Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Sư Cô và các bạn đồng tu ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi.
Đã tới giờ ta đồng tu rồi, mới các bạn – chúng ta quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Mu A Mu Sa.
Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.
Mô Phật! Bảo Thành kính chào tất cả các bạn – chúng ta đang đồng tu hôm nay, cũng như các bạn đang ở trên Youtube, Facebook nhìn thấy video này.
Bảo Thành chia sẻ về ý nghĩa đồng tu để chúng ta cùng nhớ rằng cuộc đời rất bận rộn, tuy nhiên nếu hợp duyên chúng ta cùng ngồi lại với nhau ở khung thời gian và không gian phù hợp với hoàn cảnh của mình, để lên mạng Youtube, Facebook, chúng ta tu luyện Thiền Mật song tu – Thất Bảo Huyền Môn. Trong chánh niệm hơi thở, đón nhận năng lượng siêu thế, đại từ đại bi từ mười phương Chư Phật. Để làm mới cuộc đời và thay đổi cách đổi cách sống, để chúng ta có thể giữ được sự thăng bằng trong cuộc sống về vật chất, về tinh thần và tâm linh. Bằng nuôi dưỡng cuộc sống với pháp thiện, tăng trưởng phước báu trong cuộc đời này.
Trong chánh niệm hơi thở đón tha lực Phật điển Từ Bi – Mu A Mu Sa, mỗi người chúng ta trong những giây phút thiền định, hít thở nhịp nhàng sẽ đón nhận được một nguồn năng lượng vi tế tác động vào thân của chúng ta. Mà nơi thân đó, năng lượng này chuyển hóa tự thân, khai mở và kích hoạt những nguồn năng lượng vốn có ở trong thân để cho ta có sức khỏe. Vẫn biết trong nền Phật học, ta luôn được nhắc nhở không chấp vào thân, bởi thân cũng là giả – do nhân duyên giả hợp; mà đất, nước, gió, lửa bốn phần chính tạo nên cơ thể con người được hiện hữu. Nó là giả, giả nhưng thật là phương tiện trong kiếp sống giả của kiếp người. Ta không dính mắc tu luyện để nuôi dưỡng thân này trường thọ mãi mãi nhưng ta phải biết cách chăm sóc, để cho thân giả hợp phương tiện này tồn tại với sức khỏe và an nhiên. Còn nếu như chúng ta không biết chăm sóc nó theo pháp thiện và hơi thở chánh niệm mà cứ nói rằng thân là giả. Khi bị bệnh, khi bị những tình huống xảy ra đối với thân hoặc những va chạm trong tâm thức, ta sẽ khổ đau thật nhiều, lúc đó sao có thể trở về với chân tâm. Chiếc xe đã hư, chiếc thuyền đã mục nát làm sao tới bờ? Bởi vậy, Phật nói khi lên bờ thì bỏ thuyền, khi đã thoát khổ thân xác cũng chẳng mê chấp, mang theo. Nhưng khi còn lênh đênh trên cuộc đời này, thân này vẫn là phương tiện mà mỗi người chúng ta tu tâm, phải luyện thân song hành với nhau, mà tóm gọn là tu luyện thân tâm. Hay nói cho khiêm tốn hơn là tu sửa thân tâm để cho có sức khỏe về thân và sự an lạc về tâm.
Cho nên nhiều khi các bạn hỏi trong Thiền Mật song tu tại sao chú trọng vào hơi thở chánh niệm, đưa sâu xuống dưới vùng đan điền khí hải để kích hoạt các luân xa? Và các bạn cũng hỏi luân xa là gì? Thân giả hợp, luân xa rồi cũng có gì để nuối tiếc? Bởi thân này chết rồi sẽ hết.
Thưa đúng! Nhưng nhớ thân này, khoa học tiến bộ đã chứng minh mà thời xưa hằng bao nhiêu ngàn năm, các bậc tổ cũng chứng minh. Trong thân này, trong thân về cơ thể học có sự vận hành của thân do máu huyết lưu thông và nguồn năng lượng vốn có, tích lũy. Và nghiên cứu ngàn xưa đã chứng minh, trong các vùng huyệt đạo nếu bị bế tắc kinh mạch và huyệt đạo, không có thông, không cân bằng ta bị bệnh.
Bởi vậy, ông bà mình xưa bị bệnh đi tới thầy Đông Y (hồi xưa Tây Y chưa có đã tới Đông Y) hốt thuốc bắc, thuốc nam, châm cứu, giác cảm, cạo gió để cho thông kinh, thông mạch. Thì cổ nhân, những bậc tu hồi xưa, khi sống một mình với hạnh độc giác hoặc với hạnh tự mình tu luyện đã khám phá ra những phương thức tu tâm giải thoát, dựa trên nền tảng vẫn dưỡng thân. Cho nên có hơi thở chánh niệm như Phật dạy mà còn vận dụng vào, ứng dụng vào nguyên lý của cơ thể kinh mạch, cũng cùng một hơi thở chánh niệm mà đưa đưa sâu xuống hơn trong bảy vùng luân xa.
Luân xa là gì? Đơn giản, tại sao có bảy? Bởi y học của vấn đề ngàn xưa đã tìm ra theo Đông y. Con người có 36 huyệt đạo chính, 360 huyệt đạo phụ chạy dọc trong cơ thể, nhiều lắm, nếu chi ly đếm không hết, khó nhớ. Rồi có 12 kinh mạch, rồi lại có đến 02 mạch chính là “Nhâm và Đốc”.
Trong đó có 07 vùng đại huyệt chính, đó chính là 07 luân xa. Dọc theo cột sống giữa Nhâm và Đốc, ai kích hoạt được năng lượng này thì thân khỏe – đơn giản, chấm hết. Thân sẽ khỏe mà các bạn có mong cầu thân được khỏe không? Ai cũng muốn. Đó là niềm hạnh phúc và chúng ta ai cũng mong cầu hạnh phúc tới từ sức khỏe. Cho nên, hoàn toàn không sai, dựa trên sức khỏe của thân, ta huấn luyện tâm của mình, để từ đó tâm không lăng nhăng, va chạm vào bất thiện, tạo ra những tai họa cho cuộc sống.
Vậy nên, Thiền Mật song tu – Thất Bảo Huyền Môn thường nhắc tới hít sâu xuống đan điền khí hải (nhâm đốc) và tác động hơi thở đó vào các luân xa để tạo nguồn năng lượng được kích hoạt luân lưu bởi tha lực Phật điển trợ thân và tu tập.
Chủ đề hôm nay các bạn gửi tới để chúng ta vừa vận hành công phu vừa quán chiếu đó là “Sẽ hết sợ – Sẽ hết mệt mỏi”. Tu đúng, luyện đúng, chúng ta sẽ hết mệt mỏi.
Giờ đây, mời các bạn đặt bàn tay Trí Tuệ – bàn tay phải vào lòng bàn tay trái – bàn tay Từ Bi. Chúng ta vận hành bảy biến vi diệu âm Mu A Mu Sa, quán chiếu thân tâm, các luân xa kích hoạt năng lượng, vận hành trong chánh niệm hơi thở, quán chiếu thân tâm của mình. Mời các bạn.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực để chúng con sẽ hết mọi loại sợ hãi trong chánh niệm hơi thở. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm trì mật chú. Mu A Mu Sa (07 lần)
Mô Phật! Các bạn thân mến, ai trong chúng ta cũng thật nhiều lần cảm thấy mệt mỏi, mệt mỏi từ thân xác đến sự mệt mỏi tận cùng của tinh thần. Đôi khi chỉ có thân xác mệt mỏi, đôi khi tinh thần mệt mỏi mà đôi khi cả tinh thần và thân xác đều mệt mỏi. Nhất định ai cũng phải trải nghiệm qua những điều này. Càng lớn tuổi ta càng có nhiều đợt trải nghiệm qua sự mệt mỏi của thân tâm. Sự mệt mỏi của thân tâm nói chung nó tới đa dạng trong cuộc sống.
Có những con người mơ ước thật nhiều và họ dốc sức vào để thành tựu ước mơ đó, nhưng rồi ước mơ đó không được như ý muốn. Kết quả xấu – họ sẽ rơi vào tình trạng mệt mỏi toàn thân và tâm. Và nếu sự mệt mỏi này không được chuyển hóa, nhất định lâu dần, lặp đi lặp lại, nó sẽ tích tụ trong tâm và trong thân của chúng ta. Tạo thành những cơn mệt mỏi triền miên chợt tới chợt đi, để rồi ta không có năng lực sống một cách linh động, tích cực.
Có những con người làm ăn thất bại, đâm ra mệt mỏi hoặc làm ăn cũng giàu có nhiều tiền lắm nhưng mà lao lực quá sức gây ra mệt mỏi. Có những con người suy nghĩ nhiều, lao tâm khổ trí – mệt mỏi. Có những con người, đặc biệt như Phật tử chúng ta (hàng Phật tử tại gia) cũng như Bảo Thành đây, chúng ta sống cũng đơn giản mà.
Phụ nữ thì mong sao trở thành một người vợ tốt, lấy được một người chồng tin tưởng, yêu thương, chung thủy, thiện lương, biết chăm sóc cho nhau, hy sinh để lo cho con cái, rồi thuận vợ thuận chồng, làm việc. Điều đó là ước mơ bình dị của người phụ nữ chúng ta nhưng rất cao đẹp, bởi những người phụ nữ như vậy chính là những người mẹ mang lại sức sống và sự tươi trẻ cho cả thế giới – ước mơ rất bình thường.
Đối với những người đàn ông cũng là lập gia đình, cũng mong sao có được người vợ hiền, người vợ thuận, chung vai gánh vác mọi sự, chung thủy đi với nhau tới đoạn đường cuối của cuộc đời. Phật tử tại gia là như vậy, rồi trong sự sống hòa hợp như thế ta xây dựng gia đình của mình dựa trên nền tảng của kinh tế. Vợ chồng cùng lao động, cùng làm việc, chăm sóc và nuôi con để thành tựu kiến thức sau này cho tương lai. Một nền kinh tế không phải là giàu nhưng bền vững, một ngôi nhà nhỏ, một sự sinh hoạt ấm êm và một tương lai được đặt để dưới nền tảng vững chãi của sự hiểu biết, chung vai góp sức giữa vợ, chồng. Đó là ước mơ của hàng vạn những Phật tử tại gia, ai cũng vậy. Chúng ta không nói tới những bậc cao cả khác có thể vượt qua những tình cảm vợ chồng, gia đình, để đi tìm một con đường giải thoát khỏi sanh tử, theo như lời Đức Phật cách ái ly thân.
Hôm nay, ta nói đến “Sẽ Hết Mệt Mỏi” trong gia đình của người vợ, của người chồng, khi gặp những trường hợp bất như ý làm cho chúng ta mệt mỏi. Như trường hợp của người vợ, cả cuộc đời khi chia tay với mẹ, cha (tức là cha mẹ ruột của mình) để đi theo một người đàn ông xa lạ xây dựng tình yêu, bỏ nhà, bỏ cửa, đặt để tất cả và trái tim đã dâng hiến trọn vẹn cho người, hi sinh, tần tảo và từ đó cuộc sống của người phụ nữ đó đặt niềm tin vào người chồng. Niềm tin vào sự tin yêu, tin và yêu nhau – tin tuyệt đối để tăng trưởng tình yêu nhưng rồi bất chợt nhìn thấy mây xanh của niềm hy vọng tin yêu hóa ra mây đen che kín phủ trời. Rồi bất chợt nhìn thấy những bông hoa được kết lại bởi những giấc mơ, chợt có cơn mưa đá chợt tới làm tan nát những ước mơ, thất bại toàn diện, mọi mặt sụp đổ, tinh thần suy sụp, sức khỏe cũng yếu. Sự mệt mỏi này ghê gớm vô cùng!
Và người đàn ông cũng có thể ngược lại như vậy đối với người phụ nữ trong tình cảm. Và cũng có thể chiều hướng ảnh hưởng do kinh tế gia đình, do sự dạy dỗ con cái, do những ước mơ chung không thành tựu như ý muốn, rồi do bệnh hoạn, sự thăng trầm lên xuống và những ngoại cảnh bên ngoài cũng như cảnh trong gia đình tương tác với nhau xáo trộn. Thật là nhiều điều chúng ta phải đương đầu và những sự như thế làm cho chúng ta mệt mỏi, ngao ngán, rồi tạo nên nguồn cơn của sự sợ hãi, làm chấn động thân tâm. Và thật là nhiều người nếu không đủ phước báu bị sụp đổ hoàn toàn.
Đối với nhà Phật, tất cả những hiện tượng như vậy xảy ra tạo ra sự mệt mỏi. Từ thân già, thân bệnh, thân yếu, thân đau, từ tình cảm bị thất bại, tài chính lung lay, sự sống không ổn định. Tất cả liên đới tới đời sống của Phật tử tại gia, khi không như ý tạo ra sự mệt mỏi thân tâm. Đó là phước báu hoặc không có phước báu, mà ai cũng vậy dù phước báu nhiều hay phước báu ít cũng phải thật nhiều lần, hoặc một vài lần rơi vào tình trạng mệt mỏi của sự không như ý trong tình cảm, trong tiền tài, kinh tế, nuôi dưỡng con cái, trong cuộc sống tương tác giữa người với người.
Ngồi mà phân tích thì có biết bao nhiêu những mẫu chuyện được chia sẻ về sự mệt mỏi do những nghịch cảnh đó xảy ra. Rồi cũng có, không phải nghịch cảnh mới mệt mỏi, có thuận cảnh như sướng quá rồi xả thân vào ăn chơi đưa đến sự mệt mỏi, lười biếng quá cũng đưa đến sự mệt mỏi, đầy đủ quá cũng đưa đến sự mệt mỏi, dư giả quá cũng mệt mỏi. Sự mệt mỏi nói theo một góc độ chuẩn xác hơn, nó tới từ chỗ chúng ta không sống thực sự, mà bị tất cả những cảnh thăng trầm, được – mất, có – không, khổ và hạnh phúc, phiền não và tự tại, nó lôi kéo, ta không thực sự sống và trụ lại làm chủ được cho nên ta mệt mỏi.
Như con bò, con lừa mệt mỏi là bởi vì người nuôi lừa, nuôi ngựa bắt chúng làm việc tối ngày. Chúng ta đã biến mình thành con lừa, thành con ngựa, kéo đằng sau chiếc xe của tham, sân, si, chở đầy ắp những điều mơ ước của cuộc đời. Để rồi khi không như ý, ta cảm thấy mệt mỏi – kéo quá sức mà, mà để rồi khi như ý thì nặng nề quá, chất chồng biết bao nhiêu thứ, ôm vào, lao tâm khổ trí cả đời. Cuối cùng nằm xuống lỗ sâu, vun đầy thành mộ. Mệt mỏi, khổ, phiền!
Làm sao để hết mệt mỏi nhưng vẫn sống một đời sống hạnh phúc, vẫn đi làm, vẫn va chạm, vẫn gặp những nghịch cảnh, vẫn đương đầu với những sự phản bội, vẫn đương đầu với sự thất bại trong kinh tế, vẫn đương đầu với sự thăng trầm của xã hội, của gia đình, của cảm xúc nhưng không mệt mỏi? Làm sao? Chỉ có người đã chuẩn bị sẵn thì luôn luôn những sự việc xảy ra sẽ không mệt mỏi, mà đầu óc tỉnh táo để đương đầu. Người chuẩn bị sẵn và người luôn sẵn sàng như thế tích lũy đầy đủ phước báu, như dự trữ lương thực đầy đủ, để khi bão lũ, hạn hán, thiên tai, dịch, người ta vẫn còn có đồ dự trữ để sử dụng.
Người khôn ngoan là người luôn luôn sẵn sàng tích trữ kho phước báu đầy đủ bằng phẩm hạnh, thiện pháp chân thành trong cuộc sống. Người sống chân thành với tâm thiện, tích lũy phước báu đầy đủ, dù có gặp phải nghịch cảnh, nghịch cảnh từ cuộc sống vật chất, kinh tế gia đình hay nghịch cảnh trái chiều trong tình cảm, phản bội, lừa lọc, sát hại nhau. Họ vẫn có kho lương thực của phước báu đó trợ lực để có sự bình tĩnh, nhìn rõ sự việc, quán chiếu cho thật tường. Để từ đó tìm thấy một lối đi vẫn an nhiên trong niềm vui của chính cuộc sống của mình.
Phương pháp nào để cho chúng ta để có được phước báu? Phương pháp nào để cho chúng ta có một sự tịch tĩnh? Nói đúng hơn là có Chánh Định, nói gọn hơn có nội lực, có sức mạnh để đương đầu.
Chúng ta phải chuẩn bị về phần thân và tâm. Một người mà bệnh tim thở vào, thở ra không đủ, gặp chuyện gì hồi hộp quá cũng mệt mỏi, sợ hãi. Một người mà cơ thể không khỏe, đương đầu với những trở ngại dễ đâm ra mệt mỏi, sợ hãi. Một người mà tinh thần không khỏe, trong sáng, đương đầu với sự đối nghịch của cuộc đời, trái nghịch theo ý muốn cũng dễ mệt mỏi. Do đó, chúng ta phải rèn luyện thân tâm của chúng ta đồng bộ trong một nhịp, để từ đó chúng ta tăng trưởng sức mạnh hoạt động của cơ thể và sự an lạc, tịch tĩnh để nhìn rõ cuộc đời bằng tinh thần trong sáng.
Có người sinh ra đã có như vậy chính là bởi vì phước báu và sự rèn luyện của kiếp trước, cho nên thiện nghiệp của họ chuyển tiếp trong hệ thống gen di truyền có sức khỏe tốt, tinh thần tốt. Đó cũng là nghiệp chuyển qua hệ thống gen di truyền để họ thừa hưởng phước báu đó. Nhưng phần đông Bảo Thành và các bạn là những người sinh ra phước báu chỉ đủ làm người không toàn diện, do đó Bảo Thành và các bạn phải luôn luôn tự nhắc nhở và nhìn rõ nhận diện ra mình. Để từ đó chúng ta tăng trưởng và thành tựu để sống.
Dựa theo phương pháp của chánh niệm hơi thở, tu quán chiếu thân tâm và đón nhận năng lượng Từ Bi chúng ta sẽ hết mệt mỏi. Bởi vì nhớ rằng cuộc sống của thân này luôn phải dựa vào hơi thở, khi nói đến hơi thở chẳng nói đến tôn giáo, không nói đến tín ngưỡng, không nói đến Tông môn, Pháp môn, chẳng cao – chẳng thấp – chẳng hơn – chẳng thua, mà vừa – cần – có để tồn tại sự sống. Hơi thở rất cần, vừa cần để tồn tại sự sống.
Đức Phật và các bậc Tổ ngàn xưa, trước Đức Phật cũng đã nhận diện ra hơi thở là cao quý rồi. Cho nên ông bà, cha mẹ, những bậc cổ đức, Thánh hiền ngày xưa đã huân tu hơi thở và được đặt tên gọi là phép thở. Chữ “Phép” ở đây có nghĩa là sự mầu nhiệm của hơi thở nếu ta dung thông với hơi thở, và nói lên sự tôn trọng và đề cao hơi thở của cuộc sống nếu biết tu tập.
Có hơi thở của sự mệt mỏi, khi thở ta dồn dập bởi mệt mỏi. Có hơi thở của sự sợ hãi bởi vì sợ hãi ta thở nó có cách của nó, dồn dập ghê gớm dữ lắm. Có hơi thở gian manh, có hơi thở hạnh phúc, có hơi thở đau khổ nhưng đối với Thánh nhân – phép thở của Thánh nhân là phép thở tự tại, cần phải tập, cần phải luyện.
Nói đến tâm tịch tĩnh cũng cần phải tu tập. Nay có có nhân duyên, chúng ta tiếp cận với nền Phật học dựa trên sự khảo cứu của các bậc Tổ, ứng dụng phương pháp của nhân gian và lời khai thị của Đức Phật. Để mang Pháp vô lậu đồng hành với Pháp hữu lậu, để mang Pháp chân đế đồng hành với Pháp tục đế. Để mang Pháp vô vi đồng hành với Pháp hữu vi. Để mang Pháp vô hình đồng hành với Pháp hữu hình. Ngôn ngữ thôi, ngược xui chi cho mệt. Nói gọn hai chữ “Thân và Tâm” để mang tâm pháp và thân pháp của chúng ta, tâm pháp và thân pháp hòa nhập trong hơi thở chánh niệm, đầy đủ oxy, nuôi dưỡng thân tâm, kích hoạt năng lượng, bảo dưỡng sức khỏe, dưỡng thân, dưỡng thần, dưỡng khí, trong một niệm và đón nhận năng lượng Từ Bi.
Các bạn nhớ, thật nhiều những thể loại năng lượng hiện có trong cuộc đời, nhưng không có một nguồn nào màu nhiệm siêu thế như năng lượng của lòng Từ Bi. Năng lượng Từ Bi sẽ chế ngự mọi cơn đau, chuyển hóa mọi phiền muộn, tăng trưởng sức mạnh và nâng cao tinh thần trong sáng để sống tự tại. Không ai dám phủ nhận điều này bởi thiếu năng lượng Từ Bi, nói cho đơn giản theo những người tại gia như Bảo Thành thường nói, đó là năng lượng của tình yêu chân thành, thành kính. Là loại năng lượng siêu thế làm siêu suất tất cả những phiền triệt ở trong người, đưa chúng ta vào trạng thái tự tại, an nhiên. Để mọi sự thành bại trong cuộc đời, được có trong cuộc đời, hạnh phúc, khổ đau trong cuộc đời, tới lui trong cuộc đời, thuận hoặc nghịch, sẽ không làm cho chúng ta mệt mỏi. Bởi chúng ta tịnh dưỡng và an trú ở trong thềm tâm thức đầy đủ dưỡng khí chánh niệm của hơi thở, và đầy đủ năng lượng của tình yêu thương Từ Bi của Phật.
Chúng ta đã luôn sẵn sàng bởi đã chuẩn bị cho cuộc hành trình đi về phía trước để đón nhận tất cả, hợp và không, tới – đi, khổ – hạnh phúc, phiền não – an lạc, được – mất, có – không. Điều gì tới nó tới, điều gì đi thì nó đi, ta đã chuẩn bị sẵn với tâm thái tự tại để đón nhận, sao có thể mệt mỏi.
Như một người chạy marathon (chạy bộ đường dài), người ta chuẩn bị sức khỏe, rèn luyện từ từ, uống nước đầy đủ, cơ bắp có độ nhạy bén và sự đàn hồi cho một đoạn đường dài để chạy. Khi chạy họ chẳng mệt mỏi mà họ tìm được niềm an vui trên đoạn đường chạy đó, bởi vì sao? Họ đã chuẩn bị.
Như một võ sĩ có chuẩn bị lên đấu đài, họ đấu mười hai hiệp liên tục không mệt mỏi bởi có sự chuẩn bị. Như người nhà nông biết tứ thời bát tiết, mùa màng gieo trồng, chuẩn bị hạt giống, vào đúng mùa đi xuống ruộng làm một cách vui vẻ, vừa làm, vừa ca, vừa hát, hưởng ánh mặt trời, đắm mình trong ánh trăng rằm, thật là vui.
Có sự chuẩn bị – ai ai trong chúng ta cũng sẽ tránh được sự mệt mỏi và sẽ hết mệt mỏi thật là nhanh nếu những trường hợp không ngờ xảy ra. Đối với những bạn khi trong cuộc sống có những điều tưởng rằng mình đã đặt để đúng chỗ, đúng chỗ vào nền kinh tế của gia đình, đúng chỗ vào tình yêu của đôi lứa, đối với người trọn vẹn yêu thương, dâng hiến cả cuộc đời cho họ; hoặc đúng chỗ về mối tương tác tình bạn, cuộc sống và xã hội. Ai ai, chúng ta cũng luôn nghĩ rằng chúng ta đã đúng nhưng đâu có ngờ nghiệp báo nhiều đời, hoặc những bất thiện nghiệp ta tạo ra khi nó trổ quá, nó làm cho những ước mơ và niềm tin đặt để đó đổ vỡ toàn diện, một phần hay một chút xíu. Để rồi từ đó ta mệt mỏi toàn phần, ta một mỏi một chút, ta mệt mỏi dai dẳng. Mệt lắm, thật là mệt! Mà ai đã rơi vào tình trạng đó thấy khổ vô cùng. Cho nên chúng ta, nếu như ai đã rơi vào tình trạng đó hoặc ai chưa vào tình trạng đó, chúng ta hãy bắt đầu chuẩn bị để chúng ta sẵn sàng cho những bước kế tiếp, thong dong, tự tại trong miền an lạc để đón nhận tất cả với tâm thái an vui, bằng hơi thở chánh niệm tràn đầy năng lượng Từ Bi, tha lực Phật điển trong thân tâm của chúng ta.
Mỗi phút giây dù ngồi tĩnh tọa như Bảo Thành hiện tại – hít thở chánh niệm, hay nơi công xưởng, nơi đồng ruộng, nơi xã hội, văn phòng hay đang nấu bếp, hay chăm sóc cho con cái hoặc đưa con tới trường, hay ở nhà hoặc chúng ta thư giãn, bất cứ chỗ nào, khung thời gian nào và không gian nào, sự việc gì, như thế nào, ta cũng luôn luôn chánh niệm. Không nhất thiết phải ngồi hít thở và cứ Mu A Mu Sa, nhưng khi chúng ta có thời gian ngồi hít thở Mu A Mu Sa có nghĩa là ta đã tưới nước vào cây, không phải cứ đổ nước hoài, đổ vừa chừng nước đó, rồi cây hấp thụ nước đủ sống, cho tới lần thứ hai ta tưới nước thêm.
Mỗi một lần ngồi xuống tĩnh tọa như vậy là ta tưới tẩm vào thân tâm của ta, nguồn nước của năng lượng tha lực Phật điển yêu thương, và chánh khí trong chánh niệm đầy đủ dưỡng khí oxy, được kích hoạt các luân xa, các huyệt đạo, nhâm đốc, nhâm mạch, đan điền khí hải, để đưa lên bách hội, người khỏe toàn diện. Như một dũng sĩ đã có sự chuẩn bị sẵn sàng để ra chiến trường, không phải để chiến tranh mà sẵn sàng đương đầu với những người đối nghịch với mình, để đàm thảo, để nói chuyện, xây dựng một nền hòa bình.
Chúng ta phải bắt đầu sự chuẩn bị để sẵn sàng đương đầu trong chánh khí, trong chánh niệm, trong chánh tâm, chánh tư duy. Để có được những cuộc đàm thoại theo chánh kiến, để dàn xếp tất cả những sự việc đã – đang và sẽ xảy ra trong cuộc đời. Như vậy chúng ta là sứ giả của hòa bình. Chúng ta thật sự là sứ giả của hòa bình trong chánh niệm hơi thở Từ Bi – Mu A Mu Sa và chúng ta sẽ hết mệt mỏi và sợ hãi.
Các bạn đặt bàn tay phải – Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái – Từ Bi, vận hành bảy biến để hết mệt mỏi và sợ hãi. Mời các bạn.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực khai mở Trí Tuệ cho chúng con sống trong chánh niệm hơi thở chuyển hóa hết mọi sự sợ hãi và mệt mỏi. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm trì mật chú Mu A Mu Sa (07 lần)
Các bạn thân mến, nếu các bạn đang hoặc đã bị rơi vào sự mệt mỏi toàn diện của thân tâm, sợ hãi khôn cùng, bởi những nghịch cảnh dồn dập đang tới trong một khoảnh khắc quá nhanh. Trái tim cảm thấy như trống vắng, cô đơn, con người cảm thấy như cô quạnh, xa vắng, những người thân hình như chẳng thể giúp đỡ, người tin cậy nhất hình như đã xa khỏi tầm tay bởi niềm tin đó bị đổ vỡ; hoặc những hiện tượng trong cuộc đời chẳng thể tìm lại được nữa.
Các bạn, Đức Phật tới – Ngài là người cha, Ngài là người mẹ, không ai cao quý hơn chính người mẹ, người cha của chúng ta. Bởi các đấng đó đã đưa chúng ta vào đời và không có ai là đối tượng để ta yêu thương hơn qua tình yêu thương mà họ hiện diện trong cuộc đời như con cái của chúng ta. Ta có thể mất tất cả nhưng không thể rời xa tình yêu, lòng Từ Bi của đấng bậc sinh thành và của những người ta sinh thành nên họ.
Đức Phật đã tới khai thị, chúng ta gắn kết giữa ba, bốn đời trong tình yêu thương một cách chân thành không dính mắc, bao dung rộng lớn như biển trời. Với tâm như thế chúng ta sẽ hanh thông và tự tại, hết mệt mỏi và sợ hãi. Nhưng nếu các bạn chưa có một sự chuẩn bị, đang ở trong tình cảnh như thế, chỉ cần tâm của các bạn tịnh. Tâm tịnh thì nước Từ Bi, hương Từ Bi sẽ tới với cuộc đời, ta sẽ nhẹ nhàng, thoáng mát. Làm sao để tâm tịnh được? Hãy nghe theo Đức Phật, chúng ta hãy bắt đầu thở nhịp nhàng bằng một hơi thở thật là dài, đi sâu xuống dưới bụng, cho sâu xuống tận dưới nơi cái bụng chất chứa biết bao nhiêu chướng ngại, dang dở, đổ vỡ, lầm chấp, đau khổ, thất bại. Tất cả những năng lượng bất tịnh dồn nén ở trong bụng của chúng ta, thì nay mang hơi thở sâu xuống luân xa số 01 (đằng trước xương cùng) của chúng ta. Vận hành tới đan điền khí hải – nhâm đốc, để từ đó mượn năng lượng của cơ thể, dõng mãnh đứng dậy, đẩy lùi những năng lượng tiêu cực, tồn đọng do chướng ngại của cuộc đời xảy ra quá bất chợt.
Với hơi thở như vậy, chắc chắn các bạn đang rơi vào tình cảnh lưỡng nan khó xử, tâm thần rối loạn, thân xác mệt mỏi, trí tuệ lu mờ, sẽ bừng tỉnh, sẽ có sức sống trở lại, chỉ bằng một hơi thở sâu như thế, trụ vào trong chánh niệm và mở lòng ra nói với Phật rằng: “Phật ơi! Phật là cha, Phật là mẹ, con đây rất cần năng lượng Từ Bi của Ngài – năng lượng Mu A Mu Sa’’. Mở lòng thật rộng, chánh niệm hơi thở, đón nhận từ trường yêu thương của Phật vào, thì sa mạc cuộc đời đang cháy hừng hực bởi những điều bất như ý, đang sụp đổ toàn diện bởi những sự trái ngược, trái ngang trong cuộc đời sẽ được tái tạo trở lại và xây dựng trên nền tảng của chánh niệm hơi thở và năng lượng Từ Bi. Ta sẽ cùng nhau làm lại cuộc đời của chính mình, có Phật và ta đã về với Phật trong hơi thở chánh niệm đó, tình yêu thương của Chư Phật mười phương lan tỏa khắp châu thân. Những vết rạn nứt trong trái tim, những sự rỉ máu trong con tim, đau đớn, quằn quại trong tâm thức sẽ được lành.
Đời là một chuỗi ngày trong sự thăng trầm bởi ta chưa chuẩn bị nhưng từ nay nghe theo lời này, Đức Phật đã tới trong cuộc đời. Hãy đứng dậy sẵn sàng và chuẩn bị cho mình một đoạn đường mới về phía trước với những hành trang đầy đủ, trong niềm tin yêu đích thực vào Chánh Pháp của Như Lai, dựa trên nền tảng của chánh niệm hơi thở và dung dưỡng cuộc đời bằng từ trường yêu thương. Dù bất cứ chuyện gì xảy ra ngày mai xảy ra như thế nào, thì phước báu của ta vẫn sẽ luôn đầy đủ để chuyển hóa tất cả mọi sự mệt mỏi và sợ hãi. Để từng bước chân bên cạnh ta là những người yêu thương, như đấng bậc sinh thành – cha mẹ, con cái hoặc bạn bè, tri kỷ, cùng đồng hành với ta lan tỏa niềm hạnh phúc và sự kiêu hãnh là người con Phật đã thực hành đúng điều Đức Phật dạy, để có một đời sống an thái, thong dong trong cảnh đời trái ngang.
Các bạn chúng ta đặt bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay Từ Bi. Vận hành bảy biến nữa.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực khai mở Trí Tuệ để chúng con chánh niệm hơi thở đón nhận năng lượng Từ Bi của Phật mà chuyển hóa tất cả mọi sự mệt mỏi và sợ hãi đang xảy ra trong cuộc đời. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm trì mật chú, Mu A Mu Sa (07 lần)
Mô Phật! Chúng ta đã đồng tu xong, mời các bạn chúng ta chắp tay vào hồi hướng công đức.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
Chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu hôm nay tới tất cả những người dân miền Trung đang lâm vào cảnh lũ lụt. Và hồi hướng cho tất cả các bạn cũng như thầy Bảo Tịnh Đức, phái đoàn từ thiện Xá Lợi Charity – Thất Bảo Huyền Môn đang hướng về miền Trung. Nguyện cầu cho mọi người thượng lộ bình an, san sẻ yêu thương, tràn đầy niềm vui. Chúng con cũng hồi hướng cho tất cả các Phật tử, những người thân của chúng con đang rơi vào tình trạng sợ hãi, mệt mỏi, bởi lòng bội tín của những người thân cận. Xin nguyện chúc cho tất cả tìm lại niềm tin, trở về sống đúng với bổn tâm của mình, tái tạo xây dựng lại cuộc đời trong chánh niệm. Hồi hướng cho tất cả các nguyên thủ trên thế giới biết ngồi lại bỏ qua cái tôi, thành lập được chính sách hòa bình cho thế giới. Hồi hướng cho các nhà khoa học gia, ngành y, ngành dược chế tạo ra được vắc xin (vaccine), thuốc trị bệnh đại dịch. Hồi hướng cho bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ, cứu tế mở rộng lòng bao dung chữa lành bệnh nhân. Hồi hướng cho tất cả những người đau khổ được tìm lại hạnh phúc. Hồi hướng cho các vong linh tử vong được tái sanh miền cực lạc.
Xin Chư Phật mười phương Từ Bi chứng minh.