Search

Bài 1131: Cởi Trói Thân Tâm – Thất Bảo #1 – Mu A Mu Sa

Bảo Tịnh Minh đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải tha lực phật điển đại từ, đại bi xuống mọi loài chúng sanh. Bảo Thành kính chào các bạn. Thiền mật song tu Thất Bảo Huyền Môn là một pháp môn vận dụng hơi thở chánh niệm để chúng ta bắt đầu an trú ở trong đó, ứng dụng tánh thấy biết, quán chiếu sự sinh hoạt của thân tâm mình. Chúng ta nương vào hơi thở đó, để có đầy đủ sức sống, có oxi cung cấp cho não bộ và thân xác cho khỏe. Chúng ta theo dõi suy nghĩ của chúng ta, theo dõi những điều gì đang vận hành trong cơ thể, để chúng ta sống với chính mình. Theo dõi chính mình là sống với chính mình. Theo dõi ngay trong từng giây phút là sống với chính mình trong từng giây phút. Theo dõi trong tâm thiện, theo dõi trong sự an trú bởi chánh niệm và nương vào tha lực phật điển từ bi, giúp cho mỗi người chúng ta có sức khỏe, có tinh thần trong sáng, tự chủ và làm chủ được tánh thấy biết. Nếu các bạn không làm chủ được tánh thấy biết, cuộc đời của chúng ta coi như đã hư. Nhưng để tái tạo lại cuộc sống, ta phải bắt buộc làm chủ được hơi thở, làm chủ được tánh thấy biết, làm chủ được chính tâm của mình. Nếu tâm không thể làm chủ, chúng ta cần phải tu tập để làm chủ bởi vì không làm chủ tâm, chúng ta sẽ khó có thể được sanh về cảnh lành hoặc trở thành Phật. Nói đúng hơn chẳng thể chuyển hóa những đau khổ, phiền não tại cuộc sống hiện thời ngay bây giờ. Cho nên những ai còn đau khổ, phiền não có nghĩa chưa làm chủ được tâm của mình.

Thiền mật song tu Thất Bảo Huyền Môn sẽ giúp cho chúng ta công phu để làm chủ tâm của mình. Các bạn, nếu những ai muốn thoát khỏi đau khổ và muốn chuyển hóa phiền não của tự thân hiện tại, chúng ta cần phải công phu để làm chủ tâm qua hơi thở chánh niệm vi diệu âm Mu A Mu Sa. Hơi thở được đi vào bằng mũi, rồi chúng ta dẫn từ từ qua phổi xuống dưới bụng dưới, gọi là đan điền khí hải. Tại nơi đây chúng ta phình bụng ra đều với hơi thở đi vào. Khi hơi thở đi vào, các bạn biết rằng bụng phình ra và thấy được hơi thở đi vào. Dùng tánh thấy của tâm, thấy rõ hơi thở đi qua mũi xuống phổi và dần dần đi xuống dưới đan điền khí hải, và biết thật rõ bụng chúng ta phình ra để chứa không khí vào trong đó. Khi các bạn thở ra, thở bằng miệng, đồng thời trì mật chú Mu A Mu Sa. Khi thở ra, tâm của các bạn phải thấy được hơi thở đi ra từ dưới bụng, dọc theo xương sống và thở ra bằng miệng, đồng thời phải biết được bụng hóp vào.

Có lẽ hơi khó cho những ai mới nghe lần đầu, nhưng ở trên đời không có gì khó, chỉ cần làm quen, thực tập riết, nó trở thành quen thuộc. Khi quen thuộc rồi, nó trở thành tự nhiên, nhưng ban đầu chúng ta phải cố vận hành cho đúng, chỉ sau một vài ngày chúng ta sẽ quen, sau một vài tuần chúng ta sẽ thuần thục. Rồi sau đó nó trở thành một hơi thở tự nhiên, hít vào phình bụng, thở ra hóp bụng, hít vào thấy hít vào, phình bụng ra, thở ra thấy thở ra, hóp bụng vào. Cứ đều đặn như vậy, các bạn hít thở và khi thở ra, các bạn trì mật chú Mu A Mu Sa. Sức khỏe sẽ tăng dần, bệnh hoạn sẽ hết, tinh thần trong sáng và năng lượng phật điển sẽ tiếp vào cơ thể của bạn thật nhiều. Giờ đây, Bảo Thành mời các bạn đặt bàn tay phải là trí tuệ vào lòng bàn tay trái từ bi, chúng ta vận hành bảy biến vi diệu âm chánh niệm Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải tha lực phật điển đại từ, đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Và gia trì phật lực, tiếp năng lượng từ bi, khai mở trí tuệ, để chúng tự con cởi trói thân, tâm của chính mình. Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ, hóp bụng vào trì mật chú: Mu A Mu Sa. (7 biến)

Mô phật. Bảo Thành chào các bạn. Các bạn thân mến. Trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn, Bảo Thành và các bạn thực sự công phu. Chúng ta đang cùng nhau đồng tu, tu tập. Và bởi vì chúng ta hành công với pháp môn Thất Bảo Huyền Môn, có một sự tương tác thực sự giữa ta và tất cả những bạn đồng tu, trong cùng một ý niệm, tập trung vào hơi thở vào ra đón nhận tha lực phật điển và trong hai mươi mốt biến vi diệu âm Mu A Mu Sa được chia làm ba lần tu, lần thứ nhất, lần thứ hai và lần thứ ba. Ở khoảng giữa, khi chúng ta hít thở cùng với nhau đón nhận tha lực phật điển, là sự dẫn ý của Bảo Thành về đề mục quán tưởng, cũng để cho chúng ta tư duy thấu rõ hơn về giáo lý của đức Phật dạy. Tiềm tàng, rải rác trong những đề mục đơn giản, nhưng vẫn nằm gọn trong những lời của đức Phật dạy, được giải nghĩa trong những ngôn ngữ bình thường, để chúng ta, trong thời đại hiện tại, dễ hiểu, dễ áp dụng.

Có lẽ ở trên Youtube hoặc trên mạng, phương pháp tu như vậy chỉ có một là nhóm của chúng ta, không có nhiều. Hầu hết, một là giảng giáo lý hoặc là ngồi thiền nhưng tất cả những pháp tu về thiền mật ít khi nào ứng dụng trước đại chúng như vậy. Các bậc tôn sư thường lấy định lực của mình mà làm lễ quán đảnh, hoặc gia trì lực của các vị đó cho chúng ta. Nhưng Bảo Thành và các bạn có một nhân duyên lớn hơn như thế, chúng ta thực sự đồng tu trong thiền mật Thất Bảo Huyền Môn. Chúng ta ngồi xuống từ những phương trời khác nhau, từ những quốc độ khác nhau nhưng cùng một tâm chân thành, phù hợp với nhân duyên hiện tại của kiếp này để chúng ta gieo duyên. Sẵn sàng dấn thân, đúng giờ, đúng ngày, ngồi xuống cùng với nhau, qua một màn hình nhỏ ở trên phone để chúng ta tu tập, hít thở hai mươi mốt biến vi diệu âm chánh niệm Mu A Mu Sa. Tiếp năng lượng phật điển và có sự dẫn ý để cho chúng ta bắt đầu tìm hiểu những giáo lý căn bản của đức Phật xoay trong sáu chủ đề: Tín, nguyện, hạnh, giới, định, huệ.

Các bạn thân mến. Chúng ta thực sự là những người đã và đang tu luyện Thất Bảo Huyền Môn, cho nên chúng ta cố gắng vượt qua mọi chướng ngại của cuộc sống, để chúng ta giữ lớp học như vầy. Bởi đây là sự tu, không phải nghe pháp, để rồi chúng ta ngủ vào trong những ngôn ngữ nói phù hợp với nhĩ căn, sở thích và kiến thức của chúng ta. Nhưng là để nghe cho thẩm thấu được chân lý, thành công để cho đón nhận được năng lượng từ bi, áp dụng vào trong cuộc sống hiện tại để chúng ta sống trong chánh niệm, có hạnh phúc và bình an. Đây cũng là một hình thức để cho chúng ta quán chiếu đề mục hôm nay, đó là Cởi Trói Thân Tâm.

Con người của chúng ta thông thường, những việc lặp lại nhiều lần trong gia đình từ cha mẹ, ông bà, từ cuộc sống của gia đình chúng ta, rồi môi trường sống trong học đường, trong xã hội, nó cứ từ từ lập trình thành một cách sống, suy nghĩ. Và rồi nói rõ hơn, ta đã bị gia đình, truyền thống tôn giáo, truyền thống dân tộc, truyền thống của vùng miền, truyền thống của ngôn ngữ, ý thức hệ, nền giáo dục địa phương lập trình tạo thành con người của chúng ta, và chúng ta bị ràng buộc trong những kiến thức đó. Rồi lâu ngày ta quen, ta cứ để cho những điều đó lập trình và xoay chuyển chúng ta. Ta không còn tự chủ vận hành, thay vì những kiến thức đó được ta vận hành để ứng dụng, nhưng ngược lại kiến thức đã vận hành ta và ta không còn làm chủ.

Đức Phật xuống thế gian, khi giác ngộ, dạy cho chúng ta không thể để cho phong tục, tập quán, một nền giáo dục nào đó, một nền triết lý hay tôn giáo nào đó kiềm hãm chúng ta, làm chủ cuộc đời của chúng ta. Mà chúng ta phải làm chủ tất cả các thể loại kiến thức về khoa học, kiến thức về y học, xã hội học, kiến thức về không gian học, về triết học, về thần học và về tôn giáo học. Tất cả các môn học đó là nâng cao kiến thức, tầm hiểu biết giữa ta và người. Còn tầm hiểu biết giữa ta và tâm thức, thần thức, đời sống tâm linh thì chúng ta cần phải làm chủ tâm, để không bị ràng buộc trong những thể loại kiến thức của xã hội kia. Dù là khoa học, thần học, triết học hay tôn giáo học, xã hội học, môn học gì đi nữa cũng chỉ là thể loại kiến thức của con người chế tác ra. Để làm gì? Để ta có cái để học, hiểu về thế giới ở bên ngoài và bên trong. Nhưng tất cả những môn học đó đều do những bậc thầy với chỉ là trong kiến thức của loài người mà thôi. Còn môn học đưa đến sự giải thoát phải học chính bậc thầy đã được giải thoát, bởi chính vị thầy đó, đó là đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Ngoài Ngài ra, chưa ai tự giải thoát được vì những kiến thức của những vị đó cũng chỉ là kiến thức lặp lại của đức Phật. Mà khi kiến thức của đức Phật không được trải nghiệm, nghiên cứu, học hỏi cho thông thì chúng ta dễ lầm và đi vào những kiến thức diễn giải của những vị sau này, khi tâm thức của họ chưa giác ngộ.

Câu trong dân gian thường hay nói: Không thầy đố mày làm nên, chúng ta cần phải có thầy, điều đó chính xác. Chúng ta cần phải có thầy, thầy đó là đức thầy Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Không thầy đố mày làm nên, tức là phải có một vị thầy. Câu thứ hai chúng ta cần phải tư duy, mới thấu được đạo lý. Và đạo lý ngay ở chỗ này đây: Không thầy đố mày làm nên là câu thứ nhất, câu thứ hai: Lắm thầy nhiều ma. Chính chân lý ngay chỗ này mà trong tam quy y, khi chúng ta quy y Phật, có nghĩa là nhận Phật làm thầy, nương vào thầy của chúng ta là đức Phật Bổn Sư, và chỉ có đức Bổn Sư là thầy của chúng ta mà thôi. Chấm hết, không thể lắm thầy tức là gặp thầy nào ta cũng học. Lắm thầy nhiều ma, nhiều thầy quá, hóa ra rối thành ma. Mà ở trên đời này có ai tự giác ngộ đâu ngoài đức Phật. Những kẻ tới sau đức Phật thường vỗ ngực, xưng tên, ta là đấng này đấng kia, ta còn hơn Phật nữa, ta như thế này, như thế kia. Khi sử dụng cái ta, cái tôi, đó là một sự ràng buộc nguy hiểm của tâm. Thật là nhiều người trong thế giới hiện tại, kỷ nguyên mở này, trên Youtube, trên Facebook, thông tin đại chúng mạng, chúng ta vẫn thấy đâu đó có những con người vỗ ngực xưng tên, ta tha cho, ta ban cho. Những ai chỉ cần theo ta, đọc tên của ta, trì niệm tên của ta, không những người đó mà bảy, tám, chín, cả trăm đời của người đó đều được cứu rỗi và rồi đều được tha tội, nghiệp chướng tiêu tan, cái ta đó quá lớn. Đối với đức Phật, khi Ngài còn ở trên thế gian này, Ngài chưa bao giời mở miệng nói các đệ tử theo Phật đều được cứu rỗi, đều được giải thoát, mà Phật nói những ai thọ nhận giáo lý của ta, sự khai thị của ta, sẽ có được trí tuệ để tự mình cởi trói thân, tâm và được tự do vào niết bàn an vui. Tự mình cởi trói thân tâm.

Hôm nay đề mục là Cởi trói, ta phải tự cởi trói thân tâm của chúng ta, cái thân và cái tâm. Cái tâm chúng ta tự cột vào bởi chữ chấp. Chấp vào đâu? Chấp vào tham, sân, si, chấp vào thân này là có, tâm này là có, chấp vào tất cả những gì ở bên ngoài là có. Chính cái chấp đó, nó phối hợp với tâm tham, sân, si, tạo nên muôn trùng phiền não. Tâm tham, sân, si ta phải tự cởi trói, tâm cống cao ngã mạn rất nguy hiểm, cần phải cởi trói. Đây là bốn cái, nếu mà nói chi tiết thì nó thật nhiều. Nhưng gọn trong ngày hôm nay, ta nói đến chủ đề: Tâm của cống cao, ngã mạn, còn tản mạn trong tâm tham, sân, si hầu như ai cũng đã được nhắc qua nhiều lần. Nói đến tâm cống cao, tâm tự cao, nói rõ hơn là tâm tự cao, tự đại, chưa chứng đắc mà nhận là chứng đắc, chưa thành mà gọi là thành và luôn xưng hùng, xưng bá, xưng ta là người này, xưng ta là người kia, ta có thể làm chuyện này, ta có thể làm chuyện kia, nhưng khi ta trở về với miền đất lạnh rồi thì cái ta đó có còn đâu. Người xưa nói, con gà hơn nhau tiếng gáy, con dế chết là bởi vì nó gáy, và chính tiếng gáy đó gọi là ta, người càng học đạo, càng khiêm tốn.

Các bạn thân mến. Nói đến thân, tâm, bây giờ tâm cống cao, ngã mạn, cái ta của mỗi người, ta phải tự cởi trói để không còn ta. Những ai tự nâng lên thì sẽ bị thần chết đè xuống, còn những ai hạ xuống tịch tĩnh như mặt đất, sẽ được nâng lên trên cao bởi đức hạnh và giới hạnh. Người có giới đức là người khiêm tốn như mẹ đất, cha trời, nhẹ nhàng, âm thầm bao dung tất cả, để cho sự sống được tồn tại ở giữa thiên địa, trời đất. Giữa tâm và thân chẳng khác chi gọi là thân của ta thuộc về đất, gọi là mẹ đất, tâm của ta thuộc về trời, cha trời mẹ đất. Giữa tâm và thân là một khoảng trống bao la vô tận, không có cái tôi, không có chủ ngã, cũng không có đại ngã, tiểu ngã, cũng không có đại thế giới, tiểu thế giới. Chỉ có một tâm không dính mắc, thinh lặng, rỗng không, dung chứa tất cả vào ở trong tâm đó. Cởi trói tâm tức là cởi trói tự ngã của chúng ta, các bạn phải quán chiếu trong hơi thở chánh niệm vào ra, an trú vào đó. Nói một cách tỉ mỉ hơn, từ xưa đến giờ chúng ta thường được các bậc hòa thượng, đại đức, tăng ni giáo dưỡng và dạy rằng: Chúng ta hãy rải tâm từ của ta ra, rải tâm từ ra. Các bạn nhìn kĩ đi, các bạn có bao nhiêu tâm từ, khi chúng ta nói nguyện rải tâm từ của ta ra thì đã có cái ta, cái tôi ở đó rồi. Tôi là ai mà rải tâm từ tới cho mọi loài chúng sanh, hình như cái ta quá lớn.

Cho nên, trong pháp môn này cũng ẩn ý dạy cho chúng ta một đức khiêm tốn, là ta cũng rải tâm từ, thiền đây là thiền rải tâm từ, thiền chánh niệm rải tâm từ, trong hơi thở chánh niệm, ta rải tâm từ nhưng mà tâm từ đó không phải của ta. Tâm từ đó là từ mười phương chư Phật, ban rải xuống cho mọi loài chúng sanh, và trong mọi loài chúng sanh đó, có ta hiện hữu trong thế gian, đón nhận năng lượng từ bi của Phật rải xuống. Chúng ta không nên nghĩ rằng, ta rải tâm từ tới mọi loài mà ta đón nhận tâm từ của chư Phật rải xuống cho chúng ta và từ đó chúng ta hồi hướng năng lượng từ bi tới cho mọi loài chúng sanh. Suy niệm và quán chiếu điều này sẽ chuyển hóa tất cả những bản ngã tự cao, tự đại của chúng ta. Mà khi các bạn không còn ta, không còn tôi, các bạn hòa mình vào với năng lượng đại thể của mười phương chư Phật. Cái tôi chẳng còn thì trong cả vũ trụ bao la, mênh mông hư không này, tận hư không pháp giới này ở đâu cũng có mặt của các bạn.

Dễ hiểu! nếu một giọt nước, nó có thể nói thì nó nói ta là giọt nước, thì chỉ cần một cơn nắng bốc lên, một cơn gió khô thì nó biến mất, không còn gì nữa. Nhưng nếu giọt nước đó sẵn sàng thả mình xuống dòng sông, chúng ta là giọt nước, tự cao của chúng ta phơi giữa trời đất này, rồi cuối cùng tan biến trở về với cát bụi. Nhưng ta là giọt nước, rải mình hòa vào với dòng sông, các bạn hỏi thử coi ta có còn là ta nữa không? Ta chẳng còn là ta. Ta đã tan biến mất hòa quyện vào dòng sông để rồi nơi nào có dòng sông trôi qua, nơi đó có ta. Bởi trong dòng sông đó chính là ta, sự hiện hữu của ta lớn như một dòng sông, như một dòng đại hải chảy mãi, mà cái tôi, cái ta, tự ngã, nó đã bị hòa vào cùng một dòng sông. Khi chúng ta còn tôi là tự cao. Trên đời này đó, các bạn thấy đi, nhiều người ta, ta, ta, ta cho, ta ban, ta cứu, ta giúp, ta làm đủ thứ hết. Nhưng mà cái ta, ta mà họ xưng đó cũng chẳng thể làm chủ được sự sống và hơi thở của họ. Để rồi trong thân tứ đại không điều hòa, họ cũng bệnh, họ cũng chết, rồi họ cũng than, họ cũng khổ, cũng phiền não, thì tại sao chúng ta lại bám víu vào cái ta đó. Mà đức Phật là đấng đã tự giải thoát, tuyệt đối chẳng còn phiền não, đứng giữa sanh tử chỉ là phương tiện đi vào đời cứu chúng sanh còn đắm chìm trong đó. Ngài hết phiền não, đau khổ và trong cả cuộc đời bốn mươi lăm năm hoằng pháp, chưa một lần đức Phật xưng ta, xưng tôi để cứu độ mà Phật như một người thầy, một người bạn, một người ông, một người cha, một người mẹ đi vào lòng đời của thế gian, gõ cửa từng người khi họ đau khổ phiền não trong sanh tử, chỉ cho họ một con đường, trao tặng cho họ một bài thuốc để trị bệnh, một con đường để giải thoát thân, tâm.

Cho nên, khi chúng ta hòa mình vào với năng lượng tha lực phật điển của mười phương, có nghĩa là giọt nước được hòa vào với dòng sông, cái ta được đắm vào trong biển tha lực phật điển. Và trong biển tha lực phật điển mênh mông, vô tận, vô bờ kia, ta tuy nhỏ nhưng chỗ nào cũng có ta. Bởi vì trong tận hư không pháp giới của tha lực biển trời phật điển mênh mông đó, ta đều hiện hữu ở trong đó bằng năng lượng từ bi của chư Phật. Cái ta đã hết, cho nên để cởi trói cho cái tôi, ta, tự ngã thì các bạn phải hòa mình vào với tha lực phật điển, không còn là ta. Khi ta không còn là ta, đất trời vô tận, chỗ nào cũng có ta, các bạn nên nhớ, đó là cởi trói cho tâm, tâm cống cao, ngã mạn. Ta không phân tích, ta không chia sẻ bởi trong thời gian có hạn, cho nên ta chỉ cần chú tâm đến cái ta, và chuyển hóa cái tôi, ta, tự cao, tự mãn của chính mình. Không nói đến nười khác, của chính mình, bằng cách hòa nhập vào với năng lượng từ bi của chư Phật.

Mời các bạn, chúng ta đặt bàn tay trí tuệ vào lòng bàn tay trái, hòa tâm của ta vào biển trời mênh mông tha lực phật điển, để ta không còn ta và chỉ còn có năng lượng tự thể từ bi hòa nhập cùng với biển trời mênh mông vô tận của chư Phật, tha lực phật điển. Mời các bạn.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải tha lực phật điển đại từ, đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Và gia trì phật lực, tiếp năng lượng từ bi, khai mở trí tuệ. Để chúng con cởi trói thân tâm, tự ngã, cống cao, ngã mạn, hòa mình vào với biển trời mênh mông vô tận của tha lực phật điển mười phương chư Phật. Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào trì mật chú: Mu A Mu Sa. (7 biến)

Mô Phật. Khi các bạn nói các bạn không còn tôi, không còn ta thì lấy gì làm chủ. Ta lấy tâm từ bi của chư Phật hiện hữu trong từng sát na, từng giây phút chánh niệm hít vào thở ra, làm chủ cuộc sống của chúng ta. Ta tự hiến thân của mình như giọt nước hòa vào dòng sông, ta tự biến mất cái tôi, bản ngã của mình để hòa mình vào với biển trời mênh mông vô tận của tha lực phật điển từ bi nơi mười phương chư Phật. Để tận hư không pháp giới đó chỗ nào cũng có năng lượng từ bi hiện hữu trong thần thức, không còn dính mắc vào cái tôi, ta nữa. Đó là cách ta cởi trói cho tâm. Tâm tự cao, tự đại. Chính tâm tự cao, tự đại, cống cao ngã mạn đó sẽ gây ra biết bao nhiêu sự đau khổ và đẩy chúng ta xuống hầm sâu địa ngục.

Còn nói về cởi trói thân, cũng có thật nhiều những vấn đề vi tế cần mổ xẻ để hiểu rõ nhưng không nhất thiết. Chúng ta chỉ cần chú trọng vào năm giới đức Phật dạy: Thân tạo ra ba nghiệp ác, đó là nghiệp sát, nghiệp trộm cắp và tà dâm. Ba nghiệp này, nếu chúng ta biết chuyển hóa, tức là chúng ta biết cởi trói cho thân của chúng ta. Thân sát sanh thì ngược lại để cởi trói cho thân sát đó là thân phải biết phóng sanh. Chúng ta phóng sanh các loài đã bị giam cầm sắp bị chết, phóng sanh tâm thức bị ràng buộc trên những con đường lối sai trái, phóng sanh những người thương yêu của chúng ta khỏi sự kiềm tỏa của cái tôi, bản ngã, muốn ràng buộc làm chủ tất cả. Chúng ta phóng sanh mọi loài, mọi vật để được tự nhiên sống trong tự tại, an vui. Chúng ta không tạo nghiệp trộm cắp, lấy của người mà chúng ta phải thực hành hạnh biết cho, biết bố thí, biết hiến tặng. Để cởi trói tâm sát ta phóng sanh, cởi trói tâm trộm cắp, thâu gom, giữ vào, ích kỷ chúng ta biết bố thí cho đi. Để cởi trói khỏi tâm tà dâm, ta biết yêu thương mọi người bình đẳng trong sự kính trọng. Đó là những cách tự cởi trói thân của chúng ta.

Nhưng vẫn hay hơn là trong cùng một lúc, ta hít thở trong hơi thở chánh niệm, tịch tĩnh trú ngụ ở trong đó với tánh thấy biết, tiếp năng lượng phật điển thì toàn phần thời gian khi chúng ta làm như vậy ta đã ngừng hẳn nghiệp sát, nghiệp trộm cắp, nghiệp tà dâm và như vậy thân của ta đã ngừng tạo nghiệp. Nhưng chuyển hóa cái tôi không còn là tôi hòa mình vào với năng lượng từ bi của chư Phật thì cái tôi, bản ngã, chủ thể coi quá quan trọng trong dính mắc, chấp trượt này không còn nữa. Liền ngay lúc đó thực sự ta đã tự cởi trói thân và tâm trong hơi thở chánh niệm vi diệu âm Mu A Mu Sa.

Phương pháp là thực hành công phu và trong những giây phút lắng đọng bởi hơi thở chánh niệm, tiếp năng lượng từ bi. Chúng ta thực sự đã cởi trói thân, tâm khỏi sự ràng buộc của cái tôi chấp trượt trong ba đường ác tham, sân, si và khỏi ba nghiệp sát, trộm cắp, tà dâm, giữ đúng năm giới, hành những pháp thiện, tin sâu vào thầy của mình là đức Bổn Sư. Từ đó chúng ta có một ý niệm thực hành rằng phải có thầy mới học được. Không thầy đố mày làm nên, thầy đó là đức thầy Bổn Sư. Câu thứ hai: Lắm thầy nhiều ma. Ta chỉ một thầy mà thôi, đó là đức Thầy Bổn Sư của chúng ta. Còn như Bảo Thành và các bậc tôn túc là những bậc huynh đệ, là những người đi trước, những người học nội trú nơi nhà trường mà đức Phật dạy và các phật tử tại gia là những học trò ngoại trú, sống ở trong đời phải có những nghĩa vụ đích thực với gia đình. Cho nên khó có thể thường trú trong ngôi nhà của Tam bảo thì những bậc xuất gia như Bảo Thành, những bậc tôn túc là những học trò nội trú có trách nhiệm trao truyền những bài học mình đã học được tới cho các phật tử tại gia. Còn vị thầy duy nhất vẫn là đức thầy Bổn Sư, bậc thầy của trời đất, của muôn loài và nhớ rằng lắm thầy nhiều ma. Khi đã quy y với Phật, ta phải nhớ như vậy để biết rằng đức Phật là bậc thầy duy nhất, Ngài đã tự giải thoát Ngài, Ngài đã tự giác ngộ Ngài. Ngài không có một vị thầy nào dạy cho Ngài giác ngộ mà Ngài tự giác ngộ, tự giải thoát. Do đó, Ngài là thầy của ta.

Còn những đấng bậc sinh sau Ngài hiện tại trong thời đại của chúng ta mà vỗ ngực ầm ầm, ầm ầm ấy, người mà hay vỗ ngực này là chỉ có loài khỉ nó mới vỗ ngực thôi. Khỉ thì nó không biết ai là ai, nó sống theo kiểu bầy đàn. Tâm như con khỉ nhảy múa lung tung, cái tôi quá cao, ngã mạn quá lớn thành thử ra không làm chủ được cái tôi. Các bạn không bao giờ nhận họ làm thầy. Cho nên những ai xưng ta có thể ban, ta có thể cứu rỗi, ta có thể tha tội, ta có thể làm cái này cho các ngươi, làm cái này cho dòng tộc của các ngươi, cho cửu huyền thất tổ của các ngươi thì cái ta đó là cái ta của ma. Cái ta đó là gì? Cái ta của cuồng. Cái ta đó là gì? Cái ta của sự cống cao ngã mạn, ta của tâm quá bị cuồng, nói đúng hơn là người đó không còn tự chủ được. Ta đi theo một người không thể tự chủ và làm chủ tâm thì ta cũng sẽ trở thành như họ, tệ hại hơn họ. Các bạn nhớ, chúng ta chỉ có một thầy là đức thầy Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Đừng rước ma vào nhà của ta bằng cách nhận quá nhiều những vị thầy của thế gian tự xưng mình hơn cả Phật, điều đó không tốt.

Bài học hôm nay, tự cởi trói thân tâm. Phương pháp tự cởi trói thân tâm là chúng ta an trú vào trong chánh niệm hơi thở, vận dụng tánh thấy biết để làm sáng trí tuệ viên minh của ta. Từ đó, thắp sáng mà đi trên con đường hòa nhập vào với năng lượng từ bi của chư Phật, tha lực phật điển, từ trường yêu thương của chư Phật, để trong cả cuộc đời của chúng ta chỉ còn có yêu thương hiện hữu trong đời. Cái ta đã mất, tôi chẳng còn, và tâm thân tạo nghiệp kia cũng chẳng còn nữa, bởi vì nó đã được gội rửa, chuyển hóa, tràn đầy năng lượng từ bi ở bên trong. Đây là phương pháp giúp chúng ta cởi trói thân, tâm của mình. Các bạn nhìn rõ được điều này, các bạn thấu rõ điều này, các bạn sẽ chứng được phần an vui, hạnh phúc ngay trong từng giây phút các bạn còn hiện thân trên cuộc đời này. Và đặc biệt vi diệu hơn là niềm vui, hạnh phúc của các bạn lan tỏa tới trong gia đình, tất cả mọi loài, mọi người sống xung quanh các bạn. Năng lượng từ bi của chư Phật, nó có sức mạnh cảm hóa, chuyển hóa và phá vỡ mọi sự bế tắc.

Không phải chúng ta học Phật là trở thành siêu nhân có bộ óc có thể thấy được trời, thấy được đất, nhưng chúng ta học Phật qua phương thức Thất Bảo Huyền Môn là chúng ta trở thành siêu thế. Siêu nhân còn thua siêu thế bởi có chữ nhân, đã là nhân, nhân tức là người, chỉ là một con người thông minh, thông thái, rồi cuối cùng cũng chết về lòng đất, có mang gì theo đâu. Nhưng học Phật để trở thành siêu thế, tức là thoát khỏi cõi thế, thoát khỏi sự ràng buộc của tham, sân, si, của cái tôi, tự ngã, của cống cao, ngã mạn, của nghiệp sát, nghiệp trộm cắp, nghiệp tà dâm, của đắm chìm ở trong những dục lạc, tham dục, tham ái. Siêu thế, ta trở thành siêu thế, siêu nhân cũng chỉ là con người giỏi mà thôi. Những cái giỏi trên trần đời này, từ cổ chí kim, cuối cùng cũng đi vào lòng đất, và đào lên sau cả ngàn năm cũng chỉ là một vài mẩu xương trắng tồn tại. Nhưng khi trở thành siêu thế, siêu thế tức là thoát phàm, thoát khỏi những tư tưởng phàm phu, siêu thế là thoát khỏi những tham, sân, si, chấp trượt trong cuộc đời, siêu thế là thoát khỏi tâm cống cao, ngã mạn, tự đại. Ta học Phật, Thất Bảo Huyền Môn là trở thành siêu thế các bạn ạ. Siêu thế. Các muốn trở thành siêu nhân thì học kiến thức ở đời. Các bạn muốn trở thành siêu thế, thoát khỏi cảnh thế gian, chấp trượt, tham, sân, si, thoát khỏi cái tôi, tự ngã của mình để trở thành một khối năng lượng mênh mông vô tận, hòa cùng với chư Phật, năng lượng từ bi, tình yêu thương trên hết thì các bạn hãy cố gắng công phu, chiêm nghiệm để tụ cởi trói thân, tâm của các bạn. Để các bạn luôn an vui và hạnh phúc, gia đình của các bạn tràn đầy tiếng cười, niềm vui trong từng giây phút hiện hữu khi nhân duyên còn là cha mẹ, là vợ chồng, là con cái.

Mời các bạn đặt bàn tay trí tuệ vào lòng bàn tay từ bi, hãy lấy trí tuệ và từ bi quán chiếu để tự cởi trói thân, tâm của mình. Mời các bạn.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải tha lực phật điển đại từ, đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Và gia trì phật lực, tiếp năng lượng từ bi, khai mở trí tuệ. Để chúng con tự cởi trói thân, tâm khỏi sự ràng buộc của cống cao, ngã mạn và ba nghiệp mà hòa mình vào với tha lực phật điển mười phương chư Phật. Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào trì mật chú: Mu A Mu Sa. (7 biến)

Mô Phật. Bảo thành và các bạn vừa tu hai mươi mốt biến vi diệu âm Mu A Mu Sa để đón nhận được tràn đầy tha lực phật điển, từ trường yêu thương mười phương chư Phật vào cuộc đời của chúng ta. Không thầy đố mày làm nên. Thầy của ta là đức Bổn Sư. Khi chúng ta đã quy y với Ngài và nương vào trí tuệ của Ngài để học. Lắm thầy nhiều ma. Chúng ta không được phép chọn những bậc thầy ở thế gian chưa giác ngộ, những bậc thầy xưng vương, xưng tướng, xưng tôi, xưng này, xưng kia, để cho rối rắm thần thức, trí tuệ, của chúng ta. Như vậy, ta học thành ma đó, nhiều thầy lắm ma, học của ma thành ma. Cho nên các bạn tuyệt đối phải tư duy suy nghĩ cho rõ, khẳng định trong cuộc đời chỉ có một vị thầy duy nhất, đó là đức thầy Bổn Sư Thích Ca, Đấng tự giác ngộ, đấng tự giải thoát, đấng là thầy của trời đất, và với tâm nguyện nương vào bậc thầy này. Chúng ta hòa mình vào với tha lực phật điển, từ trường yêu thương của Ngài, để chúng ta chuyển hóa cái tôi cống cao, ngã mạn, tự cởi trói cho thân tâm của chúng ta được giải thoát, để tu Thất Bảo Huyền Môn trở thành siêu thế. Chẳng phải là siêu nhân, trở thành người siêu thế, người thoát khỏi những cảnh trầm luân, ràng buộc của tham, sân, si, tự ngã của tâm chấp trượt. Cám ơn các bạn đồng tu.

Mời các bạn chắp tay vào chúng ta hồi hướng công đức ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa. Con nguyện mười phương chư Phật, ban rải tha lực phật điển đại từ, đại bi xuống mọi loài chúng sanh. Và gia trì phật lực, tiếp năng lượng từ bi, khai mở trí tuệ. Để chúng con tự cởi trói thân, tâm của chúng con khỏi ba điều ác và cống cao, ngã mạn, để hòa mình vào với tha lực phật điển của mười phương chư Phật. Có được công đức nào, chúng con xin hồi hướng tới các nguyên thủ các quốc gia cũng phải biết tự cởi trói thân, tâm của họ và cởi trói mọi sự ràng buộc trong cái tôi, để thành lập được chính sách hòa bình cho thế giới. Nguyện cầu cho các nhà khoa học ngành y, ngành dược chế ra được vắc-xin, chế ra được thuốc chữa bệnh dịch. Nguyện cầu cho các bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ, cứu tế trên thế giới cũng tự cởi trói thân, tâm của bản ngã, hòa mình, bao dung, yêu thương, chữa lành cho tất cả các bệnh nhân. Chúng con cũng hồi hướng tới cho tất cả mọi loài chúng sanh còn đang đau khổ, tự cởi trói thân, tâm của mình khỏi sự ràng buộc của cái tôi, để sống yêu thương hơn, hạnh phúc hơn. Nguyện cầu cho các vong linh tử vong được siêu sanh miền lạc cảnh. Con nguyện xin mười phương chư Phật từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn