Search

Bài 1097: Cội Nguồn Hạnh Phúc – Thất Bảo #1 – Mu A Mu Sa

Bảo Tịnh Ý bút ký

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào tất cả các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn!

Các bạn thân mến! Phương pháp tu của chúng ta được gọi là Thiền Mật song tu. Trong Thiền có hơi thở Chánh Niệm, chúng ta an nhiếp Tánh Thấy, Biết của mình để quán chiếu toàn châu thân và tâm của mình có những hiện tượng gì xảy ra, chúng ta quán chiếu với hơi thở Chánh Niệm đó để chúng ta giữ tâm trong Chánh Pháp, trong sự tịch tĩnh. Trong Mật chúng ta có trì mật chú Mu A Mu Sa, với mật chú này, mỗi người chúng ta sẽ có cơ hội tiếp cận được với tình yêu thương của Chư Phật.

Các bạn thân mến! Tha lực Phật điển, năng lượng Từ Bi của Chư Phật qua mật chú Mu A Mu Sa sẽ đổ tràn đầy vào thân tâm của chúng ta và chúng ta dựa trên nền tảng của tự lực cầu Đạo Giác Ngộ của mỗi người, hòa nhập vào với tha lực Phật điển Từ Bi để chúng ta an nhiếp vào hơi thở, quán chiếu châu thân. Tha lực Phật điển năng lượng Từ Bi được gọi là thần thông, không phải là để đưa chúng ta bay lên cảnh giới của trời cao, không phải là để chúng ta làm được những việc phi thường khác đời nhưng để cho chúng ta an nhiếp vào hơi thở Chánh Niệm, nương vào tình thương của Chư Phật, nương vào tha lực Phật điển, Hùng lực năng lượng Từ Bi để chúng ta giữ vững tâm của mình, nuôi dưỡng tâm thiện trong Pháp thiện. Cho nên nó trở thành nhiệm mầu, nó trở thành vi diệu. Các bạn nên nhớ và phải khẳng định trong cuộc đời của mình rằng, không có một năng lượng nào vi diệu hơn năng lượng Từ Bi, không có thần thông nào có thể so sánh được với thần thông của tình yêu nơi Chư Phật. Chúng ta rất cần năng lượng Từ Bi, từ trường yêu thương của Chư Phật của chính chúng ta và của muôn người đang sống cộng hưởng với nhau để làm cho thế giới nội tâm và thế giới bên ngoài được bình an và hạnh phúc. Trong hơi thở Chánh Niệm, các bạn nhớ là chúng ta hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới Đan Điền Khí Hải, phình bụng ra, hít vào bằng mũi phình bụng. Khi các bạn thở, các bạn thở ra bằng miệng, hóp bụng lại và các bạn đồng thời trì mật chú Mu A Mu Sa. Nhớ rằng chúng ta trong từng hơi thở vào ra, giữ Tánh Thấy, Biết trong hơi thở đó để chúng ta quán chiếu. Quán là nhìn, chiếu là soi, dùng tâm của mình soi vào tất cả mọi hiện tượng sanh – diệt hoặc những hiện tượng đang xảy ra trong thân tâm của chúng ta. Quán là nhìn, chiếu là soi, nhìn bằng Trí Tuệ, soi chiếu vào cho thật rõ để chúng ta thấy được từng chút, từng li, từng tí một những hiện tượng đang xảy ra với thân này, với tâm này do tự lực cầu Đạo Giác Ngộ của chúng ta, nghĩa là năng lượng tự thể hướng Thượng thoát khổ đi tới sự bình an và năng lượng Từ Bi của Chư Phật hòa nhập vào, tác động vào thân tâm của chúng ta. Bất cứ một điều gì khởi lên ở trong tâm, một điều gì khởi lên từ thân, nhiệm vụ của chúng ta là không nhảy vào hòa nhập mà cũng chẳng ngăn chặn chúng bởi vì chúng ta an trú trong hơi thở Chánh Niệm, dùng Tánh Thấy, Biết để quán chiếu. Thân ta như tinh tú trên bầu trời, không cần thiết phải nhảy lên trên bầu trời kéo từng ngôi sao tinh tú xuống hoặc xếp đặt lại trật tự của nó, chỉ cần nhìn qua kính viễn vọng để chúng ta hạnh phúc, vui vẻ nhìn sự vận hành của tinh tú ở trên trời. Kính viễn vọng đó là hơi thở Chánh Niệm, ta chính là Tánh Thấy, Biết, nhìn qua hơi thở Chánh Niệm để chúng ta quán chiếu toàn bộ vũ trụ trong nội tâm và thân của chúng ta chuyển động bởi năng lượng của tha lực Phật điển Từ Bi và năng lượng tự lực cầu Đạo Giác Ngộ của chúng ta.

Mời các bạn đặt bàn tay phải, bàn tay phải được gọi là bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái, bàn tay trái được đặt tên là bàn tay Từ Bi. Chúng ta lấy Từ Bi vào Trí Tuệ, an nhiếp trong hơi thở Chánh Niệm để chúng ta quán chiếu. Đề mục hôm nay chúng ta quán chiếu là “Cội Nguồn Hạnh Phúc”. Xin tất cả mọi người chúng ta nhớ đến đề mục này.

“Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực để chúng con đón nhận được năng lượng Từ Bi mà hiểu thấu được cội nguồn hạnh phúc.”

Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ, hóp bụng vào. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. (07 biến)

Mô Phật! Bảo Thành và các bạn vừa tiếp được thật nhiều tha lực Phật điển. Các bạn thân mến! Có những Tông phái khác, có những niềm tin khác và cũng có thật nhiều căn cơ khác biệt. Đức Phật đã dạy cho chúng ta rằng mỗi một người có một biệt nghiệp, chính biệt nghiệp là nghiệp riêng tư của mỗi người, nó khác nhau hoàn toàn, do đó nó sản sinh ra con người chúng ta khác biệt nhân duyên, bởi sự khác biệt nhân duyên đó mà có thật nhiều Tông phái, có thật nhiều Pháp môn, có thật nhiều phương tiện. Hai chữ “tha lực” đối với nhiều Tông phái như Tịnh Độ Tông luôn luôn nghĩ rằng tha lực của Di Đà đưa ta về cõi Tịnh Độ, đó là cách định nghĩa của tha lực bởi họ không cảm ứng được tha lực, họ chỉ định nghĩa để rồi quán tưởng, tưởng tượng rằng tha lực của Di Đà với niềm tin niệm Phật sẽ đưa về cảnh giới Tịnh Độ, đó là cách suy nghĩ của họ. Riêng với Thiền Mật, tha lực khác biệt với ý nghĩa đó, tha lực của chúng ta không phải là một định nghĩa suông ở trên văn tự để chúng ta hiểu mà tha lực trong Thiền Mật là tha lực mỗi người chúng ta tu khi trì mật chú Mu A Mu Sa, an trú vào hơi thở Chánh Niệm đều cảm ứng được với năng lượng Từ Bi của Chư Phật tuôn tràn, ban rải vào thân tâm của chúng ta. Tha lực này giúp cho chúng ta hòa quyện với tự lực cầu Đạo Giác Ngộ để làm đề mục quán chiếu trong hơi thở Chánh Niệm, dùng Tánh Thấy, Biết an trú trong Chánh Niệm hơi thở và nương vào tự lực của chính chúng ta hòa quyện vào với năng lượng Từ Bi của Phật, để chúng ta có Định lực nhìn rõ tất cả những hiện tượng xảy ra từ thân tâm như ngồi, đi, đứng, sống giữa cuộc đời trong giây phút này và hiểu thấu được gốc rễ của nó.

Thần thông trong tha lực mà chúng ta nói tới không mang chúng ta tới Niết Bàn cũng chẳng biến chúng ta thành Phật, nhưng tha lực thần thông của Phật điển giúp cho chúng ta thấm nhuần được tình yêu thương là năng lượng tối quan trọng trong một kiếp người. Và chúng ta nương vào tình yêu thương của Chư Phật, năng lượng Từ Bi của Chư Phật để chúng ta tự cảm hóa, tự thay đổi cuộc đời của chúng ta trong Chánh Pháp của nhà Phật, an trú trong đời sống Chánh Niệm bằng niềm tin thật tuyệt đối và sâu sắc vào ba ngôi Tam Bảo: Phật – Pháp – Tăng. Quy y với Phật, với Pháp, với Tăng, hiểu thấu được Nhân Quả Thiện – Ác và giữ Năm Giới hành thiện. Đây là mấu chốt đã được chúng ta nói qua bằng sáu chữ đó là “Tín – Nguyện – Hạnh, Giới – Định – Tuệ”. Tín là gì? Là có tín tâm với Phật – Pháp – Tăng, quy y với Phật – Pháp – Tăng. Nguyện là gì? Nguyện là Mu A Mu Sa, nguyện xin Chư Phật ban rải, gia trì để năng lượng Từ Bi của các Ngài tới cuộc đời của chúng con, để chúng con làm gì với lời nguyện đó? Để chúng con an trú vào hơi thở Chánh Niệm. Điều này rất quan trọng để quán chiếu tất cả các Pháp sanh – diệt trong cuộc đời, đó gọi là nguyện. Hạnh là gì? Là hành Mười Pháp Thiện tăng trưởng phước báu. Giới là gì? Là chúng ta giữ Năm Giới cấm của Chư Phật. Định là gì? An trú trong hơi thở, giữ Giới, hành thiện và quán chiếu giúp cho chúng có Chánh Định. Huệ là gì? Sau khi đầy đủ những tư lương như vậy, hành trình như vậy, chúng ta sẽ được khai mở Trí Huệ và khi Trí Huệ của chúng ta khai mở, năng lượng Từ Bi của Chư Phật sẽ tưới mát cuộc đời của chúng ta, chúng ta không còn bị lửa sân hận làm nóng thân này nữa. Khi thân của bạn đang nóng, nó đang nóng vô cùng thì các bạn phải làm gì cho mát? Các bạn phải tưới tẩm năng lượng Từ Bi của Phật để thân được nhẹ xuống, được mát. Cho nên cuộc đời sẽ tươi mát, tươi mát bởi năng lượng Từ Bi, cuộc đời sẽ nóng nực và sân giận sẽ trổi dậy bởi tham sân, hận thù.

Phật đã dạy cho chúng ta, tất cả mọi loài chúng sanh đều mong cầu hạnh phúc, chẳng có loài nào mà mong cầu đau khổ. Tất cả mọi loài chúng sanh đều mong muốn sự tươi mát trong cuộc sống, không có một loài nào mong muốn tham giận, nóng bức trong tâm can của họ. Từ đây chúng ta hiểu rõ rằng, tất cả đau khổ như đã từng nói ở những bài trước, tới từ vô minh. Đau khổ, phiền não tới từ vô minh thì ngược lại, hạnh phúc, cội nguồn hạnh phúc tới từ đâu? Chúng ta hãy suy nghĩ trong giây lát và tìm xem câu trả lời như thế nào? Đau khổ và phiền não tới từ vô minh mà vô minh nghĩa là không biết, không biết và không hiểu về nhân quả ác nó nguy hại như thế nào, cho nên cứ lần mò, lần mò trong nhân ác để tạo ra khổ và phiền não. Còn bây giờ, hạnh phúc, cội nguồn của nó tới từ đâu? Trái ngược với Vô Minh là Trí Tuệ. Nếu đau khổ và phiền não tới từ Vô Minh thì chắc chắn cội nguồn của hạnh phúc tới từ Trí Tuệ. Vô Minh là không biết nên cứ hành mãi những Pháp ác, Trí Tuệ là Tánh Biết và Thấy, thấu rõ được Nhân Quả Thiện – Ác và hành Pháp thiện. Vô Minh hành Pháp ác, Trí Tuệ hành Pháp thiện mà có. Chính vì hiểu thấu được điều đó, chúng ta thường xuyên từ bỏ Pháp ác, hành những Pháp thiện nên trí tuệ tăng trưởng, và đó chính là cội nguồn của hạnh phúc tới với chúng ta. Hạnh phúc tới từ trí tuệ, cội nguồn của hạnh phúc tới từ những Pháp thiện.

Người tu về Thiền Mật cần phải hiểu rõ chỗ này, những Phật tử không tu cũng phải hiểu rõ được căn bản này. Bởi nếu các bạn không hiểu thấu được căn bản này, các bạn không thể trưởng dưỡng, nuôi dưỡng phước báu của các bạn. Bởi các bạn sẽ lầm vào cảnh ác, mầm ác, Tà kiến và chui đầu vào vô minh để rồi thiêu cháy phước báu của mình, tạo ra đau khổ và phiền não. Chúng ta mong cầu hạnh phúc thì phải hiểu được hạnh phúc tới từ đâu, chúng ta mong cầu hạnh phúc thì phải biết được cội nguồn hạnh phúc tới từ đâu, chúng ta đau khổ và phiền não, chúng ta phải biết được đau khổ, phiền não đó tới từ đâu? Đây là sự căn bản nhưng là một nền tảng vững chắc để chúng ta tu tiến lên thành Bậc Thánh, thành Phật. Nền tảng này như một nền tảng để xây dựng một tòa nhà, một lâu đài, một đền đài, nền nhà đó, nền móng đó nếu không có bê tông cốt sắt vững chắc thì tòa nhà đó, lâu đài đó, đền đài đó sẽ bị sụp đổ trong nay, mai. Hiểu được nền móng của Vô Minh chính từ những mầm mống ác, hiểu được nền tảng cội nguồn của hạnh phúc tới từ những mầm mống của Pháp thiện, từ đó chúng ta thấu rõ rằng, người có trí tuệ là người tinh tấn hành thiện và hành thiện là cội nguồn mang tới hạnh phúc cho mỗi người chúng ta. Chỉ có người Trí Tuệ mới hành thiện, còn người Vô Minh thì hành ác, từ đây chúng ta thấy rõ, phân biệt Thiện – Ác, Ác là Vô Minh, Thiện là Trí Tuệ, cho nên khi các bạn hành thiện, hành Thập Thiện hoặc các bạn làm từ thiện, các bạn bố thí, các bạn cúng dường, các bạn giữ tâm ý của mình cho ngay thẳng, Thân – Khẩu – Ý của mình cho ngay thẳng, cho đúng và hướng thiện thì các bạn đúng là người có trí tuệ và người có trí tuệ như các bạn thì cội nguồn hạnh phúc sẽ khơi dậy từ trong những tạo tác từ Thân – Ngữ – Ý, làm việc thiện, nghĩ việc thiện, nói về điều thiện, ba nguồn này cung cấp hạnh phúc cho cuộc đời của các bạn.

Những ai đang khổ đau phải nắm vững vấn đề này. Những ai đang còn khổ đau phải hiểu thấu vấn đề này để chúng ta từ bỏ vô minh bằng cách ngưng hẳn những việc ác, mầm mống ác và sống trong trí tuệ, nghĩa là hành những Pháp thiện để khơi nguồn hạnh phúc tới với cuộc đời chúng ta, để hạnh phúc ở trong đời, phiền não trong đời, hai cái này, một phần là bị thuyên giảm, một phần tăng trưởng, phiền não, đau khổ sẽ giảm đi và dần dần triệt tiêu bởi ta không tạo Pháp ác, còn hạnh phúc sẽ được tăng trưởng bởi vì ta hành Pháp thiện. Khi hạnh phúc tăng trưởng trong Pháp thiện thì ta là người có Trí Tuệ Viên Mãn, khi đau khổ, phiền não tăng trưởng trong Pháp ác, ta chính là kẻ Vô Minh. Thấu rõ Vô Minh và Trí Tuệ khác biệt để chúng ta sống trong kiếp nhân sinh này, là Phật tử tại gia, chúng ta phải bám vào con thuyền của Pháp thiện, chúng ta phải bám vào phương tiện của trí tuệ để vượt qua, hành thiện, dùng trí tuệ hành thiện để vượt qua, an trú trong hơi thở Chánh Niệm Mu A Mu Sa vi diệu âm, dùng Tánh Thấy, Biết để nương vào Tánh Thấy, Biết đó, nương vào hơi thở đó tiếp tha lực Phật điển, năng lượng Từ Bi của Phật để vượt qua tất cả mọi chướng ngại, tiếp tục hành thiện tăng trưởng trí tuệ để khơi nguồn hạnh phúc tới cho chúng ta từ Thân – Ngữ – Ý. Còn nếu chúng ta không tinh tấn hiểu rõ vấn đề này, chúng ta sẽ lạc vào con đường Tà là hành Pháp ác, chui đầu vào vô minh để từ đó khoan ra ba hố sâu, hầm lửa đen tối, độc dược nguy hại tới từ Thân – Ngữ – Ý, tạo ra cho chúng ta đau khổ và phiền não. Phật dạy chúng sanh nào cũng muốn hạnh phúc, bình an và muốn lìa xa đau khổ và phiền não. Để lìa xa đau khổ và phiền não, chúng ta phải lìa bỏ Pháp ác, từ đó, chúng ta đã đi từ vô minh tới trí tuệ bằng cách hành Pháp thiện, khơi nguồn hạnh phúc tới cho chúng ta từ Thân – Ngữ – Ý. Các bạn hiểu được điều này thì khi các bạn hít vào thở ra, an trú trong hơi thở Chánh Niệm, dùng Tánh Thấy, Biết, các bạn quan sát, quán chiếu khi năng lượng Từ Bi, tha lực Phật điển tiếp cận vào thân tâm của các bạn, các bạn sẽ thấy từ tâm của các bạn sẽ khởi lên nguồn hạnh phúc vô biên, bất diệt lan tỏa khắp châu thân, nó giúp cho thân thể các bạn cường tráng, khỏe mạnh, dẻo dai, nó giúp cho thân tướng các bạn thăng hoa, hướng tới những điều thiện hảo, tâm của các bạn sẽ trong sáng, sự suy nghĩ sẽ thanh thoát, hành động sẽ thanh cao, ngôn ngữ sẽ dễ thương và đời sống sẽ hạnh phúc cho chính ta và cho muôn người ta đang tiếp cận trong cuộc đời này.

Hạnh phúc không ở đâu xa, phiền não, đau khổ cũng không ở đâu xa, nó ở tại trong thân tâm của chúng ta. Thân tâm của chúng ta hành điều gì thì đau khổ, phiền não sẽ tới, thân tâm của chúng ta làm điều gì, ở trong trạng thái nào thì hạnh phúc sẽ tới với chúng ta và bình an luôn ở trong chúng ta. Chúng ta đã hiểu đau khổ, phiền não tới từ vô minh, lầm chấp trong các Pháp ác, còn hạnh phúc và bình an, cội nguồn của nó tới từ trí tuệ, tinh tấn trong Pháp thiện. Thấu rõ, thấu rõ được điều đó, ta buông bỏ vô minh là chúng ta đã thoát khỏi những mầm mống ác, mà chúng ta buông bỏ Pháp ác là đã đi ra từ vô minh, tới trí tuệ là chúng ta hành Pháp thiện, khởi nguồn hạnh phúc cho cuộc đời. Chúng ta rất cần hạnh phúc trong cuộc đời của kiếp người, đặc biệt là Phật tử, chúng ta đang bôn ba trong cuộc đời có nhân duyên với nhiều người như từ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, ta chưa thể như người xuất gia từ bỏ tất cả cuộc đời này để sống thiểu dục tri túc, nhẹ nhàng hướng tới sự giải thoát viên mãn, nhưng chính tại trong cảnh gia đình chúng ta, tu tại gia cũng giúp cho chúng ta chưa từ bỏ được cha mẹ, ông bà, vợ chồng, con cái, công ăn việc làm, cơm ăn áo mặc, tiền tài, danh vọng, địa vị nhưng chúng ta biết áp dụng lời dạy của Chư Phật là khai mở Trí Tuệ cho chính chúng ta, bằng cách là siêng năng và tinh tấn hành Pháp thiện, quán chiếu thân tâm, an trú trong hơi thở Chánh Niệm và trì niệm mật chú vi diệu âm Mu A Mu Sa để liên kết tự lực của ta với năng lượng Từ Bi, tha lực Phật điển. Tha lực Phật điển là năng lượng siêu thế giúp cho chúng ta vượt qua chướng ngại, thắp sáng đuốc Tuệ, khai mở Trí Tuệ để chúng ta nhìn rõ, nhìn thấu những Pháp ác, buông và hiểu rõ nhân quả thiện để tinh tấn tu hành. Tha lực rất quan trọng, mà nếu thiếu tự lực cầu Đạo Giác Ngộ thì chúng ta chẳng thể thành. Do đó cần phải có cả hai lực này. Tha lực và tự lực cầu Đạo Giác Ngộ, tha lực Phật điển năng lượng Từ Bi của Phật phối hợp với tự lực cầu Đạo Giác Ngộ để chúng ta chuyển hóa nghiệp lực Vô Minh.

Người ta nói: “Hai đánh một không chột cũng què”, chúng ta có hai lực là tự lực cầu Đạo Giác Ngộ và tha lực Phật điển, hai lực này sẽ chuyển hóa được một lực gọi là nghiệp lực của chúng ta. Nghiệp lực có một, còn ta có hai lực, lực của nghiệp này sao có thể chiến thắng được lực của tha lực Phật điển, năng lượng Từ Bi và lực của tâm cầu Đạo Giác Ngộ của mỗi chúng ta? Hai lực này đúng như ông bà trong câu châm ngôn nói: “Hai đánh một không chột cũng què”, hai lực của tự lực và tha lực nhất định và khẳng định, minh chứng thật rõ ràng là sẽ chuyển hóa được nghiệp lực tác động vào cuộc đời của chúng ta gây ra đau khổ, phiền não cho chúng ta, để chúng ta thoát khỏi Vô Minh, đi tới miền Trí Tuệ trong hành Pháp thiện, an trú trong hơi thở Chánh Niệm và vi diệu âm Mu A Mu Sa. Các bạn hiểu thấu được điều này, các bạn sẽ hoan hỷ, các bạn sẽ khởi được nguồn hạnh phúc trong cuộc đời tự thân của các bạn. Các bạn sẽ không còn sợ phiền não và đau khổ bởi các bạn hiểu rõ rằng phiền não và đau khổ tới từ những nghiệp lực trong Vô Minh ta tạo ra mầm mống ác, nay ta có tự lực cầu Đạo Giác Ngộ và tha lực Phật điển Từ Bi của Phật, chúng ta sẽ chuyển hóa nghiệp lực này bằng lực Giác Ngộ của chúng ta, bằng lực Từ Bi của Phật để an trú trong Pháp thiện, tạo ra một thiện lực, thiện lực này sẽ chuyển hóa được ác lực kia. Các bạn! Thật là rõ ràng. Đây là một nguyên lý dễ hiểu và Chư Phật đã dạy cho chúng ta. Ngài đã truyền dạy cho chúng ta. Nguyên lý này, chân lý này thấu rõ, ta sẽ tinh tấn được trên con đường tu tập Thiền Mật song tu, và mỗi một ngày trôi qua, ta sẽ tiếp được thật nhiều Ân điển của Phật, tha lực của Phật để rồi giữa tự lực của ta tăng trưởng lên trong niềm tin sâu vào ba ngôi Tam Bảo, tiếp tục hành thiện, tiếp tục hành thiện, an trú trong hơi thở, tăng trưởng phước báu để khơi nguồn hạnh phúc cho chúng ta. Vậy thì cội nguồn hạnh phúc tới từ đâu? Tới từ trí tuệ tinh tấn hành Pháp thiện bởi an trú trong hơi thở Chánh Niệm và vi diệu âm Mu A Mu Sa. Còn nguồn hạnh phúc tới từ đâu? Tới từ tự lực cầu Đạo Giác Ngộ và tha lực Phật điển hòa nhập, chuyển hóa nghiệp lực đen tối trong vô minh của tiền kiếp. Cho nên, hạnh phúc, cội nguồn đó đang khơi dậy trong cuộc đời của chúng ta.

Nhớ được điều đó thì chúng ta sẽ luôn luôn có được hạnh phúc và bình an luôn có và hiện diện trong cuộc đời của chúng ta.

Mời các bạn đặt bàn tay phải là bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái là bàn tay Từ Bi. Các bạn phải nên nhớ rằng chúng ta phải lấy Từ Bi và Trí Tuệ an trú trong hơi thở Chánh Niệm vi diệu âm Mu A Mu Sa và dùng Tánh Thấy, Biết để quán chiếu toàn bộ Thân tâm – Khẩu – Ý của chúng ta từng giây phút. Khi chúng ta thực hành công phu như thế này, lâu dần từng giây, từng phút trong cuộc đời, chúng ta sẽ quán chiếu được Thân – Ngữ – Ý của chúng ta bởi đó là một sự tự nhiên, chỉ cần hòa nhập vào đó, chúng ta sẽ làm chủ được tâm của chúng ta. Mời các bạn!

“Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực để chúng con tiếp được năng lượng Từ Bi mà hiểu thấu được cội nguồn hạnh phúc tới từ Trí Tuệ và Pháp thiện.”

Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. (07 biến)

Mô Phật! Chúng ta lại vừa cùng với nhau tiếp được quá nhiều năng lượng Từ Bi, tha lực Phật điển. Tha lực Phật điển, từ trường yêu thương của Chư Phật luôn luôn tuôn tràn xuống cuộc đời của chúng ta, nhưng nước từ trời mưa xuống còn chúng ta phải ứng dụng nước như thế nào vào cuộc sống đây? Vào trồng trọt, ăn uống, vào tất cả mọi phương tiện của cuộc đời để tẩy rửa, để nấu nướng, để nuôi dưỡng chúng ta.

Nước Cam Lồ Tịnh Thủy, tha lực Phật điển, từ trường yêu thương, năng lượng Từ Bi của Phật gia trì cho chúng ta, ứng dụng như thế nào? Ứng dụng vào hơi thở Chánh Niệm, Tánh Thấy, Biết và an trú trong đó để khai mở Trí Tuệ cho chúng ta nhìn thấu được Pháp ác, buông nó, nhìn rõ được Pháp thiện để hành. Và khi chúng ta tu Pháp môn này, chúng ta là người luôn luôn làm từ thiện.

Các bạn có một ý nghĩa và định nghĩa hiểu về từ thiện rồi. Thông thường, các bạn chỉ nghĩ rằng từ thiện là tới với những con người bất hạnh, những mảnh đời bất hạnh, khổ đau, bị bệnh phong hoặc là mồ côi, hoặc những trại dưỡng lão hoặc những con người sinh ra tật nguyền, đau đớn, đó là định nghĩa quá chính xác của từ thiện rồi. Nhưng các bạn đã hiểu lầm một phần ý nghĩa cao cả hơn của từ thiện, từ thiện phải là từ thiện ngay trong gia đình, từ thiện với cha mẹ, từ thiện với vợ chồng, từ thiện với con cái. Nếu gia đình các bạn không có hạnh phúc và bình an, sao các bạn có thể làm từ thiện ở bên ngoài với những trại mồ côi, tật nguyền, bệnh hoạn, neo đơn, bất hạnh? Vậy thì các bạn hỏi: “Bảo Thành nói từ thiện với cha mẹ, ông bà, với vợ chồng, con cái là sao đây, phải chăng là mang tiền bạc cho cha mẹ, hoặc vợ mang tiền đưa hết cho chồng, hoặc chồng đưa hết cho vợ con cái. Có phải chăng? – Không phải như vậy!

Từ là gì? Giải thích theo đơn thuần, không phải chơi chữ nha các bạn. Từ là ban vui, nhà Phật nói là Từ Bi. Từ là ban vui, thiện là tâm lành, chúng ta mang niềm vui của chúng ta san sẻ với cha mẹ, ông bà, vợ chồng, con cái bằng tâm lành, tâm thiện của chúng ta, đó gọi là từ thiện tại gia mà ai cũng làm được, không tốn một đồng nhưng tăng trưởng phước báu vô cùng.

Các bạn các bạn thấu được chữ này chưa? Có lẽ đây đây là lần đầu tiên trong cuộc đời của các bạn và mãi mãi các bạn chỉ nghe từ Bảo Thành nói về ý nghĩa “từ thiện tại gia”, từ thiện tại gia đình của mình. Chúng ta thứ nhất là tu tại gia, các bạn đang tu tại gia, các bạn là cư sĩ đang tu tại gia. Các bạn thấy người ta đi làm từ thiện rần rần ở ngoài, trong lòng háo hức muốn đi nhưng chưa được, nhưng các bạn lại quên các bạn đang có những cơ sở vững chắc trong gia đình là cha mẹ, vợ chồng, con cái để các bạn làm từ thiện. Chẳng qua các bạn chưa rõ được định nghĩa từ thiện một cách trọn hảo nên mới làm một phần mà thôi. Bởi thế mà tạo ra sự hàm tiếu ở trong đời, biết bao nhiêu những kẻ đã khinh thường chúng ta khi chúng ta làm từ thiện, họ nói rằng: “Hiếu với cha mẹ chưa có, đạo với cha mẹ chưa có, tốt đẹp với vợ chồng, con cái chưa có mà từ thiện gì?”, và rồi nhiều người lại làm sai lệch chân lý từ thiện rằng: “Nếu không thể nuôi được cha mẹ thì từ thiện vô nghĩa”. Điều đó đúng nhưng không phải như vậy mà chúng ta không làm từ thiện tới những trại mồ côi, những trại dưỡng lão, những trung tâm bệnh phong, những con người sinh ra bất hạnh, những con người ăn xin trong lề đời này.

Chúng ta vẫn làm, nhưng một mặt khác, chữ “từ thiện” còn có ý nghĩa cao cả hơn mà không cần phải dùng tiền để làm. Mà chúng ta làm từ thiện ở đâu? Ngay trong gia đình, cuộc sống của chúng ta. Từ là ban vui, thiện là lành, tâm lành, hãy dùng tâm lành, tâm Từ ái, tâm thiện lành của chúng ta để san sẻ tình yêu thương tới với cha mẹ, tới với chồng, tới với vợ, tới với con cái, chính là ta đang làm từ thiện tại gia, chính là ta đang tăng trưởng ánh đuốc Trí Tuệ ở trong tâm, chính là ta đang khơi nguồn hạnh phúc, sống trong trí tuệ và bình an. Ta có được bình an, trí tuệ, ta san sẻ bình an, trí tuệ, hạnh phúc đó tới với cha mẹ, tới với vợ chồng, con cái, đó chính là từ thiện tại gia. Ta là Phật, là Bồ Tát tại gia hướng thiện, có trí tuệ, biết làm từ thiện. Từ thiện còn được gọi là bố thí, bố thí nhất thiết Chư Phật, ta bố thí những vị Phật tương lai đang hiện cư trong gia đình của chúng ta, ta bố thí những vị Phật tương lai đang hiện cư trong gia đình của chúng ta, trong trú xứ của gia đình chúng ta. Trong gia đình của chúng ta! Không ở đâu xa các bạn.

Các bạn đã thấu được chữ “từ thiện tại gia” chưa? Và này không tốn tiền, cũng không tốn công bởi vì các bạn có yêu cha mẹ không? Câu trả lời tất nhiên là có. Các bạn có yêu chồng vợ, con cái không? Dĩ nhiên là có rồi. Vậy thì chỉ cần san sẻ tình yêu thương với tâm lành, tâm thiện, tâm hướng Thượng là các bạn đã, đang làm từ thiện với cha, với mẹ, với vợ, với chồng, với con cái. Vợ san sẻ tình yêu thương bằng tâm lành với chồng chính là vợ đang làm từ thiện với chồng, chồng ngược lại cũng san sẻ tình yêu thương nhất mực với vợ với tâm lành thiện, yêu thương là chồng đang làm từ thiện với vợ. Chúng ta trong gia đình, chúng ta phải tinh tấn làm từ thiện với nhau, chúng ta phải bố thí cho nhau. Bố thí gì? San sẻ cúng dường tình yêu thương bằng tâm thiện lành, đó gọi là từ thiện.

Hôm nay các bạn đã hiểu thấu ý nghĩa từ thiện tại trong gia đình và ý nghĩa này từ khi các bạn hành được điều đó thì các bạn cũng có thể bắt đầu lan tỏa ra trong xã hội, trong bạn bè, trong muôn người đau khổ kèm theo những phương tiện như vật chất.

Khi các bạn san sẻ tình yêu thương bằng tâm thiện lành cùng với vật chất như tiền tài, quần áo, gạo, nước, như nụ cười, ánh mắt yêu thương, như vòng tay nhân ái, bao dung, biết bảo bọc mọi người thì chính các bạn là một vị Phật tương lai đang hành từ thiện tại gia và trong xã hội. Các bạn đang hoàn hảo cuộc sống, các bạn đang hoàn hảo cuộc sống của các bạn và các bạn đang khơi dậy cội nguồn hạnh phúc vô biên từ trí tuệ do Pháp thiện hành từ thiện tại gia. Gia đình cần phải có hạnh phúc, nếu gia đình không có hạnh phúc thì chẳng có nơi đâu có được hạnh phúc cho ta tìm tới. Mà để có được hạnh phúc trong gia đình, cội nguồn của nó chính là từ thiện, là người có trí tuệ biết làm từ thiện nghĩa là biết san sẻ yêu thương với tâm thiện lành. Tâm thiện lành mà san sẻ yêu thương đó, đó cũng là Pháp thiện cao quý vô cùng!

Đừng nghĩ đâu xa, đừng như con mọt ăn chữ, cứ tìm chữ, vùi đầu trong ý nghĩa mà chẳng thể thực hành được. Thiền Mật song tu, Thất Bảo Huyền Môn không đặt nặng về ý nghĩa của văn tự hoặc nghiên cứu Kinh điển để trở thành những vị Giáo Thọ Sư, nhưng Thiền Mật song tu, Thất Bảo Huyền Môn chuyên về các vấn đề chúng ta công phu tu tập, thấu rõ được Thiện Pháp, tăng trưởng trí tuệ trong Pháp thiện, an trú trong Chánh Niệm, tiếp được năng lượng Từ Bi của Phật, tha lực Phật điển, từ trường yêu thương của Phật để làm cho mỗi một con người hạnh phúc ngay trong cuộc đời này, ngay trong giây phút này và ngay trong gia đình của họ, để gia đình của chúng ta hạnh phúc cùng với chúng ta, đó là chúng ta đang thành tựu được cảnh giới Niết Bàn tại gia. Các bạn tu ở đâu, làm gì để tới được cảnh giới Phật nào cũng chẳng quan trọng bằng cảnh giới Phật, cảnh giới Niết Bàn tại gia đình, nơi đó có cha mẹ, nơi đó có vợ chồng, nơi đó có con cái, anh chị em của chúng ta.

Mời các bạn đặt bàn tay Trí Tuệ, bàn tay phải vào lòng bàn tay trái Từ Bi. Chúng ta lấy Trí Tuệ và Từ Bi an trú trong hơi thở Chánh Niệm vi diệu âm Mu A Mu Sa để tiếp từ trường yêu thương của Phật vào trong thân tâm của chúng ta ngay trong giây phút này.

“Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực để chúng con tiếp được năng lượng Từ Bi, hiểu thấu được cội nguồn hạnh phúc tới từ Trí Tuệ và Pháp thiện.”

Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. (07 biến)

Mô Phật! Chúng ta vừa viên thành một thời công phu đồng tu Thiền Mật, Thất Bảo Huyền Môn với nhau và mỗi người trong chúng ta luôn tiếp được thật nhiều tha lực Phật điển, từ trường yêu thương, năng lượng Từ Bi, sự gia trì của Phật lực mười phương tới với chúng ta. Chúng ta thấu rõ được cội nguồn hạnh phúc tới từ trí tuệ hành Pháp thiện mà có được, chúng ta lại thấu được rõ ràng là sự tự lực cầu Đạo Giác Ngộ và tha lực Phật điển hòa nhập trong sự an trú Tánh Thấy, Biết vào trong hơi thở Chánh Niệm, nuôi dưỡng Pháp thiện và trí tuệ của chúng ta để khởi nguồn hạnh phúc vô biên trong tự thân, trong cuộc sống.

Hôm nay, chúng ta được khai mở tâm trí, hiểu rõ hơn về Pháp từ thiện tại gia, đó là: “Từ là san sẻ yêu thương, thiện là lành, chúng ta mang tâm lành thiện san sẻ tình yêu thương của chúng ta khởi nguồn bởi trí tuệ Pháp thiện tu tập Thiền Mật tới với cha mẹ, vợ chồng, con cái, thân bằng quyến thuộc, những bạn bè, những con người ta có mối tương giao với nhau trong xã hội, đó là sự từ thiện mà tạo thành vô lượng công đức.” Phước báu vô cùng mà ai cũng có thể hành được, ai cũng có thể làm được việc từ thiện cao quý này.

Mong rằng các bạn từ đây chúng ta bắt đầu, bắt tay vào làm việc từ thiện tại gia đình của chúng ta.

Từ thiện là san sẻ yêu thương bằng tâm lành thiện của chúng ta tới với người đang sống chung cùng một mái nhà, chung cùng một dòng tộc máu huyết, chung cùng một cộng đồng, xã hội, chung cùng với mọi loài chúng sanh.

Hồi hướng:

Mời các bạn chắp tay vào, chúng ta hướng tới ba ngôi Tam Bảo và hồi hướng công đức, công phu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực để mọi loài chúng sanh chúng con hiểu thấu được cội nguồn hạnh phúc tới từ trí tuệ hành Pháp thiện và xin Chư Phật cũng gia trì cho chúng con làm từ thiện trong gia đình mỗi ngày.

Có công đức nào, xin hồi hướng tới tất cả các nguyên thủ các quốc gia cũng lãnh nhận được sự gia trì đặc biệt, hiểu thấu được cội nguồn hạnh phúc tới từ trí tuệ và Pháp thiện, họ biết làm thiện và lập ra những chính sách mang lại sự hòa bình cho thế giới, ngừng hẳn chiến tranh, gây ra đau khổ và phiền não.

Chúng con cũng hồi hướng tới các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược để họ có trí tuệ chế ra các vắc xin và thuốc chữa lành bệnh dịch.

Đồng hồi hướng tới các bác sĩ, y tá, y sĩ nhân viên cứu trợ, cứu tế quốc tế luôn có tình thương, yêu thương và trí tuệ để chữa lành bệnh tật cho các bệnh nhân.

Chúng con đồng hồi hướng tới những con người đang còn phẫn nộ, khủng hoảng ngoài kia, biết hiểu được hạnh phúc tới từ cội nguồn của trí tuệ Pháp thiện, để họ biết dừng những việc ác, biết thông cảm, biết đối thoại, đối xử bình đẳng với nhau.

Thành tâm cầu nguyện cho các vong linh vừa vãng sanh trong những ngày tháng qua. Xin Chư Phật Từ Bi tiếp quang dẫn độ cho hương linh đó về cảnh giới thiện lành.

Chúng con thành tâm nguyện xin mười phương Chư Phật Từ Bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn