Thu Hằng đánh máy, Bảo Minh biên tập
Mô Phật!
Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi.
Tới giờ đồng tu, mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Mu A Mu Sa
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi chúng muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào tất cả các bạn. Đồng tu là một sự cố gắng, tinh tấn của mỗi người con Phật khi chúng ta có nhân duyên gặp gỡ trên con đường tầm cầu sự giác ngộ qua giáo pháp của Đức Phật, và nhân duyên đó dẫn đưa chúng ta tới. Bởi các Pháp môn, phương tiện phù hợp với chúng ta.
Thiền Mật song tu – Thất Bảo Huyền Môn luôn nhắc nhở mọi người rằng, sinh ra ở trên cuộc đời này mỗi người đều có nhân duyên khác biệt không giống nhau. Giáo lý của Đức Phật cao tột vô cùng nhưng tùy theo từng trường hợp nhân duyên của mỗi người. Nền đạo học của Đức Bổn Sư với sự khế hợp tinh tế của các bậc Tổ, đã đưa dần chúng ta tiếp cận được Phật qua những phương tiện phù hợp đối với chúng ta.
Trong Thiền Mật song tu – Thất Bảo Huyền Môn vẫn lấy gốc là Chánh niệm hơi thở. Hít thở trong Chánh định, trong sự tỉnh thức để đánh thức tâm thấy biết của chúng ta, quán chiếu tất cả mọi suy nghĩ, mọi tư tưởng, mọi cảm giác của chúng ta qua các giác quan. Và chúng ta luôn luôn quán chiếu với tâm hướng thượng, hướng thiện để chuyển hóa những luồng tư tưởng, cũng như cảm xúc của chúng ta theo chiều hướng đó. Ngay khi đang làm người trong cuộc sống mà phải luôn luôn đương đầu với muôn chuyện dễ gây cho chúng ta nỗi sân giận, tham si. Trong hơi thở Chánh niệm đó, chúng ta lại có một sự liên đới, liên hệ mật thiết với Chư Phật qua tiếp được năng lượng Từ Bi tha lực Phật điển, bởi Chánh niệm hơi thở và mật chú Mu A Mu Sa.
Tất cả các bạn ai có nhân duyên với Pháp môn này, khi thực tập sẽ cảm ứng được với từ trường – một luồng từ trường thanh tịnh Từ Bi từ Chư Phật, từ các bậc giác ngộ lan tỏa trong thân tâm của chúng ta. Đây là nói tới những người có nhân duyên, còn nếu như các bạn không phù hợp nhân duyên tu tập Pháp môn này, thì còn rất nhiều các Pháp môn được ứng theo từng thể loại phương tiện trong Kinh sách và được các bậc tôn túc dạy dỗ, truyền dạy. Cho nên khi tu tập theo như Kinh thường dạy, chúng ta phải tìm cho mình một pháp phương tiện phù hợp. Hy vọng rằng Thiền Mật song tu khi các bạn thực tập, tìm cho mình được nhân duyên phù hợp. Để khi tu tập, năng lượng Từ Bi của Phật sẽ hòa nhập cùng với năng lượng tự thể trong châu thân, trong tâm của các bạn, làm khởi nên những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống của hiện tại.
Hôm nay, đề mục gửi về là “Pháp Tăng Tuổi Thọ”. Có nghĩa là phương pháp làm sao tăng tuổi thọ, tăng thọ mạng cho cuộc đời. Chúng ta quán chiếu và suy nghĩ kĩ về sự tăng tuổi thọ theo lời của Đức Phật dạy như thế nào? Có phù hợp với thế nhân hay không qua bài chia sẻ Pháp thoại hôm nay? Sự đồng tu của chúng ta là vừa nghe Pháp để suy niệm (tức là tư duy), và vừa thực hành công phu trong một giờ gói trọn. Ta đi vào hơi thở thật sâu, thật trầm, thật nhẹ, thật tịnh, thật tĩnh để chúng ta khai mở tâm hồn của mình rộng ra, để chúng ta đánh thức tánh thấy biết và chúng ta phát huy năng lượng Từ Bi vốn có của ta khi dung thông với từ trường yêu thương của Phật. Để trong những hơi thở như vậy của 03 thời Chánh niệm – 07 biến, tư duy, nghe những lời chia sẻ. Không khác gì thửa ruộng đã được gieo trồng, mầm mống tốt nay được tưới tẩm nước và đầy đủ phân bón, nhất định sẽ có cơ hội để nó trổ mầm.
Ta gieo vào cuộc đời của ta hơi thở Chánh niệm – năng lượng Từ Bi, quán chiếu tịch tĩnh, thấy biết, sống một đời sống Chánh niệm là thửa ruộng đã chuẩn bị sẵn hạt giống được găm xuống lòng đất. Nay chúng ta lại tư duy nghe Pháp để hiểu thấu thì chẳng khác gì mưa từ trời đổ xuống nhẹ nhàng, phân được bón vào qua từ trường yêu thương, qua Chánh niệm, nhất định đời sống của chúng ta sẽ là một đời sống an vui.
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Lấy Từ Bi và Trí Tuệ chúng ta vận hành 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rãi tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Và gia trì Phật lực khai mở Trí Tuệ để chúng con thấu hiểu được “Pháp Tăng Tuổi Thọ” mà Đức Thế Tôn đã truyền dạy. Hít vào bằng mũi rồi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)
Mô Phật!
Các bạn thân mến, bất cứ chúng sanh nào cũng mong cầu đời sống hạnh phúc và bình an. Bất cứ ai cũng mong muốn có tuổi thọ trong thân khỏe, trong tâm an. Không ai muốn tuổi thọ mà nằm liệt giường một chỗ, không đi đứng được để rồi người khác phải phục dịch, nuôi nấng. Nếu thực sự ta có thể lựa chọn được thì nhất định mỗi người chúng ta muốn tuổi thọ tăng trưởng và khỏe mạnh cho tới hơi thở cuối cùng, như vậy là một cuộc sống tuyệt vời và hạnh phúc.
Đức Phật là bậc Thầy, Ngài nhìn rõ được từng bước con người – chúng ta có thể đi lên trên con đường đó để thành tựu được pháp an lạc và hạnh phúc. Ngài không rời xa cuộc đời này quá, để cho chúng ta cảm thấy như rằng Phật giáo là một tôn giáo tiêu cực, phải bỏ hết tất cả những gì của con người, của loài người. Để biến mình thành một vị nào đó, một ai đó, một đấng nào đó, một ngôi vị nào đó mà trong khi đang hiện tại là kiếp người phải bỏ tất cả.
Chúng ta nên nhắc lại cho bản thân của mình, Đức Phật không tới đây – thế gian này giác ngộ thành Phật, là bậc Thầy dạy cho chúng ta một nền tôn giáo để chúng ta từ bỏ kiếp người này, để thành một vị nào đó ở một cõi giới, cảnh giới mênh mông vô tận ta không biết. Mà Đức Phật tới thế gian này, dạy cho chúng ta phải tập trung vào đời sống Chánh niệm để có được khả năng thấy và biết ngay trong kiếp này. Và mục đích của Ngài khi giác ngộ, và tìm con đường giác ngộ là để hướng dẫn cho chúng sanh nói chung và loài người nói riêng chuyển hóa khổ đau và phiền não. Chứ không phải biến người này, ông A, ông B, ông C, cô này cô kia thành đấng này đấng nọ; mà chỉ chuyển hóa khổ đau và phiền não của chúng ta. Để chúng ta có được hạnh phúc, không còn khổ đau, để chúng ta có an lạc không còn phiền não. Để từ đó chấm dứt luôn cả cuộc chơi đó, để không đi vào con đường sanh tử. Đó là những đoạn đường phải đi từ từ. Như đứa trẻ được sinh ra từ lòng mẹ, được cha mẹ, y tá, bác sĩ chăm sóc. Rồi cha mẹ nuôi nấng, dạy dỗ. Nằm đó biết lật, biết bò, biết đứng, biết đi, biết nghe, biết cười, biết nói. Qua từng chặng thời gian để rồi học để trưởng thành. Không đùng một cái từ đứa bé biến thành một vị Thần. Từng bước như vậy mới vững chãi.
Chúng ta nhớ, Đức Phật dạy cho chúng ta thật là từ từ và sự dạy dỗ của Ngài rất phù hợp trong kiếp nhân sinh. Ta không phải từ bỏ tất cả những gì là kiếp người, để bám víu vào một ngôi vị mà ta chẳng biết, trở thành ảo tưởng không thực tế. Đức Phật vào đời khi giác ngộ giáo hóa cho chúng sanh, để làm cho đời sống của chúng sanh trọn vẹn nên hạnh phúc và bình an, để khỏi đau khổ và phiền não. Đó là bước đầu tiên rất căn bản mà hàng Phật tử tại gia của chúng ta ai cũng thực tập được, và nó là nền tảng vững chắc nhất. Nếu xây dựng nền Phật học không trên nền tảng như thế thì chúng ta đang sống ảo tưởng. Để rồi luôn luôn cho mình cơ hội lạm dụng tư tưởng đó để miệt thị, chê bai, và coi thường những cái rất căn bản như nền móng vững chắc sau này.
Trở về với “Pháp Tăng Tuổi Thọ” là nói đến đời sống của con người. Các bạn có thể nói, Đức Phật đã dạy thân này là giả, không mang theo được, thì có gì phải quan trọng đến tuổi thọ của chúng ta? Cách nói này cao siêu, chính xác không cần chỉnh nữa. Đúng rồi!
Thân xác, cuộc đời, kiếp người là giả tạm thế nhưng không thể từ bỏ cái giả tạm như một bến đò, như một con đò, như một dòng sông để đi. Ta phải đi vào thực tế như lời Phật đã truyền dạy, kiếp con người là phương tiện. Thân là phương tiện, mạng thọ là phương tiện. Đơn giản, không bám víu vào tuổi thọ ngàn năm, vô lượng kiếp không chết. Mà tăng trưởng tuổi thọ là tăng trưởng phương tiện bền, chặt chẽ với phước báu vốn có của chúng ta. Và sự tăng trưởng phước báu hiện tại trong kiếp này để có được mạng thọ bền vững mà xây dựng nền giáo pháp của Phật qua sự thực hành trong đời sống. Và nếu như tuổi thọ mà tăng trưởng, các bạn nghe được không hài lòng, bởi nghĩ rằng chúng ta còn bám chấp vào đời sống dài lâu, cái hư giả, không đúng. Thì tại sao Đức Phật lại dạy về điều đó? Nhớ, Đức Phật là bậc Thầy giác ngộ, nếu không đúng và nếu như không cần thiết, nếu như không thể ứng dụng vào đời sống thực sự như một phương tiện, Ngài nhất định không có dạy. Nhưng trong Kinh Ngài đã dạy cho chúng ta pháp tăng tuổi thọ. Như vậy, sự dạy dỗ của Phật có một ý tuyệt vời cao đẹp, bởi Ngài nhìn thấy pháp tăng tuổi thọ này là một dấu chấm phá để sách tấn, khích lệ chúng sanh của chúng ta từng bước chuyển hóa. Như sâu nằm trong kén, như con nhộng nằm trong kén, chuyển từ từ thành con bướm để bay lên. Bởi bao nhiêu lâu chưa đủ sức vẫn phải nhờ kén bao bọc, còn không vội vàng cắn kén chui ra nó sẽ bị chết. Chúng ta gọi là sự chuyển hóa từ Phàm đến Thánh qua từng giai đoạn, và giai đoạn tăng trưởng tuổi thọ theo lời Đức Phật dạy là đúng chân lý và phù hợp.
Một thuở nọ, Đức Phật ở thành Versailles trong khu rừng, đến thăm một đệ tử của Ngài bị bệnh (y như chúng ta thường thăm những bệnh nhân). Và người đệ tử này bệnh nặng có lẽ sẽ phải ra đi, trong lúc đó Đức Phật dạy cho tất cả các đệ tử khác rằng cần có những Pháp làm tăng tuổi thọ và cũng có những Pháp làm giảm tuổi thọ của chúng ta. Tất cả Pháp tức là những hành động, những sự việc, những gì ta làm, dịch đơn giản là những tạo tác của chúng ta có thể làm tăng tuổi thọ và cũng những tạo tác có những mặt sẽ làm giảm tuổi thọ.
Phật dạy: “Này các đệ tử! Ai thứ nhất làm những công việc bất chính, (công việc nói trong Bát Chánh Đạo tức là Chánh Mạng), làm những công việc nuôi sống cuộc đời bất chính với tâm tà ác. Người đó sẽ làm giảm tuổi thọ của mình. Ai không biết làm cho đúng mức thì giảm tuổi thọ. Ai không biết ăn uống điều độ, điều dưỡng, nghỉ ngơi sẽ giảm tuổi thọ. Và ai không có một đời sống đạo đức căn bản Nhân quả sẽ giảm tuổi thọ”.
Điều này đúng, bởi các bạn thấy có những người còn rất trẻ (không nói đến những người chết yểu), nói đến thực tế, làm việc không đúng, tâm tà ác, giảm tuổi thọ. Bởi vì mới mấy mươi hoặc bao nhiêu đó, 40, 50, 30, 20 – khỏe, trẻ, đẹp, thậm chí mười mấy. Nhưng mà rồi là những công việc không phù hợp đúng với Chánh Pháp, nghề nghiệp bất chánh, tâm địa độc ác, đùng một cái bị bắt giam vô tù, xử tử. Hoặc sẽ bị triệt phá lẫn nhau giữa băng nhóm mà chết, chuyện này có.
Rồi khi chúng ta làm việc cật lực, không biết nghĩ ngơi, ta chết vì lao tâm khổ trí, lao lực. Rồi chúng ta không biết tịnh dưỡng, chúng ta cũng chết. Cho nên Tổ mới dạy, khát thì uống, đói thì ăn, mệt thì nghĩ, là nói rằng chúng ta ăn uống điều độ và tịnh dưỡng để khỏe. Rồi chúng ta không có một đời sống đạo đức, tức là sống luông tuồng xã láng, ăn chơi nhậu nhẹt trác táng, chúng ta hại đến sức khỏe, chuyện này nó thật rõ. Không phải ngày nay mới thấy mà khi hình thành nên một xã hội sống chung với nhau, con người đã có được kinh nghiệm này nhìn rõ trong sinh hoạt của xã hội. Chúng ta thấy những ai làm việc ác không đúng pháp, những ai có tâm tà ác thường tuổi thọ không có bền. Không chết vì nhóm này nhóm kia khử nhau thì cũng chết vì công việc đó do vi phạm pháp luật. Không chết ngay cũng chết dần chết mòn trong lao tù khổ trí. Rồi những ai làm việc quá cực thân, lao lực quá mức, không biết nghỉ và tịnh dưỡng chưa đúng thì cũng chết sớm. Rồi những ai ăn uống trác táng, thuốc, đủ mọi thứ nghiện ngập rượu bia, ăn uống không điều độ, sáng ăn, trưa ăn, tối ăn, khuya ăn, ăn cho nhồi bụng cho to, người cho bự cũng sẽ chết, bội thực mà chết. Chuyện này có, kinh nghiệm thấy.
Các nhà bác sĩ về những món ăn dinh dưỡng đã nói tới con người không nhất thiết phải ăn quá nhiều mà ăn phù hợp để sống, như Đức Phật dạy. Cho nên ăn uống mà không điều độ, lúc ăn trưa ăn tối, ăn không đúng giờ, không đúng giấc cũng rất nguy hại. Điều này có, bởi chúng ta ép bao tử làm việc quá mức, chúng ta sẽ hại và tổn thọ. Rồi một nền sống mà không có đạo đức cũng tổn thọ, nguy hại dữ lắm! Bởi không có đạo đức, chỉ ra quán cà phê ngồi uống một chút xíu hoặc trong một bữa tiệc nhìn thấy ai mình không ưa, bởi đạo đức không có, ta không kiềm tỏa được sự sân giận của mình nên thấy người ta cười là thấy dễ ghét, đứng dậy đánh đập. Và rồi trong những cuộc chiến như thế chúng ta thường gây tổn hại đến thân xác và sức khỏe, thậm chí thọ mạng của chúng ta.
Đức Phật dạy thật là rõ, bởi những hiện tượng này rất là người. Không cần biết các bạn có là Phật giáo, có đi theo tôn giáo nào hay không, thì lời của Đức Phật dạy, lời của Đức thầy Bổn Sư dạy phù hợp với mọi thời gian, không gian và mọi con người với mọi đẳng cấp và Trí Tuệ – kiến thức khác nhau, ai cũng phải công nhận là đúng. Cho nên Đức Phật dạy không dành riêng cho Phật giáo đâu mà cho tất cả mọi người. Rồi Ngài lại nói với hàng đệ tử rằng nhưng cũng có những Pháp để tăng tuổi thọ, đó là gì? Đó là Chánh mạng. Chánh mạng tức là có những nghề nghiệp chính đáng, hướng thiện, thì tuổi thọ sẽ tăng trưởng. Mà những nghề nghiệp chính đáng Đức Phật dạy có nhiều nghề ta phải tránh xa, như nghề buôn bán thuốc độc, nghề buôn bán súng ống. Chúng ta thấy không? Rồi buôn bán người, rồi buôn bán ảnh hưởng đến sinh mạng của người khác, những nghề bất chánh ta buôn một bán một trăm, lừa lọc, gian trá. Những nghề đó là những nghề không chánh, không đúng, không phù hợp với tâm hướng thiện, rất dễ chết, tổn phước báu, tuổi thọ không là bao. Đức Phật khuyên như vậy, để cũng từ đó ta nhìn rõ trong ngay kiếp này, ai trong chúng ta cũng từng phạm những chuyện như vậy. Và nếu lật ngược lịch sử của chính ta thì quá khứ ta đã làm thật nhiều những nghiệp chướng như thế. Cho nên ngoài việc làm công việc chính đáng, hướng thiện thì ta còn phải thực tập hạnh bố thí, phóng sanh, để chuyển hóa những năng lượng bất thiện nhiều đời ta đã tạo ra. Bởi những nghề nghiệp bất chánh không xứng đáng, tà và không hướng thiện. Vừa phải ngừng làm những việc đó và phải làm những việc tốt, những công việc tốt phù hợp với chân lý, đạo đức của Thánh hiền, của Chư Phật mà phải vừa hướng thiện. Đồng thời phóng sanh nữa mới tăng tuổi thọ, điều này đúng! Bởi trong dân gian được truyền miệng cũng như ghi vào sử ký, thật là nhiều các bậc cổ đức, ngay cả những đấng bậc sinh thành, ông bà, tổ tiên của chúng ta sống một đời sống với những nghề nghiệp để nuôi sống bản thân chánh đáng, sống thiện lành, hướng thiện, biết phóng sanh, giúp đỡ người, những bậc đó luôn luôn sống thọ. Để tăng trưởng tuổi thọ ta phải làm như vậy.
Rồi Đức Phật còn dạy, chúng ta phải biết ăn uống cho đúng mức, điều độ, đừng ăn quá độ, ăn nhiều, ăn vừa để sống, ăn đủ để sống chứ đừng ăn dư, ăn nhiều để rồi bội thực chết, cái này đúng. Có nhiều người ăn quá mà chết, uống quá mà chết. Các bạn thấy đó, nhiều người uống – uống cho say đi giữa đường té xuống chết luôn. Nhiều người ăn – ăn đến bội thực, bao tử làm việc mệt mỏi quá, lăn đùng ra chết. Rồi không ăn no để chết, uống say để chết thì ăn quá nó bự người ra, mỡ thừa, máu huyết lưu thông không đủ, không tới được rồi đâm ra đột quỵ, bệnh hoạn chết, cái đó có. Pháp ăn uống điều độ là Pháp rất căn bản mà ông bà, cha mẹ hồi xưa thường dạy cho chúng ta. Ăn uống phải điều độ, đúng giờ, đúng giấc. Đừng ăn lúc 10 giờ (ăn trưa), ngày mai 12 giờ, ngày mốt 01 giờ, đổi lộn như vậy bao tử không được nghỉ ngơi và làm việc quá sức sẽ chết. Cho nên Chư Phật dạy thật là người, thật là rõ và thật đúng với y học, đúng với sự vận động của cơ thể, rất khoa học và thực tế. Cho nên Pháp ăn uống các bạn cũng phải coi lại, ăn uống cho điều độ, phù hợp, giảm tối thiểu những chất thức ăn độc hại. Nhất là trong các thời kỳ mà con người ăn uống và sản xuất ra những món ăn với lương tâm không còn đạo đức, sẵn sàng vì lợi nhuận mà tẩm vào những thức ăn đó, hoa trái đó, vật thực đó, những thứ độc hại gây chết người, chúng ta phải cẩn thận.
Rồi Phật lại còn dạy một phương pháp nữa là phải biết tịnh dưỡng, nghỉ ngơi. Trong sự tịnh dưỡng là có sự nghỉ ngơi, trong sự tịnh dưỡng còn có sự tập thể dục, thể thao. Mà đừng tưởng rằng Đức Phật không thể dục thể thao. Phật trước khi giác ngộ Ngài là một nhà võ học, cung kiếm, võ công đầy mình, khi giác ngộ Ngài vẫn tập. Nhưng tập thể dục của Ngài được tàng ẩn ở trong ngôn ngữ thiền vị đó gọi là thiền hành, hay dịch đơn giản đó gọi là Kinh hành, mà dịch cho nó bình dân gọi là đi bộ (Kinh hành là đi bộ) nhưng có chữ Kinh hành tức là đi bộ trong sự tỉnh thức. Chứ không phải chúng ta đi cắm cúi đi, đi bộ cho nó khỏe rồi cứ vừa đi vừa tán gẫu, vừa đi vừa nói chuyện này chuyện kia, thì không phải là đi bộ trong sự tỉnh thức. Nó cũng khỏe cho thân nhưng nó không có trọn vẹn bởi thân khỏe mà tâm không tịnh thì lợi lạc không là bao. Còn Kinh hành như nhà Phật tức là đi bộ trong sự chánh niệm tỉnh giác thì nó có sức khỏe cho cơ thể được trường thọ, mà có sự thanh tịnh nơi tâm. Cùng một hành động đó phối hợp với chánh niệm có lợi cả cho thân và tâm. Có nghĩa là tu thâm tâm. Đức Phật đi Kinh hành thật là nhiều, đi bộ thật là nhiều, ăn xong Ngài nghỉ, giảng dạy đôi chút rồi Ngài lại đi bộ. Và chỗ nào Ngài ở cũng chỉ 03 ngày là đủ, một gốc cây rồi đi chỗ khác. Nên cuộc đời của Ngài là cả một cuộc đời luôn luôn tập luyện thể dục thể thao bằng phương pháp đi bộ trong Chánh niệm, đi bộ trong sự tỉnh thức mà nâng tầm ngôn ngữ gọi là Kinh hành, hay nâng tầm cao hơn ngày nay đặt để quá mức gọi là Thiền hành. Nhưng đối với Bảo Thành đơn giản, đi bộ trong Chánh niệm là đủ. Còn ngôn ngữ nào có mỹ miều tới đâu thì cuối cùng thành quả mà chúng ta đạt được vẫn là sức khỏe cho thân và sự an lạc cho tâm. Mà nếu các bạn có thể tập võ, tập thể dục, đánh banh, chạy bộ, bơi lội, yoga. Tất cả các môn như tập tạ cũng vậy, chạy nhảy, tất cả các môn vận động để cho máu huyết lưu thông, có thể khỏe mạnh đều gọi là biết tịnh dưỡng, biết nghĩ ngơi, biết vận động cho cơ thể khỏe thì điều này rất đúng!
Ngày nay tới với bác sĩ ai cũng được khuyên cố gắng về đi bộ 30 phút, cố gắng về tập thể dục thể thao, cố gắng về vận động. Phật xưa đã dạy rồi, ngày nay vẫn còn phù hợp. Đó là 03 điều, tức là phải có nghề nghiệp chánh đáng đừng có hại người, hại vật và hướng thiện. Rồi phải biết ăn uống điều độ, rồi biết tịnh dưỡng, tập thể dục thể thao, rồi thứ tư là sống một đời sống đạo đức tức là đến phần tâm. Với 04 điều căn bản như thế chúng ta sẽ tăng được tuổi thọ.
Bây giờ nói trở lại Thiền Mật song tu – Thất Bảo Huyền Môn, một động tác, một hành động mà có đầy đủ 04 điều đó. Bốn trong một hơi thở Chánh niệm Mu A Mu Sa. Là bởi vì khi các bạn dành cho mình một tiếng đồng hồ đồng tu hay tự mình tu, chúng ta đã trở về hành động, việc làm trong Chánh niệm hơi thở để tư duy về công việc của mình. Đặc biệt nhất trong hơi thở này ta tịnh dưỡng, ta nghỉ ngơi, ta vận động như một nhà khí công hít thở đều đặn đưa xuống các luân xa, đưa xuống các đan điền khí hải, đánh thứ kinh mạch, nhâm đốc của chúng ta. 12 kinh mạch chất chứa năng lượng, vận hành đúng mức cơ thể nó khỏe. Đây là pháp tịnh dưỡng của người xưa là bởi vì chúng ta không được nhắc tới nên chúng ta ít biết. Cũng là cách Kinh hành nơi tâm, ngồi đây mà hành thân tại chỗ, thở vào thở ra, nhiếp tâm an trú, để tăng trưởng năng lượng. Đồng thời ta còn nuôi dưỡng thân tâm của ta bằng Chánh niệm hơi thở và năng lượng Từ Bi của Phật. Chính trong năng lượng Từ Bi này nó sẽ giúp cho chúng ta tư duy để những công việc hằng ngày của chúng ta luôn dựa trên nền tảng của tâm Từ, tâm Bi và hướng thiện. Từ đó mà chúng ta sẽ biết cách chọn nghề nghiệp, công ăn việc làm đúng với Chánh pháp. Bởi ai làm việc với tâm Từ Bi đều là những người làm việc đúng với Chánh mạng và hướng thiện.
Thì như vậy nuôi dưỡng cuộc sống trong một tiếng đồng hồ bởi hít vào hít ra Chánh niệm hơi thở và đón nhận năng lượng của Từ Bi. Với sự vận hành khí huyết trong hơi thở trầm xuống thì chúng ta đã tịnh dưỡng cả tư duy về nghề nghiệp đúng Chánh pháp nuôi dưỡng trong tâm từ. Và chúng ta ăn, nhớ rằng chúng ta ăn uống điều độ, trong ăn của nhà Phật gọi là Thiền duyệt, không hẳn là vật thực đâu. Chúng ta trong hơi thở đã là giúp cho cơ thể ăn uống điều độ bởi năng lượng vận hành khí huyết. Cho nên khí huyết được vận hành sâu, giúp tăng trưởng năng lượng và nó giúp cho cán món ăn thực tế khi ăn vào, chúng ta sẽ chuyển hóa cùng với năng lượng giúp cho chúng ta không cần phải ăn nhiều quá mức. Và làm giảm tiết độ tăng trưởng những chất hóa học để kích động chúng ta tham, đắm chìm vào những miếng ăn.
Cho nên, các bạn khi thực tập Thiền Mật song tu – Thất Bảo Huyền Môn, với hơi thở hít vào hít ra, Chánh niệm hơi thở, đón nhận năng lượng Từ Bi, Kinh hành vận khí, tọa thiền như vậy, để rồi trong từng giây từng phút lan tỏa năng lượng Từ Bi đó. Khi các bạn đi, các bạn đứng, các bạn nằm, các bạn ngồi, các bạn nấu bếp, rửa chén, các bạn đi tập thể dục, các bạn đi làm việc bất cứ chỗ nào thì năng lượng và tâm tưởng của các bạn luôn luôn được huấn luyện thực hành theo tâm hướng thiện, an trú Chánh niệm, tịch tĩnh thấy biết, Từ Bi – hỷ xả. Mỗi giờ khắc trong cuộc đời của các bạn chính là các bạn đang tăng trưởng tuổi thọ cho mình bởi tâm an, thân khỏe, lòng lại vui.
Việc gì xảy ra giữa đời dù là nghịch ý thì tâm vẫn tịch tĩnh bởi ta đã chuẩn bị cho mình một năng lượng an vui vốn có tới từ Chư Phật. Và rồi để kích hoạt năng lượng yêu thương của chúng ta nữa. Cho nên nếu ai thực tập Thiền Mật song tu – Thất Bảo Huyền Môn, đây cũng chỉ là phương tiện nha các bạn. Đây là một Pháp phương tiện nếu các bạn thực tập cho đúng và phù hợp nhân duyên, thì các bạn sẽ luôn luôn biết cách tư duy để chọn lựa cho mình một nghề nghiệp xứng đáng, đúng chánh pháp và luôn hướng thiện. Và các bạn luôn luôn biết ăn uống điều độ với vật thực, và biết dinh dưỡng cơ thể điều dưỡng, nghỉ dưỡng, thực tập các pháp tập phù hợp. Nhất là trong cái ngồi này là một môn thể dục vi tế trong hơi thở siêu thế, vận động toàn thân, để huyệt mạch khai mở, năng lượng được khai triển. Và đặc biệt còn được tiếp ứng với năng lượng từ trường – Phật điển vào thân nữa. Cho nên đây là một Pháp tu có lợi cho sức khỏe, có lợi cho tâm của chúng ta được an. Và đặc biệt nếu miên mật tu tập các bạn sẽ tăng được tuổi thọ trong sự tịch tĩnh và an vui. Để từ đó làm nền tảng trong cuộc sống bắt đầu đi lên thoát khỏi sanh tử.
Chưa mọc cánh mà bay sẽ té. Khi cuộc sống không an vui, thọ mạng không bền vững, sự tu thật là khó. Phương tiện trên tay không bảo dưỡng nó mà chúng ta lại còn phá nó thì chúng ta đi được tới đâu? Thân xác này, kiếp người này là phương tiện – Phật dạy. Do đó ta tăng thêm tuổi thọ của phương tiện là để đưa ta đi thêm một đoạn đường. Việc này chấp nhận được và phù hợp với nhìn của bậc tuệ giác là Đức Phật. Cho nên khi đi thăm một người đệ tử bị bệnh ở thành Vasily trong một khu rừng, Ngài đã truyền dạy lời nói rất chân tình, rất phù hợp, rất khoa học, rất nhân văn, rất tình người và rất là người, không xa thực tế.
Do đó khi các bạn gửi về đề mục này, Bảo Thành hạnh phúc bởi vì nó thật thực tế. Chúng ta là người và các bạn là những con người đang sinh hoạt hiện tại trong xã hội. Các bạn có cha có mẹ, nếu các bạn còn cha còn mẹ, các bạn luôn mong muốn và mơ ước cho đấng bậc đó, đấng bậc sinh thành nên chúng ta đó, được tăng tuổi thọ. Điều này ai cũng có! Vậy thì làm sao để ước mơ tăng tuổi thọ cho cha mẹ có thể trở thành hiện thực? Bằng cách làm sao đó để cha mẹ nghe được những lời của Thế Tôn dạy về tăng tuổi thọ. Tức là luôn luôn phải biết sống với những nghề nghiệp tịch tĩnh, Chánh pháp. Biết ăn uống điều độ, biết tịnh dưỡng và biết thể dục thể thao, tập luyện và một đời sống thánh đức, đúng pháp thì các Ngài sẽ trường thọ và chúng ta cũng thế. Cho nên trong cuộc sống mưu cầu cho sự trường thọ là hợp lý nhưng đúng với lời của Phật là đúng với giáo lý để chúng ta từ từ cởi áo – cái áo tham sân si mà đi. Nhưng hiện tại trong cuộc đời phương tiện làm người cần phải bảo dưỡng bởi nó là chiếc xe chuyên chở ta tới chỗ ta cần muốn.
Các bạn, hôm nay nghe được rồi thì nhất định Bảo Thành và các bạn sẽ tăng được tuổi thọ mà thôi. Nếu như chúng ta nắm vững được những lời Đức Phật dạy và thực tập thường xuyên Thiền Mật song tu với hơi thở vào ra thật sâu, tích lũy năng lượng Từ Bi của Phật vào trong cuộc đời. Đánh thức kinh mạch của mình, huyệt đạo của mình, luân xa của mình, đan điền khí hải, vận hành cho đúng thì cơ thể luôn an vui, khỏe mạnh, luôn tươi, luôn trẻ và luôn luôn có một khí khái tĩnh lạc, bình an, tự tại trong cuộc đời.
Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay Từ Bi, chúng ta vận hành 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rãi tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Và khai tâm mở trí để chúng con hiểu thấu được “Pháp Tăng Tuổi Thọ” mà Đức Phật đã khai thị cho chúng con. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở rất từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)
Mô Phật!
Những điều như trên vừa mới nói, trở về với Thiền Mật song tu -Thất Bảo Huyền Môn. Các bạn có thấy biết bao nhiêu người mỡ đóng quanh bụng, khổ quá, phải đi bác sĩ để hút mỡ. Thậm chí còn phải đi các phòng mạch để họ đốt lửa lên trên bụng cho tan mỡ, mỡ nhiều dễ chết, tuổi thọ không bao lâu. Trong một hơi thở vào ra, hít vào phình bụng có nhiều bạn nữ sợ, “Ôi Thầy, hít vào phình bụng bụng con to”. Dạ không! Bởi trong hơi thở vào ra phình và hóp vô như thế là vận động bụng của chúng ta. Phình ra hóp vào, phình ra hóp vào, như những người hít đất, hoặc những người tập bụng đó, thì cơ ở bụng sẽ săn chắc. Đồng thời hơi thở vào sâu xuống đan điền khí hải nó tạo thành nhiệt lượng, đốt cháy mỡ vòng quanh bụng của chúng ta. Cho nên bụng chúng ta sẽ bị làm sao? Nhỏ lại theo phương pháp tập thở này và mỡ sẽ bị tan ra. Đây là sự thực tế! Các bạn có thể tìm hiểu về khí công, yoga, các bạn hiểu. Hoặc các môn thể dục, ai cũng phải vận động cơ bụng. Trong hít vào – ta phình bụng là cơ bụng phình ra, thở ta hóp sát vào xương sống. Phình ra và hóp vào như vậy thường xuyên thành một thói quen có điều kiện, bụng sẽ tan hết mỡ, năng lượng sẽ luân lưu trong cơ thể rất là khỏe. Và trong hơi thở này bởi chú trọng vào hơi thở và trụ tâm, mang tâm vào trong hơi thở chánh niệm, trụ tâm vào trong hơi thở chánh niệm, quán chiếu tất cả suy nghĩ, cảm xúc của chúng ta cũng trong một hơi thở đó. Tâm và hơi thở đồng nhất thể luân lưu trong các kinh mạch, máu huyết của chúng ta. Đồng thời ta còn bồi dưỡng hơi thở đó bằng năng lượng Từ Bi – Mu A Mu Sa. Tuyệt vời! Có sức khỏe! Nếu các bạn thực tập Thiền Mật song tu – Thất Bảo Huyền Môn thường xuyên, các bạn sẽ có một sức khỏe, các bạn được gương mặt thật là sáng, có được nụ cười thật là tươi, có được một vị thuốc thiên nhiên tự tại trong hơi thở giúp cho các bạn trẻ – khỏe – đẹp, tự do, an vui, dễ thương, bao dung và từ ái. Những điều này có được trong Pháp tập này để tăng tuổi thọ một cách hiển nhiên, không cần cưỡng cầu. Để từ đó các bạn ý thức đến, bởi vì như vậy Trí Tuệ bừng khai, sự hiểu biết ta rộng lớn hơn. Để từ đó đưa đến sự lựa chọn những công ăn việc làm phù hợp với Chánh mạng, Chánh pháp của Phật, không tổn hại đến sức khỏe và sinh mạng của người khác, ta sẽ tăng trưởng. Và rồi ta lại biết ăn uống điều độ nữa, cùng với sự tịnh dưỡng thể dục, thể thao, phối hợp với một đời sống đạo đức rõ ràng thì nhất định các bạn sẽ tăng tuổi thọ lành mạnh, khỏe và an vui suốt cuộc đời.
Các bạn, một Pháp môn rất thực tế! Nếu phù hợp nhân duyên, các bạn thực tập sẽ thấy được sự lợi lạc ngay trong đời sống này. Để cho cha mẹ tăng tuổi thọ, để cho các bạn tăng tuổi thọ, và đặc biệt nhất là sống dài lâu với tâm tịch tĩnh, an vui và bình an, từ ái và bao dung
Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay Từ Bi ta vận hành bảy biến nữa.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rãi tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và thắp sáng đuốc tuệ để chúng con hiểu thấu được “Pháp Tăng Tuổi Thọ” mà Đức Phật đã khai thị. Hít vào bằng mũi rồi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm trì mật chú Mu A Mu Sa.
Mô Phật!
Chúng ta đã đồng tu xong, mời các bạn chắp tay hồi hướng công đức.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Mu A Mu Sa.
Chúng con hồi hướng công đức đồng tu hôm nay, tới các đấng bậc sinh thành và tất cả hàng Phật tử chúng con, để chúng con thấu hiểu được pháp tăng tuổi thọ Phật khai thị để có mạng thọ viên dung, an nhiên, tự tại. Đồng hồi hướng tới các nguyên thủ các quốc gia biết thành lập chính sách hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Hồi hướng cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược chế tạo ra được vắc-xin (vaccine) thuốc trị bệnh đại dịch. Hồi hướng cho các bác sĩ, y tá, y sỹ, nhân viên cứu trợ, cứu tế luôn mở rộng vòng tay giúp đỡ, chữa lành mọi người. Hồi hướng cho những ai còn đau khổ, bệnh hoạn được khỏe mạnh, hết bệnh.