Bảo Minh đánh máy
Mô Phật! Bảo Thành kính chào Sư Cô Bảo Cơ, Eileens, Sư Cô Trúc Diệu, Sư Cô Quảng Nguyện, cùng tất cả đại chúng. Các bạn, chúng ta đang ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn để cùng nhau đồng tu Thiền Mật song tu, đón nhận tha lực Phật điển, năng lượng Từ Bi tới với chúng ta. Và chúng ta nguyện hồi hướng năng lượng này tới với tất cả mọi chúng sanh trong hiện tại, quá khứ và vị lai. Mời các bạn chúng ta quy ngưỡng thân tâm về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Mu A Mu Sa. Con nguyện mười phương Chư Phật, ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi xuống muôn loài chúng sanh.
Các bạn thân mến, khi chúng ta dùng hai chữ đồng tu, không phải chỉ có thể ngồi với nhau như vầy, hoặc cùng tu gọi là đồng tu. Trong chữ đồng kia chúng ta cần phải đồng tâm, đồng nhất thể với ba ngôi Tam Bảo, Phật, Pháp, Tăng, đồng liễu nghĩa được luật nhân quả, đúng sai, thiện ác, và đồng hòa hợp với Chánh Tín của Chư Phật, giữ năm giới, hành thập thiện. Chúng ta như vậy mới gọi là đồng tu. Còn những buổi mà chúng ta hội họp nhau ngồi cho thật là đông, chưa hẳn đã gọi là đồng tu. Số đông hay số ít, số lượng không quan trọng, quan trọng là chất lượng tâm chân thành của chúng ta, ngồi xuống hướng về Chư Phật là Bậc Thầy Vô Thượng, ta đã đón nhận Ngài, đã quy y với Ngài, hướng về với giáo pháp của Ngài, một con đường dẫn đưa chúng ta giải thoát, hướng về với Tăng thân đệ tử của Ngài, những đấng luôn luôn dung hòa với nhau trong tâm hòa hợp.
Các bạn, chỉ có một bậc Thầy duy nhất dạy cho chúng ta điều đó để đi đến sự giác ngộ đó chính là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Đồng tu như hôm nay chúng ta vẫn nhớ, Thiền Mật song tu Thất Bảo Huyền Môn là chúng ta hòa nhập vào bản thể của tự tánh an nhiên của chúng ta. Phật tánh đó cùng gắn kết với năng lượng Từ Bi của các đấng giác ngộ là các Đức Phật ở mười phương. Nương vào sự thanh tịnh, Từ Bi đó, chúng ta an trú trong Chánh Niệm hơi thở để quán chiếu tất cả các pháp sanh diệt đang lui tới trong cuộc đời hiện tại, giây phút ta đang sống. Sống trong tỉnh giác, sống trong tỉnh thức, sống không mơ màng, sống không huyền ảo, sống không với tay vào quá khứ, vươn lên tương lai, mà sống ngay chỗ này, hiện tại nơi đây, trong hơi thở Chánh Niệm để thực sự sống, sống tỉnh, sống với sự hòa hợp, hiểu biết rõ ràng những điều ta đang tận hưởng được trong kiếp người này, khi dung thông với Tuệ giác của Đức Giác Ngộ.
Các bạn, hơi thở đi vào từ mũi, xuống ngang qua phổi, tiếp tục đi xuống dưới đan điền khí hải. Đây là một cách hít thở để chúng ta dưỡng khí nuôi thân. Cách hít thở này nếu các bạn hít cho đúng, cơ thể các bạn sẽ khỏe mạnh, bởi vì nó mang oxy xuống tới tận khí hải đan điền, là hai huyệt mạch lớn tượng trưng cho các luân xa. Từ đây dung nạp năng lượng từ oxy biến thành nhiệt lượng nuôi thân xác của chúng ta, rất quan trọng. Đây là một cách thở mà từ ngàn xưa, bao nhiêu con người đã hòa nhập vào để có một sức mạnh của tự thân và nuôi tinh thần trong sáng. Khi các bạn thở ra, các bạn nhớ rằng phải hóp bụng lại rất từ từ, và đồng hành với hơi thở ra từ từ, thấy được hơi thở đi ra từ bụng, và biết được bụng hóp vô từ từ. Khi hít vào và thở ra, bụng nó phình và hóp. Sự phình hóp giúp cho hệ thống tiêu hoá của chúng ta tốt đẹp, và giúp cho oxy chuyển hóa thành năng lượng nuôi cơ thể chúng ta.
Các bạn nhớ khi thiếu oxy chúng ta sẽ sanh bệnh và dễ nổi cáu, nổi giận với nhau. Cho nên dưỡng được khí oxy ở trong người chúng ta càng nhiều càng tốt. Bởi vậy trong những nhà thương người ta hay có bình dưỡng khí, bình đó là bình oxy. Bụng của ta là bình dưỡng khí oxy, chúng ta nhớ phải hít vào thật sâu, phình ra, thở ra thật chậm rãi, hóp vào để nuôi dưỡng bình dưỡng khí này đầy ắp oxy.
Bây giờ các bạn hãy đặt bàn tay phải là bàn tay Trí Tuệ và lòng bàn tay trái Từ Bi, chúng ta cùng an trú trong hơi thở Chánh Niệm, vi diệu âm Mu A Mu Sa, quán chiếu đề mục “Thần Cây Trừng Phạt”, mời các bạn.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực tiếp năng lượng Từ Bi khai mở Trí Tuệ để chúng con hiểu được đề mục thần cây trừng phạt. Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào trì mật chú Mu A Mu Sa. (7 lần)
Mô Phật! Các bạn thân mến, Đức Thế Tôn khi Ngài giác ngộ, Ngài hiểu được mối liên quan giữa con người và con người, giữa con người và vạn vật. Con người chúng ta cứ luôn tưởng rằng mình như là thượng đế cao cả, có quyền sinh, có quyền sát tất cả vạn vật vũ trụ chung quanh ta. Lại có những lý tưởng hoặc những tôn giáo đưa tầm cao của con người lên như là con thượng đế, và làm chủ tất cả. Làm chủ tất cả nhưng làm chủ đó chỉ là một hình thức để tạo cho người ta có quyền sanh sát, làm chủ cả bên ngoài, có quyền sát súc vật để ăn, có quyền đốn cây phá rừng, có quyền sát hại những người khác. Nhưng lại ít có khi nào nói đến chữ làm chủ tự thân.
Khi Đức Phật giác ngộ, Ngài nhìn thấy rõ ràng từ những sinh vật nhỏ bé, nhỏ bé như một vi trần, như hạt bụi, nhỏ đến mức mà con mắt của chúng ta không thể nhìn thấy. Với môi trường bao la trong vũ trụ, dù xa xôi như hằng hà tinh tú ở trên trời, vẫn có mối liên quan với nhau qua luồng từ trường năng lượng hấp dẫn để tới với nhau trong hai thứ thiện và ác.
Con người chúng ta có mối quan hệ với tất cả. Mối quan hệ đó tới từ đâu? tới từ thiện ác. Như mối quan hệ giữa ông bà, giữa cha mẹ, vợ chồng, con cái, thân bằng quyến thuộc, hoặc người thân, uống nước ở bên lề đường chỉ gặp một lần suốt đời không gặp nữa, thì cũng là mối quan hệ trong luồng từ trường thiện ác tương tác mà dẫn đến gặp nhau. Sự hấp dẫn của nghiệp nó đưa chúng ta tới, nghiệp thiện hoặc nghiệp ác. Mối ràng buộc quan hệ đó muôn đời khó có thể xóa tan đi được. Nếu chúng ta không làm chủ được tâm thiện, để tạo ra một môi trường liên kết gần gũi, trong năng lượng thanh tịnh tích cực, mà cứ tạo ra những bất thiện nghiệp để rồi ác nghiệp lực của tiêu cực, của những điều sai trái hấp dẫn, cột chặt chúng ta trong sân giận, đau khổ, và trong những sự đau khổ, cảm giác đó là sự trừng phạt.
Sự trừng phạt không phải như người cha, người con, hay kẻ này, kẻ kia đánh đấm nhau. Sự trừng phạt ở trong tâm thức là sự đau khổ và phiền não tới như hai dòng nghiệp thức tương ưng, trong bất thiện nghiệp. Và sự tưởng thưởng cho nhau tương đồng với phước báu là hai dòng nghiệp thức tương ưng trong thiện nghiệp. Thiện nghiệp thì tương ưng bằng hạnh phúc và niềm vui. Còn ác nghiệp tương ưng bằng sự phiền não và đau khổ.
Thiện nghiệp gọi là phước báu, ta coi như một phần thưởng trao cho nhau. Ác nghiệp gọi là tai họa, phiền não, đau khổ là những sự trừng phạt đối với nhau mà không ra mặt.
Chủ đề nói về thần cây trừng phạt, nó lảng vảng ở trong những câu chuyện huyền thoại của thế gian. Chúng ta vẫn thấy có những cây đa, hoặc những cây da, hoặc những cây cổ thụ lớn, hoặc cây rừng lâu năm sống đâu đó. Một ông thợ rừng chẳng biết, hoặc một người thành phố chẳng hay vì vô tình hay cố tình cưa xuống thế rồi bị những vị thần mộc, thần cây đó trừng phạt, đi đến chỗ chết chóc hoặc tai nạn bệnh hoạn. Mà những câu chuyện đó không phải là chỉ kể, bởi thực sự nó đã xảy ra, nên nhiều người khi đốn những cây to, cây lớn họ thường cúng kiếng để đốn xuống, để cắt xuống, để mang đi.
Chúng ta nói ngay chỗ này đi, nói từ từ để chúng ta thâm hiểu được, chỉ một vài cây nhang, một dĩa trái cây, vài lời khấn vái là chúng ta có thể đốn ngang một sự sống. Điều này chẳng có lý chút nào phải không các bạn. Nếu như cây đó được tượng trưng như một con người thì ta đâu có thể ra tay giết chết họ, khi chỉ thắp vài nén nhang, cầu cúng một chút, dâng lên chút hoa quả, rồi sẵn sàng giết hại một mạng người hay sao. Đôi khi chúng ta nói sao cứ cuồng như vậy, cây cỏ và đất đá có linh hồn gì đâu, mà cứ phải tự tù túng mình trong những quan niệm sai lầm như thế.
Các bạn thân mến, thuở Đức Phật còn tại tiền khi Ngài dạy cho các hàng đệ tử tu thiền. Một số đệ tử của Ngài vội vội, vàng vàng chẳng hỏi han gì khi học được bí kiếp tu, liền chạy vô trong rừng mà tu. Và khi các vị Tỳ Kheo đó vào trong rừng tụ lại mà tu, tu không được. Bởi vì các vị đó bị chư thần, chư thiên phá, không thể nào tu được, ngồi không yên, trong lòng bứt rứt khó chịu, phá đến mức mà họ không thể ngồi để tu. Họ chạy về và nói với Thế Tôn, thưa Thầy, chúng con tu pháp là Chánh pháp của Ngài dạy, thế vậy mà ở trong khu rừng kia chúng con tu bị chư thiên, chư thần phá chẳng thể tu. Phật mới nói rằng, Pháp là Chánh pháp đưa đến sự giác ngộ, nhưng các con đi vào nhà người ta mà không xin phép, vào khu rừng đó có chư thiên, chư thần trú ngụ mà các con không xin phép gì. Các con tủa vào đó như ngôi nhà vô chủ, chiếm lấy nhà của người ta, rồi tu sao có thể yên. Và thế Phật dạy cho họ bài kinh thỉnh chư thiên, chư thần, thỉnh chư thiên, chư thần cùng đồng tu, và sau đó chư vị Tỳ Kheo đó vào khu rừng như lời Đức Phật dạy, đọc bài kinh thỉnh chư thiên, chư thần cùng đồng tu pháp giác ngộ của Phật, thế là họ an yên, tự tại.
Các bạn, đây là câu chuyện có thực. Đức Phật đã dạy cho chúng ta rằng, giữa cuộc sống con người, cây cối, rừng núi, đất đai có sự liên hệ, giao thoa trong luồng từ trường thiện và ác. Nếu chúng ta khởi năng lượng thiện, khi đứng giữa đất trời này ta thọ nhận năng lượng vũ trụ bao la. Nếu chúng ta khởi tâm ác khi đứng giữa đất trời này ta cũng được năng lượng thì chẳng phải là năng lượng tốt đẹp, mà là năng lượng tiêu cực làm cho đầu óc chúng ta không được tỉnh táo, thân xác chúng ta bệnh hoạn. Đấy, có những con người đang sống khỏe mạnh, chỉ đốn một cây lăn đùng ra chết. Có những con người đang an vui, rời nhà vào một khu rừng ở rồi đâm ra phiền não, những chuyện đó là có thật.
Chúng ta thấy, trong biết bao nhiêu năm qua, chúng ta có thấy được thần cây trừng phạt ở Việt Nam không, hoặc những nước Á Đông không biết tôn trọng rừng cây hay không. Cách bây ba, bốn mươi năm trước, đất nước Việt Nam chúng ta nói riêng, nơi đâu cũng thanh bình, gió mát. Nước thì nhẹ nhàng trên những dòng sông đầy ắp. Và rồi những con người phát triển đi tới chỗ chẳng tôn trọng thiên nhiên, rừng phá hết, cây đốn hết. Chúng ta cứ tới nhà những người có tiền tài, đại gia đi, nhà của họ toàn là gỗ quý, mà ở trong thành phố gỗ quý ở đâu ra. Để có những nhà gỗ quý như vậy, họ tàn phá biết bao nhiêu rừng núi, rồi đốt rừng làm rẫy rồi phá rừng lấy gỗ. Cứ như thế mấy mươi năm trời, chúng ta chẳng nghĩ tới điều gì, nhưng hiện tại ở những trung tâm thành phố Sài Gòn, trung tâm thành phố Đà Lạt, nơi cao, tất cả các nơi từ đồi cao đến chỗ thấp, chúng ta đều bị lũ lụt. Chúng ta cứ nghĩ rằng, ôi chắc là mưa lớn, chẳng phải thế. Đó là sự trừng phạt của thần cây. Đó là thần cây đã trừng phạt, bởi vì thật sự theo con mắt của khoa học, chứ chưa nói theo con mắt của Đức Phật, mối liên quan giữa môi trường sống, cây cối và rừng là một môi trường sống giữ để cho nước và khí hậu được điều hòa mọi nơi. Nơi nào có cây, có nước, có rừng, có núi, nơi đó không khi tốt đẹp và môi trường nước, độ ẩm luôn luôn cuộn mình để con người sống an vui.
Nhưng mà khi chúng ta tàn phá tất cả những rừng cây thiên nhiên tự tại như vậy, thì chúng ta mang tai họa tới cho nhau. Nói theo một nghĩa bóng tức là thần cây đã trừng phạt. Các bạn cứ để ý vào những lần mưa, khắp nơi trên Việt Nam cũng đều bị ứ nước và rồi ngập lũ. Thật là nguy hại, thậm chí đời sống vất vả vô cùng. Vì đâu, là vì phá rừng, phá cây, đây là nói đến rừng cây, đây là nói đến thần cây trừng phạt trong một môi trường sống cần có sự tương quan hòa hợp, chúng ta đã không để ý.
Đức Phật không dạy chúng ta làm chủ thiên nhiên, vạn vật để rồi có quyền tàn phá rừng, tàn phá cây, có quyền tàn phá núi non, có quyền tàn phá thiên nhiên, nhưng Ngài dạy cho chúng ta phải làm chủ thân tâm của mình, để sống hài hòa với môi trường xung quanh, môi trường của thiên nhiên, và đặc biệt một môi trường rất cần để cho chúng ta được sống với nhau. Đó là môi trường tự thể thiên nhiên, nội tại giữa tánh Phật và tánh phàm của ta, và tánh phàm, tánh Phật của những con người đang tương tác trong hiện tại cuộc sống này. Mỗi một con người chúng ta cũng thâm sâu bí hiểm như rừng cây, mỗi một con người chúng ta cũng mênh mông vô tận như vũ trụ này. Ở trong nội tại này, những bầu trời tư tưởng mà chúng ta từ đời này qua đời sau khó có thể khám phá hết được.
Do đó, chúng ta hãy trở vào làm chủ bên trong, để mình có cơ hội, cơ hội sống, cơ hội hòa mình vào nội tại mênh mông vô tận ở chính trong tâm Phật của chính ta. Để từ đó chúng ta có được một sự tịch tĩnh, năng lượng vi diệu sống hòa hợp với môi trường bên ngoài, làm chủ bên trong để sống với bên ngoài và nó thoát ra từ tướng hảo, lời nói, ánh mắt. Nhất cử, nhất động, tất cả mọi việc chúng ta làm sẽ đều là những gì, những con người có sự giao thoa mật thiết với môi trường sống xung quanh ta. Nhớ rằng thuở xưa khi Đức Phật đặt chân tới đâu, thì tất cả những nơi mà có dấu ấn bàn chân của Phật đều có sự bình an và hạnh phúc, bởi vì sao, năng lượng Từ Bi của Ngài Giao thoa với môi trường sống. Mà ngày nay người ta vẫn nói, ở đâu có thánh nhân, những bậc giác ngộ hiển ngự thì nơi đó, thành phố đó, thôn xóm đó, sẽ được bình an và hạnh phúc.
Đúng vậy, nếu như chúng ta là những bậc thánh, chúng ta là những vị thần, chúng ta là những con người biết sống chân thật với nội tại của mình, không tàn phá những vị thần ngự ở trong tâm của chúng ta, để rồi những vị thần đó nổi giận thành hung thần, ác quỷ, nguy hại vô cùng.
Các bạn có nhớ có những con người chỉ cúng một nải chuối, một bó nhang để đốn cây chưa. Chúng ta chẳng cúng, chẳng thắp nhang, mà chúng ta đã tự đốn rồi, đốn ai, chẳng phải đốn cây trên rừng, đốn ai, chẳng phải đốn cây ở trên sơn lâm, mà chúng ta đã đốn cây ở ngay chính trong lòng của mỗi người chúng ta, đã đốn cây ở trong trái tim của mỗi người chúng ta. Chúng ta đã đốn ngã biết bao nhiêu con người bằng tánh ngạo mạn, kiêu căng. Chúng ta mang kiến thức, mang tài năng, mang sự thô lỗ, sân giận, đốn ngã tất những con người cản trở ta đi tới. Và điều ta đi tới đó thể hiện gì, có phải bằng tình thương, Từ Bi hay sự ngã mạn cống cao.
Ở trên đời, các bạn chắc có lẽ chưa bao giờ nghĩ, nhưng chúng ta đã đốn ngã biết bao nhiêu con người. Chúng ta đã cưa đổ và giết chết biết bao nhiêu những mối giao hảo trong cuộc sống. Bằng cách là để cái ta lên đằng trước, ưỡn ngực xưng tên mà chà đạp biết bao nhiêu con người. Để rồi cho ông thần cây, tức là cho ông hung thần, ác quỷ, cho ông nội tâm của chúng ta nổi dậy như có quyền tàn sát những kẻ khác. Những điều đó có, Đức Phật dạy các con hãy nhớ rằng làm chủ tâm của mình bằng lòng Từ Bi, bằng tâm Từ Bi. Để trong thế giới nội tại của chúng ta từ vô lượng kiếp qua dù là hung thần, ác quỷ, hay là thiện thần, Bồ Tát, Chư Phật cũng đồng cư ngụ trong tâm tịch tĩnh này, chẳng có một chút gì phân biệt. Nhưng chính vì chúng ta phân biệt, chúng ta đã tự cắt đứt tất cả mối giao hảo của ta đối với năng lượng tịch tĩnh, Từ Bi trong trái tim của chúng ta. Thật ra Đức Phật không xa cuộc sống của con người, Đức Phật thật gần, nhưng chúng ta đã cắt đi sợi dây mà chúng ta đã liên quan tới Phật từ muôn đời. Chúng ta cắt đứt mối giao hảo đó, mối liên hệ đó, bằng sự nói rằng ta sẽ làm chủ tất cả. Nhưng chẳng bao giờ nghe lời Phật trở vào để làm chủ tâm của mình.
Các bạn thân mến, thần cây trừng phạt trong huyền thoại của con người chẳng phải là những câu chuyện kể, có thật. Bởi trong thế giới này có chư thần, chư thiên hiển ngự trên hành tinh này với chúng ta. Có chư thiên ở trên núi, có chư thần ở trên cây, trên ngọn cỏ, trên đất đai. Chúng ta đồng cư với tất cả mọi chúng sanh từ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cho tới chư thiên, chư thần, con người đều hòa mình sống và có mối liên hệ với nhau trong năng lượng của thiện ác. Nếu các bạn phát triển được năng lượng Từ Bi theo như kinh Đức Phật dạy, thì long thần, hộ pháp, chư thiên sẽ trở thành những bậc thiện thần hộ pháp cho các bạn trên con đường tu. Nếu các bạn có sự liên hệ với chư vị đó bằng năng lượng bất tịnh, bằng bất thiện nghiệp, tiêu cực thì họ không trở thành hộ pháp, thì họ sẽ phá, sẽ hại, sẽ gây ra tác hại bệnh tật và phiền não cho chúng ta, đó là có thật.
Giữa cha mẹ và chúng ta có mối liên hệ gì, mối liên hệ của thiện nghiệp và ác nghiệp. Chính thiện nghiệp và ác nghiệp đã đưa chúng ta trở thành con, trở thành vợ, thành chồng, thành cha, thành mẹ, thành ông bà. Và cũng trong thiện nghiệp và ác nghiệp đó chúng ta có mối liên hệ với mối chư thần, chư thiên, với quỷ vương ma quái, với tất cả mọi loài, mọi vật với nhau. Phật đã nhìn thấy điều đó, nên Ngài khuyên chúng ta hãy tái tạo lại suy nghĩ rằng, làm chủ tâm thiện để từ đó chúng ta có sự liên quan, và liên hệ với nhau bằng thiện nghiệp. Để mọi người luôn luôn là những người biết tương ân, tương ái, hỗ trợ với nhau trên con đường vượt khổ tới bờ giác ngộ.
Thần cây trừng phạt có thật, có thật nhiều những chư thần sống xung quanh ta, như người xưa thường nói, ông bà tổ tiên thường nói, trên đầu ba tấc có thần linh. Điều này có thật. Không phải chỉ là những câu nói hù dọa, trên đầu ba tấc có thần linh, cuộc sống xung quanh ta đều có chư thiên, chư thần, có các chư vị hiển ngự chung quanh. Chúng ta nên liên hệ với họ bằng những năng lượng Từ Bi, sự gắn kết chặt chẽ giữa tâm ta và tâm Phật, giữa ta và Phật, để Phật và ta đồng hành trong cuộc đời này bằng năng lượng Từ Bi. Từ đó chúng ta liên hệ với chư thần, chư thiên trên đầu cách ba tấc, bằng năng lượng từ ái, để họ trở thành hộ pháp trên con đường của chúng ta.
Còn nếu như chúng ta không khéo, tàn phá những rừng cây, rừng cây ở đây tức là những rừng cây tư tưởng thiện. Bao nhiêu những rừng cây tư tưởng thiện đã tạo ra mối quan hệ đó. Chư thiên, chư thần gần gũi với chúng ta, chúng ta đã phá vỡ mối quan hệ đó bằng những mũi cưa của Tham, Sân, Si, bằng những mũi cưa của bất thiện nghiệp, cưa đốn, rồi bằng những ngọn lửa của Sân đốt cháy hết mối giao hảo đó. Từ đó cuộc đời của chúng ta thường hay gặp tai họa, thường hay gặp xui, thân hay bệnh, tâm hay phiền não, cha mẹ, con cái, vợ chồng sống khó hòa hợp. Khi chúng ta bị khắc khẩu, lửa Sân đốt cháy từ cửa miệng chính là chúng ta đã đốt cháy luôn mối quan hệ giữa ta và chư thần, chư thiên.
Các bạn, điều này là thật sự. Những ai tu sẽ trải nghiệm được điều đó. Trên đầu ba tấc có thần linh là sự thật. Thần linh hiển ngự ở trên đầu, thần linh hiển ngự ở trên núi, trên cây, trên rừng, ở dưới dòng sông, ở mọi nơi. Chúng ta nhớ, tuy nhiên điều đó cũng chẳng phải là quan trọng lắm đâu. Nếu chúng ta thấy được ông thần, thì chắc chúng ta không bao giờ muốn cưa đổ ông thần đó, nhưng tại sao chúng ta thấy được một ông Phật kìa, thấy được một ông Phật, thấy được một vị Phật mà chúng ta vẫn chà đạp. Chúng ta vẫn tàn phá, chúng ta vẫn sát hại vị Phật đó, đây mới là chuyện đi từ thần tới Phật. Thần không nể, Phật không kiêng, gặp thần linh đổ phá thần linh, gặp thần linh cưa luôn thần linh. Nay gặp Phật chẳng kiêng cử chút nào.
Các bạn hỏi Phật ở đâu mà kiêng. Thần tôi có thấy đâu cho nên tôi cưa, tôi phá, tôi chẳng sợ, nhưng Phật thấy đó các bạn à. Ta gặp Phật chẳng kiêng cử lời ăn tiếng nói, suy nghĩ, hành động, thô mạnh, thô ác, đối xử với những vị Phật đang đứng trước mặt chúng ta, đối xử thật tệ với vị Phật ở trong tâm của chúng ta. Phật ở đâu, Phật ở trong tâm, Phật ở đâu, Phật ở bên trong của mỗi một con người đang sống. Phật đã khai thị, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã khai thị rằng, tất cả mọi loài mọi vật đều là chúng sanh, nhưng những chúng sanh đó đều là những vị Phật sẽ thành.
Như vậy, thực sự trong mỗi một chúng sanh đang có một vị Phật, các bạn hãy nhìn lại cách cư xử của mình có tử tế, có tốt đẹp, có kính trọng, có bình đẳng, óc thương yêu hay không. Thần cây coi như bỏ qua, nhưng vị Phật ở trong lòng của mỗi người chúng ta, chúng ta nhìn thấy mà, tại sao chúng ta vẫn chà đạp lên nhân phẩm của người đó? tại sao chúng ta muốn tàn phá con người đó? tạo sao chúng ta muốn sát hại con người đó? bằng tư tưởng, bằng lời nói, và hành động.
Phật không nể, hay gặp thần giết thần, gặp Phật cũng chẳng kiêng, tại sao vậy. Thì đâu có xứng đáng là một đệ tử để tu, đâu có xứng đáng là một Phật tử, là người con Phật đâu. Ở trên đời này, những kẻ giết cha mẹ thì thật là tệ. Kẻ đó tội ác vô cùng và không bao giờ ngoi lên được đời sống bình an. Họ sẽ bị đọa xuống địa ngục thật sự, mà con giết Phật còn là một trong năm tội Ngũ nghịch. Giết Phật, làm Phật chảy máu thì coi như đã bị xong cuộc đời rồi.
Các bạn thân mến, để chúng ta sống được bình an, để chúng ta sống với thọ mạng an vui, tu tập con đường Đức Phật đã dạy, mỗi một người trong chúng ta phải thấu được nghĩa lý này. Đừng sát hại những vị Phật tương lai đang sống chung quanh chúng ta nữa. Vị Phật đó đang thể hiện trong tâm của mỗi một chúng sanh, chứ chẳng phải chỉ có con người mà thôi. Thương người, thương vật, thương cả môi trường sống. Nơi đâu như chúng ta thường nói, Phật ở đâu, Phật ở khắp mọi nơi, trong mọi chúng sanh. Bởi vậy chúng ta nếu như không kiêng, không cử để giết hại thần, thì ít nhất cũng phải kính nể Chư Phật, nếu là Phật tử. Và từ chỗ biết kính trọng Chư Phật trong mỗi một con người, trong mỗi một môi trường chúng ta sống. Thì chư vị thần linh, chư thiên, tất cả các chư vị ngay cả âm binh, ma quỷ đều hoan hỷ, tiếp bước cho chúng ta hỗ trợ cho chúng ta, hộ mệnh cho chúng ta. Còn không quý Ngài, quý chư vị đó sẽ phá chúng ta, tổn hại đến sức khỏe, tinh thần, và đời sống.
Nhìn thật rõ mà, chúng ta nhìn thấy qua một hình thức thần cây trừng phạt là chính ở chỗ những đất nước nào phá tan đi rừng, đốn hết rừng cây thì tự nhiên nơi đó lũ lụt, nguy hiểm vô cùng. Còn quốc gia nào tôn trọng rừng, và luôn luôn trồng rừng bảo vệ cây, thì đất nước đó có không khí ôn hòa, tốt đẹp. Bởi thế mà chúng ta đã được nghe và biết, hiện tại trong kỷ nguyên này, một đất nước hạnh phúc và bình an, có không khí tốt đẹp nhất, con người sống thọ mạng dài lâu, an vui nhất đó là nước Bhutan. Họ không bao giờ phá rừng, phá cây, chư Tăng, chư Ni, nhà vua và dân tộc Bhutan luôn luôn tôn trọng rừng cây. Họ vẫn còn những khu rừng nguyên thủy, những cây hàng ngàn năm tồn tại. Tới đó, con người khởi lên niềm hoan hỷ, bởi chư thiên, chư thần, trời đất sống chung với nhau trong sự tôn trọng, hài hòa. Từng bước chân của con người Bhutan, hoặc từng bước chân của những khách du lịch tới đó thì tràn đầy năng lượng bình an và hạnh phúc. Đây là sự thật chứng minh được bởi khoa học mà Đức Phật đã nhắc nhở hai ngàn năm trăm sáu mươi mấy năm trước rồi.
Chúng ta hãy tôn trọng nhau, khi nói xa là rừng, là thần cây trừng phạt, nói gần là bị Phật trong lòng của mỗi người chúng ta, thần Phật thật gần chúng ta. Chúng ta nhớ rằng, hãy nhìn nhau bằng ánh mắt yêu thương. Hãy nghe nhau bằng lỗ tai biết tràn đầy năng lượng từ ái, để làm gì? Để chúng ta tôn trọng và luôn luôn kính nể các vị Phật, các vị thần, các chư thiên, đang sống, hiển ngự trong thân tâm của mỗi một con người, của mỗi một vật, của môi trường chúng ta đang sống chung. Thì từ đó chúng ta sẽ chan hòa năng lượng thanh tịnh, sống an vui, hạnh phúc lắm.
Các bạn hãy đặt bàn tay Trí Tuệ là bàn phải vào lòng bàn tay trái Từ Bi để chúng ta an trú trong bảy biến vi diệu âm Mu A Mu Sa.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực, tiếp năng lượng Từ Bi khai mở Trí Tuệ để chúng con biết sống hài hòa trong năng lượng Từ Bi với chư thần ở khắp mọi nơi. Hít vào bằng mũi thở từ từ, hóp bụng vào, trì mật chú Mu A Mu Sa. (7 biến)
Mô Phật! Các bạn, chúng ta sống ở trên đời đã tạo tác biết bao nhiêu nghiệp, làm cho thần cây phải giận dữ, để rồi thần cây đã trừng phạt chúng ta. Do đó chúng ta đã lần lượt, đã thấy rằng biết bao nhiêu con người cuối cùng cũng bị thần cây nuốt vào trong bụng, chôn sâu xuống lòng đất. Các bạn có nghe thấy không, các bạn có chứng kiến tất cả mọi con người, cứ từng người từ từ, từ từ bị thần cây nuốt vào trong bụng, chôn sâu vào lòng đất hay không, có đấy. Ai trên đời này cũng một lần chết mà ai chết rồi cũng phải nằm ở trong những gì, sau miếng ván cắt từ cây. Có phải chăng ý nghĩa rõ rằng ta đã bị thần cây nuốt vào bụng và rồi chôn vào lòng đất, hoặc là quăng vào lò thiêu đốt cháy hay không. Sống làm sao để thần cây không nuốt vào bụng, mà phải sống làm sao để thần cây ôm ấp ta vào trong lòng, che chở cho ta dưới lòng đất, đó mới là cách sống có ý nghĩa.
Đây là một cách nói để chúng ta suy tưởng lại một chút xíu trong cuộc đời. Cuộc đời của chúng ta có những cây cổ thụ ngàn năm, vẫn sống chung với chúng ta. Những cây cổ thụ đó, đó là cửu huyền thất tổ, đó là cha mẹ sừng sững sống trong gia đình. Các Ngài như cây đại tùng. Các đấng bậc sinh thành, các đấng Ngài đó như cây đại tùng sừng sững ở trong lòng của chúng ta, trong gia đình của chúng ta, che chở cho tất cả con cháu, sống đời đời an vui, tinh tấn trong cuộc sống, để thành tựu được những điều ước mơ. Nhớ rằng Chư Phật đã dạy, cửu huyền thất tổ, ông bà nhiều đời hiện thân trong dòng máu của cha mẹ như cây đại tùng vẫn còn đó che chở cho chúng ta. Chúng ta phải biết tôn kính những đấng bậc sinh thành, các Ngài, quý Ngài là hai cây tùng đang sống chung với chúng ta. Hãy chăm sóc, đừng cưa đổ các Ngài bằng những ngôn ngữ thô ác, bằng những hành động bất hiếu, bằng những tư tưởng bất kính. Tư tưởng bất kính, ngôn ngữ thô ác, hành động mà chúng ta nói rằng thật là ngỗ nghịch, bất hiếu đó là những mũi cưa cứa sâu vào trong hai cây đại tùng đang sống chung với chúng ta, cứa sâu vào trong trái tim của đấng bậc sinh thành nên chúng ta. Từ cây cỏ ở trên rừng, đến hai cây cổ thụ thực sự đang di chuyển trong cuộc đời của chúng ta, đó là đã được truyền và nuôi dưỡng sống động từ tổ tiên, ông bà, gây và trồng hiện hữu trong cuộc đời, qua hai đấng sinh thành của chúng ta. Hai đấng sinh thành đó là hai cây cổ thụ ngàn đời vẫn che chở cho chúng ta, đại diện cho cửu huyền thất tổ, ông bà, đại diện cho cả một rừng cây yêu thương, chan chứa tình đời. Các bạn, liên tưởng đến điều đó để chúng ta thấy rằng, chúng ta cần gì phải lên rừng phá cây đâu. Ngay cả trong gia đình, ta đã cưa cẩm cây cổ thụ mỗi ngày đó bằng những lời sắt như dao, bằng những hành động sắc như mũi cưa, bằng những tư tưởng bất hiếu, nghịch đạo làm cho đấng bậc sinh thành đau đớn ở trong lòng. Mà chúng ta có cảm giác được đâu.
Các bạn thân mến, lời của Đức Phật dạy cho chúng ta, không phải chỉ là một cách hời hợt ở bên ngoài như vỏ cây, mà chúng ta phải lột vỏ ra để thấy được cốt lõi tinh thần đời sống của con Phật. Nhìn xa, nhìn gần, quán chiếu cho thật rõ, thấy được hai đấng bậc sinh thành như hai cây đại thụ, như hai cây song long, như hai cây đại tùng, che chở bóng mát, dắt dìu, hỗ trợ, bảo hộ, chăm sóc cả cuộc đời của chúng ta. Đừng biến lưỡi của chúng ta thành lưỡi cưa, đừng biết thân xác này thành nhát dao nhát búa, đừng biến tư tưởng của chúng ta ngỗ nghịch bất hiếu, thành bom đạn để cưa để cắt, để nổ tan hai cây cổ thụ này trong từng giây từng phút. Những ai có hiếu đạo với cha mẹ, những ai biết chăm sóc cho cha mẹ, hai cây đại tùng đó vẫn trường thọ muôn đời, che chở cho tất cả chúng ta và mọi người để sống an vui và hạnh phúc. Cha mẹ là đại diện của cửu huyền thất tổ, đại diện cho cả một khu rừng muôn đời chan chứa tình thương đang ấp ủ, che chở cho tất cả chúng ta. Có thể gọi không phải là hai vị thần mà là hai vị Phật đang sống động, che chở cho chúng ta qua những bàn tay yêu thương, ánh mắt từ ái.
Các bạn, cây có cội, nước có nguồn, cha mẹ là cội nguồn, cha mẹ là cổ thụ, cha mẹ là rừng cây che mát. Hãy thường kính cha mẹ vẫn che chở, đừng biến lưỡi của mình thành lưỡi cưa, đừng biến hành động của mình thành dao búa, để chém vào hai gốc cây cổ thụ đó. Đừng biến tư tưởng của mình thành bom đạn nổ tung tất cả đấng bậc sinh thành bằng những tư tưởng bất hiếu, nghịch đạo. Hãy sống trọn vẹn như lời Phật dạy để luôn luôn trong cuộc đời của chúng ta có hai cây đại thụ, có hai cây đại tùng là cha mẹ, đấng bậc sinh thành, luôn luôn hiển ngự trong cuộc đời, luôn luôn che chở cho chúng ta từng bước, từng bước đi vào cuộc đời, an trú và nhập vào tánh thiện, tánh Phật để thoát khổ về với cảnh giới Niết Bàn an vui.
Mời các bạn đặt bàn tay phải là bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái Từ Bi để chúng ta đồng trì bảy biến vi diệu âm Mu A Mu Sa.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực, tiếp năng lượng Từ Bi khai mở Trí Tuệ để chúng con biết sống hài hòa với môi trường thiên nhiên, và sống với tinh thần hiếu kính, hiếu đạo với cha mẹ. Hít vào bằng mũi thở từ từ, hóp bụng vào, trì mật chú Mu A Mu Sa (7 biến)
Mô Phật! Chúng ta vừa đồng tu với nhau tiếp được tha lực Phật điển thật nhiều. Chúng ta lại hiểu rằng Đức Phật dạy, Đức Thế Tôn truyền cho chúng ta năng lượng Từ Bi là để đối nhân xử thế, sống hòa hợp với môi trường thiên nhiên ở bên ngoài cũng như từ bên trong. Biết tôn trọng mọi sự sống, biết kính trọng chư thiên, chư thần, các chư vị sống chung quanh chúng ta và tuyệt đối biết kính lễ với Chư Phật đang hiện tiền trong đời sống của mọi chúng sanh, nhất là những đấng bậc sinh thành.
Trên đầu ba tấc có thần linh, nhưng ngay trước mắt có vị Phật tương lai đang sống hiện hữu trong cuộc đời. Đấng bậc sinh thành trong mùa Vu Lan này, chúng ta nhớ rằng hai cây đại thụ che chở cho chúng ta đại diện từ muôn đời trong tổ tiên, ông bà truyền lại trong dòng máu của hai đấng luôn luôn che chở yêu thương. Là thân phận của người con, chúng ta phải luôn sống hiếu đạo, hiếu kính với hai đấng bậc sinh thành để chúng ta thừa hưởng năng lượng Từ Bi đó, sống thọ, sống an, sống tinh tấn tu học, sống hạnh phúc, sống hết bệnh, sống với đời sống tâm linh trong sáng. Cảm ơn các bạn đã đồng tu, mời các bạn chắp tay vào chúng ta hồi hướng công đức.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.
Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực, tiếp năng lượng Từ Bi khai mở Trí Tuệ để cho chúng con biết sống hài hòa với mọi môi trường thiên nhiên, biết kính trọng, hiếu đạo, hiếu nghĩa với các đấng bậc sinh thành. Nguyện cầu và hồi hướng cho các nguyên thủ các quốc gia, biết kính trọng môi trường thiên nhiên ở bên ngoài cũng như môi trường thiên nhiên tự tại trong mỗi một con người, để từ đó ngồi xuống thành lập chính sách hòa bình cho thế giới. Cầu nguyện cho các nhà khoa học gia, ngành y, ngành dược chế ra được vaccine thuốc trị bệnh đại dịch. Nguyện cầu cho các bác sĩ, y tá, y sỹ, nhân viên cứu trợ, cứu tế trên thế giới luôn luôn mạnh khỏe, an vui, chữa lành bệnh tật cho muôn người. Nguyện cầu cho tất cả những con người đang khủng hoảng, đau khổ, sợ hãi vì đại dịch tìm được sự bình an trở về sống tự tại trong tâm Từ Bi của Đức Phật. Hồi hướng cho các vong linh vừa tử trận được siêu sanh miền Tịnh Độ. Nguyện xin Chư Phật mười phương Từ Bi chứng minh.