Search

Bài 1221: Thân Tâm An Lạc – Thất Bảo#1 – Mu A Mu Sa

Hữu Lợi đánh máy, Bảo Minh biên tập

Mô Phật!

Bảo Thành kính chào quý Sư Cô và các bạn đồng tu ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook chùa Xá Lợi livestream. 

Đã tới giờ đồng tu mời các bạn quy ngưỡng thân tâm về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa!

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. 

Chúng con cũng đồng nguyện xin Chư  Phật mười phương, mẹ Quan Thế Âm gia trì và thương đến người dân miền Trung của chúng con đang trong cảnh bão tố, thiên tai lũ lụt. Xin mọi người rải rộng lòng từ tâm giúp đỡ người dân và bà con ruột  thịt miền Trung của chúng ta.

Bảo Thành kính chào các bạn! 

Bất cứ một việc gì ở trên đời dù việc đó liên quan tới vật chất hay liên quan tới tinh thần hoặc đời sống tâm linh, chúng ta cũng gần phải có sự suy nghĩ và lên chương trình hoạt động cho phù hợp mới ngõ hầu đưa đến sự thành công. Còn theo như nhà Phật gọi là giãi đãi, nói chung đơn giản hơn là lười biếng. Chúng ta không có một sự chuyên cần tinh tấn mà lười biếng thì không có việc gì ở trên đời này có thể đưa tới sự thành công.

Sự thành công tới có hai yếu tố, một là tự lực tinh tấn, học hỏi, nghiên cứu siêng năng, hai là có bậc thầy hướng dẫn cho chúng ta. Bởi vì điều đó nên từ thuở nhỏ cha mẹ đã luôn luôn sách tấn chúng ta, khuyên bảo chúng ta và tạo mọi điều kiện cho chúng ta tới trường để học và luôn luôn tìm những bậc thầy, những bậc giáo sư có trình độ để chúng ta được học hỏi và kế thừa những kiến thức tốt đẹp cho cuộc đời. Từ chỗ này suy ra Phật học và sự công phu đồng tu của chúng ta cũng là một sự lựa chọn tự thân mỗi người cố gắng tinh tấn dưới sự hướng dẫn đồng tu của nhau, để chúng ta thành tựu được pháp Phật nhiệm màu trong cuộc đời bận rộn hiện tại.

Bảo Thành lúc nào cũng sách tấn và tán thán công hạnh của các bạn có nhân duyên phù hợp, cùng đồng tu với Bảo Thành trong những ngày tháng qua.

Các bạn, trong thiền mật song tu Thất Bảo Huyền Môn, Bảo Thành cứ nhắc lại nhiều lần để chúng ta đều có một sự hiểu biết thật là thoáng. Tất cả các pháp của nhà Phật dạy đều là pháp phương tiện. Pháp phương tiện của Phật dạy thật là nhiều, nhưng rồi khế hợp với nhân duyên của từng con người, các bậc Tổ khế hợp với nhiều phương pháp ứng dụng để trợ lực cho thân tâm của chúng ta đồng bộ trên con đường tu, từ đó có thật nhiều tông phái và phương pháp, phương tiện khác biệt nhau. Khi gọi là pháp phương tiện thì tùy theo nhân duyên phù hợp của mỗi người mà khi chúng ta thực tập pháp môn đó sẽ thấy được hiệu quả, kết quả và rồi chúng ta thấy hạnh phúc, sung sướng tiếp tục trên con đường tu tập. 

Chính Đức Phật cũng đã từng dạy, Đức Phật tuy là bậc đại giác đại ngộ cũng không thể độ người không có duyên. Từ đó pháp phương tiện cũng không thể ứng dụng cho những người không có duyên phù hợp. Nói như vậy có nghĩa là mỗi một con người chúng ta đều khác biệt và có nhân duyên học các pháp phương tiện khác nhau. Hiểu thấu được điều đó ta sẽ tránh được sự lầm chấp, chấp pháp để tâm luôn khởi lên sự hoan hỷ và tùy duyên với căn duyên của ta và của người. Và mục đích cuối cùng, tất cả các phương tiện tùy duyên đó đều đạt tới sự hạnh phúc, bình an cho riêng mỗi người để lan tỏa trong cuộc sống, hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh. 

Thiền mật Thất Bảo Huyền Môn là một pháp phương tiện dùng chánh niệm hơi thở an trú tánh thấy biết vào trong đó để quán chiếu thân và tâm của chúng ta. Trong từ trường năng lượng tha lực Phật điển từ bi, thiền năng lượng từ bi như thế an trú trong chánh niệm hơi thở để chúng ta biết đặt tâm vào trong chánh niệm hơi thở, biết chú tâm vào trong từ trường yêu thương của Phật. Để cuộc đời thân và tâm ta tràn đầy năng lượng yêu thương trong sự chánh niệm hơi thở, nhìn và thấy rõ được mọi sự hoạt động của thân và tâm. Vẫn dựa trên nền tảng thật vững chãi của nhà Phật dạy theo giáo lý là chúng ta phải luôn luôn nương vào hùng lực của ba ngôi Tam Bảo: Phật-Pháp-Tăng. Chúng ta phải giữ giới, chúng ta phải có tín tâm phát nguyện và chúng ta phải có chánh định trong hơi thở chánh niệm để khai mở trí huệ. Gọi tóm tắt trong sáu chữ: Tín-Nguyện-Hạnh, Giới-Định-Huệ, đây là những cái mà chúng ta phải hiểu thấu để từng bước chúng ta đi trong cách sự thực hành chánh niệm hơi thở vi diện âm mật chú Mu A Mu Sa, trong thiền mật song tu để chúng nương vào năng lượng từ bi của Phật mà mỗi một ngày trôi qua trong từng giây phút của cuộc đời ta có sự trải nghiệm thực sự sống với chính mình, để hiểu thấu cuộc đời ta đang hiện trong kiếp này. 

Bây giờ đã đến giờ và hôm nay đề mục các bạn gửi về đó là “Thân Tâm An Lạc”. Với đề mục như vậy, mời các bạn đặt bàn tay trí tuệ bàn tay phải tượng trưng cho trí tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho từ bi. Chúng ta lấy trí tuệ và từ bi để vận hành thân tâm an trú trong chánh niệm hơi thở để có được thân tâm an lạc. Mời các bạn.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Và gia trì Phật lực khai mở trí tuệ để thân tâm của chúng con luôn an lạc mỗi ngày. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm. trì mật chú Mu A Mu Sa. – 7 biến

Mô Phật!

Các bạn thân mến! Chúng ta thường chúc cho nhau thân tâm thường an lạc mỗi ngày và những dịp lễ lớn, tết hoặc những dịp gặp gỡ nhau. Bốn chữ “Thân Tâm An Lạc” như một đề mục phát nguyện chúng ta đồng hướng về và chúc cho nhau được sự an lạc thân tâm. Là con người hay chúng sanh nào cũng vậy, chúng ta luôn luôn mong cầu thân tâm đều an lạc. Trong giáo lý của Đức Phật, để thân tâm an lạc không phải là sự cầu nguyện, hồi hướng mà ngay chữ thân tâm được an lạc này dựa trên nền tảng giáo dưỡng của Phật. Mỗi con người chúng ta đều phải có sự công phu mới đạt được sự an lạc của thân tâm, không thể cứ ngồi đó mà cầu trời mưa, trời gió, hô phong hoán vũ cho thân tâm an lạc, chuyện đó không có. Bởi trong sự hình thành của con người có cả hai phần thân và tâm, thân tâm không thể rời xa nó là một như âm dương. 

Trong kinh Ngũ Uẩn Vô Ngã Tướng, Đức Phật dạy con người có hai phần: thân và tâm. Thân là thuộc về phần sắc, sắc thân của tứ đại, đất-nước-gió-lửa. Trong đó có những căn của chúng ta, lục căn của chúng ta đó thuộc về sắc tướng là thân. Tâm của chúng ta nó không thuộc về phần sắc, nó thuộc về phần danh. Danh, cái danh của cái tâm này nó ảnh hưởng của thân,sắc tướng do những cảm xúc từ những căn của chúng ta mà đi qua ngũ uẩn Thọ, Tưởng, Hành, Thức để nó làm cho tâm của chúng ta thể hiện hạnh phúc, bình an, an lạc hay đau khổ. Do đó giữa thân và tâm là một sự gắn kết chặt chẽ, mà thông thường người ta nói không thể có một tinh thần trong sáng trong một thân xác bệnh hoạn, tiều tụy và yếu đuối, đó là cách nói bình thường. Còn cách nói trong nhà Phật, thân tâm là tu luyện thân tâm để thân được nhẹ nhàng thơi thới, tâm được giải thoát an yên. Muốn có điều đó người học Phật tại nhà của chúng ta phải luôn luôn tu tập cả thân lẫn tâm. Có những người chú trọng về tâm để rồi sống một cuộc đời khổ hạnh làm cho thân bị bệnh, cuối cùng tu không được. Đó cũng là một sự trải nghiệm của Đức Bổn Sư Thích Ca sau nhiều năm khổ hạnh thấy không phải là con đường trở về Trung Đạo. Có nghĩa là vừa giữ thân để nó khỏe và tu tâm trong thân đó. 

Chúng ta ngày nay khi nói đến thân tâm an lạc là một sự sách tấn nhau, chúng ta hãy cùng tu. Tu các thân, tu tâm cùng một nhịp để cho thân tâm luôn an lạc trong sự tự tại hiểu thấu. Các bạn đều biết thân của chúng ta là thân tứ đại và lệ thuộc vào sinh-lão-bệnh-tử, nó có hai phần, phần tương tác với môi trường sống ở bên ngoài tạo cho thân khỏe hoặc thân bệnh. Khi các bạn tới một môi trường nó trong sạch không có rác rưởi, không khí trong lành không ô nhiễm, môi trường ở nơi đó tinh khiết, thiên nhiên tự tại, thân của ta ảnh hưởng sức khỏe. Và một môi trường yên tĩnh thì tâm sẽ yên, môi trường ồn ào, ô nhiễm thân bị bệnh mà tâm bị nhiễu loạn. 

Một phần nữa là thân sẽ bị bệnh do vấn đề mang vào cơ thể để nuôi thân như ăn uống. Chúng ta ăn không đúng, ăn không đúng thời, ăn không đúng những thứ vật thực đưa vào cơ thể, nó hại và uống cũng như thế. 

Từ cổ kim đến giờ các bậc cổ đức thường dạy chúng  ta cách ăn uống để làm sao đó thanh lọc cơ thể và giúp cho cơ thể của chúng ta hài hòa, tự tại cùng trọng lượng môi trường sống. Đây, thân ảnh hưởng từ môi trường và những thứ mang vào. Và những thứ này với trí tuệ của con người hiểu được, ta quyết định được, ta chọn một môi trường tốt để sống cho thân được khỏe, ta chọn những thứ ăn uống vào và sự sinh hoạt ăn uống phù hợp với cơ thể để cơ thể khỏe. Phần này ai cũng có thể học hỏi được và làm được. Nhưng về phần tâm nó ảnh hưởng của thân sống trong xã hội bừa bộn, xã hội bận rộn, xã hội mà ngày nay thay đổi quá nhanh chúng ta chạy không kịp. Và tâm của chúng ta thường không an lạc bởi vì bị chia phối bởi môi trường sống. Đặt tâm trong môi trường sống bận rộn, đặt tâm trong đời sống quá khắc nghiệt, trong một cuộc sống mà chúng ta phải chạy đua rượt đuổi, mệt mỏi. Bởi vậy có thật nhiều lúc các bạn và Bảo Thành thường nói: “Hôm nay quả thật là mệt, mệt đến mức rã rời.” Thân ta mệt, có trường hợp môi trường sống như đã nói, ăn uống hoặc là theo sự sinh-lão-bệnh-tử. Nếu có thân bệnh, bị bệnh ta phải đi khám bệnh để trị bệnh. Nếu có thân mệt vì môi trường sống có ồn ào, tranh đua, bon chen ta phải tìm một môi trường sống an lành hơn. Nếu có thân mệt là bởi vì sự ăn uống không đúng phép ta phải nghỉ, ta phải ngừng, tìm những phương thức ăn uống cho phù hợp. Như người uống rượu, uống bia nhiều ngày qua tháng lại thân xác rã rời chẳng còn tinh thần tuệ mẫn để làm việc, điều đó ai cũng hiểu, ta phải ngừng. Cho nên về thân mà mệt rã rời như thế ta phải điều chỉnh lại môi trường sống, thức ăn uống và tập thể dục, thể thao, các môn để giữ cho thân được khỏe và nếu bệnh phải cần sự trợ lực của bác sĩ, y học, Tây y, cũng như Đông Y, cộng với cách sống tích cực ta sẽ có một thân lành lặn. Phối hợp với điều đó tâm của chúng ta trong sáng an yên, tự tại thì sẽ hỗ trợ cho thân có được sức khỏe tốt đẹp. Tâm của chúng ta đặt trong môi trường khói lửa thì tâm bị hun khói, hun lửa lúc nào cũng sân giận, đen tối vô minh. Tâm đặt trong sự an lạc thì tâm luôn luôn thư thái thong dong. Bởi vậy ta phải đặt tâm ở đâu? Chúng ta không nói viễn vông theo những triết lý cao siêu, tâm ở đâu, ai thấy? Ta không thấy được tâm, nhưng tâm được thể hiện qua những cảm xúc của ngũ uẩn Thọ – Tưởng – Hành – Thức, ta cảm thọ hàng ngày, ta thấy, ta nhìn, ta suy nghĩ, ta va chạm. Qua những dấu hiệu đó, ta cảm nhận được tâm của ta an lạc, đau khổ, phiền não hay bệnh hoạn. Ta không nhìn thấy dòng điện chạy nhưng khi bật công tắc đèn nó sáng ta thấy được dòng điện, tâm như dòng điện vô hình, vô tướng, vô ngã tướng. Nhưng được nhìn thấy và nhận ra tâm bởi thân ngũ uẩn của chúng ta. Trong ngũ uẩn giai không thì thân tâm an lạc. Làm sao được điều đó? Theo như vừa nói, chúng ta phải học cách ăn, cách uống, cách vận động thân thể, thể dục thể thao và môi trường sống quan trọng lựa chọn phù hợp trong tương tác để chúng ta luôn luôn đưa vào con người của chúng ta qua cơ thể vật lý những món ăn, thức uống phù hợp với cơ thể, môi trường mà hít thở trong lành và môi trường tiếp xúc với những cảnh, và những con người tạo cho chúng ta sự thư thái. Chính vì môi trường tiếp xúc cũng rất quan trọng bởi chúng ta phải va chạm hằng ngày mà Phật đã nói: “Hãy tiếp cận và gần gũi những bậc thiện tri thức”. Chính điều đó đưa tới sự lựa chọn rằng, chúng ta hãy tránh xa những con người gây phiền não, gây đau khổ, gây rắc rối. Nếu không đủ tâm lực, trí lực và đạo lực để chuyển hóa họ, chúng ta phải giữ một khoảng cách an toàn cho tâm được bình thường, an yên. Đồng thời ta phải đưa tâm an trú vào đúng phương pháp Đức Phật dạy thì ở giữa chợ đời mênh mông vô tận, xáo trộn, lừa gạt, tranh chấp, ghen ghét, hơn thua ta vẫn. Tâm phải trụ, trụ vào đâu và thứ đó ở đâu cũng có, ở đâu cũng hiện diện được thì trong mọi môi trường của cuộc sống tâm ta trụ vào thứ đó nó vẫn an lành. 

Đức Phật dạy trong các pháp thở của thiền dù gọi dưới bất cứ một cái danh nào thì thiền cũng luôn chú trọng đến thiền quán hơi thở, thiền định, thiền chỉ. Chúng ta tu thiền mật song tu tức là thiền quán thân, thọ, niệm xứ qua hơi thở chánh niệm và tạo ra tác động vào các luân xa, huyết mạch cảm ứng được với năng lượng tự thể của thân và gắn kết với tha lực Phật điển từ bi.

Các bạn, khi các bạn an trú vào hơi thở chánh niệm như thế tâm ta được an và nhớ thêm rằng trong sự an trú này đặc biệt vô cùng, bởi chúng ta an trú trong chánh niệm hơi thở mà chúng ta còn dung thông với từ trường năng lượng từ bi yêu thương. Nhớ rằng, năng lượng từ bi có sức mạnh siêu thế, cảm hóa mọi phiền não, chuyển hóa mọi đau khổ và làm cho chúng ta thăng bằng được đời sống của tâm và thân. Bởi vì nó không phải chỉ là dạng năng lượng để tưởng tượng mà năng lượng tác động vào thân. Chúng ta được đón nhận năng lượng từ bi của Phật qua tha lực Phật điển từ trường yêu thương đó tác động vào qua mật chú Mu A Mu Sa. 

Các bạn hỏi Mu A Mu Sa là gì? Đây là mật ngôn, nó có nghĩa là chúng ta phát lời nguyện. Đây là một lời nguyện viết theo ngôn ngữ xưa, theo âm từ Mu A Mu Sa. Có nghĩa là chúng ta nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển xuống cho chúng ta. Như đất cần có nước, ta miền đất tâm khô cằn, nghiệp chướng hứng nước mưa ân điển từ bi của Phật để làm cho nó được đầy ắp nước, tốt tươi, để cho tất cả những cây tâm thiện lành của chúng ta có cơ hội trổ bông kết trái. Bởi vậy trong thiền mật song tu Thất Bảo Huyền Môn là một pháp phương vừa giúp cho thân khỏe, vì sao? Bởi trong hơi thở thật là sâu, điều này Bảo Thành nhắc quá nhiều, tức là hơi thở thật là sâu của chúng ta đi vào xuống tận luân sa. Có nhiều bậc thầy hoặc có nhiều đấng tôn túc, tôn quý ít có khi nào đồng hành với phương thức này. Nhưng nhớ rằng chúng ta tu Phật là tu cả thân tâm, dĩ nhiên ngoài những phương pháp thể dục, thể thao được lồng vào trong sự tôn giáo mà ta theo qua vấn đề bái sám Ngũ Bách Danh hoặc là quỳ lạy. Hoạt động như vậy trong cơ thể đó cũng là một hình thức thể dục thể thao đưa vào trong các nghi thức của tôn giáo. 

Các môn thể dục thể thao, võ thuật ngày xưa có tất cả mọi động tác để dưỡng thần, dưỡng khí và dưỡng thân. Đó là phương tiện giúp cho sức khỏe thì Phật giáo cũng không thể tách rời khỏi thân khỏe mạnh đó bằng những hình thức như vậy. Nhưng cộng hưởng với sự bảo vệ sức khỏe của thân, ta mang tinh thần của nhà Phật đưa vào phương tiện vốn có của nhân loại từ ngàn năm xưa. Trước khi Đức Phật giác ngộ thì những phương pháp mà giúp thân khỏe mạnh đã tồn tại, chúng ta không thể phủ định gạt bỏ những điều đó ra. Bởi đó là một môn học đúc kết trải qua hàng biết bao ngàn thế hệ của ông cha, cửu huyền thất tổ đưa lại kinh nghiệm quý giá để chúng ta tập luyện cho sức khỏe mạnh, để đương đầu với sơn lam chướng khí trời đất. Mà khi trí tuệ của con người chưa phát triển đến mức có ngành y học hiện đại như ngày hôm nay để giúp chúng ta trị bệnh. Nên các phương pháp tu tập vẫn là phương pháp hài hòa giữa thân với thiên nhiên để có sức khỏe. 

Trong thiền mật Song Tu Thất Bảo Huyền Môn, các bậc Tổ đã mượn hơi thở chánh niệm như một hơi thở khí công thuần khiết đi sâu xuống đan điền khí hải ở bụng dưới tác động vào luân sa, vùng huyệt đạo số một chạy dọc lên đảnh đầu, để tương tác với năng lượng tự thể trong 360 huyệt đạo, 12 kinh mạch của chúng ta. Và giữa kinh nhâm và đốc âm dương đó để trợ thân cho khỏe. Điều này không phải vì nó là đời mà ta khước từ, bởi vì bạn là đạo hay là đời, là bậc Hòa Thượng đáng tôn kính đức hạnh, hay là một chú tiểu bình thường, hay là một người Phật tử tại gia, ai trong chúng ta cũng phải biết bảo trọng sức khỏe của mình. 

Và ngày nay, ngay nay các bác sĩ, nhà khoa học gia và những người mà có học hoặc những bậc tôn túc hiểu thấu luôn khuyên chúng ta phải có một sự hoạt động chăm sóc cho sức khỏe như về ăn uống, về thể dục, về tập luyện, điều đó rất tốt. 

Các bậc thầy ngày xưa mang hai phối hợp thành một, hai trong một, ba trong một, vừa tốt cho thân, vừa tốt cho tâm, vừa tốt cho đời sống tâm linh qua thiền mật song tu Thất Bảo Huyền Môn để thân tâm thường an lạc. Bởi trong sự hơi thở chánh niệm với luân sa, kinh mạch tác động vào thân, thân ta khỏe, như một người luyện khí công tịch tĩnh trong chánh niệm hơi thở để dung thông với năng lượng từ bi của Phật. Để cả cuộc đời của chúng ta chẳng chú trọng đến sức khỏe của thân để trường thọ nhưng dưỡng thân khỏe để nuôi thân bằng năng lượng từ bi, để thẩm nhập vào tri kiến của Phật qua chánh niệm hơi thở, tịch tĩnh ngay chỗ đó để an thân. Bởi thân được dưỡng bằng khí, để an tâm bởi tâm trú vào trong chánh niệm và trú vào trong từ trường yêu thương của Phật. 

Nhớ rằng tất cả các thể loại năng lượng chỉ có năng lượng tình yêu, từ bi là năng lực cao quý xoa diệu tất cả mọi phiền não và đau khổ, điều này không ai có thể chối cãi nữa. Ngoài ra là bởi vì chúng ta có sự tranh chấp, so kè cho nên vẫn luôn luôn phủ nhận những phương thức tu tập tốt cho sức khỏe, an lạc cho tâm khi nó không đồng bộ hoặc không đồng nhịp hoặc chẳng giống với pháp môn chúng ta tu. Chuyện xảy ra như vậy nó từ ngàn năm xưa rồi, trước Đức Phật đã có, thời Đức Phật đã có và mãi mãi luôn luôn có những con người luôn khước từ sự lợi lạc của những phương thức khác biệt đối với mình. Bởi vì luôn luôn nghĩ rằng kiến thức  của mình bao trùm sum la vạn tượng tận hư không pháp giới.

Nói về phương diện khiêm tốn hơn thì nhân duyên ai phù hợp, chúng ta thực tập. Mà người đã phù hợp khi thực tập thiền mật song tu Thất Bảo Huyện Môn luôn có sự thân tâm an lạc, tịch tĩnh, chuyển hóa một cách từ từ mà mỗi người đều nhận rõ. Bởi trong hơi thở sâu mang oxy và năng lượng kích hoạt tự thể ở châu thân do các luân sa huyệt đạo giúp cho thân của chúng ta thấy được một luồng điện nó chạy ở trong thân như một nhà khí công vận khí. Thay vì quỳ lạy, ngũ bách danh, vận vật tất cả phương pháp đều là tốt. Nhưng trong sự tịch tĩnh ngồi thiền như vậy cũng rất tốt cho các bạn, nó giúp cho thân cường tráng, khỏe mạnh, trị bệnh. Ai nói rằng không trị bệnh thì đó là cách suy nghĩ của họ, nhưng cách vận thở, hơi thở đây, vận khí, điều khí đều là những phương pháp ngàn xưa đã tu tập. Trong tất cả các đạo giáo và cách sống của con người đúc kết kinh nghiệm trải dài hàng ngàn năm nó rất là tốt, không ai phủ nhận điều đó. Mà cũng chẳng thể phủ nhận rằng đạo không thể hòa nhập vào với đời, đời phải tách riêng biệt ra với đạo, này học về thân tâm không thể tách rời, thân và tâm là một. Do đó để thân tâm an lạc, thiền mật song tu có lợi ích vô cùng. Nó giúp cho thân các bạn khỏe mạnh, tự điều hành và vận hành theo một nhịp độ của thiên nhiên vốn có để cho thân của các bạn luôn điều hòa sức mạnh, năng lượng tích lũy được để cơ thể khỏe. Và các bạn an trú tâm ở trong năng lượng từ bi và chánh niệm hơi thở, các bạn sẽ có được suy nghĩ sáng suốt. Từ đó các bạn quyết định và có sự lựa chọn trong sáng, lựa chọn môi trường để sống, lựa chọn các phương thức sống, những con người tiếp cận, lựa chọn thức ăn, thức uống, phối hợp nhịp nhàng tất cả mọi phương thức như thế bạn nhất định sẽ có một thân tâm an lạc mỗi ngày. Và nhất là trong cuộc sống mà kinh tế phát triển, tất cả mọi ngành nghề đều phát triển, khoa học kỹ thuật phát triển thật nhanh, con người chạy như một cái máy và guồng máy đó chạy liên tục. Căn bệnh trầm trọng nhất hiện đại của thế kỷ, của kỷ nguyên này là trầm cảm. Bởi vì sức ép kinh khủng của cuộc sống mà chúng ta cảm thấy bị lùi lại đằng sau, bị đá văng lại đằng sau không thể đồng bộ với cuộc sống nên bị trầm cảm. Bệnh về thân ta có thể trị bệnh được nhưng bệnh về tâm trong sự trầm cảm đòi hỏi thật là nhiều thời gian, đôi khi khó trị. Do đó để có một cuộc sống thân tâm an lạc, chúng ta phải chú ý tới, chăm sóc và bảo trọng sức khỏe của thân bằng sự ăn uống, môi trường sống và cách hít thở cũng như trong sự tương tác, tương thông với mọi người. Chúng ta không thể có một cái thân lành mạnh khi quan hệ với những con người có những hành động xấu làm tạo tới sức sống từ bi, đau khổ, phiền muộn, căng thẳng cho tinh thần, cho tâm của chúng ta. Đây là một phần đời sống của con người phải dùng trí tuệ và kiến thức con người để chúng ta bảo vệ sức khỏe của thân. Và dùng kiến thức của Phật học ứng dụng vào kiến thức của con người để nâng tầm đời sống con người cho có thân tâm an lạc giữa đạo và đời song hành, giữa thân và tâm luôn đồng bộ nhất như không có phân biệt. Và kết quả là thiền mật song tu Thất Bảo Huyền Môn, trong hơi thở đi sâu để đánh thức 12 kinh mạch, 360 huyệt đạo, đặc biệt 7 luân sa sẽ giúp cho cơ thể khỏe mạnh. 

Nếu các bậc tôn thúc khác không chấp nhận phương thức này, không sao. Các bạn cứ nghiên cứu về sức khỏe ngày nay, trên tất cả những con người sống ở phương Tây, họ đã chiết xuất ý tưởng thiền của Chư Phật mang vào thiền chánh niệm, mang vào thiền hơi thở, không đi sâu vào sự giác ngộ nhưng họ đã biết chiết xuất và ứng dụng để có một đời sống an lạc, có một sức khỏe. Thiền sức khỏe trong khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, tất cả mọi tạo tác họ đã ứng dụng vào và những công ty lớn cũng thường dạy thiền để cho công nhân hoặc những người làm việc căng thẳng về thần kinh có một tiếng đồng hồ trong công ty đó thư giãn bằng thiền. Và trong cái thiền của người phương Tây đó cũng ứng dụng một phần thật đơn giản, hòa nhập vào với hơi thở chánh niệm để mang oxy vào cơ thể và định tâm trong hơi thở đó để thư giãn, để hiệu quả trong công việc và hiệu quả trong đời sống. Chúng ta người tu Phật không những ứng dụng cái đó vào cho sức khỏe mà còn ứng dụng lời dạy của Phật qua cách thiền của mật tông Thất Bảo Huyền Môn để tăng trưởng đời sống tâm linh, tiếp cận với nguồn năng lượng vô biên siêu thế đó là tha lực Phật điển từ bi qua mật chú Mu A Mu Sa. 

Bất cứ một người nào thực tập cái này miên mật, thực tập pháp môn này đúng và liên tục sẽ có một đời sống an lạc thực sự, thân tâm luôn mạnh khỏe, những căn bệnh lâu đời các bạn sẽ hết bởi vì sự hít thở nó thông kinh mạch. Trong hít thở này có năng lượng Phật điển vào, nó tác động vào, nó làm rung chấn toàn thể các tế bào ở bên trong lẫn bề ngoài. Khi cách nói này được nghe mà các bạn chưa thực sự trải nghiệm các bạn không tin. Nhưng đối với các bạn nào đã tu, thực tập qua các bạn sẽ thấy được tha lực Phật điển tác động vào với tự lực của thân làm rung động, rung chấn, làm chuyển động thân tâm của chúng ta. Bởi tất cả các môn thể dục, thể thao, tập luyện cũng đều phải vận động các cơ bắp trên cơ thể để cho nó có sức khỏe. Người làm máy vi tính ngồi lâu sẽ bị đau cổ, đau vai, đau người, họ phải đứng lên tập luyện thì phương thức này cũng làm rung động thân tâm, chuyển động cơ thể nhịp nhàng. Điều này có, theo như những cách nhìn khác biệt chúng ta thường chia ra đúng và sai theo ý tưởng của mình. Ví dụ như: chúng ta nhìn thật là rõ các vị thầy Á-Đông của chúng ta, nói về đại thừa ngồi tụng kinh phải trang nghiêm vô cùng. Nhưng đối với các vị Sư Tây Tạng họ thiền, họ lắc qua, họ lắc lại, họ tụng, họ lắc qua, lắc lại, họ rung. Ngay cả chúng ta nhìn lên Ngài Đại La Đạt Ma, thân của Ngài luôn chuyển động khi tụng kinh, khi trì chú. Và tất cả những người Tây Tạng, cả nền giáo dục Phật học của mật tông Tây Tạng, các vị đó luôn luôn rung động toàn thân lắc qua, lắc lại. Bởi vì họ lấy tâm, tâm trụ vào sự luôn ;uôn động của thân, bởi vậy họ khỏe, họ mạnh, họ sống ở trên núi cao thật là lạnh, khắc nghiệt như vậy họ vẫn khỏe. Là bởi họ chú trọng đến thân bằng khí công, bằng sự tập luyện. Do đó sự trì tụng mật chú của các Ngài Đạt Ma Tây Tạng nó có âm vang nội lực từ đan điền khí hải thoát ra, nó thật là mạnh, dũng mãnh. Còn bên đại thừa chúng ta không chú trọng, bởi chúng ta không sống ở vùng núi cao lạnh, chúng ta sống những thành phố ấm áp cho nên ít chú trọng nhưng không phải những điều không chú trọng là nó sai mà những điều ta đang làm hoàn toàn đúng, người khác là sai. Nếu sai tại sao nền Phật giáo Tây Tạng họ vẫn như thế? Sai biệt chẳng qua là chúng ta đứng ở một cấp độ thuộc về lĩnh vực ta yêu thích ta chấp nhận, ta đón nhận để rồi phủ định những điều ta chưa thấy. 

Do vậy mà thiền mật song tu Thất Bảo Huyền Môn đối với thật nhiều các bạn nó mới, nhưng các bạn đã nghe thấy mật tông, thiền tông, tịnh độ tông và trong tất cả cái đó các bạn cũng thấy thiền mật song tu, thiền tịnh song tu. Đây là thiền mật song tu, tác động của mật chú Mu A Mu Sa nó mang chúng ta gắn kết, hòa hợp với tha lực Phật điển, nó tạo ra sự rung chấn từ các tế bào trong nội tạng của chúng ta cảm nhận được năng lượng đó. Sự hoạt động thể dục thể thao với tất cả các môn võ cũng như thể dục, là nương vào sự hoạt động để kích hoạt sự đàn hồi của cơ thể và tăng nhịp tim cho phù hợp để cơ thể khỏe mạnh nhưng mà nó nhờ sự hoạt động ở bên ngoài. Còn thiền mật song tu Thất Bảo là nhờ sự rung chấn, rung chấn từ bên trong của năng lượng tha lực Phật điển tác động giao thoa với tự lực, tức là năng lượng vốn có trong châu thể của chúng ta từ các kinh mạch, luân xa, huyệt đạo. Nếu nói luân xa không thể trị bệnh, huyệt đạo không thể trị bệnh, ngành đông y châm cứu của chúng ta đã trải qua hàng biết bao nhiêu ngàn năm ông bà cha mẹ, cửu huyền thất tổ mà ngay đời nay phương Tây ở nước Mỹ này, ngành đó cũng được phát triển. Bởi vì họ đã hiểu được ngành y học, ngành đông y, họ hiểu được các huyệt đạo có những phần cơ thể con người, có những phần năng lực tích lũy cần được khai mở, gắn kết để chuyển động cho khỏe. Cho nên tất cả, ngay cả bệnh trầm cảm họ cũng dùng đến châm cứu. Hiểu được kinh mạch, sự vận hành của huyệt đạo tác động vào để tăng cường sức khỏe qua các luân xa vùng đạo huyệt trong  châu thân của chúng ta là một điều đặc biệt. Nó thể hiện sự tự hào bởi kiến  thức của ông bà, cha mẹ, của nhiều đời nhân loại qua bao nhiêu ngàn năm đúc kết để chúng ta học. Đó là một môn học, do đó trong thiền  mật song tu phối hợp giữa cái học cổ nhân và lời giáo truyền của bậc đại giác đại ngộ là Chư Phật. Tức là mang tha lực Phật điển Mu A Mu Sa phối hợp với tự lực từ trong các huyệt đạo, kinh mạch tác động vào cho thân được khỏe, có sự rung động tạo cho sức khỏe và tâm trú vào trong nguồn năng lượng vô biên siêu thế từ bi đó, để lúc nào chúng ta cũng an yên tự tại, đi khắp tất cả các góc của chợ đời ta đang hòa nhập cũng không bao giờ bị xáo trộn. Chứ không phải tránh xa vào trong vùng sâu vùng xa không tương tác với xã hội. 

Các bạn, ta tu ngay tại gia, ta tu ngay tại chợ, ta tu ngay tại chùa. Thứ nhất là tại gia, thứ nhì tại chợ, thứ ba tại chùa. Do đó thiền mật song tu Thất Bảo Huyền Môn là một pháp môn phù hợp không phải ở trên sơn cao, núi cao, rừng sâu núi thẳm mà ngay cuộc đời bận rộn giữa chợ, giữa gia đình và giữa những thôn xóm làng mạc, chùa chiền, am thất nơi đâu cũng có thể thực hành được. Bởi hơi thở, nguồn gắn kết và năng lượng từ bi của Phật luôn hiện hữu trong từng hơi thở chánh niệm của Mu A Mu Sa. Và để thân tâm thường an lạc các bạn hãy cố gắng dành cho mình thời gian đầu tư vào sự tu tập như vậy, các bạn sẽ cảm  nhận được từng ngày, từng ngày các bệnh của các bạn sẽ dần dần giảm, vơi đi. Và các bạn sẽ thấy không còn mệt mỏi rã rời, không bị trầm cảm lôi kéo, không bị sự tranh giành ở cuộc đời làm cho sợ hãi, không bị sức ép của nền kinh tế và sự vội vàng của xã hội xoay vòng làm cho chóng mặt. Mà làm cho các bạn tịch tĩnh giữa cuộc đời vẫn xoay muôn thuở, mà bạn thì vẫn hít thở vào ra tự tại thong dong.

Các bạn, các bạn nghe được điều này của Bảo Thành các bạn cố gắng hít thở thực tập, các bạn sẽ nhận thấy từng ngày, từng ngày qua thân tâm của các bạn sẽ luôn an lạc trong hiện tại. 

Mời các bạn đặt bàn tay phải là bàn tay trí tuệ vào lòng bàn tay trái bàn tay từ bi để chúng ta vận hành bảy biến vi diệu âm Mu A Mu Sa.

Nam mô Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Xin ngài chứng minh cho chúng con. Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực khai mở trí tuệ để thân tâm chúng con thường an lạc trong chánh niệm hơi thở Mu A Mu Sa. Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ, hóp bụng vào trì mật chú quán chiếu thân tâm, Mu A Mu Sa. – 7 biến

Mô Phật! 

Các bạn, khi nói về thân tâm an lạc là một sự tu tập thật sự. Ngày nay, đôi khi chúng ta thẩm nhập kinh tạng đến mức quá cao siêu nên dần dần tách rời khỏi cuộc đời và cho những kiến thức sơ khai của con người đúc kết hàng ngàn, hàng ngàn năm, hàng ngàn thế kỷ không còn lợi lạc nữa. 

Không phải, ta nhớ rằng trước thời Đức Phật, các phương thức Yoga tập luyện, khí công võ thuật, đặc công và khi Đức Phật đi tu xuất gia cũng dùng những vấn đề ta ngồi thiền đây, xếp chéo chân cũng là một trong những cách ngồi của Yoga, cách ngồi khí công tập luyện giữ lưng cho thẳng vững chãi, tùy theo góc độ muốn tích lũy năng lượng như thế nào. Và rồi nền võ học khí công, tất cả các môn tập luyện từ ngàn xưa luôn được sách tấn, hướng dẫn từ thuở nhỏ. Và như vậy các bậc xuất gia đi tu thời xưa. Còn ngày nay thì chân yếu tay mềm thôi. 

Ngày xưa các bậc đi tu xuất gia đều là những bậc võ công cao thượng thừa, Đức Phật cũng có võ công. Nhớ rằng sự tu của Phật là tu tâm nhưng Ngài vẫn võ  công cả một thời tu tập. Ngài Bồ Đề Đạt Ma cũng võ, các bậc Tổ hồi xưa cũng có võ, ngay cả các bậc thiền sư của Việt Nam ngày xưa võ công đầy mình, phò vua giúp nước. Như vậy các Ngài đó tại sao luyện võ công? Bởi vì các Ngài chăm chú vào thân cho nó cường tráng, khỏe mạnh để tâm có sự an lạc. Và phương tiện thời đó võ công, thể dục thể thao là những phương tiện rất cần thiết mà ngày nay cũng rất cần. Bởi sống trong xã hội ngày nay, đất đai không còn nhiều để chúng ta có những sân tập luyện đá banh, tập thể dục thể thao. Xây dựng tràn lan, tất cả những nơi bình thường để đi bộ đã hết, với nền xi măng phủ kín, nhà cửa cao tường. Và các phương tiện ngày nay không còn đi bộ, đạp xe đạp mà ngồi xe hơi, xe máy, sự vận động cơ thể không có. Cho nên chúng ta thường hay bị sinh bệnh và vì điều đó mà ngay tại Việt Nam chúng ta và trên thế giới, các phong trào được mở rộng, các trường lớp dạy tập thể dục thể thao, tập Yoga, tập thiền định, tập võ thuật, những sân đá banh, những sân đánh bóng bàn, tennis, tất cả môn thể thao. Và chúng ta luôn luôn được khuyến khích, ngay từ trong học đường thuở nhỏ cũng khuyến khích tham gia vào các môn thể thao bởi chú trọng vào thể dục, đức dục.

Các bạn thân mến! Trong thiền mật song tu, các bậc Tổ ngày xưa phối hợp giữa thiền khí công của năng lượng trong sự kích hoạt bởi hơi thở sâu trầm xuống đan điền khí hải nhâm đốc, kinh mạch, nhâm và đốc, đốc mạch và nhâm mạch. Các bạn, vận hành trong 12 kinh mạch, 360 huyệt đạo kích hoạt tất cả các năng lượng của châu thể chúng ta hài hòa, phát động. Nếu  bây giờ nó có đó mà không sử dụng, chết xuống mồ rồi nó cũng tiêu tan. Của cải vật chất, theo kinh ngũ uẩn vô ngã tướng thì không có gì tồn tại chỉ có dạng năng lượng tồn tại mang theo nghiệp thức của ác và thiện mà thôi. Vậy tại sao những điều ta vốn có có thể mang theo? Đó là năng lượng tích lũy theo hướng thiện, hướng thượng. Sao không kích hoạt để trợ lực cho thân tâm? Thật là nhiều các bậc tôn túc và những cái chư vị ở ngoài không đồng hành với quan niệm này nhưng đối với kinh nghiệm của Bảo Thành và kinh nghiệm của các bậc Tổ, thiền mật song tu chú trọng vào chánh niệm hơi thở kích hoạt năng lượng tự thể, dung thông với tha lực Phật điển giúp cho thân khỏe, thân an và những ai tu tập pháp môn này đều có một sức khỏe, đều có năng lượng dồi dào, không bị mệt mỏi và tinh thần luôn luôn trong sáng tự tại, đứng trước mọi thử thách đều an yên. Và nhìn trên khuôn mặt của họ, nếu nhìn rõ có năng lượng tỏa ra, điều này đúng, tướng do tâm sanh. Tướng của họ do tâm thanh tịnh, năng lượng đó kết tụ vốn có luân lưu trong châu thân mà khi tiếp cận chúng ta cảm nhận được năng lượng đó. 

Các bạn thân mến! Trong cái tu không phải là rời xa tất cả mà phối hợp kiến thức của con người thuộc về kiến thức tục đế, là kiến thức tục để là kiến thức tục con người, của vật chất, của thế gian, của ngũ uẩn hài hòa với kiến thức chân đế do Chư Phật dạy để đi đến sự giải thoát. Tục đế và trần đế không thể rời xa nhau, đời và đạo không thể tách biệt, thân và tâm không thể chia hai. Cho nên để thân tâm an lạc, Bảo Thành sách tấn các bạn hãy tập thiền mật song tu Thất Bảo Huyền Môn như là một phương tiện nếu phù hợp với nhân duyên của các bạn. Hơi thở thật sâu kích hoạt các luân sa và để thông các luân sa các bạn hãy coi lại  những phim video, YouTube ở trên kênh Thất Bảo Huyền Môn, bấm vào đó tìm về luân sa các bạn sẽ được khai mở luân sa, coi lại và sẽ được khai mở luân sa rất tốt cho sức khỏe của các bạn. Hãy bảo trọng sức khỏe và hãy quan tâm đến sức khỏe của mình bởi thân không khỏe, tâm không bao giờ vui, thân khỏe tâm an song song với nhau như vậy và không ai có thể phủ nhận được điều này. 

Các bạn, thân tâm sẽ luôn an lạc nếu chúng ta chọn lựa đúng pháp phù hợp với nhân duyên để tu. Thử qua thiền mật song tu Thất Bảo Huyền Môn các bạn sẽ cảm ứng được với năng lượng từ bi của Phật và tự lực trong các năng lượng tích lũy từ huyệt đạo được khai mở, dung thông. Các bạn sẽ có một sự trải nghiệm vi diệu, mà mỗi người như các bạn nếu có nhân duyên sẽ cảm thấy đây là con đường phù hợp để thân tâm các bạn an lạc trong từng giây phút của cuộc đời.

Mời các bạn đặt bàn tay trí tuệ tay phải vào lòng bàn tay từ bi chúng ta vận hành bảy biến nữa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực khai mở trí tuệ để chúng con hiểu thấu được Phật pháp trong cuộc đời, có được sự an lạc nơi thân tâm mỗi ngày. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu a Mu Sa. – 7 biến

Mô Phật!

Các bạn, chúng ta đồng tu đã xong rồi, cảm ơn các bạn đã đồng tu cùng với Bảo Thành.

Mời các bạn chắp tay hồi hướng công đức. 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! 

Mu A Mu Sa!

Chúng con nguyện hồi hướng công đức này tới tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo. Và đón nhận được năng lượng từ bi của Phật an trú trong chánh niệm hơi thở để thân tâm thường an lạc. Cũng đồng hồi hướng tới người dân miền Trung của chúng con vượt qua được sự thử thách này. Và nguyện xin Chư Phật gia hộ để mọi người thương giúp đỡ, trợ lực cho người dân miền Trung. Hồi hướng cho các nhà lãnh đạo ở trên thế giới ngồi lại thành lập chính sách hòa bình. Hồi hướng cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược chế tạo ra được vắc xin (vaccine) thuốc trị bệnh đại dịch. Hồi hướng cho bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ, cứu tế trên thế giới chữa lành các bệnh nhân. Đặc biệt hồi hướng cho các vong linh vì tử vong trong bão lụt, cũng như trên thế giới được siêu sanh miền tịnh độ.

Xin Chư Phật mười phương từ bi chứng minh!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn