Search

Bài 1246: Xóa Tan Lửa Hận Thù – Thất Bảo#1 – Mu A Mu Sa

Bảo Minh đánh máy

Mô Phật!

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, cùng tất các bạn đồng tu ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi.

Tới giờ đồng tu rồi, mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa!

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh, để chúng con có được tâm từ bi mà xóa tan đi lửa hận thù.

Các bạn, chúng ta hãy đi thẳng vào ngay bảy biến vi diệu âm Mu A Mu Sa bằng cách đặt bàn tay phải tượng trưng cho trí tuệ lên lòng bàn tay trái tượng trưng cho từ bi. Với hơi thở vào ra quán chiếu thân tâm của mình, và đón nhận, thẩm nhập năng lượng từ trường yêu thương của mười phương chư Phật để chúng ta cùng quán chiếu về đề mục “Xóa Tan Lửa Hận Thù” để mỗi người chúng ta, lửa hận thù sẽ tiêu tan, chỉ còn lại tình yêu thương, sự vị tha, bác ái đối với mọi người. Mời các bạn.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển, đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực khai mở lòng từ tâm, bác ái để chúng con xóa tan đi lửa hận thù ở trong lòng. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm trì mật chú Mu A Mu Sa. (7 lần)

Mô Phật!

Các bạn thân mến! Cuộc sống này đây của kiếp người chúng ta có sự trộn lẫn của ba cái độc dược nguy hại vô cùng, đó là tâm si, tâm đó có nghĩa là thiếu sự hiểu biết. Trong cuộc đời, khi thiếu sự hiểu biết, tâm tham thường tăng trưởng thật nhanh để mong cầu, vơ vét những điều ta mong muốn. Và rồi tâm tham tăng trưởng, không đáp ứng nổi, sự sân giận dễ trỗi dậy. Và cả ba cái độc này: si, tham, sân đó, nó sẽ tạo thành sự hận thù trong con người của chúng ta, rồi nó đi sâu vào tâm thức, nó lan truyền, di căn từ đời này qua đời sau. để biết bao hận thù từ muôn kiếp, chúng ta cứ tái sanh mãi, tìm nhau để trả thù.

Trong nền giáo lý khai thị của chư Phật, vẫn luôn luôn hướng dẫn cặn kẽ để mỗi người chúng ta nhận diện ra sự tham, sân, si, tam độc vốn có trong lòng người, tạo nên hận thù muôn thuở khó tiêu tan. Và rồi đức Phật chỉ cho chúng ta thấy rõ nguồn căn của tham, sân, si. Và hướng dẫn cho chúng ta chuyển hóa để làm tiêu tan đi tất cả lửa hận thù vốn luôn luôn tồn tại trong lòng của chúng ta.

Các bạn, lửa hận thù nó len lỏi, xen vào đời sống của con người trong xã hội, trong gia đình, trong sinh hoạt của bạn bè, của nhân quần xã hội, rồi nó từ từ len lỏi vào trong những nhóm, những tổ chức, những quốc gia, những vùng miền. Và rồi nó lan thật là nhanh, nó len vào trong đời sống của các tôn giáo, để nó tạo ra sự phân biệt, và tiếp mồi cho sự hận thù lẫn nhau. Ta cứ thấy các vùng miền có sự phân biệt, miền Trung, miền Nam, miền Bắc, người Việt, người Tàu, người Hoa, người Mỹ, người nước này, người nước kia. Giữa ranh giới, ở giữa biên giới của vùng miền, của dân tộc, của quốc gia, của nhóm, của hội, của đoàn, của tôn giáo, luôn ngấm ngầm, nuôi sự hận thù với nhau bởi tâm phân biệt do tham, do si.

Nay là Phật tử, là Phật giáo, chúng ta cứ nghĩ một cách công bằng. Ngay trong hàng Phật tử, Phật giáo của chúng ta, chúng ta có cái nhìn viên dung, bình đẳng, bác ái, yêu thương đối với các tôn giáo khác hay không? Bởi vì mình là Phật giáo, nói thẳng vào ngay chỗ này để thấy lửa hận thù nó len lỏi, nó đang cháy ở trong hàng ngũ Phật tử, Phật giáo của chúng ta. Không hẳn chỉ có Phật tử, mà ở trong những lời khuyến dụ, dẫn dạy của các hàng tôn túc, đôi khi vẫn còn có một cái nhìn không bình đẳng đối với các tôn giáo khác. Cho nên vẫn luôn nâng tầm Phật giáo lên đỉnh cao của sự giác ngộ, mà có một cái nhìn ngăn ngại đối với các hàng tôn giáo khác. Sự ngăn ngại này có cao, có thấp, tùy theo từng cấp độ khác biệt của mỗi một con người diễn giải. Và những ai có nhân duyên nghe theo những bậc thầy đó, nghe theo những tư tưởng đó thường bị phân luồng trong sự hận thù để nâng lên cái Phật giáo mình đi theo. Từ đó mà sự hận thù giữa các tôn giáo, có, vẫn còn tồn tại.

Không hẳn chỉ có Phật giáo đối xử với các tôn giáo khác là tà đạo, ngoại đạo để rồi mọi mọi tất cả sự sinh hoạt của Phật giáo là đỉnh đỉnh ở trên cao. Để rồi chúng ta có sự phân rẽ, ngăn cản tiến độ của mình, người theo chúng ta không nên chơi, hoặc bắt chước những sinh hoạt của tôn giáo khác. Ngược lại, các tôn giáo khác cũng như vậy. Họ vẫn đối xử với Phật giáo như tà ma ngoại đạo, thờ ngẫu tượng, thờ thần tượng và họ cũng ngăn cản giáo dân của họ hoặc những người đi theo họ và có những cách nói xấu về Phật giáo. Đây là nói đến Thiên Chúa giáo, Phật giáo, chưa nói đến rộng hơn các tôn giáo như Hồi giáo, Bà La Môn giáo, các tôn giáo bản địa từng vùng miền, từng dân tộc vẫn luôn luôn nhìn các tôn giáo khác là ngoại đạo, tà giáo, xấu. Và vì thế giữa các tôn giáo từ bao nhiêu ngàn năm qua vẫn có những cuộc chiến tranh giữa tôn giáo, thậm chí đưa đến cuộc chiến tàn hại, sát hại tôn giáo khác. Ngày nay có lẽ thật khó để đi sát hại một tôn giáo khác trong sự hận thù, phân biệt của tôn giáo. Nhưng vẫn có những ngọn lửa ngấm ngầm chiến tranh trong ngôn ngữ, trong hành động, trong sự phỉ báng, chê bai, trong sự nâng cao tôn giáo mình theo. Để sự hận thù ngấm ngầm chảy mãi ở trong lòng, trong tâm, của những giáo đồ, tín đồ của mình, gây nên sự bất ổn, lòng bất an.

Ta cứ nhớ những câu, nước ở trong kênh, trong rạch, trong sông suối cũng chảy về biển, và hòa cùng một vị mặn đó là sự giải thoát. Nhưng không thể vì vị mặn giải thoát ở đại dương kia mà mọi sông suối, kênh rạch đều phải có vị mặn ngay từ khởi đầu. Bởi vì nếu như chúng ta vừa thấy nước mặn, nước lợ tràn vào sông suối. Như ở miền Tây chúng ta trong thời gian qua, nước biển đã tràn vào, và nước lợ đã tràn đầy trong kênh rạch sông suối nước ngọt tạo ra sự mất mát mùa màng, gây nguy hại cho đời sống, điều đó có. Do vậy mà biết bao nhiêu Phật tử và người dân chúng ta đã phải mang nước ngọt từ miền xa tới cung cấp cho người dân miền Tây. Nếu nước mặn là vị mặn giải thoát, mà xâm chiếm vào kênh rạch thì nước ngọt chẳng còn, chúng sanh ở miền nước ngọt sẽ chết. Mà nếu như nước ngọt cũng xâm chiếm khi tiếp cận với biển để biến biển thành nước ngọt thì chúng sanh ở ngoài biển khơi cũng sẽ chết, mất đi sự cân bằng của môi trường.

Các bạn, khi ở trong kênh rạch, nước ngọt vẫn phải là nước ngọt, đi ra ngoài biển khơi nó phải hòa mình thành nước mặn. Điều đó nói lên sự khác biệt căn cơ của từng vùng miền của từng chủng tộc, của từng con người và chúng sanh. Mỗi một chúng ta sinh ra có nhân duyên với phước báu nhân duyên đó, chúng ta được sinh ra trong môi trường quốc gia, tôn giáo và sự thờ tự khác biệt nhau. Do đó, không thể đánh đồng rằng mọi người phải là Phật giáo, mọi người phải là Thiên Chúa giáo, phải là Hồi giáo, hoặc là phải tôn giáo này, tôn giáo kia. Nhưng phải có một cái chữ, mọi chúng sanh phải là gì? Phải là tâm thiện, phải thực hành tâm thiện và có tâm thiện lành để chuyển hóa ba mùi vị độc dược của tham, sân, si. Dù bạn hiện thân trong kiếp người này thuộc về tôn giáo nào đi nữa, bạn không nhất thiết phải đi theo tôn giáo khác, nhưng bạn nhất định phải có tâm thiện lành và chuyển hóa được tham, sân, si trong cõi lòng của mình thì mới xứng đáng là Phật tử, hoặc là tín hữu, hoặc là giáo đồ của một tôn giáo nào. Cho nên không nhất thiết phải cải đạo để cho người khác theo tôn giáo của mình nhưng nhất thiết mỗi người chúng ta phải nhận thức ra được rằng, dù bạn là tôn giáo nào đi nữa thì chúng ta cũng cần phải nhận diện ra sự tham, sân, si là ba loại độc dược vốn có, tồn tại trong cuộc đời để chúng ta chuyển hóa. Còn nếu ta không nhận diện ra, dù rằng bạn là người theo một tôn giáo siêu xuất thuộc tầng lớp cao vô thượng đi nữa, các bạn cũng chẳng thể thực hành giáo lý của tôn giáo đó một cách trọn vẹn, bởi không nhận diện ra sự có mặt trong cuộc đời của tham, sân, si và tham, sân, si sẽ tạo ra lửa hận thù thiêu đốt chúng ta.

Đã là con người, nay không nói đến tôn giáo, trở về kiếp sống bình thường của đời người. Ai ai trong chúng ta cũng có tâm sân giận để tạo thành sự hận thù lẫn nhau. Tâm sân vốn là bởi vì thiếu hiểu biết nên lòng tham tăng trưởng, tạo ra tâm sân. Ai cũng nhiều lần phạm lỗi, nhưng có những con người tánh khí khác biệt, có người có tánh bốc đồng thật là nhanh, để chỉ cần nhìn một điều không ưa là đã đập bàn, đập ghế, đó gọi là lửa sân. Trong tâm sân như ngọn lửa có sẵn tánh bốc đồng, nó có sẵn như ngọn lửa phừng phực rồi. Nhìn một chuyện mà không ưng ý, nghe một chuyện mà không hợp lỗ tai, là đập bàn, đập ghế, la mắng, chửi ngay. Điều này chứng minh được trong cuộc sống, có các bạn như Bảo Thành hoặc các bạn đó có tánh bốc đồng quá nhanh, cứ như ngọn lửa nó sẵn chực rồi, chỉ cần một chút xíu thôi, mồi lửa như rơm, như giấy, như những chất dễ tiếp lửa là nó cháy ngay. Bởi vậy trong những cuộc họp mặt với bạn bè, hoặc ngồi nói chuyện với nhau trong khung cảnh của gia đình, của tình bạn, sơ sơ một cái là bốc đồng dâng cao rồi cãi nhau, chửi nhau, mặt mày đỏ gay, lời nói nó vung ra tạo thành sự bất hòa.

Chúng ta nhất định trong cuộc đời có những người bạn như vậy, có tánh bốc đồng cao lắm. Hầu hết những người có tánh bốc đồng là có nam tính mạnh và can cường, cho nên khi nghe chuyện gì không ưng ý là cãi ngay lập tức, là chửi ngay lập tức, là đập bàn, đập ghế, phùng mang, trợn mắt, gọi chung là người có tánh nóng, có tánh bốc đồng, có ngọn lửa sân mồi sẵn, sơ sơ một cái là bốc đồng, bốc lửa qua hành động, qua ánh mắt, qua lời nói, qua suy nghĩ. Và những người như vậy thường có tạo ra những hành động thô lỗ, lỗ mãng làm mất nhân cách trước đám đông, làm tổn hại nhân cách trong gia đình, làm cho cha mẹ, vợ chồng, bạn bè, làm cho xã hội lũng đoạn, khó chịu, và người đó đi tới đâu cũng khó tạo được sự thương mến.

Người bốc đồng, người dễ sân giận, người mà đi đâu cũng dễ cãi, dễ tạo ra sự va chạm bằng ngôn ngữ, bằng hành động lỗ mãng bởi tánh bốc đồng đó thường bị mọi người tránh xa. Mà cái người như vậy thường có trong chúng ta, chúng ta cũng có tánh bốc đồng cao dữ lắm. Nếu chúng ta không tu tập, thì chúng ta dễ bị bốc cháy thật là nhanh. Cho nên một căn nhà được xây dựng mà nếu như bằng vật liệu dễ gây cháy để rồi còn châm một ngọn đèn ở trong đó, mở toang cửa thì nhất định gió thổi, đèn ngã sẽ cháy nhà. Để làm sao phòng cháy? Chúng ta phải ngăn ngừa ngọn lửa đó đừng để tiếp xúc với vật dễ cháy. Như chúng ta ở trong rừng, thấy cây khô ngã xuống phải quét dọn sạch thì để lửa hoặc đá nó rơi xuống tạo ra lửa không có bốc cháy. Nếu đã có ngọn lửa rồi thì phải tránh xa những chất dễ cháy, và để ngọn lửa đó gần gũi với nước để lỡ nó có cháy còn lấy nước đó mà dập tắt. Cho nên người có tánh bốc đồng dễ cháy, dễ sân, dễ giận, người có nam tính, người can cường, người mà thích thể hiện cho nên bốc đồng đó, nó cháy nhanh tạo nguy hiểm. Thì cần phải chú tâm nhận diện ra ta là người có tánh dễ bốc đồng, ta phải thực tập luôn luôn chứa nước ở gần ta. Nước gì? Nước từ bi, nước năng lượng từ bi chánh niệm hơi thở dung chứa thật nhiều nước từ bi trong cuộc đời. Để khi ngọn lửa bắt đầu vừa phực lên có nước đổ vào là nó tắt ngay. Còn nếu ta không diện ra để chứa nước từ bi ở trong cuộc đời bằng chánh niệm hơi thở thì nhất định khi đụng chuyện, nó bốc cháy không kìm được, mất hết tình cảm, gia đình đổ vỡ, vợ chồng tan nát, bạn bè xa lìa. Và rồi chúng ta là người lỗ mãng trong cuộc đời, người như vậy thường gây ra sự đổ nát trong tình cảm, đổ vỡ trong cuộc sống và đi làm khó làm việc được. Bởi vì khi làm việc tương tác với mọi người dễ bốc đồng, cho nên gây tai họa cho bản thân và rồi đi đâu cũng không hài hòa. Người như vậy còn ảnh hưởng đến sức khỏe, dễ bốc đồng làm cho tâm cảm của chúng ta dễ bị xung đột tăng trưởng bất chợt, không có thăng bằng cảm xúc. Cho nên dễ bị hồi hộp, bệnh tim, rồi bệnh thiếu máu, bệnh sợ hãi, rồi lâm ra biết bao nhiêu những thứ bệnh, khi mà bị bệnh tim hồi hộp sợ hãi, lúc nào cũng muốn thể hiện sức mạnh của mình bằng hành động lỗ mãng, ngôn ngữ thô ác, tư tưởng không có thuần thiện, thì người đó dễ lâm bệnh, không có trường thọ. Đó là người có tánh bốc đồng, rồi lại có hạng người thứ ba như trong Bảo Thành và các bạn cũng có, đó là phiền não hơn, tức là dễ phiền não rồi đâm sân hận, dễ tủi tủi đâm sân hận. Người ta nói chút xíu là tuổi rồi, là buồn rồi, là phiền rồi, là não rồi, là sầu rồi, là bi, sầu bi ai oán. Người mẫn cảm như vậy, người có tâm dễ gây phiền não như vậy khi đụng chuyện không ưng ý, nghe chuyện không phù hợp, thấy chuyện không  hài lòng, trong lòng thấy phiền não ấp ủ. Người này có tánh như vậy thường như cục than ủ ở trong tro không thấy lửa, bởi vì có chuyện gì không có thể hiện, ôm ở trong lòng. Nhất định chúng ta có những người bạn như vậy, và nhất định chúng ta cũng có hành động như thế. Khi như cha mẹ nói không ưng ý thì ấp ủ ở trong lòng buồn, khi vợ nói hoặc làm một chuyện gì không ưng ý, người chồng ấp ủ trong lòng buồn hiu à, rồi lăn ra uống rượu, trác táng hư cuộc đời. Hoặc khi chồng nói một cái gì người vợ không ưng ý là ấp ủ trong lòng phiền não, rồi đâm ra tiều tụy, sắc bị xuống, sức khỏe bị xuống, cơ thể bị bệnh, dung nhan tiều tụy. Trong tình bạn cũng vậy, lỡ bạn nói một điều gì không ưng ý, ta không nói, ta không chia sẻ, ta ấp ủ, ta ấp ủ, như ủ cục than lửa ở trong tro, nhưng lại mở toang cửa cho gió thổi vào, cho bay ra, than hở ra và rồi lửa hồng phực cháy, nguy hại, nguy hại.

Những người có phiền não, lửa sân trong phiền não tức là dễ tức, dễ bực, dễ khó chịu, bởi những chướng ngại trong cuộc đời phiền não như thế nên thường giấu diếm ở trong lòng, rồi không có bộc lộ nhưng khi nó đã cháy rồi nguy hại vô cùng. Những  người này thường mang chứng bệnh lẩn quẩn khó chịu, và thường tránh xa đám đông, tránh xa sự gần gũi với mọi người, đi vào sự trầm cảm, tự kỷ, nhưng khi bộc phát dễ khùng, dễ điên. Để chuyển hóa chuyện này, người đó phải nhận ra ta có phiền não hận, ta có sự mẫn cảm, ta có sự dễ bị xâm nhập cảm xúc của đối tượng bên ngoài làm ta khó chịu nhưng không thể có cái đề kháng, nói ra, chia sẻ, ấp ủ. Khi nó bị bộc phát như than bị gió thổi, tro bay hết, bốc thành lửa cháy nhà nguy hại. Thì người đó nhận diện ra rồi cũng lại phải trở về lại, phải phòng ngừa, nếu nhận ra cục than ở dưới tro thì phải đổ thêm nước cho nó tắt đi, nước đó là gì, cũng là chánh niệm hơi thở, đời sống chánh niệm từ bi tỉnh giác, chỉ có phương pháp đó mà thôi, cho nên các bạn phải nhận diện ra để tu tập.

Rồi lại có một hạng người có một cái tánh trong chúng ta nữa, đó gọi là độc sân. Tức là có tánh độc, sân nhưng mà lại độc. Tức có những trường hợp đã xảy ra trong cuộc đời, cái độc sân thể hiện thật rõ. Ngồi trong một quán cà phê, uống cà phê thôi, thấy một người không ưng ý trong lòng, tánh độc nó trổi dậy, đi về nhà lấy con dao lủi thủi bước tới lụi một cái, chết người, trường hợp này có không? Có.

Thường người có tánh độc như vậy, mà sân hận nhiều, gặp chuyện gì có thể đi đến sự hãm hại, giết chết người khác, phạm tội sát sanh. Cho nên chúng ta thấy ở trong xã hội có biết bao nhiêu những bạn trẻ có tánh như vậy. Khi gặp chuyện không ưng ý, khó chịu thì liền bốc đồng tới đánh người ngay, hại người ngay, hại người, hại vật, sát sanh vô số, chẳng có gớm tay. Cho nên người như vậy cũng phải tự mình nhận dạng, để rồi phải luôn luôn có chánh niệm hơi thở, định được tâm, có từ bi. Để đổ vào những sự độc hại vốn có trong tâm, để tránh sự phát độc gây hỏa hoạn cho mọi người. Ba tánh đó, tánh bốc đồng như lửa sân, tánh mẫn cảm, phiền não sân, dễ bị như vậy, vì độc sân tức là tâm độc, tâm ác, có. Không kìm được, nghe chuyện bất bình ra tay giết người, chứ không phải ra tay cứu người.

Đức Phật dạy để chuyển hóa tâm sân này, để không biến thành lửa hận thù mà cứ bốc phừng phực trong tâm của chúng ta, và để xóa tan lửa hận thù bởi tâm sân đó, chúng ta thực sự phải tu tập. Chứ không thể ngồi đó mà cầu mưa, ngồi đó mà cầu trời, cầu Phật giúp ta. Ta phải nhận diện ra ta có, và trong Bảo Thành cũng như tất cả các bạn, chúng ta đều có đủ ba thể loại tâm sân này. Có cái tâm bốc đồng thật là nhanh, có cái tâm phiền não hận thù ở trong lòng, có cái tâm sân độc ở trong lòng, có hết. Nhưng tùy theo duyên nó tác động, tức là môi trường nó tác động để rồi cái bốc đồng kia tức là lửa sân nó cháy ngay, hay là phiền não sân, hay là độc sân nó thể hiện mà thôi. Trong kinh nghiệm của cuộc đời của mỗi người chúng ta, nhất định đã từng vướng vào ba thể loại tâm sân và tạo ra lửa hận thù truyền kiếp. Phật dạy để chuyển hóa nó, ta phải thực tập đời sống chánh niệm hơi thở, phát triển tâm từ bi.

Thứ nhất, điều thứ nhất là cần thực tập trong chánh niệm hơi thở quán chiếu tâm hòa thuận. Chúng ta phải thực tập đời sống hòa thuận, như Ngài Phổ Hiền nói là, hằng thuận chúng sanh thì sẽ có sự hòa thuận. Còn chúng ta không hằng thuận với mọi người, với chúng sanh, ta không sống hòa thuận. Trong gia đình, trong cuộc sống, trong cộng đồng xã hội, trong tất cả mọi cuộc sống sinh hoạt của tất cả các tôn giáo khác nhau. Chúng ta cần phải thực tập chánh niệm hơi thở, đón nhận từ bi của Phật để tập sống hòa thuận. Người sống hòa thuận là người luôn luôn biết thông cảm với những người khác. Và để chúng ta có thể thông cảm được với người khác, chúng ta phải biết lắng nghe. Cho nên nói đúng để sống hòa thuận ta phải thông cảm bằng hạnh lắng nghe của mẹ Quan Âm Bồ Tát. Cái này nếu thực hiện được thì giữa tình cảm của vợ chồng, trong gia đình con cái và cha mẹ, ra ngoài xã hội, cộng đồng, bạn bè luôn luôn có sự hòa thuận với nhau bởi ai ai cũng biết thông cảm với bạn bè, với chồng với vợ, với cha mẹ, con cái. Để rồi cùng biết lắng nghe với nhau, như vậy chúng ta đã trở thành hóa thân của Bồ Tát Quan Âm, mẹ hiền Quan Âm. Biết sống hòa thuận trong sự thông cảm bởi biết lắng nghe, tầm thinh cứu khổ.

Các bạn là Bồ Tát tại thế, cho nên chúng ta phải cố gắng chánh niệm hơi thở, đón nhận năng lượng từ bi để tăng trưởng nhân cách sống hòa thuận bằng phẩm hạnh Quan Âm Bồ Tát, lắng nghe, thông cảm. Và có như vậy thì tất cả những sầu muộn khác biệt trong gia đình, trong tình bạn, chúng ta luôn được thông cảm bởi ai cũng biết lắng nghe ai.

Nhìn lại trong cuộc sống gia đình, ta không hòa thuận chính là bởi vì ta không có thông cảm với nhau, ai ai cũng muốn tranh chấp trong lời nói của mình, không bao giờ nghe. Người nói một thì người kia nói mười, người kia vừa nói thì người này chớp vô liền, cứ như thế sóng sau dồn sóng trước, nó tạo thành sóng thần, quét nát đời sống của gia đình. Đó là điều thứ nhất cần thực hành trong chánh niệm hơi thở, tập sống hòa thuận.

Điều thứ hai là ta phải tập hạnh kiên nhẫn. Nếu chúng ta không kiên nhẫn thì chúng ta khó có thể sống hòa thuận. Bởi vì để có thể thông cảm và lắng nghe người khác phải tập hạnh kiên nhẫn, nếu không kiên nhẫn, khó lắm. Kiên nhẫn nhưng mà không có nhục, gọi là nhẫn nhục nhưng không nhục, nhẫn nhưng không nhục, nhẫn để tăng trưởng sự hòa hợp, tăng trưởng sự thông cảm, tăng trưởng sự lắng nghe.

Ngày xưa, ở trong kinh A-Hàm, đức Phật có kể về một trong những, gọi là người đệ tử đứng đầu trong nhóm mười người thuyết pháp, ăn nói thông thạo, có tài biện luận, giảng thật là hay, đó chính là ông Phú Lâu Na. Ông ta có tài biện luận, ăn nói, giảng thông kinh điển, ai cũng nghe, cũng thương. Thế rồi, ở phương Bắc nước Ấn Độ thời đó, người dân miền Bắc tánh khí nóng nảy, khó chịu lắm. Nhưng ông Phú Lâu Na muốn xuống miền Bắc đó để độ. Phật mới nói với ông ta rằng: Này, Thầy nghe con muốn về miền Bắc để hóa độ cho dân ở vùng đó, tánh khí can cường dễ nóng giận. Vậy Thầy hỏi con, nếu con tới vùng đó người ta chửi con thì con sẽ đối xử như thế nào?

Ông Phú Lâu Na thưa với Thầy: Thưa Thầy nếu người ta chửi con thì con hạnh phúc bởi vì con thấy con còn may mắn, người ta chưa đánh đập con. Đức Phật mới lại hỏi: Nhưng rồi con tới đó, người ta đánh đập con thì con sẽ đối xử như thế nào?

Ông Phú Lâu Na lại nói: Bạch Thầy, con lại cảm thấy may mắn, bởi vì họ mới có đánh đập con thôi, họ chưa có giết con.

Đức Phật lại dạy: Này, Phú Lâu Na, nhưng nếu họ giết con thì con sẽ đối xử như thế nào?

Ông Phú Lâu Na mới nói: Nếu họ giết con thì họ là người con mang ơn, bởi họ đã giải thoát con khỏi thân xác tứ đại dơ bẩn, vô thường nghiệp chướng này.

Phật mỉm cười và nói: Phú Lâu Na, con hãy đi mà giúp đỡ người dân phía Bắc.

Đó là hạnh kiên nhẫn, nhẫn nhục để lắng nghe, thông cảm để có thể mang thông điệp từ bi và ánh sáng trí tuệ tới những vùng miền, con người có tánh khí hận thù, sân giận, bốc đồng, ai oán, khó chịu, độc ác. Ông Phú Lâu Na dù là có tài biện luận cũng không tranh cãi, biện luận ngôn ngữ nhiều đâu, ông ta thành công là bởi có hạnh nhẫn nại. Ai đánh đập chửi bới, ông ta đều có pháp quán chiếu, bởi vì trong tâm của ông ta luôn luôn thể hiện lòng bao dung và yêu thương. Kiên nhẫn rất quan trọng để tăng trưởng sự sống hòa thuận, mà ở trong đời nói: “Thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn”. Đi tới đâu ta biết thuận hảo với lòng của dân chúng, của con người, của bạn bè, của chúng sanh vùng đó, nhất định chuyện gì cũng đi tới sự thành công. Nhất là mang ánh sáng chân lý, từ bi tới với vùng miền, con người đó. Nếu chúng ta biết sống hòa thuận, và có hạnh kiên nhẫn, nhất định chúng ta sẽ thắp sáng lòng từ ái trong tất cả mọi con người. Đó là điều thứ hai ta cần phải tu, tu đời sống hòa thuận, bằng hạnh lắng nghe, thông cảm của Bồ Tát, tu hạnh nhẫn nhục của ông Phú Lâu Na, biết nhường xuống để đi tới sự giác ngộ.

Và thứ ba mà chúng ta cần phải thực hành, tức là từ, bi, hỷ, xả. Các bạn nhớ, trong cuộc sống chỉ có tình thương, chỉ có tình thương, lòng từ bi, và buông bỏ hận thù thì chúng ta mới có thể xóa tan và dập tắt lửa hận thù trong lòng của mỗi người. Nhớ, khi chúng ta có tình thương, yêu nhau củ ấu nó cũng tròn, mà không yêu rồi đó, thì bồ hòn nó cũng méo à. Cuộc đời nó như vậy, dân gian thường nói rồi, đi mà thương nhau thì đường nào cũng ngay cũng thẳng, mà đã ghét nhau rồi thì đường cong queo, cong quẹo, nói một câu là bắt bẻ, người ta vừa mở miệng ra là cắt lưỡi người ta liền. Cho nên lấy từ bi, hỷ xả là năng lượng vốn có trong chánh niệm hơi thở Mu A Mu Sa. Bởi chúng ta đón nhận năng lượng từ bi, tưới tẩm vào trong đó, để xóa tan đi lửa hận thù, lấy từ bi làm đầu.

Các bạn cứ nhớ, nếu các bạn không có lòng yêu thương, không có lòng từ bi, lỡ mà chúng ta nhìn thấy kẻ thù của mình thì không khác gì như gai đâm vào trong mắt. Các bạn có cảm giác đó chưa? Khi các bạn gặp người mà bạn gọi là kẻ thù, hoặc là người bạn ghét đó, ghét cay, ghét đắng, rồi ghét gì nữa ta, ghét cay ghét đắng, nhiều thứ ghét lắm. Ghét đến mức mà không biết sao gặp thấy là như gai đâm vào con mắt, rồi đau đớn lắm. Bảo Thành cũng đã, bởi vì cũng ghét người, cho nên khi gặp những người đó như gai đâm vô mắt. Chắc chắn các bạn cũng đã từng gặp những người bạn không ưa, các bạn ghét, các bạn thù, không ưa, ghét, thù thì những người đó khi gặp như gai đâm vào mắt. Mà lỡ sống chung với người thù, người ghét, người không ưa nữa, thì không khác gì nằm gai nếm mật, khổ sở vô cùng, quằn quại suốt đêm, ăn ở không yên. Và rồi tâm lý khi ta gặp người thù như gai đâm vào trong mắt, gặp người không ưa, ghét hận, thì chẳng khác gì ở chung với họ như nằm gai nếm mật, khổ sở dữ lắm.

Ta lại thường, ôi người này xấu, người kia xấu, chứ ta không nhìn lại trong tình yêu thương, lấy yêu thương xóa tan hận thù, để quán chiếu rằng chính là do nghiệp của ta tạo ra nay gặp cái oán tánh hội. Tức là gặp người không hợp, gặp những người trái nghịch đang sống, ta luôn đổ thừa người này không biết cách sống, người này luôn luôn thế này, người này sống ích kỉ, sống khó chịu, sống tham, sống cho riêng mình. Chứ ta không nghĩ rằng chính là do nghiệp ta đã tạo trong quá khứ nay chúng ta phải trả. Do đó ta cứ tự cao, tự đại rồi tự hào ta là người tốt, rồi đi đâu cũng nói, ôi người này khó, người này xấu, người này như vậy, người kia như kia, tôi tốt lắm mà không biết sao người ta xấu với tôi, tôi tử tế dữ lắm mà không biết sao người ta chửi tôi, tôi sống đàng hoàng dữ lắm mà không biết sao vậy đó. Để rồi trời ơi thật là oan gia, tôi phải sống chung với họ, như là nằm gai nếm mật, khó chịu, khó chịu, tôi cứ gặp họ hoài à, như gai đâm vào mắt, trời ơi! Ta tự cao, ta tự đại, ta tự mãn, rồi ta tự hào để hóa ra lỗi là do người chứ không quán chiếu nhân quả. Do đó, chúng ta phải nhớ rằng bất cứ một chuyện gì ở trên đời không như ý đều là do nghiệp của ta. Nếu gặp người gọi là kẻ thù, kẻ mà ta ghét, kẻ mà ta không ưa để gặp như gai đâm vào mắt, để sống chung với họ như nằm gai nếm mật thì nhất định phải thấy rằng đó là nghiệp quả của chính ta. Và nhận diện ra điều đó do ta, nên đã có lửa hận thù truyền kiếp, nên cháy hừng hực trong tâm, nên khi gặp họ là nó phun ra rất nguy hại.

Khi ta nói xấu người, thị phi với người tức là ta có độc sân đó, có hành động cụ thể để hãm hại người ta. Khi thị phi nói xấu người ta như vậy là ta đang giết họ, phạm tội sát sanh trong tâm độc hại. Còn nếu mà ta lỗ mãng, đập bàn, đập ghế, cãi cọ với họ, đập bàn, đập ghế, là ta có lửa sân bốc đồng. Còn ta mà không có hai tánh khí đó mà âm thầm phiền não, đau khổ chất chứa ở trong lòng bệnh hoạn, tái mét cái mặt lại, rồi quay mặt gằm xuống bỏ đi hoặc là giận dữ thì ta là người có phiền não sân. Ba dạng sân đó nguy hại vô cùng, phải tập sống hòa thuận, tập sống kiên nhẫn trong chánh niệm hơi thở, tập sống từ, bi, hỷ, xả.

Cá thứ tư nữa là phải sống theo tinh thần vô ngã, vị tha. Hầu hết chúng ta sân giận như vậy là bởi vì ta nâng cái ta của mình lên quá cao. Và không có lòng vị tha, bao dung, cái gì cũng chấp, cái gì cũng chấp lỗi người, chấp lỗi người, chấp lỗi người không biết tha thứ cho người, cho mình, và cái ta quá lớn. Cho nên điều thứ tư phải tập quán chiếu trong chánh niệm hơi thở là vô ngã. Chỉ có vô ngã, tức là không có cái tôi, đừng để cái tôi ở đằng trước quá nhiều. Chưa nói đến vô ngã cao siêu huyền nhiệm, như trong tâm kinh Bát Nhã, mà chỉ nói đến vô ngã tức là đừng sống cho cái tôi, đừng để cái tôi quá lớn trong cuộc đời, và luôn luôn thực tập sống hòa thuận, bao dung, kiên nhẫn, yêu thương, từ bi, hỷ xả. Phá đi cái tôi, sống dung thông với mọi người và sống biết tha thứ.

Để thực hành bốn phẩm chất cao quý, phẩm chất lắng nghe, hòa thuận, thông cảm của mẹ Quan Âm . Ta phải đi sâu vào tư tưởng, thấm nhuần trong đời sống chánh niệm vào ra hơi thở, quán chiếu, thẩm nhập năng lượng từ bi Mu A Mu Sa. Luôn luôn dung dưỡng nước từ bi ở trong lòng và để có sự kiên nhẫn thì nên quán tưởng trong chánh niệm hơi thở. Bởi vì ta hít vào, thở vào tịch tĩnh, ta làm chủ được hơi thở thì ta nhìn nhận thấy tánh sân của ta trỗi dậy, ta sẽ làm chủ được tánh sân đó thì ta có được thời gian kiên nhẫn. Kiên nhẫn để khi họ đối xử với ta thậm tệ như chửi ta, như đánh ta, như sát hại ta, nhưng ta không mang lòng hận thù, người ta đánh tôi, người ta chửi tôi, người ta chà đạp tôi, người ta phỉ báng tôi, tôi không mang lòng hận thù, đó là lời kinh trong Pháp Cú. Có hạnh kiên nhẫn sẽ thắng được chính mình, dù ở ngoài chiến trận thắng hàng trăm ngàn người cũng không bằng thắng chính mình, đó mới là cái thắng tối thượng, kinh Pháp Cú cũng dạy như thế.

Cho nên các bạn thân mến, để xóa tan lửa hận thù trong lòng chúng ta nhớ, lửa hận thù luôn có trong mỗi người chúng ta, nó len lỏi vào đời sống của vợ chồng, của gia đình, của cha mẹ, của con cái, của thân bằng quyến thuộc, của cộng đồng xã hội, của quốc gia, của từng tôn giáo. Cho nên ta thường có tâm phân biệt và để từ đó tiếp cận cho ngọn lửa hận thù cháy mãi, để rồi chúng ta khinh miệt những người khác, tôn giáo khác. Nhớ, mỗi một con người sinh ra phước báu, nhân duyên khác biệt để rồi đi vào một tôn giáo, một nề nếp xã hội, một chân lý, một triết học, một phong tục, một tập quán. Để từ chỗ đó làm nền tảng cho họ đi lên từ từ, do đó chúng ta luôn tôn trọng người khác bằng cách đối xử bình đẳng tánh trí trong tâm từ bi. Mà huân tu cuộc đời trong chánh niệm hơi thở, tăng trưởng năng lượng từ bi Mu A Mu Sa, để có hạnh như Ngài Quan Âm Đại Sỹ. Để biết sống hòa thuận, lắng nghe như Ngài Phổ Hiền, mang sự thông cảm, chia sẻ với nhau, để kiên nhẫn, nhẫn nhục như Ngài Phú Lâu Na, để mang thông điệp yêu thương lan tỏa tới cho tất cả. Và sống với tinh thần từ bi, hỷ xả., như Ngài A Di Đà Phật, có lòng đại từ đại bi, hỷ xả tất cả mới có thể tiếp dẫn chúng sanh tới miền tịnh độ an vui. Để từ đó, chúng ta sống với  tinh thần không còn cái tôi nữa, vô ngã vị tha, không còn tôi nữa, sống dung thông, sống hòa ái, sống yêu thương như Ngài Di Lặc chỉ biết mỉm cười chẳng sợ hãi điều gì, có cái bụng thật là lớn, dung nhiếp được vạn sự trong thế gian, chỉ mỉm một nụ cười mà bao nhiêu sự khó nhọc, đau khổ của loài người đều tiêu tan.

Cho nên để xóa tan lửa hận thù trong mỗi người chúng ta, chúng ta nếu có nhân duyên với thiền mật song tu Thất Bảo Huyền Môn, các bạn thực tập đời sống chánh niệm trong hơi thở và nuôi dưỡng cuộc đời của mình bằng năng lượng từ bi mu A Mu Sa. Cứ từ từ như vậy, các bạn sẽ thành tựu được sức mạnh của đời sống kiên nhẫn, để hòa thuận, bao dung, để từ bi, hỷ xả, để vô ngã vị tha, để không còn lửa sân, phiền não sân, độc sân, phát ra bất chợt không thể kiềm chế được. Gia đình sẽ hạnh phúc, vợ chồng sẽ chung thủy, cha mẹ sẽ trường thọ, bạn bè sẽ gắn kết, xã hội sẽ thái bình. Xóa tan lửa hận thù rất quan trọng, mà để có thể làm được điều đó mỗi người chúng ta phải thật sự tu luyện. Không ai hiểu được rằng, đói là phải ăn để rồi nó no, hiểu khi đói là phải ăn thì phải đi vào nhà bếp nấu ăn để hết đói. Không ai đói mà cầu Phật ơi cho con hết đói, nếu ông Phật ổng có tới ổng nói, ổng nói đi vào nhà bếp nấu mà ăn đi, ngồi đây mà kêu ta, tại vì nếu ta có ăn thì ngươi cũng không hết đói được.

Cho nên, nếu có lửa hận thù, có phiền não sân, có lửa sân, có độc sân, ai cũng có, Bảo Thành có, các bạn có, thì chúng ta phải đi vào trong chánh niệm hơi thở của đời sống, tiếp nhận năng lượng từ bi, để thực tập đời sống từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha, sống hòa thuận và kiên nhẫn trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, để dập tan và xóa tan đi lửa hận thù vốn có trong ta.

Các bạn đặt bàn tay trí tuệ và từ bi vào với nhau để quán chiếu hơi thở, mời các bạn.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Và gia trì Phật lực tăng trưởng lòng từ bi để chúng con xóa tan đi lửa hận thù ở trong lòng. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm trì mật chú Mu A Mu Sa. 7 biến

Mô Phật! Như có câu tục ngữ: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”

Đúng vậy, nếu chúng ta công phu thì chúng ta tu tập chánh niệm hơi thở tăng trưởng lòng từ bi sẽ xóa tan đi lửa sân, phiền não sân, độc sân, tiếp sức cho lửa hận thù cứ bừng bừng ở trong lòng. Và chúng ta tu tập như vậy, sự hận thù tiêu tan để có một đời sống hòa thuận, thông cảm, lắng nghe, có tánh kiên nhẫn vượt lên tất cả mọi sự thử thách để thành tựu. Và có lòng từ bi, hỷ xả để yêu thương, để không còn gặp kẻ thù như gai đâm vào mắt, ở với người không ưng ý như nằm gai nếm mật, và tăng trưởng tinh thần không có tôi nữa, bỏ cái tôi đi, để sống vị tha bao dung, để thực hành được điều này qua chánh niệm hơi thở Mu A Mu Sa.

Các bạn sẽ có một cuộc sống nhẹ nhàng, thoải mái, không phải cúi mặt lầm lũi chui vào góc này, góc kia, không phải trốn xa, trốn gần, không phải bực mình, đập bàn thô lỗ, chửi mắng, xua đuổi, không phải giết hại, bắt hại mọi người nữa mà sẽ là sứ giả của tình thương, mang sự gắn kết lại cho gia đình, vợ chồng, con cái, cha mẹ, cho người bạn, cho xóm làng, cho những người ta giao du, và cho xã hội, cộng đồng, đặc biệt cho cả thế giới này. Nếu mỗi người ngay trong trái tim này thực hiện được, ta có một đời sống an lạc, hạnh phúc. Khuôn mặt sẽ bừng sáng nhẹ nhàng, bao nhiêu u uất tàn đọng từ vô lượng kiếp sẽ tan theo mây khói, chỉ còn lại nụ cười tươi, đẹp và thanh thoát cho nên nguôi bớt đi được sự hận thù bằng lửa sân, bằng phiền não sân, bằng độc sân trong đời sống hòa thuận, thông cảm, yêu thương, lắng nghe, kiên nhẫn, từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha. Người đó có một đời sống nhẹ, không bị nhồi cơ tim, không bị tự kỷ, tự ái dồn dập và khuôn mặt thơi thới, cuộc đời an vui, bệnh hoạn tiêu tán, gia đình hạnh phúc, cha mẹ trường thọ, vợ chồng chung thủy, con cái học giỏi, xã hội bình yên.

Đặc biệt hơn nữa, người đó có sắc thái tao nhã, đẹp, điều này đúng. Bởi đức Phật có ba mươi hai tướng hảo đẹp bởi Ngài không còn hận thù. Ta bớt đi một chút hận thù thì bớt đi một chút xấu trên khuôn mặt sẽ đẹp thêm một chút. Không hoàn hảo như Phật, nhưng đã là con Phật, ta phải tương tương với tướng hảo đẹp của Phật. Hãy bớt đi lửa hận thù, hãy xóa tan đi lửa hận thù, phát triển sự sống hòa thuận yêu thương, lắng nghe, thông cảm, phát triển đức hạnh kiên nhẫn để tăng trưởng lòng bao dung, từ bi, hỷ xả, phá tan đi bản ngã, cái tôi của mình, biết vị tha và yêu thương. Bạn chính là người an lạc và hạnh phúc. Ai gần gũi bạn, họ cũng trân quý bạn, họ cũng tôn quý bạn, họ yêu mến bạn, và bạn là người luôn luôn là ánh sáng của trí tuệ lan tỏa tới mọi nơi các bạn tới. Bạn là người luôn luôn có ngọn đuốc tuệ soi sáng vào vùng vô minh u tối của những người khác, để họ tìm lại được sự hạnh phúc trong gia đình. Hãy cùng nhau xóa tan đi lửa hận thù.

Hãy đặt bàn tay phải từ bi vào bàn tay trái cùng với nhau, mời các bạn.

Chúng con đều có nhân duyên sinh tra trong những quốc gia khác nhau tôn giáo khác nhau, pháp môn khác nhau. Nhưng cùng một tánh thiện lành, biết hòa thuận, yêu thương, lắng nghe, biết nhẫn nhục, từ bi, hỷ xả, biết vô ngã và vị tha. Xin hãy khai tâm mở trí để chúng con xóa tan đi lửa hận thù trong cuộc đời. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm trì mật chú Mu A Mu Sa. 7 biến         

Mô Phật! Chúng ta tu xong rồi, mời các bạn chắp tay, chúng ta cùng quy ngưỡng về chư Phật, hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.

Con nguyện xin chư Phật ban rải thanh lương cam lộ tịnh thủy từ bi yêu thương xuống mỗi một cuộc đời chúng con. Để chúng con xóa tan đi lửa hận thù bằng đời sống hòa thuận, thông cảm, lắng nghe, bằng sự kiên nhẫn, nhẫn nhục, bằng tâm từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha. Để tất cả mọi ngọn lửa hận thù trong cuộc đời được xóa tan để không còn phân biệt, chia rẽ, để không còn đối xử bất bình đẳng, chỉ còn một chữ từ bi, hỷ xả mà thôi.

Nguyện hồi hướng tới các nguyên thủ các quốc gia, sống với tinh thần này, ngồi xuống thành lập chính sách hòa bình cho thế giới. Hồi hướng cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược, chế tạo ra được vaccine, thuốc trị bệnh đại dịch. Hồi hướng tới các bác sĩ, ý tá, y sỹ, nhân viên cứu trợ, cứ tế tuyến đầu ở trên toàn thế giới chữa lành mọi người và hồi hướng cho những ai đau khổ, phiền não tìm được hạnh phúc và bình an. Hồi hướng cho các vong linh tử vong được siêu sanh miền cực lạc.

Con xin mười phương chư Phật từ bi chứng minh.   

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn