Search

Bài 1175: Mặt Trời Chân Lý – Thất Bảo #1 – Mu A Mu Sa

Bảo Diệu Tâm đánh máy

Các bạn thân mến!

Tinh thần của nhà Phật là hướng dẫn cho chúng ta quay trở về sống và làm chủ. Chúng ta không thể làm chủ được tất cả nếu chúng ta không biết. Chỉ đơn giản cuộc đời chúng ta có gì? Chúng ta có sáu căn. Chúng ta có trí tuệ. Chúng ta có hơi thở. Chúng ta có thân này nếu chúng ta không làm chủ được những sự vận hành một cách tự nhiên của cơ thể làm người, ta không làm được gì. Có chăng chỉ là làm việc nhưng không có ý thức được ta làm gì. Chúng ta cần phải nhận rõ ta đang làm gì và làm ở đâu. Những sự hướng dẫn của Phật là kéo chúng ta trở lại sống thực sự, đừng chạy quá xa những điều hư ảo của cuộc đời. Và để làm được điều đó phải trải qua một sự công phu tu tập. Không có việc gì ở trên đời này không tu mà có, không tập mà thuần thục, không học mà có thể hiểu. Nếu chúng ta thực sự không có một mục đích để cố gắng, chúng ta sẽ trở lên giãi đãi. Chữ giãi đãi trong nhà phật là làm biếng, buông xuôi.

Ở đời có biết bao nhiêu những người làm việc buông xuôi và để rồi họ bị chính cuộc đời vùi dập trong những thứ không thể làm chủ, chính đó là cội nguồn của đau khổ bắt đầu đi tới với họ. Có thể ở một lứa tuổi khi còn trẻ, họ không nhận ra, họ chưa suy nghĩ thật là rộng, và họ coi thường cho tới khi lớn tuổi, không kịp. Mỗi một đoạn đường đi qua cuộc đời đều có một giá trị và người khôn, người được hướng dẫn, người được nghe, họ tỉnh thức và họ ý thức được điều đó. Họ dấn thân vào họ làm. Còn nếu không thì thường ở lứa tuổi trẻ, chúng ta thường coi thường những lời giáo dưỡng của những người trên. Bởi chúng ta luôn nghĩ rằng sự hiểu biết về học hành của ta trên hết mọi người.Từ đó ta coi thường và không ứng dụng vào trong cuộc sống, đến khi nhận ra rồi chúng ta mới thấy hối hận. Mặt trời chân lý là giáo lý của chư Phật, như mặt trời tỏ lộ giữa cuộc đời. Để cho chúng ta nhìn rõ tất cả đi vào cuộc đời có được hạnh phúc. Chân lý ngày hôm nay mà chúng ta nhắc nhở ở trong hằng hà sa những tia sáng mặt trời chân lý Đức Phật chiếu soi vào cuộc đời con người. Đã gọi là mặt trời chân lý của Phật thì có hằng hà sa những tia sáng chiếu vào cuộc đời. Ta chỉ nói đến một tia sáng mà tia sáng này đủ để sáng hơn mặt trời các bạn ạ.

Các bạn nhớ trong tất cả các nền tôn giáo ta đã được nghe, được học, hoặc được biết, được đọc và được hiểu, đều quy số phận của con người phải phục tùng một  đấng tối cao. Quy phục vào đấng tối cao đó, ở trên cao vô tận ta không thể với tới và con người thật thấp phải quỳ xuống van xin. Van xin tình thương, van xin sự thương xót, van xin được cứu rỗi, van xin để được tha thứ. Và đối với đấng đó, ta thật nhỏ bé, ta không là gì, ta chỉ là hạt bụi, ta chỉ là tạo hoá. Đó là một ý niệm, hay là một chân lý thực thụ được ứng dụng trong các nền tôn giáo lớn hiện tại và cổ xưa.

Khi Đức Phật giác ngộ, Ngài không biến ngài thành mặt trời chân lý như một đấng ngự ở trên cao, để muôn chúng sanh quỳ xuống lạy lộc và xin xỏ cho ngài ban ơn, để cứu sống, để tha tội, để ban phước. Ngài là vị giáo chủ hay nói đúng hơn là một đấng giác ngộ đầu tiên, như một bậc thầy tới với cuộc đời thật là nhẹ nhàng và nói rằng ta và các bạn giống nhau. Chưa ai nói điều đó. Ta và các bạn bằng nhau. Chưa ai nói điều đó. Ta là Phật các bạn sẽ là Phật. Hai ngôi vị, phẩm vị đó ngang nhau. Chỉ có điều ta đã ở đây các bạn chưa ở đó. Đây chính là mặt trời chân lý, nói đến sự bình đẳng tánh và trí tuệ. Phật không nâng mình lên, nhất nhất trên cao cho muôn người quỳ lạy. Phật hạ mình xuống cho bình đẳng và nâng chúng sanh lên bằng phẩm vị tối cao là giác ngộ sẽ thành. Đây là mặt trời gần ngay trong trái tim, chân lý ở trong trái tim, trái tim bình đẳng tánh trí, biết nhìn thấy người khác, chúng sanh khác có phẩm vị cao quý như mình. Nếu dịch ra trong mặt trời chân lý, với một tia sáng nhỏ để diễn giải gói trọn trong giờ đồng tu hôm nay, tia sáng đó là hãy nhìn mọi người nơi phẩm giá, phẩm vị cao quý nhất đó là sự thanh tịnh vốn có trong tâm của họ. Để từ đó ta đối xử một cách bình đẳng, bao dung để được yêu thương và muôn người được san sẻ năng lượng thanh tịnh đó với nhau. Rất quan trọng trong chân lý, hiểu thấu điều này, ai hiểu được điều này chúng ta sẽ luôn luôn hạnh phúc. Bởi giữa ta và người, giữa ta và Phật, giữa ta và thiên nhiên đều đồng bình đẳng không có khác biệt, không có phân biệt, luôn đối xử tương ưng với tâm thiện mỹ vốn có ở trong sự tịnh tĩnh, nơi Phật tánh của chúng ta.

Chưa có một vị nào tuyên bố điều đó. Cho tới khi Phật giác ngộ ngài mới nhận ra rằng trong chúng sanh thực sự có điều đó. Cao quý vô cùng bởi đều bình đẳng như nhau, đều cao quý như nhau. Thấu lý được ngay chỗ chân lý này chúng ta sẽ sống hạnh phúc an vui, không có thấy điều chướng tai gai mắt và ta chỉ cần trú tâm, an trú trong chân lý. Lẽ phải mà chư Phật dạy cho chúng ta, không có sự phân biệt đối đãi. Đối với nhau thì chẳng cao chẳng thấp, chẳng hơn chẳng thua, chẳng to chẳng nhỏ, chẳng sanh chẳng chết chẳng uế trược thanh tịnh, chẳng sanh chẳng diệt. Nói mông lung nhưng không đâu, thật là đúng, hiểu cho rõ được mặt trời chân lý khi tâm không có sự mà chúng ta nhìn mình, nhìn người có sự đối chấp, cao, thấp, hơn, thua, đẹp, xấu.

Tâm an yên ngay chỗ đó, không cần phải tìm, chỉ cần nhận ra chân lý của chư Phật  dạy mọi chúng sanh: mọi con người đều bình đẳng, mọi vật thiên nhiên đều bình đẳng, và đều đi tới phẩm vị cao cả là Phật. Và chữ Phật đó là sự tỉnh giác, ai cũng đi tới sự tỉnh giác. Khi đã tỉnh giác sẽ hết khổ, hết phiền não và người đó sống trọn vẹn trong niềm an vui. Nếu ta tỉnh càng sớm, ta hết khổ càng sớm. Nếu ta giác càng sớm, ta bình an càng sớm. Và con người của chúng ta có một thói quen theo tập khí, theo nghiệp của kiếp trước kéo dẫn đi. Bước ra khỏi cửa là có sự so sánh rồi. Ta hôm nay đẹp hơn hôm qua. Ngày nào cũng đẹp như nhau, có điều hôm nay nắng, ngày hôm qua mưa hay có lẽ hôm nay mưa, ngày hôm qua nắng. Nhưng mà nắng mưa đó đều có cái đẹp vi diệu, nếu nhìn xuyên suốt qua nắng và mưa qua, giông bão và không giông bão. Chỉ có điều ta ưng điều này rồi thì những điều ta không ưng hoàn toàn là xấu. Từ đó, nó tạo thành một bức tường ngăn cách và so sánh. Ta không hòa nhập vào với mọi cảnh của cuộc đời được nữa. Ta tách biệt. Ta tự nhốt mình vào trong nhà tù của kiến thức và sự đối chất của riêng ta. Thành thử ra ta cô đơn, ta buồn tẻ và ta hay sầu, muộn, khổ. Sống được với một tia sáng của chân lý và nơi mặt trời trí tuệ Đức Phật chiếu soi vào chúng ta, đó là hãy học cách đối xử bình đẳng với nhau. Nếu thực sự chúng ta thấu hiểu được điều đó. Và trên thế giới này mỗi một con người đều đối xử bình đẳng, sẽ không có chiến tranh, không bao giờ có tranh chấp, không bao giờ có kỳ thị, có phân biệt. Và nơi mỗi một con người sống ở trong gia đình, có sự đối xử bình đẳng với tình nghĩa vợ chồng, con cái, cha mẹ, người thân, chúng ta luôn hạnh phúc.

Nhưng ở đời, cái ngã của chúng ta đã được tôn lên quá cao, mà rồi che luôn mặt trời chân lý của chư Phật chiếu vào cái tôi của mình. Cái tôi lớn quá, nó che mờ con mắt, mặt trời chân lý trí tuệ của Phật không chiếu vào được nữa. Từ đó ta luôn phân biệt, ta luôn hơn, ta luôn giỏi, ta luôn lớn. Ý của ta, suy nghĩ của ta, cái nhìn của ta và chúng ta đã tách biệt. Các bạn nhớ rằng nhìn lên mặt trời có hằng hà sa những tia nắng, Nhìn lên mặt trời chân lý trí tuệ của chư Phật có hằng hà sa những pháp, pháp tối hậu nhất, Chúng ta phải nhận ra trong tia chân lý chiếu vào trong lòng khi Đức Phật giác ngộ. Đó là: ta là Phật, chúng sanh là Phật sẽ thành. Chân lý đó thôi, tia sáng chân lý đó thôi, đã đưa chúng ta tới một tầm bình đẳng như nhau. Và lời của chư Phật đã phá vỡ toàn bộ tất cả những hệ thống chân lý, giáo lý của các tôn giáo khác. Các bạn cứ đọc các tôn giáo khác. Chân lý, giáo lý của các tôn giáo khác thì đấng tối cao luôn luôn có quyền lực ban và thưởng trừng phạt và khen, có thể đưa bạn lên thiên đàng, niết bàn mà cũng có thể đọa bạn xuống địa ngục. Bởi vì dưới con mắt của đấng đó các bạn chỉ là thụ tạo, nhỏ bé, không xứng đáng. Nhưng dưới con mắt mặt trời chân lý của bậc minh tuệ như Phật đã giác ngộ thì tất cả chúng sanh đều bình đẳng như nhau, như ngài.

Từ đó mà chúng ta, người đệ tử của Phật thấy Đức Phật là thầy thật gần gũi với chúng ta, gần gũi như người thân, gần gũi như người cha, gần gũi như người bạn. Không cao, không thấp và khi tới với giáo lý của Phật, chúng ta tới với giáo lý của tình yêu, của tình thương bình đẳng. Chân lý bình đẳng này mãi mãi con người sống trên thế gian cần phải học.

Các bạn thấy ngày hôm nay, không ở đâu xa, ngay trên đất nước Mỹ này, người ta điên cuồng chính là bởi vì, người ta nghĩ rằng không đối xử bình đẳng. Và rồi những đất nước gọi là có Phật giáo đó, cũng đau khổ tràn đầy hết. Cũng chính là vì họ nghĩ rằng họ bình đẳng, nhưng mà không! Người trên kẻ dưới phân biệt thật là rõ. Kẻ này người kia luôn luôn có tâm phân biệt thật là lớn, vẫn tôn vinh Phật giáo như quốc giáo và tôn vinh chân lý của Phật như điều đi theo. Nhưng họ không thực ứng dụng vào đời sống. Chỉ cần một tia sáng bình đẳng của nhà Phật thôi đủ làm cho biết bao nhiêu đau khổ chiến tranh đều phải dừng lại, để hạnh phúc và bình an tới với muôn người. Ai ai cũng muốn ý tưởng của mình cao hơn những người khác. Để rồi ta tự cho mình quyền trừng phạt kẻ khác, ban thưởng cho kẻ khác. Đó là ý thức đầu tiên của tôn giáo được thành lập. Từ đó mà những con người khác, những loài người khác, những thể loại khác, nhỏ bé nằm trong bàn tay có quyền sinh sát của họ. Họ có quyền ban ơn, họ có quyền tàn sát.

Phật không như vậy. Chân lý của Phật, tia sáng yêu thương trong bình đẳng. Mặt trời chân lý! đã gọi là mặt trời thì ánh sáng muôn phương, nhưng để thấu được chân lý của mặt trời trí tuệ chư Phật dạy cho chúng ta, thì có lẽ  học cả một đời, học cả nhiều đời. Hôm nay tóm gọn trong bài pháp chia sẻ để chúng ta đi vào cốt lõi của một bậc giác ngộ, khi bắt đầu tỉnh giác thốt lên một câu. Một câu đó làm chấn động tam thiên thế giới, chấn động cõi lòng của muôn chúng sanh: “Ta là Phật, tất cả các chúng sanh đều là Phật sẽ thành.” Một câu thật là bình đẳng.

Đối với đám từ xưa giờ vỗ ngực xưng tên, ta là bậc cao cả thì đều run sợ, sợ hãi, bởi Phật phá vỡ quy luật thưởng phạt và ban ơn của những đấng đó, để nói rằng mọi loài đều bình đẳng như nhau. Cho nên đấng mà vỗ ngực xưng tên ta là cao nhất đó phải run chân, sợ hãi, quỳ lạy Đức Phật, bởi ngài đã thấy rõ cái tôi, cái ngã được xây dựng trên ý tưởng của phàm phu đều bị sụp đổ khi mặt trời chân lý bình đẳng trong yêu thương của Phật chiếu sáng vào màn vô minh của cái tôi quá lớn của con người.

Còn đối với con người cùng cực, đối với những chúng sanh đồng khổ ở trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và mọi cõi khác, thì nhảy mừng hoan hỉ, vui vô cùng. Bởi từ giây phút mà đức Phật chiếu mặt trời chân lý, nói đến sự bình đẳng trong yêu thương, họ hãnh diện, vì họ còn có nhiều cơ hội để tiến lên từ những miền đất đau khổ. Từ địa ngục họ thấy được, họ vẫn có thể tiến lên để thành Phật. Họ không phải là đáng khinh, đáng chê, đáng trách, đáng nguyền rủa, đáng chà đạp.

Các bạn thấy chưa? Chính chúng sanh trong địa ngục vẫn còn phẩm giá cao quý, đó là tánh Phật, bình đẳng y như Đức Phật. Và rồi những chúng sanh trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh hoan hỉ ca vui nhảy mừng, bởi đấng thế tôn đã giải thoát họ ngay trong ý niệm tự ràng buộc trong địa ngục, ngả quỷ, súc sanh.

Các bạn có thấy ngục tù đen tối nhất là ngục tù của trí tuệ. Khi người ta đã nhồi nhét vào trong đầu bạn cách hiểu, cách làm việc đóng cục, thô cứng để tự giam mình vào ngục tối của địa ngục thì bạn không thể thoát được. Dù người ta có phá cửa ngục thì bạn cũng không thể thoát ra bởi ngục đó là ngục trong tâm thức. Đức Phật tới không phá tan địa ngục nhưng mà cửa địa ngục đều mở. Các bạn phải nhớ được điều đó. Phật tới không phá tan ngạ quỷ nhưng ngạ quỷ đều thành Phât. Bởi vì khái niệm mà người xưa trong chân lý các tôn giáo khác ràng buộc, cột chặt để các bạn chỉ là những món chơi của quyền lực trong đời sống tâm linh, thì nay biến thành bình đẳng như nhau. Chỗ này là chỗ cao đẹp nhất và Phật thực sự đã giải thoát muôn loài, muôn chúng sanh ở tận các cõi đau khổ nhất. Thấy rằng họ vẫn luôn có cơ hội để tiến lên thành quả vị Phật y như Phật. Các tôn giáo khác khi bị trừng phạt rồi thì đời đời kiếp kiếp, vô lượng kiếp không thể thoát ra, không còn cơ hội. Bởi nằm dưới bàn tay quyền lực của đấng đã tin, theo ý của đấng đó sẽ được thưởng, không theo ý bị trừng phạt. Thế nên trong cuộc đời vẫn còn những con người rất phàm phu, nhưng lọt vào vùng ảo tưởng vỗ ngực xưng tên thi ân, bố đức, quyền lực trong tay, trừng phạt và ban ơn, dù vẫn đội áo mão của nhà Phật, mượn lời kinh Phật để mà nói, nhưng đã biến chân lý của nhà Phật, tia sáng chân lý thành vùng tối của vô minh, bao trùm những người còn mù lòa trong tâm thức, vội vàng bám víu một cái phao để cứu sống. Một mình tăm tối kéo theo cả một nhóm tăm tối. Một mình mù kéo theo cả một đoàn người mù đi trên con thuyền lênh đênh sóng gió, chìm lúc nào không hay.

Đối với Đức Phật, ngài tới với mặt trời chân lý, đơn giản, chẳng vỗ ngực xưng tên. Ta là Phật, các con sẽ luôn luôn lệ thuộc vào ta. Mà Phật nói ta là Phật còn các bạn là Phật sẽ thành. Một câu nói êm dịu như người cha nói với con. Một câu nói êm ru chan chứa tình thương như một người thầy nói với đệ tử. Một câu nói tỏa ánh nắng thật là ấm trong mùa đông băng giá của một bậc giác ngộ đối với những con người đang sống trong vô minh. Chân lý bình đẳng đó là cứu cánh vi diệu mà mỗi người phải liễu ngộ và thực hành được. Để chúng ta áp dụng vào cuộc đời khi đối nhân xử thế, đối với nhau phải bình đẳng, đối với nhau bình đẳng trong tình yêu. Tình yêu vượt ngoài tất cả cái tôi của mình. Tình yêu phụng hiến và hy sinh. Tình yêu chết vì kẻ mình yêu. Tình yêu sẵn sàng cho đi để muôn người được hạnh phúc. Nhưng phải cho một cách bình đẳng, không phân biệt kẻ hơn người thấp, kẻ cao và người ở dưới bằng nhau. Như vậy đôi khi chúng ta thấy nó khó nhưng mà không.

Thật là dễ như cái cây ta thấy nó mọc lên khó, nhưng không! Nó ôm vào lòng đất, tưới tẩm phân bón đầy đủ nó sẽ tự mọc lên cây bồ đề tâm. Mặt trời chân lý của Phật ở trong ta. Nếu cứ ươm đầy đủ những chân lý, những lời dạy của phật vào và tưới tẩm trong vùng đất tâm thật bình thường của mỗi người. Chúng ta có được những mầm, những chồi, những bông y như Đức Phật đã có. Nó không khó, thật là dễ nếu chúng ta có người hướng dẫn cặn kẽ. Và nếu chúng ta phát tâm để sống với chân lý đó ngay từ sự thực hành đối ứng với nhau trong bình đẳng. Bình đẳng nhưng tôn trọng, tôn kính lẫn nhau thì nhất định sự tỉnh giác sẽ bừng khai và giá trị của một con người sẽ hiển lộ trong ta.

Các bạn bình đẳng tánh trí rất quan trọng, trong xã hội đã bất công, người trên ép người dưới, kẻ có quyền, có tiền, có lực có thể ép người ở dưới. Kẻ ở dưới thấp cổ bé miệng, suốt cuộc đời chỉ kêu, xin thành ra nô lệ cho những quyền lực. Phật không muốn chúng ta trở thành nô lệ của tâm linh. Ngài nâng chúng ta lên một phẩm giá cao như ngài và thấy rằng mỗi một người chúng ta sinh ra với nhân duyên khác biệt nhưng đồng một tâm không khác. Nếu trở về với tâm đó chúng ta sẽ hạnh phúc như nhau chúng ta sẽ bình đẳng như nhau. Chính vì ngài nhìn thấy sự bình đẳng đó mà chúng ta bắt đầu mới quý kính , mới tôn trọng, mới thực sự đối đãi với nhau bằng tình thương. Bởi dưới con mắt của sự chấp trước, phân biệt kẻ cao người thấp, kẻ giàu người nghèo, kẻ đẹp người xấu, và kẻ tốt người không tốt, chúng ta bắt đầu có sự đối đãi khác biệt. Và vô tình chúng ta đã trở thành ông trời, thượng đế riêng để trừng phạt phân chia, và có quyền lực đọa đầy những người khác.

Tránh tâm tôi mọi đó cho ma quỷ, như vậy tưởng là ông trời chứ thực ra chúng ta chỉ là tôi mọi cho ma quỷ, chỉ là kẻ làm tôi, nô lệ cho quỷ vương mà thôi. Tới với Phật, không trở thành nô lệ. Mặt trời chân lý của Phật sáng ngời ở trong tâm để chúng ta đối đãi bình đẳng với nhau. Từ đó chúng ta biết trân trọng những con người đang hiện hữu trong cuộc đời của chúng ta. Chính vì giữa ta và người có sự tôn quý như vậy trong sự bình đẳng, thế giới hòa bình ngay giữa trong tâm của ta và họ và lan tỏa.  Hương các loài hoa không bay ngược chiều gió, nhưng hương người đức hạnh sống trong sự bình đẳng dưới mặt trời chân lý của Phật ngược dòng thời gian vẫn tỏa hương ngát hết mười phương. Chân lý ngay chỗ này hiểu thấu được điều đó là bình an rồi. Thực hành được điều đó thế giới thái bình, gia đình hạnh phúc, vợ chồng tôn kính lẫn nhau. Cha mẹ luôn luôn được các con hiếu đạo. Bởi vì con cái hiểu được giữa cha và mẹ, giữa chúng ta và Phật bình đẳng như nhau trong chính tình yêu thương tôn kính. Các bạn thân mến, mặt trời chân lý hôm nay chúng ta đã diễn giải trong một tia nắng thật nhỏ, trong một tia chân lý thật nhỏ là hãy đối xử với nhau một cách bình đẳng trong tình yêu chân thật.

Và nếu chúng ta có được điều đó thì phải thực hành trong hơi thở chánh niệm để tập trung nuôi dưỡng tinh thần của mình trong chân lý này. Và người biết sống trong chánh niệm, biết nuôi dưỡng bằng hơi thở chánh niệm và tưới tẩm cuộc đời bằng năng lượng từ bi của Phật, người đó luôn đối xử bình đẳng và luôn luôn tỏa sáng trong mọi lời nói, hành động. Người đó luôn luôn biết phải làm gì trong ngay hiện tại.

Các bạn chúng ta đặt  bàn tay phải vào lòng bàn tay trái để trở về với hơi thở chánh niệm chiêm nghiệm mặt trời chân lý của Phật qua sự bình đẳng tánh trí đối xử với nhau ở đời. Mời các bạn!

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải mặt trời chân lý bình đẳng tánh trí, chiếu soi vào tâm thức của chúng con, để chúng con đón nhận năng lượng từ bi của Phật, tùy tâm và nuôi dưỡng sự nhận thức này trong cuộc đời. Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào trì mật chú Mu A Mu Sa (7 biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn