Search

Bài 1217: Luyện Nói Cho Người Nghe – Thất Bảo #1 – Mu A Mu Sa

Quảng Chí đánh máy, Bảo Minh biên tập

Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, cùng tất cả các bạn đồng tu ở trên kênh youtube Thất Bảo Huyền Môn, kênh facebook chùa Xá Lợi Livestream. 

Đã tới giờ chúng ta đồng tu rồi, mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! 

Mu A Mu Sa!

Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Chúng con cũng đồng nguyện xin mười phương Chư Phật, Mẹ Hiền Quán Thế Âm thương đến người dân miền trung của chúng con đang ở trong bão tố, lũ lụt, màn trời chiếu đất.

Và nguyện xin mẹ gia hộ để muôn người xa gần, cùng nới rộng vòng tay yêu thương trợ giúp cho người dân miền Trung của chúng con.

Bảo Thành kính chào các bạn!

Các bạn thân mến! Trong đời người khi sinh ra chúng ta đã phải ăn phải uống và quy trình ăn uống này cứ phải lập đi lập lại mãi cho đến phút cuối của cuộc đời. Và chúng ta thấu hiểu thật là rõ, ăn uống rất cần thiết cho sức khỏe của con người, để bảo vệ sự sống của chúng ta, nếu không ăn, không uống, sự sống của chúng ta sẽ không bao giờ tồn tại. Để bảo vệ sự sống đó, từ thuở chưa có thể làm chủ được ăn được uống. Mẹ, cha chính là những đấng bậc đã mớm, đã cho ta uống, cho ta ăn. Để rồi khi chúng ta lớn lên, tự chủ được ta phải ăn, phải uống, để khỏe mạnh, để lớn lên và để tồn tại trong xã hội loài người. Từ điều này nói tới sự sống của cơ thể, của thân này, đến sự sống của tinh thần thì chúng ta cần phải nuôi dưỡng bằng những kiến thức từ trong vòng tay yêu thương của mẹ, của cha, của ông bà, của gia đình, xã hội, rồi tới trường học, rồi tới kinh nghiệm của cuộc đời. Chúng ta đã cho tinh thần của mình những món ăn kiến thức để có đủ kiến thức làm người, kiến thức sống hạnh phúc, đa dạng thể loại kiến thức từ từ được ta học vào. 

Nhưng để có một đời sống tâm linh vững chãi, bền vững, trưởng thành ,mạnh khỏe, trẻ trung, thanh tịnh. Chúng ta cũng cần phải nuôi dưỡng tâm linh, thần thức của chúng ta bằng những món ăn đặt biệt bởi giáo pháp của Như Lai qua sự đồng tu, qua sự tu tập với nhau. 

Rất quan trọng các bạn! Nếu các bạn không ăn, các bạn sẽ bị hao mòn sức khỏe, không uống có thể từ từ đi tới sự chết. Và trong cuộc đời không tu dưỡng kiến thức, ta sẽ trở thành người đói nghèo kiến thức ở đời và đặt biệt quan trọng trong một kiếp người đó là đời sống của tâm linh mà không có đồng tu, không có tự tu, không có tinh tấn, siêng năng tu, ta đã bỏ quên đi một phần đời sống tối ưu quan trọng. Mà khi từ giả cõi đời này, thân này cho ăn bao nhiêu cũng phải trở về với đất, nước, gió, lửa, với bụi tro, với cát bụi. Tinh thần có học được bao nhiêu cũng tan biến, riêng chỉ có tâm linh, thần thức là tồn tại mãi mãi.

Hiểu được tầm quan trọng như vậy chúng ta hãy cố gắng tu với nhau. Vẫn luôn luôn phải biết rằng ở trên đời này sự học về tất cả các môn học là mênh mông vô tận khó ai có thể học hết. Nói chi là đến kiến thức của Chư Phật dạy cho chúng ta đi đến sự đại giác đại ngộ. Được dùng trong hai chữ của nhà Phật gọi là tận hư không, tận hư không, hư không. Kiến thức của Phật nó bao trùm tận hư không pháp giới học sao hết. Một chút xíu thôi, một pháp môn nhỏ thôi, có nhân duyên chúng ta cố gắng tinh tấn tu đã đủ để mang lại lợi lạc cho chúng sanh và cho chính chúng ta. Bởi vậy sự sách tấn tất cả mọi người tu học ngày hôm nay vẫn luôn luôn là sự ưu tư, quan tâm bậc nhất của tất cả. Những bậc xuất gia, cũng như những bậc tại gia, hoặc những con người hiểu được tầm quan trọng của đời sống tâm linh. Chúng ta quan tâm bởi thấy đó y như lời Đức Phật dạy, cứu cánh của cuộc đời  là đời sống tâm linh.

Bảo Thành hạnh phúc vô cùng bởi các bạn đã ghé ngang trang facebook chùa Xá Lợi livestreams và Youtube Thất Bảo Huyền Môn, để Bảo Thành gieo duyên cùng các bạn đồng tu. Đối với các bạn có nhân duyên nhất định chúng ta sẽ bắt kịp luồng từ trường tương thông, để nói sơ là dễ hiểu. Còn đối với các bạn không có nhân duyên, nhất định chúng ta cũng có phước duyên gặp nhau như một người bạn trong kiếp người. Các bạn thân mến, với thiền mật song tu Thất Bảo Huyền Môn, vẫn lấy và luôn luôn lấy hơi thở chánh niệm làm đề mục quán chiếu thường xuyên để thâu nhiếp tâm của mình không bị phan duyên, mông lung, toáng loạn, phóng giật, để quy về trong chánh niệm hơi thở đó như lời của Đức Bổn Tôn Thích Ca dạy. Để chúng ta tịch tĩnh an nhiên trong chánh niệm quán chiếu toàn diện thân tâm của chúng ta, biến hóa trong cùng sát na bởi dòng nghiệp thức nhiều đời lôi kéo. Đồng thời ta còn dùng mật chú Mu A Mu Sa như một lời pháp thệ nguyện thâm sâu, để đón nhận tha lực Phật điển, năng lượng từ bi, từ trường yêu thương của mười phương Chư Phật gắn kết với cuộc đời của chúng ta. Pháp môn vô lượng, pháp môn vô tận. Vô lượng, vô tận, ta học tùy theo nhân duyên. Cho nên nhất định ai có nhân duyên với thiền mật song tu Thất Bảo Huyền Môn, khi tu tập sẽ có một tâm thái an nhiên tự tại, chạy dài theo chiều dài chúng ta huân tu bản thân của mình. Và nhất định sẽ tiếp cận được với tha lực Phật điển, từ trường yêu thương. Thiền năng lượng, thiền mật song tu Thất Bảo Huyền Môn là chúng ta tiếp cận với năng lượng tự thể, tự lực, của tâm cầu đạo nhất như đi tới sự giác ngộ. Và tiếp cận với năng lượng của tha lực Phật điển, tha lực và tự lực dung thông hòa quyện, chỉ làm thành một chủ đề, một đề mục, một mục đích, để song hành với hơi thở chánh niệm chúng ta làm chủ tự thân, để thực tập đúng y như câu kinh Pháp Cú Phật dạy: “Tâm làm chủ các pháp”. Để tâm có thể làm chủ các pháp, ta nương vào đại hùng đại lực của tha lực Phật điển mười phương chư Phật và tự lực giác ngộ của chúng ta an trú trong chánh niệm hơi thở. 

Đây là một phương pháp để tu. Nhớ rằng cũng chỉ là pháp phương tiện và chỉ có thể độ cho người phù hợp nhân duyên mà thôi. Nhất định ai có nhân duyên, thiền mật song tu Thất Bảo Huyền Môn sẽ là chìa khóa mở ra một ngưỡng cửa mới cho tất cả các bạn có nhân duyên và Bảo Thành bước vào một khung trời cao rộng mênh mông vô tận của tư tưởng hiền triết Phật gia giác ngộ tới từ giáo lý chân truyền của Đức Phật qua tâm trải nghiệm, theo chánh kiến, chánh tư duy và chánh ngữ.

Nói đến chánh ngữ, các bạn sẽ hiểu từ từ qua đề mục các bạn gửi về hôm nay để Bảo Thành chia sẻ cùng với các bạn là “Luyện Nói Cho Người Nghe”. Và để chúng ta bắt đầu nghiên cứu phương pháp, luyện nói cho người nghe, người ta nghe để thương, người ta nghe để làm ăn, người ta nghe để giao dịch, người ta nghe để hài hòa, và người ta nghe ở trong gia đình để mang tới sự thái hòa, an nhiên, tự tại. Gia đình trên nói dưới nghe, dưới nói trên thương hòa hợp.

Các bạn, mời các bạn đặt bàn tay phải là bàn tay tượng trưng cho trí tuệ và lòng bàn tay trái tượng trưng cho từ bi. Chúng ta lấy từ bi và trí tuệ vận hành bảy biến chánh niệm hơi thở vi diệu âm Mu A Mu Sa

Các bạn hãy giữ thân cho vững chãi, nhẹ nhàng, buông lỏng, buông thư, hít thở đều đặn, an trú trong chánh niệm, thành tâm với tâm chân thành, thành kính đón nhận tha lực Phật điển tác động vào thân tâm.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải pha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực khai mở trí tuệ để cho chúng con tu luyện cách nói cho mọi người nghe. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra. Thở rất từ từ, hóp bụng vào quán chiếu thân, tâm trì mật chú Mu A Mu Sa. – 7 biến

Mô Phật! Các bạn hãy chú ý, khi chúng ta quá nóng thì phải tắt đi máy sưởi, tắt ngay đi còn không nó sẽ nóng và nguy hiểm có thể mang hại đến sức khỏe. Và khi chúng ta quá lạnh thì chúng ta cũng phải tìm cách làm sao giữ cho thân nó ấm vậy là đủ rồi, không cần phải làm gì nữa. Các bạn có nghe kịp không, không cần phải làm gì nữa. Chắc có lẽ các bạn chưa quen cách nói của Bảo Thành cho nên nhiều khi nói không làm gì nữa, mà cứ đi làm. Còn nói ngừng, thì lại đi làm, nói làm là ngừng. Cuộc sống chúng ta phải tập cách tự chủ, biết nói điều gì ta cần làm và biết nhắc nhở điều gì ta không làm. Tâm làm chủ các pháp là lời nói của Phật dạy.

Các bạn, tu luyện cách nói cho mọi người nghe đều là điều ai ai cũng mong muốn, bởi trên đời ai không muốn nói cho người khác nghe. Có ai lại đi nói cho người khác hoặc học nói cho người khác đánh đập, chê bai đâu. Đặt biệt, hôm nay Bảo Thành ngồi ở ngôi Đại Hùng Bảo Điện chùa Xá Lợi tiểu ban Pennsylvania ngày 3 tháng 11 năm 2020. Một ngày nắng ấm chan hòa thật là đẹp ở ngoài kia, vào những ngày cuối của mùa thu lá đã vàng rụng rồi. Lấy ý của mùa thu đang dần ra đi nhường bước cho mùa đông và những chiếc lá cuối cùng rồi cũng rụng xuống để ngủ quên trong ba tháng mùa đông, khi nắng ấm mùa xuân tới trổ mầm, trổ hoa, kết trái. 

Con người qua từng giai đoạn, có những lúc chúng ta phải như cuối thu, sẵn sàng để rụng rơi đi tất cả, những gì gọi là cuối mùa, không phải là quê mùa nha các bạn, cuối mùa. Để chuẩn bị tinh thần, nội lực cho thâm hậu, dồn sức vào cho một sự sống mới, ngấm ngầm trong mùa đông, khi xuân tới trổ mầm, kết hoa, thật đẹp cho cuộc đời. Trong dân gian, những con người bình thường như Bảo Thành và các bạn, lao động và chúng ta tương tác hàng ngày, có các bạn làm công nhân, nông dân hoặc những người văn phòng, hay những người làm thương mại cần phải được tiếp xúc với khách hàng. Ngày nay, từ mà được ứng dụng ở Việt Nam thường xuyên bằng ngôn ngữ mỹ gọi là Marketing, tức là ngôn ngữ giao tiếp để tạo nên sự thuận lợi tương ưng trong mối giao hảo tương tác. Và dĩ nhiên trong cuộc đời từ xưa xưa lắm rồi, ai ai cũng mong sao mình nói cho nó trôi chảy, văn chương ngôn ngữ cho nhiều, và nó đạt ý, diễn đúng những điều ta muốn nói và phù hợp với tai của người nghe, đi tới đâu nói ai cũng thương. Cách nói mà ai cũng thương, ai cũng mến, nói ai cũng có thể nghe được, chắc có lẽ Bảo Thành và các bạn đã kinh nghiệm rồi, chỉ có một số bạn nào đó, có thiên tư, năng khiếu sinh ra vốn đã khéo ăn, khéo nói từ trong bụng mẹ, những người đó nói ai cũng thương. Nhưng cũng có những người từ trong bụng mẹ lọt lòng ra lớn lên, nói ở đâu người ta cũng ghét. Chuyện đó ta không có bàn tới, ta chỉ bàn tới chuyện mà thật sự ai cũng thích muốn nói cho hay. Bởi vậy, ở trong các học đường, ở trường học, ngày nay người ta đào tạo cho học sinh có những môn văn  khoa, học ăn, học nói, học diễn thuyết. Và đặt biệt, ở trong các môi trường giao tiếp những người đứng đầu về những ngành sản xuất, công nghiệp hoặc những sản phẩm mới cần phải được đào tạo để giới thiệu sản phẩm. Những người đứng đầu trong các hội, trong các nhóm, trong chính quyền, trong các tổ chức tôn giáo, lãnh đạo tinh thần, đều học cách nói để làm sao chuyển tải thông điệp của chân lý tới cho mọi người. Đó là cái chung chung ai cũng cần phải đào tạo, không ai sinh ra mà biết nói ngay được. 

Tuy nhiên, ở trong dân gian, đối với những con người rất là bận rộn, hoặc là những con người dục tốc, muốn thành công thật là nhanh, đốt cháy giai đoạn tự tu luyện, tu luyện để nói cho mọi người nghe, không muốn tu luyện nói cho mọi người nghe, không muốn tu luyện đúng pháp, đúng phương thức, đúng cách, đúng kiến thức ở đời của con người và kiến thức Phật pháp, giáo lý uyên thâm của các tôn giáo. Nhưng mà muốn, muốn vô cùng, muốn nói để cho mọi người nghe, muốn thành lãnh đạo hoặc muốn nói để cho mọi người có thể như là khách hàng tới mua hàng của mình, đây bắt đầu đi vào chỗ nói cho khách nghe, khách mê, khách thích, để mua sản phẩm của chúng ta. Điều này đã ngấm ngầm trong dân gian từ bao nhiêu thế kỷ qua, từ đó mới trở thành cách người ta luyện bùa để nói cho nghe. Bởi vậy các nhà buôn, nhà bán, bán hàng, bán quán, bán tiệm nè, kinh doanh nè, chạy ngược, chạy xuôi đi thỉnh các pháp bùa của các vị thầy bùa để về đặt ở trong tiệm, nhét ở trong cái ví, cái bóp mang trong người, để trong các mối giao dịch nói cho mọi người nghe, để mang lại lợi nhuận nhiều, nhiều, nhiều, để có tiền nhiều. Điều này có không các bạn, có. Đi một vòng trong dân gian, ngoài chợ thiếu gì. Rồi người ta còn đi thỉnh ngải nói, người ta trồng ngải nói, ngải quyến rũ. Ngãi nói cho người ta nghe, ngãi kéo khách, có. Chúng ta cứ đi một vòng ở những chợ lớn, chúng ta cứ đi một vòng ở những thành phố lớn của người Việt sống, ngay bên mỹ như Cali, tất cả các thành phố lớn hoặc là ở Việt Nam chúng ta. Tất cả các gian hàng buôn bán đá quý, vàng bạc, tiệm ăn hoặc những nơi giao dịch thương mại đều đi thỉnh ngãi đặt ở đó, thỉnh bùa, thỉnh phép, để nói cho nó có lợi, để mua một, mà nói người nghe bán được mười, được một trăm. Con người mà, rồi từ đó nó lại đi tới cái ngải, cái bùa nói, để bán cho khách. Cái ngải, bùa nói để mà lợi lạc cho tình, để ru tình, khuyến tình, dụ tình. Rồi cái bùa, ngãi nói, để mà làm đủ thứ hết. Nếu mà nói về ngũ dục thì nói để cho có lợi về tiền, về danh, về vọng, về tình, về nhà cửa, và nói để lừa gạt người khác. Cho nên, trong xã hội ngày nay chúng ta cứ nói bùa mê thuốc lú, bị nó nói, rồi lột tiền ra đưa hết, rồi bắt đầu lột dây chuyền, vòng vàng, bạc đưa hết, nhà cửa sổ đỏ cũng đưa, khi tỉnh rồi thì mất hết trơn, cuối cùng chỉ nói, nó dùng bùa ngải, bùa mê thuốc lú, nó nói làm sao tui lú hết rồi. Có, có dạng thuốc mê, ngày nay người ta không dùng bùa ngải, thuốc mê, nó nhanh hơn, quệt một cái là ngửi mê rồi lấy gì cũng được. Đó là dạng thuốc mê ngày nay sử dụng thật là nhiều. Ngày xưa, cũng có, bùa ngải, bùa mê, nói cho nghe.

Các bạn mà đi bán hàng đó, các bạn mà tiếp khách, giao dịch đó, làm ăn lớn, ký hợp đồng nhiều tiền. Hầu hết các ông lớn và bà nhỏ ngày nay, hoặc là ông nhỏ bà lớn ngày nay, có quyền lực, tiền tài, danh vọng, địa vị trong thế gian hoặc những người đang mưu cầu cái sự gọi là thành đạt trong hai chữ hấp dẫn là đại gia, tỷ phú. Đều sử dụng bùa ngải, phép phong thủy, rồi cách này cách kia để luyện nói cho mọi người nghe. Có hết, có hết. Dân gian nó truyền ngầm ở dưới bàn, nó truyền ngầm ở trong tay, nó ngấm ngầm ở trong đầu.

Nhưng các bạn có biết không, tất cả những phương thức như thế điều tổn hại phước báu. Và tất cả các thầy bùa, thầy ngãi hoặc những con người không phải bùa ngải, dùng thuốc mê thuốc lú, làm cho người ta lú lẫn lấy tiền lừa gạt. Hoặc dựa dẫm trên những phương thức như thế để gọi là tu luyện nói cho mọi người nghe làm lợi dưỡng cho danh vọng tiền tài, cho quyền lực, tình cảm, chiếm đoạt tiền tài, danh vọng và thân xác của người khác đều tổn phước báu, đọa địa ngục, không những một đời của họ, và đời cha ăn mặn đời con khát nước, thấy thật là rõ. Con cái dòng tộc, toàn là những thần thức tái sanh về oan gia trái chủ, sinh làm con, làm cha, làm mẹ, làm vợ, để rồi đày đọa, đau khổ vô cùng. Điều đó, người Phật tử học pháp của nhà Phật phải từ bỏ và không bao giờ mường tượng suy nghĩ tới.

Như vậy thì luyện nói cho mọi người nghe đúng nghĩ của nhà Phật là cách gì. Hồi xưa, một trong đệ tử giỏi nhất của Phật về thần thông, đó là ông Mục Kiền Liên. Ôi chu cha, ông này là đệ nhất thần thông, thời đó ông Xá Lợi Phất và ông Mục Kiền Liên thường được Đức Phật uỷ thác cho đi giáo pháp và giáo truyền, giảng pháp cho Phật tử thay mặt cho Phật. Và ông Mục Kiền Liên thường hay dùng thần thông, bởi vì thần thông ông hay dùng do tu luyện pháp của nhà Phật giúp cho ông nói cho mọi người nghe thật là dễ, cho nên có lợi thật là nhiều. Và ông ta nói tới đâu người ta nghe tới đó, cho nên trôi chảy, suôn sẻ, lời nói hấp dẫn, nghe nó có hấp lực. Thế nhưng, thần thông mà ông ta nói cho người ta nghe pháp, nói cho người ta thích, người ta mến mộ đó, cũng chẳng thể chuyển được nghiệp chướng của ông ta. Vậy nên, ông ta đã bị đọa đầy thật là nhiều, và chính thần thông có đó vẫn  bị người ta bắt hại, hãm hại. Thần thông nói cho người ta nghe, thần thông có thể làm được nhiều việc, nhưng mà chính ông ta cũng không thể chuyển hóa được nghiệp của tự thân, khi nghiệp nó trổ quả phải đón nhận và cũng chẳng thể cứu được mẹ là bà Thanh Đề dưới địa ngục.

Nói đến chữ thần thông của Mục Kiền Liên đệ nhất mà chẳng làm lợi lạc gì cho tất cả, ngoại trừ pháp của nhà Phật, thì nói đến bùa ngải, mà nói cho người khác nghe lợi dưỡng trước mặt, nhưng mà tổn phước báu toàn thân, toàn diện, mất hết. Để rồi chúng ta sẽ bị khổ đời đời, kiếp kiếp, không phải đợi đến tái sanh kiếp sau mà ngay trong kiếp này, ngay trong kiếp này sẽ bị khổ. Bị tù đài, bị đọa, bị bắt, bị mất quyền, mất chức, mất tiền, mất tài, mất nhà, mất cửa, mất tất cả, gia đình hoang phế. Thật là nhiều người sử dụng cái đó, gia đình đã bị hư hại, con cái nói không nghe, rồi mở cửa, bởi vì ta dùng bùa, dùng ngải, dùng những tà pháp để mà luyện nói cho người khác nghe. Nên mở cửa cho diêm vương, cho binh gia, thần tướng đi vào phá hoại gia đình của chúng ta, cho âm binh, cho hương linh, cho cõi âm nó vào. Âm tức là sự chướng ngại, nó tràn vào như nước lũ, như đại hồng thủy sao có thể thoát được.

Hôm nay Bảo Thành nhắc thật là rõ cho các bạn được thấy Đức Phật cũng dạy cho các bạn cách tu luyện nói cho mọi người nghe. Nói cho mọi người nghe, nói cho mọi người thương, cho mọi sự tương tác ở đời, về kinh tế, về gia đình, về xã hội, về sự mà chúng ta sống ở trên đời. Nếu các bạn tu đúng, và luyện đúng cách của Phật, thì chắc chắn các bạn sẽ là người hảo ngôn ngữ, tức là biết nói đa ngôn ngữ, ai cũng thương, ai cũng mến hết. Phật không bao giờ nói dối, phương pháp của Ngài là phương pháp thượng thừa, tối ưu, bởi Phật là đệ nhất mà, là bậc Thầy tột cùng cao siêu, giác ngộ. Dĩ nhiên, phương tiện giáo pháp Ngài dạy cho chúng ta phải là phương pháp tối ưu đệ nhất, không còn phương pháp nào có thể so sánh được, nhưng nó không có tổn phước báu mà còn tăng trưởng pháp báu

Một cách tu luyện nói cho người nghe, không tổn hại phước báu mà tăng trưởng phước báu. Chỉ suy nghĩ tới đó thôi, chúng ta cũng nghiêng về lời của Phật dạy rồi, bởi nó có lợi cả hai phải không các bạn.

Thứ nhất là lời nói cho mọi người nghe, thương mến mình, trong giao dịch, trong làm ăn, trong tương tác, trong cuộc sống của gia đình, trong sự hài hòa của xã hội, của thôn xóm, của cộng đồng, của tôn giáo, của bạn bè, của nhóm mà còn tăng trưởng phước báu cho mình, cho gia đình, và cho cộng đồng, xã hội, nhân sinh. Ôi cha, tuyệt vời, tuyệt vời, còn cái cách bùa, cách ngải, cách phù thủy, cách phong thủy, học bùa, gọi là bùa mê thuốc lú, thứ này, thứ kia đó, tổn hại phước báu, sức khỏe, tinh thần. Rồi thân sẽ bị đọa vào tù, truất phế hết, gia đình tan nát. Cho nên, hãy từ bỏ cách tà thuật kia đi, mà đi vào con đường chánh pháp của đức Phật Bổn Sư dạy. Ở trong Bát Chánh Đạo, chánh kiến, chánh tư duy và chánh ngữ. 

Chánh ngữ là phương pháp tu luyện tuyệt vời nhất, siêu thế nhất, để cho Bảo Thành và tất cả các bạn có thể luyện thành công cách nói cho mọi người nghe để tăng trưởng phước báu, cho mình và cho muôn người. Chánh ngữ, đơn giản. Như vậy thì chánh ngữ là gì? Cả cuộc đời Đức Phật khi Ngài giác ngộ dạy cho chúng ta tám con đường thánh chứng đắc đạo quả, một trong tám con đường thánh đó gọi là chánh ngữ. Chánh ngữ là cam lồ, là nước, sự sống, nước hằng sống tưới tẩm vào cuộc đời làm tươi mát và làm thanh tịnh tinh thần, thể chất của chúng ta. 

Cho nên, chánh ngữ đã gọi là chánh ngữ, thì chúng ta có bốn cách nói cần phải không bao giờ được phép cho mình thực hiện.

Cách nói thứ nhất, tức là không bao giờ được sử dụng những ngôn ngữ thô bỉ, thô ác. Tác hại đến thân xác, tinh thần và đời sống tâm linh của những người chung quanh ta và tới bản thân của chúng ta.

Những lời thô ác, thô bỉ là những lời nhục mà người ta, chửi bới người ta, những ngôn ngữ tục tằng, những ngôn ngữ xé lòng, nát tim. Những ngôn ngữ mà hại não, đau đầu. Những ngôn ngữ mà người nghe chỉ một giây, một thoáng là đầu bạc, chân run, mặt mày tái mét, rụng rời xương cốt té xuống chết ngay. Có, có những cách nói thô ác như vậy. Thì trong mối quan hệ của cuộc đời giữa ngay trong gia đình và xã hội, giữa sự tương tác về nhiều mặt, người con Phật học chánh ngữ không bao giờ cho phép mình sử dụng những ngôn từ thô ác, bẩn thiểu, thô bỉ, nghiêm cấm bản thân. Nếu các bạn sử dụng những ngôn ngữ đó nó còn độc hại hơn là thuốc độc, tự giết chết người và tổn hại đến ta. Cho nên, không được sử dụng những ngôn ngữ thô ác.

Thứ hai là không được sử dụng những ngôn ngữ chia rẽ, chia rẽ giữa cha mẹ với con, giữa vợ chồng, giữa con cái, giữa thân bằng quyến thuộc, bạn bè và những người thân. Ngôn ngữ mà chia rẽ này chúng ta sử dụng nhiều lắm, nhất là các bạn trẻ và các bạn già như Bảo Thành. Chúng ta trẻ hay là già không có lệ thuộc tuổi tác đâu, đã là con người thì Bảo Thành và các bạn luôn luôn sử dụng ngôn ngữ chia rẽ để có lợi cho mình, để mình có thêm bạn, thêm người, thêm quyến thuộc, cách nói này Bảo thành và các bạn sai lầm nhiều kiếp rồi và trong kiếp này cũng lập đi, lập lại hoài. Ta thích nói để chia rẽ, để có lợi cho ta. Một người tới mua hàng của ta, nếu ta là người buôn bán, thì cứ phải nói những sản phẩm của người khác bán, đối lập với ta hoàn toàn, là xấu, thậm chí còn nói xấu người đó để có lợi cho chúng ta. Và trong mối tương giao hàng ngày, ta còn nói chia rẽ người ta với người này để ta có thêm bạn, thêm tiền, thêm tình, thêm quyền lực. Từ trong gia đình ta cũng đã nói chia rẽ, giữa anh chị em với nhau, giữa cha mẹ, vợ chồng, để rồi tan nát. 

Ở xã hội, con người với con người luôn luôn nói chia rẽ để tăng quyền lực cho chúng mình, để tăng phe nhóm của mình, đảng phái của mình, để cho mình được mạnh. Và không hẳn là chỉ ở xã hội đâu, trong các góc giáo đường, thiền đường, tịnh xá, am thất, trong tất cả các cơ sở tôn giáo hoặc các nhóm vẫn luôn luôn có những con người nói sự chia rẽ. Bởi vậy, Đức Phật dạy, một trong năm tội ngỗ nghịch là không được nói chia rẽ tăng đoàn.

Nói đến tăng đoàn ở đây tức là nói đến tập thể sống hòa hợp. Khi có một tập thể hòa hợp từ trong gia đình như vợ chồng con cái hòa hợp với nhau, chúng ta như những người ngoài không thể nói những lời chia rẽ để cho vợ chồng có thể ngăn cách, khi mình phá gia can, chia rẽ gia đình người ta, tội này đọa vào địa ngục. Cho nên, cách thứ hai là không bao giờ được sử dụng những ngôn ngữ dưới mọi hình thức mang tính cách chia rẽ người với người, vật với người, thiên nhiên với con người. 

Đừng nói con người với con người đâu, đôi khi ở nhà người nào đó trồng một cái cây thật là đẹp, hoặc một cây cổ thụ đẹp lắm, hoặc một cây gì đẹp lắm, ta vô tình nói: “Ơi, cây này đặt không đúng chỗ, cây này nó chướng khí, cây này, cây kia” Thế là chúng ta nói chia rẽ giữa con người và cây đó. Ngày mai tới cây bị đốn rồi. Một lời nói mà cây cả hàng trăm năm, mấy chục năm, đốn hết.

Chúng ta thấy không, có những con đường có hai hàng cây cổ thụ, cả trăm năm, hai trăm năm, ba trăm năm, một lời nói thôi người ta đốn hết những hàng cây đó, lời bởi vì những lời nói chia rẽ giữa người và vật mang lại lợi ích cho họ. Nhất là đốn cây xuống bán cây cũng có tiền. Thứ hai, ôi cha đủ mọi thứ hết.

Bởi vậy, ngày nay chúng ta về những thành phố lớn, còn đâu những hàng cây lớn che bóng mát như thuở xưa ta từng đi dưới hàng đó, hết rồi. Cho nên ngôn ngữ chia rẽ, giữa con người với con người, con người với vật, rồi con người với thiên nhiên. Ngôn ngữ chia rẽ này nó tàn phá thiên nhiên, nó tàn phá sinh linh, vạn vật, nó tàn phá tình cảm con người với con người. Có những người nuôi những con thú cưng vô tình gặp kẻ này, người kia nói chia rẽ, ngày mai nó nằm ngoài chợ rồi, bán để cho người ta làm thịt rồi, tội nghiệp, tội nghiệp. Lời nói chia rẽ người con Phật phải ngừng ngay. 

Đó là thứ hai, thứ ba là nói dối, nói đâm thọc, rồi bây giờ nói dối. Đức Phật nói, có nói có, không nói không, như vậy mới xây dựng được năng lượng của phúc báu. Chúng ta nói dối nhiều lắm, người ta nói đằng đông, mình nói đằng tây, nghe chỗ này, thọc chỗ kia, quả bí chỗ này gửi tới chỗ khác thành quả bầu, quả bầu chỗ này mang gửi chỗ khác, ôi cha không biết thành quả gì nữa. Để rồi cuối cùng, cuối cùng là gì, sự chân thật trong cuộc đời không còn, nói dối rất quan trọng. Cũng là giới thứ tư không được nói dối. 

Phương pháp thứ tư nữa là không được nói những chuyện vu vơ không có lợi ích, gọi là nói tầm xàm, nói tào lao mà tiếng bây giờ người ta hay dùng, hình như nó trở thành thuật ngữ ngọt ngào như là trà sữa vậy đó, thơm lắm, ai cũng rủ nhau đi uống trà sữa. Cách nói này gọi là tám, tức là thị phi đó. Nói chơi, nói giỡn, tưởng rằng không có tai hại nhưng trong nhà Phật tám nhiều quá nó thành tàm, tầm phào đó các bạn, rồi nguy hiểm, hại thân, tổn phước. Cho nên trong nhà Phật để luyện nói cho mọi người nghe bằng chánh ngữ, thì tránh tà ngữ là ngôn ngữ của gì? Thô ác, thô bỉ, ngôn ngữ của chia rẽ, ngôn ngữ của nói dối, ngôn ngữ của cách vu vơ, thị phi, tào lao. Chấm dứt bốn thể loại ngôn ngữ này thì bắt đầu vào quy trình phương thức, công thức hay nói đúng hơn tu luyện một cách tuyệt mật chân truyền của nhà Phật dạy. Ái ngữ chân truyền, gọi là chánh ngữ. 

Điều thứ ba, nhưng chánh ngữ đó cần phải phối hợp với một trong Bát Chánh Đạo nữa, Bát Chánh Đạo thứ cuối cùng đó gọi là chánh niệm. Chánh ngữ phải trong chánh niệm của đời sống. 

Bởi vì, nhiều người nói chánh ngữ như là của khổng tử, của lão tử, mà những đạo xưa người ta dạy đó. Trung ngôn nghịch nhĩ, tức là lời nói thật nhưng gọi là chánh ngữ, nhưng mà nó nghịch nhĩ, khó chịu. Chánh ngữ của nhà Phật phải là chánh ngữ trong chánh niệm thì mới đúng thời, đúng pháp, đúng nơi, đúng chỗ, thì nhất định các bạn nói ra thì tam thiên, đại thiên, thế giới điều lắng nghe các bạn hết, chứ không hẳn là chỉ có chúng sanh và con người đâu. Cho nên để tu luyện thành công phương thức nói cho mọi người nghe đúng theo pháp của nhà Phật, mà không cần dựa dẫm vào bùa ngải, bùa mê, thuốc lú, phong thủy hoặc những cách này, cách kia, của dân gian truyền để ta tu luyện tổn phước hại người, và rồi có thể đọa vào địa ngục. Thì chúng ta hãy theo Phật tu theo đúng Bát Chánh Đạo, phối hợp giữa chánh ngữ và chánh niệm. 

Chánh ngữ là gì? Là những lời nói ái ngữ nhẹ nhàng không tổn hại đến người khác và mình, không chia rẽ người khác và mình. Mang những sự chân thật trao truyền cho nhau và không nói những chuyện làm cho người khác cảm thấy chỉ nói mà thôi, cho nên đó gọi là chánh ngữ. Và chánh ngữ này phối hợp trong chánh niệm của hơi thở nó tăng trưởng sức mạnh để lời nói của mình muôn loài đều nghe, bởi nó khởi lên từ những thuật âm, pháp ngữ của nhà Phật trong chánh ngữ của chánh niệm đời sống. 

Người biết ứng dụng chánh ngữ trong chánh niệm đó chính là người đang tu luyện cách nói cho mọi người nghe. Âm binh thần tướng, vong linh quỷ thần, các bạn mà nói đúng chánh ngữ trong chánh niệm rồi, một lời của các bạn nói ra nó nặng ngàn cân. Và muôn chúng sanh đều có thể nhập vào trong bản tánh chân như đón nhận và đi vào sự tịnh tĩnh an vui. 

Cho nên hôm nay đề mục các bạn gửi về cho Bảo Thành chia sẻ “Luyện Nói Cho Mọi Người Nghe”. Chúng ta đã thấy rõ được lợi hại, cách luyện nói của đời bằng bùa, bằng ngải, ngải nói, bùa nói, mà những người thương gia, làm ăn thích lắm và ngày nay các cô gọi là cậu ấm, cô chiêu, thường sử dụng những cái này, đi qua bên Thái Lan, bên Miên, bên Lào, các nước đó đó họ sử dụng bùa nói, ngãi nói, để làm ăn. Ôi, trên mạng thì nhan nhãn, quảng cáo, chỉ cần một pháp bùa này, nuôi ma con, nuôi ma già, nuôi ma trẻ, rồi bùa này, ngãi kia, nói nó lợi làm ăn thành công. Cho nên những ông lớn đổ dồn đi mua, thỉnh, những người buôn bán thỉnh mà có được đâu. Lâu lâu lại nghe tin ông đó, bà đó bị tù rồi, bị xử bắn, rồi tịch thu tài sản, rồi tán gia bại sản, vợ chồng tan nát, con cái chẳng thành công. Có, là bởi vì đắm chìm trong những tà ma, tà thuật đó. Mà Đức Thế Tôn, Ngài Bổn Sư đã dạy cho chúng ta phương thức tu luyện cách nói tột cùng cho mọi người nghe, thương, tăng trưởng phước báu ta lại không học.

Bảo Thành nhắc lại, Đức Phật là vị Thầy của trời, người. Ngài có đầy đủ nghệ thuật và phương pháp giáo dưỡng cho chúng ta thành công trong cuộc đời, tăng trưởng phước báu, lợi cho cuộc sống của nhân và thiên, tức là của con người và thiên trúc. Cho nên, các bạn nghe đúng lời Phật các bạn sẽ thành công, tăng trưởng phước. 

Các bạn nhớ, chánh ngữ hòa quyện với chánh niệm của đời sống thì ngôn ngữ của các bạn là ngôn ngữ của người có đức hạnh. Ngược dòng thời gian vẫn có thể lưu truyền tới cho ngàn đời con cháu của chúng ta. Đó là cách nói tuyệt vời, theo phương thức tu luyện chánh ngữ của Đức Bổn Sư đã dạy cho chúng ta.

Mời các bạn, đặt bàn tay phải tượng trưng cho trí tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho từ bi, ta vận hành bảy biến vi diệu âm.

Chúng con nguyện, mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực khai mở trí tuệ để cho chúng con tu luyện thành công, cách nói của chánh ngữ trong chánh niệm hơi thở cho mọi người nghe bằng chánh ngữ trong chánh niệm đời sống. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở rất từ từ hóp bụng, quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa. – 7 biến

Mô Phật! Các bạn, thời xưa, một trong hai đệ tử bậc nhất của Chư Phật đó là ông Mục Kiền Liên thần thông rồi, còn có người đại trí, giỏi lắm đó là ông Xá Lợi Phất, hai người này là huynh đệ với nhau. Lúc đó Chư Phật còn ở miền Bắc của Ấn Độ, bắt đầu nam tiến về miền Nam kinh thành của Ấn Độ. Ông Xá Lợi Phất là người miền Nam, ông Cấp Cô Độc gợi ý tặng cho Phật một mảnh đất lớn ở kinh thành trong rừng cây của Thái tử Kỳ Đà. Phật không có đi bởi Phật là bậc đạo sư. Nhưng để chọn hàng đệ tử ai là người khéo ăn, khéo nói để nói cho ông Kỳ Đà và ông Thái tử Cấp Cô Độc này sẵn lòng bỏ ra tất cả với tâm thành kính, để thành lập nên Tịnh Xá Kỳ Viên ở đó, ở nơi Kinh Thành trong vườn cây của rừng cây đó đẹp tuyệt mỹ của Thái tử. Phật đã chọn ông Xá Lợi Phất. Ông Xá Lợi Phất là người có kiến thức của Phật học uyên thâm, có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, luôn luôn sống chánh niệm. Cho nên, lời nói của ông ta có oai lực, để người khác trải lòng hợp tác, làm việc đúng với chánh pháp. Vậy nên, từ miền Bắc, ông Xá Lợi Phất đã đi theo ông Cấp Cô Độc về miền Nam gặp ông Thái tử Kỳ Đà nói chuyện. Và sẵn sàng hiến cúng mảnh đất nơi chùa Kỳ Viên thời đó. Ông Xá Lợi Phất nói đến mức mà ông Cấp Cô Độc có biết bao nhiêu là vàng trải ở trên rừng để mua đất và rồi ông thái tử Kỳ Đà phải trải lòng ra để hiến cúng mảnh vườn đó, lập nên ngôi chùa đầu tiên là Tịnh Xá Kỳ Viên để đón mời Đức Phật từ miền bắc của Ấn Độ trở về miền Nam kinh thành, giáo hóa chúng sanh thời đó. Ông Xá Lợi Phất không dùng bùa, chẳng dùng ngải, chẳng dùng những thuật chú, tà pháp, chẳng dùng bùa mê, thuốc lú, nhưng dùng chánh ngữ trong chánh niệm hơi thở. Cho nên có oai lực mà Tịnh Xá Kỳ Viên không hẳn ông Cấp Cô Độc và ông Kỳ Đà cúng dường, mà chư thiên, chư thần, ở miền Nam Ấn Độ thời đó cũng phải quy phục trước oai nghi của Đức Bổn Tôn Thích Ca qua lời nói của ông Xá Lợi Phất. Nếu các bạn học theo chánh pháp của nhà Phật, hai điều trong Bát Chánh Đạo gọi là chánh ngữ và chánh niệm đời sống thực tập cho đúng, các bạn sẽ trở thành ông Xá Lợi Phất hiện tiền trong thế gian này. Nơi gia đình để nói, nói cho chồng, cho vợ, cho cha mẹ, con cái nghe. Để hy sinh cả cuộc đời cho những điều chân thiện mỹ, sống hòa hợp, tương giao, mãn đời không bao giờ chia rẽ.

Ta chẳng cần thành ông Xá Lợi Phất để giỏi giang kinh điển của nhà Phật. Cũng cần đó, nhưng mà hiện tại, các bạn là những người Phật tử tại gia phải trở thành gương của một ông Xá Lợi Phất trong gia đình, mang lại sự hòa hợp, nói cho chồng nó thương suốt cuộc đời, nói cho vợ thương suốt cuộc đời, nói cha mẹ nghe mà tăng long phước thọ, cha mẹ nghe mà có thể tăng được tuổi thọ, tăng được lộc, tăng được phúc, nói cho con cái có thể thành công, đó mới gọi là Xá Lợi Phất trong đời thường tại tư gia chúng ta. Để trở thành ông Xá Lợi Phất tại nhà, cái này ông, nhưng mà trong đó cũng có bà, nhưng mà gọi danh từ là ông, tức là trở thành một Xá Lợi Phất, không hẳn chỉ là ông mà là bà nữa, tức là cả phụ nữ, cả đàn ông đều có thể trở thành gì? Tinh thần và kiến thức uyên thâm của Ngài Xá Lợi Phất trong gia đình để bảo vệ hạnh phúc của gia đình, của xã hội và của cộng đồng nhân sinh sống chung với nhau. Bằng cách thực hành chánh ngữ trong chánh niệm hơi thở, xã hội sẽ thái bình, sẽ có hòa bình, gia đình sẽ hạnh phúc, an vui. Cha mẹ sẽ trường thọ, vợ chồng sẽ chung thủy, con cái sẽ thành danh và thành tài, có đức hạnh.

Các bạn, các bạn đã gửi đề mục tuyệt vời trong một khuôn khổ thời gian có giới hạn. Bảo Thành chia sẽ như vậy, chắc chắn các bạn nghe, hiểu được và tin rằng các bạn có đủ nhân duyên để suy nghĩ, thực hành đúng lời chia sẻ ngày hôm nay. Để Bảo Thành và các bạn, chúng ta trở thành ông Xá Lợi Phất, mang lại lợi lạc, khéo ăn, khéo nói, cho mọi người nghe, thông được tất cả, ngay trong gia đình, trong sự gọi là tương tác sống của gia đình để vợ chồng chung thủy yêu thương, con cái học thành tài, thành nhân, cha mẹ tăng long phước thọ, cho bạn bè gắn thêm tình thâm, trong công ăn việc làm hanh thông, trong xã hội, không gây ra chiến tranh, trong tình bạn luôn bền vững, và cho mọi người, mọi vật, mọi hoàn cảnh đều sống dung thông hòa hợp với nhau. Cám ơn các bạn đã nghe. 

Mời các bạn đặt bàn tay trí tuệ, tay phải vào lòng bàn tay trái từ bi, ta lấy trí tuệ và từ bi chúng ta tiếp tục bảy biến chánh niệm hơi thở vi diệu âm Mu A Mu Sa.

Các bạn nhớ, hít sâu, thở sâu là một phương pháp dưỡng khí tuyệt vời, rất tốt cho sức khỏe. Ngoài vấn đề tu tâm, ta còn dưỡng khí, dưỡng thần, để tu thân cho khỏe. Cho nên hít sâu thở sâu trong chánh niệm là một điều rất tuyệt vời. Các bạn nhớ, kích hoạt thần kinh, não bộ, lưu thông máu huyết, kích hoạt các huyệt đạo, luân sa là chuyện bình thường. Bởi vì, theo y học, người ta đã tìm ra con người có năng lượng ở bên trong, máu cần phải lưu chuyển mang oxy và sự sống tới các tế bào. Và máu có lưu chuyển tốt đẹp hay không, đầy đủ oxi hay không, rất cần hơi thở. Và nếu như kích hoạt được các huyệt đạo trên châu thân để làm giàu sức sống cho cơ thể, đó là sự vận hành tự nhiên của thân. Kích hoạt được các luân sa để mà đã thông được kinh mạch, mang dưỡng khí oxy đi sâu vào trong máu tới các tế bào là phương pháp dưỡng sinh rất tốt. Đây là đúng chánh khí, chánh pháp, bởi tất cả chỉ là phương tiện. Ở đời rất cần thân, thân phương tiện vi diệu, cần phải dưỡng, hít sâu, thở sâu, trong chánh niệm hơi thở. Trực tiếp được năng lượng của trời đất, của con người, dung thông với tha lực, từ trường yêu thương của Phật, và tự lực giác ngộ. Cho nên khi hít thở, các bạn sẽ cảm ứng được với năng lượng. Mời các bạn.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực khai mở trí tuệ, để cho chúng con tu luyện thành công chánh ngữ trong chánh niệm hơi thở. Hít vào bằng mũi, đưa xuống bụng, phình ra. Thở rất từ từ, hóp bụng vào quán chiếu thân, tâm trì mật chú Mu A Mu Sa. – 7 biến

Mô Phật! Mật chú Mu A Mu Sa có nghĩa là nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển tới muôn loài chúng sanh. Và trong hơi thở thật là sâu xuống dưới luân sa số một, đan điền khí hải vùng dưới rốn và xương cùng của chúng ta. Nó kích hoạt năng lượng trong huyệt đạo, tăng trưởng sức mạnh để cho các đại huyệt, kinh mạch, luân lưu phù hợp, mang đầy đủ oxy dưỡng khí và trong máu nuôi đến từng tế bào cơ thể của chúng ta. Ai trong cuộc sống cũng cần chăm sóc sức khỏe cho mình, trong khi đang tu luyện tâm thanh tịnh, không thể bỏ quên thân này như một pháp khổ hạnh tìm tâm. Như đi qua sông không có thuyền dễ bị chết đuối.

Cám ơn các bạn đã nghe, đồng tu cũng đã xong. Mời gọi các bạn chắp tay vào để chúng ta hồi hướng công đức ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa!

Con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. 

Chúng con đồng nguyện Đức Bổn Sư và mẹ đại từ đại bi Quan Thế Âm thương đến người dân miền Trung của chúng con mà ban rải cam lồ tịnh thủy khai mở lòng bao dung của muôn người hướng về Miền Trung giúp đỡ cho người dân vượt qua tai nạn, thiên tai, bão tố hiện tại. Đồng hồi hướng tới các nguyên thủ các quốc gia thành lập được chính sách hòa bình cho thế giới. Để không còn chiến tranh, chết chóc. Nguyện cầu cho các nhà khoa học gia, ngành y, ngành dược tiến bộ nhanh và phát triển được vắc xin (vacxin) thuốc trị đại dịch. Nguyện cầu cho các bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên, cứu trợ, cứu tế trên thế giới và chữa lành tất cả các bệnh nhân. Và chúng con cũng đồng hồi hướng cho các vong linh tử vong trong bão lụt ở miền Trung và trên thế giới được sanh về cõi tây phương cực lạc. Con xin chư Phật mười phương từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn