Bé Thắm đánh máy, Bảo Minh biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, đại chúng các bạn đồng tu ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh facebook Chùa Xá Lợi livestream. Đã tới giờ chúng ta đồng tu, mời các bạn chúng ta cùng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Mu A Mu Sa. Chúng con nguyện mười phương Chư Phật, ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Chúng con cũng đồng nguyện xin Chư Phật thương đến người dân miền Trung của chúng con đang lâm cảnh bão tố, lũ lụt, đói rét và khai mở lòng từ tâm của tất cả mọi người con xa gần, biết nới rộng vòng tay yêu thương trợ giúp cho người dân miền Trung. Xin Chư Phật chứng minh lời nguyện của chúng con.
Mô Phật! Bảo Thành chào các bạn. Dù ở một phương trời nào đó trong cuộc sống của chúng ta, người con Phật là những bậc xuất sĩ, xuất gia hay những Phật tử tại gia của chúng ta. Khi hội đủ nhân duyên, tâm thức vọng về hai chữ hạnh phúc, ta bắt đầu tư duy và suy nghĩ những lời giáo dưỡng của Đức Phật để làm sao đạt được điều đó. Để đạt được điều đó, tất cả các pháp môn phương tiện của Chư Phật được truyền dạy từ bao nhiêu ngàn năm qua, và mỗi một người chúng ta đều có nhân duyên khác biệt, không bao giờ giống nhau. Và trong sự khác biệt đó, đức Thế Tôn thấy thật là rõ nên ngài truyền dạy thật nhiều phương tiện phù hợp với nhân duyên của từng người. Để cho chúng ta, phàm phu, chúng sanh, nương vào pháp phương tiện đó tìm về với cội nguồn của hạnh phúc, an vui trong đời thường.
Các bạn thân mến, thiền mật song tu Thất Bảo Huyền Môn cũng là một trong hằng hà các pháp phương tiện. Ai trong chúng ta có nhân duyên, khi đồng tu với nhau đều đón nhận được năng lượng tha lực Phật điển từ bi ban rải xuống trên thân tâm của chúng ta. Bởi thiền mật song tu này là pháp môn thiền năng lượng. Hai chữ năng lượng rất cần trong cuộc sống, bởi người thiếu năng lượng sống luôn uể oải, luôn phiền não, đau khổ, bệnh hoạn và dĩ nhiên trong cuộc đời này đã mang thân con người, chúng ta luôn phải nạp vào những năng lượng thanh tịnh từ thức uống, đồ ăn, môi trường, không khí qua nhiều thể dạng khác biệt mà cơ thể có thể đón nhận được, để có sức sống thực sự cho thân và sự an tịnh cho tâm.
Thiền mật song tu Thất Bảo Huyền Môn, pháp môn này đưa tới một sự trải nghiệm thật là mới mẻ, thật là tuyệt vời. Bởi ai có nhân duyên tu luyện, bất cứ ai, không kể trực thuộc hệ phái, tông phái, tôn giáo nào. Chỉ có nhân duyên muốn tiếp cận đến một nguồn năng lượng vô biên, siêu thế, thanh tịnh. Thì đây chính là pháp môn để chúng ta có sự trải nghiệm thật sự, mang lại lợi lạc cho chính thân được khỏe, hết bệnh, cho chính tâm được trong sáng, Trí Tuệ, nhìn rõ mọi hiện tượng xảy ra trong đời. Để có một sự lựa chọn thật là tốt theo chiều hướng hướng thượng.
Các bạn thân mến, chủ đề mà các bạn gửi về hôm nay, một chủ đề nghe cần phải suy nghĩ kỹ. Bảo Thành đọc sơ qua ngay bây giờ chủ đề này cũng suy nghĩ để thẩm nhập vào ý tưởng thuận hảo với đời sống rất bình thường của người Phật tử tại gia, và rất bình thường của kiếp nhân sinh là người. Chủ đề “Kẻ Cướp Vào Niết Bàn”. Kẻ cướp vào niết bàn là một chủ đề tư duy chút xíu, để chúng ta có thể nói cho nó có hương vị, cho nó có mùi vị, cho nó cảnh giới thấy được thật rõ trong đời phàm. Bảo Thành cũng là phàm phu, các bạn cũng là phàm phu. Với chủ đề này, làm sao chúng ta thấy ở một góc độ tương đối để thấy được ý nghĩa, sống cho an vui và hạnh phúc. Không cần biết chúng ta là những bậc thiện nhân, thánh đức hay là kẻ cướp, ác trượt trong thế gian. Những điều đó không nhất thiết, chỉ cần rằng chúng ta hướng tới sự thiện lành cho mình và lan tỏa tới cho mọi người. Thì ở bất cứ một góc độ nào trong vòng tròn xoay vòng luân hồi của chúng ta, nhất định chúng ta đều tìm thấy một điểm xuất phát để đi tới một điểm thanh cao, hướng thượng mà Đức Phật khai thị cho chúng ta để đi. Bởi vậy sự đồng tu thiền mật song tu vào mỗi một ngày, vào mỗi một ngày ở giờ Việt Nam là chín giờ tối tới mười giờ tối trên kênh youtube Thất Bảo Huyền Môn và trực tiếp trên kênh facebook Chùa Xá Lợi. Bảo Thành phát nguyện như gửi tới những thông điệp rất đời thường, rất bình thường của một con người rất phàm. Tội lỗi, lầm chấp, mê mụi nhưng mò mẫm ở trong những suy nghĩ đời thường khi được lắng nghe kinh điển của nhà Phật. Giới thiệu và đồng hành để cho ai có nhân duyên cùng với Bảo Thành trong pháp môn thiền mật song tu, chúng ta đồng tu với nhau. Biết đâu đây chỉ là sự khởi đầu cho các bạn thẩm nhập vào Phật pháp những bước đầu tiên. Bước lên tầng thứ hai, phải đi qua từng bước của cầu thang, tất cả các pháp phương tiện chỉ là những nhịp cầu dẫn đưa chúng ta đi tới, vươn lên, vượt qua và thành tựu. Không nhất thiết phải bám mãi ở những nhịp cầu đầu tiên. Cho nên chỉ là khai duyên, mở hội, đồng tu và nguyện rằng chúng ta tới với nhau với một tâm thái mở rộng, lắng nghe để coi có phù hợp nhân duyên hay không. Nếu đó là nhân duyên của ta, gieo vào miền đất tâm một hạt giống thiện để mai sau gặt hái được hoa trái thiện lành cho mình và cho đời.
Giờ đây mời các bạn đặt bàn tay phải là Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái Từ Bi, chúng ta bắt đầu lấy Trí Tuệ và Từ Bi. Các bạn nhớ, thiền mật song tu lấy hơi thở làm gốc, hơi thở chánh niệm vào ra. Khi hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng, phình bụng và khi thở ra hóp bụng vào, thở bằng miệng đồng thời trì mật chú Mu A Mu Sa. Mu A Mu Sa có nghĩa là chúng con nguyện mười phương Chư Phật, ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Bởi vậy trước khi chúng ta hít vào, chúng ta phát nguyện bằng tiếng việt, và khi chúng ta thở ra, chúng ta trì mật chú Mu A Mu Sa nguyên âm, cổ ngữ Phật giáo. Mời các bạn.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật, ban rải tha lực Phật điển đại từ, đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực khai mở Trí Tuệ, để chúng con hiểu được ý nghĩa đề mục kẻ cướp vào niết bàn. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng, phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, trì mật chú, Mu A Mu Sa. – 7 biến
Mô Phật! Các bạn thân mến, trước khi đi vào chia sẻ chủ đề “Kẻ Cướp Vào Niết Bàn”. Bảo Thành thay mặt cho hội từ thiện chùa Xá Lợi tri ân và cảm ơn Sư Cô trụ trì Lệ Hậu và các Phật tử ở chùa Xá Lợi Pennsylvania đã thường xuyên nghĩ tới người miền Trung gây quỹ, giúp đỡ. Cũng như Sư Cô trụ trì Chùa Xá Lợi ở bên Minnesota và các Phật tử bên đó, Sư Cô Quảng Nguyện cũng đã đồng hành trên công việc này. Ở Việt Nam, ta có thầy Quảng Đại cũng phối hợp với các người thân tín và tại gia để làm việc đó. Đồng thời cũng có thầy Bảo Tịnh Đức, thầy Phương và tất cả các bạn đồng tu bên đó. Đã với tinh thần cao cả, đồng hành làm việc này. Cộng thêm với có sự hỗ trợ của ca sĩ Thanh Hà bên Houston, Texas đã khởi tâm kêu gọi. Và trong cuộc bể dâu bão tố ở miền Trung chúng ta, muôn người trên thế giới hòa nhập vào với người ở trong nước. Mỗi người một bàn tay, khởi niệm cầu xin, tu tập, lập phước, tích đức và làm việc cụ thể bằng những hành động thật rõ để tương trợ với người miền Trung. Xin tri ân tấm lòng của tất cả.
Các bạn thân mến, kẻ cướp vào niết bàn là một chủ đề suy nghĩ đôi chút cho hòa hợp với tâm của muôn người. Mong rằng trên kênh youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh facebook chùa Xá Lợi là nhịp cầu đưa mọi người tới với nhau. Mời gọi các bạn hãy tham gia đồng tu, dù một ngày hay hai ngày, một lần hay nhiều lần, trực tiếp hay gián tiếp, đều có lợi cho chúng ta. Bởi có được những giờ phút trở về để chúng ta lắng nghe lời chia sẻ chân thành và chân tình, giản dị nhất, pháp của nhà Phật ứng dụng vào đời người.
Các bạn, kẻ cướp vào niết bàn, có lẽ chúng ta nghe nó hơi chõi tai. Bởi từ xưa đến giờ ta cứ nghĩ rằng niết bàn phải là Phật, phải là Bồ Tát, Thánh Hiền, bậc A La Hán, những bậc có đức cao. Đúng, niết bàn đó là niết bàn ghê gớm quá. Thôi để cho những bậc suy diễn, ta nói đến niết bàn mà Đức Phật thường nhắc nhở gọn trong những chữ rất đời thường. Vào niết bàn theo ý nghĩa mà Đức Phật sách tấn người dân bình thường trong bước đầu học Phật, tức là vào được sự an vui và hạnh phúc ngay kiếp này. Ý nghĩa niết bàn dân dụng hiện tại, vào niết bàn tức là vào sự an vui, vào sự an lạc và hạnh phúc vốn có ở trong cuộc đời để hết khổ, để bớt khổ, để chuyển hóa khổ đau, phiền muộn, sầu bi, ai oán. Đời có hai góc độ, dĩ nhiên ta là người. Đau khổ hoặc là hạnh phúc, bạn chọn lựa cái nào, dĩ nhiên ta muốn hạnh phúc. Bình an và phiền não bạn chọn cái nào bình an mà, ai chọn phiền não đâu, an lạc đó là cứu cánh. Bệnh hoạn và lành lặn, khỏe vui, các bạn chọn cái nào, là người ai cũng biết chọn lựa. Như vậy để vào được sự hạnh phúc, sự an lạc, sự khỏe mạnh, sự vui vẻ. Sống mỗi ngày tràn đầy niềm vui chia sẻ với mỗi người, sống mỗi ngày để không khổ, không đau, không phiền não, không bệnh hoạn, không ưu phiền. Đó là cách sống rất thường ở đời người. Nếu căn bản như vậy ta chưa thể đi vào thì nói chi đến niết bàn mà Đức Phật đã nhập vào hoặc niết bàn của Bồ Tát, Thánh Hiền. Bởi niết bàn tại thế đơn giản là kiếp người, ta không thể, ta không thể đi vào được thì đi vào đâu nữa đây. Cho nên để vào niết bàn mà như kinh nói thật là sâu sắc. Niết bàn của bậc giác ngộ nhập vào đó thì ít nhất chúng ta là những người công nhân, nông dân, là những người rất bình thường trong cuộc sống, lam lũ đầu tắt mặt tối nuôi chồng, nuôi vợ, hiếu đạo với cha mẹ, giáo dưỡng con cái, bận rộn trăm bề. Thì niết bàn tại gia đó vẫn được gọi đơn giản nhưng nó quý trọng vô cùng bởi ai cũng cần và cũng muốn đi vào và muốn tìm nó, đó là sự hạnh phúc, bình an tại gia đình.
Khi nói kẻ cướp vào niết bàn, không lẽ bây giờ Bảo Thành và các bạn đều là kẻ cướp sao. Từ từ ta sẽ thấu, à có lẽ Bảo Thành và các bạn không cần biết là ai. Trong một cách suy nghĩ, ứng dụng ngôn ngữ, chúng ta chính là kẻ cướp. Nhưng nói về một kẻ thật là ác, không những cướp, là tướng cướp, mà còn là sát nhân nữa, có thể đi vào niết bàn an vui, tự tại ngay trong cuộc đời này hay không. Và kinh điển lấy ở đâu ra để cho chúng ta hiểu. Trở về trong kinh, nói thật rõ về một kẻ cướp chuyên môn đi cướp của, mà kẻ cướp này còn là kẻ giết người, cướp của gọi là sát nhân nổi tiếng cả một vùng thời đó. Khi Đức Phật đang đi rao giảng giáo pháp. Ai cũng đã được nhắc tới rồi nhưng Bảo Thành nhắc lại, đó chính là kẻ gian ác nổi tiếng thời đó, kẻ cướp giết người, ông Vô Não. Ông Vô Não là một kẻ cướp, giết người, hàng trăm người, nhiều lắm. Mỗi lần giết người, ông ta chặt ngón tay, đeo ở trên cổ như một kì tích của tội ác chính bản thân, hay một nỗi niềm gì đó ông muốn ghi nhớ. Cả cuộc đời của ông Vô Não không bao giờ có được sự bình an và hạnh phúc. Bình an và hạnh phúc là niết bàn tại thế các bạn ơi. Ông ta không vào được cảm giác đó, không hòa nhập vào với cung bậc, cảm xúc của hạnh phúc và bình an. Luôn luôn cảm thấy đau khổ, phiền não, thù hằn, ghét bỏ tất cả mọi người, không cần biết đó là ai. Ngay cả Đức Thế Tôn khi đi vào rừng thì ông Vô Não cũng ghét Phật một cách cay đắng, chỉ muốn phóng tới đưa đại đao cắt cổ Đức Phật và chặt ngón tay như một thành tích mới. Nhưng trong sự mù lòa, sân giận, thù hằn, cay độc dâng tràn lên như núi lửa đó,
Đức Phật đã đánh một tiếng chuông cảnh tỉnh trong lời mời gọi, hãy dừng lại. Và thật sự trong kinh nói, ông Vô Não đã dừng khi nghe được lời Đức Phật và đã buông bỏ đồ đao, tất cả, cả một quá khứ là kẻ cướp, cả một quá khứ là kẻ xác nhân để đi vào niết bàn tại thế. Tức là đi vào đời sống không còn thù hằn, không còn căm phẫn, không còn ác độc, không còn giết người, mà vào ở trong sự an lạc và hạnh phúc thật sự trong từng giây, từng phút với hơi thở chánh niệm, quán chiếu tứ niệm xứ, thân thọ, tâm pháp. Và trong từng giây phút khi nghe theo lời Phật, ông Vô Não thực sự đã bước vào sự an lạc và hạnh phúc, gọi là niết bàn đó các bạn. Bước vào cảnh giới đó, để rồi khi ông ta đi khất thực ở trong làng, trong thôn. Quá khứ của một thời là kẻ cướp, kẻ giết người, được người dân trong thôn vẫn ám ảnh, nhớ mãi chứ không nhận dạng ra được phong thái an vui, an lạc ngay trong lúc này khi quy y với Phật. Cho nên người ta nhìn ông ta là kẻ cướp năm xưa, là kẻ sát nhân năm trước, nên mang gậy, mang đá ném vào đầu, đập vào đầu, đánh ông ta. Nhưng nhớ rằng, thuở xưa khi chưa quy y Phật hành động đó sẽ được đền đáp bằng một nhát đại đao và kẻ kia chết ngay, không ai dám lui tới. Nhưng từ khi ông ta quy y với Phật, đã bước vào, đã bước vào sự hạnh phúc và bình an tịch tĩnh trong từng giây, nên hình bóng của quá khứ là kẻ cướp, kẻ sát nhân chẳng còn, chỉ còn trong tâm bóng hình của Thế Tôn, hơi thở chánh niệm và niết bàn an vui, an lạc, hạnh phúc. Chính vì vậy, mà dân làng đánh, dân làng đập, đầu ông ta đã bị bể, máu đã phun ra, thân sát đã bị thương, khụy xuống dưới mặt đất, ông ta vẫn mỉm cười đứng dậy đi tiếp, khất thực mà chẳng chùn bước, sợ hãi. Đây là một gương, một gương kẻ cướp đã vào được sự an lạc và bình an để thay đổi toàn diện, cục diện của quá khứ là một kẻ sát nhân giết người. Hình ảnh thật rõ trong kinh nói đến rằng, thân phận của chúng ta là kẻ cướp vẫn có thể vào được sự an lạc và bình an. Nếu nghe được lời của Đức Phật mời gọi từ bỏ, từ bỏ. Bỏ gì, bỏ những bất thiện nghiệp, thói hư, tật xấu, tội lỗi, nghiệp chướng để bước vào hành thiện chánh niệm hơi thở thì có được hạnh phúc và bình an. Tạm gọi là niết bàn tại thế, nơi cuộc sống trần gian này.
Có một kẻ cướp, câu chuyện thứ hai kể rằng. Kẻ cướp này chuyên môn đi ăn cướp, cướp đồ, vàng bạc và châu báu. Nhưng một hôm, có một tên trộm nó lục đục ở trong nhà và kẻ cướp lúc đó bừng tỉnh tóm cổ được tên trộm, tính giết tên trộm này, bởi hắn là kẻ cướp mà, cướp giỏi hơn trộm là bởi vì có sự tàn ác hơn. Khi chuẩn bị giết tên trộm thì tên trộm mới la lên nói rằng “ Ê, này tên cướp, anh không biết thôi chứ tôi biết toàn bộ quá khứ của anh, lịch sử của anh. Tôi biết toàn bộ hồi ký của anh. Anh cướp từ tuổi nào, anh ăn cướp ở đâu, lấy được vàng bạc, châu báu ở chỗ nào tôi biết hết, không thiếu một chữ”. Kẻ cướp ngạc nhiên, bởi ta là kẻ cướp, nghĩ bụng như vậy. Và từ xưa đến giờ chưa bao giờ viết nhật ký lưu truyền tội ác của mình cho ai hay. Nghe tên trộm nói như vậy thì thấy hơi tò mò, mới hỏi kẻ cướp, kẻ cướp tự hỏi mình “ Ủa mình có làm điều gì để cho ai biết không. Thì suy nghĩ kẻ cướp thấy không không. Cuối cùng hỏi tên trộm, thôi trộm ơi trình bày thử coi, nhật ký đời kẻ cướp của ta là gì”. Tên trộm trình bày chi tiết từ lúc đầu khởi nghiệp cướp, lấy gì, của nhà ai, và vật gì, để ở đâu, chỗ nào thật rõ. Tên cướp hoảng hồn mới nói rằng “Này anh trộm, sao anh lại có thể biết được”. Ăn trộm nói rằng: “Tôi nghe anh là tên cướp lừng danh, chuyên môn cướp của vàng bạc, châu báu, giàu lắm. Tôi là kẻ trộm, tôi đào tường phía sau đi vào nhà của anh để tìm của. Bởi vì không ai có nhiều của bằng chính kẻ cướp. Cho nên khi vào tới đây, tôi thấy suốt đêm anh cướp, anh đó cứ kể chuyện lấy cái này, vàng bạc cái này, cất ở đây, chỗ này giàu quá, đếm đi đếm lại. Tôi sợ lắm không dám ra lấy bởi vì thấy cả ban đêm mà anh cứ tỉnh, anh ngồi cứ đếm vàng, đếm bạc, kim cương, hột xoàn, rồi liệt danh những người mà đã từng đi vào cướp của của họ. Tôi sợ quá, tôi rùng mình, tôi ngồi yên ở đó. Nhưng mà tôi cứ tò mò danh sách của anh, bởi vì là một danh sách của biết bao nhiêu người có của và tò mò cái kho mà anh cất giấu nên tôi cứ chui vào trong đó để nghe hoài. Tôi nghe mãi cho tới một ngày tôi mới ngộ ra. Anh không phải là thức đêm để kể chuyện điểm danh, mà anh chỉ là mộng mơ, rồi điều gì anh làm anh kể ra hết, nên tôi ghi lại”. Tên cướp lúc này thấy cũng hơi tò mò. Cuộc đời của ta lại có kẻ nghe được. Nhưng rồi vì thấy tên trộm kể chi tiết quá nên cũng thức tỉnh, kết bạn với tên trộm. Trong sự kết bạn đó, hai người đã hòa nhập tâm thức của kẻ cướp và ăn trộm.
Tâm thức đó như thế nào, câu chuyện sẽ còn tiếp, nhưng dừng ở nơi đó để nói đến ý nghĩa rằng, tên cướp đó không ai khác là chúng ta các bạn ơi. Bởi Đức Phật đã nói, từ nguyên thủy Phật tánh của mỗi người vốn là thiện lành, là tốt đẹp, là hiền thảo, hiếu đạo, là trong sáng. Nhưng rồi chúng ta đã học cách ăn cướp của ba cái nhà đầy rẫy những thứ tham, sân, si, đó là ba nhà nhà tham, nhà sân, nhà si. Chứ thực ra trong ta chẳng có tham, cũng chẳng có sân, chẳng có si. Nhưng mà kẻ cướp là ta đây, học đòi lấy của ở người, đã chui ra bên ngoài cướp của nhà giặc tham, sân, si ba nhà đó mang về chất chồng mãi. Tưởng rằng chẳng ai hay, không ai biết nhưng vẫn có một tên trộm. Tên trộm đó là tâm thức của chúng ta, gọi vậy cho dễ hiểu, đừng lầm tưởng tâm thức là kẻ trộm, hay tên trộm đó vẫn gọi là lương tâm của chúng ta. Nó vẫn đi theo chúng ta, nó vẫn nhìn chúng ta, nó ghi lại toàn bộ sổ sách đó. Mang danh là kẻ trộm bởi vì lương tâm từ xưa đến giờ có được chúng ta đón tiếp đâu. Chúng ta xua đuổi, chúng ta không đón nhận nó. Chứ lương tâm của chúng ta chính là Phật tánh thánh thiện, thiện lành đã không được chính ta chấp nhận bởi ta đã đi hoang thành kẻ cướp, mò mẫm vào trong ba nhà gian ác của tham, sân, si, cướp bóc dồn vào. Để từ đó tánh Phật của chúng ta, lương tâm của chúng ta như kẻ trộm phải rình mò, phải trở về để đánh thức, để nhắc nhở. Và đúng kẻ trộm tâm thức đó, ta đã gặp thấy nên nhắc nhở cho toàn bộ những gì ta đã tạo tác, ta đã lấy, lấy vào trong tham, sân, si, nhồi nhét rồi nhận lầm tham, sân, si là gia tài của ta. Không, không, Đức Phật nói gia tài tham, sân, si bất thiện nghiệp không phải của ta, ta đã lượm, ta đã cướp ở bên ngoài. Nếu ta nghe được tiếng Phật mời gọi dừng lại như ông Vô Não thì nhất định ta sẽ thức tỉnh, và những gì ta cho rằng là có, mong là có theo suy nghĩ của tâm bất thiện đó. Chúng ta sẽ gạt bỏ ra, không đón nhận và từ đó chúng ta nghe lời tâm sự của tên trộm, tức là của lương tâm mà chúng ta đã gạt bỏ ra bên ngoài. Để nó phải tìm đủ mọi cách tiếp cận như kẻ trộm, như kẻ trộm. Tâm chân thật của ta sao lại trở thành kẻ trộm.
Bởi vì trong lòng của chúng ta, tư tưởng của chúng ta đầy ắp những điều bất thiện vơ vét ở bên ngoài vào. Vì ta không thấy được sự trân quý, trong sáng, thiện lành của tánh Phật, của lương tâm trong sáng của chúng ta. Tới đây chúng ta đã hiểu, kẻ cướp và tên trộm đã cuối cùng ngồi lại uống trà kết giao. Để từ nay kẻ trộm, tức là tâm thức biết nói lời từ ái, biết liệt kê những tội lỗi như một lời sám hối chân thành nhất của chúng ta. Chính vì chúng ta, dù là kẻ cướp ở dưới một hình thức nào được mô tả theo văn chương, chữ nghĩa, diễn giải cho đời thường, không cần biết. Thì ít nhất rằng trong thâm sâu, tột cùng đó, ta vẫn có một lương tâm thiện lành, vẫn tìm đủ mọi cách chạm đến chúng ta và nhắc nhở cho những, những gì, những lỗi lầm ta đã phạm tới. Và chính vì đó, chúng ta những con người như kẻ cướp đây trong trần gian đã muôn đời cướp bóc những cái, những sai trái đó các bạn ơi. Những tội lỗi bất thiện nghiệp chồng chất vào trong tâm biết sám hối. Để rồi sự soi sáng của Phật qua giáo pháp của Ngài dưới các hình thức kinh sách, các bậc thầy dạy dỗ hoặc ngay trong truyền thống tôn giáo, gia đình hay đời sống đức hạnh của những bậc sinh thành chúng ta. Chúng ta đã ảnh hưởng được và từ đó tiếp cận được với tên trộm, tạm gọi như thế, có nghĩa là tiếp cận được với lương tâm thánh thiện của chúng ta. Để chúng ta một lần nữa theo như dòng kinh của Chư Phật trở thành ông Vô Não đời thường. Ta chưa như ông Vô Não giết người cướp của kia, nhưng ta cũng tương đồng với tánh khí của ông ta. Có nghĩa là đã lấy trộm của những điều không đúng bên ngoài mang vào trong tâm thức, để xua đuổi lương tâm và tâm thức của chúng ta gạt nó ra bên ngoài, để nó trốn chui, trốn lủi như một kẻ trộm.
Các bạn, dõng mãnh lên. Kẻ cướp vào niết bàn, thật sự đây chỉ là một cách nói. Những lời giải thích suốt nãy giờ chỉ là một cách nói để hướng ý tới rằng, phận làm người như Bảo Thành và các bạn, lầm lỗi nó chất chồng lầm lỗi. Và cứ như vậy bao nhiêu ngày tháng qua, bao nhiêu năm qua, bao nhiêu kiếp qua, Bảo Thành và các bạn sai lầm thật là nhiều như kẻ trộm, kẻ cướp. Chúng ta thật sự là kẻ tội lỗi, tội lỗi muôn trùng và tội, lỗi đó cứ lặp đi lặp lại. Nhưng không phải kẻ hèn mọn, tội lỗi, sai trái, lầm than, xấu xa như Bảo Thành và các bạn không thể vào niết bàn được. Chúng ta chỉ cần nghe theo Phật sám hối. Sám là nhìn rõ tất cả những điều ta đã làm sai. Hối là hối cải và sửa đổi. Ngừng, hối cải, sửa đổi, và ngừng tất cả những chuyện ta đã làm sai trong quá khứ, kiếp này và kiếp trước. Đó gọi là sám hối. Khi sám hối được như vậy thì tâm liền trong sạch bởi vì ta đã đón nhận tất cả mọi lầm lỗi của ta. Ta không đổ thừa cho ai, ta đón nhận nó, ta hiểu nó, bởi lương tâm đã nói cho chúng ta khi sám hối. Và khi chúng ta nhìn thấy được điều đó, chúng ta phát lên một tâm nguyện tự lực, nhìn rõ để thay đổi toàn diện như ông Vô Não. Buông bỏ và trở về, không còn hận thù, không còn ghen ghét, không còn trộm cắp, không còn làm những chuyện sai. Để trở thành một Phật tử thuần hành trong chánh niệm hơi thở. Lắng nghe pháp của Phật trong từng hơi vào ra với tánh thấy biết thì chúng ta sẽ vào được sự an vui và bình an ngay tại thế gian này nơi gia đình, nơi cuộc sống của chúng ta. Niết bàn nó không ở đâu xa, nó ở ngay lòng người biết sám hối và quay trở về bên trong sống chánh niệm tỉnh thức. Dưới một hình thức nói cho văn hoa, chúng ta chính là những kẻ cướp. Bởi vì cướp là gì, là lấy bên ngoài mang vào. Sát sanh ta cũng có, ta là kẻ cướp thật sự, đã vơ vét những cái không thuộc về ta, rác rưởi ở bên ngoài nhưng được đặt dưới những nhãn hiệu hào nhoáng của con người chế tác như vàng bạc, kim cương, tiền tài, danh vọng, địa vị, tham ái, tham dục, quyền danh. Những điều đó chỉ là hão huyền, mấy ai có thể nắm chắt trong bàn tay để khi chết mang về trình diện diêm vương đâu. Cho nên hôm nay, kẻ cướp Bảo Thành và kẻ cướp là các bạn nhận rõ đừng vơ vét ở bên ngoài chất đống ở trong tâm, mà hãy trở vào bên trong đón nhận lương tâm, tánh thiện lành của mình. Đừng xua đuổi để nó trốn như một kẻ trộm mà hãy bắt tay với lương tâm, với tánh thiện lành sống trong chánh niệm hơi thở để quy phục với giáo lý của nhà Phật, thực hành một cách miên mật để như ông Vô Não, biết vào trong sự an lạc và bình an của đời thường để chuyển hóa những sân giận, hận thù, ghen ghét, những điều ác trượt ta đã hành trong những ngày tháng qua.
Như vậy, ta, mỗi người là một kẻ cướp, thật hãnh diện, vào được sự an vui, hạnh phúc ngay gia đình của chúng ta. Khi đã vào trong niết bàn rồi, niết bàn của sự an vui, hạnh phúc như ông Vô Não, quá khứ một thời oanh oanh, liệt liệt là kẻ cướp, là kẻ sát nhân đi nữa, điều đó không quan trọng, nó đã chấm dứt. Chính vì thế một gương thánh đức của ông Vô Não đã để lại cho chúng ta thấy rằng, không cần biết các bạn quá khứ là gì, không cần biết các bạn lỗi lầm là gì. Chỉ khi các bạn biết ngừng và sám hối trở về với tâm ý thiện lành hơi thở chánh niệm thì chính lúc đó, kẻ được mệnh danh là kẻ cướp như Bảo Thành, các bạn cũng có thể bước vào sự an lạc và bình an, hiện tại ngay bây giờ. Hãy đặt bàn tay phải Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái Từ Bi vận hành bảy biến vi diệu, Mu A Mu Sa.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật, ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh, để chúng con được khai mở Trí Tuệ, biết bước vào sự an vui trong chánh niệm hơi thở. Không cần biết quá khứ của chúng con là gì. Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng, phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, trì mật chú, Mu A Mu Sa. – 7 biến
Mô Phật! Các bạn, đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni sao có thể chấp nhận và cảm hóa được ông Vô Não, một kẻ cướp, một kẻ sát nhân. Được, chính là bởi Ngài là đấng đại từ đại bi, trong cuộc sống hiện tại của chúng ta, Mu A Mu Sa là mật chú, là chìa khóa trong chánh niệm hơi thở để mỗi người mở kho tàng năng lượng từ bi của Đức Bổn Sư, mười phương Chư Phật tuôn tràn xuống cuộc đời nhỏ bé, hèn mọn của ta. Để ta có được năng lượng Từ Bi của Phật giao thoa với tánh thiện lành vốn có, để từ đó chúng ta đón nhận những người anh chị em của chúng ta và đón nhận chính bản thể tội lỗi như kẻ cướp của ta trở về nguồn gốc thiện lành. Từ đó ta có một con mắt bao dung hơn, có một con mắt thương yêu hơn, gọi là mắt thương nhìn cuộc đời, thấy tất cả những ai lầm lỗi trong cuộc đời, là kẻ nghiện ngập, xì ke, ma túy, kẻ cướp, kẻ trộm, kẻ tội, kẻ lỗi, kẻ phạm đến ta thì chúng ta vẫn mang lòng từ san sẻ tới họ như Đức Phật đón nhận ông Vô Não. Khi ông ta biết hồi đầu, cảnh tỉnh, ông ta đã vào được niết bàn an vui tự tại. Những con người tội lỗi đã ở trong lao tù, đã bị trừng phạt, đã bị xã hội ruồng bỏ, nay đã hoàn đầu trở về với thế giới này. Chúng ta phải học nhân cách của Đức Phật, mở rộng lòng từ lượng, đón nhận họ vào trong trái tim yêu thương như Đức Phật đón nhận ông Vô Não, để những người đó có thể bước ra từ biển lửa, từ hầm lửa của đau khổ, tội lỗi để đi vào biển tuệ và niết bàn an vui hạnh phúc để xây dựng và gầy dựng lại một hạnh sống, một hạnh sống, một hạnh sống thiện đúng như pháp của Phật.
Các bạn, với thực tập Mu A Mu Sa, năng lượng từ bi của Phật sẽ tới với chúng ta, giúp cho mỗi người chúng ta lành bệnh, khỏe mạnh, tinh thần trong sáng và tăng trưởng lòng từ bi yêu thương. Để chúng ta không dùng con mắt của cú mèo soi mói vào tội lỗi, quá khứ của người khác mà nhìn nhau bằng ánh mắt yêu thương, từ ái, bao dung, tha thứ. Để đón nhận mọi người đồng hành, bước vào trong chánh niệm hơi thở. Để tìm gặp được Phật mà đi vào trong niết bàn an vui tại thế nơi trần gian này. Các bạn, hãy cho nhau một cơ hội như Đức Phật cho ông Vô Não một cơ hội để đi vào. Hãy cho nhau một cơ hội, hay nói đúng hơn, hãy cho chính mình một cơ hội để đi vào tâm thức thiện lành. Niết bàn tự tại nơi đời sống của gia đình, chúng ta rất cần cơ hội này để mỗi người chúng ta đi trở vào niết bàn an vui. Để cha mẹ, vợ chồng, con cái, để xã hội, để sự phụng hiến của chúng ta có ý nghĩa hơn từ đây, dù quá khứ ta đã là ai đi nữa thì hiện tại trong chánh niệm hơi thở năng lượng Từ Bi của Phật tràn ngập rồi. Từ đây ta phải sống là một con người có tình yêu thương, có lòng bao dung để phụng hiến, để hiến dâng cho đời, cho đời của ta và cho đời của những người thân cận với chúng ta, dòng tộc, xã hội.
Các bạn, hôm nay ngày cuối tuần, nguyện chúc cho các bạn hãy bước vào niết bàn an vui bằng chánh niệm hơi thở và hãy nhìn nhau bằng con mắt thương nhìn cuộc đời, hãy đón nhau vào trong trái tim bao dung và tha thứ, đừng chấp những lầm lỗi của nhau. Bởi vì lầm lỗi ta chấp của người, người ta chấp lại lỗi lầm của ta. Cứ như vậy rồi sẽ ra sao đây các bạn. Đừng đừng, đừng nhìn lỗi người, hãy nhìn lỗi mình. Đó là lời Phật dạy trong kinh Pháp Cú. Mời các bạn đặt bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay Từ Bi vận hành bảy biến nữa. Mời các bạn.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ, đại bi xuống muôn loài chúng sanh để cho chúng con không nhìn quá khứ của nhau mà đồng hành vào trong sự an vui, hạnh phúc bằng hơi thở chánh niệm Mu A Mu Sa. Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng, phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, trì mật chú, Mu A Mu Sa. – 7 biến
Mô Phật! Đức Phật đã đón nhận ông Vô Não chính là bởi vì Ngài là đấng đại từ, đại bi. Chúng ta hãy đón nhận nhau, dù quá khứ của ai có là gì đi nữa thì với lòng từ bi của ta, hãy mở rộng đón nhận nhau vào cuộc đời bằng chánh niệm hơi thở.
Mời các bạn chắp tay đồng hồi hướng công đức đồng tu hôm nay. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.
Chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu hôm nay tới những người dân miền Trung, quê hương của chúng con đang ở trong cảnh bão tố, lũ lụt, đói rét. Xin mọi người thương về miền Trung, nâng đỡ bằng lòng bao dung. Cũng đồng hồi hướng tới các nguyên thủ các quốc gia trên thế giới, biết thành lập chính sách hòa bình, ngưng hẳn chiến tranh. Hồi hướng cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược chế tạo ra thuốc và vacccine chữa đại dịch. Cầu nguyện cho các bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ, cứu tế trên thế giới luôn bình an, hạnh phúc chữa lành mọi bệnh nhân. Hồi hướng cho các vong linh phải tử vong ở vùng lũ miền Trung được siêu sanh miền cực lạc. Xin Chư Phật mười phương từ bi chứng minh