Tuệ Uyên đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Mô Phật! Bảo Thành xin kính chào quý thầy, quý sư cô, các bạn đồng tu. Chúng ta hãy cùng nhau với một lòng thành kính quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca mâu Ni Phật!
Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và gia trì cho chúng con tinh tấn miên mật hành trì Mật thiền chánh pháp, Chánh niệm hơi thở để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh thức, hành các pháp thiện, quán chiếu thấu được vạn pháp là Vô thường, là Khổ, là Vô ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ, tất cả những người yêu thương đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho ông bà, cha mẹ và hàng đệ tử chúng con thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Đồng nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc, xin chư Phật từ bi chứng minh.
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Chúng ta hãy cùng nhau ngồi xuống tĩnh tại thân tâm, trở về với hơi thở, mang tánh biết nhận rõ, ghi rõ mọi cảm xúc, suy nghĩ trong hiện tại. Nương vào tha lực của mật ngôn quán chiếu tâm từ bi, trí tuệ, tỉnh giác, thiện lành để thấu rõ được bản thể hiện tại của chính mình, tiếp hiện năng lượng và hồi hướng cho nhau.
Chúng ta hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn:
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 biến)
Các bạn đồng tu, hơi thở bình thường, ai cũng sống bởi hơi thở còn. Ai cũng có hơi thở, ở đâu, môi trường nào, hoàn cảnh nào, dù sung sướng hạnh phúc, đau khổ hay phiền não, bệnh hoạn hay khỏe mạnh, hơi thở vẫn đó để tiếp nối sự sống cho mọi người. Gần gũi và là cốt lõi của đời người vì đã là người sống hơi thở là của ta. Nhưng mấy ai mang hơi thở ứng dụng để thoát khổ, để chuyển nghiệp. Phật dạy và nhắc nhở, mọi người hãy luôn nhớ tới hơi thở và mang hơi thở ứng dụng vào cái tánh biết trong Chánh niệm để sống với thực tại, không lăn trôi trong những cái hư ảo của quá khứ và chẳng thả mình cất cánh bay theo những ảo vọng của tương lai. Ngày xưa, những điều Đức Phật dạy thật rõ, nhưng vì những cuộc chiến của nhân loại kéo dài, kinh sách và lời Phật thật khó tiếp cận. Trong dân gian cuộc sống này, ông bà, những người đi trước cứ truyền miệng nhau những điều cao đẹp, rút tỉa được qua sự trải nghiệm của cuộc sống thực tế. Kinh nghiệm cao quý rút tỉa đó đáng được giữ gìn và thực hành theo. Nhưng thực ra chưa phải là những điều mà bậc giác ngộ nhìn thấu hiểu biết truyền lại.
Như câu “có thờ có linh, có kiêng có lành”. Và thế chúng ta thấy ông bà người xưa đi chùa thấy chùa, thấy miếu, thấy điện thờ vị này thờ vị kia, ta sợ lắm. Và có thờ có linh, những cái tượng thờ cả trăm năm bình nhang đen thui. Và rồi điện thờ đó, chùa chiền đó, những cái nơi miếu đó khói ám hết đen thui, bước vào hương khói mịt mù, ta thấy linh quá linh quá, đây đúng là chỗ linh. Từ “tâm linh” xuất hiện ở cái chỗ “có thờ có linh”. Mà hồi xưa ít ai nói tới từ “tâm linh” lắm. Độ khoảng từ thập niên 80 người ta mới bắt đầu nhắc đến. Những kinh sách nhà Phật được bậc cao tăng hạng đức nghiên cứu dịch thuật qua tiếng Việt. Và ta, người Phật tử thời đó cho tới nay có cơ hội tiếp cận kinh sách qua nhiều phương tiện mà hình như trong kinh nhà Phật không nói đến chữ “tâm linh” theo kiểu diễn bày hiện thời. Nó xuất hiện rầm rộ và phát triển rộng lớn độ khoảng 1986. Và tới nay hai chữ “tâm linh” đã trở thành thương hiệu, nó chẳng thuộc về tôn giáo nhưng đã trở thành thương hiệu. Người ta kiếm ra nhiều tiền cũng từ cái thương hiệu “tâm linh” này, chúng ta đi tới chỗ này chỗ kia vô tình đã tiếp thị cho họ: “Ở nơi đó tâm linh linh thiêng, các bạn hãy du lịch tâm linh.” Nơi bán đồ tâm linh và hai chữ “tâm linh” nó còn cuốn vào hai chữ đầu nữa cho nó rùng rợn ghê gớm hơn đó là “thế giới tâm linh”. Ít nhiều gì trong chúng ta cũng dùng cái từ này, “thế giới tâm linh”. “Du lịch tâm linh” chứ có ai dám nói từ “du lịch tôn giáo” đâu, bởi tôn giáo là học những cái điều cao đẹp, chẳng ai dám nói tôn giáo. Những chùa chiền lớn ngày nay xây dựng ở nơi mà các bậc tổ hồi xưa thì những nhà du lịch cũng phải dùng từ “du lịch tâm linh” không ai nói “du lịch tôn giáo”. Các đây mấy năm có cái tiệm gì ở trên Sài Gòn họ nghe cũng quen quen lấy cái “Buddha” làm thương hiệu cho một quán bar bị người ta kết án. Đó ai dám nói cái thương hiệu du lịch tôn giáo, du lịch Phật giáo, du lịch Thiên Chúa giáo, du lịch Hồi giáo đâu? Thương hiệu đó người Á Đông không thích. Ta không nói đến vấn đề đó mà nói đến thế giới tâm linh theo suy nghĩ đúng.
Hai chữ “tâm linh” của người xưa được hiểu thấu. “Tâm linh” không phải là thế giới tâm linh huyền bí mà ngày nay chúng ta được nghe và diễn bày qua các khoa nghi tế tục áp hồn áp xác cầu cúng. Mà tâm linh người xưa định nghĩa thật rõ “tâm linh” là trí tuệ, là thiện lương, là hướng thượng. Và Đức Phật không phải là một nhà tâm linh, là một vị thần thánh. Chữ cho nó đơn giản, Ngài là một bậc tỉnh thức, người tỉnh thức thì có trí tuệ, người tỉnh thức thì có tâm từ bi, người tỉnh thức thì biết hướng thượng, hướng thiện và hành thiện trong mật thiền. Hai chữ “tâm linh” thật rõ trong bốn mật ngôn ta học: Từ Bi-Trí Tuệ–Tỉnh Giác–Thiện Lành. Hướng thượng trong bốn mật ngôn là Mu A Mu Sa. Bậc tỉnh thức là Đức Phật nghĩa là Ma Sa Ốp Uê. Người tỉnh thức Ma Sa Ốp Uê thì có tâm từ bi Mu A Mu Sa và có cái nhìn sáng suốt trong cuộc đời của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để hướng thiện và hành thiện. Hướng thiện là Sa Bi Mô U. Bốn mật ngôn này mang ý nghĩa thật sâu, chẳng hời hợt cạn cợt như ta cứ đọc cho có. Không. Là chất liệu phải thẩm nhập vào trong tâm qua từng hơi thở thật sâu, thật tịnh, thật lắng đọng để tánh biết cảm nhận, ghi nhận thật rõ, sửa những cái sai thành những cái điều đúng tốt, giữ tâm cân bằng, thấu được thực tại ngay bây giờ, ở đây. Đó gọi là tâm linh. Hiểu như vậy là người hiểu được lời Phật dạy vì Ngài là bậc tỉnh thức. Ta đang u mê, ta trở về nương vào hơi thở Chánh niệm của Từ Bi-Trí Tuệ–Tỉnh Giác–Thiện Lành để được thức tỉnh như Ngài. Và như vậy, ta loại trừ những cái níu kéo của quá khứ, ta không vươn bàn tay vượn của loài khỉ mong muốn ôm ấp những huyền ảo tương lai. Mà ta trong Chánh niệm thực tại thấy biết thật rõ, ghi nhận thật rõ và tưới tẩm vào trong những cái thấy biết cảm xúc của chúng ta, suy nghĩ của chúng ta, dùng năng lượng của yêu thương, của sự sáng suốt trí tuệ, của sự tỉnh thức, của sự hướng thiện. Điều ấy là Phật tử tại gia rất cần để chúng ta từng bước từng bước chuyển hóa mọi ưu phiền đau khổ. Điều này quý lắm.
Có thờ có linh, có kiêng có lành. Nếu chúng ta chỉ tin theo một cái mặt được truyền lại từ người này qua người kia bởi miệng, rồi truyền thống, bởi văn hóa, bởi tập tục thì tạo thành một cái luồng năng lượng chiêu cảm, ta sao, nghĩ sao thì chiêu cảm điều ấy. Thế nên, cái thế giới tâm linh luẩn quẩn và được cài đặt vào trong cái ảo tưởng của từng người đó rồi gán ghép vào trong cái ngôn ngữ thế giới tâm linh đã chiêu cảm vào trong tâm, thâu vào nơi ấy, phát ra hằng ngày. Luẩn quẩn như gã què ăn quẩn, ta què cái cuộc sống tâm linh, ta què quặt tình thương Chánh niệm tỉnh giác yêu thương. Nên ta quẩn vào cái có thờ có linh có kiêng có lành, truyền thống xưa truyền lại và tôn tạo trở lại cái thế giới tâm linh. Để rồi những người làm ăn mượn hai chữ “tâm linh” đó khuếch trương cho lớn thành du lịch tâm linh. Cái ngành này kiếm bộn tiền nhưng tạo vô số nghiệp. Và chúng ta với những cái cuộc sống quá vất vưởng đau khổ, cũng chẳng thiếu như tìm một chút gì đó để thỏa mãn những ước muốn của mình để tìm những cái cảm xúc mà ta mong muốn. Và từ ấy ta thấy linh quá. Nhưng thật ra chỉ là những chiêu cảm. Chính ta đã chiêu cảm những phần ấy vào trong đầu.
Phật không dạy cho ta chiêu cảm những điều ham muốn bởi nó khởi lên từ tâm tham. Tham cầu mà chiêu cảm, bệnh hoạn mà chiêu cảm rồi phiền não lung tung beng hết từ đó mà thành. Phật là bậc tỉnh thức, là bậc Ma Sa Ốp Uê, đấng tỉnh giác, đấng đại giác đại ngộ, nhìn thấu suốt mọi hiện tượng của vũ trụ, mọi hiện tượng, mọi pháp. Và để loại trừ đau khổ phiền não trong cuộc đời này, Ngài nhìn thấu chỉ có tình thương, chỉ có Mu A Mu Sa. Và khi người biết ứng dụng nhìn thấu cái tâm Mu A Mu Sa là người có trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang và từng bước, từng bước chúng ta đạt được cái sự tỉnh thức Ma Sa Ốp Uê để những điều thiện lành hướng thượng. Ta làm từ cái tâm chân thật khởi lên, chẳng mong cầu đạt được một điều gì. Sống rất thực tại, tự tại. Thần thông là tự tại, cao siêu ngay chỗ đó. Tâm linh vi diệu chứ không huyền bí mù mờ chẳng hiểu. Phật là bậc tỉnh thức, là trí tuệ, là hướng thượng, là từ bi, là thiện lành, rất minh bạch, rõ ràng, chẳng mù mờ. Do vậy chúng ta ngày nay khi nói đến thế giới tâm linh thì thôi bỏ cái “thế giới” đi, hiểu cho thật rõ tâm linh là từ bi, là trí tuệ, là tỉnh giác, là hướng thiện, thiện lành. Đó mới gọi là tâm linh. Đừng xô đẩy cuộc đời nghiệp chướng của chúng ta vào cái vòng xoáy của thế giới tâm linh, tạo ra những cái chùm năng lượng u tối bất tịnh để chiêu cảm nghiệp thức khác, làm cho ta lăng quăng hoài, rồi biến thành những con muỗi hút hết công đức và phước báu của tự thân cũng như của Cửu huyền còn truyền lại cho chúng ta.
Các bạn, trong những tháng ngày này, thế giới đang quằn quại trong những cuộc chiến tranh giành về địa lý, quyền lực, tiền bạc, khác biệt của dân tộc, của niềm tin, của tôn giáo. Đặc biệt ở Trung Đông, chúng ta thấy rất cần sự hiểu thấu để không lầm lạc, quẩn quanh trong cái thế giới tâm linh giải thích không có sáng tỏ, đưa vào sự mù mờ tâm thức, gây ra chiến tranh nữa. Nương vào hơi thở của Chánh niệm để thấu được tâm linh của chúng ta là từ bi, là trí tuệ, tỉnh giác, thiện lành, hướng thượng. Hành trì cho đúng qua từng hơi thở, sống thật rõ với thực tại ngay bây giờ và ở đây. Đó mới gọi là vi diệu, là linh thiêng. Linh thiêng là được sống ngay trong hiện tại, không chết chìm trong quá khứ, không lăn trôi theo ảo tưởng u ám, linh thiêng lắm. Vì sự linh thiêng trong Chánh niệm sẽ thắp sáng trí tuệ, sẽ có tình thương rộng lớn để lan tỏa ngát hương cõi trần. Và sẽ có được sự tỉnh thức viên mãn nhìn thấu rõ để xả buông và từng bước trong cuộc đời ta biết mang cái trái tim của kiếp người bình thường nhưng không tầm thường, san sẻ tình thương tới muôn người. Đó mới là thế giới tâm linh vi diệu cao siêu. Các bạn, chúng ta hãy trở về với hơi thở của Chánh niệm.
Thưa Phật, xin Ngài gia trì cho chúng con miên mật và có niềm tin thật sâu, vững chãi để thực tập lời dạy của Ngài một cách thật rõ, để Chánh niệm thấy biết trong từng sát na của cuộc đời.
Hít vào bằng mũi, phình bụng ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho nhau:
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 biến)