Search

Bài 1235: Đã Hết Cơn Say – Thất Bảo#1 – Mu A Mu Sa

Nguyễn Phương đánh máy, Bảo Minh biên tập

Mô Phật! Bảo Thành xin kính chào quý Sư Cô, cùng tất cả các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi.

Tới giờ đồng tu rồi, mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Mu A Mu Sa.

Con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Mô Phật! Các bạn thân mến, ở trên đời không có việc gì mà không cần phải tái lập trở lại cho thêm tốt đẹp. Đồng tu là một phương tiện được đặt để ra, thách thức trong cuộc sống của mỗi người rất bận rộn, sự bận rộn làm cho chúng ta ít nghĩ đến sự đồng tu, ít nghĩ đến sự tu luyện. Chỉ có khi nào chúng ta rơi vào tình trạng đau khổ, rơi vào tình trạng khó xử, phiền não, thất bại, lúc đó dù bạn là tôn giáo nào đi nữa chúng ta mới bắt đầu chạy tới để cầu nguyện và bắt đầu lần mò sự tu tập. Đừng đợi đến lúc đó, đừng đợi đến lúc chết mới tu, đừng đợi lửa cháy rụi ra rồi mới phòng ngừa lửa cháy. Ông bà có câu “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, chúng ta hãy tinh tấn cùng với nhau đồng tu. Sự thử thách trong cuộc đời bận rộn mà có thể sắp xếp được, có thời gian tu tập với nhau, cùng với quý Thầy, bạn bè ở trên mạng hay trực tiếp để thực tập các Pháp môn nào đó mà các bạn phù hợp căn duyên, đó chính là điều kì diệu sẽ làm cho cuộc đời của mỗi người chúng ta trở thành ý nghĩa hơn.

Thiền Mật song tu – Thất Bảo Huyền Môn là một pháp Thiền Mật thật đơn giản trong chánh niệm hơi thở, tăng trưởng đời sống của tánh thấy biết, quán chiếu toàn thân tâm, nhận rõ từ từ cuộc sống của mình. Và có sự cộng hưởng của tha lực Phật điển qua mật chú Mu A Mu Sa. Năng lượng Từ Bi, từ trường yêu thương của Chư Phật tác động với tự lực phát tâm đồng tu, cầu đạo giác ngộ của chúng ta, sẽ giúp cho chúng ta có sự liên lạc, liên đới thật gần gũi với Phật, với giáo lý của Phật và hòa hợp cuộc sống của mình với muôn loài muôn vật.

Các bạn, đây là Pháp tu nếu có nhân duyên ta sẽ cảm ứng được điều này và làm thay đổi cuộc sống. Để hôm nay, chúng ta cùng tham vấn về đề mục các bạn đã gửi về đây để chia sẻ hôm nay đó là “Đã Hết Cơn Say”. Các bạn, say gì đây? Và ai là người đã hết cơn say? Ta đã hết cơn say chưa hay mỗi người chúng ta vẫn còn say mèm trong cuộc đời này?

Hãy đi vào chánh niệm hơi thở 07 biến Mu A Mu Sa, để chúng ta cùng phát tâm chấm dứt hết mọi cơn say trong cuộc đời. Để có một đời sống tỉnh – thật là tỉnh, một đời sống tỉnh thức ngay hiện tại, nơi đây.

Mời các đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Để chúng ta bắt đầu vận hành 07 biến Mu A Mu Sa.

Mu A Mu Sa có nghĩa là “Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh” Cho nên khi hít vào thở ra, các bạn hít chậm rãi, khi vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng thật sâu, giữ ở đó 03 giây. Đồng thời khi thở ra thì chúng ta hóp bụng lại thở từ từ, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rãi tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực khai mở Trí Tuệ để chúng con chuyển hóa hết mọi cơn say trong cuộc đời. Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở rất từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 lần)

Mô Phật! Bảo Thành kính chào các bạn. Các bạn thân mến, ai ở trên đời này cũng một lần, nói đúng hơn là nhiều lần say, say mèm, say mềm, say ngất ngư, say lắc lư, say đổ gục, say té nhào, say bổ xuống dưới đất, say nghiêng ngả hàng rào, say quên mất đường về, say mất nhân cách, say luôn, say đến mức mà không còn cuộc đời tìm thấy. Như vậy, ta cứ thầm nghĩ, ai mới là một người và ai mới là người đã hết cơn say.

Bao nhiêu lần Bảo Thành và các bạn, trong cuộc đời này hay trong những kiếp trước ta đã say, và ta đã lăn quay. Và cứ tán tụng mãi với câu: “Uống mà không say mới là hay”. Nhưng ở trên đời này say rồi có gì để hay đâu? Mấy ai uống mà không say? Vậy chẳng có ai dám vỗ ngực xưng tên ta đã hết say. Ngoài một đấng đó là Đức Bổn Sư – Thích Ca Mâu Ni, Ngài không vỗ ngực xưng tên, Ngài tuyên bố với chúng ta rằng Ngài đã hết cơn say.

Từ thuở nhỏ, Ngài đã có ngộ tánh thật là cao. Là một thái tử trong cung vua, bước qua bốn cửa thành Đông, Tây, Nam, Bắc, thấy chúng sanh say trong cửa tử, say trong cửa sanh, cửa bệnh, rồi chết. Sinh, Lão, Bệnh, Tử, bốn cửa say mèm, nằm gục ở đó rồi lại luân hồi vòng xoay, lăn quay mãi trong sự mù mịt của tâm thức.

Trong một cơn thoáng tỉnh, Ngài đã có ý niệm rằng làm sao cho tất cả mọi chúng sanh đang say mèm trong cửa sinh – tử, bệnh – già, đau khổ kia có thể bước ra mà tỉnh giấc? Ngài đã từ bỏ cung điện, ngọc ngà cao quý, đã chia tay với người vợ hiền thục – đẹp xinh, đã chia tay với người con mới sanh ra và giã biệt tất cả để đi vào nơi thanh tịnh, nhìn thấu, nhận diện những điều đã làm cho con người, chúng sanh say mèm từ muôn đời qua. Ngài nhận diện ra những chất say đó là ái dục, tham dục trong bốn đường Sanh, Tử, Bệnh, Già của sáu nẻo luân hồi vô minh. Và cuối cùng với sự nhận diện nhìn rõ, Ngài đã thực sự hết cơn say. Ngài không còn say trong cơn mộng hão huyền của sanh – sanh mãi, diệt – diệt mãi, khổ – khổ mãi, của bệnh, của già. Ngài đã thoát ra, không đắm mình trong bốn chất liệu của tham sân si và hỉ nộ ái ố đó, để từ đó Ngài chiến thắng được Tam độc, rời xa ba chất độc dược này. Nhìn rõ được nguyên nhân của Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Đức Phật đã hết cơn say và Ngài là bậc tỉnh thức.

Các bạn, nếu mang gương của Ngài tới để áp dụng trong cuộc đời của chúng ta, thì có lẽ là tuyệt vời. Nhưng Bảo Thành và các bạn chưa nói đến tầm cao học đạo đưa đến sự liễu ngộ viên thông để thành Phật, để chấm dứt sanh tử luân hồi trong cuộc đời, để hết những cơn say của mê hoặc, tham sân si, hỉ nộ ái ố. Ba đường – ba đường ác tái sanh sáu nẻo luân hồi đau khổ. Hãy trở về là một phận người bình thường để chúng ta mang giáo lý của Đức Phật áp dụng vào cuộc đời, cuộc đời bình thường thôi để chúng ta thấy rằng lời Phật cao siêu nhưng vẫn có chỗ đứng trong trái tim của ta, trong tâm trí của ta, để chúng ta thay đổi cuộc đời, ứng dụng trong kiếp người mang lại sự hạnh phúc bình an để không còn say.

Các bạn, thế giới ngày nay phát triển quá nhanh và sự phát triển của các chất say càng tinh vi, càng tinh tế, và càng thật là dễ dàng mang tới mọi nơi, mọi chốn. Thế nên chúng ta cứ để ý, ngày xưa chỉ có những ông cụ già mới uống một chén, hai chén để cho thông máu, để cho kinh mạch luân lưu cho khỏe; hoặc hiếm mới thấy một người say rượu, say bia. Nhưng ngày hôm nay, không phải những người lớn tuổi mà mọi tầng lớp trong xã hội, ngay cả những người dưới tuổi vị thành niên cũng nâng lên hạ xuống, nhấp môi, say mèm, té nhào xuống đất, quên cả lối về, lầm lạc mãi thôi. Cũng chẳng vì lý lẽ say mèm đó mà từ bỏ đâu, bởi cứ tán tụng uống mà không say mới là hay, một hai ba vô một cái té lăn quay rồi còn biết gì nữa đâu. Là bởi vì chúng ta không nhận diện ra sự tai hại của rượu, của chất độc, của chất say.

Trong giới thứ năm, Đức Phật dạy chúng ta, cấm các chất rượu bia và những chất say làm tổn hại đến sức khỏe, trí tuệ và gây mê, lầm lạc tạo ra nghiệp chướng, không thể kể được ở giới thứ năm. Thế mà chúng ta lại còn không nhìn ra, cứ nốc cho thật nhiều để thân này bị xơ gan, bị ung thư, bị tiều tụy, bị hết sức, bị mất Trí Tuệ, bị tốn tiền, bị tán gia bại sản, bị gia đình vợ con tan nát. Sống trong cảnh đau khổ vô cùng bởi mất nhân cách và có những hành vi gây tội nguy hại đến sức khỏe, đến tinh thần, đến thể xác, đến sinh mạng của con người. Những cái gương như vậy, chúng ta đã nhìn thấy đầy rẫy trong xã hội ngày xưa cũng như ngày nay, nhưng ngày nay nổi trội vô cùng. Bởi đâu đâu, góc nào, khu phố nào cũng có tiệc tùng, một hai ba vô cả đống, không say mới là hay, lăn quay biết đâu đường để trở về. Rồi vợ đó, con đó, chồng đó, mẹ đó, cha đó, đợi chờ qua đêm mà chẳng thấy, phút chốc nhận diện ra thì đã đi đời rồi, bởi say mà đụng xe, say mà té, say rồi bệnh, say rồi chết, say rồi mất nhân cách.

Đức Phật dạy cho chúng ta phải nhận diện ra sự nguy hại của các chất độc tố gây ra say. Không có một chất gì say mà không có độc tố, tất cả các chất say đều chứa đựng độc tố nguy hại vô cùng, làm tổn hại đến sức khỏe của chúng ta, gây ra biết bao nhiêu bệnh tật. Làm tổn hại đến sức khỏe của tinh thần gây ra sự tiều tụy, mệt mỏi rồi thiếu suy nghĩ. Làm tổn hại đến Trí Tuệ, làm lu mờ trí nhớ, suy nghĩ không còn đâu vào đâu.

Chúng ta đã thấy thật là nhiều hủ mèm say mướt trong cuộc đời đây đó ở thôn, ở làng, ở xóm, ở những bàn tiệc té lên té xuống, đụng xe ầm ầm, gây hại vô cùng. Thế mà không phải người bình dân nghèo khổ đâu, ngay cả những người có quyền lực, có quyền danh, có phẩm cách cao, có kiến thức, có học, có thế, vẫn lao đầu vào say mãi say mãi thôi. Cho đến những người không có tiền, vất vả vô cùng, kiếm được chút tiền quên cả vợ, quên cả con, quên cả chồng, hàng xóm. Nhớ đến chén rượu, nhớ đến lon bia, lại quằn quại trong cơn say, về nhà chẳng còn gì nữa. Say quá, phải tỉnh thôi, đã đến lúc phải hết cơn say rồi bạn ơi! Làm sao hết cơn say? Chuyện đó từ từ ta nói tới, đó là say rượu thôi chứ còn nói đến đa hình vạn trạng của những cơn say nguy ngặt khác.

Các bạn, một cơn nắng chợt qua nó chui tọt vào ánh mắt say mèm chẳng biết đường về. Vợ đó, chồng đó, con đó, vẫn mịt mù đi mãi. Say nắng nguy hại vô cùng! Một ánh mắt chợt thoáng qua uống mãi vào trong tâm thức, để rồi thổn thức say mèm trong ánh mắt lung linh, huyền ảo của một đối tượng nào đó bất chợt gặp trong một bữa tiệc, trên một đoạn đường đi hay một sự giao tiếp. Nguy hiểm! Nguy hiểm!

Say nắng hay uống vào một ánh mắt say, say âm thanh, say giọng nói, say tướng hảo, say tiền tài, say danh vọng, say địa vị. Say – say sắc, say tài, say danh, say quyền lực. Những cơn say này nguy hại vô cùng bởi say rượu còn có tỉnh, còn những cơn say kia không khéo, nó sẽ say mèm từ kiếp này đến kiếp sau. Nói vậy, khó tránh nếu không hiểu thấu và tu luyện thật sự, một ánh mắt uống vào trong tâm, say quá rồi sao tỉnh được?

Các bạn có khi nào nghe đâu đó một người thiếu nữ hoặc là một người đàn ông, có vợ hay chưa có vợ, có chồng hay chưa có chồng, bất chợt ra ngoài đời thấy một ánh mắt lung linh uống nhầm vào. Thế vậy mà say mãi, chẳng có đường về thoát được đâu. Để cả cuộc đời là sự lơ lửng, ngây ngất, để trong tâm thức thích tìm tòi, mò mẫm, trong ánh mắt đó mà say hoài. Dù rằng trong cuộc đời chồng đó, vợ đó, con đó, quên hết. Bởi vì cứ cố tình hay vô tình trong ánh mắt ngọc ngà, cao quý, lung linh, huyền diệu, hớp hồn để rồi cứ uống mãi, rồi vỗ ngực ta uống không say. Đến bao nhiêu ánh mắt trong cuộc đời uống vô mãi, bao nhiêu những âm thanh ngọt diệu ta uống hoài ta say. Bao nhiêu những danh vọng, quyền thế ta chất chứa, ta đổ đầy, nốc một cái cạn mãi trong cuộc đời. Say rồi, say rồi sao biết đường về?

Các bạn, những cơn say đó nguy hại lắm. Ta cứ chỉ tay, chỉ người và chê  người uống rượu say mèm. Thầm nghĩ lại trong cuộc đời ta không có chất men của rượu, nhưng ta có chất men của tình. Tình đó ta uống vào bằng ánh mắt, ta uống một ánh mắt lơ lửng trong cuộc đời, ta uống một âm thanh, ta uống một cái tướng, ta uống một cái danh, ta uống một cái vọng, ta uống một chút tiền, ta uống một chút quyền, rồi cứ thế nó say, nó ghiền, rồi nó nghiện đến mức mà ta không rời bỏ được nữa. Biết bao nhiêu người uống một ánh mắt say để rồi vợ chồng tan nát, con cái chẳng còn cha còn mẹ, li dị, gia đình tan nát. Biết bao nhiêu người đi giữa đường có một âm thanh trong trẻo vọng vào, uống nốc vô rồi nó tràn ngập trong trái tim, tương tư, thương nhớ, vợ nhà đã quên, chồng vợ bỏ luôn, rong ruổi theo âm thanh uống mãi sao ngọt lịm, chết rồi. Rồi lại có những con người mê quyền, mê chức, mê tiền tài, danh vọng hão huyền, bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ vợ, bỏ chồng, nốc mãi những cơn say. Ôi, cuộc đời đã thấy, trẻ trẻ, già già, trung niên hay cỡ nào, ít nhiều gì ta cũng từng thấy những cảnh đó hiện hữu trong cuộc đời.

Làm sao để tỉnh cơn say rượu? Làm sao để không say nắng, say mưa, say gió? Làm sao để biết ngừng, đừng uống vô ánh mắt huyền ảo, mê muội kia? Làm sao để biết chấm dứt đừng uống vô những giọng điệu ngọt lịm đang rót vào tai? Làm sao để đồng tiền, danh vọng và địa vị, quyền lực hơn thua đừng chất đống, nốc mãi vào cuộc đời? Làm sao đây? Không thể đứng vững được đâu! Ánh mắt đó sao huyền diệu quá, nhìn một lần tôi đã say sưa. Kìa âm thanh trong trẻo quá đi, nghe rồi lạc lối biết đường nào về đây. Cơn nắng đó nhẹ nhẹ, êm êm, thấm vào lòng nghiêng ngã mãi không thôi.

Các bạn, quyền lực, danh vọng, tình ái, tất cả những điều đó thật dễ say. Bảo Thành và các bạn nhiều kiếp lắm rồi, không hẳn là kiếp trước đâu mà đã nhiều lần trong hiện kiếp này đã say. Ta đã say và đã lăn quay, đã té, đã mất đường đi, mất hướng về. Suy nghiệm một chút, chúng ta thấy và chúng ta phải nhìn nhận ra rằng ta đã say, ta đã say, ta đang say và ta sẽ mãi mãi say. Nhận định được điều đó để thôi thúc một sự quyết tâm thấy được tai hại của say rượu, say tình, say tiền, say danh, say vọng, say quyền lực, say trong sanh tử, say trong già bệnh, say trong vô minh. Phải nhận từ từ, nhìn từ từ, nhiều quá, nhiều quá, các chất độc hại đầy rẫy, chỗ nào cũng bán cũng buôn, chỗ nào cũng bày đầy đủ. Thật là dễ – dễ chạm vào, khó kìm lắm đúng không các bạn? Đúng!

Đối với chúng ta là người Phật tử tại gia, đừng cứ suy nghĩ như vậy rối đầu, nhiều quá sao thoát? Nếu chúng ta là Phật tử tại gia, nếu chưa có gia đình, đang còn rất trẻ, mới đi vào cuộc đời. Chúng ta chưa một lần say với các chất độc hại, tham sân si, rượu chè, hoặc những mối tình vụn vặt bất chợt tới rồi đi; hoặc tiền tài, danh vọng, những cám dỗ ở đời. Điều đó là đại phước bởi chưa bước vào nhưng đừng có coi thường. Hãy phải luôn luôn tu tập để có được sự tỉnh giác để phòng ngừa, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Đừng đợi đến phút cuối, nước ngập tới đầu mới dọn nhà rời đi không kịp, lửa cháy lan rồi mới chữa thì còn đâu nữa. Nếu các bạn có nhân duyên là như vầy, hãy cẩn trọng cố gắng tiếp cận với giáo lý của nhà Phật và giữ năm giới, phòng ngừa, học hỏi từ các bậc tôn quý là chư vị Hòa thượng, Thượng tọa, đại đức tăng ni; hoặc học ở trên mạng đối với các bậc Thầy ta yêu mến phù hợp; hoặc đọc những cuốn Kinh sách, chân lý của Phật mà chúng ta thấy có cơ hội tiếp cận dễ hiểu, để phòng ngừa đừng lâm vào cảnh say sưa đó.

Còn đối với những người khác như Bảo Thành và các bạn đã từng say, đã từng mê hoặc bởi những chuyện đó. Chúng ta có thấy có một người nào mà say rượu để rồi chữa say họ phải uống nước, rồi họ phải dội nước vào mặt, rồi họ phải ăn chanh? Ngày nay còn có thuốc chống say, không phải là để không uống mà để uống cho nhiều. Nguy không? Thật là nguy. Thích mà, thích uống mà để rồi người ta còn chế ra các viên thuốc  uống vào rồi nốc mãi không say nhưng chẳng có chuyện đó đâu. Uống vào rồi chỉ chậm say mà thôi nhưng mà khi đã say nguy hại vô cùng, mất hết nhân cách và nó còn độc hại đến cơ thể. Bởi vì nó làm tê liệt thần kinh, không cảm giác cho say nhưng thân xác của chúng ta sẽ bị xơ gan cổ chướng và thân xác của chúng ta sẽ bị ung thư. Rồi chưa kể tới mất nhân cách, lời ra tiếng vào, cãi cọ tranh đua, hơn thua, đập bàn đập ghế. Thậm chí mà cha con ngồi với nhau, uống vào một cơn say rồi mày mày tao tao chẳng còn cha chẳng còn mẹ, trời đất cũng chửi, Phật – Thánh cũng không coi ra gì, nhà chùa cũng đốt, nhà thờ cũng phá, mất hết nhân cách.

Các bạn, nhớ lời Đức Phật dạy có một sự gội rửa thực sự bởi nhận diện ra sự tai hại của những cơn say rượu, say tình, say dục. Của những cơn say của quyền lực, vật chất, tiền tài, danh vọng, địa vị. Của những cơn say của tham sân si, hỉ nộ ái ố, phải nhận diện ra sự có mặt của nó trong cuộc đời và phải nhận diện ra sự nguy hại của nó. Phương thức để làm cho hết say là sao? Là chúng ta phải học theo phương pháp của chư Phật bởi Phật là bậc đã hết cơn say. Ngài nhìn thấy cơn say, Ngài nhận diện ra sự say sưa đó, và Ngài dốc toàn lực để tìm hiểu nguyên tố tạo ra say, nguyên nhân gây say. Và khi nguyên tố, nguyên nhân gây say tạo say đó sẽ dắt chúng ta vào đâu? Vào khổ đau và phiền não. Rồi Ngài tìm ra được phương thức để phòng ngừa không say và nếu có say thì hết say để có hạnh phúc và bình an.

Chúng ta lấy nước đổ vào mặt người say cho tỉnh, lấy chanh cho họ uống thì chúng ta cũng phải lấy  nước Từ Bi, thanh tịnh Mu A Mu Sa để đổ vào cuộc đời, bởi vì sao? Phần đông chúng ta say là chúng ta bị cô độc, chúng ta bị cô đơn, chúng ta bị buồn, chúng ta bị bỏ rơi, chúng ta bị  cảm giác trống vắng, chúng ta bị cảm giác tự ti, tự kỷ, mặc cảm, tự ái rồi đâm ra ngạo mạn, tự cao. Những cảm xúc đó phần đông tới để rồi chúng ta lao đầu vào những cơn say của mọi thể loại, để khi say quá trở thành ghiền, ghiền quá nghiện luôn, biến thành ma. Ma men, men rượu, men tình, men tài, men sắc, men quyền lực, tất cả các thể loại men đó đã thấm vào rồi đều thành ma hết. Bởi vậy mới có ma tình, mới có ma men, mới có ma quyền lực. Nguy hiểm! Phải nhận diện ra sự nguy hiểm đó để chúng ta – mỗi người trong cuộc sống này nhớ rằng, ngoài thân ta vẫn còn biết bao nhiêu người liên quan đến cuộc đời của chúng ta.

Cao ở trên – phước báu đầy đủ là ông bà còn sống. Thêm nữa là đấng bậc sinh thành, kề cận là vợ hoặc chồng, con cái, thân bằng, người thân bạn bè. Biết bao nhiêu những con người đó luôn luôn thương chúng ta. Chúng ta không phải mồ côi trống vắng, chúng ta không cô lạnh trong những vùng hoang vắng của tâm thức, không có chỗ về để nương nhờ, vẫn còn biết bao nhiêu con người yêu thương, quan tâm đến chúng ta. Để từ đó nhận diện ra những say sưa kia nguy hại. Nên chúng ta nhớ rằng sự ảnh hưởng của ta đến muôn người liên quan trong gia đình, trong xã hội, trong sinh hoạt, để mọi hành vi, lời nói, tạo tác của ta luôn luôn ảnh hưởng theo chiều hướng tốt đẹp và để làm được điều đó hãy học cách nhìn và cách sống của Đức Phật.

Cách nhìn của Đức Phật là tất cả mọi điều xảy ra trong cuộc đời, chúng ta đừng bỏ qua dù là vui hay buồn, khổ hay hạnh phúc, phiền não hay an lạc, thành công hay thất bại, có hay là mất, khỏe hay là bệnh hoạn, đều phải nhận diện ra nó khi nó tới. Và tìm hiểu nguyên nhân nó trong sự tịch tĩnh của chánh niệm đời sống, và đón nhận năng lượng Từ Bi để chúng ta không bị rơi vào sự khủng hoảng của tinh thần khi những cảm xúc đó dâng trào. Năng lượng Từ Bi, từ trường yêu thương của Phật qua mật chú Mu A Mu Sa và chánh niệm hơi thở giữ cho chúng ta thăng bằng được cuộc sống, giữ cho chúng ta nhận diện được tất cả mọi cảm xúc và giúp cho chúng ta biết làm chủ cảm xúc đó. Từ trường yêu thương của Phật tuyệt vời lắm, không có một năng lượng nào siêu thế bằng năng lượng yêu thương tới từ chính bậc giác ngộ là Đức Phật – các đấng đã hết cơn say.

Ta đang say, ta thật say, ta đã say thì đấng đã hết cơn say kia nhìn thấy đường, năng lượng Từ Bi của các Ngài có sức mạnh để đánh thức chúng ta, để vực chúng ta dậy, để dìu chúng ta đi qua những cơn say của những chất men rượu, của những chất men tình, tiền, tài, danh vọng địa vị. Để lỡ ta đã uống vào một ánh mắt làm say cả cuộc đời, để lỡ ta đã uống vào một cơn nắng làm ta lạc đường lạc lối, để lỡ mà ta đã uống vào tài danh sắc vọng, đã lỡ uống vào men rượu, đã uống vào tất cả những điều gì đó trong sự hỉ nộ, tham sân si. Ta vẫn có thể vượt qua và làm chủ được dù ta đã say. Bởi Đức Phật là đấng đã hết say nên Ngài đã có đủ năng lượng siêu thế, từ tình thương vi diệu trong lòng Từ Bi của Ngài. Chỉ cần trong cơn say bất chợt tỉnh ta đón nhận Phật vào cuộc đời và nói với Phật rằng: “Thưa Phật, con đã say”. Chúng ta phải nhận diện ra được cơn say đó và ta phải nói thẳng với Phật, con đã say, con đã nhận ra, xin cho con những ly nước Từ Bi để uống vào giải cơn say này, để cuộc đời không còn sầu bi nữa; mà cuộc đời của con sẽ trở thành Từ Bi và yêu thương. Làm được không? Được! Bởi ta có bậc Thầy đó chính là Đức Phật, Ngài đã hết cơn say rồi.

Các bạn, các bạn và Bảo Thành có phước báu, sinh ra trong kiếp người lành lặn khỏe, có đầy đủ phương tiện, có đầy đủ những nhân duyên. Ngày nay học được pháp Phật nhiệm mầu, nhận rõ những cơn say như thế, hiểu rõ nguyên nhân và tác hại của những cơn say. Chúng ta nhất định thôi, phải trở về với Phật, đón Phật vào cuộc đời trong tâm tưởng để tư duy, đón nhận năng lượng Từ Bi của Ngài vào cuộc đời. Bởi Ngài là đấng đã hết say để dìu dắt chúng ta, để Ngài thay đổi cuộc đời của chúng ta bằng giáo lý và sự khai thị. Nhưng có thay đổi được hay không, có hết say hay không thì mỗi người chúng ta phải nhận diện ra ta đã say, và phải nhận diện ra sự nguy hại của chúng, và phải quyết tâm đứng dậy phục hồi nhân cách của mình. Phục hồi nhân cách của mình bằng đón Phật và đón nhận giáo lý, giáo pháp của Ngài để chúng ta ứng dụng không còn ngả nghiêng, quay cuồng, say mèm trong tất cả những cảm giác, cảm xúc muôn mặt, đa dạng trong cuộc sống. Bảo Thành đã nhiều lần say, các bạn cũng vậy thôi, trẻ già, lớn bé đều đã từng trải qua những cơn say đó, phải không các bạn?

Đừng có khi nào khích tướng uống mà không say mới là hay. Quyền lực kia đâm đầu vào rồi khó thoát lắm. Bởi vậy biết bao nhiêu con người đã chết trong quyền danh. Đừng coi thường những mối tình vụn vặt, những ánh mắt nai tơ, những giọng nói ngọt lịm, những cái nhìn thoáng qua mà nhận chìm cuộc đời trong những cảm giác vu vơ, để phá tan hạnh phúc nơi gia đình có vợ, có chồng, có con. Đừng nói rằng trẻ mà đắm say đâu, ngay cả những người lớn tuổi rồi vẫn uống nhầm những ánh mắt trong suốt để cả đời 80, 90 vẫn còn say. Đừng nói rằng có kiến thức, có nội lực mà không say đâu, có biết bao nhiêu cơn nắng chợt tới, chợt đi mà nghiêng ngả, liêu xiêu chẳng vững kìa. Có biết bao nhiêu những cơn gió phong tình thoảng tới mà rồi cả cuộc đời trúng gió nằm ngay đơ. Chưa kể tới, ôi cha, quyền danh hư ảo ở đời, tiền bạc, phú quý làm mồi khó tránh xa.

Các bạn, nhân phẩm của con người cao quý vô cùng ở chỗ nhận diện ra  say, biết ta say, nguyên nhân say, và sự nguy hại của chúng. Để quay về con đường của Đức Phật, phục hồi nhân cách sống để chúng ta xứng đáng là trưởng tử của Phật, chúng ta xứng đáng là con Phật, chúng ta xứng đáng là một con người thực sự, thực sự đứng giữa trời đất này thật là tỉnh táo, nhận diện mọi thứ. Để không lâm vào tình cảnh rằng chúng ta bị người ta chỉ trỏ rồi bàn tán. Ôi! nhìn kìa một kẻ say mèm trong cuộc đời.

Cha mẹ đã cho thân xác này, thầy cô, cha mẹ, các bậc Thầy đã giáo dưỡng chúng ta với đức hạnh, nhân phẩm cao quý, đừng đánh mất nó. Hãy sống và đặc biệt hơn hãy sống cho thật đúng bởi ngày hôm nay chúng ta đã có nhân duyên gặp được Phật qua giáo pháp của Ngài. Bởi các bậc tôn túc, Hòa thượng cao quý, giáo thọ sư đã hướng dẫn cho chúng ta. Bởi những người bạn thật gần, thật bình thường, như Bảo Thành hoặc như những người khác đã tiếp cận và để rồi chúng ta nhận diện ra những điều gì đã làm cho chúng ta say mèm.

Hãy trở về với chánh niệm hơi thở bằng Trí Tuệ và Từ Bi để chúng ta chuyển hóa hết mọi cơn say trong cuộc đời. Mời các bạn.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rãi tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh để cho chúng con có Trí Tuệ nhận diện ra những cơn say mà chuyển hóa chúng. Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở rất từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 lần)

Mô Phật! Các bạn ơi, Bảo Thành có một người quen trên 35 năm rồi, gần 40 năm. Thuở đó khi còn gặp anh ta, anh ta đã bước vào con đường say sưa, say như hũ mèm bởi nghiện rượu thời đó. Khoảng chừng gần 40 năm xa cách bởi phải đi xa, khi trở về người đó vẫn say mèm mỗi ngày, say đến mức mà bỏ vợ bỏ con, ai muốn làm gì thì làm. Cuộc đời của anh ta có chén rượu đưa vào say mèm là được, say đến mức không còn uống được nhiều như ngày xưa, chỉ nhấp và ngửi rượu thôi đã ngã lăn quay, say đến mức mà bụng đã phình ra vì xơ gan cổ chướng, say đến mức mà chẳng cần biết gì nữa.

Một lần gặp Bảo Thành, anh ta đi bán vé số, Bảo Thành hỏi bạn à, thuở đó đã say sao giờ vẫn say và bây giờ bán vé số để làm gì?

Rất thật thà, anh ta trả lời: chẳng mong gì chỉ cần kiếm được 10 ngàn, mua một xị rượu uống cho là vui rồi.

Và ngửa tay xin Bảo Thành 10 ngàn (10 ngàn tiền Việt Nam). Nếu chúng ta cho 10 ngàn người đó uống một xị rượu rồi cũng sẽ say, nhưng làm sao đây để cho họ tỉnh được điều đó?

Các bạn, thật là khó xử trong cuộc đời khi gặp những tình cảnh như vậy. Người ta say nói sao cho người ta hiểu? Mấy mươi năm đắm mình trong men rượu chẳng thể thoát. Vợ cũng bỏ, con thì mặc, cuộc đời lênh đênh bồng bềnh trong men rượu, bệnh hoạn tới nơi. Và những người bạn của người đó (thuở xưa) mà say như vậy cũng đã đi rồi, đi vào lòng đất chầu diêm vương rồi; mà mới gặp diêm vương, diêm vương cũng phải té bởi nồng nặc mùi rượu.

Các bạn ơi, ta phải nhận diện ra sự nguy hại của rượu, của chất độc, chất gây nghiện và đặc biệt hơn trong men tham sân si, quyền danh, tình cảm. Nếu như cuộc đời vì một lý do gì đó, một cơn nắng phủ xuống thì cũng nhớ, cảm giác xúc – chạm rồi về, chớ say. Nhỡ vô tình uống vào một ánh mắt, thấm vào những giọt ngọt ngào trên lỗ tai, để ngả nghiêng dù đã có vợ, có chồng, có con, có gia đình. Các bạn nhớ, thoáng qua thôi đừng lao mình đi mãi. Phải nhận diện ra nó bằng một cách tích cực hơn trong cuộc sống. Cũng như biết bao nhiêu những bạn đã bán rẻ linh hồn của mình cho đồng tiền vật chất, quyền danh, ảo vọng. Phải nhận diện ra thật nhanh sự tác hại vô cùng từ đời này qua đời sau, tổn hại phước báu cho ta và tổn hại phước báu của ông cha, và tổn luôn phước báu cho con cái của chúng ta, cho dòng tộc của chúng ta.

“Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, một người say sưa cả dòng tộc sẽ bị tổn hại phước báu. Nhận diện được điều đó, chúng ta hãy phục hồi nhân phẩm bằng phương thức của Phật dạy, sống đời chánh niệm đón nhận năng lượng Từ Bi của Phật, tẩy mọi uế trượt để cho tỉnh. Để chúng ta thực sự không hết nhưng ít nhất noi gương Đức Phật là đấng đã hết cơn say, đã hết say, đã tỉnh. Nương vào lòng Từ Bi của Ngài để có được chút tỉnh thức, nhận diện khổ đau và tai họa của sự say sưa, nghiện ngập. Để chúng ta biết dừng, phục hồi nhân cách, để ảnh hưởng tốt tới những con người đang sống chung quanh chúng ta. Nhất là trong mái ấm của gia đình rất cần sự nhận diện này. Ngừng – chuyển hóa đi để gia đình mãi mãi là mái ấm, gia đình mãi mãi tràn đầy năng lượng của sự tỉnh thức, của tình yêu. Đừng xông vào chiến trận của những bàn nhậu, uống không say mới là hay, đó là những lời xúi giục của ma vương, gây hại cho thân xác, sức khỏe, Trí Tuệ. Lời vào tiếng ra uống mãi sẽ say rồi mất hết nhân cách, say gì cũng nguy hiểm.

Các bạn à, học được lời của Phật là Phật tử tại giai chúng ta nên tư duy, suy nghĩ để kiến tạo một cuộc đời mới mang lại hạnh phúc cho gia đình và có ích cho xã hội trong vòng tròn quan hệ ta đang sống hiện thời.

Các bạn, hãy đặt bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay Từ Bi. Chúng ta vận dụng Trí Tuệ và Từ Bi chiêm nghiệm thẩm thấu, để rồi chúng ta đứng dậy phục hồi cuộc đời của mình. Mời các bạn.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rãi tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và chúng con nguyện Đức Phật Bổn Sư – đấng đã hết say đi vào tâm thức, giúp chúng con tỉnh giác trong chánh niệm hơi thở và sống hạnh phúc an vui nơi tại gia đình. Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa. – 7 biến

Mô Phật! Chúng ta đồng tu xong rồi, mời các bạn chắp tay hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Mu A Mu Sa

Chúng con nguyện xin Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, đấng đã hết cơn say trong sáu nẻo luân hồi và sanh tử tới dạy chúng con đời sống chánh niệm để tỉnh thức, hết say.

Nguyện xin cho các nguyên thủ các quốc gia tỉnh thức không còn say trong quyền lực hão huyền mà ngồi lại với nhau thiết lập chính sách hòa bình cho thế giới. Nguyện cầu cho các nhà khoa học ngành y, ngành dược có đời tỉnh thức chế tạo ra được vắc-xin (vaccine), thuốc trị bệnh đại dịch. Cầu nguyện cho các bác sĩ, y tá, y sỹ, nhân viên cứu trợ quốc tế luôn luôn chữa lành các bệnh nhân. Nguyện cầu cho những ai đang đau khổ, phiền não được tỉnh thức, yêu thương, hết khổ, hết phiền, hết não. Nguyện cầu cho các vong linh tử vong được siêu sanh miền cực lạc.

Xin Chư Phật mười phương Từ Bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn