Bảo Đức đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Mu A Mu Sa.
Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào tất cả các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn!
Các bạn thân mến, trong cả cuộc đời Chư Phật mười phương cũng như cuộc đời của Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, các Đức Phật luôn song hành với mọi con người và chúng sanh, ứng hóa và ứng hiện đa phương tiện phù hợp với từng căn cơ con người. Để dìu dắt chúng sanh đi từ vùng đen tối của vô minh lầm chấp tới ánh sáng Trí Tuệ giải thoát mình khỏi đau khổ, phiền não. Đa phương tiện nhưng tất cả mọi phương tiện đều nằm gọn trong ý tưởng và chân lý là lấy tâm ý làm chủ vạn pháp Sanh − Diệt trong cuộc sống. Làm được điều đó bằng phương thức trở về với Chánh Niệm hơi thở quán chiếu thật sâu những cảm thọ của thân để hiểu rõ tất cả những cảm thọ đó đều vô thường Sanh − Diệt, không dính mắc, không bám víu, không chấp. Nhưng vẫn ứng dụng những phương tiện của cảm thọ đó để trở thành Trí Tuệ của chúng ta.
Thiền Mật song tu, Thất Bảo Huyền Môn lấy hơi thở Chánh Niệm để tu và hơi thở Chánh Niệm đó kèm với mật chú Mu A Mu Sa. Mỗi người đón nhận được tha lực Phật điển dùng ý dẫn xuống các Luân Xa, khai mở Luân Xa xoay chuyển năng lượng Từ Bi ở trong châu thân từ Luân Xa số 1 tới Luân Xa số 7 trên đảnh đầu dọc theo cột sống của ta chia làm 7 đoạn. Và 7 đoạn như vậy tương ứng với từng vùng Luân Xa được đặt số. Các bạn muốn biết rõ chúng ta hãy coi các video về Luân Xa số 1 tới số 7 để thấy rõ phần này. Ta cũng tiếp cận với tha lực Phật điển từ trên ban rải xuống tới đảnh đầu chuyển hóa toàn bộ châu thân của chúng ta. Với sự quán chiếu sâu sắc như thế nhìn rõ tất cả những tư tưởng, suy nghĩ, khởi lên ở trong tâm do sự tương tác lực của bất thiện nghiệp tiền kiếp cũng như lực của thiện nghiệp tiền kiếp và hiện tại dung thông thấu rõ để buông ác nghiệp, buông năng lượng tiêu cực và rồi ứng vào trong năng lượng thanh tịnh, tích cực, pháp thiện để chúng ta thay đổi cuộc sống của mình, dần dần khai mở Trí Tuệ trong Tánh Thấy Biết của pháp nội quán Thất Bảo Huyền Môn Thân − Thọ Niệm Xứ.
Giờ đây mời các bạn đặt bàn tay Trí Tuệ là bàn tay phải vào lòng bàn tay trái Từ Bi để chúng ta quán chiếu 7 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa để chúng ta cùng nhau tư duy về đề mục “tha thứ cho chính mình”.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh và khai mở 7 Luân Xa để chúng con biết sám hối và tha thứ cho chính mình. Hít vào bằng mũi, phình bụng. Thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu Luân Xa, trì mật chú
Mu A Mu Sa (7 biến)
Mô Phật! Bảo Thành kính chào các bạn!
Đề mục quán chiếu hôm nay chúng ta luôn luôn phải suy niệm cho thật kỹ đó là “tha thứ cho chính mình”. Tha thứ cho chính mình là một câu nói thường lặp đi lặp lại trên miệng lưỡi của chúng ta: “thôi, tự tha thứ cho mình, dằn vặt hoài khổ, phải biết tự tha thứ cho mình”. Và rồi đôi khi chúng ta cũng hãnh diện thêm một chút xíu “tha thứ cho họ đi”. Nếu ở trên đời này cứ nói thôi tha thứ cho họ và tự tha thứ cho chính mình thì tội lỗi, lầm chấp, sai phạm của ta đều hết thì thật là tuyệt vời, hạnh phúc vô cùng, chẳng có đau khổ. Bởi nó quá dễ mà, ta lầm lỗi với chính mình rồi tự nói tha thứ cho chính mình, xong, chấm hết. Cả cuốn nhật ký của lầm lỗi, chấp trược, sai phạm của ta chỉ một lần nói tha thứ cho chính mình là hết rồi, nhẹ nhàng quá, đơn giản. Và rồi khi ta phạm đến người khác ta cũng nói thôi tha thứ cho mình rồi lần 1 đến kiếp này đến kiếp sau, lần mãi, lần mãi cứ phạm hoài.
Đã biết bao nhiêu lần trong cuộc đời nếu ai có cha mẹ đều biết được mình đã tha thứ cho con của mình từ lần này tới lần sau, biết bao nhiêu lần tha thứ. Con cái có thể nhận lỗi rồi cũng có thể nói những lời thật ngọt: “mẹ ơi, tha thứ cho con”. Nhưng mà con của chúng ta vẫn lặp lại những lầm lỗi đó để cả cuộc đời người mẹ, người cha phải tha thứ cho con hoài. Và phận làm con đã bao nhiêu lần lặp đi lặp lại văn tự tưởng chừng như mỹ miều, đẹp là “mẹ ơi, cha ơi, tha thứ cho con”. Nếu cứ than van xin sự tha thứ của người hay tha thứ cho mình hay tha thứ cho người mà sự việc sai trái, tội lỗi, xúc phạm đến nhau cứ tuông ra mỗi ngày thì đó chỉ là cửa miệng mà thôi. Thay vì như vậy chẳng cần thiết phải nói tha thứ cho người hay tha cho mình bởi có công dụng gì đâu. Thế giới ở bên ngoài và thế giới trong gia đình đau khổ cứ tới, gặp nhau thì nói ngọt ngào dữ lắm thôi tha thứ cho nhau. Nhưng mà ngấm ngầm bên trong tuôn ra những lời thật là đay nghiến, những hành động tạo khổ gây sự dằn vặt mãi không thể nguôi được trong từng ngày.
Pháp sám hối của Phật không phải là được đúc kết bởi những văn tự đọc cho nó có vần, tụng nghe cho nó hay, nó sướng lỗ tai, nghe thấy khóc thấy thảm, nghe thấy tội, nghe biết lỗi. Mà sám hối của Phật là cách mà chúng ta thực sự tha thứ nhưng không tha thứ trên văn tự của kinh sám được đúc kết bằng những vần thơ, chữ nghĩa hay tóm gọn những tội lỗi của chúng ta. Nhưng tha thứ là cách chúng ta nhìn thật rõ, thật sâu theo sự hiểu biết của chúng ta về những hành động, tạo tác, suy nghĩ, những ngôn ngữ ứng dụng hàng ngày mà ta tạo ra đối với người, làm khổ cho người. Ta phải nhìn thật rõ và biết được để từ bỏ không làm nữa thì đó mới chính là sự tha thứ thực sự cho ta khi ta phạm đến người hoặc cho ta khi ta làm cho ta đau khổ. Khi phạm đến người là làm khổ cho ta bởi ta tạo nghiệp, khi làm khổ đến ta ta biết điều đó ta vẫn cứ dày vò ta hoài, ta phải biết tha thứ cho mình, tha thứ cho người hoặc xin sự tha thứ của người bằng sự sám hối chân thật, nhìn rõ, thật kỹ, hiểu thấu được những điều ta làm tạo khổ, ngưng toàn diện.
Chúng ta ngưng là không tạo khổ nhưng phải bù lại những gì ta đã làm cho họ khổ. Không phải khi ta làm cho họ đau rồi nói thôi tha thứ, sám hối họ hết đau. Các bạn cứ thử đưa tay đấm vào mặt mình một cái thật là mạnh, đó là tự phạm lỗi với mình đấy rồi các bạn nói thôi tha thứ cho mình. Khi các bạn nói như vậy thì các bạn có còn đau không? Vẫn còn mà. Rồi các bạn lại đấm tiếp rồi tha thứ, tha thứ sau khi hành, hành xong lại tha thứ, tha thứ xong lại tạo, tạo xong lại tha thứ, tha thứ xong lại tiếp tục. Cứ như vậy từ vô thỉ vô chung, đời người ngắn lắm mà đã bao nhiêu lần ta tái lập lại hiện trạng gây ra tội, gây ra nghiệp rồi cứ than van, sám hối suốt ngày để rồi cứ tha thứ cho người, tha thứ cho ta. Thậm chí đến khi ta cảm thấy hình như cả thiên hạ rộng lớn này đều phạm đến ta thôi tha thứ cho họ. Từ đó mà có biết bao nhiêu con người cứ đứng trên bậc trên tự tạo của cái tôi để thấy rằng ta có quyền tha thứ cho muôn người. Đấy, ngày nay vẫn có những người như vậy, xưng danh ta là Trời, là Đất, là Phật, là Tiên, là Thần, là Thánh, là Thượng Đế, tới với ta ta tha thứ hết bởi vì ta có quyền tha thứ tội lỗi cho các ngươi. Điều đó là một ý tưởng sai hoàn toàn, lạc vào Tà Kiến, Tà Pháp.
Tha thứ cho chính mình đây là một pháp tu chứ không phải là một câu nói xuôi, suông miệng để cho mọi người vui. Đây là một pháp thực hành để tu. Những ai muốn tha thứ cho mình hoặc tha thứ cho người hoặc những ai muốn xin sự tha thứ của người đối với ta quan trọng vẫn là phải pháp quán và soi chiếu rõ hành động, tư tưởng, lời nói đã phạm đến người, đến ta. Thấy nó là sai, là phạm để rồi từ đó sám hối từ bỏ và để đền bù tội lỗi, nghiệp chướng để chuyển hóa nó ta phải thực hành song song với pháp Thiện. Bạn không thể đi bác sĩ, bác sĩ mổ vết thương rồi bạn về không giữ vệ sinh lại tiếp tục từ vết thương cứa ra nữa hoặc là nhúng vết thương đó xuống bùn, sình lầy. Vi trùng sẽ nhập vô làm thối thịt và nguy hiểm, làm cho vi trùng nó xâm nhập vào vết thương và làm cho vết thương lở loét, khó có thể chữa lành, coi chừng bị cắt và phải bỏ mất một phần cơ thể của chúng ta. Tha thứ cho chính mình là sám hối siêu mầu bằng cách nhìn rõ tạo tác của ta và bù vào tội lỗi, chuyển hóa nghiệp chướng đó bằng hành động tu cụ thể bằng Chánh Niệm hơi thở và làm pháp thiện đền bù những tội lỗi của ta. Ta không thể nói rằng ta mượn tiền người ta 1 tỷ không trả rồi xin tha thứ. Xin tha thứ là bởi không trả nhưng nợ vẫn còn đó. Và để cho sự tha thứ tha thứ hoàn thiện, rõ ràng cho họ, cho mình, cho ta, cho người ta phải đền bù lại 1 tỷ đó. Nếu các bạn phạm lỗi đến một người nào đó bằng ngôn ngữ ngoài sự tha thứ cho mình, xin tha thứ của người ta còn phải thực hành pháp của Phật là đối xử với người đó bằng ái ngữ, bằng những ngôn ngữ thiện hảo, dễ thương để tạo ra khẩu nghiệp thiện bù lại những ác khẩu, nghiệp ác của chúng ta. Đó mới gọi là tha thứ.
Sự tha thứ cho chính mình phải kèm theo hành động cụ thể bằng tu pháp thiện của nhà Phật. Tu từ tư tưởng bởi chúng ta phạm đến nhau bằng tư tưởng và chúng ta tạo ra đau khổ cho chính ta bằng tư tưởng. Ví dụ có những luồng tư tưởng của quá khứ đã qua rồi thế mà chúng ta cứ dằn vặt, tự dày vò, suy nghĩ, cứ lăn qua, lăn lại, nhào đi, nhào lại như nhào bột làm bánh. Mà bánh này đâu có ngon đâu, bánh này là bánh cay, bánh đắng, bánh gai, bánh ở trong đó mà tim tan nát, máu chảy xương rơi, nước mắt không thể ngừng. Vậy mà nhồi đi, nhồi lại tháng ngày, đêm cứ nằm xuống là nhồi vào trong sọ, ngày thức dậy là nhồi lên trên miệng, nuốt đi nuốt lại nó tắc nghẽn ở trên đây, chết lên chết xuống. Vậy mà cứ làm hoài không nhận ra, đó là một hình thức chúng ta đang tự tử tư tưởng của chúng ta. Và để tha thứ cho những lỗi lầm đó ta phải nhận thức rõ ràng sự mà cứ nhào đi nhào lại, nhồi đi nhồi lại những dòng tư tưởng quá khứ không tốt dằn vặt lương tâm của ta làm tai hại đến sức khỏe ta phải buông bỏ. Nhưng để buông bỏ được điều đó và chuyển hóa được lực của những nghiệp ta đã tạo ra từ trong tư tưởng ta phải vận dụng tư tưởng của mình khởi lên những tư tưởng thiện hảo khi nghĩ về tất cả mọi chúng sanh và bản thân theo chiều hướng hướng Thượng của pháp thiện bằng Chánh Niệm hơi thở Mu A Mu Sa.
Tha thứ cho chính mình tức là Chánh Niệm hơi thở Mu A Mu Sa. Bởi khi các bạn đi một vòng dơ dáy nhảy xuống dòng sông tắm nó sẽ tươi mát sạch sẽ. Khi các bạn phạm tội đến mình, phạm lỗi đến mình tạo ra những điều phiền não, khổ đau cho mình và vấp vào ta, vấp vào người, cần tha cho ta, tha cho người chính là ta nhảy xuống dòng sông tươi mát của Chánh Niệm hơi thở, đắm mình trong năng lượng Từ Bi của Phật mọi phiền ưu đều được rửa sạch hết và trong lòng thênh thang, nhẹ nhàng, tươi mát, an vui. Tha thứ cho chính mình là một pháp hành vi diệu, suy nghĩ cho kỹ thực hành thật là dễ các bạn và lợi lạc vô cùng. Những ai biết tự tha thứ cho mình bằng tu pháp thiện, nhìn rõ tội tự buông bỏ và luôn luôn ứng dụng những phương tiện chúng ta vốn có, đã sẵn có và luôn có là ý, ngôn ngữ và hành động để tương ưng với pháp thiện hiện hữu Phật dạy, giữ năm giới. Nhất định chúng ta sẽ đền bù được tất cả tội lỗi mọi sai phạm của ta đối với ta và của ta đối với người một cách hoàn hảo nhất. Cũng như chúng ta có một ruộng đất biết chăm sóc, nhổ gai, sỏi đá đi và trồng vào đó một hạt giống tốt như hoa, trái để ăn như lúa để gặt thì nhất định kết quả sẽ đẹp mà. Ngoài vấn đề nhặt gai góc đi tức là tự tha thứ, tự dọn dẹp rác rưởi cho ta, ta còn phải biết gieo trồng, ta còn phải biết tạo ra những điều tốt đẹp hơn chứ không thể chỉ nói suông.
Do đó, khi chúng ta thực hành pháp tự tha thứ cho chính mình các bạn phải làm bù vào trong đó một sự thực hành miên mật bằng những hành động thiện, thập thiện, mười điều thiện. Thay vì các bạn sát sanh từ kiếp nào không biết hoặc kiếp này để sám hối, ngưng và tha thứ cho tội sát sanh ta phải phóng sanh. Phóng sanh trong tư tưởng, phóng sanh trong ngôn ngữ, phóng sanh bằng hành động, cả ba thành một. Không thể cứ nói: “ôi thôi tha thứ cho mình, hồi xưa mình sát sanh, mai mình làm thiện tiếp”. Như vậy là không đúng, nhiều người cứ lạm dụng sự tha thứ cho mình để rồi tạo tội lỗi hoài. Các bạn, tha thứ cho chính mình là một pháp tu nha các bạn. Và phương tiện để tự tha thứ cho chính mình hữu hiệu nhất, dễ dàng thực tập và nó có công hiệu lớn tạo ra phước báu nữa đó là luôn luôn tịnh dưỡng thân tâm, an trú trong Chánh Niệm hơi thở và Chánh Niệm của đời sống. Ai có một đời sống Chánh Niệm trong hơi thở, ai có một đời sống Chánh Niệm trong vi diệu âm Mu A Mu Sa người đó tràn đầy tha lực Phật điển, năng lượng Từ Bi. Trên môi miệng, trên mắt, trên khuôn mặt, trong tạo tác, suy nghĩ, lời nói của họ chan chứa năng lượng yêu thương. Và năng lượng đó qua tương tác có thể thẩm nhập vào những con người ta tiếp cận với họ. Vậy nên Đức Phật mới nói có một vị Thánh Tăng hay một vị Phật chứng đắc rồi thì thế gian, Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới rúng động. Và đúng vậy, nếu có một người biết an trú trong Chánh Niệm hơi thở vi diệu âm Mu A Mu Sa thì thế giới xung quanh họ tràn đầy năng lượng vi diệu. Và những ai tiếp cận với họ đều được thừa hưởng năng lượng đó và làm tươi mát cuộc đời. Và những ai an trú trong Chánh Niệm hơi thở quán chiếu thật sâu sắc thì người đó là người biết tự tha thứ cho họ.
Người biết tự tha thứ cho chính mình bằng quán niệm hơi thở trong Chánh Niệm của đời sống Mu A Mu Sa trên khuôn mặt của họ sẽ tươi, tinh thần của họ sẽ sáng, cuộc sống của họ sẽ tự tại. Bởi họ nhìn xa, nhìn rộng, không có giới hạn chính là bởi họ không còn đặt để trong tâm và tầm nhìn của họ những tảng đá của đau khổ, tội lỗi do họ và do người tạo ra chất chồng ngăn cản bước chân và ngăn cản tầm nhìn của họ. Họ đã di chuyển, quăng đi tất cả những sự ngăn ngại của tội lỗi mà họ đã phạm đến người, họ đã phạm đến bản thân. Họ đã biết tự tha thứ bằng sám hối chân thật, nhìn rõ và sống đời sống Chánh Niệm pháp thiện vi diệu. Các bạn nhìn trên khuôn mặt của các vị Bồ Tát luôn luôn hiền từ, từ ái, là vì sao? Vì năng lượng Từ Bi, là vì các vị Bồ Tát thường nhìn thật là rõ và biết tha thứ và hành thiện. Nên các Ngài luôn phát nguyện mang lòng đại Từ đại Bi ứng hóa hằng hà sa những phương tiện trong thế gian này để mà nâng đỡ chúng sanh thoát khổ, phiền não và rồi dẫn đường từ vô minh đến mặt trời chân lý về Niết Bàn an vui.
Tha thứ cho chính mình không phải nói suông các bạn mà hãy hành động. Và chúng ta thực sự khi chiêm nghiệm về điều này thấy nó diệu dụng vô cùng. Bởi tất cả những gì tạo ra đều do ta, Phật đã nói nghiệp chướng giữa người và ta, giữa ta và người đời này qua đời sau đều do chính ta tạo ra. Ta tạo ra cho ta, ta tạo ra với người có sự cộng nghiệp tương tác trở lại với ta. Và ta là đầu dây mối nhợ để tạo ra những điều đó, ta là khúc mắc của muôn nghiệp chướng đã tạo thành. Người gỡ rối chính là ta, ai là người tha thứ cho những lỗi lầm? Ta. Ông Trời không tha thứ để ban ân, không trừng phạt để xét tội. Ông Phật không tha thứ, ban ân, trừng phạt, xét tội như những niềm tin của những tôn giáo khác. Phật là Đấng Đại Từ Đại Bi, Ngài Giác Ngộ, Ngài nhìn rõ tất cả những gì ta tạo ra do chính ta và ta phải chịu lấy, lãnh nhận trách nhiệm đó. Và nếu ta tạo ra nghiệp ác thì ta có thể tự tha thứ những lầm lỗi tạo nghiệp ác để mà chuyển hóa nó, tăng trưởng, tác động tạo ra nghiệp thiện.
Rõ ràng, thật là rõ, hiểu chân lý đó thì chúng ta không còn lần mò trong cuộc đời tìm hiểu nữa mà chúng ta vận dụng vào đời sống. Như một người học trò 12 năm học đi vào đại học 4 năm, 8 năm hoặc 12 năm nữa, học thành bác sĩ, kỹ sư hoặc một ngành nghề nào đó. Thì sau khi học rồi mang ra ứng dụng để bắt đầu dùng chúng như phương tiện để sống. Chúng ta học pháp của Phật cũng vậy, phải ứng dụng mới có kết quả. Không ứng dụng, ngồi mòn trên ghế nhà trường, ăn bám cha mẹ, chẳng làm được điều gì. Kiến thức là tốt nhưng kiến thức phải ứng dụng được và mang lại kết quả. Kiến thức Phật học của Phật dạy là tuyệt vời bởi vì đây mà một pháp giúp chúng ta giải thoát đau khổ nhưng phải ứng dụng vào.
Tha thứ là một pháp tu, tha thứ cho chính mình là một pháp tu nhưng phải ứng dụng bằng những pháp thiện tương ưng. Phạm sát sanh, tha thứ tội sát thì phải ứng vào đó là phóng sanh. Phạm vào sự trộm cắp, trộm tiền, trộm danh dự, trộm thân xác, trộm quyền lợi, trộm tất cả về mọi thứ thì các bạn phải tương ưng với điều đó là phải biết cho đi, biết bố thí trở lại. Ta đã trộm cắp, tha thứ cho tội trộm đó ta phải biết bố thí, ta phải biết dâng hiến, ta phải biết san sẻ thì đó mới gọi là tha thứ cho chính mình. Còn nếu như chúng ta ăn cắp của người ta rồi chúng ta tự tha thứ nhưng của không trả mà chẳng cho, chẳng san sẻ, chẳng bố thí thì tha thứ đó chỉ là thêm tội mà thôi. Do đó, sự tha thứ cho chính mình phải kèm theo một pháp hành tương ưng hướng Thượng pháp thiện mới gọi là tha thứ. Còn không khách sáo, rỗng tuếch, chẳng làm được gì, tội vẫn còn nguyên và rồi phước báu chẳng tích lũy được, họa luôn luôn tới với chúng ta.
Khi các bạn còn thấy những tai họa tới với cuộc đời thì đó chính là hiện thân của những lầm lỗi các bạn đã phạm tưởng chừng như đã quên hoặc đã nói tha thứ mà chẳng làm pháp thiện để chuyển hóa cho nên họa vẫn tới với các bạn. Họa – phước ở đời tương ưng với Thiện − Ác, thiện ta tạo ra phước, ác ta tạo ra họa. Nếu ác tạo ra họa phải biết tha thứ và làm việc thiện tương ưng để chuyển hóa, đừng dùng miệng không nha các bạn. Nếu chữ thiện viết trên giấy mà có phước báu thì ta ngồi một ngày viết một trăm lần, một tỷ lần, mình đánh máy thì phước báu đầy rồi. Tất cả và phước báu và họa tới từ sự suy nghĩ liên quan đến hành động của ngôn ngữ và hành động của thân tương tác với ta và với người. Cho nên để đền bù lại tội lỗi đó, vạ đó chúng ta thực sự phải làm pháp thiện. Một vết thương bị cắt đứt nó đã lành rồi vẫn còn vết thẹo, đó là di tích của vết thương. Ta sám hối không tạo ra vết thương nữa, tha thứ đã cắt đứt một phần cơ thể nhưng nhìn vết thẹo vẫn còn đó. Để tẩy vết thẹo này đi phải đi thẩm mỹ tốn tiền nó mới làm lại đàng hoàng, ủi cho da không còn vết thẹo. Vết thẹo ở trong tâm thức khi chúng ta phạm lỗi với người khác, phạm tội đến ta mặc dù nó đã lành, ta đã ngưng rồi nhưng nó còn vết thẹo trong tâm thức. Để tẩy vết thẹo đó phải tới bác sĩ thẩm mỹ của Chánh Niệm hơi thở. Chứ không thể cứ nhìn đó, nó còn đó nhìn nó nhớ lại đau lắm.
Chúng ta hãy tới bác sĩ thẩm mỹ đi, ngày nay người ta tới bác sĩ thẩm mỹ thật là dễ dàng để sửa đổi những xấu, không phù hợp. Thì Đức Phật đã trao cho ta một vị bác sĩ thẩm mỹ đó là hơi thở Chánh Niệm vi diệu âm Mu A Mu Sa. Những phần xấu nơi tâm, nơi ngôn ngữ, nơi hành động, những vết thẹo tàn dư từ vô lượng kiếp còn cô đọng lại trong ngôn ngữ, trong hành động, trong tư tưởng. Chúng ta hãy mời vị bác sĩ hơi thở Chánh Niệm Mu A Mu Sa để làm đẹp lại ngôn ngữ, làm đẹp lại hành động, làm đẹp lại tư tưởng. Ta có một vị bác sĩ thẩm mỹ không phải trả tiền sao không tới mà chuyện tốn tiền ta cứ bỏ tiền ra, cày cho hết sức để lấy tiền sửa cho đẹp. Nhưng mà sức cày đó hao tổn Tinh – Khí – Thần, sửa chưa xong người đã xấu, già rồi. Còn bác sĩ thẩm mỹ hơi thở Chánh Niệm Mu A Mu Sa tiền không tốn, sức không tốn, chỉ cần thẩm nhập vào tới gõ cửa và an trú trong đó thì vạn sự hanh thông, vết thẹo của những lầm lỗi, tội lỗi ta đã tha thứ nay được bác sĩ thẩm mỹ hơi thở Chánh Niệm ủi sạch, căng cho đẹp. Đẹp từ trong tư tưởng, suy nghĩ về mọi con người, đẹp từ trong những ngôn ngữ ứng dụng trong cuộc đời, đẹp từ những hành động của ta tương ưng với đời hiện tại này.
Có phải chúng ta quá khờ khạo, có một bác sĩ thẩm mỹ trong cuộc đời có thể sửa và làm đẹp lại cuộc đời mà chúng ta quên hay không? Hay chúng ta chưa nghĩ tới. Hôm nay Bảo Thành đã giới thiệu một vị bác sĩ vi diệu, bác sĩ thẩm mỹ hơi thở Chánh Niệm Mu A Mu Sa. Hãy tới gõ cửa và đồng hành, bắt tay với vị bác sĩ thẩm mỹ Chánh Niệm Mu A Mu Sa này để chúng ta bắt đầu sửa những vết thẹo tội lỗi khi tha thứ cho mình bằng những mũi kim khâu của Chánh Niệm hơi thở và pháp thiện. Các bạn, chúng ta sẽ lành lặn thật là nhanh, những vết thẹo tàn dư sẽ được ủi thẳng và ngôn ngữ ta thẳng tấp, thơm tho. Những lời ái ngữ, hành động của ta sẽ như hương từ ái tỏa khắp mười phương. Tư tưởng của ta là tư tưởng của Giới − Định − Huệ, sẽ thơm lắm, tốt lắm, đó là hương Giới, hương Định, hương Huệ dâng lên mười phương Chư Phật. Chẳng cần gì hãy trở về bắt tay với bác sĩ thẩm mỹ Chánh Niệm hơi thở Mu A Mu Sa.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh và khai mở 7 Luân Xa cho chúng con để chúng con biết tự tha thứ cho mình và an trú trong Chánh Niệm Mu A Mu Sa. Hít vào bằng mũi, phình bụng. Thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu Luân Xa, trì mật chú
Mu A Mu Sa (7 biến)
Các bạn thân mến, khi chúng ta phạm đến người, chúng ta phạm đến ta, sự tha thứ trong hơi thở Chánh Niệm là ta quán chiếu tha lực Phật điển tác động vào từng Luân Xa để giải tỏa những năng lượng bất tịnh, tiêu cực còn ẩn trú trong từng vùng miền của cơ thể giúp cho thân của chúng ta khỏe mạnh, giúp cho tâm của chúng ta thư thái. Phật dạy nghiệp lực tức là từng suy nghĩ, từng lời nói và hành động tạo nên lực thanh tịnh, tích cực hay tiêu cực. Tiêu cực, bất thiện người ta còn gọi một danh từ khác gọi là trược khí, trược điển. Cái thanh tịnh ta gọi là thanh điển, thanh khí. Năng lượng Từ Bi của Phật là Phật điển, lấy Phật điển, năng lượng Từ Bi của Phật đưa vào từng vùng miền trong châu thân cơ thể qua các Luân Xa chuyển hóa những năng lượng bất thiện ta đã tạo ra bởi lầm lỗi và tội lỗi để cho thân khỏi bệnh.
Các bạn nhớ, mọi tạo tác tạo ra nghiệp lực bất thiện, ác đều gây ra bệnh của thân, của tâm cho nên cần phải chuyển hóa bằng nước Thanh Lương Từ Bi, Phật điển Mu A Mu Sa. Cho nên các bạn tiếp dẫn năng lượng đó vào trong thân chuyển hóa và thanh tẩy thân xác của mình để trong tư tưởng có những tư tưởng xấu xa tha thứ rồi ta phải dẫn ý để hòa nhập vào với năng lượng Phật điển để tư tưởng đó sẽ được rửa và gội sạch để khởi lên muôn trùng những tư tưởng tuyệt vời. Cỏ lấp mặt đất hoa không mọc được, tư tưởng bất thiện che phủ làm cho tư tưởng thiện không thể ngoi đầu. Các bạn rửa sạch những tư tưởng đó bằng Phật điển, năng lượng Từ Bi tư tưởng thanh tịnh, tư tưởng cao đẹp, tư tưởng cao rộng, tư tưởng từ ái bao dung nó sẽ có cơ hội nở hoa trong cuộc đời. Các bạn hãy nhìn rõ những tạo tác của mình tạo ra từ tư tưởng, lời nói, việc làm và mang nước Thanh Lương Phật điển tẩy rửa từng vùng miền trong châu thân qua các Luân Xa và tư tưởng đó, ngôn ngữ đó nhất định sẽ sạch.
Các bạn có thói quen ứng dụng những ngôn ngữ thô trược, thô ác tạo ra nghiệp trước khi mở miệng các bạn quán chiếu Luân Xa số 5 và Luân Xa số 6 ở giữa hai vùng này. Quán chiếu tiếp điển vào đó và từ đó miệng của bạn sẽ khởi lên những ngôn ngữ vi diệu mang lại tình thương. Còn nếu như các bạn khởi lên suy nghĩ xấu, quán chiếu vùng Luân Xa số 7 đưa thanh điển của Phật tới đó tư tưởng sẽ thanh tịnh ngay. Ứng dụng từng phần các bạn sẽ thấy hiệu quả vô cùng. Ta đã có phương tiện trong tay các bạn cần phải diệu dụng để mang lại kết quả.
Chúc cho các bạn thực hành được pháp tự tha thứ cho chính mình bằng sám hối nhìn rõ và an trú trong Chánh Niệm hơi thở, vận dụng Phật điển Từ Bi, năng lượng siêu thế ứng vào từng Luân Xa chuyển hóa cơ thể của ta để có thân khỏe mạnh tịch tĩnh, tâm an vui thư thái.
Các bạn, tiếp tục 7 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh và khai mở 7 Luân Xa để chúng con an trú trong hơi thở Chánh Niệm biết tự tha thứ cho chính mình. Hít vào bằng mũi, phình bụng. Thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu Luân Xa, trì mật chú
Mu A Mu Sa (7 biến)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Mu A Mu Sa.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh và khai mở Luân Xa cho mọi loài để biết tịch tĩnh trong Chánh Niệm hơi thở và tự tha thứ, sám hối cho chính mình. Nguyện hồi hướng công đức này cho các nguyên thủ các quốc gia trên thế giới để họ biết thành lập được những chính sách giữ được nền hòa bình cho thế giới. Hồi hướng cho các nhà khoa học ngành y, ngành dược chế tạo ra vắt xin và thuốc trị bệnh đại dịch. Cầu nguyện cho các bác sĩ, các y tá, các nhân viên y tế, nhân viên cứu trợ trên toàn thế giới chữa lành tất cả những bệnh nhân. Hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh và những người còn đau khổ trên thế giới cũng như người dân Việt Nam của chúng con được thoát khổ, hết sợ, sống bình an. Hồi hướng đến các vong linh tử vong được siêu sanh miền Cực Lạc.
Xin Chư Phật mười phương Từ Bi chứng minh.