Search

Bài 1218: Trỗi Dậy Từ Vấp Ngã – Thất Bảo #1 – Mu A Mu Sa

Mô Phật! 

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu ở trên kênh youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh facebook Chùa Xá Lợi live stream.

Đã tới giờ chúng ta đồng tu với nhau hôm nay, mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa! 

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. 

Chúng con cũng đồng hồi hướng xin chư Phật và mẹ Quan Âm Bồ Tát thương đến người dân miền Trung của chúng con, đang sống trong bão tố, thiên tai, lụt lội. Nguyện xin chư Phật, chư Bồ Tát gia trì khai tâm cho tất cả mọi người gần xa biết thương đến miền Trung hỗ trợ. 

Các bạn thân mến! Chúng ta nên có một lập trình tu tập hằng ngày, dù một phút hay một tiếng đồng hồ, trong một đời hay nhiều đời đó là một thói quen tốt đẹp. Đức Thế Tôn luôn dạy chúng ta phải cân nhắc thật là kỹ và lựa chọn cho mình một hướng đi tốt đẹp. Và trên bất cứ một hướng đi nào đi nữa, nếu chúng ta có sự đồng lòng, đồng tu với tâm chân thành, nhất định chúng ta sẽ tìm được mục đích cao cả của cuộc đời. 

Thiền mật song tu Thất Bảo Huyền Môn là một trong hằng hà các pháp phương tiện của Đức Phật dạy. Khế hợp giữa hơi thở chánh niệm vi diệu âm và mật chú Mu A Mu Sa để chúng ta nương vào chánh niệm hơi thở, an trú tâm và nương vào cách vận hành, tương tác giữa tha lực Phật điển, tự lực cầu giác ngộ, gọi là năng lượng tự thể hòa nhập với năng lượng từ bi của Phật, đánh thức sức mạnh tự thể vốn có trong cơ thể của chúng ta, nơi các huyệt đạo, nơi các luân sa như là một sự phương tiện trợ lực để dưỡng thân cho khỏe, dưỡng tâm cho thanh tịnh. Nhớ rằng đây là phương tiện như con thuyền mà thôi, người tới thuyền ở dưới nước. Tất cả sự quán chiếu hơi thở theo tinh thần của tứ niệm xứ Vipassana, nương vào chánh niệm hơi thở và nương vào năng lượng tự thể, kích hoạt châu thân hoạt động nơi các huyệt đạo là điều rất bình thường; được khế hợp giữa chân lý của Đức Phật và lý thuận với sự vận hành của châu thân mang lại sự lợi lạc thật là nhiều. Bởi đồng trong một sự tu tập thiền mật ta có sự tăng trưởng của sức khỏe và sự nhất tâm trong chánh niệm hơi thở. Đã gọi là thiền năng lượng thì mỗi người khi chúng ta thực tập luôn tiếp xúc với năng lượng của chư Phật và năng lượng của châu thân, của tâm. Từ trường năng lượng này tác động thật là rõ mà ai cũng cảm ứng được. Cho nên nó là một đề mục thật tốt đẹp cho mỗi người nếu như có nhân duyên. 

Hôm nay, chúng ta gặp nhau nơi đây để quán chiếu đề mục mà các bạn gửi về trên kênh youtube cũng như kênh facebook live stream chùa Xá Lợi. Đề mục đó nói rằng “Trỗi Dậy Từ Vấp Ngã”. Đây là một đề mục rộng và có ý nghĩa thật nhiều trong cuộc đời, để đi sâu vào sự quán chiếu tham luận, cũng như nhập thiền trong chánh niệm hơi thở, lợi lạc cho đời sống tâm linh. 

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải là bàn tay tượng trưng cho trí tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho từ bi, lấy trí tuệ và từ bi chúng ta vận hành bảy biến vi diệu âm chánh niệm Mu A Mu Sa. Mời các bạn. 

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Và gia trì Phật lực khai mở trí tuệ để tất cả chúng con biết trỗi dậy từ vấp ngã. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm trì mật chú Mu A Mu Sa. – 7 biến

Mô phật! 

Các bạn thân mến! Tất cả mọi tạo tác, mọi cảnh giới từ bên ngoài do chúng ta tương tác đều như sự tự thể của nó. Chẳng tà chẳng chánh, chẳng tốt chẳng xấu, chẳng hay chẳng dở, tốt xấu, chánh tà, ác và thiện tới từ tâm nhận thức; tâm nhận thức bắt đầu có sự phân biệt. Nói đến tâm nhận thức con người khi được giáo dưỡng bởi chân lý của chư Phật, ai có nhân duyên học Phật pháp đều thấu rõ chân lý của Đức Phật là giúp cho chúng ta giải thoát khỏi sanh tử luân hồi. Nhưng chính vì tâm phàm phu nhận thức thấy được nhiều phương tiện tốt đẹp, ứng dụng thêm khế hợp vào để có lợi cho cuộc sống về thể của thân và tâm. Nhiều đời rồi, các bậc Tổ nhìn thấy sau đời Đức Phật cần có những phương tiện trợ lực cho Phật tử, cư sĩ chúng ta tu như có một chủ đề để quán chiếu tâm, có một đề mục để luyện thân. Từ đó, các Tổ bắt đầu mới thành lập các hệ thống tu tập có quy trình đơn giản hướng dẫn cho chúng ta như: đếm số, thiền chỉ, thiền định, Vipassana, thiền hơi thở, thiền năng lượng hoặc là trong kinh chúng ta tụng kinh hoặc là chúng ta khế hợp giữa tinh thần và động tác như chúng ta lạy ngũ bát danh hoặc là chúng ta lạy Phật; lạy Phật để mà đứng lên ngồi xuống. Lạy Phật như vậy, tâm thì tưởng nhớ niệm phật, thân thì lạy, động tác đó nó trợ lực cho sức khỏe của thân bởi vậy người lạy Phật mang lại sức khỏe cho thân. Hoặc Tây Tạng người ta còn lạy nằm soài ra, như vậy đứng lên nằm xuống nhất tâm. Tâm thì nghĩ đến Phật, tâm tưởng nghĩ đến Phật, thân thì hoạt động cho nên thân được khỏe. 

Các bậc Tổ sư thiền ngày xưa cũng vận hành khí, mà từ đó khi ngài Bồ Đề Đạt Ma qua bên núi Thiếu Lâm thấy các thầy tu không có biết vận khí, luyện võ, giữ cho thân được khỏe, cho nên thường bị tê liệt, bệnh hoạn. Ngài dạy tất cả mọi phương pháp như: dịch chân kinh, Phật thủ và các phương pháp hít thở võ thuật để có sự hoạt động của thân. Trải dài theo nhiều thời gian, khế hợp giữa tâm của giáo lý giác ngộ của Phật với sự vận hành của cơ thể; cho nên nó có nhiều hình thức phương tiện để tu. 

Thiền mật song tu Thất Bảo Huyền Môn là một pháp phương tiện khế hợp giữa chánh niệm hơi thở, an trú trong chánh niệm hơi thở; và mật tông, mật chú Mu A Mu Sa đón nhận tha lực phật điển từ bi của chư Phật xuống với chúng ta. Nhưng khi nói đến tha lực, tức là nói tới năng lượng từ bi của Phật ban rải xuống cho chúng ta, tác động vào với tự lực vốn có trong tâm khởi lên sự tinh tấn tu để giải thoát. Hai lực này phối hợp nó tác động vào thân làm rung chấn, làm chấn động, làm di chuyển và nó có một sự tự nhiên vận hành, giúp ta có sức khỏe, chuyển hóa những bệnh của thân, tăng trưởng cho chúng ta có thể giảm bệnh, hết bệnh, bớt bệnh, và có thể không cần phải dùng thuốc nhiều. Bởi vì bây giờ chúng ta đã biết tất cả mọi sự vận động của thân, từ khí công tới sự thể dục thể thao, các môn đều mang lại sức khỏe. Và các nhà nói về sức khỏe luôn khuyên chúng ta, các bậc Tổ ngày xưa đã nhìn thấy sức khỏe đóng một vai trò quan trọng trên con đường tu. Nên có sự khế hợp thiền mật song tu tăng trưởng sức khỏe của nội thể và thanh lọc tâm hài hòa trên con đường quán chiếu thân – thọ – tâm – pháp. Nhớ rằng, đây là một phương tiện ai có nhân duyên tu tập sẽ tiếp nhận được từ trường năng lượng yêu thương. 

Trở về đề mục hôm nay chúng ta quán chiếu “Trỗi Dậy Từ Vấp Ngã”. Là con người ai không nhiều lần vấp ngã, là phàm phu ai không nhiều lần sai phạm, ai cũng có. Phật dạy như vầy, ở trên đời này chỉ có hai hạng là vị Thánh mà thôi. 

Một hạng vị Thánh thứ nhất là sinh ra không bao giờ làm điều ác, người đó luôn khởi tâm thiện, người đó luôn hành động thiện và luôn luôn giữ được tất cả các giới làm tốt, đó là bậc Thánh sinh ra đã khởi nên tâm như vậy, đó là một hạng thuộc về vị Thánh, chứng Thánh.

Hạng thứ hai chứng Thánh mà cũng là một vị Thánh đó là hạng người lầm lỗi, tội lỗi vô cùng vô bể không thể kể xiết, rồi sau đó nhận ra lỗi lầm sám hối, tu pháp thiện và chứng Thánh. 

Có hai hạng Thánh chúng như thế. Những hạng quả vị Thánh đầu tiên đó là sinh ra làm tốt, không bao giờ phạm sai trái, chỉ có ở trong tư tưởng và suy nghĩ vốn không thực ở trên đời. Bởi ở trên đời không có ai mà không có lầm chấp, không có ai mà không sai phạm, không ai mà không vấp ngã. Cho nên hạng bậc Thánh đầu tiên nói tới, chỉ nói về suy nghĩ suy diễn theo kinh điển. Nhưng bậc Thánh cao cả nhất, đáng quý nhất là bậc Thánh thuộc hạng thứ hai, người đã vấp ngã, người đã phạm tội, người đã tạo ra ác nghiệp nay nhìn rõ điều đó sám hối và tu thiện pháp, chứng quả Thánh. Và đây là chứng quả Thánh cao cả nhất từ những vị đã vấp ngã, mà đã là phàm phu trong chúng ta ai cũng vấp ngã và như vậy thì những vị đã chứng Thánh toàn là những vị đã vấp ngã, nhìn thấy sửa đổi. Phật xiển dương vấn đề đó, cho nên trỗi dậy từ vấp ngã là một chân lý cần quán chiếu sâu rộng để chúng ta noi gương bậc Thánh hiền, noi gương lời dạy của Phật để chúng ta trỗi dậy trong tất cả những vấp ngã nhỏ và lớn. 

Cuộc đời của chúng ta, ai cũng có những tham vọng và khi chúng ta có tham vọng là chúng ta có sự tranh đấu để thành tựu được tham vọng. Tham vọng nhỏ thì vấp ngã lớn hay nhỏ, tùy. Tham vọng lớn cũng vấp ngã nhỏ lớn, tùy. Tham vọng càng nhiều thì càng vấp ngã. Bởi chính trong sự tham vọng đó ta có sự tính toán, chấp trược, mưu mô, quỷ kế để thành tựu. Gọi là tham mà, tham vọng. 

Nói đến điều này, chúng ta thấy rằng tất cả Bảo Thành và các bạn, tất cả mọi người trên thế gian đều đã từng vấp ngã, đều đã nghĩ sai, đều đã phạm tội, đều đã tạo nghiệp. Nhưng Bảo Thành và các bạn ai là người trỗi dậy từ vấp ngã đây? 

Có một câu chuyện thời Đức Phật, chúng ta kể để làm gương cho chúng ta, bởi nó thực tế. Thời Đức Phật có một ông vua, ông vua đó cùng thời với Đức Phật là ông vua Tần-Bà-Sa-La. Ông vua tên là Tần-Bà-Sa-La này ông ấy rất là mạnh, quyền lực, binh lính hùng hậu. Ông đi chiếm tất cả các nước cho quốc độ của ông mở mang bờ cõi, gọi là tham vọng mở rộng bờ cõi. Mà các bạn nhớ, một vị vua chinh chiến có tham vọng mở rộng bờ cõi thì biết bao nhiêu sinh linh và con người trong quốc độ của ông ta, của ông vua Tần-Bà-Sa-La và các nước láng giềng đã phải nằm xuống, đã phải chết. Và như vậy bờ cõi của vua Tần-Bà-Sa-La mở thêm được một gang tay hay một tất đất, thì hằng hà chúng sanh phải chết dưới gươm giáo và sự tàn bạo của tham vọng mở rộng bờ cõi. Tham vọng rất nguy hiểm các bạn, bởi vì kèm theo sự tham vọng là người ta gọi là sự hành động; hành động đó là những hành động ngang trái, dã man, tàn bạo, tham vọng đi song hành với tàn bạo. Bởi có chữ tham, còn nếu như chúng ta có ước nguyện, có hy vọng và nguyện ước thì nó khởi nên từ tâm thiện. Còn chữ tham, chữ tham đứng đầu nó không còn là nguyện vọng, nó không còn là một lời nguyện để tiến lên mà là bởi vì tham mà sống trong vọng tưởng nên có sự tàn bạo. Vua Tần-Bà-Sa-La làm điều đó, nhưng gặp Đức Thế Tôn – Đức Phật, Ngài giảng những bài kinh về hạnh phúc, về trí tuệ, giảng những bài kinh về nghiệp báo luân hồi đau khổ, nghiệp quả, gieo nhân nào quả trổ phải chịu. Vua Tần-Bà-Sa-La hiểu được quy y theo Phật, sống đời tu pháp thiện, ngưng hẳn chiến tranh không xâm chiếm bờ cõi, trở thành một vị minh vương thống trị quốc độ đó, ai cũng hạnh phúc, dân chúng thành công ấm no và hòa bình, láng giềng ai cũng thương, các vua láng giềng ai cũng mến mộ và quốc độ của ông ta thật là thịnh vượng. 

Chúng ta cũng như vậy, ai trong chúng ta cũng có những tham vọng để rồi đi đến sự tàn bạo, chà đạp trên sinh mạng, danh vọng, địa vị, tiếng tăm. Có, các bạn có, Bảo Thành có, để đạt được tham vọng đó ta sẵn sàng chà đạp lên danh dự, ta sẵn sàng chà đạp lên nhân phẩm, ta tàn bạo dữ lắm. Nhưng các bạn và Bảo Thành phải nhận thức được điều này, những nhân tàn bạo để đạt được tham vọng đó sẽ trổ quả. Chúng ta phải cân nhắc kỹ lưỡng để thực hành. 

Thực tế là ông vua Tần-Bà-Sa-La có một đứa con tên là A-Xà-Thế, là thái tử đông cung bậc nhất và vua Tần-Bà-Sa-La đã hứa khả rằng: ‘‘Con ơi, ta sẽ truyền chức cho con làm vua’’. Nhưng độ hai mươi tuổi, A-Xà-Thế có tham vọng quá lớn như vua cha thở xưa, rồi lại có sự cộng nghiệp chơi với một người bạn thật là xấu, đó là ông Đề Bà Đạt Đa, là người luôn luôn hại Phật, xúi giục ông vua A-Xà-Thế, tức là thái tử lúc đó chiếm ngôi. Cho nên cuối cùng A-Xà-Thế đã đoạt được ngôi và nhốt vua cha là Tần-Bà-Sa-La vào ngục tối cho chết đi. Đó, cả một thời tham vọng cho quốc độ của mình, nay bị đứa con ngỗ nghịch theo một người bạn dữ xúi giục đã nhốt mình chiếm ngôi. Lần thứ nhất bị bể và vua Tần-Bà-Sa-La bắt được A-Xà-Thế nhốt vô trong ngục, nhưng thương con lại nói với con “ Con ơi! Cha nhường ngôi cho con, cho nên con đừng có bạo động”, rồi thả ra để rồi chuẩn bị cho kế ngôi. Nhưng mà rồi người con A-Xà-Thế không chịu nổi quyền lực, danh vọng quá lớn, tham vọng quá cao. Lại một lần thứ hai đã bắt được lật đổ nhà vua và nhốt vua Tần-Bà-Sa-La vào trong ngục tối cho tới chết, ông ta lên ngôi vua là A-Xà-Thế.

Chúng ta đã bao nhiêu lần, các bạn đã lật đổ tình bạn để mà lấn át, vươn lên trong danh vọng, địa vị của cuộc đời? Đã bao nhiêu lần chúng ta đã nhốt tình bạn vào trong ngục tù của tâm đen tối, suy tính, mưu gian để lật ngược mọi vấn đề? Bạn tốt rồi ta biến bạn thành xấu, như vua cha đã hứa khả rồi nhưng A-Xà-Thế không muốn, nhốt cha vào trong tù. Chúng ta đã nhốt nhau vào trong ngục tù của những ngôn ngữ, suy nghĩ và hành động thô ác, bạo lực, tàn bạo lắm để chúng ta lấn ngôi, vươn lên thành tựu được điều mình muốn. Nhất là trong xã hội tương tác ngày hôm nay, chúng ta nói xấu, dèm pha sản phẩm, danh vọng, địa vị của từng người để chúng ta vươn lên chứng tỏ mình là người tốt, điều đó luôn luôn xảy ra với Bảo Thành và các bạn. Con người mà ai cũng vấp ngã, phải không các bạn?

Chúng ta suy nghĩ kĩ đi, bởi vì câu chuyện này đi song hành với những lời gợi ý; để chúng ta chọn lựa một thế tốt cho cuộc sống của mình là làm sao phải biết trỗi dậy từ vấp ngã. Khi vua Tần-Bà-Sa-La bị nhốt ở đó, hoàng thái hậu là mẹ của ông vua A-Xà-Thế, là vợ của vua Tần-Bà-Sa-La, là Vi Đề Hi; tại vì nhốt không cho ăn, phải bôi bột nhồi vào với mật ong chét lên trên người rồi đi vô thăm cho chồng của mình là vua Tần-Bà-Sa-La ăn. Ông vua con là A-Xà-Thế phát hiện được, nhốt hoàng thái hậu không cho tới thăm nữa và rồi lấy dao, lấy kiếm xẻ thịt vua cha cho chết. Nhưng đây là một gương cần phải học, vua cha vẫn một lòng thương người con dù đã phản nghịch, giết hại cha ở trong tù nhưng phát nguyện khởi tâm từ bi tha thứ cho con, không bao giờ hận con nhốt tù và lóc thịt mình cho đến chết. 

Trong những lúc như vậy ông ta khởi tâm từ bi tha thứ cho con, hồi hướng cho con và xoay mặt về hướng núi Linh Thứu. Lúc đó, Đức Phật đang giảng ở đó và phát nguyện tha thứ, xin chư Phật gọi là xót thương, quan tâm, rải tâm từ trợ lực để cho ông thành tựu được tâm từ bi khởi lên tha thứ cho đứa con nghịch tử, tàn ác nhốt mình và giết mình, nhưng mình không có oán hận. Lấy tha thứ để xóa bỏ hận thù và rồi ông đã viên tịch trong nụ cười viên mãn được chư Phật là Đức Bổn Sư chứng minh.

Các bạn thấy chưa, ở trên đời này Bảo Thành và các bạn đã xâm hại tinh thần, danh dự của biết bao nhiêu con người một cách tàn bạo. Họ có thể là vua Tần-Bà-Sa-La đã tha thứ cho chúng ta. Chúng ta ở trên đời luôn luôn vấp ngã, khi trỗi dậy thì nhìn sự vấp ngã phải biết sám hối và những ai vấp ngã đối với chúng ta như Tần-Bà-Sa-La biết tha thứ cho con của mình, học hạnh tha thứ, khởi tâm từ bi. Bởi vậy trong thiền mật song tu, chúng ta nương vào chánh niệm hơi thở, đón nhận năng lượng từ bi của Phật qua mật chú Mu A Mu Sa, để nuôi dưỡng tư tưởng, suy nghĩ, hành động, ngôn ngữ của chúng ta trong chánh niệm hơi thở, năng lượng từ bi. Để chúng ta lấy từ bi, từ trường từ bi đó, năng lượng từ bi đó gội rửa uế trược, lầm chấp, bất thiện nghiệp, ác nghiệp, vấp ngã của chúng ta và của muôn người. Cần phải học gương này nghe các bạn. Vua Tần-Bà-Sa-La khởi ý thiện, khởi ý từ bi tha thứ cho con, sao ta lại không thể tha thứ cho những người đã vấp ngã trong tội lỗi xì ke, ma túy, trộm cắp hoặc xúc phạm đến danh vọng, địa vị, danh dự của ta?

Chúng ta phải học hạnh tha thứ bằng khởi lòng từ bi. Chính trong từng hơi thở ra đi sắp chết, vua Tần-Bà-Sa-La tha thứ cho con, đứa con ngỗ nghịch giết cha để đoạt ngôi nhưng Ngài không oán hận. Ta phải học gương này. Biết bao nhiêu những con người đã xúc phạm đến chúng ta, từ chuyện nhỏ chuyện to; có thể họ đã âm thầm phá vỡ danh tiếng của ta, phá vỡ danh dự của ta, dèm pha, chê bai nói xấu. Không sao, không sao! Bởi vì ta tác động bởi tánh xấu của họ để khởi tâm xấu ta sẽ tạo nghiệp cộng với họ và rồi hai nghiệp này thành oan gia trái chủ. Nhưng nghiệp ác của đứa con ngỗ nghịch A-Xà-Thế nhốt cha, cha khởi tâm từ nên hóa giải được, không có cộng nghiệp mà tạo thành phước thiện nhiều đời hồi hướng cho con. Khi một người phạm đến chúng ta dưới mọi hình thức, ta khởi tâm từ Mu A Mu Sa hồi hướng cho họ, không oán trách thì liền tăng trưởng phước báu cho ta, cho gia đình và cho cuộc sống của mọi người xung quanh ta. 

Các bạn nhớ nhân nào quả đó. A-Xà-Thế đã nhốt cha vào trong tù và ghét cha dữ lắm, và cha chết đi. Đến khi ông vua A-Xà-Thế sinh được một đứa con, đứa con có một mụn nhọt ở ngón tay đau đớn vô cùng, thì vua A-Xà-Thế và vợ lo sốt vó,nói theo từ thường là lo sốt vó, lo lắng, cha mẹ nào không thương con. Lo quá, lo quá, sợ quá sợ quá! Nhưng lúc này ông ta mới ngẫm nghĩ và hiểu rằng: “À! làm cha luôn luôn thương con, đứa con nó bị mụn nhọt đỏ ở trên tay mà đã đau khổ như vậy rồi”, thì A-Xà-Thế mới đi tới hoàng thái hậu – mẹ mình và hỏi rằng: “Mẹ ơi! Thuở xưa, vua cha Tần-Bà-Sa-La có thương con không?” Hoàng thái hậu mới kể cho ông vua A-Xà-Thế rằng: “Thuở xưa, con cũng có một cái mụt còn nhỏ ở trên cổ, chính cha của con thấy con đau có nhiều bác sĩ trong cung mà không nhờ, miệng ngậm vào đó hút ra năm bảy lượt máu mủ ra để rồi con đã khỏi”. Nghe câu chuyện này A-Xà-Thế cảm động vô cùng và tâm bắt đầu hướng thiện.

Trong cuộc đời của chúng ta, khi chúng ta thấy rằng chính những lầm lỗi của mình được gương phản ảnh trong đời sống tương tác. Như có con mới hiểu được lòng cha mẹ và khi chúng ta nhìn thấy giáo lý của nhà Phật, nó lợi lạc mang lại phước báu, ta mới hiểu và trân quý sự sám hối, hồi đầu thị ngạn trở về con đường phước thiện. Và A-Xà-Thế, ông vua đó đã bắt đầu khởi tâm từ, thay đổi chút xíu khi hiểu rõ cha luôn thương con bởi đã làm cha. 

Chúng ta đã là người Phật tử, hiểu được giáo lý chân truyền của Đức Phật qua ngũ giới, hiểu được pháp thiện của Phật khai thị. Ta nhất định phải học để khởi lên tâm từ bi, dù rằng ở trong ta muôn sự ác vốn đã có và đang có sẽ trỗi dậy. Nhưng mang tâm từ bi khởi dậy để nuôi dưỡng thì những sự vấp ngã, tội lỗi kia dần dần sẽ bị tàn lụi, điều đó đúng. Và rồi hoàng thái hậu kể tiếp về một câu chuyện rằng:

“Con không biết thôi A-Xà-Thế à, thuở khi mang thai, mẹ mang thai con, tất cả các thầy tâm linh tới phỏng đoán và biết rằng con ở trong bụng là một đứa ngỗ nghịch sau này sẽ giết vua cha chiếm ngôi, cho nên đã khuyên cha của con là ông vua Tần-Bà-Sa-La giết ngay từ trong bụng, nhưng ông vua Tần-Bà-Sa-La đã không giết con từ trong bụng mà giết luôn những vị nói những lời xúi dại đó. Nhưng rồi biết bao nhiêu những vị tâm linh khác đến đều nói như vậy, nhưng cha của con đã không giết, sanh ra con và ngày hôm nay con như thế”. 

Hai câu chuyện của hoàng thái hậu kể, vua A-Xà-Thế mũi lòng và từ đó sám hối thật sự. Ông ta đã bắt đầu đi theo những bước chân của vua cha Tần-Bà-Sa-La, là muốn đi tìm một chân lý để sống và sự hối hận bởi mình đã giết cha đoạt ngôi, nó dằn vặt lương tâm. Và thấy được con của mình được sinh ra như thế, ông ta hình như bị bệnh tâm thần, tức là bị trầm cảm sợ hãi, ông ta đi tìm tất cả các bậc thầy tôn giáo để học, nhưng không ai có thể làm thỏa mãn, giải tỏa sự trầm cảm của ông ta. Cho tới khi có một người quen dắt ông A-Xà-Thế tới gặp Đức Phật.

Các bạn thân mến, Đức Phật cũng lại dạy về những bài kinh từ bi, hỷ xả, trí tuệ và thiện ác, báo ứng, nghiệp quả. Ông vua A-Xà-Thế đã quy y theo Phật và trở thành một vị vua tốt thời đó. 

Chúng ta thấy không, vua cha đi chiến tranh giết người quy y theo Phật thành người tốt nhưng quả đã tạo ra đứa con, đứa con đã giết vua cha của mình chiếm ngôi. Nhưng rồi đứa con cũng nhận ra, quy y theo Phật để trở thành người tốt, quả báo hiện tiền ngay trong đời cha và con. Chúng ta cũng vậy, thấy được gương đó chúng ta phải trỗi dậy từ những vấp ngã dù rất là nhỏ. Bởi những vấp ngã đó chất chồng sẽ tạo lớn, hầm hố để rồi khi rớt vào đó ta khó có thể thoát được, nhất là hầm lửa của địa ngục tâm tức vô minh. Do đó từ những vấp ngã thật là nhỏ, như trong sự giao hảo giữa mọi người ta nói khống, ta nói thêm, ta nói bớt, ta nói đâm thọc, ta nói chia rẽ, ta có những hành động tương ưng như vậy, suy nghĩ tương ưng như vậy, ta phải biết đối diện với người đó, sám hối, xin sự tha thứ, hòa giải. Còn không nghiệp sẽ cộng lại và một mai nó trổ nghiệp rất nguy hiểm. Nếu như gặp người bạn tốt như ông vua Tần-Bà-Sa-La tha thứ cho con không nói, nhưng mà nếu người bạn đó lại hận thù ta nữa thì cộng nghiệp xấu tai họa vô cùng. Tai họa đó thực sự đã tới, tới với nhiều người lắm và tới ngay ông vua A-Xà-Thế, là bởi vì ông ta đã nhốt vua cha, giết vua cha để đoạt ngôi, sám hối theo Phật nhưng quả của nhân sát hại cha đó không hết, nó lại trổ quả. Bằng chứng là chính vua A-Xà-Thế đã bị con ruột của mình sau này giết chết để chiếm ngôi, y như ông vua A-Xà-Thế giết chết vua cha Tần-Bà-Sa-La để chiếm ngôi. Ba đời hiện tiền rõ ràng, con giết cha, con giết cha thật là rõ. 

Đây là câu chuyện có thật thời Đức Phật. Một cái gương để chúng ta cùng học rằng như Đức Phật đã dạy: có hai quả vị Thánh.

Người sinh ra là bậc hiền không bao giờ phạm tội chỉ có trong tư tưởng, suy nghĩ. Còn người sinh ra vấp ngã như vua Tần-Bà-Sa-La, A-Xà-Thế, như Bảo Thành và các bạn. Chúng ta biết trỗi dậy, sám hối và chúng ta thanh lọc thân tâm của mình để không vấp ngã nữa thì chúng ta sẽ chứng đắc quả Thánh. Phật dạy, hạng người vấp ngã tội lỗi, nghiệp chướng, biết đứng dậy, trỗi dậy, sám hối và thành tựu pháp thiện là chứng vị quả Thánh cao quý nhất.

Các bạn thấy không, Tần-Bà-Sa-La đã chứng Thánh, chết một cách nhẹ nhàng. Các bạn và Bảo Thành đang có cơ hội chứng Thánh, bởi chúng ta cũng lầm chấp như ông vua Tần-Bà-Sa-La, như ông vua A-Xà-Thế, như bao nhiêu người vấp ngã tội lỗi khác, chuyện to chuyện nhỏ, sai trái nhiều lắm, nhiều lắm kể không hết đâu. Nhưng chúng ta vẫn có cơ hội bởi vì ngày nay ta đã lãnh nhận được ánh pháp minh của chư Phật, chiếu soi vào thần thức, vào tâm, vào trí tuệ; chúng ta quán chiếu thấy rõ và có cơ hội để chứng đắc quả vị Thánh tối thượng như Phật dạy. Kẻ vấp ngã như chúng ta biết trỗi dậy, sám hối làm việc thiện sẽ có cơ hội chứng Thánh. 

Các bạn thân mến! Cái gương câu chuyện của vua Tần-Bà-Sa-La, vua A-Xà-Thế, ba đời con giết cha, con giết cha. Gieo nhân nào quả trổ ngay hiện tiền không trốn đâu được. Và trở lại vấn để là chúng ta có phải là bậc hiền Thánh sinh ra chưa một lần vấp ngã và phạm tội không? câu trả lời thật rõ, không. Có chăng chỉ là tưởng tượng chứ không có thật. Còn câu hỏi là Bảo Thành và tất cả các bạn có phải là những người đã từng vấp ngã từ vô lượng kiếp không? xin trả lời, đúng. Chúng ta phải dám chấp nhận và nhìn nhận tội lỗi vấp ngã, nghiệp chướng sai phạm của ta. Để nếu như người ta đã phạm tới còn sống, ta phải có cái dũng mãnh, trực diện với người đó để xin lỗi hóa giải. Còn nếu như người đó đã mất thì chúng ta phải biến hành động mà khi xưa ta đối xử với họ, nếu ác với họ thì nay phải tạo thêm hành động thiện đối với người khác để hóa giải. Tương ứng, hồi xưa làm sai điều gì, hồi xưa ăn cắp thì nay phải bố thí, hồi xưa sát sanh, hại người thì nay phải phóng sanh, hồi xưa hay nói xấu thì bây giờ phải dùng ái ngữ, thương yêu. Đối nghịch lại để mà sửa chữa và đền bù tội lỗi nghiệp chướng của chúng ta, tương ưng nghiệp ngược lại để mà hóa giải nghiệp của chúng ta. Như vậy ta sẽ có cơ hội chứng Thánh. 

Các bạn, cho tới bây giờ ai trong chúng ta cũng thấy rằng ta là người đã từng vấp ngã trong biết bao nhiêu điều ngang trái, tội lỗi bất thiện nghiệp, nhưng chẳng vì thế mà ta không thể trỗi dậy. Hãy trỗi dậy bằng trở về, trở về với tánh thiện chân như của nhà Phật. Và nhớ đừng tham vọng như ông vua Tần-Bà-Sa-La, A-Xà-Thế và như Bảo Thành, các bạn nữa. Mà phải biến tham vọng đó thành nguyện vọng mà bây giờ phải dịch chữ “Nguyện” cho nó đúng tinh thần của nhà Phật là phát nguyện, hướng nguyện. Tham vọng là hướng đến những điều mong muốn bằng tâm tham. Phát nguyện là hướng tới những điều chúng ta muốn thành tựu bằng nguyện lực thiện, chuyển cách nhìn, suy nghĩ, ta sẽ thành tựu. 

Và theo như lời Thế Tôn dạy, các bạn và Bảo Thành đang có cơ hội để chứng quả Thánh cao cả. Bằng cách chúng ta nguyện hướng lòng mình về với pháp thiện của Như Lai, từ bỏ mọi tham vọng, chấm dứt mọi vấp ngã và không tạo ra những điều ác nữa. Để hoàn thiện đời sống theo những nguyện vọng, theo những nguyện ước hướng thiện thì nhất định chúng ta luôn luôn có an vui và hạnh phúc. Còn không những nghiệp ác năm xưa ta tạo ra như Tần-Bà-Sa-La giết người bị con giết, A-Xà-Thế giết cha bị con nó giết, nó trổ quả ta chạy không có kịp. Chúng ta chưa bị nghiệp quá khứ, của lầm chấp vấp ngã trổ quả để gây tai họa thì chúng ta vẫn có cơ hội chuyển hóa. Thay đổi ngay, thay đổi ngay còn không sẽ không có kịp các bạn à. Đây là thực tế, bởi vậy không phân biệt tuổi tác đâu, thông điệp gửi tới cho các bạn bởi để mục các bạn gửi tới cho Bảo Thành hôm nay là gì, là hãy trỗi dậy từ vấp ngã, nhìn nhận tội lỗi, sai lầm, lầm chấp cái ác, bất thiện nghiệp của ta đã tạo. Để chúng ta một lòng hướng thiện, hướng thượng, chánh niệm hơi thở, soi sáng tâm hồn của mình bằng năng lượng từ bi. Khởi tâm từ bi, vua Tần-Bà-Sa-La đã khởi tâm từ bi để đối ứng với người con nghịch tử giết mình. Chúng ta với những ai phạm đến ta phải học cái gương của Tần-Bà-Sa-La, tức là khởi tâm từ bi, mà đặc biệt các bạn tu tập thiền mật song tu Thất Bảo Huyền Môn. Chúng ta nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi xuống chúng ta, nương vào hùng lực của từ trường từ bi của Phật để sống, thì nhất định phải để tâm nương vào hùng lực từ bi đó rải tới muôn chúng sanh không có oán hận dù họ sai, họ phạm đến chúng ta. Có như vậy, những lầm chấp của ta, những vấp ngã của ta mới được nhẹ nhàng cho ta trỗi dậy từ vực sâu tăm tối của tâm thức vô minh, nghiệp chướng trùng trùng kiếp kiếp. Hãy trỗi dậy, hãy vượt qua, hãy vươn lên khỏi ngục tối vô minh.

Các bạn, đặt bàn tay trí tuệ, tay phải và bàn tay từ bi, tay trái. Chúng ta vận hành bảy biến vi diệu âm Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng con. Để chúng con khởi tâm từ bi mà trỗi dậy từ vấp ngã, sống hòa hợp với muôn loài. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm trì mật chú Mu A Mu Sa.- 7 biến

Mô phật!

Các bạn, chúng ta tu thiền mật tông song tu Thất Bảo Huyền Môn an trú trong chánh niệm hơi thở, đón nhận tha lực từ trường từ bi của chư Phật vào cuộc đời của chúng ta. Để từ đó nuôi dưỡng cuộc sống và tâm trí, trí tuệ để chúng ta chan hòa tình yêu thương, năng lượng từ bi, khởi tâm hỷ, tha thứ cho những người đã phạm đến ta, cho những ai đã từng vấp ngã và phạm đến ta, tha thứ để họ có cơ hội đứng dậy, trỗi dậy. 

Ở đây, tại nơi Mỹ này, Bảo Thành thường đi tới các trại tù thăm viếng những người tù nhân, thấy rằng họ đã vấp ngã thật nhiều trong các thứ như trộm cắp, hành hạ nhau hoặc là thuốc, á phiện các thứ. Và rồi lời nói duy nhất đối với họ rằng, theo như đấng giác ngộ dạy trong chúng ta những hành động vấp ngã đó không phải thuộc về chúng ta, cái gốc vẫn còn đó là tâm thiện. Hãy để cho tâm thiện được một mình trỗi dậy sống, để mọi vấp ngã trong đời thường có cơ hội trở về với quá khứ và hiện tại và trong tương lai hãy sống trong chánh niệm để khởi tâm từ bi. Và nhất định các bạn cũng vậy, đã từng đi thăm viếng hoặc gần gũi; có thể các có những người bạn đã bị lao tù, vấp ngã, tội lỗi. Hay chính các bạn và Bảo Thành cũng từng là những người như vậy. Hãy tha thứ cho người và cho người một cơ hội để tái tạo lại cuộc sống, để được tái sanh. 

Vua A-Xà-Thế được mẹ là bà Vi Đề Hy sinh ra, đó là lần sinh đầu tiên nhưng rồi phạm tội giết cha nhưng đã được tái sanh trở lại khi quy y với Phật trở thành một vị vua tốt. Dù rằng ông ta bị con giết nhưng ít nhất ông ta đã được tái sanh trong pháp thiện. Một kẻ tội lỗi như ông ta hoặc là vua cha Tần-Bà-Sa-La được tái sanh bởi pháp thiện, do sự khai thị của bậc giác ngộ. Chúng ta đã được bậc giác ngộ đi vào cuộc đời khai thị qua kinh sách, giáo nghĩa uyên thâm của các bậc Hòa thượng, đại đức thượng tọa Tăng Ni, giảng trực tiếp hoặc trên mạng để cho chúng ta được một lần nữa thấm nhuần vào tư tưởng của Phật, tái sanh trở lại làm con Phật thiện lành. Hãy sống, hãy sống thiện lành và tái sanh. Thì chúng ta cũng luôn luôn cho tất cả những người đã sai phạm tới chúng ta, dưới mọi hình thức trong cuộc đời; hoặc những người đã vấp ngã trong cuộc đời, một cơ hội để tái sanh với tâm thiện lành, thiện hảo vốn có ở trong mỗi người chúng ta mà Phật đã khai thị, đó là Phật tánh thiện lành. 

Đừng thấy người vấp ngã mà đạp họ xuống nữa, đừng thấy họ sai phạm mà chê bai dèm pha. Hãy mở lòng bao dung, mở cửa từ bi để mọi người bước qua cửa từ bi, đặc biệt là năng lượng từ trường yêu thương của Phật. Để chúng ta đồng hành bước qua cửa từ bi, năng lượng từ bi đó bởi vì ta và người toàn là những người vấp ngã không à, tội lỗi lắm cho nên không hẳn chỉ có họ đâu. Hãy cùng với họ đồng hành bước qua ngưỡng của từ bi của Phật, để có được những nguyện hạnh mới, hướng thượng pháp thiện để sống an vui trong gia đình, trong xã hội. Và trở thành những con người mang lại lợi ích, biết sống một đời phụng hiến cho tha nhân. 

Các bạn, đó là ý nghĩa trong khung giờ hạn hẹp Bảo Thành chia sẻ với các bạn về chủ đề, đề mục các bạn gửi về “Trỗi Dậy Từ Vấp Ngã”. Vậy thì giây phút này đây, đặt trí tuệ vào từ bi. Các bạn và Bảo Thành phát nguyện, chúng ta hãy cùng nhau trổi dậy từ vấp ngã, nương vào từ trường yêu thương của Phật. Mời các bạn. 

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Và gia trì cho chúng con khởi tâm từ bi để biết tha thứ cho nhau, để cùng trỗi dậy từ những vấp ngã trong cuộc sống. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm trì mật chú Mu A Mu Sa. – 7 biến

Mô phật!

Thiền mật song tu Thất Bảo Huyền Môn còn có thể gọi là thiền, thiền năng lượng từ trường từ bi của chư Phật. Do đó mật chú Mu A Mu Sa khế hợp với chánh niệm hơi thở tác động để ta cảm ứng được năng lượng trợ thân cho khỏe, tâm cho thanh tịnh. 

Bảo Thành mời gọi các bạn hãy cùng đồng tu với Bảo Thành vào mỗi ngày, 8 giờ tối ở Việt Nam, và 8 giờ sáng ở bên Mỹ phía Đông Bắc Hoa Kì.

Giờ đây mời các bạn chắp tay vào hồi hướng công đức. 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa!

Chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu hôm nay đến tất cả những đồng bào quê hương ruột thịt ở miền Trung chúng con đang bị lũ lụt, thiên tai được đón nhận sự trợ giúp của muôn người, vượt qua sự khổ ải hiện tại này. Chúng con cũng hồi hướng tới các nguyên thủ quốc gia biết ngồi lại thành lập chính sách hòa bình thế giới. Không còn tạo ra chiến tranh, gây chết chóc cho muôn người. Hồi hướng cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược chế tạo ra được vắc xin (vaccine) và thuốc trị bệnh đại dịch. Hồi hướng cho bác sĩ, y tá, nhân viên cứu trợ, cứu tế luôn chữa lành các bệnh nhân. Đặc biệt đồng hồi hướng cho các hương linh bị chết lũ lụt ở miền Trung cũng như trên toàn thế giới được siêu sanh miền tịnh độ. 

Con xin mười phương chư Phật từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn