Bảo Minh đánh máy
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!
Hãy cùng nhau, chúng ta quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con có đầy đủ trí tuệ – từ bi quán chiếu trong Chánh Niệm hơi thở, thấu rõ được các pháp là Vô Thường sanh – diệt, là Khổ, là Vô Ngã, Niết Bàn.
Chúng con cũng nguyện cho quê hương Việt Nam của chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch.
Thành kính nguyện cầu siêu cho hương linh Nguyễn Thị Vân, bác của bạn đồng tu là Thùy Dương theo thiện nghiệp của mình lúc còn sống đã kiến lập được mà tái sanh về cảnh thiện lành.
Xin Chư Phật chứng minh.
Chúng ta hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Đồng nhau hồi hướng năng lượng gắn kết với Chư Phật tới các đấng bậc sanh thành, gia đình, cộng đồng, xã hội và nhân loại. Nguyện cho muôn người được an tịnh, tinh tấn. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú: Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Mô Phật!
Các bạn thân mến! Chủ đề để chúng ta cùng nhau suy nghĩ, tư duy: “Lần Cuối Cùng”. Cứ càng nghĩ thì trong cuộc đời của mỗi người, ta thường nói với bản thân rằng: “Thôi! Đây là lần cuối cùng chúng ta nói câu như thế này, làm việc như thế kia và đối xử như thế ấy”. Bao nhiêu lần gọi là lần cuối cùng nhưng có mấy ai có thể dừng lại được đâu. Đôi khi không hẳn chỉ nói với mình mà ta còn nói với bạn bè, người thân: “Không sao đâu! Lần cuối rồi mình ngưng”, “Lần cuối cùng mà! Không sao! Mình sẽ không bao giờ tái phạm nữa”. Nhưng ở đời, câu “Lần cuối cùng!” như một giai điệu lặp đi lặp lại với cung bậc cứ bình bình như vậy, để ngày qua tháng lại, cũng âm thanh đó, cũng âm điệu đó, cũng cung bậc đó, ta không thấy nhàm chán, để rồi như một khúc ca mà không ai có thể phối âm được, như một đoạn nhạc không ai có thể ca được, chỉ có riêng mình ca cho chính mình và những người chung quanh. Lần cuối cùng!
“Lần cuối cùng” mà được lặp đi lặp lại thì chẳng phải là lần cuối cùng phải không các bạn? Nhưng chúng ta vẫn ưu ái mình, vẫn ưu đãi mình nhiều lắm. Để bao nhiêu những sự sai trái trong cuộc đời, lầm lỗi trong cuộc đời, biết đó, thấy đó, hiểu thấu đó, muốn dừng đó, nhưng vẫn an ủi tự thân: “Thôi mà, lần cuối!” tiếp tục. Lần cuối rồi lần cuối, chẳng có cái cùng đâu. Nó là một sự tái diễn của ba câu: “Ở trong cuộc đời quá khứ, hiện tại và tương lai lần cuối cùng, lần cuối cùng, lần cuối cùng”. Chẳng có lần cuối!
Nhìn kỹ trong cuộc sống của mỗi người, biết bao nhiêu chuyện ta nói rằng: “Thôi! Lần cuối”. Có cuối đâu?! Nó cứ tiếp tục tái diễn hoài chính vì chúng ta chỉ biết nói “lần cuối cùng” nhưng không thể dừng lại được. Biết bao nhiêu thiện nghiệp từ chỗ đó mà bị hao tổn, phước báu chẳng còn, nhưng những ác nghiệp lại chất chồng. Nhớ, trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, phút cuối cùng của cuộc đời, có một ông thợ rèn, ông đó tên là Thuần Đà, ông thỉnh Đức Phật để cúng dường một bữa ăn cuối cho Đức Phật. Cúng dường bữa cuối cho Đức Phật và cũng là lần cuối cùng gặp Phật để được cúng dường.
Trong bữa ăn đó, ông ta nấu một món cháo với nấm chiên đàn, nhưng rồi có lẽ là bởi vì ông không có nhận thức thật rõ về các loại nấm như thế nào, cho nên nấm mà ông ta nấu cháo cho Đức Phật lại biến thành một loại nấm cực độc. Chén cháo đầu tiên Đức Phật vừa hưởng thì nhận ra, đây là nấm độc, liền nói với ông A Nan rằng: “Hãy mang cháo chôn đi. Đừng để cho ai ăn hết!”. Và rồi cũng vì chén cháo nấm cực độc đó, lần cuối Đức Phật được thọ dụng phẩm cúng dường của con người.
Ta ngừng ngay chỗ này để chúng ta nhận biết rằng, nếu chỉ có lòng thành kính cúng dường Chư Phật mà không có trí tuệ nhận biết ra được đâu là nấm độc, đâu là nấm có thể ăn được. Cái tâm thì cực thiện, muốn cúng dường Thế Tôn nhưng hành động mà không có trí tuệ thì tâm đó đôi khi hại người. Chẳng phải ông Thuần Đà đâu, mà mỗi người chúng ta đã thuần thục phương pháp của ông Thuần Đà.
Nghĩa là sao? Nghĩa là chúng ta ở trong cuộc đời này không bao giờ ứng dụng trí tuệ. Có lòng kính trọng đối với Chư Phật, thành kính với Chư Bồ Tát, Chư Phật, kính trọng những bậc trưởng thượng, thiện tri thức hoặc cha mẹ, hoặc bạn bè nhưng không bao giờ mang trí tuệ ra để ứng dụng. Và từ đó, chúng ta cứ mò mẫm để tìm bới những cái gọi là cao quý nhất hoặc điều ta có, để tặng, để hiến, để cúng dường nhưng cuối cùng nó lại là nấm độc. Lòng nhiệt thành mà không có trí tuệ trở thành phá hại, nguy hiểm.
Chúng ta nhớ, bao nhiêu lần rồi chúng ta đụng vào đâu là hư đó, bao nhiêu lần rồi chúng ta nói là gây sự, bao nhiêu lần rồi chúng ta suy nghĩ là hỏng? Chính là bởi vì trong lời nói, trong hành động và suy nghĩ của chúng ta thiếu ánh sáng trí tuệ, chỉ có lòng nhiệt thành mà thôi. Để từ đó, chúng ta không nhận ra rằng mọi sự tương tác từ Thân – Ngữ – Ý, chúng ta thường nghiêng về chiều tối của vô minh, chẳng tiếp cận được ánh sáng của trí tuệ, lần mò trong tâm thức để mọi sự chúng ta tương tác trong cuộc sống từ Thân – Ngữ – Ý vô tình đã biến thành nấm độc và làm cho biết bao nhiêu con người phải đau khổ, quằn quại.
Ta chẳng hiểu rằng những chuyện rất bình thường đó, chính là những lần tương tác với nhau, với cha mẹ, bạn bè, với người thân, với xã hội, cộng đồng, là những lần chúng ta đang tẩm độc cực độc vào cho họ để họ chết dần theo năm tháng bởi những cơn đau do những tư tưởng, lời nói, hành động tương tác của chúng ta thiếu suy nghĩ, thiếu trí tuệ.
Rất may, ông Thuần Đà cúng dường chén cháo nấm độc đó cho Thế Tôn. Ngài biết, Ngài vẫn ăn, vẫn nhận bởi vì Ngài là đại từ đại bi. Chúng ta là con người, đừng nghĩ rằng hương của nấm độc, vị của nấm độc qua tư tưởng, lời nói và hành động của ta, cha mẹ, người thân trong gia đình, cộng đồng và xã hội không biết. Ai ai cũng có kiến thức nhận diện ra được những loại nấm độc mà ta đang phun ra từ miệng, từ hành động và tư tưởng. Nhưng những đấng bậc sinh thành, những người thân, cộng đồng, xã hội vẫn đó để đón nhận là bởi vì họ có lòng đại bi yêu thương ta.
Chẳng phải họ không biết, khờ khạo để ta tự tẩm độc họ đâu! Không phải Phật không biết, nhưng Phật vì lòng từ bi sẵn sàng đón nhận. Nhưng cha mẹ, vợ chồng, người thân và bạn bè vẫn đón nhận bạn vào trong cuộc đời của họ, không phải họ không biết những điều bạn đang làm là sai, là độc dược nguy hại nhưng chính vì tình yêu, tình yêu lớn của họ nên họ vẫn mở rộng trái tim để đón các bạn vào trong cuộc đời của họ. Tình yêu lớn!
Chúng ta luôn luôn phải suy nghĩ thật là kỹ, để mỗi một tạo tác trong cuộc sống của chúng ta từ Thân – Ngữ – Ý nhất định không lầm lẫn trong vô minh, để như một nghĩa cử thanh cao dâng cúng cho Phật một chén cháo lại bỏ vào đó nấm độc hại người. Trong Kinh Thập Thiện, Đức Phật dạy như thế này: “Tất cả mọi hành động của chúng ta từ tư tưởng, lời nói và những điều gì tương tác giữa thân này, tốt và xấu đều do tâm, tâm biến hiện thành”. Vậy, bạn đừng bao giờ nói: “Tôi lỡ lời”, “Lần cuối nói bậy”. – Không!
Một lời nói của chúng ta tuy có nhiều lúc ta nghĩ rằng ta chỉ sơ ý, nhưng không. Đức Phật nói: “Vạn pháp do tâm”. Mọi suy nghĩ, mọi lời nói và hành động của chúng ta tạo thành nghiệp ác hoặc nghiệp thiện chính là do tâm. Tâm thanh tịnh, cả ba nghiệp thanh tịnh. Tâm bất tịnh, cả ba nghiệp đều bất tịnh. Ba nghiệp tức là từ Thân – Ngữ – Ý.
Đừng cho mình sự ưu ái quá đáng để phát triển thương hiệu “lần cuối cùng”. Thương hiệu “lần cuối cùng” này không xứng đáng để sử dụng trong cuộc đời khi chúng ta nghĩ tới những người thân có tình thương lớn với chúng ta. Ta sẽ bắt lỗi, ta sẽ tạo nghiệp khi lạm dụng tình yêu thương của những người thân để phát triển thương hiệu “lần cuối cùng” nhưng lặp đi lặp lại quá nhiều để làm tổn thương trái tim của họ.
Ý nghĩa cúng dường Phật của ông Thuần Đà là cao cả đấy. Nhưng vì vô minh, không có trí tuệ, sự nhận xét và kiến thức về nấm độc không có, nên Phật ăn vào cháo có nấm độc, kết thúc cuộc đời của Ngài. Chúng ta nhớ, nếu chúng ta sống trong vô minh, không có trí tuệ mà cứ mang nấm độc của cuộc đời từ ngôn ngữ, hành động, tư tưởng tương tác với người thân, vô tình hay cố tình, điều đó chỉ là những sự lươn lẹo của cái lưỡi mà thôi, chứ thật ra ai mà không biết mọi việc chúng ta làm. Đều biết hết! Nhưng chúng ta để cho câu “lần cuối” như một khúc nhạc giao hưởng thật êm để từ đó ta cứ làm chuyện sai.
Trí tuệ trong nhà Phật sẽ giúp cho chúng ta có tánh biết, biết được tâm của chúng ta, tâm tịnh hay là tâm bất tịnh. Muôn sự ở đời tới gọi là xui hay là hên, phước báu hay là tai họa tới, phước và hoạ đó đều do nhân quả của thiện – ác. Biết được ngay chỗ này đây, thì mỗi người chúng ta thực sự đã thắp sáng đuốc tuệ và khơi nguồn cho tình thương lớn chảy mãi đến tận cuối cuộc đời của mình và muôn lượng kiếp sau. Tánh biết, tánh biết phải liên tục được thực hiện trong cuộc đời. Mặt trời không thể lóe sáng rồi tắt lịm, trí tuệ không thể nói trong một sát na mà mãi mãi tỏa sáng. Chúng ta không thể cứ lần cuối cùng rồi lần cuối cùng!
Các bạn! Ta tới với Phật, ta tới với những điều học về Phật là tới bằng trí tuệ và thực tập trí tuệ – từ bi hay chúng ta tới với lòng nhiệt thành như ông Thuần Đà? Câu hỏi này cần phải hỏi thật rõ trong sự tương tác hằng ngày với thân nhân, với xã hội, cộng đồng. Và ngay trong sự học hỏi, tu tập, ta tới trong sự đồng tu hoặc ta tới chùa, tịnh thất gặp các bậc tôn túc bằng lòng nhiệt thành vào những sự tương tác thiếu trí tuệ, dư vô minh. Chúng ta cần phải rất cẩn thận! Nhiệt thành mà không có trí tuệ nguy hại lắm!
Từ đó, mà Đức Phật luôn nhắc nhở chúng ta phải lấy trí tuệ làm đầu và là sự nghiệp giải thoát chứ đừng chỉ lấy lòng nhiệt thành mà thôi. Thiền trí tuệ đưa chúng ta tới một tầm cao hơn, là để hiển lộ tánh biết trong mọi việc, mọi ngôn ngữ, mọi tư tưởng, mọi tạo tác của cuộc đời trong từng giây phút liên tục chứ chẳng phải chờ tới phút cuối, nước tới chân rồi mới chạy, không kịp. Đừng đợi đến phút cuối cùng, nghĩ rằng phút cuối là quan trọng. Khi phút cuối tới, sự quyết định cho giây phút cuối đó là sự thành tựu của kết quả liên tục trong sự tu, sửa.
Các bạn! Chúng ta cần phải đổi mới tư tưởng của mình rằng: “Thôi! Cứ lần cuối, không sao”. Có sao! Đó là sao hạn, đó là cái sao nguy hại vô cùng bởi ta cứ đợi tới lần cuối hoặc đợi đến phút cuối của cuộc đời. Ngay bây giờ phải biết! Phải biết gì đúng, gì sai. Và cái tuyệt vời để cho tánh biết có thể rõ ràng, hiển lộ trong cuộc đời, ứng dụng được, cần phải tu trí tuệ và từ bi.
Các bạn! Hôm nay, tại tiểu bang Minnesota nơi Bảo Thành đang ngồi đây, trời thay đổi thật là nhiều khi vào trung thu. Giữa thu rồi! Khí hậu ngoài kia 44℉, có nghĩa là 7℃. Các bạn đồng tu bên Việt Nam tưởng tượng thử xem, 7℃, khí hậu 7℃ đó các bạn. Lạnh lắm!
Và với sự thay đổi khí hậu từ mùa hè chuyển qua mùa thu và giữa trung thu một cách đột biến như thế, chúng ta cần phải biết lần cuối của sự ấm áp nơi mùa hè đã từ giã rồi, đã qua đi rồi. Đây là giữa mùa thu, khí hậu 44℉, 7℃, lạnh vô cùng. Ta phải có tánh biết để nhận rõ, để thay đổi phù hợp. Với khí hậu đó, ta phải mặc thêm áo ấm, ta phải đắp thêm chăn, thêm mền cho ấm để giữ thân không bị cảm lạnh mà sanh ra bệnh. Vậy thì chúng ta phải nhận ra khí lạnh của những tạo tác sai lầm trong vô minh. Phải thay đổi kịp thời, đắp lên người cái mền trí tuệ để sưởi ấm, còn không ta sẽ bị bệnh mà chết.
Ta có cảm giác, bởi đủ phước báu, những giác quan còn đầy đủ để cảm nhận nóng – lạnh và biết được đúng – sai, thì nhất định không để cho cung bậc lần cuối cùng lặp đi lặp lại như một bài hát đã cũ rồi, đã xưa rồi, rên đi rên lại làm hư hại cuộc đời.
Cần phải ngừng ngay những thói quen mà ta cứ dựa dẫm vào câu “Lần cuối mà! Không sao”. Có sao! Bởi mỗi một lần ta nói rằng: “Lần cuối cùng! Không sao đâu” thì chính là ta đã tự mở cửa địa ngục để bước vào tự thiêu, tẩm độc giết hại chính mình và người thân.
Đừng để cho lòng nhiệt thành quá đáng như ông Thuần Đà, không có trí tuệ nhận ra được nấm độc để rồi nấu cháo dâng cho Phật. Đừng để cho “Lần cuối cùng! Không sao đâu” mà ta cứ nhắm mắt làm ngơ, tạo ra biết bao nhiêu những điều tội lỗi, bất thiện nghiệp trong tương tác với cha mẹ, với người thân, cộng đồng, xã hội. Ta đang giết hại những người yêu thương, những người có tình thương lớn đối với ta.
Tại sao chúng ta cứ để cho thói quen của lần cuối và cho phép mình lặp đi lặp lại những điều sai? Lời Đức Phật dạy: “Ai trên đời mà không sai?”, thế nhưng, ta vẫn có một sự lựa chọn để dừng cuộc chơi sai trái ấy.
Nếu nói những điều sai là một thói quen không thể dừng được, bởi vậy xong lần này, rồi lần cuối, rồi lần cuối cùng ta vẫn lặp đi lặp lại. Nếu gọi là thói quen như vậy thì ta cũng có thể thay đổi, lặp lại một thói quen tốt hơn. Không có lần cuối cùng cho những thói quen thiện vẫn tốt hơn cho không có lần cuối cùng bởi những thói quen xấu. Tất cả chỉ là thói quen! Thói quen tốt và thói quen xấu đều do tâm của ta điều khiển. Hãy trở về tâm để tái tạo lại một thói quen mới hoặc một thói quen đã cũ, đã có, vốn bỏ quên trong cuộc đời, đó là thói quen làm việc thiện.
Kinh Thập Thiện Đức Phật dạy thật rõ, mọi chuyện trên đời đều do tâm. Nếu lấy tâm thiện làm chủ thì cuộc đời người đó dư dả phước báu. Nếu để tâm ác chiếm cứ thì cuộc đời người đó như đống rác hôi thối. Thập Thiện, Kinh ấy tuyệt vời lắm! Nó là nền tảng căn bản nhưng bền vững vô cùng và ai ai cũng cần phải lấy nền tảng thập thiện để tu. Mười điều thiện đó từ Thân – Ngữ – Ý, các bạn cứ tự suy diễn ra dưới bất cứ một hình thức, ngôn ngữ, diễn tả nào cũng đều đưa đến sự thành tựu tốt đẹp. Miễn là luôn luôn có chữ “thiện” trong suy nghĩ, trong ngôn ngữ và hành động. Thiện!
Thiện là làm cho mọi người hạnh phúc và cho ta được vui sướng. Ác là tạo khổ cho nhau và cho chính mình. Hành động nào, lời nói nào, suy nghĩ nào mang lại hạnh phúc, an lạc cho muôn người và ta, đó là thiện. Cần phải tư duy cho thật rõ để ta ứng dụng pháp thiện vào cuộc đời! Mặc lên người chiếc áo ấm của trí tuệ và từ bi thì dù ngoài trời kia 44℉ hay 7℃, hay 0℃, hay -10℃ đi nữa hoặc âm, âm, âm nhiều lắm, ta vẫn ấm bởi ta có sự chuẩn bị, ta đã khoác lên người chiếc áo ấm trí tuệ, tràn đầy năng lượng của từ bi thì trời đất có thay đổi chóng mặt đi nữa, ta vẫn tịch tĩnh an vui.
Đừng để cho câu, cho thương hiệu “Lần cuối mà! Không sao”. Lần cuối có sao đó các bạn! Bởi những lần bạn tự nói rằng: “Lần cuối rồi chúng ta ngưng” nhưng lần cuối mà ông Thuần Đà cúng dường chén cháo có nấm độc cho Phật đã kết liễu cuộc đời của Thế Tôn. Nếu như ta cứ để nhiều lần cuối tái lặp trở lại để cho biết bao nhiêu bất thiện nghiệp chất chồng thì ta nhớ rằng ta đã kết liễu cuộc đời của ta và người mình yêu thương rồi.
Không thể như vậy! Hãy sống theo lời Đức Phật dạy, hãy thực tập để có trí tuệ, để lan tỏa tình yêu thương. Rất quan trọng trong cuộc sống! Để chúng ta phải xóa sổ câu “Lần cuối! Không sao”. Để chúng ta tái lập lại một thói quen mới tốt đẹp hơn, và tự nhắc nhở mình rằng: “Những điều này nhất định phải chấm dứt, phải ngưng ngay tại đây!”.
Làm sao ta có thể chấm dứt và ngưng được? Là bởi vì ta có trí tuệ, có tánh biết thấy đó là cực độc chứ không phải chỉ có nhiệt thành mà không thấy như ông Thuần Đà, để cháo dâng cho Phật lại tẩm độc ở bên trong.
Chúng ta tu, chúng ta đồng tu, chúng ta tới chùa, chúng ta nghe Kinh, chúng ta nghe giảng nhưng chúng ta không có một sự dứt khoát buông bỏ những thể loại nấm độc. Chúng ta cứ trộn lẫn để rồi tự nuốt vào giết hại mình và giết hại người.
Trí tuệ rất quan trọng, không thể chỉ có lòng nhiệt thành đâu các bạn! Người tu theo lời dạy của Phật là để có được trí tuệ, vậy nên thiền trí tuệ là một pháp phương tiện rất quan trọng. Dù bạn tu 01 năm, 10 năm, 100 năm, 100 đời, vô lượng kiếp mà không tu trí tuệ thì không khác gì những lòng nhiệt thành như ông Thuần Đà. Có phước đấy, nhưng chẳng thể vì phước báu nhân thiên đó mà ta cứ mù lòa không có trí tuệ để cho mình nhiều lần cuối, phát triển mọi thứ theo lòng nhiệt thành thiếu trí tuệ để nấm độc cứ nhét và nhồi vào trong tâm của ta và của người.
Phải tỉnh thức trong trí tuệ và từ bi bằng cách thực hiện phép thở Chánh Niệm để nhận rõ ngay bây giờ trong cõi vô thường sanh – diệt này, chẳng có một chủ ngã nào quan trọng được vận hành bởi lòng nhiệt thành mà chỉ có một ánh sáng bởi trí tuệ và có hương từ bi lan tỏa chứ chẳng có cái tôi của cái ngã.
Nếu quán chiếu như vậy và được lặp đi lặp lại nhiều lần, không có lần cuối cùng, ta sẽ thành tựu được Chánh Định, có định lực đứng thật vững trên muôn mặt đổi thay của cuộc đời bởi không bao giờ bị hơi lạnh của mùa Đông như ở đây, 44℉, 7℃ làm cho chúng ta nguy hại đến sức khỏe, do đâu? Do ta có chiếc áo ấm của trí tuệ và từ bi đắp lên trên người chẳng còn sợ gì nữa.
Bạn hỏi lại chính mình đi! Bạn đang nói với chính mình lần cuối bao nhiêu lần rồi? Phải chấm dứt nhưng bạn có chấm dứt được đâu. Là bởi vì bạn không thấu rằng, cần phải có gì để chấm dứt những lần cuối ta ưu đãi cho mình, đó chính là trí tuệ và từ bi.
Người biết thực hành thiền trí tuệ và từ bi là người khôn ngoan, đã biến cả đống rác bất thiện trong cuộc đời thành viên kim cương có giá trị hơn, là người biết chấm dứt tất cả những thói quen, tập tục lâu đời sai trái của bản thân, của sự thừa hưởng do bất thiện nghiệp thành trí Kim Cang sáng ngời, soi chiếu trên con đường ta đi về với cõi an lạc trong thế gian này bằng các pháp thiện mà Phật đã dạy.
Chánh Niệm hơi thở rất quan trọng! Chúng ta đang tu tập Thiền Mật song tu, nhắc đi nhắc lại để cẩn cẩn ghi nhớ Chánh Niệm hơi thở quan trọng vô cùng. Bởi khi chúng ta thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở là chúng ta thắp sáng được đuốc tuệ, là chúng ta khởi nguồn cho tâm từ bi được lan tỏa. Nơi đâu có trí tuệ và từ bi, ở đó có sự hiển lộ của mười phương Chư Phật, Thánh Hiền, Bồ Tát. Nơi đó có sự bình an và hạnh phúc. Muôn sự ngang trái của cuộc đời như những cuồng phong bão tố kéo tới cũng đều sẽ êm khi chạm vào trí tuệ và từ bi. Ánh sáng trí tuệ sẽ giúp cho chúng ta thấy rõ vạn pháp vô thường sanh – diệt. Lòng từ bi sẽ giúp cho chúng ta khiêm tốn và bào mòn đi cái tôi nhiều đời đã được tạo thành do chính sự hiểu lầm của chúng ta.
Các bạn thân mến, rất cần tư duy và suy nghĩ!Đừng lạm dụng lần cuối cùng trong cuộc sống để cho phép mình như ông Thuần Đà, không có trí tuệ mà chỉ để cho lòng nhiệt thành, hăng say làm chủ cuộc đời. Tâm trí tuệ làm chủ mọi việc rất quan trọng! Tâm làm chủ các pháp, làm chủ mọi tạo tác, mà làm chủ được pháp thiện thì tâm ấy phải là tâm có trí tuệ, chứ đừng để tâm Sân, tâm Si, tâm Tham. Tâm Tham – Sân – Si là tâm vô minh, tâm trí tuệ là tâm từ bi. Để có, ta phải thực tập, ta phải tu, ta phải luyện. Luyện liên tục mới có được khả năng ứng hiện trong bất cứ một tình huống nào dù thuận hay nghịch. Vẫn biết giây phút cuối cùng quyết định tất cả, nhưng sự thành tựu trí tuệ để giây phút cuối cùng quyết định ấy phải là sự thành tựu miên mật trong tu tập từng sát na. Không phải đợi đến giây phút cuối cùng như câu “lần cuối cùng” ấy để rồi mọi sự đâu vào đó, lặp đi lặp lại những điều sai trái mà chẳng thể nhận ra.
Lòng nhiệt thành của ông Thuần Đà là tốt, nhưng không có kiến thức nhận biết nấm độc là nguy hại. Chúng ta tu theo lời của Đức Phật, chúng ta đồng tu mà thiếu đi sự hiểu biết rằng trí tuệ là quan trọng, chỉ có lòng nhiệt thành tu tập, Kinh kệ, chuông mõ, rồi pháp đàn này pháp đàn kia, đủ thứ, nhiều năm, nhiều đời mà thiếu đi trí tuệ không khác gì ông Thuần Đà, là chúng ta đang làm cho lời của Đức Phật dần dần phải hư hao theo năm tháng bởi ta không có trí tuệ.
Lấy trí tuệ làm gốc trong sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi nuôi dưỡng cho trí tuệ của chúng ta và lan tỏa tình yêu thương là gốc. Và Kinh Thập Thiện Đức Phật dạy, hành thập thiện thì mới có đủ phước thắp sáng trí tuệ. Và tóm gọn lại, bỏ ác hành thiện là điều tối quan trọng trên con đường tu tập trí tuệ và từ bi.
Người có trí tuệ và từ bi không thể làm việc ác, nghĩ việc ác và nói lời ác. Nếu bạn luôn luôn nói rằng, và khẳng định với mình rằng có trí tuệ và từ bi mà từ Thân – Ngữ – Ý của bạn luôn luôn tạo ra những pháp ác, nói lời thô ác, suy nghĩ ác và hành động ác thì bạn không có trí tuệ và từ bi đâu. Chẳng qua là chúng ta bị mù chữ, thấy chữ “ác” mà tưởng trí tuệ, thấy chữ “ác” mà tưởng là từ bi. Chúng ta vô minh đó, chúng ta ác độc đấy!
Cho nên, trong cuộc sống, tu là để không bị mù chữ, để không bị mù màu, để không bị mù cảm giác. Chúng ta sáng để nhận thức thật rõ, để đừng để cho ba chữ “Lần cuối cùng! Không sao đâu” trở thành một thương hiệu tự lạm dụng quá đáng. Đừng để cho lòng nhiệt thành như ông Thuần Đà mà không có trí tuệ, mang nấm độc trộn lẫn vào nấu cháo dâng cho Phật.
Nếu trên con đường thực tập Phật pháp, chúng ta hòa mình vào trong những sinh hoạt của Phật giáo mà không có trí tuệ thì mọi hành động của chúng ta bởi lòng nhiệt thành đó, không khác gì ông Thuần Đà. Do đó, mà trong Thiền Mật song tu, Bảo Thành đồng tu với các bạn, luôn luôn nhắc nhở cho mọi người và Bảo Thành rằng, trí tuệ và từ bi tối quan trọng trên con đường hòa mình với lòng nhiệt thành để xiển dương giáo pháp của Như Lai trong chính cuộc sống hiện tại của chúng ta qua từng giây, từng phút, từng sát na.
Lòng nhiệt thành tốt mà, nhưng thiếu trí tuệ thì trở thành nguy hại. Lòng nhiệt thành tu tập là tốt các bạn ơi! Học Kinh là tốt, đọc Kinh là tốt, chuông mõ là tốt. Tới chùa, tới thiền thất, tới am thất, tới tịnh xá gặp các bậc tôn túc, các bậc thức giả, thiện tri thức là tốt. Nhưng thiếu trí tuệ, chúng ta chẳng khác gì ông Thuần Đà, dâng bữa cúng cơm cuối cùng cho Phật qua chén cháo được nấu bằng lòng nhiệt thành nhưng vô minh bỏ vào trong nấm độc.
Ta đâu muốn như ông Thuần Đà nữa đâu! Dĩ nhiên ta muốn được như ông Thuần Đà là dâng cúng cho Phật bữa cơm, bữa cháo, bữa cúng dường. Nhưng không thể như ông Thuần Đà vô minh, trộn nấm độc, nấu cháo cho Phật ăn. Chúng ta đã trộn nấm độc từ tư tưởng, lời nói và hành động vào mọi tạo tác trong những sinh hoạt thuần túy của lòng nhiệt thành trong đồng tu, trong sinh hoạt của Phật pháp. Từ nơi chùa, nơi sinh hoạt của các giáo hội, của các nhóm, của các chùa, tịnh thất, bởi vậy trong các chùa, am thất, tịnh xá, các nhóm thường hay lộn xộn, chống kình lẫn nhau là bởi lòng nhiệt thành, dư vô minh, dâng cho nhau những bữa ăn thật ngon nhưng lại có nấm độc bởi không nhận rõ.
Chúng ta, cần phải trở lại một lần nữa xác minh, đừng để cho “lần cuối cùng” như một câu vè nghe xè xè bên tai để lặp đi lặp lại những điều thật sai, gây hại cho ta và cho người. Hãy trở về với trí tuệ và từ bi, xoáy tất cả mọi hơi thở trong Chánh Niệm, tập trung vào trí tuệ và từ bi! Trí tuệ và từ bi, pháp phương tiện thiện xảo của Mẹ hiền Quan Âm đã phổ truyền cho chúng ta. Từ bi – trí tuệ quán rất quan trọng để cho lòng nhiệt thành cầu đạo giác ngộ của chúng ta có sự đồng hành với trí tuệ và từ bi. Các bạn! Và phải chấm dứt ngay điệp khúc “lần cuối cùng”. Không có lần cuối cùng!
Không có lần cuối cùng cho những sự việc sai ta đã tạo ra. Và cũng không có lần cuối cùng cho những điều tốt ta đang làm bằng trí tuệ! Hãy tiếp tục và tiếp tục những pháp tu của trí tuệ và từ bi để lòng nhiệt thành của chúng ta có thể thể nhập vào với trí tuệ và từ bi, năng lượng vi diệu ấy để mang lại hạnh phúc, bình an cho nhau trong cuộc đời này!
Các bạn hãy đặt bàn tay phải – bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái – bàn tay Từ Bi!
Thưa Phật! Lòng nhiệt thành mà không có trí tuệ nguy hại vô cùng. Trí tuệ và từ bi trong Chánh Niệm hơi thở là tối ưu để nhận biết pháp thiện và ác, để bỏ ác hành thiện, thanh tịnh tâm ý. Nguyện cho muôn người hiểu thấu để thể nhập lòng nhiệt thành vào với trí tuệ – từ bi trên con đường tầm cầu sự giải thoát. Xin Chư Phật gia hộ cho chúng con. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở rất từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú: Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Mô Phật! Chúng ta cùng hồi hướng. Thưa Phật! Đồng tu hôm nay, chúng con có tạo được chút phước báu nào, xin hồi hướng tới các chúng sanh đồng thành Phật đạo. Đặc biệt, hồi hướng cho quê hương Việt Nam của chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi đại dịch. Cũng hồi hướng cho hương linh Nguyễn Thị Vân, bác của bạn đồng tu Thùy Dương theo thiện nghiệp mà tái sanh cảnh thiện lành.
Xin Chư Phật từ bi chứng minh.