Search

Bài 1184: Cập Bến Từ Bi – Thất Bảo #1- Mu A Mu Sa

Bảo Đức đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào tất cả các bạn!

Thất Bảo Huyền Môn là pháp môn thiền, chúng ta gọi là Thiền Mật song tu, thiền trong hơi thở Chánh Niệm vào ra, mật ở trong mật chú Mu A Mu Sa đón nhận tha lực Phật điển ban rải xuống mọi loài chúng sanh trong đó có ta. Đón nhận tha lực này vào ở trong 7 Luân Xa tác động khơi nguồn năng lượng tự thể, hỗ trợ cho chúng ta tu pháp nội quán Thân − Thọ Niệm Xứ. Từ đó chúng ta có cách nhìn viên dung về cuộc đời qua sự thực tập hơi thở Chánh Niệm vào ra, thấy biết. Bởi chúng ta là những người Phật tử và các bạn chưa phải là Phật tử thuộc tôn giáo khác không quan trọng khi thấu và hiểu được ý nghĩa quy y Tam Bảo, không phải là một sự ràng buộc trong cái lời thề đi theo một Đấng tối thượng nào. Hai chữ “quy y” tức là nương vào, nương vào để học. Cũng như chúng ta ở nhà, chúng ta nương vào cha và mẹ để được học hỏi, được bảo bọc, che chở và nuôi dạy. Đi vào đời, bắt đầu từ mẫu giáo, tới hết 4 năm, 8 năm, hoặc 12 năm đại học tùy theo ngành nghề chúng ta cũng phải nương vào các Bậc thầy và cái kiến thức ở đời qua kinh điển giáo khoa, khai mở của các Bậc thầy. Trong đời chúng ta nương vào tình bạn, tình người, nương vào cái thể chế xã hội, nương vào cộng đồng, nương vào gia đình, vợ chồng, con cái, nương vào xã hội, luật lệ, sự tương tác lẫn nhau. Cho nên sự quy y với Phật tức là chúng ta nương vào Phật, hiểu được điều đó các bạn khác tôn giáo không có gì ngần ngại, e ngại, sợ hãi, phạm tội khi tôn thờ một Đấng khác. Bởi Phật chưa bao giờ nói cho tất cả mọi người và chúng sanh phải tôn thờ Ngài.

    Phật là Bậc Thầy Giác Ngộ, Ngài Giác Ngộ, Ngài hiểu ra chân lý chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc, chuyển hóa phiền não thành bình an. Ai là người tôn giáo nào cũng khổ đau, cũng phiền não, cho nên chẳng phải chỉ có Phật giáo mới chuyển hóa khổ đau, phiền não thành hạnh phúc, bình an đâu. Ai cũng có phiền não thì ai cũng có cái quyền nương vào lời dạy của Bậc Thầy là Bổn Sư Thích Ca để chúng ta chuyển hóa khổ đau, phiền não thành hạnh phúc, bình an. Khi quy y vào Pháp chẳng phải là phải phục tùng một giáo lý. Bởi Phật không dạy cho chúng ta và chẳng bao giờ mặc định, ấn định mỗi người phải luôn luôn tôn thờ giáo pháp của Ngài. Ngài luôn nhắc rằng giáo pháp của Ngài là phương tiện, là phương tiện các bạn ạ. Đã là phương tiện thì tất cả chúng ta theo như Phật nói thì có quyền ứng dụng phương tiện đó vào cuộc sống để chuyển hóa khổ đau, phiền não. Nếu nó làm được chuyện đó chúng ta ứng dụng phương tiện đó, còn không Phật trao cho chúng ta phương tiện khác. Cuộc đời có nhiều phương tiện để chuyển hóa, không nhất thiết chỉ có một phương tiện, cho nên quy y vào Pháp của Phật tức là nương vào những điều Bậc Thầy Giác Ngộ dạy cho chúng ta để mà chuyển hóa khổ đau.

Còn quy y Tăng chẳng phải là phục tùng các vị Sư sãi ở chùa, các Sư cô. Mà nương vào Tăng Đoàn sống trong tinh thần hòa hợp. Chúng ta phải nhớ rằng tinh thần hòa hợp không hẳn các Ngài, hoặc các vị xuất gia là các Thầy, các Cô đều là Bậc Thánh. Họ vẫn là con người, là phàm phu, vẫn phạm tội lỗi lầm, nhưng biết sám hối và luôn luôn sống trong sự hòa hợp. Còn ai dù đã xuất gia, mặc áo nhà tu mà không sống trong tinh thần hòa hợp thì cái đó không gọi là Tăng. Khi nói Tăng là phải hòa hợp, Tăng là phải đi liền với hòa hợp. Tăng là những vị xuất gia, nam hoặc là nữ, gọi là Thầy hoặc Sư cô đều phải hòa hợp mới xứng danh gọi là Tăng. Còn dù xuất gia mà không sống hòa hợp, không phải Tăng. Cho nên khi quy y Tăng là chúng ta nương vào sự hòa hợp. Do đó mà thấy các vị Tăng không hòa hợp không phải đó là trái pháp mà chúng ta không cần phải nương vào những vị không có tinh thần hòa hợp. Hiểu được nghĩa thú này, mỗi người chúng ta sẽ tự hào bởi chúng ta nương vào Bậc Thầy tốt đẹp là Phật, những phương thức dạy của Bậc Thầy đó và với cái tinh thần hòa hợp không phân rẽ, không chia rẽ, không tạo nhóm, không tạo phe, để rồi chúng ta hòa hợp với tinh thần hiệp nhất. Đó là chính là quy y Tam Bảo. Hiểu được điều đó chúng ta bắt đầu sẵn sàng tin sâu vào lời Phật dạy trong Nhân Quả Thiện − Ác  để chúng ta bỏ ác làm thiện. Và hân hoan, hạnh phúc vì được Phật trao cho năm giới, để chúng ta bảo bọc hộ pháp sáu căn của chúng ta, cho thân xác của chúng ta, cho tinh thần của chúng ta được tốt đẹp.

Với năm giới như vậy chúng ta khai mở được cái tâm Từ Bi, tình yêu thương để mười điều thiện hảo trong cuộc đời từ ý đến miệng đến thân, ba nơi đó ta có thể hiện được bằng các pháp thiện, bằng những tạo tác gọi là từ thân như phóng sanh, như giúp đỡ người, như chúng ta nâng đỡ những người bệnh hoạn, bất hạnh. Hoặc là chúng ta có thể bắt đầu làm thiện từ cái miệng, nói những ngôn từ, ái ngữ, dễ thương, nhẹ nhàng, không tạo khổ cho nhau. Tâm thì phát ra những tư tưởng không có cống cao ngã mạng, khiêm tốn, Từ − Bi − Hỷ − Xả. Làm được điều đó khi Chánh Niệm hơi thở mật chú Mu A Mu Sa đón nhận tha lực Phật điển, quán chiếu các Luân Xa các bạn sẽ cảm nhận được năng lượng siêu thế Từ Bi của Phật tác động vào thân của các bạn càng rõ mỗi ngày. Và thấy từng vùng Luân Xa xoay chuyển, hỗ trợ cho thân được khỏe, tâm an.

Giờ đây mời các bạn đặt bàn tay phải Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái Từ Bi vận hành 7 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa. Và đề mục hôm nay các bạn gửi về cho Bảo Thành để chúng ta cùng quán chiếu và chia sẻ với nhau gọi là cập bến Từ Bi. Mời các bạn.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi xuống muôn loài chúng sanh và khai mở các Luân Xa để chúng con có đầy đủ dũng lực, sức mạnh, Trí Tuệ hiểu thấu được bến Từ Bi ở đâu để chúng con cập vào. Hít vào bằng mũi, phình bụng, thở từ từ, hóp bụng vào, chúng ta theo dõi Luân Xa trì mật chú.

Mu A Mu Sa (7 biến)

Các bạn thân mến, dù có đi đâu chúng ta cũng mong sẽ có ngày trở về nhà. Nhà của chúng ta là nơi hạnh phúc nhất bởi nơi đó ta sinh ra, lớn lên cùng với cha với mẹ. Những ai lang thang, viễn xứ, lạc lõng trong cuộc đời sẽ thấu hiểu được cái nỗi lòng của người nhớ về nhà, nhớ về quê hương, nhớ về cha mẹ và những người thân. Nỗi nhớ này chất chồng, là một nỗi nhớ mà con người, kiếp người chúng ta luôn luôn phải dính vào khó có thể thoát được. Khi rời xa nó, chúng ta thấy khổ như trong những cái khổ Phật gọi “ái biệt ly”. Tức là trong con người của chúng ta có cái tình thương của loài người đối với nhau và khi biệt ly chia tay ta đau khổ vô cùng. Lời Phật nói không bao giờ sai, sai là bởi vì ta không hiểu thấu mà thôi. Ái biệt ly, càng yêu thương nhiều thì khi chia tay chúng ta càng đau khổ nhiều. Nhưng nếu trên đời nói không có tình yêu thương thì hoàn toàn sai bởi chúng ta sống bởi vì tình yêu, không có tình yêu ta sẽ chết. Nhưng cái tình yêu của nhà Phật, ngôn từ tình yêu của nhà Phật không đậm nét suy tư, diễn giải theo kiểu phàm phu, dính mắc giữa nam và nữ, giữa cha và mẹ, giữa con và cái, giữa người thân.

Tình yêu của loài người khi Chư Phật khai thị được nâng lên một cung Bậc cao hơn, vượt khỏi sự dính mắc về thân xác, về tinh thần, về cái gọi là nhà ta, cha ta, cái ta đi tới sự lan tỏa tới muôn loài chúng sanh, nâng lên cái đẳng cấp cao thượng thừa đó gọi là Từ Bi, không còn dính mắc. Đây mới chính là cái tình thương vô thượng. Đạt được ý nghĩa và hiểu thấu được điều này, ai trong chúng ta cũng hạnh phúc như Phật và bình an như Phật, tự tại như Phật. Còn nếu như là Phật tử hay chưa phải là Phật tử tu tập bất cứ pháp nào mà chưa có được sự bình an, hạnh phúc nghĩa là ta chưa chạm vào cái tố chất của nhà Phật. Vẫn còn nếm đầy mùi thế gian nên đau khổ, phiền ưu vẫn tràn đầy ở trong đầu, một chút xíu không ưng ý là khổ là đau, là giận, là hờn, là tủi, rồi tự phân ly, tự chia rẽ. Do đó gọi là ái tức là thương theo kiểu của loài người. Tình thương của loài người, tôi phải như vậy, tôi phải được tôn trọng, tôi phải được yêu thương, tôi phải như vậy, tôi phải như kia, cái tôi như là một cái gì lớn lắm. Nó như cái bao, bao trùm hết thân tâm, chẳng còn thấy ai, cái tình thương với cái tôi đó dễ gây ra đổ nát, đau khổ cho chúng ta. Ai mà rơi vào cái cảm giác đó, suy nghĩ đó, cách sống đó, người đó đã xa rời bến Từ Bi. Thường gây ra tủi hổ một mình, bế tắc cái suy nghĩ hay hành động ngang trái tạo khổ cho muôn người. Điều này có và thật sự, Bảo Thành có, các bạn có, làm người ai cũng có. Nhưng nhận thức ra sớm ta cởi bỏ ta nhẹ nhàng, nhận thức ra sớm ta gội rửa ta an lạc, nhận thức ra sớm ta chuyển hóa ta bình an. Còn nếu không nhận thức ra sớm, ta cứ lần mò, lần mò mãi, lần mò trong cuộc đời đầy tối tăm để đau khổ phiền não và ai oán cứ dập vùi chôn mất cả cuộc đời.

Bạn có biết sự khác biệt của các bạn với người khác ở chỗ nào, bạn có biết Bảo Thành với các bạn và khác biệt giữa ta với cái nhìn Phật không? Cái nhìn của nhà Phật là không dính vào cái tôi phải yêu, tôi được yêu. Mà cái nhìn của Phật là bao trùm tới tất cả mọi chúng sanh còn đang thống khổ. Phật không rời những chúng sanh thống khổ, nhưng chúng ta khi thấy ai đã đau khổ ta xa rời, thấy ai tạo khổ ta chạy trốn, ai gây phiền não ta xoay lưng, ai tạo ra những nghịch duyên ta từ bỏ, ai tạo ra chướng nghiệp ta đối xử tệ với họ, ta trù dập họ. Trên đời này có chỗ nào gọi là ốc đảo cho riêng mình, bình an đâu? Phật nói đời là bể khổ, không phải đời là khổ, khổ là chính là cái tâm của chúng ta chẳng biết đón nhận bằng lòng Từ Bi vô Thượng. Mà chỉ bằng ái dục của loài người, tham chấp theo những điều cần phải được cung phụng bởi người khác. Khi không như ý, ta xoay lưng ngay tại chỗ, thói đời là như vậy. Nhưng là người học Phật ta không thể hòa nhập vào cái thói đời một cách như vậy để tạo nghiệp nữa. Ta là Phật tử, ta hòa tan cuộc đời, tư tưởng, suy nghĩ, hành động của chúng ta vào chân lý Từ Bi của nhà Phật, không đối chấp, không đối kháng. Mà như Ngài Đại Hạnh Phổ Hiền là hằng thuận, hằng thuận trong mọi nghịch cảnh, hằng thuận với mọi chúng sanh, mọi cảnh, mọi pháp, mọi nơi, mọi con người, tương ưng khi nghiệp duyên đưa đẩy, gặp gỡ. Hai chữ hằng thuận là Từ Bi đó các bạn.

Khi các bạn biết hằng thuận, các bạn không cần phải trốn, không cần phải chạy, không cần phải đi tìm mà các bạn đứng ngay chỗ đó. Khi bạn hằng thuận được chính là bạn đã hàng phục được Ma Vương ở trong tâm hồn của các bạn. khi các bạn không biết sống hằng thuận, các bạn không thể hàng phục được Ma Vương, các bạn quy phục với Ma Vương và trở thành tôi tớ, con cháu, nô lệ cho Ma Vương. Khổ cho ta, khổ cho người, nghiệp chướng muôn trùng khó có thể chuyển hóa. Hiểu rõ điều này các bạn sẽ vui, hoàn cảnh nào các bạn cũng an yên. Vậy thì bến Từ Bi ở đâu để chúng ta cập? Kiến phiền não thành Bồ Đề, nhìn vô phiền não thấy Bồ Đề, nhà Phật chỗ nào có phiền não, chỗ nào có nghịch ý, chỗ nào tạo khổ cho ta, nhìn cho rõ, đi thẳng vào trong đó sẽ thấy Từ Bi được lan tỏa. Từ Bi không phải chỗ đó cho chúng ta, bởi họ là người đang nghịch, đang chống, đang xua đuổi, đang chà đạp, đang giết, đang nói xấu, đang dèm pha, đang chê bai, đang thị phi, đang đánh đập, đang ruồng bỏ, đang không chấp nhận, đang dồn dập liên tục xua đuổi, tìm đủ mọi cách, sao có thể về nơi đó gọi là bến Từ Bi. Nghịch lý quá, không ai chui đầu vào lửa mà gọi là tươi mát. Cả một khối lửa sân giận  của người đó đang đày đọa, xua đuổi. Nhưng Phật nói nhìn vào họ là cập vào bến Từ Bi đó. Bến Từ Bi không phải xa nơi con người khác, chẳng phải ở hải đảo này, ở quốc độ này, quốc độ kia, cảnh giới này, cảnh giới kia. Bến Từ Bi ở ngay trong trái tim con người có cái tâm Từ Bi nhìn vào những con người có cái tâm đối nghịch, có hoàn cảnh đối nghịch, những con người đang đối xử tệ với chúng ta, những con người đang vong ân, bội nghĩa, những con người đang phỉ báng chà đạp, ghen tuông, chấp trược chính là cập bến Từ Bi. Tức là chúng ta cập vào với cái lòng, chúng ta tới được cái lòng, chúng ta chạm được tới cái lòng Từ Bi vốn có. Rồi từ đó lan tỏa Từ Bi cho người khác bước vào bờ Từ Bi, bến Từ Bi của ta để họ nguôi, họ bớt nóng, họ bớt giận, họ bớt khổ, họ bớt phiền, họ bớt hung dữ. Còn như ta thấy họ như vậy ta xoay lưng bỏ đi, ta chống đối thì chẳng khác gì cả hai bên đều dìm vào trong đóng sình lầy, chết chắc.

Bến Từ Bi ở đâu? Ở trong trái tim người con Phật có lòng Từ Bi. Bến Từ Bi không phải ở bên ngoài chúng ta tìm, bến Từ Bi ở bên trong. Phật dạy và các Tổ cũng dạy kiến phiền não, nơi nào có phiền não thì nơi đó là cái nơi để cho chúng ta khai mở cửa bến Từ Bi để cho người ta có thể dung thông, ghé vào an trú để họ bớt khổ, bớt phiền, bớt não, bớt đày đọa bản thân của họ và ta, bớt tạo khổ cho muôn người xung quanh. Bởi vì trong trái tim ta là bến Từ Bi, là con Phật có bến Từ Bi, là Phật đã ngự vào trong cuộc đời của ta, ở đâu có Phật ở đó có Từ Bi. Trong trái tim của chúng ta nếu thật sự có Phật, trong tâm của chúng ta nếu thật sự có Phật, tâm và tim và đời của chúng ta, môi miệng, ngôn ngữ và hành động, suy nghĩ của chúng ta đều có Phật thì tất cả nơi đó đều là bến của Đấng Từ Bi hiển ngự. Ở đâu có Đấng Từ Bi hiển ngự ở đó có tình yêu thương, ở đó có Từ Bi, ở đó là bến bờ để cho những người đang bị nhấn chìm trong sân giận, tham si, trong vô minh, đày đọa của khổ ải. Họ đang giãy chết bởi những ngôn từ thô ác, họ đang giãy chết bởi những hành động độc ác, đang giãy chết bởi những tư tưởng nghiền nát kẻ khác. Ta là con Phật có bến Từ Bi ở trong tâm, ta là con Phật có bến Từ Bi ở trong thân xác môi miệng, vòng tay, ta mở cánh cửa bến ra và Mô Phật, xin mời vô ngự ở trong đó, uống một tách trà Phật điển. Lòng họ được bao dung, dung thông với cảm giác an như người xa được trở về.

Các bạn sao ta không làm được điều đó để rồi khi chúng ta gặp được một chút xíu gợn sóng trong tâm thức khi đối nghịch, khi không phù hợp, khi giận, khi hờn, khi thương khi ghét, những cảm xúc của đời người ta quên hết tất cả cái chân lý được giáo dưỡng bởi các Bậc Thầy, Tổ đã dạy chúng ta. Chân lý được học bởi kinh sách, chân lý được nghe bởi những Bậc Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni, chân lý được liễu thông từ băng dĩa, hình ảnh, quên hết, quên hết. Hóa ra chúng ta chỉ là nơi chất chứa kinh văn và rồi chẳng áp dụng được. Do đó biến kinh văn của nhà Phật, chân lý của nhà Phật thành rác rưởi của đời thường. Để rồi người ta qua hình bóng người con Phật, khi ta xưng danh đó đối xử thậm tệ, qua cái hình bóng của người xuất gia đó chúng ta đối xử sai người ta đã phỉ báng Phật, phỉ báng Pháp. Vì ta là duyên cớ cho người khác hiểu lầm, ta tạo nghiệp mà không thấy. Các bạn, bến Từ Bi chẳng xa khỏi tầm tay, nằm ngay kề cận trái tim này. Nó Từ Bi là bởi vì tâm ta có Phật, nó Từ Bi bởi vì hơi thở này có Phật vào ra, trái tim này thổn thức trong Từ Bi, biết san sẻ, biết chia và biết phụng hiến. Có một câu chuyện kể như vầy:

Trên một đỉnh núi nọ có một lão sư già lắm rồi nhưng lão sư nhận một đứa đệ tử trẻ, nó lên trên núi. Trên đỉnh núi đó có một mình lão sư, trên cái đỉnh cao của một ngọn núi có mình lão sư. Đứa trẻ thấy lão sư thong dong tự tại xin học pháp nhà Thiền. Ở trong túp lều thiền, nhà thiền đó lão sư đó dạy cho pháp thiền để tự tại. Đứa nhỏ nó học hoài, học hoài, một hôm nó bực mình lắm là bởi vì lão sư quá thong dong tự tại mà vô tình nhìn thấy cái phiền não của nó mà không tương ưng. Thấy nó phiền không hỏi nó phiền, thấy nó đau khổ, không hỏi nó đau khổ. Thấy nó não, thấy nó cái này cái kia mà không an ủi, không chia sẻ, cứ ngồi cười một mình, thong dong tự tại, nó bực mình quá. Nó nghĩ rằng thiền cái gì mà thấy người ta khổ mà tại sao vui được. Nó buồn nó bỏ núi, nó đi xuống chân núi, nó bảo ông sư này thật là khùng điên. Người ta buồn mà cứ cười, cứ vui, tại sao lại có thể vui và cười trên nỗi thống khổ của người khác, nó bỏ đi. Trên đường nó xuống núi, nó thấy một bà cụ già, già còn hơn ông lão sư trên núi nữa, lệ khệ, lệ khệ vác một bó củi thật lớn, từng bước bò lên chân núi. Ông đệ tử trẻ nói:

  • Này bà cụ đi đâu mà khệ nệ, trên đó có ai đâu, có một mình lão sư thôi, bà đi đâu mà vác củi nhiều thế?

Bà lão nói:

  • Ta ở đây từ thuở thanh xuân, thấy lão sư tu tịch tĩnh trên đó, mùa đông sắp tới, sợ lạnh, ta vác củi từ tuổi trẻ ta chạy lên, nay già rồi ta cõng ta bò nhưng vẫn muốn mang hơi ấm cho vị thiền sư để Ngài đi đến sự chứng đắc viên dung. Ở cả chân núi này ai cũng biết ơn người, bởi vì sao? Nhờ người ở trên núi đó mà dân làng được ấm, bó củi này có sao đâu, tuổi mới ngoài 80 mà già cái gì, bò một thời cũng tới thôi.

Nó nghe nói nó chột dạ, già bò một thời cũng tới, 80 tuổi có chi mà già, nó ngỡ ngàng, sao ông lão sư lại làm được chuyện đó. Bà cụ nói tiếp:

  • À, con còn trẻ chẳng biết đâu, người ở xa mới cảm nhận được tình thương của lão sư lan tỏa bằng sự chứng đắc. Còn kẻ gần như vách núi kia chai đá, chai đá như cục đá nó không có cảm giác con à bởi vì trên núi đá nó không có cảm giác nhưng người có trái tim, là phận người này đều có cảm giác dù rất xa. Nên tri ân lão sư đã ở đó mấy mới mươi năm trời để cho cả thôn, cả làng này ai cũng biết tri ân.

Nó mới ngộ ra rằng đúng, nếu là người có trái tim thì dù xa hay gần luôn thành kính, luôn hiểu được cái giá trị tinh khiết của nhau nơi bến Từ Bi. Còn nếu là con người không có trái tim biết rung động, hiểu rõ chân lý của nhà Phật, đúng nhịp độ của tình Từ Bi, của cung bậc Từ Bi thì hóa ra chai đá như vách núi, ngàn năm trơ trơ, đá vẫn là đá. Lúc đó nó mới thấu hiểu rằng, lão sư kia không phải là cười trên nỗi đau khổ đó mà bởi vì tình yêu của Ngài quá lớn đã bao dung để cho nó nhìn thấu cái khổ của nó. Nhưng nó chẳng đặt để cái dơ dáy, bẩn thỉu, rác rưởi để đắm mình trong dòng sông Từ Bi của vị lão sư. Nó đã rời xa cái bến Từ, bến Bi của vị lão sư đó, nên nó thấy chơi vơi, chới với và đau khổ.

Cuộc đời của chúng ta cũng như vậy mà thôi. Đã biết bao nhiêu lần có những trường hợp xảy ra, chuyện này, chuyện kia, ta cảm thấy như bị cô đơn, bị tách rời, chẳng ai quan tâm, họ cười, họ nhìn ta đau khổ có vẻ thích thú. Nhưng chúng ta lại không đặt để rằng cái đau khổ của ta chẳng thể làm cho họ khổ, phiền não. Mà chính vì họ đang lan tỏa tình yêu thương để bao trùm cái khổ của ta, cái buồn của ta, để chúng ta được sưởi ấm. Nhưng chúng ta vẫn lột bỏ cái áo len tình yêu thương của người cha, người mẹ, của những vị thầy, của những người luôn luôn thương mến chúng ta, quẳng trở lại, ra đi, lột trần, trơ trọi giữa mùa đông băng giá. Sao không thể lạnh, tim có còn teo, đầu óc còn chết, cả thân còn bị cô cứng trong cái băng giá. Các bạn ơi, cái đó chính là trái tim của bạn đã không còn cảm xúc, không còn cung bậc Từ Bi thật sự bởi vì các bạn chưa một lần được cập bến Từ Bi, trong tình yêu thương vô vàn của những con người chẳng còn dính vào cả hai bờ trái và phải, đúng và sai. Họ đứng ở giữa như dòng sông vẫn chảy mãi, khúc gỗ kia chẳng mắc kẹt bên phải, chẳng mắc kẹt bên trái, vẫn thong dong trôi mãi, trôi mãi theo dòng sông bồng bềnh trôi nổi của cuộc đời để đi ra đến cửa biển mênh mông vô tận.

Tư tưởng của vị lão sư và tư tưởng trong Thiền học của khúc gỗ chẳng dính phải, chẳng dính trái, chẳng hùa theo cái đúng, cũng chẳng chê trách cái sai. Thong dong và tự tại tháng ngày, bồng bềnh theo dòng trôi nổi cuộc đời để đi ra cái cửa bể để cập bến Từ Bi. Đó là mục đích đeo đuổi, mục đích học hỏi cuộc đời. Các bạn chúng ta tu học dưới dạng cư sĩ hay tu sĩ, mục đích tối hậu hay cứu cánh của đời người vẫn phải đạt tới sự cảm chứng rồi chứng ngộ và thấy được rõ ràng cái lợi ích của bến Từ Bi, không ở đâu xa nằm ngay ở trái tim của mỗi người chúng ta. Bạn không có Từ Bi là bởi vì trong tim bạn không có Phật, bạn không có Từ Bi là bởi trong tâm bạn không có Phật, bạn không có Từ Bi là bởi vì trong thân, trong cuộc đời bạn không có Phật. Chưa phải là bến Từ Bi, vẫn chỉ là hố rác rưởi của những cảm xúc bất thường vui buồn sướng khổ, cay đắng ngọt bùi, xào lộn vào với nhau, thập cẩm thành một món chua cay mặn ngọt, hỗn độn của cảm xúc con người. Để rồi cứ nhồi nhét vào môi miệng của người khác, cuộc đời của người khác để bắt họ phải nếm được những mùi cay đắng buồn tủi của cuộc đời như ta.

Hãy quay trở về dọn sạch trái tim, dọn sạch cái tâm và cuộc đời. Hãy cung nghinh Phật hiển ngự ở trong đó để trong nhà của ta nơi trái tim có Phật, trong nhà của ta nơi tâm có Phật, trong nhà của ta nơi thân có Phật, Thân − Khẩu − Ý, trái tim này đều có Phật, Phật tại tâm, Phật hiển ngự trong ngôn ngữ, trong suy nghĩ và hành động. Để cuộc đời của chúng ta không còn như con đò trôi nổi ở những dòng đời cập bên phải, cập bên trái. Phải trái gì đâu có màng, thong dong tự tại như con đường Trung Đạo đứng ở giữa phải trái, chẳng tham chẳng màng. Giữa Sanh − Tử chẳng cập bến nào hết mà đi về cái sự khỏi Sanh − Tử, thoát khỏi Sanh − Tử. Hãy dọn sạch để thỉnh Phật vào, hãy dọn sạch để mời Phật đi vào cuộc đời, sống như Phật. Ta là đệ tử của Phật, con giống cha là nhà có phước, cha chúng ta là Phật, ta thỉnh cha của ta vào trong cuộc đời, không giống được cha chúng ta chút xíu nào hay sao? Cha đang ở trong nhà nếu gọi là Phật tử bởi vì ta quy y ngũ giới có rồi. Cha đang ở trong nhà nếu là xuất sĩ, là những người xuất gia mà không có Phật lại có ma, có rác có rưởi, chẳng xứng danh, chẳng xứng đáng. Các bạn, sống ở trên đời cần phải suy nghĩ, đâu là bến Từ Bi để ta cập vào? Bến Từ Bi ở trong tâm, trong tâm người có Phật, đó chính là bến Từ Bi. Trong tâm người có Phật, người đó luôn luôn Từ Bi, chẳng xoay mặt làm ngơ, chẳng cập bến bên phải hoặc bến bên trái, đi giữa dòng đời ngược xuôi phải trái chẳng màng, thong dong tự tại tháng ngày, để trở về cửa biển, tới sự Giác Ngộ Vô Sanh.

Các bạn, lý thuyết này không có khó, chỉ cần cố gắng thực hiện ở trong cuộc đời. Nếu chưa về tới sự cái gọi là cửa biển nơi gọi là Vô Sanh Giác Ngộ kia thì ít nhất trong cuộc đời làm người của chúng ta, ai đó có nhân duyên đi vào họ luôn luôn cập vào bến Từ Bi của trái tim nhân hậu, của cái tâm vị tha, của hành động nhân ái. Trái tim nhân hậu, cái tâm vị tha, hành động nhân ái, đủ ba chất này đau khổ, phiền não sẽ rụng rơi, ai ai cũng hạnh phúc. Mà có phải chăng đây là điều ai cũng rất cần, nếu nghĩ rằng ta đang cần, thì người cũng cần như ta. Thay vì ta đòi hỏi người phải cho ta ba cái tố chất này, tức là trái tim ta mong muốn họ có trái tim nhân hậu, có cái tâm vị tha, có hành động nhân ái thì thay vì mong cầu ở người, ta hãy tự phát triển điều đó. Trái tim của ta, trái tim nhân hậu của ta, cái tâm của ta phải là cái tâm vị tha và hành động của ta là hành động nhân ái. Nhân hậu, vị tha, nhân ái phải từ nơi ta, sao có được? Chỉ cần thỉnh Phật an trú, chiêm nghiệm và luôn luôn chiêm bái cái tướng hảo vi diệu Từ Bi của Ngài ta sẽ có được nhân hậu, vị tha và nhân ái. Để ta thật sự biến cuộc đời này, ngay trong kiếp này, nơi đây, tại đây thành bến bờ Từ Bi để mọi người qua ta được cập bến Từ Bi, hưởng sự an lạc. Chứ ta không mong cầu họ “phải là” mà ta phải chuyển hóa ta là, là gì? Là bến Từ Bi cho muôn người cập tới để họ được an vui, đó gọi là Bồ Tát hạnh, Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát.

Mời các bạn đặt bàn tay phải và bàn tay trái, chúng ta vận dụng 7 biến Từ Bi Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật, ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi khai thông 7 Luân Xa của chúng con để chúng con chuyển hóa cuộc đời này thành bến Từ Bi cho muôn người, muôn chúng sanh cập vào. Hít vào bằng mũi, đưa xuống bụng, phình ra, thở từ từ, hóp bụng theo dõi luân xa, trì mật chú.

Mu A Mu Sa (7 biến)

Mô Phật!

Tới lúc này, chúng ta đều hiểu rằng bến Từ Bi trong môi miệng, trong tâm, trong thân xác của cuộc đời có Phật hiển ngự ở đó. Nơi nào có Phật nơi đó là bến Từ Bi cho muôn loài chúng sanh nương vào đó mà gặp Phật để được bình an, hết đau khổ. Ta là con Phật dưới dạng cư sĩ hoặc xuất gia, chúng ta phải cung nghinh Phật hiển ngự trong cuộc đời, trên môi miệng, trong suy nghĩ, trong hành động. Để cả cả nơi Thân − Ngữ − Ý của chúng ta trở thành ba cái bến đại Từ đại Bi cho muôn loài, không hẳn chỉ có con người đâu. Gặp được chúng ta, họ đang đau khổ, chúng sanh đó đang phiền não, thấy được bến Từ Bi hiển lộ, linh thiêng nơi cuộc đời bình thường, khiêm tốn của ta. Để rồi qua cuộc đời của ta, nơi bến Từ Bi đó, chúng sanh được nương vào gặp Phật, gặp Pháp, gặp Tăng chuyển hóa khổ đau đó cho họ. Ít nhất cuộc đời có ý nghĩa vẫn là không dính vào bên trái. Trái của Tà Pháp, Tà Kiến, của Tham − Sân − Si, Hỷ − Nộ − Ái − Ố, ngủ quên trên đó, cho đến khi mục rửa rồi thì làm sao trôi ra cửa bể được. Cũng chẳng dính vào bên phải của lời khen, tiếng nịnh, tán thán, vui vẻ, để chết rục ở trên đó, làm sao về được với cửa bể. Sống giữa dòng đời khen, chê mà trong lòng luôn tịch tĩnh bởi có Phật ngự ở trong để cho những con rùa mù có cơ hội bám vào, chui vào cái bọng đó, nương vào để đi ra cửa bể, thoát khỏi Sanh − Tử, trong dòng bể, trong dòng đời Sanh − Tử, trong phiền não, đau khổ.

Đây là một cái nguyện ta phải phát và phát cái nguyện này để chúng ta tu, biến cuộc đời thành bến Từ Bi cho muôn chúng sanh. Chẳng kể cái sự cao cả chúng sanh muôn muôn ở ngoài đời mười phương pháp giới. Mà chỉ cần những chúng sanh là những Đấng Bậc sinh thành, là cha mẹ, vợ chồng, con cái, những người thân của chúng ta thôi. Qua cuộc đời của mình, nơi cái bến Từ Bi đã có Phật ở trong, qua đời của ta là bến Từ Bi để muôn người trong nhà qua đó bớt đi một chút sầu, giảm đi một chút phiền, hết đi một chút não để thân được khỏe, hết bệnh, tâm được an vui, đó là hạnh phúc lắm rồi. Chứ có đâu tìm những cảnh giới xa hơn để thành Phật, thành Thánh, thành Bồ Tát, thành người hiền. Thành người Từ Bi đã là đủ lắm rồi trong cái cuộc đời đầy rẫy những đau khổ này các bạn ơi.

Đặt bàn tay phải Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái Từ Bi, chúng ta vận hành 7 biến nữa trong sự đồng tu. Các bạn nhớ đưa tâm xuống từng Luân Xa, theo dõi đón nhận Phật điển và phát nguyện đời của ta là bến Từ Bi cho muôn chúng sanh, cập vào thoát khổ đau.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh và chúng con phát nguyện cuộc đời này sẽ là bến Từ Bi có Phật hiển ngự để cho muôn người cập vào để thoát khỏi khổ đau. Hít vào bằng mũi, phình bụng, thở từ từ, hóp bụng và, theo dõi luân xa, trì mật chú.

Bảo thành cảm ơn quý Sư cô và các bạn đã đồng tu trong 21 biến vi diệu âm để chúng ta dẫn ý hiểu được bến bờ Từ Bi chẳng ở đâu xa. Và thực hiện được cái hạnh hằng thuận chúng sanh để cuộc đời này là bến đại Từ đại Bi Cho muôn chúng sanh có nhân duyên cập vào để bớt khổ, bớt phiền, bớt não, thêm chút bình an, hạnh phúc của cuộc đời.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Mu A Mu Sa.

Đồng tu có chút công đức nào chúng con nguyện hồi hướng cho các nguyên thủ các quốc gia biết ngồi lại với nhau bỏ đi cái tôi tìm ra chính sách hòa bình cho thế giới. Hồi hướng đặc biệt tới các nhà khoa học ngành y, ngành dược chế tạo ra vắc xin, thuốc chữa lành đại dịch. Hồi hướng cho bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ trên toàn thế giới chữa lành bệnh nhân. Hồi hướng cho chúng sanh trên thế giới cũng như tại quốc độ quê hương Việt Nam của chúng con bớt đau khổ, có được hạnh phúc, tinh tấn tu học. Hồi hướng tới vong linh vừa tử vong được siêu sanh miền Cực Lạc.Chúng con nguyện mười phương Chư Phật Từ Bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn