Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, cùng các bạn đồng tu ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi.
Đã tới giờ chúng ta đồng tu với nhau, mời các bạn cùng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào tất cả các bạn!
Mỗi một ngày chúng ta đồng tu với nhau với Pháp môn phương tiện Thiền Mật song tu – Thất Bảo Huyền Môn, để chúng ta hãy cùng nhau có một chút thời gian trong cuộc đời bận rộn, trở về với hơi thở chánh niệm, hòa mình vào với tự thể, bổn tánh tinh khiết, thuần tịnh mà Đức Phật đã thọ ký cho chúng ta. Từ đó, chúng ta hòa nhập vào với năng lượng từ bi của mười phương Chư Phật để nâng cuộc đời chúng ta lên, nâng lên một đẳng cấp cao hơn thoát khỏi sầu muộn, bi ai, đau khổ để hưởng được sự hạnh phúc và bình an ngay trong cuộc đời hiện tại. Không ngày mai, không tương lai, không kiếp sau mà ngay kiếp này.
Trong Thiền Mật song tu – Thất Bảo Huyền Môn, chúng ta phối hợp nhịp nhàng giữa niềm tin sâu sắc, bất động vào ba ngôi Tam Bảo: Phật-Pháp-Tăng và chân lý nhân quả thiện ác, giữ năm giới cho miên mật không rời xa. Hành mười điều thiện Đức Phật dạy, trụ trong chánh niệm hơi thở, phát nguyện tiếp năng lượng từ bi của Chư Phật và lan tỏa đến muôn loài, muôn nơi trong cuộc sống. Với sự kiên trì vượt qua những thử thách trong cuộc đời, trụ tâm trong chánh niệm hơi thở từ bi này, mỗi người chúng ta sẽ tìm về được cội nguồn an vui thật rõ, và có thể hòa nhập nó vào trong môi trường sống hàng ngày. Để ai ai, những người sống cùng với chúng ta trong gia đình luôn có thể chuyển hóa những sự khác biệt của cuộc đời khi đối đãi với nhau, để luôn dung thông bằng tình thương chân thật, bằng lòng bao dung, bằng sự tha thứ với những lỗi lầm, lầm chấp của nhau, để san bằng tất cả sự khác biệt để sống an vui.
Và để chúng ta bắt đầu đi vào chủ đề ngày hôm nay, được gửi tới để chúng ta cùng tham khảo đó là “Thấu Rõ Kiếp Người”. Chúng ta hãy bắt đầu đặt bàn tay phải được trưng cho trí tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho từ bi, vận hành 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa. Mời các bạn.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực để chúng con được khai mở trí tuệ thấu rõ kiếp người. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)
Mô Phật! Trong hơi thở của Thiền Mật song tu, chúng ta hít vào rất từ từ và đưa sâu xuống đan điền khí hải (bụng dưới) của chúng ta. Các bạn nhớ về cơ thể học, thân này vẫn biết là tứ đại nhưng để vận hành vào những mục đích trong cuộc sống tạm gọi là có một sức khỏe tương đối, để giữ cho năng lượng cơ thể bão hòa, mang lại sự an vui cho thân. Chúng ta cần phải tu dưỡng, không thể phung phí sức lực được đâu. Biết bao nhiêu người phung phí sức khỏe khi tuổi trai trẻ khỏe mạnh, đến khi trung niên lớn lên sẽ suy yếu nhiều lắm. Và lúc đó thường hay than tuổi trẻ tôi đã phung phí sức quá nhiều, cho nên đến tuổi này chưa già mà đã lụm khụm rồi. Điều này thấy và có ở trong dân gian. Cho nên trong hơi thở ta đưa vào sâu xuống tới nguyệt đan điền khí hải của châu thân chúng ta. Dưới đó có cùng đại huyệt luân xa số 01 dọc theo xương sống, nó nằm giữa nhâm – đốc với nhau, nhâm mạch và đốc mạch (nhâm ở đằng trước, đốc ở đằng sau), âm dương tương hợp. Năng lượng được xoay chuyển như vậy với hơi thở đi sâu xuống dưới, kích hoạt và thở ra hóp bụng vào, hít vào phình bụng ra. Động tác phình và hóp đó, nó tác động vào luồng khí oxi ta hít sâu vào trong phổi, đưa sâu xuống đan điền, nó tác động bằng sự vận hành của cơ bắp, vùng bụng của chúng ta. Phình ra và hẹp vào đó, nó biến đổi thành nhiệt lượng, xoay chuyển thành nguồn năng lượng, kích hoạt năng lượng vốn có trong các huyện đạo, để giúp chúng ta có sức khỏe. Đây là một yếu tố rất quan trọng trong vấn đề tu học, nếu chúng ta nghiêng về tâm quá nhiều, chăm sóc tâm quá nhiều mà quên đi phần thân, chẳng khác nào mong ước qua bờ kia mà chẳng chăm sóc cho con thuyền vượt sóng gió, khi thuyền mục rã ta sẽ bị chìm xuống dòng sông. Còn nếu như chúng ta dành quá nhiều thời gian chăm sóc cho thân này thôi, khỏe mạnh, cường tráng, vai u thịt bắp, gọi là lực lưỡng mà quên đi cái tâm, thì khi chết thân cường tráng, cơ bắp đó cũng trở về với cát bụi.
Lý trung đạo đơn giản, được giải nghĩa là ta phải hài hòa giữa tâm và thân. Thân là phương tiện, tâm dụng thân để đưa đến sự an lạc. Do đó hơi thở mà chúng ta thở trong sự đồng tu cần phải chú ý vận hành cho đúng, để thân được vui được khỏe. Thay vì đi bộ một tiếng là điều tốt ai cũng nên làm, tập thể dục, đá banh, thể thao là điều tốt nên làm, nhưng khi tu tâm mà còn có lợi lạc cho thân qua hơi thở này là điều cần phải chú ý và tinh tấn. Ai từng tu luyện qua Pháp môn này trong thời gian qua, nhất định sẽ cảm thấy mình có một sức khỏe thay đổi từ từ, mà nếu thực tập rõ và ta sẽ thấy sự thay đổi thật là nhiều.
Hôm nay, trở về với chủ đề mà chúng ta nói “Thấu Rõ Kiếp Người”. Không phải chỉ có kiếp người này cần phải thấu rõ, ở trên đời nếu mỗi một mình sống không thôi, chẳng còn ai nữa, có mình ta trơ trọi giữa đất trời, chẳng có cần phải biết gì, tới rồi đi một cách vô thường không suy nghĩ. Nhưng chúng ta có phước báu mà không phải trơ trọi một mình, biết bao nhiêu con người và biết bao nhiêu sinh vật, động vật, thế giới xung quanh ta, đã thể hiện cho thấy cuộc sống trên trái đất này mang thân kiếp làm người cần phải suy nghĩ để thấu rõ.
Không phải đơn giản như câu người ta thường hay nhắc “Ôi sinh ra chết là hết”, để rồi giữa sinh và chết đó, người ta nhồi nhét vào cuộc đời đầy những thứ vô bổ không có chủ đích, không có sàng lọc. Đó cũng là một cách sống của đại đa số thật là nhiều người, không ít đâu, nhưng thấu rõ được kiếp người nó có lợi lạc gì hay không hay cứ sống tự do như muôn người, đây là câu hỏi mà chúng ta phải nên hỏi bản thân. Ngoại trừ khi sinh ra còn quá nhỏ chưa có sự va chạm, tương tác trong cuộc đời, ta ít khi nào suy nghĩ về kiếp con người, kiếp nhân sinh và cuộc sống. Nhưng ở một lứa tuổi đã được truyền dạy, học hỏi trong những nền giáo dục hiện tại, ta có đầy đủ kiến thức và từ đó xây dựng cho mình cách suy nghĩ và hầu hết chúng ta cũng hay suy nghĩ kiếp người là sao đây? Là gì? Là có phải sinh ra rồi chết? Là có phải sinh ra để cắm đầu, cắm cổ đi làm, kiếm tiền, kiếm nhà, rồi phụ nữ thì đi lấy chồng, còn nam giới thì lấy vợ sinh con, cứ rập khuôn như vậy muôn thuở, muôn đời? Trong sự bon chen của cuộc sống đó, tạo ra những sự khác biệt đau khổ và rồi có lúc vui, lúc cười, lúc sướng, lẫn lộn, đó là ý nghĩa của kiếp người hay sao?
Các bạn đôi khi còn trẻ nghĩ sao mà rối, cứ nghĩ chuyện lung tung chi cho rối rắm, thôi đơn giản cuộc sống. Chúng ta cứ vui đi, nào các bạn ơi cứ vui. Và rồi chúng ta kêu gọi nhau cứ vui, cứ xả láng. Sáng thì dậy sớm, tối ngủ trễ, nguyên ngày thì ăn chơi, đó là cách sống buông thả của nhiều người. Nhưng lại có những con người họ suy nghĩ khác, để rồi họ làm sao? Họ tránh xa tất cả, tách bỏ cuộc sống của xã hội, lìa xa kiếp người, ép mình vào sự khổ hạnh để mong chờ kiếp sau. Đối với Bảo Thành, những cách sống như vậy là những cách sống chưa suy nghĩ kỹ, còn nếu chúng ta suy nghĩ cho thật kỹ để thấy rõ kiếp người ta sẽ có một cuộc sống tích cực hơn.
Nhiều bạn trong cuộc sống, ngay cả Bảo Thành nữa, từ công việc thôi, khi chúng ta làm một việc gì nếu chúng ta không thấy rõ, nếu chúng ta không thấu rõ, nhất định công việc đó không có thành công, xác suất thành công không có nhiều, nếu có. Hầu bất cứ một việc gì ở trên đời, chúng ta cũng cần phải học hỏi kiến thức để thấu rõ, để hiểu rõ, để thấy rõ chúng ta làm và hành động. Đơn giản, ngay từ thuở nhỏ đi vào bếp được mẹ dạy nấu cơm, ta cũng phải nhìn cho thấu và hiểu rõ quy trình nấu cơm, không thể chỉ bắt chước đổ gạo vô, đổ nước vô, rồi thổi lửa lên đun, không phải. Ta phải học thì có cơm ngon, không thì cơm nhão, cơm khê, cơm cháy, cơm đục ngầu, cơm bỏ đi không ăn được. Cái gì cũng phải học, bởi vậy mà khi sinh ra, mẹ đã mớm cho ta từng câu vần thật đơn giản, để có thể gọi ba, gọi mẹ, gọi cha, để rồi gọi ông gọi bà, rồi vần từ thứ lớp có thể nói được những câu ngắn, câu dài, để đi đến trường học hỏi, để những gì ta muốn diễn tả thì ngôn ngữ có thể đi ra nhẹ nhàng. Học, học mãi mà thôi. Học để thấu hiểu văn chương, chữ nghĩa, thấu hiểu cuộc đời và thấu hiểu kiếp người. Công việc ta phải học dữ lắm. Sinh hoạt hằng ngày ta cũng phải học, tương tác trong xã hội ta phải học, tình cảm giữa con người với con người, nói chuyện sự thế đời cũng phải học, chuyện gì cũng học mà. Như vậy, học để thấu rõ công việc cách xử thế, học để sống an vui và hạnh phúc, học để làm việc, học để hài hòa với cộng đồng xã hội, học để làm sao đó cho gia đình êm ấm. Học nhiều thì không có lẽ gì chúng ta rời bỏ, học để thấu rõ kiếp người. Nhiều người, nếu chúng ta cứ hỏi kiếp người là gì, tùy theo từng con người, người văn chương họ sẽ diễn giải theo văn chương, dông dài trong văn tự nghe cũng rất hay. Nhưng những người đó hoặc những nhà thông thái hiền triết, họ chỉ hiểu về kiếp người đơn giản quá, đến mức mà lập đi lập lại theo một phương trình ẩn số, toàn là khổ cộng vào với khổ, cuối cùng bằng khổ mãi mãi mà thôi. Bởi họ thấy khổ đó, ai chúng ta không thấy khổ, nhưng họ không khi nào hỏi trong cái khổ cuộc đời ta thấy khổ rồi để làm gì? Nhiều người thấy rõ cái khổ nhưng rồi lao đầu vào khổ là bởi vì chỉ thấy khổ mà thôi.
Là người Phật tử tại gia của chúng ta ngày hôm nay, chúng ta không nhất thiết phải cầu kỳ đào sâu vào văn tự của Phật pháp, để thấu và hiểu rõ về chân lý Tứ Diệu Đế, Tứ Thánh Đế, khổ-tập-diệt-đạo, không cần thiết ngay trong lúc này. Bởi ta là Phật tử tại gia, ta bận rộn và ta có quá nhiều điều lo toan trong cuộc sống, và ta có thật nhiều những đau khổ, những thử thách đương đầu mỗi ngày. Nhưng ít nhất ta phải hiểu được kiếp người theo lời Phật dạy qua Tứ Thánh Đế một cách đơn giản, giản dị, phù hợp với nhân sinh quan sống của hàng Phật tử tại gia chúng ta. Đức Phật nói, kiếp người là khổ và ở đời thường hay nói đời là bể khổ, đúng! Ai cũng phải chấp nhận mà thôi. Vui đó thì ít nhưng mà khổ kia thì nhiều. Không phải khi nói đời là bể khổ, kiếp người là khổ để cho chúng ta trở nên tiêu cực, khổ rồi thì cần gì phải phấn đấu, thôi cứ khổ đi ăn chơi xả láng rồi khổ, tạo nghiệp đây trời rồi khổ, không sao. Bởi kiếp người là khổ. Phật nói đời là bể khổ, có lẽ Đức Phật không bao giờ nói đời là bể khổ một cách thẳng thắn như vậy nhưng ngày nay đã truyền đạt đời là bể khổ. Theo ý nghĩa đó, Phật nói trong cuộc sống có khổ, khổ và nguyên nhân tạo ra khổ nhưng ở chỗ hay như vầy. Khổ – Phật đã thấy rõ, đời là khổ và tìm nguyên nhân tạo ra khổ, để từ đó thấy nền Minh Triết của đức Phật dạy có này thì có kia, đó là nền Minh Triết tuyệt vời nhất trong luật duyên khởi tương sanh. Khi ta hiểu rõ được lời Phật, đón nhận lời Đức Phật dạy thật rõ và thấu rõ rằng kiếp người là khổ và thấu rõ kiếp người có những tạo tác tạo ra cái khổ đó, thì lý duyên sanh nó tương đồng hài hòa. Nếu đã có khổ, có nguyên nhân tạo ra khổ, cái đó đều là do ta, không phải ông trời nhồi sọ đâu. Hiểu thấu được kiếp người là khổ và nguyên nhân tạo ra khổ là ta, để từ đó chúng ta không sống tiêu cực, phó thác cuộc đời vào số mệnh của Thượng đế an bài.
Thuở xa xưa, thời Ấn Độ đó, trong xã hội mà những người giàu có, quyền lực họ chia thành nhiều đẳng cấp trong xã hội. Để họ thống trị và chân lý họ truyền dạy là con người sinh ra đẳng cấp nào thì mãi mãi, vô lượng kiếp sinh ra hoài ở đẳng cấp đó, không thể vươn lên, họ tạo ra năm đẳng cấp khác biệt. Hoặc tùy theo môi trường, không hẳn chỉ xã hội Ấn Độ, khắp nơi trên thế giới dưới sự thống trị của những người có quyền lực và tiền tài, họ phân chia đẳng cấp và rồi ám thị cho chân lý rằng, chúng ta phải lệ thuộc vào vận mạng số phận đó. Và rồi họ lại truyền dạy chân lý, hệ thống như vậy, chẳng phải họ đặt ra mà ông trời Thượng đế (Phạm Thiên tức ra là Thượng đế), trời đặt ra, ông trời đặt ra như vậy, đặt để bạn sinh ra trong các đẳng cấp thấp, hoặc đẳng cấp cao và mãi mãi phải như vậy, chấp nhận, không thể thoát ra. Họ mượn danh ông trời quá lớn. Và chúng ta đều ngước mặt lên trời thấy trời cao đất rộng, mênh mông vô tận, chẳng thấy ông trời đâu nhưng mà thấy thâm sâu quá, đón nhận lời dạy của họ. Rồi nó truyền vào trong tư tưởng từ đời ông Cố, ông Tổ, ông Tằng, cho tới đời ông bà, tới đời cha mẹ và ta cứ hấp thụ nền kiến thức đó, chấp nhận mệnh số như trời đã an bài. Bởi vì sao? Bởi vì họ vô minh, họ không thấu rõ kiếp người. Chỗ này, Minh Triết ở chỗ này. Họ không thấu rõ, chúng ta lại không thắc mắc hỏi, cứ chấp nhận, rập khuôn phong tục, giáo lý chân truyền thuộc hệ thống ràng buộc trong sự cai trị của những đẳng cấp quyền lực, giàu có và tiền tài. Từ đó, ta chấp nhận mệnh số nghèo, mệnh số khổ, sinh ra trong đẳng cấp thấp để làm tôi tớ, nô lệ cho muôn loài, điều này có các bạn.
Từ ngàn năm xưa cho tới khi Đức Phật giác ngộ, tới thời điểm đó, chưa một ai phá vỡ được ngoại trừ Đức Phật. Chưa một đấng giáo chủ một nền tôn giáo nào phá vỡ quy luật đó. Họ vẫn đi rập khuôn, có thể khác truyền thống giáo lý, khác văn tự diễn giải trong kinh điển, giáo lý của họ. Nhưng vẫn rập khuôn rằng tất cả mọi con người đều phải chịu dưới hệ thống – hệ thống điều hành của một đấng tối cao, theo những cách đẳng cấp phân biệt rõ ràng, để hệ thống hóa sinh hoạt xã hội mãi mãi, truyền kiếp không thể thoát ra. Như sinh ra đã mang mạng kiếp con người như vậy mãi mãi mà thôi. Cho nên luôn có câu “con vua làm vua, con sải ở chùa đi quét lá đa”, từ những câu đó cứ ám thị, ám chỉ rằng ta sinh ra nghèo – nghèo hoài, ta sinh ra như vậy cứ như vậy. Để rồi chúng ta mặc định sống ở trong những tư tưởng ngắn củn như vậy mà thôi, hóa ra chẳng thể thoát được, đó chính là do ta.
Thấu rõ kiếp người rất quan trọng. Đức Phật giác ngộ và thấu rõ kiếp người, không phải là một sản phẩm của một đấng quyền năng nào tạo ra, và đóng ấn, đóng dấu để chúng ta lệ thuộc vào đấng đó như một sản phẩm độc quyền của một công ty, không có như vậy. Ngài thấy tất cả mọi chúng sanh đều khác biệt, nhưng đều là một cộng đồng bình đẳng và ai ai cũng có thể đóng góp cho muôn loài và đóng góp cho bản thân của họ để vươn lên thành tựu, thay đổi kiếp người trong cuộc sống. Bởi kiếp người không rập khuôn mẫu, đóng dấu y chang muôn đời không thể thay đổi, và kiếp người không phải là lệ thuộc hoặc là sản phẩm của một vị tối cao, mà là lý do duyên khởi, nhân sanh tương hợp, tùy duyên nó hóa hiện trong nhận thức mà ra. Ngài nhìn thấy điều đó, Ngài tháo gỡ như vậy để nâng tầm cuộc sống của mọi người đều bằng nhau, đều bình đẳng trong tâm từ bi, đây là một chân lý vi diệu, cao cả chỉ có Đức Phật mới dám nói. Bởi lời nói của Ngài là lời tuyên ngôn phá vỡ mọi xiềng xích ràng buộc của những phong tục tập quán, của những tôn giáo ràng buộc chúng ta vào khuôn mẫu để thống trị. Ngài đã mang chúng ta tới bến bờ tự do từ ngay trong tâm thức, suy nghĩ. Cho nên trở lại, thấu rõ cho kiếp người là thấu rõ rằng vận mệnh của chúng ta, cuộc sống kiếp người của chúng ta không phải sinh ra do một vị tối cao nào tạo nên chúng ta, để rồi vị đó có quyền trừng phạt tiêu diệt, nếu ta không nghe theo, không tuân lệnh và phục tùng những điều được ghi lại thật rõ đấng đó dạy cho chúng ta làm. Nhưng qua sự suy diễn của đầu óc, của những con người muốn thống trị toàn bộ dân chúng trong cõi này, được viết lại bằng văn tự họ nghĩ ra rồi tổng hợp có thứ lớp văn bản rõ ràng. Để rồi những đấng đó thay mặt luôn những đấng ở trên cao, để thống trị chúng ta, để thưởng chúng ta, để phạt chúng ta. Xã hội mất bình đẳng và như vậy thì đúng, đời của kiếp người này là bể khổ. Bởi chúng ta thấy như phong tục như vậy ngàn năm qua, nghĩ rằng đời ông Cố, ông Tổ, ông Tằng, ông cha, ông nội đã từng làm như vậy, sách sử còn ghi, kinh chép như vậy, cho nên đã đúng ta cứ theo. Đức Phật nói, đừng thấy những truyền thống hàng ngàn năm mà chúng ta cho là đúng để đi theo. Đúng hay không chính là phải tự mình tư duy cho kĩ, nhận diện cho rõ để hiểu với Chánh Tư Duy. Chính lời của Đức Phật mà Ngài còn khuyên chúng ta phải tư duy, huống hồ chi là những phong tục hủ lậu, tập quán nhiều đời, hệ thống hóa bởi những người thích trị người khác. Thành lập nên những văn bản giáo lý, kinh điển của những nền tôn giáo được gọi là con người, kiếp người hoàn toàn lệ thuộc vào một đấng tối cao tạo dựng và có quyền sinh sát đối với chúng ta.
Cho nên, thấu rõ kiếp người theo tinh thần của Đức Phật là hiểu rằng đời là khổ, đúng! Kiếp người khổ lắm! Khổ bởi vì sinh ra rồi chết, sinh ra rồi bệnh, sinh ra rồi chúng ta già nua, trong sinh-lão-bệnh-tử đã là khổ. Khổ vì tham- sân- si, tranh chấp đánh nhau, tranh quyền đoạt lợi, khổ vì thất tình, khổ vì mất tiền mất của, khổ vì những người không ưa thích mà cứ đối đầu, khổ vì những điều chúng ta muốn mà không được, khổ vì những người yêu thương phải ly biệt, khổ vì sự khác biệt giữa người này người kia, khổ vì muốn ăn mà không được uống không có, muốn có nhà to mà không bao giờ được. Bao nhiêu cái khổ đầy rẫy, phân tích ra thì bị chia ly nhiều lắm. Khổ đến mức mà mới mua chiếc xe mới, đứa bạn nó lại mua chiếc xe ngon hơn đã là khổ, mặc dù mới mua xe mới. Cứ tranh chấp, cứ tham sân, ôi nhiều khổ lắm, đúng! Nhưng những cái khổ đó nhìn kỹ theo Chánh Tư Duy, nếu thực sự có một Thượng đế, một ông trời, ông trời đâu đặt để cho mình chấp, tham, si, để rồi cứ so kè tiền tài, vật chất, danh vọng, địa vị, ái dục, tham dục, khổ.
Mình có chiếc xe nhiều người cảm tạ, ông trời, Chúa trời hoặc một đấng ở trên ban cho chiếc xe, nhưng không đâu. Mình vừa cảm ơn, cảm ơn trời ban cho con chiếc nhưng nhìn qua đứa bạn mua xe ngon hơn, ta muốn đầy và bỏ đi những gì ông trời ban cho chiếc xe đó để khởi tâm tham, có được chiếc xe phải hay hơn, tốt hơn, mắc hơn, có giá trị hơn, có tên tuổi hơn đứa bạn của mình. Từ đó thôi, ta biết ông trời nào ban cho ta mà chính ta đã tạo ra khổ của mình, ông trời không tạo khổ. Nếu có, ông trời chỉ tạo vui và hạnh phúc mà thôi, điều này đúng. Cho nên cái từ suy nghĩ đơn giản như vậy, chúng ta thấy hầu hết mọi nỗi khổ là do chúng ta, ở kiếp này tạo ra ngay kiếp này, chứ đừng nói đến kiếp trước. Còn chỉ một phần nhỏ của kiếp trước nó lai vãn tới kiếp này, khi kiếp trước ta chưa đón nhận nó, như những món nợ phải trả trong kiếp này nhưng mà hầu hết những khổ hiện tại do ta hiện tại trong kiếp này tạo ra.
Thấu rõ được như vậy, đời là khổ do chính ta tạo, thì đối diện với cái khổ nếu ta tạo ra khổ này thì ta cũng có thể tạo ra hạnh phúc và an vui. Đây, chỗ này đây các bạn, để thấy rằng ta làm chủ cuộc đời, ta tạo khổ cho ta thì chính ta cũng có thể tạo an vui và hạnh phúc cho chính mình. Đức Phật đã nói điều này, để mở ra một con đường rằng chúng ta không lệ thuộc vào tất cả những cái khổ trong cuộc đời, bởi vì không thấy được nguyên nhân chúng ta tạo. Để từ đó bị nhồi sọ rằng phải chấp nhận mà thôi. Bạn ơi, đây là ông trời, đây là mệnh số của bạn, đây là số phận của bạn, chấp nhận đi, không đường thoát ra đâu.
Thời Đức Phật người ta đã nói như vậy nhiều đời nhiều kiếp lắm, nhưng khi Đức Phật giác ngộ Ngài nói “không”. Ta đã thấy khổ trong cuộc đời và ta đã đi nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi và ngộ được tất cả những cái khổ đó là do chính ta tạo ra. Và đã tạo ra cái khổ đó thì ta cũng có thể tạo ra hạnh phúc và bình an. Nguyên nhân tạo ra khổ thì có phương pháp để tạo ra hạnh phúc. Đây là khúc khải hoàn ca, đây là chân lý cửa Niết bàn mở rộng, đây không phải là hi vọng nữa mà là sự thật để chúng ta đứng dậy, lãnh nhận trách nhiệm làm người, khi thấu rõ kiếp người này khổ là do ta tạo, để rồi chính ta tạo ra hạnh phúc và bình an cho chính mình. Không phải khổ để chấp nhận cầu xin, để ông trời, để đấng ở trên tạo cho ta sinh mệnh đó. Cầu, tán tụng cho hay để họ, đấng ở trên nghe thích, nghe hài lòng, rồi thương xót chúng ta, thương xót cho sự nài nỉ, van xin, thống khổ của chúng ta. Than vãn như vậy bằng những văn tự của con người đặt ra, những cảm thán thấu trời như thế, đấng ở trên thương xót mà nhỏ giọt ban cho ta cái này cái kia. Phật nói “không”. Thật là dũng mãnh, đây là sức mạnh phá tan đi màn vô minh, cửa ngục và mở toang cửa Niết bàn để đi tới hạnh phúc hiện tại.
Cho nên, thấu rõ kiếp người theo Phật, nếu như chúng ta tránh đi tất cả những lý diệu mầu, siêu xuất trong dòng văn tự của những bậc nghiên cứu Phật học, mà chỉ trở về với suy nghĩ đơn giản của Phật tử tại gia, thì chúng ta chỉ nghĩ đơn giản. Phật nói, “kiếp người là khổ và mọi cái khổ do ta tạo ra, không ai tạo ra hết”. Thấu rõ như vậy, khi chúng thấu rõ kiếp người là khổ và tất cả những cái gì khổ và phiền não đã tới với ta, đều do chính bản thân của tạo ra. Không phải trời sắp đặt, không phải ông trời tạo ra cho ta những cái khổ đó. Ta nghĩ như vậy – ta nghĩ sai, tội nghiệp cho ông trời. Ông trời không tạo ra khổ, ông trời không đày đọa ta, ông trời không sinh ra ta ở dưới đẳng cấp thật là hạ đẳng, không! Mình nghĩ như vậy là mình trách ông trời sai rồi, thật là sai. Ta tạo ra ta ở những đẳng cấp đó và nguyên nhân hiểu rõ, đó là nguyên nhân gì? Do vô minh không nhìn rõ tham, sân, si. Đơn giản vì tâm tham, tâm sân và thiếu đi cái nhìn rõ nên chúng ta đã tạo cho ta cái khổ. Nay theo Phật dạy, công thức thật rõ, đừng tham nữa, đừng sân nữa, nguyên nhân khổ là do tham, sân, si, đơn giản nha các bạn. Bây giờ nguyên nhân mà tạo ra công thức tạo ra hạnh phúc và bình an là gì? Là đừng tham, đừng có sân, đừng có si thì chúng ta có hạnh phúc và bình an. Mà để không có tham, học cho đi, học hiến dâng, học phụng hiến, học không có giữ lại, thiểu dục tri túc. Tất cả mọi chuyện vừa đủ để sống và biết hiến dâng, tận hiến cho tha nhân, san sẻ tình yêu thương cho tất cả, thì tâm tham dần nó sẽ bị mất mà nó biến thành cái tâm biết thương người, biết bao dung, hạnh phúc tới rồi. Phật dạy đơn giản mà, đừng tham (tham là vơ vét, nắm giữ, ôm ấp, ích kỷ, thủ chấp cho mình, không biết san sẻ), đừng tham, cho đi hiến tặng, san sẻ. Phật dạy rõ, đâu có khó. Đâu phải những bậc Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni, những bậc học Phật pháp cao siêu mới làm được việc đó. Bảo Thành và các bạn, những con người bình thường, không có thông tuệ, chẳng có kiến thức, là những con người sống rất đơn giản trong cuộc sống với những kiến thức vừa đủ để sống cũng hành được điều này, để tìm được hạnh phúc và bình an. Đừng có sân, sân là đập bàn đập ghế, chửi rủa người ta đánh đập. Sân là phùng mang trợn mắt, sân là chứng tỏ ta có bản ngã cao, đứng ở trên thống trị mọi người. Phật nói đừng có sân, tức là vui với mọi người, tùy hỷ vui với mọi người. Làm sao hết được sân? Hít thở nhẹ nhàng, mỉm cười yêu thương, mắt từ ái nhìn cuộc đời, vòng tay bao dung để ôm ấp muôn người. Và rồi từ đó tâm sân sẽ hết, đơn giản. Và tham sân hết, cố gắng học hỏi lời Đức Phật dạy, chuyển hóa tham sân như thế, thay đổi tháo gỡ tâm sân tâm tham, đó là nâng cao kiến thức, thoát khỏi vô minh, đơn giản. Đừng nghĩ thoát khỏi vô minh là trở thành bậc đại giác đại ngộ bay lên trời như con chim, không phải! Thực sự bay nhưng mà bay bổng nhẹ nhàng trong sự không còn ràng buộc, bởi những cái khổ do chính ta tạo nữa, ta được nhẹ như tháo gỡ ngàn cân cột vào mắc chân, nay được tháo ra, ta nhẹ nhàng bay bổng trong khung trời cao rộng của tâm thức tự tại, không tham không sân, có kiến thức sống đúng ở đời.
Cho nên, thấu rõ kiếp người đối với hàng Phật tử tại gia chúng ta đơn giản nghĩ như vậy, thì các bạn sẽ có được khả năng thay đổi cuộc sống, để bớt khổ bớt phiền, thêm vui, thêm hạnh phúc, bớt bệnh, thêm khỏe, có được không các bạn? Được, không phân biệt. Cho nên, Đức Phật là bậc Thầy dạy chúng ta thấy kiếp của con người là khổ, và sinh ra khổ hay vui buồn là do chính ta. Và chúng ta hiện diện trong cuộc đời này là do nhân duyên, duyên sanh khởi phù hợp mà hóa hiện. Bởi nghiệp thức đã tạ do chính ta, nay ta thay đổi dòng nghiệp thức đó, ta làm chủ vận mệnh của cuộc đời. Cho nên thấu rõ kiếp người theo chân lý của Phật là thấu rõ phương thức thay đổi cách sống, để ta hạnh phúc và bình an, để gia đình bình an và hạnh phúc, để muôn người sống trong cảnh thái bình hiện tại của kiếp này. Và rồi không lệ thuộc vận mạng của mình dưới bàn tay quyền lực của một đấng nào, mà dưới tất cả những nghiệp lực thiện ác chính ta tạo ra, ta làm chủ cuộc đời. Thấu rõ kiếp người là thấu rõ phương thức làm chủ cuộc đời, để không van xin sự thương xót của bất cứ đấng nào, mà chúng ta đón nhận sự hướng dẫn của các đấng đó, để chúng ta tự lực vươn lên mà vượt qua để đi tới bến bờ hạnh phúc.
Mời các bạn đặt bàn tay trí tuệ vào lòng bàn tay từ bi.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực để chúng con thấu rõ kiếp người. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)
Mô Phật! Như nhà nông cần mưa để gieo lúa thì lúa nương vào nước mưa để mà phát triển, để rồi có gạo cho chúng ta ăn. Chúng ta có hạt giống – hạt giống từ bi. Như người nông dân, ta gieo vào mảnh đất tâm và chúng ta cầu mưa, chúng ta nương vào nước, nước gì? Nước ân điển, nước Phật điển từ bi tưới tẩm chủng từ từ bi, hạt giống từ bi để hạt giống từ bi của chúng ta vươn lên sống trong cuộc đời. Cho nên, các bạn đôi khi hỏi, cái gì mà hít cứ thở, cứ phình rồi cứ hóp vào, cứ Mu A Mu Sa, cứ như thế? Các bạn có hỏi mà.
Xin thưa với các bạn, hít vào thở ra là tăng trưởng sức mạnh, kích hoạt năng lượng từ châu thân để cho thân được khỏe, bớt bệnh. Mu A Mu Sa là Phật ngôn, là Phật chú, nương vào từ bi của Phật, như chúng ta quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng (quy y là quay về nương vào Phật, nương vào Pháp, nương vào Tăng), thì chúng ta thể theo ý nghĩa của quy y đó. Nay quay về nương vào lòng từ bi của Phật để phát triển tâm từ bi của chúng ta trong chánh niệm hơi thở. Cho nên các bạn sẽ thấy Bảo Thành mãi mãi, luôn luôn, cứ hít vào thở ra, hóp vào phình bụng, rồi Mu A Mu Sa. Bởi vì chúng ta là những nhà nông đang trồng chủng tử, hạt giống từ tâm cần phải tưới tẩm bằng nước từ bi của Phật. Nương vào tha lực Phật điển, nương vào năng lượng, nương vào nước Cam Lồ tịnh thủy lưu ly, Phật điển từ bi để tưới tẩm cho hạt giống từ bi chúng ta ngay trong kiếp người này được trổ mầm sinh trồi. Các bạn, đó là ý nghĩa của Mu A Mu Sa, hít vào thở ra, phình bụng và hóp bụng.
Hiểu rõ kiếp người giúp chúng ta làm chủ vận mệnh cuộc đời, thay đổi nhân sinh quan, cách sống, suy nghĩ, để chuyển hóa những khổ đau do chính ta tạo ra. Để kiến tạo niềm hạnh phúc và bình an cho ta và những người ta yêu thương trong gia đình. Rất cần sự suy nghĩ chín chắn như vậy để chúng ta bắt đầu thay đổi cuộc đời trong những ngày cuối năm, khi năm mới tới ta hoàn toàn thay đổi một cuộc sống mới tràn đầy hạnh phúc, như lời chúc tết chúc trong bình an và hạnh phúc tới với muôn người ngày đầu năm.
Mời các bạn đặt bàn tay trí tuệ vào lòng bàn tay từ bi, chúng ta vận hành 07 biến nữa.
Đời là khổ và chúng con là những người tạo ra những khổ đó, xin Phật gia trì cho chúng con thấu rõ để vươn lên mà vượt qua. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.
Sinh ra trong đời mỗi người mỗi kiếp mỗi phận khác nhau, nhưng không phải Thượng đế đã an bài mà do chính nghiệp lực chúng con tạo ra, đó là lời Phật dạy, xin gia trì để chúng con thấu rõ mà vươn lên tái tạo cuộc đời trong hạnh phúc và bình an. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.
Nếu đời là bể khổ thì chúng con chính là người tạo nên bể khổ đó, xin gia trì cho chúng con thành tựu được trí tuệ để tát cạn bể khổ của cuộc đời mà sống hạnh phúc an vui. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.
Mỗi người mỗi khác nhưng tâm bình đẳng, xin Phật gia trì để chúng con đạt được sự bình đẳng bằng tánh trí an vui. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.
Tất cả mọi đau khổ tranh chấp, phiền não trong gia đình, trong xã hội, trong cộng đồng, trong đời sống, đều do chính mỗi người chúng con tạo ra, xin Phật gia trì để chúng con thấu rõ mà thay đổi, thành tựu được sự bình an, hạnh phúc bên gia đình. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.
Tất cả những chuyện mà chúng con đang đương đầu dù phiền não, hạnh phúc, an vui hay đau khổ đều do chính bản thân của chúng con tạo ra, xin Phật gia trì để chúng con thấu rõ mà vươn lên, không dậm chân tại chỗ mà than khổ. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.
Xin Phật gia trì để chúng con biết trụ vào chánh niệm hơi thở từ bi để thay đổi cuộc đời, vươn lên sống an vui, hạnh phúc ngay trong kiếp này. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.
Mô Phật! Chúng ta đồng tu xong rồi, các bạn chắp tay vào chúng ta hồi hướng công đức.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!
Con nguyện xin mười phương Chư Phật luôn ban rải tha lực Phật điển yêu thương tới muôn loài chúng sanh, để chúng con có được trí tuệ thấu rõ kiếp người và vươn lên sống chánh niệm hơi thở, xây dựng cuộc đời hạnh phúc tại gia đình. Nguyện hồi hướng tới các nguyên thủ các quốc gia, ngồi xuống với nhau thành lập chính sách hòa bình cho thế giới. Nguyện muôn người đều có được vắc-xin (vaccine) để không còn sợ hãi trong cơn đại dịch hoàn thành một năm qua. Nguyện những ai đau khổ, sợ hãi tìm lại được sự tự tin, an vui và hạnh phúc. Hồi hướng cho các vong linh siêu sanh miền tịnh độ.
Xin Chư Phật mười phương từ bi chứng minh.