay cuồng vọng tâm. Từ vọng tâm đi đến vọng ngữ, nói huyên thuyên thì nhập cốt, nhập đồng, nhập thánh, nhập phàm, nhập tà, nhập ma, nhập quỹ, nhập cả xuống địa ngục nói những lời hoang tưởng. Rồi đi đến vọng động, con người khùng điên, sống lắc lay trong những lề đường xó chợ của vọng kiến, của tâm chấp lầm tưởng trong vô minh. Năm người mù trong Kinh A Hàm nói: người sờ được cái vòi thì diễn tả con voi vội vàng lắm, diễn tả cả con voi như thế nào các bạn biết không như vòi nước. Người sờ vào được cái chân thì diễn tả con voi như cái trụ nhà cột nhà, người sờ vào cái tai diễn tả toàn bộ con voi như cái quạt lớn quá. Cứ như vậy chúng ta là những người mù chập choạng trong Kinh A Hàm sờ voi. Sờ voi nó còn lớn ta sờ vào những điểm va chạm vào trong sắc thân, trong cảm thọ cảm xúc phóng tác ra cho lớn trong tưởng tượng của ta để rồi đi đến sự vọng tâm vọng ngữ, ăn nói không đúng làm khổ đau cho người, thậm chí còn vọng động chân tay, đụng chạm làm cho người khác đổ máu gãy tay gãy chân đôi khi còn sát hại cả mạng người. Sát hại bằng vọng động, sát hại bằng vọng ngữ thô ác nghiêm trọng, sát hại bằng vọng tâm những tư tưởng nguyền rủa, chúng ta thường nghe lời nguyền chứ không phải là lời nguyện, mà là lời nguyền ngàn năm đen tối vô cùng. Ta giết người, giết người ở trong tâm tưởng của ta, giết người trong mộng nữa kìa, giết người đi giết người đi giết người trong mộng, mộng là mộng tưởng, tưởng tượng và ta phát ra những lời nguyền đen tối giết hại người phạm giới thứ nhất sát sanh, ta giết người bằng những ngôn ngữ thô ác thị phi đâm thọc phá hoại danh tiết danh tiếng phẩm giá của người, đó cũng là giết người bằng vọng ngữ. Vọng tâm đã giết người nguy hại từ đời này đến đời kia, vọng ngữ còn phá tan gia đình vợ chồng cha mẹ con cái gây ra chiến tranh giữa đất nước này và đất nước kia. “Nhất ngôn nhi khả dĩ hưng bang” một lời mà nói phù hợp thì đất nước được thái bình hưng thịnh, chỉ nửa lời mà nói không hợp tan nát cả đất nước. Trong cuộc sống cũng như thế, với gia đình cũng như vậy cha mẹ con cái vợ chồng những người thân một câu, một câu thôi nếu phù hợp hạnh phúc lắm, mà chỉ nửa câu thôi không phù hợp chấp chặt, thì khổ tới như núi lửa phun lên thiêu cháy cả cuộc đời.

Các bạn, còn giết người trong vọng động tức là chân tay run rẩy, đưa đến sự ác hại, gây đến những hành động, hành vi gây hại đến thân mạng của người khác. Ngày nay vọng động này không những giết người bằng cách xâm hại đến người khác, chuyện này hơi khó bởi bị bắt ngay. Nhưng ta giết người bắt đầu bằng năm ngón tay, năm ngón tay mượt mà, không phải là xanh xao bàn tay em năm ngón xanh xao, mà bàn tay em mười ngón nó múa máy trên những cái phím của máy vi tính, viết nên những lời nguy hiểm, phóng lên trên không trung chuyển tải xuống những mạng truyền thông gây hại cho muôn người. Vậy mà cứ tự hào bởi chấp kiến, bởi người đó có vọng tâm vọng kiến, cái nhìn của tâm vọng, tức là tâm mù mờ chính vì điều cố chấp. Bảo Thành có điều đó các bạn có điều đó, chúng ta là người lầm lỡ bao năm, nhưng nếu nhận ra điều đó, nhất định chúng ta phải theo chân mẹ Quán Thế Âm quán chiếu ngũ uẩn này đều là không, để giải thoát mình khỏi, không trở thành nhân tố tạo khổ cho ta và tạo khổ cho người.

Để thể nhập vào cuốn Kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy rời xa vọng kiến của vọng tâm, thể nhập vào chánh kiến của chân tâm. Một lời đơn giản dùng ngay Phật ngôn “Nam-Mô Ta-Mô Ta-Mô Đa-Ra-Hoang” để tăng thêm lực, sức mạnh, để giúp cho chúng ta nhìn thấu được trong năm uẩn là không. Vẫn biết xưa kia ta biết nhưng chưa đủ lực để nhìn rõ, thì mật ngôn số hai này giúp cho chúng ta nhìn vượt qua điều ta chưa thể nhìn, thấy được những điều ta chưa thể thấy, chạm vào những điều ta chưa thể chạm, để thấy nó là huyễn giả, nó là không. Để thấy vọng tâm nguy hại cỡ nào để thấy vọng kiến nguy hại cỡ nào, để trở về với nguồn chân tâm bất sanh diệt bất cấu tịnh bất tăng giảm, để hòa nhập vào với chánh kiến nhìn rõ vạn pháp vô thường sanh diệt từng giây phút, thấy rõ khổ đó, để không xây dựng ngã tướng dựa trên nền tảng của vọng kiến.

Các bạn, mật ngôn “Nam-Mô Ta-Mô Ta-Mô Đa-Ra-Hoang” có sức mạnh vi diệu để giúp cho chúng ta đi tới điều đó, đây là chỉ nói tới vấn đề chấp ngã thôi, chấp ngã là chấp vào sắc thân, chấp vào những cái tâm: tâm thọ, tâm tưởng, tâm hành, tâm thức. Nay nói đến chấp ngã mới nguy hiểm. Chấp ngã ta thấy nó là một hành động giết ta và giết người, còn đi đến chấp pháp thì nó càng nguy hiểm hơn. Chấp pháp là chấp vào những sự kiện, những lời nói, những suy nghĩ, những hành động, những kiến thức, những thành tích danh tiếng. Chúng ta chấp vào điều đó và không bao giờ rời bỏ nó. Lời ta nói là thánh nói. Lời ta nói là trời phán, không ai cãi được. Cãi là chết ngay, người ta mới gọi là nói như thánh. Đây là thuật ngữ hiện tại người trẻ hay xài: nói như thánh. Mà đúng vậy, ta cứ muốn nói như thánh thôi, là lời ta nói phải đúng một trăm phần trăm. Ai mà cãi là tiền trãm hậu tấu, giết ngay. Các bạn biết mà, ngày nay lời của ai nói cũng như thánh phán, thánh phán không được cãi chấp pháp vô cùng. Ta chấp vào bởi vì ta có những thành kiến, có những biên kiến có những tri kiến, có những định kiến, có tà kiến, ác kiến, và có những ý kiến loạn chiều không đúng chánh kiến. Những điều đó tạo nên trong nhà Phật gọi là Sở tri chướng. Tức là chấp vào những tri kiến của ta hạn hẹp mù mờ, gây ra chướng ngại. Không cảm thọ được pháp chân thật của chánh kiến, mà lầm tưởng trong vùng cảm thọ của ngũ uẩn đắm chìm trong vô minh.

Các bạn, trong Kinh có nói về những điều này thật là sâu sắc, như có một nhà học giả cao thâm muốn đi tới một vị Thiền sư học để được khai thị. Vị Thiền sư ngồi xuống đặt tách trà ở cái bàn rồi rót nước vào ly trà. Khi người học giả kia hỏi người Thiền sư về những điều mênh mông vô tận để Thiền sư giải thích. Nhưng vị Thiền sư cứ đổ nước vào tách trà cho đến nó đầy tràn ra. Vị học giả mới hỏi vị thiền sư: sao Ngài cứ đổ nước vào ly làm chi nó đầy tràn rồi. Vị Thiền sư nói rằng: Kiến thức của người đầy quá làm sao lời của tôi nói có thể lọt vào trong tâm. Chấp pháp, chúng ta đã chấp vào khả năng suy đoán, kiến thức sở học, hành động, ngôn ngữ, và tôn bản ngã quá cao. Để từ đó vợ nói gì ta cũng cho là sai. Để từ đó chồng nói gì ta cũng cho là chống đối. Và rồi cha mẹ con cái bạn bè, con người với con người, ngay cả đi ra đường ta thấy cái cây nó còn trái mắt chướng tai gai mắt, đốn xuống làm củi. Bị cấm đoán nên mới có chuyện là phá rừng phá làng phá xóm phá quốc gia, phá tình thân, phá hết hạnh phúc, để đưa đến khổ cho nhau, bởi ta chấp chặt vào ngã, cái tôi. Mà cái ngã, cái tôi đó nó vô thường sanh diệt, đó là nguồn gốc của khổ. Chúng ta cứ chấp chặt vào như vậy đã bao nhiêu đời. Ta không bao giờ chịu buông bỏ dù nó là sai, ta cũng không bỏ. Ta biết nó sai nhưng ta không buông. Ta chửi vợ, biết là ta đang chửi sai, nhưng ta không buông, bởi ta là gia trưởng, là người lớn chủ gia đình. Ta chửi chồng, ta biết sai nhưng mà ta không có nhìn, không có nhìn quanh nhìn dọc, không có nhường nhịn bởi vì ta là vợ, vợ chúa chồng tôi. Chúng ta cứ đặt mình vào những vai quá lớn như ông trời để phán xét đày đọa người khác, thấy sai mà không bao giờ bỏ chấp chặt vào đó.

Có hai người đi vào rừng để đốn củi, ai cũng đốn và khoảng chừng 5 – 6 tiếng, bó củi thật lớn vác trên vai đi về. Đi giữa đường họ thấy một cái cây có trầm. Họ biết củi giá trị chẳng bao nhiêu. Anh thứ nhất quăng bó củi thật lớn xuống rồi lấy cái búa (cái rìu) đục đẽo một hồi vác một cục trầm bỏ lên trên vai, bỏ gỗ vác trầm. Anh kia cũng biết giá trị của trầm là rất mắc, mắc gấp trăm gấp ngàn lần đối với bó củi thật lớn nhưng không bỏ củi để lấy trầm bởi vì anh ta chấp rằng từ sáng sớm mình đã khăn gói lên đường ăn uống và dừng đốn củi đến 5 tiếng đồng hồ được bó củi lớn ôm tới đoạn đường này gần về tới nhà rồi làm sao có thể bỏ được bó củi này để ôm cục trầm kia, vẫn biết giá trị của cục trầm hàng trăm hàng ngàn lần lớn hơn bó củi nhưng chấp chặt vào công lao và sức của mình chẳng chịu bỏ.

Đời là như thế, ta thấy được chân lý của Phật như cục trầm đáng giá hàng ngàn, hàng trăm ngàn lần đối với công sức mài mòn tuổi trẻ, tích trữ những kiến thức ngôn ngữ lời dạy giáo điều sơ sài mù quáng của phàm nhân, thấy không đúng thấy không lợi mà không muốn bỏ. Bởi vì ta đã bỏ công quá nhiều để có được điều đó. Đó, Bảo Thành bị vướng, các bạn bị vướng, bởi vì ta học nhiều thứ quá, rồi đến khi tìm được cục trầm cây trầm tìm được chân lý của Đức Phật ta không muốn bỏ những  kiến thức, những học thức, những kinh nghiệm của ta. Ngay cách ăn, cách nói, ta thấy sai ta không sửa, bởi ta đã thu lượm được ở trong đời. Lời của Phật dạy ái ngữ ta chẳng màng nghĩ tới, nghĩ sơ sơ như vậy thì ta chẳng khác gì như hai người bạn lên rừng đốn củi, một người thấy trầm bỏ củi, còn một người chẳng màng đến trầm ôm bó củi về nhà bởi công lao quá mệt từ sáng đến giờ. Chúng ta sợ bỏ đi những gì chúng ta tìm, ta nghiên cứu, ta học, bởi ta nghĩ rằng ta học được năm năm, mười năm, hai chục năm mà bỏ đi, ta còn có gì nữa. Nhưng nhớ, bỏ củi lấy trầm giá trị vô cùng. Ta sợ bỏ kiến thức của mình thu lượm mấy mươi năm qua. Ta sợ bỏ pháp môn mình tu học mấy đời qua. Ta sợ bỏ kinh sách ta học ta tu thầy này thầy kia, nhưng nhớ rằng, các pháp môn giác ngộ của Phật chẳng phân biệt thầy, chẳng phân biệt pháp môn, chẳng phân biệt tôn giáo, con người, dân tộc, quốc độ chúng sanh.

Chân lý không phân biệt, chỉ có tâm chấp chặt vào những điều ta đã thâu lượm được trong thế gian chẳng muốn bỏ, như những người bạn đốn củi trên rừng, vác trên người một bó thật là nặng, thật là nhiều công sức sớm hôm mới có được, sao có thể bỏ. Sao có thể bỏ những điều ta đã có, ta đã học của vị này vị kia, pháp môn này pháp môn kia. Ôm vào như bó củi, vẫn biết cây trầm hương giá cao hơn. Vẫn biết pháp môn của chư Phật con đường tu tập hiện tại ta thấy nó quý như trầm có giá trị thật nhiều, vậy mà cũng chẳng chịu bỏ. Từ đó trong gia đình vợ vợ chồng chồng lấn cấn với nhau hoài, là bởi vì ai cũng chấp chặt vào cách đối xử, cách đối ứng, con cái với cha mẹ, xã hội với con người, chấp chặt vào những điều ta nói, chấp vào tâm chấp, vào sắc thân, chấp pháp chấp ngã, chấp chặt bởi ta không thấy rõ, đây chính là nguồn gốc của khổ đau. Tham chấp dễ sân và đau khổ vô cùng. Ta phải làm sao đây. Các bạn, chỉ vì các bạn và Bảo Thành không nhìn rõ giá trị của trầm hương và các bạn đã chất đống vào trong đầu của mình quá đầy như vị học giả tới hỏi Thiền sư, và các bạn đã ôm ấp quá nhiều, nhét vào con mắt đến mờ, mù lòa đi tới sự vô minh như năm người mù sờ voi chập choạng.

Kinh A Hàm, Tâm Kinh Bát Nhã, Thủ Lăng Nghiêm dạy thật rõ chánh kiến, chứ không phải cái thấy của vọng kiến vọng tâm. Hòa nhập vào với chân tâm để thấy được bằng chánh kiến là con đường ta luôn hướng đến. Luôn chánh niệm hơi thở từ bi quán, quán tâm từ bi. Từ bi quán là pháp hành của Ngài Quan Thế Âm để thấy rõ được ngũ uẩn giai không qua cái nhìn của mật ngôn “Nam-Mô Ta-Mô Ta-Mô Đa-Ra-Hoang”, để thấu suốt như hai người vào rừng đốn củi. Nam-Mô Ta-Mô Ta-Mô Đa-Ra-Hoang có pháp vi diệu như người thứ nhất, thấy được giá trị của đống củi, to nhưng không thể bằng giá trị của một cục trầm, cho nên sẵn sàng bỏ công sức đốn củi và lấy cục trầm kia mang về.

Mật ngôn Nam-Mô Ta-Mô Ta-Mô Đa-Ra-Hoang cho ta thấy được cái nhìn viên giác, viên thông dung tuệ với Phật, trợ lực cho ta thấy, xóa tan đi vô minh không còn mù lòa để thấy được giá trị, để sẵn sàng bỏ bỏ, người thấy rõ sẽ sẵn sàng buông. Bởi thấy rõ, hiểu rõ, biết rõ, sẽ buông, sẽ xả, để bước vào một ngưỡng cửa mới thênh thang nhẹ nhàng. Bởi hiểu không thể xây dựng bản ngã của mình dựa trên vọng kiến vọng tâm mà xây dựng niết bàn ngay ở trong chánh kiến nhìn rõ vạn pháp hư không.

Các bạn, vô minh tạo ra khổ, bởi vô minh là nguồn gốc của khổ. Mà vô minh thì mù lòa đen tối, không thấy đường cho nên nói gọn trong cuộc đời của mỗi người. Chấp tạo ra khổ, chấp vào lời ăn tiếng nói, chấp vào suy nghĩ hành động, chấp vào công việc, chấp vào thân tướng, chấp vào tất cả. Hai người bạn thật thân, chỉ một hôm làm điều sai, chấp chặt vào điều đó sẵn sàng bỏ nhau. Hai vợ chồng thật thương nhau, có bầy con đó, nhưng mà vì chấp thôi, sẵn sàng ly thân đi tới ly dị. Con cái với cha mẹ cũng vậy, chấp vào những điều này điều kia, bởi vì xúc chạm đến cảm xúc, để dâng trào tự ái, tự ái dâng trào ngập lên tới cổ, con cái từ bỏ cha mẹ, cha mẹ ly luôn với con cái, bỏ luôn. Chấp gây ra chiến tranh đau khổ, chấp là nguồn gốc khổ đau.

Để phá chấp, ta phải có cái nhìn như anh đốn củi thứ nhất, thấy được giá trị, thấy được chấp vào bó củi thì sẽ mệt sẽ khổ mà giá trị thì chẳng bao nhiêu nhưng buông được điều đó lấy được cục trầm sẽ thăng hoa đời sống, như trầm hương dâng khắp mười phương. Chúng ta trong cuộc sống phải đi vào chân tâm của chánh niệm, hơi thở quán từ bi và thẩm nhập vào tánh thấy biết, thực tướng của vạn pháp của “Nam-Mô Ta-Mô Ta-Mô Đa-Ra-Hoang”, đây là tánh thấy của Lăng Nghiêm tánh thấy của chân tâm, tánh thấy của chánh kiến. Nếu không có chánh kiến này ta lầm vào vọng tâm, như mắt bị mờ, bị vọng tưởng, rồi đi đến vọng ngữ, vọng động, tạo nên những điều huyễn hoặc, chấp vào những điều vô thường là có, để rồi cứ khổ mãi khổ mãi gia đình tan nát, bạn bè không còn và rồi kết của cuộc đời ta là gì ta khổ rồi lại khổ rồi lại khổ tam đồ khổ mở cửa chờ ta.

Các bạn, hôm nay ta thấy được giá trị của mật ngôn Nam-Mô Ta-Mô Ta-Mô Đa-Ra-Hoang là một pháp thấy cho thật rõ thực tướng của các pháp đều vô thường gây ra khổ. Thấy hôm nay là thấy rõ nguồn gốc khổ đau từ vô minh tạo ra chấp. Chấp trong sắc pháp thân tướng này, chấp trong những tâm thọ, tâm tưởng, tâm hành, và tâm thức của chúng ta, chấp ở trong vọng tâm mù lòa để tạo ra những cái nhìn sai trái, vọng kiến, mà rời xa chánh kiến không đi vào chân tâm. “Nam-Mô Ta-Mô Ta-Mô Đa-Ra-Hoang” có sức mạnh vi diệu để làm cho thẩm nhập năng lượng từ bi của chư Phật do chánh niệm hơi thở quán chiếu đại từ đó, đại bi đó, phát huy được, để chúng ta đi trở về thể nhập vào với chân tâm, để có một cái thấy của chánh kiến không còn vọng, để chúng ta biết buông bó củi ngàn đời ta đã cất trong những ác nghiệp tạo ra, vác mãi trong cuộc đời, để tái sanh. Hãy ôm cục trầm quý giá này để tái sanh với trầm hương của Giới của Định và của Huệ. Thật nhẹ nhàng, đau khổ sẽ đoạn diệt từ khi ta thẩm được qua mật ngôn số hai, chuyên chú tu tập qua cái nhìn của ánh mắt từ bi, qua hơi thở của chánh niệm, nhìn thấu được nguồn gốc của khổ đau. Bạn sẽ hạnh phúc, gia đình của bạn sẽ hạnh phúc. Chòm xóm sống chung với bạn sẽ hạnh phúc, bạn bè sẽ vui tươi. Muôn sự ở đời xảy ra ta nhìn thấu bằng chánh kiến, để tình nghĩa luôn luôn còn mãi trong tâm của người con Phật tại gia.

Các bạn hãy đặt bàn tay phải là bàn tay trí tuệ vào lòng bàn tay trái bàn tay từ bi chúng ta vận hành bảy biến vi diệu âm:

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì Phật lực để chúng con thấy rõ nguồn gốc khổ đau, hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm trì mật chú: “Mu A Mu Sa”; “Nam Mô Ta Mô Ta Mô Đa Ra Hoang”.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con quán chiếu để thấy rõ nguồn gốc của khổ đau, hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm trì mật chú: “Mu A Mu Sa”; “Nam Mô Ta Mô Ta Mô Đa Ra Hoang”.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con quán chiếu thấy được rõ nguồn gốc khổ đau, hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm trì mật chú:

Mu A Mu Sa. Nam Mô Ta Mô Ta Mô Đa Ra Hoang (7 biến)

Các bạn, do vọng tâm vọng kiến, tâm của ta vọng, tức là mờ mù thiếu hiểu biết và rồi làm cho ta càng nhìn mờ hơn. Như người thở hơi che kín kiếng của xe, càng thở mạnh càng bị che phủ mù sương của hơi thở, chẳng nhìn mà lại bấm ga cho tốc độ xe phóng về phía trước nguy hại. Lời của ta nói, biết sai thì sửa sai, đâu sửa đó. Thấy bó củi to thật năm tiếng đốn được, nhưng nhớ cục trầm có giá trị hơn. Thấy được giá trị của tình thương nơi gia đình cha mẹ, vợ chồng con và mọi người trên thế gian. Ta sẵn sàng bỏ đi bản ngã, cái tôi, không còn chấp vào bản ngã, không còn chấp vào cái tôi không còn chấp vào cái tâm, tâm thọ tưởng hành thức, không chấp vào sắc thân, cũng chẳng chấp vào những kiến thức vùng miền, kinh nghiệm tài danh, quyền lực sức mạnh, điều ta có.

Các bạn, khi chấp vào như vậy nó tạo thành sở tri chướng, tức là sở tri kiến thức thuộc về ta, ta tìm được, tạo thành chướng ngại, mà ta không biết phá vỡ cái ta, để hòa mình vào cái của chúng ta. Vợ chồng đang sống chung mà sống chung không còn là chồng, chẳng còn là vợ, mà là gia đình, cha mẹ đang sống chung với con cái không còn, chỉ là cha mẹ là vua, thái thượng hoàng con cái là phải nghe mà là sống chung một gia đình giữa con cái, có sự tương tác trong hiểu biết. Dù là cha mẹ có khối kiến thức lớn con cái chưa có, chúng ta cũng đừng ôm chấp vào điều đó. Thông thường các con nhỏ dại các con có biết gì đâu. Câu đó chúng ta làm cho con tổn thương. Còn con cái thì nói cha mẹ rằng ôi cũ rồi già rồi phong kiến rồi lại làm đau lòng cho cha mẹ. Cứ trên thì thả bom xuống dưới, dưới thì bắn hỏa tiễn đi lên, gia đình tán loạn hết.

 Ta thấy gì ta thấy gì trong đời hả em
 Thấy mồ sâu ba thước chôn thân
 Hay thấy cành hoa thấy cành hoa vươn lên từ bùn lầy.
 Thấy gì em ơi em thấy gì
 Hãy ngồi xuống hít vào và thở ra
 Để cùng với ta chánh niệm một thời
 Thấy búp sen tươi đang nở giữa lòng đời
 Thấy được mẹ, thấy được cha thấy vợ chồng con cái
 Thấy người thân đang vươn lên từ tội lỗi sai lầm
 Thấy được ta chấp nhứt quá nhiều
 Để buông để bỏ để sửa một đời ta tu”

Chúng ta chấp quá chấp, chấp vào vọng kiến để tâm bị vọng, tạo thành vọng tưởng vọng ngữ mất hay, tạo thành vọng động gây chiến tranh. Ta quá vội vàng như người mù nghe sơ sơ câu chuyện là đạo diễn của tâm tưởng vẽ lên vời vợi vời vợi thành những cuốn sách dày cộm cả hàng ngàn trang, kết án phê phán chửi bới lung tung ở trên miệng vọng ngữ, ở trên tay vọng động, ở trên đầu vọng tâm. Có, Bảo Thành đã sa đọa vào con đường đó quá nhiều, chắc chắn các bạn không khác gì Bảo Thành, chúng ta đều bị sa đọa vào điều đó quá, quá vội vàng, vội vội vàng vàng nhảy vào như anh hùng cứu mỹ nhân. Chuyện nghe chưa rõ chưa tỏ chưa tường sơ sơ một chữ khuếch trương lên một đống, khống lên cả một núi, muốn cứu cả thiên hạ. Anh hùng cứu mỹ nhân mà kiểu đó ở trong giang hồ có nhiều, ta học đạo đâu phải giang hồ mà anh hùng cứu mỹ nhân. Ta phải dũng cảm cứu lấy chính ta.

Bảo Thành và các bạn đã đến thời phải dũng cảm lên chấp nhận lỗi lầm của mình đã chấp chặt vào những điều ta cho là của ta, là công lao cả bao nhiêu kiếp qua, bao nhiêu năm qua, bao nhiêu ngày tháng qua ta học được, ta tìm được, ta vác lên trên ở trong tâm tưởng. Như anh chàng đốn củi năm tiếng đốn được bó củi lớn bỏ sao được, thôi kệ nó, trầm có giá trị cũng chẳng màng tiếc công lao. Chúng ta tiếc gì? tiếc gì để rồi phá vỡ hạnh phúc của gia đình giữa cha mẹ và con cái. Chúng ta tiếc gì, tiếc gì cho tình vợ chồng không còn, chúng ta tiếc gì để cho tình bạn tình nhân loại tình pháp lữ đồng hành tình đồng môn, tình đồng lưu tình con người bị phá vỡ. Chấp gì chấp vào cái tôi, chấp vào cái nhìn mù lòa như kẻ mù trong kinh A Hàm, dồn vào thật nhiều như học giả tới hỏi Thiền sư làm sao Thiền sư có thể nói được nữa. Chấp như anh đốn củi thứ hai chẳng muốn bỏ, ta phải có một cái nhìn viên dung thấy giá trị tuyệt đối của những điều ta đang tiếp cận để biết từ bỏ. Sai đâu sửa đó, sai đâu bỏ đó, tái tạo lại cuộc đời bằng chân tâm, với cái nhìn của chánh kiến. Đừng lao mình vào trong vọng tâm để đắm đuối tạo tác trong vọng kiến, để gây ra đau khổ cho muôn người. Hạnh phúc ở đâu? hạnh phúc là đây trong chánh niệm hơi thở từ bi quán. Hạnh phúc từ đâu? hạnh phúc từ chỗ nhận ra bản ngã chấp chặt buông bỏ. Và hạnh phúc tới từ chỗ ta thấy rõ được nguồn gốc của khổ đau tới từ vô minh, tới từ chấp, chấp vào sắc tướng của pháp thân, chấp vào tâm ngã của cảm thọ của tưởng của hành của thức, chấp vào các pháp của kiến thức, của thành kiến, của định kiến, của biên kiến, tri kiến, của tà kiến, của ác kiến, của những thường kiến của những điều gì ta nhìn, ta thấy, ta muốn, ta yêu, ta thích, ta ôm vào và ta cho rằng ta đã thấy.

Hãy đặt bàn tay trí tuệ vào lòng bàn tay từ bi chúng ta vận hành bảy biến vi diệu âm:

Thưa Phật, chúng con đã thấy được nguồn gốc của khổ đau là vô minh là chấp. Chấp ngã, chấp vào sắc thân, chấp vào ngũ uẩn, chấp vào các pháp, để từ đó sanh ra vọng kiến gây ra khổ đau. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quan chiếu thân tâm trì mật chú: “Mu A Mu Sa”; “Nam Mô Ta Mô Ta Mô Đa Ra Hoang”

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn