Search

Bài 1266: Chỉ Là Thoáng Qua – Thất Bảo#1 – Mu A Mu Sa

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Sư Cô, cùng các bạn đồng tu ở trên kênh youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh facebook Chùa Xá Lợi.

Đã tới giờ chúng ta đồng tu với nhau Pháp môn Thiền Mật song tu – Thất Bảo Huyền Môn, mời các bạn cùng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực để cho chúng con hiểu thấu rằng vạn pháp, mọi hiện tượng, cảm xúc chỉ là thoáng qua.

Mô Phật! Các bạn thân mến, chúng ta luôn bắt đầu bằng hơi thở trước khi sinh ra, sau khi sinh ra và cũng kết thúc cuộc đời bằng hơi thở cuối cùng. Nhưng hơi thở mầu nhiệm mà Đức Phật dạy cho chúng ta không phải chỉ là hơi thở bình thường để sống, mà là một hơi thở đưa tâm chúng ta tới sự bình an, hạnh phúc. Để rồi cuối cùng, chúng ta đạt được sự tịch tĩnh nơi Niết Bàn tại thế trong cuộc đời. Hơi thở rất quan trọng, bất cứ một nơi nào, phương trời nào, khung cảnh nào, thời gian nào, thế hệ nào chúng ta đều có sự diện diện của hơi thở trong đời sống. Và sự hiện diện trong cuộc đời của chúng ta, Đức Phật nhìn thấy giá trị của hơi thở đó là một phương tiện vi diệu, để đưa tâm trụ vào như ngồi trên chiếc thuyền mà đi nhẹ nhẹ, lướt qua biết bao nhiêu cảnh của cuộc đời chỉ là thoáng qua mà tâm vẫn tự tại.

Chủ đề hôm nay gửi về đó là “Chỉ Là Thoáng Qua”. Hãy trở về với hơi thở chánh niệm ngay bây giờ, đặt bàn tay phải là bàn tay trí tuệ vào lòng bàn tay trái bàn tay từ bi, để chúng ta bắt đầu 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa. Mời các bạn.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực để chúng con thấu hiểu rằng các pháp chỉ là thoáng qua. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến, mới hôm nào đó ta còn đốt pháo tưng bừng, múa lân để đón mừng một năm mới. Thoáng qua một năm đã hết, chỉ còn có hai ngày nữa năm 2020 phải bãi biệt mãi mãi, để chúng ta đón mừng năm 2021. Nhất định trong những ngày cuối năm này, khi ngồi lại với nhau trong gia đình; hoặc với bạn bè xa gần ta sẽ kể lại biết bao nhiêu những câu chuyện vui, những nỗi niềm sung sướng, cũng như những niềm đau nỗi khổ của cuộc đời. Để rồi chúng ta chợt thốt lên mới đó mà đã qua đi, thoáng một chút mà đã 100 năm, mấy mươi năm, một năm bao nhiêu chuyện đã qua rồi.

Cuộc đời thoáng nhìn qua khung cửa như bóng trăng treo ở đằng trước, thoáng một cái đã chẳng còn là bao. Vẫn biết tất cả những hiện tượng xảy ra trong cuộc đời chỉ là thoáng qua, nhưng mà sao trong tận thâm sâu của tâm tư mỗi một người cứ đau đáu những nỗi niềm đau thống khổ; hoặc canh cánh ôm ấp những cái gọi là vui, nhưng đã qua rồi còn đâu nữa. Con người là như vậy, cứ đau mãi, cứ khổ mãi với những hiện tượng, sự việc, cảm xúc của cuộc đời đã thực sự không còn nữa. Và con người cứ là vậy, cứ vui, cứ cười, cứ hớn hở với biết bao nhiêu chuyện tưởng rằng nó sẽ bất diệt, vui đó nhưng có còn đâu, sao ta cứ ngẩn cứ ngơ, ngồi đây ngồi đó mà cười với nhau. Chỉ là thoáng qua nhưng cũng mang lại biết bao nhiêu cảm xúc vui buồn của đời người. Và nếu như cuộc đời của con người không trải qua những chuyện vui buồn như vậy, dù thoáng qua nhưng để lại cảm xúc đó, thì cuộc đời hình như nhiều người nói nó trở thành vô vị. Đời mà không có cảm xúc thật là vô vị, lâu dần cuộc đời biết bao nhiêu chuyện đã qua đi, nó nhanh quá chỉ một cơn gió thoảng; hoặc như một vệt nắng nhẹ xà trên thềm trước cửa, để chúng ta dệt mơ mộng rồi thoắt một cái nó biến mất, chẳng còn nằm trong tầm mắt để nhìn. Thế mà cứ vui, cứ buồn, cứ hớn hở, biết bao nhiêu cảm xúc cứ giăng mắc như mây mưa, như mộng. Để nó thêu dệt biết bao nhiêu những sự chằng chịt trong những cảm xúc lẫn lộn. Đời thế mà vui, vui vì những chuyện thoáng qua, vui vì những chuyện chẳng bao giờ giữ được trong tầm tay. Cái vui đó phải xét nghiệm trở lại, để coi thực tế ta có cần phải đầu tư quá nhiều thời gian trong cuộc sống vào những cảm xúc thoáng qua đó hay không?

Còn hai ngày nữa là một năm đã trôi qua, ngồi ôn lại những chuyện đã qua để đón mời những chuyện sắp tới. Ta kể cho nhau nghe chuyện gì về những hiện tượng thoáng qua trong cuộc đời của mỗi người. Mỗi một các bạn và Bảo Thành có biết bao nhiêu chuyện thoáng qua, mà ngồi đây cứ mơ tưởng có lại để vui; hoặc chuyện thoáng qua ngồi đây, đã hết rồi mà vẫn đau, vẫn khổ. Chúng ta là Phật tử tại gia trong cuộc sống hiện tại, có phước báu gặp được Đức Phật và đón nhận Phật là Thầy. Đức Phật nói, trong suốt chiều dài Ngài hiện thân trong cuộc đời, mang chân lý giác ngộ để giải bày cho chúng sanh, khai thị cho mọi người hiểu thấu. Ngài nói thật rõ, các pháp (tức là các hiện tượng) mà con người cảm nhận được trong cuộc đời tới và lui, sanh và diệt trong từng sát na, có nghĩa chỉ là một thoáng qua, không bao giờ tồn tại mãi, trong từng giây từng phút nó tới rồi nó lui, không giữ được. Nhưng sao các bạn học Phật cùng với Bảo Thành cũng vậy, cứ nắm bắt, cứ giữ, cứ ôm ấp, cứ tích trữ vào kho tàng của tâm với bao nhiêu chuyện nó không còn tồn tại nữa.

Khi nói đến tâm “Không”, chứng đắc được tâm không, tâm như thái hư, đi đến tâm rỗng, tĩnh lặng, chúng ta cứ tưởng chừng sao mà chân lý nó huyền diệu nhưng không thực tế, xa vời. Nó ảo tưởng, tâm đầy rẫy bởi các Thầy và kinh sách cũng nói, tâm của chúng ta có khả năng chứa đựng tất cả, muôn sự từ vô lượng kiếp tới nay và mãi mãi. Vậy làm sao ta có thể chọn lọc và đẩy lui để đưa đến trạng thái tâm không tĩnh lặng? Thực ra, khi Bảo Thành còn nhỏ, Thầy Tổ cũng nói như vậy, Bảo Thành cũng suy nghĩ như các bạn, làm sao đây? Cứ mường tượng tâm như căn nhà mà căn nhà này nó lại chứa đựng quá nhiều thứ, căn nhà của tâm mênh mông vô tận, nó chứa đựng biết bao nhiêu thứ từ nhiều đời. Sức của ta có là bao để bắt đầu lau chùi, dọn dẹp, khuân vác, đẩy nó ra để cho căn nhà này được rỗng. Cứ càng tưởng tượng càng thấy nó hão huyền. Và chắc chắn các bạn cũng từng nghe hãy thiền định, hãy tu tập và đưa tâm trở về trạng thái của tâm không (tâm rỗng lặng, tâm tĩnh lặng). Chắc chắn các bạn cũng đã tư duy, làm sao ta có thể đạt được trạng thái tâm rỗng lặng, tĩnh lặng? Và trong trạng thái tâm không đó, biết bao nhiêu quý Thầy, quý Cô, quý Phật tử, biết bao nhiêu những người học hỏi về Phật pháp, nghiên cứu kinh điển đã ghi chép thật là nhiều về tánh “Không”, về tâm “Không”, về sự rỗng lặng của tâm tĩnh lặng. Biết bao nhiêu mực, biết bao nhiêu sách viết, bao nhiêu chữ được đặt để diễn tả, ai đọc được những ý tưởng thiền luận về tánh “Không”, triết luận thiền tánh “Không”, chúng ta đều hạnh phúc lắm. Bởi ngôn từ nó vi diệu, chữ nghĩa nó uyên thâm, càng đọc càng thấy bay bổng nhưng mà rồi chớp mắt tỉnh lại, sự bay bổng trong ngôn ngữ huyền diệu của thiền luận tánh “Không”; hoặc triết học, Phật học. Triết lý về Phật học, tánh “Không” ta đọc. Biết bao nhiêu những ẩn dụ ngôn từ cao siêu, bay bay lơ lơ lửng lửng ở trên một cõi thiền không vô tận, khó có thể đáp xuống làm con người bình thường, nên tâm tánh hình như cũng nằm trên hư không, không trụ vào cuộc đời của kiếp Phàm. Nói chuyện toàn cõi trời mà người Phàm chúng ta khi nghe khó có thể gắn kết, liên lạc, ứng dụng vào trong đời. Nhưng hôm nay Bảo Thành cũng lại nói về một tâm không, chẳng phải lần mò trong những chữ nghĩa, trong những thiền luận tánh không, triết học Phật tánh không, những chân lý tánh không diễn bày trong kinh sách của những bậc Thiền sư cao siêu, đã từng diễn luận bằng những ngôn ngữ. Mà chính con người chúng ta suy nghĩ chế tác ra gọi là ngôn ngữ chế định (chế ra ngôn ngữ rồi định mặc cho ý nghĩa), rồi mang ý nghĩa đó dồn nén vào trong kinh sách. Để biết bao nhiêu con người từ ngàn xưa đến giờ, muốn tìm về tâm không rỗng lặng, tánh không của tâm đã phải lọt vào rừng ngôn ngữ, mất luôn phương hướng để rồi không thể thoát ra. Đến khi tỉnh dậy mồ hoang đã lạnh, xương cốt đã tàn, còn chăng chỉ là một linh hồn quấn quýt bên rừng cây, nuối tiếc cho một cuộc đời lạc lõng, cô đơn.

Các bạn, từ chân lý Đức Phật dạy, các pháp (hiện tượng trong đời) sanh diệt trong từng sát na. Chúng ta không cần phải tu tập một phương pháp gì hết. Chúng ta không cần phải cố gắng thật là nhiều để đạt tới trạng thái của tâm không. Ngay chỗ này, hiểu thấu các pháp sanh diệt trong từng sát na thì nó có còn đâu để mà mang vào chứa trong kho tàng của tâm. Các bạn suy nghĩ ngay chỗ này. Đức Phật dạy mọi hiện tượng tạo ra mọi cảm xúc, mọi va chạm của cuộc đời qua 06 giác quan của chúng ta, qua 05 uẩn của chúng ta, qua trải nghiệm nhìn, nghe, cảm giác, nếm, va chạm, tư duy, suy nghĩ, tất cả hiện tượng tạo ra cảm xúc đó, tất cả các gọi là pháp (các hiện tượng đó) tương tác với giác quan và các uẩn của ta nó chỉ là thoáng qua. Nó tới rồi nó đi ngay trong tức khắc, không bao giờ giữ lại. Như cơn gió bay qua nhưng vô hình chẳng đọng lại. Nhưng tâm ta lay động như cứ mường tượng gió vẫn còn đây, để suốt đời ôm mộng ôm mơ, rồi tỏ lời với gió, lạc trong vô thường.

Các bạn, tại sao cứ suốt đời ôm mộng, ôm mơ, tỏ lời với gió để lạc trong vô thường. Vô thường là sanh diệt tới lui, chẳng lưu dấu mà ta cứ ôm ấp hoài. Tâm ta bản tánh nó là không bởi vạn pháp chẳng thể lưu giữ ở trong tâm, đó chính là tâm Phật (tâm Phật không lưu dấu). Các pháp sanh diệt, các hiện tượng tới lui tạo ra những cảm xúc. Tâm Phật của ta nó rỗng không, không có đáy, và không có thành quách, nó là hư không. Bạn đổ gì vào trong đó, bạn chứa gì vào trong đó nó đều không giữ lại hết, đó là tố chất của tâm Phật. Từ đây, cộng thêm lời của Đức Phật nói, mọi hiện tượng tới lui chẳng còn lưu dấu, thì tâm không kia cũng chẳng chất chứa những hiện tượng đó để làm gì. Mà giả sử như tâm chất chứa, ôm ấp cũng chẳng ôm ấp, chất chứa được bởi nó có còn đâu. Biết bao nhiêu hiện tượng xảy ra trong đời, để các bạn trải nghiệm những vui buồn, sướng khổ chỉ là những cảm xúc thoáng qua chẳng còn. Suy nghĩ như vậy, tư duy như thế, có Chánh Kiến nhìn rõ hiện tượng như lời Phật dạy, ta sẽ luôn trụ vào trong tâm rỗng lặng, thinh không, tự tại. Đồng thời, ta khơi nguồn cho chất liệu thương yêu vốn có trong tâm Phật của chúng ta, thì thềm tâm thức của ta sẽ sạch, không còn vẩn bụi trong cuộc đời bám víu vào đó nữa.

Biết bao nhiêu nỗi khổ đau trong cuộc đời lui tới, cũng chẳng bao giờ vương vấn, tơ vương trên thềm tâm thức đâu. Các bạn hỏi, nếu vậy tại sao ta buồn, tại sao ta khổ? “Không biết hôm nay tại sao ta buồn”, người ta đã viết như vậy trong một ca khúc. Chúng ta đều không biết tại sao tao buồn, ta sướng (sướng, buồn, vui, sầu bi, hạnh phúc đều là những cảm giác). Nếu ai biết đánh đàn, sợi dây đàn không tạo ra âm thanh, nó vẫn nằm đó một mình có đồ-rê-mi-pha-son đâu. Nhưng nhất định, dưới bàn tay của nhạc sĩ thì những dây đàn vô tri vô giác đó, được gắn kết trên cây đàn sẽ lần lượt diễn tả được những âm thanh của từng nốt nhạc kết lại với nhau trầm bổng du dương. Bản thân dây đàn không có âm thanh nhưng có sự tác động từ ngón tay của nhạc sĩ nó tạo nên từng nốt nhạc. Nốt nhạc đó không có tên nhưng khi định mức âm lượng đó, âm thanh đó, người ta bắt đầu thi âm, đặt tên. Và từ đó, khi nghe tới nốt nhạc đó, ta biết tên. Rồi từng nốt nhạc phối hợp theo những kỹ năng phù hợp, với lỗ tai nghe trầm bổng, cảm xúc hay ho, ta bắt đầu thêu dệt biết bao nhiêu bài nhạc. Điều này chẳng sai cũng chẳng đúng, bởi đó là nghệ thuật âm thanh phối khí, để tạo cho cuộc đời nhẹ nhàng, thanh thoát. Bởi ta còn lệ thuộc vào não bộ; mà não bộ của con người với nhĩ căn có khả năng nghe được những âm thanh. Mà biết bao nhiêu thể loại âm thanh tới làm ta vui, cũng có những thể loại âm thanh tới làm cho ta rợn tóc gáy, rùng hết cả mình.

Các bạn có khi nào nghe người ta kéo miếng tôn mà nó cứa trên lề đường xi măng, nó kêu két, két thì trong tai rợn hết tóc gáy không? Hoặc các bạn có nghe thấy những âm thanh nào mà tự nhiên người nó rùng mình không? Có! Rồi các bạn có nghe thấy âm thanh nào mà cả con người khoan khoái, nhẹ nhàng không? Có! Cho nên ta thấy rằng, tất cả mọi thể loại âm thanh, cảnh ta nhìn, ta tương tác, va chạm, ta nếm, ta ngửi đều đưa đến những dòng cảm xúc mà não bộ nếu còn khỏe mạnh, hoạt động đúng chức năng ta sẽ đón nhận được. Còn nếu một phần não bộ về những cảm giác đó nó bị tê liệt thì chẳng còn gì nữa. Có những lúc chúng ta bị bệnh, ăn gì vào cũng không ngon. Chẳng phải đồ ăn mà người thân nấu cho chúng ta không ngon, nhưng lưỡi của chúng ta nó đắng, nó tê liệt, không còn phát huy được chức năng cảm nhận vị giác của món ăn nên không ngon. Mang những ví dụ cụ thể để chúng ta thấy những cảm xúc kia đều là do não bộ của chúng ta kích hoạt để có được. Từ đó ta mới thấy, não bộ của chúng ta như một cái máy vi tính được chế tạo bởi năng lượng, nghiệp thức của từng người. Mà não bộ có tính năng hoạt động nhiều phần, đa phần; hoặc bớt đi một chút xíu, hoặc không giống những người khác. Cho nên từ đây thấu rằng, kiếp con người từ thân này, não bộ này, các giác quan của chúng ta cũng chỉ là phương tiện thoáng qua chẳng còn. Và tâm của chúng ta như một cái kho ở trong hư không, chẳng chứa đựng một cái gì ngoài nguồn năng lượng vi diệu từ bi và trí tuệ vốn có trong tánh Phật. Cho nên tâm Phật thì có từ bi và trí tuệ, có sự rỗng lặng và thinh không. Còn tâm Phàm phu là diễn tả về những cảm xúc, phản ứng của não bộ đưa lên, nó lầm tưởng đó là ta, là tâm của ta. Cho nên ta cứ ngấm ngầm nếm những mùi vị đó hoài, gặm nhấm những mùi vị đó hoài. Nhưng nó đã qua rồi, nó chẳng còn đó, nó chỉ là thoáng qua mà thôi. Khi hiểu được nguyên lý như vậy, Đức Phật mới dạy cho chúng ta đi vào hơi thở chánh niệm để cảm nhận, để đón nhận, để nhận diện mọi hiện tượng do sự phản ứng của não bộ tạo ra cảm xúc. Để nhận thấu được những hiện tượng này tới lui, để ta không cần buông bởi vì nó có còn đâu mà nắm giữ, nó có có đâu để mà buông? Trong giây phút chánh niệm đó, nhận diện được như vậy chính là lúc chúng ta để cho Phật tánh của mình trở về năng lượng nguyên thủy, từ bi, trí tuệ, yêu thương. Nó phát huy được, chúng ta sẽ có được hạnh phúc thật sự trong cuộc đời, dù tất cả chỉ là thoáng qua.

Giữa cuộc sống của cuộc đời này, tất cả vạn pháp vô thường sanh diệt. Và giữa vô thường sanh diệt thoáng qua đó, là con người dưới sự hoạt động của não bộ luôn tồn đọng tất cả mọi cảm xúc đi qua các giác quan. Nhưng Phật dạy nếu biết trụ vào trong chánh niệm hơi thở, tức là đưa ta đi về từng bước gần gũi với tánh Phật, của sự rỗng lặng, thinh không như vũ trụ bao la vô tận, chứa đựng được tất cả mà chẳng chật chội, có tất cả mà chẳng nắm bắt, hiện diện tất cả mà không cần phải buông, nó vẫn rỗng, vẫn tĩnh lặng, vẫn thinh không, vẫn nhẹ nhàng. Như chúng ta nhìn qua cái máy thâu hình, chúng ta thấy tất cả. Cái máy có thể giữ dữ liệu lại, nhưng cái thấy của ta, mắt của ta nó không giữ. Cái máy đó nó không giữ, nó chỉ thâu, nó giữ ở trong con chip giữ lại mà thôi. Con chip đó chính là cái tâm chấp của chúng ta, tức là tánh chấp có, ta lầm chấp tưởng là thật.

Cho nên, chủ đề hôm nay ta không đi sâu vào giáo lý cao siêu, nhiệm mầu; mà chúng ta đi vào để hiểu rõ rằng, các bạn cứ thường được học phải từ bỏ, phải đẩy lùi. Nay hiểu rõ tâm Phật của chúng ta nó rỗng không rồi, và tất cả mọi hiện tượng trong cuộc đời chỉ là thoáng qua, nên không có gì còn chấp ở trong tâm nữa. Chỉ cần các bạn quay về, thẩm nhập, tức là đi vào sống và trụ ở trong tánh Phật của mình. Thì với hơi thở chánh niệm đó, chúng ta có khả năng nhận diện những cảm xúc lui tới trong cuộc đời một cách như thật, đúng với hiện tượng đó, mà chẳng mảy may ôm giữ; hoặc cần phải đẩy lùi, buông bỏ. Chúng ta có cơ hội để nhận diện ra tất cả. Với trụ vào tâm Phật để phát huy được khả năng nhận diện những hiện tượng lui tới trong cuộc đời, ta sẽ phát huệ, sẽ có trí tuệ. Như những nhà thiên văn học nhìn qua kính viễn vọng, và họ đã có khả năng phát hiện ra hằng hà sa tinh tú qua lại trên bầu trời họ nhìn thấy. Khi nhìn vào hơi thở chánh niệm và nương vào kính viễn vọng của tâm Phật, ta sẽ nhìn thấy mọi hiện tượng tới lui trong cuộc đời chỉ là thoáng qua. Và trụ vào trong  kính viễn vọng của tâm Phật đó bằng chánh niệm hơi thở, đời sẽ chẳng còn buồn. Những gì tới lui, được-mất, có-không, khổ đau-hạnh phúc chỉ là thoáng qua. Thấy được, biết được y như nó tới với cuộc đời trong từng giây phút sống với hơi thở chánh niệm, các bạn có khả năng phát huy trí tuệ của các bạn. Bởi các bạn trụ vào trong tánh Phật của hư không, tánh Phật rỗng lặng, thinh không ngay nơi thềm của từng hơi thở vào ra, chánh niệm thấy biết.

Các bạn không cần phải buông, tâm bản tánh là rỗng. Không cần phải đẩy lùi bởi tâm Phật tự tánh là tĩnh lặng. Ứng dụng đúng được vào ý nghĩa này, hai ngày nữa thôi một năm cũ sẽ trôi qua, biết bao nhiêu chuyện vui buồn, sợ hãi trong cuộc đời cũng chỉ như một cơn gió thoáng qua rồi hết. Bạn sẽ bắt đầu tái tạo lại cuộc đời bằng chân lý của Đức Phật, hiểu thấu trong từng hơi thở chánh niệm. Để nhận diện muôn cảm xúc, mọi hiện tượng thoáng qua trong hơi thở chánh niệm. Mà bởi vì trụ vào trong tánh Phật vốn rỗng không, tĩnh lặng nên bạn luôn luôn có sự gắn kết mật thiết với năng lượng từ bi yêu thương và trí tuệ. Để rồi từ đó bạn có thể phát huy được tính năng của Phật tánh vốn có nơi ta, để sống trong cuộc đời này hạnh phúc và bình an.

Tất cả chỉ là thoáng qua, không tồn tại bởi không có một điều gì có thể giữ lại ở trong tâm. Vốn tâm là không có đáy, không có thành quách, tâm Phật là hư không tận pháp giới, không có gì có thể dính mắc ở trong đó. Nhưng cũng chính vì bản tánh của tánh Phật như vậy, nó rỗng lặng, thinh không đó mà ta nhận diện được tất cả, thẩm nhập vào trong trí tuệ. Cho nên các bạn nhớ, mang cuốn sổ của một năm đã trôi qua ta đã ghi biết bao nhiêu cảm xúc trong cuộc đời còn lưu dấu. Nhớ rằng đó chỉ là cảm xúc của não bộ tương tác qua các giác quan của chúng ta. Nhưng trở về với Phật dạy rõ ràng rồi, những cảm xúc đó chẳng còn nữa đâu. Nếu cứ miệt mài đọc lại trên cuốn sách đó, những dòng cảm xúc được lưu dấu bằng ngôn ngữ, ta không sống trong hiện tại, những điều kỳ diệu đang xảy ra ta đã bỏ lỡ cơ hội để tiếp cận.

Hãy trở về với lời Phật dạy, vạn pháp (mọi hiện tượng, cảm xúc) chỉ là thoáng qua, sanh diệt tới lui trong từng giây phút. Hãy giữ tâm trụ trên thềmn hơi thở chánh niệm để có một cuộc sống tự tại, rỗng lặng để phát huy được phẩm chất cao quý hơn vốn có ở trong tâm Phật của chúng ta. Để mỗi người chúng ta không còn phải hối tiếc rằng, “Ôi! Mới đây mà đã trôi qua rồi”, không! Cái gì tới cái gì lui, chỉ là thoáng qua chẳng lưu dấu để ôm ấp. Ý tưởng sống như và thực hành được trong hơi thở chánh niệm chính là thiền. Thiền không phải phải cầu kỳ, mà thiền là nhận diện ra sự hiện hữu rõ ràng của tâm Phật và ứng dụng nó vào trong cuộc đời. Thiền không hẳn phải cạo đầu, mặc áo nhà Sư, mà bất cứ ai trong các bạn khi nhận diện rõ, trở về với nguồn tâm Phật rỗng lặng, thinh không, hiểu thấu vạn pháp vô thường sanh diệt thoáng qua trong từng sát na, thì các bạn đã thẩm nhập được chân lý của Phật. Và có được thật nhiều những hạnh phúc lui tới trong cuộc đời với niệm (niệm Phật, niệm Pháp, niệm tăng), với hơi thở chánh niệm tịch tỉnh để dần đi vào, thẩm nhập được Phật tánh vốn có trong mỗi người.

Hôm nay, chúng ta nói như vậy dông dài một chút, nếu các bạn tư duy sẽ không mơ hồ đâu. Để đưa các bạn trở về và ai trong chúng ta cũng có khả năng để trở về. Không phải không phải cố gắng, miệt mài, không phải tích lũy ngôn từ cao siêu, chúng ta loại bỏ tất cả. Một năm mới đang tới là chúng ta phải tháo gỡ tất cả những gì còn lưu dấu của năm cũ, mới có khả năng nhận diện cái mới tới khi chúa Xuân trở về với chúng ta. Y chang như thế, nếu cứ ôm ấp những cái đã qua và không hiểu rằng những chuyện đó, những cảm xúc đó, hiện tượng đó tới với chúng ta ở đời chỉ là thoáng qua, chẳng còn. Mà cứ hồi ký, hồi niệm, rồi chúng ta cứ bám víu vào đó hoài, quên mất trong giây phút này ta đang sống.

Các bạn hãy sống thực với chánh niệm hơi thở, hiểu thấu lời Phật, tâm Phật vốn rỗng lặng thinh không, vạn pháp tới lui chẳng lưu dấu. Cho nên đừng ôm ấp giữ nhiều, mà để có được khả năng như vậy chúng ta chỉ cần trở về với chánh niệm hơi, đánh thức năng lượng từ bi vốn có. Bằng cách tiếp xúc, đón nhận từ trường yêu thương của Phật tác động vào, để khởi nguồn cho mọi từ bi vốn có trong ta được trải ra, được kích hoạt. Để trong từng giây phút ta còn sống trong cuộc đời ta có chánh niệm trong hơi thở, để sống an sống vui. Nhớ rằng, mọi hiện tượng chỉ là thoáng qua đừng ôm ấp bởi tâm ta là tâm Phật. Nếu các bạn biết sự hoạt động của não bộ tinh tường như thế, vận hành cho đúng thì não bộ sẽ phát huy được khả năng sống an vui và hạnh phúc nơi thân kiếp người này và tạo cho bạn có phương tiện để đi trở về với tánh Phật tịch tĩnh, an vui.

Hãy đặt bàn tay trí tuệ vào lòng bàn tay từ bi, chúng ta vận hành 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực để chúng con thấu hiểu rằng các pháp vô thường sanh diệt chỉ là thoáng qua. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)

Mô Phật! Suốt từ nãy tới giờ, Bảo Thành nói thật là dài, mục đích duy nhất là để nhắc nhở cho Bảo Thành và các bạn nhớ rằng, lời Phật dạy ta có tánh Phật. Và tâm Phật của chúng ta vốn không có thành quách, không có đáy, chẳng có sự che chở giữ lưu tất cả mọi hiện tượng tới trong đời. Tâm Phật vốn rỗng lặng, thinh không và ở trong thinh không đó chỉ có một nguồn năng lượng duy nhất, có đầy đủ tố chất của trí tuệ không dính bởi tình yêu thương từ bi vô hạn. Tất cả những cảm xúc va chạm trong các giác quan, tới lui trong những cảm nhận của não bộ tới rồi đi. Các hiện tượng đó, các pháp đó, cảm xúc đó, Phật dạy nó chỉ thoáng qua sanh diệt từng giây phút khi ta va chạm với bên ngoài, bên trong do các giác quan của ta mà thôi.

Không cần phải lưu giữ cũng chẳng cần phải đẩy lui, bởi nếu các bạn đi vào sống với Phật tánh thì chẳng có gì lưu dấu ở trong đó. Nhưng nếu các bạn trụ vào trong Phàm tánh, thì tâm Phàm của các bạn sẽ chật chội vô cùng. Trong đó sẽ lỉnh kỉnh những cảm xúc đau buồn, sướng khổ, nó thật là nặng nề, dìm bạn xuống đáy hồ sâu của tâm thức địa ngục. Còn nếu các bạn từ bỏ tâm Phàm, nương và trở về với tâm Phật nó sẽ rỗng lặng, thinh không. Nhưng chẳng thể nói như vậy, về với tâm Phật rồi không còn cảm xúc loài người, bỏ hết sao? Không! Chúng ta về với tâm Phật là để có phương tiện vi diệu, để có tất cả mà chẳng còn dính mắc, nhận diện ra tất cả mà không lưu giữ, có mặt tất cả mà chẳng khổ đau.

Như cái điện thoại thuở xưa và điện thoại mới bây giờ, công dụng khác biệt. Dĩ nhiên có sự lựa chọn, bạn sẽ chọn điện thoại đời mới để ứng dụng nhiều vào phương tiện của cuộc đời. Phật đã nhắc nhở chúng ta, ta có tâm Phật và tâm Phật vốn rỗng lặng, thinh không, không lưu dấu chất chứa, nhưng nhiệm màu cao siêu, tràn đầy năng lượng trí tuệ và từ bi. Còn tâm Phàm thì ôm ấp, chấp thủ nặng nề trong mọi cảm xúc của tham ái, tham dục, của ngũ dục đầy đọa chúng ta. Bạn hãy lựa chọn tâm Phật hay là tâm Phàm? Bạn hãy lựa chọn điện thoại đời mới hay điện thoại cùi bắp trong thềm năm mới này, đó là sự tự do của các bạn. Phật qua kinh đã giới thiệu một phương tiện vi diệu, để trở về lãnh nhận Phật tánh, tâm Phật.

Các bạn nghĩ sao, lời Phật dạy tất cả chỉ là thoáng qua? Hãy trở về với tâm Phật để có được một cuộc đời hạnh phúc trong thềm năm mới. Để biết bao nhiêu lao nhọc, khó cực, rồi biết bao nhiêu sầu bi, ai oán, thất bại còn tồn tại trong cuộc đời sẽ không còn là những viên đá đè nặng trên vai, là những tiếng sét đánh ngang tai, là những tia chớp giật ở trước mắt để chúng ta hoảng hốt, lo sợ.

Các bạn, hãy tự lựa chọn cho mình một con đường để đi. Đặt bàn tay trí tuệ vào lòng bàn tay từ bi, để chúng ta bắt đầu thẩm nhập 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa.

Mọi cảm xúc vui buồn trong cuộc đời chỉ là thoáng qua trong từng giây phút này, chúng con nguyện trụ vào chánh niệm hơi thở để trở về với tâm Phật rỗng lặng thinh không. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân, tâm trì mật chú Mu A Mu Sa.

Mọi đau khổ, phiền não, mọi thất bại, thành công, có và không chỉ là thoáng qua không tồn tại. Nguyện trụ vào chánh niệm hơi thở để trở về với tâm Phật rỗng lặng thinh không. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân, tâm trì mật chú Mu A Mu Sa.

Như khách trần lui tới chẳng lưu dấu mãi trong cuộc đời, những ai đã tới những ai đã đi qua, những ai sẽ tới rồi những ai sẽ qua, chúng con sẽ nguyện trở về với tâm Phật để nhìn tất cả đã tới đã qua, sẽ tới sẽ qua bằng tâm Phật thinh không rỗng lặng. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân, tâm trì mật chú Mu A Mu Sa.

Chúng con sẽ trụ vào hơi thở chánh niệm trở về với tâm Phật, để không phải miệt mài đẩy lui những sự chất chứa trong tâm Phàm phu vốn có xưa nay. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân, tâm trì mật chú Mu A Mu Sa.

Tất cả chỉ là thoáng qua nhưng giờ đây chúng con vẫn còn có mẹ cha, nguyện chánh niệm hơi thở để luôn hiếu kính với cha mẹ hiện tiền tại thế trong cuộc đời. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân, tâm trì mật chú Mu A Mu Sa.

Tất cả chỉ là thoáng qua tới rồi đi chẳng còn ở lại, chúng con phát nguyện trụ vào chánh niệm hơi thở để học cách đón nhận và tri ân. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân, tâm trì mật chú Mu A Mu Sa.

Vạn pháp vô thường sanh diệt tới lui như cơn gió thoáng qua chẳng còn, nguyện trở về với chánh niệm hơi thở, để thẩm nhập vào Phật tánh trong sự rỗng lặng thinh không mà khởi nguồn cho hạnh phúc, trí tuệ và yêu thương được lan tỏa tới khắp mọi nơi khi còn hiện diện trong cuộc đời. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân, tâm trì mật chú Mu A Mu Sa.

Mô Phật! Các bạn ơi, chúng ta tu xong rồi, ta chắp tay lại hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa.

Phật ơi! Chúng con đã nhớ được lời Phật rồi, Phật đã dạy các Pháp vô thường sanh diệt, mọi hiện tượng cảm xúc chỉ là thoáng qua. Nhưng bởi tâm Phàm phu, chất chứa, ôm nhiều nên khổ đau, phiền não. Nay nguyện nương vào chánh niệm hơi thở để trở về với tâm Phật rỗng lặng, thinh không để khởi nguồn cho yêu thương, từ bi trí tuệ lan tỏa.

Chúng con nguyện cho các nguyên thủ các quốc gia biết thành lập chính sách hòa bình cho thế giới. Hồi hướng cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược có được trí tuệ chế tạo ra nhiều vắc-xin (vaccine) và thuốc trị bệnh. Nguyện hồi hướng cho các bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ cứu tế luôn mở rộng tình thương, khoan dung chữa lành bệnh nhân. Nguyện hồi hướng cho những ai còn đau khổ phiền não tìm được hạnh phúc và bình an nơi pháp Phật nhiệm mầu. Hồi hướng cho các vong linh được tái sanh miền cực lạc.

Xin mười phương Chư Phật từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn