Search

Bài 1203: Thật Dễ Giác Ngộ – Thất Bảo #1 – Mu A Mu Sa

Bảo Tuệ Minh đánh máy

Mô Phật, Bảo Thành kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh youtube Thất Bảo Huyền Môn. Đã tới giờ chúng ta đồng tu rồi mời các bạn quy ngưỡng thân tâm về với ba ngôi Tam bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa. Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Các bạn thân mến. Thiền mật song tu Thất Bảo Huyền Môn lấy hơi thở chánh niệm làm gốc để chúng ta an trú thân tâm của mình. Và chúng ta nương nhờ vào tha lực Phật điển, đó là mật chú Mu A Mu Sa, đón nhận năng lượng đại từ đại bi của mười phương Chư Phật, hỗ trợ cho chúng ta, tưới tẩm vào thân tâm này nuôi dưỡng, cộng hưởng giữa tự lực và tha lực, chánh niệm hơi thở để cho chúng ta quán chiếu thân, thọ, niệm, xứ. Những cảm giác của thân tâm, đó là những bước đầu rất căn bản nhưng để đạt được sự tịch tĩnh đối với cuộc sống hiện tại, nơi các bạn bận rộn hàng ngày, phương pháp tu này sẽ mang lại sự lợi lạc thật nhiều.

Hơi thở đi vào bằng mũi, đi sâu xuống bụng phình ra. Hơi thở đi ra chúng ta hóp bụng vào và chúng ta trì mật chú Mu A Mu Sa. Mu A Mu Sa có nghĩa là chúng ta nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng từ bi xuống cho muôn loài, rải tâm từ của Chư Phật, tâm từ bi xuống cho muôn loài.

Đề mục quán chiếu hôm nay, chúng ta quán chiếu “Thật Dễ Giác Ngộ”. Mời các bạn đặt bàn tay trí tuệ vào lòng bàn tay từ bi chúng ta bắt đầu vận hành bảy biến

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh để chúng con có được trí tuệ hiểu thấu được đề mục hôm nay “Thật dễ giác ngộ”. Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu luân sa trì mật chú: Mu A Mu Sa – 7 biến

Mô Phật! Các bạn thân mến, đề mục hôm nay chúng ta quán chiếu và cùng chia sẻ để thấy được giáo lý của Đức Phật nhiệm màu cao siêu, không khó thực hành. Các bạn gửi đề mục thật dễ giác ngộ, thực ra ở trên đời này khi nói đến hai chữ giác ngộ ai cũng nghĩ rằng thật là xa, có lẽ phải tu không biết đến bao giờ chúng ta mới giác ngộ được. Điều đó đúng, nhưng cũng không đúng. Bởi nếu giác ngộ là một sự xa vời khó có thể thành tựu được, Đức Phật sẽ không bao giờ truyền dạy cho chúng ta. Nếu giác ngộ là một chuyện xa vời thực tế, mông lung huyền ảo, chỉ là văn từ tưởng tượng, cố gắng đạt tới, thì Đức Phật cũng chẳng xứng đáng là một Bậc Giác Ngộ, là một Bậc Thầy cao cả.

Chúng ta nghe qua thử một câu chuyện chơi cây cảnh. Có một anh chàng kia, anh ta là một người sống ở trên thành phố, anh ta là kỹ sư, thế nhưng khi tuổi xế chiều về miền quê ở với nhà rộng, đất đai thoáng và anh ta bắt đầu nghĩ rằng đất đai thoáng rộng như vậy, nhà cửa không có cụm như ở thành phố, có thể chơi được cây kiểng.

Do đó anh ta bắt đầu chọn nhiều cây để làm những cây bonsai, cây kiểng bonsai. Từ xưa giờ là kỹ sư, có thể thiết kế được những chuyện cần thiết về điện, hoặc về nhà cửa, nhưng chưa bao giờ thiết kế cây bonsai. Anh ta bắt đầu đi học, nhưng thấy khó quá, nhìn qua các cây bonsai có những cây phải làm đến một năm, hai năm thậm chí còn nhiều năm nữa mới có thể tạo thành một cây cảnh Bonsai thật đẹp. Nhưng anh ta muốn làm và muốn học. Quyết tâm muốn học, nên anh ta tìm tới một người trồng bonsai và một người thợ cũng như là Bậc Thầy chuyên môn, cắt tỉa, trồng cây bonsai. 

Bước đầu anh ta được người Thầy này dạy dỗ. Thứ nhất là phải chọn lựa cây có thế. Thứ hai phải nhìn thẳng vào cây đó, những cành nào có thế đẹp theo những ước nguyện của mình giữ nó lại và những cành nào không có thế đúng, chúng ta phải cắt tỉa nó đi. Sau cùng là nếu như cây đó đã già, chúng ta phải dùng dây điện, dây kẽm cột lại và quấn rất từ từ theo nhiều tháng ngày. Còn nếu cây đó còn non thì chúng ta cũng uốn thật là dễ dàng, đồng thời nếu muốn đẹp nữa, ta bới gốc trồi lên đặt vào một chậu nông để cho nó có thể nhìn thấy rễ và hình hài.

Anh ta học như vậy và làm theo, anh ta hiểu và từ từ anh ta nhìn ra được những cây có thế đẹp và những cành có thế đẹp anh giữ lại. Cành không có thế phù hợp anh ta cắt tỉa, rồi ta học cách uốn từ từ, cho gốc cây trồng vào những chậu tuyệt đẹp.

Mười năm sau, mười năm các bạn, anh ta đã có được những chậu cây kiểng bonsai thật là đẹp. Lúc đó anh ta mới hiểu rằng, làm Bonsai không có khó và trồng những cây bonsai cây kiểng này thật không khó. Khó là có được Thầy dạy đúng mức và nhiệt tâm hay không. Bởi từ khi mà anh ta làm được việc đó và có người Thầy dạy, anh ta thấy thật là dễ dàng, từng bước. Được học trước đó cũng nghiên cứu nhưng làm không được.

Các bạn, qua câu chuyện thật bình thường này thôi, nó xảy ra hàng ngày. Người ta vẫn nói: không Thầy đố mày làm nên. Đúng vậy, một ngành nghề, một kiến thức trong xã hội, chúng ta cũng phải đi học, học ê a để đánh vần, để lập con chữ, để biết đọc, rồi từ đó tiếp nhận kiến thức trên sách vở, giáo khoa, kinh điển, học tuần tự. Dù chúng ta có sáng trí hay hơi mù mờ, những Bậc Thầy giỏi đều nghiên cứu được phương thức để giáo dục chúng ta thành người có kiến thức. Và mỗi một ngành nghề trong cuộc sống, chúng ta có ước lượng thời gian cần học mới có đủ kiến thức để thành tựu được nghề đó. Có những nghề bình thường, phổ thông lao động, chúng ta cũng phải học. Còn muốn cao hơn, ít nhất mười hai năm, xong rồi trung học, vô đại học phải 4 năm, đôi khi 8 đến 12 năm nữa tùy theo ngành nghề. Nghệ thuật chơi cây kiểng bonsai cũng cần có Thầy dạy và nghiên cứu. Hãy nói đơn giản một chút xíu để chúng ta không đắm mình vào trong hai chữ giác ngộ của Phật giáo. Chuyển dịch ý nghĩa cho nó nhẹ nhàng. Đối với đời sống của con người hiện tại, giác ngộ là một nghệ thuật sống tỉnh giác để thoát khỏi sanh tử. Chúng ta định nghĩa đơn giản như vậy. Giác ngộ là một nghệ thuật sống tỉnh giác để thoát khỏi sanh tử, thoát khỏi khổ đau, thoát khỏi phiền não. Giác ngộ là một nghệ thuật sống tỉnh giác để làm gì, để có sống hạnh phúc và an lạc. 

Khi chưa có Bậc Giác Ngộ thì con người cũng như anh chàng kia học cây bonsai, đi lần mò theo những tư tưởng suy nghĩ. Nhưng khi gặp Thầy hướng dẫn, anh ta trở thành một người biết trồng cây kiểng bonsai. Chúng ta cũng vậy nay đã có Phật là một Bậc Thầy của trời người, Phật là một Bậc Thầy đại tài, Ngài có trí tuệ, Ngài giác ngộ. Ngài hiểu thấu được căn cơ của từng chúng sanh. Ngài biết được những người học trò như chúng ta căn cơ sáng hoặc là tối. Ngài biết được phương pháp nào hướng dẫn cho từng học trò. Để người học trò đó qua cách hướng dẫn của Đức Phật sẽ hiểu, sẽ thấu. Và dĩ nhiên chúng ta cũng là những người trồng kiểng, cây kiểng giác ngộ tỉnh thức, cây kiểng sống hạnh phúc và bình an. Cây kiểng này, mỗi người chúng ta phải học cách nhìn, cách hướng dẫn của Phật, để thấy thật rõ những cành không cần thiết cần phải cắt bỏ, cành đó mọc ra từ những tâm tưởng, suy nghĩ không phù hợp, lây lan qua những vùng tối của vô minh, của ác, ta phải cắt bỏ.

Đây thật là rõ, Phật chỉ thật là rõ, những cành thuộc về ngôn ngữ mọc lá tùm lum, nói những lời thô ác, ô trược, gây phiền não ta phải nhận ra những cành đó không phù hợp, cũng phải mạnh dạn cắt bỏ nó đi. Thêm một cành nữa là cành của những tạo tác hành động gây khổ đau, phiền não cho ta và cho muôn người, ta phải cắt bỏ. Đây là ba loại cành, lá ở trên cây giác ngộ thoát khỏi sinh tử, sống đời tỉnh giác. 

Đức Phật dạy thật rõ. Chúng ta phải cắt bỏ. Muốn có một cây bonsai giác ngộ thật đẹp để trang sức cho cuộc đời hiện tại, chúng ta không còn khổ có đầy bình, an hạnh phúc, chúng ta phải nhận diện được mặt của ba cành lá như vừa nói. Cành của tư tưởng, cành của ngôn ngữ, cành của hành động, bất thiện nghiệp, ác trược, gây tạo tác đau khổ, phiền não cho mọi người ta phải cắt. Ta dùng kéo gì đây, ta dùng kéo chánh niệm.  Hơi thở quán chiếu thân tâm cắt đi những cành lá không phù hợp, không đúng với thế. Bởi nó nghiêng vào vô minh, nó đâm vào trong ác nghiệp ta cắt bỏ. Ta giữ lại những cành gì? Những cành có thế đẹp, có thế hướng tới, hướng thiện, hướng về điều tịnh tĩnh, hướng về những suy nghĩ hành động và việc làm tốt đẹp. Thật rõ các bạn ơi. Như một người học cây bonsai được vị Thầy chỉ thật là rõ: Ngắm cây trước, thấy được giá trị của cây đó, ta hãy ngắm cây giác ngộ, nghệ thuật đời sống tỉnh giác, thoát khỏi đau khổ và phiền não để đi tới sự giác ngộ toàn diện, chúng ta phải cắt tỉa, uốn nắn thật sự.

Nếu là từ trẻ, hồi trẻ ta được học một nền giáo lý thì dĩ nhiên các Bậc Tôn Túc sẽ hướng dẫn cho chúng ta, như cây còn non thật dễ uốn. Nhưng ở đời bôn ba quá nhiều, như Bảo Thành và các bạn. Cây cũng đã cứng, cũng đã già, cần phải rất cẩn thận, uốn nắn từ từ và mạnh dạn cắt bỏ đi những cành đã mọc, đã bám vào thân quá lâu rồi. Nay nó cứng thì phải dùng kéo, kéo tuyệt vời nhất là kéo của chánh niệm hơi thở. Quán chiếu thân tâm, nhìn rõ những cành đó đang quấn quanh thân của chúng ta, tâm của chúng ta, ngôn ngữ của chúng ta. Và nó đang vươn đâm vào vô minh, bất thiện nghiệp. Dùng chánh niệm hơi thở cắt bỏ nó, loại bỏ khỏi cuộc đời của chúng ta. Đó là hành động đầu tiên ai cũng phải làm. Không cần biết các bạn tu pháp môn gì, thuộc tông phái nào và ở chùa nào, Bậc Tôn Túc nào, thì chuyện căn bản đầu tiên của một nhà bonsai là biết nhận ra giá trị của cây giác ngộ. Tức là phải nhìn ra được những thế của cành thuộc về cây đó, không phù hợp phải cắt tỉa. 

Và có ba cành như Bảo Thành đã nhắc lại lời của Chư Phật, cành của tư tưởng luôn luôn chui mãi vào miền vô minh, gây những tư tưởng ác. Cành của ngôn ngữ và cành của tạo tác Thân, Ngữ, Ý. Đây là ba cành, thế nó thật là xấu. Thân, Ngữ, Ý mà hướng về bất thiện nghiệp, hướng về những điều xấu, ta phải cắt bỏ, để rồi những cành còn lại cũng từ ba cành Thân, Ngữ, Ý mà nó hướng tới điều thiện, hướng theo thế thiện lành, hướng theo những hành động tạo tác tốt ta giữ lại.

Nhưng bởi vì lăn xả trong cuộc đời, chúng ta thật là khó uốn những cành nương theo những thế đó mà chưa có trọn hảo. Ta phải quấn bằng dây kẽm. Ta phải quấn bằng dây điện. Ta phải uốn từ từ, bẻ nhanh, bẻ mạnh nó gãy. Cuộc sống có những người đi tìm cây cảnh giác ngộ này mong muốn có một đời sống an lạc, hạnh phúc, nhưng quá vội vàng ép mình để rồi từ đó bẻ quá nhanh, quá mạnh, cây nó gãy. Nghệ thuật để nuôi dưỡng có những cây bonsai đẹp là một nghệ thuật cần có sự kham nhẫn. Và thực sự Đức Phật dạy cho chúng ta nghệ thuật trồng cây giác ngộ để cắt tỉa những cành lá ác, chọn những cành có thế tương đối tốt và hướng nó lên hướng thiện hảo. Đã có Thầy là Đức Phật Bổn Sư thì dĩ nhiên cây giác ngộ thật dễ để cho chúng ta tạo dựng ngay trong cuộc đời này. Đừng mong cầu rằng sự giác ngộ đó phải là tối cao, tối hậu như Đức Phật để rồi không còn phiền não đau khổ trong một tích tắc. Mà phải hiểu thấu chân lý tạo cây kiểng giác ngộ bonsai này phải có thời gian, tùy theo cây còn non hay đã già, đã cứng. 

Nếu tâm của các bạn làm một cây đã cứng và thô ở trong những miền thô ác, trong những miền vô minh, trong cuộc đời lẫn lộn thiện ác, ta phải biết cắt tỉa. Cắt tỉa bằng chánh niệm hơi thở, cắt tỉa bằng năm giới, để từ đó chúng ta có được cây và còn lại những cành thật tốt, uốn nắn từ từ, nhất định sẽ thành một cây kiểng giác ngộ bonsai tuyệt đẹp.

Trong cuộc đời mà những người chung quanh cuộc sống của các bạn, khi ngắm cây giác ngộ tự thân của các bạn, họ sẽ thấy đẹp. Họ thấy được những thế tuyệt hảo mà những thế của cành, của cây bonsai nơi tự thân của các bạn uốn nắn lâu nay bởi tâm huyết muốn có một cây kiểng giác ngộ, cây bonsai dâng hiến cho mình và cho đời thì nhất định mọi người khi chiêm ngắm nó sẽ hoan hỉ và hạnh phúc. 

Giác ngộ được định nghĩa quá cao siêu làm cho chúng ta ngao ngán và sợ hãi. Đã gọi giác ngộ là tỉnh giác, là đời sống thức tỉnh thì nó có nhiều giai đoạn. Đi tới sự thức tỉnh toàn diện như Đức Phật, phải có chiều dài từ từ. Mà có thật nhiều lần Phật tử, đệ tử của Phật cũng hỏi Phật: “thưa Thầy chúng con tu bao nhiêu lâu mới có thể giác ngộ như Phật?” Phật nói, có thể một giây, cũng có thể một ngày, mà cũng có thể một đời hoặc nhiều đời, tùy theo sự tinh tấn và tánh giác ngộ của chúng ta – tức là ngộ tánh của chúng ta. Và dĩ nhiên dưới con mắt của người thích chơi cây kiểng, họ được dạy bởi những Bậc Thầy, họ nhìn ra thế của cây, để rồi họ lấy cây đó để nuôi dưỡng. Chúng ta như một thể loại cây mọc hoang trong rừng đời, muốn đâm chỗ nào thì đâm, muốn nghiêng chỗ nào thì nghiêng. Và rồi thế của cuộc đời đã đưa đẩy chúng ta nghiêng ngả theo chiều gió xoáy của cuộc đời, lẫn lộn hoàn toàn ở trong những điều ác lẫn điều thiện.

Nay nói về nghệ thuật giác ngộ trồng cây kiểng bonsai này. Bậc Thầy giác ngộ là Đức Phật dạy cho chúng ta, chúng ta nhất định theo giáo lý của Ngài, theo sự hướng dẫn của Ngài, ta sẽ có một nhìn viên dung để xác minh thật rõ những cành lá nào không phù hợp, cắt tỉa, không có thương tiếc. Nếu các bạn cứ nhập nhằng trong sự nuối tiếc của cây cành này, lá này, chỗ nào cũng giữ thì nó chỉ là một cái cây um tùm cành lá, thiện ác lẫn lộn, để rồi lăn trôi trong mảnh phước báu thật nhỏ, trong luân hồi sanh tử. Và nếu thật sự các bạn muốn trở thành một cây bonsai chính gốc, chính hiệu, có giá trị cao hơn, ta phải dám mạnh dạn cắt tỉa đi những cành thật xấu, không đúng phương hướng và chỉ chọn lựa những cành đang hướng về những hướng tốt, uốn nắn từ từ, nhất định sẽ thành công. Có Phật, có Thầy, có Bậc Minh Tuệ là Đức Bổn Sư hướng dẫn, cây kiểng giác ngộ, cây bonsai giác ngộ của cuộc đời nhất định thật dễ thành tựu. 

Chỉ tiếc rằng câu nói đó vẫn đúng muôn đời là “không Thầy đố mày làm nên”. Các bạn không nhận Phật làm Thầy, không nhận giáo pháp của Ngài làm Thầy, không nhận Tăng thân là sự hòa hợp để hướng dẫn thì nhất định thật khó mò mẫm trong cuộc đời. Nhưng nếu các bạn đã nhận Phật làm Thầy, chúng ta đã có Bậc Thầy rồi. Có Thầy muôn sự sẽ thành công, giác ngộ kia nhất định sẽ thành tựu. Bởi vì Thầy sẽ dạy cho chúng ta cách cắt tỉa những cành không đúng thế và rồi uốn nắn những cành đang hướng tới đúng thế, để trở thành một cây bonsai giác ngộ, tuyệt mỹ trong cuộc sống

Các bạn đã từng đi nhìn những cây kiểng, có thể là những loại bông, có thể là những cây bonsai hay một cây xanh. Bất cứ cây kiểng nào cũng cần phải có thế. Bất cứ cây bông nào cũng cần phải có thế. Và để đạt được đẹp siêu xuất nhất, người trồng phải có con mắt nhìn thấy được cái đẹp của nó để đặt để nó đúng phương hướng, đúng phương pháp và đúng thế. Cây giác ngộ cũng y như tất cả các loại cây chúng ta trồng, cần phải được học và ai là người có thể dạy cho chúng ta một cách cặn kẽ, thật dễ để làm được? Chính là Phật.

Các bạn nhớ trên thế gian này không một Bậc Thầy nào có trí tuệ như Đức Phật, không một Bậc Thầy nào có suy nghĩ nhìn thấu được tâm can và căn duyên của từng người học trò. Hồi xưa, chúng ta đi học. Khi vô trong lớp nếu có một vị giáo sư, một Bậc Thầy giỏi nhìn thấy được căn cơ của ta nhất định sẽ có những phương pháp để hướng dẫn ta học được những kiến thức đó nhanh. Và hầu hết các bạn giỏi có hai thứ: một là tư chất thông minh vốn có, hai là phương pháp giáo dục của người Thầy. Chúng ta cũng có tư chất thông minh vốn có về điều giác ngộ, bởi khi Đức Phật trở thành Bậc đại giác đại ngộ, Bậc Thầy, Ngài đã nhìn thấy trong mỗi chúng sanh đều có tư chất giác ngộ. Đó chính là Phật tánh và ai cũng có, bằng nhau, giống nhau, gọi là bình đẳng tánh trí của Phật. Vậy thì chúng ta đâu có loại trừ, đâu phải là kẻ không có tư chất giác ngộ đâu. Ta có tư chất, ta có phẩm chất. Ta có gen di truyền giác ngộ. Ta là dòng dõi của sự giác ngộ. Không có gì phải sợ hãi, bằng nhau rồi, khác là chúng ta có học của Thầy hay không, tầm đúng Thầy hay không. Có tư chất thông minh mà không học đúng Thầy cũng uổng cho một cuộc đời. May mắn Bảo Thành và các bạn đã tìm đúng vị Thầy đó là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật và Đức Bổn Sư là Bậc Thầy vô thượng có trí tuệ nhìn rõ. Ngài sẽ dìu dắt chúng ta qua từng giai đoạn với nhiều những phương pháp rất phù hợp với căn cơ của từng người. Để chúng ta có con mắt nhìn thấy những cành sai trái không đúng hướng. Và chỉ cho chúng ta những nghệ thuật cắt tỉa để không làm cho cây nó đau, để không làm cho cây nó tổn hại sức sống. Không phải các bạn muốn cắt là các bạn cắt. Cây như vậy vẫn biết là bonsai, có những cành không tốt, chưa đúng thế phải cắt tỉa, nhưng các bạn cắt không đúng có thể tổn hại gây chết cây, cắt phải đúng phương pháp. 

Dĩ nhiên là trên đời này vẫn có những thói hư tật xấu như những cành đâm ngược đâm xuôi, để từ bỏ cũng phải có phương pháp từ bỏ, không phải cắt bỏ một cái là được. Nhìn cho thật rõ. Hiện tại trong cuộc đời có những bạn nghiện xì ke ma túy. Đùng một cái cắt toàn diện, người đó có thể chết bởi vì thuốc nó quật. Để cai nghiện những thứ độc hại đó cần phải có phương pháp. Và đó thuộc về những nhà chuyên môn cai nghiện. Bất cứ một thói hư tật xấu nào của chúng ta, của Bảo Thành và các bạn, chúng ta cũng cần phải có một phương pháp để ứng dụng mới có thể thay đổi được, không thể nói bỏ là bỏ. Đã bao nhiêu lần Bảo Thành và các bạn nói bỏ thói xấu đó, bỏ tạo tác ác độc đó, hoặc bỏ những sự sai phạm đó, ta không bỏ được. Ta bỏ từ bên trái, ta đặt qua bên phải. Rồi ta moi từ bên phải đặt qua bên trái. Túi trước lần cho túi sau. Bởi vậy từng ngày qua tháng lại, nói bỏ nhưng mà bỏ đằng trước đặt ra đằng sau, rồi lôi từ đằng sau đặt lên đằng trước. Chỉ chuyển hướng mà thôi chứ không thể rời bỏ được nó. Suy bụng ta ra bụng người. Đã bao nhiêu lần Bảo Thành và các bạn hứa bỏ, hứa bỏ, hứa bỏ, nhưng chỉ là hứa. Thật khó bỏ, bởi chúng ta chưa gặp những vị chuyên môn cao, nhìn rõ và chỉ cho chúng ta phương thức cảm, phương thức đúng, phương thức phù hợp.

Đức Phật là Thầy, giáo lý của Ngài chỉ thật rõ từng phương thức, như trong giáo khoa kinh điển luôn luôn có đầy đủ các phương tiện giáo lý của Đức Phật rồi. Trong thời kỳ mạt pháp này, chúng ta không còn gặp Phật trực tiếp, chỉ qua giáo pháp, nhưng chúng ta có đầy đủ phước báu gặp được những Bậc Hòa Thượng, Thượng tọa, đại đức Tăng Ni, những Bậc Thầy thiện tri thức mang nền giáo lý của Đức Phật hướng dẫn tận tình, phù hợp căn cơ của chúng ta. Đó gọi là gặp những nhà chuyên môn biết khai dẫn, khai thị. Thì nhất định chúng ta thật dễ giác ngộ từng phần để đi đến đại giác, đại ngộ như Phật trong nay mai.

Thấu được lý lẽ này, ta hạnh phúc vô cùng. Bởi sự thức tỉnh trong cuộc đời sẽ giúp cho chúng ta nhìn rõ, nhìn thấu, nhìn tận tường, để buông, để bỏ nhẹ nhàng. Còn nếu như chúng ta không thấu được chân lý này, không gặp được những nhà chuyên môn lý giải khai thị đúng mức phương thức của Bậc Thầy Bổn Sư, thì dĩ nhiên chúng ta cứ làm theo ý, học theo ý, thực hành theo ý, lần mò mãi để cắt tỉa không đúng, tổn hại đến đời sống, mất thời gian. Có Thầy muôn sự thành công, không Thầy đố mày làm nên. Điều đó đúng. Ta có Thầy, ta có những vị chuyên môn hướng dẫn thật là rõ thì nhất định mỗi một người chúng ta, Bảo Thành và các bạn sẽ từ từ thành tựu được sự giác ngộ và thật dễ giác ngộ trong cuộc sống. Có những người chỉ một giây giác ngộ, bôn ba ở đời, một hôm chỉ nghe thấy một sự khai thị đã giác ngộ rồi. 

Lục Tổ Huệ Năng, Ngài đâu biết chữ nghĩa gì nhiều, chỉ là một đứa nhỏ đi vào rừng chặt cành cây củi về bán nuôi mẹ và nuôi thân. Nhưng một hôm đi ngang một nhà kia nghe họ đọc được có một vài câu Kinh Kim Cang thôi: “Tâm đừng có trụ vào điều gì thì sẽ được giải thoát.” Có thế mà ông ta giác ngộ. Chúng ta thấy, Phật nói thật đúng, trong mỗi người chúng ta đã có chủng tử giác ngộ, đã có mầm mống giác ngộ, đã có Phật tánh, đã có tư chất để đi tới sự giác ngộ, đã có thiên tư, phẩm chất để đi tới thành tựu được điều này. Chỉ cần gặp người giáo sư giỏi, việc chuyên môn cao, hiểu rõ và chỉ, vị giáo sư giỏi đó là Đức Bổn Sư rồi. Nhưng chúng ta vô phước, không gặp được Ngài Bổn Sư, nhưng chúng ta vẫn còn đầy đủ phước báu tiếp cận với những điều Ngài dạy còn lưu truyền lại trên kinh điển. Chỉ cần chúng ta gặp một nhà chuyên môn khai thị, hướng dẫn thật rõ, những nhà chuyên môn đó là ai? những Bậc Tôn Túc, những Bậc giáo thọ sư, những Bậc Hòa Thượng, Thượng tọa Tăng Ni, các Bậc thiện tri thức hướng dẫn cho chúng ta và nhìn thấu được tánh của chúng ta, căn duyên của chúng ta, thế của cuộc đời chúng ta để rồi trau chuốt, cắt tỉa, hướng dẫn cho thật rõ. Nhất định các bạn và Bảo Thành sẽ trở thành một cây bonsai giác ngộ có thế đứng vững trong cuộc đời, hướng thượng và hướng thượng, hướng đến điều thiện. Cây giác ngộ này làm đẹp lòng của chúng ta và làm đẹp lòng của muôn người. 

Các bạn thân mến, thật dễ giác ngộ bởi vì đã có Thầy rồi. Thầy đó là Bổn Sư. Ngày xưa khó lắm bởi người ta chưa có Phật, chưa gặp Phật. Nhưng chúng ta dù là thời mạt Pháp, vẫn còn gặp được giáo lý của Phật, những kinh điển lưu truyền thật là rõ, đồng thời vẫn còn có phước báu gặp gỡ những Bậc Tôn Túc hướng dẫn cho chúng ta. Đồng thời ta lại là một người có tâm như anh kỹ sư kia trở về miền quê. Chúng ta đã trở về miền chân tâm chân thật. Trong miền đất chân tâm chân thật, rộng rãi đó, ta nhận rõ giá trị của những cây kiểng cần phải được trồng. Ta nhận rõ giá trị của những cây tâm đức giác ngộ cần phải chăm sóc. Và ta đang học lời của Đức Phật, Bậc Thầy dạy cho chúng ta để cắt tỉa những cành lá không phù hợp, chăm sóc những cành lá còn tốt và xoay chuyển nó hướng theo thế thiện, thế hướng thượng, thế tốt để phục vụ cho ta, mang lại hạnh phúc trong cuộc đời, phục vụ cho người để bớt đau khổ và phiền não.

Chúng ta có Bậc Thầy dạy và có tâm học thì nhất định thật là dễ. Bậc giáo sư Thích Ca Mâu Ni Phật là một nhà chuyên môn thật là cao và dĩ nhiên các học trò của Đức Phật là các Bậc Tôn Túc, giáo thọ sư đều có khả năng nhìn thấu và hướng dẫn. Khác biệt ở chỗ, các bạn có nhân duyên để gặp được những Bậc Thầy đó hay không, hay chúng ta khước từ những Bậc Thầy hướng dẫn để lần mò trong cuộc đời cắt tỉa không đúng để làm chết cây, hoặc cắt sai những cành tốt mà nuôi dưỡng những cành xấu.

Tóm lại chỉ có ba cành cần phải cắt và ba cành cần nuôi dưỡng, ba cành đó là Thân, Ngữ, Ý ác, luôn luôn đi vào chiều hướng vô minh, bất thiện phải cắt tỉa. Ba cành tốt là cành của ý thiện, ngôn ngữ thiện và hành động thiện, cần nuôi dưỡng và uốn nắn cho nó hướng thượng là sẽ thành tựu được cây giác ngộ. Thật là dễ giác ngộ trong cuộc đời hiện tại, bởi đã có Phật đi trước hướng dẫn cho chúng ta, bởi đã có Bậc giáo sư, nhà chuyên môn cao cả nhìn thấu được khả năng của chúng ta và bởi chúng ta là chúng sanh có tư chất Phật tánh hiện hữu ở trong lòng. Mà tư chất đó phối hợp với nghệ thuật giác ngộ của Bậc Thầy cao cả là Bổn Sư, được khai thị, hướng dẫn qua các Bậc Tôn Túc, Giáo Thọ Sư, Hòa Thượng, Đại Đức, Tăng Ni, nhất định khi có nhân duyên như vậy Bảo Thành và các bạn thật dễ giác ngộ ngay trong cuộc đời này để có hạnh phúc và bình an.

Mời các bạn đặt bàn tay phải là tượng trưng cho trí tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho từ bi, vận hành bảy biến vi diệu âm Mu A Mu Sa. Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực để cho chúng con thấu hiểu được nghệ thuật giác ngộ mà Đức Bổn Sư đã dạy. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng quán chiếu thân tâm trì mật chú, Mu A Mu Sa. – 7 Biến 

Mô Phật! Đề mục thật dễ giác ngộ có lẽ chúng ta đã hiểu được. Không Thầy đố mày làm nên, ta có Thầy rồi. Ta có Thầy, bậc chuyên môn cao, Bậc đại giác đại ngộ, Bậc có tầm cỡ nhìn thấu được chúng ta. Và cũng chính Bậc Thầy đó đã khai thị, thọ ký, tức là nói thật rõ ràng mỗi người chúng ta đều có tư chất, đều có thiên tư thông minh, có phẩm chất giác ngộ vốn có ở trong tâm, không khác. Như vậy chúng ta là những học trò giỏi, là những người có chuyên môn tự tánh thiện có ở trong, có gen di truyền, để có phẩm chất nâng cao, học hỏi sẽ đạt được nghệ thuật Giác Ngộ, nhất định sẽ thành tựu. Nếu mỗi người chúng ta thấu hiểu được điều đó đơn giản như vậy và bắt đầu dấn thân vào theo các Bậc Thầy của mình dạy, Bậc giáo sư có trình độ chuyên môn cao là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, Bảo Thành và các bạn sẽ thành tựu thật dễ, dễ lắm. 

Ai trong chúng ta cũng từng là một thuở học trò. Và đã là học trò rồi chúng ta biết, có những Thầy cô, có những vị giáo sư thật là đặc biệt, nhìn ra ta và dạy những phương thức để ta học được những môn học đó. Đức Phật là vị giáo sư cao tột, Ngài là một Bậc Thầy cao tột. Ngài là Bậc đại trí tuệ, đại giác ngộ. Ngài là Bậc Thầy chuyên môn về giác ngộ thì nhất định phương pháp dạy giác ngộ cho chúng ta cũng thật dễ. Nếu chúng ta nắm vững được điều này, học theo những bước đi mà Bậc Thầy Giác Ngộ đã trải qua, đã chứng nghiệm và đạt thành tựu. Đã truyền dạy nhiều đời rồi, và nhiều vị đã giác ngộ rồi. Bậc Thầy, Bậc Giáo sư đã dạy cho học trò và nhiều học trò đã thành tựu, đã thi đỗ, thi đậu và đã thành được những điều cao, đúng là Bậc Thầy cao mà, chuyên môn giỏi mà. Bậc Thầy tột cùng này cần phải được ghi danh của mình vào trong lớp của Ngài để học. Đức Phật bao nhiêu năm trời rồi đã dạy biết bao nhiêu người thành tựu và chính phương pháp Ngài dạy không phải là moi ở trong tàng kinh các văn thư ra. Mà sự trải nghiệm của cuộc đời Ngài chứng nghiệm và thành tựu được. Ngài mang bí kíp đó giản đơn, tận cùng với những lời dạy như thế và thấy trong mỗi chúng sanh có phẩm chất, có tư chất, có thiền tư, có gen di truyền sự học hỏi, giác ngộ và học trò của Phật nhiều vị, thật là nhiều vị đã giác ngộ. 

Ta hãy mau mau, Bảo Thành và các bạn hãy mau mau ghi danh vào lớp học với Bậc Thầy Bổn Sư đi và hãy chuyên chú đặt mình vào trong đó một cách miên mật, một cách thường xuyên. Đừng có trốn học, đừng có cúp cua, học đi. Thầy Bổn Sư sẽ dạy cho chúng ta đạt đến sự giác ngộ bằng những phương thức thật đơn giản dễ học, dễ nghe, dễ thực hành, bởi Ngài là Bậc Thầy tột cùng cao cả. Các bạn hiểu được điều này hãy mau mau ghi danh để học và khi đã ghi danh nhớ đừng trốn học, đừng cúp cua. Ấn định cho mình thời khóa nhất định khi ghi danh, để chúng ta cùng đồng tu, cùng học để cùng đồng trở thành những học trò giỏi. Học gì, học giác ngộ, nghệ thuật giác ngộ rất hữu hiệu. Nhất là trong cuộc sống này, khi đau khổ, phiền não muôn sự ở đời đều tạo tác những gì, những sự phiền não, đau khổ hàng ngày thì rất cần nghệ thuật sống giác ngộ. Hãy ghi danh vào lớp học của đức Thầy Bổn Sư và hãy đồng tu cùng với nhau dưới những mái chùa, am thất, tịnh thất, thiền tự hay nơi những Bậc Thầy tôn quý ta có nhân duyên gặp và thấy phù hợp. 

Các bạn đặt bàn tay trí tuệ vào lòng bàn tay từ bi, ta vận hành bảy biến nữa trong buổi đồng tu hôm nay.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực để chúng con có đủ trí tuệ và thành tâm ghi danh vào lớp học của Đức Thầy Bổn Sư. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra thở từ từ hóp bụng quán chiếu đoạn thân tâm, trì mật chú: Mu A Mu Sa – 7 biến

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn