Search

Bài 1263: Nhận Diện Cuộc Đời – Thất Bảo#1 – Mu A Mu Sa

Bảo Minh biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Sư Cô, cùng tất cả các bạn đồng tu ở trên kênh youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh facebook Chùa Xá Lợi.

Đã tới giờ chúng ta đồng tu với nhau, mời các bạn cùng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực để cho tất cả chúng con nhận diện được cuộc đời.

Mô Phật! Các bạn thân mến, một buổi đồng tu nữa của chúng ta bắt đầu trong công phu tu tập Thiền Mật – Thất Bảo Huyền Môn. Chúng ta cứ từ từ thẩm nhập vào trong chánh niệm hơi thở, trụ tâm vào trong đó, thể theo lời Đức Phật dạy có đầy đủ dưỡng khí, sức khoẻ của thân, quán chiếu sự sinh hoạt, tư tưởng, lời nói, hành động. Và sự quán chiếu với tánh thật sáng của thấy-biết, được nuôi dưỡng bởi năng lượng từ bi của Phật, mỗi người chúng ta sẽ nhìn rõ hơn về cuộc đời của mình và nhận diện ra cuộc đời của chúng ta như thế nào.

Hơi thở luôn luôn đi vào từ mũi đi sâu xuống bụng phình bụng ra, từ đó chúng ta để cho hơi thở thẩm nhập vào cơ thể, kích hoạt năng lượng vốn có trong châu thân từ các luân xa, huyệt đạo, thở ra bằng miệng trì chú hóp bụng. Thật là nhiều các Pháp môn khác nhau, Pháp môn này đồng trong một hơi thở, chẳng phải chú trọng về luân xa, năng lượng của cơ thể từ trường của châu thân mà chúng ta đi sai lệch – không phải. Đó là những cách nói nói của người xưa, khi bảo vệ một cái gọi là luôn luôn cao tột nhất, để rồi những thứ khác biệt cho là sai – Tà kiến.

Trong kinh Pháp Cú Đức Phật dạy “tâm làm chủ các pháp”, nếu tất cả các pháp ngay cả các pháp thở, pháp quán được làm chủ bằng tâm từ bi, năng lượng từ bi tịch tĩnh sáng suốt, quán chiếu theo nhân quả, thì các pháp thở vận hành châu thân đều là phương tiện để tâm trụ vào đó, tăng trưởng sức khỏe cho thân, vận hành khí huyết, nuôi dưỡng tâm bằng từ bi, quán chiếu vạn pháp hư không. Cho nên trong thời đại ngày nay, lời của Đức Phật được mở thật là rộng, ai cũng nhìn rõ và có cơ hội để học hỏi. Ai có nhân duyên phước báu, học Pháp môn nào không quan trọng, quan trọng là mỗi người chúng ta phải đi tới được đích trong sự thực hành công phu Pháp môn đó. Đích đó là gì? Là thấy hạnh phúc, thấy bình an, bớt khổ đau, bớt phiền não, tăng thêm sức khỏe, sống đời thanh bình và biết dấn thân phục vụ muôn người, đó là điều tuyệt vời. Không nhất thiết chúng ta cứ đào sâu vào sự khác biệt, để rồi đặt vào những cái Chánh-Tà, Chánh-Tà do tâm. Tâm thiện lành, từ bi chính là điều tối quan trọng để ứng dụng vạn pháp đi tới con đường mang hạnh phúc và bình an tới cho nhau.

Hãy đi vào hơi thở 07 lần cùng với Bảo Thành bằng cách đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Chúng ta lấy từ bi và trí tuệ để quán chiếu hơi thở của mình trong lúc này. Mời các bạn.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực để chúng con nhận diện được cuộc đời. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)

Mô Phật! Bảo Thành chào các bạn!

Chúng ta mỗi ngày đồng tu đều được nghe Bảo Thành nhắc nhở những lời nguyện của mỗi ngày và rồi nhắc nhở về hơi thở vào ra. Khi các bạn thuần thục rồi – phát nguyện, chú trọng vào hơi thở, dùng tâm thấy biết quán chiếu thân tâm của mình. Nhưng sự đồng tu mỗi ngày có thể có nhiều bạn mới mới bước vào, sự nhắc nhở này là để cho mọi người đồng ôn lại cho khắc vào trong tâm khảm, thuần thục cách hít thở, phát nguyện. Tâm của chúng ta dễ bề nhảy múa và rời bỏ mình đi thật là xa vào những sự đời tăng trưởng cảm xúc, dù cay đắng nhưng vẫn miệt mài đi mãi, đau buồn cũng dìm mình mà chẳng chịu về. Do vậy, lời nguyện như một phương tiện mang tâm trở về, hiện diện trong chánh niệm hơi thở, hòa mình vào trong từng giây từng phút hít thở tịch tĩnh và tăng trưởng sự nhận diện năng lượng từ bi hiện diện ngay trong lúc đó.

Chủ đề mà chúng ta nói tới “Nhận Diện Cuộc Đời” theo cái nhìn của hàng Phật tử tại gia. Đã từ lâu lắm rồi, có lẽ bởi vì phương tiện truyền miệng từ nhiều đời, hai cách nói đơn giản quá mức làm cho những bạn bè của chúng ta thuộc về tôn giáo bạn; hoặc ngay hàng Phật tử cũng nghĩ rằng đó là chân lý Phật giáo khi nói về cuộc đời của con người. Trên những cuộc nói chuyện, lời dễ dàng mà chúng ta có thể nói về cuộc đời là “đời là bể khổ”, hình như đó là một câu thuộc về thương hiệu Phật giáo và câu đó ám chỉ Phật giáo. Các tôn giáo khác nói cuộc đời là hạnh phúc, bởi vì sao? Bởi vì được Đấng ở bên trên ban cho cuộc sống, những gì mà Đấng ở trên ban cho là hạnh phúc, còn Phật giáo – đời là bể khổ. Cho nên thương hiệu “đời là bể khổ” có lẽ đã hiểu lầm, làm cho mọi người thấy rằng Phật giáo của chúng ta quá tiêu cực. Nhìn cuộc đời là khổ để rồi từ bỏ tất cả. Bỏ cha bỏ mẹ, bỏ vợ chồng, con cái, bỏ công ăn việc làm, bỏ tiền tài danh vọng địa vị, bỏ tất cả mọi sinh hoạt của cuộc đời, bởi tất cả cuộc đời là khổ, có gì đâu để cưu mang, có để gì ở trong lòng được nữa, nó là khổ mang vào làm chi, có gì để mà ôm ấp. Và rồi sự tiêu cực đó đôi khi làm loạn thần tâm trí của nhiều người, nghĩ rằng đời là khổ đâm ra sống bất cần đời, sống buông thả không có mục đích – mục đích thiện. Và khi chúng ta là Phật giáo, đôi khi sợ không dám hãnh diện về Phật giáo là tôn giáo chúng ta theo. Bởi vì người ta nói “ồ, Phật giáo gì cũng cấm, đời là khổ”, và cứ như vậy làm cho chúng ta thấy một cái tôn giáo bó chân, bó tay, cột chặt cứng ngắc làm sao để sống? Phải làm sao đây? Có phải chăng đời là khổ hay không? Đức Phật dạy cho chúng ta nhận diện cuộc đời và mỗi một tôn giáo, mỗi một bậc Thầy, mỗi một đấng Giáo Chủ, mỗi một con người có kiến thức nhìn vào cuộc đời luôn hướng dẫn cho chúng ta – những người sau biết nhận diện cuộc đời. Nhất là cha mẹ, khi con còn tấm bé đã luôn hướng dẫn cho con mình nhận diện cuộc đời. Bởi khi mở mắt chào đời, biết bao nhiêu mới lạ con của chúng ta có thể nhìn thấy. Mỗi một cái nhìn, mỗi một sự tương tác, cha mẹ hướng dẫn cho em bé cách nhận diện ra cuộc đời bằng nụ cười, bằng ánh mắt, bằng tình thương, bằng những món ăn mớm vào bằng sữa, bằng nước, bằng sự chăm sóc. Sự va chạm thể hiện trong tình cảm đó, lòng yêu thương đó và sự hướng dẫn trong những cách ăn nói ngay từ thuở em bé nghe chẳng hiểu gì, nhưng năng lượng yêu thương cũng làm cho em bé nhận diện ra cuộc đời có mặt trên hành tinh này.

Các bạn, đời là bể khổ có phải chăng là tiêu cực khi chúng ta chỉ hiểu một cách bằng phẳng, khi chúng ta chỉ hiểu một cách sòng phẳng, khi chúng ta chỉ hiểu trượt trên mặt bằng của ngôn ngữ đời là bể khổ. Các bạn có còn nhớ, thuở thật là nhỏ hay cả khi lớn lớn rồi, khi xin cha mẹ đi chơi đêm cha mẹ thường nói câu này ai cũng nghe: “con à, đi đêm nhớ về sớm, không coi chừng gặp ma”, mà ở trong dân gian chúng ta nói “đi đêm có ngày gặp ma”. Câu nói này có phải chăng ma ở trong ban đêm, ma chỉ sống trong ban đêm, ma có ở ban ngày hay không và có sự hiện diện của ma hay không? Cho tới cái tuổi lớn lắm rồi, ta có con, ta có cháu, ta cũng nhắc nhở con cháu mình “con à,cháu ơi, đi nhớ về sớm coi chừng gặp ma”. Câu nói cửa miệng đó đã được truyền miệng lâu lắm rồi, nhưng có phải chăng câu nói đó là một sự khẳng định để cho mỗi người chúng ta nhận diện rằng cuộc đời này có ma, và ma luôn luôn ở ban đêm rình rập những người đi khuya hay sao?

Nói như vậy thôi các bạn đã đủ hiểu, hàm ý trong cách nói này mượn chữ “Ma” sẽ bắt con đi khi đi chơi quá khuya không về nhà đúng giờ, để như một lời gửi thông điệp nhắc nhở “con ơi, nhớ về sớm không cha mẹ sẽ lo”. Chứ không phải hù dọa nhưng vẫn ngầm ở trong đó nói thật là rõ “đêm có ma, đi phải xin phép về phải đúng giờ”. Và câu đó nói ai cũng hiểu rằng cha mẹ thầm nhắc hãy về đúng giờ. Và thật là nhiều những câu khác, như chúng ta đi cắm trại, đi chơi, đi du lịch nếu có cha mẹ chuẩn bị đồ ăn, cha mẹ thường nhắc “con à, đây là đồ ăn cha mẹ chuẩn bị các con nhớ ăn. Đây là tiền bạc cha mẹ chuẩn bị con nhớ xài. Ăn đúng đồ để khỏi đau bụng, đi với bạn tốt không thì nguy hiểm”. Cái câu ăn đúng đồ để khỏi đau bụng rồi liệt kê bao nhiêu thứ cha mẹ nói đừng ăn đừng uống, rồi bạn này bạn kia đừng chơi. Tất cả những lời giáo dưỡng của cha mẹ, ông bà, những lời dạy dỗ của những bậc Thánh Hiền là cách hướng dẫn dạy theo đúng chân lý nhân duyên sanh khởi của nhà Phật – có này phải có kia. Nhưng theo như tâm lý học, Đức Phật là nhà bác sĩ tâm lý học về tâm linh, Ngài nhìn thật là rõ chân lý của nhà Phật và Ngài nhìn thật là rõ căn cơ của từng người. Rồi Ngài lại nhìn thật là rõ thời gian, không gian con người sinh sống trong mọi thời đại, đều có thể ứng dụng những lời dạy của Phật một cách phương tiện thiện xảo, để chuyển tải chân lý thoát khổ.

Khi nói đến ma – ban đêm phải về sớm, khi nhắc điều đó các con biết rằng chúng ta phải về sớm theo lời mẹ, chứ chẳng phải vì sợ ma, mẹ chỉ nhắc khéo. Chữ “ma” là trở ngại. Rồi ở trên đời khi nói đến chữ nguy hại, những việc làm không tốt là để có hàm ý răn đe cho chúng ta quay về với điều tốt. Mà trong chân lý Đức Phật dạy về Pháp Duyên Khởi tương sanh – có khổ là phải có hạnh phúc. Điều đó đã chứng tỏ trong bài chuyển Pháp Luân đầu tiên Chư Phật dạy cho năm người đệ tử anh em Kiều Trần Như, đó là Tứ Thánh Đế – khổ. Phật nói về khổ không phải để hù dọa cho chúng ta sợ hãi, trốn tránh cuộc đời, bỏ thành phố, bỏ thôn quê vào rừng sâu núi thẳm, lìa đời tất cả để thoát ly đời bởi đời là khổ – không phải. Đức Phật dạy theo tâm lý để chúng ta thuần được tâm lý đó mà vươn tới chân lý thoát khổ. Mục đích khi nhận diện ra khổ đau là chúng ta theo chân lý Đức Phật dạy “duyên khởi tương sanh”. Nếu đã có khổ đau thì chắc chắn phải có hạnh phúc.

Các bạn thấy rõ, cho nên Phật dạy cho chúng ta nhận diện ra khổ đau để hiểu thấu và nhận diện ra hạnh phúc để có sự lựa chọn rời khổ đau tới hạnh phúc. Trong cuộc đời có hạnh phúc và khổ đau, chỉ ra và giúp cho chúng ta thấu rõ được khổ chính là chỉ và giúp cho chúng ta thấu rõ được hạnh phúc để đi tới. Nhìn theo khía cạnh của nhà giáo dục – của bậc Thầy mô phạm như bậc đại giác là Phật, thì đây mới là cách nhìn viên mãn. Phật không hù dọa như đi đêm có ngày gặp ma, bởi vì cha mẹ có khi nào chỉ cho chúng ta thấy ma đâu, nhưng cách hướng dẫn như vậy vẫn còn hữu dụng bởi chúng ta nhờ sợ ma về nhà đúng giờ để rồi tránh mọi nguy hiểm. Nhưng Chư Phật nói đời là khổ, Ngài phân tích từng cái khổ, Ngài chỉ cho chúng ta thấy được cái khổ, nhận diện được cái khổ, đó không phải là một lời hù dọa mà sự thực đời là khổ. Tuy nhiên, không phải Đức Phật dạy và phân tích, chỉ thật rõ cho chúng ta thấy khổ để rồi chúng ta rơi vào trạng thái nghĩ đời là khổ, đời là bể khổ để tiêu cực, sợ hãi từ bỏ cuộc đời. Mà mục đích của Phật dạy cho chúng ta nhận diện đời là khổ, khổ là bởi vì sanh ra (sanh là phải tử phải chết – khổ, sinh ra làm thân người – già – khổ lắm – ai già mà không khổ).

Thuở xưa, trai tráng, thanh nữ khỏe, đẹp nay thấy trên đầu điểm sương, tóc bạc, mắt nhăn – khổ. Điều đó đúng, không có sai. Bệnh là khổ, vừa bệnh này chưa hết bệnh kia đã tới. Khổ! Khổ! Khổ! Khổ đủ mọi thứ, tất cả những điều Chư Phật dạy: sinh-lão-bệnh-tử là khổ, gặp người đối kháng là khổ, không gặp những chuyện như ý là khổ, chia lìa với những người yêu thương là khổ, thân xác này không điều hòa là khổ thân xác. Tám cái khổ đó là sự thực của một kiếp người. Phật dạy ra như vậy và chỉ thật rõ nguyên nhân gây ra khổ, thấy rõ được khổ đau đó, khổ đó như đang ở dưới bể (tức là đang ở dưới nước). “Đời là bể khổ” có nghĩa, chúng ta đang trầm mình dưới nước mà không biết bơi, lặn ngụp rồi uống nước vô (vô tai, vô mũi, vô miệng) đắm đuối bị nguy hiểm, sợ hãi, chìm, chết ngộp ở trong đó. Và Phật nói đúng đời là bể khổ, ám chỉ chúng ta đang lặn ngụp trong bể khổ, để chúng ta thấy nếu như có bể khổ thì phải có bờ hạnh phúc. Cho nên đã có bể là phải có bờ, nếu không có bờ nước chẳng có, nguyên lý quá đơn giản. Đã gọi là biển phải có bờ biển, sông phải có bờ sông, suối cũng phải có bờ suối, bởi vì không có bờ hai bên ôm ấp nước sao có thể đọng tạo thành suối, thành kênh, thành rạch, thành sông, thành biển? Đời nếu là khổ thì không có bờ hạnh phúc, khổ chẳng có.  Chính vì chúng ta thấy có bể khổ trong tám cái khổ kia nên hiểu ngay rằng sẽ có bờ để chúng ta đi lên, đừng đánh mình trong bể khổ cuộc đời. Phương pháp giáo dục của Phật thật rõ, thật hay nhắc cho cha thấy bóng tối để hiểu rõ giá trị của ánh sáng, nhắc cho ta thấy đói để thấy được có giá trị ăn cho no, nhắc chúng ta thấy bệnh để thấy được giá trị khi người khỏe mạnh, nhắc cho chúng ta có giá trị hiểu được cuộc sống qua những kết quả của sự đau khổ, phiền não. Để thấy rằng cuộc đời không hẳn chỉ có khổ mà bởi vì ta không nhìn thấy nên cứ tưởng rằng có khổ, còn người khôn ngoan được sự hướng dẫn rõ ràng, chúng ta sẽ có cơ hội nhìn thấy bờ hạnh phúc và an vui. Cho nên nhận diện cuộc đời theo phương pháp của một bậc Thầy mô phạm giác ngộ là Phật, là dạy cho chúng ta phải thấy được khổ trong cuộc đời để nhận ra hạnh phúc và bình an, đạt tới đó. Chứ không phải chỉ ra khổ để lâm vào tình trạng tiêu cực, sợ hãi, lìa xa cuộc đời. Trong đời có khổ nhất định có hạnh phúc; hay nói theo một cách khác Phật nói đời là bể khổ, đời là khổ, cái này khổ cái kia khổ nếu lật ngược lại thì chúng ta phải hãnh diện. Phật đã dạy đời là hạnh phúc miên trường, nếu chúng ta bước lên từ dưới nước và ngồi được lên trên bờ. Đây là cách nói, cách hướng dẫn để sách tấn chúng ta vươn lên và vượt qua tất cả những chướng ngại mà chúng ta tự thân tạo ra ràng buộc, dìm mình đi xuống, những tư tưởng không có thiện lành, thật là hay.

Các nhà tâm lý học, các nhà giáo dục học, xã hội học khi nghiên cứu về tâm lý con người bất ổn định, thường mang nền giáo dục hướng dẫn trong sự so sánh. So sánh giữa “khổ” và “hạnh phúc” để rồi sách tấn con người kia có chiều hướng hướng về điều tốt. Người sơ ý cắt tay chảy máu – đau, ta thấy cắt tay chảy máu đau ta liền thấy đau khổ đó và hướng tâm đến điều mơ ước rằng sẽ có được sự lành lặn hạnh phúc. Đức Phật rất hay, Ngài chỉ cho chúng ta thấy rõ được cái khổ và khi thấy càng rõ từng cái khổ tức là càng thấy rõ hạnh phúc và bình an. Đây là chân lý muôn thuở không bao giờ xóa mờ được. Phật nói có khổ khổ thì phải có diệt là cảnh giới tịch tĩnh, hạnh phúc – Niết Bàn. Nếu có khổ thì phải có Niết Bàn, nếu có Tập (tức là nguyên nhân tạo ra khổ) thì nhất định sẽ có phương thức là diện để đi lên Niết Bàn. Cho nên bốn điều Phật dạy, có khổ chắc chắn có Niết Bàn (Niết Bàn tức là hạnh phúc và an vui), có nguyên nhân tạo ra khổ cho ta thì nhất định có phương pháp để đưa ta tới Niết Bàn. Phật dạy quá hay mà, đâu nói đến cách tiêu cực như chúng ta thường nghĩ đời là bể khổ. Ta phải hạnh diện là đệ tử của Phật, bởi Phật là một nhà sư phạm đại tài, lời dạy của Phật không bao giờ mai một theo thời gian, cũ kỹ theo năm tháng, vô dụng theo thời đại. Lời của Phật dù ở bất cứ phương trời nào, dân tộc nào, hoàn cảnh nào, khung thời gian nào, thế hệ nào, dù có văn minh tột cùng thì lời của Phật vẫn ứng dụng được. Bởi anh là ai, tôi là là ai, quan trọng là mỗi người chúng ta trong thời đại nào đi nữa thì vẫn luôn luôn phải sống và trực diện giữa đau khổ và hạnh phúc.

Bạn đi bộ để tới nơi bạn cần; hay bạn đi xe hơi, máy bay, xe đạp thì bạn cũng phải cũng phải đương đầu với khổ đau và hạnh phúc. Bạn có hàng tỷ, hay nghèo xơ xác nằm bên lề đường cũng phải trực diện với những cảm xúc đau khổ, hạnh phúc và bình an. Bạn là vua chúa thì bạn cũng phải trực diện với đau khổ, phiền não, hạnh phúc, bình an. Bạn là thứ dân cũng như vậy, ai ai, chúng sanh nào cũng có cảm xúc của đau khổ, phiền não, hạnh phúc và bình an. Phật thấy được điều đó và chưa có ai chỉ cho chúng ta thoát khổ, bởi chưa có ai chỉ rõ nguyên nhân của khổ tạo ra khổ, trước Phật và sau Phật chưa có một bậc giáo chủ của tôn giáo nào chỉ ra được điều đó. Chỉ có Đức Phật chỉ ra và dạy cho chúng ta nhận diện ra cuộc đời là khổ đau, để thấy rằng trong cuộc đời này còn có một sự nhận diện vi diệu hơn nữa, ngoài khổ đau là hạnh phúc và bình an. Cho nên nếu nói ngược lại, các bạn cũng có thể nói đời là hạnh phúc và bình an nếu thực hiện đúng lời dạy của Phật. Phật không cứu chúng ta, Phật truyền cho chúng ta cái nghề, cái kỹ năng để chúng ta thành tựu được như một người đang chìm dưới bể sâu có thể lên trên bờ hạnh phúc và bình an. Trên đời này có ai truyền cho chúng ta kỹ năng đâu, có được chút nghề ai cũng giấu sợ người khác biết. Tiền có thể cho giúp đời chứ không thể cho nghề.

Các bạn nói và cái đó đúng mà, xưa giờ chúng ta giấu. Nhưng Đức Phật, 2560 mấy năm trước chưa bao giờ giấu nghề. Chân lý Đức Phật tìm ra nó là chân lý; mà Ngài đã tìm ra thực hiện, ứng dụng, áp dụng được và đã đạt tới sự hạnh phúc viên mãn. Ngài truyền chúng ta cái nghề đó, kỹ năng đó – kỹ năng thiện xảo đó, để khi chúng ta áp dụng đúng không mất thời gian lần mò. “Không thầy đố mày làm nên”, chúng ta có Thầy, có Phật dạy ta sẽ làm nên sự việc của cuộc đời, thật rõ.

Cho nên hạnh phúc mà ta có Thầy (Thầy là chỉ, là dạy). Đức Phật là Thầy chỉ rõ  cái “khổ” trong thế gian, cái chỗ khổ đếm nguy hại. Để rồi mỗi người chúng ta nhìn theo cái khổ đó và cũng theo lời Phật chỉ, theo chân lý duyên khởi tương sanh có hạnh phúc và bình an, có chỗ ướt – đắm chìm thì có chỗ khô ráo để lên trên bờ, có khổ thì thấy ngay hạnh phúc mà thôi.

Hôm nay chúng ta học nhận diện cuộc đời thì phải đúng theo như lời Phật phải nhận diện ra cái khổ. Sinh-lão-bệnh-tử là khổ nhưng những thứ đó nó cũng ít lắm, vì sau khi chúng ta chạm vào rồi mới thấy? Khi gặp người thân bệnh hoạn; hoặc mình bệnh hoạn rồi mới khổ; hoặc thấy người thân chết mới thấy khổ; hoặc thấy mình già nua mới thấy khổ, những thứ đó nó tới từ từ.

Nhưng một trong bốn điều khác mà Phật dạy – những điều bất như ý, dù ngay từ nhỏ cũng vậy, cha mẹ cho con cái một điều gì đó không như ý đã thấy nó nhăn mặt rồi, lớn lên dần với phong cách sống đó, những chuyện không như ý khổ lắm. Như trong cuộc đời ta có vợ có chồng, chồng có thể phản bội không như ý chung thủy, vợ có thể làm sai không chung thủy như ý – khổ. Có con cái chúng ta thấy khổ bởi nó không có nghe, không như ý – khổ. (Và có biết bao nhiêu chuyện không như ý, đi làm không như ý, chạy xe thấy toàn chuyện không như ý, mình chạy mà nó cắt ngang đầu rồi nó không bóp còi, rồi đưa tay, thậm chí nó còn chỉ trỏ, chửi,…khổ, không như ý. Đi uống một ly cà phê sáng tưởng chừng hạnh phúc lắm, mình uống cà phê đen, quán này đã uống 05, 06 năm rồi, hiểu ý rồi mà hôm nay mang ra cà phê sữa, không như ý đã là khổ).    Chưa kể đến biết bao những chuyện không như ý vụn vặt trong cuộc đời, khổ tích lũy. Đó là khổ thực tế ai cũng va chạm, khổ nữa là khổ mà gặp người đối nghịch khổ dữ lắm, gọi là oan gia trái chủ. Gặp kẻ đối nghịch, gặp người đối nghịch – khổ mà không biết sao chui vào đâu để trốn được. Nói sơ qua để hiểu chứ chưa kể đến kẻ thù, người hại đến ta, người chửi bới ta, người hoàn toàn nghịch với ta lỡ gặp trong cuộc đời khổ vô cùng. Rồi đến cái mà gọi là phải chia tay với những người yêu thương. Chỉ cái chữ “chia tay” với con cái đi du học nước ngoài; hoặc chia tay với con đi học trường mẫu giáo mấy tiếng đồng hồ cũng đã buồn lắm rồi, chưa nói đến chuyện lớn của đời người là phải chia tay vĩnh viễn. Nói đến chuyện mà chúng ta lúc nóng lúc lạnh, cơ thể lúc buồn bực lúc khó chịu cũng là khổ. Ở nhà ta sống quen rồi, có đầy đủ tiện nghi, đi du lịch lỡ tới chỗ mà nó kiểu thời thượng một chút xíu thấy khổ vô cùng, khác biệt thôi là khổ. Những cái khổ đó nó hiện diện trong cuộc đời. Cho nên Phật nói tất cả những đó khổ và chỉ thật là rõ cái khổ đó, nguyên nhân tạo ra khổ, tóm gọn lại chính là bởi vì tâm chấp mà khổ – chấp là khổ. Cho nên Phật dạy đời là bể khổ bởi ta chấp. Cho nên nói ngược lại, đời là hạnh phúc bình an nếu ta buông xả, hỷ xả. Cho nên trong tinh thần Tứ Đại Tâm thấy rõ hai chìa khóa hỷ-xả để có được hạnh phúc và bình an. Chấp thủ là khổ, Phật dạy đời là bể khổ bởi chúng ta chấp thủ, đời là hạnh phúc bởi chúng ta xả bỏ, từ bỏ, hỷ xả một cách hoan hỷ. Nếu chúng ta biết buông đừng chấp thì có thể hạnh diện vỗ ngực rằng ta là Phật tử và Phật dạy đúng đời là hạnh phúc và bình an nếu như mọi người chúng ta thực hành được tâm hỷ-xả. Cho nên Đức Phật đã dạy cho chúng ta thấy rõ cái khổ, nguyên nhân cái khổ. Và sự việc tạo ra cái khổ đó là do chấp thủ để từ đó ta buông xả, hỷ xả để đạt được hạnh phúc và bình an, phương pháp giáo dục quá hay. Cho nên nhận diện cuộc đời theo tinh thần Phật giáo là một nền giáo dục muôn thuở vẫn phù hợp với mọi con người, mọi quốc độ, mọi dân tộc, mọi thời gian, mọi thế hệ, mọi căn cơ khác biệt của từng chúng sanh. Chỉ có bậc Thầy vô thượng mới có cách dạy thông hết mọi loài như thế.

Hôm nay, chúng ta không còn nghĩ về lời Đức Phật dạy, hoặc người ta tóm gọn lại theo cách đời là bể khổ để nghĩ tới tiêu cực nữa; mà đó là một cách nói tích cực chỉ ra khổ để chúng ta thấy được hạnh phúc. Xưa giờ vô minh ta chỉ thấy khổ, bạn cứ nghĩ đời là bể khổ, Phật nói không. đời ngoài khổ còn có bờ hạnh phúc (Hạnh phúc là bờ, khổ đau là bể). Đây là một cách nói quá hay, một cách dạy tuyệt vời, Ngài là một giáo sư cao tay dạy cho chúng ta trồi lên trên bờ hạnh phúc, thấy được hạnh phúc. Bao nhiêu kiếp qua ta không thấy được hạnh phúc và bình an, ta chỉ thấy khổ và rồi cứ vùng vẫy cho đến kiệt sức, rồi chìm xuống dưới đáy của địa ngục. Nhưng hôm nay Phật đã dạy, không nhất thiết phải vùng vẫy dưới bể khổ của cuộc đời rồi chìm xuống đáy địa ngục, hãy lên trên bờ đi, hỷ xả buông đi, lên trên bờ hạnh phúc và bình an có ngay. Nền giáo dục của Phật giáo thật tích cực – ta hãnh diện. Cho nên ở trên đời, khi các bạn nhận diện ra khổ đau tức khắc các bạn nhận diện ra hạnh phúc. Khi các bạn nhìn ra nguyên nhân tạo ra khổ đau tức khắc các bạn sẽ tìm ra được nguyên nhân để trở về với hạnh phúc. Và nếu các bạn gặp những ai chỉ cho bạn thấy được khổ đau và nguyên nhân tạo ra khổ đau, chính là người đó đã hướng dẫn, chỉ cho các bạn thấy được hạnh phúc và phương thức để đạt được hạnh phúc và bình an. Nói thêm một cách hay hơn nữa, là những ai mang khổ đau tới cho chúng ta, những ai tạo khổ đau tới cho chúng ta thì chính là những người đó sẽ giúp cho chúng ta nhìn thấy sự hiện diện của hạnh phúc trong cuộc đời, để chúng ta bỏ khổ đau đó, đừng chấp vào khổ đau đó lên trên bờ hạnh phúc.

Các bạn có thấy khi các bạn đau khổ là các bạn cứ tròng cái khổ vào trong đầu, cứ than cứ trách rồi kể lễ, rồi truyền tin bằng miệng, bằng phone (điện thoại), bằng các trang mạng xã hội (facebook,…). Đã khổ rồi mà cứ lấy đinh, lấy búa đóng vào cái khổ đó – khổ! Các bạn có thấy không? Nhưng mà có những người thì lại nói khổ mà xả ra, nói ra khỏi lồng ngực thì hết khổ. Nhưng các bạn đâu biết phương pháp đó đâu có hay, được – bạn nhẹ lòng phải không? Bây giờ bạn khổ, bạn tỉ tê với người này, bạn tỉ tê với người kia, bạn truyền ra thì bạn truyền năng lượng tiêu cực, khổ đó tới cho người nghe, bạn được xả stress (căng thẳng, lo âu) ra ngay phải không? Nhưng vô tình bạn tạo nghiệp bởi bạn mang ám khí tiêu cực, ô nhiễm, ám ảnh vào người khác. Còn đối với Đức Phật cũng là phương pháp xả – hỷ xả, nhưng mà xả trong chánh niệm và hơi thở. Và cái xả đó có sự hỗ tương trợ lực của một nguồn nước thanh tịnh đó là từ trường yêu thương – từ bi Mu A Mu Sa. Đổ nước vô và tẩy rửa mau sạch, còn cứ để khô như vậy mà tẩy (khô tức là rất thô, mang ra ô nhiễm kể lể, than khóc) ở trên mạng, trên facebook, kể rồi thêu, rồi dệt, thêm vô nữa như họa sĩ. Rồi chúng ta còn gắn lên trên nền tảng của thông tin, ám chỉ. Nhiều khi ngôn ngữ về phương diện đọc là hay, nhưng người trong cuộc đọc sơ qua thấy đau thắt ở trong trái tim, lời ngọt nhưng mà sắc như dao, mỹ từ nhưng nó có sự khứa đứt hơi thở của người khác. Đã đau đã khổ vì người tạo ra, không hẳn vì người tạo ra đau khổ đó mà ta phải trả thù bằng những ngôn ngữ, bằng những mỹ từ, bằng những phương thức như vậy, oán với oán hà thời oán, thù với thù sao có thể hết? Cho nên khi chúng ta bị ai đó làm khổ do nguyên nhân của họ, do nghiệp chướng của ta hoặc do ta tạo ra khổ. Nhớ rằng, phương pháp tuyệt vời nhất mà Phật dạy là trở về với chánh niệm hơi thở, nương vào tình yêu thương của Phật từ trường tích cực từ bi, để chúng ta đứng dậy mà lau sạch, gỡ bỏ tất cả, hỷ xả để leo lên trên bờ hạnh phúc vốn có ngay bờ thẳm của cuộc đời đau khổ. Ngay vực thẳm của đau khổ đó chính là bờ hạnh phúc.

Hôm nay, Bảo Thành gợi ý trong ngày cuối năm, chúng ta cần phải ôn lại cuộc đời và phải nhận diện rõ cuộc đời – đời là khổ không theo góc cạnh tiêu cực, mà Phật chỉ thấy rõ cái khổ, nguyên nhân tạo khổ để chúng ta được sáng con mắt trí tuệ, để nhìn rõ đời là hạnh phúc nếu chúng ta biết hỷ xả, còn đời là khổ nếu chúng ta chấp thủ. Lựa chọn khổ đau hay hạnh phúc là tùy theo các bạn, Phật không ép.

Mời các bạn đặt bàn tay phải từ bi và bàn tay trái trí tuệ cùng với nhau để vận hành 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện Mười Phương  Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực để chúng con nhận diện được cuộc đời. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)

Các bạn, khổ đau có thật nhiều nhưng nhớ rằng không hẳn cuộc đời chỉ có một phần là khổ đau đâu; hoặc là toàn phần khổ đau. Bên cạnh sự khổ đau đó, hiểu rõ được nguyên nhân khổ đau để tìm được nguyên nhân lên trên bờ của hạnh phúc, bình an. Phật chỉ ra khổ đau để ta thấy được bình an và hạnh phúc, cho nên ai ở trên đời này mà không có thật nhiều sự khổ đau? Khổ đau thật là nhiều, biết bao nhiêu chuyện khổ đau, bởi có biết bao nhiêu chuyện không như ý xảy ra. Có biết bao nhiêu chuyện khổ đau bởi chúng ta không thể làm được tất cả mọi chuyện theo ý mình. Có biết bao nhiêu sự khổ đau là bởi vì ở trên đời luôn gặp chướng ngại. Có biết bao nhiêu sự khổ đau là bởi vì ở trên đời ta luôn gặp những con người chống đối lại chúng ta. Biết bao nhiêu khổ đau là bởi vì trời đất này luôn luôn thay đổi, lòng người luôn luôn đổi thay, thân thể của chúng ta không điều hòa theo năm tháng thời tiết – khổ đau vô cùng. Biết bao nhiêu sự khổ đau bởi thân này chẳng bao giờ giờ khỏe mãi, nó sẽ có bệnh, rồi có biết bao nhiêu sự khổ đau bởi tuổi trẻ kia đâu có tồn tại, tuổi già tới nhăn nheo tóc bạc – khổ. Có biết bao nhiêu khổ đau bởi cửa tử mở ra chờ chúng ta từng ngày. Có biết bao nhiêu khổ đau bởi ở trên đời này biết bao nhiêu mộng ước không bao giờ thành mà sự trái ngang luôn hiện diện. Khổ đau đó không phải là một đống khổ đổ lên trên đầu để dìm ta xuống. Phật dạy giữa bể khổ đó, nhận diện có được bờ hạnh phúc để ngoi lên mà ngồi trên đó hưởng được sự an lạc, an vui trong cuộc đời. Chỉ vì ta không biết, đắm mình ở dưới đó, Phật thấy vậy nên chỉ rõ đó là khổ, trên này hạnh phúc lắm con ơi, lên đi!

Chúng ta phải luôn luôn phải nhìn vào tất cả những sự đau khổ hiện diện trong cuộc đời thật rõ, nên có sự dũng cảm nhìn rõ theo lời Phật dạy. Và dưỡng tâm của mình trên thềm hơi thở chánh niệm, đón nhận lòng từ bi của Phật để kích hoạt năng lượng từ bi, yêu thương vốn có của ta. Để ta không cần phải chống đối, ghét hận kẻ thù, kẻ nghịch ý những điều bất như ý xảy ra trên đời; hoặc những nghịch cảnh tạo ra khổ, mà chúng ta tăng trưởng tình yêu thương, lòng trắc ẩn, lòng thương xót, lòng từ bi vô bờ vô bến không ngăn ngại, không có phân biệt. Thì nhất định với tâm không chấp thủ như thế và hỷ xả đến mức mà tâm hoàn toàn đạt tới đón nhận được năng lượng Phật điển Mu A Mu Sa bằng chánh niệm hơi thở. Nhất định năng lượng này sẽ gội rửa những phiền não, u uất, đau khổ tồn đọng, bám vào trong vách tường tâm thức của chúng ta. Để từ vách tường đó, có những bông sen được trỗi dậy trong bùn lầy hôi thối, đắm mình trong những kiếp qua bởi sự không thấy của chúng ta.

Các bạn vươn lên khỏi một đầm lầy hôi thối là một tòa sen cao quý, bước ra khỏi sự chấp thủ thì vô minh sẽ không còn, trí tuệ sẽ bừng khai, hạnh phúc sẽ tới với chúng ta. Chúng ta nhất định phải nhận diện cuộc đời theo như lời Phật dạy để chúng ta có được hạnh phúc và bình an bằng phương pháp trụ vào trong chánh niệm hơi thở, buông bỏ và hỷ xả.

Các bạn đặt đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta bắt đầu 07 hơi thở.

Đời là bể khổ, lời Phật dạy để cho chúng ta bước lên bờ hạnh phúc. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Phật chỉ rõ cái khổ để chúng ta biết được nguyên nhân tạo khổ mà vươn lên bờ hạnh phúc và có phương thức để tìm ra hạnh phúc. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Phật dạy nhận diện ra đời là khổ để thấu rõ nguyên nhân, để có sự lựa chọn tới với hạnh phúc. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Đời là bể khổ không phải là sự tiêu cực mà là một phương pháp mô phạm tích cực, đưa chúng con tìm về bến bờ hạnh phúc. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Phật đã dạy lý duyên khởi tương sanh, có khổ, thấy khổ là có hạnh phúc và thấy được hạnh phúc. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Bao nhiêu cái khổ, bao nhiêu kiếp qua, ngày tháng qua chúng con nguyện mương vào chánh niệm hơi thở, từ bi – hỷ xả, đón nhận năng lượng siêu thế Mu A Mu Sa, để gội rửa mọi phiền não đau khổ. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Bao nhiêu chuyện trên đời tạo ra khổ là bởi chúng con cố chấp nghĩ rằng có thể thay đổi được tất cả, nhưng hôm nay đã nhận rõ cái khổ và nguyên nhân chúng con sẽ thay đổi được, nhưng thay đổi bằng cách hỷ xả để trồi lên trên bờ hạnh phúc và bình an Đức Phật đã khai thị qua cái khổ và nguyên nhân gây ra. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Chúng ta tu xong rồi các bạn ơi, bây giờ chúng ta hãy cùng chắp tay hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!

Phật đã dạy cho chúng con nhận diện ra cuộc đời là khổ, nhìn rõ và trực diện cái khổ, hiểu ra nguyên nhân. Để đồng thời hiểu rõ rằng đời là hạnh phúc và bình an. Và có phương pháp, kỹ năng Phật đã truyền để đạt tới sự hạnh phúc, bình an đó.

Chúng con nguyện xin thực hành chánh niệm hơi thở, chánh niệm đời sống Mu A Mu Sa, để đạt được kỹ năng thiện xảo này. Nguyện hồi hướng cho các nguyên thủ các quốc gia thành lập chính sách hòa bình cho thế giới. Nguyện cho các khoa học gia ngành y, ngành dược chế tạo ra thật nhiều vắc-xin (vaccine) và thuốc trị bệnh đại dịch, các chứng bệnh nguy hại trong cuộc đời. Hồi hướng cho các bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ cứu tế trên thế giới, luôn sẵn lòng chăm sóc và chữa lành các bệnh nhân. Nguyện cho muôn người đau khổ phiền não nhìn thấy rõ đau khổ, phiền não để ngoi lên bờ hạnh phúc, bình an bằng chánh niệm hơi thở. Hồi hướng cho các vong linh được siêu sanh miền lạc quốc.

Con xin mười phương Chư Phật từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn