Thu Hằng đánh máy
Dạ con kính bạch thầy ạ!
Dạ Mô Phật! Bảo Thành xin kính chào toàn bộ quý ông bà, anh chị em và các bạn trong gia đình Phạm Gia Nutrition của chúng ta, chào cô MC khả ái Lê Hà, chào anh Hổ, anh Sơn. Bây giờ chúng ta hãy quay trở về với hơi thở chỉ trong 30 giây, để mình trở về với hiện tại này và cùng chia sẻ với nhau giá trị và năng lượng sống tích cực, mời tất cả mọi người.
Dạ thưa tất cả các bạn thân mến, cuối năm rồi và thông thường chúng ta luôn luôn nhìn lại. Đức Phật nói mình sống cũng chỉ trong một giây và chết cũng chỉ trong một giây, chúng ta có đến 30 giây để nhìn lại sự sống chết nơi hơi thở của mình. Đời người mà thiếu vắng sự nhìn lại sẽ trở nên vô nghĩa, nhìn lại không phải là níu kéo quá khứ, mà là để biết cho rõ và ghi nhận rõ để sống có ý nghĩa. Cuộc sống dù có ý nghĩa hay không ý nghĩa, thì chúng ta cũng thấy ai cũng phải đối diện với hai mặt, khổ đau và hạnh phúc. Nếu sống không có ý nghĩa sự khổ đau sẽ nhận chìm chúng ta, càng khổ, khổ càng khổ. Còn nếu chúng ta sống có ý nghĩa thì chúng ta sẽ thay thế sự khổ đau bằng hạnh phúc. Sự lựa chọn sống khổ đau hay hạnh phúc là tùy ở mỗi một người, không ai có thể ép người khác sống hạnh phúc và bắt người khác sống khổ đau. Mỗi người đều có một sở thích để lựa chọn cách sống riêng của mình. Khi nói về khổ đau, dù bạn chọn hay không chọn nó không có dễ chịu, rất khó chịu, khổ mà, ai mà dễ chịu được đâu, đau mà, ai dễ chịu được.
Chắc chắn các bạn của chúng ta ai cũng từng đã nếm mùi khổ đau trong cuộc đời. Khi chúng ta khổ đau, nếu mình không có nhìn rõ để có một cuộc sống đúng, ta không thoát được, ta không bao giờ thoát được đâu. Mình nghe về Phật nói chúng ta hiểu, Đức Phật truyền đạo cũng chính vì Ngài nhìn thấy chúng sanh khổ đau, mang đạo giác ngộ để hướng dẫn. Mong rằng những ai đang khổ đau thực hành để thoát khổ đau, có được hạnh phúc. Những ngày cuối năm này tổng kết thì nhất định khổ đau cũng có nhiều phần trong năm vừa qua. Khi đón năm mới tới chúng ta có sự quyết tâm thật lớn, là làm sao đó khổ đau càng thiếu, càng vắng mặt trong năm mới, để hạnh phúc càng hiện diện, càng gần gũi, càng tăng trưởng. Bảo Thành và các bạn ai ai cũng mong cầu điều đó và mình hãy cho đây là một nghệ thuật sống đúng để hạnh phúc, để bớt khổ đau, để an vui, thiếu vắng phiền não, một nghệ thuật sống rất đẹp.
Ngày nay có biết bao nhiêu những nghệ thuật đỉnh cao như nghệ thuật và kinh tế, nghệ thuật về trang trí nội thất hoặc vườn cảnh bên ngoài. Sắp Tết rồi không thể cứ mua hoa, mua cây kiểng về xếp cho đầy sân hoặc là ở trong nhà, mà phải có nghệ thuật trang trí hài hòa phù hợp. Nghệ thuật kinh doanh cũng như vậy, rất là nhiều môn nghệ thuật đã được đào tạo, đã được truyền dạy và chúng ta đã học nâng cao tầm sống. Thật rõ trong phòng zoom của chúng ta, như anh Hổ, anh Sơn, gia đình Phạm Gia của chúng ta đã nâng tầm nghệ thuật sống, có ý thức về sức khỏe để không bị những đau khổ về bệnh tật nó dày vò. Cũng nâng tầm nghệ thuật sống để tinh thần sảng khoái hơn, mạnh mẽ hơn, tâm linh trong sáng hơn, phối hợp cả ba.
Nói về nghệ thuật sống nó rất nhẹ và trong đó không có hình ảnh của tôn giáo, nên các bạn và Bảo Thành giữa cuộc đời này không có cái gì ngăn chặn. Vì chẳng tôn giáo cũng chẳng lý lẽ mà là chân lý thật sự trong nghệ thuật sống, để được hạnh phúc an vui. Đức Phật dạy nghệ thuật sống để hạnh phúc, để chuyển hóa khổ đau bằng các duyên lành trong cuộc đời. Ta lược sơ qua nghệ thuật sống Đức Phật dạy và các bạn thấy khi nói về khổ đau các bạn liệt kê được bao nhiêu trạng thái khổ đau. Người học mà không tóm lược từng nhóm để có sự chú thích như chìa khóa thực tập, mà đọc miên man từ trang đầu đến ngàn trang sau, rối lắm. Đức Phật tóm lại những điều khổ đau mà chúng ta thường gặp và không bao giờ nằm ngoài những điều này vì Ngài là bậc giác ngộ. Ai trong chúng ta cũng khổ đau về tâm, khổ đau về thân và khổ đau về hoàn cảnh. Nếu nói khổ đau về tâm thì khổ đau loại này có ba thứ, tâm khổ đau vì tâm cầu, mong muốn mà không được như ý.
Các bạn thấy đúng không, cuộc sống này tâm ta khổ đau dữ lắm, nếu ta cầu mong, ta mong muốn mà nó không như ý. Về mọi mặt, từ kinh tế, tình cảm, sức khỏe, tiền tài, danh vọng, địa vị, cầu mong y như ta muốn không được, khổ đau. Cái thứ hai là phải chia tay với những người mình yêu thương là sự khổ đau lớn nhất, như cha mẹ, ông bà, những người thân từ giã cuộc đời. Ai đã từng có những người thân ra đi khổ đau vô cùng, bao nhiêu năm sau vào những ngày giỗ, vào những ngày kỷ niệm ta vẫn ngậm ngùi. Hoặc là chia tay với một người yêu, một người bạn, một người tri kỷ, một người đồng nghiệp, một người thân, đau khổ dữ lắm. Mùi vị chia tay dẫn đến sự đau khổ này các bạn và Bảo Thành ai cũng từng nếm rồi, đắng cả bờ môi của chúng ta. Sự khổ đau về tâm thứ ba là phải sống chung với những người không hợp gọi là oan tắng hội. Với kẻ thù, với người đố kỵ, với người ghen tuông, với những người luôn làm cho chúng ta bực bội, khổ đau dữ lắm. Các bạn có kinh nghiệm đó chưa, có sự trải nghiệm đó chưa, các bạn đã nếm mùi vị phải sống chung với người không hợp, với người thù hằn mình, với người ghen ghét mình chưa? Có!
Đây là ba thể loại khổ đau về tâm phải nắm thật vững, nhớ được thì mình mới phân loại và biết rõ. Cái gì biết rõ nhất định sẽ chuyển hóa được, những điều không biết rõ đời đời kiếp kiếp không thể thay đổi, dĩ nhiên cái khổ đó sẽ tăng cấp. Khổ đau về thân thì rất rõ, sinh ra là khổ, bệnh là khổ, già là khổ, chết là khổ, Phật gọi sinh lão bệnh tử là khổ đó. Cái khổ thứ ba là về hoàn cảnh, thay đổi môi trường sống, đôi khi đang ở một hãng xưởng ngon lành, bắt buộc phải thay đổi qua một hãng khác không phù hợp, buồn lắm. Thay đổi từ miền Bắc, miền Trung, miền Nam qua những xứ sở vùng miền khác nhau khi chưa hợp, khổ. Thay đổi hoàn cảnh này rất khổ, hoàn cảnh của kinh tế, hoàn cảnh của vợ chồng, hoàn cảnh của con cái, hoàn cảnh của tiền bạc, hoàn cảnh của sức khỏe. Mà chúng ta thường nghe bạn bè hoặc chính ta kể cho nhau nghe “Chị ơi, anh ơi, mẹ ơi, cha ơi, ôi mẹ ơi, hoàn cảnh của tôi như vầy, hoàn cảnh của tôi như kia, khổ lắm”.
Bạn có nghe câu đó chưa? Chắc chắn rồi, những cái khổ như vậy khi nắm vững rồi chúng ta chuyển hóa làm sao?
Theo những nhà tâm lý học, những nhà triết học, những nhà đạo học, thông thái học, họ luôn luôn có nhiều phương pháp rút tỉa kinh nghiệm, để điều chỉnh tâm lý cho mình vững chãi, vượt qua đau khổ. Nhưng Đức Phật lại không thích dùng thủ thuật giải phẫu bằng tâm lý để hết khổ đau. Bởi thủ thuật đó nó chưa có diệt được khổ đau và chưa thể chuyển hóa toàn diện khổ đau. Nó mới là sự lừa dối cảm xúc để ta được vui tí thôi, như đứa trẻ đang khóc cho nó cục kẹo cho nó nín, nó vui. Chúng ta không còn trẻ nữa mà ăn kẹo để hết khóc, hết khổ đau. Nhìn thẳng vào cuộc sống, nhìn thẳng vào hiện tượng chúng ta mới chuyển hóa được khổ đau bằng duyên lành. Các bạn sẽ hỏi vậy duyên lành là gì? Mình luôn luôn so sánh cái tốt và cái xấu, thì bất cứ một chuyện gì khổ đau dù là về tâm cầu không được, mong muốn không như ý. Dù là về tâm phải chia tay người đau khổ, chia tay bạn bè đau khổ, chia tay những chuyện tốt đẹp đau khổ hoặc sống chung với những người không phù hợp đau khổ.
Tất cả mọi mặt thì ngay bên cạnh đó có sự song hành của đối nghịch. Cầu không được thì nhất định vẫn có những điều ta cầu được. Chia tay với người mình yêu thương đau khổ, thì nhất định vẫn còn những người yêu thương khác hiện diện trong cuộc đời. Sống chung với những người thù hằn, thô thiển, khó chịu, thì nhất định vẫn có những người hòa hợp, hiểu thấu ta sống chung. Luôn luôn có sự hiện diện của cái tốt và xấu, tối và sáng, thiện và ác. Phật dạy khi những điều tạo ra đau khổ ta nhìn ngay bên cạnh đó có những điều tạo ra hạnh phúc. Lấy những điều tạo ra hạnh phúc đó như chiếc thuyền, ngồi mà thong dong tự tại để ngắm trời mây sông nước.
Làm được điều đó cần có tánh biết và Đức Phật nhấn mạnh duyên lành đặc biệt nhất mà Bảo Thành, các bạn đều có đó là kho tàng của tánh biết. Khi khổ đau bạn biết khổ đau, khi hạnh phúc bạn biết hạnh phúc, khi phiền não bạn biết phiền não, khi rắc rối bạn biết bạn rắc rối, khi ác, bất thiện bạn biết, khi hiền lành, thiện lành bạn biết, đó mới chính là cái lực thật mạnh để chuyển hóa khổ đau. Các bạn ơi, bạn thấy rồi cuộc sống của mình có nhiều lúc mình không còn biết gì nữa, rối bời, rối rắm, điên loạn, không còn biết gì nữa. Bạn có trải qua hoàn cảnh đó chưa? Bạn đã nếm mùi rối quá không còn biết không? Chắc chắn có và như vậy rối càng thêm rối, khổ càng thêm khổ, phiền càng thêm phiền, thất bại càng thêm thất bại. Biết rất là hay, tánh biết rất là hay, khi gặp một người đối nghịch với mình, chống phá mình mà mình phải sống chung tức là oan tắng hội đó các bạn. Bạn không biết thì bạn càm ràm, bạn chống đối, bạn đấu đá và rồi cứ như vậy khổ thôi.
Nhưng nếu bạn thấu được lời Phật, bạn biết thì trong tâm của bạn liền khởi lên mỗi ý tưởng tuyệt vời. Người này như thế mình nhận diện ra và biết được, ta vẫn còn biết bao nhiêu những người ta yêu thương và yêu thương ta sống bên cạnh. Khi biết được như vậy thì sự bực bội, khó chịu còn có chỗ nào để dung thân. Đặc biệt hơn ở chỗ là chúng ta qua tánh biết đó còn nhận diện được, biết là ta vẫn còn có tình thương quá lớn để bao dung những kẻ thù, những người khó chịu đang sống chung trong môi trường. Biết nữa là biết ta vẫn có tình thương, biết có tình thương, có lòng bao dung và biết luôn cả ta vẫn còn có sự sân hận, khó chịu, bực mình. Những cái biết đó thấm vào trong tâm, làm giàu chất liệu để tăng trưởng giá trị sống đúng của mỗi người. Tánh biết rất hay, khi bạn thất bại bạn không biết, không nhìn rõ, bạn cố làm thêm, sấn tới, bạn càng thất bại. Nhưng khi thất bại bạn biết, bạn sẽ nhìn rõ hơn tại sao thất bại và trong cái nhìn rõ biết đó, thấy rõ đó bạn mới khám phá ra được bạn vẫn còn có kiến thức, vẫn còn có sức mạnh, vẫn còn có trí tuệ. Để thất bại chỗ nào vịn ngay chỗ đó đứng dậy, rút tỉa kinh nghiệm, vươn lên đưa đến sự thành công.
Khi bạn muốn mà không được, bạn khổ, bạn biết cho thật rõ điều gì bạn muốn vừa tầm tay hay không đúng sở trường, cái thích của mình. Cái biết này giúp cho chúng ta tư duy thật rõ để rồi rút tỉa kinh nghiệm, không cầu mong những điều quá ảo mà phát tâm, phát triển đúng mục đích với những việc phù hợp kiến thức, hài hòa với môi trường, phù hợp với hoàn cảnh ta đưa đến sự thành công thôi. Các bạn thấy, cho nên duyên lành lớn nhất của Bảo Thành và các bạn đang có là hiện diện trong cuộc đời này chúng ta vẫn còn tánh biết, rõ mọi hiện tượng đang xảy ra trong cuộc sống của chúng ta, đây chính là duyên lành lớn nhất. Chẳng phải bạn trúng số, bạn có cơ may gặp người này người kia là duyên lành lắm đâu, mà duyên là ở chỗ là bạn biết, Bảo Thành biết, chúng ta vẫn còn thấy biết rõ để nhận diện rằng chúng ta vẫn còn có những khả năng tiềm tàng, siêu việt, chưa ứng xử, chưa ứng dụng, chưa đưa vào để kích hoạt.
Cái biết này chính là cái biết mà Thế Tôn thường nhắc nhở cho chúng ta và Ngài nói đây là một nghệ thuật sống để hạnh phúc, để an lạc. Để giúp cho tánh biết này luôn sáng, luôn ở trạng thái sẵn sàng được kích hoạt, ứng dụng liền và ngay để chuyển hóa khổ đau, thì chúng ta phải thực tập đời sống chánh niệm. Thất niệm tánh biết mất rồi, nó chạy rồi, chỉ có chánh niệm mới có được tánh biết rõ mà thôi. Ngày cuối năm này duyên lành Bảo Thành nói mà chúng ta cùng nghe, nhắc lại lời của Phật đó để chuyển hóa khổ đau chính là tánh biết. Thực hành một đời sống chánh niệm tánh biết luôn luôn có trong chúng ta. Tánh biết trong sự thực hành này giúp cho các bạn, giúp cho mọi người chuyển hóa được khổ đau, sống an vui. Các bạn ơi, nhớ đây không hẳn là một tôn giáo, một tín ngưỡng của Phật giáo hay của ai, mà là một nghệ thuật sống của một đấng đã nhìn thấu, hiểu biết rõ.
Đón nhận như vậy đưa vào thực hành các bạn hết khổ đau ngay và các bạn sẽ không gặp chướng ngại. Nếu như các bạn đang tin theo tôn giáo nào đó, tôn giáo nào cũng cao quý. Nhưng nghệ thuật sống của các đấng giác ngộ cũng rất cao quý và là cao quý tột bậc cho những ai đang muốn giải thoát mình khỏi khổ đau, để tận hưởng sự hạnh phúc ngay bây giờ, tại đây và trong đời này. Bảo Thành xin cám ơn các bạn đã lắng nghe và giờ đây mời chị MC chúng ta cùng chia sẻ những điều Bảo Thành vừa chia sẻ và chia sẻ những kinh nghiệm sống của các bạn, Bảo Thành xin lắng nghe.
Vâng ạ! Cả nhà hãy cùng Hà thả thật nhiều trái tim trên màn hình để gửi lời biết ơn đến thiền sư của chúng ta. Một bài chia sẻ khác rất là ngắn, thế nhưng mà cho chúng ta rất là nhiều giá trị. Thì ngày hôm nay chúng ta đến với chủ đề đó là “Lấy duyên lành để chuyển hóa khổ đau” và Thiền sư có nhắc đến đó là kho tàng của tánh biết. Tánh biết là khi mà chúng ta khổ ta biết khổ, khi chúng vui ta biết vui khi buồn ta biết buồn và khi làm việc ác chúng ta phải biết ta làm việc ác. Cũng không trái với khi chúng ta làm thiện, chúng ta vẫn nhận diện ra là đang làm những việc rất là thiện. Vậy thì tánh biết rõ đây là một nghệ thuật sống mà đấng Thế Tôn đã truyền lại cho chúng ta, để ta có thể tiến tới đến một cuộc sống an lành và hạnh phúc. Để có được tánh biết này thì thầy cũng đã chia sẻ cho chúng ta biết rằng, ta phải có hành về sự chánh niệm mới có tánh biết này. Bởi vì chỉ có sự chánh niệm mới mang lại cho chúng ta được thông tuệ, nhìn rõ được sự thật. Tánh biết này như Thầy nói rất là tuyệt vời, bởi vì tánh biết này không phải của bất kỳ tôn giáo nào truyền cho chúng ta cả. Mà ở đây bất kỳ tôn giáo nào cũng có thể áp dụng được, để mục đích tối hậu chúng ta đạt được là sự an lành và hướng đến sự thánh thiện trong cuộc đời của chúng ta.
Vâng ạ! Một lần nữa con rất là biết ơn đến Thiền sư của con và tất cả phòng zoom, một bài pháp vô cùng là giá trị trong buổi cuối năm của tết Nguyên Đán, cái tết của người Châu Á. Thật sự là ngày hôm nay khi mà con nhận chủ đề đó là “Lấy duyên lành để chuyển hóa sự khổ đau”, nhưng mà xưa nay bản thân con con cũng đang còn miên man lắm, chưa có rõ. Nhưng mà ngày hôm nay được thầy đã chia sẻ, con cảm thấy con đã thông hơn rất là nhiều với chủ đề ngày hôm nay, rất là tuyệt vời. Vậy thì bây giờ chúng ta còn thời lượng để có thể giao lưu với Thiền sư, bởi vì những bài chia sẻ của thầy thì thầy rất là mong muốn được tương tác cùng với cô bác anh chị trực tiếp. Để có thể giải tỏa được những vướng mắc, hay những vui buồn trong cuộc sống cũng có thể chia sẻ và sẽ tương tác trực tiếp với thầy. Vì thầy sẽ giúp cho chúng ta tìm đến sự an lành và hạnh phúc nhanh hơn.
Năm cũ cũng sắp qua rồi, những việc mà năm nay chúng ta đạt được những điều gì, hay chưa đạt được những điều gì, chúng ta nhận được những điều gì hay chưa nhận được những điều gì. Có những người rất là hạnh phúc, có những người thì gặp rất là nhiều sự khổ đau, nhưng không sao, hạnh phúc hay những điều như ý thì rất là tuyệt vời rồi, nhưng nếu chúng ta gặp những điều bất như ý thì cũng không sao cả. Bởi vì Hà nghĩ rằng đó là một nền tảng, một động lực để chúng ta có những bài học để áp dụng cho cuộc đời sau này, để chúng ta đi được một cách nhanh chóng hơn. Cho nên chính vì vậy thì cả nhà có thể chia sẻ, một là chia sẻ những cảm nhận trong buổi tối ngày hôm nay, hai là có những câu chuyện trong cuộc sống riêng tư của mình, mà mình đang còn vướng mắc về những vấn đề gì, thì cũng có thể chia sẻ với Thiền sư trong mỗi tối ngày hôm nay được không ạ?
Trong lúc chờ đợi cô bác anh chị nào có thể suy nghĩ những cảm nhận, những câu hỏi, mà có khả năng chắc là những chủ đề như thế này nói ra thì đôi khi có những sự bình thường. Như bản thân con cũng vậy thôi, trong cuộc sống trước đây khi mà con chưa biết đến Phật pháp, thì đôi khi mình đang còn rất là nhiều tham sân si. Chính vì vậy lúc nào cũng chỉ mong muốn, hình ảnh bên ngoài của mình là muốn được mọi người thấy những ưu điểm của mình thôi. Còn nhược điểm của mình hay là những chuyện không vui trong bản thân mình, hay là trong gia đình nhà mình thì rất là khó nói. Bởi vì khi mà tâm con mở được thì thật sự con rất là biết ơn đến Phật pháp, bởi vì chính Phật pháp đã cho con nhận diện ra được chính bản thân mình. Con quay lại chính mình để con tìm lại chính mình, thì con cảm thấy là có thể ngày xưa nghĩ là không bao giờ mình nói ra được. Nhưng bây giờ dưới một phòng zoom hay một đám đông nào đó, con vẫn chia sẻ những ưu điểm của mình và đồng thời con cũng chia sẻ những khuyết điểm của mình.
Thì cái đó con nhận ra rằng bản thân mình đã biết đến Phật, thì mình đã được hời về khoảng mình đã mạnh dạn hơn và tiếp nhận những cái sai hoặc là những khuyết điểm của mình mà không cảm thấy ngại, mà cũng không cảm thấy xấu hổ nữa, nó rất là tự tin. Chính vì vậy chúng ta là một gia đình, không sao cả Hà nghĩ rằng câu chuyện của cô bác anh chị hay cảm nhận của cô bác anh chị, thì cũng giống như là tất cả mọi người thôi. Không có một ai mà có thể có một con đường màu hồng mà đi từ đầu đến cuối. Chúng ta phải gặp những sự trắc trở, gặp những cái ổ gà hay là gặp những con đường mà nhà nước đang làm chẳng hạn, thì chắc chắn là ai cũng vậy thôi. Nhưng mà câu chuyện thì chắc chắn không phải là ai cũng giống ai, mỗi người có một câu chuyện khác nhau. Thì đâu đó có một việc mà cô bác anh chị chúng ta có thể chia sẻ những cảm nhận, hay những câu chuyện của mình, thì đó lại là động lực có thể chạm đến một ai đó trong phòng zoom. Thì đó là một cách mà chúng ta cũng đang gieo hạt, cũng đang cho đi, rất là tuyệt vời.
Hà cũng chưa thấy cánh tay vàng nào giơ lên, thì Hà có thể là mời vài cô bác anh chị điểm cầu buổi tối ngày hôm nay, có thể giao lưu chia sẻ những cảm nhận. Không cần phải là chủ đề ngày hôm nay, mà có thể là chủ đề ngày hôm qua hay như nào cũng được. Để chúng ta có thể tận dụng những ngày cuối năm như thế này để giao lưu với thầy. Bởi vì Hà nghĩ chắc là phải sang đầu năm mới 2024 của Tết âm lịch, thì chúng ta mới được quay trở lại gặp thầy. Đây là một khoảng thời gian cuối năm, thì Hà nghĩ là cũng rất là nhiều cô bác anh chị hay gia đình cũng đang có thể vướng về việc thờ cúng hoặc như thế nào, thì chúng ta có thể lên đây tương tác cùng với thầy được không ạ?
Dạ, các anh chị và các bạn ơi, đúng chị Hà nhắc bây giờ Bảo Thành mới nhớ, buổi hôm nay là buổi gặp cuối cùng của năm 2023. Sang năm, năm con rồng Giáp Thìn mình phải bay tới sang năm mới gặp nhau một lần nữa. Rồi để tiếp tục năm mới mình có thể chia sẻ những giá trị sống trong năm cũ. Bảo Thành chia sẻ thêm một chút như vầy, cổ nhân thường nói biết người biết ta trăm trận trăm thắng, đó cũng là nói tới tánh biết đó các bạn. Nền giáo dục ở bên Mỹ thuở hồi xưa mà Bảo Thành học ở trung học ở đây, có thật là nhiều lần suốt trong năm có những cuộc thuyết trình của những thuyết trình viên, đến diễn thuyết trong trường trung học, đại học cũng vậy. Khi đọc lý lịch của những thuyết trình viên đó họ giới thiệu à người này là người xì ke bao nhiêu năm, bị bao nhiêu năm trong tù, làm bao nhiêu những tội ác. Thuở đầu khi đọc lý lịch của một người thuyết trình viên tới trường để nói chuyện, để sách tấn, để khuyến khích mình học, mà lý lịch toàn là tội nhân, tù tội, mình thấy kỳ.
Vì ở Việt Nam ta không bao giờ những tội nhân hoặc những người tù tội có cơ hội làm thuyết trình viên, trên những giảng đường lớn của những trường trung học, đại học, không bao giờ có. Các bạn có thấy có không? Không! Thì ở đây Bảo Thành từng nghe rồi và tại sao nghe? Vì tò mò, nhưng sau này mới thấy giá trị tuyệt vời, những vị ấy họ đã lên để chia sẻ những sai lầm, u mê, những vấp té, những thất bại, những tội lỗi của họ trước mặt mọi người. Rồi họ lại chia sẻ thêm sau những sự đau khổ như vậy họ được giáo dục, cải tạo trở lại, nhận ra giá trị sống và họ đã vượt qua, hoàn thiện cuộc sống, trở thành người hoàn lương. Họ chia sẻ quá khứ tội lỗi để thấy được sức mạnh vực dậy mà tiến lên. Đó chính là bài học mà thuyết trình viên luôn luôn gửi xuống và gửi tới cho các học trò, để thấy đừng sợ thất bại, đừng sợ sai lầm, chỉ sợ mình không có được sự giáo dục, không được trợ giúp để cải tạo và không còn tánh biết nửa mà thôi.
Hôm nay chúng ta chia sẻ với nhau, cảm ơn chị MC, mình thói thường che giấu cái xấu, che giấu thất bại. Nhưng những sự chia sẻ tận tình của cái xấu, thất bại của chính mình mới là động lực thật sự cho người khác nhìn vào vì mình đã vượt qua. Nhưng chúng ta lại có thói quen chia sẻ cái xấu, thất bại, cái không hay không phải của mình mà của người khác, với người khác. Đó gọi là thị phi, chuyện xấu, bôi xấu người ta thì đầy hết, nhưng mang cái xấu thất bại của mình ra để nhìn cho rõ và chia sẻ với người khác. Để tìm đường giải thoát hoặc là để như một động lực trợ lực cho người khác sau khi mình vượt qua, mình giấu hoài. Cho nên hôm nay các bạn ơi, ngày cuối của năm này các bạn có thể chia sẻ về tất cả mọi mặt với Bảo Thành, với anh Hổ, anh Sơn, với chị Lê Hà, với cộng đồng gia đình của chúng ta trên phòng zoom này, các bạn giơ tay đi và các bạn chia sẻ, mời các bạn.
Vâng ạ! Trên phòng zoom trong lúc chờ đợi một cánh tay vàng thì em thấy chị Nguyễn Thị Ngoan, chị Ngoan có nghe thấy em nói không ạ? Bên ban tổ chức có hỗ trợ mic cho chị rồi, chị có thể là bật mic của chị lên, em thấy chị rất là chăm chú, chị có thể chia sẻ cảm nhận của mình ạ!
Vâng ạ! Con xin chào thầy, em chào tất cả các cô bác anh chị trong phòng zoom. Hôm nay cũng là một ngày cuối trong năm mà được gặp thầy, được nghe thầy giảng về một bài. Thì con cũng xin chia sẻ thật về cuộc sống của con, là đến đây thì con cũng cứ nghĩ rằng là mình cứ nên mạnh mẽ lên, cứ gọi là sống theo bản năng của mình, không cần để ý đến cảm xúc của người khác. Thế nhưng mà sau nhiều lần như vậy thì con thấy trong các mối quan hệ của con cũng không được tốt đẹp, thì nó hay gây những chuyện tranh cãi, tranh cãi thì mình luôn luôn là đúng. Cho đến tận bây giờ con được nghe thầy nói, con cũng cảm nhận được là trước đây con cũng đã từng sai nhiều. Từ khi con vào trong ngành dinh dưỡng này con được học các buổi tối này, nghe thầy và tất cả những người thầy mà con được học, thì con cũng nhận ra rằng trước đây con đã sai mà con không nhận ra. Con cứ cho rằng như vậy là mình đúng, mình lúc nào cũng phải đôi co, phải nói to và nói nhiều để cho họ nhận ra. Thế nhưng mà thật ra như vậy cũng không phải là mình đúng, đấy chỉ là một cái khía cạnh của mình thôi. Mình chỉ nhìn cái góc nhìn của mình thôi, mình không đứng về phía người khác để mình nhìn sự việc.
Cho nên đôi khi cứ hay cho rằng là mình làm đúng, đâm ra là trong tất cả những mối quan hệ của con cũng không được tốt. Thì con gần như là bắt đầu chuyển đổi dần, con cũng nhận ra là bản thân mình nếu mình nghĩ rằng là mình đúng, thì tại sao có những người người ta chơi cùng với mình thì họ lại thấy rằng mình chưa đúng, nếu mình đúng thì người ta phải công nhận là mình đúng chứ. Thế nên là mỗi khi mà con lại thấy rằng mình cần phải nhìn lại, thì bây giờ con có thể sống chậm hơn một chút, để lắng nghe hơn một chút. Cũng như Thầy nói là đôi khi có những người ta đến với mình người ta khó chịu, thì cũng đôi khi chẳng qua là mình khó chịu với người ta thì người ta mới khó chịu với mình thôi, con nhận ra là lắm lúc con cũng vô lý. Kể cả như trong bữa cơm người ta muốn ăn nhạt mình cứ hay nấu mặn hoặc người ta muốn ăn cay mình không ăn cay, bất đồng quan điểm ngay từ những bữa cơm thông thường như vậy trong nhà nào cũng có. Thế nhưng mà nếu như mỗi người có một sở thích như thế, nhưng mà cứ lấy cái dung dị dung hòa với nhau để sống thì nó sẽ qua. Nếu mà hôm nay nói thế này, xong rồi để trong bụng, rồi mai lại lôi ra, lại thế này thế kia, ông thế này bà thế kia, thì đúng là chẳng ai vừa ai bao giờ. Nhưng mà hôm nay thầy nói như vậy con rất là cám ơn thầy. Chúng ta mỗi khi là phải biết sống với một người khó tính để mình hoàn thiện được bản thân mình hơn, để mình học được sự lắng nghe hơn. Như hôm nay con càng ngày càng nghe thầy thì con càng biết lắng nghe, con biết ơn thầy rất nhiều, cám ơn các anh chị.
Dạ cám ơn chị, chị ơi sống mà mặc kệ chẳng giải quyết được vấn đề, thôi kệ thì mình xoay lưng lại với nhau rồi. Nhưng phải như chị MC Lê Hà nói thông tuệ và để thông vấn đề đó, để tuệ cho rõ chị đã nhìn lại đúng không chị. Chị nói nếu mình đúng thì tại sao người ta không cho lời đúng, tại sao người ta ăn cay mình ăn mặn, rồi cứ thế cãi nhau không dung hòa được. Đó là cái nhìn, nhìn rõ thấy biết mới thay đổi được, nhìn rõ thấy biết đó thì chị đã thông rồi. Mà trong nhà Phật dùng từ gọi là thông tuệ, thông trí và người thông tuệ như vậy là người có tánh biết sau khi nghiền ngẫm, nghiền ngẫm là tư duy. Cám ơn chị đã tư duy sau khi trải nghiệm sự khác biệt, để không trở thành những sự dị biệt lớn, biến mình thành dị nhân. Mà đã chuyển hóa ngay để thông được tuệ, biến mình thành người hòa hợp trong tất cả mọi hoàn cảnh khác biệt mà mình vẫn an nhiên, chị là người đã có tánh biết, cám ơn chị, dạ!
Vâng ạ! Cám ơn chị Ngoan, một cảm nhận chia sẻ rất là tuyệt vời. Những người thông tuệ, có những người có tánh biết như chị Ngoan, thì chị Ngoan cũng là một người đã nhìn lại chính mình và cũng đã khiêm hạ. Chúng ta khiêm hạ, biết mình biết người, con rất là tâm đắc câu nói của thầy là biết mình biết người thì trăm trận trăm thắng. Em chúc chị sẽ tinh tấn hơn trong việc giữ giới và thông tuệ hơn, để có thể tìm đến sự an lành và hạnh phúc trong cuộc sống của mình, em cám ơn chị ạ!
Vâng ạ! Tiếp theo thì em thấy điểm cầu của chị Tuyết Bông, chị Tuyết Bông cũng rất là chăm chú trong buổi tối ngày hôm nay. Chị Tuyết Bông có thể mở mic của mình để chia sẻ những cảm nhận của mình được không ạ, chị Tuyết Bông đang ở ngoài Bắc à, rất là lạnh đúng không ạ, dạ em mời chị.
Em xin kính chào Thầy ạ! Chào cả nhà, em ở Quảng Bình miền Trung, mà ở trong đây thời tiết hơi lạnh. Hôm nay em cũng vào học thì em cũng thấy được rằng là lấy duyên lành chuyển hóa khổ đau, ở đây thì em xin biết ơn thầy đã cho em nhiều bài học hôm nay. Ở đây thì em cũng hiểu được rằng nếu chúng ta muốn thành công, thì chúng ta phải có nhiều khả năng tiềm tàng, nhưng mà chưa ứng dụng được. Em cũng nhận thấy được rằng mỗi một người nhìn thì ai cũng có khả năng tiềm tàng trong con người mình, nhưng mà mình chưa đem ra để mà phát huy được. Mọi cái như bản thân em cũng trong cuộc sống thì con người mình đôi khi cũng tham sân si, cũng lấn chiếm. Nhưng mà những bài học của thầy từ trước, em khi mà gặp phải những buổi tham gia có thầy mà em cũng hay thường vào học, thì cũng giống để phát triển bản thân hơn. Giống như hôm nay thì cũng chuyển hóa được bản thân, có thể là mình có những cái mình biết và có thể con người mình cũng đỡ biết thêm sân si hơn và đỡ biết nóng giận hơn. Như mình trong mọi việc có thể xử lý tỉnh trí hơn là từ những những bài học của thầy từ những tháng trước. Thì cũng năm hết Tết đến rồi em cũng xin gửi đến thầy lời chúc sức khỏe đầu năm mới và chúc cả nhà nhiều sức khỏe, biết ơn thầy rất nhiều ạ!
Dạ cám ơn chị thật là nhiều, như chị Bông nói đúng rồi, ai trong chúng ta cũng tàng chứa những tiềm năng vi diệu. Nhìn lại, thấy, thực tập để sử dụng mình sẽ thay đổi được cuộc sống của mình và sẽ bớt khổ đau. Chúc các bạn luôn luôn nhìn lại chính mình dạ!
Dạ em rất là cảm ơn chị Bông và sự chia sẻ của chị rất là tuyệt vời. Tiếp theo em thấy một điểm cầu rất là quen thuộc, anh Nguyễn Đại Ninh, chúng ta nếp mà chúng ta phải có tẻ thì mới hài hòa đúng không ạ! Vâng ạ, anh Ninh ơi, anh có thể chia sẻ cảm nhận của anh trong buổi tối ngày hôm nay ạ! Vì em thấy anh rất là chăm chú, rất là tinh tấn, ngày nào cũng vậy chương trình của thầy anh không sót ngày nào, vâng ạ em mời anh!
Hôm nay học bài sống có ý nghĩa và chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc. Bài học của Thầy thật là có ý nghĩa trong đời sống, thì Ninh cũng rất là tâm đắc bài học của Thầy và cũng có tóm được lại, chăm chú ghi lại được một số ý như thế này. Nhưng mà thực chất để phát biểu cảm tưởng cái bài này thì cũng rất là khó, Ninh cũng xin tóm lược lại một số ý chính mà Ninh đã ghi nhận được, cũng chia sẻ lại cùng tất cả mọi người. Đồng thời rất là cám ơn thầy đã truyền đạt lại cho Ninh được ghi nhận như sau: Thì trong mỗi người ai cũng có sự lựa chọn, chắc chắn rằng trong mỗi chúng ta đều có những khổ đau. Nếu lựa chọn đúng thì sẽ có một cách sống đúng hơn. Điều Đức Phật truyền đạo cho chúng ta cũng bởi vì là chúng sanh khổ đau, đạo là để thực hành những khổ đau để chuyển hóa thành hạnh phúc. Trong những ngày cuối năm này chắc chắn rằng ai cũng có khổ đau và mong muốn rằng điều khổ đau đó sẽ bớt đi và thay bằng những niềm hạnh phúc. Ngày nay có rất là nhiều cách sống phù hợp và nâng tầm lên rất là cao thành một nghệ thuật sống mới là trong sáng hơn. Nghệ thuật sống đó rất là nhẹ nhàng, chuyển hóa khổ đau bằng hạnh phúc.
Để chuyển hóa được khổ đau bằng hạnh phúc thì chúng ta phải liệt kê được những cái khổ đau, đó là khổ đau về tâm, khổ đau về thân và khổ đau về hoàn cảnh. Trong khổ đau về tâm thì chúng ta có ba cái khổ đau chính, thứ nhất là khổ đau cầu mà không được. Chúng ta cầu mua nhà mà không được thì cũng khổ đau, lấy vợ chọn cô này cô kia không được thì chúng ta cũng khổ đau,… Khổ đau thứ hai của tâm là chia tay với những người thương yêu nhất, với những người thân cận trong gia đình của chúng ta ra đi, những khổ đau đó còn mãi mãi và rất là nhớ nhung. Khổ đau về tâm thứ ba là sống chung với những người không hòa hợp, đấy thực sự là khổ đau này rất là dai dẳng. Sự thật trong đời sống mỗi một gia đình rất là nhiều điều này xảy ra, nhưng mà có lẽ vì mối quan hệ gia đình, sống vì con, vì gia đình, vì vợ, vì chồng. Cho nên những điều này phong tục tập quán Việt Nam là người phụ nữ thường hay nhường nhịn và để có một cuộc sống hạnh phúc.
Cái thứ hai là khổ đau về thân, thì khi chúng ta đã sinh ra thì sinh lão bệnh tử thì đều mang đến khổ đau, đặc biệt là trong những quãng đời lão, bệnh và tử. Khổ đau tiếp theo thứ ba là khổ đau về hoàn cảnh, chúng ta luôn luôn đổ lỗi cho thay đổi hoàn cảnh là sẽ khổ đau, thay đổi kinh tế, thay đổi duyên nợ vợ chồng và thay đổi sức khỏe,.. tất cả mọi lý do chúng ta cũng đều cho là khổ đau. Theo nhiều nhà tâm lý học thì có rất nhiều cách để chuyển hóa từ khổ đau và trở thành hạnh phúc. Nhưng thực chất theo thầy truyền đạt đó là những cách chuyển hóa tạm thời thôi, chỉ khi chúng ta nhìn vào trong sâu thẳm trong thâm tâm ta nhận ra, khi đó mới chuyển hóa khổ đau được. Ví dụ như khi khổ đau ta biết khổ đau, hạnh phúc ta biết được hạnh phúc, thì mới chuyển hóa được. Ví dụ như khi ta gặp một người đối nghịch phải sống chung, mà càng đấu đá thì sự khổ đau đó càng tăng lên gấp bội mà thôi.
Nhưng khi ta nhận ra rằng trên cuộc đời này có rất là nhiều cuộc sống yêu thương, ta quay lại yêu thương những người đối nghịch đấy, thì vấn đề đó ta đã chuyển hóa được khổ đau ở đó. Khi ta biết thất bại mà ta cố làm cố lên thì thất bại càng lớn dần, nhưng khi sự thất bại đó ta rút ra được kinh nghiệm để mà vượt lên, thì đó là một cách chuyển hóa khổ đau. Khi ta nhận ra rằng trên cuộc đời này có rất là nhiều người yêu thương và cuộc sống này rất là hạnh phúc, ta phải nhận biết rằng cuộc sống này để dành cho những người yêu thương mà thôi. Thực sự là ta phải luôn luôn thực tập đời sống chánh niệm, đây chính là cách, là một nghệ thuật sống chuyển hóa khổ đau. Chúng ta phải nhìn vào bên trong của ta đây, như Thầy nói biết người biết ta thì trăm trận trăm thắng.
Xin thưa thầy như thế này về bản thân tôi, vấn đề nhận biết này thì thật sự mà nói nhận ra những vấn đề, giống như những đối nghịch ở trong cuộc sống và bản thân mình, thì thật ra không phải mình không biết. Nhưng mà để mình thực hiện được điều đó rất là cực kỳ khó, giống như trong cuộc sống vợ chồng hoặc là trong cuộc sống đồng nghiệp với nhau, nhiều khi mình cũng rất là hay đấu đá, rồi hay nói này nói kia. Chuyện này đấu tranh ra thì nhiều khi trong thực tế thì đấu tranh để mà phát triển, nhưng mà khi mình nhường nhịn và mình kiềm chế được chuyện đó, là mình luôn luôn biết. Nhưng mà khi vào hoàn cảnh, bối cảnh thực tế đấy thì sự nhường nhịn và cái tôi của mình là lúc đó nó cũng không kiềm chế được. Điều này theo Ninh nghĩ là cần phải có một thời gian dài tu tập, một thời gian dài chánh niệm thì mới có thể chuyển hóa được. Trong tâm của mình mình mới biết cách chuyển hóa khổ đau này, như thầy nói thì không phải chúng ta là một ngày, hai ngày mình có thể chuyển hóa được đâu, vấn đề này rất là nan giải. Xin cám ơn thầy, cám ơn ban tổ chức, cám ơn anh Sơn, anh Hổ và cám ơn cô dẫn chương trình.
Dạ cám ơn anh Đại Ninh, chúc anh năm mới vui vẻ, cám ơn sự tóm lược của anh. Thưa các bạn, đúng, trên đời này không có cái gì dễ, nhưng ngược lại cũng không có cái gì khó, chỉ cần chúng ta có một lòng quyết tâm sẽ thay đổi được. Chúc một năm mới tất cả các bạn có một sự quyết tâm dũng mãnh, cầu tiến để vượt qua. Chúng ta là một tập thể san sẻ giá trị sống đích thực, nương vào những sự vấp té của nhau, rút tỉa kinh nghiệm, học hỏi những sự thành công của nhau, để cùng vươn lên tiến tới. Cám ơn gia đình Phạm Gia thật là nhiều, xin biết ơn, dạ!
Vâng ạ! Cám ơn thầy, cám ơn lời chia sẻ của anh Ninh rất là tuyệt vời, anh ghi không thiếu một chữ nào. Anh là một người rất là tinh tấn, bất kỳ một chương trình nào, một buổi nào của thầy thì em chưa thấy hôm nào anh không có mặt cả, rất là tinh tấn. Không những anh ngồi rất là chăm chú anh nghe và anh ghi chép lại từng chữ từng chữ mà thầy nói ra, rất là tuyệt vời. Em tin chắc rằng là anh sẽ giải thoát được sự khổ đau, bởi vì bản thân anh cũng là một người tinh tấn. Tuy nhiên thì anh nói là anh chưa hiểu kỹ hơn về chủ đề mà Thầy chia sẻ, cho nên là anh chỉ có những cảm nhận khi mà anh tranh thủ anh viết lại những lời thầy nói, nhưng điều đó thật sự ra là em rất là nể anh. Phải là một người có sự chuyển hóa và sự mong muốn xuất phát từ trong tâm của mình, thì anh mới làm được điều đó. Em cảm nhận được là khi anh chia sẻ những bài học ngày hôm nay, là lời của thầy nói lại không sót một lời nào khi mà thầy đã nói ra. Thì em rất là biết ơn anh, anh là một tấm gương để em soi đấy ạ và em chúc anh sẽ tinh tấn hơn trên con đường để chúng ta tìm về giới tuệ, để chúng ta có thể thoát khỏi sự khổ đau một cách tinh tấn, em rất là biết ơn anh.
Bây giờ thời lượng của chương trình cũng đã kết thúc, một lần nữa thay mặt ban tổ chức và tất cả cô bác anh chị trong phòng zoom, con kính chúc Thầy có một sức khỏe dồi dào và chúc Thầy năm mới của Tết Nguyên Đán, Tết của người Việt, năm mới an khang thịnh vượng. Con chúc thầy có thật nhiều sức khỏe hơn nữa, để thầy có thể lan tỏa được những bài học, những giá trị, những kho báu mà Đức Thế Tôn truyền lại. Để dẫn dắt chúng con biết đến với Giới – Định – Tuệ, để giúp chúng con có thể thoát khỏi sự khổ đau và không dính mắc vào nó nữa một cách tinh tấn nhất. Vâng ạ, con rất là biết ơn thầy và một lần nữa cũng kính chúc cô bác anh chị, các bạn có một giấc ngủ thật là ngon trong mỗi tối ngày hôm nay. Vâng ạ, rất là biết ơn Thầy, cả nhà hãy cùng Hà thả thật nhiều trái tim trên màn hình ạ, để gửi lời biết ơn đến thiền sư của chúng ta. Cả nhà ơi, Hà mở mic ra rồi ạ, thì ngày hôm nay chúng ta có thể bật mic lên, ban tổ chức đã hỗ trợ mic cho cô bác anh chị rồi, chúng ta có thể gửi lời Happy New Year đến Thầy, bởi vì ngày hôm nay là ngày cuối rồi, chúng ta phải sang 2024 mới được gặp thầy.
Trước khi mình Happy New Year thì Bảo Thành biết ơn anh Hổ, anh Sơn, cô MC, các cộng tác viên và tất cả gia đình, bạn bè Phạm Gia Nutrition, cũng như các bậc thông tuệ thường dạy trên kênh zoom Phạm Gia Nutrition này, Bảo Thành biết ơn thật là nhiều và chúc một năm mới an lành tới tất cả mọi người chúng ta!
Vâng ạ! Chúc thầy năm mới Happy New Year! Chúc Thầy một năm mới thật an lành hạnh phúc ạ!