Search

Bài 2001: Giác Ngộ Vô Thường – Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi. Mời các bạn quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Mời các bạn đặt bàn tay Trí Tuệ và bàn tay Từ Bi vào với nhau để chúng ta bắt đầu 7 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Chúng ta đã học và đã biết nên bây giờ sau khi chúng ta trì Mu A Mu Sa, chúng ta lấy hơi vào và tiếp tục trì NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

“Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con quán chiếu thật sâu Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng, phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật!

Các bạn thân mến! Hôm nay, chúng ta đã trọn vẹn một năm và bắt đầu qua mật chú số 2 trong Thất Bảo Huyền Môn, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có nghĩa rằng chúng con nguyện xin Chư Phật gia hộ để chúng con quán chiếu thật sâu vào các Pháp Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn. Câu này mang ý nghĩa trọn vẹn như vậy để khi chúng ta nương vào câu số 1 Mu A Mu Sa, có nghĩa nương vào tình thương của Chư Phật, tha lực đại Từ đại Bi của mười phương Chư Phật giúp cho chúng ta bình tĩnh, an yên tự tại để nhìn và hiểu thấu được các Pháp ở trên đời này Vô Thường, các Pháp ở trên đời này vì vô thường tạo ra khổ và tất cả các Pháp đều Vô Ngã. Từ đó có thể trở về với nguồn an vui, chứng đắc trong sự hanh thông của tâm không dính mắc gọi là cảnh giới Niết Bàn tại thế. Cho nên, khi chúng ta phát nguyện như vậy, rồi chúng ta trì mật chú tăng thêm sự hiểu biết, tịch tĩnh. Mật ngôn số 2 không khác gì cặp kính ta đeo vào để có cơ hội nhìn rõ hơn khi con mắt đã mờ, đã già yếu bởi tuổi đời đã trôi qua. Với bao nhiêu kiếp lăn trôi trong dòng đời, trong những chấp trược, kiến trược của con người tích lũy được, đôi mắt Trí Tuệ bị mù, bị mờ, khả năng Thấy, Biết của Vô Thường hình như tới lui chẳng cố định, ta nhìn không thấu, từ đó không hiểu và cứ bị đau khổ mãi. Nay tới với bác sĩ Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni để khám đôi mắt trần gian, thấy mù loà trong kiến trược nên trao tặng cho chúng ta cặp kính để biến đôi mắt có độ nhìn tầm hai mươi, hai mươi để nhìn rõ Vạn Pháp Vô Thường sanh – diệt, để chúng ta từ đó không vướng vào những nỗi khổ của những chuyện đã qua.

Các bạn! Ở cuộc đời này, tất cả những gì ta thấy, với con mắt của phàm phu, sự hiểu biết của chúng ta luôn nghĩ rằng nó sẽ tồn tại mãi trong năm tháng cùng với ta. Bởi thực ra, nếu trong kiếp nhân sinh thì mấy ai được những bậc bên trên như cha mẹ, ông bà nhắc cho tuổi còn trẻ mới học rằng: “Con ơi! Vạn Pháp Vô Thường.” Câu đó hiếm gặp trong đời. Rồi hình như cha mẹ cũng thương, nhưng chẳng bao giờ nhắc nhở cho chúng ta sự sống sẽ trôi qua, nay khỏe mai yếu, nay sống mai chết bởi hình như những điều đó kiêng cữ, đến mức cả cuộc đời làm cha mẹ ít có ai nhắc đến cho con cái, và thường chắp cánh cho bay lên những ước mơ cao đẹp và tưởng chừng như cuộc đời dài vô tận, và kéo mãi đến vô hạn để rồi cho đứa trẻ sinh ra và sống trong niềm kiêu hãnh, bay mãi, không bao giờ nghĩ đến một ngày đôi cánh kia sẽ mỏi và lông sẽ rụng, để rồi rớt trên độ cao đang bay đó, té xuống vực sâu đau khổ.

Với chủ đề: “Giác Ngộ Vô Thường” trong đề mục của câu số 2 khi nói tới chữ “giác ngộ” ta hoảng hốt. Trời đất! Giác ngộ có lẽ phải là một điều gì cao siêu lắm, liệu rằng mỗi một con người chúng ta có giác ngộ được hay không? Có lẽ phiên bản của ý nghĩa “giác ngộ” nó nằm xa tầm tay của mỗi người chúng ta, ý nghĩa mà đặt vào hai chữ “giác ngộ” này nó cao và chồng chéo nhau ngất ngất tới đỉnh trời, để rồi phận làm người mấy ai dám mơ tưởng đạt được sự Giác Ngộ đó. Thôi ý nghĩa “giác ngộ” cao siêu đó để cho những nhà triết học Phật giáo, những nhà thông mẫn ngôn ngữ của Phật học họ tuần tự ngồi xuống, diễn giải qua nhiều trang sách dọc theo chiều dài của lịch sử nhân loại. Còn chúng ta với thân phận Phật tử tại gia bận rộn sớm hôm, chắc có lẽ cũng chẳng có giây phút nào mà ngồi diễn giải, lý luận. Nhưng nhất định trong cuộc sống bình thường của mỗi con người, chữ “giác ngộ” đã được ủi bằng phẳng theo tầm nhìn hiểu rộng, ngắn vừa đủ để cho người tầm thường như Bảo Thành và các bạn hiểu “giác ngộ” gọn ở chỗ là hiểu thấu và hành được, hiểu thấu để hành được. Hiểu cho đơn giản để dễ hành. Hiểu cầu kỳ quá hóa thành ma bay bổng ở cõi trời không tưởng. Hiểu cho đơn giản để hành được như người Phật tử chúng ta là được.

Giác ngộ hiểu thấu để hành, sự hiểu thấu để hành như người Mẹ dạy cho con nấu cơm, ta hiểu thấu được phương thức nấu cơm, ta hiểu được gạo là gì, nước là gì, lửa là gì, đun nấu như thế nào để được một nồi cơm ăn no, đó chính là Giác Ngộ. Ý nghĩa “giác ngộ” có vậy thôi. Các bạn đừng như những người dệt vải, dệt cho dài ra rồi thêm màu, thêm sắc, thêm lụa là để rồi thành những tấm vải màu sắc. Chúng ta cũng không cần trở thành những nhà văn để nghĩ ngông nghênh, ngang dọc, cao thấp để tăng cấp cho hai chữ “giác ngộ” đến tuyệt đỉnh võ lâm. Ta cũng chẳng cần phải biến mình thành nhà triết học để phân tích để rồi đi đến sự chì chiết lẫn nhau bởi hiểu và không. Đơn giản như người con theo Mẹ học nấu cơm, đó là ý nghĩa “giác ngộ”, nhìn thấy Mẹ dạy và hướng dẫn cách nấu để giác ngộ được phương thức nấu cơm, nấu cho ta ăn. Chữ “Giác Ngộ Vô Thường” là chúng ta hãy nhìn vào vòng xoáy của cuộc đời để nhận thấu và hiểu biết được Vô Thường sanh– diệt trong từng giây phút để chúng ta hành xử trong cuộc đời này, liễu ngộ để ứng dụng vào cuộc đời để bớt khổ, chưa nói hết khổ nhưng bớt khổ, bớt phiền não nha các bạn.

Mới hôm qua Bảo Thành vẫn còn khỏe lắm! Hôm nay có lẽ vì chủ nhật Phật tử tới thắp hương trong Chùa nhiều, mà hình như thời gian gần đây Bảo Thành ngửi mùi nhang là bị chảy nước mũi. Xin lỗi các bạn! Con người hồi xưa thì khỏe, Bảo Thành khỏe lắm, hương khói nghi ngút ngập ở trong Chùa, mặc dù trong Chùa có quạt hút ra, nhưng hình như hôm qua các Sư Cô quên, cho nên hương khói của nhang đèn còn đây, mới ngồi vào là đã thấy khó chịu rồi. Và Bảo Thành mới nói với các Cô rằng: “Thôi! Nhà ở bên Mỹ đóng kín đốt hương nhang nhiều quên bật máy hút, nên cất bớt đi, bởi vì mình ngồi đây mình ngửi nhiều cũng đã sặc mũi rồi, Chư Phật ở trên cao mà ngửi hương khói chắc cũng bị ung thư.

Nhận ra cuộc sống Vô Thường, yếu khỏe, còn đó mất đó, đau khổ và hạnh phúc, vui và buồn, sanh và diệt lẫn lộn trong cuộc đời, cũng như thấy được điều đó để ngăn chặn những gì làm cho ta khổ, thấy hương khói tạo ra chảy nước mũi, mình chỉ cần rời xa nhang đèn đi chỗ khác, đừng đốt nữa. Và hôm nay ta đã hiểu khói của nhang đèn chế tạo bởi mạt cưa và những chất tẩm hương vị hoá học, gây ra bệnh và làm cho dị ứng cơ thể, ta chỉ cần dời đi là khỏe ngay và rồi cơ thể sẽ tốt. Thấy được sự Vô Thường sanh – diệt trong dòng đời đó để chúng ta rời xa chấp vào nhang đèn, đốt mãi sinh bệnh mà không biết lại đổ thừa lễ Phật rồi bệnh. Hiểu rõ được nguyên nhân của bệnh bởi do nhang đèn ta đốt đó là Nhân Quả. Ta không bám vào nhang, hương khói nữa mà ta lấy Giới hương, Định hương, Huệ hương để thắp lên mà dâng cho Phật chứ không cần phải lấy mạt cưa đắp vào với đất sét trộn lẫn với hương liệu để dâng lên cho Phật.

Các bạn thân mến! “Giác Ngộ Vô Thường” là hiểu thấu Vô Thường để bớt khổ. Ở trên đời này không ai có thể tắm hai lần cùng một dòng sông, đó là cách nói ở đời, bởi thấy dòng sông nước chảy trong nước, nước ở trong nước, nước luân lưu chảy mãi dù cũng đoạn sông đó, ở trên dòng sông đó, cũng ở chỗ đó, thậm chí mỗi ngày ta tắm ở đó cũng không phải là ta tắm cùng một dòng sông. Bởi dòng chảy chảy mãi vô tận chẳng dừng và ta chẳng thể cứ giữ lại dòng sông đó. Dòng sông của tuổi thơ, dòng sông của tuổi mộng mơ, dòng sông của biết bao những điều ta còn đặt để kỉ niệm của một thời quá khứ có những kí ức đẹp, đó chỉ là hoài niệm mà thôi. Phật dạy tất cả các Pháp đều Vô Thường sanh –  diệt trong từng phút, nếu níu kéo là chấp trược, dính vào thì trở thành u mê gây ra đau khổ, nếu hiểu thấu nó đi là sẽ đi mãi theo dòng thời gian, thời gian không bao giờ dừng. Dòng đời không bao giờ ngừng để chờ, mỗi một giây phút Chánh Niệm ta tận hưởng được sự an lạc trong hơi thở, giây phút đấy ta gọi là Giác Ngộ được Vô Thường. Nếu hiểu thấu thì chẳng tích lũy những cảm xúc đau khổ để đưa vào Tâm thức tàng chứa mà chúng ta mang sự an lạc, hạnh phúc đi vào trong tâm của chúng ta.

Có lẽ Phật giáo ngày nay văn hoa, ngữ nghĩa quá cao siêu để suốt cuộc đời của những người xuất gia hay tại gia, ta đào bới trong những đống chất chồng ý nghĩa người đời đặt để, đến khi già nua rồi cũng chưa hết được, chưa thấu được nghĩa, mà yếu chẳng còn thời gian để thực hành. Chữ “Giác Ngộ Vô Thường” ngày hôm nay, chúng ta trong cảnh giới của Phật tử tại gia, người mà đi làm lụng từ sáng cho tới tối, bận rộn, không có ngừng nghỉ tay chân, thậm chí có nhiều Phật tử vì sinh kế của cuộc sống đi làm còn không có giờ ăn, lấy đâu đó mà ngồi bào mòn cho những ngôn từ dày cộm, ý nghĩa.

“Giác Ngộ Vô Thường” đơn giản chỉ là một thuật ngữ nói rằng hiểu thấu cái gì qua sẽ không trở lại, để đừng bám víu, mà hãy sống với hiện tại Chánh Niệm để được an lạc và hạnh phúc. Đơn giản!

Nếu các bạn muốn trở thành những nhà Phật học, những học thuật cao siêu, ta có thể lấy những lớp đó để bào mòn tuổi thơ, giết chết luôn cả tuổi già để hiểu. Nhưng nếu các bạn gọn gàng, chỉ muốn ứng dụng để có hạnh phúc trong cuộc sống thì Giác Ngộ Vô Thường đơn giản chỉ có vậy.

Mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có sự liên kết giữa ta và tình thương của Chư Phật để ấm lòng người trần gian bận rộn, để được sưởi ấm bằng tình thương, để tâm được tịnh và con mắt Trí Tuệ hé mở để ta nhìn rõ được những sự Vô Thường trong cuộc đời. Để thấu rằng sự Vô Thường ra đi chẳng còn, ta bám víu đó thì khổ vẫn luôn ở với chúng ta, để rồi chúng ta buông đi Vô Thường là chuyện đã đi qua, hiểu thấu chuyện đang đây rồi cũng sẽ qua, để cho chuyện tới lui, qua lại trong cuộc đời, ta chỉ gạn lọc năng lượng tình thương và tình yêu cao quý để mang vào trong tâm mà thôi. Ta chưa đạt đến khả năng tâm chưa dính mắc, bởi vậy nếu tâm còn dính mắc, hãy để dính vào với năng lượng Từ Bi hơn là dính vào những năng lượng tiêu cực. Đó là sự lựa chọn của những con người như Bảo Thành và các bạn.

Đừng chạy mãi theo ý nghĩa của ngôn ngữ để đắm chìm trong văn tự mà quên mất thực hành, chẳng mang lại lợi ích. Hãy để dành những điều đó cho những Bậc cao học. Chúng ta học thấp, ngồi cũng thấp, ở trên nền nhà của Chùa, đâu có ngồi trên ghế cao đâu, cho nên hãy nhìn tầm bằng phẳng cùng với nhau, nhìn trực diện vào những chuyện tới và lui, chẳng bao giờ còn mãi để hiện diện ngay trong giây phút đang có đây, sống thấm đượm tình thương chan hòa với nhau bằng sự quan tâm một cách thật lòng là đủ có hạnh phúc rồi!

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có sức mạnh giúp tâm chúng ta trụ lại, năng lượng của tình thương có năng lượng siêu nhiên, bởi gắn kết với tình thương Chư Phật mà tâm ta được an, được bình tĩnh để rồi nhìn thật rõ trên dòng ngược xuôi của cuộc đời mà không lăn xả, níu kéo, bám giữ. Cho nên, khi các bạn hít vào thở ra, trì niệm mật chú Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là các bạn đã tới thời tưới tẩm năng lượng tình thương vào để con mắt Trí Tuệ hé mở ra từ từ, nhìn thấu tất cả Vạn Pháp, tất cả mọi sự trong dòng đời tới lui không bao giờ dừng lại ở nơi những điều ta thích thú mãi mãi.

Người đó mới tới hôm qua mặt mày hớn hở vui tươi, chào cười, hôm nay đã ngoảnh mặt rồi, nhìn ra một đống, ngôi mồ đã xanh. Tự nhiên các bạn, nhưng chẳng phải dễ đâu! Cả một kiếp người vẫn mang theo một khối sầu đè nặng bởi vương vấn một người quen, một người thân đã chết vĩnh viễn. Tất cả những cảm xúc đó không dễ gì chúng ta có thể tránh xa, nếu không ý thức được rằng theo như lời Phật, những suy nghĩ của ta nó cũng vô thường. Hôm qua nghĩ như vậy là đúng, một chút nữa nghĩ như vậy là sai. Sức khỏe của chúng ta cũng vô thường, mới khỏe rồi ốm, mới vui rồi buồn, mới sầu rồi lại hạnh phúc, mới gặp người thân mừng mừng bắt tay sau đã tủi tủi, giận giận, hờn hờn, mới được tiền rồi lại mất đó, lên voi xuống chó, lẫn lộn khôn cùng. Không ai có thể làm chủ được điều đó.

Đức Phật khi nhập vào Niết Bàn Hữu Như Ý, nghĩa là khi đã giác ngộ, Giác Ngộ thành Phật rồi là Ngài đã nhập vào Niết Bàn, người ta gọi là “Hữu Như Ý”, nghĩa là đã nhập vào cảnh giới Niết Bàn, Giác Ngộ mà còn mang thân người. Ngài cũng vì sự chi phối của thịnh suy trong cơ thể của Tứ Đại hoà hợp mà có lúc mệt, lúc khỏe, lúc yếu. Đó là thân. Chúng ta đang có thân sắc làm người này và trong cảnh giới làm người này, ta sẽ bị chi phối thật nhiều bởi muôn cảnh ở cuộc đời. Cho nên, khi bạn tới, bạn đi, ta hiểu được sự Vô Thường như thế, ta không khổ, ta vẫn vui, vẫn hạnh phúc, ta hiểu được người tới, người đi, khi tới khi đi, biết bao nhiêu chuyện ưng ý và không ưng ý vẫn còn đó. Nhưng biết đó là vô thường, chúng ta không ôm giữ những cảm xúc vui buồn khi người tới hoặc khi người đi. Trong tình nghĩa của con người với con người, có những con người chỉ là người dưng tới và để lại biết bao nhiêu kỉ niệm đẹp. Có những người là anh, chị, em ruột, người thân, có thể là con, là cha mẹ, là vợ chồng tới với nhau để lại biết bao nhiêu những mũi dao, vết cứa ở trong tim. Hết rồi, nhìn lại dấu vết đó mà đau đớn vô cùng, ta vẫn còn sân giận thấm ở trong tâm, ngấm ở trong tâm, để khi tỉnh như vầy, ta cứ mường tượng điều đau khổ đó, nhìn thấy ứa máu mà ứa gan, tức giận. Khi mập mờ trong bóng đêm thì ta lại khó chịu.

Tại sao? Là bởi vì ta lại không hiểu được chân lý Vô Thường trong các Pháp tới lui, chuyện người ta làm cho ta đau đã hết rồi, nhưng nhìn vào dấu vết ta vẫn thật đau. Là con người ai không có, bởi vì ta cứ là người như vậy ta sẽ khổ. Có được khả năng hiểu được Phật, ta là con Phật, hiểu được Vô Thường, lời Phật dạy là người mà thấu Pháp Vô Thường, đó nghĩa là đã có một đời sống Tỉnh Thức.

Cái khổ tới nhưng rồi chẳng thể lưu dấu như cánh chim, cánh nhạn bay qua hồ không lưu bóng, nó bay qua ta biết nó bay qua, ta thấy được bóng ở dưới nước nhưng ta vẫn hiểu cánh nhạn nó bay qua nước, có bóng nhưng chẳng lưu dấu, thấy được những chuyện như thế ta sẽ an vui trong mọi cảnh giới của cuộc đời khi tới với chúng ta.

Hôm nay, chúng ta nương vào mật ngôn thứ 2 để Bảo Thành và các bạn có khả năng nhìn thật sâu để nhận được giá trị của sự tới lui không bao giờ còn tồn tại dù chỉ trong một tích tắc. Phật nói Vạn Pháp Vô Thường trong một sát na, một giây bằng 17 sát na, đó là cách tính của người ngày nay khi phân tích sát na Chư Phật dạy. Một tích tắc như vậy bằng 17 sát na, một sát na có nghĩa là nhanh chớp lắm, chớp chừng chưa nửa cái chớp mắt là một sát na, thì tất cả những điều ta thấy nó đã đi mất rồi, nó không còn đó nữa. Không phải hù dọa để ta sợ, hiểu thấu để thấy để giá trị của từng giây phút đang sống, tận hưởng nó trong Chánh Niệm an lạc hơn là đắm mình trong đau khổ níu kéo. Ngồi ăn chén cơm vợ nấu hôm nay mà cứ mường tượng món gì đâu đâu mà ta đã thử với bạn bè để rồi vợ hỏi: “Ngon không?” thì vội vàng đáp: “Ồ! Anh nuốt rồi.”, nuốt rồi đâu có cơ hội thưởng thức nữa.

Trong cuộc đời chúng ta cứ nuốt vội những cay đắng của quá khứ để đau trái tim, ức chế ở trong phổi và chẳng bao giờ ở hiện tại nếm mùi an vui, yêu thương đang hiện diện trong cuộc đời để khi qua rồi, đi rồi, mất rồi, khi không còn nữa thì khóc than, sầu muộn. Hình như đó là tật của con người, ta sống với tật của kiếp nhân sinh, ta chết đầu thai thậm chí chẳng thể làm người mà về những cõi nặng lòng, đau khổ.

Giác Ngộ Vô Thường đưa chúng ta tới cung bậc hoan hỷ hơn trong từng giây phút còn có phước báu hiện diện trong cuộc đời. Giác Ngộ Vô Thường là giúp chúng ta tịch tĩnh trong từng giây, thấm đượm nguồn Ân Từ Bi của Phật để nhìn thấu tất cả những chuyện tới, chuyện đi. Hôm qua bạn tới tôi vui, hôm nay bạn mất tôi vui đưa bạn về trời. Đừng để bạn mất ta buồn, con người gặp nhau trong cuộc đời đó là đại phước báu, nhân duyên. Dù họ tới với chúng ta lưu lại những dấu ấn đẹp hay những vết dao đâm thẳng vào tim cũng chỉ vì một chữ “duyên” mà ra. Nhưng hiểu rằng duyên tới duyên lui mang khổ, buồn sầu đều là do nghiệp của ta. Mà nó đã tới, đã xong và đã hết, ngộ được điều đó, dù người ta có đầy đọa mình mình cũng vui, dù người ta có khen mình mình cũng vui, có chê mình mình cũng vui bởi mình biết đó chẳng bao giờ tồn tại mãi.

Đơn giản trong cuộc sống phức tạp của Phật tử chúng ta sẽ bị va chạm liên tục từ ngày này qua ngày qua và trong muôn sự chồng chất của va chạm đó, sẽ có những điều ta không bao giờ ngờ nó xảy ra để ta ngỡ ngàng, ta giật mình, ta đau ta khổ, để thoáng qua ngày mai đi làm, bạn bè nhìn tới trên khóe mắt đã thâm quầng, nụ cười đã tắt lịm, héo hon.

Bảo Thành hôm nay bị bệnh sổ mũi nhưng trong lòng hân hoan, hình như trên khuôn mặt vẫn tươi, chưa có héo là bởi hiểu thấy rõ ràng hôm qua khỏe, hôm nay bệnh là chuyện thường. Mà câu chuyện ngôn ngữ tuổi trẻ thời nay hay nói: “Ôi! Chuyện nhỏ như con thỏ” để nó chạy mất là xong, con thỏ nó chạy nhanh mà, chuyện nhỏ sao cứ giữ lại làm gì phải không các bạn? Hiểu thấu thật rõ ta vui, ta sống vui.

Bảo Thành không nói tới ở một cấp bậc mà chúng ta phân tích ngôn ngữ mà chà nhẹ nhẹ vào thềm ngôn ngữ của bốn chữ “Giác Ngộ Vô Thường” trong mật ngôn số 2, như người thật khéo biết pha cà phê vừa đủ cân lượng để ta thưởng lãm từng giọt cà phê đắng mà vui, ngọt mà hạnh phúc. Dù đắng hay dù ngọt cũng chỉ là cà phê, tất cả những chất liệu trong cuộc đời lui tới, ta khéo hoà vào, pha vào với năng lượng Từ Bi. Dù là cay đắng hay ngọt bùi, những mùi vị đó cũng chỉ là những mùi vị của cuộc đời với tâm mà chúng ta hiểu thấu nó tới nó lui, nó đi nó chẳng còn, chỉ ghé một giây, một phút chẳng còn nữa để tâm không nuối tiếc và vẫn tĩnh tịnh sống từng giây phút an yên.

Các bạn có khi nào trải qua những trải nghiệm của những sự đời tới mà làm tan nát con tim chưa? Chắc có. Ngồi suy, càng suy càng đau, càng ngậm thì càng tức. Nhưng đã học Phật rồi, biết nó vô thường, có chi đâu mà ôm ấp. Nói dễ mà khó làm phải không các bạn? Đúng! Nhưng mật chú NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có sức mạnh củng cố tinh thần để bạn hiểu và có được Nội lực dừng lại, không bị những chuyện Vô Thường qua đi kéo trượt mãi, chúng ta biết thắng nó lại như người lái xe biết thắng khi gặp đoạn đường nguy hiểm. Những đoạn đường mà Vô Thường đã đi qua mà chúng ta cứ lao dốc vượt tới không biết thắng, sẽ khổ. Nay mật chú số 2 NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang sẽ giúp cho chúng ta biết làm chủ được tốc độ, chỉ những giây phút Vô Thường sanh – diệt không lao mình xuống dốc Vô Thường để gặp khổ mà than nữa. Mà chúng ta nhất định sẽ tận hưởng được sự an vui bởi biết được những điều đó qua rồi, ta không cứ theo hướng đó mà đi nữa.

Giác Ngộ Vô Thường trong đời sống của Phật tử với Phật ngôn Mu A Mu Sa sẽ mang năng lượng tình thương của Phật ứng hoá trong mọi hành động tạo tác của chúng ta mọi nơi mọi chốn. Để các bạn dù bất cứ một sự tương tác va chạm, va chạm từ trong những cảm xúc, va chạm từ những ánh mắt hoặc là từ những tiếng tăm ta nghe hoặc những tạo tác ta tạo dựng, ta tương tác hằng ngày gây ra vui buồn đi nữa, ta cũng luôn luôn đủ khả năng giữ mình trong Chánh Niệm để không bị lôi kéo, nhận chìm. Nếu các bạn tinh tấn tu tập Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, bạn sẽ giữ được nụ cười trên môi miệng, bạn sẽ giữ được ánh sáng trong ngần nơi con mắt của các bạn, bạn sẽ giữ được vạn âm thanh qua lỗ tai đều hanh thông, không mắc kẹt.

Các bạn! Ta hiểu và hành được, ta sẽ có nồi cơm thật thơm của Mẹ dạy ta nấu. Đức Phật như người Mẹ dạy cho chúng ta hiểu được Giác Ngộ Vô Thường là gì để hành, để sống và để an vui. Phật không chỉ cứ ngồi đó mà thuyết pháp về những sự màu nhiệm hoặc sự Giác Ngộ của Ngài để người dân bình thường như Bảo Thành và các bạn không hiểu, đâm ra chỉ tin rồi mê, rồi trở thành hoang tưởng, ngược xuôi trong ngôn ngữ giáo điều mà cả cuộc đời không bao giờ có được sự an vui.

Các bạn phải tinh tấn thôi bởi đã được gọi là Vô Thường được gán thêm hai chữ “Con ma Vô Thường” nó tới lui, nó rình rập, Vô Thường như con ma, như bóng quế lôi kéo và giết hại chúng ta, giết hại cảm xúc, nhập vào trong Tưởng thức, luẩn quẩn đêm ngày làm cho thân tâm, Ngữ, Ý bức rức, khó chịu và tạo nên những uất hận ngang trái trong đời. Hãy hiểu thấu Vô Thường để chúng ta vượt qua mọi thử thách trong cuộc đời.

Mời các bạn đặt bàn tay vào và trì Phật ngôn:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Các bạn! Ở trên đời này có bốn chữ mà trong Phật giáo hay sử dụng đó là Thành – Trụ – Hoại – Diệt, vạn sự nó hình thành, nó ở đó với ta một thời gian, một thời gian mà nói cho đúng thì nó chỉ là một sát na thôi, một giây thôi rồi từ từ nó tan rã, nó bị tận diệt, nó tới, nó ở đó, nó tan, nó biến mất mà chỉ có vài giây thôi. Chỉ có một búng tay vậy là mất rồi. Phật dạy nhanh lắm. Hiện tượng đó xảy ra, ta vừa nhận ra nó, nó tan mất ngay. Trên đời mấy ai thấm được ý nghĩa này cho nên hiện tượng mà nó tới với chúng ta, đau lòng ta ôm nó, ta không cho nó đi, ta không muốn nó biến mất mặc dù nó thật đau, thật khổ để rồi ta mang nó vào trong mộng như bài hát “Giết Người Trong Mộng”. Hồi xưa nghe thấy vô lý, ông nhạc sĩ sao sáng tác bài “Giết Người Trong Mộng”?

Mà có, có giết người trong mộng, nằm mộng riêng ta. Có những chuyện nó tới nó đi mất rồi, quá khứ đau thương ta còn ôm, giữ đó rồi tự biến thành người tạc tượng, tạc lên những hình hài của kẻ thù, của kẻ ác, hình hài của những kẻ hãm hại ta, hình hài của kẻ này kẻ kia, mỗi ngày khắc chút khắc chút nên bao nhiêu hình hài để rồi ta chửi, ta đánh, ta đập, ta giết, ta làm muôn việc ác để hả giận. Đó là nói chuyện xấu thôi, còn câu chuyện nó tới mà đẹp thì cũng giữ lại, thêu dệt, sơn phết cho nó đẹp, treo lên bức tường của Tâm thức, ngày ngày đêm đêm giờ giờ giấc giấc nhìn nhìn cho nó thấm vào cho sướng đời oan gia, bằng không tạc tượng mang lên thờ, thờ trong tâm những hình ảnh đẹp, mà hình ảnh xấu cũng tạc để nhìn, để đánh, để đập, để chửi, để giận để hờn để mà sân.

Các bạn! Con người vậy đấy. Bảo Thành có, các bạn có nhưng hiểu được lời Phật, những điều đó tới là nó mất rồi, chẳng bao giờ tồn tại nữa. Vô Thường như thế để chúng ta hãy biết nhẹ nhàng buông, hiểu thấu được vô thường, ta mới buông bỏ. Thấy, biết, hiểu rõ, buông mới nhẹ, mới sống được trong hiện tại, còn không, sống chỉ như một thây ma mà thôi.

Các bạn thân mến! Hai chữ mà chúng ta gọi là “Vô Thường” đó và hai chữ “Giác Ngộ” đó được giải thích rằng nhận, hiểu thấu, rõ được những chuyện tới lui không bao giờ tồn tại để chúng ta đừng níu kéo, cố gắng trì mật chú Mu A Mu Sa, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để giúp cho chúng ta định lại trong Chánh Niệm, nuôi dưỡng bằng năng lượng Từ Bi để có cơ hội nhìn rõ những Pháp Vô Thường, không níu kéo, sống an vui.

Thuở mấy mươi năm trước khi mà tiếng Anh của Bảo Thành còn bập bẹ, nói khoai, nói mì lộn ra bắp, ra ngô vậy mà khi dạy cho Sư Cô Bảo Cơ và những người bạn ngoại quốc 7 câu mật chú Mu A Mu Sa, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang trong Thất Bảo. Các vị ấy chẳng được giải thích như ngày hôm nay, chỉ biết rằng nếu trì tụng với tâm, nhất tâm tịch tĩnh quán chiếu rõ, sẽ thấy được Pháp Vô Thường và thấy được giá trị của tình thương và gắn kết được với Phật để hiện hữu trong từng giây phút tu tập. Vậy mà mấy mươi năm sau, Sư Cô vẫn còn đây, các bạn khác vẫn còn đây, không hề lý giải ngôn ngữ chi cho nhiều, bởi khi thực tập những vị đó cảm nhận được giá trị của sự thực hành, nếm được hương vị của Định hương, Giới hương, Huệ hương. Cho nên, dù trải qua biết bao nhiêu chông gai trắc trở của cuộc đời, những sự nghịch ý đó cũng vô thường, họ hiểu chẳng ai có thể đẩy họ rời xa con đường tu tập Chánh Pháp qua những Phật ngôn rất bình thường mà ai cũng có thể tu luyện được.

Bình thường như nấu cơm. Xưa ta học nấu cơm, ta biết nấu mà. Chuyện nấu cơm là chuyện nhỏ, thật dễ các bạn. Chuyện thấu được Vô Thường để Giác Ngộ, nghĩa là sống hạnh phúc, đó là chuyện nhỏ, không phải chuyện khó. Nếu bạn biết nấu cơm rồi, hiểu được giá trị nấu cơm, nhất định bạn sẽ hiểu được chữ “Vô Thường” ngày hôm nay và mang áp dụng vào đời sống qua Phật ngôn Mu A Mu Sa, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, bạn sẽ luôn khởi lên Niệm Hoan Hỷ trong từng giây phút của cuộc đời, bạn sẽ không bị nhận chìm vào trong những sầu muộn của những điều nghịch ý đã tới với cuộc đời, hoặc những chuyện thuận ý đã tới với chúng ta, bởi những chuyện lui tới vui buồn đã không còn tồn tại, mà nhiệm vụ của chúng ta là hãy sống, hãy sống chứ đừng ở đó mà chờ chết.

Sống trong Chánh Niệm bằng tâm an vui, sống trong Chánh Niệm để chúng ta hạnh phúc, mang ý nghĩa thực hành, chẳng phải trên môi miệng tụng niệm mà trong Tâm tưởng hiểu biết.

Ngày xưa có một người Bà La Môn hỏi Đức Thế Tôn rằng: “Thưa Thầy! Nếu một người hiểu thông thái Phật Pháp, biết được Pháp Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn thì người đó có hết khổ và sống an vui hay không?”

Phật nói với anh ta rằng: “Này anh ơi! Nếu trên đoạn đường vượt qua sa mạc có một người khát nước, đói bụng sắp chết, khổ, lại gặp một vị lữ khách trên con đường đó và hỏi rằng: “Anh ơi! Ở đâu có tiệm ăn? Ở đâu có nguồn nước? Ở đâu có thực phẩm, hãy chỉ cho tôi?”

Người lữ khách kia mới nói rằng: “Ở phía trước, quẹo trái, quẹo phải cách chừng hai cây số sẽ có một quán nước, dòng sông và có đồ ăn.”

Người vượt qua sa mạc đó hớn hở vô cùng, tiếp tục đi.

Và Phật hỏi Bà La Môn kia rằng: “Trên con đường đang đi đó, người đó đã nhận được thông tin và dữ liệu hiểu rõ được có quán ăn và có nước, biết thấu, vậy thì người đang đi trên đường kia có hết khổ, hết khát, hết đói không?

Câu trả lời là không, bởi đang đi. Dù đang đi chưa tới nhưng đã hiểu thấu, đã hiểu, đã biết, có đầy đủ thông tin nhưng không thể hết được, phải tiếp tục đi cho tới khi nào tới. Người có đầy đủ kiến thức, thấu hiểu được ý nghĩa, có đầy đủ thông tin, kiến thức thẩm thấu như người lữ khách kia đã truyền nhưng người Hành giả kia phải đi mới tới được dòng sông và quán trọ để ăn uống và nghỉ ngơi.

Chúng ta đã hiểu được Kinh Phật như vị Hành giả kia đã hiểu thấu, biết rõ mà không thực hành bước đi bằng đôi chân của mình thì sẽ chết mà thôi, chẳng khi nào được Giải Thoát. Nay các bạn đã hiểu rõ, thấu được Vô Thường, được chỉ thật là rõ, hãy hành thì chúng ta sẽ hết khổ, còn ôm vào như một người tích lũy kiến thức, các bạn sẽ không bao giờ hết khổ nghe các bạn.

Hãy đặt bàn tay phải và bàn tay trái vào với nhau. Chúng ta trì mật chú:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật!

Cảm ơn các bạn đã đồng tu với Bảo Thành hôm nay, mặc dù Bảo Thành bị bệnh nhưng vẫn luôn luôn an vui được ngồi ở giữa Chánh điện Tổ Đình Chùa Xá Lợi đây cùng với quý Thầy Cô và các bạn, đó là niềm vui để chúng ta tiếp tục đi quán chiếu Vô Thường, hiểu thấu để sống an vui dù chuyện gì xảy ra trong giây phút tới, ta luôn luôn có trạng thái tâm an nhiên và tự tại.

Cảm ơn các bạn đã đồng tu với Bảo Thành trong ngày đầu tiên của Mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Chúng ta sẽ tiếp tục mật ngôn này trong một năm như một năm đã tu tập Mu A Mu Sa. Chúng ta đồng tu là để mang lại kết quả, chúng ta không ngồi để diễn thuyết nhiều nha các bạn và chúng ta sẽ nghe được bài nhạc Kinh “Quán Khổ Vô Thường Vô Ngã Niết Bàn” trong một thời gian thật dài của một năm để thấm nhuần được ý nghĩa đó.

Hồi hướng:

Mời các bạn chắp tay vào hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống muôn loài chúng con để chúng con quán chiếu thấy rõ được các Pháp Vô Thường, Khổ, Vô Ngã và Niết Bàn.

Nguyện hồi hướng công đức này cho thế giới có được sự hòa bình.

Hồi hướng cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược chế tạo ra vắc xin, thuốc trị bệnh.

Hồi hướng cho các bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ, cứu tế cho toàn thế giới chữa lành bệnh cho các bệnh nhân.

Hồi hướng cho những ai còn đau khổ và phiền não thấu được Vô Thường, Vô Ngã, thấu được Khổ và Niết Bàn để luôn sống chan chứa tình yêu thương.

Hồi hướng cho các hương linh tái sanh cảnh thiện lành.

Xin Đức Phật Từ Bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn